Thứ Tư, 21 tháng 10, 2020

20201022. NGHĨ VỀ HIỆN TƯỢNG 'THỦY TIÊN'

 ĐIỂM BÁO MẠNG

HIỆN TƯỢNG THỦY TIÊN
ĐẶNG ĐÌNH NGHIỆP/TD 20-10-2020


Thông tin cô ca sĩ quyên góp được số tiền lên đến con số 100 tỷ đồng đã xoa dịu đi phần nào những dòng tin dữ đầy u ám về cơn hồng thủy đang hoành hành các tỉnh miền Trung. Khá nhiều thông điệp ẩn mình từ con số 100 tỷ đồng như mơ ấy, mà nếu không đọc đúng vị của nó, thì có lẽ sự tồn vong của “cái mà ai cũng biết là ai” sẽ chưa chắc đến từ con ngáo ộp “thế lực thù địch”, mà có thể đến từ những nguyên nhân khác: Lòng tin.

Thông điệp có điểm son rất đáng mừng là lòng nhân hậu, sự trắc ẩn … giữa đồng bào với nhau không đã không hoàn toàn mai một trước những tang tóc, tổn thất về người, về của do thiên tai, do nhân họa gây ra.

Dù chúng ta đã ít nghe thấy các ca dao, tục ngữ xưa hay được dùng về những hoàn cảnh như bây giờ, như:

“Nhiễu điều phủ lấy giá gương.
Người trong một nước phải thương nhau cùng”;

Hay: “Bầu ơi thương lấy bí cùng.
Tuy rằng khác giống như chung một giàn”;

Hoặc: “Lá lành đùm lá rách”…

Nhưng thực tế, thông qua việc công chúng tự nguyện quyên góp số tiền khổng lồ để giúp cho đồng bào bị hoạn nạn, đã giúp làm hồi sinh những giá trị tốt đẹp hình thành nên những ca dao, tục ngữ ấy, dù nay đã ít được nghe thấy.

Giữa điểm son ấy, lời khuyến cáo nhân dân không quyên góp cho những người “đánh bóng tên tuổi” … của “người mà ai cũng biết là ai” đã trở nên lạc lõng và kém mẫn cảm trước nhu cầu xã hội hóa hoạt động nhân đạo mà lẽ ra chính quyền cần phải khuyến khích.

Bên cạnh đó, bằng việc công chúng sẵn sàng gởi tiền, thậm chí, gởi rất nhiều tiền cho các cá nhân làm từ thiện trong khi đang tồn tại khá nhiều tổ chức thuộc chính quyền cũng làm chức năng tương tự đã truyền đi thông điệp gì? Không quá khó để nhận ra rằng công chúng đã mất khá nhiều lòng tin vào vào sự ngay thẳng, bất vụ lợi các tổ chức kia.

Giả thiết, nếu đặt ra vấn đề khai tử các tổ chức nhân đạo thuộc chính quyền vì sự kém hiệu năng và minh bạch của chúng, thì công chúng cũng không còn mấy quan tâm nữa, vì họ đã chọn các cá nhân làm nơi tin cậy, gởi gấm tiền làm từ thiện cho mình.

Lúc này, khi hoa tươi đầy màu sắc vẫn đang được bày biện tràn ngập các hội trường rộng lớn để trang trí cho những cuộc họp chính trị quan trọng. Nhưng bông hoa đẹp nhất, ngôi sao sáng nhất không phải là những ông bà vừa đắc cử vào chiếc ghế quyền lực, mà là cô ca sĩ. Không tin, bất cứ chính khách gia nào vừa đắc cử với con số 100% cũng đều có thể kiểm chứng bằng cách kêu gọi quyên góp từ thiện như cô ấy thì sẽ rõ.

Con số 100% đắc cử là do đảng tặng. Con số 100 tỷ đồng là do công chúng giao phó. Người đắc cử 100% do đảng tặng thì không chắc được công chúng giao phó 100 tỷ. Nhưng người được công chúng giao phó 100 tỷ thì chắc chắn sẽ đắc cử 100% nếu ứng cử.

Thật vậy, cô ca sĩ ấy xinh người, đẹp nết, cả hai vợ chồng đều tài năng, gia đình hạnh phúc, được công chúng quý mến, cảm phục và tin cậy … Nếu có bầu cử tự do, cô ấy muốn ứng cử vào chức vụ gì mà công chúng đầy cảm tính lại không chiều lòng bỏ phiếu cho cô ấy, kể cả vị trí tứ trụ đang chỉ gồm những ông bà cụ lụ khụ, trông buồn bã. Nhưng xem ra, tôi mong cô ấy không nên làm điều dại dột ấy. Vì ngắm sen giữa đầm, đôi khi cũng là một thị nghiệp không nên khuyến khích…

Viết vào mùa đại hội, ngày thiên tai, nhân họa.

THỦY TIÊN VÀ MẶT TRẬN TỔ QUỐC-LÒNG DÂN VÀ QUYỀN LỰC CHÍNH TRỊ

HUY ĐỨC/ TD 20-10-2020


Con số trăm tỷ đồng của ca sĩ Thủy Tiên vận động được trong tuần qua và hơn 20 tỷ đồng của MC Phan Anh mấy năm trước không thể nào nói hết tinh thần “lá lành đùm lá rách” của người dân Việt. Hàng triệu người vẫn âm thầm quyên góp và hàng ngàn người khác đang cứu trợ trong vùng lũ và đang chuẩn bị cho các chuyến đi cứu trợ miền Trung. Số tiền thực sự vận hành bởi lòng dân là không bao giờ đong đếm được.

Trong Friendlist của tôi có nhiều bạn đang là cán bộ các hội đoàn và MTTQ hiện cũng đang ngồi thuyền cứu trợ. Tôi tin rằng các hội đoàn của Đảng, các cấp MTTQ cũng quyên góp được không ít. Nhưng, nếu phân tích các danh sách đóng góp, những người làm chính sách sẽ phải thay đổi cách tiếp cận rất nhiều.

Tôi có trong tay danh sách đóng của một “tổ chức chính trị xã hội” (cho một chương trình từ thiện khác), số tiền khá lớn, nhưng số đầu mối góp chỉ đủ đếm trên đầu ngón tay; có nơi góp dăm, ba tỷ đồng.

Rồi MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội khác sẽ mở các đợt vận động cứu trợ “đồng bào miền Trung”. Sẽ có nhiều người lên tivi tuyên bố góp số tiền 5, 10 tỷ đồng. Nhưng thành phần đóng góp đầu bảng sẽ là các doanh nghiệp nhà nước, các doanh nghiệp lớn, các doanh nghiệp “làm ăn” trên địa bàn… Cá nhân, phần lớn là cán bộ, công chức, đóng góp chủ yếu theo hình thức… khấu trừ lương. Dân chúng ngoài “hệ thống chính trị”, ở các thành phố lớn, gần như chỉ góp khi những người vận động tới cùng… tổ trưởng dân phố và Cảnh sát khu vực.

Mặc dù, Nghị định 64/2008/NĐ-CP quy định “Ngoài các tổ chức, đơn vị nêu trên, không một tổ chức, đơn vị, cá nhân nào được quyền tổ chức tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ”. Liệu các địa phương có cam lòng ngăn cản các “tổ chức, cá nhân” làm nhà chống lũ, nấu bánh chưng, mua mì tôm, áo phao… mang đến cho dân mình khi họ đang đói rét.

Không phủ nhận là cũng có không ít trường hợp tự nguyện đóng góp thông qua MTTQ hoặc các tổ chức chính trị xã hội của Đảng. Nhưng, quyền lực chính trị của đảng cầm quyền, quyền lực nhà nước đang ảnh hưởng rất lớn lên các cuộc vận động này. Tôi tin là nếu MTTQ chỉ có mạng xã hội thì không thể nào trong vòng một tuần lại có thể vận động được nhiều người tự nguyện tham gia và góp số tiền lớn như Thủy Tiên làm được.

Việt Nam đang có nhiều tổ chức cá nhân có thể quyên góp, có thể giúp người nghèo, người ở trong vùng thiên tai như Phan Anh, Thủy Tiên… Nhưng, Không biết Thủy Tiên đã trao đổi kinh nghiệm quản trị công tác từ thiện với Phan Anh; tôi chưa hình dung được, chưa có một pháp nhân, Thủy Tiên sẽ quản trị số tiền hơn trăm tỷ đồng này như thế nào.

Việc chỉ có rất ít người xin được giấy phép lập QUỸ và các rào cản trong Nghị định 64 hạn chế dân chúng nhận tiền cứu trợ, không chỉ đã đánh mất rất nhiều cơ hội bày tỏ lòng “thương nhau” của “người trong một nước”, mà người nghèo, nạn nhân bão lụt cũng khó tiếp cận với các nguồn trợ giúp.

Hoạt động của Quỹ Học Trò Nghèo Vùng Cao, Nhà Chống Lũ… cho thấy nếu không có pháp nhân thì rất khó có chiến lược giúp dân bài bản và hiệu quả.

Điều gì dân chúng làm được thì nhà nước, đảng cầm quyền không nên làm. Hãy sử dụng quyền lực chính trị đó làm những việc lớn như hòa giải, đoàn kết các sắc dân; đặc biệt, nghiên cứu chính sách giúp dân thoát nghèo. Nếu có những góc khuất mà chính sách chung không tới được hãy để “bầu bí thương nhau”. Đừng phung phí uy tín và quyền lực chính trị vào những việc mà dân chúng không những có thể tự làm được mà còn làm tốt hơn các tổ chức chính trị đang dùng rất nhiều quyền lực.

SỰ LẠC HẬU CỦA NGHỊ ĐỊNH 64/2008/NĐ-CP

NGÔ NGỌC TRAI/ TD 20-10-2020

Ca sỹ Thuỷ Tiên đang ở Quảng Trị hỗ trợ người dân do ảnh hưởng 
của bão lụt. Ảnh: internet

Sau một tuần kêu gọi cứu trợ người dân bị lũ lụt, Ca sĩ Thủy Tiên đã vận động được 100 tỷ đồng. Số tiền rất lớn trong thời gian ngắn, cho thấy tiềm năng rất lớn về hiệu quả vận động tiền cứu trợ của những thực thể “ngoài nhà nước”.

Điều này đòi hỏi một sự rà soát lại quy định pháp luật, và thúc đẩy tạo lập hành lang pháp lý bảo hộ cho những hoạt động cứu trợ như của ca sĩ Thủy Tiên.

Hiện tại vấn đề vận động đóng góp cứu trợ thiên tai lũ lụt, hiện đang được điều chỉnh bởi Nghị định 64/2008/NĐ-CP của chính phủ về “Vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo”.

Qua tìm hiểu thì thấy nội dung văn bản này quá lạc hậu, không còn phù hợp với thực tế hiện nay.

Cụ thể nghị định 64 quy định chỉ những cơ quan đơn vị có tính nhà nước sau mới được tiếp nhận và phân phối tiền hàng cứu trợ.

1. Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Hội chữ thập đỏ Việt Nam; cơ quan thông tin đại chúng của Trung ương, địa phương; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Hội Chữ thập đỏ các cấp ở địa phương.

2. Các quỹ xã hội, quỹ từ thiện quy định của chính phủ.

3. Các tổ chức, đơn vị ở Trung ương được Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho phép; các tổ chức, đơn vị ở địa phương được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, cấp huyện cho phép.

4. Ngoài các tổ chức, đơn vị nêu trên, không một tổ chức, đơn vị, cá nhân nào được quyền tổ chức tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ.

Còn theo thông tư 72/2018/TT-BTC của Bộ tài chính thì còn có thêm quy định về Các cơ quan thông tin đại chúng như báo, đài thì được tiếp nhận tiền hàng cứu trợ, nhưng không được phân phối đến cho tổ chức cá nhân, trừ trường hợp hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo đã rõ đối tượng địa chỉ.

Đối với các cơ quan đơn vị là đầu mối tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ thì số tiền huy động được sẽ phải nộp trực tiếp vào tài khoản của Ban Cứu trợ do mặt trận tổ quốc thành lập.

Như thế, xét theo quy định này thì không chỉ việc làm của ca sĩ Thủy Tiên, của diễn viên Trấn Thành, của nhiều nghệ sĩ khác hay các tổ chức tôn giáo, các doanh nhân uy tín muốn thiện nguyện phục vụ cộng đồng, đều không thực hiện đúng.

Hay nói như nghị định 64 năm 2008 “Ngoài các tổ chức, đơn vị nêu trên, không một tổ chức, đơn vị, cá nhân nào được quyền tổ chức tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ” thì việc làm của ca sĩ Thủy Tiên là không hợp pháp.

Điều này quả là vô lý và sẽ không được dư luận xã hội hiện nay đồng tình.

Hiện nay có rất nhiều người muốn trực tiếp thực hiện các hoạt động cứu trợ mà không thông qua các đơn vị của nhà nước.

Họ muốn trực tiếp thực hiện để cảm nhận được nét đẹp cuộc đời, muốn tìm thấy ý nghĩa cuộc sống, họ muốn thấu cảm được tình người, và muốn được vun đắp phẩm hạnh công dân, và điều đó hoàn toàn chính đáng, cho thấy sự sôi nổi tích cực của đời sống xã hội.

Chứ hiện nay không thể nào gò ép bắt buộc tất cả các hoạt động cứu trợ đều phải qua tay các đơn vị nhà nước được.

Ở các nước khác, hoạt động cứu trợ hầu hết là do xã hội dân sự làm, do hội đoàn tư nhân làm, những người dân có điều kiện khả năng họ kết hợp với nhau làm, nhà nước chỉ tạo lập hành lang pháp lý mà thôi.

Bởi ở các nước họ có quan điểm thu hẹp phạm vi nhà nước, dành nhiều phần không gian cho xã hội dân sự hoạt động, nếu duy trì bộ máy nhà nước cồng kềnh sẽ gây tốn kém ngân sách không có lợi cho người dân.

Việc cứu trợ ở Việt Nam lâu nay đều phải thông qua các đơn vị nhà nước, điều đó là phù hợp với hoàn cảnh của giai đoạn, nhưng đến nay điều này không còn phù hợp nữa.

Theo đó nghị định 64/2008 hiện nay đã quá lạc hậu so với cuộc sống, không phản ánh đúng những hoạt động cứu trợ đang diễn ra, cho nên cần bãi bỏ để tạo lập hành lang pháp lý mới, bảo hộ cho những việc làm như của ca sĩ Thủy Tiên.

CHUYỆN CHƯA KỂ VỀ 'THIỆN TÂM' CỦA CÁC QUAN CHỨC CỘNG SẢN...

THU HÀ/ TD 21-10-2020

Từ xa xưa, loài người đã biết “nhường cơm xẻ áo”, “lá lành đùm lá rách”… với tinh thần tương thân, tương ái, nhằm sẻ chia với những người có hoàn cảnh khó khăn, nghèo khổ, những mảnh đời bất hạnh. Nhiều đại quan hoặc phú gia còn bỏ tiền túi, công đức xây chùa chiền tặng các bậc chân tu…

Đó chính là từ thiện và việc làm đó xuất phát từ tâm, từ trái tim và lòng nhân hậu giữa con người với con người, không vì mục đích nào khác. Thế nhưng, dưới triều đại cộng sản, mọi làm đều ngược lại. Và bị kịch của dân tộc cũng bắt đầu như thế.

Câu chuyện thứ nhất…

Chùa Bà Đa được khởi công xây dựng ngày 18/10/2008 và khánh thành vào ngày 10/01/2010 tại Mỹ An, Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng, với tổng kinh phí thiện đức xây chùa gần 20 tỷ đồng, do vợ chồng Thân Đức Nam – Đặng Thị Thu Thuỷ bỏ ra. Thời điểm đó Thân Đức Nam là Tổng giám đốc Cienco 5, sau này là Phó Chánh văn phòng Quốc hội.

Thân Đức Nam (trái) và Trần Văn Minh (phải) trong ngày 
khánh thành chùa Bà Đa. Photo: Giác Ngộ
Nguyễn Bá Thanh (phải) tại lễ khánh thành chùa Bà Đa. Photo: 
Giác Ngộ

Thiên hạ đồn rằng Thân Đức Nam bịp với chủ tịch Nguyễn Minh Triết rằng, hồn ma một người ruột thịt (đã chết) của ông Triết, vật vờ do không siêu thoát. Họ Thân hay chuyện, đã mời pháp sư ra tay dìu hồn về chùa này… quy y. Nguyễn Minh Triết tin đến sái cổ.

Ngày 24/8/2009, Thân Đức Nam điều được ông chủ tịch nước và bộ sậu chính quyền Đà Nẵng đến dâng hương và tham quan. Từ đó về sau, rất nhiều lần Nguyễn Minh Triết ghé về chùa Bà Đa để cúng dường. Quan hệ giữa ông Triết và Thân Đức Nam nồng ấm đến độ, ông nhận Nam làm em nuôi và hậu thuẫn tuyệt đối trên đường tiền tài, danh vọng. Thế mới thấy rằng, đằng sau công việc được cho là từ thiện của đại gia và quan chức là cả một quy trình mưu mô đầy toan tính.

Ông Nguyễn Minh Triết (ngồi bên phải) tại chùa Bà Đa. Ảnh: 
Giác Ngộ
Chủ tịch Nguyễn Minh Triết tặng bức tranh thêu cho 
chùa Bà Đa. Ảnh: Giác Ngộ

Câu chuyện thứ hai…

Chùa Linh Ứng 3 được nhà sư Thích Thiện Nguyện tổ chức xây dựng vào ngày 4/7/2004 và khánh thành ngày 30/7/2010 tại Bãi Bụt, Sơn Trà, Đà Nẵng. Ngày động thổ, bắt đầu đổ mẻ bê tông đầu tiên, vợ chồng Nguyễn Bá Thanh đã mở túi vốc một nắm vàng ném xuống chân móng chùa.

Tất cả những người dự lễ khởi công đều giật mình kinh ngạc, trước độ giàu và “chịu chơi” của vợ chồng Nguyễn Bá Thanh. Mấy ai biết rằng, rút kinh nghiệm từ lần “chết hụt” ở Vụ án cầu Sông Hàn và Phạm Minh Thông đưa hối lộ năm 2000, Nguyễn Bá Thanh không trực tiếp nhận tiền từ bán công sản, dự án. Các con buôn và nhà đầu tư sẽ được ấn định con số từ vài chục tỷ cho đến trăm tỷ, rồi chuyển khoản hoặc nộp tiền mặt “ủng hộ chùa”. Nhà chùa sẽ cấp cho một giấy “chứng nhân công đức” ghi rõ số tiền, vậy là xong thủ tục.

Dĩ nhiên, tiền từ chùa sẽ chảy ngược về nhà Nguyễn Bá Thanh. “Cơ chế” ấy vận hành được 4 năm, thì Nguyễn Bá Thanh chết vì bị đầu độc phóng xạ.

Câu chuyện thứ ba…

Năm 2017, thông tin trên Tiếng Dân tiết lộ, Trần Đại Quang vừa cúng chùa Vĩnh Nghiêm một cặp đèn trị giá 19 tỷ. Cặp đèn có ghi dòng chữ: “Gia đình Đại tướng Trần Đại Quang tiến cúng”.

Thật ra, trước đó không lâu, Trần Đại Quang bỗng mắc bệnh hiểm nghèo “ung thư máu ác tính”, đã qua Nhật Bản nhập viện xạ trị. Xem bói, thầy phán, phải dốc hầu bao làm từ thiện, mua phước, may ra trời đất ngó lại. Vậy là bọn đàn em Vũ “nhôm”, Khoa “khàn”, tướng Thành “đầu đinh”… vội vã bỏ tiền thuê thợ đúc đồng, điêu khắc chế tác để cúng dường tại chùa Vĩnh Nghiêm, hòng nhờ các bậc cao tăng ra sức cầu phúc khỏi bệnh cho Trần Đại Quang.

Cái kết như mọi người đã rõ, khi nội bộ ra tay tiêu diệt lẫn nhau, không thánh thần nào cứu nổi. Trần Đại Quang gục chết tại bàn, do cố bám víu quyền lực khi sức cùng lực kiệt.

Cặp đèn gia đình Trần Đại Quang cúng tiến. Nguồn: 
Tiếng Dân

Chuyện sẽ không bao giờ hết…

Mùa hè năm 2016, về Đà Nẵng họp trường PTTH, nhân kỷ niệm 30 năm ngày ra trường, bà Nguyễn Phan Diệu Phương (vợ ĐBQH Phạm Phú Quốc) đã tặng cho trường 300 triệu đồng làm quỹ học bổng. Sẽ đáng tuyên dương và không có gì đáng chỉ trích nếu như đó là đồng tiền lương thiện do chính sức lao động của bà làm ra.

Đằng này đó là tiền dơ bẩn, thành quả mà phu quân của bà, Đại biểu quốc hội “lưu manh” Phạm Phú Quốc cùng các đồng chí của mình cướp được từ ngân sách và mồ hôi nước mắt của người dân mà có. Chỉ tội học sinh, thầy cô nơi mái trường xưa trót nhầm, khi ngưỡng mộ, tôn vinh một phu nhân quyền quý với hành động cao đẹp, mà hóa ra nàng cũng là kẻ hưởng thụ, tiếp tay cho bọn quan quyền “sâu dân mọt nước”.

Bà Nguyễn Phan Diệu Phương, vợ ĐBQH Phạm Phú Quốc tại 
trường cũ
Bà Nguyễn Phan Diệu Phương, trong ngày họp mặt 30 năm tại 
trường cũ

***

Trước năm 1975, ở các thánh đường, chùa chiền, cơ sở tôn giáo… người ta luôn răn dạy các tín đồ về lòng hướng thiện, từ bi, làm phúc cứu người. Từ liệu pháp tinh thần, tôn giáo đã hướng thiện con người đến hành đạo, hỗ trợ vật chất để giúp đời, tích đức. Hàng trăm ngàn trẻ mồ côi được nuôi dưỡng, chăm sóc chu đáo trong các tu viện ở miền Nam trước năm 1975 là một minh chứng sống động.

Người miền Nam ngày ấy vốn dĩ làm từ thiện từ cái tâm trong sáng, nhân hậu. Họ không lợi dụng những hoàn cảnh khó khăn, bạo bệnh, tật nguyền, hay những số phận dưới đáy xã hội để kêu gọi quyên tiền mưu cầu mục đích riêng tư.

Sơ Theresa Khen và trẻ mồ côi tại cô nhi viện Gò Vấp 
trước năm 1975. Photo Courtesy

Từ sau năm 1975, các hoạt động thiện nguyện dần dần trở nên biến tướng. Sự “lấn sân” để chi phối của đảng cộng sản, núp dưới chiêu bài từ thiện để cài cắm các tổ chức chính trị xã hội như: Mặt trận tổ quốc, Hội LHPN, Đoàn thanh niên, Hội chữ thập đỏ, Hội bảo trợ trẻ em nghèo… nhằm “dây máu ăn phần” trên những khoản tiền quyên góp trong dân. Người của Đảng, được trang bị “bùa chú” là các văn bản thỏa hiệp từ các cấp địa phương, lẫn trung ương, cho họ cái quyền được kêu gọi, quản lý, thu tóm, vơ vét các khoản tiền, hiện vật cứu trợ trong và ngoài nước vào quỹ của mình.

Từ đó, tiền hàng cứu trợ không đến đúng những số phận bi đát, bần cùng nghèo khổ, mà lại “đi lạc” vào nhà giàu, bà con của quan chức, vào túi các đại quan. Vì vậy mới có chuyện cười ra nước mắt, dân đói không có gạo ăn, mà gạo cứu trợ bão lũ để nổi mốc meo trong kho và hàng chục, hàng trăm tỷ được các địa phương giữ lại… để xài.

Còn nhớ, hậu cơn bão ChanChu năm 2006, UBND các tỉnh thành Quảng Nam, Đà Nẵng, Huế tồn quỹ đến 40 tỷ đồng, họ giữ lại để chia nhau chứ không phân phát cho nạn nhân bão lũ. Dân tình kêu la, phản ánh, vụ bê bối này bay chuyện đến trung ương. Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng lúc đó có ý kiến chỉ đạo tại Thông báo số 116/TB-VPCP ngày 8/8/2006 của Văn phòng Chính phủ.

Ngày 9/8/2006, Văn phòng Chính phủ có Công văn số 4325/VPCP-NN gửi UBND các tỉnh, thành phố: Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính, về việc báo cáo tình hình quản lý, phân phối tiền, hàng cứu trợ cho ngư dân bị thiệt hại do cơn bão số 1 (ChanChu) gây ra. Nhưng đâu vẫn vào đó, các địa phương bỏ ngoài tai, ẳm luôn tiền cứu trợ không chịu nhả ra.

***

Nhà nước cộng sản Việt Nam tôn thờ chủ nghĩa Mác – Lê Nin, lấy đó làm kim chỉ nam. Mấy chục năm xây dựng CNXH, chế độ độc tài đảng trị tuyên truyền vô thần, chủ trương triệt hạ tôn giáo, báng bổ thần linh và đàn áp đẫm máu các tín đồ. Nay, đảng cộng sản quay sang lợi dụng tôn giáo, tín ngưỡng để phục vụ ý đồ cho công cuộc cai trị.

Lãnh đạo từ trung ương đến địa phương “ăn không chừa bất cứ thứ gì”, đến nỗi dân tình kêu than rên xiết dưới ách thống trị hà khắt và khát máu. Nực cười khi cán bộ, đảng viên các cấp, trong đó có cả những lãnh đạo cấp cao… đem tiền cướp được của dân để làm thiện nguyện, dâng lễ cầu tài, cầu cho lên chức, lên lương, cầu trường thọ… thậm chí cầu cho thoát khỏi vòng lao lý khi phạm tội.

Sẽ không có thần linh, Phật pháp từ bi nào chứng giám cho những kẻ lòng dạ còn hơn loài ác quỷ. Trong giáo lý nhà Phật, tất cả mọi sự việc xảy ra trong đời sống đều có quy luật nhân quả. Bất cứ một việc thiện hay ác nào cũng đều có nhân quả báo ứng, tức là gieo nhân nào thì sẽ gặp quả ấy.

Cúng dường không giải được nghiệp, cúng dường bằng tiền “bẩn”, có khi nghiệp còn nặng hơn. Thay vào đó, nên làm việc thiện với đồng tiền sạch và cái tâm trong sáng, sẽ không tạo nghiệp chướng, để lại cho con cháu mình phải gánh cái nghiệp quá nặng.

PHỤC HỒI RỪNG ĐỂ CHỐNG LŨ LỤT CÓ DỄ KHÔNG ?

HOÀNG HẢI VÂN/ TD 20-10-2020 


Ông Hoàng Đình Bá. Ảnh: FB tác giả

Xin thưa là: Không dễ! Và xin thưa, rừng nguyên sinh mà phá thì vĩnh viễn mất, không bao giờ có thể hồi phục lại được. Nhưng chúng ta vẫn có thể phục hồi thành rừng tái sinh, dù thiên nan vạn nan. Thiên nan vạn nan nhưng không phải là bất khả.

Cho đến năm 1975, sau nhiều năm bị bom đạn và chất hóa học cùng với việc phá rừng làm rẫy lấy lương thực nuôi quân, nhưng dãy Trường Sơn và rừng đầu nguồn ở miền trung phần lớn vẫn còn rừng nguyên sinh. Sau đó, tốc độ phá rừng đã diễn ra chóng mặt. Ngày nay, rừng nguyên sinh không còn nữa, chỉ còn ở một số khu bảo tồn nhưng luôn luôn bị đe dọa.

31 năm trước, tôi viết bút ký “Rừng vẫn chưa xanh lá” nói về vụ kỷ luật thất đức dành cho nhà lâm sinh kiệt xuất kiêm Trưởng ty Lâm nghiệp Quảng Nam-Đà Nẵng Hoàng Đình Bá, cùng với thảm cảnh phá rừng, đăng trên tạp chí Đất Quảng. Vì bài viết đó, sau khi tôi ra Hà Nội, vẫn bị Tỉnh ủy gọi về thi hành kỷ luật “Cảnh cáo” do đã dám lật lại một quyết định của Đảng.

Là một nhà lâm sinh yêu rừng như yêu vợ con mình, là người mà cố chủ tịch Hội đồng nhà nước Võ Chí Công sinh thời đánh giá là con chim đầu đàn về lâm sinh không chỉ của Việt Nam mà của cả Đông Nam Á, ông Hoàng Đình Bá với tư cách là Giám đốc Sở Lâm nghiệp, đã đem hết tài năng của mình ra tổ chức phục hồi rừng của tỉnh này. Chỉ trong vòng 3 năm sau hòa bình, dưới sự điều hành của ông, toàn bộ đất trống đồi núi trọc mấy trăm ngàn ha đã được phủ xanh thành rừng.

Nhưng tất cả công lao của ông đã biến thành tội lỗi, ông bị kết tội là “tù binh của giai cấp tư sản” vì đã sử dụng kinh tế tư nhân để phục hồi rừng. Ông bị cách chức, khai trừ ra khỏi Đảng, kéo theo đó là toàn bộ rừng do ông tổ chức phục hồi lại biến thành đồi núi trọc, và sự kiêu ngạo tham lam của con người cứ thế tấn công vào rừng rậm.

Trước đó, khi còn ở miền Bắc, ông là tác giả dự án bảo tồn Rừng Quốc gia Cúc Phương, nơi được đánh giá là khu bảo tồn rừng nguyên sinh tốt nhất nước ta hiện nay. Ông vào Nam trong chiến tranh, vẫn là người kiên quyết bảo vệ rừng giữa bom đạn. Ông phản đối việc tổ chức những binh đoàn phá rừng sản xuất lấy lương thực nuôi quân mà ông cho rằng không hiệu quả, chỉ có rừng bị phá còn sản xuất thì không đủ nuôi chính những người sản xuất.

Cũng giữa chiến tranh, ông cảnh báo, nếu giữ cung cách quản lý quan liêu như miền bắc hồi ấy, thì sau hòa bình sẽ diễn ra tình trạng “chảy máu chất xám”, ông thẳng thắn nói điều đó giữa Đại hội Đảng bộ Khu 5. Giám đốc Công an Khu hồi ấy đã ký lệnh bắt ông, nhưng nhờ Bí thư Khu ủy Võ Chí Công can thiệp nên ông mới không bị làm sao. Sau hòa bình, ông đã từ chối chức vụ Thứ trưởng để đem hết tâm huyết khôi phục rừng và ông đã trả giá.

Từ mấy chục năm trước, ông đã cảnh báo tần suất lũ lụt sẽ ngày càng nghiêm trọng và nguồn nước ngầm sẽ cạn kiệt nếu như không giữ được rừng. Mỗi khi lũ lụt diễn ra, tôi lại nhớ tới ông. Những ngày này, khi đồng bào miền trung phải oằn mình đau thương chết chóc trong cơn lũ trầm trọng nhất trong 10 năm trở lại đây thì bạn tôi báo tin ông đang rất yếu, ông đã gần 90 tuổi rồi còn gì. Ông đã làm tất cả những gì mà một con người có thể làm được để giữ rừng, ông chính là vị Thần Rừng mà đồng bào Quảng Nam quê tôi ngưỡng mộ mỗi khi nhắc đến. Người ta đã không nghe ông, không nghe những người có tâm huyết với rừng như ông, để cho người dân lương thiện bây giờ phải trả giá thay cho họ.

Đối với tôi, đây là Bút ký đầu tiên để chuẩn bị bước chân vào nghề báo chuyên nghiệp. Ông đã dạy cho tôi rất nhiều điều về cây cỏ, về sông suối, về sự khiêm tốn của con người trước thiên nhiên và về hậu quả của sự ngạo mạn. Mất rừng, không chỉ là thảm họa do lũ lụt. Mất rừng, mạch nước ngầm cũng sẽ cạn kiệt, sự sống của con người và cỏ cây sinh vật cũng bị thu hẹp. Ở quê tôi, rừng đầu nguồn bị mất cộng với một loạt dự án thủy điện đầu nguồn sông Thu Bồn – Vu Gia, phố cổ Hội An cũng sẽ không còn, ông đã cảnh báo từ hơn 30 năm trước, giờ thì sự sạt lở đang hiển hiện. Nếu không phục hồi rừng đầu nguồn thì phố cổ Hội An không bao lâu nữa sẽ chỉ còn là phế tích.

Gần 10 năm nay, nhớ lời ông mà tôi đã đi trồng cây để tạo một cái vườn rừng be bé nơi tôi ở. Và thương mến biết bao những bạn trẻ đang bỏ phố về quê để trồng cây tạo vườn rừng. Không thể khôi phục lại rừng nguyên sinh, nhưng mỗi người trồng ít nhất một cái cây, rừng sẽ tái sinh, tại nơi chúng ta ở, lan tỏa ra những nơi khác. Hy vọng sẽ có một phong trào tình nguyện trồng cây gieo hạt ở rừng đầu nguồn, chắc chắc nhiều bạn trẻ sẽ tham gia, người lớn tuổi như tôi cũng nhất định sẽ tham gia.

Mỗi người một cái cây, ngay từ bây giờ. Sẽ không ngăn được thảm họa trong hiện tại và tương lai gần, nhưng sẽ ngăn được thảm họa trong tương lai cho con cháu. Nếu thực hiện nghiêm ngặt việc đóng cửa rừng và cấm sử dụng gỗ rừng tự nhiên, thực hiện nghiêm ngặt Chỉ thị cấm săn bắt tiêu thụ động vật hoang dã, kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng thuốc trừ sâu diệt cỏ và mỗi người trồng một cái cây, thì rừng nhất định sẽ tái sinh. Tất nhiên phải trồng những loài cây có bộ rễ sâu mới có thể tái sinh rừng. Không chỉ có chúng ta trồng cây gieo hạt, động vật hoang dã, nhất là chim chóc và côn trùng cũng sẽ làm nhiệm vụ gieo hạt. Và gió lành cũng làm nhiệm vụ gieo hạt với chúng ta.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét