Chủ Nhật, 4 tháng 10, 2020

20201005. NHỮNG YOUTUBER 'DỞM' Ở VIỆT NAM

 ĐIỂM BÁO MẠNG

VIDEO ĐỘC HẠI, YOUTUBER 'DỎM'

KIM LOAN/ SGGP 19-9-2020

Khi YouTube trở thành “mỏ vàng”, cuộc đua Vlog bắt đầu rầm rộ, nhất là những người trẻ ngày càng nhanh nhạy với việc kiếm tiền từ mạng xã hội. Chính việc kiếm tiền khá dễ dàng từ đây đã khiến không ít người bất chấp thực hiện những video phản cảm, độc hại.

YouTuber truyền cảm hứng qua những câu chuyện du lịch và ẩm thực địa phương - một trong số những kênh Vlog có nội dung tốt

YouTuber truyền cảm hứng qua những câu chuyện du lịch và ẩm thực địa phương - một trong số những kênh Vlog có nội dung tốt

Ai cũng có thể làm YouTuber

Có một chiếc điện thoại tầm trung có thể quay phim chụp hình và kết nối Internet được thì bất kỳ ai cũng có thể tạo tài khoản và trở thành YouTuber. Chính việc tạo kênh Vlog dễ dàng cùng khoản lợi nhuận hấp dẫn khi video đạt mốc triệu view hay kênh đạt “nút vàng”, “nút bạc” khiến nhiều người nhanh chóng gia nhập vào đội ngũ YouTuber và sản xuất video liên tục.

Và cũng chính sự dễ dãi này, YouTuber chuyên nghiệp xây dựng vlog có giá trị thì ít mà YouTuber “dỏm” nhan nhản như nấm mọc sau mưa. Một thực tế hiện nay, không thể phủ nhận các video có nội dung xấu đa phần được tạo nên từ những tài khoản YouTuber “dỏm”. “Thử thách 24h làm chó”, “đốt nhà ông ngoại”, “tắm mắm tôm”, “đập nát son của chị chủ”… mang nội dung độc hại, thiếu giáo dục này nhưng lại thu hút người xem đáng kể với hơn 48.000 lượt xem trở lên. Và chủ nhân của những video này là các thanh niên trẻ, nghề nghiệp không ổn định và chưa hề qua trường lớp đào tạo về việc xây dựng video hay nội dung mạng xã hội.

Nhanh chóng khẳng định mình, tìm mọi cách tạo sức hút để lượt xem tăng lên và lượt xem càng cao thì tiền kiếm được càng nhiều… Những lý do này khiến các YouTuber bất chấp chiêu trò để câu view trong mỗi video, thậm chí là lệch lạc những chuẩn mực đạo đức, xã hội. Và nếu bên dưới các video, khán giả bình luận chỉ trích, lập tức chủ nhân các vlog này đáp trả ngay. Nhiều YouTuber cho rằng, vlog là kênh cá nhân tự do của riêng họ và họ có quyền “khác biệt” để video luôn nằm trong “tốp đầu”, dễ thu hút người xem.

Không ít lần những người làm nghề báo chí, truyền thông phiền toái trong lúc tác nghiệp khi các YouTuber chen ngang, cố giành lấy vị trí tốt nhất để quay video, còn lại mặc kệ ai làm gì. Hay các đám tang người nổi tiếng, đội quân này cũng túc trực vây kín bên ngoài để quay video, bất chấp phản ứng từ gia đình người quá cố và cộng đồng mạng. Trong những tình huống này, đôi khi bật lại thì cuộc cự cãi sẽ bắt đầu, thậm chí là đánh nhau.

Quay phim của một kênh truyền hình ngao ngán: “Thôi lùi lại cho lành, chứ lên tiếng là um sùm. Tôi nói mình quay phim để làm bản tin thời sự cho đài thì họ nghiễm nhiên nói kênh của họ còn nhanh hơn báo đài”.

Siết nhưng chưa chặt

Vừa qua, sự việc Hưng Vlog bị Sở TT-TT tỉnh Bắc Giang xử phạt 7,5 triệu đồng vì video nấu cháo gà còn nguyên lông, một lần nữa cho thấy việc sáng tạo nội dung video trên mạng xã hội không đồng nghĩa với việc bất chấp những chiêu trò phản cảm. Số tiền mà các YouTuber trẻ hiện nay kiếm được từ việc sản xuất các video triệu view có lẽ vượt xa con số 7,5 triệu đồng. Tuy nhiên, mức phạt được đưa ra để thấy rằng, pháp luật về quản lý nội dung mạng xã hội đang dần được siết lại.

Thời gian gần đây, YouTube bắt đầu siết chặt hơn những chính sách về quy định, tiêu chuẩn cộng đồng của nội dung video được đăng tải. Hàng loạt kênh và video có nội dung xấu như: bạo lực, kích động, thiếu giáo dục, phản cảm… đã bị gỡ bỏ hàng loạt. Tuy nhiên, việc tạo lập tài khoản dễ dàng khiến kênh này không còn “câu view” được, các YouTuber liền lập kênh khác để tung hoành. Kênh T.M là một ví dụ, sau khi bị phản ứng vì video giết thịt động vật nghi có trong sách đỏ và mang tính bạo lực, chủ nhân kênh này tạm ngưng hoạt động một thời gian. Sau đó, T.M lập thêm 5 kênh khác để đăng tải video và các kênh này đều mang lại lợi nhuận bởi các video với nội dung nấu ăn để “troll” nhau đều cán mốc vài triệu view.

Bên cạnh các video nội dung, video đọc sách, đọc truyện cũng được đông đảo YouTuber trẻ xây dựng, nổi bật và thu hút nhất là thể loại đọc truyện ngôn tình. Người đọc thường là các bạn nữ có gương mặt dễ thương và nội dung là những truyện ngôn tình nước ngoài, có video dài hơn 2 giờ nhưng chỉ toàn miêu tả chuyện nam nữ hoặc những mối quan hệ gây tranh cãi…

Một cái chạm trên điện thoại thông minh, máy tính bảng… bất kỳ ai cũng có thể xem video trên YouTube, một số video có cảnh báo “nội dung 18+”, “nội dung 16+”… nhưng hoàn toàn không có bất kỳ xác minh nào với người xem, chỉ cần click vào là xem ngay bất kể người dùng đang ở lứa tuổi nào. “Tôi cũng thường hay lấy điện thoại để dỗ con, cho tụi nhỏ xem video này kia trên mạng để đỡ chán. Có lần thấy con mải mê xem, khi nhìn lại tôi mới giật mình video này đang đọc truyện ngôn tình cho người lớn”, chị Lê Dương Thu Hằng (34 tuổi, ngụ quận 7) kể.

Không ít ý kiến cho rằng, trong nền tảng Internet, kiếm tiền từ việc sáng tạo video, các YouTuber xây dựng nội dung khác biệt so với chuẩn mực chung của xã hội hay làm lố cũng không sao, miễn view cao và hái ra tiền là được. Ý kiến này, không chỉ sai mà còn nguy hiểm, bởi tốc độ lan truyền của video trên mạng rất nhanh, những video độc hại được chia sẻ rộng rãi sẽ ảnh hưởng đến nhận thức nhiều người, nhất là người trẻ.

KIM LOAN

KHI YOUTUBE THÀNH NƠI ĐỂ VLOGGER KIẾM TIỀN BẰNG 'VIDEO RÁC'

PHƯƠNG NGUYỄN/ VNN 16-9-2020

Hàng trăm nghìn 'công nhân số' người Việt đang lao đầu vào làm việc cho 'xí nghiệp' nội dung YouTube, tạo ra hàng triệu video mỗi ngày.

Việt Nam là một trong 5 mỏ vàng của YouTube, ám chỉ sự tăng trưởng người xem ở 5 thị trường đều đạt hai chữ số mỗi năm. Đây là tiết lộ của công ty mẹ Google vào năm 2019.

Nhưng không phải đợi đến khi thị trường Việt Nam bùng nổ như bây giờ, những người làm nội dung mới nhảy vào cuộc chơi. Từ thuở sơ khai của YouTube, người Việt đã biết cách công nghiệp hóa dây chuyền sản xuất nội dung để kiếm tiền trên mạng xã hội video này.

Nhà xưởng lớn YouTube

Bất kỳ nền tảng số kiếm ra tiền nào cũng có thể bị lạm dụng bởi một nhóm nhỏ người dùng và YouTube cũng không phải ngoại lệ. Không lâu sau khi mở đường kiếm tiền (monetization) vào năm 2007, YouTube đã đón chào một thế hệ các vlogger đầu tiên đầy tài năng của Việt Nam như Toàn Shinoda, Huyme hay JVevermind.

Cùng với đó, một nhóm nhỏ khác đã nhìn thấy cơ hội làm giàu trên mảnh đất YouTube. Đó cũng là lúc các thế hệ "công nhân" đầu tiên của nhà xưởng YouTube ra đời với kỹ năng sản xuất duy nhất: reup.

Khi YouTube biến thành nơi để Vlogger kiếm tiền bằng 'video rác'

Clip nấu cháo gà nguyên lông của Hưng Vlog đã bị chính chủ gỡ nhưng lại được reup hàng loạt trên rất nhiều kênh khác nhau

Reup là thuật ngữ ám chỉ nội dung được sản xuất bằng cách lấy lại của người khác, cắt ghép rồi tổng hợp để đăng lên kênh của bản thân nhằm mục đích kiếm tiền. Thế nhưng ở thuở sơ khai, khi YouTube chưa siết chặt chính sách nội dung, reup là một mỏ vàng kiếm tiền cho người Việt. Đó là bởi công việc cần làm chỉ đơn giản là lấy video của người khác đăng lên. 

Sau khoảng vài năm, cách thức này đã không còn hiệu quả khi YouTube mạnh tay tắt kiếm tiền những kênh reup như vậy của người Việt (thuật ngữ trong giới gọi là đợt bão). 

Đứng trước nguy cơ cao bị thất nghiệp, các "công nhân" của "xí nghiệp" YouTube tại Việt Nam loay hoay tìm nhiều hướng đi, và một trong số đó là cải tiến phương thức sản xuất. Reup ngày nay tinh vi và bài bản hơn rất nhiều, cộng kèm nhiều thủ thuật về SEO, backlink, subs chéo. ICTnews sẽ đề cập tới các thủ thuật này trong những bài viết sau.

Khi rác ngập tràn "nhà xưởng"

Trước khi nội dung rác là một phần không thể thiếu của YouTube, các công nhân cũng phải mày mò thử nghiệm nhiều phương thức khác nhau để cuốn hút người xem mà lại an toàn, không vi phạm chính sách sử dụng.

Rất nhiều nội dung đã được thử nghiệm và khi đó, nội dung cho trẻ em được xem là mỏ vàng. Từ các loại phim hoạt hình có lồng tiếng hoặc phụ đề đến các video nhạy cảm gắn mác trẻ em. Đỉnh điểm là việc cơ quan chức năng Việt Nam xử phạt chủ kênh YouTube ‘Spiderman Frozen Marvel Superhero Real Life’ hồi năm 2017 vì phát tán clip gắn mác trẻ em nhưng có nội dung phản cảm, đồi trụy, vi phạm thuần phong mỹ tục. 

Cùng với sự nổi lên của các mạng lưới hợp tác với YouTube ở trong nước (gọi là các network), nội dung rác cho trẻ em giai đoạn này cũng dần thoái trào nhường chỗ cho các kênh về trẻ em có sự đầu tư chỉnh chu, chuyên nghiệp, mua bản quyền từ nước ngoài. 

Khi YouTube biến thành nơi để Vlogger kiếm tiền bằng 'video rác'
Nội dung ăn thức ăn sống phản văn hóa đang ngập tràn YouTube

Một loại nội dung rác khác mà vẫn tồn tại cho đến bây giờ là trào lưu thực hiện thử thách (challenge) và trò lừa gạt (prank), theo tiêu chí càng nguy hiểm càng cuốn hút người xem. Cho đến nay, thể loại này vẫn tồn tại ở Việt Nam với nhiều hình thức biến tướng gây phản cảm, đầu độc và gây hại cho người xem mà chưa có cách gì hiệu quả để dẹp bỏ hoàn toàn.

Tuy nhiên, phản văn hóa nhất hiện nay phải là những kênh lấy chủ đề ẩm thực, sử dụng tư liệu là món ăn của đồng bào dân tộc nhưng nội dung hoàn toàn câu view, đem đến cách hiểu sai cho người xem. 

Các video dạng này thường tập trung vào việc ăn sống, ăn nội tạng động vật không hề qua sơ chế hoặc không sử dụng công thức tẩm ướp nào. Dù bị người xem vạch trần là hoàn toàn sai sự thật về cách ăn uống của đồng bào Tây Bắc nói riêng và đồng bào dân tộc trên cả nước nói chung, nhưng các video dạng này vẫn ngang nhiên tồn tại trên YouTube với cả triệu view.

"Nhà xưởng" đã được công nghiệp hóa

Xoay quanh câu chuyện về nội dung video rác và YouTuber nhảm hiện nay, các chuyên gia đều đồng tình rằng rất khó để dẹp bỏ vấn nạn này, cả trên thế giới lẫn Việt Nam. Một phần lớn trách nhiệm này thuộc về người xem, kế đó là trách nhiệm kiểm duyệt của YouTube, rồi mới đến sự vào cuộc của cơ quan chức năng.

Nhưng ngay cả khi người xem đóng vai trò là bộ lọc đầu tiên và tiên quyết loại bỏ video xấu độc (bằng cách report), clip rác liệu có thể biến mất khỏi YouTube? Câu trả lời nhiều khả năng là không. 

Khi YouTube biến thành nơi để Vlogger kiếm tiền bằng 'video rác'
Một xưởng cày view cho clip YouTube.

Sản xuất nội dung YouTube hiện nay đã trở thành một ngành công nghiệp hóa ở Việt Nam, với những ngành công nghiệp phụ trợ giúp cho clip rác hoành hành dễ hơn. Từ các lớp dạy làm YouTube cho đến dịch vụ chạy view, chạy like, chạy comment, dịch vụ kéo subs, gỡ tắt kiếm tiền… tất cả biến việc sản xuất nội dung bẩn cho YouTube thành một công việc màu mỡ, hái ra tiền. Dù trên thực tế, chỉ rất ít người làm nội dung sạch cho YouTube mới có thể sống được với nghề, chứ chưa nói đến làm nội dung bẩn. 

Bởi những dịch vụ như vậy không hề thiếu lừa đảo, nhưng khi cung cầu gặp nhau, người người vẫn đổ xô vào mua dịch vụ kiểu như vậy để đẩy nội dung rác lên đề xuất của YouTube. Ngay cả khi bị chặn, người ta vẫn tìm đủ mọi cách để lách luật như reup đã nói ở trên.

YouTube, Facebook, Dailymotion, Patreon hay bất cứ nền tảng chia sẻ doanh thu kiếm ra tiền nào đều đã, đang và sẽ có sự tham gia của cộng đồng người Việt làm nội dung số. Nạn nội dung rác hoành hành môi trường số sẽ không thể chấm dứt một khi các nền tảng này vẫn có những chính sách kích cầu bằng thu nhập khủng, tạo ra ảo mộng đổi đời cho giới trẻ.

Phương Nguyễn 

AI ĐỨNG SAU CÁC VIDEO NỘI DUNG NHẢM NHÍ Ở VIỆT NAM

TIẾN ĐỨC/ ZING 7-10-2020

Nhiều công ty lớn có chức năng quản lý, tư vấn về nội dung cho các YouTuber ở Việt Nam. Đây là đầu mối để các cơ quan hữu trách xử lý các video vi phạm.

Chiều 10/9, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bắc Giang ra quyết định xử phạt Nguyễn Văn Hưng, chủ kênh YouTube Hưng Vlog 7,5 triệu đồng vì vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội.

Đằng sau các video nhảm không chỉ có YouTuber

Tuy vậy, mức phạt này vẫn chưa đủ để khiến YouTuber “Hưng Vlog” ngừng tạo ra những nội dung nhảm nhí, câu kéo lượt xem. Chỉ chưa đầy một tháng, Nguyễn Văn Hưng tiếp tục ra một video khác với nội dung hướng dẫn trẻ ăn trộm tiền đăng tải trên kênh Hưng Troll.

Chiều 7/10, lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bắc Giang cho biết Thanh tra sở đã lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính Nguyễn Văn Hưng (tức Hưng Vlog, 28 tuổi, ở huyện Lạng Giang, Bắc Giang) về hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin không phù hợp thuần phong mỹ tục của dân tộc. Căn cứ Nghị định của Chính phủ, Sở Thông tin và Truyền thông Bắc Giang xử phạt Hưng 10 triệu đồng.

Chưa đầy một tháng bị phạt, Hưng Vlog lại tiếp tục đăng video nhảm nhí lên một kênh YouTube khác.

Trong phần giới thiệu của kênh YouTube Hưng Vlog, hàng loạt kênh con đang hoạt động như Hưng Troll, Bà Tân Vlog, Ngọc Lan Vlog, Hưng Vlog… Việc tạo nhiều kênh YouTube như vậy gây không ít khó khăn cho cơ quan chức năng khi kiểm soát nội dung. Không riêng Hưng Vlog, một số kênh khác như Lâm Vlog, Thắng Cá Chép, Dương Ka… cũng làm những nội dung gây ảnh hưởng đến trẻ em nhưng vẫn nằm ngoài sự quản lý.

Khác với Facebook, các nhà sáng tạo nội dung YouTube sống được là nhờ nguồn tiền quảng cáo từ các nhãn hàng. Nguồn tiền này chảy từ YouTube về các Multi Channel Network (mạng đa kênh), sau đó đến tay các YouTuber.

Đứng sau nội dung bẩn là YouTuber. Nhưng đứng sau YouTuber lại là các mạng đa kênh

Như vậy, việc xử phạt YouTuber là chưa triệt để bởi đằng sau đó còn có đội ngũ quản lý, kiểm duyệt thông tin của mạng đa kênh. “Trong trường hợp của kênh YouTube Hưng Troll, đằng sau đó là sự hậu thuẫn từ mạng đa kênh Điền Quân”, một nguồn tin yêu cầu giấu tên nói với Zing.

Trên fanpage chính thức của Điền Quân, mạng đa kênh này cũng nhiều lần chia sẻ video của Hưng Troll để tăng lượt xem. Như vậy, nếu kênh YouTube Hưng Troll bị phạt thì vai trò của network Điền Quân cũng có phần trách nhiệm.


Kênh YouTube thuộc network Yeah1 làm thịt chim quý hiếm đăng lên YouTube.

Hiện kênh YouTube có tên Hưng Troll đã ẩn hầu hết video sau khi đăng tải nội dung hướng dẫn trẻ em ăn cắp tiền.

“Việc ẩn những video này là phản ứng thường thấy của các YouTuber khi kênh gặp vấn đề về nội dung. Cách này có thể gọi là xóa dấu vết”, Quan Dũng, người có kinh nghiệm làm YouTube hơn 6 năm chia sẻ.

Theo ông Dũng, chỉ có 3 bên biết những gì một kênh YouTube từng đăng tải là YouTube, chủ kênh và mạng lưới đa kênh. Nếu muốn truy lại những sai phạm trước đây của kênh này, phải làm việc với mạng đa kênh.

Mạng đa kênh hay network YouTube là các tổ chức, công ty bên thứ ba làm cầu nối cho người sáng tạo nội dung (creator hay còn gọi là YouTuber) với YouTube.

Công việc chính của mạng lưới MCN là thay YouTube kiểm duyệt nội dung, hỗ trợ cho chủ kênh các vấn đề liên quan đến bản quyền, kiếm tiền và gia tăng lượt xem.

Nói một cách đơn giản, network là nơi tập hợp các thương hiệu được tuyển chọn (các kênh YouTube) để đến tay người tiêu dùng (người xem).

Tại Việt Nam, mô hình này từ lâu đã rất phổ biến với các cái tên như Điền Quân, MeTub, Pops, VieOn…

“Các kênh nhỏ thường không chọn vào network. Tuy nhiên, khi kênh đã lớn, tức tầm ảnh hưởng rộng, họ sẽ chọn tham gia các mạng đa kênh này để được hỗ trợ tốt hơn từ YouTube”, Vinh Thành, quản trị viên của nhóm cộng đồng sáng tạo nội dung có 260.000 thành viên cho biết.

Ngoài bảo trợ các kênh YouTube, nhiều network lớn còn nhận quảng cáo từ nhãn hàng. Những video quảng cáo sẽ được các YouTuber của network thực hiện và đăng tải trên nền tảng YouTube.

YouTube và các network cần chịu trách nhiệm

Như vậy, thay vì quản lý nội dung từng kênh, cơ quan chức năng có thể tương tác trực tiếp với các mạng đa kênh như một cách kiểm duyệt nội dung đầu vào, nguồn tiền từ YouTube đổ về cho các YouTuber tại Việt Nam.

“Tuy vậy, không phải network nào cũng làm việc hiệu quả. Một số không đảm bảo kiểm soát được nội dung của các kênh YouTube”, ông Vinh cho biết.



            Kênh  Hưng Troll thuộc quản lý của  network Điền Quân.    

Trước đó, Yeah1 là một ví dụ điển hình cho việc mạng đa kênh buông lỏng kiểm soát nội dung. Năm 2017, một kênh YouTube thuộc Yeah1 đã đăng tải những clip gán mác dành cho trẻ em nhưng truyền đạt nội dung với hình ảnh dung tục, nhảm nhí. Đặc điểm chung của các clip này là sử dụng các nhân vật được trẻ em yêu thích như công chúa Elsa, Spiderman để thu hút người xem.

Sau đó, chủ kênh này bị phạt tiền 30 triệu đồng theo quy định tại điểm D, khoản 3, điều 65 Nghị định 174/2013/NĐ-CP. Trong khi đó, đơn vị mạng đa kênh là Yeah1 Network bị phạt hành chính 20 triệu đồng vì không thực hiện các biện pháp cần thiết để ngăn chặn việc truy nhập thông tin hoặc loại bỏ thông tin trái pháp luật.

“Nếu nghiêm túc trong việc yêu cầu các MCN kiểm duyệt nội dung và bắt buộc các kênh YouTube phải tham gia MCN thì vấn đề nội dung nhảm nhí có thể được kiểm soát phần nào”, ông Vinh nhận định.

Bên cạnh đó, một số mạng đa kênh trong quá trình tư vấn nội dung, thường đưa ra những "công thức", "xu hướng" câu view để các kênh trong network cùng khai thác.

Trong năm 2018, xu hướng nội dung được các mạng đa kênh hướng tới là troll (trêu chọc). Trong số đó, kênh YouTube của PHD đã sử dụng bột trắng để đóng giả ma túy troll người thân. Đến đầu năm 2019, xu hướng này là các kênh vlog ẩm thực dân dã. Trong đó, kênh YouTube của Hậu Cáo đã nướng sống một con mèo để ăn. Kênh Tam Mao thuộc network Yeah1 đã làm thịt một con diều hoa Miến Điện…

Tuy vậy, đến ngày 19/7/2019, sau sự cố của network Yeah1, YouTube đã ngăn các website phân tích tiếp cận thông tin về mạng đa kênh. Theo đó, người dùng (hay cơ quan quản lý) không còn công cụ để tìm hiểu thông tin kênh YouTube nào thuộc network nào. Đây là một động thái của Google giúp các network "ẩn thân" hơn và che giấu mối liên hệ giữa các network với các kênh video trên YouTube.

Tin giả vụ 'cô dâu bùng 150 mâm cỗ' lọt top trending trên YouTube

Nhằm thu hút lượt xem, một kênh YouTube đã thay đổi ảnh bìa và tiêu đề sai sự thật về vụ cô dâu 'bùng' 150 mâm cỗ. Dù là tin giả, video này vẫn lọt top thịnh hành YouTube.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét