Thứ Năm, 7 tháng 7, 2016

20160707. FORMOSA VÀ HỘI NGHỊ TRUNG ƯƠNG 3 K12

ĐIỂM BÁO MẠNG
HỘI NGHỊ TRUNG ƯƠNG 3: PHẢI ĐƯA NGAY VỤ FORMOSA GÂY RA THẢM HỌA MÔI TRƯỜNG LÊN BÀN NGHỊ SỰ!
ÂU DƯƠNG THỆ/ BVB/ BVN 7-7-2016
Sáng 4.7 Hội nghị Trung ương (HNTƯ) 3 đã họp để bàn về qui chế làm việc toàn Khóa 12 (2016-21) của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban chấp hành Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương và qui định các công tác giám sát và kỉ luật của Đảng.[1] Người đứng đầu chế độ đã chọn đúng thời điểm cho HNTƯ 3, để nó chỉ diễn ra vài ngày sau cuộc họp báo ngày 30.6 công bố nguyên nhân cá chết hàng loạt với lời hứa của Ban giám đốc Công ty Formosa bồi thường 11.500 tỉ đồng, tương đương 500 triệu USD.[2]Trong dịp này các cơ quan của Đảng và Nhà nước đã coi như là một thành công lớn. Nhờ thế Nguyễn Phú Trọng hẳn sẽ hồ hởi trước HNTƯ coi thắng lợi này là sự lãnh đạo của chính mình!
Chính vì thế trong chương trình làm việc 5 ngày của HNTƯ 3 đã không có một điểm nào nói tới thảm họa môi trường từ đầu tháng 4.16, mặc dầu đây là thảm họa môi trường lớn nhất ở VN, gây thiệt hại sức khỏe, tài sản và môi trường sống trực tiếp cho hàng triệu người dân bốn tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế; đồng thời còn tạo những nguy hại về lâu dài về nhiều mặt cho nhân dân cả nước. Như thế rõ ràng đối với người cầm đầu chế độ, thảm họa môi trường trước sau vẫn không phải là vấn đề bận tâm lớn. Thái độ bàng quang, ngang ngược và vô cảm lần này của Nguyễn Phú Trọng giống hệt thái độ ngông nghênh và lấp liếm của ông về tình hình Biển Đông. Mặc dầu Bắc Kinh ngày càng công khai xâm lấn Biển Đông nhưng bẩy năm trước ông Trọng vẫn hô lớn “Tình hình Biển Đông không có gì mới!”.
Chính thái độ coi thường sức khỏe, sinh mạng của hàng triệu nhân dân, nên sau khi thảm trạm môi trường làm cá chết trắng biển nhiều tỉnh miền Trung đã diễn ra gần 3 tuần, nhưng khi tới thăm Hà Tĩnh ngày 22. 4 Nguyễn Phú Trọng đã vô cảm không thăm hỏi hàng vạn ngư dân nạn nhân do Formosa xả thải độc hại đang mất công ăn việc làm phải sống đói rách. Trong khi ấy ông Trọng lại đủng đỉnh cầm đầu phái đoàn cao cấp Đảng và Nhà nước đích thân thăm nhà máy Formosa ngày 22.4. Tại đây ông còn gặp Ban giám đốc của Công ty Formosa (Đài loan) và khen sự làm ăn của họ và không có lần nào ông Trọng đặt vấn đề với Ban giám đốc Formosa về việc đã gây ra thảm họa môi trường![3] Rõ ràng Nguyễn Phú Trọng quí dollar của tư bản Formosa hơn mạng sống của nhân dân!
Mặc cho những tuyên bố tự khoe, tự bốc nào là “làm khoa học, khách quan, bài cản, chính xác”, trong cuộc họp báo ngày 30.6 của các Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh và Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng,[4]và lời cúi đầu xin lỗi của Ban giám đốc Formosa, nhưng nhiều chuyên viên và nhân sĩ, kể cả một số cán bộ trung cấp đã công khai phê bình nghiêm khắc việc làm chậm trễ và thiếu trách nhiệm của các cơ quan Đảng và Chính phủ trong suốt gần 3 tháng qua về nhiều mặt. Vì đúng ra sau khi thảm họa môi trường xẩy ra các cơ quan có thẩm quyền phải bắt tay điều tra ngay để tìm ra 1. Nguyên nhân. 2. Thủ phạm. 3. Mức độ thiệt hại. 4. Trách nhiệm dân sự và hình sự. 5. Bồi thường… Tuy họ vẫn nhắc đi nhắc lại là “ngay từ đầu, các vị lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước đã quyết liệt chỉ đạo, tổ chức hàng chục cuộc họp, yêu cầu điều tra nhanh chóng”[5], nhưng phải đợi tới gần ba tháng sau mới xác nhận được thủ phạm chính là Công ty Formosa. Mặc dù ngay trong vài ngày đầu nếu điều tra nghiêm túc thì đã biết thủ phạm là ai và từ đó khắc phục được những thiệt hại nhanh chóng hơn. Chẳng những thế lời tuyên bố sau đây của Phát ngôn viên Formosa khi đó là Chu Xuân Phàm đã gián tiếp xác nhận chính họ là thủ phạm:“Nếu xả thải thì đương nhiên sẽ thay đổi sinh học ở đây, ở vùng biển quanh đây” “Có khi được cái này thì phải mất cái kia chứ” “Muốn bắt cá, bắt tôm hay nhà máy, cứ chọn đi!”[6] . Ông ta còn hách dịch thách đố: “Muốn bắt cá, bắt tôm hay nhà máy, cứ chọn đi. Nếu chọn cả hai thì làm Thủ tướng cũng không giải quyết được…”.
Nhưng ở đây Formosa không chỉ là thủ phạm duy nhất, vì nhiều cơ quan Đảng và Nhà nước đã cấp giấy phép đầu tư, hoạt động và kiểm soát Công ty Formosa cũng đều là thủ phạm. Vì chính các cơ quan này đã lơ là và vô trách nhiệm trong các lãnh vực phụ trách, nên đã để cho Formosa làm ăn như một vua con trong vùng.Trong cuộc họp báo ngày 30.6 các Bộ trưởng đã cố tình tránh né không làm rõ cơ quan và người phải chịu trách nhiệm để xẩy ra thảm trạng môi trường làm cá chết hàng loạt trong nhiều tuần lễ.[7]
Tại cuộc họp báo trên, tuy Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà có nêu ra một số chất độc cực hại do Formosa đã thải ra biển như “phenol, xyanua”[8]Nếu so với con số của báo Tuổi trẻ đưa ra khoảng 45 độc tố mà Formosa đã dùng thì số này quá ít, không có tính khả tin.[9] Không những thế, ông Hà tuyệt nhiên không nói tới số lượng chất độc đã thải ra biển là bao nhiêu; số lượng đã dùng và mức độc hại trước mắt và lâu dài của từng độc tố cho con người, môi trường sinh thái trước mắt, trung hạn và dài hạn như thế nào. Đây là những yếu tố cực kì quan trọng để có thể thẩm định mức độc hại, thiệt hại sức khỏe và việc làm cho ngư dân trong vùng và nhân dân cả nước, cũng như tác hại về lâu dài cho môi trường biển VN. Trái lại các bộ trưởng chủ trì và tham gia họp báo lại đã cố tình đề cao đưa 500 triệu USD bồi thường của Formosa như là một chiến thắng lớn! Nhưng mức bồi thường có xứng đáng không hay chỉ như hạt cát trên biển, điều này tùy thuộc hoàn toàn vào những câu hỏi nòng cốt trên. Đấy là chưa kể, số tiền bồi thường này trong các năm tới Formosa sẽ khai vào phần chi để trừ thuế, vì trong các hoạt động của các Công ty các chi phí bồi thường được xếp loại là những chi phí được khai trừ thuế. Ngoài ra mới đây Công ty Formosa đã bị ghi trên danh sách “sổ đen”, vì trong nhiều năm đã cố tình gian lận sổ sách để trốn thuế, có năm lên tới 4.000 tỉ đồng[10]
Khi nói tới trách nhiệm trong việc xử lý thảm trạng môi trường do Formosa gây ra thì đúng ra trước hết phải kể tới trách nhiệm của người đứng đầu chế độ, tức là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Sau thắng lợi tại Đại hội 12 vừa qua quyền lực của ông Trọng còn bao trùm hơn nữa. Cho nên chính cuộc thăm Công ty và Ban giám đốc Formosa ngày 22.4, gần ba tuần sau xẩy ra thảm trạng môi trường, của người cầm đầu chế độ đã cản trở trực tiếp nghiêm trọng công việc điều tra. Vì trong chế độ toàn trị như ở VN hiện nay, sau khi Nguyễn Phú Trọng niềm nở gặp Ban giám đốc Formosa thì ai còn dám động vào Công ty này! Cũng vào thời gian này Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (17.4) và Ủy viên Bộ chính trị, Thường trực Ban bí thư Đinh Thế Huynh (23.4)[11] - được coi là người sẽ kế vị ông Trọng - cũng đã tới Quảng trị, nhưng cũng không thèm tới thăm các nạn nhân trong thảm trạng cá chết. Mặc dù khi ấy ngay báo chí lề Đảng cũng đã báo động “cá chết trắng biển miền Trung”. Nhưng khi ấy các vua tập thể vẫn điếc và mù!
Chính vì thế suốt nhiều tuần lễ các cơ quan đã đổ lỗi lẫn cho nhau, ông nói gà bà nói vịt, công việc tiến hành điều tra bị tê liệt trong nhiều tuần. Trong cuộc họp báo ngày 27.4 “chỉ diễn ra trong 6 phút” dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường Trần Hồng Hà, trên 200 nhà báo đã phải chờ đợi suốt nửa ngày. Nhưng cuối cùng Thứ trưởng Tài nguyên-môi trường Võ Tuấn Nhân khẳng định“Formosa vô can” [12]
Chẳng những thế Ban Bí thư, Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Thông tin và Truyền thông còn ra lệnh cho các báo và đài không được đưa tin và tường thuật tình hình cá chết. Trong thời gian ấy các cơ quan Đảng và Nhà nước lại còn tổ chức rùm beng cho các tuyên truyền viên và một số cán bộ ở trung ương và địa phương xuống tắm ở các vùng biển vừa xẩy ra thảm trạng môi trường và ăn cá biển. Thật là vô trách nhiệm và vô lương tâm đến thế là cùng!
Tệ hại nữa là khi nhân dân, đi đầu là thanh niên, trí thức và nhiều đảng viên tiến bộ, ý thức trách nhiệm nên đã tham gia ý kiến, xuống đường lên tiếng và đòi kiểm tra (theo tiêu chí của Đảng “để dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”) qua các cuộc biểu tình vào ba cuối tuần từ đầu tháng 5.16 với các khẩu hiệu “Cá cần nước sạch”, “Nước cần minh bạch” đã bị công an mật vụ chế độ toàn trị ngăn cấm, đàn áp và chụp mũ. Trong cuộc họp báo ngày 30.6, các quan chức hiện diện xác nhận Formosa là thủ phạm gây ra thảm trạng môi trường ở miền Trung, nhưng cùng lúc ấy họ lại vẫn kết án gay gắt những cuộc biểu tình của nhân dân đòi Formosa phải sớm công khai minh bạch về nguyên nhân dẫn tởi thảm trạng môi trường. Điều này vừa mâu thuẫn vừa sai trái của các bộ trưởng chủ trì cuộc họp báo! Trương Minh Tuấn, Bộ trưởng 4 T vẫn chụp mũ lếu láo:
“Tôi cũng nói thẳng rằng, có thể lực thù địch đã lợi dụng tình trạng cá chết này để công kích sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, thậm chí kích động để gây mất trật tự công cộng, gây bất an trong nhân dân.”[13]
Các phản ứng và hành động của các người đứng đầu và các cơ quan của chế độ toàn trị sau biến cố thảm trạng môi trường ở các tỉnh miền Trung đã cho thấy rõ thái độ từ bị động, lơ là tới tìm cách lấp liếm và bao che cho các thủ phạm (từ Formosa tới các nhân vật và cơ quan có liên đới trách nhiệm trong vụ để xẩy ra thảm họa môi trường). Sau đó chuyển sang bịt miệng báo giới, rồi đàn áp, chụp mũ thanh niên và trí thức lên tiếng đòi phải điều tra nhanh, nghiêm túc và minh bạch vụ này. Điều này cho thấy họ vẫn coi dân là thù, coi Formosa là bạn!
***
Như thế cho thấy, sau khi Nguyễn Phú Trọng đụng vào vụ Formosa đã càng làm rối bầy, vì thế niềm tin vào nhóm cầm đầu chế độ toàn trị càng sa sút trong nhân dân và trong Đảng. Ở đây xét 2 trường hợp: Thứ nhất, Nguyễn Phú Trọng không được thông tin gì về thảm trạng môi trường do Formosa xẩy ra trước đó gần ba tuần, nên ông đã đích thân tới thăm và khen ngợi Ban giám đốc Công ty. Trong trường hợp này Nguyễn Phú Trọng chỉ đứng làm bù nhìn. Thứ hai, nếu ông Trọng biết rõ vụ thảm trạng môi trường lớn nhất từ trước tới nay ở VN, nhưng vẫn cầm đầu phái đoàn cao cấp Đảng và Nhà nước ân cần tới thăm và khen Ban giám đốc Formosa. Như thế Nguyễn Phú Trọng đã vô cảm trước hàng triệu nạn nhân, đồng thời vô trách nhiệm cùng cực trước nhân dân và đất nước. Xét cả hai trường hợp thì Nguyễn Phú Trọng hoặc chỉ làm bù nhìn, hay bất lực và vô trách nhiệm, coi đồng dollar của tư bản hơn mạng sống của người dân! Vì vậy Nguyễn Phú Trọng không xứng đáng cầm đầu chế độ. HNTƯ 3 đang họp phải làm cho rõ đầu đuôi vụ này từ Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Xuân Phúc, Đinh Thế Huynh và nhiều người đứng đầu các cơ quan Đảng và Nhà nước, phải xử lí thích đáng và phải công khai minh bạch. Nếu bỏ qua hay im lặng là đồng lõa và vô cảm với hàng triệu ngư dân và nhân dân cả nước!
Can thiệp và đụng vào vụ Formosa nên Nguyễn Phú Trọng đã gây ra sai lầm tai hại và nguy hiểm. Nếu theo dõi kĩ, người ta còn thấy từ khi làm Chủ tịch Quốc hội và nhất là từ khi làm Tổng Bí thư ông Trọng đụng vào đâu là hỏng đó. Cho rằng mình chống tham nhũng giỏi, nên Nguyễn Phú Trọng đã giựt Trưởng ban chỉ đạo trung ương phòng chống tham nhũng của Nguyễn Tấn Dũng. Nhưng sau trên 5 năm làm Tổng Bí thư tình hình tham nhũng càng trở nên bất trị. Suốt trong nhiệm kì đầu làm Tổng Bí thư ông Trọng không dám đánh chuột vì sợ vỡ bình, như lời than của chính ông. Thấy đánh hổ không xong, nên sang nhiệm kì thứ hai Nguyễn Phú Trọng đang đổi chiến thuật tìm cách đập ruồi. Mới đây ông đang làm đình đám tố vài vụ xe công biến thành xe ông. Nhưng ông Trọng hẳn còn chưa quên, nhân vật gần ông nhất khi ông làm Bí thư thành ủy Hà nội, là Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Hoàng Văn Nghiên, sau khi về hưu đã biến nhà công thành nhà ông, chiếm biệt thự công ở số 12 Nguyễn Chế Nghĩa biết bao nhiêu năm[14], chính ông Trọng cũng lơ là và bất lực!
Vấn đề cực kì quan trọng khác nằm trong thẩm quyền Tổng Bí thư, Nguyễn Phú Trọng không chỉ đụng vào nó mà còn trực tiếp chỉ đạo thực hiện, nhưng nay vấn đề này không chỉ hỏng mà còn trở nên cực kì nguy hiểm cho an ninh, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của VN. Đó là hậu quả trong chính sách bang giao với Bắc Kinh. Khi làm Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng cấm không cho Quốc hội thảo luận về việc Bắc Kinh chủ trương xâm lấn và làm tình hình Biển Đông căng thẳng. Không ai quên tuyên bố của Nguyễn Phú Trọng khi đó “Tình hình Biển Đông không có gì mới!” Nguyễn Phú Trọng còn cho nhiều tướng lãnh sang Bắc Kinh ca tụng là Trung Quốc không có ý định thôn tính biển đảo của VN! Tiếp đó trong những lần thăm Bắc Kinh Nguyễn Phú Trọng đã thỏa thuận là các tranh chấp biển đảo giữa hai nước chỉ đàm phán song phương giữa lãnh đạo hai bên![15]
Hậu quả của chính sách vừa nhu nhược vừa sai lầm của Nguyễn Phú Trọng ai cũng thấy rõ: Nay Bắc Kinh đã xây dựng và mở rộng nhiều đảo chiếm của VN thành các căn cứ quân sự uy hiếp an ninh và chủ quyền của VN, đồng thời đe dọa an ninh hàng hải quốc tế. Bắc Kinh đang biến Biển Đông thành cái hồ của họ, tự do thao diễn quân sự, cấm tầu quốc tế, giết hại ngư dân và phá hủy các tầu đánh cá của VN!
Đụng đâu hỏng đó. Đụng vào vụ Formosa đã làm tê liệt cuộc điều tra, không làm minh bạch đối với các quan chức và cơ quan chịu trách nhiệm, bao che người có tội, đàn áp người có công! Đụng vào tham nhũng nhưng Nguyễn Phú Trọng chỉ sờ bên ngoài cho nên tham nhũng mọc ra như rươi ở trong các cơ quan Đảng và Nhà nước từ trung ương tới cơ sở. Đụng vào bang giao với Bắc Kinh với thái độ cúi đầu, tự ti mặc cảm là nhược quốc, nên đế quốc mới Bắc Kinh đã được đằng chân lân đằng đầu chiếm đất, chiếm đảo, chiếm biển, bòn rút tài nguyên và uy hiếp an ninh và chủ quyền VN. Các sự kiện này chứng minh rõ ràng là Nguyễn Phú Trọng đụng vào đâu thì hỏng đó, càng lâu càng nguy hiểm!
Tại sao như vậy? Theo dõi đường quan lộ của Nguyễn Phú Trọng trong một phần tư thế kỉ qua cho thấy, ông là người có tham vọng quyền lực cực kì lớn, nhưng khả năng rất giới hạn và tư cách lại rất tồi. Chính vì thế từ khi có quyền lực lớn Nguyễn Phú Trọng đã trở thành người tham nhũng quyền lực. Từ đó thỏa hiệp với bọn quan tham nhũng tiền bạc, tới thờ dollar hơn sinh mạng của dân, hay cúi đầu thỏa hiệp với Bắc Kinh để củng cố quyền hành chỉ là một bước ngắn, một biện chứng tất yếu! Đỉnh cao mới nhất của sự tham quyền và lạm quyền của Nguyễn Phú Trọng là Đại hội 12 cuối tháng 1.2016. Mặc dù là người cao tuổi nhất trong số các Ủy viên trung ương, nhưng Nguyễn Phú Trọng vẫn nằng nặc đòi được xếp vào “Trường hợp đặc biệt” để nắm ghế Tổng Bí thư tiếp tục![16]
ĐCSVN tự nhận là Đảng cầm quyền độc tôn, cho nên Ban chấp hành trung ương của Đảng phải đưa vụ Formosa gây ra thảm trạng môi trường lớn nhất từ trước tới nay ở VN lên bàn nghị sự ngay trong HNTƯ 3 đang họp. Phải nêu rõ và làm minh bạch các quan chức và cơ quan nào của Đảng từ Tổng Bí thư, Bộ chính trị tới các địa phương đã toa rập ngăn cản điều tra. Nếu bỏ qua và im lặng là tự làm mất tư cách cầm quyền!
5.7.2016
A.D.T

Ghi chú:
[1] . Nguyễn Phú Trọng, diễn văn khai mạc HNTƯ 3,Công an Nhân dân 4.7
[3] . Cùng tác giả, “Trong khi nhân dân duyên hải miền Trung và cả nước đau buồn và cực kì uất ức trước việc cá chết hàng loạt thì tại sao Nguyễn Phú Trọng vẫn đủng đỉnh lại thăm Ban giám đốc Formosa?”http://www.dcpt.org/thoisu/baithoisu2016/adt304.htm
[4] . Như 2
[5] . Bộ trưởng Trương Minh Tuấn, VNN 30.6
[6] . Chu Xuân Phàm, Tuổi trẻ (TT) 25.4
[7] . VNN 30.6
[8] . Bộ trưởng Trần Hồng Hà “Tôi vừa trải qua 84 ngày căng thẳng nặng trĩu” – VNExpress 30.6
[9] . TT 25.4
[10] . Infonet 27.6
[11] . VOV 17 và 23.4.16
[12] . Lao động 27.4
[13] . Trương Minh Tuấn, Bộ trưởng 4 T, Infonet1.7
[14] . Đất Việt, 8.12.14
[15] . Cùng tác giả “Hai năm làm Tổng Bí thư (1.2011 – 1.2013)Nguyễn Phú Trọng đang đưa chế độ và đất nước đi về đâu? Đối ngoại: Lẫn lộn giữa bạn và thù”;http://www.dcpt.org/thoisu/baithoisu2013/adt1.htm
[16] . Cùng tác giả, “Nguyễn Phú Trọng quyết dùng cả giải pháp bạo lực để thanh toán đối thủ trong Đảng”;http://www.dcpt.org/thoisu/baithoisu2016/adt901.htm
Tác giả gửi BVN.
'TUỒNG FORMOSA' CHƯA THỂ HẠ MÀN
BÙI QUANG VƠM/ BS/BVB 6-7-2016
Người dân xuống đường biểu tình phản đối Formosa 
ở Hà Nội ngày 01/05/2016. Nguồn: internet
Nguyên nhân cá chết và thủ phạm gây ra cá chết trắng một dải bờ biển bốn tỉnh miền Trung, sau gần ba tháng lấp liếm che đậy, cuối cùng cũng buộc chính quyền cộng sản Hà Nội phải trình trước bàn dân thiên hạ, chiều ngày 30/06/2016. Đương nhiên, không có gì khác những điều tất cả đều đã biết. Nguyên nhân là chất độc do xả thải và thủ phạm xả thải là nhà máy thép Formosa Hà Tĩnh.
Ngay từ những ngày đầu tiên, chính những người dân Hà Tĩnh, những ngư dân, những người buôn bán tại chợ cá, những người trực tiếp sống nhờ những con cá hàng ngày về từ biển, họ đã biết. Không cần đến những kiến thức cao siêu, họ chỉ thấy những gì hôm nay khác hôm qua. Họ tiếp xúc với nước biển vùng cận nhà máy Thép Formosa hàng ngày, họ quen biển, thuộc màu sắc của nước biển từng buổi sáng, từng buổi chiều, những gì bình thường và khác thường. Họ ngửi được mùi của biển, mùi biển lành và mùi biển độc. Họ nhìn thấy khói từ nhà máy thép. Họ nhìn thấy những gì hàng ngày thoát ra từ những ống xả thải dưới đáy biển. Từ tất cả những thay đổi và cá chết. Một người thân của họ, một bà con của họ, một thợ lặn chuyên nghiệp của công ty thép đã bị nhiễm độc tại khu vực xả thải và tử vong khi nhập viện, nhưng kết quả xét nghiệm tử thi đã bị cấm tiết lộ. Họ biết chắc chắn nhà máy thép là tội phạm. Bất kể nhà cầm quyền nói gì.
Ngay trong những ngày đầu tiên người ta đã nhận thấy: “Cá chết là cá lớp tầng sâu. Miệng ống thải ngầm dưới biển tại khu vực cá chết có chất nhờn mầu vàng, mùi tanh hôi. Người thợ lặn ngạt hơi độc mà chết. Công ty Fomosa mới nhập 384 tấn hoá chất, gồm 40 chất, có chất cực độc. Công ty Formosa vừa tiến hành súc rửa đường ống, chuẩn bị chạy thử”.
Phó GS. Tiến sĩ Nguyễn Huy Thịnh ngày 24/04 nói, “nếu là tôi, chỉ một ngày tìm ra nguyên nhân. Công ty Formosa mới súc rửa và mới xả thải, như vậy, dù có tan loãng ra, dấu vết còn lại chắc chắn sẽ vẫn còn, chỉ cần luồn ống hút lấy mẫu vào sâu bên trong ống thoát”. Và chính Phó giám đốc đối ngoại Formosa Chu Xuân Phàm ngày 25/04 thú nhận, “hoặc chọn cá, hoặc chọn thép, không thể cả hai”.
Một cách đơn giản, chỉ bằng một lệnh ngừng hoạt động, giữ nguyên trạng thái, cô lập toàn bộ hệ thống quản lý nhà máy, tức khắc huy động lực lượng kiểm soát và lấy mẫu, thời gian đưa ra kết luận có thể không cần tới một tuần.
Nhưng Vũng Áng, Hà Tĩnh là một lãnh địa riêng, đã được “nhượng bán cho người nước ngoài, một dạng tô giới”?! Ngày 21/04, ông Phạm Khánh Ly, Vụ nuôi trồng thuỷ hải sản Bộ Nông nghiệp cho biết: “Đoàn công tác không thể vào kiểm tra tại KCN Vũng Áng vì đây là KCN có yếu tố nước ngoài, đoàn công tác không có thẩm quyền kiểm tra, phải có giấy của thủ tướng hay chủ tịch tỉnh” (?!).
Ngày 22/04, C49, cục cảnh sát PCTP (phòng chống tội phạm) tài nguyên môi trường đã vào điều tra, nhưng, thiếu tướng Nguyễn Xuân Lý cho biết, “phía C49 không thể phát ngôn ngay được vì ảnh hưởng tới nhiều vấn đề khác”. Có nghĩa là, C49 đã biết nhưng không được công bố.
“Thực tế, đến nay việc xả thải qua quan trắc tự động của FHS chưa được đấu nối với đơn vị giám sát là Sở TNMT Hà Tĩnh, hợp đồng kiểm tra của Trung tâm Quan trắc Hà Tĩnh với Cty này cũng chỉ kiểm tra 3 tháng/lần” (báo Lao động).
Như vậy, vấn đề không thuộc tính chất phức tạp mang yếu tố khoa học, mà là vấn đề hiệu lực của quản lý hành chính và hiệu lực của Pháp luật. Ai là người ký quy định kiểm tra hành chính Formosa phải có giấy phép của Chủ tịch tỉnh hoặc Thủ tướng? Tại sao chế độ quan trắc xử lý thải là bắt buộc, lại chỉ là hợp đồng kinh tế giữa nhà máy Formosa với phòng trắc nghiệm của sở tài nguyên môi trường tỉnh Hà Tĩnh, nghĩa là cơ quan quan trắc chỉ thực hiện đo đạc xác định chất lượng xử lý có nội dung ghi trong hợp đồng của bên trả tiền là nhà máy Formosa, bao gồm thời gian thực hiện đo đạc, nội dung đo đạc và quyền công bố kết quả? Như vậy, xử lý hay không, chất lượng xử lý thế nào, hoàn toàn không do cơ quan quản lý quyết định. Phòng quan trắc của tỉnh chỉ làm để được trả tiền.
Theo Giáo sư Nguyễn Tác An, nguyên viện trưởng Viện Hải Dương Học Nha Trang thì: “… Khoảng hôm 20 [tháng Tư] những kết quả đã được phân tích, được hình thành báo cáo, tôi nghĩ đã đến lúc hội đồng khoa học cấp quốc gia đánh giá và thông báo một cách khách quan.
Nhưng đây là kết quả khoa học, còn công bố ra thông tin thế nào là trách nhiệm của cơ quan công bố thông tin, theo luật pháp của Việt Nam là như vậy”.
“Từ ngày 29/04/2016, báo chí bị cấm đưa tin, nhà báo bị cấm tới khu vực cá chết, dân đói”, “ lúc trước, các nhà báo về đông lắm, nhưng từ ngày 29/04, không có một ai về hỏi dân nữa”. Nhà hoạt động Nguyễn Anh Tuấn từ Đà Nẵng, người từng nằm tại khu cá chết hơn một tháng, kể lại như vậy.
Và thông tin được gọi là chính thức, tức là có hướng dẫn, thì ngày 2/05/2016, “Các nhà khoa học, chuyên gia lĩnh vực hải dương học người Đức, Mỹ, Isreal đã đến Việt Nam để cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường tìm nguyên nhân cá chết hàng loạt ở miền Trung”. Và sau đó giáo sư người Nhật nói trên báo, “Nguyên nhân một khả năng là do thủy triều đỏ, hai là do những độc tố hóa học gây ô nhiễm biển… và với kinh nghiệm của chúng tôi, nó sẽ phân tích có khi đến một năm thì mới tìm ra được đúng yếu tố, nguyên nhân đó.”
Người ta không lạ gì những thủ đọan mà Hà Nội vẫn sử dụng xưa nay. Đó là chờ cho dư luận mệt mỏi, như chờ mũi tên bay hết đà thì rơi xuống. Ồn ào ầm ĩ mãi rồi cũng phải lắng xuống. Nguyên nhân, bàn tán mãi rồi cũng chẳng còn gì. Hậu quả, bàn cãi mãi rồi cũng nhàm. Bức xúc, xả mãi rồi cũng xẹp. Chất vấn nhà nước, chất vấn đảng và chính phủ, nhưng chẳng có đảng, chính phủ nào trả lời. Dân cứ chất vấn lẫn nhau, tự hỏi và tự trả lời. Chính phủ, đảng và nhà nước giả như điếc, ban tuyên giáo bịt mồm các nhà báo, cài những thông tin gây nhiễu, tung hoả mù, làm dư luận mất hướng, cho mật vụ bám những nhân vật to tiếng, ầm ĩ nhất, bắt và đe dọa để lung lạc quần chúng…Và chỉ đến khi sự kiện đã trở thành một sự đã rồi, dư luận đã chấp nhận tự nhiên, không còn gì lạ và không còn muốn nói, thì “Chính phủ, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của bộ chính trị và quyết tâm phi thường của cả hệ thống, đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ với phương châm phục vụ lợi ích của nhân dân”! Xưa nay vẫn vậy, bao nhiêu năm nay vẫn một bài như vậy. Ban tuyên giáo thuộc bài, dân cũng thuộc bài, chẳng lạ gì nhau.
Đó là sân khấu chính trị Việt nam, và trên sàn diễn là nhốn nháo những diễn viên hài. Đạo diễn và nhắc vở trống đánh xuôi, kèn thổi ngược. Thứ trưởng bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân tuyên bố “đường xả thải của Formosa được cấp phép, Formosa xả thải đúng luật”, nhưng bộ trưởng Trần Hồng Hà lại nói, “đường xả thải ngầm là phi pháp”. Công điện Chính phủ “cấm đánh bắt, buôn bán và tiêu thụ sản phẩm đánh bắt gần bờ và trong phạm vi 20 hải lý”, nhưng phó Chủ tịch Hà Tĩnh Đặng Ngọc Sơn tuyên bố dân có thể “yên tâm tắm và ăn hải sản khu vực Vũng Áng”. Bí thư Nguyễn Xuân Anh và Chủ tịch Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ rủ nhau tắm biển và tổ chức ăn hải sản miễn phí.
“Chính phủ chỉ đạo xít xao”, nhưng Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nổi tiếng mị dân thì suốt ba tháng không một lời thăm hỏi dân đói miền Trung, như bị bệnh cứng lưỡi. Chủ tịch nước Trần đại Quang khen các lãnh đạo tắm biển và ăn cá hấp là gương mẫu, “nếu cán bộ nào cũng làm như vậy thì lực lượng công an bớt phải tăng biên chế”. Họp báo chậm một tiếng (chắc bận cãi nhau), nhưng kéo dài hơn 5 phút và không cho nhà báo đặt câu hỏi.
Cho nên, dẫu cho Chính phủ chọn ngày 30/06 để công bố nguyên nhân là gì, thủ phạm là ai, điều đó đã không còn ý nghĩa nữa. Vì bất kể đảng kết tội ai, đối với người dân, Formosa vẫn là thủ phạm. Có lẽ vì biết thế, mà loay hoay suốt ba tháng, chính phủ buộc phải công bố cái điều mà đáng lẽ có thể công bố ngay từ sau ngày 20/04/2016, khi các báo cáo khoa học đã đủ kết luận.
Người ta phải tự hỏi, tại sao nhà nước che đậy thông tin. Tại sao lại có chuyện phải đưa đẩy, né tránh quy kết Formosa cho đến khi không thể né tránh được nữa? Formosa là ai, Đài Loan hay Trung Quốc? Trong số 28 nhà thầu phụ của Formosa có 25 nhà thầu Trung Quốc, 3 nhà thầu Việt Nam. Formosa báo cáo hoá chất độc thải ra biển không qua xử lý do lỗi một nhà thầu phụ vì sự cố chập điện, nhưng không nói là nhà thầu Việt Nam. Như vậy, sự cố xảy ra tại một nhà thầu Trung Quốc. Chập điện, chất độc không được xử lý, thải trực tiếp ra biển. Cá chết, dân bỏ biển, thất nghiệp, hoang mang rối loạn trước nguy cơ nạn đói. 500 triệu USD Formosa bồi thường nói rõ cho mục đích đào tạo để chuyển đổi nghề cho 1 triệu dân.
Ông Chu Xuân Phàm đã không dấu diếm, hoặc cá hoặc thép, như vậy, việc đuổi dân khỏi biển đã được tính đến từ trước khi đầu tư dự án. Hay nói một cách khác, một trong các mục đích đầu tư là chuyển đổi nghề biển của dân sang những nghề khác, để biển lại cho Formosa, tức là để biển lại cho Tàu. Họ đã biết làm thép thì phải thải hoá chất độc, và cá sẽ phải chết. Dân muốn sống phải chuyển đổi nghề nghiệp, bỏ nghề đi biển, đánh cá. Đầu tư nhà máy thép vào Vũng Áng, các nhà đầu tư đã biết trước, biển khu vực này sẽ không còn ngư dân, vì sẽ không còn cá. Như vậy, muốn đuổi ngư dân, muốn chiếm biển, chỉ cần xây dựng nhà máy thép. Nhà cầm quyền Việt Nam, một là chưa bao giờ biết đến tính chất nguy hại của nhà máy thép, không biết, nhưng không chịu biết, hai là nguy hại tới môi trường là thứ vô hình, trong khi những đồng tiền đầu tư ở ngay trước mặt, sờ nắn đo đếm được.
Thực chất của 500 triệu USD này là gì? Nhà báo Đoan Trang có một nguồn tin bí mật tiết lộ những thương lượng giữa bộ công an với Formosa. Có đúng là Formosa bồi thường đúng số tiền này không, tại sao lại chỉ là 500 triệu USD? Ai là người đưa ra con số này, căn cứ vào đâu? Có phải đây là số tiền Formosa đã dự tính trước, khi lập dự án, dành cho việc di dân và đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp cho khoảng 1 triệu dân, nằm trong tổng vốn đầu tư, nhưng đã được thoả thuận bỏ ra ngoài và trở thành một khoản “bồi dưỡng” cho các quan chức tham dự và có quyền hạn phê duyệt dự án của cả hai bên? Như vậy bộ Công an cùng các bộ liên quan dự án trong chính phủ đã ăn hớt tiền của dân?
Không thể kiểm chứng, nhưng nếu có chuyện ăn tiền này thì cũng không phải là chuyện lạ, khi dê cừu thuộc chương trình giúp dân thoát nghèo, còn lạc đường vào nhà bí thư và chủ tịch xã, thì tiền giúp chuyển đổi nghề và tiền bồi thường môi trường vào nhà quan chức là chuyện thông cảm được. Vả lại, xưa nay, quan chức giàu chủ yếu nhờ tiền “bồi dưỡng” và tiền “lại quả” từ các dự án. Chả có chữ ký nào trong danh sách các chữ ký bắt buộc phải có trong các quyết định phê duyệt dự án mà không phải trả tiền. Vì thế mà những chức vụ liên quan tới các chữ ký này có giá cao hơn nhiều lần so với các chức vụ tầm phào, ngồi chơi khác.
Bộ Môi trường, bộ Công an có quyền thương lượng và mặc cả chuyện bồi thường củaFormosa không? 500 triệu USD được thoả thuận để hạ màn vở diễn? Vụ án ghê rợn này sẽ được cho “chìm xuồng” bằng một sự móc ngoặc của một vài cá nhân? Ông Tô Lâm và ông Trần Hồng Hà có đủ tư cách để phán xét thay toà án? 500 triệu USD dù là một khoản tiền không nhỏ, không thể là kết quả được thoả thuận từ những cuộc thương lượng kín, tuyệt mật giữa những con người, nhất là những con người ấy lại là quan chức của một chế độ tham nhũng, “ăn không chừa một thứ gì”, tệ hơn, những quan chức này đều là “đảng viên” mà đảng viên có một tính chất chung là “rất dễ mua được bằng tiền, hoặc bằng rất nhiều tiền”.
Cho nên việc bồi thường phải là việc thực thi quyết định phán xét của Toà án. Việc nhận tội chỉ là bước đầu của một của một phiên tòa, Formosa phải bị truy tố ra tòa Hình sự. Bất kỳ kẻ nào có ý định làm cho “chìm xuồng” đều phải bị quy là đồng loã với tội phạm.
Và nếu chính Trung Quốc là thủ phạm thì không phải là sự cố “chập điện” mà là điện phải bị chập theo kế hoạch, vào đúng bốn tuần trước khi có chuyến thăm của tổng thống Mỹ Obama tới Việt Nam để công bố gỡ bỏ lệnh cấm vận và ký kết hàng loạt các hiệp định hợp tác, để còn đủ thời gian cho cá chết trắng biển, để dân phẫn nộ biểu tình, để chính quyền phải đàn áp để bị quy tội vi phạm nhân quyền, để Quốc hội Mỹ phản đối việc gỡ bỏ cấm vận với Việt Nam. Và nếu có bạo loạn, chính quyền cộng sản Việt Nam lúng túng, rung động thì rất có thể chuyến thăm sẽ trở thành một vụ khủng bố, chế độ thậm chí có nguy cơ đổ vỡ.
Việc xác định nguyên nhân và thủ phạm chưa thể dừng ở công bố 30/06. Phải xác định nhà thầu phụ gây ra chập điện là ai, Việt Nam hay Trung Quốc. Lãnh đạo nhà thầu phụ này là những nhân vật nào, đến từ đâu, có liên hệ gì với Trung Nam Hải. Điện chập vô tình hay có chuẩn bị trước, mục đích cuối cùng của sự cố chập điện là gì?
Song song với việc này, phải khẳng định được, hiện tại, Đài Loan hay Trung Quốc đang nắm cổ phần chi phối tại Formosa Hà Tĩnh. Mục tiêu của việc Trung Quốc chiếm dần quyền sở hữu và quản lý toàn bộ dự án, bao gồm nhà máy thép Formosa, nhà máy nhiệt điện và cảng nước sâu Vũng Áng là gì? Việc tạo ra sự cố cá chết, ngoài mục đích chiếm biển, có liên hệ gì tới âm mưu phá hoại chuyến đi của Obama và liên kết Việt – Mỹ. Độc chiếm việc sử dụng cảng nước sâu Vũng Áng có liên hệ gì với hoạt động tàu ngầm Trung Quốc trong vịnh Bắc Bộ và có liên kết gì với căn cứ tàu ngầm Du Lâm tại đảo Hải Nam? Việt Nam đã có những cơ chế gì để giám sát những công trình xây dựng phía trong hàng rào khu công nghiệp. Vũng Áng đang xin cơ chế đặc khu nhằm mục đích gì. Có hay không khả năng biến Vũng Áng thành Tô giới, trước mắt là Đài Loan, tương lai là Trung Quốc trong suốt thời gian 70 năm?
Việc cấp phép đầu tư dự án thép Vũng Áng đã rõ ràng là một trọng tội. Cần phải khởi tố vụ án cấp phép, không thể để cho những tham quan tội đồ như nguyên thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, cựu bí thư kiêm chủ tịch HĐND tỉnh Hà Tĩnh Võ Kim Cự vừa giàu sụ, vừa nhởn nhơ thăm chùa và nghe hát, hưởng lạc ngoài vòng pháp luật.
Công suất sản xuất thép trên toàn cầu đã vượt quá 200% nhu cầu tiêu thụ. 50% năng lực sản xuất thép của Trung Quốc bị buộc phải đóng cửa hoặc giảm công suất. Năm nay Trung Quốc sẽ giảm 450 triệu tấn và sẽ giảm 600 triệu tấn trong ba năm tới. Giá thép thế giới đã giảm 200% từ tháng 2 năm 2012 tới nay. Trung Quốc đang có 300 triệu tấn thép tồn kho không tìm được thị trường tiêu thụ.
Với công nghệ sản xuất thấp kém và đắt đỏ, nếu phải chi phí cao thêm cho công tác xử lý chất thải, thép của Formosa Hà Tĩnh sẽ không thể cạnh tranh, nguy cơ thua lỗ không thể bù đắp tất yếu dẫn đến đóng cửa. Phải buộc Formosa lắp đặt thiết bị quan trắc tự động 24/24g, 7/7 ngày, gắn với cơ chế cửa xả thải tự động, đấu nối với trạm giám sát của sở tài nguyên môi trường Hà Tĩnh. Tuyệt đối không để nước chưa qua xử lý hoặc chưa được xử lý tới ngưỡng chuẩn có thể thóat ra biển. Không thể di dân và chấp nhận xả độc ra môi trường. Phải ép bằng được Formosa đóng cửa. Đây phải là mục tiêu để Việt Nam thoát khỏi món nợ mà ông Dũng tham lam đã để lại.
Nếu mục đích của Trung Quốc núp bóng Formosa trả tiền cho Hà Nội di dân, đổi nghề và bỏ biển miền Trung, thì với 500 triệu USD, là giá quá rẻ. Cái đắt là sự ngu dốt của Hà Nội. Hà Nội hoan hỉ vì buộc được Formosa nhận lỗi và chịu bồi thường, Hà Nội hăm hở dùng 500 trịêu để di dân khỏi vùng biển, vùng đất miền Trung, theo đúng ý đồ của Trung Quốc. Hà Nội ngoan ngoãn để Hán Tàu dắt mũi.
Không thể được. 500 triệu USD này sẽ chỉ phép được dùng vào việc khôi phục lại môi trường, nạo vét biển, tẩy rửa môi trường sống tự nhiên. Bồi thường cho dân những thiệt hại trực tiếp và gián tiếp, lập tức và lâu dài, hỗ trợ y tế để khắc phục và phòng ngừa những hậu quả do nhiễm độc, hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp và phương tiện bám biển. Kẻ nào trong chế độ làm theo kế hoạch chuyển nghề và di dân, kẻ đó phải bị truy tố ra tòa.
Phải thiết lập cơ chế pháp luật để có thể can thiệp có hiệu lực tức khắc mọi vi phạm của chủ dự án. Truy trách nhiệm cho những quan chức vận động cấp quy chế đặc khu cho dự án Vũng Áng. Bãi bỏ tất cả những ưu đãi hành chính đối với dự án, cảnh giác với mưu toan biến Vũng Áng thành khu tự trị, quốc gia trong quốc gia.
Điều tra và truy tố tất cả những cán bộ trực tiếp và gián tiếp quan hệ hành chính quản trị với Formosa trong suốt quá trình từ khi cấp phép đến nay. Cần thay mới ngay lập tức tất cả các quan chức bộ máy liên quan tới quản lý dự án.
Những diễn viên diễn tồi như thứ trưởng Môi trường Võ Tuấn Nhân, như phó chủ tịch Hà Tĩnh Đặng Ngọc Sơn, những con rối tâng công ngờ nghệch như Nguyễn Xuân Anh, Huỳnh Đức Thơ… không nên để diễn tiếp.
Phía sau sân khấu, những kẻ tay nghề non nớt như trưởng ban tuyên giáo Võ Văn Thưởng cũng không nên tiếp tục nghề nhắc vở. Ông này còn hành xử theo cảm tính, chưa đủ độ lỳ trơ cứng cần thiết, có lẽ vì còn quá trẻ, tính cách thượng tôn danh dự trong con người này còn chưa biến mất. Nhất là ông chưa có một chiếc vỏ Mác-Lê đủ dày, nên sự thật còn dễ lọt qua. Vụ hai máy bay nghi bị tên lửa Trung Cộng bắn hạ vừa rồi, rõ ràng còn lúng túng hơn. Thông tin rối lọan. Lúng túng giữa minh bạch thông tin và năng lực nói dối, lừa bịp dư luận, có lẽ ông sẽ phải bỏ nghề. Nghề nói dối, lươn lẹo vừa sắt đá vừa thính mũi rõ ràng là sở trường của Trương Minh Tuấn, bộ trưởng Thông Tin Truyền Thông. Ông này vừa đựợc tín nhiệm kiêm phó ban tuyên giáo Trung ương, thực chất là để thường trực ban tuyên giáo, để Võ Văn Thưởng có thời gian nghỉ. Chưa biết chừng Trương Minh Tuấn sắp vào Bộ Chính trị. Ông này mà lên, chưa biết chừng ông thu lại hết thẻ của các nhà báo, người làm báo chỉ còn lại loại người khồng đầu. Ông Thưởng lại về phó bí thư Sài Gòn. Cũng tốt, ông có thể là Gorbachốp, biết đâu!?
Màn diễn tiếp phải là cảnh phán xử của Tòa và các tội phạm. Tiền bồi thường không phải là con số tròn trĩnh 500 triệu USD. Tội phạm trực tiếp là Trung Quốc, không phải Đài Loan. Âm mưu chiếm đọat biển phải được vạch trần. Formosa phải được Toà kiến nghị đóng cửa. Nguyễn Tấn Dũng và Võ Kim Cự phải bị kết án chung thân, tịch biên sung công toàn bộ tài sản chìm, nổi, giấu trong con cái.
Dưới một chế độ độc đảng, nơi đảng cao hơn và đứng ngoài pháp luật, tham nhũng của hệ thống quản trị là không thể tránh khỏi, trước khi có thay đổi từ chế độ đảng trị sang chế độ pháp trị, luật pháp phải nghiêm cấm cấp phép các dự án tiềm ẩn các nguy hại môi trường, tài nguyên của quốc gia, trước mắt, hoãn vô thời hạn các dự án điện nguyên tử, từng bước đóng cửa và chấm dứt dự án Bôxít Tây nguyên, các dự án khai thác titan, xiết chặt các yêu cầu đối với các dự án nhà máy giấy.v.v.
Mặt đất đang chuyển động dữ dội. Khó đoán được những gì có thể xảy ra trong những ngày sắp tới. Quốc hội 14 bầu ra chính phủ mới? Có thể còn nhiều cái mới nữa. Đài Loan có thể trở về Trung Quốc? Triều tiên sẽ thống nhất? Sẽ không còn phải tranh chấp Trường Sa?…
Chỉ có một điều có thể chắc chắn là Vở tuồng Formosa chưa thể hạ màn.
Bùi Quang Vơm/(Ba Sàm)/TTHN


QUẢ BOM FORMOSA: CÁI GIÁ CỦA VÔ CẢM & VÔ MINH
NGUYỄN QUANG DY/ VST/ BVN 8-7-2016
Sau những tai họa giáng xuống đầu người dân mấy tỉnh miền Trung, xã hội Việt Nam lại càng phân hóa. Thay vì trên dưới một lòng để chung sức đối phó với thảm họa môi trường và đe dọa chủ quyền, để chống tham nhũng và cải cách thể chế, thì khủng hoảng lòng tin vẫn là vấn đề nhức nhối. Tuy quả bom nổ chậm Formosa đã được tháo ngòi, nhưng khối thuốc nổ vẫn còn đó. Người dân trong vùng bị nạn vẫn “sống trong sợ hãi”. Chủ quyền quốc gia vẫn đang bị đe dọa. Người ta vẫn hành xử vô cảm và vô minh, như vô can và vô tội.

Hệ lụy của tai họa môi trường

Trong khi thực phẩm, hoa quả bị nhiễm độc, thì nước đóng chai cũng bị nhiễm chì (như vụ URC và C2). Nay không ai còn dám ăn hải sản và tắm biển miền Trung (trừ quan chức địa phương muốn diễn trò hề). Nhiều người dân còn lo xa dự trữ cả nước mắm và muối, trong khi nước biển, nước sông và không khí đều bị ô nhiễm. Không phải chỉ có “người Trung quốc xấu xí” đầu độc thế giới, mà người Việt Nam tham lam cũng đang đầu độc lẫn nhau một cách hồn nhiên. Không biết từ bao giờ người ta đã trở thành tham lam, vô cảm đến tàn nhẫn. Đồng tiền mất giá không đáng lo ngại bằng mất nhân cách và nhân quyền.


Tình hình đột ngột xấu đi khi chủ quyền Biển Đông bị đe dọa, mà sự kiện giàn khoan HD-981 là một bước ngoặt (5/2014). Ngư dân Việt Nam thường xuyên bị “tàu lạ” bắt nạt và khủng bố, mất dần chủ quyền đánh cá trong vùng biển của mình. Bước ngoặt thứ hai là sự kiện cá chết hàng loạt tại Vũng Áng và bốn tỉnh miền Trung (4/2016). Phải mất hơn hai tháng quanh co và trì hoãn, đến ngày 30/6 Chính phủ mới kết luận Formosa là thủ phạm và phạt 500 triệu USD để bồi thường thiệt hại. Nhưng dư luận vẫn thất vọng và bất bình.
Thứ nhất, dư luận cho rằng số tiền phạt 500 triệu USD mà Chính phủ thỏa thuận với Formosa một cách vội vã, chưa dựa trên đánh giá toàn diện thiệt hại trước mắt và lâu dài do thảm họa môi trường mà Formosa gây ra. Con số có thể lớn hơn nhiều.
Thứ hai, nếu hỗ trợ ngư dân miền Trung chuyển đổi làm nghề khác (như xuất khẩu lao động…) thì có thể rơi vào bẫy của Trung Quốc, vì ngư dân sẽ phải bỏ ngỏ Biển Đông để lực lượng “Dân quân Biển” Trung Quốc kiểm soát. Không những ngành hải sản và du lịch biển của Việt Nam bị tê liệt, mà an ninh và chủ quyền quốc gia cũng bị đe dọa.
Thứ ba, không thấy Chính phủ đề cập đến việc hỗ trợ người dân bị nạn kiện Formosa (về dân sự và hình sự). Trong khi đó, Bộ luật Hình sự mới vừa được Quốc hội vội vã biểu quyết “dừng áp dụng ngay lập tức” (trước ngày 30/6). Liệu có phải vì Điều 79 Khoản 1 và điều 235 Khoản 5 có thể được vận dụng để kiện Formosa, nên phải hoãn?
Thứ tư, không thấy Chính phủ và các bộ ngành liên quan nhận lỗi và giải thích về trách nhiệm đối với thảm họa môi trường, không thấy nói sẽ xử lý thế nào đối với những tổ chức hay cá nhân mắc sai phạm nghiêm trọng (như Thủ tướng đã tuyên bố).
Thứ năm, không thấy Chính phủ xin lỗi hay giải thích tại sao lại đàn áp bằng bạo lực đối với người dân biểu tình ôn hòa đòi biển sạch và minh bạch (như thế lực thù địch). Người dân coi hành động trấn áp này đồng nghĩa với bao che cho Formosa.

Đấu tranh quyền lực và chống tham nhũng

Tuy Đại hội Đảng và bầu cử Quốc hội đã “tạm xong” vì đã hạ bệ được ông Nguyễn Tấn Dũng, nhưng đấu tranh quyền lực còn tiếp diễn. Những động thái “chống tham nhũng” gần đây cho thấy những người thuộc cơ chế quyền lực cũ (hay nhóm lợi ích) đang là đối tượng bị “chỉnh lý”, để cơ chế quyền lực mới củng cố thế lực.
Sau khi xử lý vụ Phó chủ tịch Hậu Giang Trịnh Xuân Thanh (về chiếc xe Lexus gắn biển xanh bất minh) và vụ Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng (đã điều chuyển con trai vào các chức vụ bất minh), cuộc “chính lý” vẫn đang tiếp diễn. Trong bối cảnh Trung Quốc đang tập trận quy mô lớn tại Biển Đông (5-11/7) để răn đe trước khi Tòa án Thường trực (PCA) ra phán quyết về tranh chấp Biển Đông (12/7), Hội nghị Trung ương 3 (từ 4/7) đang bàn về vấn đề nhân sự “hệ trọng”. Đáng lưu ý là nguyên Phó chủ tịch Bà Rịa-Vũng Tàu Phan Thanh Bình vừa bị truy tố về tội “sai phạm quản lý đất đai”.
Không biết ông Bình tham nhũng thế nào, nhưng đã tổ chức mít tinh phản đối Trung Quốc đem giàn khoan HD-981 vào Biển Đông (5/2014) nên lúc đó đã bị cách chức. Liệu việc xử lý ông Bình mà không xử lý các cá nhân khác có trách nhiệm đã mắc sai phạm nghiêm trọng trong vụ bê bối Formosa có phải là một tin hiệu đáng suy nghĩ?
Ngoài ra, Hội nghị TƯ 3 chắc sẽ phải bàn đối sách của Việt Nam về tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông, trước khi Tòa án Thường trực (PCA) phán quyết về vụ kiện của Philippines. Việt Nam phải có thái độ trước phán quyết của PCA, không thể lẩn tránh, vì đây là thước đo đánh giá và phân biệt thái độ của các nước ASEAN “xoay trục” về phía nào. Để đối phó với phán quyết của PCA, Trung Quốc đã tìm mọi cách phân hóa và lôi kéo được sự ủng hộ của 3 nước ASEAN là Campuchia, Lào và Brunei (tại khu vực Đông Nam Á).
Việt Nam có thể trì hoãn, không dám kiện Trung Quốc ra PCA như Philippines đã làm, vì sợ “nhạy cảm” (hay nói cách khác là sợ Trung Quốc). Nhưng nếu Việt Nam không dám kiện Formosa hoặc nếu không hỗ trợ pháp lý cho người dân bị nạn kiện Formosa (như các nước khác đã làm), là vô cùng dại dột và không thể biện minh. Kiện về môi trường là một việc khó khăn và phức tạp nhưng được lòng dân, và được quốc tế ủng hộ. Vì vậy, phải kết hợp “nhà nước và nhân dân cùng làm”, phải kết hợp chặt chẽ giữa quốc gia với quốc tế, phối hợp “ba mặt giáp công” là mặt trận pháp lý, khoa học và truyền thông.
Đây không phải là lần đầu tiên. Năm 2008, với sự hỗ trợ của Hội Luật gia Đồng Nai và Đoàn Luật sư Bà Rịa-Vũng Tầu, nông dân 3 tỉnh Đồng Nai, Tp Hồ Chí Minh, Bà Rịa-Vũng Tàu đã kiện Công ty Vedan vì đã xả chất thải độc ra sông Thị Vải. Cuối cùng Vedan đã phải bồi thường 119,5 tỷ VNĐ cho Đồng Nai, 45,7 tỷ VNĐ cho Tp Hồ Chí Minh, 53,6 tỷ VNĐ cho Bà Rịa-Vũng Tầu. Năm 2015, trong vụ kiện BP làm tràn dầu ra Vịnh Mexico, BP đã phải bồi thường cho Mỹ 18,7 tỷ USD và chi phí 54 tỷ USD để khắc phục hậu quả môi trường.
Theo luật sư Trần Quốc Thuận (nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội), điều mà người dân miền Trung cần làm lúc này là thu thập đủ chứng cứ để kiện Formosa. Nhưng người dân không thể tự mình đi kiện, nếu không được Chính phủ đồng tình, nếu không được sự hỗ trợ của các luật sư, các nhà khoa học, và các nhà báo. Có thể kiện Formosa khó hơn Vedan hoặc BP, nhưng có thể nói thảm họa môi trường biển mà họ gây ra không kém gì thảm họa chất độc da cam mà quân đội Mỹ gây ra trong chiến tranh tại Miền Nam.
Đến ngày 30/6/2016, Chính phủ mới công bố nguyên nhân và thủ phạm gây ra thảm họa môi trường, nhưng các nhà khoa học và điều tra đã biết từ lâu, tuy không được phép công bố. Ngày 22/4/2016, Thiếu tướng Nguyễn Xuân Lý, Cục trưởng C49 (phòng chống tội phạm môi trường) cho biết, “phía C49 không thể phát ngôn ngay được vì ảnh hưởng tới nhiều vấn đề khác”. Điều đó có nghĩa C49 đã biết nhưng không được nói.
Về số tiền Formosa đền bù thiệt hại, có nhiều ý kiến khác nhau. Có ý kiến thắc mắc tại sao con số 500 triệu USD lại tròn trĩnh như vậy? Dựa trên cơ sở nào? Theo thông báo thì đến 30/6/2016 chính quyền Hà Tĩnh mới lập ra “Hội đồng đánh giá thiệt hại do Formosa gây ra”. Nếu con số đó là của Formosa đưa ra, thì có hợp lý hay không? Theo cách tính của một chuyên gia môi trường (để tham khảo) thì tổng thiệt hại vật chất và tinh thần của thảm họa này phải là 690.69 triệu USD, nếu tính theo chuẩn của US EPA (Environmental Protection Agency), và ước tính phải mất khoảng 69 tháng mới có thể đánh giá được hết thiệt hại.

Những lỗ hổng về truyền thông

Thảm họa môi trường đã trở thành thảm họa truyền thông và khủng hoảng lòng tin. Người ta hay nói “mất lòng tin là mất tất cả”. Vậy lòng tin từ đâu?
Từ trước đến nay chưa có một vấn đề nào có thể lôi kéo được sự quan tâm và bức xúc của cộng đồng người Việt trong nước và ngoài nước nhiều đến thế, không phân biệt trí thức - khoa học hay người dân lao động, không phân biệt báo chí “lề phải” hay “lề trái”. Vì môi trường là vấn đề “trung tính”, không có “thế lực thù địch” nào có thể xúi dục. Đây là vấn đề toàn cầu và vấn đề sống còn của nhân loại, nên không có nhà nước nào lại dại dột đàn áp và bịt miệng dư luận. Đây là vấn đề phải tranh thủ sự giúp đỡ của quốc tế (như một nghĩa vụ toàn cầu), nhất là về mặt khoa học, pháp lý và truyền thông. Từ chối sự giúp đỡ của quốc tế để đối phó với một thảm họa môi trường là vô cùng dại dột và không thể biện minh.
Ngày 20 và 25/6/2016, kênh truyền hình Đài Loan PTS đã phát chương trình phóng sự điều tra dài 60 phút “Viêt Nam: Cái chết của cá” nói về nguyên nhân cá chết tại vùng biển miền Trung mà Formosa là nghi phạm chính. Chương trình này đã gây chấn động dư luận Đài Loan, tác động đến chính giới. Tuy nhiên, khi PTS vào Việt Nam làm chương trình này có lẽ không được sự ủng hộ của cơ quan chức năng và sự phối hợp của Đài truyền hình Trung ương hay địa phương, mà phải “làm chui” (với sự hỗ trợ của vài nhà báo “lề trái”).
UDN (United Daily News) là tờ báo lớn thứ 3 Đài Loan, với đường lối biên tập ủng hộ liên minh chính trị do Quốc Dân Đảng (KNT) cầm đầu, đã bị thua Đảng Dân Tiến của bà Thái Anh Văn trong cuộc Tổng tuyển cử (1/2016). Vừa rồi, báo UDN đã đưa tin Chính phủ Việt Nam cấm xuất cảnh hai lãnh đạo của Formosa nhằm gây áp lực buộc họ phải chịu nhận trách nhiệm vụ cá chết tại Vũng Áng. Tuy nhiên, Formosa “không xác nhận” tin này.
Trong khi đó, phóng viên kênh truyền hình PTS của Đài Loan bình luận, “Nếu quả thật không có chuyện cấm xuất cảnh (là một việc rất nghiêm trọng) thì lẽ ra Formosa phải phủ nhận và tuyên bố thông tin đó là sai sự thật. Đằng này, họ lại chỉ úp mở “không xác nhận” thông tin. Dù sự thật thế nào, Chính phủ Việt Nam cũng cần lên tiếng vì hiện đang có dư luận xì xào rằng phía Việt Nam “phá án” bằng “nghiệp vụ Bắc Giang” (tức ép cung). Nếu UDN đặt điều thì Việt Nam hoàn toàn có thể kiện UDN vì họ đã vu khống Chính phủ.
Để hội nhập quốc tế, việc kết nối quốc tế về truyền thông là một việc cần làm vì đây là một khâu yếu của Việt Nam. Trong khi đó, cần tránh những tranh cãi gây tai tiếng và chia rẽ nội bộ mà dư luận hay gọi là hiện tượng “đấu tố” lẫn nhau hay “ném đá” hội đồng. “Khôn nhà dại chợ” chỉ có lợi cho các thế lực thù địch. Sự cố truyền thông của chương trình VTV “60 phút mở” do nhà báo Tạ Bích Loan chủ trì, với một số đồng nghiệp khác, là một ví dụ. Gần đây cuộc “bút chiến” trên mạng giữa biên tập viên Lê Bình của VTV 24 với luật sư Trần Vũ Hải, là một ví dụ khác. Các sự cố đáng tiếc này bộc lộ những lỗ hổng về truyền thông.
Tuy nhiên, có những dấu hiệu đáng mừng là một số báo chí Viêt Nam (như Zing.vn) đã cử phóng viên sang Đài Loan điều tra và làm phóng sự. Phóng viên của Zing đã gặp gỡ phỏng vấn các nghị sĩ Quốc hội, các tổ chức xã hội dân sự và người dân Đài Loan về những gì liên quan tới Formosa (cả ở Đài Loan lẫn Việt Nam).
Bà Su Chih-feng, một nghị sỹ đảng cầm quyền Dân Tiến, cựu Thị trưởng Vân Lâm (thủ phủ của Formosa và tâm điểm của ung thư) đã nói rằng Formosa là “quái vật khổng lồ”, phải cẩn trọng và cứng rắn với họ để tránh những rủi ro, vì quyền lực của họ rất lớn đối với chính quyền. Trong 9 năm làm thị trưởng Vân Lâm (2005-2014) bà Su đã từng lên tiếng từ chối dự án thép hàng tỷ đô của Formosa vì nguy cơ ô nhiễm cao. Bà Su khuyên nên kiểm soát chặt không cho họ đốt than cốc gây ô nhiễm nghiêm trọng. Trước khi hoạt động, chính phủ phải buộc họ thỏa thuận xử phạt thế nào nếu xẩy ra ô nhiễm hoặc gây ra bệnh tật.
Một nghị sỹ Đài Loan khác, ông Kuen-yuh Wu cho biết đã kêu gọi Formosa phải giải trình về vụ cá chết và cho biết nhiều người ở Đài Loan đang kiện Formosa vì tỷ lệ ung thư tăng. Ông nói khi Formosa tới các nước khác để đầu tư họ phải thực hiện các trách nhiệm xã hội chứ không chỉ làm ăn kiếm lợi. Họ phải quan tâm đến các vấn đề như ô nhiễm, quyền con người, quyền người lao động. “Formosa là trường hợp cá biệt. Thật đáng tiếc là chuyện này đã xẩy ra. Chúng tôi cũng quan ngại về hành vi của Formosa ở Việt Nam. Đó cũng là lý do chúng tôi muốn giám sát hơn nữa hoạt động của công ty này ở nước ngoài. Formosa có ảnh hưởng rất lớn đến chính phủ Đài Loan trong quá khứ. Nhưng tôi tin chính phủ mới sẽ không chấp nhận kiểu ảnh hưởng thế này và sẽ kiểm soát tập đoàn này tốt hơn…”
Có thể hiểu Formosa đang hết thời. Tuy trước đây họ có thể thao túng Chính phủ Đài Loan (cũng như Việt Nam) nhưng “thành tích” hủy hoại môi trường của họ quá lớn, nên uy tín của họ đã xuống quá thấp, ở Đài Loan cũng như các nơi khác trên thế giới. Nếu Việt Nam tiếp tục bao che cho họ theo kiểu “phạt cho tồn tại” là vô cảm và vô minh. Chủ nghĩa tư bản hoang dã và chủ nghĩa xã hội thân hữu đang trở thành kẻ thù của nhân loại tiến bộ.

Những lỗ hổng về khoa học và pháp lý

Nghị sỹ Kuen-yuh Wu nói với phóng viên Zing rằng cho đến giờ ông vẫn chưa được đọc báo cáo điều tra, những gì ông biết chỉ dừng trên thông tin báo chí đưa như việc xuất hiện xyanua và phenol. Chưa tiếp cận được báo cáo thì ông không biết nồng độ xyanua trong nước ra sao và vì vậy khó đưa ra được kết luận của mình. Với độ dài đường ống thải hiện nay, chất độc chỉ lan ra được 47km, vì vậy nồng độ chất độc phải cao lắm mới lan ra tới 300km. Bộ TN&MT giải thích rằng khi xyanua và phenol kết hợp trở thành “tấm chăn” khổng lồ hút nhiều chất độc khác nên làm cá chết trên diện rộng. “Xyanua là rất độc và nguyên nhân cá chết hẳn là do xyanua, nhưng xyanua khi kết hợp lan rộng đến thế nào thì cần phải đọc báo cáo chi tiết. Là chuyên gia về độc tố học, tôi chưa từng đọc thấy tài liệu nào nói đến trường hợp hút các chất độc khác kiểu này”. Nói cách khác, ông ta chưa được thuyết phục.
Một chuyên gia khác là kỹ sư Nguyễn Minh Quang cũng khuyên là nên công bố các tài liệu khoa học và báo cáo điều tra để có cơ sở thuyết phục. Kết quả phân tích các mẫu nước thu thập trong khu vực Lăng Cô ngày 15/4/2016, trong khi có hiện tượng cá chết hàng loạt ở đây, đã bác bỏ lập luận của phía Việt Nam vì cả hai chất phenol và xyanua không được phát hiện trong tất cả các mẫu nước. Ngược lại, 5 trong 6 mẫu nước thu thập được có chứa NH4 với nồng độ từ 0,154 đến 0,416 mg/L. Với nồng độ đó, cá biển có thể chết ngay lập tức vì nồng độ an toàn của ammonia/ammonium cho cá nước mặn là zero… Do đó, không có một độc tố nào hiện diện trong cá chết vì ammonia/ammonium.
Theo ông Quang, giả sử hơn 50% mẫu cá chết thu được thật sự chết vì phenol và xyanua, như tuyên bố của Bộ trưởng Trần Hồng Hà, thì mức độ chính xác của nguyên nhân chỉ là 50% và gián tiếp thừa nhận rằng có một “yếu tố cực độc” khác đã giết số mẫu cá chết còn lại. Nếu kết quả phân tích mẫu cá không được công bố, thì bất cứ ai cũng có thể giả thiết rằng chính “yếu tố cực độc” kia đã giết chết hàng loạt cá biển miền Trung, và lập luận này có cơ sở khoa học vì ammonia/ammonium được phát hiện trong nước biển ở nồng độ có thể giết chết cá, mặc dù ở cách xa nguồn nước thải trên 250 km. Nếu giả thiết này là đúng thì mức độ chính xác về nguyên nhân cá chết do phía Việt Nam đã công bố là “con số không!”
Ông Quang cũng khuyến nghị nên soát xét lại giấy phép xả thải của Formosa để lấp tất cả “kẽ hở pháp luật,” vì theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà có thể nói “ta chưa tiên liệu được các chất thải của Formosa”. Cái cần giám sát nhất là từ luyện cốc, cần có hệ thống kiểm soát đạt “tiêu chuẩn 52”, nhưng vì đang trong giai đoạn chạy thử, nên chưa cơ quan nào được vào, chỉ khi nào họ đã vận hành rồi thì mới vào. Đây là kẽ hở pháp luật. Ta chưa kiểm soát được. Đáng ra phải đáp ứng tiêu chuẩn 52. Hệ thống quan trắc cũng chưa quan trắc được phenol, xyanua do pháp luật còn lỗ hổng, không có giám sát trong quá trình giám sát, thử nghiệm. Vì vậy, ông Quang đề xuất cách tốt nhất là lưu giữ lại nước thải ở hồ chứa tạm và chỉ được xả ra môi trường khi nào hội đủ tiêu chuẩn được ghi trong giấy phép qua kết quả phân tích.
Nói cách khác, đấu tranh trên ba mặt trận khoa học, pháp lý, và truyền thông còn tiếp diễn, và cần sự trợ giúp của quốc tế. Kết luận của Chính phủ mới chỉ là bước đầu. Các nhà khoa học cần tiếp tục điều tra và phản biện để có cơ sở kiện formosa. Nếu Việt Nam nhận tiền phạt “cho phép tồn tại” thì sẽ mắc bẫy Formosa và các thế lực bất minh. Đấy là cách mà lâu nay họ vẫn làm. Xét cho cùng, Formosa chỉ là bề nổi của tảng băng chìm.

Vô cảm và vô can

Trong khi thảm họa môi trường miền Trung được Chính phủ kết luận là do Formosa gây ra, thì Hà Tĩnh có tới 16 trung ương ủy viên (số lượng nhiều vô địch toàn quốc). Trong đó có hai người đứng đầu hai bộ quan trọng nhất đối với các dự án đầu tư là Bộ KH&ĐT và Bộ TN&MT. Cơ cấu nhân sự bất thường này có liên quan gì đến Formosa không? Chẳng lẽ Hà Tĩnh có nhiều nhân tài như vậy? Hay đó là phần thưởng cho sự đóng góp của tỉnh vào thảm họa này? Ông Võ Kim Cự (nguyên Chủ tịch/Bí thư Hà Tĩnh) là người có công rước Formosa vào Việt Nam đầu tư, và ban phát nhiều ưu đãi đặc biệt (thậm chí sai phạm quy định) thì nay vô can. Ông Cự vẫn là Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã và đại biểu Quốc hội.
Liên quan đến những nội dung sai phạm, ông Võ Kim Cự và các lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh đã thừa nhận kết luận của Thanh tra Chính phủ là khách quan và cam kết sẽ “nghiêm túc tiếp thu, khắc phục, chấn chỉnh những sai phạm”. Ông Cự cho biết, “Có cái đã xử lý, có cái đang xử lý và sẽ xử lý một cách nghiêm túc những khuyết điểm trên”. Không hiểu ông Cự “xử lý và khắc phục” thế nào thảm họa môi trường (và có thể là thảm họa an ninh). Nếu ông Cự và các quan chức khác có liên quan mà vô can, thì sẽ còn nhiều ông Cự khác và còn nhiều Formosa khác. Tại sao các quan chức địa phương có thể rủ nhau đi ăn hải sản và tắm biển sau khi góp phần để xảy ra thảm họa môi trường này? Thật vô cảm và vô minh!
Trong khi đó người dân địa phương bị nạn ở Hà Tĩnh sống ra sao? Cả nước quan tâm và đồng cảm với thảm cảnh cá chết do biển nhiễm độc, ngư dân mất nguồn sinh sống và mất luôn ngư trường truyền thống bao đời nay. Nhưng chưa hết, hệ quả của dự án Formosa còn có những thảm cảnh và góc khuất mà nhiều người không biết, nếu thiếu truyền thông hay vô cảm. Nhà báo Trần Đăng Tuấn đã “giận run người” khi biết tin 155 học sinh thôn Đông Yên (xã Kỳ Lợi, thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) bị thất học do tái định cư. Theo báo Một Thế giới (25/6/2016), bố mẹ các em chưa đi tái định cư và chính quyền yêu cầu các em phải đi học tại các trường trên khu vực tái định cư (cách nhà tới 25 km) nên các em thất học. Một số giáo viên tình nguyện tổ chức dạy các em trong khi chờ đợi, đã bị chính quyền quy tội “làm trái pháp luật”. Họ nơm nớp “sống trong sợ hãi” như tội phạm vì bị công an xã liên tục “triệu tập”.
Ông Nguyễn Hữu Sum, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Thị xã Kỳ Anh khẳng định với báo chí: “Theo quy định của Luật giáo dục và Điều lệ Trường Tiểu học, THCS thì việc mở lớp dạy học mà không được sự cho phép của chính quyền địa phương và cơ quan hữu quan, đặc biệt là sử dụng đội ngũ chưa đủ tiêu chuẩn để lên lớp là vi phạm pháp luật”. Nếu nói như vậy thì Cụ Hồ ngày trước đã “vi phạm pháp luật” vì dám phát động “bình dân học vụ”! Trong khi những người cầm quyền sai phạm nghiêm trọng vẫn vô can, và những tỷ phú gây ra thảm họa môi trường được “khoan hồng”, thì những giáo viên tình nguyện và học sinh cơ nhỡ lại trở thành tội phạm “vi phạm pháp luật” chỉ vì là nạn nhân của Formosa, chỉ vì muốn học. Nếu nói “đánh kẻ chạy đi chứ không đánh kẻ chạy lại” thì họ đang đánh ai đây?
Thay vì xin lỗi dân và giải thích với dư luận sẽ xử lý như thế nào những cá nhân mắc sai phạm gây ra thảm họa môi trường (như thủ tướng đã nói), thì Chính quyền tiếp tục dọa trấn áp để bịt miệng dư luận, với lý do “các thế lực thù địch” xui khiến. Thế lực thù địch nào xui khiến các giáo viên và học sinh cơ nhỡ muốn được học?
Trong khi đó du lịch Trung Quốc đang tràn vào Việt Nam, gây ra nhiều bất ổn (cả về số lượng lẫn tính chất phức tạp). Đây là một hệ quả tất yếu của mối quan hệ Trung-Việt đầy bất ổn. Tuy chưa đến mức báo động, nhưng đây là một vấn đề đáng lo ngại, nếu đặt nó bên cạnh những vấn đề bất ổn khác như hàng vạn người lao động Trung Quốc đang sinh sống tại các khu vực có các dự án khủng của Trung Quốc tại miền Trung (như Vũng Áng). Việc Trung Quốc vừa lập Tổng Lãnh sự quán tại Đà Nẵng cũng là một câu hỏi đáng suy nghĩ trong bối cảnh Biển Đông đang nóng lên từng ngày trước phán quyết của PCA.
Việc Formosa gây ra thảm họa môi trường làm cá chết, buộc Chính phủ phải di dân và mất biển, có phải là một ý đồ lâu dài đối với Việt Nam? Thời điểm gây ra cá chết hàng loạt làm khủng hoảng xã hội trước chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Barack Obama, có phải là một ý đồ trước mắt để cản đường quan hệ Việt-Mỹ? Việc Formosa chiếm cảng nước sâu Sơn Dương tại Vũng Áng có liên quan gì tới chiến lược của Trung Quốc tại Biển Đông?

Đầu tư và bảo vệ môi trường

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, trong hơn hai tháng qua, để bắt được Formosa cúi đầu nhận tội, Chính phủ Việt Nam đã có nỗ lực rất lớn. Tuy nhiên, vẫn còn 2 vấn đề lớn chưa được giải đáp thỏa đáng. Thứ nhất, nếu Formosa khẳng định nguyên nhân xả thải làm nhiễm độc biển là do lỗi của các nhà thầu phụ, thì các nhà thầu phụ này là ai? Chính phủ Việt Nam cần biết đích danh các nhà thầu phụ đó để có biện pháp xử lý thích đáng. Formosa nó là do sự cố chập điện, vậy chập điện là vô tình hay cố ý? Thứ hai, những cá nhân và tổ chức nào của Việt Nam có trách nhiệm trong vụ việc này vì đã buông lỏng quản lý, giảm sát, hoặc đưa ra nhiều “ưu đãi” vượt quá mức quy định cho Formosa, để họ gây ra thảm họa môi trường?
Chính phủ Việt Nam phải lập ra các tổ chức giám sát để theo dõi thực hiện những cam kết mà Formosa đã tuyên bố, như bồi thường thiệt hại kinh tế cho người dân, đảm bảo xử lý triệt để chất thải độc trước khi thải ra môi trường, phối hợp với các bộ ngành và các tỉnh miền Trung xây dựng các giải pháp đồng bộ, không để xảy ra sự cố môi trường tương tự.
Từ nay, những dự án lớn phải do Chính phủ quyết định, chứ không để cho chính quyền địa phương quyết định nữa. Phải điều hòa mục tiêu phát triển quốc gia để tránh tình trạng các địa phương đua nhau đầu tư phát triển bằng mọi giá, với những dự án chưa thẩm định kỹ, với các cán bộ yếu kém đưa ra những quyết định bất minh.
Tuy “mất bò mới lo làm chuồng”, nhưng vẫn phải điều chỉnh chính sách đầu tư. Không chấp nhận những dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao. Không nên tin vào lời hứa của các nhà đầu tư, mà coi nhẹ thẩm định dự án. Phải kiên quyết xử lý nghiêm những cá nhân, tổ chức nào sai phạm trong vụ Formosa, nhằm răn đe các trường hợp tương tự không để xảy ra nữa. Vì vậy, không thể để cho những cá nhân, tổ chức này vô can.

Lời cuối

Nhiều người ngạc nhiên tại sao Formosa lại liều lĩnh đến phi lý khi đầu tư 10 tỉ USD (sau tăng lên 28 tỷ) cho một dự án thép có công suất 7,5 triệu tấn/năm (sau tăng lên 22 triệu tấn). Điều này là cực kỳ rủi ro vì giá thép đã giảm 200%. Vậy lý do thực sự là gì? Người ta có lý do để nghi ngờ là China Steel mượn danh Formosa để chuyển dịch sản xuất thép từ quặng tới thép thô vốn là khâu tốn kém nhất và ô nhiễm nhất sang Việt Nam, để cắt giảm chi phí và để tránh ô nhiễm môi trường Đài Loan. Nhưng Formosa và China Steel không thể tự mình làm được điều đó nếu không có các quan chức tham nhũng Việt Nam vô cảm và vô minh.
Thảm họa môi trường do Formosa gây ra tại miền Trung còn lớn hơn sự kiện Trung Quốc đem giàn khoan HD-981 vào hải phận Việt Nam tại Biển Đông (5/2014), là một bước ngoặt gây khủng hoảng quan hệ Trung-Việt. Tuy sự kiện giàn khoan HD-981 là một cú sốc lớn, nhưng nó không kéo dài và nguy hiểm bằng sự kiện cá chết do thảm họa môi trường. Formosa là một quả bom nổ chậm và là một tử huyệt đối với Việt Nam, cả về môi trường lẫn an ninh. Muốn vô hiệu hóa quả bom nổ chậm và tử huyệt này, phải “xoay trục” để thoát Trung và cải cách thể chế. Muốn khắc phục sai phạm dẫn đến thảm họa môi trường (và an ninh) thì việc chống tham nhũng và kiểm soát các nhóm lợi ích phải đi đôi với cải cách thể chế.
7/7/2016
N.Q.D.
__________
Tác giả gửi cho viet-studies ngày 7-7-16
Nguồn: http://www.viet-studies.info/kinhte/NQuangDy_QuaBomFormosa.htm

THẤT THỐ- HỘI NGHỊ TRUNG ƯƠNG 3
NGUYỄN KHẮC MAI/ BVN 12-7-2016

Thất thố – Hội nghị Trung ương 3

Hội nghị Trung ương 3 khóa XII đã khép, trong sự thất vọng của những người đau đáu với tiến bộ, phải đạo. Thật ra Nó đã được thực hiện rất đúng quy trình. “Đúng quy trình” đang như là một tư duy thời thượng. Không cho mở tiệm cà phê, cất chòi vịt, làm chuồng gà, bắt người, đánh chết người trong đồn công an… thậm chí cấp phép cho Formosa làm như khu nhượng địa, gia tăng 20 năm, nhận tiền đền bù của chúng, đều được cho là “đúng quy trình”
1. Mấy nhận xét
a. Hội nghị rất coi trọng “đúng quy trình”, nên đã tập trung cho những nội dung về quy chế làm việc, phân công trách nhiệm, quy định thực hiện điều lệ, v.v. Việc xây dựng quy trình, điều chỉnh quy trình cho một bộ máy (cơ học, cũng như xã hội) để nó hoạt động tốt là đương nhiên. Có điều khi một bộ máy đã hỏng hóc, thậm chí thường gây tai nạn, sự cố… thì quy trình càng chặt chẽ, càng có vẻ “khoa học” vẫn có hại nhiều hơn là có lợi! Với một bộ máy xã hội, như đảng, quy trình, quy chế lại liên quan đến rất nhiều yếu tố nội sinh (phẩm chất của con người, nội dung đường lối cho nó hoạt động…) và yếu tố ngoại sinh, đó là môi trường xã hội nó đang hoạt động và nhất là khuynh hướng và mạch phát triển của thời đại. Một cỗ máy cơ học tồn tại cả trăm năm có thể “vẫn chạy tốt”. Nhưng cỗ máy một tổ chức xã hội muốn hoạt động tốt, có hiệu quả, nhất là có “mỹ ích” cho xã hội, đất nước, nó không thể tách rời yếu tố thời đại. Cho nên quy trình mà không gắn được với những phẩm chất mới của thời đại như Dân chủ, Dân quyền, Nhân quyền, bảo vệ sinh thái… nhất là yêu cầu cao của thoát vòng “nô lệ giặc Tàu” của nhân dân ta, thì quy trình dẫu chi li chặt chẽ, có vẻ đầy tính “khoa học xây dựng đảng” cũng sẽ chẳng đi đến đâu.
b. Hội nghị này có vẻ rất “quy trình” vì nó tuồng như đã được lập trình, dự kiến nội dung từ trước. Tuy nhiên một tổ chức xã hội, đặc biệt là một chính đảng cầm quyền, thì bên cạnh cái năng lực lập trình, lại phải có năng lực và đạo đức tình cảm nhạy bén với tình thế mới khi đã có những sự kiện nghiêm trọng đã xảy ra, như thảm họa môi trường ở miền Trung, cùng hàng loạt sự cố môi trường nghiêm trọng liên tiếp xảy ra trên diện rộng từ Bắc vô Nam, như sự cố hai máy bay chiến đấu đang đi làm nhiệm vụ liên tiếp bị rơi, trước ngưỡng cuộc tập trận của Trung Quốc ở Biển Đông, khiến cả chục sĩ quan không quân hy sinh, như Tòa án Trọng tài thường trực PCA sẽ công bố kết luận rất quan trọng về Biển Đông, liên quan trực tiếp đến Việt Nam… Thành ra, nếu chỉ tuân theo quy trình, mà không biết gia giảm, thêm bớt nội dung, nhận định và công bố rõ thái độ, nguyên tắc ứng xử trước những sự kiện thời sự nóng hổi và nghiêm trọng của Dân của Nước, dư luận xã hội có quyền đặt câu hỏi gay gắt rằng Hội nghị Trung ương 3 có xứng tầm là một hội nghị quan trọng hay không? Người ta cũng có quyền “théc méc” rằng, cái phương thức “robot”, cái nhân cách “robot” đang ngự trị, chứ không phải là những chính khách tầm cỡ quốc gia đang hành động!
2. Những thất thố lớn (thất thố, tiếng cổ có nghĩa không đúng, không đến nơi, đến chốn, sai lầm…)
a/. Thứ nhất. Thông cáo báo chí (trích từ Tuổi Trẻ ngày 8-7-2016) “Ban Chấp hành Trung ương tiếp tục khẳng định trách nhiệm và quyền hạn của mình về những vấn đề to lớn và quan trọng của Đất Nước, của Đảng và Nhà nước bao gồm quyết định những vấn đề về chiến lược và chủ trương chính sách lớn về kinh tế, xã hội và ngân sách nhà nước 5 năm và hàng năm, nhiệm vụ quốc phòng an ninh, đối ngoại, công tác xây dựng đảng, công tác quần chúng nhằm thực hiện Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng, những chủ trương, quan điểm chỉ đạo phát huy dân chủ, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong đảng, xã hội, chuẩn bị nhân sự Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước, định hướng lớn về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.”
Việc Ban Chấp hành Trung ương tự mình khẳng định trách nhiệm và quyền hạn chỉ trong phạm vi nội bộ của Đảng là chuyện mặc nhiên của Đảng. Anh có quyền và có sức tha hồ “khẳng định trách nhiệm và quyền hạn” của mình. Tuy nhiên, những vấn đề liên quan đến Đất Nước, đến Nhà nước lại đến cả xã hội, mà chỉ khẳng định như thế là đại thất thố. Huống chi anh lại nói “định hướng xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa!”. Một Nhà nước pháp quyền dẫu là xã hội chủ nghĩa đi chăng thì mọi thực thể của xã hội phải hoạt động trong khuôn khổ pháp luật. Hội nghị Trung ương 3 đã không biết đặt mình đặt Đảng trong khuôn khổ pháp quyền. Như thế “trách nhiệm và quyền hạn” của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản trong quan hệ với Đất Nước, với Nhà nước, với xã hội là thế nào? Chưa có đạo luật nào khẳng định, mà chỉ là anh tự mình khẳng định mà thôi. Thế là vô pháp, mà cứ thế mà làm thì tự anh cho mình cái quyền đứng ngoài luật pháp, và cái câu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trở nên vô nghĩa, chỉ còn là sự lừa dối mà thôi! Cần phải thấy một sự thực rằng mọi thực thể xã hội ở Việt Nam đều đang tồn tại và hoạt động theo Hiến định và Luật định. Đảng Cộng sản chỉ hoạt động theo điều 4 Hiến Pháp là không đủ cơ sở pháp lý, anh đang hoạt động phi pháp. Phải có một đạo luật để quy định, điều tiết cái gọi là “trách nhiệm và quyền hạn” của cái gọi là Ban Chấp hành Trung ương như Hội nghị Trung ương 3 khẳng định.
b/ Thất thố lớn thứ hai là anh không đã động gì đến Hiến Pháp, khi anh cao giọng nói “định hướng lớn xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa”. Thế mà những cái “nhằm” trong thông cáo chỉ là để thực hiện cương lĩnh, điều lệ, nghị quyết Đại hội. Không có nửa chữ nói về thi hành Hiến Pháp. Điều đó chứng tỏ cái quan niệm sai trái của chủ nghĩa Mác Lê, của tư tưởng Lênin, Stalin, Maoít… coi cương lĩnh của Đảng là số một, Hiến Pháp của dân của Nước là thứ yếu. Một khi đã bằng mọi cách để đưa phần lớn cương lĩnh của anh vào Hiến Pháp, mà vẫn coi Hiến Pháp là thứ yếu, thì phải xét lại cái nhận thức về nhà nước pháp quyền của anh, đúng là nó có vấn đề. Vì thế người ta có quyền hoài nghi cái ý thức pháp quyền của anh. Nếu đã có Hiến Pháp, và biết tôn trọng Hiến Pháp thì cương lĩnh, điều lệ, nghị quyết Đại hội cũng chỉ là thứ yếu, nó chỉ có giá trị nội bộ của Đảng, nó trở thành một giá trị trong đa nguyên giá trị, mà Hiến Pháp thể hiện. Cho nên không chỉ những đảng viên được cử làm những chức vụ chủ chốt của nhà nước phải thề trung thành với Hiến Pháp, mà cả Tổng Bí thư, Bộ Chính trị cũng phải có ý thức rõ rệt về sự tôn trọng Hiến Pháp. Nếu biết tôn trọng Hiến Pháp, Đảng phải đặt mình dưới một đạo luật do Quốc hội thông qua sau khi đã xin được ý kiến của nhân dân và xã hội. Chỉ như thế thì những quy chế hay ho, cụ thể mà Ban Chấp hành vừa thông qua mới có ý nghĩa pháp quyền. Nếu không chỉ là đảng quyền mà thôi.
c/ Đại thất thố thứ ba là Hội nghị Trung ương 3 không có điều gì khẳng định được rằng sự Ban Chấp hành khóa XII đã ý thức được tầm quan trọng, nóng bỏng của những sự cố đã và đang xảy ra. Xã hội không an tâm và hoài nghi chất lượng của “quy trình” xử lý vấn đề thảm họa môi trường do Formosa và cả nguyên nhân khác – “nguyên nhân lạ” – gây ra. Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường quả quyết 50% cá chết do chất độc từ Formosa. Vậy còn 50% nữa là từ nguyên nhân “lạ”, phải thế chăng? Chỉ riêng sự vội vàng của Chính phủ, sự thiếu rõ ràng của thông báo, chất lượng của cái Hội đồng giám sát hậu Formosa, và một quy trình đầy đủ, đáng tin xử lý toàn diện thảm họa môi trường này… đang đặt ra cho xã hội sự lo lắng, bất an. Chưa kể sự dung dưỡng những hành động đàn áp man rợ, nhẫn tâm, cũng như sự quy kết bất lương rằng nhân dân, thanh niên, nhân sĩ trí thức biểu tình tố cáo Formosa là do bọn phản động xúi giục. Người ta không thấy rõ Đảng đang cùng nhân dân hành động, mà chỉ thấy dường như là có sự thông cảm, bao che, nương nhẹ cho tội phạm. Người ta có quyền đặt câu hỏi sao Đảng không “xúi giục” được dân hành động yêu nước, bảo vệ môi trường, tố cáo tội lỗi (cả tội lỗi do một nhóm lợi ích bất lương gây ra) lại để cho phản động xúi giục? Những hành xử vừa qua của các bộ máy chính quyền đang đánh mất tính chính danh, chính nghĩa của Đảng nhiều lắm! Đảng đang đánh tráo vị thế của mình và dành cho “phản động”một sự đề cao đúng nghĩa.
Vấn đề thứ hai là ngày 12 tháng7 này PCA sẽ công bố phán quyết về đơn kiện của Philippines. Sự kiện này có tầm quan trọng quốc tế và khu vực chung quanh hành xử của Trung Quốc ở Biển Đông, rất liên quan đến việc bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Người ta chỉ cần giữ bí mật về thủ thuật, thủ đoạn. Những vấn đề chiến lược phải đem ra bàn với dân chúng, từng bước đưa dân chúng vào trách nhiệm quốc gia, còn chiến thuật thì lại phải đem bàn với chuyên gia trí thức nơi các “vựa Tư duy” (Think tank). Nước càng có nhiều vựa Tư duy càng khôn, càng mạnh! Một thái độ nhu nhược trước Trung Hoa cộng sản luôn luôn o ép, bắt chẹn, làm suy yếu, gây rối loạn xã hội đối với Việt Nam, những khẩu hiệu, đối sách không chính xác trong quan hệ với Trung Quốc đang làm yếu vị thế của Đất Nước, làm hèn khí phách yêu nước của nhân dân cả của Quân đội.
Lặng thinh không có ý kiến gì không khiến đối phương bị bất ngờ, mà lại càng tăng ngờ vực trong Đảng và trong nhân dân về sự vô minh, vô cảm của lãnh đạo lại khiến cho dư luận “lãnh đạo Đảng đang bị bắt làm tù binh” chẳng có cách gì xóa bỏ.
Hơn 500 năm trước cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) từng để lại minh triết:
Biển Đông vạn dặm giang tay giữ,
Nam cực muôn năm vững trị bình!
Đây là dự báo chiến lược thiên tài cho một thế “địa chính trị mới” của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á. Nam cực không chỉ có nghĩa là cõi trời Nam, đất nước Nam, là Việt Nam. Phải hiểu và hành xử như Nó là vấn đề chung của Đông Nam Á!
Nhân dân có quyền đòi hỏi một thế ứng xử đúng, tốt, hiệu quả cao. Phải cố kết toàn dân, phải hợp tác thành tâm và có hiệu quả với các cường quốc văn minh, với khu vực, cùng có lợi ích chống Trung Quốc bành trướng, bá quyền, uy hiếp các nước nhỏ, uy hiếp hòa bình và an ninh hàng hải trên Biển Đông.
Gần đây khi đi “học” nghị quyết của Đảng thường nghe những cán bộ tuyên huấn của Trung ương và thành phố đưa ra luận điểm “không thể tin được Tàu, tin Tàu thì mất nước. Nhưng không thể đi với Mỹ, đi với Mỹ thì mất chế độ”. Chúng tôi cho rằng đây là luận điểm theo phương pháp luận “Trần Ích Tắc - Chiêu Thống”. Bởi bọn bán nước bao giờ cũng đặt Quốc gia Dân tộc dưới lợi ích của ngôi báu, quyền lực, của chế độ. Ngược lại minh triết của tổ tiên ta từng khẳng định “vứt bỏ ngôi vua như quăng chiếc giày rách!”.
Cũng xuất hiện một luận điểm rằng lãnh đạo đang thực thi “kế sách nhịn nhục CâuTiễn”. Khổ nhục kế của Câu Tiễn là “liếm cứt” cho Ngô Phù Sai. Nhưng Câu Tiễn lại cho Phạm Lãi và Văn Chủng khoan thư sức dân, tích trữ lương thảo, bí mật huấn luyện 10 vạn tinh binh ở Cối Kê, nên mới có lực lượng để trả thù đánh bại được Ngô Phù Sai. Vì thế khi Vua Trần Nhân Tông từ Thăng Long xuôi thuyền về Hải Đông bố trí câc trận địa thủy quân, cả ngày không kịp ăn, lại cho khắc ở mạn thuyền hai câu thơ nổi tiếng:
Cối Kê cựu sự quân tu ký,
Hoan Diễn do tồn thập vạn binh.
(Chuyện cũ Cối Kê, người nên biết / Trong Thanh, Nghệ vẫn còn mười vạn quân)
Những hành xử nội trị của ta hiện nay dường như chỉ thấy mặt khổ nhục kế (liếm phân) còn vế khoan thư sức dân, cố kết dân tộc, nuôi dưỡng khí phách yêu nước của Quân đội, thanh niên, nhân dân, trí thức lại chệch choạc đáng ngờ.
Vì thế không thể không đòi hỏi cao đối với Hội nghị Trung ương 3 vừa qua.
Hãy đi cùng Nhân dân sửa chữa những thất thố để xứng đáng là một chính đảng của Dân của Nước!
Ô Đồng Lầm, những ngày tháng Bảy rất sốt.
N. K. M.
Tác giả gửi BVN.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét