Thứ Hai, 19 tháng 10, 2020

20201020. LŨ NƯỚC VÀ LŨ 'DƯ LUẬN'

 ĐIỂM BÁO MẠNG

HOA VÀ MÁU
TRÂN VĂN/ VOA/ BVN 18-10-2020


Ảnh: báo Quảng Trị

Miền Trung Việt Nam lại lũ, lại lụt, lại sạt lở. Lương dân lại chết. Hàng triệu người lại phải sống cảnh màn trời, chiếu đất, nhiều gia đình lại trắng tay. Trên mạng xã hội, người Việt lại nhắn nhau chung tay giúp đỡ đồng bào… Thiên tai vốn là điều không thể tránh nhưng chẳng lẽ ở đâu tại Việt Nam cũng vậy và năm nào cũng thế. Thậm chí hậu quả của thiên tai năm sau luôn có khuynh hướng thảm khốc hơn năm trước.

***

Mỗi lần lũ, lụt nói chung và lũ, lụt tại miền Trung nói riêng, người Việt lại nghĩ, lại nhắc tới thủy điện. Mai Quốc Ấn - một phóng viên chuyên viết về môi trường - tâm tình: Đã làm thủy điện thì phải phá rừng, chỉ khác là ít hay nhiều. Phá rừng làm lũ tăng nhanh, khó lường hơn nên tài sản, sinh mệnh nhân dân cũng bấp bênh hơn. Lãnh đạo ngành điện luôn khẳng định xả lũ đúng quy trình nhưng năm nào cũng có người chết, có thiệt hại tài sản thì chỉ có thể suy luận: Quy trình không đúng.

Ấn nhận định: Làm sao có thể gọi là đúng quy trình khi thực tế tang thương như vậy? Chỉ một bộ phận nhỏ đầu tư vào thuỷ điện giàu có còn số phận nhân dân thì như những cánh rừng sau khi làm thuỷ điện, là tiếng gào thét tuyệt vọng tìm người thân sau mỗi trận lũ?... Dẫn lại một ý của ông Nguyễn Văn Phụng (Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn, Tổng cục Thuế) về chuyện “ăn mất phần con cháu”, Ấn than: Trong cuộc “ăn” ấy, đại đa số nhân dân không được phép dự phần nhưng hậu quả thì tất cả chúng ta đều gánh chịu và không thể vô can. Nếu ai cũng vô cảm, cũng im lặng, cũng thoả hiệp với thứ hiện thực tàn khốc thì nghĩ về tương lai hẳn chỉ có những chuyện đau lòng (1) …

Trương Châu Hữu Danh - một nhà báo khác - cũng nghĩ như thế về thủy điện: Hình ảnh người chồng, người cha ở Thừa Thiên Huế gào thét, vái lạy thủy thần trả lại vợ và đứa con chưa kịp chào đời cho thấy hậu họa sau khi tàn phá thiên nhiên đau thương thế nào. Bất chấp địa hình hẹp, dốc, lượng nước đổ về dồn dập, các thủy điện vẫn đồng loạt xả lũ khiến hạ du không kịp trở tay. Vì sao lượng nước đổ về dồn dập? Đó là do tình trạng xây dựng thủy điện tràn lan, bạt núi làm dự án và phá rừng, là ẩu tả trong chuyển đổi rừng sang các mục đích khác…

Nêu lại một thắc mắc khác vốn của nhiều người: Vì sao các tỉnh thành miền Trung đều giáp biển nhưng thoát lũ lại rất chậm? Danh tiếp tục trả lời: Là do sông ngòi bị san lấp, thu hẹp, đường thoát nước tự nhiên bị “chắn” bởi hàng loạt resort, khách sạn sừng sững ven biển! Những hô hào về kiểm soát thủy điện, bảo vệ rừng, thắt chặt quy hoạch đô thị… cứ đến hẹn lại lên, còn lũ lụt miền Trung vẫn bất ngờ, điên cuồng và rút đi rất chậm sau khi gây tang tóc (2).

Trần Vương Thuấn - đồng nghiệp của Ấn, Danh - bình luận về những những bộ đồ gỗ cầu kỳ kèm câu hỏi: Có bộ đồ gỗ khủng nào được hợp thức hóa từ gỗ phá rừng đầu nguồn góp tay vào chuyến đi định mệnh của sản phụ bị nước cuốn, chết cả mẹ lẫn con khi tìm đường đến bệnh viện do chuyển dạ? Có sự phát triển nóng, hợp tác lạnh, có lòng tham nhân danh cái đói, miếng ăn nào để phá sơn lâm, đâm hà bá, đào tróc núi, lấp cửa sông, ngăn dòng chảy… đã đưa bàn tay đen mà bịt chặt tiếng trẻ khóc chào đời? Và, câu trả lời dành cho tất cả chúng ta. Lại thêm cái chết mà tôi và bạn có dự phần… Mong những đứa trẻ hôm nay khi lớn lên sẽ biết, thành công không phải là tuyệt diệt mọi thứ để kiếm lợi nhuận cho riêng mình, mỗi việc mình làm, mỗi thứ mình dùng đều chứa muôn vạn người khác bên trong, có khi chứa cả sinh mạng những hài nhi chưa kịp khóc (3)!

Giống như những năm gần đây, song hành với lũ lụt là sạt lở và hai vụ sạt lở xảy ra liên tục trong hai ngày đầu tuần này ở lưu vực Rào Trăng (huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế) đã lấy mạng của 30 người, bao gồm cả thường dân lẫn viên chức nhiều cấp, ngành. Hai vụ sạt lở ở lưu vực Rào Trăng là thảm họa đã được cảnh báo từ lâu khi giới hữu trách ở cả trung ương lẫn địa phương cho phép xây dựng tại đó tới bốn công trình thủy điện dạng bậc thang.

Giống như nhiều người, Nguyễn Đình Bổn than: Phá 200 héc ta rừng ở vùng lõi của khu bảo tồn thiên nhiên để làm thủy điện sinh lời bao nhiêu? Cho đến hôm nay, về dân sự, riêng tại Huế đã có ít nhất 9 người chết, trong đó có thai phụ sắp sinh, nhiều người bị thương, gần 85.000 ngôi nhà bị ngập, hàng ngàn héc ta lúa, hoa màu bị phá hủy. Chưa kể 30 người là sĩ quan quân đội, cán bộ, công nhân thủy điện… chết, mất tích. Cái giá phải trả cho sự tàn phá thiên nhiên là quá đắt, nhưng chắc họ sẽ không chùn tay (4) …

***

Bên cạnh sự phẫn nộ vì những đau thương, mất mát do phá rừng, lấp sông, nhân danh phát triển để phê duyệt, cho phép xây dựng hàng loạt công trình thủy điện, khu du lịch, khu đô thị mới khiến mức độ thảm khốc của thiên tai không ngừng gia tăng, nhiều thường dân phát giác chỉ có họ mới nghĩ về nhau và tính đến chuyện cứu nhau, còn hệ thống chính trị, hệ thống công quyền thì chỉ bận tâm đến việc làm sao cho Đại hội Đảng cấp tỉnh, thành phố… rực rỡ cờ, hoa.

Giới thiệu lại tấm ảnh chụp “sân khấu” Đại hội Đảng ở tỉnh Vĩnh Phúc, Nguyễn Thông kể rằng hàng xóm của ông phát cáu và bảo rằng: Phải lôi cổ, bắn ngay đứa thiết kế và đứa duyệt, không cho cãi như hồi Cải cách Ruộng đất. Giờ này mà kiểu “sân khấu” rẻ tiền về hình thức, cổ hủ về nội dung, hết sức tốn kém về tiền bạc như thế vẫn xuất hiện khắp mọi nơi, từ cấp cơ sở tới cấp trung ương có cả vạn “sân khấu” như vậy… Trách cơ sở một thì trách Trung ương mười. Ngay cả ông Vương Đình Huệ còn thay mặt Bộ Chính trị đem thêm hoa về khiến nó càng sặc sỡ như cái chăn con công của Tàu (5) …

Sự mâu thuẫn giữa tang thương do thiên tai và đảng vẫn thản nhiên tổ chức các đại hội khiến Nguyễn Tiến Tường đề nghị tổ chức đảng ở các tỉnh, thành còn lại khi tổ chức Đại hội Đảng: Nên dành một phút mặc niệm cho nạn nhân lũ lụt. Rồi đặt một thùng ủng hộ, được bao nhiêu chứng tỏ chân thành bấy nhiêu. Được thì nói với dân đôi lời, có mất chi mà kiệm lời dữ vậy? Đang nước sôi lửa bỏng, bớt hoa hòe loè loẹt lại. Dân ngoài mưa bão, mình trong tháp ngà như vậy coi sao đặng? Đại biểu từ Trung ương xuống, mang tiếng lây vì cơ sở. Phải tui, tui quạt cho nhào hồn hết. Dân đang cần giấy, lại mang giấy vẽ voi (6)!

Đỗ Cao Cường gọi sự mâu thuẫn giữa tang thương và đại hội là: Hoa và máu! Cường nhau định: Sau những bộ vest, bó hoa loè loẹt trên sân khấu là mồ hôi, máu và nước mắt của nhân dân. Năm nào cũng vậy, điệp khúc lũ - chết - từ thiện tự phát giữa những phận người bé nhỏ với nhau… cứ lặp đi lặp lại như thể vẫn còn đang trong thời kỳ ăn lông ở lỗ, loài người còn chưa biết đến khoa học kỹ thuật, chưa phát minh ra các công trình phòng và chống lũ, chưa biết đến đồng loại, đồng chí, đồng bào… Và nhắn rằng: Người dân và các chú lính chì (những quân nhân đang tham gia cứu nạn) không cần tới những tượng đài rỗng tuếch, những lời khen vô bổ.Cái họ cần là một chương trình hành động đúng nghĩa, một cuộc sống bình an, một sự công bằng, minh bạch, cần được tôn trọng giữa người với người (7).

T.V.

_________

Chú thích:

(1) Nghĩ về tương lai (FB Mai Quốc Ấn)

(2) Miền Trung nấc nghẹn (FB Trương Châu Hữu Danh)

(3) Lại thêm cái chết mà tôi và bạn có dự phần (FB Trần Vương Thuấn)

(4) Phá 200 ha rừng vùng lõi của khu bảo tồn thiên nhiên để làm thủy điện thì sinh lời bao nhiêu? (FB Nguyễn Đình Bổn)

(5) Sân khấu (FB Nguyễn Thông)

(6) Đang nước sôi lửa bỏng, bớt hoa hoè loè loẹt lại (FB Nguyễn Tiến Tường)

(7) Hoa và máu (FB Đỗ Cao Cường)

Nguồn: voatiengviet.com

NHÀ GỖ VÀ XÁC DÂN

TRƯƠNG CHÂU HỮU DANH/ BVN  18-10-2020


Chỉ trong vòng 40 năm, những cánh rừng bạt ngàn của Việt Nam gần như bị xoá sổ. Bao nhiêu năm chiến tranh, hứng chịu bom đạn, rừng vẫn bạt ngàn xanh “che bộ đội, vây quân thù”. Sau chiến tranh thì rừng mất sạch.

Rừng đi đâu? Vào nhà đại gia. Nhưng đại gia mê gỗ, còn thua xa cán bộ. Trong một tháng, chúng tôi đã đi khắp các cánh rừng Tây Nguyên, từ Đắk Nông đến Đắk Lắk, Gia Lai rồi Kon Tum, Lâm Đồng, đâu đâu cũng thấy cảnh rừng bị tàn sát. Sau lệnh đóng cửa rừng tự nhiên của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, nạn phá rừng vẫn tràn lan.

Gỗ ở K’Bang (Gia Lai) vẫn ào ạt chạy ra khỏi rừng dù từ rừng ra ngoài chỉ có con đường độc đạo, có barie chắn ngang của lực lượng kiểm lâm; Gỗ ở Ngọc Hồi, Sa Thầy (Kon Tum) cũng ồ ạt chạy ra khỏi rừng cả ngày lẫn đêm – dù muốn qua chốt chặn phải “bay lên trời” mới thoát.

Những người bị mang danh là “lâm tặc” than thở với chúng tôi, sau lệnh cấm, gỗ vẫn bị đốn hạ, chỉ có tiền bôi trơn là tăng lên, và thu nhập của lâm tặc giảm xuống. Những ngày đi rừng, nhóm phóng viên không quen rừng thiêng nước độc, ai cũng trầy xước khắp người do té ngã, do cây cào, do muỗi vắt đốt chi chít…

Có vào rừng mới thấy, “lâm tặc” ở tầng mức thấp nhất có đời sống khốn khổ dưới đáy xã hội. Trung bình, mỗi ngày họ kiếm được vài trăm ngàn đồng, nhưng chi phí trong rừng đắt đỏ, lâm tặc nào cũng nghèo xơ xác. Họ là thành phần khốn khổ khốn nạn, đổ mồ hôi và máu chỉ để kiếm cơm sống qua ngày.

Tại một huyện nghèo khác của tỉnh Đắk Lắk, dân cư chủ yếu là người Ê Đê, Gia Rai, các đời lãnh đạo huyện đều kiên quyết chống lại lâm tặc. Trong nhiệm kỳ của mình, ông Chủ tịch huyện là người liên tục kêu gọi bảo vệ rừng, chống lâm tặc vì đây là địa bàn diện tích rừng rất lớn. Ông liên tục chỉ đạo lực lượng kiểm lâm, công an triệt phá lâm tặc.

Và rồi, người dân ngã ngửa khi thấy trong nhiệm kỳ cuối cùng, ông bắt đầu cho xây một dinh thự gỗ sát nách Hạt Kiểm lâm. Những cây cột tròn cực lớn, toàn gỗ căm xe, cà chít được ồ ạt chở về. Những tấm ván nguyên khối gỗ hương, gỗ cẩm cũng được tập kết. Những bộ bàn ghế lớn đến mức phải vài chục người khiêng cũng được xe tải loại lớn đưa về nhà ông.

Trao đổi với chúng tôi, ông chủ tịch huyện có vẻ khá tự hào khi căn nhà này được ông thuê thợ từ tận miền Trung vào chế tác, ròng rã suốt 3 năm mới xong. Trong cái thị trấn bé nhỏ, nhà ông và những vị cán bộ khác, được làm từ máu của rừng.



Biệt phủ gỗ quý của Chi cục trưởng KL Quảng Trị

Tôi ở Long An, mỗi khi có khách về tôi thường hay dẫn họ đi tham quan di tích lịch sử cấp quốc gia Nhà trăm cột – niềm tự hào về kiến trúc của người dân Long An. Căn nhà này của một đại gia siêu giàu thời phong kiến, khi mà gỗ rừng còn nhiều vô kể. Thế nhưng, khi tham quan căn nhà của ông Chủ tịch huyện nghèo, tôi thấy Nhà trăm cột chỉ là “con muỗi” so với dinh cơ này. Cho làm nhà bếp, có lẽ ông cựu chủ tịch cũng không thèm chấp.

Tôi nghĩ, lâm tặc có lẽ sẽ chạnh lòng khi thấy những gì quý nhất của rừng nằm ngạo nghễ ở nhà cán bộ… chống lâm tặc.

Trên khắp dải đất hình chữ S này, nhà gỗ triệu đô không hiếm. Nhưng những căn nhà này không thuộc về giới siêu giàu, giới doanh nhân. Những căn nhà này, trớ trêu thay, lại là nhà của cán bộ. Sau lệnh đóng cửa rừng, những món đồ gỗ, nhà gỗ này càng trở nên vô giá.

Một thực tế là, nhà cán bộ càng to thì lũ càng lớn, dân chết càng nhiều. Những căn nhà xa hoa này, được đánh đổi bằng mạng dân.

Quý vị ngủ có ngon không, khi dưới chân mình là xác dân lập lờ trong lũ dữ?

T.C.H.D.

Nguồn: Báo Sạch

CƠ CHẾ 'CỜ LỜ VỜ'

NGUYỄN ĐẠI/ TD 16-10-2020

Khoảng 4 năm trước, ngày 2-12-2016, nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Ngân Hàng Phát Triển Á-Châu (ADB), thủ tướng Phúc đã gây “chấn động” trên cộng đồng mạng với bài diễn văn có một đoạn như sau: “Mong ADB tiếp tục hỗ trợ, đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác của khu vực như: Tiểu vùng Mekong, ACMECS, Cờ Lờ Mờ Vờ và Cờ Lờ Vờ về kết nối các nền kinh tế, hạ tầng giao thông, giảm nghèo bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu”.

Ông Phúc, đương kim Thủ tướng Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, “đăng ký thương hiệu” “Cờ Lờ Mờ Vờ” và “Cờ Lờ Vờ” từ đó. Có ai vui tính tặng ông thủ tướng cái tên “Bảy nghẻo”. Người nói có thể nghẻo, bây giờ hoặc sau này, nhưng có vẻ như bảy (7) chữ nổi tiếng đó sẽ không bao giờ nghẻo, sẽ đi theo tác giả nhiều năm sau.

Nếu nói chín trong mười người Việt nam trưởng thành đều biết tác giả của bảy chữ đó là ai cũng không phải là quá cường điệu. Hình như nó trở thành tên gọi của một cơ chế? Cơ chế “Cờ Lờ Vờ”.

Có thể nói mà không sợ tranh cãi là diễn văn mà ông Phúc đọc đó do người khác viết. Vậy thì ai viết? Trình lên cho thủ tướng (TT) khi nào? TT có đọc trước không? Tại sao TT không kiểm tra lại với tác giả bài viết? Đành rằng rất tức, nhưng ông Phúc cũng đủ tỉnh táo để không khui một con “cờ” (một “đồng chí” đánh máy chẳng hạn) để đổ lỗi, bởi nếu khui ra sẽ “rối” và  “thối” nữa, nên phải “lờ” và “vờ” đi.

Tương tự, một cuốn sách tập đánh vần Lớp Một do nhiều Giáo Sư, Phó Giáo Sư, Tiến sĩ, Thạc sĩ biên soạn lại dính một loạt những lỗi “kinh hoàng”. Thử đặt một số câu hỏi tương tự: Ai viết? (Không lẽ mấy ông GS, TS đó mỗi người viết vài trang? Nếu vậy, thì ai viết trang nào?). Ai đọc lại để chỉnh sửa bản thảo? Ai ký phê duyệt bản cuối cùng trước khi cho in? Không thấy “khui” ra “con cờ” nào, bởi tương tự như trường hợp của TT Phúc, khui ra sẽ “rối” và “thối” nữa.

Trong vụ ông Phúc thì “lời nói thoảng gió bay”, nhưng vụ sách giáo khoa thì “giấy trắng mực đen” tới mấy trăm ngàn cuốn, không thể nào cứ nghẻo, cứ “lờ” và “vờ” đi là xong được. Dân mạng đâu chịu! Nên các giáo sư, tiến sĩ chủ biên phải đăng đàn “chữa lửa” rằng: phải nhìn cuốn sách như nhìn một cô gái, tổng thể “đẹp là được” còn soi chi tiết sẽ thấy vết đen vết trắng là chuyện thường, rằng giáo viên phải có nhiệm vụ giảng cho “trong sáng” sách giáo khoa, rằng học sinh lớp Một cần “hiểu cái sai” để “làm cái đúng” v.v…Càng chữa càng cháy, càng bao biện càng tào lao.

Vấn đề là bây giờ chỉnh sửa làm sao, đồng loạt xé bỏ mấy trang đó? Tuyển lại một đội ngũ soạn sách giáo khoa khác? Vậy còn tiền kinh phí chính phủ, và tiền mua sách có trả lại cho phụ huynh không? Tiền vô túi rồi, lỡ tiêu xài, lo lót cấp trên rồi, làm sao thối lại. Càng khui, càng “rối” và “thối”, vậy thì cái chắc sẽ là “lờ” và “vờ” đi, cho tới năm sau, lại “cải cách” tiếp.

Rồi tới vụ bão lụt hiện nay ở miền Trung, tin tức ghi nhận là có một tướng, một số sĩ quan cấp tá và úy trong quân đội đã đi cứu hộ và qua đời. Lại thử đặt một vài câu hỏi tương tự như hai vụ trên: Ai ra lệnh cho quân đội đi chống lũ? Ai yêu cầu quân đội tham gia cứu hộ? Kế hoạch như thế nào? Từ lúc nào, trong quân đội VN các tướng tá phải đi trước để nắm bắt thông tin trước khi ra lệnh, mà không phải là các đơn vị đặc nhiệm?

Ai phải chịu trách nhiệm về những hy sinh không cần thiết và những cái chết oan uổng của những tùy tùng, và người dân vô tội. Các tướng tá và sĩ quan đó đem theo phương tiện gì để cứu hộ? Đi bằng xe làm sao băng qua vùng lũ, và thấy được gì? Tại sao không dùng trực thăng v.v… Càng khui lại càng “rối”.

Điều “nhức đầu” trong vụ này là lần này liên quan đến “nước”, không phải “lửa” như vụ Đồng Tâm, nên không kiếm ra tụi phản động, khủng bố nào “đổ” nước mưa xuống hố làm cho các đồng chí phải hy sinh. Có vẻ như không thể (hay không nên) khui ra con “cờ” trong vụ này, nên phải kéo cờ rủ, phong liệt sĩ, rồi thì “lờ” và “vờ” đi.

Cơ chế “cờ lờ vờ” quả thật bi hài, như khởi thủy của nó.

LÀM THỦY ĐIỆN Ở VIỆT NAM: 'TAY KHÔNG BẮT GIẶC'

VietTuSaiGon (Blog RFA)

Nói tới thủy điện Việt Nam, nghĩa là đang nói đến một hệ thống liên kết ma và đang chạm tới một núi tiền mà những người làm thủy điện có thể “tay không bắt giặc” trong núi tiền này. Hay nói khác đi, bạn có thể xây thủy điện mà không có đồng nào trong tay nhưng có mối quan hệ đủ mạnh để tạo ra một tài khoản ảo, một pháp nhân, sau đó chạy cho được dự án thủy điện, “thuyết phục” cơ quan cấp tỉnh duyệt dự án đó, xem như bạn bắt đầu giàu. Nói nghe như đùa, nhưng...

Tôi có đứa bạn học cùng lớp, thời đi học, hắn thuộc dạng ranh ma và sinh hoạt đoàn thể năng nổ nhất nhì trường nhưng học lại rất kém, đặc biệt là môn toán, lý và ngữ văn, hắn chưa bao giờ được điểm trung bình, hầu hết là copy bài để nộp. Thế nhưng hắn vẫn tốt nghiệp, sau đó, không biết bằng cách nào đó, hắn vẫn có bằng đại học loại giỏi mặc dù không hề thi hay học đại học. Và hiện tại, hắn là Chủ tịch Hội đồng quản trị một thủy điện loại vừa ở miền Trung.

Sau vài lần trò chuyện, tìm hiểu thông qua thằng bạn học này cộng với tìm hiểu về qui trình xây dựng thủy điện thì tôi tá hỏa, hóa ra xây dựng thủy điện không phải là chuyện như nhà nước làm tốn hàng ngàn tỉ đồng. Hiện tại, có rất nhiều công trình thủy điện được xây dựng trên một thứ qui trình ma và nguy cơ thả bom nước khi mùa mưa tới của nó là rất cao. Tôi xin mở ngoặc chỗ này, qui trình mà tôi đang nói tới không liên quan gì đến qui trình kĩ thuật, nó là thứ qui trình đóng vai trò hành lang quyền lực để đi đến quyết định một cái thủy điện mọc ra ở đâu đó. Và hiện tại, có rất nhiều vị trí thuận lợi cho thủy điện, đảm bảo an toàn bị bỏ qua nhưng người ta lại chọn những vị trí hết sức khó khăn trong việc đi lại và cơ cấu địa chất của nơi có thủy điện cũng có vấn đề. Thế nhưng các thủy điện nhỏ này vẫn nghiễm nhiên mọc lên. Bởi những chỗ nó mọc lên là một núi tiền, rừng nguyên sinh, gỗ quí, các loại đặc sản rừng rất phong phú… và đó là bước đệm cho thủy điện. Việc trình dự án thủy điện, yêu cầu đầu tiên là nhà đầu tư chứng minh về kĩ thuật, địa chất, dòng chảy, tính thiết thực và vốn điều lệ, vốn lưu động, tư cách pháp nhân của họ… Nói một cách nghiêm túc thì các vị lãnh đạo cấp tỉnh rối mù, họ cầm vào dự án thủy điện với đầy rẫy các thông số kĩ thuật, thông số kinh tế là cầm cho vui, sau đó chuyển qua bộ phận kĩ thuật để xem xét. Đương nhiên, những thằng đã nghĩ đến được chuyện mang dự án đến trình lãnh đạo tỉnh thì hắn đã mua đứt bộ phận kĩ thuật này và bộ phận kĩ thuật chỉ chờ lãnh đạo chuyển dự án sang để ngâm vài tuần cho có lệ, sau đó ký duyệt, trả về cho lãnh đạo tỉnh.

Dự án được thông qua, việc đầu tiên của “nhà đầu tư” sẽ là khoanh vùng diện tích lòng hồ và xin khai thác rừng lòng hồ. Và việc khai thác rừng lòng hồ này sẽ kéo dài chừng ba năm. Nói là khai thác rừng lòng hồ, theo diện tích lòng hồ đã được ấn định nhưng kỳ thực, diện tích rừng nguyên sinh bị khai thác là vô tội vạ và chẳng ai có thể quan sát được chuyện này. Kiểm lâm bị qua mặt hoặc bị mua chuộc. Như kinh nghiệm của thằng bạn tôi và nhiều người từng làm thủy điện thì việc làm thủy điện là việc không tốn đồng nào. Chỉ tốn cái thủ tục ban đầu, sau đó khai thác gỗ rừng để bán, và lượng tiền thu về từ gỗ rừng trên danh nghĩa rừng lòng hồ có thể dùng để xây thủy điện mà không cần bỏ thêm đồng nào vào nữa, thậm chí có trường hợp còn dư được một khoản.

Cũng có nhiều trường hợp ở Bình Phước và các tỉnh Đông Nam Bộ trình dự án xây dựng thủy điện, sau đó khai thác rừng lòng hồ bán lấy tiền, đầu tư cho việc khác và cho dự án thủy điện đắp chiếu suốt mười mấy năm. Nói như vậy để thấy hầu hết việc đầu tư thủy điện tại Việt Nam có khi không nhằm thu lợi nhuận từ mục đích thủy điện mà chỉ cần dự án được thông qua để lấy gỗ. Chính nguồn gỗ rừng phong phú, quí giá là miếng mồi béo bở của hầu hết các dự án thủy điện. Sau đó, người ta xây dựng thủy điện để tiếp tục thu lợi từ nguồn này.

Nhưng, trả giá cho các thủy điện là rừng bị cưa sạch, lớp đệm giữ nước của rừng bị bóc, thay vào đó là những cánh rừng mới trồng xanh um, tươi tốt (nếu chụp hình từ vệ tinh) nhưng kỳ thực lớp mặt đất núi đã bị tổn thương, liên kết núi bị bẻ gãy và chỉ cần một trận mưa lớn, núi trở thành cái túi đất ngậm nước, đến khi ngậm không nổi nữa thì vỡ ra, gây sạt lở, chuồi đất, lũ quét, lũ ống… Hậu quả của việc cạo nhẵn lớp mặt rừng nguyên sinh, cải tạo đất núi bằng máy xúc, máy ủi, bằng đốt rừng để trồng cây mới là không thể tưởng tượng được.

Một công trình thủy điện mọc ra, nó sẽ phá tan tành ít nhất vài chục cây số vuông kết cấu rừng và núi, nó mang lại số tiền cực lớn (có thể lớn hơn cả tiền đầu tư xây dựng thủy điện) từ việc bán gỗ rừng, trồng rừng và tiếp sau đó nó mang lại lợi nhuận từ nguồn điện bán đi và để lại mối đe dọa khôn lường cho đồng bằng, vùng trung du, hạ du. Điều này lý giải tại sao các thủy điện lại ở tít tận rừng già, đi đến hai ngày đường mới tới, thậm chí có nhiều thủy điện mà khi nghe truyền thông nhắc tới, người ta mới ngỡ ngàng biết rằng hóa ra có một cái thủy điện như vậy đang tồn tại trên núi.

Làm thủy điện trong núi sâu lợi được ba vấn đề: Tránh xa tai mắt nhân dân; Không phải tốn khoản tiền đền bù và di dời nhà dân (việc nợ tiền đền bù đất rừng và nhà cửa, cơ nghiệp của dân mà thủy điện Sông Tranh 2 gần suốt hai mươi năm nay vẫn chưa giải quyết xong cho thấy điều này) và; Rừng nguyên sinh là nguồn tiền vô tận, có thể khai thác dài hạn nhân danh rừng lòng hồ, sau đó trồng lại rừng khác, tạo ra chuỗi lợi tức từ rừng.

Chính cái qui trình có ba yếu tố vừa nêu trên là lực hút rất nhiều “nhà đầu tư” nhảy vào làm thủy điện trong khi họ có thể không có thực lực về tài chính cũng như kĩ thuật, mọi thứ đều vá víu. Nhưng bù vào đó, họ giỏi chạy vạy, chung đầu này, bít đầu kia, vay chỗ này đắp chỗ nọ để đi đến việc chính thức khai thác rừng, cầm thực vốn trên tay và bắt tay vào xây dựng thủy điện. Cũng có trường hợp tiếp tục dùng dự án thủy điện để làm bình phong, vay tiền đầu tư chỗ khác.

Bạn nghĩ gì nếu qui trình này bị vỡ? Đó là rừng nguyên sinh bị cạo nhẵn, cơ quan nhà nước ngậm bồ hòn, ngân hàng khủng hoảng, bản thân nhà đầu tư có thể trốn chạy bất kì giờ nào và công trình thủy điện được đắp chiếu nằm kinh niên sau khi môi trường bị cày nát và lũ ống, lũ quét có thể tuôn xuống hạ du bất kì giờ nào! Ngược lại, qui trình này không vỡ thì đời sống xã hội sẽ bị vỡ.

Sở dĩ có thứ qui trình thủy điện quái quỉ này là do lợi ích nhóm, do quyền lực đỏ chi phối toàn bộ đời sống kinh tế, chính trị và văn hóa tại Việt Nam. Và bởi chính cái thứ lợi ích nhóm quái quỉ này đã làm rung chuyển mọi thứ, nó làm cho kẻ trí thức trở nên ranh ma hơn trong việc xơi tái đồng loại. Cũng chính vì vậy mà khi điều trần trước quốc hội hoặc khi trả lời trước báo chí, người ta không ngần ngại mang sự thiệt hại của nhóm khác gây ra để so sánh với thiệt hại do nhóm của mình gây ra hòng loa lấp, che tội. Trường hợp ông Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết (chủ trương biên soạn sách tiếng Việt lớp 1 gây bão dư luận vì cả núi lỗi), chủ xướng của nhóm Cánh Diều không ngần ngại mang số tiền lợi nhuận hàng ngàn tỉ của mình ra so sánh với vài kilomet đường của nhóm lợi ích giao thông là một ví dụ điển hình.

Cũng may là sách của Thuyết chưa gây ra hậu quả nghiêm trọng, nếu có hậu quả, không chừng ông ta sẽ mang ra so sánh với hậu quả của thủy điện! Nói như vậy để thấy rằng ngay cả các trí thức nhà nước, họ cũng ranh ma, kệch cỡm, hợm hĩnh và xôi thịt chẳng kém gì những kẻ phàm phu. Và muốn cho đất nước này tốt hơn, những kẻ xôi thịt như ông Thuyết và hàng ngàn đồng nghiệp ông ta trong các hệ thống lợi ích nhóm nên được về hưu sớm ngày nào tốt ngày đó!

Các ông/bà về hưu, xem như hạ cánh an toàn cũng được, miễn sao các ông bà phải hạ cánh để đảm bảo sự an toàn cho tương lai đất nước!

V.T.S.G.

———

Các Thủy điện Rào Trăng 3 Rào trăng 4 - Quảng Trị là 1 ví dụ rõ ràng.
Bạn có thể tin được không khi 1 thằng nhóc 24t, bỏ ra hàng trăm tỷ đồng để đầu tư cho 1 thủy điện ''cóc'' ở 1 nơi heo hút, mà công suất chỉ vỏn vẹn 11 MW, và xây dựng gần 10 năm rồi chưa xong ???

Hình ảnh có thể có: núi, bầu trời, thực vật, ngoài trời và thiên nhiên

Nguồn: FB Nguyễn Lân Thắng

ĐỐI MẶT VỚI THIÊN TAI: PHỚT LỜ CẢNH BÁO-HIỂM HỌA KHÔN LƯỜNG

HOÀNG LÂM/ LĐO 17-10-2020

Năm 2012, Chính phủ đã phê duyệt đề án “Điều tra, đánh giá và phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá các vùng miền núi Việt Nam” với nguồn kinh phí từ ngân sách hằng năm.

Đề án này được đánh giá là “quý như vàng” bởi sự cần thiết và thực tế theo thống kê của Tổng cục phòng, chống thiên tai: Ở Việt Nam, từ năm 2000 - 2015 có 250 trận sạt lở, cướp đi sinh mạng gần 800 người, bị thương 426 người, hàng chục ngàn căn nhà bị phá hủy và hư hỏng.

Mục tiêu của đề án là xây dựng bộ cơ sở dữ liệu, bản đồ cảnh báo nguy cơ sạt trượt đất đá nhằm nâng cao khả năng cảnh báo sớm nguy cơ, phục vụ chỉ đạo sơ tán dân cư kịp thời, phòng, tránh, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai.

Theo quyết định của Chính phủ thì đề án phải hoàn thành trong năm 2020. Thế nhưng, theo báo cáo của Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản Việt Nam được TTXVN trích dẫn tháng 3.2020 thì: Do nguồn kinh phí khá hạn chế nên đến năm 2019, Đề án mới hoàn thành khoảng 30% khối lượng công việc của toàn Đề án.

Và vì thế, một bản đồ quy mô và chi tiết về các điểm có nguy cơ sạt lở chưa hình thành, đồng nghĩa với việc tính mạng hàng chục ngàn, thậm chí hàng trăm ngàn dân vẫn đang treo lơ lửng và có nguy cơ bị vùi lấp bởi sạt lở bất kỳ lúc nào. Hiện mới chỉ có 15/37 địa phương có bản đồ phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đai.

Và điều trớ trêu là ngay cả những nơi đã được cảnh báo thì lời cảnh báo ấy bị phớt lờ.

Ngày 16.10, Tiến sĩ Trịnh Xuân Hòa - Phó Viện Trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản - thông tin rằng, vào tháng 6.2019, nhóm nghiên cứu của ông đã chỉ rõ trên địa bàn huyện Phong Điền (gồm cả khu vực Thủy điện Rào Trăng 3) của tỉnh Thừa Thiên-Huế có 1 hệ thống đứt gãy chính theo phương tây Bắc - đông Nam và các đứt gãy phụ. Từ đó có cảnh báo về hiện trạng trượt lở tại khu vực trọng điểm Nhà máy thủy điện A Lin 1 - Rào Trăng 3”.

Bỏ qua lời cảnh báo của những nhà khoa học và hệ quả của nó là công trường Thuỷ điện Rào Trăng 3 gần như bị san phẳng, ít nhất 2 người chết, còn 15 công nhân vẫn đang mất tích.

Trách nhiệm của cơ quan chức năng tỉnh Thừa Thiên-Huế, chủ đầu tư Rào Trăng 3 như thế nào cần làm rõ? Còn bao nhiêu thuỷ điện vừa và nhỏ ở Thừa Thiên-Huế, ở các địa phương khác nằm trong vùng nguy cơ sạt lở mà vì mục đích kinh tế nên đã bỏ qua các cảnh báo của giới địa chất và khoáng sản?

Không thể vì thiếu tiền mà một đề án với mục đích cảnh báo, cứu người khỏi thảm họa bị đình trệ. Và càng không thể vì tiền mà các dự án cứ mọc lên bất chấp mọi lời cảnh báo, bất chấp sinh mạng của người dân, sinh mạng của những người lao động, người lính.

HOÀNG LÂM

THIÊN TAI MIỀN TRUNG, CÓ NÊN TUYÊN BỐ TÌNH TRẠNG KHẨN CẤP VÀ CHUẨN BỊ QUỐC TANG

XUÂN DƯƠNG/ GDVN 19-10-2020

Báo Nhandan.com.vn ngày 13/10/2020 đưa tin “40 người chết và mất tích do mưa lũ ở miền trung. Trong đó, có 28 người chết (22 người do bị lũ cuốn, ba thuyền viên trên biển, ba người bị điện giật do dọn dẹp sau lũ). Có 12 người mất tích (tám người do lũ cuốn, bốn thuyền viên trên biển)”.

Trước đó, ngày 12/10/2020, đoàn công tác của Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên – Huế và Quân khu 4 nắm tình hình chuẩn bị cứu hộ Thủy điện Rào Trăng 3 đã hy sinh 13 người do sạt lở núi tại trạm kiểm lâm 67.

Vào 1 giờ sáng ngày 18/10/2020, khu vực đóng quân của Đoàn kinh tế quốc phòng 337 ở tỉnh Quảng Trị xảy ra sạt lở núi khiến 22 cán bộ, chiến sỹ bị vùi. Theo báo Tuoitre.vn hiện mới tìm thấy 12 thi thể.

Huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) chìm trong biển nước. (Ảnh: Nhandan.com.vn)

Đối với người dân:

Trưa 18/10/2020, ông Đặng Trọng Vân – Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị - xác nhận đã tìm thấy 6 thi thể trong ngôi nhà bị sạt lở vùi lấp ở thôn Tà Rùng xã Húc, huyện Hướng Hóa.

Vào lúc 12 giờ 10 phút ngày 18/10/2020, báo Laodong.vn đưa tin: “Mưa lũ tại miền Trung: Thương vong gia tăng từng ngày, 64 người đã tử nạn”.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng phát biểu:

“Chưa bao giờ cùng lúc chúng ta mất cùng lúc hai tướng, nhiều sĩ quan cấp cao trong quân đội, lãnh đạo chính quyền địa phương, nhà báo trong thiên tai như sự việc lần này. Lãnh đạo Đảng, nhà nước và nhân dân cả nước sẽ luôn ghi nhớ và trân trọng những cống hiến, hi sinh của các đồng chí”.

Tình hình thiên tai, bão lũ tại miền Trung thực sự là thảm họa quốc gia và vì thế để huy động nhân tài vật lực cứu hộ, trợ giúp người dân, nhà nước nên tuyên bố tình trạng khẩn cấp hoặc tuyên bố thảm họa môi trường theo thông lệ trên thế giới.

Mặt khác, do số lượng người dân, cán bộ, sĩ quan, tướng lĩnh và chiến sĩ tử nạn quá nhiều và số lượng còn có nguy cơ tăng thêm, khi điều kiện thích hợp, nhà nước nên tuyên bố quốc tang như nhiều quốc gia trên thế giới vẫn làm./.

Xuân Dương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét