Thứ Năm, 28 tháng 7, 2016

20160728. QUANH VIỆC ÔNG VÕ KIM CỰ TRỞ THÀNH UỶ VIÊN BAN KINH TẾ QUỐC HỘI

ĐIỂM BÁO MẠNG
LIỆU TÂN QUỐC HỘI VIỆT NAM CÓ KHẢ NĂNG ĐI TỚI CÙNG VỤ FORMOSA?
KHÁNH AN/ VOA/ BVN 26-7-2016
clip_image002
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tại một cuộc họp báo ở Hà Nội, 23/7/2016. Ảnh Reuters
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định “sẽ giám sát chặt chẽ vụ Formosa” trong kỳ họp đầu tiên của tân Quốc hội khóa 14 của Việt Nam, trong khi người đứng đầu chịu trách nhiệm cấp phép đầu tư cho dự án Formosa lại vừa được phê chuẩn vào Ban Kinh tế Quốc hội.
Việc chính thức phê chuẩn người đang bị dư luận và báo chí tập trung chú ý trong những ngày qua sau khi chính quyền Việt Nam thừa nhận Formosa là thủ phạm gây ra thảm họa môi trường lớn nhất từ trước tới nay đã gây nhiều băn khoăn trong công chúng, kể cả giới chuyên gia và các nhà hoạt động.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, cựu Viện trưởng Viện Quản lý Trung ương, nói với VOA rằng dự án Formosa mà ông Võ Kim Cự đã cấp phép có “quá nhiều vấn đề” nhưng ông này lại “có chủ ý” tránh né báo chí và phủ nhận trách nhiệm.
Ông nói: “Ông Võ Kim Cự đã phủ nhận trách nhiệm của mình, nói là việc ông làm, ông quyết định, kể cả quyết định vượt khung luật 70 năm là đúng quy trình. Về mặt hình thức, có thể ông Võ Kim Cự tự biện minh cho mình như vậy. Song về thực chất, hiện nay dự án thép Formosa đang đề ra rất nhiều vấn đề”.
Theo TS. Lê Đăng Doanh, vấn đề của dự án Formosa không chỉ dừng lại ở khía cạnh môi trường, việc đánh giá nhu cầu và công nghệ của Formosa cũng là điều đáng phải quan tâm.
Ông cho biết: “Công nghệ thép trên thế giới thay đổi khá nhanh. Thép của Formosa có cạnh tranh được với lượng thép khổng lồ của Trung Quốc với tổng công suất lên tới 1.200 triệu tấn/năm, đó là một vấn đề rất đáng tranh cãi. Bởi vì khi cho phép Formosa đầu tư vào Việt Nam mà không tính tới việc Formosa sẽ tiêu thụ ở đâu và cạnh tranh như thế nào với thép Trung Quốc, vả lại dự án đó kéo dài đến 70 năm, trong 70 năm đó, tiến bộ khoa học công nghệ liệu có cho phép Formosa tiếp tục cạnh tranh nếu như không thay đổi công nghệ hay không?”
Dự án Formosa thuộc khu kinh tế Vũng Áng, Hà Tĩnh, do chủ đầu tư là tập đoàn nhựa Formosa của Đài Loan đầu tư từ năm 2008 với tổng đầu tư gần 10 tỷ đôla. Dự án khu liên hợp gang thép và cảng nước sâu Sơn Dương trên tổng diện tích hơn 3.300 ha, bao gồm đất liền và mặt nước, với thời hạn cho thuê đất là 70 năm, đã khiến cho nhiều cư dân khu vực gặp nhiều khó khăn trong việc di dời, chuyển đổi công việc. Mặc dù chính quyền tỉnh Hà Tĩnh đã huy động cả “hệ thống chính trị” để dọn chỗ cho dự án Formosa, nhưng nhiều hộ dân ở đây vẫn nhất quyết “bám đất”, bất chấp việc liên tục bị quấy nhiễu và con cái bị thất học.
Dự án Formosa gần đây bị người dân cực lực phản đối sau khi gây ra thảm họa cá chết khiến hầu hết người dân khu vực vốn sống dựa vào biển rơi vào tình cảnh mất nguồn sinh kế. Người dân khu vực và ở các tỉnh lớn đã liên tục biểu tình, đòi chính quyền phải dừng dự án Formosa tại Việt Nam.
Một video clip đăng tải trên Facebook cho thấy một linh mục ở đây đã cùng với người dân đề đạt ý kiến, nguyện vọng của họ:
“Chúng ta nói lên nguyện vọng của chúng ta là phải đóng cửa Formosa. Giờ đây, chúng ta cùng đồng thanh gửi đến chính quyền, các cấp lãnh đạo của Việt Nam này nguyện vọng tha thiết của chúng ta: Formosa – Cút! Formosa – Cút! Formosa – Cút!”
Người chịu trách nhiệm việc cấp phép đầu tư cho Formosa ở Hà Tĩnh, ông Võ Kim Cự, sau nhiều ngày từ chối trả lời phỏng vấn báo chí, gần đây đã xuất hiện và nói rằng việc ông cấp phép 70 năm cho dự án Formosa là “đúng luật”. Còn việc để xảy ra sự cố xả thải gây ô nhiễm biển, khiến cá chết hàng loạt tại các tỉnh miền Trung là từ phía Formosa. Ông này cũng nói với báo giới Viện Nam rằng “nếu không có sự cố, Formosa tạo ra nguồn thu lớn”.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nói chính thái độ dửng dưng, vô cảm, vô trách nhiệm của ông Võ Kim Cự đối với những thiệt hại về kinh tế, đời sống xã hội của những người đồng hương, cũng là những nạn nhân của dự án mà ông đã cấp phép, cũng là một vấn đề cần quan tâm về tư cách của giới chức này, đặc biệt khi ông này tiếp tục giữ chức và còn kiêm thêm những nhiệm vụ mới như thành viên của Ban Kinh tế Quốc hội:
“Điều đó chứng tỏ sự đánh giá của giới lãnh đạo với dư luận, áp lực quần chúng, là khá xa. Kết quả là những ý kiến hoặc sự điều hành của ông Võ Kim Cự ở liên minh hợp tác xã mà ông ấy lại được bầu lại làm chủ tịch chắc chắn sẽ gặp những thách thức đáng kể, và tôi rất lấy làm tiếc là lãnh đạo chưa có quyết định kịp thời về trường hợp này”.
Cũng trong kỳ họp quốc hội đầu tiên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân hứa sẽ “nỗ lực, quyết tâm điều tra sớm” và “giám sát chặt chẽ” vụ Formosa, một trong những vấn đề lớn “gây bức xúc” mà Quốc hội “chọn giám sát”, theo Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc.
Tuy nhiên, cam kết của vị nữ Chủ tịch Quốc hội không làm tăng lòng tin của công chúng đối với khả năng “truy tới cùng” của cơ quan được xem là đại diện cho tiếng nói của người dân.
Nhà hoạt động Nguyễn Anh Tuấn, người đã đấu tranh và theo dõi sát vụ việc Formosa, cho VOA biết nguyên nhân anh “mất lòng tin” vào Quốc hội Việt Nam:
“Thứ nhất, bản chất của Quốc hội Việt Nam chỉ là một cơ quan thể chế hóa những chỉ thị, nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng cũng như Bộ Chính trị. Do đó nếu nói rằng Quốc hội có thể làm được việc gì thì khả năng đó rất thấp. Nguyên nhân thứ hai là gần đây khi đại biểu Trương Trọng Nghĩa đề xuất ý kiến là Quốc hội trong thẩm quyền của mình lập một ủy ban kiểm tra độc lập đối với vụ việc Formosa và truy cứu trách nhiệm của những cá nhân, tổ chức có liên quan, thì bà Nguyễn Thị Kim Ngân với vai trò là chủ tịch Quốc hội là chưa đến lúc đặt vấn đề thành lập ủy ban độc lập. Lý do thứ ba khiến tôi không tin vào khả năng của Quốc hội Việt Nam có thể làm tới cùng vụ việc này đó là việc ông Võ Kim Cự được bầu vào Ban Kinh tế của Quốc hội. Rõ ràng nếu Quốc hội thực tâm muốn giải quyết vụ này tới cùng, thì với những người có khả năng phải chịu trách nhiệm như ông Võ Kim Cự là phải tạm dừng các chức vụ của ông và tiến hành điều tra, thì nay lại được bầu vào những vị trí trước đó đã ấn định”.
Phát biểu trước báo giới sáng nay, ông Võ Kim Cự cho biết ông “chưa nghe ai nói đình chỉ tôi hay Formosa”. Trong khi đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng chính thức cho biết chưa có chủ trương thành lập ủy ban lâm thời điều tra vụ việc của Formosa theo yêu cầu của đại biểu quốc hội.
K.A.
CHỈ XỬ LÝ VÕ KIM CỰ CÓ NGĂN ĐƯỢC FORMOSA TRONG TƯƠNG LAI ?
NGUYỄN ANH TUẤN/ RFA/ BVN 28-7-2016
clip_image001
Cựu Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng (phải), Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (trái), ông Võ Kim Cự (thứ hai từ trái) gặp nhau trước khi khai mạc kỳ họp Quốc hội tại Hà Nội vào ngày 20/5/2014. AFP photo
Đổ hết lỗi lầm của một hệ thống từ địa phương tới trung ương lên đầu một cán bộ cấp dưới chắc chắn không phải là cách công lý được thực thi, càng không phải là cách giúp ngăn ngừa những thảm họa tương tự xảy đến trong tương lai, khi mà trách nhiệm không được đặt vào đúng địa chỉ của nó.
Vậy là sau hơn 3 tháng kể từ khi thảm họa cá chết xảy ra, Võ Kim Cự, cựu Chủ tịch và Bí thư Hà Tĩnh, người trực tiếp cấp giấy phép cho Formosa - thủ phạm gây ra thảm họa, đã lần đầu tiên trả lời báo giới.
Quả là không uổng phí cho nhiều tháng im tiếng, ông đã có câu trả lời không thể khôn khéo hơn cho những chất vấn về trách nhiệm cá nhân, bằng cách quy cho ‘quy trình’, ‘cơ chế’ và sự đồng thuận của cả một tập thể lãnh đạo các cơ quan cao nhất của Trung ương:
“Không phải đơn giản mà Hà Tĩnh cấp phép cho Formosa. Đầu tiên là báo cáo Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản chấp thuận chủ trương. Sau đó nhà đầu tư lập dự án với nhiều bước. Trước khi thẩm định đã có ý kiến của 12 bộ chuyên ngành, kể cả các cơ quan trong khối nội chính, quốc phòng, an ninh... đồng ý với các nội dung. Sau đó là thẩm định rồi báo cáo Chính phủ. Cuối cùng, Chính phủ đồng ý để cho Hà Tĩnh được cấp phép”.[1]
Nếu không chứng minh được những gì ông Cự nói bên dưới là SAI thì rõ ràng việc quy toàn bộ trách nhiệm cho ông ta trong việc cấp phép Formosa vừa không thỏa đáng, vừa có dấu hiệu chạy tội cho những cá nhân, tổ chức bên trên của ông ta, mà ai cũng rõ bao gồm các Bộ trưởng, Thủ tướng và cả Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam khóa trước.
Đổ hết lỗi lầm của một hệ thống từ địa phương tới trung ương lên đầu một cán bộ cấp dưới chắc chắn không phải là cách công lý được thực thi, càng không phải là cách giúp ngăn ngừa những thảm họa tương tự xảy đến trong tương lai, khi mà trách nhiệm không được đặt vào đúng địa chỉ của nó.
Tuy nhiên truy cứu trách nhiệm tất cả những kẻ đáng phải chịu trách nhiệm lại bất khả thi ở chỗ:
(1) Tổ chức chịu trách nhiệm cao nhất trong việc rước Formosa về là Bộ Chính trị trên thực tế là cơ quan nắm quyền cao nhất trong hệ thống, sao có thể truy cứu chính nó, sao có thể tự lấy đá ghè chân mình?
(2) Ông Cự khẳng định cấp phép cho Formosa có sự chấp thuận của Thủ tướng, 12 bộ chuyên ngành, các cơ quan nội chính, an ninh, quốc phòng. Mỗi người trong số này lại liên đới tới nhiều bộ phận khác trong tiến trình ra quyết định của họ. Trừ vài người đã nghỉ hưu, đa số họ hiện đang nắm giữ những vị trí cao cấp trong guồng máy.
Truy cứu trách nhiệm tất cả họ được không?
Hoàn toàn không.
‘Kỷ luật hết lấy ai mà làm việc hả các đồng chí?’ - chỉ một câu buột miệng của Nguyễn Sinh Hùng 6 năm về trước nhưng đã toát lên toàn bộ sự tự tin của người cộng sản chóp bu ở Việt Nam, tin rằng vị trí của họ là bất khả thay thế chừng nào mà đảng của họ vẫn nắm quyền.
Cầm quyền là một dịch vụ, và bi kịch của xã hội Việt Nam là hiện nay chỉ có một nhà cung ứng.
Thông thường, khi gặp dịch vụ tồi tệ, người dân chúng ta - những người tiêu dùng - không hơi sức đâu nghĩ cách giúp nhà cung ứng nâng cao chất lượng, vì đấy là việc của họ.
Chúng ta làm một việc đơn giản mà hiệu quả hơn là trừng phạt họ bằng cách chọn một nhà cung ứng khác, để chính họ muốn tồn tại phải chủ động đổi mới.
Phương cách đơn giản đó hiện chưa được áp dụng trong thị trường chính trị đất nước, khiến đa số người cộng sản chóp bu dẫu chỉ biết vinh thân phì gia, cung ứng những dịch vụ tồi tệ cho xã hội, vẫn có thể ôm lấy Nguyễn Sinh Hùng trong giấc mộng ‘vĩnh viễn không bị ai thay thế’ với câu thần chú ‘kỷ luật hết thì lấy ai làm việc?’
Đất nước đang thiếu cạnh tranh chính trị, chúng ta thì lại không dám dấn thân để thiết lập một xã hội cạnh tranh chính trị, chấp nhận toàn bộ thị trường cầm quyền bị thao túng chỉ bởi một nhà cung ứng, thế thì có khả thi không nếu chúng ta đòi hỏi được thụ hưởng những chính sách công tốt đẹp vốn là sản phẩm của dịch vụ cầm quyền?
Cùng logic đó, chúng ta dựa vào đâu để tin rằng sẽ không có những Formosa khác trong tương lai?
N.A.T.
_________
* Nội dung bài viết không phản ảnh quan điểm RFA.
THÁCH THỨC 90 TRIỆU DÂN VIỆT NAM 
PHẠM ĐÌNH TRỌNG/ BVN 28-7-2016

 

Trong vụ việc rước đại họa Formosa về giết chết biển cả, tàn phá đất nước, đầu độc giống nòi Việt Nam có trách nhiệm của người đứng đầu Đảng Cộng sản và người đứng đầu Chính phủ Cộng sản Việt Nam thời 2008. Nhưng người chịu trách nhiệm trực tiếp chính là Chủ tịch tỉnh rồi Bí thư Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh, Võ Kim Cự.
Vồ vập săn đón và mở con đường thênh thang rước Formosa về Hà Tĩnh. Trực tiếp kí kết và giành cho Formosa những ưu đãi vượt quyền, biến thế đất hiểm Vũng Áng Hà Tĩnh thành đất sang nhượng, sang tên, nhượng quyền làm chủ 70 năm, tạo thuận lợi lớn nhất cho Formosa tác yêu tác quái gây họa lớn nhất cho giống nòi Việt Nam. Đó là chủ tịch tỉnh rồi bí thư đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh, Võ Kim Cự.
Biển chết. Thợ lặn lăn ra chết khi vừa ngoi lên khỏi mặt biển. Trên dải biển miền Trung, ngành kinh tế du lịch chết, ngành kinh tế biển chết. Hàng triệu người dân miền Trung sống nhờ biển nay không còn nguồn sống. Sống ngắc ngoải trong bất an, dân biển miền Trung phải bỏ biển, rời quê phiêu tán, vất vưởng bốn phương. Vắng bóng dân chài Việt Nam, những người chủ biển đích thực, biển Đông thành biển hoang, bỏ mặc cho Tàu Cộng làm chủ. Di họa biển chết vì Formosa còn kéo dài cả trăm năm và Võ Kim Cự chính là tội phạm trực tiếp mang cái chết về cho biển Việt Nam, cho con người Việt Nam, cho đất nước Việt Nam.
Thách thức người dân biển miền Trung đang sống ngắc ngoải trong bất an vì Formosa, thách thức 90 triệu người dân Việt Nam đang đứng ngồi không yên vì cơ thể đất nước, giống nòi dân tộc phải mang vết thương nhiễm độc Formosa, thách thức cả lịch sử dựng nước và giữ nước vẻ vang của dân tộc Việt Nam đang đứng trước nguy cơ mất biển, mất nước vì Formosa, Đảng Cộng sản Việt Nam đã ngang ngược đưa kẻ tội phạm Formosa Võ Kim Cự vào Quốc hội. Đảng cử tội phạm Formosa Võ Kim Cự ra ứng cử và lùa dân đi bầu đưa tội phạm Formosa Võ Kim Cự vào Quốc hội! Ngang ngược hơn nữa, theo lệnh Đảng, Quốc hội lại đưa tội phạm Formosa Võ Kim Cự vào thành viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, nơi giám sát những hoạt động kinh tế đất nước trong đó có hoạt động kinh tế gian dối của Formosa!
Trong quan hệ kinh tế thị trường, nhất là quan hệ giữa những người dưng, quan hệ giữa những kẻ xa lạ, không ai cho không ai cái gì. Võ Kim Cự đã cho Formosa quá nhiều, quá hậu hĩ. Cho Formosa thuê đất với giá bèo bọt như cho không. Cho Formosa được làm chủ Vũng Áng như lãnh thổ riêng của Formosa mà một quan chức Việt Nam cấp vụ trưởng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đến Formosa kiểm tra theo công lệnh của chính quyền Việt Nam cũng không được vào Formosa khi chưa được chủ Formosa cho phép. Đặc biệt cho Formosa ân sủng quá lớn, giao đất sang nhượng cho Formosa tới 70 năm.
Bánh ít cho đi, bánh qui nhận về. Bánh ít không phải chỉ có vậy. Bánh ít còn là sự xăng xái tận tình chạy đôn chạy đáo giải quyết mau lẹ mọi thủ tục, đơn giản, xuê xoa bỏ qua nhiều đòi hỏi khắt khe như đề cương sản xuất, kinh doanh, đánh giá tác động môi trường để đưa Formosa vào Vũng Áng với tốc độ thần kì. Võ Kim Cự làm lợi cho Formosa về không gian đất đai, về giá thành thuê đất, về các điều khoản kí kết, Võ Kim Cự còn làm lợi cho Formosa cả về thời gian. Mà thời gian là tiền bạc. Bánh ít Võ Kim Cự cho đi lớn như vậy thì bánh qui Võ Kim Cự nhận về cũng không thể nhỏ. Tham nhũng là đây, nào phải tìm đâu xa!
Nhìn Võ Kim Cự hốt hoảng hấp tấp chạy trốn nhà báo ở ngay bản doanh Liên minh Hợp tác xã Việt Nam mà Võ Kim Cự là thủ lĩnh, có đầy quyền uy, thấy rõ sự khuất tất, bất minh đang chạy trốn dư luận. Nhận ra cả những toan tính tư lợi trên gương mặt u ám, bần tiện, ở ánh mắt lấm lét Võ Kim Cự. Nhìn bộ mặt Võ Kim Cự, tôi như nhìn thấy con cá chết bốc mùi ở biển miền Trung. Đưa sự khuất tất bất minh hốt hoảng chạy trốn dư luận vào Quốc hội, đưa bộ mặt u ám của toan tính tư lợi vào Quốc hội. đưa bộ mặt cá chết bốc mùi vào Quốc hội. Quốc hội của Nhà nước Cộng sản Việt Nam, cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước Việt Nam hôm nay là vậy ư?
P.Đ.T.
Tác giả gửi BVN.
FORMOSA VÀ ÂM MƯU CHÍNH TRỊ: CHÍNH THỂ VIỆT NAM ĐÃ CHUI ĐẦU VÀO THÒNG LỌNG
THIÊN ĐIỂU/ BVN 28-7-2016

clip_image002
“Formosa là sự cố”. Tân Chủ tịch Quốc hội tuyên thệ hai lần liên tiếp
Vấn đề thảm họa môi trường do Formosa đã bắt đầu nóng lên nơi nghị trường chính trị Việt Nam. Nhiều câu hỏi chất vấn được đặt ra, nhiều câu trả lời cũng đã được các cá nhân và cơ quan liên quan được công bố. Tuy nhiên, chưa có câu hỏi nào hay lý giải nào cho câu hỏi: Vụ xả thải gây nhiễm độc vùng biển Việt Nam của Formosa là vô ý hay cố ý?
Ngay sau khi sự cố xảy ra chỉ khoảng một tuần và khi có lời kêu gọi các nhà khoa học, các nhóm hoạt động đậc lập tự tổ chức lấy mẫu xét nghiệm trên mạng. Cũng chỉ thêm mấy ngày sau đó đã có thông tin kết luận trong nước biển miền lấy tại khu vực cá chết lẫn mẫu sinh thiết từ xác cá và rong rêu, bùn cát, san hô.. đều có tỷ lệ Phenol và Xianua rất cao. Thêm khoảng bốn, năm ngày nữa thì có thông tin tiếp tục cho biết ngoài Phenol và Xianua còn có tới ba, bốn loại hóa chất cực độc được phát hiện, nó hoàn toàn trùng hợp với thông tin báo chí phát hiện ra hóa đơn nhập khẩu gần 300 tấn hóa chất với hơn 40 loại và có tới gần một nửa các loại trong đó là chất cực độc. Những loại độc tố này đều có nguồn gốc là chất độc vô cơ nên dẫn đến kết luận hoàn toàn do tác nhân từ hoạt động con người mà ra. Tất nhiên, con số 296 tấn hóa chất Formosa nhập về chỉ là trên một vận đơn, còn bao nhiêu tấn trong những vận đơn khác hoặc nhập lậu thì không ai biết. Kèm theo những kết quả phân tích, người ta không khó và có nhiều cơ sở để khẳng định Formosa chính là thủ phạm chứ không cần chờ tới gần ba tháng sau như Chính phủ Việt Nam công bố.
Việc người dân bức xúc trước một thảm họa quá lớn, quá nguy hiểm như vậy không có gì khó hiểu. Sự bức xúc được thổi bùng thêm từ chính việc Chính phủ Việt Nam tự thỏa thuận nhận 500 triệu dollar bồi thường mà không hề đếm xỉa tới ý kiến người dân lẫn việc xác định một cách nghiêm túc mức độ thảm họa. Không những thế, chính quyền lại ra tay đàn áp một cách dã man những người xuống đường đòi minh bạch thông tin và đòi xử lý Formosa. Trong khi đó, mặc dù nhiều đại biểu Quốc hội đặt vấn đề giữa nghị trường của cơ quan lập pháp quyền lực nhất, nhưng với câu trả lời báo chí về khả năng lập một Ủy ban điều tra về Formosa hay không, bà Chủ tịch QH nói ngay là “Chưa có chủ trương. Để có một kết luận về Formosa, Chính phủ đã rất cố gắng, huy động nhà khoa học trong và ngoài nước, điều tra thực địa để cuối cùng Formosa phải cúi đầu nhận lỗi, cam kết bồi thường và khắc phục sự cố. Đó là thắng lợi bước đầu của chúng ta.”(!)
Điều đó đồng nghĩa: QH sẽ im lặng như một sự đồng ý với cách giải quyết của Chính phủ.
Tất cả đều cho thấy một kết luận rõ ràng: Tất cả các cơ quan quyền lực trong bộ máy của chế độ ở Việt Nam đều định hướng tiếp tục cho phép Formosa tồn tại và vụ đầu độc biển được chốt lại trách nhiệm trong phạm vi 500 triệu dollar mà Chính phủ đã công bố.
Tại sao lại có những động thái kỳ lạ, thậm chí trái pháp luật như trên?
Chắc chắn câu trả lời không còn nằm trong phạm vi chính sách kinh tế thuần túy. Bởi lẽ: Nếu chỉ vì chính sách kinh tế, mọi sai phạm đã có luật điều chỉnh. Nhưng ở đây, vụ việc Formosa đã vượt qua cả luật.
Điều gì khiến chính quyền Hà Nội phải trì hoãn tới ba tháng, thỏa thuận xong cả tiền bồi thường rồi mới công bố? Nếu nói chỉ vì lo ngại ảnh hưởng chính sách thu hút đầu tư lại càng sai. Vì ngày nay, các doanh nghiệp trên thế giới điều hiểu rằng mọi hoạt động kinh doanh phải gắn với môi trường như một điều kiện để tồn tại và phát triển chứ không ai nghĩ tới kinh doanh bất chấp như Formosa. Ngay tại Việt Nam, Bầu Đức và Hoàng Anh Gia Lai đã phải trả giá thế nào khi đầu tư vào Lào nhưng bị quốc tế truy việc phá rừng là ví dụ không hề xa lạ. Nếu nói vì thể diện ngoại giao do liên quan yếu tố nước ngoài thì càng không. Vì bản thân chính quyền Hà Nội đã liên tục phát đi thông điệp “Formosa là doanh nghiệp Đài Loan”, nhưng chính chính quyền và truyền thông Đài Loan là nơi phát đi đầu tiên về câu trả lời Formosa Hưng Nghiệp là thủ phạm, đồng thời bày tỏ thái độ lên án rất rõ ràng trước công luận. Mặt khác, quan hệ ngoại giao là quan hệ sòng phẳng, dựa trên yếu tố hai bên cùng có lợi, không lý do gì vì yếu tố ngoại giao mà phải bao che cho một doanh nghiệp gây thiệt hại ghê gớm như vậy.
Chỉ có thể là một âm mưu cố ý đầu độc gắn với mưu toan chính trị.
Quay lại vấn đề các loại chất độc được phát hiện trong các mẫu phân tích liên quan thảm họa môi trường biển. Các nhà phân tích khoa học đã chỉ ra rằng: Công suất của Formosa trong điều kiện hoạt động hiện tại mới chỉ đạt 25% (tương đương khoảng 1 triệu tấn/năm) thì khối lượng Phenol và Xianua sinh ra trong quá trình sản xuất (luyện cốc) hoàn toàn không thể đủ để đầu độc biển với diện rộng và nhanh như vậy. Lý do “hệ thống xử lý gặp sự cố mất điện trong 5 ngày” càng không thuyết phục vì với 5 ngày sản xuất, lượng Phenol và Xianua - dù được xả tự do không qua lọc - cũng quá ít để gây ra tác động ghê gớm đến vậy.
Câu trả lời chính xác có thể hé mở từ vài chứng cứ như sau:
Thứ nhất: Formosa biết rõ và cố ý tẩu tán chất thải độc đi khắp nơi và các nơi mà chất thải của Formosa được phát hiện đều khá nhạy cảm đối với sinh hoạt con người.
Việc kết luận Formosa “biết rõ” không cần bàn cãi vì với bất cứ ai làm trong ngành luyện kim đều biết chất thải từ ngành này mức độ độc hại ra sao. Chính vì vậy mà chính Phó giám đốc đối ngoại của Formosa đã buột miệng trả lời ngay bằng câu nói gây sóng gió “chọn thép hay chọn tôm cá”. Phần “cố ý” ở vế sau chính là Formosa biết rõ nó độc hại nhưng các vị trí chôn lấp chất thải trên đất liền của Formosa lại không có những vị trí hẻo lánh, cách xa các hoạt động dân cư hoặc môi trường nước. Hãy xem bản đồ mới nhất các vị trí chôn giấu chất thải của Fomorsa vừa được đăng tải trên báo điện tử Vnexprees.net thì các vị trí phát hiện chất thải của Formosa luôn gắn với các khu vực có độ tương tác cao với sinh hoạt của con người như nguồn nước, khu sinh hoạt cộng đồng, khu dân cư... Đây không thể biện minh là yếu tố trùng hợp hay vô tình được.
clip_image004
Bản đồ các vị trí phát hiện chất thải của Formosa trên đất liền của vnexpress.net
Một mảng tối khác mà ngay cả chính quyền Việt Nam đến nay vẫn che giấu là: Danh mục các chất cực độc có mặt trong bảng kê khai hồ sơ nhập khẩu của Formosa đã bị lộ trước truyền thông công khai. Nhưng đến nay, ngoài cái tên thương mại trên tờ vận đơn bị lộ thì công thức của nó là gì, các đợt nhập khác bao nhiêu? Đã dùng bao nhiêu? v.v. đều rơi vào im lặng không có bất cứ thông tin nào khác.Việc một số phân tích độc lập, trùng hợp với báo cáo phân tích của các cơ quan khoa học nhà nước phát hiện ngoài Phenol và Xianua, còn có một số độc chất khác cùng với sự có mặt chất Hydroxyt Sắt - là chất khi trộn chung vào sẽ khiến Phenol và Xianua khó phân hủy hơn trước khi gây tác hại cho môi trường là một lý do để khẳng định chất độc gây thảm họa môi trường do Formosa phát tán không chỉ là hóa chất sử dụng cho luyện thép hay trong quá trình luyện thép.
Vấn đề Formosa cố ý phát tán chất độc đến đây có lẽ không cần phân tích thêm. Vấn đề còn lại là câu hỏi: Nó có gì liên quan một đòn cân não chính trị hay không?
Xét về thời điểm xảy ra vụ việc thì thảm họa xả độc môi trường biển của Formosa (tháng 4/2016) là thời điểm mà TW ĐCSVN đang tổ chức bầu cử cho giàn lãnh đạo nhiệm kỳ Khóa 14 và chuẩn bị chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Obama tới Việt Nam. Trong bối cảnh các sự kiện nhạy cảm như vậy, những thủ đoạn và hành động nhằm truyền tải những thông điệp cảnh cáo, gây sức ép luôn hiệu quả. Nó chính là lý giải cho việc Chính phủ Việt Nam phải vội vã âm thầm quyết định làm một việc trái pháp luật là chấp nhận cho Formosa bồi thường chỉ 500 triệu dollar.
Phía sau động cơ chính trị này thì những yếu tố nào thực sự đủ gây sức ép cho Chính phủ của ông Nguyễn Xuân Phúc và cao hơn là cả TW Đảng CSVN?
Về kinh tế: Ở đây không nói về thiệt hại kinh tế mà người dân và cả Nhà nước Việt Nam hiện tại lẫn tương lai bị mất do thảm họa vì chưa có một thống kê tạm coi là tương đối vào lúc này. Khi mà tác hại của nó chưa ai biết sẽ còn những gì và bao lâu mới xử lý xong. Khía cạnh kinh tế được xét đến là yếu tố kinh tế tạo ra sức ép trong thông điệp mà không đối tượng nào khác hơn là chính quyền Trung Quốc - đối tượng duy nhất thủ lợi - đã đè lên Chính phủ Việt Nam.
Truyền thông nói nhiều tới con số hơn 20 tỷ dollar tổng mức đầu tư của Formosa tại KCN Vũng Áng, nhưng lờ tịt đi thực chất cấu trúc vốn của dự án ra sao. Về căn bản, KCN Vũng Áng là của Công ty Fomosa HA TINH (CAYMAN) LIMITED. Mức vốn điều lệ là 94,500 tỷ VNĐ (4,2 tỷ USD). Nguồn vốn đầu tư vào KCN Vũng Áng mà cụ thể hiện nay là khu liên hợp sản xuất thép được xác định theo nguyên tắc đầu tư FDI, theo đó, Formosa Ha Tinh sẽ có một phần vốn của Công ty đầu tư trực tiếp và còn lại là vốn vay ưu đãi. Nguồn vốn vay này không đâu khác hơn là vay từ ngân hàng Trung Quốc thông qua thỏa thuận vay mà Chính phủ Việt Nam đã ký và được thiết kế sẵn dành cho Dự án của Formosa. Điều này lý giải tại sao Formosa đến nay vẫn nợ tiền thuê đất của tỉnh Hà Tĩnh hơn một trăm tỷ đồng (phải dùng tiền của doanh nghiệp) và nhiều khoản nợ khác mặc dù đã đầu tư và giải ngân lên tới gần chục tỷ dollar (chủ yếu gần như toàn bộ là vốn vay). Nếu như tính hết các khoản nợ chưa thanh toán từ thi công, máy móc, thiết bị nhập khẩu v.v. thì không khó để suy ra là con số tiền đầu tư thực sự của Formosa vào Hà Tĩnh không đáng là bao nhiêu. Trong khi khoản nợ mà Chính phủ Việt Nam đã nhận vay liên quan cho riêng Formosa chắc chắn không dưới chục tỷ dollar (!)
Với khoản nợ này, Việt Nam sẽ phải trả dù đóng cửa Formosa hay không. Nó không khác mấy với các dự án như Bauxite Tây Nguyên, đường tàu điện Cát Linh và rất nhiều các dự án khác do Trung Quốc đầu tư hoặc thắng thầu nhờ liên quan nguồn vốn từ Trung Quốc. Hiệu quả hay không, dùng được hay không thì tất cả vẫn là nợ phải trả! Đây là lý do duy nhất khả dĩ giải đáp được cho câu hỏi tại sao Chính phủ Việt Nam không thể cương quyết xử lý Formosa cũng như các dự án có nguồn vốn vay từ Trung Quốc. Nó cũng là lý khiến Chính phủ phải chấp nhận chịu thêm một cú siết của cái thòng lọng khi nhận khoản tiền bồi thường mà về mặt pháp lý sẽ giết chết mọi uy tín lẫn tính pháp lý về mặt chính trị, xã hội. Chưa nói những cái bẫy hối lộ mà chắc chắn không ít quan chức đã nhúng tay vào, giờ đây khó bề mà che giấu.
Về an ninh chính trị: Phản ứng gay gắt của người dân khi xuống đường biểu tình thực ra chỉ là vấn đề không quá lớn về mặt tác động tới khía cạnh an ninh xã hội trong bối cảnh hiện nay. Điều nguy hiểm nhất chính là kịch bản rối loạn tương tự tháng 4 năm 2014 khi Trung Quốc kéo giàn khoan HD 981 vào vùng biển Việt Nam. Dù chỉ cách nhau hai năm, nhưng nếu kịch bản quá khích tái diễn thì sẽ khác xa nhau rất nhiều. Yếu tố đe dọa an ninh lớn nhất không phải là ở người dân Việt Nam hành động quá khích - vì đã rút ra kinh nghiệm sau vụ HD 981 - mà chính là ở lực lượng lao động Trung Quốc lên tới cả triệu người đã nằm khắp nơi trên đất Việt Nam. Một chi tiết “trùng hợp” khác là sau vụ Formosa thì lượng du khách Trung Quốc tới Việt Nam tăng một cách bất thường, các hành vi quấy rối, vi phạm pháp luật của dạng “du khách” này cũng xuất hiện một cách công khai, thể hiện sự bức xúc, cố ý gây gổ… thời gian vừa qua không dễ có lý do để loại trừ rằng nó không liên quan ý đồ “tăng người” từ phía Trung Quốc. Không cần nói đây là quân đội trá hình, chỉ cần hình dung lực lượng công nhân và du khách này sẽ phản ứng ra sao khi xảy ra những xô xát tương tự năm 2014 thì sẽ hiểu sức đe dọa của nó lớn ra sao.
Có vẻ như đang có một kịch bản mới cho Formosa nhằm cố gắng giữ lại cái kho thuốc độc Formosa mà không bị nó phát nổ ngay lúc này khi bắt đầu úp mở “sự cố kỹ thuật liên quan nhà thầu phụ”. Nhưng dù nguy hiểm đến đâu, Fomosa không còn bất cứ lý do gì tồn tại ở Việt Nam là nhận thức của cả dân tộc. ĐCSVN hay Chính phủ Việt Nam nếu tiếp tục bất chấp thì chính Formosa là bản án tử mà nền chính trị Việt Nam sẽ phải đối mặt.
T.Đ.
Nguồn: http://www.ijavn.org/2016/07/vntb-formosa-va-am-muu-chinh-tri-chinh.html

LÝ DO ÔNG VÕ KIM CỰ ĐƯỢC PHÊ CHUẨN THAM GIA ỦY BAN KINH TẾ
P.THẢO / DT 29-7-2016
Dân trí- Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc giải thích, đăng ký tham gia các uỷ ban là quyền của đại biểu Quốc hội, ông Võ Kim Cự tham gia UB Kinh tế của Quốc hội là phù hợp, nhưng đại biểu này chắc chắn không tham gia đoàn giám sát Formosa để đảm bảo khách quan…
Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc khẳng định dù là ủy viên UB Kinh tế, ông Võ Kim Cự chắc chắn không được chọn tham gia khi UB này tiến hành giám sát tại Formosa.

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc khẳng định dù là ủy viên UB Kinh tế, ông Võ Kim Cự chắc chắn không được chọn tham gia khi UB này tiến hành giám sát tại Formosa.
Chiều muộn ngày 29/7, ông Nguyễn Hạnh Phúc chủ trì cuộc họp báo sau khi bế mạc kỳ họp thứ nhất. Tại đây, khá nhiều câu hỏi liên quan đến ông Võ Kim Cự, đại biểu Quốc hội đương nhiệm, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh trong sự liên quan đến cấp phép cho Formosa - thủ phạm gây ra ô nhiễm môi trường biển chưa từng có ở Việt Nam.
Trả lời câu hỏi tại sao ông Võ Kim Cự có trách nhiệm trong việc cấp phép cho Formosa vẫn được phê chuẩn thành viên UB Kinh tế của Quốc hội, ông Phúc phân tích, đây là hai việc khác nhau.
“Đại biểu có quyền đăng ký vào bất cứ ủy ban nào của Quốc hội. Ông Cự là cử nhân tài chính ngân sách, có bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh, tham gia Uỷ ban Kinh tế là phù hợp” - ông Phúc khẳng định.
Với câu hỏi, việc ông Cự là thành viên Uỷ ban Kinh tế có ảnh hưởng đến hoạt động giám sát Formosa không khi mà ủy ban Kinh tế sẽ giám sát dự án này, Tổng thư ký Quốc hội đáp: “Uỷ ban Kinh tế sẽ phân công , đoàn giám sát có nhiều thành phần nhưng chắc chắn không có ông Cự để đảm bảo khách quan”.
Nói về việc cựu Bí thư tỉnh Hà Tĩnh có trách nhiệm đối với những vấn đề xảy ra tại Formosa, Tổng thư ký Quốc hội giải thích, đương nhiên việc cho Formosa thuê đất 70 năm thanh tra đã nói là không đúng thẩm quyền. Bản thân ông Cự cũng đã thừa nhận việc này. UBND tỉnh Hà Tĩnh có văn bản báo cáo về việc cấp phép với thời hạn 70 năm với nhà đầu tư này, Bộ kế hoạch - Đầu tư đã vào xem xét và thấy có đủ điều kiện để cho doanh nghiệp thuê đất với thời hạn dài như thế.
Với câu hỏi có ý kiến đề nghị xem xét tư cách đại biểu của ông Võ Kim Cự, ông có bình luận gì, ông Phúc cho biết sau này cơ quan chức năng làm rõ trách nhiệm thì mới có xem xét cụ thể được.
Tiếp tục nhận được đề nghị bình luận về báo cáo riêng về ô nhiễm môi trường biển miền Trung được Chính phủ gửi đến Quốc hội, ông Phúc nhận xét báo cáo khá đấy đủ, đánh giá rõ việc đầu tư, quản lý tác động môi trường, hậu quả thế nào nguyên nhân làm sao, và chỉ rõ vi phạm 53 lỗi tất cả.
Ông Phúc nhận xét: “Formosa cũng đã cam kết đền bù 500 triệu đô rồi, là mức cao”.
Tổng thư ký Quốc hội cũng cho rằng, Formosa là bài học đắt giá, qua đây cần kiểm soát chặt chẽ các nhà thầu để không có chuyện tương tự như Formosa.
Một câu hỏi khác được đặt ra, ô nhiễm môi trường, trong đó có vụ việc tại Formosa rất nghiêm trọng mà vấn đề này đã không được chọn cho giám sát tối cao mà chỉ được giao cho một ủy ban của Quốc hội, như vậy có phải là xem nhẹ nhân dân hay không?
Trả lời câu hỏi này, Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Đỗ Mạnh Hùng cho rằng, không thể đặt vấn đề xem nhẹ hay là không coi trọng. Vì giám sát cấp ủy ban chức năng cũng là 1 trong 5 cấp độ giám sát và hoạt động giám sát ở cấp độ nào cũng đều có giá trị pháp lý.
P.Thảo


ÔNG VÕ KIM CỰ VỚI 'ĐÚNG QUY TRÌNH' VÀ 'LỖI HỆ THỐNG'
LÊ VĨNH/ CTM/ BVB 30-7-2016
Ông Võ Kim Cự đang trở thành con dê tế thần cho vụ Formosa
xả thải chất độc hại làm chết 250 cây số biển Miền Trung
Dĩ nhiên, ông Võ Kim Cự, người có công lớn nhất trong việc đem Formosa vào Hà Tĩnh, phải là người bị điểm mặt.Sau bao nhiêu nỗ lực che đậy, lấp liếm, thảm họa môi trường biển miền Trung không thể “hoá bùn được”, trong khi áp lực của dư luận về vấn đề này mỗi ngày một thêm nặng nề. Vì vậy, mấy ngày gần đây bộ phận lãnh đạo đảng Cộng Sản Việt Nam đã dáo dác nhìn quanh tìm ai đó để chỉ mặt.
Thế là báo chí và các cơ quan truyền thông được bật đèn xanh để “dạo đầu” về việc ai phải chịu trách nhiệm trong việc cho Formosa Hà Tĩnh thuê đất 70 năm. Ngược lại ông Võ Kim Cự cũng đã dùng đủ mọi lý lẽ nhắm biện minh rằng mình làm “đúng quy trình”, qua sự chỉ đạo của cựu Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng, cựu Phó Thủ Tướng Hoàng Trung Hải cùng với 12 bộ ngành khác vào lúc đó.
Tin tức về chuyện cho Formosa Hà Tĩnh thuê đất 50 năm hay 70 năm, thực ra chỉ là cái cớ để khỏa lấp vấn đề. Với một công ty đầy thành tích về phá hoại môi trường như Formosa và với một nhà nước vô trách nhiệm, luôn luôn núp sau “quy trình” để chạy tội, như nhà nước CSVN, thì chỉ cần 10 năm là đã đưa đến thảm họa (như đang xẩy ra tại Việt Nam) cần gì phải đợi đến 50 hay 70 năm?
Vì vậy, vấn đề đáng nói ở đây là chỗ núp “quy trình” khi sự cố xảy ra. Một thứ mà các quan chức CSVN luôn luôn dùng để phủi trách nhiệm. Mọi tai hoạ cứ thế mà đổ lên đầu dân.
Vấn đề của ông Võ Kim cự có thể được tóm tắt như sau:
Vào năm 2008, từ khi còn là Phó Chủ Tịch Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Hà Tĩnh, với quyết tâm lập thành tích thu hút đầu tư về cho tỉnh nhà, ông Võ Kim Cự đã là người đưa Formosa về đó và làm Trưởng Ban Quản Lý Khu Kinh Tế Vũng Áng. Cũng chính nhờ Formosa mà ông Cự đã từ Trưởng Ban Quản Lý khu kinh tế này lên lãnh đạo tỉnh, vào quốc hội, và mới mấy ngày trước đây ông được cất nhắc làm thành viên Ủy Ban Kinh Tế của Quốc Hội khóa XIV.
Đại nạn cá chết đã xẩy ra từ đầu Tháng Tư, đến cuối tháng đó thì mọi việc đều đã bung bét. Khi được hỏi thì ông Võ Kim Cự bảo rằng, ông ta “rất bất ngờ” về đại nạn này. Thế nhưng cuộc bầu cử Quốc Hội ngày 22 Tháng 5 ông vẫn tiếp tục “được tín nhiệm” đến 99 phần trăm phiếu bầu theo quy hoạch nhân sự của đảng.
Theo trang thông tin của tỉnh Hà Tĩnh thì Khu Công Nghiệp Vũng Áng là một đại dự án, với số vốn đầu tư hàng chục tỷ đô la, được coi là dự án FDI lớn nhất Việt Nam. Mơ ước của lãnh đạo CSVN là muốn biến Vũng Áng trở thành thành phố công nghiệp, thương mại, du lịch, dịch vụ năng động và hiệu quả, có tầm cỡ khu vực và quốc tế.
Một dự án có tầm cỡ quốc gia và chiến lược như vậy thì các quyết định không thể nằm ở cấp tỉnh, mà chắc chắn phải đến từ cấp trung ương.
“Quy trình” của đảng Cộng Sản là vậy. Mọi việc đều do sự lãnh đạo của đảng, mà người trách nhiệm cao nhất là Tổng Bí Thư.
Vì dự án bắt đầu từ năm 2008 kéo dài đến nay nên cả hai Tổng Bí Thư Nông Đức Mạnh (2001 – 2011) và Nguyễn Phú Trọng (2012 – đến nay) phải chịu trách nhiệm đầu tiên của “quy trình” này.
Kế đến ông cựu Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng (2006 – 2012), trên nguyên tắc là người đứng đầu bộ máy nhà nước, cũng đã từng thú nhận rằng đảng phân công cái gì thì ông ta làm cái đó chứ ông không tự ý được. Nêu lại việc này để thấy rằng ông Võ Kim Cự chỉ là người thừa hành chỉ thị của đảng.
Quả vậy, khi bị truy vấn, tuy không dám đụng đến Tổng Bí Thư, nhưng ông Cự đã choàng trách nhiệm cho Trung Ương về việc cấp phép 70 năm cho Formosa Vũng Áng. Thế nhưng, mọi việc vẫn đang có chiều hướng đổ tội lên đầu cá nhân ông Võ Kim Cự.
Họ làm như vậy để người ta chỉ thấy cá nhân ông Võ Kim Cự là có tội, che lấp đi trách nhiệm chính [là] của đảng ở phía sau. Còn tai hoạ thì nhân dân lãnh chịu. “Đánh chuột không để vỡ bình” là vậy.
“Quy trình” của đảng từ trước đến nay vẫn thế. Đã bao nhiêu lần, mỗi khi có chuyện lôi thôi, cần phải đập một vài con chuột nhắt thì người ta lại lôi “quy trình” ra biện bạch để khỏi đụng đến những con chuột cống, chuột chù ở trên, khiến có thể “vỡ bình”.
Nhân vụ Võ Kim Cự, người ta mới nhớ đến Formosa có “con chuột nhắt” Nguyễn Văn Bổng, nguyên Chủ Tịch Huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) cũng bị biến thành con dê tế thần.
Nguyễn Văn Bồng là người có công giải toả 3000 hecta đất, để lấy đất cho Formosa xây Khu Công Nghiệp Vũng Áng. Sau khi “thành công giải toả” thì ông Bổng bị khởi tố về tội: “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Trước đó, báo chí đã khen ông Nguyễn Văn Bổng là “công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án được thực hiện đúng quy trình thủ tục nhất quán trong các chế độ chính sách đền bù.”
Đến nay, khi mọi tội đều đổ lên đầu ông Võ Kim Cự thì chiều hướng đã khá rõ là sẽ biến ông Cự thành con dê tế thần cho vụ Formosa xả thải chất độc hại làm chết 250 cây số biển Miền Trung.
Tuy nhiên, vấn đề chính của người Việt Nam không ở chỗ đó. Khi “đúng quy trình” đã trở thành “lỗi [của] hệ thống” thì sau ông Cự này sẽ có ông Cự khác. Sau thảm hoạ Formosanày sẽ có thảm hoạ Formosa khác.
Vì vậy, vấn đề của người Việt Nam là phải làm sao thay đổi cái hệ thống bị lỗi đó, để vĩnh viễn chấm dứt, hoặc ít ra cũng giảm thiểu được những tai họa cho đất nước và dân tộc.
Lê Vĩnh/(CTM)
ÔNG VÕ KIM CỰ ĐANG LÀ MỘT...CASCADEUR ?
TRẦN THÀNH, THẢO VI/ BVN 30-7-2016
clip_image002
Ông Võ Kim Cự đang là một… cascadeur?
Hai quyết định trong 4 năm của hai đời Thủ tướng
Báo chí đang đưa tin với mật độ khá dày về trách nhiệm pháp lý của ông Võ Kim Cự, trong việc cấp giấy phép đầu tư và cho thuê đất thời hạn đến 70 năm đối với Công ty TNHH Gang Thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh. Dư luận đang quên mất rằng, dù 50 năm hay 70 năm, thì tại Vũng Áng, ngay từ khi Thủ tướng Phan Văn Khải ký Quyết định số 72/2006/QĐ-TTg, về việc thành lập và ban hành Quy chế hoạt động của Khu kinh tế Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh, thì ngay sau đó, dưới màu áo những nhà thầu, công nhân là người Trung Quốc đã đổ dồn về đây như là một đặc khu riêng dành cho họ.
Sở dĩ nói như vậy, vì 4 năm sau đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký Quyết định số 19/2010/QĐ-TTg, thay thế Quyết định số 72/2006/QĐ-TTg. Những ưu ái đầu tư kiểu như “cho thuê đất 70 năm” đã không còn nữa. Và lúc này, Vũng Áng đã kịp trở thành một công xưởng khổng lồ của Trung Quốc, trong đó có cả cảng biển nước sâu Sơn Dương mà trong quá trình nạo vét xây dựng cảng này, có nhiều bằng chứng cho thấy khối lượng cát biển nạo vét đã được Trung Quốc chở ngược ra phao số 0, và người ta nghi rằng số cát đó được dùng bồi đắp các đảo nhân tạo trong vùng lãnh hải thuộc chủ quyền Việt Nam mà Trung Quốc chiếm giữ trái pháp luật (nhóm tác giả sẽ có bài viết chi tiết về vụ việc nhiều nghi vấn ấy!).
Những giấy phép đầu tư cấp trước ngày 01-05-2010, vẫn tiếp tục hưởng tất cả nội dung ưu đãi đã ghi trong giấy phép. Nói một cách khác, Quyết định số 19/2010/QĐ-TTg đã “hạn chế” thu hút thêm nhà đầu tư vào Vũng Áng.
Ở Quyết định của Thủ tướng Phan Văn Khải, thì, “Các dự án đầu tư vào Khu kinh tế Vũng Áng được hưởng các ưu đãi áp dụng đối với địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và các Khu kinh tế theo quy định của Luật Đầu tư, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và các quy định khác của pháp luật hiện hành” (Điều 13, Quyết định số 72/2006/QĐ-TTg). Bốn năm sau, nội dung của điều 13 này bị bãi bỏ bởi Quyết định số 19/2010/QĐ-TTg, các ưu đãi để thu hút đầu tư vào Vũng Áng không còn hấp dẫn nhà đầu tư nữa.

Thấy gì ở ngã ba Formosa?

Từ khi những công nhân Trung Quốc “đổ bộ” Formosa làm việc, cuộc sống của người dân các xã Kỳ Liên, Kỳ Phương, Kỳ Long (huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) xáo trộn đến chóng mặt. Người người đua nhau xây nhà trọ, khách sạn cho thuê; hàng quán trương biển chữ Trung to tướng, để mời mọc những “thượng đế” người Trung Quốc. Đây cũng là câu chuyện với kịch bản tương tự đang xảy ra tại Nhà máy nhiệt điện ở huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh (nhóm tác giả sẽ có bài viết về vấn đề này).
Kể từ thời điểm đó, để phục vụ cho nhu cầu ăn, ở, giải trí của công nhân ngoại quốc, người dân các xã Kỳ Liên, Kỳ Phương, Kỳ Long đua nhau xây phòng trọ cho công nhân Việt, công nhân Trung Quốc thuê.
clip_image003
Lao động Trung Quốc tại Khu kinh tế Vũng Áng (Kỳ Anh, Hà Tĩnh)
Những công nhân Trung Quốc làm việc tại Khu kinh tế Vũng Áng cũng tham gia giao thông bằng xe gắn máy và nhiều người cũng vi phạm luật giao thông chẳng khác gì người bản địa. Một người dân kể: “Công an thổi lại, nhiều ông không chịu ký vào biên bản, vì giữa hai bên không hiểu nhau. Sau này, mỗi lần thổi công nhân Trung Quốc lại, công an triệu một cô phiên dịch đến giải thích luật cho họ. Rồi thì họ cũng hiểu, cũng ký vào biên bản, sau đó lên huyện nộp phạt như người nhà mình”.
“Dân xã Kỳ Liên chưa được 3.000 người, trong khi công nhân đến hơn 4.000 mà toàn là đàn ông cả. Xa nhà, xa vợ rồi thì họ có nhu cầu massage, tẩm quất, cắt tóc nam nữ đủ kiểu, khiến việc quản lý của chính quyền địa phương gặp không ít khó khăn”, một quan chức xã Kỳ Liên than thở.
Ở ngã ba Formosa ngày trước, vào những tối thứ bảy, chủ nhật, người ta chẳng lạ gì những chuyến xe buýt chở hàng chục công nhân Trung Quốc đi hàng chục cây số ra “động” Voi (địa điểm mại dâm gần như công khai ở xã Kỳ Phong, kéo dài đến thị trấn Voi của Kỳ Anh) vui vẻ. Bây giờ thì nạn mại dâm đã bắt đầu bùng phát ở nơi đây, quanh Khu kinh tế Vũng Áng.

Họ mua chuộc rất giỏi

Ông Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nước ngoài, nói rằng hiện nay, những nhà quản lý đã tỏ ra quá dễ dãi với các nhà thầu Trung Quốc và Việt Nam cũng đã phải chịu những hậu quả đau đớn.
Tổng kết mới đây của cục Giám sát xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết, nhà thầu Trung Quốc ở Việt Nam hiện nay đang ở tình trạng “ba không”. Thứ nhất, Việt Nam cần họ đưa vào những lao động có kỹ năng nhưng họ lại đưa vào những lao động không có kỹ năng. Thứ hai, Việt Nam muốn họ sử dụng những công nghệ hiện đại thì họ sử dụng những công nghệ lạc hậu. Thứ ba, Việt Nam muốn họ làm nhanh, hiệu quả thì họ làm chậm, không hiệu quả. Tuy tổng kết này không phải là con số tuyệt đối, nhưng nó cho thấy chất lượng đầu tư của Trung Quốc tại Việt Nam tệ như thế nào.
Ông Nguyễn Mại nói rằng đằng sau chuyện có quá nhiều lao động Trung Quốc ở Việt Nam sẽ kéo theo không biết bao nhiêu chuyện, đặc biệt là liên quan đến an ninh quốc gia. Vì thế, lỗi chủ yếu vẫn nằm ở các cơ quan quản lý, mà cụ thể là sở Lao động Thương binh và Xã hội các địa phương không giám sát, kiểm tra một cách chặt chẽ (như bằng cấp, khả năng tay nghề của lao động Trung Quốc...). Chính vì vậy mới có tình trạng lao động Trung Quốc làm việc chui, làm việc dưới danh nghĩa kỹ sư có tay nghề cao nhưng lại là lao động phổ thông...
Ông Nguyễn Mại thẳng thắn: “Trung Quốc tỏ ra rất giỏi trong vấn đề mua chuộc, lấy lòng những đối tác của mình. Chỉ cần vài mưu mẹo nhỏ (mà ai cũng biết) là họ có thể mua chuộc và thực hiện được những điều mình cần. Chính vì thế, đừng nói tới chuyện người ta gây sức ép, mà quan trọng nhất vẫn xuất phát từ chính chúng ta.
Tôi cho rằng, có ba yếu tố quyết định sự thành công của một doanh nghiệp Việt khi tham gia đấu thầu.Thứ nhất là tinh thần dân tộc, ý thức độc lập tự chủ của đơn vị đứng ra tổ chức đầu thầu. Thứ hai là chính sách ưu tiên đối với các doanh nghiệp trong nước. Thứ ba là khả năng hợp tác, đoàn kết lẫn nhau giữa các doanh nghiệp trong nước (yếu tố này rất quan trọng vì có hợp tác lại với nhau thì nhiều doanh nghiệp mới đủ sức đáp ứng các tiêu chuẩn thầu). Vì thế, nguyên nhân lao động Việt, doanh nghiệp Việt “thất trận” ngay trên sân nhà là do không được tạo điều kiện để đấu thầu (nguyên nhân thì rất nhiều, trong đó có vấn đề “lại quả”) và không biết cách hợp sức lại với nhau. Hơn nữa, việc giao thầu cũng đòi hỏi tinh thần dân tộc rất cao, nếu chỉ vì đồng tiền thì với khả năng luồn lách của nhà thầu Trung Quốc, doanh nghiệp Việt thua là phải thôi”.
Có lẽ những nhận xét liên quan đến mua chuộc của ông Nguyễn Mại còn đúng cả với các cấp quản lý cao hơn, như trường hợp ông Võ Kim Cự đang được báo chí coi là “tội đồ” trong vụ việc Formosa Hà Tĩnh. Công tâm, một mình ông Võ Kim Cự sẽ chẳng làm được gì. Ông Cự dường như đang phải đóng vai thế thân – cascadeur cho một ai đó đang có, hay từng giữ chức vụ to lắm trong bộ máy nhà nước.
T.T. - T.V.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét