Thứ Năm, 21 tháng 7, 2016

20160721. BÀN VỀ 'QUY TRÌNH'

ĐIỂM BÁO MẠNG
 ‘Quy trình’ là cụm từ hay dùng trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, nhưng trong vài năm  gần đây ‘quy trình’ được được nhắc đến nhiều trên trang mạng chính thống cũng như mạng xã hội với cụm từ “đúng quy trình” để chê bai thói ngụy biện tắc trách, vô cảm, vô pháp của các quan chức các cấp các ngành khi thi hành nhiệm vụ. Chỉ cần gõ cụm từ “đúng quy trình” trên trang tìm kiếm Google sẽ cho 1.590.000 kết quả trong 0,45 giây. Không thể kể hết những hoạt động có xẩy ra sai sót, tổn thất kể cả tính mạng, tài sản của người dân và nhà nước như: bổ nhiệm cán bộ, bắt người kết tội, khám chữa bệnh, kiểm tra thanh tra, phát hiện tham nhũng, đến kiểm tra kiểm soát chất thải ra môi trường…nhưng vẫn được người có trách nhiệm cãi đã làm “đúng quy trình”! . Vậy quy trình là gì?  “Đúng quy trình” sao vẫn gây sự cố thiệt hại ?  Quy trình có liên quan gì đến hoạt động nghiên cứu khoa học ? v.v…
  Trong bài này tôi muốn bàn luận với NCS  khái niệm quy trình, phân biệt quy trình với một số thuật ngữ hay dùng và đề xuất một số ý kiến có liên quan đến hoạt động nghiên cứu khoa học nói chung và làm luận án nói riêng để các Bạn tham khảo.
  Khái niệm về quy trình: Quy trình là trình tự  được quy định, mang tính chất bắt buộc để tiến hành một hoạt động nào đó nhằm kiểm soát kết quả theo mục tiêu nhất định.
  Với định nghĩa trên có một số điều cần lưu ý sau:
Quy trình là thuật ngữ Hán -Việt (規程) có thuật ngữ tiếng Anh tương đương là Procedure.  Quy trình là thuật ngữ được tạo ra bới 2 từ nguyên: Quy (nghĩa là quy định, còn Trình () nghĩa là trình tự, thủ tục. Trong thuật ngữ Hán-Việt, các từ nguyên kể trên cũng có thể ghép với các từ nguyên khác để tạo ra những thuật ngữ có khái niệm độc lập hoặc liên thuộc với nhau. Ví dụ: với Quy có quy luật, quy phạm, quy chế, pháp quy, quy hoạch,…; với Trình có  quá trình, chương trình, giáo trình,  công trình, phương trình, giải trình, lộ trình v.v… Sự ‘lắp ghép’ các từ nguyên này đôi khi cũng tạo ra sự nhầm lẫn khái niệm và cũng là cái cách đánh tráo khái niệm để ngụy biện làm ‘đúng quy trình’!
Hoạt động: được hiểu là một trong những dạng thức lao động của con người, bao gồm các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội như sản xuất, thương mại, nghiên cứu khoa học, quản lý, tôn giáo v.v…Vì vậy có nhiều loại quy trình khác nhau về chủ thể hoạch định, đối tượng thực hiện, mục tiêu và tầm quan trọng…
- Quy trình có tính chất bắt buộc các đối tượng có liên quan phải thực hiện chính xác và đầy đủ các quy định. Nếu làm trái tức là không ‘đúng quy trình’ và tùy loại quy trình và thiệt hại gây ra có thể bị xử phạt của tổ chức hay pháp luật.
- Quy trình là một công cụ quản lý, nó cần được viết thành văn bản và được người có thẩm quyền thông qua nhất là những quy trình có ý nghĩa quan trọng ảnh hưởng đến sinh mệnh, tài sản của con người…
  Phân biệt quy trình với các thuật ngữ liên thuộc:
- Phân biệt quy trình và quá trình: Theo định nghĩa trong ISO 9000 thì Quá trình (Process) được định nghĩa là "tập hợp các hoạt động có quan hệ lẫn nhau hoặc tương tác để biến đổi đầu vào thành đầu ra", Quy trình (Procedure) được định nghĩa là "cách thức cụ thể để tiến hành một hoạt động hoặc quá trình". Như vậy, theo định nghĩa của tổ chức ISO, Quá trình chỉ mang tính mô tả hệ thống hoặc tương tác, có thể ẩn chứa Trình tự nhưng hoàn toàn không có tính bó buộc tuân thủ như Quy trình. Mặt khác, một Quá trình có thể chứa nhiều Quy trình, hoặc một Quy trình có thể chứa nhiều Quá trình và Quy trình.
Phân biệt Quy trình và Lộ trình: Lộ trình là sự mô tả mang tính dự kiến những giai đoạn của quá trình phát triển tương đối dài để đạt được mục tiêu nhất định trong tương lai, không có tính bắt buộc thực hiện toàn diện và chặt chẽ như Quy trình, ví dụ: Lộ trình cấu trúc lại nền kinh tế, lộ trình gia nhập AFTA v.v…
Phân biệt Quy trình và Chương trình:  Bản chất của Chương trình là mô tả nội dung, ví dụ như Chương trình văn nghệ, Chương trình đào tạo…. Theo đó có thể linh động thay đổi thứ tự thực hiện, miễn sao hoàn thành Chương trình đã đề ra. Tuy nhiên để thực hiện một nội dung/ khâu  nào đó, đảm bảo không có sai sót cũng có thể có những quy trình. Ví dụ trong Chương trình đào tạo một ngành nào đó sẽ có thể có những  quy trỉnh  như: quy trình giao đề tài tốt nghiệp, quy trình chấm thi, quy trình xét tốt nghiệp...Như vậy Quy trình chỉ liên quan đến một nội dung nào đó của Chương trình và có thể có hoặc không tùy sự cần thiết. Không thể nói hoàn thành Chương trình là làm “đúng Quy trình”!
Phân biệt Quy trình và Quy hoạch: Quy hoạch là những quy định về bố trí các đối tượng (nhân lực, vật lực, tài lực…) theo không gian và thời gian cụ thể nhằm đạt được những mục tiêu nhất định trong tương lai. Tùy theo đối tượng, phạm vi có các loại quy hoạch khác nhau, như Quy hoạch ngành, Quy hoạch vùng, Quy hoạch đô thị, Quy hoạch khu công nghiệp, Quy hoạch cán bộ,  v.v…Trong Quy hoạch không có Quy trình, nhưng để thực hiện quy hoạch đúng mục tiêu thì có thể có những Quy trình song hành để quản lý chặt chẽ những hoạt động có liên quan. Ví dụ Quy hoạch cán bộ cần có Quy trình về bổ nhiệm cũng như miễn nhiệm cán bộ, theo đó cán bộ được trong “diện quy hoạch” không nhất thiết được bổ nhiệm vì phải tuân thủ những quy định khác của quy trình; Quy hoạch khu công nghiệp phải có những quy trình về giải phóng mặt bằng và đền bù đất đai, quy trình kiểm tra giám sát vệ sinh môi trường,v.v…
   Tóm lại, so với các khái niệm liên thuộc đã nêu thì Quy trình có đối tượng và phạm vi điều chỉnh tương đối hẹp và không nhất thiết phải có trong các khái niệm liên thuộc đó.
  Phân biệt Quy trình và Phương pháp: Phương pháp được hiểu là tổng thể những yếu tố liên quan đến mục tiêu, định hướng, trình tự, cách thức, công cụ…để giải quyết một nhiệm vụ nhất định trong hoạt động của con người, như phương pháp sản xuất, phương pháp nghiên cứu khoa học, phương pháp dạy học, phương pháp tuyên truyền,v.v…Đặc điểm của Phương pháp là  có nhiều phương án lựa chọn kết hợp các yếu tố, bao gồm cả trình tự đã được quy định hoặc không được quy định. Vì vậy Quy trình không phải là yếu tố bắt buộc phải có trong phương pháp.
  Những điều cần bàn với nghiên cứu sinh chuyên ngành Quản lý Kinh tế:
1)   Không thể đồng nhất Quy trình với Phương pháp nghiên cứu luận án: Trong một số luận án khi nêu phương pháp nghiên cứu, NCS thường đưa ra ‘quy trình nghiên cứu’. Đây là sự nhầm lẫn khó chấp nhận vì thực chất chỉ là mô tả trình tự của quá trình nghiên cứu không nhất thiết có sự ràng buộc bởi quy định nào. Nếu trình tự đó đã được quy định sẵn thì thử hỏi: giá trị khám phá, sáng tạo của NCS ở đâu ?  luận án có xứng tầm với luận án TS không?
2) Quy trình không phải là yếu tố quyết định tất cả: Theo lý thuyết hệ thống (Điều khiển học) Quy trình chỉ là một trong nhiều yếu tố cấu thành hệ thống quản lý một loại hoạt động. Mỗi yếu tố đều có mục tiêu riêng và liên hệ tương tác với các yếu tố còn lại một cách hợp lý để tạo cả hệ thống vận động theo quỹ đạo và mục tiêu chung định trước. Chỉ cần một yếu tố hoạt động bất hợp lý cũng có thể ảnh hưởng đến các yếu tố còn lại, mặc dù Quy trình không có gì sai sót, hoặc vẫn được thực hiện “đúng quy trình”. Trường hợp này được gọi là “lỗi hệ thống”. Ví dụ: quy trình bổ nhiệm cán bộ chỉ là một yếu tố của Hệ thống cơ chế về quản lý cán bộ bên cạnh các yếu tố: luật cán bộ công chức, chính sách tiền lương, luật phòng chống tham nhũng, luật thanh tra, luật phòng chống tham nhũng, luật hình sự, luật doanh nghiệp…và còn cả những yếu tố ngoài cơ chế như nhân phẩm đạo đức của người có thẩm quyền ra quyết định và người được bổ nhiệm. Chỉ cần một những yếu tố  trên có ‘vấn đề’ thì bổ nhiệm cán bộ có thể vẫn được thực hiện ‘đúng quy trình” nhưng vẫn không chọn được cán bộ đủ đức đủ tài.
3) Quy trình không được coi là công cụ quản lý “vĩnh cửu”. Quy trình có thể lập ra từ kinh nghiệm hay từ luận cứ khoa học đầy đủ nhưng với thời gian và ảnh hưởng của tiến bộ khoa học kỹ thuật quy trình có thể lạc hậu, không đáp ứng đòi hỏi phát triển của hoạt động con người trong đời sống xã hội. Vì vậy quy trình cũ có xu hướng bị thay thế bởi những quy trình tiên tiến hơn. Chỉ cần quan sát quy trình tiếp nhận bệnh nhân tại các bệnh viện lớn ở Hà Nội hiện nay chúng ta cũng thấy đem đến nhiều tiện lợi cho người bệnh mà vẫn đảm bảo hạn chế được nhiều sai sót trong quản lý các khâu: khám, viết đơn, phát thuốc, thanh toán viện phí v.v … Đó là kết quả của sự áp dụng  công nghệ mới mà những năm 90 TK trước hầu như không có như máy in ticket xếp hàng, máy tính kết nối nội bộ, màn hình thông báo v.v… Cần biết rằng việc phá bỏ quy trình cũ để thay thế vào những quy trình mới đã trở thành một nội dung của Quy trình học-  ngành khoa học nghiên cứu phương pháp thiết lập, vận hành/điều hành, hoàn thiện, nâng cấp hoặc phá hủy Quy trình.
4) Quy trình có thể là đối tượng nghiên cứu của luận án:  Mặc dù đã có lý thuyết về phương pháp thiết lập quy trình trong Quy trình học, nhưng cũng giống như mọi khoa học nó cũng cần được tiếp tục nghiên cứu bổ sung hoàn thiện và vận dụng vào thực tiễn.  Lĩnh vực quản lý kinh tế được xem là một “mảnh đất” cho sự ra đời và phát triển của những quy trình. Tất nhiên khi đã được đưa vào đối tượng nghiên cứu của luận án thì kết quả không phải là sự áp đặt chủ quan, sao chép kinh nghiệm, mà phải có bằng chứng thử nghiệm và các lý giải khoa học. Những hoạt động sau (theo tôi) đáng đề chúng ta nghiên cứu /hoàn thiện quy trình: Định mức kinh tế-Kỹ thuật; Giao khoán và nghiệm thu sản phẩm; Tổ chức phân tích hoạt động kinh doanh, hoạt động hàng ngày của quản đốc phân xưởng v.v…
 N.T.B.
'BÁC SĨ MỔ NHẦM CHÂN BỆNH NHÂN LÀ NGƯỜI CÓ CHUYÊN MÔN GIỎI'
LÊ NGA/ VNEx 20-7-2016
bac-si-mo-nham-chan-benh-nhan-la-nguoi-co-chuyen-mon-gioi
Bệnh nhân Thảo đang điều trị tại Bệnh viện Việt Đức sau ca mổ nhầm chân. Ảnh: Lê Nga.
Thứ trưởng Bộ Y tế kiêm Giám đốc Bệnh viện Việt Đức Nguyễn Viết Tiến cho biết bác sĩ Phan Văn Hậu, phẫu thuật viên chính mổ nhầm chân bệnh nhân Trần Văn Thảo, nhiều năm cầm dao mổ và rất giỏi chuyên môn.
Theo Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Viết Tiến, bác sĩ Hậu không thuộc biên chế nhân sự hay hợp đồng lao động ở Bệnh viện Việt Đức mà công tác tại một trường đại học y, song thường xuyên tham gia công tác phẫu thuật tại Khoa Khám xương và Điều trị ngoại trú Bệnh viện Việt Đức. Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ Y tế, bác sĩ Hậu là người có chuyên môn giỏi và đã nhiều năm tham gia mổ cho bệnh nhân.
"Sự việc mổ nhầm chân cho bệnh nhân Thảo là trường hợp hy hữu đối với bệnh viện và cả với chính bác sĩ Hậu", Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cho biết. Tuy vậy quan điểm của Thứ trưởng Tiến là dù không mong muốn sự việc, lãnh đạo bệnh viện vẫn có trách nhiệm với bệnh nhân và có hình thức kỷ luật ê kíp mổ khi xác định rõ trách nhiệm.
Chiều 20/7 Giám đốc Bệnh viện Việt Đức đã ký quyết định tạm đình chỉ hoạt động phẫu thuật đối với bác sĩ Hậu do vi phạm nội quy, quy định chuyên môn của bệnh viện dẫn đến sự cố đáng tiếc. Bác sĩ Hậu có trách nhiệm phối hợp với hội đồng chuyên môn để xác định nguyên nhân sự cố. Thông tin đình chỉ ê kíp mổ trong đó có bác sĩ Hậu đã được lãnh đạo bệnh viện công bố trong họp báo sáng cùng ngày.
Sau sự việc, bác sĩ Hậu đã xin lỗi bệnh nhân. Tường trình của bác sĩ Hậu với lãnh đạo bệnh viện cho thấy khi vào phòng mổ, kíp phụ mổ đã chuẩn bị sẵn cho bệnh nhân và phủ vải chỉ chừa chân mổ nên bác sĩ tiến hành thao tác phẫu thuật mà không kiểm tra bệnh án.Bệnh nhân Thảo được đưa vào phòng mổ hôm 19/7 với chỉ định phẫu thuật chân trái do liệt thần kinh mác chung nên đi tập tễnh, cần mổ đưa cơ chày từ sau ra trước để phục hồi chức năng vận động. Bác sĩ Hậu đã mổ chân phải thay vì chân trái bệnh nhân. Nhầm lẫn được bệnh nhân phát hiện khi tỉnh dậy. Ngay trong ngày bác sĩ Hậu đã mổ lại chân trái cho anh Thảo.
Mặc dù bị mổ nhầm, hai chân phải băng bó và đang chịu đau, bệnh nhân Thảo vẫn chia sẻ rủi ro nghề nghiệp với bác sĩ Hậu. "Đây là sai sót y khoa không mong muốn, bệnh viện và bác sĩ đã nhận lỗi. Tôi cũng không trách móc gì thêm, chỉ mong bệnh nhanh khỏi để về nhà. Mong lãnh đạo bệnh viện đưa ra hình thức kỷ luật nhẹ nhất để bác sĩ có cơ hội cống hiến cho ngành y”, cả bệnh nhân Thảo lẫn người thân đều cho biết.
Lê Nga

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét