Thứ Ba, 27 tháng 10, 2020

20201028. GÓP Ý KIẾN ĐẠI HỘI XIII ĐCSVN (2)

 ĐIỂM BÁO MẠNG

THƯ NGỎ THỨ BA GỞI CÁC ĐẠI BIỂU ĐH XIII CỦA ĐẢNG CỘNG SẢN  VIỆT NAM
NGUYỄN KHẮC MAI/ TD 26-10-2020


Thư này viết sau khi Đảng đã cho công bố văn kiện Đại hội để lấy ý kiến đóng góp của Nhân Dân. Tôi nghĩ để xin ý kiến đóng góp thì phải phép hơn. Sau đây là một số ý kiến của tôi.

Có lẽ trong một thư tôi chỉ chọn một số ý, có thể thư sau tôi sẽ trình bày vấn đề khác. Một vài bạn của tôi từng làm quan trong “Nhà Đỏ” bảo, ông lẩm cẩm rồi, họ có nghe đâu mà nêu ý kiến.

Quả thật có như vậy, có một vị liền chị của tôi, chức sắc to vai vế lớn, cũng từng là công thần chế độ, đã nói với tôi, thật nản, thật buồn, nói với họ như không, thà nói với đầu gối mình còn hơn!

Tôi nghĩ điều này tựa như mình thả một ít năng lượng vào không gian, đến một lúc nào đó sẽ có tác dụng. Tự dưng tôi nhớ đến Lỗ Tấn, ông từng nói: Trên địa cầu vốn không có đường, con người đi mãi thành đường. Niềm hy vọng cũng thế. Đừng tắt hy vọng.

I.- Bàn một chút về nguyên lý “Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”. Nghĩa là âm thanh đồng tần số thì ứng với nhau. Trong âm nhạc người ta chế ra một dụng cụ bằng đồng hình chữ U có đế, hễ khi bấm nốt xôn thì dụng cụ kia cũng ứng và ngân vang lên âm thanh tương đồng, giống nhau, dùng để kiểm tra âm sắc có chuẩn không.

Trong xã hội và Đất nước ta hiện nay giữa Đảng (thật ra là ban lãnh đạo đảng) và Nhân dân cùng xã hội còn nhiều điều chưa gặp nhau, đồng thanh và đồng khí đang có vấn đề nhiều khi rất vênh nhau. Vậy thì vấn đề là ai nên nghe ai? Theo thể chế quân quyền phong kiến thời xưa thì Dân phải nghe Vua. Bây giờ thời đại dân chủ thì phải làm ngược lại, công bộc hay đầy tớ công là Đảng, Bộ máy Nhà nước phải nghe lệnh của Dân. Có trên nguyên lý pháp quyền và đạo đức này thì việc lắng nghe ý kiến của nhau mới có ý nghĩa tử tế. Nếu không, cũng chỉ là lừa mị mà thôi.

Đảng tự mình đề ra đường lối, thảo văn kiện xong xuôi, tiến hành đại hội các cấp, rồi mới bày ra việc lấy ý kiến của Dân. Chữ “lấy”, nghe đã không xuôi. Đằng này là việc Dân việc Nước, tự ý mình thảo văn kiện, sắp vào ĐH toàn quốc mới đi lấy ý kiến Dân, phỏng có hình thức và chớt chát không? Liệu có nên lùi ĐH lại không?

Lùi chỉ tốt không xấu. Nó đúng nguyên lý dịch học của tổ tiên: Nguyên – Hanh-Lợi –Trinh. Nghĩa là cái Nguyên sự khởi đầu cho tốt, cho tử tế, chuẩn bị đến nơi đến chốn, Hanh là sẽ hanh thông, trôi chảy, Lợi là cái đại lợi sẽ đạt, Trinh là sự vững vàng chắc chắn đạt được ở cuối quá trình. Không đi đâu mà vội. Như tôi, tôi sẽ đề nghị dành cả năm 21 để chuẩn bị lại ĐH, thực hiện hai cuộc trưng cầu, một cho Toàn Đảng, một cho Toàn Dân về Chủ thuyết của đảng, thể chế chính trị, thiết chế Nhà nước, thể chế kinh tế, thiết chế dân chủ của xã hội…

Đại hội này nên là một cuộc Đại Diễn Biến, theo cách nói của Mác, nó tựa như con sư tử co mình lại để chồm lên. Đây phải là một cuộc Đại Phục Hưng Dân tộc Việt trong thế kỷ XXI. Làm sao để có một nhân cách mới của con người và của Dân tộc, Văn hiến, Tự chủ, Tự cường, Hòa đồng, Yêu thương, Trách nhiệm và Hạnh phúc.

Vậy thì vấn đề là, không phải đảng sẽ cấp cho Dân, cho Xã hội một đôi giày cũ, chật, lỗi mốt và yêu cầu Dân phải gọt chân cho vừa giày. Cái chính là Đảng phải tự mình là một đôi giày vừa sang trọng, đúng mốt lại vừa chân cho dân đi.

ĐH XIII có thể hiện được ý Dân, khát vọng của Dân tộc hay không, là vấn đề phải suy nghĩ, phải bàn. Có ra nhẽ thì may ra mới có một Đại Hội của Văn minh, Dân chủ, Công bằng, Dân giàu, Nước mạnh.

II.- Các vị Đại biểu có biết tìm đọc ý kiến của xã hội hay chỉ lắng nghe tiếng nói tự lừa dối của chính mình (Ý của Các Mác, Tổ sư của Đảng) *

Sau khi công bố văn kiện ĐH XIII, ít nhất đã có ba văn bản cũng công khai góp ý với ĐH. Một là, Kiến Nghị 5 Điểm của Nguyễn Trung, một nhà trí thức có uy tín, có tâm huyết và tầm nhìn sâu rộng, từng làm trợ lý cho Thủ tướng Võ văn Kiệt, làm Đại sứ ở nhiều nước. Nguyễn Trung kiến nghị:

a/ Xử lý vụ án Đồng Tâm, có đạo lý, luật pháp. Đây là bản án chế độ, nó đặt ra cả vấn đề chính danh, chính nghĩa của Đảng và Nhà nước hiện nay.

b/ Vấn đề luật hóa hoạt động của Đảng. Đây là vấn đề nghiêm trọng, nó thử thách bản chất cái gọi là Nhà nước pháp quyền, XHCN. Tất cả các thiết chế dân sự hay công quyền ở nước ta đều vận hành với Hiến định và Luật định. Chỉ duy có đảng là đang hoạt động phi luật. Tính chính danh và chính thống của ĐH XIII cũng đang bị thách thức, cải cách Quốc hội, tăng chuyên trách, gọn nhẹ, chất lượng, bãi bỏ thực trạng Quốc hội là công cụ của Đảng, (Chủ tịch Quốc hội công khai thừa nhận Bộ Chính trị là cấp trên của QH.

c/ Cải cách thể chế chính trị, mở rộng dân chủ hóa chính trị xã hội…

d/ Chấn hưng văn hóa, cải cách giáo dục để có con người tự do, tự chủ, tự cường.

Hai là, Tuyên bố của CLB Lê Hiếu Đằng ở Sài gòn (TP Hồ chí Minh), đề cập một số vấn đề, lên án vụ đàn áp Đồng Tâm, từ đó cần cải cách luật đất đai, và cải cách tư pháp, thực hiện “Thoát Trung”, tu chính Hiến pháp theo hướng dân chủ tự do, đổi tên Đảng.

Ba là, Thư góp ý với lãnh đạo Đảng và Nhà nước nhân ĐH XIII của nhóm Nhân sĩ Trí thức ở TP Hồ chí Minh, phê phán sự vi phạm điều lệ đảng ngay trong ĐH XIII này, đàn áp những người yêu nước dám có ý kiên phê bình đảng và nhà nước…

Tôi cho rằng, các Đại biểu thật sự vì Đảng, vì Dân, vì Nước, hãy tìm đọc, nghiên cứu, và đưa vào bàn luận, lấy biểu quyết ở đại hội. Điều đó chỉ làm sang cho ĐH, và trong mắt của người dân sẽ thấy ĐH không còn là những kẻ ù lì thụ động, thiếu nhân cách làm chủ, “chỉ là con rối trong tay bọn tham vọng mới”! (Tôi dùng lại chữ của chính Các Mác khi tiên đoán về những nhà nước kiểu mới sau khi giai cấp vô sản cướp được chính quyền). **

Thay đổi Đảng cả về lý thuyết (học thuyết), đường lối, chính sách, phương thức tổ chức bộ máy, nhân sự, bãi bỏ những luật như đất đai phi nhân tính phi nhân tính lại là đầu mối làm sa đọa đảng v.v…, từ bỏ thể chế công an trị như hiện nay. Xây dựng một Quốc hội mới, tinh gọn, hiệu lực, đủ sức điều tiết, giám sát mọi lực lượng chính trị kể cả đảng, canh tân văn hóa giáo dục để có con người Việt Nam tự chủ tự cường; thay đổi tư duy và chính sách đối ngoai phù hợp với tiến trình của dân tộc và thời đại… đang là những vấn nạn lớn của đất nước.

Không còn là Đổi Mới, mà phải là cuộc Đại Chấn Hưng Dân Tộc và Đất Nước. Đảng đáp ứng những đòi hỏi này, thì lịch sử sẽ ghi tên Đảng như là một lực lượng tiến bộ, nhân văn, thật lòng Vì Dân, Vì Nước. Còn không sẽ là ô nhục muôn đời. Liệu các Anh Chị có vươn nhanh lên với tầm Phù Đổng như mách bảo của tổ tiên, để có công với non sông, Tổ quốc, hay vẫn chỉ là những thành viên của những nhóm lợi ích khác nhau, mà Các Mác thì gọi tên là bọn tham vọng mới?

III.- Bàn về “Đột phá”: Văn kiện lần này có chỗ đáng chú ý là cái đột phá. Thành ủy Sài Gòn từng chọn đến năm sáu cái đột phá. ĐH này cũng đưa ra ba đột phá, một là thể chế, hai là hạ tầng giao thông, có chỗ lại gọi là hạ tầng kinh tế (lưu ý là hạ tầng giao thông và kinh tế là hai phạm trù khác nhau), ba là nguồn nhân lực.

Khái niệm đột phá ở Việt nam là khái niệm thực dụng, nó xuất phát từ quân sự. Nó có rất ít hàm nghĩa lý thuyết, vì thế nó được dùng một cách cảm tính, do đó tính chính xác, khoa học rất kém. Bàn về đột phá phải tìm học lý thuyết Break through – Thinking; Tư duy Đột phá do hai giáo sư Shozo Pibino, Nhật Bản và Gerald Nadler, Hoa Kỳ đề xưóng. Nó có hệ thống gồm 3 nguyên lý nền tảng, trong đó có Tính duy nhất, có 4 giai đoạn đột phá và 3 quy trình giai đoạn. Bàn về đột phá mà không biết tính duy nhất thì tư duy, sách lược… sẽ trở thành gai mít, cái gì cũng mũi nhọn, cái gì cũng đột phá!

Trong ba vấn đề cấp bách nổi cộm là thể chế, hạ tầng, nhân lực, chỉ có vấn đề thể chế đáng là vấn đề đột phá. Đúng, nó là đầu mối để có hạ tầng, nguồn nhân lực đúng nghĩa. Nếu không giải quyết thể chế thì hạ tầng có thể méo mó, nhân lực biến dạng, như hiện trạng chỉ rõ. Tuy nhiên, nếu chỉ đặt vấn đề tập trung thể chế kinh tế, thì tư duy lô gích và lành mạnh có vấn đề. Hoặc như Lênin nói là dốt, như thực tiễn Việt Nam là thiển cận, thấy cây không thấy rừng. Nếu chỉ giải quyết thể chế kinh tế thì vẫn luôn tồn tại một cửa ngõ cho sự biến dạng méo mó, cho sự lũng đoạn tinh vi gian xảo sẽ xảy ra. Nó tựa như câu chuyện ngụ ngôn, mở cái nút bình Pandora, thì chỉ thấy ma quỷ xuất hiện.

Nếu định nói đến đột phá, thì ĐH XIII chỉ có một lựa chọn duy nhất là vấn đề thể chế mà trọng tâm là thể chế chính trị. Cái duy nhất để đột phá là Lập Quyền Dân, Đảng hãy trả lại quyền cho Dân. Nếu thật sự có dân chủ thì Dân sẽ là chủ, như Hồ Chí Minh từng nhận ra mà không sao làm được: “Nước ta là nước Dân chủ, Vì Dân là chủ”. Khi đó, ta sẽ có một thượng tầng văn minh tiến bộ, nhân văn và dân tộc.

Ta sẽ có nền kinh tế “Dân doanh là chủ đạo”. Dân sẽ sáng tạo ra thị trường văn minh đúng nghĩa, Dân sẽ kết cấu lại cơ cấu kinh tế hợp lý hiện đại, sẽ tự mình tìm cách giải những bài toán hóc búa nhất cho một nền văn hóa mới của Việt Nam, một nhân cách dân tộc và của từng người Việt Nam thật sự rũ bùn đứng dậy chói lòa. Khi ấy Minh triết, Quang hay Tỏ, Phúc cùng Ngân, Dũng và Trí… sẽ là tố chất đông đảo của con người, chứ không chỉ là tên của vài người. Tôi khuyên các anh chị nên suy nghĩ thấu đáo.

Như phần trên tôi đã thưa, ĐH này của Đảng, sẽ phải là ĐH của một nhận thức về cuộc Đại Chấn Hưng của Dân tộc Việt Nam để nó tìm kiếm một nhân cách mới trong không gian – thời gian hiện đại. Đảng có còn là lực lượng tiên phong của dân tộc trong thời đại mới này không? Voila’ la question. Đó mớí là vấn đề!

Thế kỷ XVIII, một số giáo sĩ đã nhận xét tính hời hợt cùa người Đàng ngoài. Cụ Các Mác cũng từng nhắc một câu la tinh “cacatum non es pictum” (Bôi bác không phải là bức tranh). Dứt khoát lần này chúng ta không được bôi bác.

VÀI Ý KIẾN NHÂN ĐẠI HỘI XIII

NGUYỄN ĐÌNH CỐNG / TD 27-10-2020


Một gia đình, cha mẹ đang bị bệnh nặng mà con cái chỉ lo kiếm tiền để ăn chơi, để hãnh diện với bạn bè, để thỏa mãn thói sĩ diện và kiêu ngạo, thì gia đình đó quá vô phúc, những đứa con quá bất hiếu.

Nước Việt Nam vào những năm trước 1986, vì đường lối quá sai lầm mà rơi vào thảm cành kiệt quệ. Lúc đó phải sửa sai, không thì chết. Cho nên phải tập trung nguồn lực để phát triển kinh tế bằng mọi giá. Đó là quyết sách đúng.

Nhưng rồi sự phát triển quá nóng vội, một mặt cải thiện được đời sống người dân, mặt khác đã đẩy đất nước vào con đường của tư bản hoang dã. Một số người giàu có lên rất nhanh trong khi rất nhiều thứ quý giá như môi trường, đạo đức, văn hóa giáo dục v.v … bị hủy hoại hoặc xuống cấp. Rồi sự thao túng của Trung Cộng ngày càng trầm trọng. Đó đang là những bệnh nặng của đất nước.

Khi lãnh đạo không quan tâm đúng mức đến bệnh nặng mà lại quá chú trọng đến phát triển kinh tế thì khác nào gia đình vô phúc có con bất hiếu như viết ở trên. Người ta chỉ nhằm vào đến năn 2025, 2030, 2045 kinh tế sẽ như thế nào, mà rất ít quan tâm đến TỰ DO và HẠNH PHÚC của con người. Đời sống của con người đâu chỉ có kinh tế, mà còn cần nhiều thứ quý giá hơn, trước hết phải là sự lương thiện. Chế độ lương thiện, con người lương thiện.

Vì vậy tôi nghĩ rằng Đại hội 13 của ĐCSVN đề lên hàng đầu việc phát triển kinh tế là một sự chệch hướng. Đành rằng người ta viết “Phát triển nhanh và bền vững”, nhưng thực tế chỉ ra sự trái ngược. Môi trường bị hủy hoại nghiêm trọng, nợ nần chồng chất, sự lệ thuộc vào Trung Cộng quá nặng nề.

Môi trường bao gồm phần vật chất và tinh thần. Mọi người thấy quá rõ và tương đối thống nhất về sự hủy hoại của môi trường vật chất. Riêng môi trường tinh thần thì lề đảng và lề dân có những đánh giá khác nhau.

Lề đảng cho rằng, dân vẫn tin tưởng vào lãnh đạo. Các mặt đạo đức, văn hóa, giáo dục tuy còn vài nhược điểm nhưng cơ bản là tốt đẹp. Chính trị và xã hội vẫn ổn định vững bền. Lề đảng quá quan tâm đến triệt hạ “thế lực thù địch” và “tự diễn biến, tự chuyển hóa”.

Lề dân nhận xét ngược lại. Đại đa số dân chịu im lặng để yên ổn sống và làm ăn, nhưng trong lòng đã mất niềm tin. Đạo đức và giáo dục xuống cấp nghiêm trọng. Thói giả dối, tham nhũng, vô cảm tràn lan. Sự đàn áp dân oan và những người bất đồng quan điểm càng ngày càng mạnh. Ổn định chính trị dựa vào đàn áp và tuyên truyền một chiều, ổn định xã hội chủ yếu dựa vào dối trá, vô cảm. Sự ổn định như vậy chỉ là tạm thời và mong manh.

Việc phát triển kinh tế là cần, nhưng nên đặt xuống hàng thứ hai và trong nền kinh tế thị trường thì do các cơ sở dân doanh làm là chủ yếu. Lãnh đạo nhà nước nên tập trung vào việc chữa ba bệnh nặng của đất nước: Đó là thể chế, môi trường và thoát Trung.

Về thể chế: Người ta nói nhiều đến quyền dân, đến dân chủ, nhưng đó chỉ là nói suông, ngụy biện. Khi mà vẫn kiên trì Mác Lê, vẫn chủ trương toàn trị của đảng thì hầu như không thể có được nền dân chủ thật sự. Hãy bắt đầu bằng việc tổ chức được một Quốc hội đại diện cho trí tuệ toàn dân. Từ đó mới có được những cải cách cần thiết. Năm 2021 có bầu Quốc hội. Hãy làm sao để có được đột phá trong cuộc này.

Về môi trường vật chất: Phải tập trung sức lực để khôi phục đất, rừng, sông hồ bị hủy hoại, xử lý triệt để các nguồn rác thải và ô nhiễm.

Về môi trường tinh thần: Một mặt cần loại bỏ mê tín, dị đoan, mặt khác phải đề cao các hoạt động tôn giáo chân chính, nhằm nâng cao đạo đức và đức tin vào Thượng đế. Khi đạo đức và đức tin được nâng lên thì các thói hư tật xấu sẽ giảm bớt. Cần có các hoạt động mạnh mẽ và phối hợp để loại bỏ dối trá ra khỏi đời sống chính trị và xã hội. Việc cải cách giáo dục mấy năm qua chủ yếu thất bại vì được giao cho những người không xứng đáng.

Về thoát Trung: Một trong những nguyên nhân cơ bản làm cho xã hội Việt Nam lâm vào nhiều tai họa như hiện nay là sự can thiệp quá mạnh, quá sâu của Trung Cộng. Dưới chiêu bài cùng ý thức hệ họ có giúp chúng ta trong chiến tranh và xây dựng, nhưng giúp một mà phá ba, họ dạy cho lãnh đạo chúng ta những thủ đoạn làm ngu dân và đàn áp dân, họ dùng những thủ đoạn nham hiểm, buộc thòng lọng vào cổ lãnh đạo Việt Nam để phải thần phục họ. Với Trung Quốc, một mặt chúng ta cần giữ các quan hệ bình đẳng về kinh tế, văn hóa với nhân dân trên cơ sở hai bên cùng có lợi, mặt khác phải thoát ra được những âm mưu đen tối, độc hại của lãnh đạo Trung Cộng.

Báo cáo chính trị của ĐH 13 có các mục kiểm điểm tình hình và đề ra nhiệm vụ. Mục kiểm điểm chỉ mới viết ra được một phần sự thật và chủ yếu để ca ngợi và tuyên truyền. Còn khá nhiều sự thật bị ẩn giấu. Theo tôi, trong các phần bị ẩn giấu đó lại có nhiều điều thuộc bản chất. Không thấy rõ những ẩn giấu đó thì rất dễ phạm sai lầm trong việc vạch đường lối. Trong các nhiệm vụ thì phần nhiều là những việc đương nhiên, không viết ra thì những ai quan tâm đều biết rõ.

Vẫn biết rằng những điều trên đây sẽ bị đa số lãnh đạo vứt sọt rác, nhưng hy vọng lọt được vào mắt những người có lương tri. Vì vậy, tôi không đóng góp cho ai cả mà chỉ nêu ra vài ý kiến, mong được mọi người biết đến.

LẠI BÀN VỀ KINH NGHIỆM

NGUYỄN ĐÌNH CỐNG/ TD 28-10-2020

Viết “Lại bàn về…” vì ngày 12/8/2020, tôi đã công bố bài “Kinh nghiệm của ĐCSVN”. Bài đó chỉ ra những ngụy biện, những nhầm lẫn của Hội đồng lý luận trung ương. Bài này tiếp tục phân tích một số kinh nghiệm trong các báo cáo chính trị ở các ĐH Đảng.

Xin nhắc lại định nghĩa của Từ Điển Tiếng Viêt : “Kinh nghiệm là điều hiểu biết có được do tiếp xúc với thực tế, do từng trải”.

Một việc nào đó, trước đây người T làm theo cách A thấy hiệu quả thấp, kết quả chưa tốt, nay người đó tự nghĩ ra cách làm khác đi, theo cách B, có được hiệu quả cao hơn, kết quả tốt hơn. Vậy cách B ban đầu là kinh nghiệm của người T. Người này có thể giữ kín hoặc đem phổ biến.

Khi người T tìm được cách B trong tài liệu, nghe người khác mách bảo hoặc mới nghĩ đến mà chưa làm có kết quả thì cách B đó không phải là kinh nghiệm của T.

Bản chất của kinh nghiệm là trước đây chưa biết, tự nghĩ ra và sau khi làm mới biết.

Cách làm B, ban đầu là kinh nghiệm, nhưng khí nó được phổ biến rộng rãi thì mất dần tính chất kinh nghiệm mà trở thành kiến thức phổ thông. Mọi kiến thức, mọi cách làm, khi đã trở thành nguyên lý và phổ biến rộng rãi thì không còn là kinh nghiệm nữa. Đem một điều thuộc nguyên lý biến thành kinh nghiệm của mình hoặc của ai đó là một việc làm tráo trở, dối trá.

Điều lệ đảng ghi rõ việc xây dựng đảng trong sạch, vững mạnh. Vậy việc này là nhiệm vụ, thuộc nguyên lý hay là kinh nghiệm. Ở đây cần phân biệt rõ hai khái niệm. 1- Kinh nghiệm là cần xây dựng đảng trong sạch, vững manh. 2- Về việc xây dựng đảng trong sạch vững mạnh thì kinh nghiệm là B, C, D…

Phải xây dựng đảng trong sạch, vững mạnh, đó là nhiệm vụ chứ không phải kinh nghiệm. Trong công việc này nếu quả thật có kinh nghiệm gì hay, thì phải viết rõ ra. Tôi xem các báo cáo ĐH 10, 11, 12, 13. Báo cáo nào cũng ghi 5 kinh nghiệm (phải chăng 5 kinh nghiệm là con số tiêu chuẩn, buộc phải có), trong đó báo cáo nào cũng có kinh nghiệm cần xây dựng đảng vững mạnh (không phải là kinh nghiệm về xây dựng đảng).

ĐH 10- Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng… Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.

ĐH 11- Đặc biệt chăm lo củng cố, xây dựng Đảng cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức…

ĐH12- Phải hết sức chú trọng công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh,

ĐH 13- Chú trọng đặc biệt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ.

Xin chép lại toàn văn kinh nghiệm 1 của báo cáo tại ĐH 13:

Một là, chú trọng đặc biệt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ; nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; thường xuyên củng cố, tăng cường đoàn kết trong Đảng và hệ thống chính trị; thực hiện nghiêm các nguyên tắc trong công tác xây dựng Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ. Xây dựng Nhà nước và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; hoàn thiện cơ chế kiểm soát chặt chẽ quyền lực; kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Công tác cán bộ phải thực sự là “then chốt của then chốt”, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; phát huy trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên theo phương châm chức vụ càng cao càng phải gương mẫu, nhất là Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Bí thư, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương.

Đọc vài lần đoạn trên tôi chẳng tìm thấy kinh nghiệm gì vì đó toàn là nhiệm vụ phải làm, được ghi trong điều lệ và nhiều nghị quyết. Nếu có việc nào chưa làm được tốt thì đó là do trách nhiệm và trình độ chứ không phải trước đây không biết, ai đó vừa nghĩ ra và làm được. Kinh nghiệm là việc đã làm được theo một cách mới chứ không phải là việc cần làm.

Xin nói rằng trong đoạn trên không phải điều nào cũng hay, cũng đúng. Thí dụ nguyên tắc tập trung dân chủ, chống “tự diễn biến…”, trách nhiệm nêu gương.

Về trách nhiệm nêu gương, ngày 6/11/2018 tôi đã công bố bài “Phản biện QĐ nêu gương”, vạch ra rằng đó là một QĐ tầm phào. Người ta, đặc biệt là người bề trên làm việc hay, việc tốt là xuất phát từ lương tâm và trách nhiệm. Họ không được phép làm sai, làm xấu. Thế rồi việc làm tốt của họ được người dưới học và làm theo. Đó là sự noi gương. Thế nhưng khi ai đó làm một việc với ý định nêu gương thì đã làm hỏng ý nghĩa tốt đẹp của việc đó . Làm tốt là từ lương tâm và trách nhiệm, còn làm để nêu gương là thủ đoạn tuyên truyền. Phải chăng là ngụy biện khi cho rằng phát huy trách nhiệm nêu gương là một kinh nghiệm.

Đọc hoặc nghe báo cáo chắc chẳng ai quan tâm đến các kinh nghiệm mà một phần nội dung “những điều được cho là kinh nghiệm” của báo cáo sau chép lại từ báo cáo trước, chỉ thay đổi cách trình bày. Tôi, vì quan tâm đến “Phương pháp luận” mà viết ra vài nhận xét với hy vọng góp phần vào nhận thức.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét