Chủ Nhật, 19 tháng 10, 2014

20141019. XOAY QUANH BI KỊCH NỢ CÔNG, NỢ XẤU TẠI VIỆT NAM

ĐIỂM BÁO MẠNG
MỐT HOÀNH TRÁNG VÀ "ĐẤT NƯỚC CỦA NHỮNG CÁI LẠ"
Bài của KỲ DUYÊN / VNN / Quechoa 18/10/2014
Nước Việt có thể tiếp cận thế giới hiện đại hay vẫn một mình một chợ, không bước kịp với văn minh nhân loại?
I-Tuần này, nợ xấu còn chưa qua, nợ công đã… sồng sộc đến!
Số liệu công bố mới nhất của Chính phủ cho thấy đến hết năm 2014, nợ công dự kiến lên đến 60,3% GDP và đến cuối năm 2015 đạt mức 64% GDP (Người lao động, ngày 14/10). Nợ công, là tổng giá trị các khoản tiền mà Chính phủ (từ TƯ đến địa phương) đi vay hỗ trợ cho các khoản thâm hụt ngân sách. Để hiểu được tính chất quy mô nợ công, người ta thường đo khoản nợ này bằng bao nhiêu phần trăm so với tổng sản phẩm quốc nội (GDP)
Cũng tính đến 09 giờ ngày 14/10, đồng hồ nợ công toàn cầu trên trang The Economist.com cho biết, nợ công của VN ở mức trên 84,607 tỷ USD. Bình quân nợ công theo đầu người là 933,41 USD/ người. Nợ công đến thời điểm này, chiếm 47,3% GDP, tăng 10,6% so với năm 2013.
Đáng chú ý, theo Ngân hàng thế giới (WB) năm 2013, GDP bình quân đầu người của VN là 1.910 USD/ người.
 Trong khi đó, theo Ngân hàng Nhà nước VN, nợ xấu (là các khoản tiền ngân hàng cho các doanh nghiệp vay, mà không thể thu hồi lại được, do doanh nghiệp đó làm ăn thua lỗ hoặc phá sản) ở thời điểm tháng 09/2014 là 500.000 tỷ đồng. Tính đến cuối tháng 6/2014, nợ xấu ở mức 4,17%, cao hơn mức 4,07% vào cuối tháng 5/2014 và mức 3,61% cuối năm 2013 (tính trên tổng dư nợ cho vay).
Như vậy cả nợ công và nợ xấu đều có chiều hướng tăng- làm thành một cặp đôi… hoàn hảo trên “vũ trường” kinh tế nước Việt.
Đáng chú ý nữa, mặc dù quy định của Quốc hội thì nợ công -64% - vẫn nằm ở ngưỡng an toàn, nhưng theo các chuyên gia kinh tế, thực chất nó đã ở mức cận kề rủi ro, rất đáng lo ngại. Vì bản chất của nợ công không chỉ nằm ở tỉ lệ % so với GDP, mà quan trọng là cơ cấu nợ, khả năng trả nợ và hiệu quả sử dụng các khoản vay để đầu tư công.
Cứ theo khái niệm bản chất này, thì từ năm 2012, VN đã bắt đầu phải thực hiện vay để đảo nợ, tức là dành một phần vốn vay mới để trả nợ cũ và mức đảo nợ này ngày càng… lớn. Năm 2014 Chính phủ phải vay hơn 70.000 tỉ đồng để đảo nợ. Năm 2015 dự kiến tăng gần gấp đôi, đạt mức 130.000 tỉ đồng. Số tiền lãi phải trả nợ hằng năm cũng đang leo thang (Người Lao động, ngày 14/10)
Thực trạng kinh tế nước Việt với những món nợ công, nợ xấu khiến cho ai nhìn vào những con số “có hồn” biết nói, cũng….ngơ ngẩn sầu.
Chợt nhớ tới câu chuyện thời bao cấp. Có một người đàn bà rất nghèo, thường xuyên phải đi vay tiền nuôi đàn con thơ trứng gà trứng vịt. Mỗi lần đi vay, bà hay mặc chiếc áo cánh phin nõn, gấu áo, cổ áo đều bô đê- mốt áo của những người đàn bà thành phố có của ăn của để thời đó, tay bà đeo chiếc nhẫn vàng (giả) to sụ, trông rất hào nhoáng. Chỉ để cho mọi người có lòng tin rằng bà có đủ khả năng trả nợ.
Chính vì vậy, hiện tượng các địa phương sính mốt thời thượng- xây trụ sở to, hoành tráng bỗng nổi lên, khiến dư luận thêm một lần nổi sóng.
Người Việt mình vốn hay đua nhau theo phong trào. Nhưng cái tâm lý tiểu nông con gà tức nhau tiếng gáy thì muôn đời… truyền thống. Dư luận xã hội cách đây ít lâu xôn xao vụ việc nhà vệ sinh tiền tỷ, dát vàng, trong khi có không ít những bé thơ chân đất, bụng đói đi học. Xôn xao về cái tính "ăn tục" không từ một thứ gì. Nay lại xôn xao kính nể những trụ sở hành chính các tỉnh đua nhau thể hiện mình.
Nói cho công bằng, diện mạo một địa phương, đương nhiên phải thể hiện được cả cái uy, cái thế, và cả cái “nhân” với nhân gian. Nhưng điều đáng nói, kinh tế nước Việt đang ốm o, kinh tế địa phương nhiều tỉnh còn phải trông vào bầu sữa TƯ, mà thực chất cũng là tiền dân. Thì cái cách chọn thời điểm để thể hiện mình rất không cân xứng với tiềm lực kinh tế đã đành, mà còn đua nhau kiểu phi hoành tráng bất thành Ủy ban?
Thế nên, cả xã hội ngợp trước độ… chịu chơi của các tỉnh.
Đứng đầu tỉnh miền núi phía bắc, phải nói là Lai Châu. Một tỉnh miền núi cao, nghèo nhất nhì cả nước, thu nhập bình quân cũng… rứa. Vậy mà mới đây, Lai Châu hoàn thành Khu hành chính tập trung của tỉnh, với tổng diện tích sàn lên đến 42.000m2 , tổng mức đầu tư 554 tỷ đồng. Và công trình này vừa được tặng “Cúp vàng chất lượng xây dựng VN năm 2010”.
Tỉnh bắc đã vậy, tỉnh nam cũng không kém cạnh. Đến thời điểm này, đứng đầu là trụ sở UBND tỉnh Bình Dương. Với tòa nhà hành chính cao 20 tầng, hai tòa tháp, trụ sở này ngốn 1400 tỷ đồng. Không chịu thua, tỉnh Đồng Nai đang dự kiến xây trung tâm hành chính của tỉnh, với diện tích sàn xây dựng 122000 m2, và số vốn đầu tư dự kiến hơn 2200 tỷ đồng.
Mặc dù mới được chia tách còn nhiều khó khăn, nhưng trụ sở làm việc và hội trường cấp ủy Hậu Giang tọa lạc trên 3,3 hecta, với tổng mức đầu tư xây dựng gần 300 tỉ đồng, cũng được thiết kế rất hiện đại.
Chịu chơi nhất các tỉnh miền trung phải là UBND t/p Đà Nẵng, với một khối kiến trúc tân kỳ có 34 tầng nổi, tổng mức đầu tư xây dựng khoảng 1.900 tỷ đồng.
Và mới đây nhất là tỉnh Hải Dương. Khu hành chính tỉnh này rộng khoảng 19,15 héc ta, với tổng mức đầu tư khoảng 2.060 tỉ đồng sẽ mọc lên nay mai, gây nên bao đàm tiếu.
Trong khi tài năng điều hành, hiệu quả quản lý và phát triển kinh tế- xã hội- dân trí các địa phương đó có “sánh” ngang với những trụ sở hoành tráng, diễm lệ hay không lại là chuyện khác. Nếu biết rằng có những tỉnh đã và đang xây trụ sở hoành tráng, hàng năm vẫn “vác rá” xin hỗ trợ.
Cái cách đua nhau chơi sang trước con mắt người dân nghèo, theo các chuyên gia kinh tế, quản lý xã hội, có nhiều nguyên nhân. Nhưng có một nguyên nhân dở nhất, đó là bệnh thành tích. Mà bệnh thành tích này lại xuất phát từ những …tiêu chuẩn rất lạ của nước Việt- đó là cách tính GDP.
Nước Việt nên gọi là “đất nước của những cái lạ”. Cách tính nợ công đã chẳng giống đâu. Nay lại đến cách tính GDP.  Khiến cho người đứng đầu CP từng phải nhận xét: "Cách tính GDP ở các địa phương hiện nay không sát thực tế và so với quốc tế, không giống ai".
Theo Ths Bùi Ngọc Sơn (Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính trị thế giới), và Ts Nguyễn Trí Hiếu (chuyên gia kinh tế), với cách tính GDP hiện nay, xây dựng cơ bản có mối liên quan rất chặt chẽ đến việc quyết toán chi phí, làm tăng trưởng GDP. Mà được tiếng tăng trưởng, tỉnh nào chả thích?
Mặt khác, dự án càng lớn, khả năng “hoa hồng” nở trên các công trình xây dựng, trên sắt, thép, bê tông càng… bẫm. Tự lúc nào dân gian cũng nhìn thấu “tình yêu hoa hồng” này, nên có câu tổng kết đắng chát: Muốn có ăn thì phải đẻ ra các dự án. Thế nên, xây trụ sở hoành tráng là được anh được ả được cả đôi bên. Tội gì không xây, vừa có tiếng vừa có miếng. Dù cái tiếng ấy là … tai tiếng
Nếu GDP nước Việt biết nói, thì sẽ nói gì nhỉ? Hay sẽ nói một cách cay đắng- toàn là của ta phúc các người?
Nhưng cái phúc ấy rất khó bền. Bởi đôi chân kinh tế nhiều tỉnh đang phải  “đứng kiễng”. Một ví dụ sinh động hiển nhiên mới đây. Có trụ sở to nhưng chỉ số năng lưc cạnh tranh (PCI) một số tỉnh bỗng không chịu… cạnh tranh mạnh nữa. Năm 2013, Vũng Tàu bị tụt 18 hạng, đứng thứ 39/64 tỉnh, t/p cả nước. Còn tỉnh Bình Dương đang thứ hạng 19 (năm 2012) bỗng tụt xuống thứ 30.
Chả lẽ, các địa phương có trụ sở hoành tráng cũng nên chuẩn bị sắm cho mình… chiếc áo phin nõn, cổ áo bô đê cùng với chiếc nhẫn vàng (giả) to sụ?
                                                  ****************
II- Cách đây hai năm, tháng 10/2012 trong đời sống sinh hoạt nước Việt dấy lên câu chuyện bỏ phiếu tín nhiệm. Với mục đích, kết quả của việc lấy phiếu tín nhiệm sẽ là chỉ số khách quan, khơi mào cho việc hình thành một lối ứng xử rất văn minh của các quan chức. Đó là văn hóa từ chức. Nay câu chuyện này lại trở lại khi có ý kiến đề xuất đưa quy định về việc từ chức vào một bộ luật mới.

Ấn tượng trong tuần, mốt hoành tráng, đất nước, cái lạ, Kỳ Duyên, từ chức, văn hóa

Thật ra, từ chức của các quan chức ở nhiều quốc gia là hành động rất bình thường, thậm chí như tất yếu. Hôm nay quan mai đã lại … dân rồi./ Anh vẫn hiểu làm quan là như thế (xin mượn ý thơ của Xuân Quỳnh). Mới có khái niệm văn hóa lãnh đạo và văn hóa từ chức- cũng là một cặp đôi “hoàn hảo” khác.

Cặp đôi này trở thành một trong những tiêu chí của một xã hội phát triển, con người đề cao văn hóa sống, văn hóa ứng xử với cộng đồng của giới quan chức. Nhìn ra thế giới, văn hóa ứng xử đó khiến cho nhân loại phải nể trọng, tôn trọng, vì tư cách người trong cuộc.
Thế giới vẫn còn nhớ câu chuyện ông Bộ trưởng Giao thông Ai Cập đã từ chức sau tai nạn thảm khốc giữa xe buýt và tàu hỏa (ngày 17/11/2012) khiến 51 em nhỏ nước này thiệt mạng. Rồi ông Bộ trưởng Thương mại Mỹ John Bryson từ chức ngày 21/6/2012 vì liên quan đến một vụ tai nạn giao thông.
Chỉ tiếc cái văn hóa ứng xử với cộng đồng kiểu đó, trong xã hội ta, còn quáhiếm và quý.
Có duy nhất hai vị quan chức VN từ chức, vì trọng danh dự, lại rơi vào trường hợp cả hai người này vẫn đang làm tốt nhiệm vụ của mình. Đó là GS TSKH Nguyễn Kế Hào (nguyên Vụ trưởng Vụ Tiểu học- Bộ GD), và ông Lê Huy Ngọ (nguyên Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn). Cũng lại thêm một “cái lạ” nữa của nước Việt.
Trong khi đó, có những quan chức khác sai phạm vì kém cỏi năng lực, người dân khẩn thiết đề nghị từ chức, thì lại từ chối. Kiểu như sai vắc xin thì xử vắc xin. Khiến văc xin bỗng như văc… xỉn.
Vì sao ở nước Việt, dư luận xã hội cứ nói hoài về văn hóa từ chức, mà cái văn hóa này không chịu thành… văn hóa? Xét cho cùng, lỗi không chỉ thuộc về con người, mà còn thuộc về xã hội, với những quy chuẩn, đặc điểm tâm lý truyền thống, và những chính sách cụ thể.
Thứ nhất, xã hội ta từ xưa đến nay vẫn là xã hội hư học, trọng “hư danh”. Đến mức một miếnggiữa làng bằng một sàng xó bếp. Cái danh ở đây chính là cái ghế quyền lực. Mặt khác, tâm lý dòng họ, cộng đồng làng quê vốn rất nặng nề khiến cho cái ghế càng trở nên được tôn vinh, được vẻ vang, bởimột người làm quan cả họ được nhờ.
Thứ hai, các chính sách của Nhà nước bao giờ cũng tính đúng, tính đủ về quyền lợi cho các chức danh quản lý. Đây cũng chính là một điểm hấp dẫn của cái ghế quyền lực. Vì thế con người ta bằng đủ mọi cách để leo lên chiếc ghế quyền lực, mấy ai thích làm … chuyên viên?
Thứ ba, trong bối cảnh chạy chức, chạy quyền là một căn bệnh trầm kha của nước Việt, thì đã có ghế, người chủ cái ghế phải làm sao “quay vòng lợi tức” cho nhanh.  Cái ghế bỗng trở thành một loại "túi Thạch Sanh".
Thứ tư, cái ghế quyền lực luôn gắn với lợi ích, bổng lộc. Đặc điểm này có thể phổ biến ở tất cả các quốc gia. Nhưng lợi ích, bổng lộc đó hoặc sẽ bị kiểm soát, giám sát, hoặc sẽ được… thả nổi tùy thuộc vào cơ chế quản lý, vào nền quản trị mỗi quốc gia minh bạch hay tù mù, văn minh hay tụt hậu. Cái ghế quyền lực, cũng tùy thuộc vào cơ chế, vào nền quản trị quốc gia đó, mà trở thành “ma lực” hoặc chỉ là một phương tiện để con người thực hiện bổn phận công dân do tài năng, năng lực của họ. Cái ghế đó, ở nơi này là phương tiện tỷ thí “chí làm trai”, ở nơi kia là mục đích kiếm lợi vĩnh viễn
Vì thế, hành vi tự giác từ chức, rời bỏ cái ghế quyền lực dễ dàng hay khó khăn, không chỉ tùy thuộc nhân cách, phẩm cách con người cụ thể. Mà còn tùy thuộc vào sự điều chỉnh của cả một thiết chế văn minh, tiên tiến hay lạc hậu, khoa học hay phi khoa học, xác lập thành lối sống, thói quen tự giác hay không tự giác? Điều đó lý giải những hành vi từ chức ở mỗi quốc gia hoặc nhẹ như lông hồng, hoặc ngược lại, nặng như… đá đeo. Bởi nó cũng là sản phẩm của mỗi nền quản trị, mỗi thiết chế chính trị khác nhau.
Sự khác biệt về văn hóa từ chức không chỉ là sự khác biệt trách nhiệm cá nhân, mà còn là sản phẩm hành xử khác biệt của hai tầm tư duy, hai nền quản trị khác biệt, cho dù các quốc gia cùng chung sống dưới bầu trời thế kỷ 21. Chẳng thế, câu hỏi đặt ra cho người từ chức ở nước Việt thường là “khôn hay dại”? Mà ít ai đặt ra là liêm sỉ con người, có còn hay không?
Nhà sử học Dương Trung Quốc, trong trả lời báo Dân trí mới đây, ngày 14/10, cho thấy cái sự khó khăn của người chẳng may phải từ chức:
Cơ chế hiện nay đúng là khó vì khi đã là chính khách, công tác nhân sự rõ ràng phải qua một quy trình, việc “tiến” hay “thoái” đều khó mà tự lựa chọn. Vậy nên để thực hiện việc này phải đồng bộ, Đảng cần tạo ra một nhận thức chung và một cơ chế thuận lợi cho việc từ chức, chứ nếu quan niệm từ chức là một hình thức kỷ luật thì đầu tiên, người từ chức phải ra khỏi Đảng. Mà như thế thì dứt khoát người ta không ra.
Nợ công, mốt trụ sở hoành tráng, hay văn hóa từ chức có vẻ chẳng ăn nhập gì nhau. Nhưng nền tảng của những vấn đề nóng hổi tính thời sự đó vẫn là câu hỏi nhức nhối: Nước Việt có thể tiếp cận thế giới hiện đại hay vẫn “một mình một chợ”  không bước kịp với văn minh nhân loại?
Sự không bước kịp đồng nghĩa với tụt hậu, cho dù có chiếc… áo phin nõn, gấu bô đê và chiếc nhẫn vàng (giả) to sụ!


NÊN DẸP DỰ ÁN PHÁT TRIỂN CHỜ CHỐNG THAM NHŨNG?
Bài của TRẦN KINH NGHỊ/ Blog Bách Việt/ Quechoa 19/10/2014
Ở VN ngày nay bất cứ một dự án nào cũng  là "chùm khế ngọt" và căn bệnh "thích dự án" đã trở thành kinh niên gắn liền với tệ nạn tham nhũng ở mọi cấp độ trên quy mô cả nước. Có lẽ đó là nguyên nhân tại sao mức chi phí của các dự án VN bao giờ cũng cao gấp nhiều lần so với thế giới.
Đó là chưa kể các khoản chi "phát sinh" vì những lý do không rõ ràng. Các khoản chi để "sửa chữa khắc phục" trong thời kỳ hậu dự án cũng rất lớn. Với tất cả các loại chi phí chồng lấn lên nhau như vậy thường rất khó xác định tổng chi phí thực sự của một dự án.
Tuy nhiên ta có thể làm một vài so sánh đơn giản với những thông tin và số liệu sẵn có trên mạng internet để thấy sự thất thoát ngân sách  ở VN kinh khủng đến mức nào. Vẫn biết mọi so sánh đều có sự khập khiễng nhất định, nhưng không so sánh thì không thấy sự chênh nhau vô lý giữa VN và thế giới. Dưới đây là một vài ví dụ.
Đường Ô Chợ đừa (Hà Nội) dài 547m với tổng mức đầu tư hơn 642 tỉ đồng (trung bình hơn 1,1 tỉ đồng mỗi mét, và được mệnh danh là "đường đắt nhất hành tinh.
Đường Láng-Hoà Lạc dài 30 km, 6 làn xe chi phí tương đương 410 triệu đô la, tính ra chi phí 13,7 triệu đô la cho 1km.
Đường cao tốc Hà Nội-Lào Cai dài 245, 4 làn xe, có nơi chỉ có 2 làn xe, chi phí hết 1,47 tỷ đô la, vị chi 6 triệu đô la cho 1km.

Trong khi đó, theo Cục giao thông và đường bộ Road & Transport Authority of Dubai RTA, con đường tránh đi vào thành phố Dubai (bypass) dài 70 km khánh thành năm 2012 với 12 làn xe tổng chi phí xây dựng hết 1 tỷ dirham= 278 triệu đô la. Như vậy tính ra chi phí xây dựng 1km đường cao tốc 12 làn xe của họ chỉ hết 3,97 triệu đô la thôi (*)
Dự án sân bay Long Thành  được khái toán 18 tỉ USD. Tuy mới chỉ là khái toán nhưng cho thấy đã quá cao so với quốc tế, cụ thể như:
Sân bay Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ: 5,6 tỉ USD rộng 77 triệu mét vuông, tức gần 20.000 ha, lớn gấp 4 lần dự án sân bay Long Thành, có khả năng đón 150 triệu lượt hành khách mỗi năm được kỳ vọng sẽ là "sân bay lớn nhất thế giới".
Sân bay Quốc tế Denver, bang Colorado, Hoa Kỳ: đã xây xong và đưa vào hoạt động từ năm 1995, tổng chi phí đầu tư là 4,8 tỉ USD (tương đương 7,45 tỉ USD ở thời điểm hiện nay). Sân bay này rộng 54 dặm vuông, tương đương 140 km vuông (gần 35.000 ha), lớn hơn 7 lần so với dự án sân bay Long Thành. Lượng khách đón hàng năm: 52,5 triệu.
Tổng chi phí 33 tỷ USD , diện tích 220 km vuông, tương đương 55.000 ha, lớn gấp 101 lần dự án sân bay Long Thành (5.000 ha) và lớn gấp 65 lần sân bay Tân Sơn Nhất (8.500 ha) có khả năng đón 160 triệu lượt hành khách và 12 triệu tấn hàng hóa hàng năm, nhưng tổng chi phí chỉ bằng 1,8 lần khái toán  của sân bay Long Thành.  bay Long Thành  (**)
Đó là chưa nói tình trạng chất lượng của hầu hết các công trình của VN bao giờ cũng xuống cấp nhanh, mới khánh thành đã phải xử lý "sự cố kỹ thuật". Dễ nhận thấy nhất là các dự án xây đường cao tốc, sân bay, bến cảng và các công trình công cộng lớn nhỏ. Hầu hết các tuyến đường cao tốc ở VN đều bị tình trạng sụt lún ngay sau khi khánh thành; mặt đường thì mấp mô, hành lang an toàn  toàn sơ sài nên tốc độ chạy xe rất thấp.
Vậy câu hỏi đặt ra là vì sao chi phí cho các dự án ở VN quá cao so với thế giới mà chất lượng quá kém ? Câu trả lời chung nhất mà giới chức VN thường viện dẫn là "giá đền bù giải phóng mặt bằng", nhưng họ không nêu rõ lý do tại sao chi phí giải phóng mặt bằng cao như vậy. Thực ra sự "bí ẩn" này nằm ở khâu tham nhũng thường rất tinh vi và có tổ chức hoặc được bảo kê của các cá nhân hoặc cơ quan nhà nước đầy quyền lực. Sự phản ứng của  người dân trong các vùng có dự án cho thấy điều này.
Một "kết quả" của phong trào dự án nhìn thấy được là sự thay đổi nhanh chóng trong bức tranh quang cảnh vùng ngoại vi Hà Nội và Sài Gòn và một vài tỉnh thành. Nhưng đi kèm với chúng là sự tàn phá khủng khiếp đối với đất trồng lúa (điển hình là dự án Ecopark ngay cửa cửa ngõ của Thủ đô); môi trường sinh thái bị tàn phá đồng thời dẫn đến nhiều tệ nạn xã hội không thể kể hết ra đây. Nếu xét về mục đích của đầu tư là để phát triển thì có thể nói VN đã và đang làm điều ngược lại, nguy hiểm nhất là biến đất nước thành một con nợ đầy rủi ro.
Vậy nên chăng đã đến lúc phải tạm ngừng cái gọi là "dự án phát triển" để chờ giải quyết vấn nạn tham nhũng?

.....................................  
Ghi chú:
(*) Thông tin do cựu đại sứ Nguyen Quan Khai cung cấp trên trang facebook cá nhân.
(**) Thông tin trên trang Anh basam tập họp từ các nguồn khác nhau.

LẤY TIỀN THUẾ CỦA DÂN ĐỂ CỨU NGÂN HÀNG
Bài của NAM NGUYÊN/ RFA/ Quechoa 19/10/2014
Sau nhiều lần khẳng định không lấy tiền thuế của dân đi cứu ngân hàng, Chính phủ do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lãnh đạo bất ngờ kiến nghị Quốc hội về việc sử dụng ngân sách để xử lý nợ xấu của các doanh nghiệp nhà nước.

Báo điện tử VnEconomy ngày 6/10/2014 đưa tin kiến nghị này được Chính phủ đề cập tại bản báo cáo dài 70 trang về tái cơ cấu nền kinh tế trong ba lĩnh vực trọng tâm. Bản báo cáo này hiện đang nằm tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội và sẽ được trình Quốc hội vào kỳ họp thứ 8 sắp tới.

Giới chuyên gia phản đối

Chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành, hiện sống và làm việc ở Hà Nội phản ứng khá mạnh mẽ đối với thông tin vừa nêu. Ông nói:

“Nếu tôi là đại biểu Quốc Hội tôi sẽ kịch liệt phản đối đề nghị ấy, không có lý do gì dùng ngân sách Nhà nước đi trả nợ xấu cho các ngân hàng. Các ngân hàng thương mại Việt Nam ham vấn đề lợi nhuận lãi suất cao đã cho vay  không đúng tiêu chuẩn đầy rủi ro. Ngân hàng cứ cho nhau vay thay vì cho người khác vay. Tất cả những bất cập của hệ thống ngân hàng Việt Nam thì không thể nào bắt dân chúng phải gánh chịu được.” 

 Theo sự ghi nhận chung nợ xấu ở Việt Nam là một con số mù mờ, được che dấu ngụy trang và ngay giới lãnh đạo nhà nước từ Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng cho tới Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng đưa ra những con số không khớp với nhau ở trong những thời điểm không cách xa nhau là mấy. Số liệu mới nhất được Thống đốc Nguyễn Văn Bình tiết lộ với Quốc hội vào cuối tháng 9 vừa qua thì tổng nợ xấu đã có lúc lên tới 500.000 tỷ đồng. Theo SaigonTimes Online, ông Thống đốc không đề cập đến thời điểm của số nợ này, tuy vậy theo lời ông đã có 240.000 tỷ đồng đã được xử lý cho đến nay. Được biết khoảng 70% nợ xấu thuộc về các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước với chủ nợ chính các ngân hàng thương mại Nhà nước.

Trong dịp trả lời chúng tôi Phó Giáo sư Tiến sĩ Ngô Trí Long từng nhận định:

“Nợ xấu của Việt Nam có rất nhiều việc đáng bàn. Ở đây thực chất là cục máu đông này cũng chưa được giải quyết đến nơi đến chốn. Mặc dầu có thành lập công ty quản lý tài sản VAMC, nhưng công ty này thực chất mới chỉ là chỗ gom nợ lại thôi, còn để xử lý giải tỏa vấn đề này thì cũng chưa có hướng cụ thể….”

Thời báo Kinh tế Viet Nam đưa tin, trong buổi chất vấn chiều 29/9/2014 các Đại biểu Quốc hội đã xoay quanh các câu hỏi về vấn đề VAMC và hậu xử lý nợ, sau khi cơ chế này đã hoạt động một thời gian theo nguyên tắc không dùng vốn nhà nước. Theo tờ báo, sau khi chất vấn Thống đốc Nguyễn Văn Bình, một vị đại biểu nhận xét: “Cách xử lý nợ xấu hiện  nay còn xấu hơn cả nợ xấu.”

Trả lời chúng tôi, chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành nhận định về sự hoạt động của Công ty Quản lý Tài sản của các tổ chức tín dụng Việt  Nam VAMC. Ông nói:

 “VAMC chỉ là phương tiện để “quét nhà” thôi nghĩa là quét nhà giùm cho ngân hàng thương mại, quét nợ xấu của ngân hàng thương mại qua kho của VAMC và tạm thời để đấy thôi. Đồng thời VAMC trả cho ngân hàng thương mại đó bằng trái phiếu đặc biệt; với trái phiếu này ngân hàng thương mại đang bí thế không có tiền không thanh khoản vì nợ xấu nhiều, ngân hàng đem trái phiếu đặc biệt tới Ngân hàng Nhà nước để vay với tỷ lệ 70% vay tiền mới về để tiếp tục hoạt động. Đó không phải là giải pháp để giải quyết nợ xấu. VAMC gọi là mua nhưng không mua không trả tiền chỉ là trả trái phiếu ấy tạm thời thế thôi. Hơn nữa các ngân hàng thương mại phải trích lập dự phòng 20% nợ xấu gọi là đã bán cho VAMC và trong 5 năm ngân hàng thương mại đã bán phải có đủ tiền tự giải quyết nợ xấu ấy. Đây cũng không là phương pháp để giải quyết nợ xấu, cho nên giải pháp của VAMC không có gì khác hơn là tạm thời làm sạch các báo cáo tài chính của ngân hàng thương mại dính vào trong nợ xấu, tạo điều kiện cho những ngân hàng thương mại yếu kém có thể tiếp tục làm việc.”

Chuyên gia Bùi Kiến Thành nhấn mạnh:

“Nhà nước không muốn ngân hàng nào bị phá sản bị đổ vỡ hay bị xử lý, đấy là một chính sách mà đối với tôi hoàn toàn không hợp lý. Tại sao lại tạo điều kiện cho những ngân hàng yếu kém tiếp tục hoạt động để làm gì, trong khi đấy không giải quyết được vấn đề nợ xấu. Cho nên việc này nhà nước cần phải suy nghĩ cho kỹ để có giải pháp thật sự khả thi, giải pháp của VAMC chỉ là quét nhà dọn nợ xấu qua kho của VAMC và tạm thời để đấy thôi chứ không giải quyết vấn đề gì cả.”

VAMC  không hiệu quả

Cách xử lý nợ xấu của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình bằng giải pháp VAMC cho thấy không hiệu quả và  một cách làm chưa có nơi nào áp dụng. Để giải quyết cục máu đông của nền kinh tế, cũng có những ý kiến táo bạo và mới mẻ đối với Việt Nam. Thời báo Kinh tế Việt Nam trích lời ông Phạm Hải Âu, Phó tổng giám đốc Ngân hang Bưu điện Liên Việt nói xử lý nợ xấu bằng trích lập dự phòng của các ngân hàng chẳng khác gì hình thức ngân hàng xé chỗ này đắp sang chỗ khác, việc này không giải quyết tận gốc vấn đề nợ xấu. Ông Phạm Hải Âu nhấn mạnh, xử lý nợ xấu dựa vào tư nhân và hãy đánh thức họ. Theo lời ông, Việt Nam có một lực lượng tư nhân lớn, có nguồn tiền mạnh và sạch. Khu vực tư cũng muốn tham gia mua bán nợ xấu trước hết vì lợi ích kinh doanh. Tuy vậy theo lời ông Phó tổng giám đốc Ngân hang Bưu điện Liên Việt, Việt Nam vướng mắc môi trường pháp lý liên quan cộng thêm vấn đề thủ tục hành chính.

Theo Vn Economy, ông Phạm Hải Âu đưa ra ví dụ rất đặc biệt cho trường hợp của Việt Nam, nôm na là phải tạo ra cái chợ. Người nào muốn vào thì phải biết cái chợ đó là bình đẳng, nhanh nhạy để mua bán tốt, được bảo vệ và hỗ trợ, chứ không phải vào rồi kiểu gì anh cũng chết. Ý kiến của ông Phạm Hải Âu trên VnEconomy cho thấy, khó thay đổi cả một hệ thống để đáp ứng việc xử lý nợ xấu trong một sớm  một chiều. Tuy nhiên Chính phủ có thể khoanh vùng từng lãnh vực để có thể chọn lọc những khoản nợ xấu bán ra thị trường. Theo lời ông Âu, cơ sở pháp lý của Việt Nam hiện nay có thể đảm bảo áp dụng cho những phạm vi nhỏ rồi mở rộng ra.

Trả lời phỏng vấn của Nam Nguyên, chuyên gia Bùi Kiến Thành có nhìn nhận khác về cách giải quyết nợ xấu và những ưu tiên cần làm. Ông nói:

“Cái ưu tiên không phải nợ xấu mà là làm sao cho doanh nghiệp phục hồi phát triển. Nếu doanh nghiệp phục hồi phát triển thì mới có tiền trả nợ, nợ bây giờ và nợ trước kia nợ xấu. Còn doanh nghiệp không phục hồi và phat triển được thì nợ trước cũng không trả được mà nợ nay và nợ sau này cũng không trả được. Các doanh nghiệp không phát triển thì ai trả nợ. Cho nên vấn đề đấy phải hiểu ai là người trả nợ, doanh nghiệp phải sống thì mới trả nợ được. Những nợ xấu cũ rồi tạm thời gác qua một bên, nhưng phải làm sao cho doanh nghiệp và cả nền kinh tế phát triển. Nền kinh tế mà mỗi năm hàng chục ngàn doanh nghiệp chết, mấy năm qua hàng trăm ngàn doanh nghiệp chết thì làm sao mà không có nợ xấu. Nếu nợ xấu đó mà còn do ngân hàng cho doanh nghiệp vay với lãi suất gọi là lãi suất chết, không có doanh nghiệp nào có thể sống với lãi suất 15%-20% cả. Đó là cái lỗi của hệ thống ngân hàng thương mại và cũng là cái lỗi của nhà nước, lỗi của ban điều hành tiền tệ… cái đó rõ ràng là không thể chấp nhận được.

Trở lại câu chuyện Chính phủ bất ngờ đề nghị dùng tiền ngân sách để xử lý nợ xấu cho các doanh nghiệp nhà nước, mà chủ nợ chủ yếu là các ngân hàng thương mại quốc doanh. Trước đây Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình được cho là cha đẻ của giải pháp VAMC xử lý nợ xấu không dùng tiền ngân sách, cũng không có tiền tươi thóc thật và cũng bị dư luận “ném đá” rất nhiều về tính bất khả thi. Hiện nay Ông Bình lại biện minh cho yêu cầu “tiền tươi thóc thật” và dẫn chứng là đa số các quốc gia trên thế giới đều sử dụng ngân sách để giải quyết nợ xấu.

Theo Thời báo kinh tế Việt Nam, một số vị chuyên gia kinh tế độc lập được tham vấn có chung phân tích rằng: “Nhiều nước chi ngân sách để xử lý nợ xấu, đây là điều được coi là khác với Việt Nam. Song doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam cũng rất khác với doanh nghiệp ở các nước, đó là không phải “lời ăn lỗ chịu”, mà là “lời ăn lỗ dân chịu”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét