Thứ Hai, 11 tháng 7, 2016

20160711. VAI TRÒ PHÁN QUYẾT CỦA PCA

ĐIỂM BÁO MẠNG
'HÀ NỘI' CÓ LÀM THEO YÊU CẦU CỦA 'BẮC KINH' ?
NGÔ NHÂN DỤNG/ NV/ BVB 11-7-2016
5 thẩm phán giải quyết vụ kiện của Philippines Ảnh: RAPPER
Trước ngày Tòa Trọng Tài Quốc Tế công bố quyết định về vụ Biển Đông, Cộng Sản Trung Quốc đã vận động ngoại giao, biểu diễn vũ lực, đồng thời chỉ trích Mỹ can thiệp. Trung Cộng còn khoe đã được nhiều quốc gia ủng hộ, nhưng sự thật hoàn toàn trái ngược. Tất cả chứng tỏ giới lãnh đạo Bắc Kinh đang lo sợ dư luận thế giới.
Ông Đới Bỉnh Quốc (Dai Bingguo) cựu phó thủ tướng Trung Quốc đặc trách ngoại giao qua thăm Mỹ một tuần trước ngày Tòa Trọng Tài tuyên án. Khi còn tại chức, Đới Bỉnh Quốc từng nói rằng Trung Quốc không bao giờ có tham vọng bá quyền trong suốt lịch sử; một lời dối trá trắng trợn. Hiện đang làm viện trưởng đại học Tế Nam, Đới Bỉnh Quốc đã lập lại, ở một viện nghiên cứu tại Washington, rằng Bắc Kinh không chấp nhận thẩm quyền của Tòa Trọng Tài xử vụ Biển Đông do Philippines kiện. Ông ta lại mạnh miệng mô tả phán quyết của án quốc tế ở Hòa Lan chỉ là “một mảnh giấy vô giá trị.”.
Đới Bỉnh Quốc còn khẳng định, “dù chính phủ Mỹ có gửi 10 hàng không mẫu hạm tới Nam Hải,” Trung Cộng cũng không sợ! Và ông đe dọa: “Mỹ sẽ vô tình bị lôi vào cuộc tranh chấp và sẽ phải trả một giá đắt vô lường!” Cùng thời gian đó, tờ Hoàn Cầu Thời Báo (Global Times) của Cộng Sản Trung Quốc lại đăng một bài quan điểm kêu gọi cả nước phải sẵn sàng biện pháp quân sự. Nhưng chính tờ báo này lại thú nhận rằng, về mặt quân sự, “Dù Trung Quốc không đủ sức đương đầu với Mỹ trong ngắn hạn, chúng ta sẽ bắt nước Mỹ phải trả một giá rất đắt nếu đem quân can thiệp.” Ngắn hạn là bao lâu? Chắc khoảng 20 đến 30 năm! Hoàn Cầu Thời Báo kích thích tự ái chủng tộc của độc giả bằng lời đe dọa: “Những ai nghĩ rằng Trung Quốc sẽ cam chịu nuốt viên thuốc đắng nhục nhã này là họ quá ngây thơ!”.
Cộng Sản Trung Quốc đang tự mâu thuẫn. Nếu họ bất chấp Tòa Trọng Tài, coi bản phán quyết vô giá trị, thì tại sao họ phải lên tiếng trước, yêu cầu Mỹ đừng can thiệp? Tại sao họ lại đưa hải quân ra tập trận ở ngay vùng quần đảo Hoàng Sa, một tuần lễ trước ngày phán quyết, để hăm dọa và chặn trước phản ứng của các nước Đông Nam Á? Hơn nữa, tại sao trong tuần trước họ vẫn ồn ào khoe rằng lập trường của mình đã được 60 quốc gia trên thế giới ủng hộ?
Thái độ hung hăng phản đối cùng chiến dịch đe dọa và tấn công ngoại giao chỉ chứng tỏ rằng Bắc Kinh thực sự đang lo sợ. Lo lắng phản ứng của thế giới sẽ ra sao, không thể tính trước được, cho nên sinh hoảng hốt. Như một người tâm thần bất định, Bắc Kinh đã hành động bất nhất, nói những lời tự mâu thuẫn, rồi ăn gian nói dối, nhưng không đánh lừa được ai.
Trước khi tòa tuyên án vào Thứ Ba tới ở Den Hagg (The Hague trong tiếng Anh, La Haye tiếng Pháp), suốt mấy tháng Trung Cộng luôn luôn tự mâu thuẫn với chính mình. Một mặt họ khẳng định không tôn trọng phán quyết của Tòa Trọng Tài; lấy cớ Công Ước Luật Biển Liên Hiệp Quốc (UNCLOS) không có giá trị đối với vấn đề chủ quyền ở Biển Đông. Trong khi đó, lúc cần tranh cãi với Nhật Bản về quần đảo Okinotori, thì Bộ Ngoại Giao Bắc Kinh lại viện dẫn UNCLOS để phản đối Nhật!
Ai cũng biết dù Tòa Trọng Tài phán ra sao, bản án cũng không có một cơ quan quốc tế nào bắt buộc được ai phải thi hành, như ở các tòa án thường có cảnh sát thi hành án lệnh. Nếu tòa phán có lợi cho Philippines thì chính phủ Philippines cũng không thể đem quân đánh đuổi các tầu hải giám của Trung Cộng. Cho nên mối lo sợ của Bắc Kinh không có lý do cụ thể, tất cả chỉ là sợ hãi dư luận. Họ sợ những chiến dịch tuyên truyền mồm năm miệng mười của họ để mị hoặc thế giới sẽ trôi tuột ra biển hết!
Mục tiêu của Trung Cộng là chiếm trọn vùng biển đảo trong vòng chữ U “Cửu Đoạn Tuyến.” Họ vừa xâm lấn các nước Đông Nam Á, vừa quả quyết “không có tham vọng đế quốc” như Đới Bỉnh Quốc từng rêu rao! Một bản phán quyết đứng về phía Philippines sẽ khiến bộ máy tuyên truyền khó ăn nói. Trước tình trạng đáng lo đó, họ bắt đầu ăn nói thất thường! Giống như một anh Chí Phèo đang khoa chân múa tay đe dọa, “Tao không sợ! Tao bất chấp nó nói gì thì nói!” Cùng lúc đó, Chí Phèo ta vẫn chạy tới từng nhà năn nỉ, “Đồng ý với ngộ không? Ủng hộ tớ không nào? Cả làng đã nhất trí với ngộ rồi nghe!”.
Cảnh hoảng hốt phơi bầy rõ nhất khi Bắc Kinh khoe khoang đã có 60 quốc gia ủng hộ lập trường của họ, tức là bác bỏ thẩm quyền Tòa Trọng Tài. Trong con số 60 đó họ kể tên những nước Nga, Ấn Độ, Ba Lan, Sudan, Pakistan, Belarus, vân vân.
Nhưng cho tới nay, chỉ mới có tám trong số 60 nước được nêu tên chịu tuyên bố nhất trí với Trung Cộng: Afghanistan, Gambia, Kenya, Niger, Sudan, Togo, Vanuatu và Lesotho. Trong tám nước này, Afghanistan (Á Châu) và Lesotho (Phi Châu) là hai nước không hề có biển, cũng chẳng làm ăn gì với vùng Biển Đông nước ta. Gambia, Kenya, Niger và Sudan đều ở châu Phi, riêng Gambia thì mới được hối lộ để bỏ Đài Loan theo Bắc Kinh. Còn Vanuatu là một đảo quốc tít mù khơi trong Thái Bình Dương.
Một số nước được nêu danh đã công khai cải chính: Fiji, Ba Lan, Slovenia, Bosnia &Herzegovina. Đa số, 45 nước còn lại thì lờ đi, không hề xác nhận ủng hộ Trung Cộng; hoặc chỉ tuyên bố đồng ý với Bắc Kinh trên một vấn đề khác. Thí dụ, chính phủ Nga đồng ý với Trung Cộng là không nên quốc tế hóa cuộc tranh chấp trong vùng Biển Đông. Đáng ngạc nhiên hơn cả là nhiều nước nhỏ, đã được viện trợ và đầu tư rất nhiều nhưng cũng không theo Trung Cộng. Từ Tháng Tư, Trung Cộng đã loan báo được ba nước ASEAN là Lào, Cambodia và Brunei ủng hộ. Tới nay cả ba nước vẫn không nói một lời nào. Phát ngôn viên chính phủ Camphuchia còn cải chính bản tin nói Cambodia và Tàu đã ký kết một thỏa ước.
Chính phủ Ấn Độ hoàn toàn không ủng hộ lập trường của Trung Cộng, như Bắc Kinh từng khoe. Tháng Ba vừa qua, nhật báo Manila Times đã loan tin Đại Sứ Ấn Độ Shri Lalduhthlana Ralte tuyên bố chính phủ ông hoàn toàn ủng hộ Công Ước Luật Biển Liên Hiệp Quốc và dùng hệ thống trọng tài để giải quyết các xung đột. Ông còn khuyến cáo các nước phải tôn trọng luật lệ quốc tế trong các cuộc tranh chấp.
Đối nghịch với tám nước đứng ra ủng hộ Trung Cộng, 40 nước khác công khai chống, trong đó có 28 nước trong Liên Hiệp Châu Âu. Họ kêu gọi Trung Quốc và Philippines hãy tôn trọng và tuân thủ phán quyết của Tòa Trọng Tài. Họ minh xác rằng quyết định của tòa có tính cách bắt buộc chứ không phải chỉ là lời khuyến cáo. Tất cả bẩy nước kinh tế lớn nhất, nhóm G-7 nằm trong số này. Nghĩa là cả thế giới loài người văn minh, tiến bộ muốn Trung Cộng phải tuân thủ luật pháp quốc tế.
Tháng trước, bộ ngoại giao Trung Cộng khoe có 40 quốc gia đồng ý lập trường của họ. Một tuần sau, họ tăng lên thành số 47, trong tuần lễ tiếp theo, đã vọt lên thành 60. Chiến dịch tuyên truyền leo thang này thất bại, chỉ gây phản ứng ngược. Nếu không bị Trung Cộng nêu đích danh thì những nước ở xa xôi như Ba Lan, Slovenia, Bosnia & Herzegovina không cần công khai lên tiếng bác bỏ lý luận của Bắc Kinh. Ngay một nước nhỏ vẫn được Bắc Kinh mua chuộc như Cambodia cũng vì bị ép ghi tên vào danh sách mà phải đính chính. Trên hết, những cuộc leo thang bằng miệng trên cuối cùng lộ nguyên hình là bịa đặt, gian dối! Nếu Trung Cộng muốn chinh phục cảm tình và tạo ảnh hưởng trong thế giới, họ đã thất bại thê thảm. Có nhà bình luận Tây phương còn viện dẫn cả Tôn Tử để chứng minh rằng từ hơn 2000 năm trước Hán tộc vẫn quen “đi đánh nhau thì cứ dối trá” (binh bất yếm trá). Người ta còn nêu thí dụ sử gia Ngư Hoạn (Yu Huan, Zb) từ thế kỷ thứ ba đã khẳng định Phật Thích Ca chính là Lão Tử từ Tàu đi sang Tây vực, cho nên đạo Phật chính là hậu thân của đạo Lão! Ngày nay, những lời quả quyết của Trung Cộng về chủ quyền ở Biển Đông cũng theo truyền thống dối trá đó!
Sở dĩ Trung Cộng lo hoảng trước về phán quyết của Tòa Trọng Tài là vì, nếuPhilippines thắng, hậu quả sẽ không thể đoán trước được. Trước hết, một phán quyết bác bỏ chủ quyền của Trung Quốc trên những bãi đá và hòn đảo của Phi sẽ mở cửa cho Mỹ, Nhật Bản, Australia và các nước khác thi thố hải quân, xác định quyền lưu thông tự do trong vùng Biển Đông. Họ sẽ không ngần ngại tạo thêm áp lực, dựa trên luật pháp quốc tế.
Thứ hai, những nước khác đang bị Trung Cộng lấn áp sẽ mạnh dạn hơn khi đối đầu với Bắc Kinh; nhiều nước sẽ đệ đơn kiện về các vụ tranh chấp khác. Indonesia đã bầy tỏ thái độ cứng rắn. Malaysia đang noi theo. Chỉ còn có Việt Nam là Trung Cộng có thể đã nắm được đầu thôi.
Điều đáng buồn cho cả dân tộc Việt Nam là chính quyền cộng sản sẵn sàng để cho Bắc Kinh nắm đầu. Trong bài phát biểu ngày 1 tháng 7 năm 2016, phát ngôn viên Ngoại Giao Lê Hải Bình đã nói lập lờ nước đôi. Thứ nhất, Cộng Sản Việt Nam kêu gọi Tòa Trọng Tài hãy đưa ra một phán quyết “công bình và khách quan.” Một tòa án uy tín lâu đời như vậy, đâu cần ai khuyên nhủ họ phải “công bình và khách quan?” Kêu gọi như vậy là một cách kín đáo ủng hộ những lời xuyên tạc của Bắc Kinh, nói rằng tòa án quốc tế này chỉ là một công cụ của chính phủ Mỹ và Philippines trong âm mưu cô lập hóa Trung Cộng!
Thứ hai, bản tuyên bố của chính quyền cộng sản ở Hà Nội không hề nói một lời nào yêu cầu hai nước Philippines và Trung Quốc phải tôn trọng và tuân thủ phán quyết của Tòa Trọng Tài Quốc tế. Đây là một né tránh có tính cách chiến lược, hoàn toàn đứng về phía Cộng Sản Trung Quốc!
Tháng trước, mục này đã bàn về mục đích chuyến đi Hà Nội của Dương Thiết Trì, người kế nhiệm Đới Bỉnh Quốc. Họ Dương muốn chuyển thông điệp nào cho đảng Cộng Sản Việt Nam? Chắc chắn các đòi hỏi của họ đều liên can đến phán quyết sắp ra của Tòa Trọng Tài. Trung Cộng muốn gì? Chỉ cần dạy bảo Nguyễn Phú Trọng hai điều: Một, phải tỏ ý nghi ngờ Tòa Trọng Tài thiên vị. Hai, hãy coi phán quyết của tòa không có giá trị nào hết, ai muốn theo thì theo!
Nguyễn Phú Trọng đã làm đúng những yêu cầu của Dương Thiết Trì! Trong lịch sử nước ta chưa có một chính quyền nào ở Hà Nội sợ Bắc Kinh đến như vậy!
Ngô Nhân Dụng/(Người Việt)

TRỌNG TÀI QUỐC TÊ TRONG VỤ KIỆN BIỂN ĐÔNG VÀ BÀI HỌC CHO VIỆT NAM
TS TRẦN CÔNG TRỤC/ GDVN 12-7-2016
Tiến sĩ Trần Công Trục, ảnh do tác giả cung cấp.

(GDVN) - Tính hiệu quả của Phán quyết Trọng tài sẽ là vấn đề đặc biệt được quan tâm khi bên bị kiện tỏ thái độ bất hợp tác.


LTS: Xoay quanh vai trò của trọng tài / cơ quan tài phán quốc tế trong vụ Philippines kiện Trung Quốc về vấn đề áp dụng và giải thích sai Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982), dư luận vẫn còn nhiều cách hiểu khác nhau.
Tiến sĩ Trần Công Trục, một chuyên gia về biên giới lãnh thổ và UNLCOS 1982 gửi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài phân tích của ông về vấn đề này, xin trân trọng giới thiệu đến quý bạn đọc.
Theo dõi tin tức về vụ Philippines kiện Trung Quốc ra Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) theo Phụ lục VII, UNCLOS 1982 về việc ứng dụng và giải thích công ước, cá nhân tôi nhận thấy có một số nhầm lẫn về chủ thể thụ lý vụ kiện cũng như tiến trình tố tụng, có thể là do người đưa tin không để ý, có thể là do cách nói vắn tắt gây hiểu lầm.
Trong khuôn khổ bài viết này, xin được cung cấp đến bạn đọc một số thông tin cụ thể về vai trò của PCA và Hội đồng Trọng tài / Tòa Trọng tài trong vụ kiện của Philippines, ngõ hầu có thể làm rõ bản chất vấn đề.
Tòa Trọng tài Thường trực có tên chính thức tiếng Anh là "Permanent Court of Arbitration", viết tắt là PCA.1. Tòa Trọng tài Thường trực
PCA được chính thức thành lập năm 1900 sau Hiệp ước Giải quyết Hòa bình các Tranh chấp Quốc tế tại The Hague, Hà Lan đạt được trong hội nghị Hòa bình lần thứ nhất năm 1899. PCA chính thức đi vào hoạt động năm 1902.
Năm 1907, Hội nghị Hòa bình lần hai được nhóm họp để bàn về Hiệp ước Giải quyết Hòa bình các Tranh chấp Quốc tế, lần này có thêm sự tham gia của các quốc gia từ Trung và Nam Mỹ.
Công ước 1899 được sửa đổi và bổ sung các nguyên tắc thực hiện tố tụng Trọng tài. Mặc dù hầu hết các quốc gia thành viên của Công ước 1899 cũng là thành viên của Công ước 1907, tuy nhiên, cho đến đến nay, cả hai Công ước 1899 và 1907 đều đang có hiệu lực.
Hiện nay đang có 119 quốc gia đã tham gia ký kết một hoặc cả hai Công ước sáng lập PCA năm 1899 và 1907.
Việt Nam đã ký kết cả hai Công ước này. Với Công ước 1899, Việt Nam tham gia ngày 29/12/2011. Đối với Công ước 1907, Việt Nam tham gia ngày 27/02/2012.
Khi tiến hành xét xử một vụ kiện, PCA sẽ trao quyền phán xử cho một Hội đồng Trọng tài (còn được gọi la Tòa Trọng tài) về các tranh chấp nằm trong thẩm quyền giải quyết của PCA.
Để xác định rõ thẩm quyền của PCA đối với các tranh chấp, Thỏa thuận Trọng tài được tách biệt ra khỏi các tuyên bố pháp lý chứa đựng trong Thỏa thuận Trọng tài trong đó.
Có nghĩa là nếu thỏa thuận, hoặc điều ước, hoặc cam kết pháp lý nào đó của các bên tranh chấp bị vô hiệu đi nữa, thì thẩm quyền của Hội đồng Trọng tài mà PCA trao quyền theo Thỏa thuận Trọng tài đã thiết lập giữa các bên không thể vì thế mà đương nhiên (ipso facto) trở thành vô hiệu.
Việc chọn lựa luật áp dụng cho Phán quyết Trọng tài sẽ do các bên tự thỏa thuận lựa chọn. Trong trường hợp không có thỏa thuận lựa chọn, Hội đồng Trọng tài sẽ quyết định lựa chọn luật áp dụng, dựa trên các nguyên tắc chung của luật quốc tế về chọn lựa luật áp dụng cho giải quyết tranh chấp.
Từ năm 1990, số lượng nhân viên của PCA đã tăng lên gấp năm lần, đại diện cho hơn 10 quốc gia khác nhau. Số vụ việc gần đây nhiều nhất trong lịch sự 100 năm tồn tại của PCA, phản ánh sự tham gia rộng rãi của PCA trong giải quyết các tranh chấp quốc tế, bao gồm:
Tranh chấp về lãnh thổ, các công ước và tranh chấp về quyền con người giữa các quốc gia; Khiếu nại tư pháp đối với một tổ chức liên chính phủ và những tranh chấp thương mại, bao gồm cả những tranh chấp phát sinh từ các công ước song phương về đầu tư. 
Hiện nay, PCA đang là nơi đăng ký của 5 thiết chế trọng tài xét xử các tranh chấp giữa các quốc gia với nhau, 55 thiết chế trọng tài xét xử về các tranh chấp giữa các nhà đầu tư với các quốc gia, 34 thiết chế trọng tài xét xử về các thỏa thuận, hợp đồng giữa các quốc gia, chính quyền đang đại diện cho một thực thể lãnh thổ nào đó, và các tổ chức quốc tế.
2. Hội đồng Trọng tài / Tòa Trọng tài theo Phụ lục VII, UNCLOS 1982 
Hội đồng Trọng tài hay còn gọi là Tòa Trọng tài theo Phụ lục VII, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 là một trong hai hình thức trọng tài được quy định tại UNCLOS 1982.
Hội đồng Trọng tài 5 thành viên thành lập theo Phụ lục VII, UNCLOS 1982 thụ lý vụ kiện của Philippines và sẽ giải tán sau khi ra phán quyết. Ảnh: PCA.

a) Về thẩm quyền:Các quy định liên quan đến thẩm quyền, tổ chức, hoạt động của Tòa Trọng tài được quy định cụ thể tại Phụ lục VII của UNCLOS 1982. Theo các quy định này, Tòa Trong tài theo Phụ lục VII có những đặc điểm quan trọng như sau:
Tòa Trọng tài theo Phụ lục VII có thẩm quyền giải quyết tất cả các tranh chấp giữa các thành viên của UNCLOS 1982 liên quan đến việc áp dụng và giải thích Công ước.
Tòa Trọng tài theo Phụ lục VII là cơ chế giải quyết tranh chấp có tính chất bắt buộc đối với các thành viên Công ước.
Theo quy định này, khi phát sinh tranh chấp liên quan đến việc áp dụng và giải thích UNCLOS 1982 mà các bên không thống nhất được một cơ chế giải quyết tranh chấp theo quy định tại Khoản 1 Điểu 287 thì một bên tranh chấp có thể đưa vụ việc ra Tòa Trọng tài theo Phụ lục VII.
Và trong trường hợp đó, Tòa Trọng tài theo Phụ lục VII có thẩm quyền đương nhiên mà không cần có sự đồng ý của bên kia.
(b) Về hình thức:
Tòa Trọng tài theo Phụ lục VII là một Tòa không thường trực, hay còn được gọi là Hội đồng Trọng tài, được thành lập khi phát sinh tranh chấp giữa các thành viên Công ước và được các bên tranh chấp lựa chọn, hoặc có thẩm quyền đương nhiên theo quy định tại Khoản 5 Điều 287 của UNCLOS 1982 như đã phân tích ở trên.
Tòa Trọng tài theo Phụ lục VII sẽ giải tán nếu xảy ra một trong các trường hợp sau:
- Sau khi đã ra Phán quyết về việc giải quyết tranh chấp;
- Tranh chấp đã được các bên giải quyết thông qua các biện pháp phi tài phán (thương lượng, đàm phán).
Thủ tục hoạt động của Tòa Trọng tài theo Phụ lục VII sẽ chỉ được xây dựng sau khi được thành lập. Bộ thủ tục hoạt động của Tòa này sẽ được xây dựng theo một trong hai cách thức sau:
- Các bên tranh chấp thống nhất thủ tục hoạt động của Tòa;
- Trong trường hợp các bên không thống nhất được, bộ thủ tục hoạt động sẽ được Tòa xây dựng và phải đảm bảo điều kiện là tất cả các bên tranh chấp đều có thể nhận được thông tin và trình bày trước Tòa về vụ việc.
Theo quy định tại Điều 3, Phụ lục VII của UNCLOS 1982, Tòa Trọng tài gồm có 5 Trọng tài viên, là những Thẩm phán, trong đó bao gồm 02 Trọng tài được mỗi bên tranh chấp lựa chọn khi bắt đầu tiến trình vụ kiện.
Tuy nhiên, nếu sau 30 ngày kể từ ngày một bên tranh chấp gửi thông báo khởi kiện, bên tranh chấp còn lại không lựa chọn được Trọng tài của mình, Chánh án Tòa án Quốc tế về Luật biển sẽ lựa chọn Trọng tài theo yêu cầu của bên khởi kiện.
Sau khi đã có 02 Trọng tài đầu tiên, 03 Trọng tài còn lại sẽ được lựa chọn theo một trong hai phương thức sau:
- Các bên tranh chấp thống nhất lựa chọn;
- Nếu sau 60 ngày kể từ ngày gửi thông báo khởi kiện, nếu các bên tranh chấp không thống nhất lựa chọn ít nhất là 01 trong 03 Trọng tài còn lại, Chánh án Tòa án Quốc tế về Luật Biển sẽ lựa chọn và chỉ định Chủ tịch của Tòa Trọng tài theo Phụ lục VII trên cơ sở yêu cầu của một bên tranh chấp.
Theo quy định tại Điều 1, Phụ lục VII của UNCLOS 1982, các Trọng tài sẽ được lựa chọn trên cơ sở danh sách Trọng tài được các nước thành viên Công ước để cử.
Danh sách Trọng tài này sẽ do Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc lưu giữ và các bên tranh chấp cũng như Chánh án Tòa án Quốc tế về Luật Biển chỉ có thể lựa chọn các Trọng tài viên có tên trong danh sách này.
Phán quyết của Tòa Trọng tài thành lập theo Phụ lục VII có giá trị chung thẩm (không thể thay đổi) và có tính ràng buộc đối với các bên tranh chấp.
(c) Thực tiễn giải quyết tranh chấp tại TòaTrọng tài theo Phụ lục VII
Tính cho đến nay, đã có 12 vụ việc được đệ trình lên Tòa Trọng tài thành lập theo Phụ lục VII, UNCLOS 1982 để giải quyết, trong đó có 6 vụ đang trong quá trình tố tụng, 3 vụ đã ra phán quyết, 2 vụ bị đình chỉ do các bên tranh chấp đã đạt được thỏa thuận ngoài Tòa, 1 vụ việc bị đình chỉ theo Lệnh của Tòa.
Trong số các vụ việc đang trong quá trình tố tụng có vụ việc Philippines kiện Trung Quốc về một số tranh chấp tại Biển Đông.
(d) Đặc trưng của các vụ việc giải quyết tại Tòa Phụ lục VII
Thông qua thực tế các tranh chấp được giải quyết tại Tòa Trọng tài thành lập theo Phụ lục VII của UNCLOS 1982, có thể nhận thấy một số đặc điểm nổi bật như sau:
(1) Các bên tranh chấp đều đã vận dụng các điều khoản về việc giải quyết bắt buộc tranh chấp liên quan đến các quy định của Công ước, đặc biệt là điều khoản về lựa chọn thủ tục (Điều 287) và điều khoản về việc loại bỏ thẩm quyền của Tòa Trọng tài theo Phụ lục VII đối với các tranh chấp có liên quan đến quyền thụ đắc lãnh thổ và việc phân định biển chồng lấn được nêu trong hồ sơ đơn phương khởi kiện (Điều 298).
(3) So với thời gian giải quyết của Tòa án Quốc tế về Luật Biển thì việc giải quyết tranh chấp theo thủ tục Trọng tài chiếm thời gian khá dài, trung bình là trên 2 năm/vụ.(2) Hầu hết các quốc gia được yêu cầu giải quyết tranh chấp bằng thủ tục Trọng tài đều đáp ứng yêu cầu này, tham gia vào việc giải quyết vụ tranh chấp và thực hiện đúng các Phán quyết Trọng tài khi đã có hiệu lực. Duy nhất trong vụ Philippines kiện Trung Quốc, Trung Quốc không tham gia.
(4) Các quốc gia có khuynh hướng lựa chọn các thẩm phán của Tòa án Quốc tế vì Công lý (ICJ) hoặc thẩm phán của Tòa án Quốc tế về Luật Biển (ITLOS) làm thành viên Tòa Trọng tài (kể cả Chánh tòa).
Việc lựa chọn hình thức giải quyết tranh chấp bằng Tòa Trọng tài theo Phụ lục VII hay Phụ lục VIII có một số ưu điểm mà Việt Nam có thể tính đến khi quyết định sử dụng các biện pháp tài phán được quy định trong UNCLOS 1982 như sau:
- Các bên có khả năng tham gia trực tiếp vào việc thành lập Tòa Trọng tài thông qua việc chỉ định các Trọng tài viên.
- Thời gian và thủ tục trong các vụ kiện Trọng tài có thể linh hoạt hơn nếu các bên thực sự có thiện chí, việc thỏa thuận và dàn xếp với Tòa Trọng tài về lịch trình diễn ra các hoạt động tố tụng của quá trình xét xử.
- Tính bảo mật cũng là một đặc trưng riêng của cơ chế Trọng tài so với cơ chế Tòa án vốn luôn chú trọng tính công khai.
- Khi sử dụng cơ chế Trọng tài, các bên đương sự có thể an tâm về khả năng không bị bên thứ ba can thiệp vào quá trình tố tụng ngoài mong muốn của mình như trong cơ chế Tòa án quốc tế.
- Điểm đặc biệt nhất của Tòa Trọng tài thành lập theo Phụ lục VII so với 03 cơ chế giải quyết tranh chấp còn lại là theo quy định tại Khoản 5 Điều 287 của UNCLOS 1982 là, Tòa theo Phụ lục VII là cơ chế giải quyết tranh chấp có tính chất bắt buộc đối với các thành viên Công ước.
- Theo quy định này, khi phát sinh tranh chấp liên quan đến áp dụng và giải thích UNCLOS 1982 mà các bên không lựa chọn cùng một cơ chế giải quyết tranh chấp được quy định tại Khoản 1 Điều 287 thì một bên tranh chấp có thể đưa vụ việc ra Tòa Trọng tài thành lập theo Phụ lục VII.
- Và trong trường hợp đó, Tòa Trọng tài theo Phụ lục VII có thẩm quyền đương nhiên mà không cần có sự đồng ý của bên kia.
Có thể thấy, việc giải quyết các tranh chấp thông qua các Tòa Trọng tài theo Phụ lục VII hay Phụ lục VIII của UNCLOS 1982 được đánh giá là có triển vọng để giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông hiện nay. Tuy nhiên, có một số điểm cần lưu ý như sau:
- Nếu so sánh với các Tòa án thường trực, giải quyết tranh chấp bằng thủ tục Trọng tài thường sẽ làm phát sinh chi phí liên quan đến việc thanh toán thù lao cho các Trọng tài viên cũng như việc chi trả các phí dịch vụ của Ban thư ký. Tuy khoản tiền này có thể là không nhiều nhưng là điều cũng cần phải tính đến.
- Vấn đề thực thi phán quyết trọng tài cũng là một rủi ro cần tính đến. Phán quyết của Tòa án quốc tế (ICJ hoặc ITLOS) có thể nhờ Hội Đồng Bảo An Liên Hợp Quốc can thiệp trong trường hợp một bên tranh chấp không tuân thủ phán quyết.
- Tuy nhiên, trong cơ chế Trọng tài, việc thực thi Phán quyết Trọng tài hoàn toàn dựa trên nguyên tắc "pacta sunt servanda" - nguyên tắc tận tâm, thiện chí thực hiện cam kết quốc tế, và do đó ẩn chứa nhiều rủi ro hơn.
- Tính hiệu quả của Phán quyết Trọng tài sẽ là vấn đề đặc biệt được quan tâm khi bên bị kiện tỏ thái độ bất hợp tác như có thể thấy trong vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc trước Tòa Trọng tài thành lập theo Phụ lục VII, UNCLOS 1982.
Do đó, để có thể sử dụng hình thức Tòa Trọng tài theo Phụ lục VII hay Phụ lục VIII của UNCLOS 1982, cần nghiên cứu rất kỹ các quy định liên quan về thẩm quyền của Tòa Trọng tài, cách nêu vấn đề để có thể thuyết phục được Tòa chấp nhận thụ lý, chuẩn bị kỹ hệ thống lập luận, bằng chứng để trình bày nội dung thực chất của vụ việc.
Bên cạnh đó, việc lựa chọn các Trọng tài viên, xây dựng quy tắc thủ tục Trọng tài và trao đổi quan điểm giữa các bên liên quan cũng đóng vai trò không kém phần quan trọng đối với thành công của vụ kiện.

Ts Trần Công Trục

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét