Chủ Nhật, 25 tháng 10, 2020

20201026. BÀN VỀ NGUYÊN NHÂN LŨ LỤT MIỀN TRUNG

 ĐIỂM BÁO MẠNG

LŨ LỤT MIỀN TRUNG: NGUYÊN NHÂN VÀ HỆ QUẢ
NGUYỄN QUANG DY/ viet-studies / BVN 24-10-2020

Nếu anh bắn vào quá khứ bằng súng lục thì tương lai sẽ bắn vào anh bằng đại bác” (Abutalip)

Như “đến hẹn lại lên” trong hai thập kỷ qua, cứ đến mùa mưa bão thì Miền Trung lại phải chịu ngập lụt tang thương, năm sau còn tệ hơn năm trước, như một định mệnh (Karma). Năm nay, hơn một trăm người đã thiệt mạng, hàng ngàn ngôi nhà bị vùi lấp hay ngập sâu, thiệt hại còn lớn hơn cả đại dịch Covid-19. Nhưng điều đáng nói không chỉ là con số tử vong, gồm hai cấp tướng, hàng chục cấp tá, và một số cán bộ trung/cao cấp khác, mà là hiểm họa lâu dài về môi trường, kinh tế,Thì cà an ninh quốc phòng, tiếp theo đại dịch như “thảm họa kép”.

Dư luận đang bức xúc và ồn ào, nhưng sau đó chắc lại chìm xuống trước một thực tế mới (a new normal), để sang năm lặp lại “theo đúng quy trình”, mà chẳng thấy ai chịu trách nhiệm. Không đổi mới thể chế và tư duy, chắc cái vòng luẩn quẩn đó vẫn cứ tiếp diễn, và người dân luôn là “bên thua cuộc” (born loser). Hãy thử làm rõ nguyên nhân và hệ quả.

Thủy điện Rào Trăng 3 trên thượng nguồn sông Bồ nhìn từ máy bay trực thăng

Làm rõ nguyên nhân

Khi nói đến nguyên nhân, người ta thường đổ cho “thiên tai” như biến đổi khí hậu. Điều đó tuy không sai, nhưng ngoài nguyên nhân khách quan (do “thiên tai”) còn có nguyên nhân chủ quan (do “nhân họa”) mà người ta hay né tránh. Muốn tránh thảm họa, phải làm rõ nguyên nhân. Trong khi loài người phải làm quen và chung sống với biến đổi khí hậu (phải đối phó nhưng không chống lại được) thì họ có thể tìm cách tránh được “nhân họa”.

Theo ông Nguyễn Văn Lung (Viện trưởng Viện Quản lý Rừng), Việt Nam là một trong sáu nước trên thế giới chịu tác động lớn nhất của biến đổi khí hậu trong bốn năm gần đây. Miền Trung là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất tại Việt Nam. Nhưng bên cạnh “thiên tai” (như biến đổi khí hậu), còn có “nhân họa” (do lòng tham và dân trí thấp).

Trong khi dư luận bức xúc vì đồng bằng sông Cửu Long phải gánh chịu hệ quả khôn lường (như “vũ khí nước”) do họ làm quá nhiều đập thủy điện trên thượng nguồn (chủ yếu là Trung Quốc) thì Miền Trung lại hồn nhiên làm hàng trăm “thủy điện cóc” (quy mô nhỏ dưới 10 MW) mà không tính đến hệ quả do môi trường tự nhiên bị tàn phá. Khi chạy các dự án “thủy điện cóc”, mục tiêu của chủ đầu tư không phải là làm ra điện mà là khai thác gỗ.

Trong hơn 20 năm qua, Việt Nam đã có chủ trương “xã hội hóa” cho tư nhân làm “thủy điện cóc” (chẳng khác gì “hội chứng trạm BOT”). Theo chủ trương “phân cấp quản lý”, các dự án thủy điện công suất trên 10 MW do Bộ TNMT thẩm định phê duyệt, còn các dự án thủy điện công suất dưới 10 MW do cấp tỉnh phê duyệt. Nhưng chủ trương “xã hội hóa” và “phân cấp quản lý” đã bị các nhóm lợi ích thao túng, để “con voi chui lọt lỗ kim”.

Việc điều tiết thủy điện được “làm theo bản năng chứ không theo dòng chảy”. Các nhà máy “thủy điện cóc” thường hoạt động tự phát và tùy tiện, không chỉ góp phần phá hủy mội trường mà còn phá vỡ quy hoạch điện của nhà nước, dẫn đến hệ quả khôn lường. Các chuyên gia cho rằng “quả bom nước” thủy điện bậc thang ở Miền Trung có thể nhấn chìm phố cổ Hội An. Tuy các chuyên gia đã cảnh báo, nhưng dường như không ai lắng nghe.

Theo số liệu thống kê, Bộ Công thương đã duyệt 21 dự án thủy điện cỡ nhỏ (bình quân 21,4 MW) trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên (tổng công suất 450 MW), gồm 5 công trình: A Lưới, Hương Điền, Bình Điền, A Lin 1 và Tả Trạch. Theo Quyết định 1666/QĐ-UBND (23/7/2008), UBND tỉnh Thừa Thiên đã phê duyệt 11 dự án thủy điện cóc (dưới 10MW) với tổng công suất 105,8 MW, được khai thác gỗ trong khu bảo tồn thiên nhiên và rừng đặc dụng.

Trên thực tế, rừng tự nhiên và rừng đặc dụng đều nằm trong danh sách “chuyển đổi mục đích sử dụng rừng”. Tính đến cuối năm 2017, hơn 60.000 ha diện tích đất rừng đã bị chuyển đổi, trong đó có 4 dự án thủy điện nhỏ ở Miền Trung gồm Alin B1, Alin B2, Rào Trăng 3 và Rào Trăng 4, nằm trong khu vực bảo tồn thiên nhiên Phong Điền. Đến nay, Miền Trung đã đưa vào vận hành khai thác 54 thủy điện bậc thang (7.025 MW) và 156 thủy điện nhỏ (1.565 MW); đang thi công 11 dự án bậc thang (704 MW) và 72 dự án thủy điện nhỏ (859 MW).

Cả nước có 342 thủy điện nhỏ được đưa vào vận hành phát điện (tổng công suất 3.582MW), có 158 dự án đang được tiếp tục thi công (tổng công suất 2.122MW), có khoảng 300 dự án đang được nghiên cứu đầu tư (tổng công suất 3.121MW), và có 69 dự án chưa nghiên cứu đầu tư (tổng công suất 622MW). Muốn đầu tư làm dự án thủy điện nhỏ thường phải có quản trị tốt và giải trình minh bạch. Nhưng ở Việt Nam các yếu tố đó vẫn chưa có.

Theo thống kê, cứ 1MW thủy điện sẽ mất 10-14,5 ha rừng. Trung bình mỗi dự án thủy điện nhỏ sẽ xóa sổ 125 ha rừng tự nhiên. Với hơn 500 dự án thủy điện nhỏ được phê duyệt, phải đánh đổi 57.000 ha rừng. Nếu bỏ được 463 dự án thủy điện nhỏ (dưới 30 MW) sẽ cứu được 13.890 ha rừng nguyên sinh. Mỗi ha rừng nguyên sinh không chỉ bảo vệ đất khỏi bị xói mòn và làm chậm dòng chảy của nước về hạ lưu, mà còn hấp thụ được 640 tấn khí carbon.

Mỗi ha rừng nguyên sinh có trữ lượng cây khoảng 300 m3 gỗ. Nếu đốn 13.890 ha rừng nguyên sinh sẽ thu được 5.167.000 m3 gỗ. Nếu giá một m3 gỗ (nhóm 1) là 50 triệu VND/m3, giá một m3 gỗ nhóm 4 là trên 8 triệu VND/m3, thì bình quân là 20 triệu VNĐ/m3. Nếu bán 5.167.000 m3 gỗ người ta sẽ thu được 103.340 tỷ VNĐ. Đó chính là lý do người ta đua nhau làm thủy điện nhỏ. Nói cách khác, làm thủy điện cóc là cách “tay không bắt giặc”.

Hệ quả của thủy điện cóc

Người ta thường làm dự án thủy điện nhỏ ở sâu trong núi vì ba lý do chỉnh. Một là tránh xa được tai mắt của nhân dân. Hai là không tốn tiền đền bù và di dời nhà dân. Ba là có thể tự do khai thác rừng nguyên sinh có nhiều giá trị lâm sản, tạo ra nguồn tiền đủ để đầu tư làm thủy điện. Vì vậy, làm thủy điện cóc là kênh đầu tư đem lại nhiều lợi nhuận, mà những yếu tố môi trường, kỹ thuật thiết kế, xây dựng và vận hành hầu như không bị giám sát.

Có thể nói thủy điện cóc là các dự án nhỏ nhưng lại có nguồn lợi lớn và tác động môi trường không hề nhỏ. Các nhóm lợi ích đang tranh nhau làm thủy điện cóc và thao túng quy trình làm thủy điện, tác động đến đời sống kinh tế, chính trị, và văn hóa của Việt Nam, với hệ quả khó lường. Tuy các chuyên gia đã cảnh báo về “quả bom nước” khi mùa lũ tới, nhưng các dự án thủy điện cóc vẫn đua nhau mọc lên. Hệ quả là các khu rừng nguyên sinh bị khai thác vô tội vạ, rất khó kiểm soát, vì kiểm lâm thường bị qua mặt hoặc bị mua chuộc.

Hệ thống đường giao thông Bắc-Nam thường cắt vuông góc với dòng chảy của các con sông ở Miền Trung. Đường càng cao thì chặn lũ càng nhiều, và hệ thống thoát nước được thiết kế và thi công không đáp ứng được lưu lượng nước vào mùa lũ, làm khả năng thoát nước càng chậm. Khi làm con đường HCM, chắc các chuyên gia không nghĩ đến việc làm con đường đó có chặn mất dòng nước lũ tràn xuống biển từ sườn phía Đông của dãy Trường Sơn.

Hầu hết địa hình Miền Trung là đồi núi, có độ dốc cao (từ 15-75 độ). Bộ Công thương cho biết đã loại khỏi quy hoạch 8 dự án thủy điện bậc thang (655 MW) và 463 dự án thủy điện nhỏ (1.404,68 MW) do tác động tiêu cực lớn đối với môi trường và xã hội. Thủy điện Rào Trăng 3 (công suất 11 MW) đã thay đổi thiết kế, nâng công suất lắp máy lên 13 MW. Dự án này đã được Bộ TN-MT phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường năm 2019.

Ông Hà Công Tuấn (Thứ trưởng Bộ NN-PTNT) cho rằng một trong hai nguyên nhân cơ bản khiến rừng tự nhiên bị giảm nghiêm trọng về diện tích và trữ lượng, là do chuyển đổi mục đích sử dụng rừng để xây dựng thủy điện, thủy lợi, giao thông và các công trình tái định canh định cư khác. Theo ông Lê Việt Trường (cựu Phó chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội), cần làm rõ lũ lụt do thiên tai chiếm bao nhiêu phần trăm và lũ lụt do thủy điện chiếm bao nhiêu phần trăm. Việc cần phải làm ngay sau vụ Rào Trăng 3 là tạm dừng tất cả các dự án thủy điện đang triển khai và sắp triển khai để điều tra, đánh giá tổng thể.

Theo ông Lung, các dự án thủy điện cóc công suất tuy dưới 10 MW, nhưng vẫn chiếm diện tích lớn rừng được “chuyển đổi mục đích sử dụng”, trong khi các chủ doanh nghiệp tư nhân làm thủy điện cóc thường trốn lập báo cáo đánh giá tác động môi trường. Lỗi không phải do làm thủy điện mà là do cách thức người ta quản trị và điều tiết như thế nào. Chúng ta đánh đổi môi trường lấy lợi ích kinh tế trước mắt, hy sinh rừng tự nhiên để làm thủy điện, nhưng không biết cái giá phải trả lâu dài. Nói cách khác, người ta “đánh bạc với thiên nhiên”.

Theo các chuyên gia về môi trường, nếu mưa xuống khu vực rừng tự nhiên thì khoảng 90% lượng nước rơi xuống không chảy tràn trên mặt đất, mà được thấm xuống thành nước ngầm. Hệ thống mạch nước ngầm chằng chịt dưới lòng đất, nên khoan giếng chỗ nào cũng hầu như thấy nước. Nhưng nếu mưa xuống khu vực đồi trọc hay rừng mới trồng này thì chỉ có 5% lượng nước được thấm xuống đất, còn 95 % lượng nước sẽ chảy tràn trên bề mặt, tạo thành lũ ống hay lũ quét. Nhưng hầu hết các chủ đầu tư thủy điện cóc không quan tâm đến vai trò của rừng tự nhiên trong hệ sinh thái, mà chỉ muốn phá rừng tự nhiên để khai thác gỗ.

Thế giới đã khẳng định rừng tự nhiên là nhân tố tốt nhất để chống biến đổi khí hậu. Các chuyên gia quốc tế khuyến cáo rằng thà giữ 1ha rừng tự nhiên còn hơn phát triển 10 ha rừng trồng lại. Trong khi thế giới ra sức bảo vệ rừng tự nhiên thì chúng ta lại hồn nhiên phá rừng tự nhiên để làm kinh tế. Trong khi đánh đổi lợi ích kinh tế trước mắt lấy rủi ro môi trường lâu dài, thì chúng ta bỏ ngoài tai các khuyến cáo của các chuyên gia về môi trường.

Theo nhà báo Lưu Trong Văn, sự hy sinh của 13 sĩ quan trung/cao cấp tại trạm kiểm lâm 67 gần Thủy Điện Rào Trăng 3, huyện Phong Điền (13/10 ) là một bài học đau xót cho công tác cứu hộ. Nếu không coi công tác cứu hộ là công việc đầy nguy hiểm phải có lực lượng cứu hộ chuyên nghiệp và phương tiện chuyên dụng, thì chính quyền còn phạm nhiều sai lầm khác. Tướng Man, đại tá Hùng và đại tá Quang từng chỉ huy lực lượng cứu hộ, nhưng lần này không có lực lượng cứu hộ và phương tiện cần thiết, thì làm sao có thể chỉ huy cứu hộ.

Ông Lưu Trọng Văn cho rằng: “Nếu không khẩn cấp điều tra hơn 700 thuỷ điện cóc đang bức tử các dòng sông và các cánh rừng, gây ra hệ quả ghê gớm này để dẹp hết đi thì sẽ là đồng lõa với tội ác”. Theo ông Văn, cũng như quan điểm của nhiều người khác, Việt Nam vẫn chưa có đội ngũ cứu hộ chuyên nghiệp được huấn luyện kỹ và được trang bị đầy đủ, để khi có lệnh là lên đường ngay bằng phương tiện trực thăng, ca-nô hay xe chuyên dụng.

Tiếp theo vụ sạt lở đất tại trạm kiểm lâm 67 ở Phong Điền (13/10) làm thiệt mạng 13 sỹ quan, hầu hết là cán bộ trung/cao cấp, vụ sạt lở đất tại khu nhà của sư đoàn 337 làm kinh tế tại Hương Hóa (18/10) đã làm thiệt mạng 22 cán bộ và chiến sỹ. Tính đến 20/10, đã có 84 người chết, 38 người mất tích, 52.933 nhà bị ngập và 461.627 con gia súc/gia cầm bị chết. Ông Hoàng Đình Bá (cựu trưởng ty Lâm nghiệp ở Quảng Nam-Đà Nẵng) đã cảnh báo từ hơn hai thập kỷ trước rằng tần suất lũ lụt sẽ ngày càng tăng, và nguồn nước ngầm sẽ cạn kiệt. Nếu không phục hồi được rừng đầu nguồn thì phố cổ Hội An không lâu nữa sẽ chỉ còn là phế tích.

Theo kỹ sư Nguyễn Đức Thắng, một nguyên nhân khác làm lũ lụt Miền Trung gia tăng là do Tập đoàn Dầu khí (PVN) chủ trương làm xăng E5 (ethanol) và Bộ Giao thông Vận tải làm các tuyến đường Bắc Nam. PVN đã xây dựng 3 nhà máy ethanol (có tổng công suất là 3x100.000m3 ethanol/năm) đặt tại ba miền đất nước là Tam Nông (Phú Thọ), Dung Quất (Quảng Ngãi) và Bình Phước (phía nam), để pha trộn với xăng RON 92 tạo thành xăng E5.

Quyết định 177/2007/QĐ-TTg cho chuyển đổi 0,73 triệu ha đất rừng thành đất trồng sắn và xây dựng thêm nhiều nhà máy sản xuất ethanol. Theo thống kê của Bộ NN-PTNT, trong vòng 5 năm (2010-2014) diện tích rừng ở Tây Nguyên đã giảm tới hơn 0,3 triệu ha, độ che phủ của rừng đã giảm 6,1%. Nguyên nhân chính là do chuyển đổi rừng và phá rừng tự nhiên để xây thủy điện, hạ tầng giao thông, và trồng cây cao su...Rừng và thảm thực vật hoạt động như “một cái phanh để giảm lũ”, nhưng khi nhiều rừng tự nhiên bị tàn phá thì sẽ có lũ quét.

Hàng ngàn ngôi nhà bị ngập sâu tại các tỉnh miền Trung

Câu chuyện cứu trợ

Thảo luận về “hiện tượng Thủy Tiên”, luật sư Ngô Ngọc Trai cho rằng Việt Nam có Nghị định 64/2008/NĐ-CP không cho những cá nhân hay nhóm người (như Thủy Tiên) được tiếp nhận tiền cứu trợ và phân phối hàng cứu trợ. Ông luật sư và Báo Pháp luật TP.HCM nhận xét rằng nghị định 64 ra đời cách đây 12 năm, nay đã lạc hậu, và đó là một văn bản dưới luật nên tự thân nó không đảm bảo tính hợp hiến và hợp pháp. Luật sư Ngô Ngọc Trai và Báo Pháp luật TP. HCM kiến nghị “cần phải nhanh chóng hủy bỏ Nghị định 64/2008”.

Theo nhà báo Nguyễn Như Phong, “Làm từ thiện mà cứ giao khoán cho mấy tổ chức đoàn thể là khéo mất toi. Nói thật là tôi mất niềm tin vào các cơ quan như Mặt trận Tổ quốc, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ... và không bao giờ tôi phối hợp với các tổ chức này”. Nhà báo Nguyễn Như Phong đã phản ánh khá đúng tâm trạng của công chúng, và một thực tế đáng buồn là người dân không còn tin vào các cơ quan đoàn thể ,vì họ đã đánh mất chính danh. Một khi đã đánh mất lòng tin của người dân thì rất khó lấy lại, làm “khủng hoảng lòng tin”.

Người ta hay nói “lấy dân làm gốc” nhưng nhiều người quên rằng dân như nước, có thể “nâng thuyền hay lật thuyền”. Cách đây bốn năm, MC Phan Anh đã quyên góp được hơn 20 tỷ VNĐ trong vòng một tuần (như một hiện tượng). Nay ca sỹ Thủy Tiên đã quyên góp được hơn 100 tỷ VNĐ cũng trong vòng một tuần (gấp năm lần Phan Anh). Nhưng Thủy Tiên còn quyết liệt hơn Phan Anh khi khẳng định rằng cô sẽ làm việc “theo cái tâm của một cá nhân mong muốn giúp đỡ cộng đồng” với nguyên tắc là “tiền trao tận tay để giúp đỡ bà con, không thông qua một tổ chức nào cả”, và nhấn mạnh “cũng sẽ không tạo ra một tổ chức nào cả”.

Hiên tượng Thủy Tiên thúc đẩy các nghệ sỹ khác tham gia cứu trợ, như một xu hướng mới của xã hội dân sự. Hiên tượng này chứng tỏ người dân không còn tin vào các “cơ quan chức năng” của nhà nước (như Mặt trận Tổ quốc, Hội chữ thập Đỏ), mà chỉ tin vào các cá nhân nào đáp ứng được nguyện vọng thiện nguyện của họ. Tuy Thủy Tiên được dư luận chung ủng hộ, nhưng một số khác lại có ý kiến trái chiều, dựa vào các quy định lỗi thời để ngăn cản.

Thủy Tiên kiệt sức sau 6 ngày đi cứu trợ liên tục.

Thay lời kết

Tiếp theo đại dịch Covid-19, lũ lụt năm nay đang tạo ra “thảm họa kép”, với hiện tượng La Nina gây mưa lớn kéo dài, làm lũ lụt miền Trung vượt mức báo động 3, tới mức báo động 4 (là mức nguy hiểm nhất tại Việt Nam). Chủ trương “xã hội hóa” cho tư nhân làm “thủy điện cóc”, và “phân cấp” cho các tỉnh duyệt cấp phép, trong khi năng lực quản trị yếu và tham nhũng, đã tạo điều kiện cho các nhóm lợi ích thao túng, làm quá nhiều “thủy điện cóc”, không chỉ chặn dòng chảy của các con sông, mà còn phá rừng tự nhiên làm đảo lộn hệ sinh thái.

Để đảm bảo an ninh năng lượng, Việt Nam cần sản xuất thêm nhiều điện, nhưng không phải các dự án thủy điện phá hủy môi trường, hay các dự án nhiệt điện gây ô nhiễm không khí. Đã đến lúc Việt Nam phải phát triển các dự án điện gió và điện mặt trời để sử dụng năng lượng tái tạo, như các nước khác. Việt Nam cần hợp tác xây dựng các dự án điện khí hóa lỏng (LNG) như dự án “Chân Mây”. Với kết quả thăm dò thành công trữ lượng khí rất lớn, chất lượng rất tốt, vị trí thuận lợi tại “Kèn Bầu” (lô 114), Việt Nam có thể hợp tác phát triển các dự án điện khí lớn, nhằm “mục tiêu kép” về an ninh năng lượng và địa chiến lược tại Biển Đông.

N.Q.D.

23/10/2020

Tác giả gửi BVN

THỦ PHẠM GÂY THẢM HỌA MIỀN TRUNG

TÔ VĂN TRƯỜNG/ TVN 24-10-2020

Vì sao, tại ai mà hầu như năm nào miền Trung cũng phải gánh chịu thảm hoạ do thiên tai và nhân tai?

Nguyên nhân khách quan

Biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến rất phức tạp và cực đoan trên phạm vi toàn cầu trong đó có Việt Nam. Bão lũ liên tục, mưa lớn cả về lượng, cường độ và thời gian vượt mọi dự kiến làm lũ dâng cao, đất đồi bị sạt lở kể cả những nơi đã được thiết lập doanh trại quân đội tồn tại ổn định hàng chục năm qua.    

Thủ phạm gây thảm họa ở miền Trung
Mưa lớn kéo dài khiến nước tại Quảng Bình lên cao làm ngập hơn 71.000 nhà dân. Ảnh: Thanh Tùng

Đối với khu vực miền Trung, với đặc điểm tự nhiên mưa lũ lớn, lòng sông dốc và hẹp, cửa sông bị sa bồi và thay đổi qua từng năm, nhiều vùng địa chất yếu... nên thường xuyên chịu tổn thất lớn về người và tài sản trong mùa lũ hàng năm. 

Tổng lượng mưa luỹ tích từ ngày 15/10 đến 19h ngày 19/10 rất lớn. Khu vực Bắc Trung Bộ: Thanh Hoá - Nghệ An phổ biến 260-220 mm, từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế phổ biến 450-840 mm. Khu vực Nam Trung Bộ phổ biến 80-115 mm (riêng Đà Nẵng - Quảng Ngãi 190-320 mm). Một số trạm có mưa lớn như Môn Sơn (Nghệ An) 513 mm, Kỳ Thượng (Hà Tĩnh) 1.868 mm; Trường Sơn (Quảng Bình) 1.198 mm, Hương Linh (Quảng Trị) 1.354 mm…

Nguyên nhân chủ quan

Từ lâu, các nhà khoa học đã cảnh báo tàn phá thiên nhiên là cái giá phải trả rất đắt do con người gây ra. Bài toán quy hoạch phát triển kinh tế xã hội bền vững thiếu ”nhạc trưởng” chỉ huy chung nên việc đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở của các ngành đã làm cho bài toán phòng tránh thiên tai ngày càng phức tạp. 

Thủ phạm gây thảm họa ở miền Trung
 Đoạn đường bị sạt lở nghiêm trọng tại Km 166, thôn Cựp, xã Hướng Lập, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị. Ảnh chụp ngày 23/10. Ảnh: Phan Vĩnh

Công tác dự báo và cảnh báo chưa theo kịp diễn biến bất thường của thời tiết. Việc xây dựng các tuyến đường giao thông vuông góc dòng chảy, không đủ khẩu độ thoát nước, làm dao động lớn mực nước giữa các vùng. Thuỷ điện, nạn phá rừng, xây dựng cơ sở hạ tầng không hợp lý đã góp phần không nhỏ vào biến cố thiên tai v.v…

Nói cho khách quan và khoa học, trong các nghiên cứu quy hoạch thủy điện, đã phối hợp với ngành thủy lợi xem xét gắn nhiệm vụ cắt giảm lũ và bổ sung lưu lượng mùa kiệt cho hạ du. Thực tế đã bố trí kết hợp được dung tích phòng lũ nhất định tại một số hồ chứa thủy điện như: Trung Sơn trên sông Mã (150 triệu m3), Hủa Na trên sông Chu (100 triệu m3), Bản Vẽ trên sông Cả tại Nghệ An (300 triệu m3), Quảng Trị trên sông Rào Quám (30 triệu m3), Bình Điền trên sông Hữu Trạch (70 triệu m3). 

Đối với các công trình thủy điện vừa và nhỏ, do chủ yếu nằm trên các lưu vực sông nhánh hoặc suối với diện tích lưu vực nhỏ, độ dốc lớn nên dung tích hồ chứa rất nhỏ, hiệu quả cắt giảm lũ không đáng kể. 

Việc đầu tư xây dựng các dự án thủy điện đòi hỏi phải chuyển đổi mục đích sử dụng một số diện tích đất rừng nhất định (gồm đất thực tế có rừng và chưa có rừng). Với các dự án này, chủ đầu tư phải thực hiện nghĩa vụ trồng rừng thay thế cho toàn bộ diện tích đất rừng nêu trên theo quy định tại Thông tư số 13/2019/TT-BNNPTNT ngày 25/10/2019 của Bộ NN&PTNT (trước đó là các Thông tư số 23/2017/TT-BNNPTNT ngày 15/11/2017, số 26/2015/TT-BNNPTNT ngày 29/7/2015, số 24/2013/TT-BNNPTNT ngày 6/5/2013).

Theo thống kê của Tổng cục Lâm nghiệp - Bộ NN&PTNT đến tháng 9/2019, công tác trồng rừng thay thế tại các dự án thủy điện là 30.305ha. Tuy nhiên, rừng trồng lại không thể hữu hiệu về bảo vệ môi trường như rừng tự nhiên. 

Các giải pháp 

Các cơ quan từ trung ương đến các địa phương cần rà soát gắn chặt nhiệm vụ phòng tránh thiên tai vào quy hoạch chung của các ngành và quy hoạch tổng thể. Đẩy mạnh, kiện toàn nâng cao chất lượng công tác dự báo và cảnh báo về thời tiết, chủ động di dời dân đến vùng an toàn trước thiên tai. 

Rà soát các tiêu chuẩn xây dựng để ứng phó với thiên tai. Cơ sở hạ tầng đặc biệt là các tuyến đường giao thông phải bổ sung đủ khẩu độ thoát lũ. Hiện nay, ngoài quy trình vận hành đơn hồ với đầy đủ yêu cầu vận hành trong mùa lũ và mùa cạn, các địa phương cũng yêu cầu các hồ chứa thủy điện vừa và nhỏ trên cùng lưu vực lập quy trình phối hợp vận hành để tăng cường an toàn về mùa lũ, phù hợp với nhu cầu khai thác sử dụng nước mùa cạn cho hạ du. 

Thực hiện nghị quyết số 62/2013/QH13 của Quốc hội về tăng cường công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình thủy điện ngày 18/2/2014 và nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Kế hoạch hành động thực hiện NQ62 của Quốc hội, Bộ Công thương đã ban hành Kế hoạch hành động, đã loại khỏi quy hoạch 8 dự án thủy điện bậc thang, 472 dự án thủy điện nhỏ và 213 vị trí tiềm năng thủy điện, đây là các dự án có chiếm nhiều diện tích đất, ảnh hưởng lớn đến môi trường - xã hội hoặc hiệu quả kinh tế thấp.

Đồng thời, chưa xem xét, nghiên cứu để bổ sung vào quy hoạch đối với các dự án thủy điện có quy mô công suất nhỏ. Vì vậy, việc Bộ Công thương không xem xét bổ sung bất cứ dự án thủy điện nào có chiếm diện tích đất rừng tự nhiên là hành động thiết thực. 

Thủ phạm gây thảm họa ở miền Trung
Mưa lớn cả về lượng, cường độ và thời gian vượt mọi dự kiến làm lũ dâng cao, đất đồi bị sạt lở. Ảnh: Phan Vĩnh

Cần tăng cường khả năng thoát lũ cho các vùng dân cư ven biển miền Trung. Từng bước nâng cao khả năng chống lũ của các hệ thống đê sông. Chủ động phòng, tránh lũ và thích nghi để bảo vệ dân cư ở các lưu vực sông; đảm bảo sản xuất vụ Hè Thu và Đông Xuân với tần suất đảm bảo 5-10% (tương đương các trận lũ xuất hiện 10-20 năm/lần).

Củng cố đê các sông Mã, Chu, Cả và La để chống được lũ 1% từ sau năm 2020; củng cố các đê sông khác từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế để chống lũ Hè Thu và lũ muộn, chủ động phòng tránh và thích nghi với lũ chính vụ; ngăn lũ sớm và tiêu thoát lũ cuối vụ đảm bảo sản xuất vụ Đông Xuân và Hè Thu với mức đảm bảo 5-10% cho khu vực Nam Trung Bộ.

Nghiên cứu, thực hiện các giải pháp ổn định lòng dẫn, chỉnh trị sông, chống bồi lắng cửa các sông Thu Bồn, Ba, Lại Giang, Trà Khúc, Trà Câu, Bàn Thạch và Cái Nha Trang.

Củng cố, nâng cao khả năng chống lũ tại các lưu vực sông lớn ở Bắc Trung bộ với mức bảo đảm chống lũ sau năm 2020 là < 1% đối với sông Hương, sông Cả và < 7% đối với sông Hương; chủ động phòng, tránh và thích nghi với lũ để bảo vệ dân cư ở các lưu vực sông thuộc duyên hải Nam Trung bộ, Tây Nguyên, Đông Nam bộ, đảm bảo sản xuất vụ Hè Thu, Đông Xuân với tần suất lũ 5% đến 10%; 

Đối với khu vực Nam Trung bộ: Điều tiết hiệu quả các hồ chứa nước để cấp nước cho vùng hạ du; vận hành hợp lý hệ thống hồ chứa trên lưu vực sông đảm bảo an toàn công trình và hạ du, phục vụ sinh hoạt, sản xuất, phòng chống thiên tai. Chủ động phòng, tránh và thích nghi với lũ chính vụ; ngăn lũ sớm, lũ muộn phục vụ sản xuất vụ Đông Xuân và vụ Hè Thu; cải tạo, tăng khả năng thoát nước của các trục tiêu, nghiên cứu giải pháp khắc phục bồi lấp cửa sông, cửa biển để tiêu thoát lũ. 

Thiết lập bản đồ 1:25000 phân hạng các nguy cơ lũ lụt, động đất, sạt lở, cháy rừng ở những vùng trọng điểm rồi thông báo cho các huyện địa phương để nắm rõ.

Tùy theo mức độ nguy cơ dự báo, huyện cần lập kho dự trữ nhu yếu phẩm, tối thiểu là mì gói, nước uống, cùng phèn chua để làm lắng nước đục và các viên thuốc khử trùng nước. Người dân vùng bị thiên tai có thể xử lý các nguồn nước sẵn có xung quanh mà uống.

Khi không có chiến sự thì quân đội làm cứu hộ là rất tốt, trong quân đội nên có bộ phận chuyên nghiệp về cứu hộ phối hợp với lực lượng cứu hộ của bên dân sự. Sức mạnh tàn phá của thiên nhiên rất khủng khiếp, sức con người rất nhỏ bé, chỉ giảm nhẹ, chủ động phòng tránh thiên tai, chứ không thể chống thiên tai nhất là ở miền Trung. 

Cần thiết lập hướng dẫn ứng phó và tổ chức tuyên truyền cho các đơn vị, công ty có liên quan. Mỗi dự án thủy điện, thủy nông, thủy công, xây dựng vùng rừng núi... có liên quan cần lập ra quy trình ứng phó sự cố, định rõ ai làm việc gì, mỗi người báo cáo với ai và điều động những ai, số lượng và loại trang thiết bị, thực phẩm, nước uống... cần chuẩn bị đầy đủ, các công tác ứng phó như sơ tán tùy theo mức độ (như dự báo lượng mưa, cấp gió...). 

Để chủ động phòng tránh thiên tai một cách hiệu quả, Nhà nước và các ngành, các chính quyền địa phương cần xây dựng kế hoạch hành động thống nhất dựa trên cơ sở tầm nhìn chung: ”Quản lý thiên tai hiệu quả, sử dụng tài nguyên khôn ngoan, ứng phó với biến đổi khí hậu - nước biển dâng một cách mềm dẻo, vì một nền kinh tế ổn định và thịnh vượng, môi trường đa dạng và bền vững".

Tô Văn Trường

'ĐIỆN-NƯỚC' VÀ ĐIỆN MẶT TRỜI

TRẦN TỊNH HIỀN/ BVN 24-10-2020

Trước đây Điện-Nước (Thuỷ Điện) và Điện Mặt Trời được xem là “năng lượng sạch” hay xanh, thân thiện với môi trường...

Nhớ lại thời kỳ cả nước tập trung xây dựng đập Thuỷ điện Trị An rồi Hoà Bình, và đường dây 500 KV... giúp thoát cảnh cắt điện tuần 3 lần. Hiện nay theo thống kê đã công bố thì trên lãnh thổ Việt Nam có đến 385 công trình thủy điện lớn nhỏ đang vận hành rải rác trên khắp các tỉnh - theo trang web của Tập đoàn Điện lực Việt Nam trong đó có 12 nhà máy thuỷ điện lớn nhất, gồm Miền Bắc với Sông Đà: từ thượng nguồn có các nhà máy phát Lai Châu (1.200MW), Sơn La (2.400MW), Huội Quảng (520MW), Hoà Bình (1.920MW); Sông Gấm: Na Hang – Tuyên Quang (342 MW); Sông Chảy: Thác Bà (108MW); Sông Mã: Trung Sơn (260 MW).

Miền Trung - Tây Nguyên thì có Sông Sê San: Yaly (720 MW), Sông Ba: Ba Hạ (220MW); Sông La Ngà: Hàm Thuận - Đa Mi (320MW).

Miền Nam thì có: Sông Đồng Nai: Trị An (400MW); Sông Bé: Thác Mơ (150MW)...

Nhưng rồi mặt trái của thuỷ điện đã bộc lộ. Ngoài việc ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên còn bị tác động của con người như ở Việt Nam. Một loạt các câu hỏi được đặt ra “Làm thuỷ điện để trục lợi từ rừng?”.

Có nhóm lợi ích hay không? Xin trích dẫn ý kiến của ông Trần Quốc Thành, Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Nghệ An: “... Thủy điện “cóc” là dạng dự án thủy điện có công suất nhỏ. Dạng dự án này được nhiều doanh nghiệp lao vào làm vì thu hồi vốn nhanh, lợi nhuận lớn”.

“Người ta xây thủy điện với lý do điều tiết lũ, nhưng thật ra không phải như vậy. Họ kiếm lợi từ cây rừng bị chặt phá là chính, rồi sau đó có thể là năng lượng điện và nhiều nguồn tài nguyên khác. Nhưng vô hình chung, khi họ phá rừng thì cũng tước mất lá chắn hữu hiệu của thiên nhiên để điều tiết các dòng chảy của nước...” - Theo ông Thành, bình quân các nhà máy thủy điện cóc 1MW tiêu tốn khoảng 10 ha rừng đầu nguồn.

Ví dụ dự án Rào Trăng 4 công suất 14 MW tốn 168 ha rừng vùng Khu bảo tồn thiên nhiên huyện Phong Điền (Thừa Thiên-Huế) và đầu tư hết từ 290 đến 500 tỷ đồng!

“Sao cứ phải nhăm nhe lên rừng? Hay ngoài xả nước hái tiền thì còn có thứ đằng sau dự án là tận dụng gỗ rừng? Riêng tỉnh Thừa Thiên Huế còn có 11 dự án thủy điện cóc tổng công suất chỉ 105 MW!” – một ý kiến khác đặt vấn đề.

Ông Ngô Trí Long, cựu Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thị trường Giá cả (Bộ Tài chính) khẳng định, trong các dự án về đầu tư, thì bỏ vốn vào thủy điện là hiệu quả nhất. Tổng mức phí ban đầu tuy rất cao, song lợi nhuận lớn.

Theo ông Long, lượng điện sản xuất ra bao nhiêu đều được bán hết, không chỉ phục vụ chỉ riêng trong nước mà nhu cầu xuất khẩu điện sang các nước khác cao, thời gian vận hành lâu dài nên dẫn đến tình trạng “người người, nhà nhà” đua nhau tìm kiếm cơ hội phá rừng đầu tư thủy điện...

Cũng theo vị chuyên gia nói trên, khi hạ bút đồng ý phê duyệt công trình thủy điện, đồng nghĩa với việc chấp nhận chặt cây, phá rừng với diện tích lớn. Và khoản lợi từ khai thác gỗ cũng là một trong những nguyên nhân khiến các nhà đầu tư hứng thú đầu tư thuỷ điện trên rừng.

“Việc cấp phép cho các dự án thủy điện khó, phức tạp vì ảnh hưởng, tác động đến môi trường lâu dài và nghiêm trọng. Nhưng trên thực tế vẫn có hàng chục, hàng trăm công trình được cấp phép xây dựng? Có hay không việc tồn tại các ‘nhóm lợi ích’ trong việc bất chấp để phê duyệt hàng loạt dự án thủy điện cóc này?” – ông Ngô Trí Long nêu ‘câu hỏi tu từ’.

Hậu quả bây giờ đang xảy ra trước mắt! Khi nguồn thủy điện lớn đã khai thác hết, các thủy điện nhỏ không đảm bảo lợi ích mang lại so với thiệt hại môi trường gây ra người ta lại chuyển qua “Điện Mặt Trời”. Đây là nhóm công nghiệp năng lượng mới được phát triển gần đây do tính chất được cho là “xanh-sạch” của nó.

Việt Nam có tiềm năng lớn về năng lượng mặt trời và gió, do ở gần xích đạo và tồn tại những vùng khô nắng nhiều như các tỉnh nam Trung bộ như Ninh Thuận - Bình Thuận, nên điện mặt trời cùng với điện gió đang được Việt Nam khuyến khích phát triển.

Sử dụng điện mặt trời có các lợi điểm sau: Điện mặt trời là nguồn năng lượng thân thiện với môi trường, nghĩa là sản xuất ra điện không sử dụng trang bị hay tạo ra những tác động tai hại đến môi trường như năng lượng cổ điển.

Về lâu dài tiết kiệm được kinh phí: tuy rằng kinh phí lắp đặt ban đầu khá cao, nhưng về lâu dài sau khu thu hồi được vốn thì sẽ thu được lãi. Điện mặt trời an toàn khi sử dụng trong lẫn ngoài nhà. Hệ thống điện mặt trời không gây tiếng ồn. Hệ thống điện mặt trời có thể sử dụng di động được. Hệ thống điện mặt trời dễ lắp đặt và cũng không cần bảo dưỡng nhiều.

Nói nghe ngon lành là vậy, nhưng thực ra Điện Mặt Trời không phải là “xanh” hoàn toàn vì những lý do sau:

Một, những thiết bị sản xuất điện mặt trời nhất là các tấm pin mặt trời được tạo ra với khoáng chất như silicon và lithium. Đây là những khoáng chất phải khai thác từ mỏ!

Ngoài ra cadmium, đồng, nickel cũng từ khai thác từ các mỏ để tạo ra các tấm pin sản xuất ra điện từ ánh nắng mặt trời. Người ta cũng biết rằng để tạo ra “năng lượng sạch” như điện mặt trời và điện gió, phải sử dụng nguyên liệu “đồng” 5 lần nhiều hơn trong các thiết bị điện thông thường!

Hai, khi nói đến hoạt động khai thác mỏ thì các tác động đến môi trường sẽ như khai thác than đá: làm ô nhiễm nguồn nước, tạo ra rác thải cần xử lý thích hợp – mà hiện nay vấn đề chất thải từ khai thác mỏ vẫn chưa được giải quyết tốt sự ô nhiễm môi trường khiến dân cư ở trong vùng liên quan phải di dời...

Ba, ngoài ra cách xử lý chất thải khi chế tạo trang bị với silicon, lithium, cadmium, đồng, đều là những chất có tác động xấu đến môi trường. Khi các tấm pin này hết thời gian sử dụng rồi xử lý làm sao? Những chất như silicon, lithium... rồi cũng sẽ cạn kiệt khi việc sử dụng điện mặt trời gia tăng.

Bốn, kinh phí lắp đặt ban đầu có thể khá cao: hiện nay ở Hoa Kỳ giá tiền lắp đặt hệ thống điện mặt trời để sử dụng trong 1 hộ gia đình có thể từ 10,000 đến 30,000 USD.

Năm, điện mặt trời phụ thuộc vào thời tiết, địa hình... Các tấm pin mặt trời sẽ chiếm không gian nhiều khi rất cần thiết cho cuộc sống, nhất là trong đô thị. Việc thiết lập những nhà máy điện mặt trời sẽ tạo ra nhưng tranh chấp về đất đai như chúng ta đã thấy. Những thiết bị điện mặt trời sẽ biến đổi cảnh quang nhiều khi cần thiết cho cuộc sống tinh thần như bảo tồn quang cảnh tự nhiên...

Năng lượng sạch đang là một trong những mục tiêu của nhóm gọi là “cánh tả” trên khắp thế giới.

Ở Mỹ thì có nhóm Alexandia Ocasio Cortez (AOC) ở Hạ Viện Mỹ với mục tiêu tham vọng là 100% nước Mỹ sử dụng năng lượng sạch vào năm 2035, hay cô bé Greta Thunberg luôn kêu gọi “các nhà lãnh đạo toàn thế giới giải quyết biến đổi khí hậu và sử dụng năng lượng sạch...”.

Nhưng cuộc sống không đơn giản! Cho rằng biến đổi khí hậu là nguy cơ cấp bách nhất trên trái đất, nhưng đó không phải là nguy cơ duy nhất! Ô nhiễm môi trường, đại dịch, đói nghèo, khủng hoảng lương thực, phát triển tràn lan vũ khí nguyên tử, những xung đột kéo dài... đều là những vấn đề nguy cấp và có liên quan với nhau!

Tôi vẫn thấy thấm thía câu nói: “Giải quyết vấn đề không thể dùng những phương cách có tác dụng tệ hại hơn chính vấn đề đó!” - The cure cannot be worse than the problem itself...

T.T.H.

VNTB gửi BVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét