Thứ Sáu, 8 tháng 7, 2016

20160708. NỢ CÔNG VÀ 68.000 TỶ ĐỒNG CHI CHO CÁC HỘI

ĐIỂM BÁO MẠNG
NỢ CÔNG: LẤY TIỀN ĐÂU ĐỂ TRẢ NỢ VÀ SÓT LÒNG TRƯỚC NHỮNG KHOẢN CHI TIÊU VÔ TỘI VẠ
NGUYÊN ĐỨC/ ĐT 7-7-2016
.
Việc Bộ Tài chính vừa công bố số liệu nợ công của Việt Nam tính đến cuối năm 2014 lên tới 1,8 triệu tỷ đồng (tương đương 80 tỷ USD) khiến dư luận một lần nữa lo lắng. Song điều nhức nhối hơn cả được đặt ra là, Việt Nam sẽ lấy tiền đâu để đầu tư, lấy tiền đâu để trả nợ?
Điều đáng nói là, vấn đề không chỉ nằm ở con số 1,8 triệu tỷ đồng, mà là tốc độ tăng nợ công quá nhanh trong giai đoạn vừa qua. Nợ công năm 2014 đã tăng gấp đôi so với năm 2010 (ở mức hơn 889.000 tỷ đồng) và cũng tăng đáng kể so với con số 1,5 triệu tỷ đồng trong năm 2013.
Vay nợ nhiều thì áp lực trả nợ cũng lớn. Nếu như năm 2010, tổng trả nợ chỉ là hơn 4,7 tỷ USD (tương ứng với 87.000 tỷ đồng), thì đến cuối năm 2014, tổng trả nợ là 12,2 tỷ USD (tương ứng với 260.800 tỷ đồng). Năm 2016, con số trả nợ được tính toán là khoảng 166.000 tỷ đồng.
Năm 2015, con số nợ công tuyệt đối tuy không cao hơn nhiều so với năm trước đó, song do GDP của toàn nền kinh tế chỉ là 4,2 triệu tỷ đồng, nên nợ công của Việt Nam đã bằng 62,2% GDP. Tuy vẫn ở trong ngưỡng cho phép, nhưng con số này đang đặt ra thách thức lớn cho nền kinh tế Việt Nam. Đó là nguy cơ vượt trần nợ công trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế năm 2016 có thể không đạt mục tiêu 6,7%, trong khi vay nợ vẫn tiếp tục tăng cao. Nhức nhối hơn, Việt Nam sẽ lấy tiền đâu để đầu tư, lấy tiền đâu để trả nợ?
Hiện tại, bội chi ngân sách của Việt Nam còn rất lớn, thu không đủ chi. Trong bối cảnh đó, chi thường xuyên năm 2015 đã lên tới 65% tổng dự toán chi ngân sách, phần còn lại là để thực hiện nghĩa vụ trả nợ, nên muốn đầu tư thì hoàn toàn phải đi vay. Thậm chí, ngân sách còn lại sau khi chi thường xuyên cũng không đủ để trả nợ. Do vậy, Chính phủ đã phải chấp nhận đi vay để đảo nợ. Trong kế hoạch vay trả nợ của Chính phủ đã được phê duyệt, Chính phủ sẽ phải vay đảo nợ 95.000 tỷ đồng, chưa kể phải vay để bù đắp bội chi, vay ODA để cho vay lại, cũng như vay thông qua phát hành trái phiếu chính phủ để đầu tư...
Những khoản vay rất lớn, nếu không được tính toán kỹ và sử dụng hiệu quả, sẽ để lại gánh nặng nợ vô cùng lớn cho thế hệ sau, mà ngày hôm nay, dư luận xã hội đang lên tiếng. Ngay cả vay ODA ưu đãi thì đó cũng không phải là “bữa trưa miễn phí”, nên sử dụng thế nào cũng là câu chuyện không đơn giản, không thể để tồn tới 22 tỷ USD vốn ODA đã ký kết mà không thể giải ngân.
Vay hợp lý và sử dụng hiệu quả là một chuyện, chuyện khác, thậm chí quan trọng hơn rất nhiều là làm sao chi tiêu ngân sách hợp lý, tiết kiệm và hiệu quả. Chỉ nhìn vào những hè phố vừa lát không bao lâu đã phải đào lên làm lại đã thấy một sự lãng phí lớn. Chỉ nhìn vào xe công được sử dụng vô tội vạ là không khỏi xót lòng. Hay chỉ nhìn vào bộ máy nhà nước cồng kềnh, nhưng hoạt động kém hiệu quả là thấy rằng, nếu cứ đà này, chi thường xuyên còn lớn, bội chi ngân sách còn cao và vay nợ càng lớn. Nếu không giảm chi thường xuyên, bằng cách chi tiêu tiết kiệm, tinh giản bộ máy nhà nước quá cồng kềnh, để có thêm tiền chi cho đầu tư, thì áp lực đi vay và trả nợ còn lớn, nợ công còn cao.
Chưa kể, việc Chính phủ thực hiện bảo lãnh vay cho doanh nghiệp nhà nước cũng cần thận trọng và tính toán kỹ lưỡng hơn bao giờ hết. Bài học của Vinashin, Vinalines vẫn còn nguyên tính thời sự. Hiện các khoản vay của hệ thống doanh nghiệp nhà nước chưa được tính vào nợ công, nhưng đây cũng là khoản nợ cần tính tới, để đảm bảo an toàn nợ công của quốc gia.
Nguyên Đức

TỔNG CHI PHÍ CHO CÁC HỘI LÊN TỚI 68.000 TỶ ĐỒNG

C.V.KÌNH / TTO 7-7-2016

Tổng chi phí cho các hội lên tới 68.000 tỉ đồng

Ông Hoàng Ngọc Giao - Ảnh: Nguyễn Khánh

TTO - Đó là chia sẻ của TS Hoàng Ngọc Giao, viện trưởng Viện Chính sách pháp luật và phát triển, tại hội thảo của Liên hiệp Các tổ chức khoa học kỹ thuật VN liên quan Luật về hội.


Hiện nay VN có hàng loạt hội đoàn như Hội Nhà văn, Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh, Hội Người cao tuổi, Hội Nhạc sĩ, Hội Điện ảnh, Hội Kiến trúc sư, Hội Luật gia, Liên minh các hợp tác xã VN…
Theo ông Hoàng Ngọc Giao, Hiến pháp quy định công dân VN có quyền lập hội. Và thực tế, dẫn nghiên cứu của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội), ông Giao cho biết tổng ngân sách nhà nước mỗi năm ước chi cho các hội - đoàn thể lên tới khoảng 14.000 tỉ đồng.
Theo ông Giao, con số trên là cao hơn dự toán ngân sách năm 2016 dành cho Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (khoảng 11.000 tỉ), cao gần gấp đôi ngân sách dành cho Bộ GD-ĐT và Bộ Y tế…
Đặc biệt, ông Hoàng Ngọc Giao cho biết nghiên cứu trên đã nêu nếu tính đủ cả chi phí kinh tế - xã hội, tức gồm cả đất đai, nhà cửa, xe cộ và các tài sản khác, chi phí cho toàn hệ thống các hội đoàn mỗi năm dao động từ 45.600-68.100 tỉ đồng.
“Kinh phí trên là tính cả chi phí cơ hội, như Tổng liên đoàn Lao động VN có hàng loạt nhà nghỉ, khách sạn…” - ông Giao nói.
Trong khi đó, theo tờ trình Luật về hội của Chính phủ gửi lên Quốc hội thì Chính phủ cho biết tính đến tháng 12-2014 cả nước có 52.565 hội (483 hội hoạt động phạm vi cả nước và 52.082 hội hoạt động phạm vi địa phương). Biên chế năm 2015 đã giao cho các hội đặc thù là 7.445 biên chế.
Theo ông Hoàng Ngọc Giao, quyền lập hội theo nhu cầu của Đảng và Nhà nước chưa được quy định cụ thể theo hướng tăng cường hiệu quả, minh bạch và trách nhiệm giải trình của các tổ chức hội được Nhà nước đảm bảo kinh phí hoạt động. Ông Giao đánh giá dự thảo Luật về hội do Bộ Nội vụ soạn thảo chưa thể hiện những giải pháp nhằm giảm thiểu xu thế bao cấp kinh phí với các hội do Đảng, Nhà nước thành lập.
Ông Nguyễn Ngọc Lâm (nguyên vụ trưởng Vụ Các tổ chức phi chính phủ, Bộ Nội vụ) cũng có tham luận tại hội thảo với tư cách chủ tịch hội đồng Trung tâm Nghiên cứu quản lý và phát triển bền vững đã thẳng thắn cho biết giờ nghỉ hưu, ông nói có thể khác so với thời đương chức.
Theo ông Lâm, Luật về hội đã được xây dựng vào đầu năm 1990 của thế kỷ trước nhưng sau 20 năm chưa ban hành được. Có nhiều nguyên nhân, nhưng có nguyên nhân “chúng ta chưa nhận thức rõ vai trò của các tổ chức phi chính phủ”. Để luật lần này “đi đến đích” trong Quốc hội khóa XIV, ông Lâm kiến nghị: nâng cao nhận thức vì phát triển hội thực chất là phát triển các tổ chức của dân, thực hiện quyền làm chủ của dân.
Ông Lâm đề nghị cần nghiên cứu toàn diện về hội và các tổ chức phi chính phủ của VN để đánh giá chính xác về số lượng, các chính sách cũng như hiệu quả hoạt động… của các hội, lấy đó làm cơ sở xây dựng Luật về hội.

CHI NGÂN SÁCH CHO CÁC HỘI ĐOÀN CÒN NHIỀU ẨN SỐ CẦN CÓ LỜI GIẢI
LÊ THANH/ TTCT 20-7-2016
 Ẩn số cần lời giải
Minh họa: Đức Trí
TTCT - Mỗi năm, các hội đoàn, tổ chức chính trị xã hội ở Việt Nam thu hội phí khoảng 10.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, chi tiêu của họ chưa thực công khai, minh bạch.

Trao đổi với TTCT, ông Nguyễn Khắc Giang, Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR - Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội), cho biết con số ngân sách chi 14.000 tỉ đồng/năm cho các hội đoàn, tổ chức chính trị xã hội là gồm chi ngân sách ở cả 4 cấp: trung ương, tỉnh thành, huyện và xã.
Chi ngân sách cho các hội vẫn tăng
Theo nghiên cứu của VEPR, trong giai đoạn 2006-2014 tổng số tiền ngân sách hỗ trợ cho trung ương hội của các tổ chức quần chúng công đã tăng từ 781 tỉ lên trên 1.899 tỉ đồng - chiếm khoảng 1,1% tổng dự toán chi ngân sách trung ương cho các bộ, cơ quan trung ương.
Số tiền trên tương đương mức dự toán chi ngân sách cho các bộ như Bộ Kế hoạch - đầu tư (1.873 tỉ), Bộ Công thương (1.916 tỉ)... Theo ông Nguyễn Khắc Giang, đó mới là tiền ngân sách chi cho cấp trung ương. Còn theo chế độ tài chính hiện nay, các hội đoàn cấp địa phương sẽ được cấp chính quyền địa phương hỗ trợ và tính vào chi ngân sách địa phương.
Theo VEPR, giai đoạn 2006-2010 một số hội đặc thù nhận được nhiều hỗ trợ từ ngân sách nhà nước. Cụ thể trong năm 2009, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam được 80,7 tỉ, Hội Chữ thập đỏ 51,6 tỉ, Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam 46,7 tỉ, Hội Nhà văn 24,3 tỉ, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam 20,1 tỉ đồng.
Từ năm 2010 trở đi, theo nhóm nghiên cứu, do quyết toán và dự toán ngân sách không ghi riêng tên từng hội nhận hỗ trợ nên nhóm nghiên cứu chỉ tính tổng. Với các tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội nghề nghiệp (như Hội Luật gia, Hội Nhà văn...), theo VEPR, ngân sách nhà nước chi hỗ trợ đã tăng rất mạnh trong khoảng 10 năm qua.
Ví dụ, nếu kinh phí hỗ trợ cho nhóm này năm 2004 là khoảng 248 tỉ đồng thì năm 2010 lên tới 936 tỉ và chỉ giảm vào những năm kinh tế khó khăn (nhưng còn tới 638 tỉ đồng).
Chưa minh bạch
Nguy cơ hành chính hóa hội đoàn
Nhận định này của ông Nguyễn Khắc Giang qua nghiên cứu của VEPR dựa trên khảo sát thực tế tại rất nhiều hội, cho thấy nhiều hội đoàn chi tới 80% cho bộ máy và chi thường xuyên. “Chúng tôi khảo sát ba tỉnh, hầu như tất cả, từ sở nội vụ, các tổ chức đoàn thể như MTTQ, hội đặc thù, đều cho rằng cấp ngân sách như thế thì họ khó lòng hoạt động tốt. Ở một huyện, ngân sách cấp cho MTTQ là 900 triệu đồng/năm nhưng riêng chi cho bộ máy, chi thường xuyên điện nước… đã hết 750 triệu” - ông Giang cho biết. Với huyện có quy mô vài trăm ngàn dân, với cách cấp ngân sách như trên, các hội đoàn được bao cấp chỉ tổ chức được vài hoạt động mỗi năm, hoặc một năm chỉ làm một vài tháng, sau đó hết kinh phí, phải cơ bản “nằm im”. Nhưng vì đã được cấp biên chế, không làm gì vẫn hưởng lương nên họ vẫn sống được. Cán bộ do hưởng lương thấp nên chủ yếu lo đi làm thêm bên ngoài. Những điều này làm xơ cứng và hành chính hóa các hội.
Ngoài nguồn ngân sách cấp, mỗi năm các hội, đoàn thể chính trị xã hội còn thu hội phí. Dù hội phí không cao nhưng các hội đoàn có lượng hội viên rất lớn (Hội Liên hiệp phụ nữ có khoảng 9 triệu hội viên, Tổng liên đoàn Lao động có gần 8 triệu hội viên...).
Tính toán của VEPR cho biết mỗi năm ước các hội, đoàn thể công thu hội phí được khoảng 10.000 tỉ đồng. “Đó là chưa tính tiền tài trợ, các hội đoàn thường có tài trợ quốc tế, các dự án” - ông Giang nói.
Còn theo TS Nguyễn Đức Thành - trưởng nhóm nghiên cứu trên của VEPR, ngoài tiền nhà nước bao cấp, hội phí, nhiều hội đoàn, tổ chức quần chúng công còn có tài sản riêng khá lớn.
Theo nghiên cứu, tổng giá trị tài sản cố định các hội đoàn, tổ chức chính trị xã hội nắm giữ ước tính hiện khoảng 205.000 tỉ đồng. Tổng liên đoàn Lao động có hệ thống nhà nghỉ, khách sạn công đoàn trên cả nước mà theo ước tính của nhóm nghiên cứu trị giá đến 43.000 tỉ đồng.
Chỉ tính mức sinh lợi của các doanh nghiệp nhà nước bình thường, theo nhóm nghiên cứu của VEPR, mỗi năm khối nhà nghỉ, khách sạn này có khả năng thu về được trên 6.000 tỉ đồng.
Công nhận đóng góp của các hội đoàn, tổ chức chính trị xã hội có thể rất lớn, tuy nhiên TS Nguyễn Đức Thành cho rằng các tổ chức này chưa đủ minh bạch. Ngay với nguồn kinh phí nhà nước cấp và hội phí, các hội đoàn chi tiêu như thế nào xã hội vẫn rất khó biết.
“Chúng tôi dựa trên phương pháp khoa học để đưa ra ước tính. Nhưng dù có làm cẩn thận bao nhiêu cũng không thể phản ánh chính xác được con số thực thu và thực chi của các hội đoàn. Vì vậy nhóm nghiên cứu mong muốn khi công bố, các hội sẽ đưa ra báo cáo về mức chi tiêu thực của mình” - ông Giang nói.
Theo VEPR, ngay Nhà nước, chính quyền các cấp đã công khai dự toán ngân sách và chi tiêu của mình thì không có lý gì các hội đoàn lại không thể công khai thu chi, cả thu từ tài trợ ngân sách và chi cho các loại hoạt động. Nhóm nghiên cứu của VEPR khi tìm hiểu về các khoản chi tiêu của các tổ chức, hội... nhận hỗ trợ ngân sách đã không thấy sự chủ động công khai, minh bạch của các tổ chức này.
Nhóm nghiên cứu đã tìm kiếm trên trang web của nhiều hội đoàn lớn nhưng không có thông tin công khai về chi tiêu.
Khó đo đếm hiệu quả
hoạt động
Hà Nội có 7.979 tổ chức quần chúng công
Khảo sát của VEPR cho thấy riêng TP Hà Nội có tới 7.979 tổ chức quần chúng công, hiệp hội hoạt động. Ngân sách nhà nước năm 2014 đã chi 150 tỉ đồng cho các hội, đoàn, tổ chức chính trị xã hội và 50 tỉ đồng cho các hội đặc thù (theo quy định, hội đặc thù gồm: Hội Nhà văn, Hội Sinh viên, Hội Văn nghệ dân gian, Hội Nhạc sĩ, Hội Điện ảnh, Hội Nghệ sĩ múa, Hội Kiến trúc sư, Hội Mỹ thuật, Hội Nghệ sĩ sân khấu...). Đây chỉ là các khoản mang tính chất lương và chi thường xuyên được hỗ trợ, chưa kể kinh phí thực hiện các nhiệm vụ Nhà nước giao. Kinh phí 50 tỉ đồng cho các hội đặc thù cũng chỉ mới tính kinh phí cấp thành phố, chưa tính các cấp hành chính bên dưới nên số tiền thực chi có thể lớn hơn nhiều.
Hiện nay, việc cấp ngân sách cho các hội đoàn thường theo biên chế, vì vậy không kể quy mô hội viên vẫn thường được phân bổ như nhau. Nhiều hội có tiêu chuẩn ôtô, một số giám đốc sở nghỉ hưu về làm lãnh đạo hội có thể nhận “lương” 5-6 triệu đồng/tháng, chưa kể có thể có các khoản khác. Theo nhóm nghiên cứu của VEPR, rất nhiều hội hoạt động chồng chéo.
“Khi hội đoàn sống bằng thu phí hội viên và những hoạt động được cộng đồng chấp nhận thì nếu cứ hoạt động không thực chất, không hiệu quả, hội đoàn sẽ không có tiền” - TS Thành nói. Với những đơn vị nhận bao cấp, trong báo cáo của họ thường thấy nhất là các hội nghị, hội thảo, đào tạo hội viên, các hoạt động gắn với xã hội rất ít.
Trong khi đó, theo các quy định thì các hội đoàn có vai trò lớn như đại diện người dân tham gia giám sát các công trình của dân. “Thực tế khả năng kiểm tra giám sát của các hội đoàn rất hạn chế.” - ông Giang cho biết.
Việt Nam đang trong tiến trình soạn thảo Luật về hội, ông Nguyễn Ngọc Lâm (nguyên vụ trưởng Vụ Các tổ chức phi chính phủ - Bộ Nội vụ) trong tham luận liên quan Luật về hội đã cho rằng cần nghiên cứu cấu trúc lại các loại hội hiện có, đồng thời khuyến khích hội tự quản theo hướng công khai, minh bạch và có tính giải trình.
Theo ông Nguyễn Khắc Giang, các hội đoàn có thể chịu sự giám sát và phải báo cáo chi tiêu cho các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, như thế là chưa đủ. Bởi bên cạnh nguồn vốn ngân sách cấp, với vai trò được Nhà nước giao, họ còn thực hiện nhiều hoạt động kêu gọi tài trợ và thu hội phí.
Các khoản này cần được công khai để cho thấy hội đoàn nào hoạt động hiệu quả cũng như ngân sách cấp có cần thiết hay không. Và do các hội đoàn đang nhận tiền của hội viên, nhận hỗ trợ từ ngân sách (tiền dân) nên họ cần công khai, minh bạch hơn nữa, dự thảo Luật về hội nên quy định cụ thể điều này.
TS Vũ Công Giao, Đại học Quốc gia Hà Nội, cũng cho rằng cần “quy định cụ thể, rõ ràng về nghĩa vụ công khai, cung cấp thông tin (...) đặc biệt là các hội nhận ngân sách công và tài trợ, quyên góp của công chúng” trong dự thảo luật này.■
Nên xem lại số tiền hỗ trợ, bao cấp
Về khoản tiền chi cho các hội - đoàn thể, ông Võ Thành Hưng, vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước (Bộ Tài chính) - xác nhận Bộ Tài chính và Chính phủ quyết chi ngân sách cho các hội ở trung ương, việc chi cho các hội ở địa phương là do ngân sách địa phương lo sau khi được HĐND quyết.
Số liệu ngân sách trung ương chi cho các hội hằng năm được Bộ Tài chính công khai trên cổng thông tin điện tử của bộ. Năm 2016, số tiền đã duyệt chi cho Hội Nông dân Việt Nam là 346,5 tỉ đồng; Hội Cựu chiến binh Việt Nam: 80 tỉ đồng;
Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam: 273 tỉ đồng; Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ: 158,6 tỉ đồng... Theo ông Hưng, theo quy định của Hiến pháp, ngân sách chỉ chi những gì có trong dự toán, tức là đã được Quốc hội phê duyệt. Theo quy định, khoản chi cho hoạt động của các tổ chức chính trị xã hội là được ngân sách đảm bảo. Luật ngân sách nhà nước khoán chi là theo đầu công việc.
Về quản lý giám sát chi tiêu của các hội này, ông Võ Thành Hưng cho biết các hội là đơn vị sử dụng ngân sách nên chịu sự thanh tra, kiểm tra về sử dụng ngân sách của Kiểm toán Nhà nước, chi tiêu của hội do Kho bạc Nhà nước kiểm soát.
Theo quy định, hằng năm các hội - đoàn thể này phải có nghĩa vụ công khai chi tiêu ngân sách của mình. Trao đổi với TTCT, tiến sĩ Lưu Bích Hồ, nguyên viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ KH&ĐT), cho rằng trong bối cảnh ngân sách khó khăn như mấy năm nay, Chính phủ nên xem xét con số 14.000 tỉ đồng mà ngân sách nhà nước chi cho các hội - đoàn thể theo nguyên tắc đảm bảo chi tiêu chặt chẽ, hợp lý và tiết kiệm. Các hội, đoàn cũng cần rà soát hoạt động, tinh giản biên chế.
Lê Thanh



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét