Thứ Năm, 15 tháng 10, 2020

20201016. TỊ NẠN... GIÁO DỤC

ĐIỂM BÁO MẠNG

TỊ NẠN...GIÁO DỤC
NGUYỄN HỒNG VŨ/ BVN 13-10-2020

Mấy ngày hôm nay tôi cảm giác được độ mạnh của một cơn bão, mạnh không kém cơn bão miền Trung đang hoành hành làm hơn chục người chết và chục ngàn người sơ tán… đó là cơn bão về “giáo dục”, một cơn bão mà có thể quét sạch cả dân tộc Việt Nam nếu chúng ta đánh giá thấp chúng. Tôi đã đọc đâu đó một câu nói “Nếu bạn muốn tiêu diệt một quốc gia, chỉ cần hủy hoại nền giáo dục của nó” (If you want to destroy a nation, just spoil its education system) …

Tôi chắc rằng những ngày qua không ít phụ huynh đã có những suy nghĩ trong đầu về cụm từ “tị nạn giáo dục”! Cụm từ này đã âm thầm xuất hiện trong xã hội Việt Nam từ vài chục năm nay và nó từ từ lớn dần lên và trở nên khá quen thuộc với chúng ta. Chắc các bạn sẽ không khỏi bất ngờ khi Việt Nam là một đất nước có chỉ số thu nhập bình quân đầu người (GDP per capita) khá thấp, chỉ khoản 2700 đô la Mỹ/một người/một năm, đứng hàng thứ 130 trong tổng số gần 200 nước trên thế giới nhưng là quốc gia thường xuất hiện trong top 10, top 5 các nước có du học sinh ở những nước tiên tiến trên thế giới như Mỹ, Úc, Nhật, Hàn, Đức, v.v… Theo “Thống kê của Viện Giáo dục quốc tế cho thấy năm 2017, du học sinh Việt Nam đóng góp hơn 880 triệu USD cho nền kinh tế Mỹ. Còn thống kê chung do Bộ GD-ĐT tính toán và ước lượng thì mỗi năm người Việt chi 3-4 tỉ USD cho du học”. Đó là chưa kể đến các trường hợp “tị nạn giáo dục” tại chỗ bằng cách cho con học ở những trường quốc tế trong nước!

Nếu nhìn vào các số liệu trên chúng ta sẽ thấy đó là những khoản chi không nhỏ tí nào cho giáo dục. Với thu nhập đầu người của Việt Nam khoảng 2700 đô la Mỹ/một người/một năm, để đóng những khoản tiền học từ vài chục ngàn đến vài trăm ngàn đô la Mỹ một năm là ngoài tầm tay của đại đa số người Việt hiện nay. Để tìm ra được câu trả lời làm thế nào các quan chức ở Việt Nam với thu nhập “lý thuyết” thấp hơn hoặc loanh quanh cái con số “2700 đô la Mỹ/một người/một năm” nhưng lại có thể tạo điều kiện cho con, cháu của họ du học tự túc từ rất sớm ở những bậc dưới đại học phải trả những khoản tiền khổng lồ như trên, là một việc như hái sao trên trời!

Hình ảnh có thể có: 3 người, văn bản

Không biết những người lãnh đạo trong ngành giáo dục khi nhìn vào những số liệu trên có bao giờ tự hỏi là tại sao “người dân” đang chấp nhận những khoản “phung phí” như thế để “tránh né” nền giáo dục nước nhà? Tôi nghĩ ngành giáo dục cần phải nghiêm túc trong suy nghĩ hơn để bớt đi những cơn bão “giáo dục” không đáng có như cuốn sách giáo khoa lớp 1 của nhóm “Cánh Diều” gần đây, bớt đi những công trình cải cách giáo dục như kiểu chương trình Giáo dục công nghệ gây tranh cãi của ông Hồ Ngọc Đại mấy năm trước, hoặc bớt đi những kiểu cải cách tiếng Việt không đáng có như của ông Bùi Hiền viết lại "Luật Giáo Dục" thành "Luật Záo Zụk". Có như vậy thì sẽ giúp phụ huynh Việt Nam bớt lo lắng hơn về vấn đề “tị nạn giáo dục”! Còn nếu không làm được như thế thì nên giúp bà con tìm ra câu trả lời những quan chức đã làm thêm bằng cách “chạy xe ôm, buôn chổi đót” như thế nào để có đủ tiền cho con cháu đi học tự túc ở nước ngoài?!

N.H.V.

______

Tài liệu tham khảo:

https://tuoitre.vn/du-hoc-tang-noi-len-dieu-gi-201811172118…

https://en.wikipedia.org/…/List_of_countries_by_GDP_(nomina…

https://wenr.wes.org/…/trends-in-vietnamese-academic-mobili…

https://zingnews.vn/pgs-bui-hien-viet-lai-truyen-kieu-bang-…

https://vtc.vn/sach-tieng-viet-lop-1-cua-gs-ho-ngoc-dai-co-…

https://zingnews.vn/phu-huynh-than-nhieu-truyen-trong-tieng…

Nguồn: FB Vu Hong Nguyen

PHẢN BIỆN GIÁO SƯ NGUYỄN MINH THUYẾT VỀ SÁCH TIẾNG VIỆT 1 CÁNH DIỀU

PHAN THẾ HOÀI, TRẦN QUANG /GDVN 14-10-2020

Bài viết này, chúng tôi phản biện hai nội dung mà Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết đã trả lời báo chí liên quan đến phương ngữ và truyện ngụ ngôn được sử dụng sách Tiếng Việt 1 – bộ Cánh Diều do Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh ấn hành (2020).

Ngày 10/10/2020, Báo điện tử Zing.new.vn dẫn lời Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết - Tổng Chủ biên kiêm Chủ biên sách Tiếng Việt 1 bộ Cánh Diều cho biết, sách phải dùng từ “chả” vì không thể dùng các từ “không” hay “chẳng” để biểu thị ý phủ định vì đến giai đoạn này, học sinh chưa học các vần “ông”, “ăng”.

Dạy từ “nhá” mà không dạy từ “nhai” vì học sinh chưa học vần “ai” và từ “nhá” là từ phổ thông có trong Từ điển tiếng Việt.

Bàn về phương ngữ được sử dụng trong cuốn sách này, cụ thể là từ “nhá”, chúng tôi xin hỏi, căn cứ vào đâu các tác giả phải chọn các văn bản có câu phủ định để dạy ngay những bài đầu, khi nó chưa hợp với âm và vần?

Nếu bắt buộc như thế sao các sách Tiếng Việt 1 xưa nay không bắt đầu với việc dạy câu phủ định có từ “chả”?

Còn nếu đã dạy câu phủ định thì theo nguyên tắc phải dạy câu phủ định với “không” (chung, trung tính) trước câu phủ định với “chẳng”, “chả” (có sắc thái tiêu cực).

Chọn dạy câu phủ định với “chả” trước là dạy cho học sinh nói kiểu nói thông tục, không trang trọng trước cách nói bình thường, trung tính.

(Ảnh chụp minh họa sách Tiếng Việt, bộ Cánh Diều)

Tiếp đến, Giáo sư Thuyết cho rằng phải dạy từ “nhá” mà không dạy từ “nhai” vì học sinh chưa học vần “ai” và từ “nhá” là từ phổ thông có trong Từ điển tiếng Việt, theo Zing.

Vì sao các tác giả phải chọn văn bản trong đó có câu biểu thị hành động nhai (nhá) để bắt buộc phải dùng động từ “nhá”? Hơn nữa, có phải từ nào có trong Từ điển tiếng Việt cũng đưa vào dạy ngay cho học sinh lớp 1 được?

Từ điển tiếng Việt tập hợp từ ngữ từ nhiều nguồn khác nhau (toàn dân với phương ngữ, văn học với khẩu ngữ, trang trọng với thông tục, bản ngữ với ngoại lai...), dạy cho học sinh các cấp, phải lựa chọn từ ngữ theo nguyên tắc từ dễ đến khó, từ thông dụng đến ít thông dụng, từ phong cách trang trọng đến ít trang trọng...

Chọn từ ngữ theo nguyên tắc ngược lại (phương ngữ trước toàn dân, khẩu ngữ trước văn học, thông tục trước trang trọng, ngoại lai trước bản ngữ) là phản khoa học và phi sư phạm.

Tiếp đến, ngày 12/10/2020, trả lời Báo điện tử VnExpress câu hỏi vì sao sách Tiếng Việt 1 – bộ Cánh Diều sử dụng phương ngữ, nhiều truyện ngụ ngôn không phù hợp với lứa tuổi học sinh lớp 1, đơn cử như các bài “Lừa và ngựa”; “Ve và gà”; “Cua, cò và đàn cá”, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết cho nói rằng, hầu hết các truyện này đều phỏng theo tác phẩm của các tác gia lớn như Lev Tolstoy, La Fontaine…

“Không bài học nào thiếu tính giáo dục, vấn đề là hiểu các bài học đó như thế nào, hiểu đúng hay cố tình hiểu theo cách khác. Chẳng hạn bài “Hai con ngựa”, bài học đưa ra là xui người khác làm bậy thì sẽ chịu hậu quả”, Giáo sư Thuyết nói với Báo VnExpress.

Cần hiểu rằng, truyện ngụ ngôn là truyện kể có tính chất đối nhân xử thế, dùng cách nói ẩn dụ hoặc nhân hóa loài vật, con vật hay kể cả con người để thuyết minh cho một chủ đề luân lí, triết lí, một quan niệm nhân sinh hay một nhận xét về thực tế xã hội hay thói hư tật xấu của con người.

Trong khi đó, học sinh lớp 1, nhiều em mới chỉ hơn 5 tuổi, tay cầm chén cơm ăn, bưng ly nước uống chưa vững, năng lực sử dụng ngôn ngữ rất hạn chế vì thiếu vốn từ và chưa hiểu hết nghĩa của từ thì làm sao có thể biết được ẩn ý sâu xa của hàng loạt truyện ngụ ngôn được đưa vào sách giáo khoa như vậy?

Cá nhân tôi cho rằng, việc đưa truyện ngụ ngôn vào dạy cho học sinh lớp 1 sẽ làm mất đi sự trong sáng của tiếng Việt, bởi các truyện này đều có nguồn gốc từ nước ngoài nên rất khó chuyển ngữ sao cho phù hợp với đặc trưng văn hóa, tư duy và cách nói năng của người bản ngữ (người Việt).

Chưa kể, truyện ngụ ngôn của nước ngoài thường sắp xếp tuyến nhân vật là con vật theo mối quan hệ giống loài một cách hợp lí, logic, ví như con ve và kiến (côn trùng), cáo và quạ (động vật)… thì các tác giả sách Tiếng Việt 1 – bộ Cánh Diều lại xào xáo một cách vô tội vạ, khiên cưỡng không theo một nguyên tắc nào cả, đó là ve và gà (côn trùng và động vật), quạ (loài chim) và chó (động vật nuôi)…

Cần biết rằng, cả người phương Tây và người Việt đều có cách tư duy giống nhau về con cáo, là một loài động vật ranh ma, xảo quyệt (Cáo già giả nai tơ, Khôn như cáo, Tháo láo như cáo trông trăng…).

Nhưng tác giả của cuốn sách này lại thay nhân vật “cáo” bằng “chó” ở bài học “Quạ và chó”, biến con chó thành kẻ lọc lừa, gian ác là không hiểu gì về hình ảnh con chó trong văn hóa người Việt.

Với người Việt, chó là con vật có thể đem đến những điều may mắn, mang đến thuận lợi và nhiều niềm vui (mèo đến nhà thì khó, chó đến nhà thì sang). Bên cạnh đó chó cũng là đối tượng bị khinh rẻ, coi thường, nó được xem như một con vật bẩn thỉu, ngu dốt và đáng khinh.

Vì vậy người ta hay thóa mạ nhau bằng những câu chửi, tiếng lóng, thuật ngữ, có nhắc đến con chó như: “đồ chó”, “ngu như chó”, “mèo đàng chó điếm”… Như thế, con chó không hề thủ đoạn như văn bản “Quạ và chó” do đội ngũ tác giả sách Cánh Diều tưởng tượng ra.

Không chỉ truyện ngụ ngôn mà các loại văn xuôi hay thơ của nước ngoài cũng không nên đưa vào dạy cho học sinh ở bậc tiểu học chứ không chỉ là lớp 1.

Học sinh học những ngữ liệu dịch như thế này dần dần sẽ mất đi cảm thức ngôn ngữ của tiếng mẹ đẻ, trở thành người nói tiếng Việt ngọng nghịu, vô hồn, vô cảm.

Hàng loạt kiểu câu trong sách Cánh Diều như sau là một minh chứng: Bể có cá, có cỏ. Hà có ghế gỗ. Ba Hà có ghế da. Bờ Hồ có ghế đá. Cỗ có giò, có gà. Hồ có cá mè, ba ba. Nhà có na, nho, khế. Nhà bà có gà, có nghé. Gà có ngô. Nghé có cỏ, có mía. Bi có phở. Bé Li có na. Bố có cà phê...

Tiếp đến, Báo VnExpress dẫn lời một độc giả chất vấn Giáo sư Thuyết rằng, trong kho tàng văn học Việt Nam có nhiều câu ca dao, truyện ngụ ngôn rất hay, có ý nghĩa giáo dục sâu sắc, vậy sao sách Cánh Diều không lựa chọn mà lại dùng của nước ngoài?

Đáp lại, ông Thuyết cho biết, sở dĩ sách không dạy ca dao, tục ngữ vì học sinh độ tuổi lớp 1 khó tiếp thu nội dung thể loại này.

Chúng tôi cho rằng, ca dao, tục ngữ, thành ngữ, truyện dân gian đều giúp học sinh dễ tiếp thu hơn rất nhiều lần so với truyện ngụ ngôn của nước ngoài hay các tài liệu dịch khác, bởi các thể loại này có vần có điệu, hình ảnh giản dị, quen thuộc và nội dung phù hợp với nhận thức, lối sống của người Việt Nam.

Hơn nữa, ngôn ngữ, văn hóa và tư duy là ba yếu tố không thể tách rời khi con người ở bất cứ quốc gia nào, dân tộc nào khi tri nhận về sự vật hiện tượng hay thế giới khách quan. Vậy nên, Giáo sư cho rằng trẻ lớp 1 khó tiếp thu ca dao, tục ngữ là một quan điểm hoàn toàn sai lạc, không thể chấp nhận được.

Ngày 12/10/2020, Báo Người lao động nêu quan điểm, “nhưng trước quá nhiều “sạn” được đông đảo người dân chỉ ra, thay vì bình tĩnh tiếp nhận, lắng nghe với thái độ cầu thị, thậm chí làm rõ những khác biệt để thấu tình đạt lý, thì Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên bộ sách Cánh Diều đang cố chống chế chẳng mấy thuyết phục, như “thêm dầu vào lửa” làm nhiều người cảm thấy bức bối thêm.

Chúng tôi nhận thấy, với tư cách là Tổng Chủ biên biên và Chủ biên, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết hãy lắng nghe dư luận, nhất là đội ngũ giáo viên, các nhà khoa học để tìm ra phương án giải quyết tốt nhất cho quyển sách đầy tai tiếng này, bởi sách giáo khoa dạy cho trẻ em lớp 1 không thể thích viết gì thì viết…

Tài liệu tham khảo:

[1] //zingnews.vn/tong-chu-bien-noi-ve-tranh-cai-quanh-sach-tieng-viet-1-post1140349.html?

[2]//vnexpress.net/chu-bien-nguyen-minh-thuyet-giao-duc-dang-bi-dinh-kien-4174184.html?

[3] //nld.com.vn/noi-thang/noi-thang-chu-bien-sach-giao-khoa-lop-1-bot-bon-cot-du-luan-20201011205041647.htm?

Thạc sĩ Ngôn ngữ học Phan Thế Hoài – Trần Quang
TỪ SỰ CỐ SÁCH GIÁO KHOA TIẾNG VIỆT LỚP 1 NHÌN LẠI CÁC CUỘC CẢI CÁCH GIÁO DỤC
GS CHU HẢO/ GDVN 15-10-2020

Hết sức đau lòng vì lại thêm một lần nữa sự cố Giáo dục hành con cháu chúng ta đang làm chấn động dư luận. Sự cố này là kết quả tất yếu của các cuộc cải cách giáo dục hơn hai mươi năm gần đây nhằm đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, nội dung sách giáo khoa, phương pháp dạy học, cách thức thi tốt nghiệp phổ thông và tuyển sinh vào đại học…đều không dựa trên một triết lý, một tư tưởng hay một lý luận giáo dục rõ ràng và nghiêm chỉnh nào. Tất cả chỉ là các Dự án, đổi mới mang tính chắp vá, tiền thuế của Dân phải trả cho các Dự án này biết bao nhiêu mà đến giờ cuốn sách giáo khoa lớp 1 dạy tiếng mẹ đẻ cho con em mình vẫn làm không được.

Giáo sư Chu Hảo, ảnh do tác giả cung cấp.

Chúng tôi cho rằng, lúc này cần dừng ngay các Dự án đổi mới giáo dục tiêu tốn tiền thuế của Dân kiểu này trước khi tiến hành một cuộc Tổng kiểm tra giáo dục một cách độc lập, toàn diện và khách quan để biết rõ thực trạng nền giáo dục nước nhà, và trên cơ sở đó Nhà nước giao cho một Ủy ban (cũng phải độc lập) nghiên cứu đề xuất một Chương trình Cải cách toàn diện và triệt để giáo dục, trình Quốc hội thông qua và giao cho Chính phủ thực hiện.

Còn đau lòng hơn cho những người thực lòng muốn thực hiện Phản biện xã hội (mà Giáo sư Ngô Bảo Châu đã từng khẳng định: Không có nó thì xã hội đã chết lâm sàng) một cách nghiêm túc. “Phản biện” như được thấy trên các phương tiện truyền thông chính thống cũng như trên các mạng xã hội trong sự cố sách giáo khoa lần này kinh hoàng quá! Nó đi quá xa khỏi tinh thần học thuật, nó có vẻ bạo lực hơn cả bạo lực theo nghĩa đen. Có lẽ chúng ta phải cùng nhau học hỏi lại cách đối thoại ôn hòa, tử tế và trung thực mà Socrate đã dậy cho giới trẻ ở Athen-Hy lạp ngay từ thế kỷ thứ 5 trước Công Nguyên. “Phản biện” với cung cách này thì làm triệt tiêu luôn cả mọi nỗ lực xây dựng một Xã hội công dân lành mạnh mà chúng ta hằng mong muốn .

Tôi cũng rất lấy làm tiếc cho nhóm chủ biên hình như đã không lường trước được hết các hậu quả của cách ứng xử mà theo tôi là chưa thích hợp trước phản ứng gần như chỉ có một chiều “lên án” của một số nhỏ có chuyên môn và một số rất đông những người đang hết sức bức xúc. Với một sản phẩm giáo dục có một số lỗi không thể tranh cãi và nhiều điều còn phải tranh luận thì nên chăng các tác giả tỏ rõ hơn tinh thần cầu thị chấp nhận những phản bác có lý lẽ và thiện chí, với một lời xin lỗi chân thành công khai trước cộng đồng. Nếu không, tôi e rằng sự việc còn bị đẩy đi xa hơn nữa, không ai mong muốn và cũng chẳng ích lợi gì cho xã hội. Bởi tôi ngờ rằng đằng sau sự om sòm này có hơi hướng của sự cạnh tranh không lành mạnh thị trường sách giáo khoa, và không loại trừ có cả sự tham gia của các nhóm lợi ích quyền lực đi đôi với quyền lợi.

Hà Nội, ngày 13 tháng 10 năm 2020

Chu Hảo

3 GIÁO SƯ HÃY BÌNH TĨNH LẮNG NGHE DƯ LUẬN, ĐỪNG CỐ BAO BIỆN CHO NHỮNG HẠT SẠN

NGUYỄN DUY XUÂN/ GDVN 15-10-2020

Trước sự phản ứng mạnh mẽ của báo chí và dư luận về bộ sách lớp 1 của nhóm Cánh Diều (sau đây gọi tắt là “sách Cánh Diều”) hiện đang được nhiều địa phương đưa vào sử dụng cho năm học 2020-2021, các vị Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên [1], Trần Đình Sử, Chủ tịch Hội đồng thẩm định[2] và Mai Ngọc Chừ, Phó Chủ tịch Hội đồng thẩm định [3] đã đăng đàn trả lời công luận.

Theo Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, các bài đọc đều đã được nhóm biên soạn cân nhắc, viết đi viết lại. "Chúng tôi đã làm rất kỹ", Giáo sư khẳng định.

Giáo sư Thuyết cho rằng, những người góp ý, mắng chửi, dè bỉu nội dung sách không phải là người tử tế, là xuyên tạc, là soi mói, là bóp méo các nội dung sách của ông và đồng sự, và đó là hành động thiếu lành mạnh và nguy hiểm của cạnh tranh.

Giáo sư Trần Đình Sử cũng khẳng định, không đời nào hội đồng thẩm định lại để lọt những nội dung như thế (những lỗi mà báo chí và mạng xã hội đã chỉ ra – người viết), tránh những suy diễn không hay.

“Một tư liệu viết sai hoặc một cái tên có gờn gợn, chúng tôi đã phải hỏi ngay, hoặc thậm chí tra cứu,...”, Giáo sư Sử nói.

Giáo sư Mai Ngọc Chừ cho biết thêm: Những lỗi, sạn (chứ không sai – người viết chú thêm) trong sách giáo khoa Tiếng Việt 1 của nhóm Cánh Diều mà báo chí, dư luận đưa ra thì Hội đồng thẩm định đã có ý kiến khuyến cáo nhóm tác giả phải sửa, nhưng do nhóm tác giả không chịu sửa nên nó mới như thế. Theo Giáo sư Chừ, trách nhiệm này thuộc nhóm tác giả.

Điểm chung trong lời phản biện của 3 người thầy nổi tiếng là thừa nhận “sách Cánh Diều” có nhiều “sạn” và tìm cách minh oan cho những “hạt sạn” đó.

Nhưng cái lý của các thầy thiếu sức thuyết phục, dù Giáo sư Thuyết là người rất nổi tiếng bấy lâu nay về tài phản biện những vấn đề quốc kế dân sinh mỗi lần thầy đăng đàn Quốc hội trước đây.

Bộ sách Cánh Diều (Ảnh: sachcanhdieu.com)

Xin các thầy thực tâm xem xét lại bộ sách Cánh Diều, những lỗi sai, sạn mà dư luận xã hội đã chỉ ra hoàn toàn chính xác.

Cái sai ở đây không phải là vì áp lực học âm, học vần mà phải chọn những từ như các thầy đã giải thích, cũng không phải vì học sinh lớp 1 khó tiếp thu ca dao, tục ngữ hay kho tàng văn học Việt nghèo tới mức buộc các nhà biên soạn phải xây dựng bài đọc bằng cách “phỏng theo” tác phẩm đông tây kim cổ.

Vấn đề ở đây là không nên sa vào tiểu tiết khiến cuộc tranh luận giữa đôi bên khó đi đến sự đồng thuận vì một mục tiêu cao đẹp: “Tất cả vì tương lai con em chúng ta”.

Vậy bộ sách lớp 1 của nhóm Cánh Diều có gì đáng bàn?

Ngữ liệu dạy học thiếu chọn lọc, tinh tế

Các thầy biện minh, sử dụng từ “nhá”, nhá cỏ, nhá dưa chứ không sử dụng từ “nhai” trong bài tập đọc “Thỏ thua rùa” là vì đến thời điểm có bài tập đọc này, học sinh chưa học đến vần “ai”, nên tác giả sách sử dụng từ “nhá”.

Hoặc ở những bài đầu, ý nghĩa phủ định được thể hiện bằng từ “chả” (“chả sợ thi”, tr.59) thay cho các từ “không” hoặc “chẳng” vì đến giai đoạn này, học sinh chưa được học các vần “ông”, “ăng”.

Xin hỏi các thầy, chả nhẽ trong kho tàng đồ sộ văn học dân gian, văn học viết Việt Nam cũng như trong kho từ vựng của tiếng Việt lại nghèo đến mức không tìm ra được ngữ liệu nào có từ chứa âm “a” hay ho hơn những từ “nhá”, “chả” tuy xuất hiện trong từ điển nhưng tần số sử dụng thuộc loại thấp?

Các thầy cho rằng, những từ như “nhá” “chả”, "gà nhí", "gà nhép", “hí hóp”, "tợp", "chén",… có mặt trong từ điển, được lấy làm ngữ liệu dạy học là “hoàn toàn phù hợp, không sai”.

Nhưng các thầy nghĩ lại xem, học sinh lớp một đọc chưa sõi, viết chưa rành thì áp đặt, nhồi nhét những từ như thế vào đầu óc còn non nớt của các cháu liệu đã nên chưa?

Cách lý giải của các thầy về những bài tập đọc được phóng tác từ các tác phẩm văn học nước ngoài cũng không mấy thuyết phục. Tôi không bàn về nội dung. Việc chia bài học ra làm 2 phần (bị ngăn cách bởi một bài học khác) là không khoa học, không đảm bảo tính liên tục, mạch lạc trong việc tiếp nhận của học trò.

Kết thúc bài “Hai con ngựa” [1], là câu nói của ngựa tía: “Chủ mà giục em làm, em sẽ bỏ trốn”. Và ngựa ô lẩm bẩm: “Có lý lắm”. Xin hỏi quý thầy, kết thúc như thế, thầy cô sẽ rút ra bài học giáo dục gì đây cho tâm hồn non nớt của trẻ thơ?

Tìm hiểu kỹ, có thể dễ dàng nhận thấy, rất nhiều ngữ liệu là những từ ngữ mang tính phổ quát thấp, thuộc trường nghĩa tiêu cực, gọi tên những sự vật, hiện tượng xa lạ; những câu cộc lốc, cụt ngủn; những đoạn văn vô hồn mang tính liệt kê, đơn điệu, trùng lặp về mẫu câu, kiểu như “Cỗ có giò, có gà, có cả giá đỗ” (tr.35); “Hồ có cá mè, ba ba. Nhà có na, nho, khế” (tr. 39); “Nhà bà có gà, có nghé… Gà có ngô… Nhé có cỏ, có mía” (tr. 43); “Chị Trà cho bé Chi đi nhà trẻ. Qua chợ, chị chỉ cho bé cá trê, cá mè,…” (tr. 55),…

Lạm dụng ngụ ngôn phương Tây, ngoảnh mặt với văn hóa, văn học dân tộc

Trên trang cá nhân nhà văn Nguyễn Quang Vinh cho biết, theo một thống kê của độc giả, “sách Cánh Diều” có 46 bài/82 bài đọc là các văn bản sao phỏng từ các truyện ngụ ngôn nước ngoài, còn lại là các bài văn xuôi tiếng Việt, không có tác giả hoặc loại tác giả "vô danh".

Ca dao tục ngữ không có chỗ trong cả hai tập sách vì Giáo sư Thuyết cho rằng “học sinh độ tuổi lớp 1 khó tiếp thu nội dung của ca dao, tục ngữ”.[4]

Vì thế trong cả 2 tập của bộ sách, rất hiếm những ngữ liệu dạy học phản ánh nét đẹp tâm hồn, đạo lý, tình cảm của con người Việt Nam cũng như những phong cảnh quê hương, đất nước vốn rất gần gũi, thân quen trong đời sống dân tộc.

Hồn dân tộc, cốt lõi làm nên sự trường tồn của đất nước hầu như vắng bóng trong “sách Cánh Diều”.

Nội dung bài học khô khan, nhảm nhí hạn chế cảm hứng học tập và giáo dục đạo đức lối sống cho con trẻ

Dường như các ngữ liệu (từ, cụm từ, câu, đoạn, bài) được biên tập một cách cẩu thả, tắc trách. Hội đồng nghiệm thu thấy sai, thấy sạn (như thừa nhận của Giáo sư Chừ) nhưng lại vô trách nhiệm, không kiên quyết xử lý đúng với chức trách, quyền hạn của Hội đồng.

Các bài phóng tác từ nguồn bên ngoài theo kiểu xào xáo, chia tách; nội dung mang tính áp đặt, không phù hợp với tâm lý, tình cảm lứa tuổi học sinh. Nhiều bài đọc vô cảm, nhảm nhí, dung tục; tính thẩm mỹ, tính giáo dục, tính nhân văn thấp kém.

Giáo sư Thuyết nói một nhà văn lớn như L. Tolstoy không bao giờ viết một truyện tầm phào hoặc phản giáo dục. Đúng! Chỉ những người biên soạn “phỏng theo” văn hào mới “tầm phào hoặc phản giáo dục”.

Sự tầm phào, nhảm nhí thể hiện ở nhiều ngữ liệu tập đọc như “Bi nghỉ hè”, “Chó xù” (tr.57), “Ví dụ” (tr.89); “Họp lớp”, “Cò và quạ”,…

Thống kê cho thấy, 18 bài tập đọc có từ “sợ” và nói đến nỗi sợ hãi, chết chóc. Cụ thể tập 1: Sẻ, quạ (tr.59), Lỡ tí ti mà (tr.53), Chó xù (tr.57), Thỏ thua rùa (tr.59), Bé Lê (tr.73), Gà nhí nằm mơ (tr.83), Rùa nhí tìm nhà (tr.91), Cò và quạ (tr. 95), Tóm cổ kẻ trộm (tr.105), Làm mứt (tr. 131), Chuột út (tr.133,135), Cá măng lạc mẹ (tr.141), Bỏ nghề (tr.145); tập 2: Sói và dê (tr.15), Hươu, cừu, khướu và sói (tr.35), Lợn rừng và voi (tr. 39), Ai can đảm (tr.65), Ngựa rằn nhanh trí (tr.79).

“Trẻ em như búp trên cành”. Sách giáo khoa nhất là lớp 1 phải thể hiện được tư tưởng chủ đạo nuôi dưỡng “búp trên cành” thành quả ngọt mai sau.

Thông qua ngữ liệu dạy học phải làm cho trẻ lễ phép, ngoan ngoãn, vâng lời cha mẹ, hòa thuận, yêu thương, tương trợ giúp đỡ bạn bè chứ không phải là dạy lối ăn nói cụt ngủn, vô cảm; dạy cách đối phó, láu tôm, láu cá, thủ đoạn với bạn bè...

"Tác giả sách giáo khoa không hình dung được sách mình đào tạo con người nào!"

Đó là nhận xét của Tiến sĩ Giáp Văn Dương, Chủ tịch Hội đồng giáo dục Time School[5]

Những gì chúng tôi đã trình bày ở trên minh chứng cho điều này. Đấy là điều khiến dư luận lo ngại nhất.

“Khi đã thiếu triết lý giáo dục dẫn dắt, tự phát và bị giới hạn bởi quá khứ như thế, những gì được viết ra trong sách giáo khoa sẽ là những gì thuộc về tiềm thức và trải nghiệm tự nhiên của chính các tác giả, những người đã rất cũ, đã thuộc về quá khứ, chứ không phải những gì dành cho các thế hệ tương lai, thuộc về một thời đại hoàn toàn mới”, Tiến sĩ Giáp Văn Dương nhận định. (xem thêm tài liệu đã dẫn [4])

Lời kết

Viết sách giáo khoa nói chung là khó, viết sách cho bậc tiểu học, đặc biệt là lớp đầu cấp càng khó. Nó đòi hỏi kiến thức phải chuẩn, tinh tế, phù hợp với tâm lý lứa tuổi.

Một ngữ liệu đưa vào trang sách để dạy trẻ, dù chỉ một từ cũng phải cân nhắc kỹ để làm sao đạt được mục đích không chỉ dạy trẻ biết đọc biết viết mà còn phải biết hướng tới chân thiện mỹ - cái gốc của đạo lý làm người.

Tiếc thay, những điều “muôn năm cũ” ấy, bộ sách Cánh Diều vẫn chưa đáp ứng được.

Đừng đặt lên vai con trẻ gánh nặng của người lớn, như lý giải của Giáo sư Thuyết về bài đọc “Cua, cò và đàn cá”: “Bây giờ người xấu nhiều, dạy trẻ con phải cảnh giác không thừa”.

Tài liệu tham khảo:

[1]. https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/goc-phu-huynh/sgk-tieng-viet-1-bi-che-chu-bien-len-tieng-680054.html#inner-article

[2]. https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/chu-tich-hoi-dong-tham-dinh-sach-tieng-viet-1-chuyen-bon-cai-lan-la-bia-dat-680228.html

[3]. http://vov1.vov.vn/dong-chay-su-kien-nhip-song/tranh-cai-sach-giao-khoa-tieng-viet-lop-1-va-nhung-dieu-can-lam-ro-12102020-c195-64307.aspx?fbclid=IwAR3Yjo2gwN_VcX7p55Nt_yNVbHV84fl_T67wetITN_TABn9BHq2jAPvbmm0

[4]. https://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/gs-nguyen-minh-thuyet-ly-giai-vi-sao-khong-dung-ca-dao-tuc-ngu-viet-nam-trong-sgk-tieng-viet-1-20201012170125705.htm

[5]. https://nld.com.vn/trich-dan-nong/tac-gia-sgk-khong-hinh-dung-duoc-sach-minh-dao-tao-con-nguoi-nao-20201010140509825.htm

Nguyễn Duy Xuân
TIN LIÊN QUAN:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét