Thứ Tư, 13 tháng 7, 2016

20160714. BÌNH LUẬN SAU PHÁN QUYẾT CỦA PCA

SAU PHÁN QUYẾT TRỌNG TÀI, TRUNG QUỐC ĐÃ ÂM THẦM HỦY ĐƯỜNG 9 ĐOẠN ?
TRẦN CÔNG TRỤC/ GDVN 14-7-2016
Tiến sĩ Trần Công Trục, ảnh do tác giả cung cấp.
(GDVN) - Trung Quốc dường như đã âm thầm tự hủy bỏ yêu sách đường 9 đoạn, bằng cách không nhắc đến nó trong yêu sách chính thức và mới nhất.
LTS: Hội đồng Trọng tài do Tòa Trọng tài Thường trực thành lập theo Phụ lục VII, UNCLOS 1982 xét xử vụ kiện trọng tài Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc ra phán quyết cuối cùng ngày hôm qua 12/7 đã gây sự chú ý đặc biệt của dư luận quốc tế cũng như trong nước.
Trung Quốc đã chính thức lên tiếng về phán quyết của Hội đồng Trọng tài và nhắc lại lập trường "3 Không" của họ, đồng thời Trung Quốc đã ra "Tuyên bố của Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về chủ quyền lãnh thổ và quyền lợi biển ở Biển Đông" rất đáng chú ý, đăng trên Tân Hoa Xã lúc 17 giờ 47 phút 44 giây chiều qua, giờ Bắc Kinh.
Tiến sĩ Trần Công Trục, chuyên gia về biên giới lãnh thổ và UNCLOS 1982 gửi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài phân tích của ông xung quanh những vấn đề nóng bỏng đang được dư luận hết sức quan tâm, xin trân trọng giới thiệu đến quý bạn đọc.
Phán quyết của Hội đồng Trọng tài thành lập theo Phụ lục VII, UNCLOS 1982 (sau đây gọi là Tòa) xét xử vụ kiện trọng tài Biển Đông giữa Philippines là một thắng lợi to lớn của công lý, luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982.
Phán quyết này thể hiện sự công tâm, khách quan và thượng tôn pháp luật cũng như trình độ uyên bác, hiểu biết cặn kẽ các quy định trong UNCLOS 1982 và nỗ lực hết mình vì công lý của 5 vị Thẩm phán.
Hai điểm sáng trọng yếu trong phán quyết của Tòa 
Đây là cơ sở pháp lý quan trọng trong việc giải thích, áp dụng UNCLOS 1982 ở Biển Đông, đặc biệt là những khái niệm về "quyền lịch sử" hay hiệu lực pháp lý của các thực thể, điều kiện xác lập các vùng biển của các thực thể là đảo, đá, bãi cạn lúc nổi lúc chìm ở Biển Đông đã được Tòa làm rõ.
Mặc dù trước thời điểm có phán quyết, ngay trong giới nghiên cứu quan sát quốc tế cũng như trong nước đã có những nhận định khác nhau về khả năng Tòa sẽ ra phán quyết về nội dung nào.
Đặc biệt là 2 nội dung liên quan đến yêu sách đường 9 đoạn của Trung Quốc và hiệu lực pháp lý của các thực thể ở Trường Sa, Scarborough. Phán quyết của Tòa có thể nói là thành công mỹ mãn trong việc làm rõ các vấn đề ứng dụng, giải thích Công ước.
Theo tôi có hai điểm quan trọng cần đặc biệt nhấn mạnh và nghiên cứu kỹ trong phán quyết của Tòa để tiếp tục phát huy giá trị của phán quyết trong việc bảo vệ hòa bình, ổn định ở Biển Đông, giải quyết các tranh chấp tiếp theo thông qua biện pháp hòa bình và phù hợp với luật pháp quốc tế.
Thứ nhất về "quyền lịch sử" và "đường 9 đoạn", phán quyết của Tòa nêu rõ:
"Toà Trọng tài nhận thấy có thẩm quyền để xem xét tranh chấp giữa các bên liên quan đến quyền lịch sử và nguồn của quyền hưởng các vùng biển tại Biển Đông.
Về mặt nội dung thực chất, Toà kết luận rằng Công ước quy định một cách toàn diện về các quyền đối với các vùng biển, và việc bảo vệ các quyền tồn tại trước Công ước liên quan đến tài nguyên đã được xem xét, nhưng chúng không được thông qua và quy định tại Công ước. 
Theo đó, Tòa kết luận rằng trong phạm vi quyền lịch sử của Trung Quốc đối với các nguồn tài nguyên trong các vùng biển ở Biển Đông, quyền này bị xóa bỏ do chúng không phù hợp với chế định vùng đặc quyền kinh tế trong Công ước. 
Toà cũng nhận thấy dù trong lịch sử, những người đi biển cũng như ngư dân từ Trung Quốc cũng như từ các nước khác đã sử dụng các đảo tại Biển Đông nhưng không có bất kỳ bằng chứng nào cho thấy về mặt lịch sử Trung Quốc đã chỉ một mình thực hiện việc kiểm soát vùng nước này cũng như tài nguyên tại đây. 
Vì vậy, Toà kết luận không có cơ sở pháp lý để Trung Quốc yêu sách quyền lịch sử đối với tài nguyên tại các vùng biển phía bên trong đường 9 đoạn."
Nói cách khác, Tòa đã làm rất rõ về "quyền lịch sử" đối với "tài nguyên tại các vùng biển phía bên trong đường 9 đoạn", chứ không phải "chủ quyền lịch sử" với các thực thể đảo, đá, bãi cạn lúc nổi lúc chìm bên trong đường 9 đoạn" như cách giải thích của Trung Quốc.Như vậy có thể thấy, Tòa không chỉ bác bỏ yêu sách đường lưỡi bò phi lý, mơ hồ, vô căn cứ của Trung Quốc ở Biển Đông như dư luận mong đợi, mà quan trọng hơn nữa Tòa đã kết luận kông có cơ sở pháp lý để Trung Quốc yêu sách quyền lịch sử đối với "tài nguyên tại các vùng biển phía bên trong đường 9 đoạn".
Điều này có ý nghĩa vô cùng quan trọng.
Một là thể hiện rõ tính đúng đắn và hợp pháp của phán quyết vì phán quyết này là việc ứng dụng, giải thích UNCLOS 1982 chứ không liên quan đến "chủ quyền / lãnh thổ" và phân định biển, nên Trung Quốc không thể bác bỏ;
Hai là bác bỏ "quyền lịch sử" với các tài nguyên biển bên trong đường 9 đoạn, hoàn toàn phù hợp với quy định của UNCLOS 1982.
Thứ hai là về quy chế của các cấu trúc, phán quyết của Tòa làm rõ:
"Trước tiên, Toà tiến hành đánh giá liệu một số bãi do Trung Quốc yêu sách có nổi khi thuỷ triều lên đỉnh hay không. Các cấu trúc nổi khi thủy triều lên cao sẽ tạo ra quyền ít nhất đối với lãnh hải tối đa 12 hải lý, trong khi các cấu trúc chìm khi thuỷ triều lên cao sẽ không tạo ra quyền như vậy. 
Toà nhận thấy rằng các bãi này đã bị làm biến đổi mạnh mẽ do việc bồi đắp, xây dựng và Toà cũng nhắc lại rằng Công ước phân loại các cấu trúc dựa trên điều kiện tự nhiên của chúng và dựa vào các tài liệu lịch sử để đánh giá các cấu trúc. 
Sau đó, Toà tiến hành đánh giá liệu các có cấu trúc nào trong số các cấu trúc do Trung Quốc yêu sách có thể tạo ra vùng biển ngoài phạm vi 12 hải lý không.
Theo Công ước, các đảo tạo ra vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa nhưng các “đảo đá không thích hợp cho con người đến ở và có đời sống kinh tế riêng không có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa”.
Toà kết luận rằng quy định này phụ thuộc vào khả năng khách quan của các cấu trúc khi chúng ở tình trạng tự nhiên để có thể duy trì một cộng đồng dân cư ổn định hoặc các hoạt động kinh tế mà không phụ thuộc vào các nguồn lực từ bên ngoài hoặc hoàn toàn chỉ có tính chất khai thác. 
Toà cũng nhận thấy rằng sự có mặt của các nhân viên công vụ trên các cấu trúc là phụ thuộc vào sự hỗ trợ từ bên ngoài và không phản ánh khả năng của các cấu trúc.
Toà cũng thấy rằng các bằng chứng lịch sử có ý nghĩa hơn và nhận thấy quần đảo Trường Sa trong lịch sử được sử dụng bởi một số nhóm nhỏ các ngư dân và rằng đã có một vài hoạt động khai thác phân dơi và đánh cá của Nhật Bản.
Toà kết luận rằng việc việc sử dụng ngắn hạn như vậy không phải là sự định cư của một cộng đồng ổn định và rằng các hoạt động kinh tế trong lịch sử chỉ là hoạt động mang tính khai thác. 
Theo đó, Toà kết luận rằng không một cấu trúc nào tại Trường Sa có khả năng tạo ra các vùng biển mở rộng.
Toà cũng quyết định rằng các đảo Trường Sa không thể cùng nhau tạo ra các vùng biển như một thực thể thống nhất.
Trên cơ sở kết luận không một cấu trúc nào mà Trung Quốc yêu sách có khả năng tạo ra vùng đặc quyền kinh tế."
Nhưng cũng có một vài học giả lo ngại vì Trung Quốc kiên quyết không làm rõ đường 9 đoạn là đường gì, vùng biển bên trong đường 9 đoạn gọi là gì và Tòa phải có trách nhiệm làm rõ nó, nên hoài nghi khả năng có phán quyết về đường 9 đoạn.Có thể nói nhóm nội dung thứ 2 trong phán quyết của Tòa là điều trên cả mong đợi. Bởi tính phi lý, mơ hồ và nguy hiểm của đường 9 đoạn gây nên nhiều bức xúc trong dư luận khu vực và quốc tế thì ai cũng thấy. Bởi vậy trước phán quyết, hầu hết các học giả đều cho rằng Tòa sẽ bác bỏ nó.
Kết quả phán quyết là câu trả lời không thể thuyết phục hơn, không thể đầy đủ hơn.
Còn riêng về hiệu lực pháp lý của các vùng biển, việc xác định nó là công việc khó khăn, phức tạp và đặc biệt nhạy cảm về chính trị.
Điều này thể hiện rõ trong thái độ, phản ứng của Trung Quốc với các hoạt động tuần tra tự do hàng hải, hàng không của Hoa Kỳ bên trong phạm vi 12 hải lý một số cấu trúc ở Trường Sa, Hoàng Sa.
Bởi vậy dù rất mong muốn Tòa sẽ làm rõ điều này, nhưng trước khi có phán quyết, cá nhân người viết cũng không dám hy vọng quá nhiều.
Phán quyết của Tòa đã cung cấp một câu trả lời hết sức thuyết phục, khách quan và có ý nghĩa quan trọng trong việc thu hẹp các phạm vi tranh chấp trên Biển Đông trong thời gian tới.
Ở nhóm nội dung thứ 2 này của phán quyết, cá nhân tôi cho rằng cần đặc biệt lưu ý 2 điểm:
Một là "không một cấu trúc nào Trung Quốc yêu sách có khả năng tạo ra một vùng đặc quyền kinh tế".
Đây là tham chiếu rất cụ thể cho chúng ta soi lại vụ giàn khoan 981 Trung Quốc cắm bất hợp pháp trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam hoàn toàn không có tranh chấp.
Nhưng họ lập luận rằng vị trí cắm giàn khoan 981 nằm trong "vùng biển Hoàng Sa". Đây là khái niệm chung chung, không phải khái niệm pháp lý.
Nhưng có thể hiểu rằng, Trung Quốc muốn ám chỉ "vùng đặc quyền kinh tế" 200 hải lý của một hoặc một vài thực thể thuộc quần đảo Hoàng Sa, hoặc vùng đặc quyền kinh tế của cả quần đảo Hoàng Sa.
Hai là "các đảo ở Trường Sa không thể cùng nhau tạo ra các vùng biển như một thực thể thống nhất".
Năm 1996 khi phê chuẩn UNCLOS 1982, Trung Quốc đã ra tuyên bố về đường cơ sở thẳng để tính chiều rộng lãnh hải cho Hoàng Sa.Nói cách khác, Trường Sa không thể có đường cơ sở thẳng để tính chiều rộng lãnh hải, và do đó không thể có lãnh hải chung, vùng đặc quyền kinh tế chung cho cả quần đảo như với chế độ của "quốc gia quần đảo" quy định tại Điều 47, UNCLOS 1982.
Người viết cho rằng đây là một sự giải thích sai, áp dụng sai Điều 47, UNCLOS 1982. Nội dung phán quyết này của Tòa về Trường Sa cho ta một tham chiếu và minh chứng cụ thể cho nhận định này.
Điều này đặc biệt quan trọng.
Xin hãy lưu ý rằng kể từ 2009 đến nay, cứ khi nào Trung Quốc thích gây chuyện với Việt Nam trên Biển Đông, đặc biệt là dùng giàn khoan khổng lồ, họ thường chọn vị trí ở cửa vịnh Bắc Bộ mở rộng chưa phân định, hoặc vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa hợp pháp của ta nhưng lập luận rằng đó là "vùng biển Hoàng Sa".
Trung Quốc không kéo giàn khoan ra các vị trí khác mà chỉ loanh quanh khu vực này là có lý do của họ.
Có khả năng Trung Quốc âm thầm tự hủy đường 9 đoạn, nhưng tham vọng không thay đổi
"Tuyên bố của Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về chủ quyền lãnh thổ và quyền lợi biển ở Biển Đông" công bố trên Tân Hoa Xã lúc 17 giờ 47 phút 44 giây chiều qua giờ Bắc Kinh đặc biệt đáng chú ý.
Đây là lập trường chính thức, công khai, mới nhất của Trung Quốc về các vấn đề Biển Đông và được công bố ngay sau phán quyết của Tòa.
Nhà nước Trung Quốc tuyên bố có "chủ quyền lãnh thổ và quyền lợi biển ở Biển Đông", bao gồm 4 nội dung:
1) Trung Quốc (tuyên bố) có chủ quyền đói với các đảo ở Biển Đông, bao gồm quần đảo Đông Sa, quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trung Sa và quần đảo Trường Sa.
2) Các đảo Trung Quốc (nhận là có chủ quyền) ở Biển Đông có nội thủy, lãnh hải và vùng tiếp giáp lãnh hải.
3) Các đảo Trung Quốc (nhận là có chủ quyền) ở Biển Đông có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.
4) Trung Quốc có quyền lịch sử ở Biển Đông
Như vậy Trung Quốc không nhắc gì đến đường 9 đoạn, ngay cả "quyền lịch sử" mà Trung Quốc đề cập trong nội dung thứ 4 cũng không nói là trong phạm vi đường 9 đoạn.
Trung Quốc không có bản đồ đính kèm về cái gọi là "quyền lịch sử trong đường 9 đoạn" như 2 bản Công hàm gửi Liên Hợp Quốc năm 2009.
Thông tin duy nhất về đường lưỡi bò được tuyên bố này nhắc lại trong đoạn:
"Sau khi kết thúc Chiến tranh Thế giới II, Trung Quốc đã thu hồi các đảo ở Biển Đông từng bị Nhật Bản chiếm đóng phi pháp trong chiến tranh, đồng thời khôi phục thực thi chủ quyền.
Chính phủ Trung Quốc đã tăng cường quản lý các đảo ở Biển Đông, năm 1947 thẩm định tên gọi các đảo ở Biển Đông và biên tập thành cuốn "Nam Hải chư đảo địa lý chí lược" (tạm dịch: Khảo lược địa lý các đảo ở Biển Đông), đồng thời vẽ "Bản đồ vị trí các đảo ở Biển Đông" có đường đứt đoạn liên tục, tháng 2 năm 1948 thì chính thức công bố với thế giới".
Lời văn này cho thấy, đường 9 đoạn chỉ đơn giản là đường đứt đoạn liên tục Trung Quốc vẽ ra để "quây" các đảo ở Biển Đông lại, nhận các đảo này là thuộc "chủ quyền / lãnh thổ" của họ. Ngoài ra đường 9 đoạn không có ý nghĩa nào khác. 
Ảnh chụp bản đồ có đường 9 đoạn đính kèm trong Công hàm Trung Quốc gửi Liên Hợp Quốc năm 2009, nguồn ảnh: Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ. Đường gạch chéo màu đỏ do Ban Biên tập thêm vào để khẳng định tính chất phi lý, sai trái của nó, đồng thời bác bỏ cái gọi là yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam mà Trung Quốc chú thích trong bản đồ này với 2 cái tên sai trái "Xisha Qundao" ở Hoàng Sa và "Nansha Qundao" ở Trường Sa.

Sơ bộ có thể nhận xét: 
Hơn nữa, cũng theo Tân Hoa Xã ngày 12/7 thì Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khi phát biểu về phán quyết của Tòa đã không nhắc gì tới đường 9 đoạn, chỉ bảo lưu quan điểm của Trung Quốc về "chủ quyền đối với các đảo ở Biển Đông".
Một là, Trung Quốc dường như đã âm thầm tự hủy bỏ yêu sách đường 9 đoạn, bằng cách không nhắc đến nó trong yêu sách chính thức và mới nhất về "chủ quyền lãnh thổ và quyền lợi biển" ở Biển Đông.
Hai là, 4 nội dung Trung Quốc nêu ra trong tuyên bố mới nhất đã tự thu hẹp đáng kể phạm vi tranh chấp trên Biển Đông. Cụ thể các tranh chấp còn lại hậu vụ kiện trọng tài là: 
Chủ quyền đối với các đảo / đá / bãi cạn lúc nổi lúc chìm ở Biển Đông;
Áp dụng và giải thích UNCLOS 1982 đối với các đảo / đá / bãi cạn lúc nổi lúc chìm ở Biển Đông về việc các thực thể này có hay không có, sẽ có những vùng biển hiệu lực nào;
Chồng lấn các vùng biển tạo ra bởi các đảo / đá / bãi cạn lúc nổi lúc chìm ở Biển Đông cũng như giữa các vùng biển này với vùng đặc quyền kinh tế của Philippins, Malaysia;
Quyền lịch sử của Trung Quốc ở Biển Đông là gì?
Ba là, tham vọng của Trung Quốc trên Biển Đông vẫn chưa thay đổi, chỉ chuyển đổi hình thức thể hiện từ đường 9 đoạn qua yêu sách "vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa các đảo".
Bởi nếu Trung Quốc đòi yêu sách này với cả Hoàng Sa, Trường Sa, Scarborough thì cũng gần hết Biển Đông.
Bốn là, nguyên tắc pháp lý giải quyết tranh chấp Trung Quốc nêu ra trong "Tuyên bố của Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về chủ quyền lãnh thổ và quyền lợi biển ở Biển Đông" còn rất chung chung và dễ gây nhầm lẫn: Luật pháp quốc tế bao gồm UNCLOS 1982.
Như vậy có thể thấy, Trung Quốc đã có những bước hiệu chỉnh âm thầm sau phán quyết của Tòa.
Dù về mặt công khai, Trung Quốc vẫn duy trì lập trường 3 Không, nhưng bản chất vẫn là "ông nói gà, bà nói vịt" vì Tòa phán quyết một chuyện, Trung Quốc lại phản đối một chuyện khác, hai  vấn đề không liên quan đến nhau.
Điều này một lần nữa minh chứng, luật pháp quốc tế có giá trị không thể nghĩ bàn trong việc duy trì công lý, hòa bình, ổn định ở Biển Đông và giải quyết hòa bình các tranh chấp, mâu thuẫn quốc tế, dù về mặt công khai các bên liên quan có đồng ý hay không.
Một lần nữa người viết bày tỏ sự khâm phục và biết ơn những nỗ lực không mệt mỏi của Hội đồng Trọng tài 5 thẩm phán thụ lý vụ kiện trọng tài Biển Đông này.
Không những thế, cả 5 thẩm phán đã rất xuất sắc và tinh tế để tìm ra những vấn đề cốt lõi nhất của việc giải thích, ứng dụng UNCLOS 1982 trên Biển Đông mà Trung Quốc cố tình đánh tráo khái niệm và bản chất vấn đề từ áp dụng, giải thích UNCLOS 1982 thành "tranh chấp chủ quyền / lãnh thổ".
Phán quyết này còn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với các học giả Trung Quốc chân chính như Giáo sư Lý Lệnh Hoa trong việc đấu tranh, phân tích, làm rõ các yêu sách, các tranh chấp ở Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế.
Thời gian qua trong giới nghiên cứu Trung Quốc, đã có không ít tiếng nói từ những nhà khoa học chân chính đặt vấn đề về căn cứ pháp lý của đường 9 đoạn, cũng như yêu sách chủ quyền Trung Quốc đưa ra đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và bãi cạn Scarborough.
Tuy nhiên dường như họ còn yếu thế trước một số quan điểm hung hăng, hiếu chiến đang chiếm thế thượng phong, trong khi bản chất các vấn đề, tranh chấp ở Biển Đông rất khó khăn, phức tạp. Những nhà nghiên cứu chân chính như Giáo sư Lý Lệnh Hoa có thể bị những quan điểm chống đối quy chụp ông bất cứ lúc nào.
Bởi vậy, việc 5 Thẩm phán Hội đồng Trọng tài làm rõ về việc ứng dụng, giải thích UNCLOS 1982, đặc biệt là về "quyền lịch sử đối với các tài nguyên biển trong đường 9 đoạn" và hiệu lực pháp lý các cấu trúc ở Trường Sa, Scarborough sẽ củng cố thềm lòng tin của họ vào công lý, lẽ phải để tiếp tục theo đuổi chân lý, vì hòa bình, ổn định của khu vực, và cũng chính là để bảo vệ uy tín, danh dự và tương lai của dân tộc Trung Hoa.
Vấn đề còn lại là các bên liên quan làm sao phát huy tốt nhất hiệu lực, hiệu quả phán quyết này để bảo vệ hòa bình, ổn định và luật pháp quốc tế ở Biển Đông cũng như quyền và lợi ích chính đáng của các bên. 
Do đó thiết nghĩ, dư luận quốc tế, khu vực và nhất là Việt Nam cần hiểu rõ, nắm chắc nội dung, ý nghĩa của phán quyết. Đặc biệt cần chú ý rằng, đây là thắng lợi của công lý, công pháp quốc tế, UNCLOS 1982, sự thật và lẽ phải. Không nên xoáy vào chuyện thắng thua, hơn thua cụ thể.
Phán quyết này mới bước đầu giải quyết được chỉ một trong số nhiều tranh chấp phức tạp ở Biển Đông.
Do đó không nên coi đó là chìa khóa vạn năng cho mọi vấn đề, cần tỉnh táo để tính toán những bước đi tiếp theo, tránh sử dụng phán quyết như công cụ để công kích, hạ bệ nhau, bởi điều đó càng làm cho phán quyết khó thực thi.
Diễn biến Biển Đông sẽ ra sao sau phán quyết của Tòa, chúng tôi sẽ trở lại phân tích trong bài viết tới.
Tài liệu tham khảo:
Tuyên bố của Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về chủ quyền lãnh thổ và quyền lợi biển ở Biển Đông:
Phát biểu của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sau vụ kiện Trọng tài Biển Đông:
Ts Trần Công Trục

KHÓC CÁ, KHÓC BIỂN VÀ KHÓC NGƯỜI

NGÔ NHÂN DỤNG/ NV/ BVN 14-7-2016
 
Hôm qua, Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) đã tuyên án vụ Philippines kiện Trung Quốc. Tập hồ sơ 497 trang giấy đã khẳng định: “Trung Quốc không có cơ sở pháp lý nào để đòi chủ quyền trong vùng biển nằm trong ‘đường 9 đoạn’,” cũng gọi là Đường Chữ U hay Lưỡi Bò.
Cộng đồng thế giới văn minh hoan nghênh và yêu cầu hai nước thi hành ngay phán quyết này. Cộng sản Việt Nam cũng hoan nghênh, nhân dịp tái xác nhận chủ quyền Việt Nam trên các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Nhưng chỉ “nói suông,” không có một lời nào yêu cầu Trung Cộng thi hành. Họ bảo “sẽ có tuyên bố về nội dung phán quyết” sau, khiến dân Việt Nam ngạc nhiên trước thái độ dè dặt không cần thiết này.
Chỉ phán xử một phần trong số 15 điểm do Manila nêu ra, Tòa Trọng tài tuyên bố rằng, nói chung, không một hòn đảo hay bãi đá ngầm nào ở Trường Sa có khả năng duy trì đời sống con người, cho nên không chỗ nào có thể biến thành vùng đặc quyền kinh tế hoặc thềm lục địa của bất cứ nước nào, như Trung Cộng vẫn đòi hỏi.
Tòa Trọng tài Thường trực PCA, thành lập năm 1899 tại The Hague (La Haye, Den Hagg trong tiếng Hòa Lan) do sáng kiến của Sa Hoàng nướcNga, là tổ chức quốc tế lâu đời nhất thế giới chuyên xử các tranh chấp quốc tế bằng giải pháp trọng tài. Như trong vụ xử vừa qua, tòa căn cứ vào Công ước Luật Biển Liên Hiệp Quốc (UNCLOS) mà chính Bắc Kinh đã ký kết. Phán quyết của tòa PCA là một đòn đánh mạnh trên chủ trương, thái độ và các hành động xâm lấn, gây hấn của Trung Cộng từ năm 1974 đến nay, từ khi họ đánh chiếm Hoàng Sa của nước ta. Nhìn vào những thắng lợi của Phi Luật Tân, người Việt Nam thấy tủi thân! Tại sao dân Việt Nam không được hưởng những thắng lợi đó?
Tòa đã gay gắt lên án Trung Quốc đã xâm phạm quyền chủ quyền của Philippines tại Vùng Đặc quyền kinh tế của nước này. Toà cũng kết tội các tầu hải giám Trung Quốc gây nguy hiểm khi đâm, đụng với tàu đánh cá Philippines, một điều mà đáng lẽ chính quyền Việt Nam phải đứng ra thưa kiện từ mấy chục năm trước. PCA tuyên bố một số những vùng biển đang tranh chấp hoàn toàn thuộc vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines, xác định Trung Quốc đã vi phạm chủ quyền của nước này. Đây là một điểm có thể áp dụng cho Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, nếu chính quyền Hà Nội dám kiện.
Hơn nữa, Toà kết tội Trung Quốc đã “gây hại không thể khắc phục môi trường biển,” đặc biệt là đối với các vùng san hô. Việt Nam cũng là một nạn nhân của tội ác này! Tòa nói rõ rằng luật biển UNCLOS “không cho phép dùng một nhóm đảo để thiết lập các khu quân sự,” như Trung Cộng đang làm sát nách nước ta! Trung Cộng còn bị lên án khi xây các đảo nhân tạo ở vùng đặc quyền kinh tế của nước khác; đồng thời lại phá huỷ bằng chứng về điều kiện tự nhiên ở Biển Đông, và các hành động này làm cho xung đột ở Biển Đông thêm trầm trọng. Việt Nam là một nạn nhân trực tiếp của các hành động xâm lấn phi pháp này, nhưng lại không dám kiện!
Phán quyết của Tòa Trọng tài đã đặt một căn bản pháp lý rõ ràng, vững chắc cho tất cả các nước khác đang tranh chấp với Trung Cộng trong vùng Biển Đông. Nếu đối với Philippines Trung Cộng không có thẩm quyền trên cả vùng Chữ U, thì điều này cũng áp dụng cho tất cả các nước khác; họ có thể căn cứ vào đó mà hành động, nếu can đảm.
Nhưng dân Việt Nam không hy vọng nhà cầm quyền Việt Cộng can đảm. Mà chính quyền Trung Cộng cũng biết thế. Một học sinh có tánh hay dọa dẫm, bắt nạt ở trong sân trường thường có khả năng nhìn là thấy ngay đứa bạn nào dễ bắt nạt, thằng nào đụng tới nó sẽ đánh lại ngay. Trong lúc PCA đưa ra bản phán quyết thì báo chí ở Việt Nam loan tin tàu Trung Cộng đã đánh chìm thêm nhiều tàu đánh cá Việt Nam trong vùng quần đảo Trường Sa. Việt Nam sẽ thưa kiện hay không? Tất cả những gì Philippines mới thắng đối với Trung Cộng, Việt Nam có thể còn thắng mạnh hơn! Việc đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa năm 1974, chiếm đảo Gạc Ma năm 1988 còn đó, chưa ai quên. Tòa Trọng Tài có thể dứt khoát bắt Trung Cộng trả lại! Nhưng mấy chục năm nay rồi, Việt Cộng không hề dám hó hé.
Nhưng Việt Cộng lại rất nhanh đàn áp mạnh tay những người dân Việt dám phản đối Trung Cộng. Hôm Chủ nhật vừa rồi, công an Việt Cộng đã tấn công Lã Việt Dũng, một người trong nhóm No-U, một nhóm lâu nay vẫn biểu tình chống Đường Chữ U của Trung Cộng. Anh Lã Việt Dũng bị bắt sau khi đi dự một bữa tiệc với “đội bóng No-U.” Năm sáu tên công an đã bám sát Lã Việt Dũng, xúm lại dùng gạch đánh vào đầu anh. Vụ “đánh phủ đầu” này chắc để ngăn chặn trước khi Tòa Trọng tài tuyên án, không cho nhóm No-U tổ chức ăn mừng vì PCA đồng ý với họ!
Trước đó hôm Thứ Bảy, công an tỉnh Nghệ An đã bắt và đánh tám người trong Hội Anh em Dân chủ khi họ từ Quảng Bình qua Nghệ An dự đám cưới. Các nạn nhân còn bị trấn lột mất hết tiền, giấy tờ, điện thoại và cả quần áo! Cùng ngày, công an Sài Gòn bắt cóc Nguyễn Viết Dũng đưa lên máy bay bắt trở về Vinh, rồi bị và đưa đi tra khảo. Trước đó nữa, ngày Thứ Năm, công an tỉnh Quảng Bình đàn áp hai ngàn đồng bào biểu tình “khóc cá,” đòi đóng cửa nhà máy thả chất độc giết cá của công ty Formosa. Nhiều đồng bào bị đánh trọng thương; như Linh mục Phero Hoàng Anh Ngoi, giáo sứ Cồn Se, huyện Quảng Trạch làm chứng.
Cho công an đàn áp người dân Việt, chính quyền cộng sản đang tiếp tay cho hải quân Trung Cộng trong chiến dịch đe dọa, trước ngày Tòa Trọng Tài tuyên án. Ngoài biển thì Trung Cộng cho tập trận, bắn đạn thật, trong vùng biển nằm ngoài khơi bốn tỉnh bị nạn cá chết. Trong đất liền thì Việt Cộng bắt, đánh tất cả những người dân có can đảm phản đối Trung Cộng. Hai đảng Cộng sản cùng tấn công trên hai mặt trận, đúng như lời “vừa là đồng chí, lại là anh em!”
Sau bản án của Tòa Trọng tài phủ nhận tham vọng bành trướng của họ, Trung Cộng sẽ còn tiếp tục gây hấn. Các nước lớn trong khối G-7, không có Nga, lên tiếng yêu cầu Trung Cộng phải thi hành bản án, nhưng Bộ Ngoại Giao Bắc Kinh phủ nhận hoàn toàn thẩm quyền của một tòa án quốc tế đã ngoài 200 tuổi. Trung Cộng có thể rút khỏi Công ước luật Biển Liên Hiệp Quốc năm 1982 (UNCLOS), rồi công bố một vùng Nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông để làm dữ. Tùy theo thái độ của chính phủ Philippines, Trung Cộng có thể sẽ khiêu khích, xây dựng phi trường trên bãi cạn Scarborough của Phi đã bị cưỡng chiếm. Lúc đó, Trung Cộng sẽ phải trực diện đối đầu với cả hai nước Phi và Mỹ.
Trong mấy tháng gần đây Mỹ đã đưa nhiều mẫu hạm và tàu chiến tới vùng Biển Đông để biểu dương quyền tự do hàng hải. Bản án của Tòa Trọng tài cho chính phủ Mỹ một căn bản pháp lý vững vàng tiếp tục hành động này. Cuộc đương đầu trực tiếp giữa hai cường quốc khó xảy ra, nhưng nếu biết lợi dụng cơ hội này thì tất cả các nước Đông Nam Á có thể dựa vào mà cứng rắn hơn trước tham vọng bành trướng của Bắc Kinh.
Điều đáng buồn cho dân tộc Việt Nam là chính quyền cộng sản chỉ tỏ ra sợ hãi và quỵ lụy đối với “đồng chí anh em” Trung Cộng.
Hiển nhiên nhất là trong vụ hai chiếc máy bay Su-30MK2 và CASA 212 mất tích. Nhạc sĩ Tô Hải đã nhìn thấy chính quyền Việt Cộng “bí, bí, mật, mật, chắp vá lung tung,” khiến dân phải “đoán mò, làm câu chuyện rơi máy bay” ngày càng thêm huyền bí. Hai chiếc máy bay có đi vào vùng hải quân Trung Cộng sắp thao diễn hay không? Họ gặp tai nạn hay bị tấn công? Không ai biết! Viên phi công trên chiếc máy bay được đồng bào cứu thoát hiện nay đang ở đâu? Không ai biết! Tại sao phi hành đoàn chín người thuộc Lữ đoàn 918, Quân chủng phòng không không quân cũng chết tức tưởi? Không ai biết! Một điều Tô Hải biết chắc là nhân dân “không ai tin là nhà nước nói thật nữa!” Bây giờ Việt Cộng không thể nói chiếc CASA 212 gặp tai nạn nữa, vì dân chài đã vớt được 130 mảnh vỡ, không biết do ai bắn mà vỡ. Cuối cùng, nếu hỏi ai là thủ phạm giết chết các phi công, bắn hạ hai chiếc phi cơ, toàn dân Việt Nam sẽ chỉ tay về phía bắc!
Tình trạng che đậy, bưng bít của Việt Cộng trong vụ hai máy bay gặp nạn chỉ “vạch áo cho Trung Cộng xem lưng!” Nó biết là mình sợ! Nó sẽ đe dọa mạnh hơn, làm dữ hơn, vì nó biết một chính quyền đã mất hết nhân tâm thì càng yếu, càng dễ bắt nạt!
Sau khi khóc những con cá chết oan dọc 240 cây số bở biển, sau khi khóc cả vùng biển do cha ông để lại đã bị đầu độc, bị giết chết, nay người dân Việt Nam lại khóc những phi công và quân nhân chết tức tưởi trên mặt biển nước mình, trong khi chính quyền vẫn bảo vệ bí mật!
Tô Hải kết luận niềm bí mật này “xuất phát từ thói quen “độc quyền tư tưởng”, “độc quyền ăn nói.” Liệu một dân tộc có thể chỉ biết khóc, khóc, và khóc mãi hay không? Phải gạt nước mắt, đứng lên đòi tự do dân chủ!
N. N. D.
Ý NGHĨA 5 THẤT BẠI CỦA TRUNG QUỐC TẠI TÒA ÁN LA HAYE
THANH HÀ/ BVN 14-7-2016
clip_image002
Trụ sở Tòa Án Trọng Tài Thường Trực ở La Haye, Hà Lan. Ảnh: Wikipedia
Trong phán quyết ngày 12/07/2016, Tòa án Trọng tài Thường trực đã nêu lên 5 điểm cho thấy Trung Quốc thua Manila tại La Haye. Giới phân tích đánh giá thế nào về 5 điểm cụ thể đó? Đâu là bước kế tiếp cho Biển Đông? Phân tích của hai nhà báo David Tweed và Jason Koutsoukis thuộc hãng tin Bloomberg.
Trước hết trở lại với phán quyết rất được mong đợi của Tòa án La Haye về vụ kiện Biển Đông. Liên quan đến 5 điểm được chú ý gồm: thứ nhất, các đòi hỏi của Trung Quốc về các vùng trong bản đồ “đường 9 đoạn” không có cơ sở pháp lý. Thứ hai là không một thực thể nào trong quần đảo Trường Sa có thể tạo ra vùng biển mở rộng.
Thứ ba là một số vùng biển mà Trung Quốc đòi hỏi nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines và điểm thứ tư là Bắc Kinh đã vi phạm các quyền chủ quyền của Philippines trong vùng đặc quyền kinh tế. Sau cùng, việc bồi đắp xây 7 thực thể của Trung Quốc đã gây tổn hại nghiêm trọng cho môi trường sinh thái biển.
Về điểm thứ nhất là bản đồ “đường lưỡi bò”, Tòa án La Haye cho rằng Trung Quốc không thể viện chứng cớ lịch sử để đòi hỏi quyền làm chủ các nguồn tài nguyên ở bên trong bản đồ đường 9 đoạn.
Liên quan đến điểm thứ nhì, hai tác giả bài báo chỉ chú ý đến Ba Bình (Itu Aba), thực thể quan trọng nhất trong khu vực Trường Sa, và nhấn mạnh là Tòa khẳng định đây chỉ là một “bãi đá” và do vậy không thể thiết lập vùng đặc quyền kinh tế chung quanh Ba Bình. Philippines, Trung Quốc và các bên tranh chấp khác cần đàm phán để tìm một thỏa thuận chung. Tòa muốn nói đến Đài Loan, vì Đài Loan cũng căn cứ trên bản đồ năm 1947 để khẳng định chủ quyền tại Ba Bình.
Nhìn đến quyền đánh bắt hải sản, Tòa án La Haye trong phán quyết ngày 12/07/2016 cho rằng Bắc Kinh vi phạm luật pháp khi để cho các tàu cá xâm nhập vào vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines. Bloomberg nhắc lại, vào tháng 6/2016 đã xảy ra nhiều vụ tàu cá Trung Quốc đối đầu với lực lượng tuần duyên Indonesia và Jakarta đã phải thông qua ngân sách bổ sung cho bộ Quốc Phòng để nâng cấp căn cứ quân sự trên quần đảo Natuna, phía nam Biển Đông.
Điểm thứ tư cho thấy Trung Quốc thua Philippines trước Tòa án Trọng tài Thường trực được hai nhà báo của Bloomberg chú ý đó là Tòa đã dùng những lời lẽ rất cứng rắn với Bắc Kinh khi cho rằng: khi xây dựng, bồi đắp đảo nhân tạo, Trung Quốc “vĩnh viễn phá hủy” tính chất tự nhiên của bãi đá hay bãi bãi cạn ; Trung Quốc bị cho là “vi phạm” Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, khiến các “tranh chấp thêm nghiêm trọng”.
Theo như đánh giá của Felix Chang, một chuyên gia thuộc Viện Nghiên cứu về Chính sách đối Ngoại tại thành phố Philadelphia, Hoa Kỳ được Bloomberg trích dẫn, Tòa án La Haye gần như cho là Trung Quốc đã “cố ý vi phậm luật pháp”.
Sau cùng, hai đồng tác giả David Tweed và Jason Koutsoukis cùng cho là, quyết định vừa được đưa ra tại La Haye làm sứt mẻ uy tín của Bắc Kinh. Trung Quốc luôn tự nhận mình là một siêu cường có trách nhiệm với an ninh và ổn định trong khu vực, là một quốc gia tôn trọng luật pháp quốc tế.
Đến nay, Trung Quốc một mực khẳng định các công trình xây dựng đảo nhân tạo là nhằm “bảo vệ” hệ sinh thái trong vùng, nhưng theo phán quyết của Tòa Án Trọng Tài Thường Trực, các công trình đó đã làm tổn hại cho môi trường, cho các rạn san hô, và Bắc Kinh thừa biết là ngư dân Trung Quốc đánh bắt loài rùa biển bị đe dọa tuyệt chủng, làm hư hại các rạn san hô với những phương tiện đánh bắt tai hại.
Vậy thì câu hỏi đặt ra là sắp tới tình hình Biển Đông sẽ ra sao. Về điểm này, có nhiều quan điểm trái ngược nhau: một số nhà phân tích cho rằng, với phán quyết của Tòa án La Haye, các nước tranh chấp chủ quyền biển đảo sẽ thảo luận với nhau để cùng khai thác tài nguyên, có lợi cho cả các bên.The Diplomat, trụ sở tại Tokyo, đánh giá: Phản ứng của Bắc Kinh còn là một ẩn số. Tạp chí Mỹ Timekhông loại trừ xung đột nổ ra trong vùng biển này.
T. H.
NƯỚC NHỎ NHƯNG LÃN ĐẠO KHÔNG NHƯỢC
MẠNH KIM/ BVN 14-7-2016
clip_image001
Năm 2013, Benigno Aquino III được Time xếp vào danh sách 100 nhân vật có sức ảnh hưởng nhất thế giới

 

Phán quyết Tòa trọng tài thường trực (The Hague) ngày 12-7-2016 nghiêng về Philippines là di sản của cựu Tổng thống Benigno Aquino III. Quan hệ kinh tế khá lệ thuộc, từng là đối tác quốc phòng với Trung Quốc, chưa kể tình trạng đất nước nghèo và quân đội yếu… vẫn không là những biện bạch mà Aquino nêu ra để lẩn tránh va chạm với một sức mạnh hung hăng luôn muốn đè bẹp mình.
Cần nhắc lại, Đại sứ Trung Quốc Lưu Kiến Siêu là viên chức ngoại giao nước ngoài thứ hai, sau Đại sứ Mỹ Harry Thomas Jr, là người mà Aquino tiếp tại tư dinh ngay sau khi kết quả bầu cử tổng thống cho thấy ông chiến thắng. Quan hệ Trung Quốc-Philippines thời Gloria MacapagalArroyo phát triển tốt và Aquino không có lý do để làm nó xấu đi. Chọc giận một gã khổng lồ có những biểu hiện côn đồ trong chính sách ngoại giao là điều càng không nên. Năm 2011, Aquino kinh lý Bắc Kinh theo lời mời Tập Cận Bình. Tay bắt mặt mừng, bang giao hữu hảo. Quan hệ hai nước nồng ấm đến mức Philippines có thể được xem là đồng minh, hay chí ít cũng là đối tác đáng tin cậy của Trung Quốc tại khu vực.
Cho nên, tháng 4-2012, khi tàu chiến Trung Quốc đụng độ tàu chiến Philippines tại bãi đá cạn Panatag (Scarborough), Malacañang (Dinh tổng thống) gần như hoàn toàn bất ngờ. Họ không biết nên phản ứng thế nào. Chuyện xảy ra khi một tàu chiến Philippines vây đuổi một số tàu đánh cá Trung Quốc quanh bãi cạn Scarborough thì tàu hải giám Trung Quốc lao đến chặn lại rồi tuyên bố Scarborough thuộc chủ quyền họ. Đây là lần đầu tiên kể từ 1995 mà Trung Quốc tỏ rõ công khai chiếm hữu Scarborough.
Khủng hoảng leo thang. Aquino bế tắc. Ba tháng sau, tháng 7-2012, Malacañang triệu tập họp khẩn, với sự tham dự của hai cựu tổng thống Fidel Ramos và Joseph Estrada, các nghị sĩ và thành viên nội các. Họ biểu quyết đề xuất đưa vấn đề lên ASEAN. Trong khi đó, Bắc Kinh cương quyết không quốc tế hóa vụ việc và yêu cầu vấn đề tranh chấp phải được giải quyết song phương. Họ cũng nói rõ: không được lôi Mỹ vào!
Có tên quốc tế là Scarborough (đặt theo tên chiếc tàu yểu mệnh của hãng Đông Ấn bị chìm tại đó năm 1784), bãi cạn 150 km2 này, nằm ở tọa độ 15°11′ Bắc 117°46′ Đông, được Philippines gọi là Panatag và Trung Quốc gọi là đảo Hoàng Nham. Trong khi cách tỉnh Zambales của Philippines 229 km (nằm trong vùng đặc quyền kinh tế Philippines như qui định trong Công ước LHQ về Luật Biển-UNCLOS), Scarborough cách đảo Hải Nam của Trung Quốc đến hơn 1.000 km. Philippines dẫn chứng cứ liệu lịch sử, cho thấy, Scarborough từng có mặt trong bản đồ Carta Hydrographical y Chorographics De Las Yslas Filipinas (Thủy văn địa chí bản đồ về các hòn đảo Philippines).
Ấn hành năm 1734, tấm bản đồ này của nhà truyền giáo Tây Ban Nha, Cha Pedro Murillo Velarde, đã công nhận Scarborough là một phần của tỉnh Zambales. Tiếp đó, trong cuộc khảo sát năm 1808, Alejandro Malaspina (nhà quý tộc Ý phục vụ cho hải quân Tây Ban Nha) cũng thừa nhận tương tự. Phần mình, với lý lẽ giống như quan điểm quanh vấn đề Trường Sa-Hoàng Sa, Bắc Kinh cũng nói cùn rằng Scarborough là của mình. Họ nói rằng dân họ là những người đầu tiên phát hiện Scarborough khi thực hiện cuộc khảo sát đo đạc và vẽ bản đồ biển Đông thời nhà Nguyên (1271-1368) rồi tiếp tục vẽ đo lần nữa vào năm 1279 bởi nhà thiên văn học Quách Thủ Kính...
Sau nhiều tháng khẩu chiến, Malacañang nhận thấy điều khiến Trung Quốc sợ nhất là quốc tế hóa vấn đề. Aquino quyết định đánh vào nỗi sợ đó. Ông đưa Trung Quốc ra tòa! Ngày 21-1-2013 Philippines bắt đầu tiến trình khởi kiện Trung Quốc, dựa theo Phụ lục VII của UNCLOS. Ngày 30-4-2014, Manila đấm một cú ngoạn mục vào mặt gã khổng lồ: họ đệ trình bộ hồ sơ 4.000 trang lên Tòa trọng tài thường trực (PCA). Trong cuộc họp báo về sự kiện này, Ngoại trưởng Albert del Rosario nói: “Đây là vấn đề bảo vệ chính đáng những gì thuộc về chúng ta. Đây là vấn đề bảo đảm tương lai thế hệ con cháu chúng ta. Đây là vấn đề bảo đảm quyền tự do hàng hải cho tất cả các nước. Đây là vấn đề giúp mang lại sự ổn định hòa bình và an ninh khu vực. Và cuối cùng, đây là vấn đề không chỉ tìm kiếm bất kỳ nghị quyết nào mà là một giải pháp công bằng và bền lâu dựa trên luật quốc tế”. Bộ hồ sợ gồm 10 tập. Volume I (270 trang) phân tích về luật, các chứng cứ liên quan tranh chấp, và đặc biệt phân tích yếu tố pháp lý cho thấy PCA hoàn toàn đủ thẩm quyền để thụ lý và phán xét. Đây là điều cần phải nhấn mạnh, nếu không, vụ kiện sẽ không có giá trị. Volume II đến X (tổng cộng hơn 3.700 trang) chứa những chứng cứ và bản đồ ủng hộ lập luận chủ quyền của Manila…
Không phải tất cả ý kiến trong nước đều ủng hộ Tổng thống Aquino. Bắt đầu có những chuyên gia phân tích rằng Aquino đã liều lĩnh đưa quốc gia đến bờ vực rủi ro, không chỉ kinh tế mà còn quân sự. Những so sánh quân sự hai bên bắt đầu được nêu ra. Ngân sách quốc phòng Philippines không bằng 2% Trung Quốc. Dự trữ quốc gia 3.000 tỷ USD có thể giúp Trung Quốc đánh Philippines tơi tả mà không mảy may thiệt hại kinh tế. Không quân Trung Quốc có 315.000 người, Philippines chỉ có 15.000. Hải quân Trung Quốc có 255.000, Phi chỉ có 24.000 người. Trung Quốc có 2.910 máy bay quân sự trong khi Phi có vỏn vẹn 56. Trung Quốc có 19 khu trục hạm trong khi Phi không có chiếc nào. Trung Quốc có 4.500 tên lửa chiến thuật trong khi Phi không có một. Đừng kích động chiến tranh và châm ngòi cho chiến tranh. Nhiều ý kiến lên tiếng…
Tuy nhiên, như đã thấy, Manila không run sợ. Philippines không có sức mạnh quân sự. Họ chỉ có sức mạnh tinh thần dân tộc. Vũ khí của họ là pháp lý. Lý lẽ tranh luận chủ quyền phải được xây dựng trên nền tảng pháp lý và chỉ có thể dựa vào pháp lý để bảo vệ chủ quyền. Cách đối đầu với một kẻ ngông cuồng không biết lý lẽ là dạy cho hắn hiểu lý lẽ là gì. Một quốc gia to lớn không có “nhân phẩm” cần phải được giáo dục về giá trị nhân phẩm quốc gia. Bằng ý chí và quyết đoán, Aquino hiểu rằng, một quốc gia yếu khác với một quốc gia nhược. Một quốc gia yếu luôn cần một bộ máy lãnh đạo mạnh, có đủ dũng khí để đương đầu thế lực ngoại xâm, bằng bất kỳ phương tiện và cách thức gì, bất chấp nó hung hăng thế nào, và đặc biệt, luôn có đủ tự trọng để không hổ thẹn với người dân.
Trong số hàng triệu người dân Philippines đang vui mừng hôm nay trước phán quyết PCA, chắc chắn có không ít người nhớ đến Aquino. Trong số người dân nhiều quốc gia châu Á đang theo dõi sự kiện này, hẳn có không ít người nghĩ rằng các nước nhỏ châu Á khác đang cần có những lãnh đạo như Aquino. Mặc cảm tự tròng vào cổ cái gọi là “lời nguyền địa lý”, cùng những viện dẫn tự ti về yếu kém quân sự, chẳng gì hơn là lớp tráng phủ ngụy biện được dùng để che đậy một sự thuần phục cúi đầu.
…….
M. K.
Nguồn: FB Mạnh Kim
MỪNG VÀ LO, NỖI LO NHÃN TIỀN
VŨ KIM HẠNH/ BVN 14-7-2016
Có lúc nói về bất lợi thế của doanh nghiệp Việt trong cạnh tranh, nhiều người LO. Thì đúng là rất LO nhưng không SỢ vì đã cạnh tranh là không được SỢ.
Giờ mọi người ngất ngây vì thắng lợi của Philippines mà ta được hưởng “ké”. Quá MỪNG vì chân lý được thực thi nhưng MỪNG mà cũng rất LO.
Trong tâm trạng chung ai cũng mừng, tự nhiên tôi lo một chuyện rất cụ thể.
Rằng đã có một kết quả hiển nhiên từ phán quyết của PCA: từ nay, Trung Quốc hết căn bản pháp lý để đuổi ngư dân Việt Nam đánh cá gần Trường Sa, Hoàng Sa. Kết luận này là phúc hay họa? Ngày mai, vì sinh kế, ngư dân Việt Nam tiếp tục ra khơi. Báo chí và dư luận quốc tế nhìn nhận theo kết luận này, nhưng kẻ-cướp-tham-lam-vô-độ-đến-chết-không-chừa, và lại đang bị thương, biết đâu chẳng tiếp tục, mà còn hung hãn hơn, đâm tàu, cướp phá lưới, ngư cụ và đánh, giết ngư dân Việt?
Mừng cũng chỉ đôi ngày là đủ, giờ là lúc nhà nước hành động trước thứ “thuốc thử PCA" về trách nhiệm và năng lực của mình trước cộng đồng quốc tế. Trước mắt là về an nguy, sinh mệnh ngư dân. Đâu là các biện pháp bảo vệ ngư dân, công dân của mình sau PCA? Thay vì ngồi tỉa tót câu chữ, thay vì dành mấy tuần bố trí nhân sự (chấm dấu chấm trên đầu chữ i), thay vì cứ làm ngơ, vô can.
Sau phán quyết PCA, mỗi chuyến tàu của ngư dân bị đâm, bị chìm càng phải là trách nhiệm của nhà nước, và mỗi khi ngư dân mình bị bức hại, phải có ai đó, cơ quan nào đó chịu trách nhiệm và hành xử gì chứ?
V. K. H.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét