Thứ Bảy, 16 tháng 7, 2016

20160716. SỰ TUYÊN TRUYỀN 'BÀI BẢN' CỦA TRUNG QUỐC VỀ CHỦ QUYỀN BIỂN ĐÔNG

ĐIỂM BÁO MẠNG
TUYÊN TRỀN VỀ CHỦ QUYỀN: SỰ BÀI BẢN CỦA TRUNG QUỐC VÀ SỰ NGU DỐT CỦA 'ĐẢNG TA'
ĐOAN TRANG/ Viet-studies 14-7-2016
Vào những ngày 26-27/1/2011, các nhà hải dương học Trung Quốc đã nhóm họp tại một hội nghị ở Thượng Hải để thảo luận về một dự án có tên là “Biển Hoa Nam sâu thẳm” (South China Sea-Deep). Mục đích của dự án là thăm dò, khám phá Biển Đông, nơi mà Trung Quốc gọi là biển Hoa Nam hay biển Nam Trung Hoa.
Theo một bài viết trên tờ The Economist ngày 10/2/2011, tổng kinh phí cho “Biển Đông sâu thẳm” là 150 triệu Nhân dân tệ (tương đương 22 triệu USD), được chi trả trong vòng 8 năm. Dự án do Quỹ Khoa học Tự nhiên Quốc gia– một cơ quan Nhà nước có trụ sở tại Bắc Kinh – thực hiện. Quỹ này không phải đơn vị duy nhất của Trung Quốc nghiên cứu về hải dương học: The Economist cho biết Trung Quốc cũng sẽ chi 400 triệu Nhân dân tệ (khoảng 58 triệu USD) để mở một trung tâm công nghệ hàng hải ở Thanh Đảo, và đầu tư tới 1,4 tỷ Nhân dân tệ (hơn 200 triệu USD) xây dựng một mạng lưới đài quan sát đáy đại dương tương tự như chương trình Neptune của Canada và Sáng kiến Đài Quan sát Hải dương của Mỹ.
Điều đáng chú ý là, cả ba dự án trên cũng không phải là một vài dự án nghiên cứu Biển Đông lẻ tẻ của Trung Quốc, mà chỉ là một phần trong công cuộc nghiên cứu và tuyên truyền về biển đảo, chủ quyền lãnh thổ, v.v. từ những năm 50 của thế kỷ trước và ngày càng tiến hành một cách bài bản, đồng bộ hơn.
Đặc điểm nổi bật trong hoạt động nghiên cứu và tuyên truyền của Trung Quốc là sự đồng bộ và toàn diện từ Trung ương xuống địa phương, và nhất quán giữa truyền thông chính thống (tức báo chí quốc doanh) và phi chính thống (tức mạng xã hội).
Từ trung ương xuống địa phương
Ông Phạm Hoàng Quân – một trong số rất ít người ở Việt Nam hiện nay (có thể đếm trên đầu ngón tay) nghiên cứu về cổ sử Trung Quốc – cho biết, Trung Quốc thực hiện nghiên cứu và phổ biến kết quả nghiên cứu về chủ quyền biển đảo trên ba cấp: Trung ương, địa phương (tỉnh thành), và hệ thống trường đại học.
Ở cấp Trung ương, Trung Quốc có hẳn một viện nghiên cứu rất lớn về Biển Đông là “Trung Quốc Nam Hải Nghiên cứu Viện”, và nhiều cơ quan trực thuộc Trung ương khác như: Sở Nghiên cứu Nam Hải (Viện Khoa học Trung Quốc), Bộ Tư lệnh Hải quân, Sở Nghiên cứu Tình báo Khoa học Kỹ thuật Hải dương… Hoạt động thường xuyên của các cơ quan này là tiến hành nghiên cứu, biên soạn tài liệu, tổ chức hội thảo v.v. về chủ quyền biển đảo. Ngay từ năm 1975, Viện Nghiên cứu Biển Đông đã xuất bản “Báo cáo sơ bộ về việc điều tra tổng hợp khu vực quần đảo Tây Sa” (tức Hoàng Sa, theo cách gọi của Trung Quốc).
Ở cấp tỉnh, mỗi tỉnh ven biển Trung Quốc đều có nhiều cơ quan nghiên cứu về biển đảo. Hoạt động mạnh nhất có lẽ là các cơ quan thuộc Quảng Đông, Phúc Kiến. Tháng 9 năm 1974, Bảo tàng Lịch sử Quảng Đông đã in “Hiện vật khảo cổ Tây Sa”. Năm 1976, Sở Ngoại vụ Quảng Đông tung ra một loạt tài liệu: “Địa lý các đảo Nam Hải”, “Vấn đề đối ngoại của nước ta về các đảo Nam Hải”, “Khái luận về chủ quyền của nước ta đối với các đảo Nam Hải”, v.v.
Ở các trường đại học, chẳng hạn Đại học Hạ Môn trong hai năm 1975-1976 đã xuất bản trọn bộ sáu cuốn “Tổng hợp sử liệu các đảo Nam Hải nước ta”. Khoa Địa lý Đại học Sư phạm Hoa Nam xuất bản cuốn “Nghiên cứu địa danh các đảo Nam Hải” (1983). Đại học Trung Sơn xuất bản nghiên cứu chuyên đề về “Lịch sử địa lý quần đảo Nam Sa” (1991). Các tác phẩm đều được dịch sang tiếng Anh để đưa ra thế giới.
Bên cạnh đó, các cơ quan Trung Quốc cũng tiến hành dịch công trình nghiên cứu của nước ngoài sang tiếng Trung để giới khoa học tham khảo. Chẳng hạn, Tập san Sử Địa, chuyên đề về Hoàng Sa - Trường Sa, của Việt Nam ra đời năm 1974 thì năm 1978 có bản tiếng Trung. Cuốn “Đất nước Việt Nam qua các đời” của học giả Đào Duy Anh (không nhắc tới Biển Đông) cũng được Trung Quốc dịch sang Trung văn với tựa đề “Việt Nam cương vực sử”.
Từ báo chí chính thống đến mạng xã hội
Chính quyền Trung Quốc huy động cả báo chính thống lẫn mạng xã hội vào cuộc “đấu võ mồm” để tranh giành biển đảo với các nước. Báo chí chính thống có những tờ như Nhân Dân nhật báo, hay một tờ khét tiếng chống Việt Nam lâu nay là Hoàn Cầu thời báo. Mạng xã hội thì có Sina Weibo (tương tự như Twitter hay Facebook).
Khi cần “chiến” với Việt Nam, Trung Quốc sẵn sàng huy động tổng lực cả hai loại. Thật là giống với cách làm của an ninh Việt Nam, hay nói đúng hơn, với nhà nước công an trị ở Việt Nam: Khi cần “đấu tranh với các thế lực thù địch”, Nhà nước huy động cả các cơ quan ngôn luận chính thức như báo Quân Đội Nhân Dân, Công An Nhân Dân, An Ninh Thủ Đô v.v. lẫn đội ngũ dư luận viên phủ sóng trên mạng bằng hàng chục blog và hàng nghìn comment từ mỉa mai, khiêu khích tới mạt sát, chửi rủa. Tiếc là đội ngũ dư luận viên của công an và tuyên giáo Việt Nam chỉ giỏi phồng mang trợn mắt lăng nhục, ngậm máu phun… đồng bào mình thôi chứ chưa bao giờ dám “oanh tạc” nước bạn - ngoại ngữ và trình độ là cả một vấn đề.
Sau sự kiện tàu Bình Minh II của Petro Vietnam bị tàu hải giám Trung Quốc cắt cáp, vào tháng 6/2011, một cuộc chiến tranh mạng đã diễn ra giữa hacker của cả hai bên, phía Việt Nam có vẻ bại trận: Hàng trăm website của Việt Nam bị hacker Trung Quốc tấn công, kể cả trang web của Trung tâm biên phiên dịch thuộc Bộ Ngoại giao Việt Nam.
Xem ra bắt nạt, hành hạ người trong nhà mình bao giờ cũng dễ hơn đương đầu với thằng hàng xóm to xác, xấu tính.
Cần hiểu rằng việc Bắc Kinh bật đèn xanh, thậm chí chủ động huy động blogger vào cuộc chiến truyền thông trên mạng để khẳng định chủ quyền, là một cách làm rất khôn ngoan: Họ luôn luôn có thể nói rằng đó là quan điểm của dân, không nhất thiết của chính quyền, và chính quyền không thể can thiệp, cấm cản. Nói cách khác, blogger Trung Quốc cứ việc chửi bới Việt Nam thả giàn mà chẳng làm sao cả.
Nhìn về Việt Nam mà đối chiếu, ta sẽ thấy một sự thật cay đắng: Nhà nước công an trị Việt Nam thẳng tay đàn áp các blogger có tinh thần chống Trung Quốc quá mạnh và có ảnh hưởng tới cộng đồng. Điếu Cày, Tạ Phong Tần, Bọ Lập, Phạm Viết Đào, Ba Sàm, No-U Hà Nội… là những ví dụ nhãn tiền. Nói cách khác, lẽ ra phải để blogger – kênh truyền thông không chính thống – lên tiếng mạnh mẽ, càng mạnh càng tốt, thậm chí nói thay phần nhà nước ở những khía cạnh ngoại giao quá phức tạp, thì Đảng và Nhà nước làm ngược lại: phá biểu tình, đánh đập, bắt người. Trong rất nhiều trường hợp, công an Việt Nam, thay mặt cho Đảng và Nhà nước, đã phá hoại thông điệp chung về bảo vệ chủ quyền và công lý, vốn rất cần được phổ biến ra cộng đồng quốc tế.
Thật là không chỉ tàn ác mà còn ngu dốt nữa.
(*) Người viết xin để bạn đọc tự đánh giá cách hành xử của Đảng và Nhà nước là "ngu dốt" hay "bán nước". Cá nhân tôi muốn dùng từ nhẹ hơn, nên gọi đó là "sự ngu dốt".
Nguồn:http://www.phamdoantrang.com/2016/07/tuyen-truyen-ve-chu-quyen-su-bai-ban.html
ĐẤT NƯỚC CẦN MỘT LIÊN MINH TRÍ THỨC
NGUYỄN TIẾN DŨNG/ BS/ BVB 15-7-2016
Khi tình hình trên Biển Đông ngày càng căng thẳng, Trung Quốc đang bị dồn vào thế bí và đang tỏ ra ngày càng hung hăng thì khả năng một cuộc giao tranh quân sự rất có thể sẽ xảy ra vì từ xưa tới nay Trung Quốc vẫn lăm le xâm chiếm nước ta, và thực tế Hoàng Sa đã bị chúng chiếm hơn 40 năm nay. Vậy chúng ta phải đối phó ra sao?
Trong bài phát biểu cách đây không lâu của thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh có nói: “Nhân dân Việt Nam sẵn dàng hi sinh vì độc lập tự do”. Đúng, nếu chiến tranh xảy ra, tôi sẵn sàng chiến đấu, và tôi tin tất cả người dân Việt Nam cũng sẽ đứng lên chiến đấu tới hơi thở cuối cùng. Nhưng tôi băn khoăn một điều, tôi không sợ chết cho Tổ quốc nhưng những hi sinh đó liệu có đủ để đánh bại đế quốc xâm lăng? Rồi đất nước liệu có được tự do? Hay những hy sinh đó chỉ như trứng chọi với đá? Bởi lẽ, hãy nhìn vào thực tế, Việt Nam ta quá nhỏ bé và yếu đuối! Chúng ta yếu về mọi mặt, từ quân sự, kinh tế tới văn hóa, giáo dục. 
Khi mà kinh tế yếu kém và tụt hậu quá xa so với các nước trên thế giới, khi mà giáo dục cứ mãi loanh quanh với những cải cách chưa đi đến đâu, khi mà môi trường đang ngày càng bị hủy hoại từ chính chúng ta, thậm chí từ những thế lực bên ngoài mà chính quyền cứ ngoảnh mặt làm ngơ, khi mà văn hóa và đạo đức xã hội đang xuống cấp nghiêm trọng, khi mà truyền thông báo chí chưa thể hiện đúng vai trò của mình, cái tiếng nói dân chủ cần được tự do thì không tự do, cái giải trí tầm thường thì lại đang được cổ súy tràn lan, phổ biến, khi mà con người chúng ta đang sống trong vô vàn nỗi sợ, mất niềm tin vào cả những người xung quanh… thì thực sự Tổ quốc lâm nguy thật rồi!
Đã nhiều lần tôi tự hỏi, làm sao để đưa đất nước trở thành cường quốc? Liệu có phải là một nhà lãnh đạo kiệt xuất? Một người tài ba như Lý Quang Diệu của Singapore, hay một người có tư tưởng trác việt như Fukuzawa, có lẽ đó chỉ là điều kiện đủ, bởi lẽ nhân tài cũng cần có môi trường phù hợp để tô dưỡng và phát huy tài năng của mình, tôi chẳng tin có con cá nào có thể phát triển và khỏe mạnh trên dòng sông Tô Lịch cả, nói gì đến tài năng kiệt xuất.
Lúc này, tôi nhớ đến nhà tư tưởng lớn của chúng ta, cụ Phan Châu Trinh. Hơn 100 năm trước, khi chúng ta đang là thuộc địa của Pháp, và để giải thoát cho dân tộc, ông đã đưa ra quan điểm “chi bằng học”, tức không gì bằng việc học cả. Cho đến bây giờ, đó vẫn là tư tưởng mang tính thời đại. Tri thức là nguồn sức mạnh to lớn và bền vững, chỉ có tri thức mới đưa chúng ta thoát khỏi nghèo đói và lạc hậu, giúp chúng ta tiến gần tới nền văn minh thế giới. 
Vậy, câu hỏi đặt ra là, làm sao để tất cả mọi người cùng ý thức được việc nâng cao tri thức là quan trọng? Làm sao để việc đọc sách là thói quen hàng ngày của mỗi chúng ta? Để những điều đó thành hiện thực thì cần một sự thay đổi vô cùng lớn, một quá trình rất dài. Nhưng tôi tin đây sẽ là con đường duy nhất đưa Việt Nam sang một trang sử mới.
Từ xưa tới nay, đất nước nào, xã hội nào có tầng lớp trí thức càng mạnh và có chính quyền càng trí thức thì càng dễ phát triển, tiến bộ. Việt Nam ta thiếu cả hai điều đó. Đất nước ta đang có rất nhiều vấn đề tiêu cực còn tồn tại trong xã hội, nhưng tại sao nó vẫn tiếp tục? Không phải là không có ai lên tiếng, nhưng có lẽ do những tiếng nói ấy chưa đủ để tác động là thay đổi, nó cần một sức mạnh lớn hơn, nó cần một tiếng nói chung của nhiều người, đó là giới trí thức. Đã là một trí thức thì phải có trách nhiệm với xã hội, hiểu biết càng lớn thì trách nhiệm càng cao, nếu cứ mãi im lặng trước những vấn đề chung của đất nước thì hiểu biết để làm gì?
Nhà thơ lừng danh người Nga Yevgeny Yevtushenko, từng cay đắng nói rằng “Khi sự thật bị thay bằng im lặng, sự im lặng đó chính là lừa dối” (When truth is replaced by silence, the silence is a lie).
Chúng ta đang thật sự cần một đội ngũ trí thức chất lượng, một đội ngũ trí thức có sức ảnh hưởng lớn tới cộng đồng, xã hội. Và điều đầu tiên chúng ta cần làm là tập hợp nhau lại, tập hợp một nhóm những trí thức chất lượng cao, những bộ óc tinh hoa của cả nước. Những bộ óc đó sẽ cùng nhau xây dựng thành một liên minh tinh hoa bậc nhất, uy tín bậc nhất. Ở đấy, họ sẽ cùng nhau trao đổi, thảo luận, đưa ra những giải pháp, định hướng, vì sự phát triển chung của đất nước… Dần dần từ liên minh đó sẽ lan tỏa và xây dựng nên một thế hệ người Việt hiểu biết và trí tuệ. 
Đất nước đang rất cần một liên minh như vậy, nhân tài cần có một môi trường phù hợp để cống hiến, giới trẻ cần có những người dẫn đường để định hướng và tạo điều kiện phát triển, cộng đồng cần một tổ chức để có thể tin tưởng, đất nước cần một đầu tầu dần đường. Đã đến lúc những trí thức yêu nước phải liên kết lại, chúng ta vẫn biết đoàn kết là sức mạnh, tri thức là sức mạnh, vậy thì đoàn kết tri thức sẽ tạo ra một sức mạnh vô cùng lớn, có thể kéo con tàu Việt Nam tiến tới giàu có, thịnh vượng và văn minh.
Đất nước mình cần lắm một liên minh
Một liên minh trí thức dẫn đường.
Giờ đây, hãy cùng đọc lại mười điều bi ai của dân tộc mà cụ Phan Châu Trinh đã từng nói:
Trong khi người nước ngoài có chí cao, dám chết vì việc nghĩa, vì lợi dân ích nước; thì người nước mình tham sống sợ chết, chịu kiếp sống nhục nhã đoạ đày.
Trong khi người ta dẫu sang hay hèn, nam hay nữ ai cũng lo học lấy một nghề; thì người mình chỉ biết ngồi không ăn bám.
Trong khi họ có óc phiêu lưu mạo hiểm, dám đi khắp thế giới mở mang trí óc; thì ta suốt đời chỉ loanh quanh xó bếp, hú hí với vợ con.
Trong khi họ có tinh thần đùm bọc, thương yêu giúp đỡ lẫn nhau; thì ta lại chỉ quen thói giành giật, lừa đảo nhau vì chữ lợi.
Trong khi họ biết bỏ vốn lớn, giữ vững chữ tín trong kinh doanh làm cho tiền bạc lưu thông, đất nước ngày càng giàu có; thì ta quen thói bất nhân bất tín, cho vay cắt cổ, ăn quỵt vỗ nợ, để tiền bạc đất đai trở thành vô dụng.
Trong khi họ biết tiết kiệm tang lễ, cư xử hợp nghĩa với người chết; thì ta lo làm ma chay cho lớn, đến nỗi nhiều gia đình bán hết ruộng hết trâu.
Trong khi họ ra sức cải tiến phát minh, máy móc ngày càng tinh xảo; thì ta đầu óc thủ cựu, ếch ngồi đáy giếng, không có gan đua chen thực nghiệp.
Trong khi họ giỏi tổ chức công việc, sắp xếp giờ nghỉ giờ làm hợp lý, thì ta chỉ biết chơi bời, rượu chè cờ bạc, bỏ bê công việc.
Trong khi họ biết gắng gỏi tự lực tự cường, tin ở bản thân; thì ta chỉ mê tín nơi mồ mả, tướng số, việc gì cũng cầu trời khấn Phật.
Trong khi họ làm việc quan cốt ích nước lợi dân, đúng là “đầy tớ” của dân, được dân tín nhiệm; thì ta lo xoay xở chức quan để no ấm gia đình, vênh vang hoang phí, vơ vét áp bức dân chúng, v.v…
Hơn 100 năm rồi, những bi ai vẫn còn đó, trong khi thế giới với bao đổi thay, bao nước nhỏ đã vươn lên mạnh mẽ, bao phát minh mang đến những bước tiến dài cho nhân loại thì chúng ta vẫn vậy, nhỏ bé và lạc hậu. Có trí sỹ nào đang đọc lại những điều bi ai này mà thấy cay cay khóe mắt không? 
Chưa bao giờ Việt Nam tầm thường như bây giờ, chỉ vì đồng tiền con người có thể lừa lọc lẫn nhau từ cái bé tới cái lớn. Vì hám lợi mà thưc phẩm bẩn tràn lan, đồng bào hại nhau, ăn chưa vào miệng mà đã sợ bệnh vào thân. Cơ quan chức năng thì không làm gì được, ngoảnh mặt làm ngơ. Rồi đến nạn tham nhũng tràn lan, từ quan bé tới quan lớn, nhìn đâu cũng thấy tham nhũng. Phổ biến mà ai cũng thấy hàng ngày là chuyện ăn tiền của CSGT, chuyện mấy bà bán nước, bán rau cũng phải đút tiền cho mấy ông CA phường… Nguy hiểm hơn khi nó còn lan vào cả trường học, từ cấp nhỏ tới cấp lớn, nào là quà cáp giáo viên cho con đến chạy điểm chạy bằng trong các trường đại học. Thế thì dạy với học cái nỗi gì?!!!
Cứ nhìn vào lối sống của giới trẻ mà đau lòng. Toàn những giải trí vô bổ, thần tượng những Ngọc Trinh, Sơn Tùng,… Mạng xã hội thì chỉ thấy show hàng với chửi nhau, gạ gẫm đánh nhau rồi tung lên mạng. Một xã hội loạn lạc, văn hóa đạo đức suy đồi, lịch sử đất nước và truyền thống dân tộc bị xem nhẹ. Thật tầm thường quá! Nguy hiểm quá!
Hỡi các trí thức, chúng ta đang đứng trước nhu cầu của thời đại, đất nước chưa bao giờ cần nhân tài như lúc này, với trách nhiệm của người con yêu nước, hãy cùng đứng lên và liên kết lại thành một liên minh trí thức đại diện tiếng nói của trí thức, của nhân dân, chung tay góp sức cho tổ quốc. Im lặng chỉ là kẻ hèn nhát, yếu đuối, có tội với ông cha, có tội với đất nước.
Mỗi con người sinh ra trên đất nước Việt Nam này đã là một phần của Tổ quốc, có sinh sống và làm việc ở bất kỳ đâu thì cũng là một người con đất Việt, chẳng lẽ cứ mãi đứng nhìn Tổ quốc nhỏ bé, yếu đuôi và tụt hậu so với thế giới sao? Chúng ta cứ để người hàng xóm TQ bắt nạt mãi sao?
Tôi không mong một lần chúng ta đem quân sang gây chiến với Trung Quốc nhưng tôi mong có một ngày chúng ta có thể mạnh bạo tuyên bố rằng: “Một tấc đất, một ngọn cỏ trên lãnh thổ Việt Nam là của nhân dân Việt Nam, bất cứ kẻ nào có ý định xâm chiếm đều sẽ bị trừng trị, Việt Nam chúng tôi yêu hòa bình nhưng sẽ sẵn sàng tuyên chiến với bất cứ ai có ý định đó, bất kể là ai!
NTD/BaSam


LẠI NÓI VỀ CUỘC "CHIẾN TRANH DƯ LUẬN" TRÊN BIỂN ĐÔNG HIỆN NAY GIỮA VIỆT NAM VÀ TRUNG QUỐC
NGUYỄN TRỌNG BÌNH/ BVB 22-7-2016
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc gặp song phương
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường bên lề Hội nghị Cấp cao Á-Âu lần thứ 11 

                                                                                                        - Ảnh: TTXVN

1. Truyền thông Trung Quốc có thực sự xuyên tạc quan điểm của Việt Nam?
Ngày 18/7, hàng loạt cơ quan truyền thông chính thống nước nhà đồng loạt đưa tin Việt Nam bác bỏ thông tin của báo chí Trung Quốc về buổi gặp gỡ giữa Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường ngày 14-7-2016 bên lề Hội nghị thượng đỉnh Á-Âu (ASEM) tại thủ đô Ulan Bator (Mông Cổ) liên quan đến vấn đề về tranh chấp ở biển Đông [1]. Tất cả các bản tin đều dẫn nguồn từ Thông tấn xã Việt Nam như thể giải thích với nhân dân trong nước là không nên “hiểu lầm” lập trường của chính quyền Việt Nam ngay sau khi có phán quyết từ Tòa trọng tài Thường trực (PCA) về vụ kiện của người Philippines ngày 12/7/2016.
Đọc lại các bản tin có liên quan về vấn đề này từ phía truyền thông Việt Nam người viết bài này không thể không đặt ra câu hỏi: Truyền thông Trung Quốc có thực sự xuyên tạc hay vì sự lập lờ nước đôi của lãnh đạo chính quyền Việt Nam mới là nguyên nhân chủ yếu?
Trước hết, có thể thấy, kể từ khi PCA đưa ra phán quyết không công nhận “đường lưỡi bò” phi pháp của Trung Quốc, phản ứng của lãnh đạo chính quyền nước nhà đến thời điểm này chủ yếu chỉ được thể hiện qua bản tin duy nhất được phát đi từ phía Bộ ngoại giao Việt Nam ngay sau đó. Nội dung của bản tin vẫn như thường lệ là những lời lẽ chung chung, mềm mỏng, nhẹ nhàng quen thuộc. Mới nghe qua nghe tưởng chừng khôn khéo nhưng nếu ngẫm kỹ lại thì không hẳn như vậy.
Đành rằng chỉ nói “hoan nghênh phán quyết cuối cùng của PCA” và không nói ủng hộ hay chúc mừng Philippines là sự khôn ngoan (vì giữa Việt Nam và Philippines cũng đang tồn tại quan điểm khác nhau về chủ quyền một số đảo). Tuy vậy, không một lời nào đề nghị, yêu cầu Trung Quốc xóa bỏ yêu sách về “đường lưỡi bò” thì cũng khó mà thuyết phục dân chúng và bè bạn quốc tế. Dư luận có quyền đặt câu hỏi tại sao không nhân cơ hội này thể hiện rõ lập trường quan điểm của mình với dư luận quốc tế là Việt Nam không bao giờ chấp nhận đàm phán song phương (nếu thực sự nghĩ vậy)? Trong cuộc gặp gỡ bên lề ở Hội nghị thượng đỉnh Á-Âu (ASEM) tại thủ đô Ulan Bator (Mông Cổ) sau đó cũng vậy, tại sao không thẳng thắn và mạnh mẽ đề nghị họ nghiêm túc thực thi phán quyết của PCA về yêu sách đường chính đoạn vô căn cứ mà lại “đề nghị hai bên cùng thực hiện nghiêm túc các thỏa thuận và nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao, trong đó có “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc” do hai Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Hồ Cẩm Đào đã thống nhất tháng 10-2011 nhằm thúc đẩy các cơ chế đàm phán trên biển sớm có tiến triển thực chất, đồng thời kiểm soát tốt bất đồng trên biển, không làm phức tạp tình hình, thực hiện hiệu quả, toàn diện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), góp phần duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực.”
Về mặt câu chữ, đành rằng không có lời nào nói “Việt Nam sẵn sàng thúc đẩy đàm phán song phương” nhưng cứ lập lờ nước đôi “đề nghị hai bên cùng thực hiện nghiêm túc các thỏa thuận và nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao, trong đó có “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc” do hai Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Hồ Cẩm Đào đã thống nhất…” thì cũng khó mà trách họ suy diễn theo nghĩa tương đương? Nếu trước đây, khi PCA chưa đưa ra phán quyết, ở phương diện nào đó nói như trên còn có thể chấp nhận được nhưng đã biết PCA chính thức “cắt đường lưỡi bò” rồi mà vẫn nói như thế thì có phải rất sai lầm và xuẩn ngốc không? Nếu đã thừa hiểu họ gian manh, xảo quyệt và bất chấp thủ đoạn mà vẫn mềm mỏng, nhẹ nhàng, nước đôi như thế thì trách sao dư luận người ta không xầm xì bàn tán là nhu nhược và yếu hèn?
2. Tiên trách kỷ…
Còn nhớ năm 2015, tác giả Nguyễn Hồng Thao trong bài viết “Chiến tranh dư luận trên biển Đông và sức mạnh của tác phẩm hư cấu” đăng trên báo Thanh Niên số ra ngày 20/5/2015 như thể “tư vấn” cho chính quyền và Nhà nước về những đối sách mang tầm chiến lược nhằm đối phó với người Trung Quốc trong cuộc “chiến tranh dư luận” trên biển Đông. Theo đó, Nguyễn Hồng Thao cho rằng "Chiến tranh dư luận" hay còn gọi là chiến tranh thông tin, chiến tranh tư tưởng công chúng tạo nền tảng giành lấy thế thắng áp đảo trên phương diện chiến tranh tâm lý và chiến tranh pháp lý. Đó là kiểu chiến tranh hoạt động liên tục, không ngừng nghỉ nhắm đến tác động nhận thức và thái độ. Chiến tranh dư luận nhấn mạnh đến tất cả các công cụ truyền tin và ảnh hưởng công chúng như phim ảnh, truyền hình, sách báo, internet, và mạng lưới truyền thông toàn cầu” [2].
Nhằm góp thêm tiếng nói với Nguyễn Hồng Thao, người viết bài này ngay sau đó cũng có bài viết đặt vấn đề mang tính cảnh báo: “Việt Nam đã và đang tự thua Trung Quốc trong cuộc chiến tranh dư luận về biển Đông?” [3]. Thế nhưng, có thể thấy xem ra những chuyện này hoàn toàn không được chính quyền, nhà nước lắng nghe, tiếp thu và điều chỉnh.
Từ đây, nhìn lại việc Thông tấn xã Việt Nam phải khổ sở “đính chính” sự xuyên tạc của truyền thông Trung Quốc với người dân trong nước càng cho thấy rõ hơn sự lúng túng của lãnh đạo nước nhà trong việc “định hướng” dư luận trên mặt trận thông tin, ngoại giao. Hay nói khác đi, thời gian qua trên mặt trận “chiến tranh dư luận” nhằm tuyên truyền cho dân chúng về tình hình thật sự ở biển Đông, chính quyền lãnh đạo nước nhà đã và đang mắc nhiều sai lầm.
Nhìn chung trên tổng thể, có thể nói, trong vấn đề tuyên truyền về chủ quyền Biển Đông hiện nay, các cơ quan tuyên truyền của Việt Nam (đứng đầu là Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo…) đang dần mất khả năng đánh chặn chứ đừng nói chi là ra đòn phản công lại trước sự xuất kích gần như liên tục từ phía chính quyền Trung Quốc. Giống như mới đây một số người chỉ biết ngồi than vãn trong sự bất lực về vấn đề từ rất lâu rồi Trung Quốc đã tiến hành các phong trào, chiến dịch nhồi nhét về “đường lưỡi bò” phi pháp cho dân chúng họ khi còn là những đứa trẻ cấp một. Vấn đề vốn không mới, nhưng các bài viết chỉ dừng lại ở đó thì vẫn chưa cho thấy hết bản chất của vấn đề nêu như thực sự muốn tìm giải pháp để giải quyết. Đọc những bài viết như thế này chỉ càng cho thấy sự yếu kém, “ngụy biện và xuẩn ngốc” của những người có trách nhiệm ở Việt Nam. Vì lẽ, ở chiều ngược lại, thử hỏi từ xưa đến nay chính quyền Việt Nam có nhồi nhét dân chúng mình không? Có lẽ không nói thì mọi người cũng đã biết câu trả lời. Thế hệ trẻ ở Việt Nam từ lâu vốn cũng bị nhồi nhét y hết như thế hệ trẻ ở Trung Quốc có chăng chỉ là sự khác nhau về nội dung nhồi nhét mà thôi. Cụ thể cho đến nay thế hệ trẻ nước Việt vẫn đang bị nhồi vào đầu óc non nớt nhưng nội dung như: phải luôn luôn ghi nhớ và căm thù Pháp, Mỹ; “sự tài tình và sáng suốt của Đảng ta”. Đặc biệt, trong quan hệ với Trung Quốc thì đây là người “anh em”, “đồng chí”, “láng giềng tốt”... Những chuyện tàn ác của họ như năm 1979 mang 60 vạn quân sang giết hại đồng bào ta ở các tỉnh phía Bắc, năm 1974 đánh cướp Hoàng Sa từ chính quyền Việt Nam Cộng hòa, năm 1988 một lần nữa đánh chiếm đảo Gạc Ma… thì kiên quyết không đưa vào sách giáo khoa, không cho thế hệ trẻ biết sự thật… Ngoài ra, trong tình hình hiện nay, thế hệ trẻ đang được nhồi là phải nêu cao tinh thần cảnh giác trước âm mưu “diễn biến hòa bình” nhằm bạo loạn lật đổ của các “thế lực thù địch”…
Chưa hết, mấy năm gần đây, khi “người bạn vàng” liên tục quấy rối và ức hiếp, dân chúng phản ứng quá thì thỉnh thoảng Ban tuyên giáo Trung ương cũng bật đèn xanh cho các cơ quan truyền thông nước nhà viết bài phản kháng nhưng chủ yếu là mang tính phong trào, thời vụ (với thái độ mềm mỏng, nhẹ nhàng tránh ảnh hưởng đến “đại cục”). Riêng những ai bất bình mà xuống đường tuần hành, phản đối trong ôn hòa thì nhất định là “bọn phản động” hoặc không cũng là bị bọn phản động mua chuộc, lôi kéo.
Ngoài ra, ở phương diện tuyên truyền khác, thỉnh thoảng cũng cho mang một số bản đồ, tư liệu cổ thể hiện rõ chủ quyền biển đảo đi triển lãm, trưng bày tại các viện bảo tàng, khu hội chợ nhân các dịp lễ lạc. Nhưng khốn nỗi, với các khu bảo tàng thì dân chúng nước nhà từ lâu vốn không có thói quen lui tới; còn ở các hội chợ thì người dân chủ yếu vui chơi, mua sắm chứ ít người vào dòm ngó. Mà cho dù có vào dòm ngó thì những bản đồ, tư liệu cổ toàn chữ Hán, chữ Nôm dân chúng không biết nhìn vào cũng chẳng hiểu gì, muốn lên tiếng hỏi thì cũng chẳng biết ai mà hỏi…
Chưa hết, sách nghiên cứu, chuyên khảo về chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa thì các nhà xuất bản chủ yếu in khổ lớn, bìa cứng, có cái còn mạ vàng, và dĩ nhiên giá cả mỗi cuốn ít nhất cũng từ vài trăm ngàn trở lên… Nên những đối tượng lẽ ra cần phải đọc và tìm hiểu như công nhân, học sinh, sinh viên, giáo viên… dù có muốn tìm hiểu cũng ít ai dám chịu bỏ tiền ra mua. Thành ra cuối cùng những cuốn sách như thế này chỉ số ít các nhà nghiên cứu mua về đọc và nói cho nhau nghe; hoặc cũng có một số cơ quan tuyền truyền Nhà nước mua về đặt vô cái tủ kính tại văn phòng làm việc cho nó oai…
3. Thay lời kết
Có thể nói, phán quyết không công nhận “đường lưỡi bò” do Trung Quốc tham lam tự vẽ ra của Tòa trọng tài thường trực (PCA) ngày 12/7 vừa qua, thật ra là kết quả đã được nhiều người dự đoán từ trước. Vấn đề quan trọng là cách phản ứng cùng thái độ hành xử sắp tới đây của các bên có liên quan trong đó có Việt Nam (chính xác hơn là lãnh đạo, chính quyền Việt Nam). Về phía chính quyền của ông Tập đương nhiên sẽ không bao giờ thừa nhận và tuân thủ phán quyết của PCA như rất nhiều lần họ đã ngang ngược và xấc láo tuyên bố trước đó. Chắc chắn họ sẽ tiếp tục gây rối ở biển Đông cho dù danh dự quốc gia có bị giảm sút trên trường quốc tế như một số chuyên gia đã phân tích. Nhưng nói cho cùng thì Tập Cận Bình và bộ sậu của ông ta không phải cũng đã tính toán và lường trước kịch bản này rồi sao? Danh dự tuy cũng quan trọng nhưng ngẫm kỹ lại thì là chuyện rất mơ hồ và nhỏ nhoi nếu so với giấc mộng bá quyền đã ăn vào máu họ mấy ngàn năm qua. Hơn nữa, trong hoàn cảnh hiện nay họ hoàn toàn có thể vung tiền ra để mua danh dự từ những quốc gia nhỏ, nghèo nhưng đang được/bị dẫn dắt bởi một bộ máy chính quyền, những quan chức tham lam và ngu xuẩn. Số lượng các nước nhỏ như thế này gần đây được các cơ quan truyền thông nước nhà điền vào hai cái tên - cũng là hai người láng giềng khác - Campuchia và Lào. Kể ra cũng khó mà trách họ. Bởi cái nghèo thường đi chung với cái hèn! Hơn nữa, nếu mình nghĩ về họ như thế thì họ cũng nói về mình như vậy, chẳng thằng nào hơn thằng nào về cái khoản nghèo và hèn này. Cho nên, nếu không muốn bị thiên hạ xầm xì thì phải thể hiện rõ quan điểm của của mình chứ không nên lập lờ, chơi trò đi dây trong chính sách ngoại giao để rồi sau đó “thanh minh, thanh nga” này nọ.
Đó là về đối ngoại. Còn với nhân dân trong nước, trong hoàn cảnh đất nước hiện có không biết bao nhiêu chuyện quan trọng, bức bách phải giải quyết mà đến giờ chuyện bầu bán, phân chức, phân quyền, phân ghế vẫn chưa xong về mặt hình thức; hay như trước đó mấy tháng đã “chuẩn bị nhân sự cấp cao”, bầu bán và tuyên thệ rồi giờ lại bỏ ra thêm 6 ngày để làm cái việc mà ai cũng biết mọi chuyện sẽ vẫn như cũ thì khó mà trách nhân dân hiểu nhầm về tính chính danh cũng như những lời hứa “vì dân, vì nước”. Vẫn biết làm chính trị đôi khi phải bất chấp thủ đoạn nhưng chẳng lẽ cứ diễn hài cho dân chúng coi hoài sao? Cái gì cũng có giới hạn của nó! Không thể đùa với nhân dân được đâu!
---------------
Chú thích nguồn:
[1]: “Bác bỏ thông tin sai lệch của báo chí Trung Quốc về Biển Đông”. Xem tại: http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/20160718/bac-bo-thong-tin-sai-lech-cua-bao-chi-trung-quoc-ve-bien-dong/1139152.html
[2]: “Chiến tranh dư luận trên biển Đông và sức mạnh của tác phẩm hư cấu” . Xem tại: http://thanhnien.vn/thoi-su/chien-tranh-du-luan-tren-bien-dong-va-suc-manh-cua-cac-tac-pham-hu-cau-564534.html
[3]: “Việt Nam đã và đang tự thua Trung Quốc trong cuộc chiến tranh dự luận về biển Đông?”. Xem tại: http://www.viet-studies.info/kinhte/NTrongBinh_ChienTranhDuLuan.htm
CT, 21/7/2016
N.T.B.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét