Thứ Hai, 12 tháng 10, 2020

20201013. QUANH NHỮNG 'VIÊN SẠN' SÁCH GIÁO KHOA TIẾNG VIỆT 1

 ĐIỂM BÁO MẠNG

GIÁO SƯ NGUYỄN MINH THUYẾT VÀ NHỮNG 'SỰ CỐ' LIÊN QUAN ĐẾN VIỆC BIÊN SOẠN SÁCH
NGUYỄN TRỌNG BÌNH/ GDVN 9-10-2020

LTS: Liên quan đến ồn ào về sách giáo khoa phổ thông gần đây, nhà giáo Nguyễn Trọng Bình từ Cần Thơ gửi đến Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam bài viết chia sẻ góc nhìn của ông về một số sự cố trong biên soạn sách giáo khoa Tiếng Việt bậc tiểu học trước đây. Nội dung, văn phong bài viết thể hiện quan điểm của tác giả.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết này, đồng thời mong tiếp tục nhận được các bài viết trao đổi, phân tích, phản biện về các nội dung bài viết đặt ra cũng như về chương trình sách giáo khoa mới, ngõ hầu làm sáng rõ vấn đề, góp phần thiết thực vào công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Bài viết cộng tác xin vui lòng gửi về Tòa soạn qua hòm thư toasoan@giaoduc.net.vn.

Những “sự cố”

Những ngày này, dư luận lại dậy sóng về việc dạy và học Tiếng Việt lớp 1 theo chương trình đổi mới sách giáo khoa kể từ năm học 2020-2021, đặc biệt liên quan đến bộ sách “Cánh Diều” do Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết đứng tên “Tổng chủ biên kiêm chủ biên” mà các quý phụ huynh đã phản ánh.

Nếu tôi nhớ không lầm thì trước đây, dư luận đã từng xôn xao bàn tán hàng loạt vụ tương tự như vậy. Có thể điểm lại một số vụ “cộm cán” theo trình tự thời gian như sau:

- Vụ "Hai Bà Trưng đánh giặc nào?" trong sách Tiếng Việt lớp 3.

- Vụ liên quan đến hai từ "ngọt sắt" hay "ngọt sắc" trong sách Tiếng Việt lớp 4.

- Vụ trích dẫn ngữ liệu liên quan đến bài thơ "Thương ông" của nhà thơ Tú Mỡ trong sách Tiếng Việt lớp 2.

- Vụ “Thánh Gióng tắm ở Hồ Tây” trong sách Tiếng Việt và Hướng dẫn học Tiếng Việt lớp 5...

Đoạn văn với chi tiết "Thánh Gióng tắm ở hồ Tây" từng khiến dư luận xôn xao. (Ảnh: Tienphong.vn)

Một vài nhận xét

Qua tất cả những sự cố trên, cho chúng ta thấy điều gì? Cá nhân tôi có một vài nhận xét sau đây:

Có một điểm chung cho tất cả những “sự cố” trên là những lời giải thích từ phía cơ quan quản lý giáo dục, đặc biệt là của Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết – người đứng tên chủ biên các bộ sách trên - hầu như không thuyết phục được số đông công chúng (trong đó có người viết bài này). Cụ thể, như sau:

Liên quan đến vụ “Hai Bà Trưng đánh giặc nào?” đúng ra, mọi chuyện sẽ không có gì ầm ĩ nếu như Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết cầu thị, chân thành thừa nhận sơ suất khi không ghi cụ thể “Hai Bà Trưng đánh giặc Hán” để học sinh vừa học bài học về Tiếng Việt vừa hiểu thêm về lịch sử cha ông (nếu nhìn trên quan điểm dạy “học tích hợp” mà chính ông và Bộ Giáo dục và Đào tạo đang chủ trương).

Đằng này, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết cứ vòng vo, bảo thủ và chống chế: Nếu đây là bài học trong sách Lịch sử dạy về cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng mà không nêu rõ hoàn cảnh bị nhà Hán đô hộ thì rõ ràng là một thiếu sót quá lớn, nhưng đây chỉ là bài tập đọc trong sách Tiếng Việt, nhằm rèn kỹ năng sử dụng tiếng Việt cho trẻ. Vì thế, tôi đã cân nhắc và để câu đầu là: “Thuở xưa, nước ta bị giặc ngoại xâm đô hộ” [1].

Về “sự cố” liên quan đến việc sử dụng từ "ngọt sắt" hay "ngọt sắc" trong sách Tiếng Việt lớp 4, sau khi Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết giải thích để bảo vệ quan điểm sử dụng từ “ngọt sắt” trong đoạn văn của nhà văn Vũ Bằng [2] thì ngay lập tức Giáo sư Nguyễn Đức Dân đưa ra quan điểm cùng lập luận rất logic và khoa học trong bài viết “Tôi nghĩ từ đúng là “ngọt sắc” để phản biện lại như sau:

Sách giáo khoa cần tôn trọng nguyên bản của nhà văn, nhưng nhà văn cũng vẫn có sai sót như mọi ngành nghề khác.

Đó là chưa kể trường hợp nhà in xếp chữ sai, mà nhà văn không có điều kiện (hay sơ sót khi xem lại bản in) để sửa chữa.

Do đó, tiêu chí hàng đầu chọn chữ trong trường hợp có nghi vấn, theo tôi, phải là dùng chữ đã thông dụng trong xã hội. Nếu cần, có thêm chú thích bản gốc đã dùng từ nào...”[3].

Với “sự cố” liên quan đến việc trích dẫn văn liệu bài thơ “Thương ông” của nhà thơ Tú Mỡ thì sau khi Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết giải thích, phần đông các nhà quản lý, nhà nghiên cứu cùng phụ huynh học sinh đều cho rằng không nên tùy tiện hay “cứ thích là sửa ngữ liệu sách giáo khoa” [4] là sửa.

Quả đúng như vậy, so với đoạn trích bài thơ “Thương ông” được các nhà biên soạn sách thập niên 90 của thế kỷ trước đã đưa vào để dạy cho học sinh thì đoạn trích mà Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết vừa không tiêu biểu cả về phương diện nội dung lẫn tính thẩm mỹ.

Về sự cố “Thánh Gióng tắm ở Hồ Tây”, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết giải thích: “Đoạn văn của Nguyễn Đình Thi có thể gợi cho học sinh những suy nghĩ vượt ra ngoài khuôn khổ câu chuyện dân gian các em vẫn nghe, từ đó kích thích trí tưởng tượng và tiềm năng sáng tạo của các em - một trong những nội dung nằm trong mục tiêu giáo dục của môn Ngữ văn, kể từ cấp Tiểu học”.” [5]

Thật lòng, tôi không hiểu sao Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết lại có thể giải thích lý do ông và các cộng sự chọn đưa vào sách giáo khoa đoạn văn của nhà văn Nguyễn Đình Thi là để “kích thích trí tưởng tượng và tiềm năng sáng tạo của học sinh” như vậy?

Nghe ông nói tôi chợt nhớ đến những câu chuyện cười vốn là những “câu đố vui văn học” được lưu truyền lâu nay.

Đại loại như với câu hỏi “ai là người đầu tiên trên thế giới bay lên mặt trăng?”có câu trả lời là “chú Cuội” của Việt Nam (câu trả lời này là cách suy luận vui dựa vào truyện cổ tích “Chú Cuội lên cung trăng”).

Hay một câu chuyện vui khác: “Ai là người đưa ra lời cảnh báo trước tiên về vấn đề bùng nổ dân số ở nước ta?” có đáp án là cụ Tú Xương.

Đáp án vui này được suy luận từ bài thơ trào phúng “Năm mới chúc nhau” trong đó có 4 câu “Nó lại mừng nhau sự lắm con/Sinh năm đẻ bảy được vuông tròn/Phố phường chật hẹp người đông đúc/Bồng bế nhau lên nó ở non”.

Những câu chuyện vui trên là sản phẩm và bằng chứng cho thấy trí “tưởng tượng” và óc “sáng tạo” của con người.

Thế nhưng, thử hỏi chúng ta có nên đưa vào sách giáo khoa chính thống để dạy cho các học sinh không? Cá nhân tôi nghĩ là không.

Bởi lẽ, theo tôi việc “kích thích trí tưởng tượng” hay “phát triển năng lực sáng tạo” cho học sinh phần lớn và chủ yếu phụ thuộc vào quan điểm và phương pháp dạy học của giáo viên trong suốt quá trình giáo dục chứ không phải chỉ qua một hai đoạn văn cụ thể nào đó.

Và điều quan trọng nhất là việc “kích thích trí tưởng tượng” và óc “sáng tạo” phải đặt trên cơ sở, nền tảng những kiến thức, tri thức vừa có tính chuẩn mực vừa mang tính phổ quát của dân tộc hay rộng hơn là của nhân loại.

Vì vậy, dù trân trọng cảm nhận riêng của nhà văn Nguyễn Đình Thi về truyền thuyết Thánh Gióng khi ông đã tưởng tượng ra cảnh“Thánh Gióng nhảy xuống Hồ Tây tắm” nhưng tôi e rằng sự cảm nhận này chưa đạt đến ý nghĩa và giá trị mang tính phổ quát để đưa vào sách giáo khoa.

Hay thậm chí cứ cho đây là một dị bản về truyền thuyết Thánh Gióng đi nữa thì dị bản này vẫn không mang tính phổ quát.

Vì thế theo tôi, có vô số đoạn văn hay, chuẩn và độc đáo khác mà người biên soạn có thể chọn lựa trong kho tàng văn học dân tộc để đưa vào sách giáo khoa nhằm đáp ứng các mục tiêu trên thay vì đoạn văn dễ gây tranh cãi này của nhà văn Nguyễn Đình Thi [5].

Đến đây, có thể thấy, tất cả những “sự cố” về các bộ sách giáo khoa Tiếng Việt liên quan đến Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết thời gian qua trước hết là do năng lực tư duy và phương pháp làm việc của chính Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết và cộng sự.

Hay nói khác đi, đó là sự chủ quan, tùy tiện và cẩu thả của những người đang gánh trọng trách đặt những viên đá nền trong việc giáo dục trẻ em.

Những “sự cố” có tính “hệ thống” trên, một lần nữa cho thấy, việc biên soạn sách giáo khoa phổ thông nhất là sách giáo khoa ở cấp tiểu học là vấn đề rất quan trọng.

Vì đây là cấp học có tính khởi đầu, các em học sinh là những tờ giấy trắng nên không cho phép thế giới người lớn tùy tiện muốn vẽ gì lên đó thì vẽ.

Vì thế, để có được một bộ sách giáo khoa chuẩn và không bị lỗi thì những người tham gia biên soạn nhất định phải am tường về tâm lý trẻ thơ.

Bên cạnh đó, ngoài chuyện phải tuân thủ những phương pháp làm việc trên tinh thần khoa học thì sự chân thành, cầu thị để lắng nghe những ý kiến phản biện từ phía các nhà khoa học, các thầy cô giáo, quý phụ huynh học sinh là rất cần thiết.

Qua hàng loạt những “sự cố” trên, cho chúng ta thấy tính cấp bách và cần thiết phải công khai, minh bạch vấn đề lựa chọn nhân sự trong việc tổ chức biên soạn và thẩm định sách giáo khoa phổ thông ở tất cả các cấp nói chung mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đang tiến hành trong đề án “Đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục”.

Có thể nói, chủ trương xóa bỏ “độc quyền” trong việc biên soạn sách giáo khoa của Bộ giáo dục và đào tạo là đúng nhưng điều quan trọng là cần tạo ra một hành lang pháp lý để cụ thể hóa chủ trương này một cách công khai minh bạch càng sớm càng tốt.

Một người vừa là Tổng chủ biên chương trình đồng thời lại kiêm luôn “Tổng chủ biên kiêm chủ biên” sách giáo khoa thì rất khó tạo ra một “sân chơi” bình đẳng cho những cá nhân khác muốn tham gia.

Thay lời kết

Chúng ta đang “đổi mới căn bản và toàn diện” giáo dục nhưng vẫn sử dụng những nhân tố cũ, những con người cũ thì rất khó tạo nên sự chuyển biến tích cực như mong đợi.

Lãng phí thời gian, tiền bạc của Nhà nước và nhân dân là điều mà ai cũng nhìn thấy. Nhưng nỗi thất vọng và cạn kiệt niềm tin của dân chúng sau những lần đổi mới không thành công mới là vấn đề nguy hiểm và tệ hại hơn cả.

Tài liệu tham khảo:

[1] Xem bài: Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết: Tôi không việc gì phải sợ Trung Quốc” – Tạp chí điện tử Giáo Dục Việt Nam.(giaoduc.net.vn) https://ttngbt.wordpress.com/.../sach-tieng-viet-lop-3-ke-thu-cua-hai-ba-t...

[2] Xem bài:“Ngọt sắt" hay "ngọt sắc"? tạihttp://tuoitre.vn/tin/giao-duc/20140325/ngot-sat-hay-ngot-sac/599647.html

[3] Xem bài:“Tôi nghĩ rằng từ đúng là “ngọt sắc” - http://tuoitre.vn/tin/giao-duc/20140326/toi-nghi-rang-tu-dung-la-ngot-sac/599917.html

[4] Xem bài:“Không phải cứ thích là sửa ngữ liệu sách giáo khoa” tại http://www.thanhnien.com.vn/giao-duc/khong-phai-cu-thich-la-sua-ngu-lieu-sach-giao-khoa-508381.html

[5] Xem bài “Xuất xứ Thánh Gióng tắm ở Hồ Tây” tại http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/226089/xuat-xu--thanh-giong-tam-o-ho-tay--cua-nguyen-dinh-thi.html

Nguyễn Trọng Bình
TIN LIÊN QUAN:

ÔNG NGUYỄN MINH THUYẾT VỚI TIẾNG VIỆT, VÀ CÂU CHUYỆN QUẢN TRỊ QUỐC GIA

THÁI HẠO/ TD 10-10-2020

1. Trong vài tuần gần đây, những cái tên Cánh Diều, Tiếng Việt 1, Nguyễn Minh Thuyết luôn được nhắc tới với tần số mỗi lúc một cao hơn trong cộng đồng. Nguyên nhân nằm ở những phản ảnh về nhiều cái “bấp cập”, những cái “sai” và cái “dở” của cuốn Tiếng Việt 1 mà ông Nguyễn Minh Thuyết vừa là tổng chủ biên của chương trình mới, vừa là chủ biên của cuốn sách này.

Quan điểm của ông Nguyễn Minh Thuyết về tiếng Việt có thể được tìm thấy trong nhiều công trình của ông. Nhưng trước khi đến với quan điểm ấy, chúng ta cần nhìn lại bức tranh tri thức về Việt ngữ trong hơn 100 năm qua một cách khái lược nhất.

Khi người Pháp vào và đặt nền đô hộ lên nước ta, với nhu cầu xây dựng chính phủ thuộc địa và công cuộc khai thác thuộc địa, họ đã nghiên cứu trên một diện rộng và sâu cốt để “hiểu Việt Nam”. Ngôn ngữ Việt là một trong những đối tượng quan tâm hàng đầu. Tuy nhiên, họ đã không xuất phát từ đặc trưng thực tế của tiếng Việt để khái quát hóa thành tri thức; ngược lại họ đã dùng mô hình tri thức về tiếng Âu châu để áp vào tiếng Việt. Cái gọi là Chủ ngữ – vị ngữ đã ra đời từ đó. Những quan niệm về Việt ngữ từ cái nhìn Âu châu ấy đã thống trị giới nghiên cứu suốt cả thế kỷ sau đó (Lưu ý, trong giai đoạn đầu, không phải không có những người đã tiên phong chỉ ra một thứ “tiếng Việt khác” như Henri Maspero, Trương Vĩnh Ký, Nguyễn Hiến Lê… Tuy nhiên họ đã không được để ý đến, cho đến mãi gần đây).

Không bằng lòng với thứ tiếng Việt mang chiếc áo Âu châu ấy, nhiều nhà Việt ngữ học đã nỗ lực tìm ra để trả Việt ngữ học về cho tiếng Việt. Một trong những người tiên phong và đóng vai trò quan trọng nhất cho nỗ lực này là nhà ngữ học Cao Xuân Hạo. Ông, từ những lao động bằng mồ hôi trên nền tiếng Việt, đã đi đến phủ nhận cái mô hình “dĩ Âu vi trung” kia và quyết liệt khẳng định một tri thức tiếng Việt mới với mô hình Đề – Thuyết.

Những đóng góp của Cao Xuân Hạo cho Việt ngữ học và ngôn ngữ học nói chung đã đưa ông lên hàng một nhà khoa học thế giới. Những tri thức về tiếng Việt mà ông trình bày trong các công trình như “Tiếng việt – mấy vấn đề ngữ âm, ngữ pháp, ngữ nghĩa”, “Tiếng Việt – sơ thảo ngữ pháp chức năng”…, với tôi, là một sự thuyết phục hoàn toàn. Nó đã phản ảnh đúng thực tế của tiếng mẹ đẻ của chúng ta.

Tuy nhiên, những tri thức ấy đã không có được một vị trí xứng đáng trong hệ thống giáo dục quốc dân. Quan điểm của Cao Xuân Hạo vẫn là một thứ “bên lề” mà “dòng chính” là “ngôn ngữ học truyền thống”. Đó phải nói là một sự kiện không những đau đớn mà còn tai hại không thể kể xiết. Tiếng Việt có thể (và đang) bị phá hỏng khi nó được dạy trong nhà trường như một thứ tri thức xa lạ với người Việt (tất nhiên không phải là tất cả).

2. Quay trở lại với ông Nguyễn Minh Thuyết. Quan điểm của ông về tiếng Việt là “Phân tích câu theo PHƯƠNG PHÁP TRUYỀN THỐNG có lịch sử lâu đời nhất, có tính phổ quát nhất, đến tận ngày hôm nay vẫn ẩn chứa khả năng to lớn trong việc làm rõ cấu trúc và cơ chế vận hành của câu”. Và công trình “Thành phần câu tiếng Việt” (viết chung) đã trình bày cho ta thấy lại cái mô hình Âu châu đã nói trên. Trong cuốn sách có tính chiết trung này, ông Thuyết đã không quên phê phán Cao Xuân Hạo và lý thuyết của của ông khi viết “Việc phủ nhận các thành phần câu và giải thích cấu trúc chỉ bằng hai thành tố đề ngữ và thuyết ngữ dễ dẫn tới chỗ đơn giản hóa vấn đề, ÍT CÓ TÁC DỤNG HƯỚNG DẪN HOẠT ĐỘNG NÓI, VIẾT TRONG THỰC TẾ” [tr 41 – tôi – TH nhấn mạnh].

Vấn đề là những “tri thức” về tiếng Việt của Gs Nguyễn Minh Thuyết (và “trường phái” của ông) lại đang được giảng dạy chính thức trong nhà trường, với tư cách áp đảo. Trong bài viết “Về sự xuống cấp của việc sử dụng tiếng Việt và câu chuyện đối thoại văn hóa”, tôi đã nói “Quá nửa tri thức tiếng Việt đang được giảng dạy trong nhà trường là sai lầm, không phản ánh đúng thực tế tiếng Việt” [VNQĐ số 948-949, tr188]. Cũng trong bài viết này, tôi phải chua xót thừa nhận “Chân lý khoa học đôi khi chưa thể vượt qua được những thứ ngoài khoa học” [tr188].

Có quá nhiều những thứ “ngoài khoa học” đang chi phối mạnh mẽ và khốc liệt đến khoa học và giáo dục của nước nhà. Tình trạng này phải khiến tất cả những người trung thực và lo lắng cho vận nước, thấy hoang mang và đau đớn. Có rất nhiều, rất nhiều người giỏi giang ngoài kia, nhưng họ buộc phải im lặng hoặc chìm đi trong vô vàn những “tẹp nhẹp vô nghĩa lý” nhưng đầy quyền lực đang xâm chiếm vào tất cả mọi ngõ ngách của đời sống xã hội.

3. Tuy nhiên, những cái sai trong cuốn Tiếng Việt 1 rộng hơn là những vấn đề thuần túy ngôn ngữ học. Từ chuyện “xuyên tạc” Tolstoy, La fontaine… đến những cái “sai” logic và các vấn đề đạo đức văn hóa và chuyện tâm lý lứa tuổi v.v… thì chúng ta đang buộc phải chứng kiến một câu chuyện có tính khí quyển về quản lý nhà nước và các vấn đề học thuật rộng lớn. Sự bấp bênh dẫn tới bất trắc và bất an luôn tiềm ẩn và sẵn sàng bộc phát trong mọi lĩnh vực của đời sống, ngay cả đó là giáo dục – đền thiêng của một quốc gia.

GS Nguyễn Minh Thuyết, tổng chủ biên và chủ biên, có lẽ cần nhận được một cái nhìn đa chiều hơn trước sự kiện cuốn Tiếng Việt 1 này. Giả sử những tri thức tiếng Việt của ông là đúng đắn và tiến bộ trong khoa học, và (giả sử) ông có đầy lòng nhiệt huyết và ý thức trách nhiệm trong vai trò “kiến trúc sư trưởng” của chương trình thì cũng không có gì đảm bảo chắc chắn cho một sản phẩm giáo dục tốt có thể ra đời như một tất yếu. Có quá nhiều khâu, nhiều mảng, nhiều bộ phận, nhiều cá nhân tham gia vào “công trình” này. Nhưng đường lối quản lý theo thiết chế “nhân trị chủ nghĩa” (Cai trị bằng ý muốn và mệnh lệnh cá nhân chứ không phải đường lối của pháp trị) như nó đang vận hành trong toàn bộ cơ chế quản lý, thì sẽ không có một đảm bảo nào hết.

Tôi tin rằng, với một cơ chế như thế, thì ai cũng có thể trở thành nạn nhân; và thậm chí sẽ rất nhiều khi là nạn nhân của chính mình. Đấy là chưa kể đến những tri thức tiếng Việt của “trường phái” GS Thuyết lại khó mà đứng vững trước thực tế bản ngữ.

Một thay đổi trong đường lối quản trị quốc gia ở tầm vĩ mô cần được các nhà lãnh đạo nghiêm túc đặt lên bàn nghị sự một cách công khai. Đây là nút thắt và cũng là yếu huyệt trọng đại nhất sẽ quyết định Đổi mới giáo dục có thành công hay không; quyết định đất nước có thể phát triển hay không và tương lai dân tộc sẽ đi lên hay đi xuống.

“Quốc gia trên hết”. Đây phải mệnh lệnh mà những người điều hành đất nước cần dũng cảm để khẳng quyết và thay đổi. Tất cả mọi vấn đề của cá nhân, của nhóm, của đảng phái v.v.. cần phải lui về hàng dưới. Chỉ đến khi nào cái slogan này trở thành hiện thực, khi đó Giáo dục sẽ được đổi mới, đất nước sẽ được thịnh vượng. Chậm trễ đồng nghĩa với đánh mất cơ hội và làm tiêu mòn nguồn lực quốc gia, khiến tiêu ma hạnh phúc cá nhân; gây nên tình trạng rối loạn và bất an cho toàn xã hội.

_____

P/S: Đáng ra, giới chuyên môn “tháp ngà” phải là những người lên tiếng đối với một vấn đề tri thức sâu, nhưng một thầy giáo làng vô danh như tôi lại phải đi viết về một việc quá sức mình như thế này. Tại sao thế? Người ta ngại đụng chạm, sợ mất lòng, và cứ thế dĩ hòa vi quý, để mặc cho dân đen chịu nạn. Chao ôi là trí thức…

SỰ SỤP ĐỔ MỘT THẦN TƯỢNG PHẢN BIỆN

NGUYỄN THẾ KHOA/ TD 11-10-2020

Thế là GSTS Nguyễn Minh Thuyết, nhân vật từng là nhà phản biện nổi tiếng trong nước và thế giới tại Quốc hội VN gần 10 năm trước, đã phản ứng rất tệ hại sự phản biện của dư luận xã hội dành cho mình.

Bộ sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 do vị Tổng chủ biên chương trình sách giáo khoa phổ thông trực tiếp chủ biên, bị báo chí và mạng xã hội vạch ra nhiều sai sót, cho thấy trình độ và sự cẩu thả của những người biên soạn, khiến tác hại của nó là khôn lường.

Thay vì phải chân thành lắng nghe, nhận những cái sai mười mươi đã bị dư luận vạch ra để sữa chữa, ông Thuyết đã giận quá mất khôn, vụng về bênh vực cho cuốn sách của mình và cộng sự, rồi nổi đóa, lên án những ai phê bình ông là những người không tử tế, đây là đòn thù của một cuộc cạnh tranh không lành mạnh. Bất ngờ trước chất lượng quá kém của cuốn sách do ông Thuyết chủ biên, người ta còn bất ngờ hơn trước phản ứng “lạy ông tôi ở bụi này” của ông.

Hóa ra, con người nổi tiếng là rất cương trực, vô tư, vì lợi ích của đất nước, của nhân dân mà dũng cảm lên tiếng rất sắc sảo, phản biện quyết liệt các dự án bô xít Tây Nguyên, cho nước ngoài thuê rừng, đường sắt cao tốc Bắc Nam, Vinashin cùng nhiều tiêu cực, bất cập trong các cơ quan công quyền văn hóa giáo dục trên diễn đàn Quốc hội suốt hai nhiệm kỳ. Con người ấy khi trở về với môi trường giáo dục quen thuộc, có trách nhiệm lớn với thế hệ trẻ đất nước, trong tham sân si của cuộc đời, trở thành “cai đầu dài” một nhóm làm sách giáo khoa để kiếm tiền như nhiều đồng nghiệp.

Và kẻ từng quen phê phán, cật vấn những sai sót, tiêu cực của người khác đã không còn đủ sáng suốt để tự nhìn lại mình khi bị chất vấn phê phán những sai sót, tiêu cực của chính mình. Khi việc đã khuất tất, tâm không sáng thì lý lẽ quanh co, lời nói ấp úng, thậm chí cay cú. Tiếc cho sự sụp đổ thảm hại của một thần tượng phản biện xã hội, được nhiều yêu mến, tin tưởng của cộng đồng.

Khi cả ông Tổng chủ biên cũng tham gia cạnh tranh làm sách giáo khoa để kiếm tiền cho riêng mình, thì sách giáo khoa không tệ, không hại mới lạ. Và rất có lý khi từ những sai sót, tắc trách khó tin của sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 do chính vị Tổng chủ biên chủ biên, dư luận đang đòi hỏi xem xét lại tất cả các sách giáo khoa tiếng Việt, Văn và xã hội đang lưu hành trong nhà trường và cả chương trình cải cách giáo dục, mục đích thì đẹp đẽ mà cách làm thì sặc mùi thương mại, càng cải càng lùi xa không có điểm dừng…

CẢI CÁCH VÀ CÁCH CÃI

ĐỖ THÀNH NHÂN/ TD 11-10-2020

I. “Bốn cái làn, hai con ngựa”

Từ chuyện “bốn cái làn, hai con ngựa” (hình 1) … trong sách giáo khoa chương trình cải cách Tiếng Việt lớp 1 – tập 1 thuộc Bộ sách Cánh Diều, do GS.TS Nguyễn Minh Thuyết chủ biên, như giọt nước làm tràn ly để cộng đồng mạng, đủ thành phần cãi nhau sôi nổi, báo chí cũng lên tiếng.

Hình 1: “Bốn cái làn, hai con ngựa” trong SGK Tiếng Việt tập 1

Nạn nhân, người đứng mũi chịu sào cho búa rìu dư luận trong vụ này là ông Nguyễn Minh Thuyết. Ông Thuyết là Giáo sư, Tiến sĩ, cựu Giảng viên cao cấp, thuộc Khoa ngôn ngữ học của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Đơn giản là GS.TS Nguyễn Minh Thuyết đứng tên Tổng chủ biên, kiêm Chủ biên chương trình sách. Chính vì vậy mà ông phải nhận những lời miệt thị cay nghiệt, như thực tế (hình 2).

Hình 2: Ông Nguyễn Minh Thuyết và những người biên soạn bộ 
sách (trái); những lời miệt thị dành cho ông.

Đi sâu vào tìm hiểu nội dung quyển sách đầu đời dạy làm người của GS.TS Nguyễn Minh Thuyết chủ biên: Sử dụng quá nhiều ngôn ngữ địa phương miền Bắc, không mang tính phổ thông; hiếm hoi thông điệp giáo dục, giá trị nhân bản; cổ xúy cho lối sống phô trương, hình thức, lười nhác; nhiều thủ đoạn, mưu mẹo, lừa đảo để đạt được mục đích; đề cao những nhân vật là con vật chuyên sử dụng bạo lực để tranh quyền, đoạt lợi v.v…

Có người còn cho rằng, đây là quyển sách độc hại và yêu cầu Bộ Giáo dục thu hồi. Tuy nhiên, hãy nhìn nhận dưới góc độ khác, rộng hơn.

II.- Ông Nguyễn Minh Thuyết cũng là nạn nhân

1) Cải cách

Những năm gần đây, cùng với đổi mới, mở cửa về kinh tế thì Việt Nam cũng luôn cải cách về giáo dục. Những người hôm nay là cha mẹ, ông bà đang dạy cho con cháu hãy xem lại chương trình học của mình trước kia thì mức độ “phi nhân tính” cũng đã giảm khá nhiều:

– Không còn những bài toán cộng trừ xác người, đại loại như, có dũng sĩ diệt 3 tên Mỹ, 4 tên ngụy và 2 tên chư hầu, hỏi dũng sĩ diệt bao nhiêu Mỹ ngụy và chư hầu.

– Giảm đi nhiều bài văn, sử, tiếng Việt phủ đầy những tấm gương thiếu niên hy sinh của Kim Đồng, Lê Văn Tám, Võ Thị Sáu, … một cách rùng rợn và phản khoa học.

Rõ ràng, xét về yếu tố nhân tính trong giáo dục, thì đã có cải cách đáng kể.

2) Và cách cãi

Dư luận sẽ tiếp tục đánh giá “công, tội” của ông Nguyễn Minh Thuyết với tư cách “tổng chủ biên” (xem: Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết và những “sự cố” liên quan đến việc biên soạn sách); tuy nhiên, trên một góc nhìn rộng hơn, thử đặt một số câu hỏi và trả lời để có sự đồng cảm với những người biên soạn sách giáo khoa.

Câu hỏi 1: Xem lại tất cả các lần cải cách giáo dục từ năm 1975 đến nay, có lần cải cách nào dư luận đồng tình ủng hộ không? Lần này cũng không ngoại lệ, nhưng có điều, nhờ mạng xã hội, nên nhiều người được quyền chỉ trích hơn và nhiều người biết hơn.

Câu hỏi 2: Trong khi thực tế phải ghi: liệt sĩ biên giới, văn bia bị đục bỏ chữ (hình 3); ngư dân bị “tàu lạ, tàu nước ngoài” đâm chìm trên Biển Đông; những người mang khẩu hiệu “Hoàng Sa – Trường Sa – Việt Nam” bị công an mời làm việc, …; thì ai dám viết rõ “Hai Bà Trưng đánh giặc nào?” vào sách giáo khoa để dạy cho học sinh. Huống hồ chi Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết với gần 30 năm tuổi Đảng.

Hình 3: Văn bia bị đục bỏ chữ (trái) và liệt sĩ biên giới

***

Câu hỏi cuối cùng:

– Nếu có vị nào được giải thưởng danh giá quốc tế (như Nobel, Fields… ) muốn làm “tổng chủ biên” sách giáo khoa ở Việt Nam được không? Chưa chắc!

Điều kiện cần đầu tiên phải là “đảng viên”; “đảng tính” phải đặt trước “lý tính”, “nhân tính”; từ Trưởng phòng của Sở Giáo dục, đến Hiệu trưởng trường công lập – không có ngoại lệ, để bảo đảm Đảng lãnh đạo nhà nước và xã hội theo Điều 4 Hiến pháp. “Đảng tính” phải xuyên suốt toàn hệ thống của cả chương trình đào tạo, được cụ thể hóa trong chương trình sách giáo khoa.

– Còn nếu như ở vị trí ông Nguyễn Minh Thuyết là “tổng chủ biên” chương trình sách giáo khoa quốc gia, bạn phải xây dựng chương trình đúng với Luật Giáo dục (cũ 2005, mới 2019), đặc biệt là Điều 3.1:

Điều 3. Tính chất, nguyên lý giáo dục

1. Nền giáo dục Việt Nam là nền giáo dục xã hội chủ nghĩa có tính nhân dân, dân tộc, khoa học, hiện đại, lấy chủ nghĩa Mác – Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng“.

Xin hỏi:

i) Với tư cách là các nhà biên soạn sách, bạn hiểu được: xã hội chủ nghĩa là gì? từ đó mới hiểu được nguyên lý “nền giáo dục xã hội chủ nghĩa” như thế nào? Để có được triết lý giáo dục chuẩn mực cho quá trình biên soạn chương trình, bảo đảm được “tính nhân dân, dân tộc” (PS. không rõ: “tính nhân dân” khác “dân tộc” chỗ nào!)

ii) Làm sao để chương trình vừa “khoa học, hiện đại” đồng hành trên nền tảng “chủ nghĩa Mác – Lê nin” được? Trong khi, một đằng “khoa học, hiện đại” cần tự do, khai phóng, còn một đằng “chủ nghĩa Mác – Lê nin” thì độc tài, toàn trị. Ngay cả “khoa học, hiện đại” nhất thế giới như Liên Xô, Đông Đức cũng phải tự sụp đổ bởi “chủ nghĩa Mác – Lê nin” trên chính quê hương sinh ra “chủ nghĩa” này.

iii) Còn “tư tưởng Hồ Chí Minh”, từ nhiều năm nay đã đưa vào trường học rồi. Các cháu mầm non, mẫu giáo học “5 điều Bác Hồ dạy”, vào tiểu học bài đầu tiên “Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ”, tiếp đến là đọc nhiều khẩu hiệu như: “Đời đời nhớ ơn …”, “Học đi đôi với hành”, “Cần kiệm liêm chính, …” v.v…

Nhưng các cháu còn quá nhỏ để hiểu và “làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh“.

Chỉ cần đảng viên, đặc biệt là đảng viên đương chức “làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh” được, là thành quả hiện thực, trực quan lớn nhất cho nền giáo dục trên “nền tảng tư tưởng Hồ Chí Minh“.

3) Ông Nguyễn Minh Thuyết cũng là … nạn nhân!

Nếu GS.TS Nguyễn Minh Thuyết không làm “tổng chủ biên” thì cũng có hàng chục GS.TS khác sẵn sàng cho nhiệm vụ “tổng chủ biên” sách giáo khoa cải cách giáo dục.

Tuy nhiên, khi mà “tổng chủ biên” phải đáp ứng các điều kiện cần là đảng viên và phải thực hiện cải cách với “tính chất, nguyên lý giáo dục” theo Điều 3 Luật Giáo dục, thì không chắc chắn sẽ có người làm tốt hơn ông Nguyễn Minh Thuyết.

Cơ sở để khẳng định điều này là 2 nhiệm kỳ làm Đại biểu Quốc hội khóa XI, XII, ông Nguyễn Minh Thuyết trong số ít người hiếm hoi đã đăng đàn phát biểu những vấn đề gai góc, như phản đối dự án khai thác bô xít ở Tây Nguyên, các dự án cho nước ngoài thuê rừng, dự án Đường sắt cao tốc Bắc Nam; hoặc đề xuất thành lập Ủy ban lâm thời điều tra trách nhiệm trong vụ Vinashin.

Tây Du Ký là phim truyền hình nhiều tập của Trung Quốc thường phát trên VTV. Dù biết là yêu tinh đi nữa, Tôn Ngộ Không cũng không được diệt, mà phải nghe theo lời Tam Tạng, nếu muốn tiếp tục thỉnh kinh.

Các “tổng chủ biên” sách giáo khoa là con người chứ không phải thần thánh!

Hình 4: Nghệ sĩ Lục Tiểu Linh Đồng – vai Tôn Ngộ Không trong 
phim Tây Du Ký – trao quà lưu niệm cho Tổng bí thư Nguyễn 
Phú Trọng – Ảnh: NVCC.

PS: Người viết được thụ hưởng một giai đoạn nền giáo dục nhân bản, khai phóng, nên nhìn nhận nội dung sách dưới một góc độ khác: Cảm thông, vị tha, tôn trọng sự khác biệt và cố gắng giả định để tìm hiểu bản chất thực.

GIÁO SƯ TIẾN SĨ ƠI LÀ ÔNG NGUYỄN MINH THUYẾT

HOÀNG HẢI VÂN/ TD 11-10-2020

Ba cái tút trước tôi chỉ cho mấy con chó nhà tôi đùa cợt với mấy cái chữ trong sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 Cánh diều, trong khi đông đảo các bậc phụ huynh bày tỏ sự lo ngại chính đáng về nội dung phản giáo dục cùng sự cẩu thả ngớ ngẩn của những người soạn cuốn sách này. Tôi không có ý định công kích cá nhân và định không nói gì thêm, nhưng đọc những lời phản ứng của tổng chủ biên bộ sách – giáo sư tiến sĩ Nguyễn Minh Thuyết trên báo chí, tôi thấy không đùa cợt được nữa.

1- Biện bạch về việc dùng một khẩu ngữ miền là từ “chả” thay cho những từ phổ biến toàn quốc là “không” hay “chẳng” để dạy cho trẻ con bắt đầu học chữ, ông Thuyết nhất mực cho rằng vì sách chưa dạy tới vần “ông” và “ăng” nên bắt buộc phải dùng “chả”. Sự giải thích này là ngụy biện. Cả một tập thể soạn sách sao không tìm được những câu chuyện bình thường không có vần “ông” hay “ăng” mà phải làm biến dạng tiếng mẹ đẻ để dạy cho trẻ con tập đọc tập viết? Ấy là chưa kể khẩu ngữ “chả” ngay cả các địa phương miền Bắc, trẻ con dùng trong một số ngữ cảnh còn mang tính hỗn láo.

2- Các tác giả sách còn xào nấu sống sượng một số chuyện của Lev Tolstoy và La Fontaine, biến những câu chuyện tử tế của các tác giả này thành những nội dung phản cảm, phản giáo dục khiến cho các phụ huynh phản ứng, ông Thuyết còn biện bạch nói rằng đó là chuyện của Tolstoy, mà Tolstoy thì không thể viết chuyện phản giáo dục. Chuyện hai con ngựa cụ Tolstoy có viết vậy đâu, giáo sư tiến sĩ ông không chỉ có thay ngựa đực ngựa cái thành ngựa ô ngựa tía thôi đâu, ông còn thay cả nội dung của cụ Lev rồi chẻ thành hai, phần sau chẳng liên quan gì đến phần trước. Những người không có khả năng đọc hiểu, có đủ tư cách làm sách giáo dục cho trẻ nhỏ không? Mà nước ta đâu có nghèo chữ nghèo ý nghèo câu chuyện đến mức không viết nổi một mẩu chuyện đơn giản cho trẻ con tập đọc mà phải đi xào nấu sống sượng những mẩu chuyện của nước khác!

Nội dung câu chuyện được cho là trong SGK lớp 1. 
Ảnh: internet

3- Khi quy kết chụp mũ những người góp ý, ông Thuyết cho rằng họ cắt xén, xuyên tạc, thiếu tử tế, rằng do lợi ích nhóm này kia, ông Thuyết còn nhắc đến bộ sách lần đầu tiên “xã hội hóa” là sách của ông, sách của ông không dùng tiền nhà nước mà dùng tiền tư nhân. Theo ông thì “NXB Đại học Sư phạm (Hà Nội) và NXB Đại học Sư phạm TP HCM, hai NXB này phối hợp với Công ty Đầu tư Xuất bản – Thiết bị Giáo dục VN – VEPIC để làm bộ sách này. Phải nói là vốn của các nhà xuất bản trên thì ít, cho nên kinh phí tổ chức làm sách chủ yếu của VEPIC. Hai NXB lo biên tập nội dung.

Thế thì mới gọi là bộ SGK xã hội hóa”. Ý của ông là do sách của ông “xã hội hóa” vốn của tư nhân nên đang bị người ta đánh để cạnh tranh. Xin thưa, nói bộ sách này là “xã hội hóa” cũng ngụy biện. Muốn biết, hãy truy tìm VEPIC do ai lập ra, nó là sân sau của những kẻ nào? Nó do người của NXB Giáo dục lập ra đó, để làm gì? NXB Giáo dục lâu nay độc quyền sách giáo khoa, khi nhà nước chủ trương tiến tới xã hội hóa, nó liền lập ra cái này để đón đầu “xã hội hóa”.

Dù người ta nói nó không phải là đơn vị của NXB Giáo dục, nhưng nó chính là của nhóm lợi ích lâu nay chi phối NXB Giáo dục. Đừng nghĩ dân chúng dốt không biết gì, nhưng cái gọi là “xã hội hóa” kia có thiện lành gì không dân chúng chưa phản ứng, họ chỉ mới phản ứng những nội dung phản giáo dục của sách tiếng Việt lớp 1 Cánh diều thôi.

Xin nhắc lại, họ chưa phản ứng chứ không phải họ dốt không biết gì.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét