Chủ Nhật, 13 tháng 12, 2015

20151213. DU HỌC SINH LÀ "NHÂN TÀI" ?

ĐIỂM BÁO MẠNG
DU HỌC "VỀ HAY Ở": NHỮNG SAI LẦM NGHIÊM TRỌNG
Bài của HOÀNG ĐAN/ VNN/NĐT 11/12/2015
Du học, trường đời, kiến thức, kỹ năng, giáo dục, Nhân tài
Du học sinh Việt Nam ở nước ngoài

Cái sai bắt đầu từ việc gắn cho những người du học là “nhân tài”, rồi từ đó mới nảy sinh vấn đề trọng dụng nhân tài, biệt đãi “không có môi trường cống hiến”.
Du học rồi về hay ở là đề tài cực cũ nhưng luôn gây tranh cãi. Tôi suy nghĩ thế này:
Học để làm gì? Có 1001 người thì sẽ có 1001 lý do đi học, trong đó có những lý do chung như để có kiến thức, để có nền tảng để sống, để có vị trí trong xã hội, để kiếm tiền. Trước đây có thể đúng, vì thông tin không có nên phải học để biết đọc biết viết, để có kỹ năng…. Giờ không cần phải thế, biết đọc biết viết chỉ cần 1 năm, thậm chí vài tháng. Sau đó bạn muốn trồng cây: dùng internet; muốn biết lịch sử, địa lý, pháp luật, kinh tế: dùng internet, muốn giải bài toán ABCD…. cũng dùng internet. Tóm lại bạn quan tâm cái gì, có ngay kiến thức đó, không nhất thiết phải đến trường. Đến lúc nào đó bằng cấp cũng không thật quan trọng nữa, nếu bạn thỏa mãn nhu cầu công việc.
Với tôi đi học để gặp bạn bè, để xây dựng và thực hành kỹ năng xã hội còn quan trọng hơn học kiến thức. Học cao đến đâu, học kỹ thế nào tùy vào khả năng và đam mê cá nhân; nhưng quan trọng phải ĐỦ hiểu biết để cư xử đúng mực trong xã hội, tránh rước họa vào thân; ĐỦ hiểu biết pháp luật và nguyên tắc cộng đồng để không dính vào lao lý; ĐỦ để bảo vệ sức khỏe và sinh mạng bản thân và gia đình, và ĐỦ đáp ứng công việc và nguyện vọng cá nhân.
Kiến thức là vô cùng, một tiến sĩ có thể giỏi tư duy sách vở, nguyên lý định lý, thuyết này thuyết khác; nhưng tiến sĩ có thể không biết nhiều chuyện đời thường, chuyện con người, ngóc ngách xã hội bằng một người lái taxi. Ở phương diện này, hiểu biết của tiến sĩ và người lái taxi là bình đẳng, không kiến thức hay thông tin nào đáng giá hơn cái nào. Việc học, do đó vô cùng mênh mông và đa dạng; học ở đâu cũng là học, và kiến thức nào cũng giúp con người hiểu biết và trưởng thành hơn.
 Trong một xã hội ưa bằng cấp, người cha được ca ngợi hy sinh, người con là may mắn nghị lực. Tôi lại cho rằng đó là sự ích kỷ. Bạn không thể bằng mọi giá, thậm chí đày đọa cha mẹ, bán tài sản dưỡng già của họ vì tấm bằng của bạn. Đó chẳng phải may mắn hay nỗ lực gì cả, đó là sự ích kỷ.Cá nhân tôi cực kỳ dị ứng với những câu chuyện cha mẹ bán nhà cửa ruộng nương cho con đi học, hay kiểu “cha sống trong cống nuôi con học đại học”… mà khả năng ôm bằng về thất nghiệp có thể xảy ra.
Tôi thích mô hình nước ngoài: đủ 16 tuổi, thanh niên tự tìm việc làm,tự trang trải chi phí cá nhân, vừa trang bị kỹ năng xã hội, song song với việc học ở trường. Đó là cách ‘đi hai chân’ đến trưởng thành và thành công; vừa không làm khổ người khác, vừa không rơi vào tình huống ngơ ngác ôm tấm bằng mà chẳng hiểu biết hay có kỹ năng gì về cuộc sống thường nhật.
Quay lại chuyện du học xong về hay, đương nhiên đây là lựa chọn cá nhân. Nhưng cần phải dứt khoát phải thay đổi tư duy “nhân tài” với “hiền tài”, “nguyên khí”… không nên tư duy kiểu cứ học nhiều là nhân tài. Một tiến sĩ học ở nước ngoài về với một nghệ nhân làm bánh giỏi, chưa đi nước ngoài bao giờ đều đáng giá như nhau. Mỗi người có giá trị riêng.
Cái sai bắt đầu từ việc gắn cho những người du học là “nhân tài”, rồi từ đó mới nảy sinh vấn đề trọng dụng nhân tài, rồi biệt đãi, rồi về hay ở.
Nhiều người nói không về vì về thì “không có môi trường cống hiến”, nghe đã không ổn, không thực tế. Chính xác là họ cần môi trường để khẳng định giá trị bản thân, có vị thế trong xã hội, từ đó dẫn đến danh tiếng và lợi ích. Nếu diễn giải như thế, thì về hay ở, du học hay học trường đời đều hữu ích. Ai cũng sẽ có đất dụng võ theo sở trường và gặt hái giá trị tương đương.
Nếu giỏi thực sự thì ở đâu cũng có đất sống và vui sống được. Làm giảng viên đại học không được, thì bạn tạo dự án, thuyết phục nhà đầu tư, dạy học, tư vấn, làm dịch vụ… Đâu cứ phải cố sống cố chết để len vào một hệ thống nào, một cơ quan nào… rồi kêu ca bị bạc đãi.
Việc học, trên hết là để biết cách sống hạnh phúc và tạo cơ hội cho mình trong bất cứ hoàn cảnh và môi trường nào. Xã hội không cần "nhân tài", mà cần người hiểu biết.
Hoàng Đan 
» TS. Phạm Văn Phúc: “Trái xanh” chờ chín


VÌ SAO TÔI VỀ NƯỚC GIẢNG DẠY ?
Bài của LƯƠNG VĂN NHÂN/ TT 12/12/2015
vi-sao-toi-tro-ve-nuoc-giang-day
TS Lương Văn Nhân, giảng viên Đại học Kiến trúc Đà Nẵng. Ảnh: NVCC.
"Ở đây, tôi có tất cả: gia đình, cơ hội thể hiện năng lực, được công nhận, sống giữa tình cảm đồng nghiệp, thầy trò", độc giả Lương Văn Nhân chia sẻ lý do trở về nước dù được một đại học ở Anh giữ lại làm giảng viên.


Tốt nghiệp tiến sĩ chuyên ngành Lý thuyết dịch và Ngôn ngữ học, tôi được Đại học Southampton (Anh) giữ lại giảng dạy các khóa EAP (English for Academic Purposes) dành cho hệ Dự bị thạc sĩ. Tuy vậy, tôi quyết định về nước. Tất cả là vì chữ "Tâm".

Cuộc chơi của bậc quân tử
Nhiều bài viết trên các diễn đàn gọi tất cả người đi học nước ngoài là du học sinh và quẩn quanh câu hỏi về hay ở sau khi tốt nghiệp. Tuy nhiên, cần phân biệt rõ các du học sinh ấy đi học theo nguồn nào. Nếu được tự túc kinh phí từ gia đình thì việc về hay ở là quyền cá nhân của mỗi người, bởi lẽ sự đầu tư không nhỏ đó cần là tiền đề cho những phát triển có lợi nhuận về cả vật chất lẫn phi vật chất.
Tuy nhiên, nếu du học bằng ngân sách nhà nước hoặc từ đề án đào tạo cán bộ trình độ cao của các tỉnh thành thì việc về nước sau khi tốt nghiệp đã có quy định và cam kết hẳn hoi. Thế nên chuyện cố tình trốn ở lại nước ngoài rõ ràng là hành động thiếu "fair-play" và không phải của đấng quân tử. Bởi lẽ với việc được đầu tư lên đến tiền tỷ (thường là 3-4 tỷ cho một nghiên cứu sinh để xong PhD - bằng tiến sĩ) thì lương tâm sẽ chẳng bao giờ yên ổn nếu phá vỡ điều mà cha ông ta đã dạy: Uống nước nhớ nguồn - ăn quả nhớ kẻ trồng cây.
Về thôi
Tôi cũng như bao du học sinh khác, trăn trở mãi chuyện về hay ở. Rồi tôi hối thúc bản thân về mau vì: Đất nước cần một trái tim, bởi còn đó quá nhiều trẻ em đi học mà thiếu thốn trăm bề, dân còn đói nghèo và sự đổi mới cần chung tay của các nhân tài. Nếu đi hết, ở lại nước ngoài hết thì 100 năm nữa nền giáo dục Việt Nam vẫn vậy, đất nước vẫn không thể đi lên.
Tôi hối thúc bản thân trở về vì kiếp người chỉ có một, bởi ta không phải là cao tăng đắc đạo để thấu chiếu được tiền kiếp và hậu duyên, nên chỉ có duy nhất kiếp này để sống với cha mẹ, bà con, anh em và bạn bè. Nếu ở lại nước ngoài, số lần gặp cha mẹ, người thân chỉ còn đếm được trên đầu ngón tay. Lỡ khi trái gió trở trời, sống chết mong manh, có làm ra tiền tỷ, nhà cao cửa rộng, con cái nói tiếng Anh như gió, quốc tịch Anh, Mỹ hay Australia đi chăng nữa… cũng không mang cha mẹ về lại được bên mình.
Đối đãi với du học sinh
Tôi vừa về nước được hơn 2 tháng và quay trở lại công tác tại cơ quan cũ - Đại học Kiến trúc Đà Nẵng, nơi đã tạo điều kiện tối đa cho tôi đi làm nghiên cứu sinh. Nhiều bỡ ngỡ ngày về bởi cách làm việc khác hẳn lúc tôi dạy ở Anh. Tôi cũng bị sốc vì trình độ sinh viên yếu hơn mình tưởng tượng. Dẫu bản thân đã sẵn sàng tâm lý, nhưng thực sự cái cảm giác lạc lõng và không phù hợp chiếm trọn mọi suy nghĩ.
Dù vậy, Đại học Kiến trúc Đà Nẵng đã rất tâm lý khi tạo điều kiện cho tôi từng bước hòa nhập trở lại. Mọi ý kiến đóng góp của tôi đều được đón nhận: cái nào khả thi thì cho triển khai ngay, cái nào chưa hợp với thực tế và điều kiện của nhà trường thì từng bước tiến hành. Bên cạnh đó, ban giám hiệu (gồm Chủ tịch hội đồng quản trị, hiệu phó, trưởng phó phòng Tổ chức nhân sự) có những buổi nói chuyện thân mật, cho phép tôi bày tỏ nguyện vọng và sẵn sàng để tôi ra đi (không cần đền bù) nếu có nơi nào tốt hơn.
Ở đây, tôi có tất cả: gần gia đình, cơ hội thể hiện năng lực, được công nhận, sống giữa tình cảm đồng nghiệp, thầy trò. Tôi thấy ấm lòng và cảm kích trước sự đối đãi hết sức nhân văn ấy mà tin chắc rằng khó có nơi nào ở Việt Nam có một cơ chế và môi trường tương tự.
Nhìn nhận 2 chiều
Như vậy, cách các cơ quan quản lý ở Việt Nam đối xử với du học sinh về nước là hết sức quan trọng. Hãy trao cho họ cơ hội thể hiện năng lực, lắng nghe những đề xuất đóng góp của họ bởi với việc được đào tạo bài bản và sinh sống lâu năm ở các nước phát triển, các du học sinh sẽ có nhiều ý tưởng đột phá.
Đối với du học sinh về nước, tôi hiểu rất rõ khó khăn mọi người gặp phải. Tuy nhiên, chúng ta không nên (mà cũng là không thể) đòi hỏi một sự ngang tầm giữa Việt Nam và các nước phương Tây. Lý do đơn giản là thực tế nước ta còn nghèo nên cần các bạn chung tay xây dựng. Bên cạnh đó, tuy có tư duy cách tân tiến bộ, nhược điểm của đa phần chúng ta là còn trẻ tuổi nên chưa có kinh nghiệm quản lý tầm vĩ mô. Thế nên, tôi khuyên các bạn cần điềm tĩnh, học hỏi anh chị đi trước trong cơ quan để hiểu rõ hơn về thực tiễn. Tôi luôn nhắc nhủ bản thân "dục tốc bất đạt" và "thời thế tạo anh hùng".
Kết
Du học sinh, tôi tin rằng, ai cũng yêu nước, muốn đóng góp xây dựng quê hương. Chấp nhận từ bỏ cơ hội ở nước ngoài để về là đã không đặt nặng chuyện tiền bạc. Thế nên, các cơ quan quản lý hãy làm việc như Đại học Kiến trúc Đà Nẵng với cái tâm và sự nhân văn, tạo điều kiện cho du học sinh có cơ hội phát huy tối đa năng lực. Được như vậy, tôi tin chắc rằng họ sẽ hết lòng phục vụ và cống hiến.
Lương Văn Nhân
Giảng viên Khoa Ngoại Ngữ - Đại học Kiến trúc Đà Nẵng



GIÁO SƯ NGUYỄN MINH THUYẾT CHỈ RA 4 CĂN NGUYÊN NHÂN TÀI ĐI MÀ KHÔNG TRỞ LẠI
Tổng hợp THÙY LINH/ GDVN 13/12/2015
GS Nguyễn Minh Thuyết: Du học sinh không muốn trở về vì cơ hội phát triển ở “nhà" khó hơn (Ảnh: giaoduc.net.vn)

(GDVN) - Ở nước ngoài, cơ hội việc làm dễ, thu nhập cao hơn hàng chục lần, cơ hội phát triển năng lực nhiều nên việc các du học sinh chọn ở lại là điều dễ hiểu.

Chuyện "chảy máu" chất xám không còn là vấn đề mới, chúng ta đã bàn nhiều đến vấn đề này trong suốt những năm qua. Tuy nhiên, gần đây, vấn đề này ngày càng nóng và thu hút, nỗi trăn trở của nhiều người. 

Đặc biệt, vấn đề càng thu hút sự quan tâm của nhiều người hơn, khi có câu chuyện của anh Doãn Minh Đăng - cựu quán quân Đường lên đỉnh Olympia, giảng viên trường Đại học Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ Thơ "tố" trường đại học đối xử bất công với mình trên Facebook. 

Và khi anh Nguyễn Thành Vinh – Á quân Đường lên đỉnh Olympia cho rằng về nước là sự lãng phí khi môi trường và cơ chế làm việc ở Việt Nam chưa phù hợp cho người thực tài phát triển giá trị và năng lực bản thân thì câu chuyện “Du học - đi đi, đừng về” càng trở nên nóng hơn bao giờ hết.

Trước đó, chuyện vì sao người giỏi không về nước làm việc được đưa ra tại Quốc hội ngày 2/11/2015. Đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa (TP.Hồ Chí Minh) day dứt đặt câu hỏi trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội: Vì sao 13 cháu du học, 12 người không về, chúng ta có trăn trở việc này hay không?

Theo thống kê mới nhất của Bộ GD&ĐT, hiện có khoảng 60.000 du học sinh Việt Nam đang theo học tại các cơ sở đào tạo của nước ngoài. Con số này hứa hẹn sẽ mang lại nguồn nhân lực chất lượng phục vụ đất nước thế nhưng câu hỏi đặt ra rằng: Trong số 60.000 du học sinh này sẽ có bao nhiêu người trở về Việt Nam?
Trong số những người Việt Nam đi du học nước ngoài có người thích sống ở nước ngoài nhưng không phải ai cũng thích sống ở nước ngoài. Vì vậy, chuyện nhiều bạn trẻ không muốn trở về nước hẳn có nguyên do khác.  Trao đổi về vấn đề “Du học sinh ngại trở về” với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, GS Nguyễn Minh Thuyết  - nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội cho rằng:
GS Nguyễn Minh Thuyết đưa ra 4 lý do khiến nhiều du học sinh ngại trở về:

Thứ nhất, nếu du học sinh trở về thì liệu họ có kiếm được việc làm không? Đây là điều hoàn toàn không hề dễ dàng, vì hiện nay để kiếm được việc làm, nhất là trong khối cơ quan, doanh nghiệp nhà nước, cần phải chi tiền, mà số tiền đó không hề nhỏ. 

Trong khi đó, nếu ở lại nước ngoài, họ hoàn toàn có thể tìm được công ăn việc, miễn là đáp ứng được yêu cầu về chuyên môn của các tổ chức, công ty nước đó hoặc nước khác. 

Thứ hai, giả sử họ về nước, có tiền để “chạy” việc và “chạy” được thật chứ không bị lừa thì thu nhập từ công việc đó lại rất thấp, khiến họ không đủ trang trải cuộc sống. Tương lai này dĩ nhiên các bạn sinh viên, nghiên cứu sinh mới ra trường không mong muốn chút nào. 

Thứ ba, giả sử các du học sinh có chấp nhận thu nhập thấp để làm việc thì cơ hội phát triển cũng rất ít vì cơ hội đó hiện đang phụ thuộc vào thứ tự “hậu duệ-tiền tệ-quan hệ”. Điều này có nghĩa là dù có kiến thức chuyên môn giỏi mấy thì cơ hội phát triển may lắm cũng chỉ giống như chơi xổ số thôi. 

Trong khi đó, ở nước ngoài, cơ hội phát triển luôn mở cho những người có chuyên môn giỏi, quyết tâm cao. 

Thứ tư,
 các du học sinh không muốn trở về vì không muốn sống trong một xã hội chưa văn minh. Sống trong nước, họ thấy từ chuyện bé nhất như tham gia giao thông, an toàn thực phẩm, làm xác nhận nọ kia cho đến chuyện lớn như mua đất, xây nhà…, quyền con người, quyền công dân lúc nào cũng dễ dàng bị xâm phạm mà xử lý thì rất chậm. 


Nhiều năm trước, có vị đại biểu Quốc hội là một luật sư nổi tiếng đã thẳng thừng nhận xét rằng ta có cả một rừng luật nhưng lại sống theo luật ... khác. Cho đến hôm nay, thực tế cuộc sống vẫn không khác nhiều so với cách chơi chữ của vị Đại biểu này.
Đồng quan điểm với GS Nguyễn Minh Thuyết, chia sẻ trên báo Vietnamnet, chị Đào Thu Hiền, người từng tốt nghiệp hai trường đại học danh tiếng là Đại học Coumbia và Đại học Harvard, nói về việc ở Việt Nam, dù có tài nhưng không có mối quan hệ cũng khó có thể giữ được những chức vụ cao.

Chị  Hiền cho rằng: "Khi nhìn vào nền kinh tế Việt Nam, tôi thấy "quan hệ" vẫn là yếu tố rất lớn. Người nước ngoài miêu tả là "relationship-based economy". Đối lập với đó là "merit-based economy", nghĩa là nền kinh tế dựa trên năng lực". 

Trở lại câu chuyện, ở lại hay về nước thì cống hiến được cho đất nước, GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, có nhiều cách đóng góp xây dựng đất nước, chứ không nhất thiết cứ phải sống và làm việc trong nước mới thực hiện được điều này. 

Chứng cớ là nhiều trí thức, doanh nhân Việt khẳng định được vị trí của mình ở nước ngoài đã có những đóng góp rất cụ thể cho sự phát triển của các ngành mà họ là chuyên gia và cho đất nước nói chung. 

Nếu các bạn trẻ tận dụng được điều kiện thuận lợi ở nước ngoài, trở thành những nhà khoa học hay những doanh nhân hàng đầu thế giới, chắc chắn cống hiến của các bạn  sẽ còn lớn hơn.

Tuy nhiên, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội nói thêm rằng: 

Đối với du học sinh tự túc kinh phí thì việc ở lại hay trở về là quyền cá nhân của họ. Nhưng đối với những anh chị em du học bằng tiền ngân sách nhà nước hay bằng học bổng của các tổ chức, đơn vị thì cần phải cư xử sòng phẳng, đàng hoàng, theo đúng hợp đồng, kể cả hợp đồng miệng.

Những bạn đó cần phải về nước phục vụ đủ số năm theo quy định hoặc trả lại số tiền đã được cấp. Học bổng Nhà nước là tiền thuế của dân, tiền của tổ chức, đơn vị đã cấp cũng là tiền của tập thể.

Không có lý do gì mà người dân hay các thành viên trong một tổ chức, đơn vị lại phải đài thọ để các bạn đi học rồi ở lại nước ngoài
".
 
Thùy Linh

 GÓC KHUÂT NGHIỆT NGÃ CỦA NHIỀU DU HỌC SINH VIỆT

Bài của BÍCH HÀ/ VNN 13/12/2015

du học sinh, nhân tài, du học

vnn-Là một nhà quản lý, có nhiều năm công tác tại nước ngoài – chị Bích Hà gửi bài viết tới VietNamNet chia sẻ trải nghiệm cá nhân dựa trên kinh nghiệm từng tư vấn du học, tìm việc.
Bài viết dưới đây cũng định hình từ tư cách của một người làm kinh doanh, đã từng tuyển, đào tạo và sử dụng hơn 10 sinh viên du học về nước trong những năm 2012-2014.
Tôi xin nói về hai khía cạnh: cung và cầu - nguồn cung sinh viên Việt Nam ở nước ngoài và nhu cầu thị trường lao động ở các nước đó - sau khi các em tốt nghiệp.
Đối tượng được học bổng “chính hiệu”: Nghĩa là học bổng hoặc trợ giúp tài chính thực sự do học xuất sắc, chứ không phải là các “chiêu bài” marketing của các trường từ Anh, Úc hoặc Singapore sang “vơ” sinh viên Việt Nam bằng cách “dụ” cho học bổng vài chục phần trăm chỉ có giá trị 1 năm, rồi năm sau thu đủ.Trước tiên, về nguồn cung thì du học sinh cũng có rất nhiều đối tượng.
Với các sinh viên thực sự có tài này, cho đến trước khủng hoảng tài chính giai đoạn 2009, tìm việc “tử tế” ở nước ngoài không khó. Nói việc “tử tế”, nghĩa là tôi loại các công việc làm theo kiểu “chui lủi”, không giấy phép lao động như: phục vụ bàn, làm móng...
Đối tượng du học tự túc: Đối tượng này ngày càng nhiều, đủ các mức trình độ, và khá phức tạp.
Đối với các em gia đình thực sự hiểu biết, bố mẹ và con cái cùng chuẩn bị chu đáo cho việc du học nên dù có thể học không thật xuất sắc như các sinh viên trên, nếu cần cù chịu khó để đảm bảo việc học hành thì cơ hội xin việc ở nước ngoài trước những năm 2009 là nhiều. Và vì vậy, nếu ai cảm quan sẽ nhận thấy, trước 2007 – 2008 sinh viên Việt Nam ở lại nước ngoài làm việc khá nhiều.
Đối với các em được chiều chuộng (gia đình thường là khá giả), ở trong nước thì “vừa học vừa chơi”- học ở mức trung bình. Ra nước ngoài, các em này “chơi nhiều hơn học”: chơi game, đánh bài, ngủ (thường là “thức khuya ngủ trễ”) .Với các em này thì được tấm bằng “thật” để về nước là may lắm rồi, chứ tôi biết nhiều em còn in thuê in bằng giả để về lừa bố mẹ. Của đáng tội, các ông bố bà mẹ lứa tuổi tôi, ai mà không biết ngoại ngữ, dễ bị các “du học sinh” này ”làm xiếc” lắm.
Tại sao chúng ta lầm tưởng “nhân tài”?
Tôi đã từng phỏng vấn một du học sinh, bố mẹ rất giàu, sang học ở nước ngoài về sau 4 năm.
Khi phỏng vấn, tôi hơi nghi ngờ cậu này chưa thể tốt nghiệp, nên truy tới số. Sau cùng, cậu bé chân thành tâm sự:
“Trường cháu toàn sinh viên Việt Nam học dốt lắm cô ạ. Bọn cháu chơi bài thâu đem, rồi ngủ đến chiều, chẳng đi học. Trường họ kệ, miễn là bố mẹ trả đủ tiền”. Khi được hỏi: “Vậy làm sao bọn cháu tốt nghiệp?”, cậu bé cười ngượng ngập: “Bọn cháu đâu có tốt nghiệp”.
 
Tôi hỏi: “Thế bố mẹ không mắng à?”. “Nói thật với cô, bọn cháu tìm được 1 chỗ in bằng giả bên đó, họ in y như bằng thật. Đem về cho bố mẹ xem, thế là xong”.
Cậu bé gật đầu ngượng ngập, rồi năn nỉ: “Cô đừng mách bố mẹ cháu. Cô nhận thì cháu làm gì cũng được. Bố mẹ cháu bảo phải đi làm ở đâu đó đi để đỡ lang bang, cháu không cần lương cao đâu”.
Thế là tôi nhận cậu về làm công viêc giao nhận hàng. Cậu làm tốt, vui tính và thật thà (chỉ không thật thà với bố mẹ).
Cậu bé khai chỉ riêng ở trường đó, quãng vài chục sinh viện Việt Nam tốt nghiệp với “tấm bằng” tự thuê in này, mà chắc ít bố mẹ biết. Đối tượng du học sinh này thì làm sao mà tìm được việc làm ở nước ngoài đây?
Họ cũng chẳng phải là “nhân tài” hay là cái gì tương tự - đơn giản là bố mẹ “bắt” đi du học để “tạm trốn” những cái xô bồ của xã hội, sợ bị bạn bè rủ rê rồi hư hỏng.
Với các em gia đình không thật khá giả, học xong, tốt nghiệp, có tìm được những việc cũng quẩn quanh đủ sống, nhưng phải sống chui lủi, không có giấy phép lao động. Muốn ở lại thì các em gái chỉ có cách lấy chồng bản địa, các em trai thì khó lấy gái bản địa, nhưng có thể làm “hôn nhân giả” để ở lại….
Nếu các bạn hỏi tôi rằng, vậy thì tỉ lệ thế nào giữa 3 đối tượng trên, tôi cho rằng đối tượng học hành chỉ chiếm khoảng 20 – 30%. Còn lại nhưng đối tượng kia lớn hơn rất nhiều. Vậy tại sao chúng ta cứ lầm tưởng tất cả là “nhân tài”.
Phải chăng vì thường xuyên, báo chí “giật tít” về những trường hợp sinh viên xuất sắc được học bổng, mà chẳng ai đi sâu được vào mọi “ngõ ngách” của cuộc sống và học hành của số động du học sinh đâu.
Mới đây thôi, tôi thấy một cô gái “tự quảng bá” mình từng là sinh viên được học bổng Asian ở Singapore, rồi học bổng đại học và thạc sĩ trường top ở Mỹ, hiện là giáo viên dạy “Văn học Anh” tại trường tiếng Anh nâng cao.
Tôi khá tò mò vì cô bé mới 26 tuổi mà “bảng thành tích” khá tốt. Tôi hỏi cô học những trường nào: theo lý lịch tự khai, cô bé học trường Junior College xếp hạng 19/19 ở Singapore, sau đó là học một trường đại học xếp hạng 78/81 của vùng West (bảng xếp hạng vùng). Tôi cười nghiêng ngả về khả năng tự “quảng bá” thương hiệu của lớp trẻ bây giờ.
Lại còn có anh chàng khoe là học thạc sĩ ở một trường thuộc top đầu ở Mỹ. Khi bị truy hỏi kỹ hơn, thì chàng ấp úng nói là học ở một trường nằm trong thành phố có cùng tên với cái trường nổi tiếng kia. Vậy nhưng trên mạng cá nhân và khi đăng bài, cái "mark" thạc sĩ trường top (có tên hẳn hoi), vẫn chưa được ghi rõ.
Tôi chắc chắn rằng rất nhiều phụ huynh đang lầm tưởng cô ấy, anh ấy là “nhân tài” để về phục vụ đất nước, và sẵn sàng năn nỉ “thuê” họ tư vấn cho con tìm trường để đi du học.
Nếu lỡ thuê, chắc chắn con sẽ vào được các trường "top lộn ngược”. Tôi khuyên các bậc phụ huynh, trước khi giao sự nghiệp học hành của con cho ai, hãy yêu cầu họ cung cấp đủ bằng cấp, giấy tờ chứng minh những gì họ quảng cáo nhé.
Bích Hà

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét