Thứ Sáu, 4 tháng 12, 2015

20151204. XUNG QUANH CHUYỆN ĐÀO TẠO BÁC SĨ Ở ĐẠI HỌC ĐA NGÀNH

ĐIỂM BÁO MẠNG
BỊ CHÊ" KHI ĐƯỢC MỞ NGÀNH Y-DƯỢC, HIỆU TRƯỞNG TRƯỜNG ĐH KINH DOANH... LÊN TIẾNG
Bài của NGUYỄN HÙNG/ DT 29/11/2015

Dân trí- Trước việc dư luận băn khoăn lo lắng về việc trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội được mở ngành đào tạo Y-Dược, sáng 28/11, GS Trần Phương – Hiệu trưởng Nhà trường đã tổ chức họp báo để làm rõ một số vấn đề. GS Trần Phương khẳng định: Quá trình đào tạo và quá trình học sẽ quyết định đến khâu chất lượng đầu ra.
 >> Giới chuyên môn ngành Y lo ngại khi trường Kinh doanh… đào tạo Y dược
 >> Muốn đào tạo ngành Y, trường phải gắn với người bệnh
 >> Thứ trưởng GD-ĐT: Không cấp phép đào tạo lại “mang tiếng”… cửa quyền

Mở ngành Y - Dược không phải vì lợi nhuận
Tại buổi họp báo này, GS Trần Phương cho hay, Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội là trường phi lợi nhuận, đào tạo nhằm mục đích cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước. Nói là phi lợi nhuận là vì những người góp vốn xây dựng trường chỉ nhận một khoản lợi tức giống như lợi tức gửi tiết kiệm vào ngân hàng. Điều này được thực hiện từ khi trường thành lập đến năm 2012.

Việc trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội được mở ngành Y - Dược thu hút sự quan tâm của đông đảo cơ quan báo chí

Việc trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội được mở ngành Y - Dược thu hút sự quan tâm của đông đảo cơ quan báo chí
“Vì là trường phi lợi nhuận nên bất cứ ngành học này đất nước cần, chúng tôi có xin phép Bộ mở ra. Cụ thể, đầu tiên chúng tôi xin phép đào tạo kinh tế - kinh doanh, sau là kỹ thuật công nghệ và giờ là xin mở ngành Y - Dược. Như vậy, các trường tư không bị khống chế bởi phạm vi đào tạo nào, khác với trường công lập, nhà nước hoặc các cơ quan, bộ ngành căn cứ vào nhu cầu của bộ ngành hay đất nước mà quy định phạm vi hoạt động của trường” – GS Trần Phương nói.
Cũng theo GS Trần Phương, lý do trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội quyết định xin phép mở ngành Y – Dược là xuất phát từ nhu cầu thực tế. Hiện nay. số bác sĩ để chăm lo sức khỏe cho nhân dân Việt Nam hiện còn quá thấp, chỉ khoảng 8 bác sĩ trên một vạn dân, trong khi các nước tiên tiến đạt khoảng 40 bác sĩ trên một vạn dân. Về dược sĩ, chúng ta chỉ có 1,5 dược sĩ trên 1 vạn dân, trong khi đội ngũ này đóng vai trò quan trọng. Ở Việt Nam trên 90% dược liệu phải nhập từ nước ngoài. Như vậy, thuốc chữa bệnh cho người Việt Nam chủ yếu do người nước ngoài sản xuất. Trong khi đó Việt Nam có đến khoảng 4.000 cây có thể dùng làm dược liệu. Tuy nhiên, chúng ta chưa có nghiên cứu, chiết xuất, chế biến nên gần như vẫn hoàn toàn phụ thuộc vào nước ngoài.
GS Trần Phương cũng lãnh đạo khoa Y và khoa Dược của trường trả lời những thắc mắc của các cơ quan báo chí

GS Trần Phương cũng lãnh đạo khoa Y và khoa Dược của trường trả lời những thắc mắc của các cơ quan báo chí

“Quan điểm của trường là đào tạo dược sĩ còn để chế biến dược liệu từ nguồn sẵn có trong nước phục vụ dân mình. Động cơ đó hoàn toàn không có mục đích lợi nhuận, kinh doanh mà chỉ là mong muốn chăm sóc sức khỏe cho người dân và khai thác nguồn dược liệu của Việt Nam” – GS Trần Phương bày tỏ.
“Chưa dùng đến thì trang bị ngay để làm gì?”
Trước câu hỏi của nhiều phóng viên báo chí về việc biên bản thẩm định ghi chưa chuẩn bị đầy đủ nhưng vẫn được Bộ GD-ĐT ký quyết định mở ngành, GS Trần Phương giải thích: Việc đăng ký mở ngành Y – Dược đã được trường triển khai từ giữa năm 2012, tính đến thời điểm Bộ GD-ĐT cho phép thì nhà trường đã chuẩn bị hơn 3 năm như vậy không thể nói là thời gian ngắn được.
Đến cuối 2015, khi các điều kiện chuẩn bị xong, trường đã báo cáo và Bộ GD-ĐT yêu cầu lập Hội đồng thẩm định các chương trình đào tạo. Kết quả, chương trình đào tạo Y - Dược đã được Hội đồng thẩm định gồm các chuyên gia đầu ngành thông qua một cách thuận lợi.
Để mở ra 2 ngành này, Bộ GD-ĐT còn có một số điều kiện nữa, trong đó có 2 điều kiện quan trọng nhất là đội ngũ giảng viên và cơ sở vật chất. Theo quy định của Bộ Y tế, muốn mở ngành Y đa khoa phải có 50 giảng viên từ trình độ thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa I, chuyên khoa II đến GS, PGS; trong đó phải có 6 người là GS, PGS hay tiến sĩ thuộc về 4 bộ môn quan trọng nhất. Ngành Dược đòi hỏi ít hơn.

Phòng thực hành Dược liệu - Thực vật của Khoa Dược trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội
Phòng thực hành Dược liệu - Thực vật của Khoa Dược trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội

Phòng thực hành Giải phẫu

Phòng thực hành Giải phẫu

“Chúng tôi đã ký thỏa thuận với 47 vị là GS, PGS, tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa I, bác sĩ chuyên khoa II, thạc sĩ. Khi thẩm định, có đồng chí trong Hội đồng thẩm định nói Bộ Y tế yêu cầu những 50 người, nhưng trường mới có 47 nên chưa đủ. Nhưng tôi cho rằng, để dùng 50 người này phải trong 6 năm mới dùng đến. Nên số 47 là cho 2 năm trước mắt, còn dần dần chúng tôi sẽ mời tiếp. Hay khi thẩm định về cơ sở vật chất, chúng tôi đã chuẩn bị 28 phòng học, phòng thực hành và chi ra 80 tỷ đồng để trang bị cho những phòng thực hành đó. Nhưng cũng có đồng chí trong đoàn thẩm định nói là vẫn chưa đủ. Tôi trả lời: Nếu mua để 5 – 6 năm nữa mới dùng thì sẽ hỏng. Nên chúng tôi mua cho hai năm đầu đã, rồi từ năm thứ 3 trở đi sẽ mua dần. Chúng tôi đã ký hợp đồng với các công ty thiết bị y tế, khi nào cần, chỉ một vài tuần là sẽ có ngay. Trong biên bản thẩm định ghi chưa chuẩn bị đầy đủ là theo nghĩa đó” – GS Trần Phương nói.
GS Trần Phương cũng nhấn mạnh: Đoàn thẩm định 2 Bộ gồm 8 người đã đi xem cơ sở, kiểm tra hồ sơ của gần 100 giảng viên, sau đó đã ký vào biên bản. Nhưng trước khi Bộ GD&ĐT cho phép cũng đã rất cẩn thận yêu cầu Bộ Y tế gửi trả lời chính thức có cho phép trường mở hai ngành đó hay không. Khi Bộ Y tế có ý kiến thì lúc đó Bộ GD-ĐT mới ký quyết định. Như vậy việc thẩm định của 2 Bộ có thể nói là quá chặt chẽ.

Khu vực phòng khám của ĐH Kinh doanh và Công nghệ cơ sở Bắc Ninh

Khu vực phòng khám của ĐH Kinh doanh và Công nghệ cơ sở Bắc Ninh

Cũng theo GS Trần Phương, trước mắt trường thành lập phòng khám đa khoa, về lâu dài sẽ xây dựng bệnh viện trong trường để sinh viên có thể thực tập, các bác sĩ, giáo sư, phó giáo sư thì có thể khám sức khỏe cho nhân dân, sinh viên… Về cơ sở vật chất hiện tại thì có 28 phòng thực hành tại chỗ đã sẵn sàng dùng cho 2 năm trước mắt. Ngoài ra, chỗ sinh viên thực tập, theo Bộ Y tế, phải có bệnh viện từ loại 1 trở lên, nhà trường đã ký hợp đồng với 4 bệnh viện loại 1 (Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, Bệnh viện Đa khoa Đống Đa, Bệnh viện Đa khoa Tràng An). Các bệnh viện này đều sẵn sàng nhận lời và cử giáo viên hướng dẫn. Với ngành Dược, Nhà trường cũng đã ký hợp đồng với Công ty Dược phẩm TW1, Công ty Dược phẩm DGC.
Việc dạy ngành Y thì cần phải có nhà xác để thực hiện giải phẫu người, trong khi đó trường lại không có?
“Hiện nay, chỉ có hai cơ sở đào tạo Y dược lớn cả nước mới có nhà xác, còn các trường khác chủ yếu thực tập trên mô hình. Chúng tôi sẽ có cách để dạy giải phẫu” – PGS.TS Nguyễn Văn Tường – Phó Chủ nhiệm khoa Y ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội chia sẻ (PGS.TS Tường, nguyên Phó hiệu trưởng ĐH Y Hà Nội, kiêm Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học – Đào tạo Bộ Y tế).
Tốt nghiệp xong đâu phải được hành nghề ngay
Thẳng thắn nhìn nhận vấn đề, PGS.TS Lê Văn Truyền, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế- Chủ nhiệm khoa Dược ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội nhấn mạnh: Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ thì năm 2020 có 2,4 dược sĩ trên một vạn dân. Như vậy con số phải bổ sung đến năm 2020 là 17.600 người, nghĩa là 1 năm phải cho ra trường 3.500 dược sĩ.
PGS.TS Lê Văn Truyền, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế- Chủ nhiệm khoa Dược

PGS.TS Lê Văn Truyền, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế- Chủ nhiệm khoa Dược

Bên cạnh đó, ngày 16/3/2012 văn bản của Bộ Y tế về quy hoạch phát triển nhân lực Y tế năm 2012-2020 có bàn đến giải pháp đạo tạo, trong đó có nhấn mạnh: Ở vùng Đồng bằng Sông Hồng khuyến khích hình thành trường hoặc khoa Y-Dược ngoài công lập đào tạo bậc ĐH Y – Dược.
Mấy hôm nay tôi có đọc báo, các ý kiến đều lo lắng về chất lượng, đó là điều quá đúng. Nhưng rõ ràng số lượng sẽ tạo nên chất lượng, chất lượng không phải từ con số 0. Ta chê việc đào tạo tuyến xã quá kém, nhưng chắc chắn người ở tuyến xã được đào tạo 6 năm sẽ hơn anh lang băm. Không nên so sánh bác sĩ tuyến xã, huyện với các Giáo sư ở các bệnh viện Trung ương. Bên cạnh đó, tốt nghiệp ĐH mới chỉ là điều kiện cần nhưng chưa đủ vì người dược sĩ muốn hành nghề phải có chứng chỉ hành nghề và điều kiện có chứng chỉ cũng rất khắt khe. Đó là chưa kể, sau mỗi 5 năm, cơ quan quản lý về y tế sẽ kiểm tra lại để xem xét có cấp thêm một chu kỳ nữa hay không.
“Đó là rào cản về kỹ thuật để những dược sĩ, bác sĩ tốt nghiệp ra trường phải đạt đến dưới sự kiểm soát của cơ quan quản lý nhà nước mới được “đụng” đến người bệnh, hay tư vấn người bệnh sử dụng thuốc” – PGS.TS Lê Văn Truyền nói.
PGS.TS Nguyễn Văn Tường cho biết thêm: Trong quá trình đào tạo còn có công tác hậu kiểm, Bộ GD-ĐT và Bộ Y tế phải tiến hành giám sát, kiểm tra xem trường dạy như thế nào, cơ sở vật chất, đội ngũ ra sao, việc đào tạo ra trường có đảm bảo chất lượng hay không…
Theo tài liệu của trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ cung cấp thì chủ nhiệm Khoa Y là GS.TSKH Lê Anh Tuấn – nguyên Giám đốc Sở Y tế Hà Nội; Hai Phó chủ nhiệm khoa là PGS.TS Nguyễn Văn Tường, GS.TS Phạm Vinh Quang (nguyên Chủ nhiệm Bộ môn phẫu thuật lồng ngực và mạch máu, Bệnh viện 103 –HV Quân Y); Phụ trách Phòng khám đa khoa là Bác sĩ Chu Tiến Cường, nguyên Trung tướng, Cục trưởng Cục Quân Y, Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Nguyễn Hùng
(Email hungns@dantri.com.vn )

TRƯỜNG Y PHÁP , ÚC DẠY KHÁC VIỆT NAM THẾ NÀO ?
Bài của NGÂN ANH /VNN 3/12/2015
Trường ĐH Y Hà Nội vừa cử những nhóm cán bộ, giảng viên sang Pháp, Úc, Mỹ… để nghiên cứu và lựa chọn mô hình đổi mới chương trình đào tạo. Thông tin mà những nhóm nghiên cứu này mang về cho thấy những điểm khác biệt khá rõ với chương trình đang thực hiện tại Việt Nam.
Thông tin được đưa ra tại Hội nghị đổi mới chương trình đào tạo ngành y lần thứ nhất mới được Trường ĐH Y Hà Nội tổ chức.
ĐH Paris VII: Tuyển sinh hệ bác sĩ sau năm thứ nhất
ĐH Paris VII (Diderot) tách ra từ ĐH Paris năm 1970, đã có 2 giải Nobel. Trường có 12 nghìn sinh viên y (đại học và sau đại học).
GS Nguyễn Hữu Tú, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội cho biết: Trường ĐH Paris VII tuyển đầu vào là học sinh phổ thông, lựa chọn trên hồ sơ. Sau năm thứ nhất, trường mới tuyển sinh viên hệ bác sĩ với số lượng từ 350 -380 sinh viên/ năm, thi 8 môn.
Trường có 350 giảng viên cơ hữu và 150 giảng viên không cơ hữu. Có 6 bệnh viện thực hành lớn với khoảng 5 nghìn giường bệnh.
ĐH Y Hà Nội, ĐH Paris VII, ĐH Y Sydney, Australia, Sydney Medical School, đào tạo y dược, bác sĩ Kinh Công
Chương trình đào tạo chia làm 3 giai đoạn: premiere cycle (3 năm), deuxieme cycle (3 năm, externe) và troisieme cycle (3 – 5 năm, interne).Một số điểm chính của đào tạo y tại ĐH Paris VII như sau: Trường có 4 chương trình đào tạo y là Bác sĩ, Nha sĩ, dược sỹ, Hộ sinh. Có 3 chương trình cận y: vật lý trị liệu, Y học lao động, Chân tay giả.
Năm đầu tiên học chung 7 môn cơ sở cơ bản cho tất cả các chương trình và 1 môn định hướng chuyên ngành. Chương trình dạy các nguyên lý cơ bản, kiến thức rất sâu. Theo ông Nguyễn Hữu Tú, chương trình không dạy dàn trải các vấn đề, dạy còn sâu hơn sau đại học của Việt Nam.
Năm thứ hai và thứ ba tập trung học lý thuyết theo modul, học dồn. Thực hành điều dưỡng 4 tuần, triệu chứng học 400 giờ (5 buối/ tuần/ 6 tháng), không trực buổi tối.
Sau khi kết thức 3 năm có bằng đại cương khoa học y học, tương đương cao đẳng. Với tấm bằng này, sinh viên có thể không học ở trường này nữa mà chuyển sang trường khác học.
Tới năm thứ 4, 5, 6, sinh viên học bệnh học và điều trị, chủ yếu tại bệnh viện, từ 5 – 6 sinh viên/ nhóm, 2 – 3 tháng/ khoa bệnh. Sinh viên được phân công công việc trong khoa, được trả 100 euros/ tháng.
Chương trình học theo modul bắt buộc và modul tự chọn. Môn học cuốn chiếu 1 lần, trừ nội khoa và sinh viên chọn. có thể không thực hành những môn không lựa chọn dù có học lý thuyết và phải thi kết thúc modul.
Sinh viên phải trực 24 buối/ 3 năm học.
Việc học nội trú (troisieme cycle) từ 3 – 5 năm là bắt buộc cho tất cả các sinh viên.
Đào tạo thạc sĩ chỉ có 3 ngành: Khoa học sinh y học, Y tế công cộng, Khoa học con người và xã hội.
Ông Nguyễn Hữu Tú chỉ ra sự khác biệt với đào tạo y của Việt Nam ở những điểm sau: “Thứ nhất là nhà nước điều phối tổ hợp trường – Viện. Đây là mấy chốt quan trọng nhất mà trong đào tạo y của Việt Nam chưa có. Chương trình học của họ đã thay đổi dựa trên chuẩn đầu ra. Dạy học theo modul, tích hợp, kết nối giữa các môn học để đạt chuẩn đầu ra. Vật liệu học của trường rất phong phú, hiện đại với các bài giảng điện tử, ca bệnh, tài liệu. Việc tổ chức dạy học mềm dẻo, đề cao tính tự chọn và chịu trách nhiệm của sinh viên, giám sát dạy học tốt. Sinh viên được tiếp cận lâm sàng sớm, luân chuyển ít ở các khoa lâm sàng.
Tất cả các môn đều có điểm quá trình. Và có sự khác biệt về chất lượng đầu ra với đào tạo y của Việt Nam”.
ĐH Y Sydney: Tuyển sinh viên đã có bằng cử nhân
Trường ĐH Y Sydney, Australia thành lập năm 1856 và đào tạo sinh viên từ năm 1883, là trường y đầu tiên ở Australia, luôn có thứ hạng cao trên các bảng xếp hạng.
ĐH Y Hà Nội, ĐH Paris VII, ĐH Y Sydney, Australia, Sydney Medical School, đào tạo y dược, bác sĩ Kinh Công
Sydney Medical School
Nhóm các cán bộ, giảng viên của ĐH Y Hà Nội sang công tác và học tập tại đây như TS Hồ Thị Kim Thanh, TS Lê Đình Tùng, ThS Nguyễn Quang Bảy cho biết về mô hình đào tạo y khoa của trường này.Giảng viên của trường tham gia làm việc tại 50 bệnh viện thành viên. Trường có hơn 1.600 nghiên cứu viên, hơn 1.200 nghiên cứu sinh, thạc sĩ và sau nghiên cứu sinh, hơn 1.200 sinh viên y đa khoa và hơn 1.500 học nâng cao, khóa ngắn hạn.
Cụ thể, sinh viên trường ĐH Y Sydney chủ yếu đã tốt nghiệp cử nhân chuyên ngành khoa học/ chăm sóc sức khỏe. 25% tốt nghiệp cử nhân các ngành khác (luật, kinh tế, kỹ thuật). Mỗi năm trường tuyển trung bình 300 sinh viên y khoa. Vì đã từng tốt nghiệp cử nhân, nên độ tuổi trung bình của sinh viên y khoa năm thứ nhất là 24 tuổi. Theo bà Hồ Thị Kim Thanh, trường chủ yếu đối tượng này vì mục tiêu muốn sinh viên phải có ý thức rất cao về trách nhiệm khi theo học. Sinh viên đã tốt nghiệp một trường đại họ rồi mới chọn y tức là họ không do phụ huynh định hướng, và họ có trách nhiệm với sự lựa chọn của mình.
Từ khi thành lập, trường đã có hơn 8 lần đổi mới chương trình. Chương trình học hiện nay được trường chuẩn bị đổi mới từ đầu những năm 1990, tổ chức các đoàn cán bộ đi tham khảo mô hình tại ĐH Y Harvad.
Giai đoạn đổi mới từ 1994 – 1997. Trường đổi mới theo nguyên tắc tích hợp giữa các bộ môn và các chủ đề. Phương pháp học dựa trên vấn đề: Học tiền lâm sàng trên tình huống cụ thể, lập luận lâm sàng, học theo nhóm, tự học theo tài liệu hướng dẫn, nâng cao tính tự học. Tiếp cận lâm sàng sớm, ứng dụng công nghệ thông tin và y học bằng chứng.
Chương trình đào tạo: Năm 1 và năm 2 chủ yếu ở trường đại học. Năm 3 và 4 chủ yếu ở các trường lâm sàng. Nội dung đào tạo được sắp xếp theo block ở năm thứ nhất và thứ hai, theo kỳ ở năm thứ 3 và 4.
Giảng viên gồm có giảng viên cơ hữu của trường, giảng viên là bác sĩ bệnh viện, giảng viên tự do và giảng viên tự nguyện.
4 chủ đề dạy học được áp dụng xuyên suốt cho tất cả block ở giai đoạn 1 và 2 và tất cả các kỳ ở giai đoạn 3 gồm: Khoa học lâm sàng và cơ bản; Bác sĩ và người bệnh; Phát triển cá nhân và nghề nghiệp; Y học cộng đồng.
Về dạy và học lâm sàng, giảng viên lâm sàng ở các bác sĩ của bệnh viện, thường là các bác sĩ trẻ. Tất cả được đào tạo về kỹ năng, phương pháp giảng dạy. Họ có ưu điểm là nhiệt tình, sinh viên thích vì dễ ước lượng khoảng cách của mình với trình độ cần có (của giảng viên trẻ) để hành nghề.
ĐH Y Hà Nội, ĐH Paris VII, ĐH Y Sydney, Australia, Sydney Medical School, đào tạo y dược, bác sĩ Kinh Công

Hết năm thứ 2, các sinh viên sẽ chọn bệnh viện để học năm thứ 3 và 4, sinh viên sẽ học cố định tại bệnh viện này.Về phân công sinh viên đi học lâm sàng: có 25% học tại các bệnh viện nông thôn để hướng trở thành bác sĩ cộng đồng. Các sinh viên sẽ tự chọn trường lâm sàng (thực chất là các bệnh viện) để học. Thực tế, sinh viên thích học tại các bệnh viện nhỏ vì được học nhiều, làm nhiều. Thầy nhiệt tình và quan hệ thầy – trò gần gũi hơn.
Sinh viên đi học tại các bệnh viện ngay từ tuần đầu năm thứ nhất: 3 ngày ở trường, 1 ngày ở bệnh viện, 1 ngày tự học. Sinh viên được yêu cầu phải đi học/ có mặt trên 90% số buổi học lâm sàng.
Sinh viên học lâm sàng theo nhóm nhỏ 9 sinh viên/ nhóm do 1 giảng viên trẻ hướng dẫn. Mỗi buổi học trên 2 bệnh nhân, 8h – 9h30 và 9h30 – 11h. Tới năm thứ 3 và 4, sinh viên được chia làm 4 nhóm, lần lượt được học 10 vấn đề trong 2 năm.
Trường này cũng quy định chỉ có sinh viên học sản mới đi trực đêm. Lý do không để tất cả các sinh viên phải trực đêm là vì sinh viên không học được nhiều vì bệnh nhân không đông, không cần xử trí gì trong đêm. Các sinh viên lớn tuổi, một số sinh viên nữ có chồng, con. Nếu sinh viên đi trực đêm thì bệnh viện/ trường đại học phải trả tiền.
Việc giám sát dạy học của trường cũng có những điểm rất khác với Việt Nam. Về lý thuyết chỉ có một số ít bài bắt buộc, tất cả các bài giảng đều có thể nghe trực tuyến. Nếu sinh viên có việc bắt buộc phải nghỉ thực hành và lâm sàng sẽ sắp xếp học bù. Trường chia toàn bộ sinh viên (300 sinh viên/ năm) thành 17 nhóm, mỗi nhóm phản hồi tất cả các bài giảng trong 2 – 3 tuần...
Theo dõi và quản lý chất lượng để kiểm định theo tiêu chuẩn tăng cường chất lượng y khoa cơ bản của Hiệp hội giáo dục Y học quốc tế và chuẩn chất lượng của Hội đồng Y khoa Úc (AMC).
Ngân Anhlược ghi(Email: honghanh.le@vietnamnet.vn)
CÒN SỚM ĐỂ ĐÁNH GIÁ CHẤT LƯỢNG ĐÀO TẠO
GS. NGUYỄN VĂN TUẤN/ BT 3/12/2015
Xin giới thiệu các bạn một vài trao đổi giữa phóng viên báo Đất Việt và tôi chung quanh việc Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội mở khoa y. Trong bài này, tôi có nói đến một đề nghị là VN nên cải cách tuyển sinh y khoa. Không nên dựa vào điểm thi tuyển đại học hay điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông, vì những điểm này chẳng dự báo được khả năng của một bác sĩ tương lai. Có nhiều người sốc khi tôi nói thế, nhưng đó là sự thật và đã có nghiên cứu về điều đó.

Đất Việt (ĐV): Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo ra quyết định cho phép trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội được đào tạo ngành Y đa khoa và Dược học với trình độ đại học, hệ chính quy đang đối diện với nhiều tranh cãi từ dư luận, bởi đây là một trường chuyên đào tào kinh doanh, không chuyên về y, dược, nên không thể đảm bảo chất lượng đào tạo? Quan điểm của ông ra sao trước quyết định này của Bộ GD&ĐT?
NVT: Khách quan mà nói, tôi nghĩ không nên quá câu nệ hay thành kiến về sự “lệch” giữa tên trường và chương trình đào tạo. Với giả định rằng Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đã đáp ứng các tiêu chuẩn về cơ sở vật chất cho đào tạo, cơ sở thực hành (như bệnh viện), và ban giảng huấn, chương trình dạy, thì việc Trường có thêm khoa y chẳng có gì đáng tranh cãi. Trong tình hình đất nước còn thiếu bác sĩ, thì sự tham gia đào tạo y khoa của Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội là một tín hiệu tích cực.
Có lẽ vấn đề đặt ra là Trường đã và đang làm gì để đảm bảo chất lượng đào tạo. Qua những bê bối về mở chương trình bừa bãi trong quá khứ làm cho công chúng có lí do đặt câu hỏi về chất lượnng đào tạo, và đó là câu hỏi chính đáng.  Tuy nhiên, tôi có dịp đi đó đây và ghé thăm nhiều trường y ở Việt Nam, và tôi thấy phần lớn những trường đại học ngoài công lập rất năng động, họ muốn làm một cuộc cải cách giáo dục với hành động thực tế.  Tôi chưa ghé qua Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, nhưng qua theo dõi trả lời phỏng vấn báo chí của ban giám hiệu, tôi đoán rằng bước đi của Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội là nằm trong trào lưu mới đó, nhưng còn quá sớm để có thể đưa ra nhận xét. 
Tôi phải nói thêm về kinh nghiệm ở nước ngoài để cho thấy bước đi của Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội là không có gì phải tranh cãi. Trong thực tế, có những trường đại học được thành lập lúc ban đầu với sứ mệnh đào tạo về công nghệ và kĩ thuật, nhưng sau một quá trình phát triển, thì lại mở rộng sang lĩnh vực khác. Ví dụ tiêu biểu cho trường hợp tôi vừa nói là Trường Đại học Macquarie (Sydney, Úc) lúc mới thành lập chỉ tập trung vào lĩnh vực kinh tế - tài chính và khoa học xã hội, nhưng sau 30 năm phát triển, Trường mở rộng sang các lĩnh vực khoa học sự sống, kể cả y khoa. Hay như Trường Đại học Công nghệ Sydney (UTS), xuất thân là một viện công nghệ, sau này được nâng cấp lên bậc đại học, và ban giám hiệu quyết định mở rộng sang đào tạo các về luật khoa, thương mại, y tá, và nay là dược khoa. Tên gọi thì vẫn không thay đổi, nhưng lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu thì tiếp tục mở rộng. Điều đó, tôi thấy rất bình thường trong quá trình phát triển đại học.
ĐV: Điều đáng nói, trong khi lãnh đạo các trường ĐH Y, Dược đều cho rằng, đào tạo bác sỹ Y đa khoa là ngành đặc thù, cần đảm bảo nhiều yếu tố như: sinh viên phải có năng lực và tố chất tốt. Cơ sở đào tạo phải có đủ giảng đường, bệnh viện để thực tập và thực hành. Bên cạnh đó, giảng viên ngoài việc có năng lực chuyên môn, nghiên cứu khoa học, năng lực quản lý, phải là người yêu nghề.
NVT: Đúng là ngành y là một ngành đặc thù. Nhưng tôi nghĩ bất cứ ngành đào tạo khác, như kĩ thuật và kinh tế, cũng có thể nói tương tự. Bất cứ ngành nào cũng cần phải có sinh viên có năng lực và tố chất tốt. Bất cứ ngành nào cũng đòi hỏi giảng viên phải có năng lực chuyên môn, nghiên cứu khoa học, và yêu nghề.
Tuy nhiên, chương trình đào tạo ngành y đòi hỏi nhiều cơ sở vật chất (như labo) và liên kết (bệnh viện) hơn vài ngành khác. Nếu chiếu theo những chuẩn mực quốc tế, tôi nghĩ chẳng có trường y nào ở Việt Nam, kể cả những trường lâu đời nhất, đáp ứng tiêu chuẩn về phòng labo cho thực hành, nhân sự khoa học, thậm chí thư viện. Nhưng đất nước còn nghèo, đâu thể nào kì vọng phải đạt những tiêu chuẩn tiên tiến đó. Do đó, tôi rất thông cảm với các trường ở trong nước phải cố gắng xoay xở trong điều kiện cho phép. Có nhiều trường hợp, các viện/trường khởi đầu rất khiêm tốn và vất vả, nhưng với đầu tư tốt, và theo thời gian họ có thể vượt qua những trường lâu đời.
ĐV: Thế nhưng, phía trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, lãnh đạo trường lại cho rằng đầu vào của sinh viên không phải là yếu tố quyết định, cái quyết định là đội ngũ cán bộ, phương pháp đào tạo và thiết bị ứng dụng trong quá trình giảng dạy, nghĩ là dù đầu vào có yếu thì vẫn có thể trở thành một BS có chuyên môn giỏi. Ông có đồng tình với quan điểm này? Vì sao ạ?
NVT: Tôi nghĩ câu hỏi quan trọng hơn là đầu vào nào? Nếu nói đầu vào là điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) thì tôi e rằng ông hiệu trưởng, Gs Trần Phương, có lí khi nói câu trên. Tôi không biết ở Việt Nam có ai làm nghiên cứu chưa, nhưng ở Úc và Mĩ, người ta đã nghiên cứu và kết luận rằng điểm thi THPT không có liên quan đáng kể với thành tích lúc học ở trường y. Nếu dùng thang đo tương quan từ 0 đến 1, thì mối tương quan giữa điểm thi tốt nghiệp THPT và điểm học trong thời gian theo học ở trường y chỉ 0,15!  Nói cách khác, điểm thi THPT không phải là yếu tố tốt để đánh giá được khả năng của một bác sĩ tương lai.
Sự thật trên dẫn tôi đến một đề nghị quan trọng. Tôi nghĩ các trường y ở Việt Nam cần phải cải cách qui trình tuyển chọn sinh viên. Theo tôi, tuyển chọn sinh viên y khoa phải đáp ứng 2 mục tiêu: một là chọn người học thích hợp với ngành nghề; thứ hai là chọn người có khả năng thành một bác sĩ có tài và có tâm trong tương lai. Để đáp ứng hai mục tiêu đó, việc tuyển chọn sinh viên phải dựa trên hai nhóm tiêu chuẩn liên quan đến học thuật, và ngoài học thuật. Do đó, xu hướng mới của tuyển sinh ngành y là ngoài điểm thi THPT và điểm thi tuyển chuyên ngành y, ứng viên còn phải trải qua một cuộc phỏng vấn trực tiếp và phải vượt qua các kiểm tra (test) về tâm lí và đạo đức. Đó là qui trình tuyển chọn mà nhiều đại học trên thế giới áp dụng, tôi đề nghị các trường y nghiêm chỉnh của Việt Nam cũng nên theo mô hình này. Nói gì thì nói, cần phải khẳng định rằng sinh viên được tuyển chọn theo học y khoa phải là những học sinh xuất sắc nhất trong nhóm học sinh xuất sắc.  
ĐV: Việc để một trường ngoài công lập đào tạo đội ngũ bác sỹ, theo ông có khó trong khâu quản lý đối với Bộ GD&ĐT về chất lượng và số lượng hay không? Việc này có tạo ra tiền lệ cho các trường ngoài công lập tiếp tục xin được đào tạo ngành học được coi là đặc thù này hay không?
NVT: Chúng ta không thể đánh giá chất lượng đào tạo khi mà Trường còn chưa tuyển sinh viên. Chất lượng là một đặc tính đa chiều, rất khó đánh giá khách quan. Chúng ta chỉ có thể đánh giá những yếu tố có liên quan đến chất lượng đào tạo như giảng viên, chương trình giảng dạy, cơ sở vật chất (phòng thí nghiệm, cơ sở thực nghiệm khoa học), bệnh viện, v.v.  Tôi nghĩ những thẩm định về những yếu tố trên nên để cho các hiệp hội y khoa hay một hội đồng độc lập thực hiện.
ĐV: Theo ông, với những trường không chuyên đào tạo về ngành y, dược như Đại học Kinh doanh và công nghệ thì cần những điều kiện nào, thì mới có thể thực hiện việc tuyển sinh và đào tạo đảm bảo chất lượng?
NVT: Tôi nghĩ có lẽ nhiều người ở Việt Nam quen với tư duy đại học chuyên ngành, nên mới thấy ngạc nhiên, thậm chí khó chịu, khi một trường có cái tên chẳng dính dáng gì đến y khoa, mà lại mở chương trình đào tạo y khoa. Nhưng như tôi giải thích ở trên, điều này rất bình thường, chẳng có gì đáng ngạc nhiên cả. Ở đại đa số các đại học đa ngành ở nước ngoài, khoa y chỉ là một trong nhiều khoa mà thôi. Vấn đề là làm sao để đảm bảo chất lượng đào tạo.
Trả lời câu hỏi trên làm tôi phải đặt câu hỏi khác là chúng ta muốn bác sĩ tương lai phải có kĩ năng gì. Tôi sẽ lấy câu trả lời của ông khoa trưởng y khoa UNSW (Úc): các bác sĩ tương lai phải có kĩ năng lâm sàng tốt, phải có kiến thức về khoa học hiện đại, và kĩ năng truyền đạt thông tin. Xuất phát từ 3 kĩ năng đó, chương trình đào tạo y khoa chẳng những phải đảm bảo sinh viên có cơ hội thực hành lâm sàng, mà còn phải có cơ hội tiếp xúc và thực hành khoa học thực nghiệm, và truyền đạt thông tin y học, hay nói thẳng là bác sĩ tương lai phải biết đọc, biết nói, và biết viết. Nói ngắn gọn hơn, trường đại học phải nhắm đến đào tạo các bác sĩ tương lai có thực tài, có kiến thức và phán xét tốt, dám dấn thân vì sức khoẻ cộng đồng, và sẵn sàng chấp nhận một khế ước đạo đức với xã hội.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét