Thứ Ba, 26 tháng 7, 2016

20160726. BÀN VỀ CHỐNG THAM NHŨNG VÀ NHÓM LỢI ÍCH BÁN NƯỚC

ĐIỂM BÁO MẠNG
CHỐNG THAM NHŨNG HAY TRANH ĐOẠT QUYỀN LỢI NHÓM
NAM NGUYÊN/ RFA/BVB  25-7-2016
Bộc lộ nhiều góc khuất
Chiến dịch làm trong sạch Đảng, chống tham nhũng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đang bộc lộ nhiều góc khuất. Từ uy lệnh của Tổng Bí thư, báo chí vào cuộc khui ra nhiều chuyện bi hài liên quan đến nguyên Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng và thời gian 9 năm giữ trọng trách của ông.
Báo Đất Việt bản tin trên mạng ngày 20/7, đưa tin VAFI Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam có thêm cáo giác 5 điểm, về những sai phạm của nguyên Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng trong suốt thời gian tại chức.
Tóm tắt những sai phạm này bao gồm, thứ nhất bổ nhiệm các chức danh chủ chốt tại một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước trực thuộc Bộ Công thương quản lý đã không đòi hỏi nhiều về kinh nghiệm và thành tích quản trị cao. VAFI đưa thí dụ ở 3 tập đoàn kinh tế lớn là Sabeco, Habeco và Vinataba. VAFI mô tả hành vi bổ nhiệm này là sai Luật Doanh nghiệp và Luật quản lý vốn nhà nước. Được biết, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng lúc tại chức còn vun quén để đưa con trai là Vũ Quang Hải về làm thành viên Hội đồng quản trị kiêm Phó Tổng Giám đốc SABECO.
Những sai phạm khác bao gồm, chậm bàn giao một số doanh nghiệp đã cổ phần hóa về cho SCIC Tổng Công ty kinh doanh vốn nhà nước quản lý. Nhiều doanh nghiệp đã cổ phần hóa trực thuộc Bộ Công thương trốn tránh niêm yết và dưới thời Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, phong trào cổ phần hóa đi xuống.
Ông Nguyễn Phú Trọng không chỉ một lần chỉ đạo các cơ quan của Đảng và Chính phủ phải điều tra tới nơi tơi chốn, về vai trò và những thủ thuật lắt léo của cựu Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng trong việc bao che sai phạm và điều chuyển một số người vào vị trí lãnh đạo. Thí dụ đưa ông Trịnh Xuân Thanh một người có thành tích rất xấu về làm Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang, hoặc đưa con trai ông là Vũ Quang Hải, một cán bộ trẻ tuổi chưa có kinh nghiệm quản lý vào chức vụ cao cấp ở Sabeco Tổng Công ty rượu bia và nước giải khát Sài Gòn. Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kết luận, Ông Trịnh Xuân Thanh trách nhiệm quản lý Tổng Công ty xây lắp dầu khí (PVC) làm thua lỗ 3.000 tỷ đồng, nhưng được lên chức ở Bộ Công thương và sau đó điều chuyển về vị trí lãnh đạo tỉnh Hậu Giang.
Ông Nguyễn Phú Trọng không chỉ một lần chỉ đạo các cơ quan của Đảng và Chính phủ phải điều tra tới nơi tơi chốn, về vai trò và những thủ thuật lắt léo của cựu Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng trong việc bao che sai phạm và điều chuyển một số người vào vị trí lãnh đạo. Thí dụ đưa ông Trịnh Xuân Thanh một người có thành tích rất xấu về làm Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang, hoặc đưa con trai ông là Vũ Quang Hải, một cán bộ trẻ tuổi chưa có kinh nghiệm quản lý vào chức vụ cao cấp ở Sabeco Tổng Công ty rượu bia và nước giải khát Sài Gòn. Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kết luận, Ông Trịnh Xuân Thanh trách nhiệm quản lý Tổng Công ty xây lắp dầu khí (PVC) làm thua lỗ 3.000 tỷ đồng, nhưng được lên chức ở Bộ Công thương và sau đó điều chuyển về vị trí lãnh đạo tỉnh Hậu Giang.
Ngày 20/7/2016, báo điện tử Giáo dục Việt Nam gây ngạc nhiên cho độc giả với bài viết “Nhóm lợi ích đang chuẩn bị để đối phó với quyết tâm của Tổng Bí thư?”. Tờ báo cho người đọc hiểu rằng, những kết luận nghiêm khắc của Ủy ban Kiểm tra Trung ương với vụ Trịnh Xuân Thanh và những người liên quan như ông Vũ Huy Hoàng có thể được các cơ quan chấp pháp của Chính phủ có hành động dơ cao đánh khẽ.
Tờ báo cho rằng, Tổng Bí thư đã tiên liệu những khó khăn của cơ quan giữ cây roi kỷ luật của Đảng. Tờ báo trích lời Tổng Bí thư yêu cầu, theo đó Ủy ban Kiểm tra Trung ương cần chỉ đạo chặt chẽ các đoàn kiểm tra xem xét, kết luận bảo đảm đúng quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước, công tâm, khách quan, trong sáng không chịu bất kỳ một sức ép nào của bất cứ tổ chức cá nhân nào.
Phải chăng đang có sự thử thách đối với quyền lực của Đảng cộng sản Việt Nam do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lãnh đạo? TS Phạm Chí Dũng, nhà hoạt động xã hội dân sự và phản biện độc lập từ Sài Gòn nhận định: “Có lẽ không phải sự thử thách quyền lực của Đảng mà thực chất là thử thách đối với sự phân hóa quyền lực của Đảng. Tại vì sự phân hóa đã diễn ra từ lâu, chúng ta đã chứng kiến sự phân hóa diễn ra rất mạnh từ trước Đại hội XII. Một trong những nguồn cơn chính của những xung đột chính trị là lợi ích, nhóm quyền lực cũ hiện nay vẫn còn giữ một mảng thị phần rất lớn, những thị trường màu mỡ làm ăn đa ngành và những nhóm lợi ích mới, những nhóm quyền lực mới đương nhiên phải chú ý chuyện đó… thực chất đây không phải là sự xung đột chỉ về mặt quyền lực mà còn vì lợi ích kinh tế.”
Những vấn đề mà báo Giáo Dục đặt ra về điều gọi là “nhóm lợi ích đối phó Tổng Bí thư”, TS Phạm Chí Dũng cho rằng báo chí với sự nhạy cảm đương nhiên của mình, không những báo chí cảm thấy mà có thể hiểu rõ là ai chống ai và những lực lượng đang muốn đối chọi với Tổng Bí thư là ai. TS Phạm Chí Dũng tiếp lời: “Đó là những vấn đề phe phái nội bộ, chứ không phải chuyện chống tham nhũng sẽ mạnh hơn, hay là tự do báo chí hơn. Tôi không cho là như vậy, nó xuất phát từ chuyện báo chí là cái loa của một phe nào đó, hay những phe nào đó muốn sử dụng những tờ báo nào đó trở thành kênh thông tin phương tiện truyền thông cho mình. Ví dụ liên quan tới bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường trúng cử đại biểu Quốc hội vừa bị phát hiện có hộ chiếu Malta. Chúng ta thấy báo nhà nước, một vài tờ báo đặt ẩn ý về chuyện bỏ của chạy lấy người hay là “chạy làng” trong ngoặc kép
Những nhận định của TS Phạm Chí Dũng, người từng có chuyên môn về phân tích thông tin cho Thành ủy TP.HCM trước khi ông từ bỏ Đảng, thể hiện nhiều cơ sở. Trong bài “nhóm lợi ích đối phó Tổng Bí thư”, báo Giáo Dục Việt Nam mô tả tình trạng gọi là cát cứ của các đại phương, tờ báo dẫn lời Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị nguyên Trưởng ban Kinh tế Trung ương, từng đặt vấn đề cần phải khắc phục tình trạng 63 tỉnh, 63 nền kinh tế.
“Đả hổ diệt ruồi”
Một trong những sự kiện nổi bật về nghi vấn bảo vệ quyền lợi nhóm, được báo Giáo Dục mô tả trong vụ đường ống dẫn nước Sông Đà phục vụ người dân Thủ đô đã 18 lần vỡ ống, không những làm ngân sách Nhà nước tiêu tốn hàng chục tỷ đồng để sửa chữa chắp vá, mà còn làm hàng chục vạn người dân, trường học, bệnh viện… thiếu nước sinh hoạt, làm mất niềm tin của nhân dân và cán bộ đảng viên.
Báo Giáo Dục nhấn mạnh tới sự kiện, 5 nhân vật chóp bu của Vinaconex đã được miễn truy tố hình sự, mặc dù kết quả điều tra của Công an xác định là 5 người này đã có dấu hiệu của tội vi phạm qui định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng theo điều 229 bộ luật hình sự.
Báo Giáo Dục đã mỉa mai rằng, mấy cháu thiếu niên Hải Phòng giật mũ của bạn suýt bị tù mấy năm, hai thanh niên đói giật hai cái bánh mì cũng suýt bị từ 3 đến 10 năm tù. Tuy vậy 5 nhân vật của Hội đồng Quản trị và Tổng Giám đốc Vinaconex có tội nặng lại được miễn truy tố. Lý do là vì Liên ngành Tư pháp Trung ương thấy không cần thiết phải xử lý hình sự vì họ có nhân thân tốt, nhiều đóng góp cho ngành xây dựng, vi phạm lần đầu.
Chúng tôi xin trích lại chi tiết về việc định rõ trách nhiệm của nhóm lãnh đạo Vinaconex từ báo Petro Times : “Cơ quan CSĐT xác định, năm 2004 Hội đồng quản trị Tổng Công ty Vinaconex là ông Phí Thái Bình - Chủ tịch Hội đồng quản trị, nguyên Phó     Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội; Nguyễn Văn Tuân - Tổng Giám đốc và 3 ủy viên là Tô Ngọc Thành, Hoàng Hợp Thương và Vũ Đình Chầm khi thực hiện nhiệm vụ của chủ đầu tư cấp nước sông Đà đã không thực hiện đúng quy định pháp luật về quản lý đầu tư xây dựng công trình, quyết định cho thay đổi vật liệu tuyến ống, đưa vào sử dụng vật liệu composite sợi thủy tinh khi chưa thẩm định, lựa chọn nhà thầu thiếu năng lực, thiếu kinh nghiệm, cung cấp sản phẩm cho dự án không đảm bảo chất lượng nên công trình liên tục bị hư hỏng trong quá trình vận hành, khai thác.”
Qua mô tả của báo chí Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đang thể hiện việc làm trong sạch Đảng qua các vụ bê bối Trịnh Xuân Thanh và người đỡ đầu là cựu Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng. Ông Nguyễn Phú Trọng cũng bật đèn xanh cho các cơ quan của Đảng và Nhà nước, về việc điều tra nguyên Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nếu có dấu hiệu vi phạm.
Nhưng vấn đề lớn nhất là Formosa gây ra thảm họa môi trường, ảnh hưởng cho kinh tế Việt Nam nói chung và hàng trăm ngàn người ở 4 tỉnh Bắc Trung Bộ nói riêng, lại chưa thấy ông Tổng Bí thư hạ lệnh đập con ruồi nào, nói theo sự ví von bên Trung Quốc Tập Cận Bình “Đả hổ diệt ruồi”.
Khi vụ bê bối Trịnh Xuân Thanh, rồi Vũ Quang Hải con trai cựu bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng xảy ra vào trung tuần tháng 6 vừa qua, việc chuẩn bị dư luận báo chí được cho là khá rõ rệt. Lúc đó TS Nguyễn Quang A nhà hoạt động dân quyền ở Hà Nội đã nhận định: “Ông Nguyễn Phú Trọng muốn học ông Tập Cận Bình để đả hổ diệt ruồi, nhưng tình hình ở Việt Nam khác với Tàu. Ông Nguyễn Phú Trọng khó có thể tập trung quyền lực một cách thô bạo như Tập Cận Bình để mà làm được những việc của một nhà độc tài khủng khiếp như ông Tập Cận Bình. Nhiều khả năng, đây cũng là những việc làm cho xì bớt những bức xúc của người dân, rồi đâu cũng vào đấy… vì nếu mà đả hổ diệt ruồi hết cả Việt Nam thì là họ tự dẹp họ, nói chung là không khả thi.”
Chiến dịch chống tham nhũng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, theo nhận định của TS Phạm Chí Dũng là tranh chấp giữa các nhóm quyền lực mới và cũ để thâu tóm các thị trường làm ăn lớn và nhiều lợi nhuận. Người đọc báo nhận thấy một điều, những mũi tấn công vòng ngoài qua vụ Trịnh Xuân Thanh, Vũ Quang Hải sau cùng đều dẫn tới ông cựu Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng, một người có hai nhiệm kỳ cùng thời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Nam Nguyên/RFA
NHẬN DIỆN 'NHÓM LỢI ÍCH BÁN NƯỚC' 
XUÂN DƯƠNG/ GD 25-7-2016


GDVN) - Những kẻ đang làm cho đất nước “đội sổ”, khiến lòng dân không yên có phải là những kẻ bán nước?
Khái niệm “bán nước” đề cập trong bài viết này không liên quan đến quán nước vỉa hè, đến những xe téc chở nước ngọt bán cho đồng bào vùng khô hạn Đồng bằng sông Cửu Long hay cư dân Hà Nội khi đường ống nước sinh hoạt sông Đà vỡ 18 lần.
“Bán nước” nói ở đây liên quan chủ quyền quốc gia, đến khả năng đất nước có đủ lực lượng và sức mạnh quốc phòng khi buộc phải chiến đấu chống ngoại xâm, đến một xã hội mà người dân giàu có, hạnh phúc vẫn được sống trong an bình chứ không phải nghèo mà an bình.
Từ xưa đến nay, quan niệm phổ biến cho rằng “bán nước” là hành động cấu kết, tiếp tay cho các thế lực ngoại bang nhằm mưu lợi cho bản thân, dòng tộc, phe nhóm… gây thiệt hại tới chủ quyền quốc gia, lợi ích dân tộc, nói theo ngôn ngữ dân gian là “rước voi về giày mả tổ”.
Hiểu như thế đúng nhưng chưa đủ. 
Những hành động làm băng hoại đạo đức xã hội, biến Nhà nước thành công cụ trấn áp nhân dân, phá hoại khối đoàn kết toàn dân; gây thiệt hại kinh tế… không đơn thuần chỉ là hại dân, hại nước.
Đó chính là hành động bán nước bởi chúng làm suy yếu khối đoàn kết dân tộc, suy yếu lực lượng vũ trang, khiến đất nước lệ thuộc vào nước ngoài về kinh tế, quân sự, bị đồng hóa về văn hóa…
Đổ hàng nghìn tỷ tiền mồ hôi, nước mắt của dân vào các công trình để rồi bỏ hoang;… làm cho đất nước nghèo đi, khiến đứa bé vừa chào đời đã trở thành con nợ, khiến tài nguyên cạn kiệt, ô nhiễm tràn lan, tệ nạn xã hội hoành hành;Những kẻ đang hàng ngày đem tiền thuế của dân mua đồ phế thải từ nước ngoài, biến đất nước thành bãi rác công nghiệp;
Khiến người dân suy giảm niềm tin vào thể chế, vào đội ngũ cán bộ, không thể gọi với cái tên nào khác ngoài cụm từ “bọn bán nước, hại dân”. 
Theo nghĩa đó, những cá nhân ở Cục Trồng trọt - Bộ Nông Nghiệp dung túng cho 11 đơn vị cấp chứng nhận bừa bãi hàng nghìn sản phẩm phân bón vô cơ và hữu cơ trên địa bàn cả nước, gây thiệt hại không thể đo lường hết nền cho nông nghiệp và nông dân chính là hành động bán nước.
Theo nghĩa đó, những công bộc ở Tổng cục Thủy Sản - Bộ Nông Nghiệp, bán giấy chứng nhận cho 668 sản phẩm dùng cải tạo môi trường nuôi trồng thủy sản, 140 sản phẩm thức ăn thủy sản không qua kiểm định chất lượng khiến thế giới cảnh giác với sản phẩm thủy sản Việt Nam, khiến người Việt phải ăn thực phẩm độc hại chính là bán nước.
Không phải chỉ có thế, những kẻ tiếp tay cho người nước ngoài thuê đất thuê rừng tại các địa bàn chiến lược, tạo điều kiện cho họ đầu độc cả đất, cả biển, cả trời khiến người dân phải rời bỏ nơi sinh sống (Tienphong.vn 22/7/2016); những cá nhân đang tiếp tay cho người Trung Quốc bôi xấu lịch sử đất nước và con ngườiViệt Nam ngay trên quê hương mình chính là bọn bán nước.
Đâu phải cứ cầu xin ngoại bang đem quân vào giày xéo quê hương, “Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn; Vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ” mới là kẻ bán nước?Còn những ai tiếp tay cho việc phong danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ Đổi mới đối với Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) hay danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang cho cựu Bí thư Thừa Thiên - Huế Hồ Xuân Mãn nên gọi họ là gì?
Theo thông tin mà Tuoitre.vn cung cấp, tháng 1/2016 đã có đoàn Thanh tra của Tổng cục Môi trường về Formosa, Hà Tĩnh làm việc.
Không biết có phải dựa vào kết luận của Thanh tra Môi trường mà ba tháng sau Formosa đã “tự tin” xả độc ra biển, tự tin tuyên bố làm đúng quy trình, khiến biển không còn cá, ngư dân không thể ra khơi, cuộc sống chỉ còn trông vào nguồn cứu trợ?
Đoàn Thanh tra của Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn không thể vào thanh tra khu công nghiệp Vũng Áng (trong đó có doanh nghiệp thép Formosa) vì đây là khu công nghiệp “có yếu tố nước ngoài” (Vietnamnet.vn 21/4/2016).Nếu không có sự chống lưng từ đâu đó thì nhân vật cỏn con như Chu Xuân Phàm có dám mạnh miệng rao giảng người Việt cần phải “chọn thép hay chọn tôm cá”?
Ai và vì sao phải tạo nên một vương quốc cho người nước ngoài trong lòng Hà Tĩnh đến nỗi Thanh tra cấp Bộ của Việt Nam cũng không thể vào kiểm tra?
Đất đai, tài nguyên biển ở Vũng Áng có phải thuộc chủ quyền của Việt Nam khi cơ quan chức năng Nhà nước lại không thể vào giám sát?
Phải gọi những người ban hành chính sách thu hút đầu tư kiểu Vũng Áng là gì?
Bà dân biểu Trần Thị Quốc Khánh tại diễn đàn Quốc hội đã dùng cụm từ “há miệng mắc quai” để nói về cách thức xử lý vi phạm tại một vài công trình ở Hà Nội.
Báo chí dựa vào đó đánh giá về đoàn Thanh tra của Tổng cục Môi trường như sau: 
Đoàn thanh tra như thế có còn mặt mũi nào để gặp người dân miền Trung, để tiếp xúc với các đại biểu Quốc hội miền Trung không?
Và trong những ngày qua, trước hậu quả biển chết, dân trắng tay, mất nghề, tấn hoàng du lịch biển, có ai trong số họ áy náy với cái "quái" của mình không?
Và tới lúc nào thì tên tuổi và hành vi thiếu trách nhiệm của họ mới đưa ra ánh sáng?”. [1]
Những quan Thanh tra Môi trường ấy không biết có những ai sinh ra, lớn lên ở miền Trung?
Điều chắc chắn là có những người quê cha đất tổ ở đó, khi mà “biển chết, dân trắng tay, mất nghề, tan hoang du lịch biển” thì ngậm miệng không thốt nổi một lời, họ không muốn hay không dám thăm hỏi, động viên người dân quê mình? 
Tiếc rằng có một quy trình mà chẳng người nào dám viện dẫn, thậm chí còn cố tình bưng bít, đó là “Quy trình ban hành các quy trình”! Chỉ khi đích thân chủ tịch Quốc hội lên tiếng thì người ta mới đưa ra đủ thứ lý lẽ biện minh cho sự “đúng quy trình” của mình? 
Có ý kiến cho rằng “nhóm lợi ích tư bản thân hữu” là nhóm lợi ích nguy hiểm nhất vì nó có thể làm đất nước phát triển “chệch hướng”.
Chệch hướng hay đúng hướng sẽ thúc đẩy hoặc kìm hãm tiến trình phát triển xã hội cần có thời gian kiểm chứng, chưa thể khẳng định từ lúc này.
Tuy nhiên có một nhóm lợi ích được hình thành từ mọi thành phần xã hội, từ những công chức bình thường đến quan chức cao cấp, từ thành viên các “nhóm lợi ích chính sách”, “nhóm lợi ích kinh tế”, “nhóm lợi ích tư bản thân hữu”… 
Chúng đang từng ngày, từng giờ làm người dân mất niềm tin, làm dân tộc còi cọc về thể lực, làm văn hóa xã hội suy đồi…
Điều nguy hiểm là chúng gây tổn thất khủng khiếp về kinh tế, khiến Nhà nước phải đắn đo từng đồng khi cần mua vũ khí trang bị cho các lực lượng vũ trang. 
Một đất nước 90 triệu dân với rừng vàng, biển bạc nhưng máy bay, xe tăng, tên lửa, tàu chiến… chưa sản xuất được, đều phải mua của nước ngoài với số lượng hạn chế, vậy thì khả năng phòng thủ trước họa xâm lăng hiện hữu từ biên giới đến hải đảo sẽ như tăng hay giảm?
Một nền quốc phòng trang bị kém liệu có đủ sức răn đe mộng bành trướng, bá quyền của những cái đầu nóng?Thế giới ngày nay, cuộc chiến đang dần được “tự động hóa” với máy bay không người lái, tàu ngầm không người lái, với robot chiến đấu… chúng ta không thể chiến thắng ngoại xâm chỉ với tinh thần yêu nước và những vũ khí cổ điển sản xuất từ thế kỷ trước. 
Làm yếu khả năng bảo vệ Tổ quốc chính là tạo điều kiện cho bọn xâm lược đe dọa sự toàn vẹn lãnh thổ.
Những kẻ đang làm cho đất nước “đội sổ”, khiến lòng dân không yên có phải là những kẻ bán nước?
Vậy, liệu đã đủ bằng chứng để kết luận, rằng đã hình thành “nhóm lợi ích … bán nước”?
Nếu không gọi họ là “bán nước” thì phải gọi họ bằng tên gì?
Để bảo vệ Tổ quốc, để đoàn kết toàn dân, để xây dựng một thể chế chính trị “do dân và vì dân” có cần tiêu diệt những kẻ bán nước, hại dân đó?
Tài liệu tham khảo:
[1]http://infonet.vn/shop-tin-247-nghi-ngo-ha-mieng-mac-quai-post204491.info
[2]http://congan.com.vn/vu-an/mot-can-bo-22-thang-dang-ky-14-giay-chung-nhan-quyen-su-dung-dat-trong-noi-o-thanh-pho_22988.html
Xuân Dương

BỐ LÀM QUAN, CON LÀM GIẦU VÀ LỢI ÍCH NHÓM
NGUYỄN ĐĂNG TẤN/ TVN 25-7-2016
Lợi ích nhóm, Con ông cháu cha, Nhà nước kiến tạo, Bố bổ nhiệm con
Ảnh minh họa: Tuoitre.vn
Những hình thức “đi lại” của lợi ích nhóm, và sự chi phối chính sách vô cùng phong phú.
Trong cuộc họp Chính phủ gần đây, khi bàn về xây dựng luật, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thẳng thắn chỉ ra “Kiên quyết xóa cho được lợi ích nhóm chi phối chính sách”.
Lợi ích nhóm ở ta thực sự đã đến mức báo động, nó diễn ra ở hầu hết các lĩnh vực. Trong một bài viết đăng trên Tạp chí cộng sản, ông Vũ Ngọc Hoàng, nguyên phó Ban Tuyên giáo Trung ương, đã chỉ ra đâu là lợi ích nhóm và nhóm lợi ích, cảnh báo tình trạng này đã “khá ngang nhiên, nghiêm trọng đến mức báo động”.
Ông cho rằng “Hiện nay, “lợi ích nhóm” và hoạt động của “nhóm lợi ích” ở nước ta đã và đang diễn ra ở hầu hết các lĩnh vực quan trọng”. “Đó là trong quản lý doanh nghiệp nhà nước, quản lý dự án đầu tư, nhất là đầu tư công; trong quản lý ngân sách, thuế, quản lý ngân hàng - tín dụng; trong quản lý các nguồn vốn và chương trình đầu tư về xã hội, trong quản lý tài sản, đất đai, bất động sản, tài nguyên khoáng sản, xuất nhập khẩu; trong công tác cán bộ, quản lý biên chế; trong quản lý việc cấp các loại giấy phép; kể cả trong các vụ án, trong tham mưu về chủ trương, chính sách và trong điều hành”.
Thời gian qua, một số vụ án nghiêm trọng thất thoát tiền “tấn” của nhà nước lại xảy ra tại chính doanh nghiệp, ngân hàng nhà nước, mà trong đó nổi lên một vấn đề về khâu bố trí cán bộ. Dư luận đặt câu hỏi có hay không những người quen, con cái, hay người “đằng mình” đã được “xếp ghế”? Phải chăng chính sự “thân hữu” đã khiến chính sách đúng đắn bị méo mó và bị biến dạng?
Dư luận cũng đặt câu hỏi về một loạt các dự án không minh bạch trong chọn nhà thầu và vốn. Dự án quốc lộ 51 chủ đầu tư “tay không bắt giặc”, dư luận đã lên tiếng và Thanh tra Bộ Xây dựng vào cuộc. Hay dự án Pháp Vân - Cầu Giẽ, chỉ là nâng cấp nhưng thu phí lại như đường cao tốc mới, khiến người dân bức xúc đặt câu hỏi...Gần đây, người ta cũng xôn xao việc một cựu quan chức bị chất vấn liên quan đến chuyện bổ nhiệm con mình vào vị trí sếp doanh nghiệp lớn và đưa sếp tập đoàn (đang thua lỗ) lên vị trí lãnh đạo.
Những hình thức “đi lại” của lợi ích nhóm, và sự chi phối chính sách vô cùng phong phú. Như hiện tượng bố làm chính trị, con cái làm kinh tế, gia đình giàu lên nhanh chóng nhờ “tài kinh doanh” của những người con. Thật ra, đằng sau đó là vị trí lãnh đạo của ông bố đã đưa lại những hợp đồng giá trị, những mối quan hệ làm ăn dễ dàng. Và nguy cơ lớp “con ông” thâu tóm trong những ngành kinh tế quan trọng của đất nước là chuyện có thể xảy ra.
“Nhóm lợi ích” còn tìm cách đưa người của mình vào làm ở những vị trí “đắc địa” có thể ban hành luật, ban phát những dự án, những hợp đồng béo bở. Chạy chức chạy quyền cũng từ đó mà sinh ra, có quyền lực là có tiền, có quyền lực là có dự án. Thế mới có chuyện, có vị lãnh đạo địa phương mới lên đã nhanh chóng giàu đến nỗi người dân mỉa mai: “Phải đến học tập cách làm kinh tế của chủ tịch …”
Chuyện “con ông cháu cha” cũng là hình thức của chủ nghĩa tư bản thân hữu, và khi đó “đúng quy trình” trở thành hình thức biến tướng của chỉ đạo ngầm. Họ câu kết móc ngoặc nhau, chuyển con cái qua nhiều chức vụ, có khi cả những công ty uy tín nhằm “có kinh nghiệm lãnh đạo thực tiễn” hoặc đã có thực tiễn” để đủ tiêu chuẩn bổ nhiệm cho “đúng quy trình”.
Từ kinh tế sang chính trị, và từ chính trị sẽ có kinh tế chính là sự cấu kết, là bản chất của chủ nghĩa tư bản thân hữu. “Nạn trấn lột mềm” và “cánh hẩu” hiện naynói như cựu bộ trưởng Lê Doãn Hợp là đáng báo động.
Và Thủ tướng đã rung chuông hẳn cũng vì lẽ đó…
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng “để xây dựng Chính phủ kiến tạo thì xây dựng thể chế rất quan trọng, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, giải phóng sức sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế. Nhà nước quản lý bằng thể chế chính sách để tạo hành lang pháp lý phát triển tốt đẹp, không bị lạm dụng mặt trái của kinh tế thị trường”.
Có thể nói thông điệp “Kiên quyết xóa cho được lợi ích nhóm chi phối chính sách” là bước đi đúng đắn xóa bỏ đặc quyền đặc lợi của cái gọi là chủ nghĩa tư bản thân hữu, đó là điều cấp bách tạo điều kiện cho đất nước phát triển.
Nguyễn Đăng Tấn
ÔNG VŨ HUY HOÀNG VÀ 'MỎ VÀNG' CỦA NHỮNG VẤN ĐỀ NHÂN SỰ
PHẠM TUYÊN/ TP/ BVB 25-7-2016
Việc nguyên Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng đưa thư ký và con trai Vũ Quang Hải về làm Chủ tịch và Phó Tổng giám đốc Sabeco bị dư luận phản ứng gay gắt thời gian qua cho thấy “mỏ vàng” này không chỉ có nhiều vấn đề liên quan đến nhân sự, mà còn liên quan cả việc chậm cổ phần hóa.
Miếng bánh béo bở
Tổng Công ty Cổ phần Bia - Rượu- Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) được coi là “con gà đẻ trứng vàng” trong số các tập đoàn, tổng công ty đang được Bộ Công Thương quản lý. Quy mô hoạt động của doanh nghiệp này cũng tăng rất mạnh trong những năm gần đây.
Năm 2015, Sabeco có doanh thu 8.081 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 3.420 tỷ đồng, tăng gần 25%. Đại gia bia này cũng đang đầu tư gần 4.500 tỷ đồng vào 12 công ty con và 14 công ty liên kết hoạt động trong lĩnh vực sản xuất bia rượu, nước giải khát, thương mại, cơ khí, thủy điện, bao bì, sản xuất thủy tinh…
Đến nay, đã có hơn 10 nhà đầu tư ngỏ lời muốn mua cổ phần của Sabeco, trong đó có một số tập đoàn nước ngoài như Ashahi (Nhật Bản), Heineken (Hà Lan), ThaiBev (Thái Lan) và SAB Miller (Mỹ)… Cùng chạy đua sở hữu Sabeco còn có sự góp mặt của các doanh nghiệp trong nước như Công ty Cổ phần chứng khoán Sài Gòn (SSI), Công ty Cổ phần tư vấn Ánh Dương, Công ty cổ phần Tập đoàn Đức Bình… Tháng 2/2015, ThaiBev ngỏ ý muốn mua 40% cổ phần của Sabeco với giá trị 1 tỷ USD, nhưng thương vụ không thành công do Sabeco cho rằng mức giá này thấp.
Tổng Công ty Cổ phần Bia, rượu, nước giải khát Hà Nội (Habeco) cũng là “gà đẻ trứng vàng”. Năm 2015, tổng doanh thu các loại của tổng công ty này đạt hơn 11.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 1.373 tỷ đồng. Giá trị xuất khẩu các loại đạt 6 triệu USD. Năm 2016, Habeco đặt mục tiêu đạt 10.790 tỷ đồng doanh thu.
Lương thưởng khủng
Chuyện lương thưởng, thù lao cho hội đồng quản trị, ban lãnh đạo Sabeco cũng luôn là vấn đề gây nhiều chú ý tại mỗi kỳ đại hội cổ đông của đơn vị này. Theo Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2016 được Sabeco công bố mới đây, với 9 viên chức quản lý nhà nước, bình quân mỗi lãnh đạo Sabeco nhận lương và thù lao gần 520 triệu đồng trong năm 2015.
Còn theo kế hoạch năm 2016, tiền lương, thù lao của các chức danh lãnh đạo Sabeco sẽ tăng hơn 200% với mức chi 9,99 tỷ đồng lương cho 10 người quản lý (bình quân mỗi người nhận 999 triệu đồng tiền lương năm 2016).
Bên cạnh đó, nếu đạt kế hoạch đề ra trong năm nay, 4 người quản lý kiêm nhiệm của Sabeco sẽ được nhận thêm 783 triệu đồng thù lao kiêm nhiệm (bình quân mỗi người nhận 195,7 triệu đồng).
Cụ thể, như với trường hợp của con trai nguyên Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng, ông Vũ Quang Hải với chức danh thành viên Hội đồng quản trị kiêm Phó Tổng giám đốc sẽ được nhận lương, thù lao và tiền thưởng vào khoảng 1,44 tỷ đồng năm 2016.
Lương thưởng lãnh đạo được trả rất cao cũng là một chủ đề được quan tâm tại Habeco từ nhiều năm qua. Từ năm 2012, HĐQT Habeco được nhận thù lao gần 1,3 tỷ đồng, ban kiểm soát 504 triệu đồng/năm. Cụ thể Chủ tịch HĐQT Habeco nhận thù lao 77 triệu đồng/tháng, thành viên HĐQT 10 triệu, còn trưởng ban kiểm soát là 32 triệu đồng/tháng. Ông Nguyễn Hồng Linh, Tổng Giám đốc Habeco nhận lương 840 triệu đồng trong năm 2012, tăng khoảng 20 triệu đồng so với 2011. Mức này chưa tính thù lao cho vị trí thành viên HĐQT.
Còn theo tờ trình và được đại hội cổ đông thông qua hồi tháng 4/2016, tiền lương và thù lao năm 2015 trả cho HĐQT và ban kiểm soát là 1,55 tỷ đồng. Năm 2016, số tiền này sẽ tăng thêm 1 tỷ đồng, lên 2,55 tỷ đồng, trong đó, tiền lương của thành viên HĐQT và ban kiểm soát chuyên trách là 1,76 tỷ đồng, các thành viên HĐQT và ban kiểm soát kiêm nhiệm được trả 792 triệu đồng.
Vẫn chờ... thoái vốn
Theo thông tin từ Bộ Công Thương, sau nhiều lần trì hoãn với nhiều sức ép, Sabeco và Bộ Công Thương vừa trình Chính phủ phương án bán cổ phần. Theo đó, nhà nước sẽ bán 53% cổ phần một lần duy nhất, qua đó giảm tỷ lệ sở hữu từ 89,59% xuống còn 36%. Hình thức bán đề xuất là đấu giá công khai.
Trao đổi với PV Tiền Phong, Phó Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính (VAFI), ông Nguyễn Hoàng Hải cho rằng, dựa trên tính toán của các nhà kinh tế, nếu bán hết cổ phần của nhà nước tại 2 doanh nghiệp Habeco và Sabeco thì có thể thu về khoảng 5 tỷ USD.
Với khoản tiền này, Nhà nước sẽ xây dựng được 2 đường tàu điện ngầm cho Thủ đô Hà Nội. Đây là số tiền rất lớn trong điều kiện nhà nước đang gặp khó khăn về vốn đầu tư cho xây dựng cơ bản.
Ông Hải cũng cho rằng, việc thoái vốn là phải làm ngay, phải sớm có phương án trình lên Thủ tướng Chính phủ quyết định. Cùng với việc thoái vốn, phải đẩy mạnh niêm yết để thúc đẩy sự lành mạnh của hoạt động sản xuất kinh doanh tại Sabeco và Habeco.
Phạm Tuyên/(Tiền Phon

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét