Thứ Sáu, 6 tháng 1, 2017

20170106. VÌ SAO NƯỚC TA NGHÈO ?

ĐIỂM BÁO MẠNG
'CÓ RỪNG CÓ BIỂN...TẠI SAO VẪN NGHÈO ?'
NGUYỄN CAO/ GD 5-1-2017
Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Đinh La Thăng đặt vấn đề về việc huyện Cần Giờ có tiềm lực, có rừng, có biển... tại sao vẫn nghèo? (Ảnh: Báo Sài Gòn Giải Phóng)
Trong chuyến làm việc gần đây tại huyện Cần Giờ, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Đinh La Thăng đã đặt vấn đề với cán bộ và nhân dân của địa phương: 
Đây là huyện có tiềm lực về tài chính, con người và nhiều thứ khác. Số lượng dân không lớn nhưng diện tích rất lớn, có rừng, có biển… tại sao vẫn nghèo?
Vấn đề của ông Đinh La Thắng đặt ra không mới nhưng vẫn là một câu hỏi lớn không chỉ cho huyện Cần Giờ mà cho cả xã hội chúng ta hôm nay.
Cách đây mấy chục năm, nhà thơ Nguyễn Duy đã từng trăn trở, day dứt trong bài thơ "Đánh thức tiềm lực": 
…Khoáng sản tiềm tàng trong ruột núi non/ châu báu vô biên dưới thềm lục địa/ rừng đại ngàn bạc vàng là thế/ phù sa muôn đời sữa mẹ/ sông giàu đằng sông và bể giàu đằng bể/ còn mặt đất hôm nay - em nghĩ thế nào?/ lòng đất rất giàu, mặt đất cứ nghèo sao?"
Những câu thơ của Nguyễn Duy viết từ trước những năm đất nước chưa đổi mới nhưng cho đến hôm nay, cái nghèo, cái khó vẫn còn hiện hữu ở khắp các nơi trên cả nước. 
Sau cơn bão số 1 và 2 của năm 2016, Thủ tướng Chính phủ quyết định hỗ trợ kinh phí 260 tỉ đồng từ ngân ngân sách dự phòng cho 12 địa phương khắc phục thiệt hại, thực hiện hỗ trợ dân sinh và khắc phục cấp bách cơ sở hạ tầng thiết yếu như: công trình thủy lợi, giao thông nông thôn, đê điều...
(Trong đó, Nam Định 50 tỷ đồng; Thái Bình 40 tỷ đồng; Hà Nam, Điện Biên, Hưng Yên, Thanh Hóa, Sơn La mỗi tỉnh 10 tỷ đồng; Ninh Bình, Hải Phòng, Hòa Bình mỗi tỉnh 20 tỷ đồng; Hà Giang, Lào Cai mỗi tỉnh 30 tỷ đồng)
Những tháng cuối năm 2016, các tỉnh miền Trung liên tục gánh chịu những trận lũ lụt tràn về. 
Trời mưa lớn, thủy điện xả nước, những mái nhà thấp thoáng trong đồng nước mênh mông. 
Nhiều lãnh đạo tỉnh phải đề nghị trung ương hỗ trợ khẩn cấp. Đặc biệt là Bình Định nơi vừa phải chịu liên tiếp 5 trận lũ đồn dập. 
Vì thế, ngày 19/12, ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, có công văn đề nghị Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ khẩn cấp cho tỉnh 500 tỉ đồng để khắc phục hậu quả mưa lũ, khôi phục sản xuất. 
Trong đó, hỗ trợ khôi phục hạ tầng giao thông 180 tỉ đồng, khôi phục hạ tầng thủy lợi, đê điều, nước sinh hoạt 180 tỉ đồng, hỗ trợ đời sống dân sinh 100 tỉ đồng, hỗ trợ giống lúa để phục vụ sản xuất đông xuân 2016-2017 là 40 tỉ đồng.
Trong lúc đời sống nhân dân một số tỉnh gặp khó khăn thì sự hỗ trợ của ngân sách trung ương và sự chung tay của một số tổ chức, cá nhân là điều cần thiết. 
Bởi hàng triệu người đang bị ảnh hưởng trực tiếp bởi bão lụt, thiên tai. Những đồng tiền mà người dân đang nhận đó mới thực sự thấy ý nghĩa. 
Nhất là khi mùa xuân đang về, khi mà mọi người bắt đầu rục rịch đi sắm Tết thì nhiều người dân trong vùng lũ lụt vừa qua đang sống trong cảnh tan hoang của cửa nhà, ruộng đồng xác xơ…
Quay lại với vấn đề ông Đinh La Thăng đề cập trong chuyến thăm Cần Giờ, tại sao có rừng, có biển… mà vẫn nghèo? 
Tại sao một huyện của một thành phố trung tâm về kinh tế, văn hóa xã hội của cả nước mà dân tình vẫn nghèo?
Phải chăng người dân chưa tìm được hướng đi hay lãnh đạo chưa gần dân, chưa chú trọng cho việc đầu tư để phát triển? 

Là một huyện có vị trí địa lí thuận lợi, có đường ranh giới chung với nhiều tỉnh mà lại là huyện duy nhất của thành phố Hồ Chí Minh có biển.
Những điều kiện về địa lí tạo cho Cần Giờ có một vị thế thuận lợi. Vậy mà…vẫn nghèo!
Chợt nhớ đến các tỉnh miền Trung, có một thời chúng ta đã từng đua nhau làm thủy điện, nên rừng bị cạn kiệt dần, năm nào cũng mưa lũ kèm xả nước “đúng qui trình” của thủy điện nên dân không làm sao mà phát triển được. 
Những cơn lũ bất thình lình được thủy điện xả vào đêm đến người chạy còn chưa xong nói gì đến lấy đồ đạc hay vật nuôi.
Vì thế, mỗi trận lũ đi qua là người dân vùng lũ lại gần như trở về với hai bàn tay trắng gây dựng lại từ đầu… rồi sang năm lại bão lũ…
Cũng vào thời điểm cuối năm rộ lên thông tin 12 dự án nghìn tỉ thua lỗ, hoạt động kém hiệu quả như: nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ; dự án nhà máy bột giấy Phương Nam; dự án nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2; nhà máy nhiên liệu sinh học Bio-Ethanol Dung Quất; nhà máy đạm Ninh Bình; dự án đạm Hà Bắc; đạm DAP 1 Lào Cai; DAP 2 Hải Phòng, Ethanol Bình Phước; Ethanol Phú Thọ; nhà máy đóng tàu Dung Quất; dự án liên doanh giữa đối tác mỏ Quý Sa và nhà máy gang thép Lào Cai… 
Song hành cùng các dự án thua lỗ hàng ngàn tỉ đồng thì chúng ta cũng đang phải chứng kiến hàng loạt các vụ án tham nhũng gần đây đã gây thiệt hại cho nhà nước hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn tỉ đồng ta mới cảm nhận thấy tội ác mà một vài cá nhân gây cho đất nước biết chừng nào. 
Số tiền đó đủ để chăm lo cho hàng triệu người dân đang sống trong cảnh màn trời chiếu đất, đủ để xây dựng lại hàng trăm mái trường xập xệ và đầu tư được biết bao hệ thống cơ sở hạ tầng cho đất nước. 
Và, dù không muốn thì chúng ta cũng phải liên tưởng: Để hỗ trợ cho hàng chục tỉnh bị thiên tai thì chính phủ cũng chỉ có thể hỗ trợ được vài trăm tỉ đồng…
Vậy mà, chỉ cần một “đại án” hay một dự án đắp chiếu cũng gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước hàng nghìn tỉ đồng. Đó là chưa kể những “dư chấn” trong lòng xã hội.
Chừng nào mà chúng ta chưa có những chế tài xử lí nghiêm minh những người vi phạm, những người cố ý làm thiệt hại công quĩ nhà nước thì chừng đó đất nước chúng ta vẫn còn nghèo. 
Trong khi các đoàn thể, các tổ chức xã hội đang vận động người dân cả nước chung tay cho người dân vùng lũ từng tin nhắn điện thoại thì đâu đó vẫn lãng phí hàng tỉ tiền ăn nhậu, vẫn có những dự án hàng ngàn tỉ đắp chiếu hay càng sản xuất càng lỗ, đâu đó vẫn là những đại án tham nhũng hàng ngàn tỉ… thử hỏi đất nước làm sao thoát khỏi chữ “nghèo”?
Nguyễn Cao

ĐẤT NƯỚC CỦA NHỮNG KẺ LƯỜI BIẾNG

 NGUYỄN QUANG THÁI/ TTT/ BVB 4-1-2017


Đây là một bài viết tôi sưu tầm được, nhưng tôi phải nói trước với bạn đọc là ngôn từ của nó không hề ngọt tai, nếu bạn chưa sẵn sàng nhìn nhận thực tại bản thân hay thế hệ, có lẽ bạn sẽ thấy một chút khó chịu khi đọc.
Nếu bạn muốn thay đổi đất nước, nếu bạn đã 18 hay 20 tuổi hoặc hơn, hẳn là bạn cũng sẽ sớm trở thành những ông bố, bà mẹ. Thế nên, hãy chuẩn bị cho thay đổi, không cần biết trước đây bạn được giáo dục như thế nào, hãy chắc rằng, bạn sẽ trở thành hình mẫu mà bạn muốn con cái mình trở thành trong tương lai.
Bạn có biết lý do chính dẫn tới việc nước Việt ngày càng sa sút? Câu trả lời là: LƯỜI!
Người ta cứ đang kéo cố gắng đất nước này đi lên. Hàng loạt bài báo được viết nên. Trong đó chỉ ra rằng đất nước này đang bị ô nhiễm hóa, đang bị bóc lột hóa, đang bị bất công hóa, và đang bị căng thẳng hóa… Nhưng rồi các bạn biết được điều gì là quan trọng? Ừ, CHẲNG AI THÈM ĐỌC NHỮNG BÀI BÁO ĐÓ. Nghĩa là người ta không biết chuyện gì đang xảy ra chung quanh họ, không biết được mức độ căng thẳng leo thang của thế giới xung quanh. Tóm lại là, người viết thì cứ viết, người chơi thì cứ chơi, không ai thèm đọc. Dĩ nhiên là ta đang nói đến số đông thôi.
Vậy ra, người ta đang cố gắng thay đổi mọi thứ ở phần ngọn. Nghĩa là kêu gọi những con người đã góp sức gây nên hiện trạng này, hãy thôi đừng phá hủy đất nước nữa, hãy thôi xả rác, hãy thôi chém giết. Đó là một ý tưởng điên rồ. Kêu gọi người từng sát hại đất nước này hãy suy nghĩ lại, rũ chút lòng thương, đừng phá hoại nữa.
Bạn biết vì sao mà đất nước này cứ thụt lùi, thậm chí bây giờ thua cả Lào và Campuchia không? Nếu bạn định trả lời là chính phủ thì hãy tạm gác lại cái ý nghĩ đó. Bởi vì vấn đề là dân chúng ở đây mang một căn bệnh nan y không thể chữa nỗi: LƯỜI!
LƯỜI VẬN ĐỘNG, TẬP THỂ DỤC
So với số người tập thể dục, thì số người không tập chiếm gấp nhiều lần, nếu không muốn nói là áp đảo hoàn toàn. Bạn không tin? Sáng thức dậy 4 giờ sáng chạy bộ. Rất nhiều ông cụ, bà già sẽ chạy cùng bạn. Số trung niên cũng rất nhiều. Còn số thanh niên thì chiếm trên đầu ngón tay thôi nhé.
Mà không tập thể dục thì chẳng đào đâu ra sức khỏe, không có sức khỏe thì làm cái gì cũng mau mệt, mau mệt thì sẽ nhanh chán, mà nhanh chán thì sẽ sớm bỏ cuộc. Những người có sức khỏe yếu thường làm mọi việc qua loa. Tin tôi đi. Họ không chịu đựng nỗi bất cứ chuyện gì hết. Đó là khi chúng ta nên nói tiếp các kiểu lười khác là hệ lụy của lười vận động.
LƯỜI HỌC
Cái này thì khỏi nói rồi. Trừ các học sinh trường chuyên và công lập, đa số những trường khác, học sinh rất chi là lười. Khoan hãy nói đến việc kiến thức có hàn lâm hay không, có khó nuốt hay không, có kém thực tiễn hay không. Mà hãy tự hỏi, tại sao lại như vậy? Không ai chịu đựng nỗi 2 3 tiếng học bài ở nhà. Nói trắng ra là họ quá lười chịu đựng. Alan Phan đã từng nói rằng ông không hiểu tại sao một đất nước dân số vàng như Việt Nam lại có vẻ lù khù như các cụ già đến vậy.
Bạn hỏi tại sao? Hãy tạm trách Internet, Smartphone, Karaoke, Nhậu nhẹt, Lotte, Starbuck và các loại ăn chơi thời hiện đại nhé. Bạn lại hỏi tại sao nữa à? Bởi vì đó là thách thức của thời đại này. Thú vui hưởng thụ bao vây xung quanh, nhan nhãn đông tây nam bắc hướng nào cũng có. Tại sao phải chịu đựng học bài khi tụi bạn đi nhậu, đi hẹn hò, đi Lotte? À, quên nữa, đừng ai nói với tôi một câu mà đứa trẻ trâu nào cũng biết: Cái nào cũng có mặt lợi, quan trọng là đừng dùng quá liều lượng. Bởi vì, không có mấy ai biết kiểm soát chính họ ở cái vùng đất này đâu.
LƯỜI LÀM
Tất cả những người chủ ở Việt Nam đều khó tính, họ thường đốc thúc công nhân của mình. Bởi vì họ biết, không đốc thúc, bọn công nhân chỉ ngồi chơi, và làm kiểu đối phó, chủ tới thì luôn tay luôn chân, chủ đi thì phì phèo điếu thuốc, thậm chí là lướt facebook chat chit nữa là đằng khác. Nếu cha mẹ bạn là người trả tiền cho công nhân, chắc bạn sẽ rõ điều đó hơn cả.
Bạn hỏi vì sao họ lười làm, họ bắt đầu lười từ khi nào? Vì sao? Vì họ chẳng có thích thú gì với công việc. Bởi vì họ từ cái giây phút họ lười học, họ chẳng có kiến thức gì để giải quyết vấn đề nên họ chẳng muốn xảy ra thêm vấn đề gì nữa. Mà đấy, cách hay nhất để không có vấn đề gì để giải quyết là ngồi chơi. Làm việc thì tạo nên vấn đề, giải quyết vấn đề chính là một bước thăng tiến. Nhưng họ lại sợ gặp vấn đề biết bao. Không giải quyết được lại bị chửi, lại bị sỉ nhục, lại quê với người khác. Nên họ thà làm người nhàn rỗi tay chân, áo sạch đồ đẹp, không một vết bẩn còn hơn lấm lem mồ hôi, nhếch nhác không ai thèm dòm.
LƯỜI SUY NGHĨ
Lướt dạo hết vòng facebook là điều bạn có thể làm ngay. Nếu facebook bạn không có gì đáng để xem, không có gì để làm bạn cảm động, làm bạn thấy phải nhìn lại bản thân mình thì bạn chính là một ví dụ. Còn nếu có thông tin gì đó hay, viết về thực trạng của đất nước, về ô nhiễm môi trường, về động vật tuyệt chủng, hay các bài viết học thuật, hãy xem nó được bao nhiêu người like? À, thường thì không có bao nhiêu người like đâu. Không tin lướt ngay facebook là biết.
Chúng ta không có gì để học sao? Hay chúng ta chỉ quan tâm về tự sướng, em nào đẹp, em nào xài camera 360, anh nào GAY, chỗ nào chơi tốt, khu nào ăn ngon, quần áo chỗ nào bán đẹp? Nếu facebook của bạn không có bất cứ cái gì liên quan tới học thuật, kiến thức, thay vào đó là 90% ảnh girl xinh, trai đẹp, hãy yên tâm một cách chắc nịch rằng bạn là một trong những đứa lười suy nghĩ bậc nhất thế giới.
LƯỜI TRANH ĐẤU
Cái này thì khỏi phải nói luôn rồi. Cha chung chả ai khóc mà. Đất nước ngày càng đi xuống thì cũng mặc. Nói thật, chả ai quan tâm cả. Những người có tâm, những người làm báo cứ như những kẻ thui thủi một mình tự kỷ vậy. Bài nào họ viết ra, họ tự đọc, chả mấy ai đọc nói chi đến like và comment. Đi chơi noel xong rác thải đầy đường để phải viết lên báo, cũng chả cần thấy nhục mặt cho bản thân hay cho đất nước này, cứ thế năm nào cũng vậy, cũng lên báo, rồi cũng thôi, vì chẳng ai còn hơi sức để nói nữa.
Thờ ơ là căn bệnh của người Việt. Nếu không tin, search bài báo: “Người Việt vô cảm thứ 13 thế giới” là biết. Họ chẳng muốn tranh đấu. Họ chẳng muốn gì cả ngoài việc hưởng thụ những gì đang có. Tài nguyên chúng ta bán, cây rừng chúng ta cưa, voi rừng chúng ta giết, thú rừng chúng ta ăn, chả còn gì mà chúng ta “tha” cả. Khai thác triệt để cho thế hệ này tận hưởng, có thể đoán là trong vòng 10 năm tới sẽ cạn sạch. Nhưng mọi người thì cứ thờ ơ để mọi thứ ngày càng trở nên tồi tệ hơn. Miễn là họ không ở những vùng hiểm trở, thiên tai; miễn là họ không bị gì hết. Càng ngày, người ta càng rút về thành thị, co cụm, bạn thấy không? Cả đám ăn chơi phè phỡn với nhau, rồi chuốc độc nhau trong từng thớ thịt, dĩa cơm… Nhưng không ai muốn tranh đấu! Chẳng ai muốn cả, vì họ bận phải hưởng thụ sự hiện đại này.
Đấy là những thế hệ đã được đào tạo. Việt Nam thuộc loại khủng của thế giới trong việc chi ngân sách cho giáo dục. Họ đã làm gì, và chúng ta đã tôi luyện bản thân như thế nào? Có khi nào chúng ta thấy nhục nhã, chẳng cần gì cao siêu, mà chỉ bởi vì chúng ta vừa quăng một cục rác xuống đường. Ai đó nhắc nhở, và chúng ta phản bác: TRƯỚC SAU CŨNG CÓ NGƯỜI QUÉT THÔI. Liệu có bao giờ chúng ta thấy nhục mặt vì cái độ lười nó ghê tởm đến nỗi những con chó thông minh, biết đi ị đúng chỗ cũng phải khinh thường?
Những thế hệ đi qua, và những bài học của các bậc mẹ cha ngày càng thực dụng. Bạn không thấy xã hội này quá co cụm từ khi bạn chuẩn bị cắp đồ lên thành phố học? 99,9% tôi đảm bảo sẽ được nhắc: Giữ tiền cẩn thận nha con, trộm cắp dữ lắm; Ở ký túc xá coi chừng nhà con, trộm cắp phức tạp lắm; ở Sài Gòn cẩn thận nha con, dân tứ xứ chẳng biết ai là ai đâu…
Bạn đã từng nghe, chắc chắn như vậy, và hãy thừa nhận là lũ người xung quanh bạn thật gớm ghiếc. Và bạn, tôi chỉ đích danh bạn đó, cũng chưa chắc là một trường hợp đặc biệt gì ngoài lũ gớm ghiếc đó đâu. Một lũ tệ hại, cười với nhau những nụ cười giả tạo, đôi tay vịn chắc túi tiền và trôi vào dòng cuộc sống. Chúng ta chắp vá đất nước này, rách chỗ nào vá chỗ đó, nhưng đúng như Lưu Quang Vũ nói: “Có những cái sai không thể sửa được. Chắp vá, gượng ép chỉ càng sai thêm. Chỉ có cách là đừng bao giờ sai nữa, hoặc phải bù lại bằng một việc làm đúng khác.”
Nhưng chúng ta chẳng quan tâm lời dạy này. Chúng ta chắp vá nhiều hơn là đằng khác. Ai đó đút lót, chúng ta đút lót nhiều hơn. Ai đó đối phó để được điểm cao, chúng ta quyết tâm biết được đề thầy sắp ra giờ kiểm tra. Ai đó quăng rác bừa bãi, chúng ta quăng rác một cách tinh vi. Ai đó lừa đảo ta, ta học cách đó để lừa đảo lại người khác. Và chúng ta có một xã hội như ngày hôm nay. Chẳng ra một cái gì cả.
Một dân tộc ghê tởm nhau, đề phòng nhau đến những chuyện nhỏ nhặt đến như vậy thì làm sao còn đầu óc để đầu tư vào những thứ tiến bộ khác hơn? Một xã hội co cụm, những ánh mắt đầy hoài nghi, ghê tởm thay cho chúng ta!
Chúng ta lười mọi thứ. Chúng ta lười vận động, rồi thì sức khỏe chúng ta kém, sức chịu đựng không có nên chúng ta nhác học, lười làm, buồn ngủ khi phải nghĩ và chán ngán khi phải chịu đựng. Tất cả những gì chúng ta có là đối phó, từ trong ra ngoài. Không đối phó bằng cách hối lộ tiền, thì đối phó bằng cách mua bằng cấp giả, nếu không được thì học đại cho xong, và trong lúc học cũng đối phó với thầy cô. Vâng, chúng ta đối phó n+1 các loại. Nhưng điều làm tôi ghê tởm hơn cả tật đối phó, chính là không thèm đối phó nữa mà sẵn sàng thải rác ra đường như không giữa ban ngày ban mặt, buông lời tục tĩu, dâm dục giữa thiên hạ. Số đó không hề ít, xin chớ coi thường.
Chịu đựng! Những người đi ra từ chiến tranh với sức chịu đựng ghê gớm lại nuôi dạy con họ một cách đầy nuông chiều. Quá nhiều người đi ra từ chiến tranh, quá nghèo khổ để nói đến đức hạnh, tất cả những gì họ lo lắng là tiền, là mưu sinh. Đó là lý do chúng ta ở đây. Cả một lũ không được giáo dục tốt. Cả một lũ đang làm đất nước này đi xuống. Đó không phải là lỗi của họ, hãy thông cảm vì điều đó. Họ đã cố phải xây dựng lại mọi thứ từ đống tro tàn. Nhưng còn chúng ta thì sao? Được nuông chiều từ nhỏ tới lớn, chẳng phải chịu đựng bất cứ cái gì, và giờ thì sẵn sàng ngồi quán cafe chém gió suốt ngày.
Bạn biết bọn nhậu nhẹt và ngồi quán cafe chém gió thường nói gì khi gặp nhau? Tao mới xin làm chỗ kia, lương 4 triệu mà toàn ngồi chơi. Liền lập tức, thằng đối diện sẽ bảo: NGON VẬY!
Cái tư duy ở xứ này là: Ngồi chơi và “khỏe”! Nhưng yên tâm đi, vũ trụ rất công bằng. Cái chỏm nhỏ ở chỗ này trước sau gì cũng bị trừng phạt nếu tiếp tục tồn tại theo kiểu đó.
Nếu bạn muốn thay đổi đất nước, nếu bạn đã 18 hay 20 tuổi hoặc hơn, hẳn là bạn cũng sẽ sớm trở thành những ông bố, bà mẹ. Thế nên, hãy chuẩn bị cho thay đổi, không cần biết trước đây bạn được giáo dục như thế nào, hãy chắc rằng, bạn sẽ trở thành hình mẫu mà bạn muốn con cái mình trở thành trong tương lai.
Đừng uống cạn tài nguyên này, đừng ăn mặn để con cháu khát nước. Đừng để thế hệ nối tiếp thế hệ sống cuộc sống như thế này. Và xin cũng đừng, đừng xấu xa cho đã để rồi sau này bắt con mình trở thành một người tốt. Con nít học qua hình ảnh, nó bắt chước tất cả những gì nó thấy. Đừng bao giờ cho phép bản thân tệ hại, và dạy con bằng cái lối nói rằng bạn dù có xấu xa thế nào cũng là hy sinh cho tương lai của nó. Bởi vì, cách đó nhàm quá rồi, một lời biện hộ không có nghĩa gì hết.
Tôi biết là Việt Nam vẫn chưa đến lúc có một cuộc cách mạng cải tổ lại tư duy người Việt. Nhưng từ giờ cho tới lúc đó, hy vọng tôi có thể giúp ai đó hiểu rằng, hãy luyện tập, hãy chịu đựng để bước đi những ngày tháng trưởng thành. Bạn không thể lớn thêm nếu không chịu đựng. Nếu bạn muốn đi lên, bạn phải chịu đựng, dù xung quanh không có ai hỗ trợ bạn, dù xung quanh mọi người đang say ngủ… 
NẾU BẠN MUỐN TRƯỞNG THÀNH, HÃY CHỊU ĐỰNG
Trong nghĩa của từ chịu đựng, không có lười biếng. Trong nghĩa của từ chịu đựng là sức mạnh. Mỗi một cá nhân có sức mạnh, khỏi cần phải bàn tới chuyện đất nước có đi lên hay không, vì đôi tay của họ thậm chí có thể nhấc bổng cả bầu trời…
(Nếu bạn nào đặt một dấu chấm hỏi vì sao bài trước tôi viết là chẳng có ai lười thì bài này tôi lại đỗ lỗi cho việc người ta lười, thì xin hãy hiểu rõ là trong 2 bài tôi đang đề cập đến 2 chuyện khác nhau. Bài trước là cảm thông với những người chưa tìm ra họ là ai trong cuộc đời. Bài này nói về những con người xung quanh tôi mà đầu óc bị mụ mẫm hóa hết rồi, không còn biết gì ngoài những lạc thú tầm thường nữa).
(Kiến Thức trẻ)
/From Email: Thai Nguyen quang thai.nguyenquang@gmail.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét