Thứ Tư, 14 tháng 10, 2020

20201015. NGHĨ VỀ PHẠM ĐOAN TRANG

 ĐIỂM BÁO MẠNG

ĐOAN TRANG TRONG MẮT TÔI
HOÀNG ÁNH/TheNewViet /BVN 10-10-2020

Ngày trước, mẹ tôi từng bảo tôi: “Nghề giáo không làm ta giàu có nhưng cho ta cơ hội biết được rất nhiều người và có vị thế bình đẳng với mọi người trong xã hội”. Đúng vậy, nhờ nghề này tôi có thể có cơ hội tiếp xúc với rất nhiều người quyền thế và cũng làm quen với nhiều người, nhất là người trẻ. Một trong những người đó là Phạm Thị Đoan Trang, người liên tục xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng thời gian gần đây.

Dù Trang luôn giới thiệu với mọi người, tôi là giáo viên của em nhưng tôi thật không dám nhận vinh dự này. Đúng là Trang là sinh viên ĐH Ngoại thương K35 và đúng là tôi có dạy lớp em nhưng chỉ dạy có một môn trong một học kỳ trong lớp xấp xỉ 100 sinh viên, em lại không thể hiện gì nên ấn tượng của tôi với em cực kỳ mờ nhạt. Ngoại thương là một ngôi trường tập trung nhiều trai xinh gái đẹp, hoạt ngôn, hồi ấy Trang chỉ một cô gái ít nói, không xinh đẹp lại không ăn diện, thành tích học tập cũng chỉ ở mức khá.

Ngược lại, những kiến thức tôi dạy lúc ấy cũng chẳng có được bao nhiêu giá trị cho công việc của em khi ra trường. Sau này tôi mới biết thời gian ấy em đã làm thêm nhiều công việc bên ngoài, tham gia viết báo, phiên dịch nên không nhiều thời gian cho việc học hành. Chính nhờ thành tích ấy, ngay sau khi tốt nghiệp em đã được VnExpress, tờ báo mạng nổi tiếng nhất Việt Nam lúc ấy tuyển dụng và em từng là cây bút cứng giúp tờ báo này duy trì vị thế hàng đầu trong một thời gian (và sau đó Trang về VietnamNet). Tôi cũng từng đọc nhiều bài viết rất sắc sảo và nhiệt huyết của em trên các trang báo của Tuổi Trẻ, Pháp Luật TP. HCM và rất khâm phục, tự hào vì cựu sinh viên của trường đã giỏi giang, sắc bén vượt xa thế hệ chúng tôi như vậy. Những bài viết của em cho thấy một trái tim tràn trề nhiệt huyết với đất nước và sự hiểu biết thấu đáo về những chủ đề em chọn dù còn rất trẻ nên tôi tin rằng em sẽ có một tương lai rộng mở trong nghề báo. Vì thế năm 2008 tôi hoàn toàn bất ngờ khi nghe tin em bị bắt, và sau đó gặp nhiều khó khăn trong công việc.

https://cdn.thenewviet.com/thenewviet/2020/10/121009495-10159776386834796-8136241061611602414-n.jpg

Về sau tôi mới biết việc em bị bắt giam 10 ngày, bị đối xử rất tàn tệ hóa ra lại vì một lý do rất ngớ ngẩn. Đó là em cùng nhiều người nữa, trong đó có cả nhà văn Trang Hạ, đứng ra tổ chức in và quảng bá bán áo T-shirt in hình Hoàng Sa – Trường Sa! Năm đó là năm tổ chức Olympic Bắc Kinh, cả thế giới sôi sục vì những hành vi láo xược của đoàn cổ động viên Trung Quốc, như đánh những người biểu tình phản đối ở nước ngoài, đến mức đoàn rước đuốc của Trung Quốc ở nhiều nước phải hủy bỏ hoặc chui qua nhà kho để tránh bị phản đối. Còn người Việt Nam thì sôi sục với việc mọi vận động viên của Trung Quốc đều mặc áo có in hình bản đồ Trung Quốc có cả Hoàng Sa - Trường Sa. Nhà nước Việt Nam lúc ấy đã có hành xử rất khó hiểu khi một mặt thì phản đối Trung Quốc đòi chủ quyền với những hòn đảo này, mặt khác lại đàn áp những người Việt có cùng hành động như vậy!

Hàng loạt người bị bắt thời gian ấy mà không ai hiểu lý do vì sao cả! Thậm chí sau này Trang còn hài hước kể lại là em chỉ mới kịp tham gia thiết kế áo và quảng bá, chưa kịp nhìn thấy cái áo ra sao, nói cách khác là “Áo em chưa mặc một lần” thì đã bị bắt, bị quy tội chống đối mà em không kịp hiểu gì. Một người có biết vụ việc kể cho tôi là công an hack trang Yahoo Messenger của Trang, (lúc ấy chưa có Facebook hay bất kỳ trang mạng xã hội nào khác), in ra hàng chục trang, không tìm được bằng chứng kêu gọi bạo động nào nhưng họ vẫn bắt giam em. Theo tôi hiểu thì họ chỉ là sợ hãi những cá nhân có ảnh hưởng, muốn dập tắt những tiếng nói độc lập, e sợ làm mất lòng Trung Quốc chứ không phải vì những cá nhân đó có vi phạm luật pháp. Nhưng hành vi độc ác một cách không cần thiết đó, dù có thể dẹp yên dư luận trong ngắn hạn nhưng hậu quả sâu xa hơn là đã biến hàng loạt những người trẻ nhiệt huyết từ chỗ chỉ muốn phản biện xã hội một cách ôn hòa, trở thành những người đấu tranh quyết liệt.

https://cdn.thenewviet.com/thenewviet/2020/10/120996367-10158751102173808-1252586805441225785-o.jpg

Phạm Đoan Trang trong cuộc biểu tình đầu tiên mùa hè đỏ lửa năm 2011 (Ảnh: Nguyễn Lân Thắng)

Sau khi em được thả, tôi có tìm cách tiếp xúc với em đơn thuần chỉ vì quan tâm nhưng đều không thành công. Bạn bè kể là em không muốn gặp ai cả vì sợ làm liên lụy đến mọi người do em luôn bị công an theo dõi. Vì thế tôi chỉ có thể nhắn tin hỏi thăm em, được biết em tham gia vào dự án viết sách về Biển Đông, nên tôi cũng an tâm. Chúng tôi chỉ chính thức gặp lại nhau trong các cuộc tuần hành Vì một Hà Nội Xanh, trong chiến dịch phản đối chính quyền chặt phá cây xanh ở Hà Nội. Đến bây giờ cũng không ai hiểu lý do của quyết định ngu xuẩn đòi chặt một lúc 6.700 cây ở một thành phố đang vô cùng thiếu cây xanh như vậy. Dù phong trào phản đối chặt cây đã rất tích cực nhưng hàng ngàn cây xanh đã chết oan chỉ trong vài ngày ngắn ngủi, để lại hậu quả là Hà Nội trở thành thành phố có chỉ số ô nhiễm không khí cao nhất thế giới như ta thấy hiện nay!

https://cdn.thenewviet.com/thenewviet/2020/10/2ac81-a25cc2589nh2bchu25cc25a3p2bma25cc2580n2bhi25cc2580nh2b2018-02-262blu25cc2581c2b4-29-022bch.png

Mặc dù chúng tôi thuộc những nhóm khác nhau nhưng đã phối hợp với nhau để cùng tổ chức các cuộc tuần hành. Tôi đã chứng kiến thấy sự nhiệt tình, dấn thân của Trang trong phong trào. Em luôn đi đầu trong các cuộc phản đối nên luôn gặp nhiều rủi ro hơn, thậm chí khi chính quyền bắt bớ, đáng ra em có thể thoát được nhưng nhìn những cô bé mặc áo dài lần đầu đi tuần hành bị kéo lên xe bus, em đã lao theo để cùng bị bắt, đặng còn che đỡ cho các em. Kết quả là Trang bị đánh đến xuất huyết vùng bụng và bị thương nặng ở đầu gối, thương tích đó đã theo em mãi đến sau này, làm em không thể tự do di chuyển.

Mặc dù thương tích luôn đau đớn, lại bị săn đuổi đến mức em không thể ở yên một chỗ nhưng Trang vẫn không ngừng hoạt động. Mọi báo cáo về nhân quyền, về xã hội dân sự ở Việt Nam đều có tên em. Cá nhân tôi dù khâm phục nhưng luôn lo lắng cho em. Tôi mong sao em có thể tìm một cách đấu tranh ôn hòa hơn, có được một cuộc sống ổn định để còn chữa bệnh và có một cuộc sống cá nhân hạnh phúc. Vì thế tôi rất mừng khi biết em có học bổng để học ở Mỹ, tôi khuyên em nên học thạc sỹ để có thêm kiến thức cho công việc của mình, nếu được thì nên ở lại nước ngoài ít ra cho đến khi khỏe hẳn.

Nhưng sau một năm nghiên cứu em vẫn quay lại Việt Nam vì em nói là em không thể sống xa Việt Nam, chỉ ở đây em mới có thể làm được những việc mình mong muốn. Và đúng như vậy, những cuốn sách, bài báo của Trang đã chứng tỏ em không bao giờ rời xa lý tưởng của mình. Tôi không biết Trang ở đâu, cũng không cố tìm hiểu vì tôi biết điều ấy không giúp gì cho Trang, thậm chí có thể đem lại nguy hiểm cho em. Tôi không hiểu gì về công việc của em, chúng tôi chỉ thỉnh thoảng trò chuyện về những người bạn chung và tôi thấy dù bản thân gặp nhiều khó khăn, Trang vẫn luôn quan tâm, nhiệt huyết với mọi người… Tôi luôn nghĩ, nếu chính quyền biết lắng nghe, biết trao đổi chứ không thô bạo bắt giam, đàn áp những người nhiệt huyết như Trang thì rất có thể đến giờ em vẫn là một nhà báo quả cảm, bằng các bài viết và hành động của mình góp phần xây dựng xã hội này tốt đẹp hơn chứ không phải đứng ở phía đối đầu, làm cả hai bên đều thiệt thòi như bây giờ.

https://cdn.thenewviet.com/thenewviet/2020/10/120948337-1230985913927957-8144261505345120485-n.jpg

Hầu hết mọi người chỉ biết Trang là một người phụ nữ cứng cỏi, một cây viết sắc sảo, một nhà hoạt động nhiệt huyết, nhưng ít ai biết Trang cũng là một cô gái mơ mộng, lãng mạn. Em hát rất hay, nhất là hát những bài của Beatles, chơi đàn rất ngọt ngào và cũng từng có những mối tình say đắm. Cũng như mọi cô gái khác, em rất yêu mẹ mình (bố em mất sớm), thích chăm lo cho gia đình, lúc rảnh em cũng muốn trang điểm, muốn tụ tập bạn bè ở những quán café xinh xắn, hỏi thăm tình hình của nhau… Trang từng trêu chọc tôi là “Em đi khắp trong Nam ngoài Bắc, chưa từng gặp giáo viên nào như cô”, còn tôi cũng chưa từng gặp sinh viên nào can đảm, cứng đầu, có số phận đặc biệt như em.

Nghe tin em bị bắt, tôi cũng như mọi người đều không bất ngờ vì Trang đã chuẩn bị cho ngày này từ lâu rồi. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn không thể không lo lắng, không đau lòng cho em. Đọc lá thư em để lại, không hề yêu cầu điều gì cho bản thân mà chỉ mong việc em bị bắt giam sẽ trở thành điểm nhấn quảng bá cho luật bầu cử mới và những tác phẩm của em, tôi càng thêm khâm phục em. Tôi chỉ muốn gửi lời chúc bình an đến em và mong rằng xã hội Việt Nam sẽ sớm thay đổi, để những người trẻ tài năng và nhiệt huyết như Trang có thể được bình an đóng góp cho xã hội chứ không buộc phải đứng về phía đối đầu như bây giờ!

Mong một ngày không xa có thể cùng Trang cất cao tiếng hát “Nối vòng tay lớn” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trên dải đất Việt Nam này.

H.A.

Tác giả (Nguyễn) Hoàng Ánh là tiến sĩ, giảng viên đại học tại Hà Nội

Nguồn: TheNewViet

'LUẬT' CHO PHẠM ĐOAN TRANG

TUẤN KHANH/ BVN 12-10-2020

https://ci5.googleusercontent.com/proxy/PPS5Bopaz792tj_LMPystNPpEHxWdjn572nlU9eUzpGlD6E55frYsioOfESI5MCVt0GoqSwl3xWhph_HODqGMLJdrUyBXJHLJA7or57iQMgi=s0-d-e1-ft#https://cdn.thenewviet.com/thenewviet/2020/10/2020-10-10-3.jpg

Trong những ghi chép của tôi về Phạm Đoan Trang, có rất nhiều chi tiết mà hôm nay khi lật xem lại, nối kết với nhau, chợt thấy đã đủ trở thành một cuốn sách biểu trưng, mô tả hành trình một thanh niên lớn lên từ nền giáo dục xã hội chủ nghĩa, bật ra nhận thức giữa những vòng thép gai tuyên truyền, lên tiếng và trở thành một biểu tượng của thế hệ Việt Nam sau 1975, quyết dấn thân cho một lý tưởng vì đất nước mình.

Nhưng điều quan trọng là hành trình đó đã cùng lúc giúp mô tả rõ luật pháp Việt Nam, tương tự như một loại vàng mã được đốt quanh năm để nhảy múa, ma mị trước mắt nhân dân, nhưng vô nghĩa. Và dù không cố tình, nhưng chính Phạm Đoan Trang đã trở thành nhân vật chính, dẫn dắt một câu chuyện hấp dẫn khiến mọi thứ lộ ra rõ ràng trong máu và nước mắt của cô, về cái gọi là luật pháp. Tôi mở lại lịch sử cuộc tranh đấu cá nhân ngắn ngủi ấy trong đêm, rồi tần ngần trước ba cột mốc chính của Phạm Đoan Trang, dự báo nhiều điều cho hôm nay của cô, mà tôi chép lại sau đây.

Phạm Đoan Trang chủ trương đấu tranh bằng lý lẽ, chữ nghĩa. Nhưng vây quanh cô thì rất khác, rất “luật pháp”.

Cột mốc đầu tiên, đó là tháng 4-2017. Sự căng thẳng vây quanh Trang đã dâng cao. Giới công an viên Hà Nội đã cất sự mềm mỏng, vui vẻ vào hộc bàn, họ dùng đến các phương tiện khác, đời thật hơn. Ra mặt hơn trước. Cuộc diễu hành bằng xe đạp tưởng niệm một năm chuyện Formosa gây cá chết ở các bờ biển miền Trung bị công an ngăn cản ở Hà Nội. Và dù không có mặt trong đoàn xe, Phạm Đoan Trang cũng bị đưa về cơ quan làm việc.

“Địt mẹ con mặt l.!” - Trang kể rằng một công an viên trẻ, sau khi không nói được lý do vì sao đưa Trang vào đồn, đã chỉ mặt Trang, quát. Khi bị Trang phản ứng lại, anh này cũng không nói gì được, lại quát “Thứ mày thì tao đái vào mồm ấy”. Sự việc diễn ra trước mặt vài viên công an, và cả những phụ nữ của ngành ngồi nơi đấy. Nhưng tất cả đều im lặng. Câu chuyện khi ấy, nó giới thiệu cho biết sự khởi đầu của giai đoạn phía an ninh không còn đối xử với Trang là một người dân phản ứng vấn đề xã hội bình thường nữa. Sau cuộc bắt giữ không luật ấy, cuộc đời nhà báo Phạm Đoan Trang bắt đầu đối diện với những điều còn khốc liệt hơn.

Cột mốc thứ hai, khi Sài Gòn và Hà Nội liên tiếp nổ ra những cuộc biểu tình để nhắc lại tình hình môi trường bị tàn phá, cũng như phản đối luật an ninh mạng và luật đặc khu vũng như chính yếu là chống Trung Quốc xâm lấn. Trang cũng xuống đường đi bộ cùng mọi người. Sự kiện đáng nhớ là lần ấy, một thanh niên trẻ khỏe im lặng cứ đi bên cạnh Trang. Dù có chút nghi ngờ, nhưng Đoan Trang nghĩ rằng chắc là sẽ không làm gì có hại, ngoài việc theo dõi.

Nhưng không. Vào lúc ồn ào, chộn rộn, bằng một cú giẫm vào bàn chân Trang hết sức nghiệp vụ để giữ lại, tay thanh niên lại đạp bồi thêm một cú vào phía dưới đầu gối khiến Trang quỵ xuống lập tức, kết quả là ngay lập tức khớp chân sưng lên ngay, tổn thương nặng. Anh thanh niên biến mất. Cứ tưởng là một chấn thương nhỏ và sẽ sớm hết trong vài ngày, nhưng rồi vì tình hình đau đớn kéo dài khiến Trang phải đi bệnh viện (từ 2015 đến 2018 thì bùng phát, đau cả cột sống). Không thể giải thích nổi là vì sao cả hai nơi Trang đến khám, sau khi chụp X-quang, các bác sĩ đều bảo đó là chuyện không có gì để đáng quan tâm. Cho đến khi cảm thấy mọi thứ quá bất thường, Trang chạy vào Nam và đến bệnh viện của một bác sĩ quen, lúc ấy mới biết cú đạp rất có nghề ấy đã khiến cô bị đứt dây chằng chéo, chỉ còn vướng một sợi cơ sắp hoại tử. Chỉ trễ một ngày, Trang sẽ phải ngồi xe lăn suốt đời.

Dây chằng chéo là gì? Vị bác sĩ giải thích cho biết những dây chằng chéo này nối kết xương đùi (ở trên) và xương chày (ở dưới) để giữ cho trục chi dưới thẳng, chịu được sức nặng của cơ thể mà vẫn co duỗi được ở khớp gối. Khi bị đứt dây chằng chéo, hai xương này sẽ không bám vào nhau mà như hai đoạn xương lủng lẳng, không thể liên kết được để chịu trọng lượng cơ thể khi đi đứng. Cú đạp vào đầu gối từ phía bên sẽ làm cho khớp gối bẻ quặt vào trong, gây đứt hoặc giãn dây chằng chéo. Tình huống thường gặp nhất là một cú đạp chơi xấu trên sân cỏ hoặc cầu thủ tennis bị khuỵu xuống trong tư thế gối gập vào trong, hay do một cú đạp mạnh từ phía bên đầu gối do một tay nhà nghề, giỏi võ thuật và biết rất rõ hậu quả gây tàn phế của cú đạp này theo luật – luật của đường phố. Dù được cứu không bị mất hẳn một chân nhưng Trang đã phải chịu tàn phế suốt đời. Mãi mãi cô không bao giờ có thể lấy lại bước đi thanh thoát ngày xưa của mình.

Cột mốc thứ ba là buổi ca nhạc của ca sĩ Nguyễn Tín vào tháng 8-2018. Không có tiếng đàn hát nào trong câu chuyện này mà chỉ có tiếng bôm bốp của chiếc nón bảo hiểm được dùng làm công cụ để đánh liên tục vào đầu của Đoan Trang. Bốn thanh niên nói giọng Bắc đặc sệt, đi xe máy đeo khẩu trang, đánh một cách chăm chỉ và toàn tâm, cho đến khi chiếc nón ấy vỡ làm đôi. Đoan Trang nói rằng, trước đó, cô bị một chiếc xe bảy chỗ với những nhân viên an ninh đưa đi, đến đoạn đường vắng. Một người có vẻ là chỉ huy ra lệnh Đoan Trang đi xuống xe. Lúc này, đường vắng và xa lạ, giấy tờ và tư trang của Đoan Trang đã bị tịch thu ngay ở chỗ định biểu diễn, nên cô phản ứng về việc không thể về được nếu bỏ lại đây. Lúc ấy, người ra lệnh bèn lấy tờ 200.000 đồng đưa cho Trang và nói cô bắt taxi về.

Trang đứng ở vệ đường, còn hoang mang vì chưa hiểu chuyện gì. Cô vẫn còn đau vì khi ngăn cản buổi diễn, những nhân viên an ninh đã đánh cô liên tục trước đó. Cô cũng nhìn thấy xe bảy chỗ ấy không đi luôn mà chạy ra xa khoảng vài trăm thước rồi quay đầu, đậu lại, nhìn về phía chỗ Trang đứng. Cũng vừa lúc ấy, hai chiếc xe với bốn thanh niên ập đến, không nói lời nào, tấn công ngay lập tức, dĩ nhiên, có cả “địt mẹ” kèm theo mỗi cú giáng. Khi họ bỏ đi, thì là lúc Trang cố gắng lết đi, nhờ người đưa cấp cứu…

Trong câu chuyện với ba cột mốc mà tôi ghi lại ở trên, cho thấy có vô số chi tiết không hề nằm trong khung luật pháp. Bạn có thể hình dung mọi thứ giống như là cách của các băng đảng sử dụng để ra uy, kiểm soát khu vực bảo kê của mình. Những cuộc tấn công một cách có hệ thống và rừng rú vào một phụ nữ đã được tổ chức hoàn hảo đến mức bất kỳ công dân nào có lòng tin vào luật pháp đều có thể trở thành nạn nhân. Và rồi Phạm Đoan Trang hôm nay thì bị bắt bởi những điều luật được đưa ra rất mơ hồ. Vàng mã lại được đốt lên, múa may ở sân khấu “luật” Việt Nam.

Sẽ không ai nhắc đến những câu chuyện này trong phiên tòa sẽ diễn ra với Đoan Trang. Sẽ chẳng bao giờ có chuyện nhà nước Việt Nam đàn áp những người dân. Sẽ chẳng có ai tranh đấu ôn hòa bị bắt, mà chỉ có những kẻ vi phạm pháp luật. Sẽ chẳng có bao giờ chuyện đàn áp nhân quyền. Vì Việt Nam là một quốc gia luôn quan tâm và xem nhân quyền là một trong những vấn đề quan trọng để tiến bộ.

Ghi trên vàng mã, đốt trên sân khấu “luật” cùng với những kẻ mặc áo quan tòa, là những dòng như vậy.

T.K.

Nguồn: thenewviet.com


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét