Thứ Ba, 17 tháng 1, 2017

20170117. QUANH VIỆC TĂNG THUẾ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG VỚI XĂNG DẦU

ĐIỂM BÁO MẠNG
THUẾ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG XĂNG DẦU LÊN 8000 ĐỒNG/LÍT LÀ QUÁ SỨC CHỊU ĐỰNG NGƯỜI DÂN
MAI ANH/ GD 16-1-2017
Việc tăng thuế bảo vệ môi trường ở mức nào theo TS.Nguyễn Minh Phong cần có những đánh giá khách quan - ảnh minh họa/ nguồn Vietnamnet.


Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Chuyên gia kinh tế - TS.Nguyễn Minh Phong cho rằng, mức khung tăng thuế bảo vệ môi trường trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật thuế bảo vệ môi trường Bộ Tài chính đưa ra quá cao.
Cụ thể, khung mức thuế áp dụng cho xăng (trừ ethanol) là 3.000 - 8.000 đồng/lít so với mức 1.000 - 4.000 đồng/lít như hiện nay. 
So với khung mức thuế bảo vệ môi trường đang được áp dụng 3.000 đồng thì nếu tăng kịch khung thuế bảo vệ môi trường theo dự thảo 8.000 đồng/lít xăng mức tăng trên 260%.
Theo TS.Nguyễn Minh Phong việc tăng thuế môi trường không phải điều quá ngạc nhiên, bởi vì thuế môi trường sẽ ngày càng tăng ở bất kỳ nước nào, nhất là trong bối cảnh ô nhiễm môi trường, rác thải ngày càng trầm trọng.
Vì vậy, cần phải có nguồn kinh phí để giải quyết những vấn đề tồn tại và phát sinh đối với môi trường.
“Mặt khác, trong bối cảnh các nguồn thu ngân sách sụt giảm thì thuế môi trường là sự lựa chọn gần như mang tính bắt buộc của Bộ Tài chính để cân đối ngân sách. Cùng với đó sự bùng nổ sử dụng ô tô, giá xăng đang trong thời kỳ khá rẻ... đó là những lý do biện minh cho việc tăng thuế môi trường xăng dầu”, TS. Phong nói.
Tuy nhiên, việc tăng thuế bảo vệ môi trường ở mức nào, theo TS. Nguyễn Minh Phong cần có những đánh giá khách quan, khoa học.
Đánh giá mức phí áp dụng với xăng từ 3.000 đồng – 8.000 đồng được nêu ra trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật thuế bảo vệ môi trường của Bộ Tài chính, theo TS. Nguyễn Minh Phong là quá xa so với thực tế. 
Ông Phong nêu quan điểm: “Không nên tăng một cách đột ngột mà phải có căn cứ cụ thể để biện minh, ví dụ nguồn thu tăng đó để làm gì, trước đây thuế bảo vệ xăng dầu ở mức 1.000 đồng/lít, nhưng năm 2015 tăng 3.000 đồng/lít.
Số thuế thu tăng thêm đó đã làm gì, cần phải có đánh giá giải trình rõ ràng, minh bạch”.
Theo TS. Nguyễn Minh Phong trong bối cảnh giá xăng dầu đang có chiều hướng tăng nếu thuế bảo vệ môi trường tăng sẽ gây khó doanh nghiệp, người dân - ảnh Huỳnh Phan
Phân tích sâu hơn, TS.Nguyễn Minh Phong cho rằng, việc tăng thuế bảo vệ môi trường là cần thiết nhưng mức tăng nào cần có căn cứ để luận giải. Không nên thu sốc sẽ tạo ra cộng hưởng tác động xấu đến kinh tế.
“Đưa ra khung mức cao trong bối cảnh giá xăng dầu đang tăng trở lại sẽ khiến người dân, doanh nghiệp không chịu được. Mức tăng 8.000 đồng/lít là quá cao.
Trong bối cảnh hiện nay thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu chỉ nên mức 4.000 đồng/lít, kèm theo đó phải biện giải cụ thể nguyên nhân tăng”, TS. Phong nói.
Được biết trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật thuế bảo vệ môi trường, Bộ Tài chính đưa ra bên cạnh tăng mức thuế bảo vệ môi trường với xăng thì nhiên liệu bay cũng bị áp khung mức thuế từ 3.000 - 6.000 đồng/lít so với hiện nay là 1.000 - 3.000 đồng/lít.
Tương tự dầu diezel từ mức hiện tại là 500 - 2.000 đồng/lít thì dự kiến bị đẩy lên 1.500 - 4.000 đồng/lít. Các loại dầu mazut, dầu nhờn và mỡ nhờn bị áp khung 900 - 4.000 đồng/lít,kg trong khi mức hiện nay chỉ là 300 - 2.000 đồng/lít,kg.
Các sản phẩm mới được đưa vào diện chịu thuế là xăng E5 và xăng E10 cũng bị đánh thuế bảo vệ môi trường với khung áp dụng 2.700-7.200 đồng/lít xăng E5 và 2.500 - 6.800 đồng/lít xăng E10.
Một loại sản phẩm khác là túi ni lông cũng bị đẩy mức thuế bảo vệ môi trường lên rất cao, từ 30.000 - 50.000 đồng/kg lên 40.000 đồng - 80.000 đồng/kg.
Mai Anh

ĐỘT NGỘT TĂNG THUẾ MÔI TRƯỜNG VỚI XĂNG DẦU, HỆ LỤY KHÓ LƯỜNG

MAI ANH/ GD 17-1-2017

PGS.TS Ngô Trí Long: Với bối cảnh hiện nay câu hỏi đặt ra là xăng đã cần phải đánh thuế bảo vệ môi trường hay chưa? - ảnh nguồn Doanh nghiệp Việt Nam.

Xăng dầu tăng giá, nhiều mặt hàng khác sẽ đồng loạt tăng giá 
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật thuế bảo vệ môi trường do Bộ Tài chính đưa ra có sự điều chỉnh về mức thuế bảo vệ môi trường với xăng.
Theo đó thay vì mức 1.000 - 4.000 đồng/lít hiện nay dự thảo Luật thuế bảo vệ môi trường đưa ra khung mức thuế áp dụng cho xăng (trừ ethanol) là 3.000 - 8.000 đồng/lít.
Nhìn vào việc tăng mức thuế bảo vệ môi trường cho xăng trong dự thảo Luật thuế bảo vệ môi trường của Bộ Tài chính, PGS.TS Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng, dù chỉ là dự thảo nhưng như vậy có nghĩa thời gian tới mức thuế bảo vệ môi trường với xăng sẽ có khả năng sẽ tăng.
“Vấn đề đặt ra ở đây là dự thảo đưa ra mức tăng như vậy đã hợp lý chưa?”, PGS.TS Ngô Trí Long đặt câu hỏi.
Theo PGS. Ngô Trí Long, trong bối cảnh hiện nay bảo vệ môi trường, hệ sinh thái là cần thiết tạo tăng trưởng bền vững, tuy nhiên bảo vệ môi trường có rất nhiều công cụ.
Trong các biện pháp pháp bảo vệ môi trường có nhiều cách, trước tiên bảo vệ môi trường phải thanh tra xử lý thật nặng đối với doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường.
Vấn đề này hiện nay làm chưa rốt ráo, ở nhiều địa phương tình trạng xả thải bừa bãi ra môi trường vẫn còn đó, phát triển kinh tế trước mắt nhưng về lâu dài sẽ phải gánh chịu hậu quả nặng nề.
Mặt khác, để bảo vệ môi trường phải hướng đến sản phẩm tiêu dùng ảnh hưởng đến môi trường trong đó có xăng dầu.
“Cho nên việc đánh thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu là cần thiết, nhưng ở mức độ nào phải tính toán. Với bối cảnh hiện nay câu hỏi đặt ra là xăng đã cần phải đánh thuế bảo vệ môi trường hay chưa?”, PGS.Long nói.
PGS.Ngô Trí Long cho biết, trên thế giới có rất ít quốc gia đánh thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, trong đó có Việt Nam.
Vừa qua, thuế bảo vệ môi trường tăng từ 1.000 đồng lên 3.000 đồng/lít đã tác động rất lớn đến giá xăng. Nếu áp dụng khung mức thuế từ 3.000 đồng đến 8.000 đồng/lít giá xăng sẽ tiếp tục tăng mạnh.
Điều đó gây ảnh hưởng lớn tới đầu vào của các doanh nghiệp vận tải, các doanh nghiệp sản xuất... và như vậy giá của nhiều mặt hàng sẽ tăng theo. Lúc ấy, Chính phủ sẽ phải đối diện với bài toán lạm phát. 
Theo PGS. Long, mức tính thuế bảo vệ môi trường đưa ra giá trị tuyệt đối như dự thảo là không nên.
“Thay vì đánh thuế chỉ định con số 3.000 đồng/lít hay 8.000 đồng/lít Bộ Tài chính chỉ nên đánh thuế với giá trị tương đối tức bằng bao nhiêu phần trăm giá xăng nhập”, PGS. Long cho biết.
Cũng theo PGS. Ngô Trí Long hiện nay giá xăng nhập vào chỉ ở ngưỡng hơn 7.000 đồng/lít, nếu bây giờ đánh thuế bảo vệ xăng dầu lên đến 8.000 đồng/lít tức hơn cả giá xăng nhập khẩu.
Hiện 1 lít xăng chịu tác động 10 yếu tố trong đó có phí thuế, chi phí kinh doanh, lãi, lợi nhuận, định mức, quỹ bình ổn… cộng vào.
Trong đó phí và thuế trên xăng dầu hiện nay quá nhiều tác động đến giá bán.
Một lít xăng phải chịu thuế nhập khẩu, thuế VAT, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường rồi phải trích là quỹ bình ổn giá. 
“Thời gian vừa rồi, mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu tăng từ 1.000 đồng lên 3.000 đồng đã buộc các thành viên Quốc hội đã chất vấn rất nhiều.
Thời điểm đó,  ông Nguyễn Sinh Hùng là Chủ tịch Quốc hội đã hỏi Bộ trưởng Bộ Tài chính liệu giá xăng có tăng không, Bộ trưởng Bộ Tài chính khẳng định không tăng nhưng cuối cùng giá xăng vẫn tăng.
Như vậy nếu áp dụng mức khung thuế bảo vệ môi trường mới giá xăng chắc chắn tăng”, PGS.TS Ngô Trí Long cho biết.
Dù mới là dự thảo đã khiến nhiều người lo lắng
Theo ông Ngô Trí Long hiện nay giá xăng dầu đang giảm do các hiệp định thương mại tự do nên Bộ Tài chính tính đến việc áp dụng các thuế khác.
Tuy nhiên, dùng thuế nào cũng phải có mức độ để hài hòa lợi ích giữa nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Suy cho cùng mọi chính sách đưa ra là để phục vụ người dân và doanh nghiệp, cho nên chính sách là phải tạo sự thuận lợi chứ không phải chưa ban hành, chỉ mới ở mức dự thảo đã khiến cho nhiều người lo lắng.
Đồng quan điểm, theo PGS.TS Phạm Quý Thọ hiện nay năng lực cạnh tranh doanh nghiệp Việt Nam thấp do năng suất lao động và đầu vào tăng.
Đầu vào trong đó có giá nguyên liệu xăng dầu, như vậy nếu tăng thuế bảo vệ môi trường sẽ đẩy giá xăng tăng gây khó khăn cho doanh nghiệp
PGS.TS Phạm Quý Thọ cho rằng, trong các đợt điều chỉnh giá xăng dầu gần đây giá xăng liên tục tăng và xu hướng tăng sẽ diễn ra trong năm 2017.
Vì vậy, nếu mức khung thuế bảo vệ môi trường được điều chỉnh như dự thảo Bộ Tài chính đưa ra dù không tăng kịch trần 8.000 đồng/lít mà chỉ tăng mức 6.000 đồng hay 7.000 đồng/lít đã gây khó cho doanh nghiệp.
Cũng theo ông Phạm Quý Thọ dù nguồn thu ngân sách bị ảnh hưởng nhưng không nên vì thế mà tăng mức thuế bảo vệ môi trường cho mặt hàng xăng, dầu. 
PGS.TS Phạm Quý Thọ phân tích, trước đây khi điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường từ 1.000 đồng/lít lên 3.000 đồng/lít con số dư ra đã làm gì để cải tạo môi trường chưa rõ thì nay lại điều chỉnh tăng lên, vậy tăng thuế bảo vệ môi trường để làm gì? 
Nếu chỉ tăng nguồn thu thì không nên vì dù tăng thuế bảo vệ môi trường đồng nghĩa giá xăng tăng nhưng thị trường vẫn phải chấp nhận, giá xăng tăng cao người dân phải chịu. Hậu quả gây ra là tăng trưởng thấp, đời sống người dân gặp khó khăn.
Theo ông Thọ, dự thảo cần xem lại mức khung tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu để hài hòa lợi ích doanh nghiệp và người dân.
Cần phải minh bạch các khoản thu thuế môi trường đối với xăng dầu nhiều năm qua thực chất đã làm được gì tốt cho môi trường?
Mai Anh

'CƯỚP ĐÊM LÀ GIẶC/CƯỚP NGÀY LÀ QUAN'
FB. Tèo Ngu Khìn / BVN 17-1-2017
clip_image002
Thứ trưởng Bộ Tài Chính, ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết:
“Thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu hiện ở mức 3.000 đồng/lít, nếu nâng lên hết khung hoặc vượt khung, thì giá trị thu được sẽ gấp khoảng 10 - 20 lần so với số trực tiếp thu từ sử dụng đất phi nông nghiệp hiện nay”, ....đối tượng thu và phương thức thu cũng “được lòng dân hơn”!
Được lòng dân hơn? Được lòng dân mà báo Lao Động, đề cập trong bài “1 lít xăng gánh tới 8.000 đồng thuế môi trường: Tăng rồi tiền để làm gì?” đã phải đặt dấu hỏi to tướng rằng: cần phải rành mạch câu chuyện tăng thuế môi trường cho mặt hàng xăng thì để làm gì?
Báo này cũng cho biết, số thu từ thuế bảo vệ môi trường liên tục tăng ổn định qua các năm như sau:
- Năm 2012 thu thuế môi trường là 11.160 tỉ đồng;
- Năm 2013 là 11.512 tỉ đồng;
- Năm 2014 là 11.970 tỉ đồng;
- Năm 2015 là 27.020 tỉ đồng;
- Năm 2016 thu 42.393 tỉ đồng.
Nhưng tổng chi sự nghiệp môi trường lại chỉ như sau:
- Năm 2012 chi 9.000 tỉ;
- Năm 2013: chi 9.000 tỉ
- Năm 2014: chi gần 10 ngàn tỉ đồng;
- Năm 2015: chi 11.400 tỉ đồng;
- Năm 2016: chi 12.290 tỉ đồng.
Số tiền chênh lệch dư đã đi đâu?
- Năm 2012: 2.160 tỉ đồng (11.160 tỉ - 9.000 tỉ).
- Năm 2013: 2.512 tỉ đồng (11.512 tỉ - 9.000 tỉ).
- Năm 2014: khoảng 1.970 tỉ (11.970 tỉ - 10.000 tỉ).
- Năm 2015: khoảng gần 16.000 nghìn tỉ (27.020 tỉ - 11.400 tỉ).
- Năm 2016: 30.103 tỉ (42.393 tỉ - 12.290 tỉ).
Chỉ nhìn vào 2 năm gần nhất là 2015 & 2016 đã thấy con số kết dư thuế môi trường trên giá xăng đã là hơn 46.000 nghìn tỉ đồng, tức hơn 2 tỷ đô la Mỹ! Nếu tính đúng tính đủ ngược cho tới năm 2012 thì con số dư còn đội thêm lên vài trăm triệu USD nữa!
Bộ Tài chính và cá nhân ông thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn hãy trả lời cho dân biết: cái con số hơn 2 tỷ đô la Mỹ “được lòng dân” kia đã đi về đâu? Các ông đã làm gì với số tiền kết dư hơn 2 tỷ USD này, trong khi môi trường mấy năm qua không những không trong lành hơn mà ngày lại càng độc hại hơn?
Nếu sắp tới các ông ép buộc được dân Việt phải chịu thuế môi trường lên 8.000 đồng/lít xăng thì thử hỏi con số thuế thu được sẽ khủng khiếp cỡ nào, và các ông sẽ “chi tiêu” vào việc gì con số to vật vã ấy?
Để mường tượng ra con số vật vã kia, hãy nháp sơ sơ thế này:
- một năm Việt Nam tiêu thụ khoảng 16 triệu tấn xăng dầu (lấy con số này cho khiêm tốn chứ nếu theo thông tin bài báo này thì lên tới 17 triệu tấn cơ: “Nhu cầu xăng dầu của Việt Nam hiện khoảng 17 triệu tấn”).
- 16 triệu tấn ấy tương đương khoảng 119.200.000 thùng xăng dầu.
- 119.200.000 thùng xăng dầu ấy tương đương khoảng 18.952.800.000 lít xăng dầu.
- Nếu thuế môi trường là 8.000đ/ lít thì số tiền thuế nhắm thu được là:
18.952.800.000 (lít) x 8.000 (đồng/lít) = 151.622.400.000.000 (đồng).
[Đánh vần bằng chữ: Một trăm năm mươi mốt nghìn tỉ sáu trăm hai mươi hai tỉ bốn trăm triệu đồng; bạn đọc xong con số này có bị lẹo lưỡi, trẹo bản họng không?]
Biết con số tiền Việt to vật vã kia tương đương bao nhiêu đô la Mỹ không? Theo tỷ giá USD/VND (chuyển khoản) hôm nay của Ngân hàng Vietcombank là 22.530 thì nếu mức thuế môi trường 8.000 đồng/lít đánh trên giá xăng đi vào thực tế, một năm chính quyền Việt Nam sẽ thu về khoảng hơn 6,8 tỷ USD. Vâng, hơn 6,8 tỷ đô la Mỹ đấy! Chiếm hơn 1/3 số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mà chính quyền Việt Nam hy vọng các nhà đầu tư nước ngoài sẽ giải ngân năm 2017 đấy! (xem: “Vốn FDI vào Việt Nam vẫn trong xu hướng tăng”).
Nếu người ta thành công trong việc đè thằng dân ra mà thu 8.000 (đồng/lít xăng, dầu) thì con số ‘khủng’ hơn 6,8 tỷ USD/năm kia sẽ đi về đâu, môi trường sống báo động hôm nay liệu có tốt lên hay tiếp tục tệ đi, rồi bao nhiêu phần trăm của con số hơn 6,8 tỷ đô la Mỹ “được lòng dân” này sẽ vào túi những ai nhỉ?
__________
Một số link bài liên quan:
clip_image004
clip_image006
BBT BVN đăng lại có chút điều chỉnh nhỏ về văn phong, ngôn từ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét