Chủ Nhật, 24 tháng 7, 2016

20160724. BÀN VỀ HIỆN TƯỢNG DÙNG SAI TỪ HÁN-VIỆT TRÊN BÁO CHÍ

ĐIỂM BÁO MẠNG
HIỆN TƯỢNG DÙNG SAI TỪ HÁN-VIỆT TRÊN BÁO CHÍ
VIỆT HOÀNG/ INF 4-7-2016
Báo chí với vai trò là người đưa thông tin bằng ngôn từ thì việc sử dụng càng phải cẩn trọng.
Số lượng từ Hán Việt chiếm hơn 80% kho từ ngữ tiếng Việt. Mặc dù qua thời gian, nhiều từ đã được Việt hóa thông dụng, có từ đã biến đổi ý nghĩa nhưng rất nhiều từ chúng ta chưa thể thay thế.
 Do vậy, việc dùng sai từ Hán Việt trong đời sống nói chung, trên báo chí nói riêng vốn là câu chuyện không mới nhưng cần phải chấn chỉnh thường xuyên.
Những cách dùng sai phổ biến
Tại Hội thảo “Đào tạo và nghiên cứu Ngôn ngữ học ở Việt Nam” do Khoa Ngôn ngữ, Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn – Đại học Quốc Gia Hà Nội tổ chức mới đây, TS Bùi Mạnh Hùng (Đại học Sư phạm TP.HCM) khi nói về sự khác biệt ý nghĩa và cách dùng từ trong tiếng Việt chia sẻ: Ngôn ngữ tiếng Việt đang có sự xáo trộn ghê gớm (cả trong giao tiếp và hành chính), nhiều từ đã bị sử dụng không chính xác, bị biến nghĩa hoặc ghép từ một cách kệch cỡm, tối nghĩa. Đặc biệt, ngoài việc dùng tiếng bồi ngoại ngữ phương Tây (nhất là tiếng Anh), thì dùng sai từ Hán Việt cũng là một điều cần lưu ý khi tư duy tạm bợ và tinh thần thiếu trách nhiệm trong sử dụng ngôn từ của nhiều người, nhất là những người làm những công việc liên quan nhiều đến ngôn ngữ (nhà báo, nhà văn, phát thanh viên…).
Thực tế, do sự thiếu hiểu biết đầy đủ nghĩa của từ cùng với sự biến đổi quá nhanh của từ ngữ hiện đại khiến nhiều người đôi lúc sử dụng sai nghĩa từ Hán Việt mà không biết. Đơn cử, các lỗi như: đảo ngược nghĩa từ Hán Việt (điểm yếu thành yếu điểm); đảo từ Hán Việt sai (xót xa thành xa xót); ghép từ bừa bãi (cụm từ “kích thích nhu cầu tiêu dùng” rút thành “kích cầu” – từ này đang dần được chấp nhận-PV); dùng từ Hán Việt bằng từ Nôm (“trực thăng” lại thay sai bằng “máy bay lên thẳng”; “thủy quân lục chiến” lại thay bằng “lính thủy đánh bộ”). Điều đáng nói, rất nhiều thuật ngữ khoa học công nghệ chúng ta đang “bí” từ như computer dịch thành “máy vi tính” cũng là chưa đủ hết nghĩa. Đặc biệt, rất nhiều từ Hán Việt đã bị chúng ta biến đổi sai hẳn nghĩa nhưng “không biết”. Ví dụ, từ niên và từ kỉ thời gian gần đây bị rất nhiều người dùng sai. Niên là năm, kỉ là thế kỉ (1 thế kỉ là 100 năm) nhưng thay vì nói/viết thập niên (10 năm), nhiều người lại nói/viết thành thập kỉ.Theo thống kê sơ bộ của Khoa Ngôn ngữ, có tới 16 hình thức sử dụng sai từ Hán Việt khá phổ biến hiện nay như: Sai vì không hiểu gốc Hán Việt; Sai vì cố ý sửa gốc của từ; Sai vì không hiểu văn phạm giữa Hán Việt và Hán Nôm; Sai vì dùng từ thiếu chính xác ngữ cảnh; Dùng sai nghĩa từ thuần Việt lại tưởng từ Hán Việt; Dùng từ Hán Việt vô nghĩa và lộn xộn; Cóp y nguyên tiếng Tàu đang sử dụng và coi đó là từ Hán Việt; Đảo ngược ngữ pháp hay cấu trúc từ Hán Việt; Đảo từ ghép Hán Việt sai và không đúng cách; Ghép từ Hán Việt bừa bãi hoặc dùng từ Hán Việt cho “sang” với ý nghĩa đao to búa lớn không cần thiết; đặc biệt là thiếu từ cho các thuật ngữ khoa học công nghệ hay chuyển nghĩa từ ngoại ngữ phương Tây sang.
Nhìn dưới góc độ ngôn ngữ học, TS Bùi Mạnh Hùng cho rằng: Câu chuyện dùng sai từ Hán Việt vốn không mới, cũng chưa có những chuẩn mực nhất định nên ở nơi nào đó, thời điểm nào đó từ dùng sai lại được chấp nhận. Ví dụ những từ như: chúng cư (nay dùng thành chung cư); khuyến mãi (nay dùng thành khuyến mại)… Thực tế, do nhu cầu ngôn ngữ việc người Việt dùng song song từ Hán Việt với từ thuần Việt hay biến đổi từ Hán Việt thành ngôn ngữ của mình là khá phổ biến. Trong khi đó, phải thừa nhận một thực tế lớp từ Hán- Việt thường có sắc thái trang trọng, trong khi lớp từ thuần Việt lại bình dân và sinh động hơn. Lấy ví dụ một số cặp từ đồng nghĩa sẽ thấy: sơn hà- núi sông; thổ huyết- hộc máu, sặc tiết; phu nhân- vợ, bà xã; khai mạc- mở màn… Do đó, ở một số người câu chuyện “sính” chữ Hán Việt cũng không khác cách giới trẻ hiện nay dùng tiếng bồi quá nhiều trong giao tiếp.
Báo chí cần đi đầu trong chuẩn hóa ngôn ngữ
Theo TS. Đặng Thị Thu Hương, Chủ nhiệm Khoa Báo chí, Đại học KHXH&NV Hà Nội: Ngôn ngữ là thứ luôn phát triển theo đời sống và nó luôn chịu áp lực từ những hình thái tranh chấp để tồn tại dựa trên sự chọn lọc mang tính kế thừa và sáng tạo mới. Có những từ ngữ trước đây hiểu theo nghĩa này, nhưng nay lại bị hoán đổi ý nghĩa và công năng cũng là điều không khó hiểu. Tuy nhiên, báo chí với vai trò là người đưa thông tin bằng ngôn từ thì việc sử dụng càng phải cẩn trọng, bởi ngôn từ báo chí cần những tiêu chí chuẩn mực chứ không thể “phóng khoáng” hay bay bổng như văn chương, cũng không thể suồng sã như văn nói được.
Nói về ngôn ngữ báo chí, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến Chủ tịch Hồ Chí Minh – Người rất chú ý việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, làm cho tiếng Việt ngày càng giàu và đẹp hơn. Trong rất nhiều trường hợp, nếu phải chọn từ Hán Việt và từ thuần Việt người sẽ dùng từ thuần Việt và nếu có phải vay mượn vốn từ của nước ngoài thì cũng phải theo những tiêu chuẩn nhất định. Ví dụ, thay vì dùng từ giác độ (giác là góc), chúng ta dùng từ góc độ nó dễ hiểu hơn nhiều (Ví dụ câu: Ở góc độ này, tôi nhất trí với ý kiến của các bạn!). Hoặc Người cũng giải thích, chúng ta phải biết tôn trọng nghĩa gốc của từ vay mượn, ví dụ không ai nói “ nữ dân quân” bằng “ dân quân gái”, “du kích” bằng “đánh chơi”, “độc lập” bằng “đứng một mình”, “lãnh đạo” bằng “nhận đường”… Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, việc dùng đúng từ, đúng lúc đúng nơi, đúng đối tượng và gọi đúng tên sự vật hiện tượng ngoài thể hiện trình độ, đó còn là vấn đề đạo đức và ý thức tự tôn ngôn ngữ tiếng Việt, tự tôn dân tộc.
Tuy nhiên, nhìn vào câu chuyện dùng từ Hán Việt nói riêng, trên báo chí nói chung, chúng ta cũng dễ thấy 4 hiện tượng: Lạm dụng tiếng nước ngoài; Dùng nhiều từ thô tục, tối nghĩa, thiếu văn hóa; Lạm dụng và dùng sai nghĩa của nhiều từ Hán Việt. Ví dụ, rất nhiều báo mạng thường dùng từ “quyết liệt” (có nghĩa là phá hoại) nhưng lại dùng theo nghĩa quyết tâm cao, hành động trên cả hăng hái khi đưa tin lãnh đạo xuống thăm và thị sát tại các địa phương như một số tid bài:  “Ông Thăng: Phải quyết liệt trấn áp tội phạm mạng”  (Báo điện tử Zing ngày 5/3/2016); “Quyết liệt xóa vùng trũng tội phạm” (Báo điện tử Thanh niên ngày 15/6/2016; “Quyết liệt tấn công, trấn áp tội phạm” (Báo điện tử Nhân dân ngày 11/3/2016)… Hoặc các bản tin văn hóa của VTV, các biên tập viên rất hay dùng cụm từ “Người đẹp Hoa ngữ” để nói người đẹp Trung Hoa, trong khi từ “Hoa ngữ” nghĩa gốc chỉ đơn giản là tiếng Hoa.
Vẫn biết sẽ cần thời gian để sửa đổi hoặc “không cần sửa đổi” nếu đại chúng chấp nhận nghĩa mới của từ Hán Việt – cũng giống như cách chúng ta Việt hóa tiếng Pháp, tiếng Anh hay tên riêng nào đó (Ví dụ OSIN – tên một bộ phim của Nhật, nay được hiểu nghĩa là nghề giúp việc).
Nếu hiểu đúng và dùng đúng ngữ nghĩa của từ Hán Việt, chúng ta không chỉ bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt mà còn làm giàu thêm vốn từ vựng phong phú của cha ông, nối dài nét đẹp văn hóa và chữ viết – vốn là sợi dây kết nối văn hóa của người Việt. Để rồi từ đó, mỗi người mang tiếng nói và chữ viết nước mình quảng bá với thế giới. Thiết nghĩ, vai trò của báo chí trong chuẩn hóa và giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt có ý nghĩa quan trọng. Nếu làm được thì còn hạnh phúc nào bằng. Bởi, tiếng Việt là một trong số gần 50 ngôn ngữ đang được sử dụng rộng rãi nhất Trái đất. Không phải tự dưng tiếng Việt có thể tồn tại và phát triển, trong khi đã có hàng ngàn ngôn ngữ và chữ viết của các dân tộc bị hủy diệt theo dòng chảy phát triển của nhân loại.
Nói như cố giáo sư Hoàng Phê - nhà từ điển học và chuyên gia về chính tả tiếng Việt hàng đầu Việt Nam: “Tiếng Việt là tiếng mẹ. Tiếng Việt còn trong mỗi người thì hồn Việt còn. Người Việt còn thì còn nước non, dân tộc…”.
Việt Hoàng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét