Thứ Hai, 25 tháng 7, 2016

20160725. QUANH VẤN ĐỀ 'SIÊU ỦY BAN' QUẢN LÝ VỐN NHÀ NƯỚC

ĐIỂM BÁO MẠNG
NẾU KHÔNG CÓ CƠ CHẾ MINH BẠCH THÌ CHƯA NÊN THÀNH LẬP 'SIÊU ỦY BAN' GIÁM SÁT VỐN
chinhphu.vn /GD 25-7-2016
Vấn đề quan trọng nhất là thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) theo đúng chủ trương Chính phủ đã đề ra nhằm tạo “sân chơi” cạnh tranh bình đẳng giữa khu vực DNNN và tư nhân.

Đây là nội dung các ý kiến của nhiều chuyên gia, nhà quản lý  khi trao đổi về dự thảo Nghị định về việc thành lập một “siêu ủy ban” nhằm giúp Chính phủ quản lý, giám sát toàn bộ vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp (DN).
TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng nếu muốn quản lý một nguồn lực rất lớn, phức tạp (vì có nhiều tập đoàn, tổng công ty với nhiều ngành nghề khác nhau, trong đó có những doanh nghiệp còn thua lỗ), thì cần phải tính thêm về mặt chức năng, quy mô nhân lực gắn với hiệu quả hoạt động. Vì vậy, việc lập ủy ban phải được bàn luận nghiêm túc và có giải pháp tin cậy.
Cần lường đoán những rủi ro mới 

Ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho rằng Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII có đưa nội dung tách chức năng quản lý Nhà nước ra khỏi chức năng quản lý cơ quan chủ sở hữu, hay nói cách khác là chức năng quản trị doanh nghiệp.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng dự thảo Nghị định về thực hiện quyền và trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu Nhà nước. 

Theo dự thảo, Chính phủ sẽ thành lập Ủy ban Quản lý, giám sát vốn và tài sản Nhà nước tại DN. Ủy ban này dự kiến sẽ trực tiếp thực hiện quyền chủ sở hữu đối với DN và vốn Nhà nước tại 9 tập đoàn, 21 tổng công ty lớn với khối tài sản rất lớn. 

Đề xuất nói trên đang thu hút sự quan tâm của dư luận.
Nghị quyết của Quốc hội phê duyệt kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2016-2020 cũng nêu rõ về việc nghiên cứu mô hình cơ quan quản lý vốn, tài sản của Nhà nước phù hợp với tình hình mới. Tuy nhiên xung quanh dự thảo về việc thành lập “siêu ủy ban" vẫn còn một số băn khoăn.

Thứ nhất, dự thảo vẫn đặt vấn đề ủy ban là một cơ quan quản lý Nhà nước, điều đó không khác gì việc các bộ, ngành đang quản lý DNNN như hiện nay.

Khi ủy ban thuộc cơ quan hành chính của Chính phủ thì cho dù không có chức năng ban hành văn bản pháp luật, nhưng lại vẫn chịu trách nhiệm báo cáo và tham mưu cho Chính phủ, do đó liệu ủy ban có thể bảo đảm mô hình quản trị như một doanh nghiệp hay không? 

Thứ hai, việc để một cơ quan thay mặt nhiều bộ, ngành vừa quản lý, vừa điều hành sản xuất, kinh doanh là khá khó khăn. Vì hoạt động của DNNN phải được cơ quan quản lý phê duyệt kế hoạch sản xuất kinh doanh.
Với 30 tập đoàn, tổng công ty sẽ có 30 kế hoạch sản xuất kinh doanh khác nhau với đủ ngành nghề khác nhau thì liệu ủy ban này có đủ năng lực để phê duyệt, thẩm định hay không? Khi ấy, dù với một bộ máy rất lớn, ủy ban này sẽ vẫn phải mời chuyên gia, cơ quan quản lý Nhà nước hỗ trợ. Điều này lại tạo thêm một cấp trung gian khiến bộ máy quản lý phình to.

Theo ông Đặng Quyết Tiến, một rủi ro nữa là việc thành lập ủy ban có thể sẽ khiến quá trình cổ phần hóa bị chậm lại, vì nếu một DNNN nào đó không muốn cổ phần hóa, khi biết thành lập ủy ban, họ sẽ cho dừng luôn cổ phần hóa, doanh nghiệp sẽ lại có lý do để chờ đợi, nghe ngóng. 

Cần có cơ chế giám sát khách quan, minh bạch, chống độc quyền

TS.Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho rằng việc thành lập một cơ quan để thay thế cách quản lý vốn theo mô hình bộ chủ quản vừa qua là đúng đắn, cần triển khai sớm trong nhiệm kỳ này.

Tuy nhiên, ông Lộc không ủng hộ phương án thành lập một ủy ban hay một bộ để quản lý DNNN vì đó vẫn là cơ quan quản lý hành chính nên không phù hợp. Vì thế, có thể thành lập 2 hay 3 tập đoàn tài chính Nhà nước (như mô hình Tập đoàn Temasek của Singapore) để tập hợp vốn của Nhà nước lại và thực hiện quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Các tập đoàn tài chính này thực hiện vai trò là nhà đầu tư vốn Nhà nước vào các doanh nghiệp, kể cả các doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước và các doanh nghiệp có vốn của Nhà nước hơn là một cơ quan kiểu ủy ban đã đề xuất. Các tập đoàn này hoạt động với tư cách là nhà đầu tư chứ không phải là cơ quan quản lý chuyên ngành nên có tính tự chủ cao, hoạt động hiệu quả hơn. 

TS Vũ Tiến Lộc cho rằng, thành lập khoảng 2-3 đơn vị là vừa sức và phù hợp với khả năng quản lý hiện tại, đồng thời tránh được sự độc quyền, tạo ra cạnh tranh, thi đua, học hỏi lẫn nhau. Sau một thời gian, chúng ta sẽ có điều kiện so sánh để thấy mô hình nào hiệu quả rồi chọn ra một mô hình tốt nhất và duy trì nó.

Nhìn lại mô hình SCIC hiện nay, TS. Lộc cho rằng  đơn vị này bị hạn chế là vẫn chỉ trực thuộc một bộ. Do đó, để giám sát hiệu quả, các tập đoàn mới có thể không trực thuộc Bộ Tài chính nữa nhưng Bộ Tài chính sẽ giúp Chính phủ theo dõi, giám sát việc sử dụng nguồn vốn tại đó.
Kết quả hoạt động của các tập đoàn phải báo cáo và chịu sự giám sát của Quốc hội (vì các tập đoàn này nắm giữ tài sản, nguồn lực tài chính rất lớn của quốc gia).

So sánh với một số mô hình quản lý DNNN khác, ông Đặng Quyết Tiến dẫn ra trường hợp một  “siêu ủy ban” là Ủy ban Quản lý, giám sát tài sản Nhà nước (SASAC) của Trung Quốc. Theo đó, SASAC đã duy trì quá lâu nên dẫn đến độc quyền, trì trệ và họ vẫn phải tiếp tục sắp xếp lại.

Thực tế, một mô hình quản lý doanh nghiệp thật sự hiệu quả thì không nên dùng tiền ngân sách mà phải gắn với trách nhiệm thật sự như một doanh nghiệp “lời ăn lỗ chịu”. Do đó, việc lập “siêu ủy ban” khi chưa có cơ chế chặt chẽ sẽ dễ gặp rủi ro và có thể rơi vào tình trạng cách đây hơn 10 năm khi thành lập Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC).

Ông Đặng Quyết Tiến cho rằng có thể có nhiều mô hình quản lý vốn nhưng luôn phải bám sát nguyên tắc có tính khả thi để thúc đẩy cải cách DNNN, qua đó tạo điều kiện cho khối doanh nghiệp tư nhân phát triển theo đúng chủ trương của Chính phủ.
Vì vậy, nếu không thể khắc phục được những hạn chế đã nêu thì tốt nhất là chưa thành lập ủy ban hoặc cần phân tích hết sức kỹ lưỡng mô hình này để tránh hiện tượng lãng phí, chồng chéo nguồn lực.

Cũng theo ông Đặng Quyết Tiến, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo thực hiện chủ trương hết sức đúng đắn là phải thu gọn lại số lượng DNNN còn khoảng 200, trong đó 100 doanh nghiệp nằm ở khu vực an ninh quốc phòng và nông, lâm trường...
Do đó, nếu mô hình Ủy ban Giám sát, quản lý vốn Nhà nước ra đời cách đây 10 năm khi số lượng DNNN lớn thì có thể phù hợp, nhưng đến thời điểm 2020, sau khi DNNN đã được cổ phần hóa hết, số DN giảm xuống chỉ còn khoảng 200 DN thì đây sẽ lại là một thách thức cho ủy ban này bởi đối tượng quản lý khi đó quá ít.

Nếu nhìn vào xu hướng hiện nay khi nền kinh tế hội nhập, DNNN đã thu gọn và được cổ phần hóa để tạo điều kiện cho DN dân doanh phát triển. Vai trò, sứ mệnh của các bộ, ngành đã hoàn thành, chúng ta hãy để các DN được thực hiện theo cơ chế thị trường. Còn “Nhà nước chỉ giữ vai trò kiến tạo, tạo sân chơi bình đẳng cho doanh nghiệp thông qua cơ chế chính sách và việc cần trước tiên hiện nay là phải đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp”, ông Tiến nhấn mạnh.
Nguồn: chinhphu.vn

'SIÊU ỦY BAN' NÊN TRÁNH BÌNH MỚI RƯỢU CŨ ?

THÀNH LUÂN /ĐV 21-7-2016

'Sieu uy ban' nen tranh binh moi ruou cu?

Dự án mở rộng khu gang thép Thái Nguyên 8.000 tỷ đồng hoang phế. Ảnh: PLO
(Tài chính) - Theo chuyên gia, để thực sự hiệu quả, 'siêu ủy ban' không nên chỉ quản lý vốn DNNN mà phải quản lý việc điều hành doanh nghiệp.
Theo dự thảo nghị định do Bộ KH&ĐT vừa công bố, Ủy ban quản lý, giám sát vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp sẽ được thành lập nhằm giúp Chính phủ quản lý, giám sát toàn bộ vốn và tài sản nhà nước tại các DNNN, thay vì để tại các bộ ngành và địa phương như hiện nay.
Góp ý cho đề xuất này, một chuyên gia kinh tế có kinh nghiệm bày tỏ băn khoăn: Liệu việc thành lập "siêu ủy ban" có là bình mới rượu cũ?
Không kỳ vọng vào sự đổi mới trong tương lai, vị chuyên gia này còn lo ngại về một số nguy cơ có thể xảy ra nếu thành lập "siêu ủy ban"."Thực chất đây là động thái muốn tách chức năng quản lý nhà nước với chức năng chủ sở hữu vốn nhà nước. Tuy nhiên, các bộ chủ quản trực thuộc Chính phủ, ủy ban này cũng trực thuộc Chính phủ, nếu chuyển các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp... từ các bộ sang cho ủy ban này quản lý thì cũng không có gì thay đổi. Đây chính là điểm chưa giải quyết được. Nói cách khác, ủy ban này có thể coi là một "siêu bộ", thành lập ủy ban chẳng qua là thay tên đổi họ chứ không thay đổi được bản chất", vị chuyên gia bày tỏ.
Theo đó, việc thành lập "siêu ủy ban" sẽ làm tăng biên chế, thậm chí về mặt quản lý có thể còn kém hơn bộ chủ quản trước đây.
Ông dẫn ví dụ, mỗi ngành có đặc thù riêng của mình, Bộ NN&PTNT quá hiểu đặc tính nông nghiệp nông thôn, trong khi Ngân hàng Nhà nước quá hiểu hệ thống các ngân hàng thương mại và cách quản lý hệ thống ấy như thế nào. Do đó, đây chính là các đơn vị chủ quản tốt nhất. Bây giờ thành lập "siêu ủy ban", muốn quản lý ngành ngân hàng, thì ủy ban này buộc phải  rút chuyên gia ngân hàng sang trong khi việc điều hành chính sách tiền tệ, tài chính hàng ngày vẫn do Ngân hàng Nhà nước thực hiện. Ngân hàng Nhà nước hiểu rõ về rủi ro thị trường, vận hành, rủi ro lãi suất, tỷ giá... nên việc quản lý về mặt chuyên môn sẽ tốt hơn rất nhiều so với những người vừa "chân ướt chân ráo" sang làm ở ủy ban. Với các ngành khác, tình trạng cũng tương tự khi bộ máy nhân sự ở ủy ban không sát với điều hành thị trường hàng ngày, về chuyên môn không hiểu biết ngành hàng bằng bộ chủ quản.
Chưa kể, khi thành lập ủy ban, nếu không tuyển thêm biên chế thì lại phải điều chuyển cán bộ ngân hàng, nông nghiệp, công nghiệp... từ các bộ chủ quản sang bộ máy của siêu ủy ban. Trong trường hợp đó, khi thiếu hụt người, các bộ cũng buộc phải tuyển dụng thêm. Dù tiến hành theo cách nào cũng làm tăng biên chế, bộ máy Nhà nước thêm cồng kềnh.
Một điểm khác khiến vị chuyên gia giấu tên băn khoăn, đó là ủy ban nói trên ra đời có thể xảy ra tình trạng lạm quyền.
"Về bản chất, vốn ngân sách không thể kinh doanh theo thị trường, không thể giao cho bất kỳ ai vì đó sở hữu toàn dân. Hiện nay vốn ngân sách được quản lý bằng hệ thống kiểm toán, kho bạc... mà vẫn xảy ra thất thoát, lãng phí, tham nhũng, nếu kinh doanh theo cơ chế thị trường thì nguy cơ thất thoát tăng lên gấp nhiều lần, độc quyền nhà nước có thể biến thành độc quyền cá nhân", ông lo lắng.
Bởi ủy ban vẫn là cơ quan chịu sự quản lý trực tiếp của Nhà nước nên về bản chất không có gì thay đổi, nó cũng như các bộ, ngành hiện nay nhưng tồn tại dưới một tên gọi khác. Chính vì thế, đây chỉ là câu chuyện "bình mới rượu cũ", "chuyển từ túi áo trái sang túi áo phải". Trong khi đó, đối với doanh nghiệp, đường dây quyền lực không có gì thay đổi. Doanh nghiệp vẫn phải "chạy" bộ chủ quản, giờ "chạy" thêm "siêu ủy ban", chi phí tăng thêm trong khi hiệu quả giảm đi.
Điều cần kíp nhất
Cũng bàn về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho rằng, vấn đề quản lý vốn của Nhà nước liên quan đến vấn đề cổ phần hóa các doanh nghiệp. Nếu để các doanh nghiệp chủ động lo việc quản lý vốn thì không thể được, do đó cần có một cơ quan Trung ương phối hợp hoạt động.
"Tuy nhiên, cơ quan này sẽ không chỉ quản lý vốn trong các DNNN, mà phải quản lý cả việc điều hành của các doanh nghiệp đó nữa. Nếu chỉ đơn thuần là quản lý vốn thì lâu nay đã có Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), không cần đến một cơ quan, tổ chức khác. Do đó, cần xem xét kỹ trách nhiệm, quyền hạn của ủy ban này",  ông Bùi Kiến Thành lưu ý.
Vị chuyên gia kinh tế khẳng định, điều quan trọng nhất là DNNN phải tiếp tục cổ phần hóa, tư nhân hóa nhanh hơn, không thể để mãi DNNN do các ban lãnh đạo quản lý không hiệu quả, đem ngân sách nhà nước đi làm các dự án chết, dẫn đến tiền mất mà không đi đến đâu.
"Tất nhiên vẫn còn có những lo ngại, tuy nhiên không phải vì lo ngại mà không làm những việc cần phải làm. Nếu biết các nguy cơ thì phải có biện pháp để hóa giải. Để hoạt động hiệu quả, "siêu ủy ban" phải có siêu quyền hành và phải làm việc đúng chức năng, nhiệm vụ của mình chứ không phải lập ra rồi làm những việc cũ, không thể để xảy ra chuyện bình mới rượu cũ. Siêu ủy ban đó phải đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân, Chính phủ, phải làm việc nghiêm túc, nếu xảy ra vấn đề tiêu cực thì phải "trảm". Ăn thua là sự quyết liệt của Chính phủ đến đâu", ông Bùi Kiến Thành nói.
Ông cho biết, các nước trên thế giới thực hiện việc tư nhân hóa (chứ không phải cổ phần hóa - PV) hết sức quyết liệt. Chẳng hạn, ở Anh quốc, dưới thời Thủ tướng Margaret Thatcher đã tiến hành tư nhân hóa hàng loạt tập đoàn, từ xe lửa đến hàng không, sắt thép... Họ có một ban điều hành của Chính phủ chuyên theo dõi việc tư nhân hóa một cách quyết liệt.
"Việt Nam cũng nên có một "siêu ủy ban" làm việc ấy. Không phải là cổ phần hóa mà là tư nhân hóa những cái gì không cần giữ lại, còn còn những gì thuộc về an ninh quốc phòng, an ninh năng lượng... hay nhạy cảm thì vẫn cần Nhà nước quản lý", ông Thành nhấn mạnh.
Thành Luân
'CẦN MỘT TỔ CHỨC KINH DOANH MẠNH ĐỂ QUẢN TÀI SẢN NHÀ NƯỚC'
 HOÀNG MAI/ VNE 21-7-2016

 “Cần một tổ chức kinh doanh mạnh để quản tài sản Nhà nước”

TS. Quách Mạnh Hào, giảng viên ngành tài chính tại Đại học Lincoln (Anh).
“Cá nhân tôi ủng hộ Việt Nam nên có một tổ chức kinh doanh mạnh để quản lý tài sản Nhà nước. Nhưng điều quan trọng là sự tách biệt giữa yếu tố Nhà nước - làm chính sách và giám sát - với yếu tố kinh doanh - tạo ra giá trị cho cổ đông”, TS. Quách Mạnh Hào, giảng viên ngành tài chính tại Đại học Lincoln (Anh) nhìn nhận về dự kiến thành lập ủy ban quản lý, giám sát vốn và tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp.

Nên lưu ý mô hình Temasek
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang soạn thảo nghị định về các quyền và trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu Nhà nước. Theo đó, Chính phủ sẽ thành lập ủy ban quản lý, giám sát vốn và tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp nhằm mục tiêu quản lý và sử dụng có hiệu quả vốn và tài sản Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp. Ông nhìn nhận như thế nào về kế hoạch này?
Tôi thấy báo chí đưa tin về dự thảo Nghị định của Chính phủ về thực hiện các quyền và trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu Nhà nước, trong đó đề xuất thành lập ủy ban quản lý, giám sát vốn và tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp.
Chưa rõ nó sẽ cấu trúc và hoạt động thế nào, nên tôi không dám bình luận sâu. Nhưng từ “ủy ban” gợi ý rằng nó sẽ mang dáng dấp “Nhà nước” hơn là một tổ chức kinh doanh. Và nếu vậy, theo tôi, nó sẽ lại thất bại, và tài sản tốt có thể sẽ bị thất thoát.
Cá nhân tôi ủng hộ Việt Nam nên có một tổ chức kinh doanh mạnh để quản lý tài sản Nhà nước. Nhưng điều quan trọng là sự tách biệt giữa yếu tố Nhà nước - làm chính sách và giám sát - với yếu tố kinh doanh - tạo ra giá trị cho cổ đông.
Nên chăng, lập một công ty đầu tư kiểu Temasek của Singapore, với hội đồng quản trị và lãnh đạo, nhân viên đều được tuyển chọn công khai với đãi ngộ tốt theo kết quả kinh doanh.
Những cá nhân xuất sắc cụ thể đó sẽ đại diện vốn tại các công ty có vốn Nhà nước, thay vì các quan chức.
Khi đó, Chính phủ chỉ cần giám sát kết quả kinh doanh của công ty đầu tư đó thông qua các chỉ tiêu định trước, trong đó có lợi nhuận nộp ngân sách, thế là đủ. Không cần phải điều quan chức sang lãnh đạo, vì họ sẽ làm cho mâu thuẫn doanh nghiệp kinh điển trở nên tồi tệ hơn rất nhiều so với việc nó xảy ra tại một công ty thông thường
Quá trình cổ phần hoá tại Việt Nam sẽ tiếp tục mạnh mẽ hơn và tập trung vào các tập đoàn, tổng công ty. Khi hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, Nhà nước lúc này chỉ là một cổ đông, nên việc tương tác với các cổ đông khác như thế nào?
Nhà nước được hiểu là người làm chính sách và giám sát chính sách. Do vậy, là một cổ đông, họ cần phải tách biệt chức năng này.
Một cách đơn giản, họ có quyền và nghĩa vụ theo tỷ lệ sở hữu. Tuy nhiên, thực tế đáng buồn là những người đại diện vốn Nhà nước thường có xu hướng nghĩ rằng họ nắm toàn bộ vận mệnh doanh nghiệp hoặc ở một trạng thái khác là họ thờ ơ không quan tâm để quyền lợi Nhà nước bị mất mát dần.
Trong cả hai thái cực đó, tổn thất cuối cùng là doanh nghiệp, cổ đông, trong đó có Nhà nước và cán bộ nhân viên. Tất nhiên có nhiều cá nhân được hưởng lợi một cách không minh bạch.
Cần đúng nghĩa một tổ chức kinh doanh
Ông có khuyến nghị gì đối với Nhà nước là cổ đông?
Nhà nước là cổ đông thì đơn giản họ là cổ đông. Nhưng khác cổ đông thông thường ở chỗ người đại diện cổ đông Nhà nước là một người làm thuê, không phải tiền của họ.
Thông lệ đơn giản nhất cho việc này là thuê người giỏi về lĩnh vực kinh doanh của doanh nghiệp làm đại diện, đãi ngộ cho họ xứng đáng thay vì cử những quan chức ngồi đại diện theo hình thức hành chính.
Ông đánh giá thế nào về sự tính hiệu quả của một tổ chức kinh tế làm cổ đông thay vì cơ quan Nhà nước?
Một tổ chức kinh doanh đúng nghĩa là điều cần thiết. Tổ chức này phải tách biệt khỏi vấn đề tạo lập chính sách và giám sát đặc trưng của các cơ quan Nhà nước.
Temasek của Singapore có thể là một ví dụ điển hình cho điều này. Quan trọng nhất vẫn là con người.
Họ phải là những người kinh doanh thực sự. Họ không nên là các quan chức, vì như thế làm cho mâu thuẫn sở hữu kinh điển giữa chủ sở hữu và người đại diện càng lớn và càng làm cho tổn thất lớn hơn.
Tổ chức kinh doanh đó có thể báo cáo Chính phủ thông qua các chỉ tiêu về kết quả kinh doanh, từ đó đóng góp vào ngân sách Nhà nước như thế nào.
Tôi tin là nếu Chính phủ thành lập một công ty như thế và công khai tuyển chủ tịch, hội đồng quản trị và ban lãnh đạo giỏi thay vì cử người này người kia, Nhà nước sẽ giữ gìn được những tài sản tốt sinh lời bền vững. 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét