Thứ Sáu, 23 tháng 10, 2020

20201024. TÂM NGUYỆN LÀM TỪ THIỆN CỦA THỦY TIÊN

 ĐIỂM BÁO MẠNG

TÂM NGUYỆN CỦA THỦY TIÊN *

FB THỦY TIÊN/ BVN 23-10-2020

Hôm qua sau khi mình công bố số tiền chuyển khoản là hơn 100 tỷ thì rất nhiều bạn bè anh em gọi điện thoại cho mình cũng như nhắn tin rất nghiêm trọng.

Họ lo lắng cho mình, dặn mình nên khoá tài khoản lại, vì nếu không cẩn thận là coi như mất hết cả sự nghiệp tạo dựng.

Mình nhận rất nhiều lời khuyên cân nhắc của các Facebooker, nhà báo về việc nên làm như thế nào để sử dụng số tiền minh bạch hiệu quả.

Mình cảm ơn và xúc động rất nhiều vì mọi người đã rất quan tâm lo lắng cũng như muốn bảo vệ cho mình. Vì không muốn mọi người quá lo lắng quá nhiều nên mình sẽ trình bày một số quan điểm như sau cho mọi người yên tâm.

Nay Tiên viết hơi dài mong mọi người thông cảm nha!

Về ý kiến số tiền quá lớn nên cần có một tổ chức cứu trợ như một bộ máy thu nhỏ để làm việc này có hiệu quả hơn, hoặc giao cho một bên cơ quan chức năng nào đó để giải ngân tài chính minh bạch, hoặc thuê một bên thứ ba nào để đi kiểm tra tài chính v.v..

Tất cả những góp ý này, Tiên cảm ơn và ghi nhận rất nhiều, nhưng, mình không làm theo được.

Mỗi người sẽ có một quan điểm riêng để làm từ thiện, một cách riêng để giúp đỡ cộng đồng. Việc tổ chức một bộ máy cồng kềnh càng làm rắc rối và mất thời gian họp hành rồi đưa ra quyết định, nhỡ đâu trong bộ máy mình xây dựng nên có người không đàng hoàng, gây ảnh hưởng đến tổ chức thì lại càng nguy hiểm, trở thành miếng mồi ngon cho các tổ chức phản động chống phá nhà nước, nên tuyệt đối không thể.

Tiên chỉ là một cá nhân và Tiên sẽ làm việc theo cái tâm của một cá nhân mong muốn giúp đỡ cộng đồng, tiền trao tận tay để giúp đỡ bà con, không thông qua một tổ chức nào cả VÀ CŨNG KHÔNG TẠO RA Một TỔ CHỨC NÀO CẢ. Tiền người dân gửi cho Tiên đi trực tiếp giúp đỡ, là Tiên phải cầm đi, dù có cực đến mấy, nếu giao cho một cơ quan tổ chức nào thì khác gì Tiên lừa họ?

Sức Tiên đến đâu Tiên sẽ cố gắng làm đến đó, tổ chức bộ máy là công việc của nhà nước để giúp đỡ nhân dân, như covid hay là cứu hộ người dân ra khỏi vùng nguy hiểm đều là có công không nhỏ của nhà nước mình, Tiên đi ra hiện trường thực tế Tiên thấy rõ điều đó nên Tiên rất trân trọng họ.

Nhà nước mình làm những việc lớn, họ chi ngân sách nuôi quân để bảo vệ đất nước, giữ yên bình Tổ quốc, còn công việc của một người dân nhỏ bé như mình thì chỉ là làm sao giúp được cộng đồng càng nhiều càng tốt theo tinh thần lá lành đùm lá rách thế thôi.

Lúc nghe nhiều người nói và lo lắng cho mình, sợ sẽ bị làm khó dễ khi cầm số tiền quá lớn, mình có gọi điện hỏi mẹ mình: “con có nên đóng tài khoản không?”. Mẹ mình nói: “thôi con, tiền bao nhiêu cho đủ? bao nhiêu người dân còn cực khổ, mình còn lo giúp nhiều người con cứ để đó đi, không đủ mà giúp người ta xây lại nhà cửa mua giống làm ăn đâu, con cứ làm đúng tự khắc Trời Phật sẽ giúp mình, không phải lo”.

Mà thực ra mình hỏi thử lòng mẹ mình coi có sợ không chứ với mình “đã làm thì không sợ, đã sợ thì không làm”, chết mình còn không sợ thì những việc cỏn con này sợ gì mà không cố gắng được.

Người ta sống trên đời chết đi không mang theo được gì cả, tiền bạc, danh vọng, địa vị, gia đình v.v… Chết đi chỉ mang theo được cái gì người ta tạo ra bằng suy nghĩ hay hành động. Nên yêu thương được ai thì yêu thương, giúp được ai thì giúp.

Nếu như vì việc này mà mình không may mất hết mình cũng vui vẻ chấp nhận, vì mình tin rằng với số lượng người được giúp, cũng đáng để mình đánh đổi mà. Ai mà không đến lúc già đi và mất hết chứ.

Một số bạn bảo việc cho tiền cho người dân là không nên, vì như vậy thì bất cập quá, nên giúp thức ăn cho họ.

Mình rõ ràng quan điểm, mục đích chính của mình là giúp tiền mặt để người dân tái thiết lại cuộc sống sau lũ. Mình ngồi nhà qua báo chí thì nghe vậy thôi chứ không đến thực tế tận nơi thì không thể hiểu được đâu. Mình nói thật là người dân không đói đến mức không còn gì ăn, họ vẫn có hàng xóm giúp đỡ nhau, chính quyền địa phương một số nơi vẫn cố gắng gửi thức ăn cho người dân mỗi hộ 4 gói mì mỗi ngày.

Chỉ có một số vùng nguy hiểm, nước dâng cao làm trở tay không kịp, mất người và tài sản. Nước lũ dâng lên thì vài hôm cũng rút nhưng mà cái mà mình chứng kiến và ám ảnh là sự hoảng loạn của người dân khi họ mất hết, trôi hết đồ đạc nhà cửa. Các bạn xem clip không? gia súc gia cầm, vay ngân hàng để làm ăn họ bảo mất hết rồi, tủi thân lắm…, cái chén cái nồi cũng không còn mà ăn, nóc nhà, cửa, giường chiếu, gia cầm.. trôi hết rồi.. mất hết. Tiên đứng nghe nói mà khóc luôn ấy.

Cái Tiên có thể lúc đó là chỉ cho vài triệu tiền chợ búa thôi chẳng thấm vào đâu so với mất mát. Mà cái được lớn nhất khi Tiên có mặt ở đó là quăng cho họ một cái phao bằng những lời động viên. Tiên hứa là sẽ cho họ xây nhà lại cao hơn, cho họ một số tiền mua lại những cái đã trôi đi, cho vốn làm ăn để họ có thể tái thiết lập cuộc sống sau lũ. Đó là cái chính mà Tiên muốn làm, chứ không phải chỉ là đến cho vài triệu tiền chợ chữa cháy.

Tiên cũng từng khó khăn, cũng từng ước gì có ai cho mình tiền để mình ăn cái bánh mì hay ly nước mía cho đỡ đói khát, cũng từng tủi thân khi không biết ngày mai mình sẽ sống ra sao, nên Tiên hiểu khi mình quăng cho người ta cái phao ngay lúc hoảng loạn, nó giúp cho người ta yên tâm và có động lực sinh tồn nhiều đến như thế nào.

Riêng ý kiến về việc chi tiêu minh bạch đến mức chi tiết phải ghi ra từng khoản chi và phải có ekip theo làm việc này, thật sự là Tiên không đủ tiền để chi trả cho ekip làm việc này đâu ạ. Đây là việc thiện từ tâm, tất cả những anh em đi theo Tiên đều có công ăn việc làm ổn định, không quen biết nhau, nhưng khi gọi thuê xe thì họ bỏ việc không lấy tiền công, còn kêu gọi thêm anh em trong nhóm tình nguyện để giúp đỡ bảo vệ Tiên những lúc đông dân quá, khi tình hình thiếu kiểm soát.

Để đi gom được hàng cứu trợ là cả một vấn đề lớn, các bạn gái giúp Tiên là các em sinh viên đại học, tình nguyện viên tại địa phương… Lũ lớn nên giao thông khó khăn, hàng hoá khan hiếm, tụi Tiên phải chạy đi gom hàng từng đại lý lớn, siêu thị, đến những tiệm tạp hoá tiệm thuốc nhỏ, vài chục thùng mì, 5-10 chai dầu gió mỗi nơi một ít… thành đến con số hàng nghìn phần quà mỗi ngày… các chuyển khoản và tiền mặt nhỏ lẻ rất nhiều.

Những hàng hoá này không thể mua từ công ty có hoá đơn chuyên nghiệp được. Hoặc khi cho tiền chợ, Tiên cũng phải nhìn mặt từng người và từng hoàn cảnh mới cho, nhiều như thế hàng ngày bao nhiêu trường hợp gặp, nước cao vừa lo an toàn, vừa lo khiêng hàng hoá nặng, vừa phải chạy việc cho nhanh để giúp được nhiều người hơn, nên không cách gì để mà thuê nổi người theo ghi rõ ràng từng khoản chút chút rồi về tính được…Nên cái lo là lo không biết mọi người có thể chia sẻ về vấn đề này giúp Tiên hay không thôi.

Mình ngồi nhà nghĩ trên giấy thì việc nói thôi nó rất là đơn giản, để làm được thì hãy đặt thử hoàn cảnh rồi mới thấy khó như thế nào khi thời gian vừa hạn hẹp mà vài chục người chạy việc còn không xuể để giúp bà con, ăn trưa chỉ dám ăn vội cái bánh mì không trên xe sau khi làm xong việc, hôm cuối cùng ăn được bát mì tôm lúc đợi thuyền đón là bữa ăn ngon nhất trong tuần rồi…làm gì đủ nhân lực thời gian nên ý tưởng minh bạch đến chi li chi tiết. Tiên chắc với mọi người là chỉ có bộ máy trả lương chuyên nghiệp còn chưa chắc làm được hay không.

Tiên đang gọi xin ngân hàng các khoản chi ra vì số đầu vào quá nhiều không giấy nào mà in nổi được hết các thông tin chuyển vào vì nó nhiều lắm lắm. Tiên nghĩ tốt nhất là mọi người cứ chuyển vào, ngân hàng xác nhận số tổng vào, và mình xin số sao kê chi ra chi tiết có đóng dấu ngân hàng, trên các khoản chi ra đó Tiên sẽ giải thích cho mọi người hiểu các khoản này dùng để làm gì, làm gì…

Mong là mọi người đừng lo lắng quá nhiều, 100 tỷ thấy nhiều, ai cũng sợ không làm nổi. Nhưng mà bản thân Tiên cũng không biết, có đủ hay là không đủ cho 3-4 tỉnh ngập lũ đâu, ngoài xây nhà mình còn làm cầu cống đường xá cho người dân ở vùng sâu xa, lũ này cuốn trôi bao nhiêu cây cầu, người dân họ không đi qua được nè, họ phải chế cầu tạm đi cực kỳ nguy hiểm. Nếu đủ thì thôi, dư thì mình còn thiếu gì việc để giúp người. Như đợt COVID vừa rồi, Tiên mà có Tiền là Tiên phát lương cho các anh chị em công nhân thất nghiệp để nuôi con nhỏ và cha mẹ già rồi. Lúc đó Tiên chỉ có thể nuôi được một số gia đình quá khổ qua mùa dịch bằng cách chuyển tiền để giúp họ có cái ăn thôi, ai cũng khổ đâu dám kêu gọi thêm, tiền giúp dân không biết bao nhiêu cho đủ đâu ạ.

Và Tiên tin là nếu mình là một công dân tốt biết giúp đỡ người khác, không làm gì trái pháp luật thì chính quyền nhà nước nào cũng ủng hộ cho mình cả, các bạn đừng lo nha.

Chiều tối hôm qua Tiên về Sài Gòn để giải quyết công việc còn tồn đọng rồi sẽ quay trở lại miền Trung 1-2 hôm tới. Tiên sẽ up date (cập nhật) thông tin sớm cho mọi người nhé.

Cảm ơn mọi người rất nhiều ạ.

T.T.

THỦY TIÊN CÔNG KHAI CHI 2,7 TỶ CHO 7 NGÀY TỪ THIỆN, TRẢ LẠI 300 TRIỆU TIỀN ỦNG HỘ NHẦM

HẢI VỊ/ VNN 22-10-2020

Tối 22/10, Thủy Tiên đăng tải sao kê các khoản chi trong các ngày từ thiện ở miền Trung. Cô cho biết đã chuyển hàng trăm triệu từ tài khoản cá nhân thay vì tài khoản từ thiện và trả cho nhà hảo tâm 300 triệu vì chuyển nhầm.

Thủy Tiên bắt đầu chuyến từ thiện miền Trung ngày 13/10. Đây cũng là thời điểm cô thông báo nhận quyên góp từ các nhà hảo tâm. Theo sao kê được chia sẻ, tổng chi ngân hàng xác nhận từ ngày 13/10 đến 21/10 là gần 2,7 tỷ đồng. Đây là tiền hàng hoá các loại và tiền mặt rút để hỗ trợ người dân

Thủy Tiên cho biết, khi chuyển khoản mua hàng vì tình hình gấp, cô không dùng tài khoản quỹ, mà thường dùng nhầm tài khoản riêng, nên có vài trăm triệu không ghi ra trong bản sao kê của ngân hàng. Các chuyển khoản này được chụp lại trong hội nhóm mua hàng được chia sẻ nhưng không có trong bản sao kê. Đây là phần cô tặng thêm bà con miền Trung ngoài số tiền cô đóng góp ban đầu.

Một nhà hảo tâm thay vì chuyển ủng hộ 300 ngàn đồng, đã chuyển khoản nhầm thành 300 triệu đồng, nên nhờ cô gửi lại. Sau khi xác nhận, cô đã chuyển lại số tiền và lưu ý các khán giả cẩn thận khi chuyển tiền để tránh mất thời gian của nhân viên ngân hàng do việc tìm kiếm lệnh chuyển mất nhiều thời gian do quá nhiều gửi tiền vào tài khoản của cô.

Thủy Tiên công khai chi 2,7 tỷ cho 7 ngày từ thiện, trả lại 300 triệu tiền ủng hộ nhầm
Thuỷ Tiên trong những ngày làm từ thiện ở miền Trung


Trong thời gian làm từ thiện, cô không rút tiền mặt được vào ngày thứ 7 và Chủ nhật ở ngân hàng nên đã mượn của một phụ nữ bán đồ 200 triệu đồng và tình nguyện viên 140 triệu đồng để phát cho người dân. Cô đã chuyển lại cho cả 2 khi ngân hàng làm việc trở lại nhưng để đảm bảo minh bạch, cô đăng tải số điện thoại của cả 2 người để khán giả có thể xác minh thông tin.

Toàn bộ phần ăn uống của đoàn từ thiện và bản thân, Thủy Tiên tự chi, không lấy tiền của quỹ. Cô cho hay phải lo ăn uống cho tài xế các xe tải, tình nguyện viên do mọi người làm không công, chỉ lấy tiền chi phí đi lại.

Chia sẻ về kế hoạch làm từ thiện tiếp theo, Thủy Tiên cho biết: "Hiện nay, các đoàn từ thiện từ khắp đất nước đã bắt đầu đổ về miền Trung rất đông rồi nên cũng đã yên tâm phần nào, nên tôi đang làm việc với địa phương để hỗ trợ trên diện rộng đợt 2 do nước đã bắt đầu rút ở Huế. Mình sẽ làm trước ở Huế, Quảng Trị, rồi Quảng Bình, Hà Tĩnh,.. nước rút ở đâu mình sẽ sắp xếp ở đó trước".

Hôm nay (23/10), đoàn của cô sẽ đi tiền trạm để tính kế hoạch phát cho vài chục nghìn dân ở mỗi địa phương. Nhà nào cũng nhận được tiền hỗ trợ nên sẽ mất thời gian sắp xếp nhưng đoàn sẽ làm việc nhanh chóng để tiền đến tay dân nhanh nhất. Thủy Tiên cho biết rất căng thẳng vì áp lực tính toán nhiều công việc, không tránh khỏi những sơ sót nên mong khán giả chia sẻ.

"Ôm cục tiền xong ăn không ngon ngủ không yên luôn, từ ngày 10 đến giờ chưa hôm nào ngủ được đủ giấc cả, chưa xong dự án này còn lo nghĩ tính toán sắp xếp nhiều lắm", Thủy Tiên cho biết chưa ngủ đủ giấc trong suốt những ngày qua vì công việc từ thiện chiếm nhiều thời gian cũng như phải chu toàn nhiều công việc khác liên quan.

Hải Vị

ÁNH MẮT THỦY TIÊN

LƯU TRỌNG VĂN/ BVN 23-10-2020


Gã gặp Thuỷ Tiên nhõn lần ngồi khiêm nhường bên nhạc sĩ Quốc Bảo. Gầy, mỏng manh sức hấp dẫn không toả từ lồng ngực chênh vênh mà từ đôi mắt.

Lúc đó Thuỷ Tiên chưa nổi và gã chưa lần nghe cô nàng hát, nhưng gã tin vào đôi mắt và ánh mắt của cô.

Vậy thôi.

Đến khi cô nổi danh cùng Công Vinh, cầu thủ cũng từng khép nép bên Văn Quyến nhưng có đôi mắt, ánh mắt đầy đam mê, khát vọng hơn đứt Văn Quyến thì gã chậc lưỡi: mắt tự biết tìm nhau chứ chả phải vì trai tài gái sắc.

Chính vì ám ảnh ánh mẳt của Thuỷ Tiên nên gã chả ngạc nhiên khi cô xông xáo thân gái về với bà con vùng lũ miền Trung.

Và, gã chả ngạc nhiên khi các doanh nhân, bà con khắp nước tin cô gửi cô cả trăm tỷ đồng giúp bà con vùng lũ mà không hề yêu cầu cô phải ghi danh họ cùng số tiền họ đóng góp để tôn vinh họ.

Gã rất tin các doanh nhân, những bà con gửi tiền cho Thuỷ Tiên cũng có những đôi mắt, ánh mắt như Thuỷ Tiên: Tình người.

Và chỉ thế thôi Dân tộc này vẫn tồn tại dù bị những cặp mắt cú vọ, mắt cáo, mắt sói bủa vây, bởi, nguồn năng lượng nhân văn cộng hưởng những luồng ánh sáng kì diệu từ những ánh mắt chân thành, thánh thiện như ánh mắt Thuỷ Tiên.

Tác giả gửi BVN

CỨU TRỢ THIÊN TAI, VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT NẾU KHÔNG CÒN PHÙ HỢP THÌ PHẢI SỬA

XUÂN DƯƠNG/ GDVN 23-10-2020

Lũ lụt gây thiệt hại kinh tế, sinh mạng người dân và một số cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang các tỉnh Bắc Trung bộ khiến cho câu chuyện tiếp nhận và phân phối tiền, hàng cứu trợ của các tổ chức cá nhân thu hút sựu quan tâm của dư luận, lãnh đạo Chính phủ và đại biểu Quốc hội.

Một số tổ chức, cá nhân viện dẫn Nghị định 64/2008/NĐ-CP, theo đó chỉ có một số tổ chức, đơn vị được tiếp nhận, phân phối tiền, hàng cứu trợ bao gồm:

- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Hội chữ thập đỏ Việt Nam; cơ quan thông tin đại chúng của Trung ương, địa phương; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Hội Chữ thập đỏ các cấp ở địa phương.

- Các quỹ xã hội, quỹ từ thiện quy định tại Nghị định 148/2007/NĐ-CP.

- Các tổ chức, đơn vị ở Trung ương được Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho phép; các tổ chức, đơn vị ở địa phương được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, cấp huyện cho phép.

Với quy định này, hoạt động cứu trợ với tư cách cá nhân của các văn nghệ sĩ, nhà hảo tâm, nhà sư,… là không đúng với quy định của pháp luật!!!

Rất nhiều hoạt động trong hệ thống chính trị như giáo dục, y tế, giao thông,… đang được Nhà nước khuyến khích xã hội hóa, tức là động viên các tổ chức phi chính phủ, tư nhân tham gia xây dựng, vận hành, quản lý.

Vậy vì sao lại vẫn dựa vào quy định trong Nghị định 148/2007/NĐ-CP, không cho cá nhân tham gia tiếp nhận, phân phối tiền, hàng cứu trợ?

Có phải chúng ta vẫn đang đi theo vết xe cũ, “cái gì không quản được thì cấm”?

Ca sĩ Thủy Tiên đến vùng lũ để cứu trợ bà con. (Ảnh: Facebook Thủy Tiên)

Ngày 26/07/2019, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nêu ý kiến:

“Chúng ta đã có luật và làm theo luật, nhưng khi cần thiết và đòi hỏi của thực tế thì sửa luật, đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc lên trên hết, đồng thời cũng phải chống tham nhũng ngay trong cơ quan phòng chống tham nhũng,...”. [1]

Nghị định số 64/2008/NĐ-CP ban hành từ năm 2008, nghĩa là đã qua 12 năm, trong khoảng thời gian đó, tình hình chính trị, kinh tế, xã hội đất nước đã có những biến đổi rất sâu sắc.

Bên cạnh nhiểu mặt tích cực thì “Ở Việt Nam, tham nhũng được nhận diện là một quốc nạn, một trong bốn nguy cơ làm suy giảm niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa”. [2]

Nhận định trên được nêu trong một bài báo của Tạp chí Tổ chức Nhà nước, cơ quan thuộc Bộ Nội vụ ngày 10/06/2020, nghĩa là thời điểm hiện tại.

Khi còn đương chức, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Xuân Sơn, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa Lê Khả Nguyên “ăn chặn” 129 triệu đồng tiền hỗ trợ thiên tai, bão lụt cho các gia đình thuộc đối tượng chính sách trên địa bàn xã Xuân Sơn đã được báo chí đăng tải. [3]

Tại hai thành phố lớn nhất và quan trọng nhất cả nước là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh:

“Cán bộ, nhân viên đang công tác tại Trung tâm nuôi dưỡng người già và trẻ tàn t‌ật Hà Nội thường xuyên tuồn hàng từ thiện bán ra ngoài”. [4]

“Thành phố Hồ Chí Minh: Trung tâm bảo trợ trẻ tàn tật chia chác tiền từ thiện của trẻ mồ côi”. [5]

Cần phải nói rằng hiện tượng ăn chặn tiền, hàng từ thiện cứu trợ thiên tai hoặc dành cho đối tượng thiệt thòi, việc bao che cho nhau nhận tiền hỗ trợ của nhà nước khi đại dịch Covid-19 bùng phát không phải là cá biệt.

Chính hiện tượng đó đã làm giảm niềm tin của không ít người mong muốn đóng góp của mình đến trực tiếp tay người cần mà không qua trung gian hay cơ quan được quy định.

Vấn đề ở chỗ hàng cứu trợ, dù chỉ là vài suất com từ thiện hay nhiều tỷ đồng được sử dụng như thế nào và cần cơ chế quản lý, sự minh bạch như thế nào?

Báo Vietnamnet.vn viết:

“Những người từng chứng kiến chuyện người đẹp làm từ thiện kể: trong các đợt công tác từ thiện, các người đẹp có nhiệm vụ là... không phải làm gì ngoài chuyện đến để có mặt, chụp hình đăng lên báo, rồi về”. [6]

“Diễn cảnh bị hành hung khi phát cơm từ thiện để PR (Public Relation - Quan hệ công chúng -NV), thêm một trò lố khiến dư luận ngán ngẩm”. [7]

Với những gì báo chí đăng tải, nếu chỉ nhìn vào hình ảnh người làm từ thiện liệu đã đủ?

Câu trả lời là chưa.

Câu hỏi này được đặt ra một cách nghiêm túc không phải vì không tin tưởng những nhà hảo tâm, những cá nhân đang lăn lộn tại vùng bị thiên tai cứu trợ người dân mà nhằm đề nghị thay đổi các quy định đã không còn phù hợp, cụ thể là Nghị định số 64/2008/NĐ-CP.

Ban hành một Nghị định mới không phức tạp như một đạo luật và cũng không mất nhiều thời gian nếu Chính phủ dành sự quan tâm thích đáng.

Một Nghị định mới nên bao quát một số nội dung:

- Đưa khái niệm “Xã hội hóa” vào hoạt động từ thiện, không bó hẹp trong phạm vi một số cơ quan thuộc hệ thống chính trị.

- Động viên sự đóng góp của cả cộng đồng, tinh thần tương thân tương ái của hơn 90 triệu người Việt trong điều kiện nhân sách nhà nước còn hạn hẹp.

- Tạo hành lang pháp lý để mọi tổ chức, cá nhân yên tâm việc làm thiện nguyện của mình không chỉ phù hợp với truyền thống đạo lý của dân tộc mà còn không trái pháp luật, theo đó:

* Quy định về minh bạch tài chính trong hoạt động tiếp nhận, phân phát tiền, hàng cứu trợ do các tổ chức thuộc hệ thống chính trị và cá nhân thực hiện.

* Quy định các cơ quan, tổ chức xã hội, tổ chức quần chúng có thể (hoặc nên) tham gia giúp đỡ các cá nhân, các nhà hảo tâm hoạt động thiện nguyện;

* Quy định về kiểm tra, giám sát (có thể bao gồm cả kiểm toán).

- Quy định trách nhiệm phối hợp của chính quyền địa phương với các tổ chức cá nhân hoạt động từ thiện trên địa bàn.

- Cơ chế động viên, khen thưởng, vinh danh và xử lý (nếu có sai phạm).

Không nên vì một số ý kiến cá nhân, trái chiều mà ngăn cản hoạt động tự nguyện của những người hảo tâm, không thể vì chưa có chế tài, vì chưa thể quản lý mà vận dụng quy định cũ, đã lạc hậu và không còn phù hợp.

Với tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng “khi cần thiết và đòi hỏi của thực tế thì sửa luật, đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc lên trên hết”, người dân hy vọng Chính phủ sẽ sớm thay thế Nghị định số 64/2008/NĐ-CP, đưa hoạt động từ thiện đi vào nề nếp, xóa bỏ thói quen không quản được thì cấm./.

Tài liệu tham khảo:

[1] http://baochinhphu.vn/Phong-chong-tham-nhung-khong-danh-trong-bo-dui/Tong-Bi-thu-Chu-tich-nuoc-chu-tri-phien-hop-ve-phong-chong-tham-nhung/381663.vgp

[2] https://tcnn.vn/news/detail/47668/Thuc-trang-va-mot-so-giai-phap-phong-chong-tham-nhung-o-Viet-Nam-hien-nay.html

[3] https://baodatviet.vn/phap-luat/tin-tuc-phap-luat/chu-tich-xa-an-chan-tien-ho-tro-thien-tai-cua-dan-2361971/

[4] https://vtc.vn/clip-can-bo-trung-tam-nhan-dao-an-chan-hang-tu-thien-cua-nguoi-gia-tre-tan-tat-ar500663.html

[5] https://baodautu.vn/tphcm--trung-tam-bao-tro-tre-tan-tat-chia-chac-tien-tu-thien-cua-tre-mo-coi-d121870.html

[6] https://vietnamnet.vn/vn/giai-tri/nguoi-dep-lam-tu-thien-thien-nguyen-hay-chieu-pr-399.html

[7] http://baovanhoa.vn/gia-%C4%91inh/loi-song/artmid/2117/articleid/19264/dien-canh-bi-hanh-hung-khi-phat-com-tu-thien-de-pr160them-mot-tro-lo-khien-du-luan-ngan-ngam

Xuân Dương
ĐỘC QUYỀN TỪ THIỆN HAY CÒ TỪ THIỆN ?
MAI BÁ KIẾM/ TD 22-10-2020

Để quản lý tận răng mọi hành vi thể hiện tấm lòng tương thân, tương ái của đồng bào trong thiên tai và hoạn nạn, Chính phủ đã ban hành Nghị định 64/2008 liệt kê 3 nhóm tổ chức, đơn vị được “độc quyền” TIẾP NHẬN và PHÂN PHỐI TIỀN và HÀNG CỨU TRỢ gồm:

1. UBTW MTTQVN và các cấp; Hội Chữ thập đỏ VN các cấp; Báo, Đài trung ương và địa phương.

2. Các quỹ xã hội, quỹ từ thiện được thành lập, hoạt động theo quy định.

3. Các tổ chức, đơn vị được UBTW MTTQVN và UBMTTQVN cấp tỉnh và huyện CHO PHÉP.

Ngoài 3 NHÓM này, cá nhân và các nhóm XHDS khác không được quyền TIẾP NHẬN và PHÂN PHỐI TIỀN và HÀNG CỨU TRỢ!

Trong 3 NHÓM này, UBTW MTTQVN và UB MTTQVN tỉnh, huyện là ĐẠI CA TỪ THIỆN vì có quyền “CẤP GIẤY PHÉP CON TỪ THIỆN” cho các tổ chức, đơn vị khác, nói huỵch toẹt ra là CÒ TỪ THIỆN!

Sau đó, Bộ Tài chính ra Thông tư 72/2008 “trói bớt một tay báo, đài”: chỉ được TIẾP NHẬN tiền, hàng cứu trợ của các tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước chứ không được TỔ CHỨC PHÂN PHỐI tiền, hàng cứu trợ đó!

Nghĩa là, báo, đài chỉ “độc quyền” TIẾP NHẬN tiền, hàng cứu trợ, rồi “KÍNH CHUYỂN” cho UB.MTTQ “độc quyền” PHÂN PHỐI tiền, hàng cứu trợ!

NGHỊ ĐỊNH 64/2008 VÀ THÔNG TƯ 72/2008 đều XÂM PHẠM NGHIÊM TRỌNG “QUYỀN TÀI SẢN” CỦA CÔNG DÂN!

Bởi vì, Điều 457 Bộ luật Dân sự quy định: “Hợp đồng tặng cho tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó, bên tặng cho giao tài sản của mình và chuyển quyền sở hữu cho bên được tặng cho mà không yêu cầu đền bù, còn bên được tặng cho đồng ý nhận”. Về hình thức: trừ bất động sản, các tài sản khác như tiền có thể được lập dưới hình thức bằng miệng!

Nghĩa là, các nhà hảo tâm không cần làm hợp đồng cho tặng, do tin tưởng Thủy Tiên cứ việc gửi tiền vào tài khoản của cô, để cô chuyển giúp đến tay nạn nhân bão lụt, mà không yêu cầu Thủy Tiên đền bù, còn nạn nhân bão lụt đồng ý nhận là hoàn toàn phù hợp Bộ luật Dân sự.

Nghị định 64/2008 đã vi phạm Bộ luật Dân sự, Thông tư 72/2008 càng tỏ ra lạm quyền vô duyên! Vì tiền cứu trợ là tiền của dân mắc mớ gì Bộ Tài chính đòi quản lý?

Điều 1 của Nghị định 87/2017/NĐCP ngày 26/7/2017 quy định:

“Bộ Tài chính là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về: Tài chính – ngân sách (bao gồm: Ngân sách nhà nước; thuế; phí, lệ phí và thu khác của ngân sách nhà nước; dự trữ nhà nước; các quỹ tài chính nhà nước; đầu tư tài chính; tài chính doanh nghiệp; tài chính hợp tác xã và kinh tế tập thể; tài sản công theo quy định của pháp luật); hải quan; kế toán; kiểm toán độc lập; giá; chứng khoán; bảo hiểm; hoạt động dịch vụ tài chính và dịch vụ khác thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ; thực hiện đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo quy định của pháp luật”.

Nghị định 87/2017 không giao cho Bộ Tài chính cứ thấy ở đâu có tiền tỷ của bá tánh là cứ nhào vô quản lý!

Lẽ ra, các đại biểu quốc hội phải truy cứu tính hợp hiến, hợp pháp của Nghị định 64/2008 và Thông tư 72/2008, đằng này có khứa nghị khùng ủng hộ “cò từ thiện” mới đau chứ!

CA SĨ THỦY TIÊN VÀ TỪ THIỆN LUÔN HỢP PHÁP

LS ĐẶNG BÁ KỸ/ TD 22-10-2020

Cho tới thời điểm hiện tại, lũ lụt vẫn đang hoành hành, tàn phá ở miền Trung! Chính trong những lúc nguy nan như vậy, mới thấy tình cảm đồng bào, Nhân dân hướng về nhau thật lớn lao! Rất nhiều bà con ở khắp mọi miền Tổ quốc, cũng như Hải ngoại, đã đóng góp tiền bạc, vật tư, nhu yếu phẩm…

Giúp người dân miền Trung trong cơn hoạn nạn. Một trong số đó, phải kể đến việc ca sỹ Thủy Tiên, đã kêu gọi được hơn 105 tỷ đồng đóng góp của Nhân dân, giúp bà con vùng lũ.

Tuy nhiên, có một số “Chuyên gia pháp lý”, đã viện dẫn vài quy định pháp lý, cụ thể là Nghị định 64 năm 2008 “Nghị định Về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hoả hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo” của Chính phủ; Và đã căn cứ vào việc Nghị định này chỉ cho phép một số Tổ chức nhất định, được phép kêu gọi ủng hộ giúp khắc phục thiên tai – Đã đi đến kết luận rằng: Việc ca sỹ Thủy Tiên kêu gọi và nhận tiền để làm từ thiện là không đúng quy định của pháp luật hiện hành, là không hợp pháp!

Tác giả xin khẳng định ngay rằng: Lập luận pháp lý vừa nêu là hoàn toàn sai lầm, phiến diện và vớ vẩn! Trong Bài viết này, tác giả sẽ luận giải các khía cạnh pháp luật có liên quan để bà con tham khảo.

I. XÁC ĐỊNH QUAN HỆ PHÁP LUẬT

Bản chất của việc Nhân dân quyên góp tiền bạc, tài sản để giúp bà con vùng lũ, đó chính là việc: Tặng cho tài sản (Tiền, hiện vật như nhu yếu phẩm). Đây là một loại giao dịch dân sự phổ biến – Là một quan hệ pháp luật Dân sự.

Trong giao dịch tặng cho tài sản này, có sự xuất hiện của 03 loại chủ thể:

1. Thứ nhất: Những Người quyên góp tiền bạc, vật chất khác – Được gọi là Bên tặng cho tài sản!

2. Thứ hai: Bà con nhận cứu trợ tiền bạc, nhu yếu phẩm – Được gọi là Bên nhận tặng cho tài sản.

3. Thứ ba: Nhóm những người kêu gọi và trực tiếp đi tới vùng lũ như ca sỹ Thủy Tiên hay những người khác – Được gọi là Bên trung gian nhận vận chuyển và giao tài sản.

Nó đơn giản như việc Ông A tặng cho Ông B một chiếc xe máy, nhưng thay vì trực tiếp trao cho nhau, thì ở đây Ông A nhờ Ông C chuyển giúp. Y chang như vậy, không có gì khác cả.

Như vậy, trong vụ việc này, quan hệ pháp luật được hình thành giữa các Bên là quan hệ pháp luật Dân sự – Và giao dịch dân sự giữa các Bên là giao dịch tặng cho tài sản!

II. QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT ĐƯỢC ÁP DỤNG

Như trên đã phân tích, quan hệ pháp luật được hình thành giữa các Bên là quan hệ pháp luật Dân sự. Do đó, quan hệ pháp luật này sẽ do Luật Dân sự điều chỉnh.

Bộ luật Dân sự 2015 quy định: “Cá nhân, pháp nhân xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình trên cơ sở tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận. Mọi cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội có hiệu lực thực hiện đối với các bên và phải được chủ thể khác tôn trọng”. Trong khi đó việc kêu gọi ủng hộ và từ thiện của Thủy Tiên, cũng như những Hội nhóm thiện nguyện khác, không bị quy định nào của Luật cấm, nên không có gì là trái luật, và đương nhiên không trái đạo đức xã hội. Không những vậy, việc tặng cho tài sản là hợp pháp.

Cần nhớ rằng: Nghị định 64 mà các “Chuyên gia pháp lý” nêu trên, là Văn bản do Chính phủ ban hành, chỉ là Văn bản dưới luật. Trong khi Bộ luật Dân sự quy định rõ: “Không vi phạm điều cấm của Luật” – Tức phải là Văn bản do Quốc hội ban hành, mới có giá trị cấm. Hay nói cách khác, không thể viện dẫn bất kỳ quy định nào của Nghị định 64, để nói rằng Nghị định này cấm, nên không được làm. Vì Bộ luật Dân sự do Quốc hội ban hành có giá trị pháp lý cao hơn Nghị định của Chính phủ.

Do vậy, việc kêu gọi bà con, ủng hộ đồng bào vùng lũ của Thủy Tiên hay bất kỳ ai khác, là một hành động hợp pháp, đầy tính đạo đức và rất nhân văn, thể hiện tình cảm tương thân tương ai của Nhân dân ta. Giả định rằng, nếu có ai đó lợi dụng việc kêu gọi từ thiện, để rồi sau đó trục lợi cá nhân, thì đây là một câu chuyện khác, một vấn đề khác, không phải là điều chúng ta đang bàn đến!

Cho nên, cần phải tách bạch và phân biệt đúng bản chất pháp lý của các vấn đề khác xa nhau. Và dù nhìn từ góc độ nào, tư duy pháp lý hay triết học đạo đức, thì việc từ thiện, ủng hộ, giúp đỡ lẫn nhau trong khó khăn, hoạn nạn, luôn luôn là giá trị nhân ái cốt lõi của nhân loại!


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét