Thứ Hai, 23 tháng 1, 2017

20170123. VIỆT NAM ĐIỀU CHỈNH RA SAO KHI MỸ RÚT KHỎI TPP?

ĐIỂM BÁO MẠNG
CÓ TTP HAY KHÔNG VIỆT NAM CŨNG PHẢI CẢI CÁCH
MINH TÂM/ KTSG 22-1-2017
Kết quả hình ảnh cho tpp
Cách thời điểm ông Trump tuyên bố sẽ rút khỏi TPP ngay ngày đầu tiên nhậm chức khoảng một tuần, hôm 15-1, ông Herb Cochran, Giám đốc điều hành Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham) khu vực TPHCM đã chia sẻ thông tin mới nhất về TPP mà ông cập nhật được sau chuyến về Mỹ đón năm mới với nhiều doanh nghiệp Việt Nam.
Theo ông Herb Cochran, TPP đang bị trì hoãn so với kế hoạch ban đầu. Tuy nhiên, nhiều thượng nghĩ sĩ, lãnh đạo đảng tại Mỹ thì vẫn cho rằng, cuối cùng thế nào TPP cũng sẽ được thông qua, dù chậm trễ, tương tự như hiệp định thương mại giữa Mỹ và Hàn Quốc từng bị chậm 5 năm so với kế hoạch. Bản thân ông Herb Cochran cũng luôn tin tưởng điều đó.
Cũng theo ông Herb Cochran, việc cắt giảm thuế của mặt hàng may mặc, nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn từ Việt Nam đi Mỹ, trong TPP không phải được áp dụng ngay lập tức ở mức 0%. Phải đến năm thứ 12, 13 sau thời điểm TPP có hiệu lực thì thuế của nhóm mặt hàng này mới về mức thấp.
Vì vậy, với tất cả những diễn biến này, ông Herb Cochran cho rằng, Việt Nam cần đổi chiến lược: thay vì chăm chăm vào TPP thì nên tập trung vào tạo thuận lợi thương mại bằng logistics và thời gian vận chuyển.
Hiện tại, thời gian nhập khẩu hàng từ Mỹ về Việt Nam mất 15-16 ngày vận chuyển cộng với 21 ngày thông quan hải quan. Như vậy là quá lâu.
Mục tiêu mà cả hai bên đang hướng tới là còn 48 giờ vào năm 2018, giảm 20% chi phí thương mại cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Hai bên cũng đã ký hiệp định tạo thuận lợi thương mại với hàng loạt nội dung. Tất nhiên, việc triển khai các hoạt động rất phức tạp. Điều chắc chắn là các cơ quan phải đoàn kết, phối hợp, cam kết và quyết tâm.
Và kinh nghiệm được ông Herb Cochran rút ra sau một thời gian dài hợp tác thúc đẩy tạo thuận lợi thương mại ở Việt Nam, đó là: (1) đối thoại phải có mục đích, nhắm đến từng vấn đề, giải quyết xong thì mới chuyển sang vấn đề khác; (2) quan trọng là sự triển khai của cấp dưới, dù lãnh đạo cấp cao đã phát biểu, khẳng định và (3) tránh lợi ích nhóm.
Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, Đại học Fulbright Việt Nam tại một sự kiện của Câu lạc bộ Doanh nghiệp dẫn đầu (LBC) diễn ra giữa tuần rồi cũng nhận định, có TPP hay không thì Việt Nam cũng phải cải cách, thay đổi. Bởi lẽ, sức ép phải cải tổ đã rất lớn: thâm hụt ngân sách rất cao; nợ công đụng trần; dư địa ngân sách ngày một eo hẹp; tình hình già hóa dân số, năng suất lao động giảm; biến đổi khí hậu… Trước mắt, ngay trong năm 2017, Việt Nam sẽ phải chèo lái trong một thế giới đầy bất định.
Chính phủ mới đã đưa ra hàng loạt thông điệp. Thứ nhất, là thay đổi mối quan hệ giữa Chính phủ với doanh nghiệp mà theo đó Chính phủ đóng vai trò kiến tạo, phục vụ, liêm chính và hành động. Thứ hai, ưu tiên chất lượng tăng trưởng thể hiện ở việc không chạy theo tốc độ tăng trưởng bằng mọi giá; chú trọng năng suất, đổi mới, sáng tạo. Và ba là hướng tới tăng trưởng bền vững: không đánh đổi môi trường vì tăng trưởng.
Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp Việt Nam phải nhìn nhận, đánh giá tình hình để có những bước đi phù hợp, tồn tại và phát triển.
VIỆT NAM CẦN ĐIỀU CHỈNH RA SAO SAU KHI MỸ RÚT KHỎI TPP?
BBC/ BVN 23-1-2017
clip_image002
Tổng thống Donald Trump và tân chính phủ của ông tuyên bố rút Hoa Kỳ khỏi TPP chỉ vài giờ sau khi ông nhậm chức. ảnh Alex Wong/Getty
Việt Nam cần chú ý hơn tới thị trường châu Âu, trong khi cân bằng lại cán cân mậu dịch với Trung Quốc, đó là một vài điểm mà Việt Nam cần cân nhắc sau khi Chính phủ Hoa Kỳ vừa có tuyên bố chính thức rút nước này khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), theo ý kiến nhà quan sát.
Không lâu sau khi tuyên thệ nhậm chức, chính phủ của tân Tổng thống Donald Trump đã ra thông báo nước này rút khỏi TPP và tái đàm phán lại Hiệp định Mậu dịch Tự do Bắc Đại Tây Dương (NAFTA), theo truyền thông quốc tế, Tạp chí Châu Á Nikkei hôm 21/01/2017 đưa tin và nhận xét:
“Ông Trump được chờ đợi sẽ có một lập trường cô lập, bảo hộ mậu dịch hơn và cộng đồng quốc tế đang quan ngại là Hoa Kỳ sẽ tiếp tục thu mình lại trong nội bộ,” tạp chí mạng từ Nhật Bản viết.
Bình luận từ CHLB Đức hôm thứ Bảy về quyết định với TPP của chính quyền của Tổng thống Trump, kinh tế gia Tôn Thất Thông, nhà quan sát từ châu Âu nêu quan điểm với BBC:
“Quyết định rút khỏi TPP của Mỹ đối với Việt Nam chắc chắn cũng có ảnh hưởng, nhưng ảnh hưởng không phải là lớn lắm”.
Theo chuyên gia này, Việt Nam và Mỹ vẫn còn trong vòng điều chỉnh của các hiệp định mậu dịch song phương mà hiệu lực vẫn còn duy trì ‘ít nhất trong vòng vài năm tới’, ông nói:
“Trong khoảng thời gian này, Việt Nam mà khôn khéo, tiếp tục thương lượng với Mỹ với điều kiện tương đối khá tốt đẹp, như vậy, sẽ có lợi cho Việt Nam. Điều mà tôi sợ trong quyết định của ông Trump đối với TPP là sợ rằng qua đó Nhật Bản họ cũng sẽ rút lui khỏi TPP, thì đấy là một thiệt thòi lớn đối với Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á”.

Trên bàn cờ mới

Về triển vọng quan hệ thương mại Việt - Mỹ, kinh tế gia từ Đức nói tiếp:
“Giữa Việt Nam và Mỹ, không sớm thì muộn, giữa hai nước cũng phải có một hiệp ước song phương mới, hiện nay chúng ta (Việt Nam) đang có một hiệp ước song phương giữa hai bên và chúng ta đang làm việc trên cơ sở đó.
“Bây giờ khi Trump lên với một chính sách thương mại thay đổi, chắc chắn họ sẽ thương lượng lại. Trong chỗ này, đối đầu quan trọng nhất của Mỹ không phải là Việt Nam, mà là Trung Quốc. Đối với Trump, Trung Quốc (được cho) là một nước làm cho tình trạng thất nghiệp ở Mỹ ‘tăng lên’. Tôi không đồng ý với chuyện đó, nhưng khi một Tổng thống của nước Mỹ đã có (quyết định) như vậy, thì chắc chắn họ phải có thái độ với Trung Quốc sẽ như thế nào.
Vấn đề là Việt Nam có muốn giảm nhập từ Trung Quốc hay không mà thôi? Nếu muốn giảm, thì vai trò của những nước khác sẽ thay vào. Thí dụ Nhật sẽ thay vào đó một ít, Hàn Quốc sẽ thay vào đó một ít và những nước ở khu vực châu Á.
Kinh tế gia Tôn Thất Thông cho rằng Việt Nam tới đây nên điều chỉnh và cân đối lại mậu dịch, thương mại với Trung Quốc và cần chú ý tới thị trường Châu Âu trong tình huống mới, ông nói:
“Việc giảm nhập từ Trung Quốc là điều có thể làm được, nó độc lập với việc Mỹ có ký với chúng ta (Việt Nam) hay không, là vì nếu Mỹ ký TPP, thì giữa Việt Nam và Mỹ sẽ có tự do mậu dịch, nhưng ngày nào TPP chưa có, thì chúng ta vẫn đang có những hiệp ước song phương.
clip_image004
EU và thị trường châu Âu rất quan trọng và cần được Việt Nam lưu ý, nhất là sau khi Mỹ rút khỏi TPP, theo chuyên gia kinh tế. ảnh Bloomberg/Getty
“Vấn đề là Việt Nam có muốn giảm nhập từ Trung Quốc hay không mà thôi? Nếu muốn giảm, thì vai trò của những nước khác sẽ thay vào. Thí dụ Nhật sẽ thay vào đó một ít, Hàn Quốc sẽ thay vào đó một ít và những nước ở khu vực châu Á.
“Đặc biệt là ở châu Âu, người Việt Nam hay những nhà lãnh đạo Việt Nam chưa chú ý lắm tới việc tấn công vào thị trường châu Âu... Trong lúc đó, thị trường châu Âu là một thị trường rất quan trọng, là vì châu Âu có một thể chế chung cho 28 nước, nhưng thực tế đi vào chi tiết từng nước một thì ta có quyền tự do.
“Bởi vậy, nếu ta (Việt Nam) chọn ở châu Âu khoảng chừng năm nước, mỗi nước như vậy chúng ta đạt được 7-8%, thì như vậy về mặt ngoại thương, chúng ta sẽ rất vững vàng và cho dù những biến động nào đó với bất kỳ quốc gia nào đó thì chúng ta cũng không phải lo ngại gì hết”.
Hôm thứ Bảy, trang tin của Đài tiếng nói Việt Nam (VOV) dẫn lời của một kinh tế gia Việt Nam từ trong nước, ông Bùi Kiến Thành, bình luận và phản ứng về việc Hoa Kỳ rút khỏi TPP, trang mạng của VOV cho hay:
“Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho biết ông không bất ngờ trước việc ông Trump rút Mỹ khỏi TPP vì ngay từ khi tranh cử ông Trump đã phê phán TPP và nói sẽ thực hiện điều này nếu đắc cử. Đánh giá cao vai trò “đầu tàu” của Mỹ trong TPP, nhưng ông Bùi Kiến Thành nói rằng việc không có Mỹ cũng không phải là TPP đã bị vô hiệu hoá.
“Mỹ là thành viên quan trọng, đứng đầu nhưng không phải tất cả,” chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành nói. “Bước tiếp theo, các quốc gia tham gia TPP phải ngồi lại, đánh giá tiềm năng hợp tác tiếp theo như thế nào nếu không có Mỹ,” ông Bùi Kiến Thành được VOV trích dẫn, nói thêm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét