Thứ Năm, 1 tháng 10, 2020

20201002. QUANH VỤ CÁO KIỆN ĐẠI HỌC TÔN ĐỨC THẮNG

 ĐIỂM BÁO MẠNG

ĐH TÔN ĐỨC THẮNG 'TỐ' LÊN ĐẢNG, CHÍNH PHỦ VỀ VIỆC TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG LÀM TRÁI LUẬT

TTO 8-6-2019

TTO - Lãnh đạo Trường ĐH Tôn Đức Thắng xác nhận nhiều cán bộ, giảng viên nhà trường đã gửi đơn tố cáo cơ quan chủ quản của trường là Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam 'vi phạm chủ trương, chính sách và pháp luật trong quản lý trường'.

ĐH Tôn Đức Thắng tố lên Đảng, Chính phủ việc Tổng liên đoàn Lao động làm trái luật - Ảnh 1.

Một góc Trường ĐH Tôn Đức Thắng - Ảnh: TRẦN HUỲNH

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Nguyễn Ngọc Sơn - phó hiệu trưởng Trường ĐH Tôn Đức Thắng - cho biết theo thông tin ban giám hiệu nhà trường có được, hiện đã có rất nhiều đơn thư từ các giảng viên, cán bộ các khoa của nhà trường gửi đến cho ban chấp hành Trung ương Đảng, Ủy ban Kiểm tra trung ương, Chính phủ… để tố cáo Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam (Tổng liên đoàn LĐVN).

Theo ông Sơn, lý do của các đơn thư tố cáo này bắt nguồn từ việc tháng 10-2017, Tổng liên đoàn LĐVN kiểm tra tài chính nhà trường.

Sau đó, cơ quan chủ quản này đã đưa ra nhiều yêu cầu đối với nhà trường, đặc biệt trong đó buộc nhà trường phải trích nộp đến 30% kết quả tài chính sau khi đã nộp thuế - mức cụ thể do Tổng liên đoàn quyết định.

Ngay sau đó, Trường ĐH Tôn Đức Thắng đã không chấp nhận và dứt khoát không nộp ngân sách thực hiện nghĩa vụ với Tổng liên đoàn và đã gửi công văn phản đối, viện dẫn quyết định 158 của Thủ tướng Chính phủ năm 2015 về quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với Trường ĐH Tôn Đức Thắng và chỉ đạo của Thủ tướng tại công văn số 3995 năm 2008 khi chuyển trường này về Tổng liên đoàn.

Do đó, nhà trường cho rằng việc buộc trường phải trích nộp cho Tổng liên đoàn 30% là khoản thu trái với thực tế quản lý và trái với quy định của pháp luật.

Quyền của hội đồng trường cơ quan chủ quản không có quyền can thiệp và càng không thể áp dụng tiêu chí của công đoàn các cấp cho một trường đại học. Như vậy là trái quy định của Luật giáo dục đại học.

Ông Nguyễn Ngọc Sơn - phó hiệu trưởng Trường ĐH Tôn Đức Thắng

Bên cạnh đó, nhà trường còn cho biết cơ quan chủ quản này còn có nhiều chỉ đạo vi phạm quyền tự chủ của nhà trường và trái với các quy định của pháp luật hiện hành như: yêu cầu nhà trường trước khi có chủ trương, quy định quan trọng của hội đồng trường, lãnh đạo nhà trường (nhân sự, đầu tư…) đều phải thông qua cơ quan chủ quản trước đưa ra hội đồng trường quyết định.

Đặc biệt, trong vấn đề nhân sự của nhà trường, cơ quan chủ quản còn yêu cầu nhà trường phải thực hiện phù hợp với các tiêu chuẩn chức danh của công đoàn các cấp, trong đó có vấn đề về nhiệm kỳ hiệu trưởng nhà trường.

"Tổng liên đoàn muốn chi phối hội đồng trường, không tôn trọng các quyền của hội đồng trường. Việc này cho thấy Tổng liên đoàn đã áp dụng nhầm đối tượng trường chúng tôi - một cơ sở giáo dục đại học đang được áp dụng cơ chế tự chủ - với các đơn vị sự nghiệp khác của công đoàn.

Quyền của hội đồng trường cơ quan chủ quản không có quyền can thiệp và càng không thể áp dụng tiêu chí của công đoàn các cấp cho một trường đại học. Như vậy là trái quy định của Luật giáo dục đại học", ông Sơn nhấn mạnh.

Một số cán bộ, giảng viên của nhà trường cũng bày tỏ bức xúc các nội dung như trên và cho biết đã gửi đơn tố cáo "để ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật của Tổng liên đoàn, giúp nhà trường ổn định và phát triển lành mạnh".

LUẬT SƯ CHO RẰNG, NÓI TDTU GÂY THẤT THOÁT TÀI SẢN CÔNG LÀ QUY CHỤP
THÙY LINH/GDVN 30-9-2020

GDVN - Tất cả 137 gói thầu của trường Đại học Tôn Đức Thắng với tổng trị giá 1.154.844.783.722 đồng từ những năm 1999 đến nay đều được kiểm toán

Hiện nay, có một số thông tin cho rằng các hoạt động đầu tư, xây dựng cơ bản, tiến hành dự án tại Trường Đại học Tôn Đức Thắng trong thời gian qua không tuân thủ các quy định về phê duyệt, thẩm định dự án… và như vậy, có hiện tượng thất thoát tài sản công; từ đó qui kết rằng có dấu hiệu của tham nhũng.

Để rộng đường dư luận, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Thành Công, Luật sư Vũ Phi Long, Đoàn Luật sư thành phố Hồ Chí Minh và Tiến sĩ tài chính Tăng Trí Hùng để cung cấp cho bạn đọc một số thông tin trọng yếu để vấn đề được hiểu đúng, rõ ràng hơn.

Phóng viên: Thưa các Luật sư, thưa Tiến sĩ Tăng Trí Hùng, việc phê duyệt dự án đầu tư và thẩm quyền phê duyệt dự án đầu tư đối với một đại học thí điểm tự chủ như Trường Đại học Tôn Đức Thắng đã và đang được thực hiện dựa trên cơ sở pháp lý nào?

Các kết luận thanh tra/kiểm tra của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam đều xoáy vào hạn chế, khuyết điểm: Trường Đại học Tôn Đức Thắng không tuân thủ việc phê duyệt và thẩm quyền phê duyệt dự án chưa đúng; thể hiện qua việc có một số dự án do Hiệu trưởng phê duyệt.

Thực tế, khi thực hiện tư vấn cho Nhà trường, chúng tôi nhận thấy rằng: trong quá trình đầu tư dự án, tất cả các dự án của Trường Đại học Tôn Đức Thắng đều thực hiện đầy đủ các quy định pháp luật chung.

Luật sư Nguyễn Thành Công, ảnh do nhân vật cung cấp.

Theo đó Hội đồng trường, chủ thể quyết định các vấn đề chiến lược của Trường có nghị quyết phê chuẩn chủ trương; sau đó, Dự án đầu tư được phê duyệt bởi Chủ tịch hội đồng trường hoặc Hiệu trưởng (theo sự phân cấp) như:

Khoa Sư phạm và hệ thống thực hành – 19 Nguyễn Hữu Thọ - Phường Tân Phong – Quận 7 – Thành phố Hồ Chí Minh. Hiệu trưởng phê duyệt (Quyết định số: 1322/2017/TĐT-QĐ ngày 04/10/2017) thực hiện theo Điều 2 của Nghị quyết số 10-2/2016/TĐT-NQHĐT – ngày 20/08/2016 “V/v thành lập, đầu tư xây dựng dự án Khoa Sư phạm và hệ thống thực hành trường Đại học Tôn Đức Thắng”;

Ký túc xá và Trung tâm giáo dục quốc phòng – 19 Nguyễn Hữu Thọ - Phường Tân Phong – Quận 7 – Thành phố Hồ Chí Minh. Hiệu trưởng phê duyệt (Quyết định số: 1328/2017/TĐT-QĐ ngày 05/10/2017) thực hiện theo Điều 2 của Nghị quyết số 10-1/2016/TĐT-NQHĐT – ngày 20/08/2016 “V/v Dự án đầu tư Trường Đại học Tôn Đức Thắng mở rộng”.

Tại Trường Đại học Tôn Đức Thắng, từ xưa đến nay việc quyết định chủ trương đầu tư đều do Hội đồng trường quyết, Hiệu trưởng chỉ triển khai thực hiện dự án. Quy trình này trước tiên là được kế thừa từ khi Trường Đại học Tôn Đức Thắng còn là đại học ngoài công lập cho đến đại học bán công. Khi chuyển sang công lập vào năm 2008, Trường vẫn tiếp tục được thực hiện cơ chế này.

Đến 2015, với Quyết định 158/QĐ-TTg, Trường Đại học Tôn Đức Thắng được tiếp tục cơ chế hoạt động như từ khi thành lập đến thời điểm ấy. Cơ sở pháp lý của việc phê duyệt dự án đầu tư này đã được cơ quan chủ quản tiếp tục (từ 2008 đến 2017); sau đó, được pháp lý hóa bởi quyết định thí điểm của Thủ tướng Chính phủ.

Từ khi thành lập (1997) đến 2017 (trước khi có các đoàn kiểm tra liên tục của Tổng Liên đoàn) không ai thắc mắc về cơ sở pháp lý này.

Vậy nói Trường Đại học Tôn Đức Thắng đã làm sai Luật đầu tư công, Luật quản lý tài sản công, Luật đấu thầu, bị xuất toán, có nguy cơ thất thoát tài sản công là lập luận dựa trên cơ sở nào?

Trường Đại học Tôn Đức Thắng mặc dù là trường đại học công lập, nhưng khác với tất cả các trường đại học công lập khác (là phải được Nhà nước đầu tư, trang bị cơ sở vật chất trường học sẵn sàng như Luật Giáo dục đại học quy định)Trường tự chủ tài chính hoàn toàn, không nhận chi thường xuyên và chi đầu tư từ Ngân sách Nhà nước, từ cơ quan chủ quản; nên Nhà trường phải tự đầu tư và tự trang bị cơ sở vật chất cho mình ngay từ ban đầu.

Như vậy, Trường Đại học Tôn Đức Thắng không thừa hưởng tài sản công được nhà nước đầu tư sẵn khi tiến hành tự chủ như tất cả các đại học công khác. Tài sản trên đất của Trường Đại học Tôn Đức Thắng là do chính Trường tự làm ra.

Luật sư Vũ Phi Long, ảnh do nhân vật cung cấp.

Trong quá trình phát triển, các dự án xây dựng và mua sắm của Trường Đại học Tôn Đức Thắng đều được triển khai từ nguồn Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp và vốn vay. Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp của Trường Đại học Tôn Đức Thắng gồm nguồn khấu hao và chênh lệch thu-chi hoạt động.

Như trên đã nói, quỹ khấu hao được lấy từ tài sản tự trang bị của Trường, không phải từ tài sản công. Còn chênh lệch thu chi thì hoàn toàn từ nguồn tự thu, tự chi của Trường, không có ngân sách.

Do vậy, vốn đầu tư dự án và mua sắm trang bị của Trường này là vốn khác, vốn ngoài ngân sách.

Từ đó có thể thấy rằng việc áp dụng các luật đối với dự án đầu tư, mua sắm từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, hoặc có nguồn gốc từ tài sản công đối với Trường Đại học Tôn Đức Thắng đều không chính xác. Bởi các luật này đã không tính tới các trường hợp thí điểm đặc thù như Trường Đại học Tôn Đức Thắng.

Đây là cơ chế rất riêng biệt mà Đảng, Nhà nước đã trao cho Trường Đại học Tôn Đức Thắng trong quá trình hình thành và phát triển, được cụ thể hóa bằng Công văn 3995/VPCP-KGVX ngày 18/06/2008 của Văn phòng Chính phủ, Nghị quyết 40/NQ-CP ngày 09/08/2012 của Chính phủ, Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 24/10/2014 của Chính phủ; đặc biệt là Quyết định số 158/QĐ-TTg ngày 29/01/2015 của Thủ tướng Chính phủ về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động cho Trường Đại học Tôn Đức Thắng.

Luật đầu tư công mới đây (Luật số 39/2019/QH14) và Nghị định 40/2020/NĐ-CP mới cập nhật, sửa đổi về thẩm quyền triển khai dự án, mua sắm cho những tình huống đại học công tự chủ hoàn toàn chi thường xuyên và chi đầu tư như Trường Đại học Tôn Đức Thắng.

Do đó, nếu cứ dùng những Luật đầu tư công, Luật quản lý tài sản công hay các luật liên quan đến triển khai dự án xây dựng cũ (chưa sửa), chưa tính đến các trường hợp tự chủ chi thường xuyên và chi đầu tư; để rồi nhận định Trường Đại học Tôn Đức Thắng làm sai các luật này, có nguy cơ thất thoát vì bị xuất toán, và như vậy là có dấu hiệu tham nhũng…sẽ rất không phù hợp nếu không nói là mang tính cưỡng ép, qui chụp.

Việc không nhận được đầu tư từ Ngân sách, từ cơ quan chủ quản là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vừa là khó khăn cho Trường Đại học Tôn Đức Thắng để cân đối, bảo đảm kinh phí hoạt động, nhưng cũng là động lực, cơ hội để Trường Đại học Tôn Đức Thắng chủ động sáng tạo trong thực hiện các hoạt động nhằm tối đa hóa hiệu quả của đồng tiền tự tích lũy, nhưng vẫn có thể phát triển nhanh, mạnh với cơ sở vật chất hiện đại.

Tài chính của Trường Đại học Tôn Đức Thắng là tự thu tự chi, tự cân đong đo đếm, do vậy tiết kiệm, hiệu quả là tiêu chí phải đặt lên hàng đầu cho mọi quyết định của Hội đồng trường, cấp có thẩm quyền quyết định các vấn đề chiến lược của Trường.

Thực tế cho thấy và qua các giải trình của Trường Đại học Tôn Đức Thắng với các đơn vị, cơ quan nhà nước có thẩm quyền, cơ quan chủ quản, thì các quyết định về đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng đều đem lại lợi ích, hiệu quả, không gây thất thoát gì đối với bản thân nguồn vốn của Trường Đại học Tôn Đức Thắng.

Nhờ đó, đã đem đến cho Trường Đại học Tôn Đức Thắng một bộ mặt khang trang, hiện đại, với cơ sở vật chất đáp ứng được hoạt động giảng dạy, thực nghiệm chất lượng cao tương đương với các đại học tốt của nước ngoài, cũng như mở rộng hoạt động của Trường ra nhiều địa bàn khác.

Việc triển khai dự án đầu tư và mua sắm một cách tự chủ từ nguồn tài chính tự tích lũy và đi vay, không theo các qui định hiện hành đối với tài sản công, đối với dự án sử dụng vốn có nguồn gốc từ tài sản công và vốn ngân sách, đã mang lại hiệu quả thực tế tích cực gì, thưa 2 Luật sư và Tiến sĩ Tăng Trí Hùng?

Thực tế, những cơ sở vật chất của Trường Đại học Tôn Đức Thắng đã được xây dựng bằng nguồn vốn tự tích lũy từ các nguồn hợp pháp của mình đã và đang được khai thác một cách có hiệu quả cho công tác dạy và học tại Trường Đại học Tôn Đức Thắng. Quá trình phát triển rất nhanh chóng về cơ sở vật chất, trang bị, phòng thí nghiệm đạt chuẩn 5 sao/5 sao của thế giới (theo QS Star Ratings) là minh chứng

Tất cả 137 gói thầu với tổng trị giá 1.154.844.783.722 đồng từ những năm 1999 đến nay đều được kiểm toán; chỉ có 3 gói thầu trị giá 230 tỷ chưa được kiểm toán do chưa hoàn thành hồ sơ mặc dù đã được đưa vào sử dụng.

Giá trị xây dựng công trình và giá trị sử dụng/Chất lượng công trình đều tốt hơn hẳn các công trình khác tương tự ở hầu hết các nơi trên lãnh thổ Việt Nam .

Tiến sĩ tài chính Tăng Trí Hùng, ảnh do nhân vật cung cấp.

Với tinh thần cầu thị và để minh chứng điều này, Trường Đại học Tôn Đức Thắng đã và đang thực hiện việc định giá độc lập toàn bộ tài sản của nhà trường (trong đó tài sản cố định là hạng mục trọng yếu). Kết quả kiểm định này để một lần nữa khẳng định về sự kết luận không chính xác về tính minh bạch, chất lượng và hiệu quả của các dự án đầu tư, xây dựng tại Trường Đại học Tôn Đức Thắng; nhằm bác bỏ sự dẫn dắt dư luận hướng đến việc hoài nghi về cái gọi là “thất thoát” trong đầu tư, xây dựng tại Trường Đại học Tôn Đức Thắng.

Không có gì ấu trĩ hoặc cường từ đoạt lý hơn khi ép các luật cũ, chưa tính đến trường hợp tự đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách ở các đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ hoàn toàn chi thường xuyên và chi đầu tư; không kế thừa tài sản công trong hoạt động, rồi qui chụp rằng như thế là đầu tư dự án sai luật, sai qui trình, để đề nghị xuất toán; để qui chụp khả năng gây thất thoát tài sản công, qui chụp dấu hiệu tham nhũng.

Thái độ đó cũng cố tình bỏ qua luôn thực tiễn là những dự án được cho là sai qui trình, thủ tục đầu tư này thì sản phẩm đã được đưa vào sử dụng hiệu quả gần 2 năm trời; được thầy, cô, sinh viên và phụ huynh đánh giá rất cao về chất lượng, kỹ thuật, mỹ thuật.

Thất thoát tài sản công thế nào khi không dùng ngân sách, khi sản phẩm tồn tại sờ sờ như vậy và đang được sử dụng hiệu quả?!

Trân trọng cảm ơn Luật sư Nguyễn Thành Công, Luật sư Vũ Phi Long và Tiến sĩ Tăng Trí Hùng.

Thùy Linh
TIN LIÊN QUAN:
TIẾN SĨ HOÀNG NGỌC VINH : SO SÁNH 2 ĐẠI HỌC THUỘC TỔNG LIÊN ĐOÀN SẼ RÕ CẢ THÔI !
THÙY LINH/ GDVN 1-10-2020
GDVN- Nếu có một so sánh về mức đầu tư và sự phát triển 2 trường này sẽ nói lên nhiều điều về vai trò và công sức của Tổng liên đoàn trong phát triển giáo dục đại học.

Những ngày qua câu chuyện về sự ra đời, hình thành, phát triển cũng như những khoản đầu tư Trường Đại học Tôn Đức Thắng nhận từ Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam liên tục được Báo Lao động – cơ quan ngôn luận Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đăng tải với mong muốn giúp độc giả có cái nhìn khách quan, trung thực và toàn diện.

Tuy nhiên, qua những thông tin mà Cựu chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam –ông Đặng Ngọc Tùng cung cấp trên Báo Lao động thì một số chuyên gia cho rằng:

Đã đến lúc Cựu chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cần đưa ra bảng so sánh hai trường đại học trực thuộc là trường Đại học Công đoàn và Trường Đại học Tôn Đức Thắng từ mức vốn nhận đầu tư nhận từ Tổng liên đoàn và sự phát triển đến nay ra sao về đội ngũ giảng viên, cơ sở hạ tầng, quy mô đào tạo, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công của một trường bắt đầu đào tạo từ năm 1993 (Đại học Công đoàn) và trường kia thành lập sau 4 năm (Đại học Tôn Đức Thắng).

Đến nay Trường Đại học Công đoàn được những gì? Thành tựu ra sao?

Trường Đại học Công đoàn lọt vào hàng thứ mấy nghìn của các đại học thế giới?

So với trường Đại học Công đoàn thì mức đầu tư vào Trường Đại học Tôn Đức Thắng chiếm bao nhiêu phần trăm?

Theo chuyên gia, cựu Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam nên có so sánh về quy mô đầu tư và sự phát triển của 2 trường đại học trực thuộc

Bởi lẽ theo các chuyên gia, lâu nay mới chỉ thấy Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam nói về công lao đối với Trường Đại học Tôn Đức Thắng do đó, cần phải có sự so sánh để dư luận thấy rõ trong nhiều thập niên qua, Tổng liên đoàn đã lao tâm khổ tứ và “rót” bao nhiêu tiền vào Trường Đại học Công đoàn?

Tại sao năm nào cũng kiểm tra, cũng kiểm toán mà không thấy được những vi phạm mà theo dư luận Đại học Tôn Đức Thắng đang phải đối mặt.

Ngược lại thì thành tích và thành tựu nếu có của Trường Đại học Tôn Đức Thắng thì là do Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam.

Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh - Thành viên Tổ Tư vấn của Ủy ban quốc gia về đổi mới giáo dục đào tạo cho rằng, đã đến lúc Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cần đánh giá về quy mô đầu tư và sự phát triển của cả hai ngôi trường này.

“Chỉ khi so sánh bằng con số thì mọi nhận định sẽ sáng suốt và tránh bị ngộ nhận kể lể công sức vì sự nghiệp đào tạo nhân lực cho đất nước.

Ai làm sai, hiệu quả thấp để thất thoát tài sản công thì rất đáng bị kỷ luật còn những nơi làm tốt, người làm tốt rất cần nghiên cứu phân tích khách quan rút ra những bài học kinh nghiệm xương máu của tự chủ giáo dục đại học còn quá non trẻ ở Việt Nam để có chính sách đúng đắn.

Những gì sai lệch cần được uốn nắn kịp thời để cái tốt cần phát huy, những hạn chế cần khắc phục và hoàn thiện hơn các cơ chế tự chủ đại học. Có như vậy một ngày mai giáo dục đại học của Việt Nam mới có thể lớn mạnh, có sức cạnh tranh cao trong giáo dục đại học ở khu vực và quốc tế.

Nhiều khi hiện thực xã hội đi trước ý thức xã hội và những vấn đề chính sách luật pháp có khi không theo kịp với một thế giới đổi thay nhanh chóng.

Sự hợp tác và cạnh tranh diễn ra rất gay gắt không chỉ trong lĩnh vực kinh tế mà còn xuất hiện ở hầu hết các lĩnh vực trong đời sống xã hội do toàn cầu hóa mang lại.

Ai nhanh chân hơn, nhiều thông tin hơn và xử lý nhanh hơn kẻ đó sẽ chiến thắng trong khung khổ luật pháp đủ rộng cho sự phát triển sáng tạo cho mỗi chủ thể hoạt động trong môi trường pháp lý đó một cách bình đẳng.

Tôi nhớ lại ngày xưa người ta nói" cá lớn nuốt cá bé" ngày nay ở đâu đó còn có câu: "Kẻ nhanh sẽ nuốt kẻ chậm"( the faster eats the slower)”, trường Đại học Tôn Đức Thắng có thể đã là kẻ nhanh hơn hay không?" Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh nói.

Thùy Linh
ÔNG VŨ QUỐC HÙNG: CẦN PHẢI CÓ ĐÁNH GIÁ CÔNG BẰNG VỀ ĐẠI HỌC TÔN ĐỨC THẮNG
NGỌC QUANG/ GDVN 2-10-2020
GDVN- Nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương nói rằng, đây là việc cần phải được minh bạch, loại bỏ hoàn toàn nguy cơ nhóm lợi ích.

Trong những ngày qua sự việc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tạm đình chỉ công tác của chức vụ Hiệu trưởng Trường Đại học Tôn Đức Thắng đối với Giáo sư Lê Vinh Danh thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận, nhất là các thầy cô trong ngành giáo dục.

Rất nhiều giảng viên, cán bộ của Trường Đại học Tôn Đức Thắng và Giáo sư Lê Vinh Danh khẳng định đang thực hiện đúng Quyết định số 158/QĐ-TTg về thí điểm tự chủ và nhiều năm qua tập thể Nhà trường luôn đoàn kết, phấn đấu có những bước phát triển mạnh mẽ cả về đội ngũ nhân sự giảng dạy trình độ cao, công tác nghiên cứu khoa học, hệ thống kỹ thuật hiện đại và cơ sở vật chất vượt trội so với rất nhiều trường đại học trên cả nước. Có thể kể ra một số thí dụ cụ thể như:

Từ chỗ chỉ có chưa tới 100 cán bộ giảng viên thì nay trường có đội ngũ nhân sự hơn 1.400 người, hơn 50% có trình độ tiến sĩ (và đang học tiến sĩ); trong số đó có 224 tiến sĩ và giáo sư là người nước ngoài; quy mô sinh viên, học viên đến nay là 27.000 người.

Nhiều ngành sinh viên ra trường có mức lương khởi điểm 1.000 USD/tháng hoặc hơn. Sinh viên ra trường hiện đang làm việc ở Đông Nam Á, Châu Âu, Úc, New Zealand, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc.

Trường đã có hơn 6 nghìn bài báo công bố trên các tạp chí quốc tế thuộc Danh mục ISI/Scopus. Trường cũng là đại học đầu tiên và duy nhất hiện nay của hệ thống đại học Việt Nam được USPO cấp Bằng sáng chế khoa học công nghệ. Tính từ năm 1975 đến nay, cả nước mới có 26 Bằng sáng chế Mỹ do Việt Nam đứng tên chủ sở hữu, trong đó có 7 Bằng sáng chế là của Trường Đại học Tôn Đức Thắng.

Chương trình, giáo trình, tài liệu đã hội nhập theo TOP 100 đại học tốt nhất thế giới. Tất cả các ngành học đều có phòng thí nghiệm hiện đại, phòng mô phỏng thực tiễn, xưởng thực hành (một số phòng thí nghiệm tiên tiến, hiện đại nhất thế giới như phòng thí nghiệm cơ xương, phòng thí nghiệm quan trắc môi trường...).

Sự thành công của Đại học Tôn Đức Thắng từ cơ chế tự chủ đại học đã trở thành hình mẫu để cải cách hệ thống giáo dục đại học công lập cả nước và được Chính phủ mời báo cáo điển hình vào tháng 8/2014.

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Vũ Quốc Hùng – nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương chia sẻ: “Tôi đã đọc được nhiều thông tin trên báo chí và có cả những thông tin do nhiều người tâm huyết với giáo dục chuyển đến, đề nghị tôi xem và có ý kiến chính thức về vấn đề này.

Quan điểm của tôi rất rõ ràng, đó là phải đánh giá về thành quả mà những cá nhân cùng với tập thể đã dốc sức tạo nên, chứ không phải là đi tìm cách bới móc, gây khó khăn cho Trường. Nếu như ngôi trường đang tốt mà người ta làm cho đi xuống thì phải xem xét xử lý, nhưng từ điểm xuất phát thấp mà trở thành trường đại học danh tiếng vươn ra cả thế giới, thì việc này mang đến cho mọi người suy nghĩ gì?

Dù có nói gì đi chăng nữa thì cũng không ai có thể phủ nhận được sự nỗ lực, tài năng của những người lãnh đạo ngôi trường này suốt hơn chục năm qua. Thành tựu của trường chính là điều quan trọng nhất, là thước đo rõ ràng nhất để xã hội ghi nhận, để các đồng chí lãnh đạo cấp cao đánh giá.

Chúng ta luôn nói giáo dục là quốc sách hàng đầu, và chúng ta cũng hô hào các trường tự chủ, vậy thì đây chính là một thí dụ điển hình cho thành quả của quá trình tự chủ.

Tôi mong rằng các đồng chí lãnh đạo cấp cao có vai trò tiếng nói trong vấn đề này sẽ sớm có chỉ đạo tổng kết đánh giá về việc thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, qua đó phát huy hơn nữa những thành quả đã đạt được cũng như tháo gỡ khó khăn, rào cản để tạo đà cho Trường và cũng là nhiều trường khác bứt lên mạnh mẽ.

Nếu cứ kìm hãm bằng các mệnh lệnh hành chính, thậm chí là ẩn sau đó là những ngụ ý khác thì tự chủ đại học sẽ không bao giờ phát triển được, đất nước cũng sẽ khó mà phát triển”.

Ông Vũ Quốc Hùng - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương nói rằng, cần phải sớm có tổng kết đánh giá công bằng về sự phát triển của Trường Đại học Tôn Đức Thắng. ảnh: NQ.

Ông Vũ Quốc Hùng đánh giá, việc đầu tiên phải khẳng định những thành tựu mà tập thể Trường Đại học Tôn Đức Thắng làm được trong những năm qua là rất ấn tượng, vô cùng cần thiết cho sự phát triển của nền giáo dục nước nhà.

“Qua tìm hiểu, tôi có nghe từ nhiều người khẳng định vai trò của Hiệu trưởng Lê Vinh Danh rất quan trọng đối với tiến trình phát triển của Trường, với tư tưởng và tầm nhìn dài hạn, vươn ra thế giới. Vậy thì Chính phủ sẽ đánh giá thế nào? Bộ Giáo dục đánh giá thế nào? Đội ngũ nhân sự cả nghìn con người đang làm việc ở Trường đánh giá thế nào? Sinh viên đánh giá thế nào? Phụ huynh đánh giá thế nào?

Tôi nghĩ không khó để tìm ra được câu trả lời thật, nếu thực sự các đồng chí muốn có câu trả lời chân thực nhất”, ông Hùng bày tỏ.

Từ những thông tin đã công khai cho thấy, Trường đã đầu tư hơn 3.000 tỷ đồng bằng nguồn tài chính tự tích lũy để xây dựng cơ sở vật chất đại học hiện đại nhất Việt Nam, sánh ngang với nhiều trường đại học quốc tế, được nhiều tổ chức uy tín thế giới đánh giá rất cao.

Tổ chức xếp hạng đại học khó nhất thế giới: Academic Ranking for World Universities (ARWU) xếp Trường Đại học Tôn Đức Thắng là số 1 Việt Nam và thuộc Top 1000 đại học xuất sắc nhất thế giới năm 2019;

Tổ chức xếp hạng đại học thế giới qua thành tựu học thuật (URAP) xếp Trường Đại học Tôn Đức Thắng đứng thứ 1 Việt Nam và thứ 960 thế giới;

Tổ chức xếp hạng các đại học phát triển bền vững nhất thế giới (UI Metric) xếp Trường Đại học Tôn Đức Thắng thứ 165 thế giới;

Tổ chức xếp hạng những đại học có ảnh hưởng nhất thế giới đến sự phát triển kinh tế xã hội (THE Impact Rankings) xếp Trường Đại học Tôn Đức Thắng vào Top 301-400 thế giới và là đại học thuộc Top 200 có chất lượng giáo dục tốt nhất thế giới…

Mới nhất vào tháng 4/2020, URAP xếp Trường Đại học Tôn Đức Thắng vào Top 400 và 500 thế giới theo ngành; Tháng 7/2020, ARWU xếp Trường Đại học Tôn Đức Thắng số 1 Việt Nam và cũng là đại học duy nhất của Việt Nam vào Top 300 đến 500 những đại học tốt nhất thế giới theo ngành/nhóm ngành.

Trường Đại học Tôn Đức Thắng cũng đang mạnh nhất Việt Nam trong vấn đề phát triển khoa học-công nghệ và chuyển giao. Kết quả nghiên cứu khoa học dưới dạng các bài báo đăng trên các tạp chí quốc tế thuộc Danh mục ISI/ Scopus vượt xa các đại học trong nước và khu vực.

Tất cả những việc này chỉ có được nhờ Trường tự chủ động về tài chính và hoạt động, để trở thành đại học có hoạt động khoa học-công nghệ chuẩn quốc tế, tự đầu tư phòng thí nghiệm, có những loại máy quan trắc môi trường trị giá cả triệu USD; Đầu tư Trung tâm hỗ trợ kỹ thuật Dược (hợp tác với Tập đoàn Colorcon, Hoa Kỳ); Lab nghiên cứu về tự động hóa và robot...

Thương hiệu của Trường Đại học Tôn Đức Thắng ngày hôm nay không phải tự nhiên mà có. Nó là sự nỗ lực cống hiến nhiều năm trời của tập thể nhà trường, trong đó có vai trò rất quan trọng của người đứng đầu.

Với những thành quả ấy thì Chính phủ cần phải sớm giao cho Bộ Giáo dục đánh giá tổng kết mô hình hoạt động thí điểm đối với Trường Đại học Tôn Đức Thắng, hoàn thiện những quy định còn thiếu với mục tiêu gỡ rối (nếu có) để nhà trường phát triển nhanh và mạnh hơn nữa.

Điều đó sẽ mang lại lợi ích vô cùng to lớn cho nền giáo dục Việt Nam, từ thành quả của Trường Đại học Tôn Đức Thắng có thể nhân rộng và phát triển cho rất nhiều trường khác trên cả nước, vừa nâng cao chất lượng đào tạo, lại vừa không gây tốn kém, lãng phí ngân sách nhà nước.

Nhưng nhìn vào diễn biến hiện nay, nhiều người cũng băn khoăn rằng liệu có chuyện đi tìm các lỗi để làm lu mờ và triệt hạ vai trò của Giáo sư Lê Vinh Danh?.

Ông Vũ Quốc Hùng nêu quan điểm: “Câu chuyện hiện nay không chỉ còn là riêng tại Trường Đại học Tôn Đức Thắng nữa, mà đó là câu chuyện lớn của đất nước. Nếu như ai đó mà có mưu đồ xấu, thì không chỉ gây ra hệ lụy lâu dài cho một ngôi trường đang trên đà phát triển tốt; mà còn ảnh hưởng luôn cả chủ trương tự chủ với nhiều trường đại học khác nữa trong cả nước.

Nếu như vậy thì liệu rồi đây còn có ai dám cống hiến, dám sáng tạo? Và nếu như hành xử không minh bạch, thiếu sự đàng hoàng tử tế thì thế giới sẽ nghĩ gì về đất nước chúng ta? Luật pháp suy cho cùng là để phục vụ nhân dân, đất nước với tư tưởng tiến bộ phát triển, cái gì lạc hậu không còn phù hợp thì phải sửa để theo kịp thời đại chứ không thể soi chiếu vào những điều cũ kỹ để bắt bẻ.

Đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã từng phát biểu cần có chính sách khuyến khích những người làm sáng tạo, có động cơ tốt nhưng làm chưa được thì phải khuyến khích; phải có chính sách khuyến khích những người sáng tạo, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Những người đúng không dám bảo vệ, sai không dám đấu tranh, mũ ni che tai, giữ mình là chính, cứ bo bo vào, người ấy chưa chắc đã tốt, mà lại là cái mã bên ngoài che đậy sơ sài bên trong… Không phải chỉ ở Trung ương, mà các ngành, cơ quan, địa phương cũng phải thấm nhuần tinh thần này, làm theo cách này.

Tôi hoàn toàn ủng hộ phát biểu chỉ đạo vô cùng chính xác của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và chỉ đạo ấy phải được các ngành, các cấp áp dụng đúng vào thực tiễn”.

Trường Đại học Tôn Đức Thắng tiền thân là Trường đại học công nghệ dân lập Tôn Đức Thắng được thành lập năm 1997 theo Quyết định số 787/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Đến tháng 1/2003 đổi tên thành Trường Đại học bán công Tôn Đức Thắng trực thuộc sự quản lý của Uỷ ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.

Đến năm 2006, theo chủ trương xóa bỏ loại hình trường học bán công, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định chuyển 6 trường đại học và cao đẳng bán công thành đại học tư thục, trong đó có Trường Đại học bán công Tôn Đức Thắng. Theo nguyện vọng của nhà trường và Tổ chức công đoàn, Thủ tướng Chính phủ sau đó đã ban hành Quyết định số 747/QĐ-TTg, đổi tên Trường đại học bán công Tôn Đức Thắng thành Trường Đại học Tôn Đức Thắng; chuyển về trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, hoạt động theo mô hình đại học công lập tự chủ tài chính.

Ngày 29/01/2015, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 158/QĐ-TTg phê duyệt Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động của nhà trường giai đoạn 2015–2017.

Mặc dù trường phải hoàn toàn tự chủ tất cả tài chính, nhưng từ năm 2009 tới nay đã giành được rất nhiều thành tựu lớn, được thế giới đánh giá cao. Trường quyết tâm trở thành đại học nghiên cứu thuộc TOP 200 đại học xuất sắc nhất thế giới về tổng thể; và là đại học trong TOP 100 xuất sắc nhất thế giới về ngành và nhóm ngành giáo dục; có mục tiêu hướng đến mang Giải Nobel về cho đất nước trong 10 năm tới.

Ngọc Quang
TIN LIÊN QUAN:
  • -Nghệ thuật quản trị làm nên thương hiệu và thành công của Đại học Tôn Đức Thắng
  • -Tiến sĩ Chương xúc động, đình chỉ thầy Danh cả Đại học Tôn Đức Thắng lao đao
  • BỘ GIÁO DỤC BÁO CÁO CHÍNH PHỦ CÁC VẤN ĐỀ CỦA TRƯỜNG  ĐẠI HỌC TÔN ĐỨC THẮNG
  • THÙY LINH/ GDVN 2-10-2020
  • Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng việc cơ quan chủ quản đình chỉ chức vụ của hiệu trưởng là không đúng; bởi Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học quy định việc bổ nhiệm hay miễn nhiệm hiệu trưởng là do hội đồng trường quyết định.
  • Tại cuộc họp báo, bà Nguyễn Thu Thủy - Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học cho biết, trong thời gian thí điểm tự chủ, Trường Đại học Tôn Đức Thắng đã mang lại nhiều thành tích, nhiều đổi mới quá trình dạy học, từ chuyên môn cho đến nghiên cứu khoa học.

    Những kết quả của trường Đại học Tôn Đức Thắng đã được ghi nhận tại Hội nghị sơ kết thí điểm về tự chủ theo Nghị quyết 77 vào năm 2017. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản báo cáo Chính phủ về vấn đề tự chủ đại học.

    Bên cạnh những kết quả đạt được đó, bà Thủy cho biết, Bộ cũng đã nhìn thấy những khó khăn và đang rà soát tiếp thu những khó khăn, vướng mắc mà Trường Đại học Tôn Đức Thắng có ý kiến.

    “Trong quá trình tự chủ đều thực thi đúng quy định của pháp luật. Và trong trường hợp của Trường Đại học Tôn Đức Thắng, dư luận đang có nhiều quan tâm và đang trong quá trình giải quyết. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã báo cáo với Chính phủ các vấn đề liên quan tới Trường để có phương án giải quyết” – bà Thủy nói.

    Nói thêm về nội dung này, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc cho biết: Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 24/10/2014 về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập giai đoạn 2014 – 2017 (Nghị quyết 77).

    Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc (ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo)

    Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định phê duyệt Đề án thí điểm đổi mới hoạt động cho 23 trường đại học trong cả nước, trong đó có Trường Đại học Tôn Đức Thắng.

    Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thực hiện tổng kết thí điểm tự chủ ở 23 trường đại học và cho thấy, việc thí điểm tự chủ mang lại kết quả tích cực trên mọi phương diện đào tạo, nghiên cứu khoa học, phát triển đội ngũ, quan hệ quốc tế, cơ sở vật chất…

    Kết thúc giai đoạn thí điểm, Chính phủ giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo soạn thảo sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, Bộ đã tiếp thu những điểm tích cực sau giai đoạn thí điểm để thể chế hóa vào Luật Giáo dục đại học sửa đổi và được Quốc hội thông qua Luật sửa đổi giáo dục đại học số 34/2018/QH14 năm 2018, có hiệu lực 1/7/2019.

    Theo đó, với các trường đại học ngoài thực hiện Luật sửa đổi số 34/2018/QH14 và Nghị định số 99/2019/NĐ-CP thì vẫn phải thực hiện theo những nội dung trong Luật Giáo dục đại học năm 2012.

    Tuy nhiên, các trường đại học là đơn vị sự nghiệp công lập, nên hiện đang chịu chi phối bởi rất nhiều luật khác như tài chính, tài sản công, đầu tư công, viên chức, thi đua khen thưởng….và nếu vi phạm kỷ luật thì sẽ liên quan đến vấn đề xử lý vi phạm.

    Theo Thứ trưởng Phúc, Nghị định 99/2019, Luật Giáo dục năm 2012 và Luật Giáo dục đại học sửa đổi số 34/2018 đã quy định, với cơ sở giáo dục đại học công lập thì các tổ chức Đảng và Đảng viên, đoàn thể thực hiện theo quy định của Đảng.

    Do đó, việc giải quyết và xử lý liên quan tới Trường Đại học Tôn Đức Thắng hiện nay, các cơ quan hữu quan không chỉ thực hiện theo Luật sửa đổi số 34/2018, Nghị định 9/2019 mà vận dụng tất cả các quy định của pháp luật, các luật khác liên quan đến một đơn vị sự nghiệp công lập. Đối với trường hợp, Đảng viên và tổ chức đảng áp dụng các quy định của Đảng.

    Giải thích của Bộ Giáo dục và Đào tạo khiến nhiều chuyên gia chưa thỏa mãn bởi nếu các Luật khác như tài chính, tài sản công, đấu thầu, thi đua-khen thưởng chưa sửa kịp theo yêu cầu của Nghị quyết 19-NQ/TW, dẫn đến việc các cơ sở giáo dục đại học đang thí điểm tự chủ bằng cơ chế riêng, sẽ có các quyết định phù hợp với Nghị quyết 19-NQ/W, nhưng lại khác với các luật chưa sửa này, thì các đại học đó đang làm đúng hay sai?

    Điển hình là đến nay Luật đầu tư công trước đây đã được sửa thành Luật số 39/2019 và được hướng dẫn bởi Nghị định 40/2020, thì với 2 văn bản pháp qui mới này, quyền quyết định dự án đầu tư tại các trường đại học công lập nhưng tự chủ hoàn toàn chi thường xuyên và chi đầu tư thì hoàn toàn thuộc về thủ trưởng của trường đại học; trong khi với Luật đầu tư công cũ thì thuộc về cơ quan chủ quản.

    Như vậy đủ thấy Luật đã sửa thì phù hợp với chủ trương tự chủ của Đảng, nhưng luật chưa sửa thì còn nội dung khác chủ trương tự chủ; và do đó, nếu áp dụng luật chưa sửa, thì muốn phán quyết trường đại học tự chủ làm sai cũng được; nhưng nếu căn cứ theo chủ trương của Đảng, thì trường tự chủ lại làm đúng. Việc chậm sửa luật theo chỉ đạo của Nghị quyết 19-NQ/CP đâu phải lỗi của trường đại học tự chủ?.

    Tương tự, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã nhiều lần băn khoăn rằng đó là các qui định của Đảng là qui định nào? Và nếu những qui định đấy cũng chưa sửa cho đúng chỉ đạo tự chủ đơn vị sự nghiệp công lập của Nghị quyết 19-NQ/TW thì lỗi đấy là ở các Tổ chức Đảng cấp trên. Nhưng nếu một khi trường đại học làm đúng Nghị quyết 19-NQ/TW thì lại vênh với các qui định cũ này. Vậy trường đại học sai hay đúng?

    Do đó, nói là trường đại học tự chủ ngoài việc tuân thủ Luật 34/2018 còn phải tuân thủ các luật khác và qui định của Đảng; nhưng trong khi Luật 34/2018 thì đã được sửa theo chỉ đạo của Nghị quyết 19-NQ/TW, còn một vài luật, qui định của Đảng cũng chi phối trường đại học tự chủ nhưng chưa sửa theo Nghị quyết 19 thì các đại học tự chủ chỉ có chết bởi không vướng luật này thì sẽ vướng luật khác. Lúc đó, chỉ có không làm tự chủ mới không sai; và tự chủ theo chủ trương của Nghị quyết 19-NQ/TW khó có thể thành công trong thực tiễn.

    Thùy Linh
  • NHỮNG NGUỒN ĐẦU TƯ NÀO ĐÃ GÓP PHẦN XÂY DỰNG TRƯỜNG ĐẠI HỌC TÔN ĐỨC THẮNG

  • THÙY LINH/ 1-10-2020

  • GDVN- Nếu Tổ chức công đoàn tự hào rằng đã rất nỗ lực để xin cơ chế, tạo điều kiện cho Trường Tôn Đức Thắng phát triển, thì câu nói đó là đúng và rất đáng biết ơn.

    Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Huyền, chuyên gia giáo dục tu nghiệp tiến sĩ ở Anh Quốc đã chia sẻ trong bài viết "Người trong cuộc tiết lộ Trường Tôn Đức Thắng lây đâu ra để chi phát triển", giúp dư luận hình dung, Trường Đại học Tôn Đức Thắng lấy tài chính ở đâu để xây dựng và phát triển!.

    Để tiếp tục cung cấp thêm thông tin cụ thể hơn về chủ đề này đến bạn đọc, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Thành Công, Luật sư Vũ Phi Long và Tiến sĩ Tăng Trí Hùng, những người đã và đang tư vấn cho Trường Đại học Tôn Đức Thắng, về nội dung Trường có nhận đầu tư từ các nguồn khác không? Nó là bao nhiêu? Chiếm bao nhiêu phần trăm trong tổng đầu tư của Trường tính đến nay? Và đã được quản lý như thế nào?

    Phóng viên: Thưa các Luật sư, dư luận cũng có ý kiến cho rằng Tổ chức công đoàn đã đầu tư ban đầu rất lớn để xây dựng và phát triển Trường Đại học Tôn Đức Thắng. Các luật sư có ý kiến như thế nào?.

    Khoản chi mà nhiều người tại Trường Đại học Tôn Đức Thắng và chúng tôi đều biết là chi phí tư vấn viết chương trình, hồ sơ, thủ tục thành lập Trường Đại học Tôn Đức Thắng (lúc đó là Trường đại học công nghệ dân lập Tôn Đức Thắng) 500 triệu đồng. Số tiền này theo bà Hoàng Thị Khánh, Chủ tịch hội đồng sáng lập; là bà tự đi xin, vận động doanh nghiệp ủng hộ chứ không phải tiền của Công đoàn.

    Khi Trường đại học công nghệ dân lập Tôn Đức Thắng được Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh duyệt cho mua Nhà kho của Công ty dệt may Gia Định để xây trụ sở đầu tiên; Nhà trường đã vay tiền Liên đoàn lao động Thành phố Hồ Chí Minh để mua.

    Trường Đại học Tôn Đức Thắng

    Tài liệu mà chúng tôi có được là Trường đại học công nghệ dân lập Tôn Đức Thắng đã vay 6,6 tỷ đồng bằng Hợp đồng vay vốn số: 01/HĐKT ngày 8/11/1999; thời hạn vay 15 năm; lãi suất 0,5%/tháng. Căn cứ hợp đồng vay này, ngày 12/11/1999, Liên đoàn lao động Thành phố Hồ Chí Minh đã chuyển 6,65 tỷ đồng (sáu tỷ sáu trăm năm chục triệu đồng) để Trường mua mặt bằng 98 Ngô Tất Tố của Công ty dệt may Gia Định (theo Hợp đồng mua bán số 281/HĐ, ngày 2/11/1999).

    Như vậy, Trường đại học công nghệ dân lập Tôn Đức Thắng vay để mua quyền sở hữu cho Trường. Do đó, mặt bằng này đứng tên trên sổ đỏ là Trường đại học công nghệ dân lập Tôn Đức Thắng; một tài sản của trường ngoài công lập. Không phải công sản.

    Như vậy khoản thứ 1 này là khoản vay để mua mặt bằng. Mặt bằng này đã góp phần giúp Trường phát triển tốt trong suốt 8 năm (2001-2009) sau đó. Tiền lãi vay được cấp lại cho Trường (kể cả chưa thu) trong thời gian từ tháng 11/1999 đến tháng 9/2020 thì tổng cộng là 8,312 tỷ đồng (tám tỷ ba trăm mười hai triệu đồng).

    Khoản thứ 2 là khoản tiền mà Hội đồng quản trị yêu cầu Nhà trường hạch toán thu nhập cho các thành viên hội đồng, nhưng các thành viên không nhận, và góp lại cho Trường trang bị thêm công cụ, dụng cụ, thiết bị. Khoản này trong từ 2000 đến 2003 được hơn 200 triệu đồng; trang bị được 1 phòng máy tính hơn 40 máy. Phòng máy này đã giúp cho việc học Tin học ứng dụng được thuận lợi trong vòng 10 năm. Mỗi năm khoảng 500 sinh viên được học tại phòng này.

    Khi triển khai xây dựng Cơ sở 98 Ngô Tất Tố, Phường 19, Quận Bình Thạnh, Nhà trường bắt đầu vay vốn kích cầu của Thành phố để xây dựng. Vốn được cấp bởi ngân hàng thương mại hoặc công ty tài chính Thành phố. Các đơn vị này thẩm định tính khả thi của từng dự án và quyết định đủ điều kiện cho vay hay không?. Khi và chỉ khi Dự án xin vay đã được ngân hàng/công ty tài chính thẩm định và thuận; Trường mới làm thủ tục đăng ký vốn kích cầu theo qui trình.

    Ngân hàng/công ty tài chính có trách nhiệm theo dõi thu nợ. Lãi suất hằng tháng/năm được trả từ nguồn tài chính kích cầu của Thành phố. Bản chất là Thành phố trợ lãi để kích thích sản xuất và xây dựng. Chương trình này được mở cho bất cứ thành phần sản xuất nào đủ điều kiện, cả kinh doanh, giáo dục, y tế và các thành phần khác; cả tư nhân lẫn nhà nước, cả công lập lẫn dân lập. Không có sự ưu ái cho riêng đơn vị nào!

    Có thể nói nguồn vốn kích cầu với sự trợ lãi của thành phố đóng vai trò thứ 3 (chỉ sau nguồn tiết kiệm trong quản lý và nguồn tự tích lũy của Trường Đại học Tôn Đức Thắng) trong việc cung cấp tài chính để đầu tư cơ sở vật chất ban đầu và bảo đảm chất lượng giáo dục, phát triển mở rộng trong suốt 20 năm qua; giúp Trường Đại học Tôn Đức Thắng đạt đẳng cấp quốc tế.Tính từ khi xây dựng 98 Ngô Tất Tố vào năm 2000 đến nay là 20 năm, tổng tiền lãi mà Thành phố tài trợ cho Trường Đại học Tôn Đức Thắng (để Trường Đại học Tôn Đức Thắng sử dụng được vốn vay thương mại trong 6 hợp đồng) đến nay là 117,855 tỷ đồng (một trăm mười bảy tỷ tám trăm năm mươi lăm triệu đồngKhoản tiền này không lớn khi so sánh với nguồn học phí mà Trường Đại học Tôn Đức Thắng tự tích lũy được để đầu tư, mua sắm; cũng như khối lượng tiền Trường tiết kiệm và thu từ chuyển giao; Nhưng nó là cú huých, là tài chính ban đầu để có hoạt động, từ đó khởi động các nguồn khác. Vì thế, nó có vai trò quan trọng và Trường Đại học Tôn Đức Thắng luôn nhớ ơn Thành phố về hỗ trợ này.

    Đấy là nguồn thứ 3.

    Nguồn thứ 4 là nguồn vay không lãi từ Liên đoàn lao động Thành phố Hồ Chí Minh với 30 tỷ đồng không tính lãi (50 tỷ đồng có tính lãi 0,6%/tháng thì Trường Đại học Tôn Đức Thắng không tính tới). Tổng tiền lãi của khoảng vay không tính lãi này cho đến khi trả xong vốn gốc là 14,716 tỷ đồng (mười bốn tỷ, bảy trăm mười sáu triệu đồng).

    Nguồn thứ 5 là nguồn vay của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam 100 tỷ đồng, không lãi, trong vòng 5 năm. Nhưng chỉ mới 1 năm và 5 tháng, Trường Đại học Tôn Đức Thắng thấy chưa thể triển khai được Dự án định thực hiện từ khoản vay này, nên quyết định trả lại vốn gốc.

    Tiền lãi của khoản này (do Trường gửi ngân hàng chờ thực hiện dự án) là 10,594 tỷ đồng (mười tỷ năm trăm chín mươi bốn triệu đồng) được Trường Đại học Tôn Đức Thắng phân bổ vào Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp (hơn 25%), Quỹ hỗ trợ sinh viên (hơn 50%), Quỹ ổn định thu nhập, Quỹ khen thưởng và phúc lợi, Quỹ dự trữ (theo qui định tại Quyết định 158/QĐ-TTg).

    Nguồn thứ 6 là vốn kích cầu trái phiếu của Chính phủ để xây dựng Nhà ở thu nhập thấp và Ký túc xá trong cả nước. Trường Đại học Tôn Đức Thắng được cấp 61,739 tỷ đồng (sáu mươi mốt tỷ bảy trăm ba mươi chín triệu đồng). Nhà trường đối ứng phần còn lại để xây dựng 2 tòa ký túc xá đầu tiên, cao 11 tầng, với tổng sức chứa hơn 2100 giường.

    Thành phố cấp 1,5 tỷ đồng để xây Tượng đài Chủ tịch Tôn Đức Thắng là khoản thứ 7.

    Từ đầu chí cuối ta đều thấy đa số các khoản này là tài chính hỗ trợ; không phải là đầu tư xây dựng cơ bản hoặc đầu tư mua sắm có kế hoạch cho nguyên một dự án.

    Vậy các Luật sư và Tiến sĩ Hùng đánh giá như thế nào về vai trò các khoản tài chính và hỗ trợ này?

    Dĩ nhiên là các khoản tài chính hỗ trợ này đóng những vai trò nhất định giúp Trường Đại học Tôn Đức Thắng từng bước củng cố, bảo đảm điều kiện dạy và học. Nhưng bảo rằng những khoản này đóng vai trò rất lớn thì không phải.

    Ta có thể thấy rằng tổng tài trợ của Công đoàn qua các khoản chỉ 40,472 tỷ đồng; như vậy trong tổng giá trị tài sản gồm nhà-xưởng, trang thiết bị, công cụ, dụng cụ (nói chung là cơ sở vật chất) đã được sơ bộ thẩm định giá (bởi đơn vị chức năng) còn khoảng 2.800 tỷ đồng (hai ngàn tám trăm tỷ đồng), thì tài trợ của Công đoàn qua các hình thức chỉ chiếm 1,44%.

    Tổng tài trợ từ nhà nước các cấp là 181,094 tỷ đồng, chiếm 6,46% tổng giá trị tài sản đã hình thành trên mặt đất.

    Tiền giải phóng mặt bằng của Cơ sở 19 Nguyễn Hữu Thọ chưa có số liệu vì Dự án giải phóng mặt bằng này của Thành phố chưa được quyết toán. Nhưng không thể lớn hơn các khoản trên.

    Như vậy, đại bộ phận tạo ra tài sản trên mặt đất của Trường Đại học Tôn Đức Thắng là nguồn tự tích lũy từ thặng dư thu-chi và việc quản trị hiệu quả, tiết kiệm tối đa của Nhà trường. Trong 5 năm sau này còn có sự đóng góp của chuyển giao kết quả nghiên cứu và tư vấn cho doanh nghiệp. Những bộ phận này chiếm khoảng 90% việc hình thành tổng giá trị tài sản, tài chính trên mặt đất hiện nay của Trường Đại học Tôn Đức Thắng; cũng như các khoản chi cho phát triển khác.

    Nhiều người quan tâm là đến nay, các khoản tài trợ này đã được quản lý và sử dụng như thế nào, các Luật sư có thể cho biết?

    Theo nghiên cứu của chúng tôi là rất hiệu quả! Vô cùng hiệu quả!

    Công chúng có thể tự hỏi rằng một đại học công lập, chỉ được tài trợ những khoản tài chính như thế thôi trong quá trình phát triển 23 năm; mà xây dựng được cơ sở vật chất đạt đẳng cấp quốc tế 5 sao/ 5 sao, với Thư viện hiện đại nhất nước; và phát triển toàn diện cả giáo dục, khoa học-công nghệ, quốc tế hóa để được xếp vào TOP 800 đại học xuất sắc nhất thế giới; trong khi có những đại học công khác được nhà nước đầu tư trong 50 hay 60 năm liên tục với nhiều ngàn tỷ đồng, vẫn không có được thành tựu này, thì đủ thấy mọi khoản tiền đều đã được quản trị sử dụng rất hiệu quả.

    Thư viện trường Đại học Tôn Đức Thắng

    Chính cơ chế và hiệu quả quản lý đó đã đẻ ra sự phát triển thần kỳ chứ không phải tiền hay các hỗ trợ khác.

    Do vậy, nếu Tổ chức công đoàn tự hào rằng họ đã rất nỗ lực để xin cơ chế và tạo điều kiện cho Trường Đại học Tôn Đức Thắng phát triển, thì câu nói đó là đúng và rất đáng biết ơn. Nhưng nếu dư luận cho rằng vì những hỗ trợ tài chính, tiền bạc của Công đoàn mà từ đó mới có Trường Đại học Tôn Đức Thắng hôm nay, thì không bao giờ thuyết phục ai!

    Bởi người ta sẽ đặt câu hỏi ngược lại rằng trong hơn 50 năm qua, Công đoàn đã cấp tài chính cho Trường Đại học Công đoàn Việt Nam bao nhiêu, hiệu quả nguồn lực tài chính và các nguồn lực khác Tổng liên đoàn đã đầu tư cho trường này đến đâu khi so sánh mức đầu tư, hiệu quả với Trường Đại học Tôn Đức Thắng?.

    Như vậy, các hỗ trợ có đóng góp nhất định, nhất là tiền trợ lãi vốn kích cầu của Thành phố. Nhưng cơ chế và sự quản trị xuất sắc của tập thể Trường Đại học Tôn Đức Thắng mới làm nên kỳ tích. Cường điệu vai trò của những nhân tố khác ngoài 2 điều trên, theo chúng tôi đều là sự đánh lạc hướng có chủ ý, rất đáng tiếc!.

    Xin cảm ơn các Luật sư và Tiến sĩ Tăng Trí Hùng!

    Thùy Linh




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét