Thứ Bảy, 9 tháng 7, 2016

20160709. BÀN VỀ CHỦ TRƯƠNG RÀ SOÁT CHẤT LƯỢNG ĐÀO TẠO TIẾN SĨ

ĐIỂM BÁO MẠNG
TIẾN SĨ 'MẤT THIÊNG' VÌ SAO ?
NGUYỄN VINH/ TBKTSG 30-6-2016
(TBKTSG) - Ngày 30-6-2016 này sẽ là hạn chót mà các cơ sở đào tạo tiến sĩ phải nhập thông tin báo cáo online trên trang thông tin điện tử của Bộ Giáo dục và Đào tạo (http://www.hemis.moet.edu.vn), theo như chỉ đạo về việc rà soát, chấn chỉnh đào tạo trình độ tiến sĩ tại Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 9-5-2016 của Chính phủ và chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo tại Thông báo kết luận số 298/TB-BGDĐT ngày 13-5-2016.
Trước đó, vào hồi đầu tháng 5-2016, truyền thông trong nước đăng tải nhiều thông tin loạn chuẩn trong đào tạo tiến sĩ tại Việt Nam, gây ra tình trạng tràn lan “tiến sĩ giấy”. Những phản ứng của giới học thuật và xã hội trước hiện trạng trên đã dẫn đến việc Bộ Giáo dục và Đào tạo phải có động thái “rà soát điều kiện đảm bảo chất lượng của các cơ sở đào tạo tiến sĩ từ năm 2013 đến nay nhằm đánh giá việc đào tạo trình độ tiến sĩ của cơ sở đào tạo và từng ngành đào tạo, đồng thời bổ sung và cập nhật cơ sở dữ liệu về đào tạo trình độ tiến sĩ trong cả nước”.
Trong bản thông báo nêu trên, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các cơ sở đào tạo tiến sĩ phải cung cấp lại thông tin về: thời gian (mà cơ sở) được giao ngành đào tạo, theo quyết định nào, ngôn ngữ đào tạo, chi phí trung bình cho một nghiên cứu sinh bao nhiêu trên một năm, đơn vị quản lý chuyên môn, báo cáo về đội ngũ giảng viên cơ hữu đang tham gia chủ trì ngành đào tạo.
Ngoài ra, trong bản mẫu Báo cáo Tổng hợp còn có các yêu cầu cung cấp thông tin chung về cơ sở đào tạo.
Việc yêu cầu các cơ sở rà soát lại những thông tin trên là vô cùng quan trọng để cho thấy bức tranh tổng quan về đào tạo tiến sĩ trong tình hình Việt Nam. Điều này sẽ giúp lý giải thực trạng thừa mứa học vị nhưng yếu về chuyên môn. Nhưng động thái của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cho thấy, hóa ra, ngay cả trong vấn đề hệ trọng, đó là việc đào tạo ở học vị cao ở các cơ sở (tại các đại học, học viện), cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước trong bối cảnh kinh tế tri thức bấy lâu nay chính cơ quan chức năng quản lý cũng không nắm rõ.
Nhìn lại, Thông tư 38/2010/TT-BGDĐT ngày 22-12-2010 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về điều kiện, hồ sơ, quy trình cho phép một cơ sở được mở chương trình đào tạo trình độ tiến sĩ, thì thấy có vài điểm lưu ý về chuyên môn chưa được đề cao theo chuẩn quốc tế và có thể đây là kẽ hở để một số “lò” hạ chuẩn phục vụ mục đích thương mại.
Cụ thể, thông tư trên đưa ra tiêu chí một học viện, đại học có đủ điều kiện đào tạo tiến sĩ phải đảm bảo rằng trước đó đã đào tạo trình độ thạc sĩ ngành hoặc chuyên ngành tương ứng với chuyên ngành đào tạo trình độ tiến sĩ, có ít nhất hai khóa học viên đã tốt nghiệp; có khả năng xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình đào tạo trình độ tiến sĩ, có khả năng phát hiện vấn đề nghiên cứu, hướng dẫn, chỉ đạo nghiên cứu sinh xây dựng đề cương nghiên cứu đề tài luận án, hướng dẫn nghiên cứu sinh thực hiện đề tài luận án, viết luận án và tham gia hội đồng chấm luận án tiến sĩ. Ngoài ra, thông tư trên cũng quy định cơ sở đó có ít nhất một giáo sư hoặc phó giáo sư và bốn tiến sĩ cùng ngành là cán bộ cơ hữu của cơ sở đào tạo, trong đó có ba người cùng chuyên ngành đề nghị cho phép đào tạo, đủ khả năng và điều kiện để thành lập hội đồng đánh giá luận án tiến sĩ và tổ chức đánh giá luận án theo quy định của quy chế đào tạo trình độ tiến sĩ hiện hành; mỗi giảng viên là tiến sĩ có ít nhất ba công trình khoa học được công bố trên các tạp chí khoa học chuyên ngành có trong danh mục của hội đồng chức danh giáo sư nhà nước quy định trong năm năm trở lại đây tính đến ngày cơ sở đào tạo đề nghị cho phép đào tạo chuyên ngành trình độ tiến sĩ...
Những tiêu chí nêu trên cho thấy việc đào tạo tiến sĩ trong thời điểm này có mặt tiến bộ đó là giao cho các trường khi đã đủ điều kiện thì tự tổ chức. Nhưng chính vì các yêu cầu nêu ra không cao đã dẫn tới việc các lò đào tạo mọc lên ồ ạt. Điều này cộng với những yêu cầu bất nhất, sửa đi sửa lại, thiếu khắt khe trong Thông tư số 10/2009/TT-BGDĐT ngày 7-5-2009 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (sửa đổi bằng Thông tư số: 05/2012/TT-BGDĐT ngày 15-2-2012 - với tiêu chí ngoại ngữ, tiêu chí nghiên cứu công bố quốc tế chưa bắt buộc và ở mức độ cao) dẫn đến việc một mặt, đâu cũng có thể đủ điều kiện mở lò đào tạo tiến sĩ (để thu lợi và đánh bóng thương hiệu cơ sở giáo dục) và tạo điều kiện cho nhiều người hợp thức hóa đường công danh, tìm cơ hội tiến thân bằng cách “đầu tư” đi lấy học vị tiến sĩ chứ không vì những ý hướng theo đuổi học thuật, khát khao hội nhập quốc tế trong nghiên cứu chuyên môn thực sự.
Báo chí thời gian qua cũng phản ánh về sự yếu kém của những nghiên cứu tiến sĩ trong nước, thậm chí có trường còn ra giá cả cho một tấm bằng tiến sĩ (có nơi lên tới một tỉ đồng). Một khi học vị tiến sĩ bị tầm thường hóa, những tiến sĩ được đào tạo ra không trở thành những nhà nghiên cứu có ích cho cộng đồng xã hội và khoa học thì một hệ lụy khác cũng vô cùng nguy hiểm phát sinh: xã hội sẽ có cái nhìn thiếu trọng vọng đối với những tiến sĩ, trí thức nói chung.
Không biết sau khi các trường minh bạch thông tin chương trình đào tạo tiến sĩ của mình, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có động thái gì tiếp theo. Nhưng thoạt nhìn qua việc “rà soát” mang tính “tự khai” như đã nêu, không quá khó để tưởng tượng thấy những bảng thống kê đẹp. 

CÔNG BỐ QUỐC TẾ CÓ KHÓ ?
LÊ THỊ LÝ /TS 28-6-2016
PGS.TS Lê Thị Lý
Để góp phần tháo gỡ những khó khăn mà các nhà nghiên cứu trẻ gặp phải khi xuất bản các công trình nghiên cứu trên tạp chí chuyên ngành quốc tế, Trung tâm phát triển KH&CN trẻ Thành đoàn TP.HCM đã phối hợp với tạp chí Khoa học Việt Nam (Vietnam Journal of science), một dự án phi lợi nhuận do Quỹ học bổng và học giả cho giáo dục Việt Nam (Vietnam Education Foundation Fellows & Scholars - VEFFA) phối hợp tổ chức hội thảo Công bố khoa học trên tạp chí quốc tế vào ngày 28/5 tại TP.HCM. Hàng trăm nhà khoa học trẻ từ các trường đại học tại TPHCM, Cần Thơ, An Giang… đã tới lắng nghe sự chia sẻ của các diễn giả, những nhà nghiên cứu nhiều kinh nghiệm như GS. TS Trương Nguyện Thành (ĐH Utah, Mỹ), PGS. TS Nguyễn Thị Huệ  (ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia TPHCM), PGS. TS Lê Văn Cảnh, PGS. TS Lê Thị Lý (ĐH Quốc tế, ĐHQG TPHCM)… về quy trình công bố bài báo khoa học, cách giải quyết những khó khăn mà các nhà nghiên cứu trẻ thường gặp phải…
Tia Sáng trích đăng ý kiến của hai diễn giả là PGS. TS Lê Văn Cảnh và PGS. TS Lê Thị Lý về vấn đề này.
Việc công bố công trình nghiên cứu trên các tạp chí quốc tế của các nhà nghiên cứu trẻ Việt Nam không khó nếu như họ có được đam mê nghiên cứu và luôn mong muốn chia sẻ những phát kiến khoa học của mình với đồng nghiệp quốc tế.
Qua tiếp xúc với nhiều nhà nghiên cứu trẻ tại hội thảo “Công bố khoa học trên tạp chí quốc tế” do Trung tâm phát triển khoa học và công nghệ trẻ phối hợp với tạp chí Khoa học Việt Nam (Vietnam journal of science) phối hợp tổ chức diễn ra ngày 28/5 tại TP.HCM cũng như ở những cuộc gặp gỡ khác, tôi nhận thấy rằng, một trong những băn khoăn thường trực của họ là vấn đề ngôn ngữ. Do không phải là người bản xứ nên việc dùng tiếng Anh để diễn tả công trình nghiên cứu cũng là thách thức không nhỏ, thậm chí ngay cả với những người đã sử dụng thành thạo tiếng Anh cũng không ngoại lệ. Để có được một bài báo khoa học hoàn thiện và chỉn chu về cả nội dung lẫn hình thức, người viết cần phải nắm rõ những yếu tố cơ bản về văn phong, ngữ pháp, mẫu câu, từ vựng... Khi trình bày các dữ liệu khoa học, chúng ta thường hay mắc chung một sai lầm cơ bản là không đặt mình vào vị trí của người đọc, vì thế ý tưởng không được diễn đạt một cách mạch lạc và dễ hiểu. Để không mắc phải lỗi này, theo kinh nghiệm của tôi, các nhà nghiên cứu trẻ Việt Nam nên tìm đọc các bài báo khoa học trên các tạp chí quốc tế nhiều hơn. Việc tìm đọc các công bố của các nhà khoa học quốc tế sẽ đem lại cho chúng ta hai lợi ích lớn: thứ nhất giúp nắm bắt được những xu hướng nghiên cứu nổi trội, những thông tin mới nhất trong lĩnh vực mà mình nghiên cứu; thứ hai giúp học hỏi lối tư duy và khả năng phân tích những vấn đề đặt ra một cách logic.
Với tư cách là người đã tham gia bình duyệt nhiều công trình trên một số tạp chí quốc tế, tôi cho rằng việc chuẩn bị hình vẽ, bảng biểu, sơ đồ rất quan trọng. Đây là những điểm mà người bình duyệt quan tâm trước khi bỏ thời gian đọc phần thảo luận và giúp họ có được đánh giá sơ bộ về công trình nghiên cứu. Những dữ liệu khoa học khác của công trình cũng cần phải được lưu giữ cẩn thận vì nó sẽ được dùng nhiều lần trong quá trình nhà nghiên cứu viết bài và trả lời phản biện. Nhà nghiên cứu có thể chỉ cần trình bày những dữ liệu quan trọng theo một tiến trình hợp lý mà không cần liệt kê tất cả những kết quả thu được trong lúc làm thí nghiệm. Ở vị trí tác giả công trình, nhà nghiên cứu cũng cần phải thấy được giới hạn của nghiên cứu mà mình thực hiện và đề xuất những nghiên cứu tiếp theo. Một vấn đề đáng lưu tâm là nhà nghiên cứu không được phép sử dụng các dữ liệu ngụy tạo để “làm đẹp” công trình nghiên cứu, bởi nó liên quan đến đạo đức khoa học. Khoa học thế giới đã phát hiện ra nhiều trường hợp ngụy tạo dữ liệu nghiên cứu và đây là nguyên nhân dẫn đến hậu quả là làm sứt mẻ uy tín của nhiều nhà khoa học.
Thời gian để một công trình nghiên cứu được các tạp chí quốc tế có hệ thống bình duyệt chấp nhận xuất bản dài hay ngắn phụ thuộc rất nhiều vào các yếu tố: xu hướng của tạp chí, nội dung công trình, khả năng diễn đạt của tác giả… Với các tạp chí có hệ số IF cao thì quy trình bình duyệt càng chặt chẽ và thời gian chờ đợi càng kéo dài hơn. Khi nhận được hồi âm của tạp chí và những câu hỏi hóc búa của người phản biện, vốn là những chuyên gia uy tín trong lĩnh vực mà nghiên cứu đề cập, các nhà nghiên cứu trẻ cần phải thấy được nguyên nhân là do vấn đề mình đưa ra còn chưa đủ sức thuyết phục và cần được chỉnh sửa để việc giải thích vấn đề mà mình đã nêu được tường minh hơn. Quá trình hỏi đáp, bổ sung như vậy không chỉ để làm hài lòng các nhà bình duyệt và để công trình sớm được chấp nhận đăng mà quan trọng hơn là giúp các nhà nghiên cứu trẻ hoàn thiện công trình nghiên cứu của mình.
Một vấn đề nữa mà các nhà nghiên cứu trẻ đặt ra với tôi là có nên đăng bài trên các tạp chí quốc tế có hệ số IF thấp hay không, khi chưa đủ sức thuyết phục các tạp chí “chiếu trên” chấp nhận công trình của mình? Trên thực tế, các tạp chí có hệ số IF cao là mục tiêu hướng tới của các nhà khoa học, không kể người có nhiều kinh nghiệm hay mới bước vào con đường nghiên cứu. Hiện nay, Quỹ Nafosted cũng bắt đầu có xu hướng khuyến khích các nhà nghiên cứu xuất bản công trình từ các đề tài do Quỹ tài trợ trên các tạp chí IF cao nhằm nâng dần chất lượng công bố của Việt Nam. Để hướng tới mục tiêu lâu dài này, các nhà nghiên cứu trẻ nên cố gắng gửi đăng bài báo ở các tạp chí thuộc top Q1 của SCImago. Những bài báo được xuất bản trên các tạp chí này sẽ mang uy tín khoa học và nhiều cơ hội nghề nghiệp hơn cho các nhà nghiên cứu trẻ. Tuy vậy, chúng ta cũng không nên cứng nhắc mà đánh giá thấp những đồng nghiệp trẻ ở giai đoạn đầu nghiên cứu chỉ đăng được trên tạp chí có hệ số IF chưa cao vì ai cũng hiểu, điều kiện nghiên cứu ở Việt Nam còn nhiều hạn chế và bản thân họ chưa có uy tín khoa học nên ít có khả năng được các tạp chí Q1 chấp nhận.
Khi viết bài báo đầu tiên, các nhà nghiên cứu trẻ sẽ gặp rất nhiều khó khăn tưởng chừng khó vượt qua. Tuy nhiên sau khi trải qua những công đoạn trên đây, họ sẽ rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm để tìm kiếm cơ hội công bố công trình của mình trên những tạp chí chất lượng. Nếu có đam mê nghiên cứu và luôn mong ước chia sẻ những phát kiến khoa học của mình với các đồng nghiệp quốc tế thì họ sẽ vượt qua được những khó khăn này.

CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO KINH TẾ NÊN HỌC TOÁN NHIỀU HƠN
HỒNG NHUNG/ TTO 5-7-2016
“Chương trình đào tạo kinh tế nên học toán nhiều hơn”
Giáo sư Finn Kydland kể về con đường đến với giải thưởng Nobel của ông - Ảnh: Như Hùng
TTO - Giáo sư Finn Kydland (Nobel kinh tế 2004) đã đưa ra lời khuyên trên tại buổi giao lưu với các nhà nghiên cứu, giảng viên, sinh viên trên địa bàn TP.HCM tại Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG TP.HCM) chiều 5-7.


Tại buổi giao lưu, giáo sư Kydland kể về con đường đến với giải thưởng Nobel của ông và ảnh hưởng của công trình nghiên cứu của ông đối với nghiên cứu kinh tế vĩ mô và xây dựng chính sách kinh tế.
Năm 2004, giáo sư Finn Kydland và Edward Prescott nhận giải thưởng Nobel kinh tế về công trình nghiên cứu kinh tế vĩ mô như lạm phát, biến động trong sản xuất và việc làm, tăng trưởng dài hạn. Các phân tích về chính sách kinh tế và động lực đằng sau các chu kỳ kinh doanh đã ảnh hưởng lớn đến chính sách tiền tệ, chính sách kinh tế nói chung. Hai ông đã đưa ra cách tiếp cận mới đối với kinh tế vĩ mô.
Giáo sư Finn Kydland cho biết vào những năm 1970, các nhà kinh tế vẫn còn loay hoay xây dựng các mô hình kinh tế dựa trên các tham số cố định, trong khi có những nhà kinh tế khác chứng minh rằng tham số này sẽ thay đổi khi chính sách nhà nước thay đổi.
Chính ông và đồng sự đã nghiên cứu và xây dựng mô hình kinh tế vĩ mô theo hướng khác, cho thấy những dao động kinh tế vĩ mô rất giống với tăng tiêu dùng, đầu tư và thu nhập quốc dân thực tế.
Nhiều ngân hàng trung ương, các tổ chức tài chính và các tổ chức quốc tế đã dùng mô hình này để đánh giá những ảnh hưởng do thay đổi chế độ chính sách kinh tế, những dự báo trước về chu kỳ kinh doanh đã bắt đầu phân tích các hiện tượng có tính chu kỳ.
Theo giáo sư Finn Kydland, ông nhận thấy kinh tế học hiện đại hiện đang thiên về toán học với việc sử dụng rất nhiều kiến thức, công cụ toán nên ông cho rằng các chương trình đào tạo ngành kinh tế nên tập trung vào toán nhiều hơn và giảm các môn kinh tế học.
Cũng theo giáo sư Kydland, kinh tế học hành vi đang là lĩnh vực rất thú vị, và sẽ có rất nhiều vấn đề, hướng nghiên cứu của ngành này trong thời gian tới.
Được biết, đây là lần đầu tiên giáo sư Finn Kydland thăm Việt Nam cùng với vợ là bà Tonya Kydland, tiến sĩ tâm lý học, chuyên gia về bệnh Alzheimer.
Giáo sư Kydland đến Việt Nam để dự hội nghị khoa học tự nhiên và xã hội trong chuỗi sự kiện “Gặp gỡ Việt Nam XII” sẽ diễn ra tại Quy Nhơn, Bình Định từ ngày 7-7.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét