Thứ Bảy, 30 tháng 7, 2016

20160730. LÃNG PHÍ ĐÀO TẠO

ĐIỂM BÁO MẠNG
LÃNG PHÍ ĐÀO TẠO
THANH HÙNG/ SGGP 28-7-2016
Một góc ĐH Tiền Giang
Chúng ta dành 20% ngân sách đầu tư cho giáo dục - con số ấn tượng với một quốc gia đang phát triển để có thể tự hào khi Nhà nước luôn xem giáo dục là quốc sách hàng đầu. Tuy nhiên, thực tế chất lượng giáo dục, trong đó rõ nhất là “sản phẩm” của giáo dục đại học (ĐH), nhiều năm qua vẫn chưa thật sự tương xứng với kỳ vọng để trực tiếp tham gia đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Mặc dù chất lượng đào tạo như vậy nhưng chỉ tiêu ĐH, cao đẳng (CĐ) vẫn cứ tăng liên tục và ngân sách vẫn phải chi đều đặn là điều khó có thể chấp nhận được.
Thống kê mới đây cho thấy cả nước có 225.000 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp. Trong khi đó, từ năm 2010 đến nay tổng chỉ tiêu tuyển sinh ĐH, CĐ (không tính giáo dục nghề nghiệp) lại tăng 10% mỗi năm. Cũng trong giai đoạn này, nguồn tuyển là học sinh tốt nghiệp THPT lại giảm đến 201.000. Sẽ càng chua xót hơn khi biết rằng trong số 225.000 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp ấy phần lớn học phí là 50% ngân sách nhà nước gánh, đồng thời cũng có không ít cử nhân ngành sư phạm (được ngân sách nhà nước lo 100%). Một sự lãng phí nguồn nhân lực lẫn ngân sách quốc gia quá khủng khiếp!
Mặc dù là thừa đến như vậy nhưng một nghịch lý đang tồn tại, đó là làn sóng mở trường, nâng cấp vẫn tiếp tục không dừng lại. Mới đây, tại Cần Thơ đề xuất xin thành lập thêm 3 trường ĐH, tỉnh Bến Tre thành lập một trường ĐH và tỉnh Đồng Nai cũng đang xin nâng cấp Trường CĐ Y tế Đồng Nai lên thành trường ĐH. Trường ĐH Tiền Giang là một trường ĐH tỉnh bề thế nhất cả nước, sau vài năm xây dựng cơ sở mới hoành tráng giờ không có người học, phải tính… bán trường.
Các trường ĐH tỉnh hiện nay hầu hết là nâng cấp từ trường CĐ sư phạm của tỉnh. Tuy nhiên, nếu xem cụ thể từng ngành học ở những trường ĐH lên đời này thì mới biết họ chỉ có cái “vỏ”, chứ “ruột” rất nghèo nàn. Chưa nói đến thành lập trường ĐH mới, để nâng cấp từ một trường CĐ lên thành trường ĐH thì chí ít cũng phải tiêu tốn ngân sách hết hàng trăm tỷ đồng, nhưng cái được duy nhất chỉ là cái danh ĐH.
Ngược lại với thực trạng thất nghiệp “khủng” của ĐH, thạc sĩ, sau 5 năm thực hiện chiến lược đào tạo nghề, tỷ lệ tuyển sinh vào trung cấp nghề, cao đẳng nghề chỉ đạt 53,4% kế hoạch. Nhưng thực tế nhu cầu tuyển dụng công nhân có tay nghề cao ở các KCN, KCX là rất lớn. Nghịch lý này dẫn đến sản xuất công nghiệp và giá trị sản phẩm công nghiệp ở nước ta còn rất thấp so với các nước trong khu vực, khả năng cạnh tranh của nền kinh tế trong môi trường toàn cầu hóa của ta còn nhiều điểm yếu. Đáng nói hơn, cơ cấu lao động của nước ta quá bất hợp lý, cứ 1 cán bộ tốt nghiệp ĐH thì chỉ có 0,43 cán bộ trung cấp chuyên nghiệp và 0,56 công nhân kỹ thuật. Trong khi, tỷ lệ này của thế giới là 1 - 4 - 12.
Về tốc độ tăng trưởng sinh viên, hiện nay Việt Nam đạt khoảng 13%, là không cao so với các quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Singapore, Malaysia luôn trên 15%. Tuy nhiên, nếu chúng ta cứ mãi chạy theo cái danh ĐH, chạy theo số lượng mà không chú trọng đến chất lượng đào tạo thì ắt hẳn nguồn nhân lực trong tương lai sẽ đối diện với thực tế thầy không ra thầy, thợ không ra thợ. Nhu cầu học tập của xã hội hiện nay rất lớn và đó là điều đáng mừng vì nước ta có truyền thống hiếu học. Song, học phải có sự phân tầng, ĐH phải ra ĐH. Mở trường thì phải đảm bảo chất lượng chứ đừng biến trường ĐH thành trường CĐ, trung cấp. Có trường chỉ mới từ trung cấp lên CĐ vài năm đã nâng cấp lên ĐH. Như vậy, việc chuyển hóa đội ngũ, công tác quản lý còn không theo kịp nói gì đến chất lượng đào tạo!
Thực tế cho thấy, một khi chạy đua theo số lượng chắc chắn sẽ xem nhẹ điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên trong đào tạo. Con số 225.000 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp là hồi chuông cảnh báo để Bộ GD-ĐT cần phải chấm dứt chạy theo số lượng, tăng quy mô chỉ tiêu tuyển sinh để chú trọng nâng chất lượng đào tạo, điều chỉnh lại cơ cấu chỉ tiêu cho phù hợp với chiến lược phát triển ngành nghề của đất nước. Hơn ai hết, tân thủ lĩnh ngành giáo dục phải mạnh dạn đề xuất điều chỉnh ngay quy hoạch chiến lược phát triển nhân lực, mạng lưới các trường ĐH, CĐ cho phù hợp với tình hình thực tế. Đồng thời, việc thành lập trường hay nâng cấp trường nếu không hợp lý phải loại bỏ, không trình lên Chính phủ. Khi giáo dục ĐH siết lại thì ắt hẳn giáo dục nghề nghiệp, phân luồng sau THPT sẽ có lời giải và thực trạng thừa vẫn thừa, thiếu vẫn thiếu sẽ không tái diễn. Song song đó, Bộ GD-ĐT đẩy mạnh chủ trương xã hội hóa giáo dục, khuyến khích đẩy mạnh khối giáo dục tư thục có chất lượng nhưng không vì lợi nhuận, tạo điều kiện cho các trường ĐH công được tự chủ để không sống bám vào bầu sữa ngân sách.
THANH HÙNG
- See more at: http://www.sggp.org.vn/theodongthoisu/2016/7/428566/#sthash.Ah2td2NU.dpuf
LẸT ĐẸT MÃI VÌ KHÔNG 'DÁM Ý KIẾN'...
 MINH PHƯỚC/ TVN 30-7-2016
Giáo dục, cô giáo Hà, Hiệu trưởng, Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch thành phố, Hà Nội, Minh Phước
Chấp nhận sự khác biệt là thái độ văn minh. Ảnh minh họa.
Giáo dục là gốc của xã hội, một nền giáo dục tốt đơn giản là một nền giáo dục “dám ý kiến”.
Mạng xã hội là một phát kiến tân tiến của nhân loại, ưu điểm lớn nhất mà nó đem lại cho loài người là tính tương tác, lượng thông tin khổng lồ nhanh nhạy và tinh thần “dám ý kiến” hay nói chính xác hơn là tinh thần dám phản biện.
Một nền giáo dục hiện đại phải dựa trên tinh thần dám phản biện, khi đó thầy với trò sẽ tiếp thu bài học một cách thấu đáo và sáng tạo hơn. Từ đó nhìn rộng ra mọi mặt xã hội, tinh thần “dám ý kiến” sẽ giúp cho xã hội đó phát triển, hoàn thiện và khoa học hơn. Đích đến của loài người là khát vọng một xã hội văn minh, một xã hội tôn trọng quyền con người và tinh thần “dám ý kiến” là một quyền được hiến định của con người…
Dư luận xã hội từng bàn luận chuyện “vợ phi công Trần Quang Khải được đặc cách tuyển dụng vào ngành giáo dục”, được cô giáo Trần Thị Mỹ Hà – tổ trưởng tổ Văn Trường trung học phổ thông Trần Nhân Tông, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) nhận định trên trang facebook cá nhân của mình rằng: “Giống cộng điểm ưu tiên trong tuyển sinh đại học, Ku Tây không thích điều này”.
Như vậy, khái niệm “không thích” là rất thẳng thắn rõ ràng, không vi phạm pháp luật, và là quyền của cô giáo. Mặt khác, trong các diễn đàn hội thảo về “cải cách giáo dục” đã rất nhiều trí thức, nhà nghiên cứu đưa ra vấn đề bỏ việc ưu tiên điểm tuyển sinh để đem lại sự công bằng cho các thí sinh, vậy ý kiến của cô giáo Hà là có lý chứ?
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Chấp nhận sự khác biệt là một thái độ văn minh, phản chiếu sinh hoạt dân chủ trong xã hội. Đồng ý rằng, bức xúc là trạng thái rất thật của con người, và một đám đông có quyền bức xúc với một ý kiến trái chiều, nhưng sự bức xúc đó phải dựa trên việc phản biện có văn hóa, có lý, không thể áp đặt, suy diễn, phán xét ý kiến của cô giáo Hà là nhỏ nhen, là ích kỷ được.
Và cũng không thể dùng đám đông để “cảnh cáo” cô giáo Hà chỉ vì cô ấy “dám ý kiến”. Nhưng buồn thay, chiều 23/06, ông Phan Thanh Tùng, Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Trần Nhân Tông cùng chi bộ nhà trường họp khẩn và quyết định thống nhất hình thức cảnh cáo cô giáo Hà.
Lịch sử đã minh chứng bao lần, đám đông có thể là sức mạnh nhưng chưa chắc đám đông là đại diện cho chân lý…
May thay, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung, với tư cách cá nhân đã kịp thời lên tiếng với truyền thông, ông cho rằng “nhà trường không nên kỷ luật cô Hà chỉ vì nêu ý kiến trên mạng xã hội”.
Cũng là câu chuyện giáo dục, nhớ lại hình ảnh đơn độc của cô giáo Nguyễn Thị Minh Đệ trong một phiên tòa ngày 07/06 tại tỉnh Phú Yên, với chiếc áo dài thật đẹp, nghiêm trang quen thuộc trên bục giảng đường, không một đồng nghiệp, không một học trò bên cạnh, nhưng cô đã thắng, công lý đã đứng về phía cô. Chỉ vì thương quý học trò, chỉ vì mạnh dạn đấu tranh với tiêu cực trong việc thi cử, cô đã bị hiệu trưởng nhà trường nơi cô dạy học và một “đám đông quyền lực” trù dập, bị cắt lương, bị cấm bước chân vào trường.
Đã 07 lần mở phiên tòa, nhiều lần trì hoãn, hơn 03 năm theo kiện và gần 10 năm sống lay lắt khó khăn… cuối cùng, tòa đã chấp nhận phần lớn yêu cầu của cô. Công lý dù muộn màng nhưng cuối cùng đã chiến thắng.
Đất nước này nói chung, ngành giáo dục nói riêng rất cần những nhận định đúng mực kịp thời như của ông Chủ tịch thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung, và cần hơn bao giờ hết những vị hiệu trưởng biết lắng nghe và cho phép đồng nghiệp mình, học trò mình phản biện. Giáo dục là gốc của xã hội, một nền giáo dục tốt đơn giản là một nền giáo dục “dám ý kiến”.
Với một nền giáo dục có quá nhiều bất cập như hiện nay, cần lắm những tinh thần “dám ý kiến”!
Minh Phước

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét