Thứ Bảy, 14 tháng 1, 2017

20170114. BÌNH LUẬN CHUYẾN THĂM TQ CỦA TBT NGUYỄN PHÚ TRỌNG

ĐIỂM BÁO MẠNG
NHỮNG NGHỊCH LÝ TRONG MỘT SỐ TỜ BÁO
NGUYỄN KHẮC MAI/ BVB 13-1-2017
Đọc Tuổi Trẻ (Sài Gòn) số ra hôm nay, 13-1-2017, thấy một số nghịch lý. Tôi xin nêu ra để dư luận tham khảo!.Nghịch lý trong bài”Tăng cường quan hệ hợp tác Việt Trung.
Bài này, Tuổi Trẻ đăng lại của đặc phái viên VNTTX, tháp tùng Anh Trọng, đưa tin.
Nghịch lý thứ nhất,…đưa quan hệ đối tác, hợp tác chiến lược toàn diện Việt Trung phát triển lành mạnh, ổn định theo phương châm “16 chữ” và tinh thần “4 tốt”. Ai cũng biết, vành ngoài 16 chữ, vành trong 4 tốt là gì trong những năm qua. Nếu không phải là sự bịp bợm vĩ đại do Trung quốc đưa ra làm hỏa mù cho những hành động kẻ cướp trên biển và cả trên đất liền của họ đối với Việt Nam, thì là một thứ thòng lọng mềm mại và khá lợi hại để quàng vào cổ, trước hết là của ban lãnh đạo Việt Nam. Để biến ban lãnh đạo Việt Nam như một con ngựa chạy lẽo đẽo bên cổ xe “bá quyền đại Hán” của Trung hoa. Nhiều năm qua người Việt Nam đã từng phỉ nhỗ, vạch trần cái phương châm mà ông Lê Khả Phiêu từng gọi là vàng ấy. Tưởng nó phải được quên đi. Ai ngờ tổng bí thư Trọng lại “trân trọng” nó đến thế. Đây là một nghịch lý kép. Nó vừa là sự bịp bợm Trung hoa vừa là thái độ chư hầu không thể chấp nhận.
Nghịch lý thứ hai ngay trong bài này,”phía Việt Nam bày tỏ ủng hộ Trung quốc tổ chức thành công Diễn đàn thượng đỉnh hợp tác quốc tế về “Một vành đai, một con đường”. Ủng hộ Trung quốc thành công “Một vành đai, một con đường” là gì.Nếu không phải là ủng hộ Trung quốc tung tiền dự trữ ra để mua chuộc các quốc gia trên vành đai và con đường thực dân hóa của Trung quốc? Vấn đề là không thể ủng hộ một cách ngờ nghệch, khờ khạo những chủ trương lợi dụng sự nghèo túng của các nước để mưu lợi cho Trung quốc theo “màu sắc” bá quyền đại Hán, thực dân của Trung quốc. Trong quyển sách “Chết dưới tay Trung hoa”, tác giả cũng giành những ý tình muốn cổ vũ cho Trung quốc hưng phát, giàu mạnh lên,nhưng phải theo tinh thần văn minh, tiến bộ của nhân loại là minh bạch, công bằng và dân chủ.Việt nam phải biết “ăn kẹo mút” tức là biết ngậm kẹo và vứt cái que đi!
Nghịch lý thứ ba là về Biển Đông.Cái nghịch lý là “lập trường nhất quán” của Tổng bí thư Nguyễn phú Trọng chỉ là “vũ như cẩn”, không có gì khác. Những lập luận củ rích, nhàm chán, và họ Tập không mong gì hơn thế. Nó ru ngủ nhân dân và để mặc cho phía Trung quốc một mình một chợ, tung hoành,hết 981, thì bồi dắp các bãi đá cướp được ở Tường Sa của Việt Nam, thành căn cứ hải quân, không quân uy hiếp ngay con đường hàng hải và hàng không của Việt Nam, mặc sức cho dân quân đội lốt ngư dân để làm hải tặc cướp bóc và xua đuổi ngư dân Việt Nam bám biển, làm ăn sinh sống trong vùng biển chủ quyền của mình! Nguyễn phú Trọng không phân biệt được tư tưởng của giải pháp là hòa bình và tôn trọng luật pháp quốc tế. Còn giải pháp thì phải cụ thể, kể cả giải pháp tranh luận tay đôi với Trung quốc, chưa nói đến việc đưa ra nhờ các thiết chế khu vực và quốc tế phân xử. Điều mà Trung quốc sợ là Việt Nam tìm ra những giải pháp cụ thể để vận dụng cái phương châm hợp lý kia. Phải nói rõ với Trung quốc, nếu không tiến tới đươc giải pháp thỏa đáng, song phương, nhất định phải tiến hành giải pháp đa phương để phân xử. Dẫu có soạn được COC, thì Việt Nam và từng nươc trong ÁSEAN,cũng không thể chỉ song phương với Trung quốc, mà nhất thiết phải vận dụng cho đặng sự tham gia của cọng đồng quốc tế, nhất là với những cường quốc khu vực và thế giới. Trung quốc và họ Tập cũng không mong gì hơn là những người lãnh đạo Việt Nam hiện nay cứ nói phương châm cho hay ho. Chúng mở cờ trong bụng, “Việt Nam cứ lú lấp thế này, không phân biệt nỗi phương châm và giải pháp,xua nó vào rọ Thành đô là cái chắc!”.
2.- Nghịch lý trong bài Cần Tìm Được “Đồng cảm. Đồng thuận, Đồng tâm”. Bí thư Đinh La Thăng hai lần nói đến đồng cảm đồng thuận đồng tâm: “Với tinh thần quyết tâm,  không chỉ dành riêng cho những người cộng sản,mà phải thành sự đồng cảm, đồng thuận, đồng tâm của các tần lớp nhân dân”. Ông Thăng cho rằng tìm được sự “đồng cảm. đồng thuận, đồng tâm” là việc khó”. Đúng là khó vì ông đã đặt vấn đề trong sự nghịch lý. Làm sao bằng các giải pháp tư tưởng và các nghị quyết mà có thể làm cho các tầng lớp nhân dân đồng cảm, đồng thuận, đồng tâm được. Ví dụ như việc phá ngôi chùa Liên Trì bên quận 2. Nhìn thấy ảnh mấy vị sư ngồi lặng lẽ trên đống hoang tàn của ngôi chùa đã bị các anh đập phá, tôi cũng không thể đồng cảm,đồng thuận với các anh. Các tăng ni và phật tử làm sao đồng tâm cùng các anh phá chùa được. Tôi thấy các anh nên sang Singapore học cái cách người ta ứng xử với tôn giáo. Giữa một đô thị náo nhiệt hiện đại, ngôi chùa tồn tại,cùng với kiến trúc của nó, với nghi thức của nó, chẳng hạn như sự tĩnh lặng,vẽ thiền của nó, tiếng chuông thong thả ngân nga của nó, thú vị biết bao, có ích biết bao, sẽ góp thêm cho chất lượng của một đô thị. Nó chính là một nốt trầm, nốt lặng trong một đại hòa tấu của đời sống đô thị. Các anh đập phá chùa chiền để đô thị hóa, không ai đồng thuận, đồng cảm được.Cả thần và người đều oán giận.Thế mà anh lại nói đên nhân dân,và kêu gọi họ đồng tâm!Một chính đảng ăn trên ngồi trốc, một đội ngũ cán bộ tham lam, hành dân, một đường lối kiên trì mác lê nin, mà chính Hồ chí Minh phải trối trời là hư hỏng cũ kỹ…vẫn ngang nhiên tồn tại, chỉ như một cổ máy chỉ sửa chữa vặt, làm sao có thể đồng cảm, đồng thuận đồng tâm đươc! Lịch sứ cho ta những bài học cay đắng.Hitle, Stalin…rất giỏi làm công tác tuyên truyền và giáo dục, nhưng không cứu vãn được hệ thống một khi nó đã là sự trái khoáy của lịch sử. Tôi nghe nói anh Thăng là người đang muốn đổi mới, làm tốt hơn cái sai cái cũ, xin hãy đi vào những vấn đề thật bản chất để tìm “đồng cảm, đồng thuận, đồng tâm”...
3.-Nghịch lý “phát triển mà quá trời ung thư”. Đó là câu chuyện Thủ tướng Nguyễn xuân Phúc đã “chọc khe” Bộ Y tế. Chọc khe là bình luận của vài nhà báo khen anh Phúc như một cầu thủ đưa vài đường bóng choc khe rất hiểm hóc. Đây là cuộc chọc khe ở y tế. Anh Phúc nói: “Có người nói Việt nam ung thư hàng đầu thế giới, phải tìm hiểu xem có đúng như thế không? Nhưng tôi thì thấy đúng là có quá trời người ung thư. Nếu Việt Nam thành công nhiều lĩnh vực mà trở thành đất nước ung thư thì có suy nghĩ không? Có nên không?” Tất nhiên bệnh tật thì phải đặt ra với y tế. Nhưng như thế là chỉ giải quyết trên ngọn, còn gốc rễ của nó lại là chỗ khác. Chọc vào cái khe y tế chỉ là chốc lát thôi.Lâu dài phải tìm lời giải ở chỗ khác.Tôi đã từng đến mấy làng ung thư, ở đó người dân mấy thế hệ nay vãn phải sống chung với môi trường ô nhiểm nặng.Thủ tướng cứ chọc khe. Nhưng những ông bộ trưởng cứ nghĩ theo cách của họ, họ không đón bóng , chọc khe cũng bằng thừa. Như cái ông Hồng Hà đó, ổng có coiFormosa là thảm họa của chế độ và của đất nước đâu. Cả ông Tuấn Anh nữa,ông vẫn định đem các cái chức bộ trưởng của ông,để cam đoan cho cái dự án thép rất tai tiếng ở Cà Ná. Vì có thể ông nghĩ rằng,cái chức bộ trưởng thì không thể cách được, họa may thì chỉ cách cái chức nguyên bí thư cán sự, hoặc cùng nữa thì làm cho xấu hổ ở quốc hội mà thôi v…v.
Ung thư ở Việt Nam dâu chỉ là bệnh cơ thể người. Nó còn là ung bướu của xã hội, của thể chế, của chế độ, nó có trong đảng, trong chính quyền, mà sự di căn đã lan tràn, mà các phương trị liệu lui tới chỉ là hô khẩu hiệu và lặp lại nghị quyết bốn, hai lần chứ đến bốn lần cũng chỉ là bôi thuốc ngài da cho một căn bệnh trong lục phủ ngũ tạng.
Thành ra tôi càng lo lắng khi thấy anh Trọng đi ký kết những 15 văn kiện hợp tác với Trung quốc,một xứ sở của ung bướu. Nó mà lây lan, di căn sang mình thì chết. Không biết phải làm gì để giải quyết mấy cái nghịch lý này.
Gs. NKM - Giám đốc Trung tâm Văn hóa Minh triết (Tác giả gửi BVB)

TRỌNG-BÌNH KÝ KẾT 15 VĂN KIỆN 'QUAN TRỌNG' Ở BẮC  KINH
KHÁNH AN/ VOA/BVS 14-1-2017
Tổng Bí Thư Đảng Cộng Sản Việt Nam, Nguyễn Phú Trọng, cùng Chủ Tịch Trung Quốc, Tập Cận Bình, hôm 12 tháng Giêng ký kết 15 văn kiện hợp tác “quan trọng” trong chuyến thăm đang diễn ra tại Bắc Kinh. Nhưng một nhà quan sát tình hình chính trị Việt Nam nói các văn kiện chỉ là “bề mặt” trong chuyến đi của ông Trọng.
Theo bản tin truyền hình của VTV1, Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng được Chủ Tịch Trung Quốc đón tiếp long trọng với 21 phát đại bác, và các quan chức cùng đoàn thể Trung Quốc nghênh đón 2 bên khi ông Trọng tiến vào Đại Lễ Đường Nhân Dân Bắc Kinh.
Lãnh đạo hai đảng Cộng Sản thảo luận “các định hướng lớn”, trong đó có vấn đề trên biển. Cả hai đồng ý không để những tranh chấp Biển Đông làm tổn hại đến mối quan hệ hai quốc gia.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc CCTV dẫn lời ông Tập Cận Bình cho biết “hai quốc gia sẽ mở rộng các trao đổi quân sự và đào sâu hợp tác an ninh”.
Cũng trong buổi thảo luận này, hai ông Trọng – Bình ký kết 15 văn kiện hợp tác giữa Việt Nam và Trung Quốc, trong đó có các thỏa thuận hợp tác đào tạo cán bộ cấp cao giữa hai đảng, hợp tác kinh tế, quốc phòng…
Từ góc nhìn khác, Tiến Sĩ Phạm Chí Dũng, một nhà quan sát chính trị Việt Nam, nói với VOA rằng những thỏa ước trên chỉ là “bề mặt”.
“Tất cả những ký kết, thỏa ước như vậy có lẽ chỉ là bề mặt thôi. Ẩn giấu bên trong có một cái gì đặc biệt hơn. Đó mới là cái chính chứ không phải thỏa ước bên ngoài”. Lời Tiến Sĩ Dũng.
Theo phân tích ông Phạm Chí Dũng, không thể xem vấn đề quan hệ Việt - Mỹ - Trung là nội dung quan trọng trong chuyến đi của ông Trọng đến Bắc Kinh lần này. Lý do là vì ngay cả các lãnh đạo hay các chuyên gia hàng đầu của Trung Quốc hiện cũng không nắm được “ông Trump như thế nào” để có thể đưa ra các kế sách thích hợp. Do đó, giả thuyết ông Trọng đi “tham vấn” về chiến lược đu dây giữa Mỹ và Trung Quốc là điều không thích đáng.
Nếu ông Trọng đến Trung Quốc không hẳn với ý bàn về mối quan hệ đu dây chiến lược, mà có thể về một số vấn đề khác. Tôi cho những vấn đề khác đó có thể liên quan đến tình hình Việt Nam, vấn đề triều chính Việt Nam, đặc biệt là về những nhân sự có thể ông Trọng muốn sắp xếp, một lúc nào đó khi ông Trọng nghỉ thì sẽ có người thay”. Tiến Sĩ Dũng phân tích.
Theo nhà bình luận của Việt Nam, uy tín ông Trọng gần đây giảm sút “đáng kể” sau thất bại trong vụ xử phạt Trịnh Xuân Thanh và các quan chức liên quan. Vì vậy, khả năng Tổng Bí thư Việt Nam sang Bắc Kinh “tham khảo” về các biện pháp xử lý hiệu quả các đảng viên hư hỏng, “tự diễn biến”, “tự suy thoái” là nội dung có thể xảy ra.
Ngay sau khi có tin tức về việc ông Trọng ký kết các văn kiện “quan trọng” với Trung Quốc, nhiều ý kiến từ công luận tỏ ra hoài nghi về nội dung bên trong cũng như mục đích thực sự trong chuyến thăm của người đứng đầu đảng Cộng Sản Việt Nam tới Bắc Kinh lần này.
Một số nhà phân tích nói phản ứng của công luận Việt Nam một phần là do tâm lý “bài Trung”.
Hôm nay (13 tháng Giêng), ông Nguyễn Phú Trọng tiếp tục hội kiến Thủ Tướng Trung Quốc, Lý Khắc Cường.
Chuyến đi của ông Trọng tới Bắc Kinh kéo dài đến hết ngày 15 tháng Giêng.
Khánh An/(VOA)
ĐỨC THÁNH TRẦN ĐỐI ĐẦU TẬP CẬN BÌNH
NGÔ NHÂN DỤNG/ NV/ BVN  14-1-2017
Hưng Ðạo Vương Trần Quốc Tuấn được dân Việt Nam tôn thờ như một vị thánh. Ngay ở khu vực Tiểu Sài Gòn, California, nước Mỹ, người Việt xa xứ cũng dựng tượng Ðức Thánh Trần tại hai địa điểm. Nhưng ngay trong nước Việt Nam thì tượng ngài lại gặp rắc rối! Chắc Ðức Thánh phải lắc đầu: Thời đại Nguyễn Phú Trọng thật không hiểu nổi!
Người dựng tượng Ðức Thánh là ông Tống Hồ Phương, ở xã Ninh Gia, huyện Ðức Trọng, tỉnh Lâm Ðồng. Ông đặt làm tại khu chuyên sản xuất tượng đá lấy tứ núi Non Nước, Ðà Nẵng, nổi tiếng. Các nghệ sĩ đã sao chép theo mẫu tượng của Hội Mỹ Thuật Việt Nam; coi như là bảo đảm, không sợ người ta khen chê xấu đẹp.
Muốn cẩn thận, ông Tống Hồ Phương chắc đã lên Sở Văn hóa tỉnh Lâm Ðồng xin phép trước khi đặt người ta làm tượng! Nhân viên Sở Văn hóa theo đúng đường lối đảng, đồng ý rằng Trần Hưng Ðạo không thuộc “thành phần phản động, xét lại, không nằm trong danh sách các thế lực thù nghịch, cũng không tự diễn biến, tự chuyển hướng, vân vân”. Hơn nữa, pho tượng Ðức Thánh Trần không nằm trong danh mục phải xin giấy phép mới được dựng lên (không biết trong danh mục này có những nhân vật nào tượng phải xin phép!)
Ông Tống Hồ Phương thấy chắc ăn, đi đặt pho tượng, mang về dựng trong vườn nhà mình. Trông pho tượng Ðức Thánh Trần trong hình kèm trong bài báo thì thấy hình ảnh ngài rất uy nghi, tay trái nắm đốc kiếm, tay phải chỉ về phía trước, như đang hiệu lệnh tướng sĩ quyết chiến đuổi quân xâm lăng. Tượng dựng trên một cái bệ khiêm tốn, chỉ cao có một mét, nhưng như vậy lại thích hợp; vì nếu đặt trên cái bệ cao hai, ba mét thì nhìn lên sẽ thấy tượng hơi ngắn. Phải khen ngợi ông Tống Hồ Phương vừa có thành tâm, vừa có khiếu thẩm mỹ! Chắc chỉ còn chờ ngày làm lễ khánh thành, yên vị tượng Ðức Thánh, và cầu nguyện xin ngài phù hộ cho quốc thái dân an, Tổ quốc vững bền.
Nhưng pho tượng chưa yên vị thì đã gặp rắc rối. Người đứng đầu công an xã đến bảo ông Phương dẹp tượng xuống. Rồi hai ông Chủ tịch, Phó chủ tịch xã, và cán bộ Phòng Văn hóa Thông tin huyện Ðức Trọng tới, đồng thanh bảo ông Phương muốn để Ðức Thánh đâu cũng được, nhưng không được đặt trên cái bệ cao một mét!
Ở các nước trên thế giới ngày nay, ngoài nước Việt Nam, người dân nào cũng có quyền sử dụng khuôn viên trong nhà riêng của mình, miễn là không làm mất trật tự, vệ sinh gây hại cho lối xóm. Lâu nay bao nhiêu gia đình ở Việt Nam đặt tượng Phật Quan Âm, tượng Ðức Mẹ; đồng bào vùng Châu Ðốc, Long Xuyên, vẫn đặt những bàn thờ Ông Thiên, lập cả miếu thờ Anh hùng Nguyễn Trung Trực với hình tấm bản đồ Việt Nam; không biết có ai bắt người mình phải đi xin phép hay không? Tại sao các quan trong xã Ninh Gia, huyện Ðức Trọng, tỉnh Lâm Ðồng, lại làm khó dễ gia đình ông Tống Hồ Phương như vậy?
Các xã quan không cho đặt pho tượng Ðức Thánh Trần trên cao, chỉ nêu một lý do vì ông Phương không xin phép xây cái bục! Một cái bệ thờ cao một mét thì làm hại gì tới xóm làng mà các quan khó vậy? Bộ muốn xây trong vườn một cái bể chứa nước mưa để tưới cây, mỗi chiều đúng một mét, cũng phải làm đơn và nộp lệ phí cho các quan ăn hay sao? Lời giải thích đơn giản nhất chính là cái “thủ tục đầu tiên” này! Lạ gì những thói sai nha, làm cho khốc hại chẳng qua vì tiền!
Nhưng rất có thể các quan trị nhậm xã Ninh Gia, huyện Ðức Trọng, còn có những lý do khác thúc đẩy, khiến họ ngăn cản gia đình ông Tống Hồ Phương dựng tượng Ðức Thánh Trần. Vì trong trong thời đại Nguyễn Phú Trọng, nó lại rất “nhạy cảm!”
Chỉ còn một tuần nữa là sắp tới ngày 19 Tháng Giêng, ngày kỷ niệm các chiến sĩ Hoàng Sa bỏ mình vì nước! Ngày đó, đúng 43 năm trước, quân Trung Cộng đã cướp quần đảo Hoàng Sa [của Việt Nam], chiếm đóng từ đó tới nay; giờ đang biến thành một căn cứ quân sự khống chế bờ biển Việt Nam! Nếu ông Phương đợi gần tới ngày 19 Tháng Giêng năm 2017 mà làm lễ an vị tượng Ðức Thánh Trần, rồi bà con rủ nhau kéo tới thắp hương chiêm bái, thì làm sao cấm được họ? Thời điểm “nhạy cảm” như thế, chuyện bé xé ra to thì ai sẽ chịu trách nhiệm thay các ông quan hàng xã?
Một chi tiết “nhạy cảm” nữa, là hình ảnh pho tượng tay cầm đốc kiếm, tay chỉ thẳng phía trước, dáng điệu rất giống pho tượng Trần Hưng Ðạo dựng ở bến Bạch Ðằng, Sài Gòn. Ðó chính là tượng vị Thánh tổ Hải quân Việt Nam Cộng Hòa trước năm 1975. Các chiến sĩ Hoàng Sa đều mang trong đầu hình ảnh vị anh hùng trận Bạch Ðằng khi hy sinh vì Tổ quốc, quyết chống giặc xâm lăng, trong ngày 19 Tháng Giêng năm 1974!
Cái đám giặc xâm lăng năm đó là ai? Thêm một điểm “nhạy cảm” to lớn nữa! Ông Tổng bí thư Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng ngày mai, 12 Tháng Giêng sẽ đi thăm ông Tập Cận Bình! Tin này do Ban Ðối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam thông báo, cho thấy đây là thể hiện mối tình đồng chí, anh em giữa hai đảng.
Từ thời Nguyên Thế Tổ sai quân Tàu qua đánh nước ta ba lần, thời Càn Long sai Tôn Sĩ Nghị cầm quân Nam chinh, đến thời Mao Trạch Ðông xua quân chiếm Hoàng Sa mở rộng biên cương xuống vùng biển Ðông Nam Á, suốt chín thế kỷ hình ảnh Hưng Ðạo Vương Trần Quốc Tuấn luôn luôn nằm trong lòng dân Việt, nhắc nhở người Việt phải lo bảo vệ non sông, Tổ quốc! Ðảng Cộng sản không muốn dân Việt tưởng niệm Hưng Ðạo Vương trong lúc này. Vì tôn thờ Ðức Thánh Trần thì quá “nhạy cảm” với các quan thầy ở Bắc Kinh.
Trong lịch sử chỉ có một người đã cầu xin vị hoàng đế ở Bắc Kinh đưa quân vào Việt Nam, là Lê Chiêu Thống. Người thứ nhì là Hồ Chí Minh.
Trong cuốn China and the Việt Nam War, tác giả Qiang Zhai (Trạch Cường) căn cứ vào tài liệu của Trung Cộng cho biết hai đảng cộng sản đã ký nhiều thỏa ước đón quân Trung Cộng vào đầu năm 1965. Ngày 21 Tháng Tư, Võ Nguyên Giáp đã gặp La Thoại Khanh (Luo Ruiqing), Tham mưu trưởng quân Tàu, bàn việc đưa quân Tàu vào Việt Nam (trang 133, ấn bản bìa giấy in năm 2000).
Ngày 16 Tháng Năm, năm 1965, Hồ Chí Minh bí mật qua Tàu đã được Mao Trạch Ðông tiếp ở biệt thự tại Tràng Sa, tỉnh Hồ Nam, gần quê hương của Mao. Văn khố của Cộng sản Trung Quốc còn lưu trữ nguyên văn các lời đối đáp trong cuộc gặp gỡ này, dịch nguyên văn như sau:
Hồ: Chúng ta cần xây dựng đường sá mới. Tôi đã bàn với đồng chí Ðào Chú (Tao Zhu, Bí thư phụ trách vùng Trung và Nam Trung Quốc) vấn đề này rồi. Nếu Trung Quốc giúp chúng tôi xây những con đường ở phía Bắc, giáp biên giới Trung-Việt, thì những quân sĩ tính làm công việc đó có thể đưa vào miền Nam.
Mao: Tốt, chính sách tốt.
Ðào Chú: Thưa tôi đã báo cáo với đồng chí Chu Ân Lai, đồng chí nói Trung Quốc có thể làm việc này.
Hồ: Thưa trước hết chúng tôi cần Trung Quốc giúp xây sáu con đường từ vùng biên giới. Những con đường này chạy xuống phía Nam ở hậu phương của chúng tôi. Sau này chúng sẽ được nối liền vào mặt trận. Hiện nay chúng tôi có 30,000 người đang làm đường. Nếu Trung Quốc giúp, những người này có thể được gửi vào Nam Việt Nam. Cùng lúc này, chúng tôi được các đồng chí Cộng Sản Lào giúp làm đường từ Sầm Nứa tới Xiên Khoảng, rồi từ Xiên Khoảng xuống phía Nam Lào, và từ đó đi xuống Nam Việt Nam.
Mao: Vì trong tương lai chúng ta sẽ đánh trận trên bình diện rộng lớn, hãy xây dựng đường sá đi tới Thái Lan thì tốt hơn cả.
Trong cuộc đàm thoại này, mưu toan của Mao Trạch Ðông lộ rõ: Mở rộng ảnh hưởng khắp vùng Ðông Nam Á, bằng cách dùng dân Việt đánh Mỹ, đánh đến người Việt cuối cùng! Mao đã nói thẳng ý đồ nhắm tới Thái Lan ngay từ năm 1965! Hồ Chí Minh thấy như vậy nhưng vẫn xin Trung Cộng giúp xây dựng sáu con đường sát biên giới, đi xuống phía Nam. Chẳng khác nào “vẽ đường cho hươu chạy!” Vì hệ thống đường sá đó rất thuận tiện cho quân Tàu sau này đánh xuống vùng Ðông Nam Á, dù Hồ không nhờ chắc Mao cũng muốn làm! Sau cùng, số binh sĩ Trung Cộng qua Việt Nam, từ năm 1965 đến 1968, lên tới 320,000 người.
Hiện nay Tập Cận Bình đang tiếp tục thực hiện chương trình bành trướng của Mao Trạch Ðông. Sau khi chiếm Hoàng Sa năm 1974, bây giờ Tập Cận Bình mở mang các căn cứ quân sự khống chế các nước trong vùng biển Ðông nước ta. Các kế hoạch “Một vòng đai – một con đường” (nhất đới nhất lộ).
Một trở ngại cho âm mưu bành trướng của Trung Cộng chính là Ðức Thánh Trần! Nếu dân Việt Nam còn giữ được hùng khí thời nhà Trần kháng giặc Nguyên, thì “nhất đới nhất lộ” sẽ bị đứt khúc trên mảnh đất Việt Nam! Cho nên gia đình ông Tống Hồ Phương không phải chỉ bị một nhóm quan chức cấp xã làm khó dễ để vòi tiền! Ðức Thánh Trần đang phải đương đầu với Tập Cận Bình!
N.N.D.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét