Thứ Bảy, 18 tháng 10, 2014

20141018. NGHĨ VỀ CẢI CÁCH GIÁO DỤC Ở VIỆT NAM

ĐIỂM BÁO MẠNG

ĐƯỜNG LỐI PHẢN GIÁO DỤC CỦA NHỮNG NGƯỜI CẦM CHỊCH SỰ NGHIỆP GIÁO DỤC 
Bài của NGUYỄN TRẦN SÂM/ Lề Trái/ Quechoa 16/10/2014 
Nhiều năm qua, nhiều người tâm huyết với sự nghiệp giáo dục của nước nhà vẫn thường xuyên nêu ý kiến góp ý với bộ GD-ĐT để có những cải cách thực sự, nhằm khắc phục tình trạng giáo dục ngày một xuống cấp.
Tiếc thay, tất cả những ý kiến góp ý đó đều không đi đến đâu, bởi cái sai cơ bản nhất không được sửa, và các nhà khoa học hình như cũng chưa đề cập đến cái sai cơ bản nhất đó. Vậy cái sai cơ bản nhất đó là gì?
Trước khi trả lời câu hỏi trên, xin nói rằng kẻ viết bài này không hề có ý định góp ý với bộ GD-ĐT về đường lối giáo dục. Lý do thì tôi đã một lần nêu ra trong bài viết “Phải thế nào mới có thể hy vọng có một nền giáo dục tử tế?” đăng trên blog Lề Trái này và Quê Choa của nhà văn Nguyễn Quang Lập.
Cái sai cơ bản nhất của nền GD-ĐT nước nhà có thể so sánh với sự ấu trĩ trong việc giải quyết vấn đề “ăn” cho xã hội.
Trước 1990, cùng với sự tồn tại của các hợp tác xã nông nghiệp “cha chung không ai khóc”, làm cho kinh tế suy kiệt, còn có hệ thống phân phối lương thực theo kiểu “bao cấp”. Lương thực sản xuất ra tại các hợp tác xã nông nghiệp được bà con gánh gồng đem đến các kho nhà nước, để đó khi nào mốc thì chia lại cho bà con ăn một phần, phần còn lại đem “cung cấp” hay “phân phối” cho các loại người trong các cơ quan nhà nước. (Riêng cán bộ trung và cao cấp thì ăn gạo không mốc và còn được các thứ tiêu chuẩn thực phẩm mà người dân có mơ cũng không thấy nữa.) Không ai được phép mang lương thực ra bán ngoài chợ đen. Đói. Đói rã họng! Gạo không đủ thì ăn hạt mỳ chưa xay thành bột, ăn sắn khô mốc xanh mốc đỏ. Con người ăn những thứ mà chó cũng không tiêu hóa nổi.
Vào thời đó, nhà-nước-đảng cũng đã thực hiện nhiều biện pháp để khắc phục tình trạng đói ăn. Nhưng càng cải cách thì tình hình càng tồi tệ thêm. Những người tỉnh táo (nhưng đứng ngoài hệ thống cầm quyền) khi đó thừa biết rằng muốn cho mọi người được ăn no và không cần ăn độn, chỉ cần làm mỗi một việc là giải tán hợp tác xã cùng hệ thống “cung cấp và phân phối” của nhà nước, phá bỏ các kho lương thực, để cho người dân canh tác trên mảnh đất của mình và tự do mang thóc gạo ra chợ bán. Nói cách khác là hãy để và chỉ cần để cho từng gia đình lo cái ăn của gia đình mình. Khi đó, họ sẽ lo rất tốt. Một nhóm người, dù quyền thế đến đâu cũng không thể lo thay cho toàn dân được.
Tôi còn nhớ, lúc đó có rất nhiều bậc “thức giả” phản đối ý kiến trên. “Nhà nước đang lo cho mà còn thiếu ăn, huống hồ bây giờ không có ai lo cho thì còn chết nữa!” Thật thiển cận. Thật ngu dốt!
Và cuối cũng thì nhà nước cũng bỏ “bao cấp” lương thực. Kết quả ra sao thì mọi người đều đã thấy. Từ 1990 đến giờ.
Giáo dục cũng vậy.
Mấy chục năm qua, bộ GD-ĐT (và những người “cao” hơn nữa) đã và đang “lo” chất lượng dạy và học thay cho hàng triệu người. Vì lo mãi mà chất lượng ngày càng đi xuống, nên hết cuộc cải cách này đến đổi mới nọ được tiến hành, nhằm cứu vãn tình thế.  Nhưng, như một ông bạn tôi nói mà tôi càng ngẫm càng thấy đúng, là:
“Mấy thằng ở trên bộ cứ nhoắng lên, ra vẻ đang lo chất lượng giáo dục. Nhưng một nhóm người thì lo thế chó nào được chất lượng dạy và học của cả xã hội! Giáo dục chỉ có chất lượng nếu từng người thầy, từng học trò, từng bậc phụ huynh lo “làm chất lượng”. Nghĩa là cái đó phải liên quan đến quyền lợi của mỗi người. Quyền lợi cả về vật chất lẫn tinh thần…”
Đúng vậy. Một khi những kẻ có bằng cấp nhưng dốt bị đuổi việc thì từng học trò phải lo mà học cho tốt, từng người thầy phải lo mà dạy cho ra hồn, và từng bậc phụ huynh phải lo nhắc nhở con mình chăm học. Khi đó, chẳng cần ông bộ trưởng vụ trưởng quái nào lo mà chất lượng sẽ dần dần được nâng cao gần như “tự động”. Ngược lại, nếu xã hội cứ tuyển theo bằng cấp, tuyển rồi thì kém mấy cũng không bị thải, thậm chí còn dùng bằng cấp để bổ nhiệm làm quan, thì đại đa số sẽ không học, chuyện nâng cao chất lượng giáo dục sẽ chỉ là chuyện nói để mà chơi, để trang trí, và người ta sẽ “múa” với các loại “cải cách” chỉ để lấy thành tích và chi tiền nhà nước (tức tiền mồ hôi nước mắt dân).
Hãy nhìn sang các nước văn minh, nhất là Mỹ. Ở Mỹ, bạn có đến trường phổ thông hay không thì bạn cũng đều có quyền vào đại học. Lớp trẻ có thể học văn hóa từ cha mẹ, hoặc tự học, thay vì đến trường. Việc thi cử vào trường đại học (nếu có) cũng rất đơn giản, và đó là việc riêng của từng học trò với trường đại học mà trò đó chọn. Không hề là việc nhà nước! Không hề có kỳ thi quốc gia do bộ giáo dục đứng ra tổ chức để tuyển sinh. Không hề có một đội ngũ hùng hậu những quan chức của bộ giáo dục hàng năm tiến hành cải cách quy chế thi cử, rồi tỏa đến các địa điểm thi trong khắp cả nước để “thanh tra”, “giám sát”, và… quay để đưa lên TV. Không có những trò nực cười như “hội đồng điểm sàn”, v. v. Vậy mà nước người ta vẫn có bao nhiêu nhà phát minh lỗi lạc! Khoa học và công nghệ ở nước người ta vẫn ở trên tầm cao chót vót.
Và tôi dám chắc rằng nếu một quan chức bộ giáo dục Mỹ mà biết những trò mà bộ GD-ĐT Việt Nam đang làm thì ông ta sẽ vô cùng sửng sốt, không thể hiểu được làm thế để làm gì, vì nó… ngu quá!
Còn rất nhiều nguyên nhân khiến giáo dục – đào tạo nước nhà ngày càng đổ đốn. Nhưng tôi nghĩ đây là điều cốt lõi trong đường lối giáo dục – đào tạo.
Mong (một cách vô vọng) rằng sẽ có vài vị quan chức cỡ bự của bộ GD-ĐT đọc qua những bài như thế này, để mà thấy xấu hổ vì những trò oai oách nhưng vô bổ, thậm chí vô cùng tai hại, mà các vị ấy đang làm.
Chỉ để thấy xấu hổ thôi, chứ việc sửa sai thì chúng tôi không bao giờ hy vọng các vị ấy làm được.


GIÁO SƯ HỒ NGỌC ĐẠI: "VIỆT NAM TỤT HẬU 1-2 THẾ KỶ"
Bài của pv NGỌC QUANG/ GDVN/ Quechoa 18/10/2014
Ảnh trênGs Hồ Ngọc Đại: "Trong thế kỷ 21 này, ngành nào cũng có biến đổi và biến đổi nhanh chóng, nhưng có một ngành mãi vẫn lạc hậu và không thay đổi gì hết, đó là sư phạm." Ảnh: Ngọc Quang


GS.TSKH Hồ Ngọc Đại - người đã từng từ chối làm Thứ trưởng để dạy tiểu học đã bình luận như vậy khi nói về vai trò của người thầy - yếu tố thiên cốt tạo nên sức sống của nền giáo dục.

"Ai cũng dạy được, thất cơ lỡ vận có chữ là dạy được"
GS Hồ Ngọc Đại nhận định: "Ngay từ những năm 60 của thế kỷ trước, khi chúng ta bắt đầu chuẩn bị cuộc cải cách giáo dục với nhiều ảo tưởng, Thủ tướng Phạm Văn Đồng hỏi về tôi cuộc cải cách giáo dục như thế nào? Tôi trả lời ngay: "Sẽ thất bại, vì chiến lược về nền giáo dục hiện đại dông dài, ly kỳ, khó hiểu. Cho đến bây giờ, Việt Nam chúng ta nếu nhìn về mặt triết học thì ngang bằng lịch sử, nhưng thực chất là đang tụt lùi 1-2 thế kỷ”.
Nếu đặt ra câu hỏi: Trước quá nhiều chuyện xấu xí của nền giáo dục, chúng ta phải chọn vấn đề gì cần phải làm trước để mở đường cho một cuộc cải cách? Hẳn bất cứ ai có hiểu biết về giáo dục đề sẽ trả lời: Cái lõi của sự đổi mới, không gì hơn được, đó chính là người thầy. Nếu người thầy năng lực không tốt, không mẫn cán mà nói vui là không chịu được áp lực "lái tàu cao tốc" thì hệ lụy là sẽ làm hỏng nhiều thế hệ học sinh. Nhưng dường như ngành giáo dục chưa có một kế hoạch đủ mạnh để thay đổi vai trò của người thầy. Do đó, GS Hồ Ngọc Đại đánh giá rằng, trong thế kỷ 21 này, ngành nào cũng có biến đổi và biến đổi nhanh chóng, nhưng có một ngành mãi vẫn lạc hậu và không thay đổi gì hết (kể cả nguyên tắc lý thuyết) đó là sư phạm.
“Đi đến đâu tôi cũng kể lại câu chuyện ông bố Kennedy mở lớp dạy cho trẻ con và nói rằng, dòng họ Kennedy sẽ làm tổng thống nước Mỹ. Nếu không làm Tổng thống nước Mỹ mà làm bất cứ nghề gì, kể cả đó là nghề móc cống thì cũng là người móc cống giỏi nhất nước Mỹ. Điều đó có nghĩa là xã hội đòi hỏi sự chuyên nghiệp hóa, nhưng chúng ta hiện nay không có tính chuyên nghiệp gì cả.
Khi nghiên cứu về tâm lý học, tôi thấy rất tự ái về nghề, vì rằng ai cũng làm giáo viên được cả, kể cả thất cơ lỡ vận có chữ là dạy được. Do đó, tôi muốn biến cái nghiệp vụ sư phạm thành công việc chỉ có thầy giáo mới làm được, ngoài ra không ai làm được”, GS Đại chia sẻ.
Đào tạo giáo viên dư thừa quá lớn
Song song với yêu cầu nâng cao chất lượng đời sống cho người thầy thì công tác tuyển sinh ngành sư phạm cũng phải siết thật chặt, không nên để điểm đầu vào quá thấp như mấy năm qua. Nói cách khác, những ai không xứng đáng thì cũng đừng đứng vào hàng ngũ người thầy.
PGS.TS Nguyễn Thám – Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Huế cho hay: “Tôi thống kê hiện nay có 43 trường sư phạm, hoặc các trường không sư phạm nhưng lại có khoa sư phạm đào tạo giáo viên, thậm chí có những trường không có khoa sư phạm cũng đào tạo giáo viên. Năm trước, chỉ tiêu đào tạo giáo viên của Bộ Giáo dục là 16 nghìn có ngân sách nhưng các trường ở địa phương thì tăng lên 25.500 chỉ tiêu. Dù chủ trương của Bộ Giáo dục là giảm chỉ tiêu đào tạo giáo viên, nhưng năm nay vẫn có tới 25.250 chỉ tiêu đào tạo ở tất cả các trường trên cả nước. Như vậy là quá dư thừa"

.

PGS.TS Nguyễn Thám - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Huế đề nghị ngăn chặn sự phát triển ồ ạt đào tạo giáo viên. Ảnh: Ngọc Quang.


Trước thực trạng trên, PGS Nguyễn Thám đề nghị Chính phủ và Bộ Giáo dục cần phải ngăn chặn được sự phát triển ồ ạt vượt quá hệ thống các trường đào tạo giáo viên.
"Nếu không kiên quyết điều chỉnh lại hệ thống các trường đào tạo giáo viên, không kiên quyết giảm chỉ tiêu của các trường đào tạo giáo viên thì đừng nói đến chuyện. Tôi biết rằng chuyện này khó, nhưng phải kiên quyết làm cho được, đây là câu chuyện mang tầm quốc gia và nếu chỉ có riêng Bộ Giáo dục thì không thể làm được", PGS Thám nói.
Chia sẻ về những lo lắng này với PV Báo Giáo dục Việt Nam, GS Nguyễn Minh Thuyết - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng nhận định rằng "đào tạo vẫn rất nhiều và tuyển dễ dãi dẫn tới vàng thau lẫn lộn".
GS Thuyết đánh giá, chương trình - SGK hay trang thiết bị dạy học rất quan trọng, nhưng vai trò của nhà giáo luôn luôn là số một. Chính vì vậy, trong lần đổi mới này, chúng ta cần đổi mới công tác đào tạo và bồi dưỡng giáo viên, nếu không đổi mới được trước thì ít nhất cũng phải song song với đổi mới chương trình - SGK.
"Trước hết, cần đổi mới ở khâu tuyển sinh. Lâu nay, biện pháp miễn học phí cho sinh viên, học viên sư phạm đã tỏ ra hết hiệu lực, không hấp dẫn được học sinh giỏi như trước nữa; bởi vì được miễn vài triệu đồng học phí, lúc ra trường phải chạy hàng trăm triệu đồng mới có một chỗ dạy học thì thầy cô lương ba cọc ba đồng lấy tiền đâu để bù vào khoản “tiêu cực phí” ấy? Chi bằng họ chọn nghề khác, tuy lúc ra trường vẫn phải “chạy việc” nhưng khả năng kiếm thêm, bù lại vẫn nhiều hơn. Để hấp dẫn người giỏi vào ngành sư phạm, theo tôi, Nhà nước cần xác định được tương đối chính xác nhu cầu giáo viên để không đào tạo tràn lan và đảm bảo công ăn việc làm cho giáo sinh lúc ra trường. Xác định điều này hoàn toàn không khó khi đã có số liệu về trường, lớp, môn học, số trẻ sinh ra mỗi năm…
Sau khâu tuyển sinh là phương thức đào tạo. Công tác đào tạo ở các trường sư phạm phải gắn với đơn vị sử dụng lao động. Giáo sinh chỉ nên dành tối đa 60% thời gian học ở trường sư phạm, còn 40% thời gian học ở trường phổ thông. Có như vậy thì đào tạo mới gắn liền với thực tế, giáo viên mới giỏi được", GS Thuyết chia sẻ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét