Thứ Bảy, 17 tháng 10, 2020

20201018. NHẬN DIỆN 'THUYẾT ÂM MƯU'

 ĐIỂM BÁO MẠNG

NHẬN DIỆN 'THUYẾT ÂM MƯU'
PHẠM QUẾ NGHI / BP 13-6-2020

Biên phòng - Hiện nay, trong đời sống xã hội cũng như trên cộng đồng mạng, chúng ta thường bắt gặp cụm từ “thuyết âm mưu”. Vậy, thuyết âm mưu là gì và bản chất của nó như thế nào mà được nhiều người quan tâm như vậy? Thuyết âm mưu có phải là học thuyết hay là lý thuyết không?

    Cán bộ Đồn Biên phòng Săm Pun, BĐBP Hà Giang tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc trên địa bàn. Ảnh: Long Giang

    Căn cứ vào những nội dung hàm chứa của học thuyết cần có, “thuyết âm mưu” không phải là học thuyết. Học thuyết phải là những vấn đề được trình bày có hệ thống về một lĩnh vực nào đó như khoa học, chính trị, đạo đức, kinh doanh... Căn cứ vào hệ thống đó mà người đọc, người xem có thể tìm hiểu và nắm được những vấn đề cần có trong chỉ đạo cũng như trong hoạt động.

    Xét về lý thuyết, “thuyết âm mưu” cũng không phải là loại chiêm nghiệm có tính hợp lý về cái gì đó, điều gì đó trừu tượng hoặc được khái quát hóa kết quả có được từ những quan sát, ghi nhận diễn ra của sự việc, hiện tượng. Đã nói đến lý thuyết, người ta nghĩ ngay đến quá trình suy nghĩ, chiêm nghiệm có tính chất lý trí được gắn liền với quá trình nghiên cứu, quan sát.

    Vậy, thuyết âm mưu là gì? Hiểu một cách ngắn gọn nhất, thuyết âm mưu là cách lý giải những vấn đề về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội theo ý kiến chủ quan được gán với một đối tượng nào đó cùng những âm mưu của các thế lực ngầm, giấu mặt đứng đằng sau. Nói đến thuyết âm mưu là nói đến giả thuyết, giải thích theo cách suy diễn cho một đối tượng, một nhóm đối tượng, một tổ chức nào đó gây nên đứng đằng sau một sự việc hay hiện tượng có ảnh hưởng lớn đến chính trị, kinh tế, xã hội. Vì thuyết âm mưu cốt lõi của nó là đưa ra các giả thuyết theo ý chủ quan và hướng suy diễn nên nó còn có cách gọi khác là thuyết ngờ vực.

    Thuyết âm mưu luôn gắn liền với giả thuyết theo lối gán tội, suy diễn nên rất dễ làm cho người nghe, người xem thấy hấp dẫn, ly kỳ, dễ liên tưởng đến cái “na ná” nào đó. Cũng chính vì là giả thuyết nên người đọc, người xem có quyền đưa ra các giả thuyết để lý giải theo ý kiến chủ quan của mình. Và đã là giả thuyết, có cái đúng, chưa đúng và không đúng. Chính vì thế, thuyết âm mưu không bao giờ có kết quả “có” hoặc “không”, hoặc “đúng” hay “sai”. Đây chính là yếu tố gây sự chú ý, tò mò, kích thích khả năng suy diễn của mỗi cá nhân. Nó rất dễ đưa người đọc, người xem, người nghe cũng tự cho mình cái quyền tham gia vào các sự việc, hiện tượng bằng các giả thuyết từ trí tưởng tượng của bản thân.

    Trong giai đoạn hiện nay, Đảng ta đang triển khai mạnh mẽ đấu tranh chống tham nhũng; khi các cấp đang chuẩn bị các nội dung cho Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Đây chính là cơ hội để thuyết âm mưu có “đất diễn”. Từ những vụ việc xảy ra, Đảng kiên quyết xử lý làm trong sạch nội bộ. Trên những kết quả Ủy ban Kiểm tra Trung ương công bố, các thế lực ngầm, các đối tượng giấu mặt sẽ đưa ra các giả thuyết hướng người nghe, người xem đến trách nhiệm, công tác quản lý, công tác cán bộ rồi từ đó cho rằng, đội ngũ cán bộ đều có thể là những người như thế. Hoặc công tác chuẩn bị đại hội các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc. Các thế lực ngầm, các đối tượng giấu mặt sẽ đưa ra các giả thuyết nhân sự. Song song với những giả thuyết “như đúng rồi” về nhân sự là những đánh giá nhận xét, thậm chí có những giả thuyết về năng lực, trình độ của từng người. Nếu ai đó đọc, nghe, xem sẽ rất dễ dàng “mắc” vào cách suy diễn rồi cũng từ đó đưa ra các giải thuyết theo ý kiến chủ quan của mình. Khi đã “sa” vào lớp bùng nhùng của “thứ mạng nhền nhện” này rất khó có thể thoát ra được và đó chính là “tự đánh mất” bản thân.

    Thuyết âm mưu là có thật và thực sự đang làm cho người xem, người nghe, người đọc rơi vào “mớ bòng bong” của những giả thuyết từ óc suy diễn của những đối tượng giấu mặt theo hướng có lợi cho chúng. Nhận diện và hiểu được bản chất cốt lõi của thuyết âm mưu cũng là cách “tự vệ” tốt nhất đối với cuộc sống xã hội hiện nay. Đó cũng là cách tự xây dựng cho mình là người đọc thông thái trong cả một “rừng” thông tin trên cộng đồng mạng và đời sống xã hội hiện đại.


    TRAO ĐỔI THÊM VỚI PHẠM QUẾ NGHI

    NGÔ THẾ BÍNH/ 17-10-2020

    Theo Wikipedia thì 'Thuyết âm mưu (tiếng Anhconspiracy theory) hay thuyết ngờ vực là cách lý giải những vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội theo hướng gán cho chúng những âm mưu bí mật của các thế lực ngầm đứng đằng sau. Một giả thuyết âm mưu là một giả thuyết mang tính giải thích theo đó buộc tội một nhóm người hay một tổ chức gây nên hay đứng đằng sau một sự kiện hoặc một hiện tượng gây ảnh hưởng lớn kinh tế chính trị xã hội.' Đồng ý với PQN  mặc dù gọi 'thuyết'  nhưng chưa thể coi là 'học thuyết' hay 'lý thuyết' theo nghĩa một bộ môn khoa học nghiêm túc mà các nhà khoa học vẫn dùng. Tuy nhiên có thể thấy điểm chung của thuyết âm mưu với các bộ môn khoa học khác chính là sự bắt đầu bằng một 'giả thuyết' để từ đó chủ thể nghiên cứu đưa ra lý giải, chứng minh để đi đến khẳng định hoặc bác bỏ giả thuyết đó. Thuyết âm mưu xuất hiện khá sớm trong lịch sử nhân loại từ thời La Mã cổ đại trước công nguyên và tồn tại đến ngày nay hầu như ở mọi quốc gia bao gồm cả những quốc gia có nền kinh tế, văn hóa và khoa học phát triển như nước Mỹ.  Cũng theo Wikipedia: "Nhiều phóng viên điều tra giỏi là những người theo thuyết âm mưu, và một số giả thuyết của họ đã được kiểm nghiệm phần nào đúng[1]...Rất nhiều thuyết âm mưu vẫn là đề tài tranh cãi. Rất nhiều các giải thích được đưa ra để lý giải tại sao con người lại tin theo các thuyết âm mưu." 

         Tôi chưa có điều kiện đọc hết các lý giải tại sao con người lại tin theo các thuyết âm mưu, nhưng cho rằng có những nguyên nhân chủ yếu sau:

    -    Không phải mọi thông tin liên quan đến hiện tượng, sự việc của giả thuyết đều được minh bạch và phản ánh kịp thời;

    -   Thông tin bị kiểm soát, ngăn chặn tiếp cận bởi giới quyền lực (đúng và không đúng luật);

    -   Trình độ dân trí  chưa đủ để phân tích bác bỏ các lý giải vô căn cứ của các giả thuyết âm mưu. 

    -   Lòng tin vào thể chế, xã hội, con người... bị sói mòn.

         Có lẽ đây là những nguyên nhân mà PQN nên bàn để hạn chế các thuyết âm mưu độc hại thay vì chỉ 'đe dọa' những người hay tin vào thuyết âm mưu.

         Những bài cập nhật dưới đây phải chăng là những ví dụ về thuyết âm mưu ?


    CÂU HỎI VÀ NGHI NGỜ

    BÙI VĂN THUẬN/ TD 16-10-2020


    Người thân đứng tại cổng tư dinh của tướng Man hóng tin. Ảnh: internet

    Nghi ngờ từ hôm nghe tin, định không nói ra vì ngại gạch đá và bị đánh giá là ác, mà không nói ra thì khó chịu. Đó là chuyện thiếu tướng Nguyễn Văn Man, Phó Tư lệnh Quân khu 4 bị chết khi đang đi cứu hộ ở thủy điện Rào Trăng 3.

    Tại sao lại nghi ngờ? Bởi nếu có kinh nghiệm xem tivi, đọc báo đảng và nhìn thực tế công tác phòng chống lụt bão, cứu hộ, cứu nạn thì đều biết: Quan chức cấp huyện, tỉnh hay trung ương và sĩ quan quân đội cấp tá chỉ đến nơi nào đó có nước mấp mé vùng lũ cho phóng viên quay phim chụp ảnh này nọ. Xong là các cán bộ sĩ quan to của đảng lên xe hơi về trụ sở hoặc về các điểm ăn uống mở tiệc.

    Công tác phòng chống và cứu hộ, cứu nạn chỉ do cấp dưới, lính lác thực hiện. Đó là thực tế mấy chục năm gần đây. Nhưng đoàn của tướng Nguyễn Văn Man nhóm bị mất tích bao gồm toàn lãnh đạo: Có 7 người sĩ quan thuộc Quân Khu 4, 1 người thuộc Bộ Tổng Tham mưu, 3 người thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên- Huế, 1 là chủ tịch UBND huyện Phong Điền, 1 phóng viên cổng thông tin của tỉnh. Trong số 8 người thoát được có cả Phó Chủ tịch tỉnh.

    Danh sách đoàn cán bộ cấp cao tử nạn. Ảnh: internet

    Câu hỏi đặt ra là: Tại sao đoàn cán bộ này lại hấp tấp đi vào vùng rừng núi đang lũ và sạt lở như vậy? Theo lẽ thường, các cán bộ đảng – nhà nước và các sĩ quan cấp tá trở lên đã rất sợ chết, không dám để tay chân dính mưa hay bùn đất, nói gì đến chuyện cả đàn kéo nhau đi vào rừng mưa đang sạt lở.

    Vậy nghi ngờ điều gì? Tôi nghi ngờ và dám đoán mò khẳng định: 99% các dự án thủy điện đó có tài sản, lợi ích của các cán bộ trong đoàn “cứu hộ”.

    THIÊN TAI, BUỒN CHO TÌM KIẾM -CỨU NẠN !

    TRÂN VĂN/ TD 14-10-2020

    Ông Nguyễn Văn Man (Thiếu tướng, Phó Tư lệnh Quân khu 4), ông Nguyễn Hữu Hùng (Đại tá, Phó Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn) cùng với 11 người khác vẫn còn mất tích. Sự kiện này chính là một ví dụ về nhận thức và khả năng ứng phó với thiên tai tại Việt Nam yếu kém tới mức đáng ngạc nhiên…

    ***

    Cả tuần sau khi gần như toàn bộ hai tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế chìm trong nước, Bộ Tư lệnh Quân khu 4 mới thông báo thành lập Sở Chỉ huy Tiền phương để chỉ đạo các đơn vị quân đội trong vùng hỗ trợ chính quyền và dân chúng các địa phương bị lũ, lụt, ứng phó với lũ, lụt ở Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế.

    Sở Chỉ huy Tiền phương được thành lập vào chiều 11 tháng 10 với Chỉ huy trưởng là ông Man. Tờ Quân đội nhân dân loan tin này vào ngày hôm sau (12 tháng 10), kèm ảnh ông Man cùng với tùy tùng tặng… một thùng mì cho… một nạn nhân lũ lụt ở Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế (1).

    12 tháng 10 cũng là ngày chính quyền tỉnh Thừa Thiên – Huế nhận được tin vừa xảy ra sạt lở ở Thủy điện Rào Trăng 3 và có hàng chục công nhân bị vùi lấp. Theo tờ Nhân Dân, đó là lý do ông Man, ông Hùng, ông Nguyễn Thanh Bình (Phó Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên – Huế) cùng với 18 người khác khẩn trương lên rừng tìm kiếm, cứu nạn (2).

    Tờ Tuổi Trẻ cho biết Đoàn Tìm kiếm – Cứu nạn do ông Man làm Trưởng đoàn, khởi hành lúc hai giờ chiều 12 tháng 10, dự trù đi từ Huyện ủy Phong Điền đến Thủy điện Rào Trăng 3. Do đường ngập sâu trong nước, bốn giờ chiều, đoàn này phải bỏ xe và dự tính đi bộ đến hiện trường. Chín giờ tối 12 tháng 10, đoàn này đến Trạm Kiểm lâm Sông Bồ và quyết định dừng lại, nghỉ qua đêm. Khoảng 0 giờ ngày 13 tháng 10, sau một tiếng nổ lớn, đất, đá từ trên núi đổ xuống phủ kín Trạm Kiểm lâm Sông Bồ. May mắn là có tám người chạy thoát, trong số này có ông Nguyễn Thanh Bình. 13 người còn lại, trong đó có ông Man, ông Hùng mất tích (3)…

    ***

    Tổn thất nhân mạng dù bất kỳ là ai cũng đều đáng buồn và là điều đáng tiếc, song sự kiện Phó Tư lệnh Quân khu 4 kiêm Chỉ huy trưởng Sở Chỉ huy Tiền phương ứng phó với lũ lụt ở Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế, cùng với Phó Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, lâm nạn với 11 người nữa, cho thấy, ngay cả khi xảy ra tình huống đặc biệt khẩn cấp (cứu những người đang bị vùi trong đất, đá), hoạt động cứu nạn tại Việt Nam vẫn nặng về… trình diễn, thiếu thực chất.

    Vì sao đề nghị cứu nạn gửi tới Phó Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết rất rõ, đất, đá sạt lở đã vùi kín tòa nhà điều hành Thủy điện Rào Trăng 3, hàng chục người đang bị chôn sống mà Đoàn Tìm kiếm – Cứu nạn chỉ có 21 người và không hề mang theo phương tiện chuyên dụng?

    Làm sao tìm kiếm và cứu nạn khi đoàn chỉ toàn viên chức: Phó Tư lệnh Quân khu 4 kiêm Chỉ huy trưởng Sở Chỉ huy Tiền phương ứng phó với lũ lụt ở Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế. Phó Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Phó Chủ tịch tỉnh. Đại diện Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Thừa – Thiên Huế. Lãnh đạo UBND huyện Phong Điền, Ban Chỉ huy quân sự huyện Phong Điền và một số cơ quan liên quan (4) Thành phần như thế đến hiện trường tai nạn để tìm gì và cứu gì?..

    ***

    Ba ngày trước khi xảy ra vụ sạt lở ở Thủy điện Rào Trăng 3, hôm 9 tháng 10, tàu Vietship 01 đang neo tại cảng Cửa Việt (huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) thì bị đứt neo và bị nước cuốn ra biển. Tuy Vietship 01 bị mắc cạn rồi chìm tại vùng nước cách bờ chỉ chừng một cây số, chỉ còn mũi tàu và ống khói cao hơn mặt nước, 4/12 thủy thủ đã nhảy xuống biển, bơi vào bờ cầu cứu nhưng chính quyền tỉnh Quảng Trị loay hoay suốt ba ngày vẫn không thể giải cứu tám thủy thủ còn lại…

    Sóng to, gió lớn, các tàu tham gia cứu nạn không những không thể tiếp cận được Vietship 01 mà một trong những tàu đánh cá tham gia cứu nạn còn bị nhấn chìm nên có thêm ba ngư dân bám vào phần mũi của Vietship 01, nâng số nạn nhân từ 8 thành 11… Ngày 10 tháng 10, một tàu đánh cá cứu được 2/3 ngư dân tham gia cứu nạn gặp nạn, số nạn nhân từ 11 giảm xuống còn 9. Tối 10 tháng 10, một trong chín nạn nhân bị sóng cuốn khỏi tàu và mất mạng…

    Sáng 11 tháng 10, 2/8 nạn nhân đánh liều, ôm phao nhảy xuống biển bơi vào bờ và được lực lượng cứu nạn vớt. Sau đó, sáu người còn lại được trực thăng của quân đội thả dây kéo khỏi ống khói tàu, đưa họ vào bờ… Ông Nguyễn Xuân Phúc đã gửi công điện khen ngợi các cấp ủy đảng, chính quyền tỉnh Quảng Trị, Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, Bộ Quốc phòng, Bộ GTVT, Quân khu 4, toàn thể các lực lượng tham gia tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ của các bộ, ngành, cơ quan, đặc biệt là sự tham gia tích cực, hiệu quả của nhân dân dân địa phương… Đối với tìm kiếm – cứu nạn, thủ tướng Việt Nam vẫn không nhìn thấy vấn đề mấu chốt…

    Trò chuyện với tờ Thanh niên, ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Trị, thú nhận: Dù chính quyền các cấp tại địa phương đã huy động toàn bộ người, phương tiện sẵn có, đặc biệt là sử dụng kinh nghiệm của ngư dân để ứng cứu nhưng không được. Phải đến khi có trực thăng và lực lượng đặc công nước thì cuộc cứu nạn mới thành công. Đây là một bài học kinh nghiệm về chủ động, trang bị thêm các thiết bị, đào tạo lực lượng cứu hộ, cứu nạn tinh nhuệ hơn, hiện đại hơn để ứng cứu trong những tình huống sau này (5).

    ***

    Sông Rào Trăng hay Khe Bùn là một con sông có nguồn từ các đỉnh núi tọa lạc ở khu vực thuộc xã Phong Mỹ, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế. Chiều dài của sông Rào Trăng chỉ chừng 26 cây số nhưng hệ thống công quyền từ địa phương đến trung ương tại Việt Nam đã cho phép xây dựng bốn công trình thủy điện theo dạng bậc thang. trên cùng là Thủy điện A Lin B1, kế đó là A Lin B2, Rào Trăng 3 và Rào Trăng 4 (6).

    Tuy bão, lũ, lụt, sạt lở không xa lạ gì với người Việt, đặc biệt là khu vực miền Trung nhưng cách ứng xử của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền từ trung ương đến địa phương ở Việt Nam cho thấy, họ không thể hoặc không thèm dự liệu, chuẩn bị cho việc ứng phó với thiên tai cả về kế hoạch lẫn phương tiện. Đó chính là lý do Đoàn Tìm kiếm – Cứu nạn do ông Nguyễn Văn Man làm Trưởng đoàn lâm nạn. Đó cũng chính là lý do đủ loại ngành, cấp ở Quảng Trị loay hoay suốt ba ngày để cứu tám người gặp nạn ở vùng nước cách bờ chỉ chừng một cây số nhưng suýt mất thêm người chứ không cứu được ai, trong khi thực tế cho thấy, trực thăng chỉ mất chừng… 20 phút.

    ***

    Tìm kiếm – cứu nạn khi xảy ra thiên tai hoặc những tình huống ngặt nghèo, khẩn cấp, không bao giờ có thể có hiệu quả khi chỉ loanh quanh với sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của các loại cấp ủy, chính quyền, sự sáng tạo, dũng cảm của các loại lực lượng. Loại công việc này đòi hỏi cả sự chuyên nghiệp lẫn phương tiện ứng cứu hiện đại, đa dạng. Việt Nam có không? Câu trả lời là không. Không phải vì không có tiền mà vì tiền đã được dốc hết vào những dự án nhằm khẳng định sự ưu việt của kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, vào những tượng đài, cổng chào ca ngợi, biết ơn bác, đảng, vào các đại hội đảng…

    Nếu thật sự quan tâm đến việc bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân như thiên hạ, thiên tai sẽ không tạo ra vô số câu chuyện não lòng vì không được giúp ngay, cứu kịp do thiếu đủ loại phương tiện thiết yếu như đã và đang thấy. Nếu thật sự quan tâm đến việc bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân như thiên hạ, chắc chắn Thừa Thiên – Huế, Quân đoàn 4,… rộng hơn là hệ thống chính trị, hệ thống công quyền từ trung ương đến địa phương đã phải soạn sẵn kịch bản ứng phó với những tình huống như lũ, lụt, sạt lở ở lưu vực Rào Trăng. Nhân lực, tài lực chưa bao giờ được dùng vào những chuyện như thế vì nhân lực, tài lực đã được dồn vào việc chuẩn bị, mua sắm phương tiện, diễn tập chống bạo động!

    Chú thích

    (1) https://www.qdnd.vn/xa-hoi/tin-tuc/thanh-lap-so-chi-huy-tien-phuong-phong-chong-lut-bao-tai-thua-thien-hue-640574

    (2) https://nhandan.com.vn/tin-tuc-xa-hoi/doan-cuu-nan-tinh-thua-thien-hue-qk-4-bi-vui-lap-khi-di-cuu-nan-13-can-bo-chien-si-mat-tich-620234/

    (3) https://tuoitre.vn/sat-lo-tram-67-gan-thuy-dien-rao-trang-3-xay-ra-nhu-the-nao-20201013200552759.htm

    (4) https://tuoitre.vn/cong-an-thua-thien-hue-17-cong-nhan-thuy-dien-rao-trang-3-mat-tich-20201013230059611.htm

    (5) https://thanhnien.vn/thoi-su/bai-hoc-cuu-ho-thuyen-vien-tau-vietship-01-1290268.html

    (6) https://vi.wikipedia.org/wiki/Rào_Trăng

    TRÊN NỖI ĐAU THƯƠNG PHẢI LÀ BÀI HỌC

    LƯU TRỌNG VĂN/ TD 17-10-2020

    Hãy nghe đại tá Quang thuộc Bộ Quốc phòng, người thoát chết ở trạm Kiểm lâm 67 kể:

    “14h ngày 12-10, đoàn công tác gồm 26 người cả lái xe lên đường hướng thẳng Rào Trăng 3. Đến 16h tới chỗ đập tràn sâu trên đường 71, ô tô không qua được, đoàn bỏ lại ô tô, 21 người trong đoàn công tác quyết tâm băng bộ vào tận Thủy điện Rào Trăng 3 cách khoảng 13km.

    Đoàn cứ đi mãi vào rừng sâu, đêm tối mưa to gió lớn không đi tiếp được nữa thì phát hiện ra có một ngôi nhà của Trạm quản lý, bảo vệ rừng số 67 nhưng cửa đóng then cài, chẳng có một ai ở đó.

    Nhà khóa, chúng tôi bàn nhau thôi phá khóa ra, sau này tính toán bồi thường cho người ta sau, bây giờ lấy chỗ cho anh em nghỉ ngơi để sáng hôm sau đi tiếp. Vào nhà, một số anh em tìm được gạo, nước mắm, cũng nấu được nồi cơm, làm mỗi người bát cơm chan tí nước mắm ăn vậy thôi.”

    Thấy gì qua lời kể này?

    Cả đoàn 21 người toàn sĩ quan và lãnh đạo tỉnh huyện đi vào vùng nguy hiểm không hề có người địa phương như cán bộ xã dẫn đường. Trong khi đó bộ chỉ huy cứu hộ lại đóng tại uỷ ban ND xã.

    Do không có người rành đường, rành địa hình dẫn đường nên cứ đi liều bất chấp cả không có lực lượng hậu cần cơm nước đi theo.

    Giả sử không thấy trạm kiểm lâm và lục thấy gạo mắm để có cái ăn, chỗ nghỉ thì sao?

    Cả đoàn 21 người nhịn đói và ngủ dưới mưa gió à? Sinh mệnh những nạn nhân rất quý nhưng sinh mệnh những con người có tấm lòng đi cứu không quý à?

    Đau xót về thảm hoạ đã đành. Đau lắm. Nhưng sau đó thì sao? Bất cứ sự hy sinh nào chiến thắng hay thất bại cũng đều phải là bài học.

    Phải nói thẳng sự hy sinh của 11 sĩ quan và một chủ tịch huyện, một nhà báo nếu không là bài học cho công tác cứu hộ thì nhà nước sẽ còn phạm những sai lầm không thể tha thứ khi không coi công tác cứu hộ thiên tai là một công việc nguy hiểm phải có lực lượng chuyên nghiệp cùng công cụ, phương tiện chuyên nghiệp.

    Tướng Man cùng đại tá Hùng, đại tá Quang từng cứu hộ nhưng ở vai trò chỉ huy lực lượng cứu hộ.

    Lần này không có lực lượng cứu hộ và phương tiện cứu hộ thì làm sao chỉ huy cứu hộ? Ai vào việc đó.

    Đau thương rồi luỵ đau thương rồi cứ để lòng mình chìm trong cảm xúc đau thương không thể là phẩm chất của những người trị nước, không thể là phẩm chất công dân có trách nhiệm với nước.

    Vượt lên đau thương để rút ra những bài học cần thiết và không phạm sai lầm duy ý chí mới tránh được những đau thương tiếp theo.

    Và còn nữa, bài học chính yếu nhất qua vụ Rào Trăng đó là sự độc ác khốn kiếp vì lợi ích riêng của những kẻ khốn nạn ẩn danh bức tử những dòng sông, những cánh rừng làm thuỷ điện cóc.

    Chính bọn chúng mới là tội đồ tạo nên lũ quét và sự nổi giận của Thiên nhiên, tạo nên cái chết thương tâm của biết bao người lương thiện trong đó có tướng Man và chủ tịch huyện Bình.

    Xin các ngài lãnh đạo Đất nước hãy khẩn cấp điều tra hơn 700 thuỷ điện cóc đang bức tử các dòng sông, cánh rừng xem tác hại ghê tởm chúng gây ra để rồi dẹp hết đi!

    Còn không chính các ngài đồng loã với tội ác.

    Không có nhận xét nào:

    Đăng nhận xét