Thứ Sáu, 20 tháng 1, 2017

20170120. BÌNH LUẬN VỀ QUAN HỆ VIÊT-TRUNG GẦN ĐÂY

ĐIỂM BÁO MẠNG
KHÔNG BUÔNG,CÒN ÔM CHẶT
BÙI TÍN/ VOA/ BVB / BVN 20-1-2017
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mở đầu năm 2017 bằng cuộc sang chầu Bắc Triều của Tập Cận Bình để nhận chỉ thị mới.
Bốn ngày, 10 cuộc gặp với hầu hết quan chửc trong Ban Thường ủy, 15 văn bản ký kết, 1 Thông cáo chung. Đó là nội dung của các cuộc hội đàm Việt - Trung mở đầu năm 2017. Có gì đặc biệt hay mới mẻ trong cuộc hội đàm này?
Có thể nói ngay nó rất cũ. Vẫn nhắc đến "16 chữ vàng" và "4 Tốt". Tuy nhiên, cũng có vài điều mới, đáng chú ý. Phía Trung Quốc đề ra "tam đồng" - "đồng cảm, đồng thuận, đồng tâm" - để thắt chặt hơn tình nghĩa cộng sản anh em, vì họ lo sợ sự bất đồng, sự phân tâm vào lúc này. Có một từ mới nữa là "nhất quán", cả 2 bên đều dùng, với cái nghĩa là "một mực như trước, không thay đổi chút nào". Hai chữ này nói lên niềm lo âu, chủ sợ người ở bỏ chủ, người ở lo chủ trừng phạt, cả hai đều lo sự thay lòng đổi dạ khi tình hình thế giới và khu vực đang có thay đổi lớn.
Đâu là những nét mới nữa? Trước hết đây là các văn kiện gắn bó nhiều mặt nhất, sâu đậm nhất giữa 2 đảng, 2 nhà nước cộng sản từ trước đến nay. Các từ "chân thành, thẳng thắn" được nhắc đi nhắc lại nói lên sự lo ngại, nghi kỵ nhau, khi thế giới đang biến động.
Các văn kiện nêu lên việc giúp nhau đào tạo cán bộ cấp cao, cùng nhau nghiên cứu lý luận chính trị, hợp tác trong an ninh biên giới, an ninh quốc phòng, quan hệ ngoại giao, đầu tư phát triển công nghiệp, giao thông vận tải, khai khoáng, thương mại, ngân hàng tín dụng, xuất nhập khẩu và viện trợ, an toàn thực phẩm, truyền thông, truyền thanh truyền hình, xuất bản và du lịch...
Nét nổi bật của chuyến đi Trung Quốc của ông Trọng kỳ này là ông và Bộ Chính trị đã bỏ ngoài tai mọi ý kiến đóng góp, can ngăn của đông đảo nhân dân, của một bộ phận đông đảo đảng viên, trong đó có nhiều đảng viên cao cấp, từng là ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội, Bộ trưởng, hàng trăm Giáo sư Tiến sĩ, các nguyên cố vấn của thủ tướng và hàng ngàn công dân nam nữ đầy thiện chí trong hơn ba chục tổ chức dân sự và hàng trăm bloggers tự do.
Ý kiến chung của số công dân yêu nước, sáng suốt và dũng cảm này là: lúc này hơn lúc nào hết cần dựa trên tư duy độc lập và quyền tự quyết dân tộc, lãnh đạo đảng và Nhà nước phải công khai hóa nội dung cuộc mật đàm Thành Đô, dứt khoát từ bỏ sợi dây trói buộc "16 chữ vàng" và "4 Tốt" lừa mỵ, xem xét lại cụ thể các mối quan hệ, các dự án kinh tế, công nghiệp, xây dựng, buôn bán với Trung Quốc, lọai bỏ mọi ký kết bất bình đẳng, có thiệt hại lớn cho phía Việt Nam, xem xét số người Hoa trên đất Việt Nam, trả về những người không đủ giấy tờ hợp lệ.
Mong rằng Ban Tuyên huấn trung ương sẽ tiến hành một cuộc điều tra dư luận trung thực để xem nhân dân, trí thức, đảng viên cộng sản, đoàn viên cộng sản còn có bao nhiêu phần trăm còn tin ở chủ nghĩa Mác-Lênin, chủ nghĩa xã hội Mác-xít và chế độ độc đảng?
Tình hình nội bộ Trung Quốc hiện nay là khó khăn, nguy hiểm nhất - kinh tế mất đà, đồng nguyên mất giá, nợ nần chồng chất, dự trữ ngoại tệ vơi đi từng ngày; Đài Loan tỏ ra cứng cỏi tự tin; Hồng Kông ra mặt thách thức, tự coi mình tiến bộ, văn minh hơn lục địa.
Cả Ngoại trưởng mới Rex Tillerson lẫn Bộ trưởng Quốc phòng mới James Mattis của Hoa Kỳ dưới thời Donald Trump sắp tới đều xem Trung Quốc là đối tượng cần ngăn chặn, trừng phạt, cô lập, còn nghiêm khắc cảnh cáo Trung Cộng không được xây dựng thêm các đảo nhân tạo ở Biển Đông và không được quân sự hóa, thậm chí không được phép sử dụng các đảo này, theo như kết luận của Tòa án Quốc tế. Đây là một điểm nhắc nhở cho phe nhóm giáo điều cực đoan của ông Trọng hãy sáng suốt, kịp thời tách xa khỏi Bắc Kinh. Nếu chưa tách xa thì cũng phải buông lỏng ra từng bước, khi Trung Quốc đang trong tình trạng bị cô lập và đe dọa, không còn đáng sợ nữa. Thời cơ lớn để "thoát Trung" trong khi vẫn giữ quan hệ hòa bình hợp tác bình đẳng với Trung Quốc là lúc này. Hãy nêu cao tinh thần độc lập tự chủ, gắn bó với thời đại, tự tin ở nội lực dân tộc. Lúc này cũng là dịp tốt nhất để Đảng Cộng sản thực hiện đại đòan kết dân tộc.
Chuyến đi Bắc Kinh của ông Trọng rất tai hại vì nó trái lẽ phải, trái ý dân, phản dân tộc, đi ngược lại các bước đối ngoại thức thời, tiến bộ gần đây của Việt Nam gắn bó thêm với Liên Âu, Nhật Bản, Ấn Độ, Đài Loan, Indonesia và Malaysia...
Cho nên vào lúc lẽ ra phải buông lỏng mối quan hệ phụ thuộc với Trung Cộng để từng bước thắt chặt hơn mối quan hệ với các nước dân chủ quốc tế, thì ông Trọng và Bộ Chính trị lại lao sâu hơn vào cái cũi Thành Đô, đi ngược lại mong muốn của tuyệt đại đa số nhân dân Việt Nam cũng như của đông đảo bạn bè quốc tế.
Thật là đáng buồn cho những ngày Tết Đinh Dậu sắp đến cho nhân dân ta. Chuyến đi của ông Tổng Trọng như một bóng đen phủ kín bầu trời Việt Nam, dù cho đốt bao nhiêu pháo bông của không tỏa sáng nổi.
Bùi Tín/(VOA)
15 VĂN KIỆN HỢP TÁC VIỆT-TRUNG GÂY NHIỀU TRANH CÃI
CÁT LINH/VOA/BVN 20-1-2017
clip_image002
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường gặp Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng tại Bắc Kinh ngày 13 tháng một năm 2017. AFP photo
Cộng hoà nhân dân Trung Hoa là quốc gia được Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng chọn làm nơi bắt đầu cho chuyến đi công vụ đầu năm 2017, từ ngày 12 đến ngày 15/1/2017. Chuyến đi kết thúc với 15 văn kiện hợp tác được ký kết giữa hai quốc gia. Tính chất và nội dung của 15 văn kiện này đang tạo ra nhiều tranh luận trong và ngoài nước.

Tiêu cực

Chuyến đi thăm được Ban Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam thông báo và miêu tả là nhằm tiếp tục đưa quan hệ Việt - Trung phát triển lành mạnh, ổn định vì lơi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, thịnh vượng của khu vực và thế giới.
Ngay khi đặt chân đến Bắc Kinh, chiều ngày 12/1, tại Đại lễ đường Nhân dân Bắc Kinh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký kết 15 văn hiệp hợp tác giữa Việt Nam và Trung Quốc. Nội dung cụ thể được nêu trong 15 văn kiện chưa được loan báo, ngoại trừ những tiêu đề chính. Nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai cho rằng đây là những văn kiện không minh bạch, và mang tính chất tiêu cực.
“Chúng tôi đánh giá là đại tiêu cực. Và chúng tôi yêu cầu phải công khai từng văn kiện, từng câu từng chữ rõ ràng và quốc hội phải xem xét, nghiên cứu, rồi phê phán, chỉ ra chỗ nào được, chỗ nào không được, chỗ nào đúng chỗ nào sai”.
Việc ký kết nhiều văn kiện trong một chuyến đi công vụ giữa Việt Nam và Trung Quốc được ông Nguyễn Khắc Mai nhấn mạnh đã từng diễn ra rất nhiều lần, trong nhiều lĩnh vực, từ quân sự đến chính trị, đến đào tạo cán bộ, kinh tế... Nhưng riêng lần này, ông nhận định đó là “những ký kết phi pháp”.
“Vì không ai cho phép và không có cái luật nào là anh Tổng Bí thư dẫn một đoàn đi ký kết những văn kiện như vậy được. Ông Trọng đang làm một việc trái luật. Ngay cả điều 4 của Hiến pháp cũng không có khoản nào qui định anh được làm việc này. Cái này là cách làm của Đảng Cộng sản Liên Xô cũ. bây giờ nó đã giải tán rồi? Phương thức ấy vẫn sử dụng là không đúng”.

Ghi điểm về ngoại giao

clip_image004
Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng (phải) đến Bắc Kinh hôm 12/1/2017. AFP photo
Tiến sĩ Vũ Cao Phan, Phó chủ tịch hội Hữu nghị Việt Nam-Trung Quốc nhấn mạnh tuy phản ứng của nhiều người cho rằng bản thông cáo chung của Ban Đối ngoại Trung ương Đảng về cuộc thăm viếng Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã không chứng minh sự tiến triển gì.
Nhưng với cá nhân ông có nhận định khác, đặc biệt về hình thức ngoại giao:
“Trong thông cáo đó, giọng điệu thoải mái hơn, nhìn vấn đề được đề cập cụ thể hơn. Ngoài ra thì tôi có thể cho rằng cả Trung Quốc và Việt Nam đều ghi được điểm về mặt ngoại giao”.
Tiến sĩ Vũ Cao Phan nhận thấy qua chuyến đi thăm này, Việt Nam đã tỏ ra không kém cạnh, không thua thiệt với các nước đã chìa bàn tay với Trung Quốc, đã bước theo kịp tình hình chung của khu vực. 15 văn kiện hợp tác vừa được ký kết đã chứng tỏ Việt Nam cũng tạo được một điểm nhấn sau Malaysia và Philippines.
Và ngược lại, sau quan hệ nồng ấm với Philippines và Malaysia thì Trung Quốc rất cần chứng tỏ cũng làm được như vậy với Việt Nam, là nước có nhiều quan hệ nhất với Trung Quốc, cả về được lẫn chưa được.
Với ghi nhận của Tiến sĩ Vũ Cao Phan thì Trung Quốc đánh giá quan hệ với Việt Nam là quan trọng nhất. Do đó, với 15 văn kiện này, Trung Quốc đã ghi được điểm trong công tác ngoại giao sau khi thắt chặt quan hệ với các nước khác trong khu vực.
Đối lập với nhận định này, ôngNguyễn Khắc Mai cho rằng 15 văn kiện hợp tác ấy như một bước tiếp theo của 16 chữ vàng với 4 tốt, điều mà theo ông là lâu nay đã bỏ đi và xã hội xem đó là một sự “đầu hàng nhục nhã”.
“Riêng cá nhân tôi đây là một đại hoạ chứ không phải mối lo nữa. 16 chữ thực chất là cái thòng lọng mà Tàu buộc vào Đảng Cộng sản Việt Nam, chính phủ, chính quyền Việt Nam và cả dân tộc Việt Nam nữa. vẫn chiếm đảo, xây dựng đảo, uy hiếp đường hàng không hàng hải của Việt Nam”.

Hai vấn đề quan trọng vẫn không tiến triển

clip_image006
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) và Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng (trái) hội đàm tại Bắc Kinh ngày 12 tháng 1 năm 2017. AFP photo
Cá nhân Tiến sĩ Vũ Cao Phan không quan trọng về số lượng của văn kiện được ký kết là 15 hay con số nào khác sẽ được ký kết thêm. Điều ông đưa ra làm vấn đề chính chưa được giải quyết và đặt nền tảng xây dựng một cách hoà bình, bình tĩnh, hữu nghị, đó là kinh tế và Biển Đông. Theo ông, đây cũng chính là hai vấn đề nổi bật nhất trong quan hệ giữa hai nước.
“Tóm lại đứng về mặt ngoại giao và hình thức thì ta có thể nhìn như thế. nhưng về chất lượng của chuyến đi với hai vấn đề quan trọng giữa Việt Nam - Trung Quốc là kinh tế và Biển đông thì tôi thấy không tiến triển”.
Đây cũng là nhận định của Giáo sư Nguyễn Khắc Mai khi nói về những nội dung mà ông đánh giá là tiêu cực của 15 văn kiện hợp tác.
“Những cam kết về kinh tế là rất dở hơi, vẫn kéo dài và nâng giá…”
Theo phân tích của Tiến sĩ Vũ Cao Phan, mặc dù phía Trung Quốc đã nhấn mạnh quan hệ thương mại giữa Trung Quốc và Việt Nam đã vượt qua Malaysia để đứng đầu Đông Nam Á, nhưng thực tế thì không như thế.
“Trong cái đứng đầu ấy thì Trung Quốc vẫn giữ lợi thế là Việt Nam vẫn phải nhập siêu trầm trọng. Đầu tư vào Việt Nam không tương ứng với quan hệ thương mại. Trong một chục nước đứng đầu đầu tư vào Việt Nam thì Trung Quốc xếp gần cuối”.
Theo số liệu thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài đưa ra vào năm 2016, 10 nước có vốn đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam là Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Đài Loan, Quần đảo Virgin, Hồng Kong, Malaysia, Hoa Kỳ, Trung Quốc và Thái Lan. Trung Quốc xếp thứ 9 trong bản thống kê xếp hạng.
Tiến sĩ Vũ Cao Phan đề cập thêm đến việc đầu tư không hiệu quả như vấn đề gang thép Thái Nguyên, phân đạm Ninh Bình.
“Về mặt kinh tế, tôi cho rằng không ghi được điểm nhấn nào ngoài việc Trung Quốc đưa vào thông cáo chung nói về kết hợp 2 con đường 1 vành đai và 1 con đường 1 vành đai”.
“Nhất đới nhất lộ” là cách gọi mà báo chí Trung Quốc nhắc đến rất nhiều khi nói về chiến lược thương mại với Việt Nam. Phía Việt Nam thì đề cập đến điều này qua cách nói “Một con đường, một vành đai”. Chính sách này cũng đã gây không ít tranh cãi cho cả báo chí phương Tây với tên gọi “Con đường Tơ lụa trên biển thế kỷ 21” hoặc “Vành đai kinh tế con đường tơ lụa”.
Tuy nhiên với “Hai con đường một vành đai” thì đây là lần đầu tiên được đưa vào văn kiện hợp tác giữa hai nước Việt - Trung từ sau thoả thuận với Nguyên thủ tướng Phan Văn Khải. Mặc dù Tiến sĩ Vũ Cao Phan cho biết Trung Quốc cũng đã nhiều lần nhắc đến, nhưng phía Việt Nam không hưởng ứng trong suốt nhiều năm qua.
“Tôi phải đặt câu hỏi là Việt Nam có muốn duy trì “Hai con đường một vành đai” hay không vì chỉ có phía Trung Quốc đưa ra? Về kinh tế là thế. Về Biển Đông thì càng không”.
Ông khẳng định quan điểm của mình là phải có đàm phán về Biển Đông, ngay cả những vấn đề có thể hợp tác được như quyền đánh cá truyền thống của ngư dân Việt Nam ở Hoàng Sa, là vấn đề Trung Quốc đã thực hiện đàm phán với Philippines ở quần đảo Scarborough.
Mặc dù nội dung chi tiết của 15 văn kiện hợp tác Việt Trung chưa được hơn 90 triệu người dân Việt Nam tường tận, thế nhưng với những phân tích của các nhà quan sát cùng với phản ứng của người dân trong nước, có vẻ như họ vẫn đang thấy sợi dây liên đới chặt chẽ giữa 15 văn kiện hợp tác và 16 chữ vàng, 4 tốt.
C.L.
CAM KẾT VIỆT-TRUNG VỀ TRANH CHẤP BIỂN ĐÔNG CÓ ĐÁNG TIN ?
VIỆT HÀ/ RFA/ BVN 20-1-2017
clip_image002
Tàu cảnh sát biển Trung Quốc xịt vòi rồng vào một tàu cá Việt Nam trên biển Đông hôm 2/6/2014. AFP photo
Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng kết thúc chuyến thăm hữu nghị Trung Quốc với một thông cáo chung nhấn mạnh cam kết giữa hai nước trong việc kiểm soát bất đồng trên biển và giữ gìn hòa bình ổn định ở khu vực biển Đông.
Kết thúc chuyến thăm hữu nghị Trung Quốc kéo dài từ ngày 12 đến 15 tháng 1 vừa qua, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam và người đồng cấp Trung Quốc Tập Cận Bình đã ra một thông cáo chung giữa hai nước nhấn mạnh việc kiểm soát tốt những bất đồng trên biển, cam kết không có hành động làm phức tạp, mở rộng tranh chấp, giữ gìn hòa bình, ổn định ở biển Đông. Hai bên cũng tuyên bố sẽ tôn trọng tuyên bố về ứng của các bên trên biển Đông (DOC) và sớm xây dựng Bộ Quy tắc về ứng xử ở biển Đông COC.

Hy vọng dè dặt

Một số chuyên gia trong nước đã đón nhận những cam kết được đưa ra trong tuyên bố này một cách dè dặt, thậm chí nghi ngờ về khả năng cam kết có thể được thực hiện.
Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ bày tỏ hy vọng những cam kết giữa lãnh đạo hai nước sẽ được tôn trọng nhưng ông cũng tỏ ra dè dặt khi đưa ra nhận định về phía Trung Quốc:
Về mặt hy vọng thì chúng tôi nghĩ là nếu như cả hai bên đều nghiêm túc thực hiện những cam kết đó thì tình hình biển Đông sẽ có những phát triển tốt hơn, và không có khả năng xảy ra chiến tranh. Việc vi phạm các quyền và lợi ích của các nước sẽ giảm đi, đặc biệt tôn trọng các nguyên tắc xử lý trên biển Đông luật pháp quốc tế, đặc biệt là công ước quốc tế về luật biển năm 1982. Đó là về phía Việt Nam, dư luận tiến bộ hy vọng vào Trung Quốc. Chúng ta rất tin tưởng, hy vọng và mong muốn như vậy để có thể giải quyết mọi tranh chấp bằng biện pháp hòa bình nhưng trong thực tế thì chúng ta đã chứng minh được những thỏa thuận đó không đi đôi với việc làm.
Chuyên gia về biển Đông của Việt Nam, ông Đinh Kim Phúc từ Sài Gòn nói rằng ông không tin vào những cam kết về vấn đề biển Đông giữa hai nước được nêu ra trong tuyên bố vì đây cũng là những gì mà hai nước đã từng nói nhiều lần trước kia mà không thực hiện được:
Trong toàn bộ thông cáo chung giữa Tổng Bí thư Việt Nam nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc đã ký thì tất cả những nội dung này chỉ lặp lại những nội dung của các đời Tổng Bí thư trước ở chừng mực này hay chừng mực khác chứ không có cái gì mới. Bản thân tôi không hy vọng bất cứ nội dung nào được Trung Quốc thực hiện và tất cả những gì mà nhiều đời Tổng Bí thư đã nêu ra kể cả phía Trung Quốc lẫn Việt Nam thì Trung Quốc chỉ xem những chữ ký đó, những dòng chữ đó chỉ là tờ giấy lộn mà thôi.
Những cam kết liên quan đến giải quyết các bất đồng trên biển giữa hai nước hay việc tôn trọng DOC và hướng tới COC luôn được nhắc tới trong các chuyến thăm và làm việc giữa lãnh đạo hai nước. Trong tuyên bố chung kết thúc chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình tới Việt Nam vào tháng 11 năm ngoái, điểm thứ 7 của tuyên bố cũng nói rằng hai bên nhất trí cùng nhau kiểm soát tốt bất đồng trên biển, thực hiện đầy đủ và có hiệu quả DOC, thúc đẩy sớm đạt được COC, không có hành động làm phức tạp, mở rộng tranh chấp, xử lý kịp thời, thỏa đáng vấn đề nảy sinh, duy trì hòa bình, ổn định ở biển Đông. Xa hơn nữa, trong chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sang Trung Quốc vào tháng 4 năm 2015, tuyên bố chung của hai nước cũng nói như vậy ở điểm thứ 5 của tuyên bố.
Tuy nhiên trong suốt năm 2015 và 2016, Trung Quốc vẫn có những hành động bị các nước khác coi là làm phá vỡ thực trạng và làm mất ổn định tình hình biển Đông như việc triển khai vũ khí ra quần đảo Hoàng Sa đang tranh chấp với Việt Nam và quần đảo Trường Sa đang tranh chấp với Việt Nam và những nước khác trong khu vực. Trong suốt thời gian từ năm 2013 đến nay Trung Quốc đã liên tục tiến hành việc xây lấp các đảo và bãi đá trong khu vực quần đảo Trường Sa bất chấp những lên án của Mỹ và những nước khác trong khu vực. Báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ hồi năm 2015 cáo buộc Trung Quốc đã bồi đắp hơn 1,170 ha đất ở khu vực quàn đảo Trường Sa tính đến tháng 6 năm 2015, nhiều hơn 17 lần trong vòng 20 tháng so với tổng cộng đất đai được bồi đắp bởi các quốc gia có tranh chấp trong khu vực trong suốt 40 năm qua.

Hữu nghị nhưng vẫn nghi ngờ

Thạc sĩ luật Hoàng Việt, thành viên Quỹ nghiên cứu biển Đông cho rằng mặc dù một mặt hai nước muốn củng cố quan hệ hai nước nhưng mặt khác Việt Nam vẫn không thể tin tưởng Trung Quốc
Chúng ta biết là trong những thời khắc quan trọng lãnh đạo Việt Nam đều sang Trung Quốc để trao đổi quan điểm vì Việt Nam là một quốc gia nhỏ nằm cạnh Trung Quốc là một cường quốc trên biển cho nên Việt Nam rất biết nếu duy trì hòa bình thì Việt Nam phải liên quan đến Trung Quốc. Tuy nhiên mặt thứ hai là đối với những tranh chấp trên biển và tham vọng của Trung Quốc trên biển thì Việt Nam hoàn toàn không tin tưởng Trung Quốc dù hai bên luôn luôn đặt ra vấn đề là hai bền cùng thỏa thuận với nhau nhưng tất cả những thỏa thuận đó chỉ là trên giấy chứ trên thực tế chưa thực sự xảy ra.
Điều này thể hiện trong việc Việt Nam tiếp tục củng cố tiềm lực quốc phòng của mình, triển khai giàn phóng tên lửa di động đến một số đảo ở Trường Sa trong năm 2016, tiến hành nạo vét kênh ở đảo Đá Lát thuộc Trường Sa. Những hành động này được các chuyên gia về quân sự quốc tế đánh giá là hành động kiên quyết hóa giải những tham vọng bành trướng chủ quyền trên biển của Trung Quốc.
Trong tuyên bố chung kết thúc chuyến thăm hữu nghị lần này, cả hai nước cũng một lần nữa nhấn mạnh việc thực hiện thỏa thuận những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển mà lãnh đạo hai nước đã ký vào năm 2011 nhân chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sang Trung Quốc. Theo nhận định của thạc sĩ luật Hoàng Việt, việc thực hiện thỏa thuận này trong những năm qua đã không thực sự tốt, điển hình là vụ Trung Quốc đưa giàn khoan dầu 981 vào khu vực Việt Nam đòi chủ quyền gần quần đảo Hoàng Sa năm 2014. Những đường dây nóng được thiết lập giữa hai nước căn cứ trên các thỏa thuận đã đạt được đã không có hiệu quả trong suốt giai đoạn mối quan hệ hai nước căng thẳng.
Tuyên bố chung lần này cũng nói đến việc thúc đẩy thực hiện đường dây nóng về các vụ việc phát sinh đột xuất ủa hoạt động nghề cá trên biển. Nhưng đây cũng là một điểm nóng trong quan hệ hai nước khi mà ngư dân Việt Nam trong các năm qua liên tục bị những tàu cá, tàu kiểm ngư của Trung Quốc rượt đuổi, tấn công khi họ đang đánh bắt cá ở khu vực ngư trường truyền thống gần quần đảo Hoàng Sa.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét