Thứ Bảy, 3 tháng 10, 2020

20201004. VỤ BT BÙI VĂN CƯỜNG BẮT NGƯỜI TỐ CÁO ĐỂ BỊT MIỆNG

  ĐIỂM BÁO MẠNG

CẬP NHẬT VỤ BÍ THƯ BÙI VĂN VĂN CƯỜNG, BẮT NGƯỜI TỐ CÁO ĐỂ BỊT MIỆNG

BTV TD/ TD 1-10-2020


Ông “vua” Đắk Lắk Bùi Văn Cường. Nguồn: VnEconomy

Hơn một tuần sau vụ võ sư – TS Phạm Đình Quý bị công an Đắk Lắk bắt cóc khi ăn tối cùng vợ ở quận 7, Sài Gòn, trường ĐH Tôn Đức Thắng lên tiếng về giảng viên bị bắt giữ, VietNamNet đưa tin. Ông Trần Trọng Đạo, người được giao nhiệm vụ quản lý, điều hành các hoạt động của trường này trong thời gian Hiệu trưởng Lê Vinh Danh bị đình chỉ, cho biết, sau khi thông tin vụ việc xuất hiện trên báo chí, gia đình ông Quý đã có đơn gửi tới trường.

Ông Đạo không nói rõ hồi đáp đơn của gia đình TS Quý của nhà trường, mà chỉ nói thêm, đến nay trường vẫn chưa nhận được thông báo chính thức từ công an tỉnh Đắk Lắk, nên nhà trường đã gửi văn bản tới cơ quan này chờ xác minh: “Chúng tôi đang chờ thông tin chính thức từ Công an tỉnh Đắk Lắk để thông tin chính thống cho giảng viên, sinh viên nhằm ổn tình hình nội bộ đồng thời sắp xếp giờ dạy của thầy Quý”.

Trong lúc công luận vẫn đang tập trung vào TS Quý, số phận của một con người khác cũng đang chịu nguy hiểm không kém, thậm chí bị bắt trước cả TS Quý, đó là TS Hoàng Minh Tuấn. Công an Đắk Lắk khởi tố bị can đối với ông Hoàng Minh Tuấn về hành vi vu khống, theo báo Người Lao Động. Ông Tuấn cũng là võ sư và là học trò của TS Quý, đã cùng thầy mình tố cáo hành vi đạo văn của Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Bùi Văn Cường. Đến nay, chỉ mới có báo Người Lao Động đưa tin về vụ ông Tuấn bị khởi tố.

Facebooker Nguyễn Hoài Nam phân tích vụ bắt giữ tiến sĩ Quý: Nếu Công an tỉnh Đắk Lắk khởi tố bị can tiến sĩ Phạm Đình Quý và Hoàng Minh Tuấn là thiếu cơ sở! Ông Nam chỉ ra: “Việc tố cáo Bí thư Cường đạo luận văn, chưa thấy có cơ quan nào khẳng định tố cáo không có cơ sở, hoặc tố cáo sai sự thật, bởi lẽ đây là công trình khoa học, cần phải có cơ quan chuyên môn vào cuộc và kết luận”.

“Theo tài liệu tố cáo Bí thư Cường sử dụng 07 tài liệu khoa học khác copy vào luận án của mình, những tài liệu này là của những nghiên cứu sinh đã bảo vệ những năm trước đó. Muốn biết có đạo hay không, phải có Hội đồng Khoa học nghiên cứu và kết luận mới đủ cơ sở khẳng định việc tố cáo sai sự thật”. Nhưng công an Đắk Lắk đã tự làm hết phần việc của hội đồng khoa học, VKSND và TAND cùng cấp.


“Luận án tiến sĩ” của Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Bùi Văn Cường và 
các tài liệu được cho là nguồn để ông Cường đạo văn. 
Ảnh: FB Nguyễn Hoài Nam

Nhà báo Đoàn Bảo Châu có bài: Lương tri của bạn đang thức, đang ngủ, đang đi chơi hay chết hẳn rồi? Ông Châu lưu ý, chi tiết luận văn của Bí thư Cường tạm thời “biến mất” trên trang của ĐH Hàng hải rồi sau đó xuất hiện lại. Diễn biến cho thấy vụ ông Quý và ông Tuấn tố cáo ông Cường đạo văn là có cơ sở.

Ông Châu viết: “Bùi Văn Cường, người bị tố cáo đạo văn tiến sỹ hoàn toàn có thể chứng minh cho sự chính trực của mình nếu tiến hành khởi kiện để làm rõ trắng đen. Tôi hiểu cái chức bí thư tỉnh uỷ nó to đến đâu và quyền lực đến đâu, việc dùng công an để bắt khẩn cấp người tố cáo mình là trong tầm tay nhưng đấy không phải là một cách làm đường hoàng và thượng tôn pháp luật“.

Nhà báo Hoàng Nguyên Vũ bình luận: Pháp luật không thể bảo vệ cho loại cán bộ ăn cắp! Người xưa có câu: “Cây ngay không sợ chết đứng”, các hành động của Bí thư Cường cho thấy điều ngược lại:

“Chưa bàn đến động cơ của người tố cáo, chỉ bàn đến hành vi bị tố cáo – hành vi ăn cắp – pháp luật cần làm rõ, cần có hội đồng chuyên môn – thậm chí các cơ quan bảo vệ tác quyền thẩm định để làm rõ. Hãy sòng phẳng với công luận: nếu anh cho rằng người tố cáo vu khống, thì anh cũng phải chứng minh kẻ kia không ăn cắp. Luận văn sờ sờ ra đấy, dù đã bị tháo xuống nhưng các bản chụp đã đủ đầy”.

Nhà báo Lưu Trọng Văn có bài giúp ông Cường thoát khỏi vụ bê bối này trong danh dự: Mách nước cho đồng chí Bùi Văn Cường… Ông Văn viết: “Đồng chí không cần bất cứ thế lực chính quyền nào can thiệp bảo vệ thanh danh uỷ viên trung ương đảng của đồng chí làm gì, mang tai tiếng cậy quyền thế, mà chỉ cần đề nghị Hội Khoa học Công nghệ Tàu thuỷ VN đứng ra bảo vệ thanh danh tiến sĩ hàng hải cho đồng chí“.

Về quyền lực của “ông vua không ngai” Bùi Văn Cường ở Đắk Lắk, Facebooker Nguyễn Hoài Nam cho biết“Tháng 8 một PV ở Tp HCM nhắn tin cho bí thư Cường xác nhận về đơn tố cáo. Vài ngày sau có 3 CA tỉnh Đắc Lắc mang giấy giới thiệu đến làm việc yêu cầu PV cung cấp nguồn tin tố cáo. Rõ ràng Bí thư Cường rất mạnh. Đã chỉ đạo CA tỉnh vào cuộc nhanh như cắt để tìm ai tố cáo mình. Hình như CA tỉnh Đắc Lắc làm việc cho riêng cá nhân Bí thư Cường thì phải”.

Giấy giới thiệu liên quan đến vụ công an Đắk Lắk yêu cầu PV ở TP HCM cung cấp nguồn tin tố cáo Bí thư Cường. Ảnh: FB Nguyễn Hoài Nam

Bắt người hơn một tuần qua, bây giờ mới đưa tin: Giảng viên Trường ĐH Tôn Đức Thắng bị bắt khẩn cấp mời luật sư bào chữa, theo báo Tiền Phong. Tựa bài báo dễ gây hiểu lầm, khi nói người bị bắt khẩn cấp, tức TS Quý, mời luật sư bào chữa. Nhưng nội dung bài báo cho thấy, chính gia đình ông Quý làm thủ tục mời LS bào chữa. Cách đưa tin dễ gây hiểu nhầm là TS Quý lên tiếng từ nơi tạm giữ và đề nghị mời LS, trong khi theo gia đình ông Quý thì từ hôm ông bị bắt cóc đến nay, họ không liên lạc được, không biết tình hình của ông thế nào.

Về đơn của Hiệu trưởng Danh gửi lên TAND TP HCM vào ngày 1/9 để kiện Tổng LĐLĐ VN, hôm nay, TAND TP HCM đã hồi đáp, quyết định không thụ lý đơn kiện của Hiệu trưởng Đại học Tôn Đức Thắng, theo Zing. Tin cho biết, ông Danh đã nộp đơn khởi kiện, yêu cầu tòa án hủy quyết định số 1228/QĐ-TLĐ ngày 21/8 của Đoàn chủ tịch Tổng LĐLĐ VN với nội dung tạm đình chỉ công tác của ông Danh trong 90 ngày.

TAND TP HCM cho rằng, “quyết định trên mang tính nội bộ của cơ quan, tổ chức theo quy định Luật Tố tụng Hành chính 2015. Do đó, khiếu kiện này không thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa”. Lưu ý, Tổng LĐLĐ VN đã ra quyết định trên sau khi Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP HCM đình chỉ chức vụ Bí thư Đảng ủy ĐH Tôn Đức Thắng với ông Danh.

Trong cuộc họp báo thường kỳ hôm qua 30/9, Bộ Giáo dục nói về việc đình chỉ hiệu trưởng đại học Tôn Đức Thắng, theo báo Tiền Phong. Trước câu hỏi rằng, quyết định đình chỉ chức Hiệu trưởng của ông Danh có sai luật hay không, bởi theo luật 34 của luật Giáo dục ĐH, thẩm quyền đình chỉ thuộc về Hội đồng nhà trường, chứ không phải cơ quan chủ quản, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc giải thích:

“Việc giải quyết và xử lý liên quan tới trường ĐH Tôn Đức Thắng hiện nay, các cơ quan hữu quan không chỉ thực hiện theo Luật sửa đổi số 34, Nghị định 99 mà vận dụng tất cả các quy định của pháp luật, các luật khác liên quan đến sự nghiệp công lập. Đối với trường hợp, đảng viên và tổ chức đảng áp dụng các quy định của đảng”.

_____

Mời đọc thêm: Bắt khẩn cấp một tiến sĩ giảng viên trường Đại học Tôn Đức Thắng (BVPL). – Trường ĐH Tôn Đức Thắng chưa nhận được thông báo việc tạm giữ TS Phạm Đình Quý? (NLĐ). – Vấn nạn người tố cáo bị ngược đãi, đe dọa, trả thù qua vụ giảng viên Phạm Đình Quý (RFA). – Trường ĐH Tôn Đức Thắng: Sai phạm đấu thầu, “chế” biên bản họp, thiếu minh bạch trong công bố thu nhập (LĐ).

– Bộ GD&ĐT thông tin vụ đình chỉ Hiệu trưởng ĐH Tôn  Đức Thắng (Infonet). – TAND TP HCM trả lại đơn kiện của ông Lê Vinh Danh (NLĐ). – Không thụ lý đơn kiện của nguyên hiệu trưởng Trường đại học Tôn Đức Thắng (TT). – Những nguồn đầu tư nào đã góp phần xây dựng Trường đại học Tôn Đức Thắng? (GDVN). – Những gì xảy ra ở thời điểm này có thể được xét lại ở thời điểm khác (FB Bạch Hoàn).

VỤ TIẾN SĨ-VÕ SƯ PHẠM ĐÌNH QUÝ: SỰ THẬT CẦN MINH BẠCH

NGUYỄN HỒNG LAM/ BVN 29-1-2020

FACT (THỰC TẾ ĐÃ DIỄN RA):

Tối 23-9, Tiến sĩ - Võ sư Phạm Đình Quý, giảng viên Trường Đai học Tôn Đức Thắng đang đi ăn cùng vợ thì bị công an bắt giữ. Hai vợ chồng võ sư Quý được đưa đến Phòng cảnh sát QLHC về TTXH (459 Trần Hưng Đạo, Q.1, Tp.HCM) làm việc trong đêm.

Đến khoảng 4h sáng ngày 24-9, vợ thầy Quý đã được thả cho về, sau khi đã buộc phải ký cam kết không được tiết lộ về cuộc bắt giữ. Còn thầy Quý thì bị đưa về Công an Đắc Lắc. Đến Sáng 28-9, khi làm việc với ông Phạm Đình Phú, anh trai ông Quý đến để hỏi tin tức về em trai, Cán bộ công an Đắc Lắc xác nhận rằng ông Phạm Đình Quý đang bị tạm giữ tại Đắk Lắc, giấy báo tin báo cho gia đình gửi qua đường bưu điện nên khả năng đến chậm.

Trước đó, ngày 21-9, Công an Đắc Lắc cũng đã bắt Võ sư - Tiến sĩ Hoàng Minh Tuấn (sinh năm1980), là học trò TS Quý khi người này đang trên đường từ nơi cư trú ở huyện Cư Kuin di chuyển xuống Khánh Hòa.

Hai ngày sau, 23-9, Công an Đắk Lắc đã khởi tố vụ án "Vu khống, bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự; gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác" và tiến hành bắt giữ ông Quý tại TP Hồ Chí Minh vài giờ sau đó.

Hai Tiến sĩ Quý và Tuấn được cho là đã viết đơn tố cáo ông Bùi Văn Cường, Bí thư tỉnh ủy Đắk Lắk đạo văn khi làm luận án tiến sĩ, đề tài “Nghiên cứu tác động của tổ hợp chân vịt – bánh lái đến hướng đi tàu thủy trên tuyến luồng Hải Phòng”, bảo vệ tại Trường Đại học Hàng hải vào năm 2017. 

Về nội dung này, ngày 24-11-2017, ban quản lý phần mềm chống sao chép và hỗ trợ đào tạo TURNITIN, Trường ĐH Hàng hải đã có kiểm tra, kết luận luận văn của ông Cường có tỷ lệ sao chép 12%, trong đó sao chép từ nguồn internet 6% và từ nguồn luận văn, đề tài là 9%.

TRUTH (SỰ THẬT ĐƯỢC CÔNG NHẬN):

Chúng tôi cho rằng sẽ có 4 tình huống được xem như sự thật.

- Tình huống 1:

Vụ việc sẽ được giải thích rằng TS - VS Phạm Đình Quý không BỊ bắt, chỉ ĐƯỢC Công an Đắc Lắc MỜI để làm việc. Dĩ nhiên, nếu tình huống này diễn ra, TS Quý sẽ được thả ngay khi, hoặc trước khi "sự thật" được công bố. Đây chính là điều đã được tung ra trên dư luận mạng xã hội trong vài ngày qua. Thực tế, sự thật này không tồn tại. TS Quý vẫn chưa được thả sau 6 ngày bị tạm giữ, nghĩa là đến sáng 29-9 sẽ cần có gia hạn lần thứ 2, theo quy định. Nội dung trả lời của cán bộ Công an Đắc Lắc khi làm việc với anh trai ông Quý cũng đã khẳng định là ông Quý đang bị tạm giữ.

- Tình huống 2:

Việc tạm giữ hai ông Phạm Văn Quý và Hoàng Minh Tuấn sẽ được giải thích bằng một lý do khác, đi kèm với việc điều tra một tội danh khác, không phải tội "Vu khống, bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự; gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác" như đã ghi trong vụ án được khởi tố. Trường hợp này, nếu có sẽ giúp “giải độc” dư luận về việc ông Bùi Văn Cường, Bí thư tỉnh ủy Đắc Lắc, bằng quyền hạn của mình đã chỉ đạo công an tỉnh bắt người tố cáo mình nhằm trả đũa, đồng thời để chấm dứt việc bị tố cáo, gây bất lợi cho việc thăng tiến của ông. Đồn đoán trên mạng xã hội cho rằng, ông Cường đang là ứng cử viện cho chức vụ Bộ trưởng Bộ TT& TT hoặc vị trí Trưởng ban Dân vận TW nhiệm kỳ tới.

Tình huống này, dù dư luận đang đề cập nhiều, cũng không có khả năng xảy ra. Bởi lẽ, cho đến hiện tại thì chưa hề có bất kỳ thông tin nào về việc các đương sự Quý và Tuấn có liên quan đến bất kỳ một tội danh nào khác. Nó không giải thích thỏa đáng việc tại sao Công an Đắc Lắc phải xuống tận TP Hồ Chí Minh bắt người, di lý, tạm giữ, không thông báo và giải thích cho gia đình như luật quy định. Và, nếu đây là tình huống xảy ra, nó là tình huống sai. Vì thế, chúng tôi không xem xét, cũng không có ý kiến thêm.

- Tình huống 3:

Việc bắt giữ ông Quý và ông Tuấn được thực hiện theo đúng nội dung vụ án đã khởi tố vào ngày 23-9. Trong trường hợp này, có nhiều điểm không thỏa đáng và có dấu hiệu trái luật hình sự, vi phạm luật tố tụng hình sự.

a) Các ông Quý và Tuấn gửi đơn tố cáo chính danh, công khai, có nơi nhận cụ thể tất nhiên họ sẽ phải chịu trách nhiệm về nội dung đã tố cáo. Trong trường hợp nội dung tố cáo là sai, gây ảnh hưởng, thiệt hại đến người bị tố cáo là ông Bùi Văn Cường, ông Cường sẽ có quyền khởi kiện dân sự đối với hai ông Quý và Tuấn đòi bồi thường thiệt hại về vật chất và tinh thần. Cụ thể, trong trường hợp này, ông Cường không hề thiệt hại gì về vật chất (không bị tước bằng tiến sĩ, không bị đuổi việc hay đình chỉ công tác dẫn đến mất thu nhập...) cho nên mức có thể đòi bồi thường là zero, vì không chứng minh được thiệt hại thực tế. Về thiệt hại tinh thần, mức bồi thường tối đa là 11 tháng lương cơ bản của ông Cường, nếu có cũng chỉ được thực hiện bởi phán quyết của Chủ tọa phiên tòa dân sự. Tôi không tin là ông Cường cần khoản bồi thường này. Và thực tế, vụ kiện dân sự đã không xảy ra. Tại sao, tôi không biết. Chỉ có ông Cường biết.

b) Luật không cho phép hình sự hóa quan hệ dân sự. Vụ việc tố cáo đạo văn, đúng hay sai cũng chỉ có thể phân xử bằng phiên tòa dân sự, với các khả năng như đã phân tích ở phần a). Vậy, việc khởi tố vụ án hình sự "Vu khống, bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự; gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác", bắt giam (hay tạm giữ điều tra) hai ông Quý và Tuấn là có dấu hiệu vi phạm tố tụng hình sự. Trong trường hợp đó, điều này sẽ phải bị xem xét xử lý hình sự.

c) Ông Hoàng Minh Tuấn bị bắt 2 ngày trước khi có lệnh khởi tố vụ án. Cả hai ông Tuấn và Quý đều bị bắt trong trường hợp chặn bắt khẩn cấp khi đang di chuyển trên đường trong khi đương sự không nằm trong trường hợp – tình huống có thể gây nguy hiểm cho xã hội là có dấu hiệu sai luật. Các đương sự bị bắt khi không có lệnh bắt và khởi tố bị can, không thông báo cho gia đình, không có đại diện chính quyền nơi người bị bắt cư trú, không có người làm chứng... là các dấu hiệu sai luật khác. Thực tế là cho đến chiều ngày 28-9, các đương sự đều đã ở trong trại tạm giam, song gia đình, thân nhân vẫn hoàn toàn chưa được trả lời rõ ràng bằng văn bản là họ bị bắt tạm giam hay đang bị tạm giữ. Nếu là tạm giữ, hết thời hạn 3 ngày sẽ phải có gia hạn lần 1, hết 6 ngày phải gia hạn lần 2 và không quá 3 lần gia hạn. Những yêu cầu bắt buộc này đã không được thực hiện.

- Tình huống 4:

Như phân tích ở tình huống 3, việc bắt giữ hai TS - VS Phạm Đình Quý và Hoàng Minh Tuấn đã bộc lộ một loạt các dấu hiệu vi phạm tố tụng hình sự. Điều này, nếu luật pháp được tôn trọng, nó phải được xem xét. Trong trường hợp đó, hai vị tiến sĩ - võ sư dù nhanh chóng được thả hay vẫn tiếp tục chuyển từ chế độ tạm giữ sang chế độ tạm giam 4 tháng để điều tra, diễn tiến tiếp theo theo vẫn sẽ có thể là một lệnh khởi tố điều tra vụ án để xem xét có hay không dấu hiệu tội “bắt người trái pháp luật”. Dĩ nhiên tên hai vị tiến sĩ võ sư sẽ vẫn được đề cập trong vụ mới, song sẽ với tư cách là nạn nhân. Họ sẽ phải được bồi thường và xin lỗi, hoặc họ sẽ giữ quyền kiện ra tòa hành chính.

NHẬN ĐỊNH

Điều gì cũng có thể xảy ra. Cho dù cuối cùng sự thật sẽ diễn ra như thế nào, tên tuổi của ông Bùi Văn Cường cũng sẽ không thể đứng ngoài vụ việc. Mọi việc dù diễn ra như thế nào, thực tế cũng đã là một scandal không hay ho gì. Nó xuất phát từ những toan tính của người trong cuộc trên vị trí quyền lực và đang chạy đua quyền lực. Nhưng chính nó sẽ hủy hoại tham vọng của người gây ra. Nó chứng tỏ người trong cuộc không hề khôn ngoan hay có trình độ, bản lĩnh tương xứng với vị trí đang nhắm tới. Một người nhắm tới vị trí nắm Bộ Thông tin Truyền thông thì không nên gây scandal khiến dư luận báo chí lẫn mạng xã hội phải lên đồng. Còn nếu định giữ trọng trách ngành Dân vận thì chắc chắn khiến lòng dân phẫn nộ chỉ đáng gọi là dại dột. Thật ra, tôi định dùng từ khác nhưng không nỡ. Tuy nhiên, cuộc đua với cá nhân ông Bùi văn Cường dường như đã thành vô ích. Đường công danh, tự ông đã viết cho mình một “hàm số bị chặn trên”.

Nhìn chung, vụ việc mang quá nhiều yếu tố xem thường, đạp lên luật pháp. Nó khiến dư luận phẫn nộ, hoang mang, niềm tin vào luật pháp và cơ quan thi hành luật lung lay nghiêm trọng. Nếu đây là chủ trương, nó vi hiến. Do đó, dư luận cần và chờ đợi sự lên tiếng từ lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước, Quốc hội và chính phủ.

Tuy nhiên, đáng lo là sau một tuần ồn ào, hoang mang, những tiếng nói mà xã hội và nhân dân cần nghe vẫn chưa lên tiếng. Sự im lặng đáng sợ, nhường chỗ cho câu hỏi cũng đầy lo sợ: đất nước này còn luật pháp nữa hay không?

PS: Tôi không trích kèm các điều luật cụ thể có liên quan trong bài viết. Bạn đọc muốn tìm hiểu, mời tra Google hoặc tham vấn các luật sư.

N.H.L.

Nguồn: FB lam hồng nguyễn

VỤ BÊ BỐI CỦA BÍ THƯ CƯỞNG: BỘ CÔNG AN LÀM VIỆC CHO CÔNG AN TỈNH ĐẮK LẮK ?

BTV TD/ TD/ BVN 3-10-2020

Chiều nay, đúng 9 ngày sau vụ công an Đắk Lắk vào tận thành Hồ để bắt cóc TS - võ sư Phạm Đình Quý chiều 23/9, truyền thông “lề đảng” đồng loạt đưa tin về vụ TS Quý. Nhưng, thay vì chỉ ra vụ bắt bớ này vi phạm pháp luật như thế nào, báo chí lại là cái loa của Bộ Công an, giúp đăng tải thông báo của thiếu tướng Tô Ân Xô.

Báo Tiền Phong đưa tin: Người phát ngôn Bộ Công an nói về việc bắt 2 nghi can vu khống ở Đắk Lắk. Báo Lao Động viết: Bộ Công an thông tin vụ bắt các đối tượng có hành vi vu khống tại Đắk Lắk. VietNamNet có bài: Công an Đắk Lắk thông tin chính thức về việc bắt tạm giam Tiến sỹ Phạm Đình Quý

Và còn rất nhiều bài trên hệ thống báo chí “lề đảng”, đưa tin theo cách tương tự, làm thay công việc của tòa án và kết tội “vu khống” đối với hai người dân, đã cung cấp thông tin ông Bùi Văn Cường, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk đạo văn.

Báo chí dẫn lời ông Tô Ân Xô thông báo: Hôm nay, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Lắk đã ra quyết định Khởi tố vụ án hình sự, Khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam bị can 2 tháng đối với ông Hoàng Minh Tuấn. Cũng chính cơ quan này đã ra các quyết định tương tự đối với ông Phạm Đình Quý hôm qua, 1/10. VKSND tỉnh Đắk Lắk đã ra phê chuẩn tất cả các quyết định khởi tố và bắt tạm giam bị can.

Có một điểm lạ là, đây là chuyện nội bộ của tỉnh Đắk Lắk, nhưng Bộ Công an lại lên tiếng, thay vì người của tỉnh này. Chẳng lẽ tỉnh Đắk Lắk trực thuộc trung ương? Hay là Bộ Công an làm việc cho Công an tỉnh Đắk Lắk nên người phát ngôn của Bộ Công an lên tiếng thay cho tỉnh này?

VietNamNet đưa tin Hai ông Phạm Đình Quý, Hoàng Minh Tuấn bước đầu khai nhận hành vi vi phạm. Trong buổi họp báo chiều nay, ông Xô nói: “Hai bị can Hoàng Minh Tuấn, Phạm Đình Quý bước đầu khai nhận hành vi vi phạm pháp luật của mình. Hiện cơ quan điều tra đang tiếp tục phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền để mở rộng điều tra và xử lý hai bị can này theo đúng quy định của pháp luật”.

Thiếu tướng Tô Ân Xô: Bị can Phạm Đình Quý và học trò đã khai nhận hành vi vi phạm của mình. Nguồn: Báo Tổ Quốc

Chuyện “nhận tội” khi ở trong tay công an VN là chuyện bình thường, bởi khi bị đánh thừa sống, thiếu chết, người nào cũng nhận. Ông Huỳnh Văn Nén từng “nhận tội” trước khi được minh oan khỏi cáo buộc “Giết người”. Ông Nguyễn Thanh Chấn cũng đã “nhận tội”, thậm chí phải thực hành “cách gây án” cho khớp với “lời khai” trước khi được minh oan khỏi cáo buộc “Giết người”. Trong vụ án xử dân Đồng Tâm gần đây, ông Lê Đình Chức cũng đã khai nhận hành vi “đổ thau xăng” mà nhiều người chứng minh là không thể làm được.

Nhiều người từng bị kết án oan dưới chế độ CSVN, kể lại các thủ đoạn ép cung, bức cung của công an CSVN. Cho nên, không có gì lạ trong trường hợp một người xuất thân nhà võ như TS Quý phải “nhận tội” sau 9 ngày bị “tạm giam”. Cũng có thể TS Quý chưa hề “nhận tội” nhưng ông Xô cứ nói vậy vì ông ta thừa hiểu thuộc hạ của mình có đủ cách để khiến ông Quý phải “nhận tội”.

Nhưng vụ việc của TS Quý có bản chất rất khác với các vụ án oan với cáo buộc “giết người” nói trên. Các vụ việc của ông Nén, ông Chấn và của người dân Đồng Tâm… xảy ra trong hoàn cảnh tranh tối tranh sáng, nên công an có thể dùng nhiều chiêu trò ép cung, kể cả khi dựng nên kịch bản phi logic. Còn vụ của TS Quý vốn là vụ việc dân sự, là tố cáo đạo văn, bản chất khác hoàn toàn.

***

Trước đó, võ sư Phạm Đình Trang, bố TS Quý viết lời hồi đáp về thông báo bắt giữ TS Quý do Phó Thủ trưởng công an Đắk Lắk ghi ngày 27/9. Ông Trang cho biết, gia đình rất bất bình trước cách công an đối xử với TS Quý, không phép tắc, không quang minh chính đại, tùy tiện bắt người.

Nhưng ông Trang vẫn bày tỏ sự tin tưởng với “pháp luật” của chế độ CSVN. Ông khẳng định, đã dạy các con mình luôn “tuân thủ theo đường lối chính sách” của chế độ. Trong toàn bộ bài viết, ông Trang chỉ phê phán các thế lực cường quyền đang lộng hành ở Đắk Lắk.

Tối 29/9, nhà báo Trương Châu Hữu Danh cho biết, ông đã lập vi bằng đối với nội dung luận án của Bí thư Bùi Văn Cường. Không những thế, một số tiếng nói trên Facebook khẳng định, họ đã download và lưu lại nội dung luận án ở thời điểm nó chưa “biến mất” rồi xuất hiện lại trên trang web của Đại học Hàng hải.

Cho nên, nhét chữ vào miệng dân là chuyện của công an, tìm cách “xào nấu” lại luận án của ông Cường sao cho không còn dấu vết đạo văn là chuyện của Đại học Hàng hải. Nhưng chừng nào dữ liệu về luận án của Bí thư Cường còn lưu truyền trong công luận, thì mọi chiêu trò đổi trắng thay đen đều phản tác dụng.

Trước diễn biến chiều nay, nhà báo Mai Quốc Ấn nhận định: “Liên quan vụ việc công an tỉnh Đắk Lắk khởi tố vụ án và bắt giam Tiến sĩ-Võ sư Phạm Đình Quý; người viết nêu một góc độ pháp luật có khả năng liên quan đến vụ việc. Vấn đề này cần có sự tham gia của cơ quan thanh tra Bộ Công an và cơ quan Điều tra hình sự Viện Kiểm sát nhân dân tối cao nếu có vi phạm về vi phạm tố tụng hình sự”.

_____

Mời đọc thêm:

Bộ Công an nói gì về việc Đắk Lắk bắt giảng viên Trường đại học Tôn Đức Thắng? (TT). – Công an Đắk Lắk khởi tố ông Phạm Đình Quý, giảng viên Đại học Tôn Đức Thắng (TN). – Vu khống ở Đắk Lắk: Phạm Đình Quý bước đầu khai nhận hành vi phạm tội (TTXVN). – Tiến sĩ Phạm Đình Quý bị tạm giam 2 tháng (NLĐ). – Vụ bắt Phạm Đình Quý: Dư luận lo ngại ‘sai luật’ còn công an nói ông Quý ‘đã khai nhận’ (BBC).

Nguồn: https://baotiengdan.com/2020/10/02/vu-be-boi-cua-bi-thu-cuong-bo-cong-an-lam-viec-cho-cong-an-tinh-dak-lak/


ĐẢNG PHẢI THẾ NÀO THÌ MỚI CÓ NHỮNG ÔNG CƯỜNG NHƯ THẾ CHỨ !

TRÂN VĂN/ Blog VOA/ TD 29-09-2020

Năm ngày sau khi đổ đến TP.HCM, yêu cầu các đồng nghiệp ở TP.HCM hỗ trợ để tổ chức bố ráp – bắt giữ ông Phạm Đình Quý, Giảng viên Khoa Khoa học Thể thao của Đại học Tôn Đức Thắng, áp giải ông về Đắk Lắk (1), Công an tỉnh Đắk Lắk mới xác nhận đang giam giữ ông Quý nhưng giải thích đó chỉ là… mời làm việc và khẳng định chuyện… mời làm việc như thế là… đúng pháp luật (2)!

Thậm chí, trong scandal… mời làm việc này, có viên chức hữu trách ở Đắk Lắk còn mượn hệ thống truyền thông chính thức nhắn với công chúng rằng: Các cơ quan hữu trách ở Đắk Lắk đang chờ Công an Đắk Lắk để yêu cầu Sở Văn hóa – Thông tin và Công an TP.HCM xử lý nhũng người đưa tin không chính xác là ông Quý… bị bắt (3)!

Công an tỉnh Đắk Lắk cũng đã chính thức xác nhận, ngoài ông Quý, họ còn… mời ông Hoàng Mạnh Tuấn – một giáo viên trung học cư trú tại huyện Cư Kuin ở tỉnh Đắk Lăk – đến… làm việc! Sở dĩ ông Quý và ông Tuấn được… mời làm việc vì cả hai cùng liên quan đến vụ án vu khống mà Công an tỉnh Đắk Lắk đã khởi tố vào ngày 19 tháng 9.

***

Theo quy định của Bộ Luật Tố tụng hình sự ở Việt Nam, “vu khống” là một trong những tội mà các cơ quan tiến hành tố tụng chỉ được khởi tố nếu người bị hại yêu cầu điều tra – truy cứu trách nhiệm hình sự song Công an tỉnh Đắk Lắk lờ đi, không tiết lộ bị hại trong vụ án vu khống mà họ đã khởi tố là ai.

Tuy nhiên thiên hạ vẫn có thể xác định ngay lập tức, ai là… bị hại trong vụ án ấy! Trước khi bị Công an tỉnh Đắk Lắk… mời làm việc, ông Quý và ông Tuấn từng tố cáo ông Bùi Văn Cường, Bí thư tỉnh Đắk Lắk: Đạo văn, gian dối học thuật để trèo cao với mục đích không trong sáng, gây bất bình trong nhân dân.

Tố cáo ghi rõ tên, nơi cư trú của ông Quý, ông Tuấn, từng được gửi đến nhiều cơ quan hữu trách, thậm chí còn được in trong một tạp chí thuộc hệ thống truyền thông chính thức, sau đó được nhiều người dẫn lại trên mạng xã hội đã đưa ra hàng loạt dẫn chứng cụ thể, chứng minh ông Cường sao chép luận văn, sách vở của người khác nhưng… lờ đi nguồn gốc để hoàn tất luận văn tiến sĩ về hàng hải của mình.

Thậm chí, tố cáo còn khắc họa những biểu hiện, khiến người đọc buộc phải tự hỏi, phải chăng ông Cường thuê người khác thực hiện luận văn? Nếu không, làm sao ngày 15/7/2017, ông Cường tiến hành… nghiên cứu thực địa tại… Hải Phòng để thu thập các dữ liệu khoa học làm nền tảng cho luận văn của ông và cũng ngày đó, trong vai Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (Tổng LĐLĐ VN), ông có mặt tại… Khánh Hòa để chủ trì Lễ Kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ, Khánh thành Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma (4)?

***

Không phải tự nhiên mà việc Công an tỉnh Đắk Lắk… mời ông Qúy, ông Tuấn… làm việc trở thành scandal khuấy động dư luận. Tuy nhiên khoan bàn đến tương quan giữa các qui định pháp luật hiện hành với hành động của Công an tỉnh Đắk Lắk bởi xét cho đến cùng, nhân vật chính của scandal này chính là ông Bùi Văn Cường.

Theo Wikipedia thì ông Cường là một người trưởng thành từ hoạt động… “cờ, đèn, kèn trống” (Đội, Đoàn) ở cả Hải Phòng lẫn Ban Chấp hành Trung ương (BCH TƯ) Đoàn TNCS HCM. Sau đó, ông Cường được sắp đặt làm đại biểu Quốc hội, trở thành Ủy viên BCH TƯ đảng CSVN, Phó Ban Dân vận của BCH TƯ đảng, chuyển qua làm Bí thư Khối Doanh nghiệp TƯ, rồi Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bí thư một số tỉnh ở khu vực Tây Nguyên (Gia Lai, Đắk Lắk)… Nhìn một cách tổng quát, ông Cường là một cán bộ cấp chiến lược tiêu biểu, có thể ngồi ở bất kỳ mâm nào.

Hồi tháng sáu vừa rồi, khi các tỉnh, thành phố đang rầm rộ tổ chức đại hội đảng các cấp để sắp đặt nhân sự lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền ở các địa phương, ông Cường đăng đàn, tuyên bố xanh rờn: Hồ sơ đẹp, tướng mạo được chưa hẳn là nhân sự tốt cho đại hội đảng!

Ông Cường nhận định: Công khai, minh bạch và kết luận rõ ràng mới là những yếu tố quan trọng để lựa chọn nhân sự. Đặc biệt là trong trường hợp có đơn, thư về chuyện nọ, chuyện kia thì phải giải quyết dứt điểm. Giải quyết không xong thì tôi hay bất cứ nhân sự nào cũng phải để lại, chúng tôi sẵn sàng để khuyết vị trí đó cho đến khi kiểm tra nhân sự có kết luận rõ ràng mới bầu bổ sung để đảm bảo chắc chắn chọn đúng, trúng nhân sự.

Chưa kể ông Cường còn nhấn mạnh: Nếu có đơn, thư, dư luận mà không tiến hành xác minh, cứ bầu, sau đó có vấn đề sẽ không tốt cho cả nhiệm kỳViệc này phải làm kỹ lưỡng, đúng quy địnhNếu chọn được đúng cán bộ, chọn được người đứng đầu tốt, có tâm, có tầm, đáp ứng yêu cầu thì thúc đẩy địa phương phát triển, dân được nhờ; còn nếu bố trí không đúng thì kéo lùi sự phát triển của địa phương (5).

Không may cho ông Cường là sau đó ít tuần, ông bị ông Phạm Đình Quý và ông Hoàng Mạnh Tuấn tố cáo đạo văn, gian lận học thuật! Thay vì hành xử đúng như đã từng… lập ngôn trên báo điện tử VietNamNet, ông tự nhận là… bị hại và rõ ràng nếu… bị hại không phải là Bí thư tỉnh, chắc chắn Công an tỉnh Đắk Lắk không… mời ông Quý, ông Tuấn… làm việc theo kiểu càn rỡ như vậy!

Hóa ra những tuyên bố của ông Cường như: Lựa chọn nhân sự phải công khai, minh bạch, kết luận rõ ràng, giải quyết dứt điểm, giải quyết không xong thì tôi hay bất cứ nhân sự nào đều phải để lại,… đảm bảo chắc chắn chọn đúng, trúng nhân sự… vì… người đứng đầu tốt, có tâm, có tầm, đáp ứng yêu cầu thì thúc đẩy địa phương phát triển, dân được nhờ; còn nếu bố trí không đúng thì kéo lùi sự phát triển của địa phương – đều là… nói dóc! Dại dột mà tin thì… ráng chịu!

***

Cho đến giờ này, chưa có cá nhân, cơ quan hữu trách nào xem xét, xác định tố cáo của ông Phạm Đình Quý và ông Hoàng Mạnh Tuấn là đúng hay sai nhưng việc Công an Đắk Lắk khởi tố vụ án “vu khống” và cách Công an Đắk Lắk… mời ông Quý, ông Tuấn… làm việc đã giúp khắc họa ông Cường trơ trẽn, trâng tráo đến mức nào!

Trong scandal… mời làm việc có một yếu tố quan trọng phải xem xét, đó là: Bí thư tỉnh Đắk Lắk phải thế nào thì Công an tỉnh Đắk Lắk mới như thế! Rộng hơn: Đảng phải thế nào thì Ủy viên BCH TƯ đảng CSVN Bùi Văn Cường mới như thế.

Trước, khi đề cập đến bang giao giữa Việt Nam và các quốc gia, các tổ chức đa phương, ông Nguyễn Phú Trọng từng hết sức hoan hỉ khi gợi ý cho toàn đảng, toàn dân cùng nghĩ: Mình phải như thế nào thì người ta mới như thế! Giờ, sau khi đối diện với vô số scandal liên quan đến những cán bộ cấp chiến lược như ông Cường, không rõ ông Trọng có biết tự vấn: Đảng như thế nào mà các Ủy viên BCH TƯ đảng lại như thế?

Chú thích

(1) https://www.sggp.org.vn/vu-giang-vien-truong-dh-ton-duc-thang-bi-cong-an-moi-lam-viec-van-chua-ro-nguyen-nhan-687707.html

(2) https://tuoitre.vn/cong-an-tinh-dak-lak-tra-loi-vu-lam-viec-voi-giang-vien-dh-ton-duc-thang-20200928165311595.htm

(3) https://tuoitre.vn/giang-vien-truong-dai-hoc-ton-duc-thang-bi-cong-an-moi-lam-viec-20200925130232004.htm

(4) https://www.tapchinuocduc.com/diem-tin/tin-viet-nam/23768-bi-thu-tinh-uy-dak-lak-bi-to-dao-luan-an-gian-doi-hoc-thuat.html

(5) https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/nhan-su-dai-hoi-dang-ho-so-dep-tuong-mao-duoc-chua-han-la-tot-652136.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét