Thứ Tư, 7 tháng 10, 2020

20201008. CẬP NHẬT THÔNG TIN HỘI NGHỊ TRUNG ƯƠNG 13

 ĐIỂM BÁO MẠNG


PHÁT BIỂU CỦA TỔNG BÍ THƯ, CHỦ TỊCH NƯỚC KHAI MẠC HỘI NGHỊ TRUNG ƯƠNG 13

CP/GDVN 6-10-2020

Thưa các đồng chí Trung ương,

Thưa các đồng chí tham dự Hội nghị,

Theo Chương trình vừa được Trung ương thông qua, Hội nghị lần thứ 13 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII bắt đầu từ hôm nay sẽ bàn về: Tình hình kinh tế-xã hội năm 2020, Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2021; tiếp tục hoàn thiện các dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng; công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khoá XIII; và một số vấn đề quan trọng khác.

Thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư, tôi xin nhiệt liệt chào mừng các đồng chí Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương, các đại biểu tham dự Hội nghị; và xin gửi tới các đồng chí lời chúc tốt đẹp nhất.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Sau đây, tôi xin phát biểu một số ý kiến có tính chất nêu vấn đề, gợi mở, mong được các đồng chí quan tâm trong quá trình thảo luận, xem xét, quyết định.

1. Về tình hình kinh tế-xã hội năm 2020-2021

Theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban cán sự đảng Chính phủ đã chuẩn bị để trình Trung ương các báo cáo về tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước 9 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2020; dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước năm 2021 và Kế hoạch tài chính-ngân sách nhà nước 3 năm 2021-2023.

Việc Trung ương xem xét, cho ý kiến chỉ đạo về các vấn đề liên quan đến phát triển kinh tế-xã hội, thu, chi ngân sách nhà nước lần này được đặt trong bối cảnh, tình hình thế giới, trong nước có nhiều biến động lớn, đột xuất, hết sức nhanh chóng, phức tạp, chưa thể dự báo hết được khi xây dựng kế hoạch phát triển năm.

Sự bùng phát, lây lan chưa rõ hồi kết của đại dịch COVID-19 đã và đang làm trầm trọng thêm xu hướng suy thoái, khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã được cảnh báo từ trước, có thể dẫn tới cuộc khủng hoảng trầm trọng nhất kể từ sau đại khủng hoảng 1929-1933 đến nay; ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế đã hội nhập sâu rộng của nước ta.

Trong khi đó, năm 2020 có ý nghĩa hết sức quan trọng, là năm cuối của Kế hoạch 5 năm 2016-2020 và năm 2021 là năm mở đầu Kế hoạch 5 năm 2021-2025, Chiến lược 10 năm 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Việc đánh giá đúng thực trạng tình hình kinh tế-xã hội đất nước từ đầu năm đến nay và dự báo cả năm 2020 sẽ là cơ sở quan trọng để tiếp tục cập nhật, đánh giá khách quan, toàn diện và tạo sự thống nhất cao trong toàn Đảng, toàn dân về kết quả thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội do Đại hội XII của Đảng và các nghị quyết Trung ương đã đề ra; làm cơ sở cho việc xây dựng và triển khai thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2021; tạo đà và góp phần quan trọng bước đầu cho việc hoàn thành thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021- 2025 và Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030.

Vì vậy, đề nghị Trung ương dành thời gian nghiên cứu, thảo luận, đánh giá khách quan, toàn diện tình hình kinh tế-xã hội nước ta từ đầu năm đến nay và dự báo cả năm 2020; chỉ rõ những kết quả, thành tích đã đạt được, những hạn chế, yếu kém còn tồn tại, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm.

Tập trung phân tích sâu, đánh giá đúng, tạo sự thống nhất cao trong nhận định về tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, sự suy thoái kinh tế toàn cầu và những biến động lớn của thị trường thế giới đối với việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội đã đề ra; sự cần thiết, tính đúng đắn của các chính sách, biện pháp mà chúng ta đã áp dụng để phòng, chống dịch, khắc phục hậu quả do đại dịch và hạn hán, thiên tai gây ra nhằm duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, thu nhập cho người lao động, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, hạn chế tối đa sự suy giảm và từng bước phục hồi đà tăng trưởng, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao chất lượng tăng trưởng, tính bền vững trong phát triển kinh tế-xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội; giữ vững ổn định chính trị, môi trường hoà bình, thuận lợi để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Chú ý phân tích, đánh giá một cách khách quan, toàn diện, sâu sắc các nguyên nhân và bài học kinh nghiệm thành công cũng như chưa thành công trong việc lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh và phát triển kinh tế-xã hội trong tình hình mới. Ví dụ như, về thành công, phải chăng đó là do có sự lãnh đạo nhạy bén, kịp thời của các cấp uỷ đảng; sự chỉ đạo, điều hành đúng đắn, quyết liệt của Chính phủ, các ban, bộ, ngành Trung ương và chính quyền các địa phương; sự phối hợp, ủng hộ mạnh mẽ của Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp; đặc biệt là sự vào cuộc đồng bộ với quyết tâm cao của toàn hệ thống chính trị và sự nỗ lực phấn đấu, tham gia, ủng hộ tích cực với tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, tương thân tương ái rất cao của toàn dân, toàn quân ta.

Nghiên cứu, phân tích kỹ lưỡng, dự báo có cơ sở khoa học về tình hình những tháng cuối năm 2020 và các năm 2021, 2022, đặc biệt là xu hướng biến động của dịch bệnh và diễn biến tình hình thế giới và trong nước trên tất cả các lĩnh vực.

Trên cơ sở đó, đánh giá đúng kết quả thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu năm 2020 để có các phương án bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế sát hợp với thực tế; thống nhất nhận định, đánh giá về tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016 - 2020, thấy hết những kết quả, thành tích mà toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã nỗ lực phấn đấu đạt được và những khó khăn, thách thức cần phải vượt qua. Đồng thời, đề ra mục tiêu tổng quát, một số mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu và những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng cần tập trung ưu tiên lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế-xã hội năm 2021 và các năm tiếp theo. Dự báo hết các tình huống để chuẩn bị các phương án đối phó phù hợp, kể cả trong tình huống xấu nhất.

2. Về tiếp tục hoàn thiện dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng

Sau Hội nghị Trung ương 11 (tháng 10/2019), Bộ Chính trị đã chỉ đạo các Tiểu ban khẩn trương, nghiêm túc tiếp thu ý kiến của Trung ương, tiếp tục hoàn chỉnh dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng gửi đại hội đảng bộ cấp cơ sở (Bản tóm tắt) vào tháng 02/2020 và gửi đại hội cấp huyện, cấp tỉnh và tương đương (Bản toàn văn) vào tháng 4/2020 để đóng góp ý kiến theo đúng kế hoạch đề ra.

Theo như các kỳ đại hội trước, dự thảo các văn kiện đã in gửi tháng 4 vừa qua có thể được sử dụng để công bố, gửi xin ý kiến các đại biểu Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội và nhân dân vào khoảng giữa tháng 10 tới. Sau đó, các Tiểu ban mới tổng hợp và tiếp thu ý kiến của đại hội đảng bộ các cấp và các tổ chức, cá nhân để hoàn thiện, trình Bộ Chính trị và Trung ương xem xét hoàn chỉnh các văn kiện và hoàn tất việc chuẩn bị các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng.

Tuy nhiên, như đã nêu trên, bước sang năm 2020, đại dịch COVID-19 và suy thoái kinh tế toàn cầu đã bất ngờ xảy ra, diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường, tác động lớn đến kinh tế - xã hội nước ta, đòi hỏi phải cập nhật, phân tích, đánh giá lại tình hình, điều chỉnh bổ sung một số mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp sao cho phù hợp hơn với thực tế.

Vì vậy, thời gian qua Bộ Chính trị đã chỉ đạo các Tiểu ban khẩn trương nghiên cứu cập nhật tình hình mới và tiếp thu các ý kiến, đóng góp xác đáng, bước đầu thu nhận được từ đại hội đảng bộ cấp cơ sở và trên cơ sở, một số tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên để tiếp tục hoàn thiện thêm một bước dự thảo các văn kiện trình Hội nghị Trung ương lần này xem xét, cho ý kiến chỉ đạo.

Đề nghị các đồng chí dành thời gian nghiên cứu, thảo luận kỹ lưỡng, góp ý cụ thể vào các dự thảo mới và Tờ trình, nhất là những vấn đề còn có ý kiến khác nhau; chú ý đến những nội dung bổ sung, sửa đổi so với bản dự thảo đã gửi, đặc biệt là các vấn đề nêu trong các tờ trình; bảo đảm sự phù hợp, nhất quán về nội dung, trước hết là những nội dung mới được bổ sung, điều chỉnh lần này giữa các văn kiện theo đúng nguyên tắc: Báo cáo chính trị là báo cáo trung tâm; các báo cáo khác là báo cáo chuyên đề, chuyên sâu, phải đồng bộ, thống nhất.

Đối với dự thảo Báo cáo chính trị, cần chú ý các vấn đề cần bổ sung, hoàn thiện như: Kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XII; dự báo tình hình, nhất là tình hình các năm đầu của nhiệm kỳ khoá XIII; quan điểm chỉ đạo; mục tiêu phát triển; các đột phá chiến lược; định hướng nhiệm vụ, giải pháp phát triển các lĩnh vực...

Liên quan đến Báo cáo kinh tế-xã hội (bao gồm Báo cáo tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2011-2020, xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030 và Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020, phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025), cần tập trung phân tích, đánh giá tình hình phát triển kinh tế-xã hội 9 tháng đầu năm, dự báo đến hết năm 2020 và các năm 2021-2022; cập nhật điều chỉnh các mục tiêu, chỉ tiêu và các chính sách, biện pháp chủ yếu, bảo đảm thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đối với Báo cáo xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng, cần chú ý xem xét các kiến nghị, đề xuất xác đáng của đại hội đảng bộ các cấp, các tổ chức, cá nhân đã được tổng hợp để rà soát, bổ sung, điều chỉnh sao cho phù hợp, nhất là những nội dung mới được bổ sung, điều chỉnh trong dự thảo Báo cáo chính trị.

Từ đó, đề nghị Trung ương xem xét thông qua nội dung dự thảo Báo cáo chính trị, Báo cáo kinh tế- xã hội và Báo cáo xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng trình Đại hội XIII của Đảng để gửi xin ý kiến các đại biểu Quốc hội khoá XIV, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội và nhân dân, dự kiến vào trung tuần tháng 10 này.

3. Về công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khoá XIII

Như các đồng chí đã biết, từ cuối tháng 12/2018 đến tháng 9/2020, để chuẩn bị nguồn nhân sự cho Ban Chấp hành Trung ương khoá XIII, sau khi Ban Chấp hành Trung ương cho ý kiến, trên cơ sở đề xuất của Tiểu ban Nhân sự, Bộ Chính trị đã 4 lần phê duyệt nhân sự quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương khoá XIII với tổng số 227 đồng chí.

Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã chỉ đạo mở 5 lớp bồi dưỡng kiến thức mới cho các đồng chí được quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương khoá XIII. Tháng 7/2020, thay mặt Bộ Chính trị, đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã gửi thư đến các đồng chí Uỷ viên Trung ương khoá XII, đề nghị từng đồng chí đề xuất ý kiến về cá nhân mình và giới thiệu nhân sự đủ tiêu chuẩn, điều kiện để thay thế mình.

Trên cơ sở đề xuất của Tiểu ban Nhân sự, Bộ Chính trị đã họp thông qua cơ cấu và nguồn nhân sự để giới thiệu tham gia Ban Chấp hành Trung ương khoá XIII. Căn cứ quyết định của Bộ Chính trị, Tiểu ban Nhân sự đã thông báo cho các địa phương, cơ quan, đơn vị tổ chức việc giới thiệu nhân sự.

Tính đến ngày 20/8/2020, đã có 116/116 địa phương, cơ quan, đơn vị giới thiệu 119 đồng chí Uỷ viên Trung ương khoá XII (cả chính thức và dự khuyết) tái cử Ban Chấp hành Trung ương khoá XIII; 107 đồng chí lần đầu tham gia Uỷ viên chính thức và 44 đồng chí tham gia Uỷ viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương khoá XIII.

Nhìn chung, việc tổ chức lấy phiếu giới thiệu nhân sự Ban Chấp hành Trung ương đã được các cấp uỷ, tổ chức đảng thực hiện nghiêm túc, cơ bản bảo đảm tiến độ, đúng quy trình, hướng dẫn của Tiểu ban Nhân sự. Tiểu ban Nhân sự đã chỉ đạo 10 cơ quan chức năng và địa phương liên quan (Ban Tổ chức Trung ương, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, Ban Nội chính Trung ương, Tiểu ban Bảo vệ chính trị nội bộ Trung ương, Đảng uỷ Công an Trung ương, Đảng uỷ Khối các cơ quan Trung ương, Ban cán sự đảng Thanh tra Chính phủ, Ban cán sự đảng Kiểm toán Nhà nước, Ban Thường vụ Thành uỷ Hà Nội và Ban Thường vụ Thành uỷ Thành phố Hồ Chí Minh) tiến hành thẩm định, kiểm tra, rà soát tiêu chuẩn, điều kiện đối với các nhân sự đã được giới thiệu (bao gồm nhân sự tái cử và nhân sự tham gia lần đầu).

Trên cơ sở Phương hướng và Quy trình công tác nhân sự đã được Trung ương thông qua, Tiểu ban Nhân sự và Bộ Chính trị đã họp nhiều lần, xem xét một cách khách quan, công tâm, toàn diện, thảo luận kỹ lưỡng dự kiến danh sách giới thiệu ứng cử Uỷ viên Trung ương Đảng khoá XIII (bao gồm danh sách tái cử và danh sách tham gia lần đầu). Bộ Chính trị trình Trung ương kết quả giới thiệu nhân sự của các cấp uỷ, tổ chức đảng, các cơ quan, đơn vị trực thuộc Trung ương và ý kiến của Bộ Chính trị về các nhân sự được giới thiệu. Đồng thời, tại Hội nghị này, Bộ Chính trị báo cáo Ban Chấp hành Trung ương về nhân sự tham gia Uỷ ban Kiểm tra Trung ương khoá XIII (bao gồm danh sách tái cử và danh sách tham gia lần đầu).

Việc lựa chọn, giới thiệu nhân sự tham gia Ban Chấp hành Trung ương khoá XIII phải bám sát Phương hướng công tác nhân sự Đại hội XIII, bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của Ban Chấp hành Trung ươngtrên các địa bàn, lĩnh vực công tác có cơ cấu Uỷ viên Trung ương khoá XIII; đáp ứng yêu cầu lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của Trung ương và địa phương, nhất là ở những lĩnh vực trọng yếu, địa bàn phức tạp, trọng điểm; đồng thời, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ cấp cao của Đảng trước mắt cũng như lâu dài.

Khi xem xét, lựa chọn, giới thiệu nhân sự phải căn cứ vào tiêu chuẩn, điều kiện, cơ cấu, số lượng; phẩm chất, năng lực, uy tín của cán bộ là chính nhưng cũng cần quan tâm, chú ý đến cơ cấu hợp lý, cân đối giữa các địa bàn, lĩnh vực công tác và các khối; giữa Trung ương và địa phương; cơ cấu cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số và yếu tố vùng miền hợp lý...

Tuy nhiên, không vì cơ cấu, số lượng mà hạ thấp tiêu chuẩn. Bảo đảm dân chủ, công bằng, công tâm, khách quan, minh bạch; kiên quyết chống các biểu hiện tiêu cực trong quá trình thực hiện công tác nhân sự, gây dư luận không tốt trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Chúng ta đều đã biết, công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương là công việc vô cùng hệ trọng. Vì vậy, đề nghị các đồng chí nêu cao tinh thần trách nhiệm, bám sát Phương hướng và Quy trình công tác nhân sự, nghiên cứu kỹ danh sách giới thiệu nhân sự Ban Chấp hành Trung ương và Uỷ ban Kiểm tra Trung ương khoá XIII để thảo luận, cân nhắc, lựa chọn kỹ trước khi ghi phiếu biểu quyết.

Căn cứ vào kết quả Hội nghị Trung ương lần này cũng như ý kiến góp ý của Trung ương, Bộ Chính trị sẽ chỉ đạo việc tiếp tục chuẩn bị, xem xét, bổ sung hoàn thiện các phương án về nhân sự, bảo đảm đủ về số lượng, đúng về tiêu chuẩn, chất lượng và hoàn chỉnh các hồ sơ để báo cáo Trung ương xem xét, quyết định thông qua trước khi trình Đại hội XIII của Đảng.

Thưa các đồng chí,

Hội nghị của chúng ta diễn ra trong bối cảnh nhiệm kỳ Đại hội khoá XII sắp kết thúc, các tổ chức đảng đã hoàn thành đại hội cấp cơ sở và trên cơ sở, đã và đang tiến hành đại hội các đảng bộ trực thuộc Trung ương, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; cả nước đang phát huy những kết quả quan trọng đã đạt được, vừa tiếp tục kiên trì, kiên quyết thực hiện có hiệu quả mục tiêu kiểm soát đại dịch vừa tập trung phát triển kinh tế-xã hội, nỗ lực phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2020 và 5 năm 2016- 2020.

Nội dung chương trình Hội nghị Trung ương lần này bao gồm những vấn đề rất cơ bản và hệ trọng. Đề nghị các đồng chí Trung ương dành thời gian tập trung nghiên cứu, thảo luận, cho ý kiến để tiếp tục hoàn thiện và xem xét, quyết định vào cuối kỳ họp.

Với tinh thần đó, tôi xin tuyên bố khai mạc Hội nghị lần thứ 13 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII.

Chúc Hội nghị của chúng ta thành công tốt đẹp.

Xin trân trọng cảm ơn.

Theo chinhphu.vn
NGƯỜI VÌ LỢI ÍCH CHUNG LÀM VIỆC KHÔNG QUAN TÂM ĐẾN GHẾ
THU HẰNG /VNN 6-10-2020

Chia sẻ với VietNamNet để tìm giải pháp khuyến khích và bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, PGS-TS Vũ Văn Phúc - Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng khoa học các cơ quan Trung ương, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản cho rằng, con người làm việc gì đều có động cơ.

Có người thì động cơ trong sáng, động cơ là phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân như Bác Hồ nói. Nhưng cũng có người làm việc với động cơ cá nhân, xuất phát từ chủ nghĩa cá nhân thì họ làm việc vì lợi ích của cá nhân, vì lợi ích của gia đình, vì lợi ích của nhóm của cánh hẩu.

Về mặt biểu hiện cả hai động cơ này lại giống nhau. Nếu không đánh giá một cách khách quan, bằng nhiều tiêu chí thì không phân biệt được ai làm việc vì động cơ cá nhân; ai làm việc vì nước, vì dân.

Dứt khoát không chọn người 'giữ mình chờ Đại hội'

Theo ông Phúc, nếu dùng phương pháp đánh giá một cách toàn diện, đánh giá bằng hiệu quả công việc, bằng sản phẩm cụ thể, đánh giá cả quá trình công tác; đánh giá ngang (so với những người cùng chức vụ, cùng vị trí tương đương); đánh giá nhiều chiều bằng nhiều tiêu chí khác nhau thì vẫn phát hiện được xem là người đó làm việc vì động cơ nào.

Người vì lợi ích chung làm việc không quan tâm đến ghế
PGS-TS Vũ Văn Phúc - Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng khoa học các cơ quan Trung ương, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản.

“Tôi lấy ví dụ như bây giờ chuẩn bị đến Đại hội XIII của Đảng, nếu người vì dân, vì nước, người hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân thì họ làm việc hết sức, làm việc đến ngày cuối cùng diễn ra Đại hội XIII.

Ngay cả sắp tới đây người đó không còn làm nữa, không giữ cương vị đó nữa, họ vẫn tiếp tục làm, làm hết sức mình đến giờ phút cuối cùng. Những người như vậy không quan tâm gì đến lợi ích cá nhân, lợi ích gia đình, không quan tâm đến cái ghế mà họ chỉ quan tâm làm thế nào cho đất nước phát triển, làm thế nào cho dân được ấm no, hạnh phúc”, PGS-TS Vũ Văn Phúc phân tích.

Nhưng ngược lại, ông Phúc cho rằng, người xuất phát từ chủ nghĩa cá nhân, những kẻ cơ hội thì thường trước Đại hội Đảng họ không dám làm gì cả.

“Chúng tôi hay gọi là ‘đi nhẹ, nói khẽ cười duyên’, ‘giữ mình chờ Đại hội’, không làm gì cả. Người ta làm chỉ sợ mất phiếu, sợ đụng chạm, sợ mất lòng nên không dám làm già”, ông Phúc nói.

Nguyên Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản dẫn chứng câu chuyện giải ngân đầu tư công gần đây là một điển hình. Nhiều tỉnh, nhiều bộ bây giờ rất nhiều tiền nhưng không giải ngân được mặc dù Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ đã tìm mọi biện pháp nhưng nhiều nơi không làm.

Theo ông Phúc, những người ‘giữ mình chờ Đại hội’ dù biết rằng không làm là thiệt hại rất lớn lợi ích chung nhưng họ vẫn cứ khư khư giữ lấy mình, vo tròn lại, co mình lại, làm thế nào để tròn trĩnh, để được  phiếu.

“Những con người đó theo tôi dứt khoát không cơ cấu vào Ban Chấp hành Đảng bộ các tỉnh, thành và càng không nên cơ cấu của Ban Chấp hành Trung ương. Bởi vì những con người giữ mình như thế chả có tác dụng gì cho dân, cho nước và khi được bầu, bổ nhiệm rồi anh ta lại nhăm nhăm vì lợi ích cá nhân của mình. Vì vậy, ngay từ đầu phải gạt những người này ra khỏi danh sách không giới thiệu để Đại hội bầu”, ông Phúc lưu ý.

Không xem xét xử lý kỷ luật những người dám làm vì lợi ích chung

Ông Phúc cho biết, Bộ Chính trị đang giao Ban Tổ chức Trung ương xây dựng đề án “khuyến khích và bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung” để ban hành trong thời gian tới. Theo đó, những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm và dám vì lợi ích chung phải khuyến khích, động viên và phải có cơ chế bảo vệ họ. 

“Đảng phải khuyến khích, Nhà nước phải có cơ chế để tạo điều kiện cho người này làm việc một cách tốt nhất để họ dám làm, dám đột phá, dám đổi mới sáng tạo, dám đi đầu vào những lĩnh vực khó khăn mặc dù chưa có tiền lệ, dám đi vào những cái mới để tìm ra cơ hội cho đất nước phát triển, cho cơ quan, do đơn vị, cho lĩnh vực, cho ngành mình, cho địa phương mình phát triển”, ông Phúc nhấn mạnh.

Theo ông Phúc, những người này phải được động viên, khuyến khích, tạo điều kiện, thậm chí vì một lý do nào đó mà việc làm của họ chưa thành công thì không xem xét xử lý hành chính, không xem xét xử lý kỷ luật, thậm chí có thể mất đi một số kinh phí nào đó để động viên họ làm nếu như đó thực sự là hành động vì dân, vì nước.

Tất nhiên, ông Phúc cho rằng,  phải đưa ra một hệ tiêu chí đánh giá xem đâu là những con người, những công việc mà cán bộ đó dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; còn đâu là những trường hợp lợi dụng đổi mới sáng tạo để làm vì lợi ích cá nhân mình.

PGS-TS Vũ Văn Phúc nhấn mạnh, nhân dân biết hết, ai là người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Trong lịch sử chúng ta đã có Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phú (Vĩnh Phúc và Phú Thọ hiện nay) Kim Ngọc đã dám đồng lý cho người nông dân khoán chui và nhân dân đồng tình ủng hộ mặc dù lúc bấy giờ chưa có chủ trương chung và ông đã được dân bảo vệ.

“Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nói rất nhiều lần, cứ hỏi nhân dân biết hết. Trên thực tế như các cụ nói, “cái kim trong bọc lâu ngày cũng lộ ra”. Có thể lúc đầu chúng ta chưa phân biệt được người dám nghĩ, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung với người cơ hội cá nhân nhưng đến một lúc đó sẽ bộc lộ ra. Thực tế lịch sử, không ngắn thì dài sẽ chứng minh điều đó”, ông Phúc phấn tích.

Thu Hằng 

XIN CÁC NGÀI ĐỪNG HỨA HƯƠU, HỨA VƯỢN NỮA !

MẠC VĂN TRANG/ TD 30-9-2020

“Ơn Đảng”, nhà cháu được học tập Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ III (1960) cho đến Nghị quyết Đại hội XII (2016), hầu như các mục tiêu chiến lược, các kế hoạch kinh tế – xã hội… nêu ra, đều chung chung và trật lấc! Hợp tác hoá nông nghiệp toàn quốc, 500 nông trường quốc doanh, sản xuất lớn XHCN, làm chủ tập thể, nhập hết các tỉnh huyện, xã, rồi lại tách ra; công nghiệp hoá, ưu tiên công nghiệp nặng, rồi “những quả đấm thép” tan như bọt xà phòng!…

Đặc biệt, năm 2006, ngài Nông TBT hùng hồn tuyên bố: “Đại hội toàn quốc lần thứ X của Đảng mở ra một giai đoạn phát triển mới nhằm sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển, để đến năm 2020 cơ bản trở thành một nước công nghiệp hiện đại”… Thế Nhưng đến nay công nghiệp Việt Nam chủ yếu là gia công và nghe đồn “chưa sản xuất được cái đinh ốc đúng tiêu chuẩn quốc tế” (?).

Nói thật, dân bây giờ chả mấy ai quan tâm đến “Báo cáo thành tích” và mục tiêu chiến lược của các Ngài; chả ai tin những lời hứa hẹn Việt Nam thành Rồng, thành Hổ, thành cái nọ, cái kia đâu! Nhất là đến năm 2045 sẽ thế này, thế nọ, chẳng ai tin các ngài đâu!

Có giỏi và có vì Dân không, Đại hội Đảng các tỉnh, thành và ĐH toàn quốc, các ngài cho biết:

1. Bao giờ thì tinh giản bộ máy chồng chéo, “cường quốc Bộ, Thứ trưởng, cường quốc tướng tá” như hiện nay, theo nước Nhật chẳng hạn? Được vậy, Dân mừng lắm vì đỡ “tốn cơm gạo” nuôi một bầy quan chức thừa ra chừng 70% vô tích sự.

2. Bao giờ tinh giản biên chế để tăng lương cho công chức, viên chức (nhất là giáo viên, bác sĩ) để họ nuôi được bản thân và gia đình, không cần “ăn bẩn” vẫn sống được?

3. Bao giờ miễn học phí hoàn toàn cho học sinh mầm non và phổ thông theo Luật Giáo dục bắt buộc/ Phổ cập giáo dục? Bao giờ học sinh không phải mua sách giáo khoa, mà nhà trường mua (tiền nhà nước) sẵn trong Thư viện và cho học sinh mượn sách để học, như ở Pháp và nhiều nước văn minh?

4. Bao giờ bệnh nhân vào bệnh viện được nằm 1 người 1 giường và người nhà không phải thay phiên túc trực chăm sóc bệnh nhân? Bao giờ có “Nhà thương làm phúc” như thời Tây cai trị, để người nghèo vào đó được chữa trị miễn phí?

5. Bao giờ có những nhà máy xử lý rác như các nước văn minh, không để rác ùn đọng và xử lý thủ công gây ô nhiễm môi trường?

6. Bao giờ ô nhiễm không khí ở Hà Nội, Sài Gòn hết ở mức nguy hiểm như hiện nay?

7. Bao giờ xử lý được nạn ách tắc giao thông ở Hà Nội và Sài Gòn như hiện nay?

8. Bao giờ xử lý được nạn úng nước, ngập lụt như ở Hà Nội, Sài Gòn hiện nay?

9. Bao giờ Dân được tự do cư trú, tự do lập hội, tự do ngôn luận, có luật Biểu tình như Hiến Pháp quy định?

10. Bao giờ hết cái trò “Đảng cử Dân bầu”, diễn đi diễn lại mãi? Bao giờ có tự do ứng cử, bầu cử vào Quốc hội, HĐND các cấp và các chức vụ ngoài Đảng CS?

Mong Nghị quyết Đại hội Đảng, các ngài tạm trả lời cho Dân 10 câu hỏi thiết thực đó, chứ các ngài cứ máy mồm, hứa hươu, hứa vượn chỉ làm trò cười cho thiên hạ, chứ chả ai tin đâu.

HỘI NGHỊ TRUNG ƯƠNG 13: 'ĐẢNG LO NHÂN SỰ, DÂN CHỈ MONG THAY ĐỔI ĐƯỜNG LỐI

BBC 6-10-2020

Hội nghị Trung ương 13 của Ban chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII đang diễn ra ở Hà Nội từ ngày 05/10 và dự kiến bế mạc ngày 10/10/2020.

Tại Hội nghị này, Trung ương ĐCSVN thảo luận, cho ý kiến và xem xét về tình hình kinh tế - xã hội năm 2020, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 của Việt Nam, cũng như tiếp tục hoàn thiện các dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII của đảng dự kiến họp vào đầu năm sau.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, trong bài phát biểu khai mạc hội nghị được truyền thông Việt Nam loan tải rộng rãi, kêu gọi các đại biểu tập trung nghiên cứu, góp ý kiến sâu sắc về phát triển kinh tế - xã hội và công tác nhân sự, chuẩn bị cho Đại hội XIII của Đảng.

Đặc biệt, công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII được xác định tại Hội nghị là một nội dung trọng yếu bên cạnh một số vấn đề khác, tuy nhiên, ý kiến từ trong giới quan sát chính trị Việt Nam trong dịp này đặt câu hỏi với BBC rằng 'nhân sự mạnh, nhưng đường lối vẫn yếu' thì sẽ ra sao.

Ba nhà quan sát từ Hà Nội và Sài Gòn chia sẻ với BBC News Tiếng Việt cái nhìn tổng quan ban đầu của họ về đâu là câu hỏi mà người dân và các giới có thể chờ đợi từ Hội nghị 13 của đảng cầm quyền.

KỲ VỌNG MONG ĐỢI THỰC SỰ LÀ GÌ ?

Tiến sỹ Mai Thanh Sơn (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, từ Hà Nội) chỉ ra 4 nội dung mà Hội nghị 13, khóa XII của Ban chấp hành Trung ương ĐCSVN sẽ thảo luận:

  • Nội dung văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng;
  • Công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII;
  • Đánh giá về tình hình kinh tế - xã hội năm 2020;
  • Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021.

"Theo thông lệ Việt Nam, văn kiện mỗi kỳ đại hội đảng đều là "kim chỉ nam" cho kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm tiếp theo. Vì thế, đây luôn là nội dung được đông đảo người dân quan tâm nhiều nhất."

"Và câu hỏi mà tôi đang rất nóng lòng muốn biết: trong 5 năm tới, "các đột phá chiến lược" sẽ là gì?"

Còn từ Sài Gòn, Phó Giáo sư Mạc Văn Trang muốn xem liệu Đảng có đưa ra chủ trương, thay đổi gì về chính sách đối nội, đối ngoại không.

"Chứ còn về nhân sự, như Hội nghị này và có thể sau Hội nghị này có thể bàn và còn bàn tiếp nếu chưa xong."

"Nhiều vị lão thành cách mạng thì quan tâm, còn người dân, như tôi nghe thấy, họ nói 'anh nào lên thì cũng như thế thôi, ông bà nào cũng thế cả'."

Phó Giáo sư Mạc Văn Trang nói dân đang mong đợi thay đổi thực sự và có ý nghĩa về mặt chủ trương, chính sách, đường lối từ dân chủ hóa cho đến thuế, khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước v.v…

"Hiện nay, người ta thấy còn rất nhiều người dân, đồng bào khó khăn, nhất là ở những vùng yếu kém, yếu thế, họ còn rất khổ. Do đó người ta hy vọng có những cải thiện cụ thể, kể cả về y tế, giáo dục nữa."

Từ Hà Nội, nhà nghiên cứu Lê Văn Sinh (nguyên Giảng viên khoa Lịch sử, Đại học Khoa học Xã hội Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) thì muốn biết liệu Đảng có bàn luận và đưa ra được một bản dự thảo kinh tế - chính trị "sáng suốt".

"Việt Nam liệu có trở thành một quốc gia vừa phát triển kinh tế, vừa ổn định chính trị, dân chúng tin vào đảng, chính quyền. Đó là con đường tốt nhất từng bước thoát Trung và bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia," ông Sinh xác định.

"Thế nhưng, điều này tùy thuộc vào việc Ban lãnh đạo Đảng có nhận ra họ cần phải, nhất định phải thực thi chế độ dân chủ trong đảng và tiến tới dân chủ hóa nền chính trị đất nước."

NHÂN SỰ 'MẠNH' NHƯNG ĐƯỜNG LỐI 'YẾU' ?

Khi được hỏi đâu là điều được quan tâm nhất trong bài phát biểu của Tổng Bí thư ĐCSVN Nguyễn Phú Trọng trong phiên khai mạc Hội nghị TƯ này, các nhà quan sát nói với BBC.

Ông Mạc Văn Trang thì nói "chả có gì mới".

"Vẫn là những loay hoay về đường lối chính sách đối nội, đối ngoại và đặc biệt là vấn đề nhân sự. Xem ra họ đang lo lắng nhất về vấn đề nhân sự, nhưng thực ra đó dù thế nào vẫn chỉ là lo lắng ở trong đảng, còn dân người ta chẳng quan tâm mấy."

"Các vị đó đang lo lắng làm sao cân đối giữa các phe phái, giữa các vùng miền, giữa các lứa tuổi, rồi giữa các nhánh quyền lực dọc, ngang, trung ương, địa phương, rồi răn đe nhau về chạy chức, chạy quyền, phe phái."

"Xem ra trong nội bộ họ rất lo lắng chuyện nhân sự vì nếu không dàn xếp, mặc cả khéo, có thể đổ vỡ, bất ổn, lộ ra nhiều thứ, còn đối với người dân, tôi thấy họ chẳng quan tâm tới chuyện nhân sự đó."

Ông Lê Văn Sinh lại quan tâm hai vấn đề:

"Thứ nhất là liệu trong 5 ngày làm việc, BCHTW Khóa XII có chọn ra được một ban lãnh đạo mới (hơn 200 người ) thực sự là tinh hoa không chỉ của đảng, mà của dân tộc Việt Nam? Liệu các vị có phát hiện và loại bỏ những kẻ cơ hội, chạy chức chạy quyền, chạy cơ cấu?"

"Và thứ hai, liệu Hội nghị 13 có đưa ra được các dự thảo văn kiện chính trị tiến bộ, thoát khỏi sự giáo điều, cũ kỹ, lạc hậu và lạc điệu?"

NẾU KHÔNG ĐẠT KẾT QUẢ, SẼ CÓ THÊM HOÀI NGHI ?

Trước câu hỏi liệu những câu hỏi đặt ra và điều được quan tâm trên có thể được đáp ứng với kết quả thỏa đáng hay không ở Hội nghị này hay còn phải đợi tiếp đến hội nghị sau, hoặc tới khai mạc Đại hội, các ý kiến bình luận.

Ông Mai Thanh Sơn không quan tâm nhiều đến việc Hội nghị này có thể giải quyết được cả 4 vấn đề mà Tổng Bí thư nêu ra hay không.

"Tuy nhiên, theo tôi biết, các tiểu ban đã có thời gian khá dài để chuẩn bị cho văn kiện cũng như nhân sự để trình đại hội. Thời gian từ nay đến ngày khai mạc Đại hội XIII không còn nhiều, sự thống nhất trong BCHTW đảng lúc này là cần thiết."

"Nếu Hội nghị 13, khóa XII không đạt được kết quả như ông Tổng bí thư chỉ đạo và mong đợi, tôi e rằng dư luận sẽ có những câu hỏi hoài nghi về sự đoàn kết trong Ban chấp hành."

Ông Mạc Văn Trang tin rằng chắc phải họp độ hai lần nữa trước Đại hội.

"Đặc biệt với các đảng Cộng sản, về vấn đề nhân sự họ rất sợ hãi, vì về bản chất họ không có tự do, dân chủ, không có tự do ứng cử, tự do bầu cử, mà thay vào đó là những dàn xếp, sắp đặt, cò kè, mặc cả nội bộ, nên ra Đại hội chỉ là 'diễn' lại thôi."

Ông Lê Văn Sinh e rằng những vấn đề được nêu ra ở trên như kỳ vọng, hay quan tâm, không thể được giải quyết rốt ráo trong Hội nghị 13 này.

"Đơn giản là vì chưa thấy một triệu chứng nào phản ánh sự đổi mới trong đường lối chính trị và tư duy cầm quyền của những người nắm giữ quyền lực của Đảng, tương tự như đêm trước của đổi mới kinh tế ở Đại hội VI."

Những tháng cận kề Đại hội, ngay trước và giữa các Hội nghị cuối khóa XII, Tổng Bí thư ĐCSVN Nguyễn Phú Trọng đã có một số bài viết trình bày quan điểm của ông, trên tư cách nhà lãnh đạo cao cấp nhất của đảng cầm quyền.

Trong các bài viết, Tổng Bí thư đã thể hiện một số 'trăn trở' theo truyền thông nhà nước, khi ông đặc biệt nhấn mạnh mục tiêu, trách nhiệm của ban lãnh đạo đảng CS, Trung ương đảng và Đại hội 13 là "chúng ta phải xây dựng được một BCHTW, một Bộ Chính trị và một Ban Bí thư mạnh, thực sự đoàn kết".

Khi được hỏi liệu phát biểu hay thông điệp này có hàm nghĩa, ẩn ngữ gì không và liệu có thực hiện được không như 'trăn trở' của nhà lãnh đạo ĐCSVN, cũng như có thể và đạt được như thế nào, các nhà quan sát nói với BBC.

Ông Mai Thanh Sơn cho rằng ông Tổng Bí thư đã "rất chân thành và thẳng thắn khi ngụ ý rằng Bộ Chính trị và BCHTW khóa XII không thực sự mạnh và đoàn kết".

"Các thành phần cơ hội thời nào cũng có. Bên cạnh đó là tình trạng bè phái/lợi ích nhóm, địa phương chủ nghĩa, diễn biến tâm lý theo chiều hướng tiêu cực của một số cá nhân khi được ngồi lên chiếc ghế quyền lực."

"Tất cả các yếu tố đó đều có thể tạo nên những thách thức rất lớn trong công tác cán bộ đảng. Thay vì chỉ "đốt lò", tức là xử lý các cán bộ khi "tội trạng đã hoàn thành" như những năm qua, đảng CSVN cần tăng cường công tác theo dõi/giám sát, mở rộng dân chủ trong dân (chứ không chỉ trong đảng), có cơ chế phản hồi và trách nhiệm giải trình linh hoạt, nhạy bén, và kịp thời hơn nữa."

Cuối cùng, các nhà bình luận thời sự và chính trị từ Hà Nội và Sài Gòn chia sẻ với BBC News Tiếng Việt dự phóng của mình về kết quả của kỳ Hội nghị TƯ 13, khóa XII.

Ông Mai Thanh Sơn không kỳ vọng gì nhiều ở điều căn cốt nhất.

"Hội nghị có thể chốt được một chủ trương mang tính đột phá trong tư duy hay tư tưởng và mô hình phát triển kinh tế-xã hội hợp lý hơn trong tương lai gần."

Ông Mạc Văn Trang nghĩ là Hội nghị này vẫn chưa xác định được.

"Hội nghị này vẫn chỉ là thảo luận, cân nhắc thôi và trong quá trình thảo luận, thì vẫn còn phải nghe ngóng rất nhiều dư luận, cũng như nhiều chiều hướng, cho nên chắc là vẫn chưa thể rõ ràng hết được."

"Tôi nhấn mạnh là đảng cộng sản làm Đại hội, thì họ thường nhắm vào mục tiêu là thật chắc ăn, khi đã đưa ra thì coi như phương án đã đóng khung rồi, chỉ bỏ phiếu hình thức thôi, không thể thay đổi, hoặc rất ít thay đổi."

Ông Lê Văn Sinh nghĩ Hội nghị Trung ương 13 rồi cũng đạt những kết quả mà TBT Nguyễn Phú Trọng mong muốn.

"Nhưng tôi không hy vọng một cuộc thay đổi tích cực về công tác chuẩn bị văn kiện chính trị có tính đột phá sẽ được trình Đại hội ĐCSVN XIII, kể cả một Ban lãnh đạo mạnh mẽ, đoàn kết, trí tuệ để kết thúc một trường đoạn trong lịch sử Việt Nam."

'RỐI' CÔNG TÁC NHÂN SỰ ?

BTV/ TD 6-10-2020

Có lẽ sức khỏe của người đứng đầu đảng và nhà nước không cho phép, nên ông Trọng không còn giữ vai trò điều hành Hội nghị Trung ương 13. Hôm qua, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân điều hành chương trình Hội nghị, hôm nay đến lượt Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thay mặt Bộ Chính trị điều hành ngày làm việc thứ hai Hội nghị thứ 13 Ban Chấp hành TW Đảng khóa XII, Thông Tấn Xã VN đưa tin.

Thủ tướng Phúc (thứ hai từ phải) trò chuyện cùng các đại biểu tại Hội nghị Trung ương 13. Ảnh trên mang

Chương trình làm việc trong ngày thứ hai của Hội nghị không có gì mới, Ngoài việc tung hô “thành quả”, hôm nay các quan chức đảng tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2011-2020, rồi tính đường xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030.

Cũng trong ngày làm việc hôm nay, Chính phủ gửi báo cáo lưu ý, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an vượt 3 thứ trưởng so với quy định, báo Thanh Niên đưa tin. Cụ thể, “Bộ Quốc phòng, Bộ Công an đều đang có đến 9 thứ trưởng, vượt 3 người so với quy định của luật Tổ chức Chính phủ, là 2 bộ có số cấp phó nhiều nhất hiện nay”.

Vụ con trai “đồng chí X” luân chuyển ra Trung ương, nhưng ông Nguyễn Thanh Nghị vẫn điều hành Đại hội Đảng bộ tỉnh Kiên Giang, theo báo Tuổi Trẻ. Tin cho biết, ông Phạm Công Khâm, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Kiên Giang đã chủ trì họp báo thông tin công tác chuẩn bị Đại hội Đảng bộ lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 của tỉnh này.

Ông Khâm thông báo, Đại hội Đảng bộ tỉnh Kiên Giang sẽ diễn ra từ 15 đến 17/10, ông Nguyễn Thanh Nghị, bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang nhiệm kỳ X, sẽ vẫn điều hành đại hội. Về vụ ông Nghị luân chuyển công tác sang làm Thứ trưởng Bộ Xây dựng, ông Khâm cho biết, đến thời điểm này Tỉnh ủy Kiên Giang chưa nhận được văn bản chính thức về việc Thủ tướng Chính phủ điều động, “thông tin này mới chỉ biết qua báo chí đăng tải”.

Chiều qua, các báo “lề đảng” đưa tin về quyết định của Thủ tướng điều động Bí thư Kiên Giang Nguyễn Thanh Nghị trở lại làm Thứ trưởng Bộ Xây dựng. Cụ thể, “tại Quyết định số 1518/QĐ-TTg, Thủ tướng điều động, bổ nhiệm ông Nguyễn Thanh Nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XIV tỉnh Kiên Giang giữ chức Thứ trưởng Bộ Xây dựng”.

Có báo đã mặc định ông Nghị đã thành Thứ trưởng Bộ Xây dựng, như báo Tiền Phong có đồ họa: Chân dung Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị.

Nay Tỉnh ủy Kiên lại thông báo, con cả của “đồng chí X” vẫn ngồi tiếp ghế Bí thư tỉnh này và điều hành Đại hội Đảng bộ tỉnh Kiên Giang. Không lẽ có sự không ăn khớp giữa Trung ương và Kiên Giang? Quyết định do Thủ tướng ký, báo chí đăng khắp nơi, mà sao Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Kiên Giang lại chưa nhận được văn bản chính thức? Hay là ông Phúc học theo ông Trump bên Mỹ, sa thải, bổ nhiệm nhân sự đều qua mạng?

Mời đọc thêm: Ngày làm việc thứ 2 Hội nghị Trung ương 13 (VOV). – Ngày làm việc thứ hai Hội nghị thứ 13 Ban Chấp hành TW Đảng khóa XII (PLVN). – CSVN họp hội nghị trung ương 13, ‘cài cắm’ phe cánh khóa mới (NV). – Lãnh đạo Việt Nam có dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm như hô hào? (RFA).

– Chân dung 5 Bí thư Tỉnh ủy vừa được điều động làm Thứ trưởng (VTC). – Điều động ông Nguyễn Thanh Nghị, Bí thư Kiên Giang, về lại Bộ Xây dựng (TN). – Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang làm Thứ trưởng Xây dựng (VNE). – Chân dung ông Nguyễn Thanh Nghị, Thứ trưởng Bộ Xây dựng (VOV). – Chuyện “tách đảng làm đôi” (FB Mạc Văn Trang/TD).

Chuyện ăn bẩn nhân Đại hội 13: Bỏ tiền tỉ mua “cặp da” ở Hà Tĩnh

Về chuyện ăn bẩn nhân Đại hội 13, tỉnh Tuyên Quang đã dừng vụ chi 2,5 tỉ may trang phục cho đại biểu, nhưng Hà Tĩnh vẫn tiếp tục kế hoạch chi hơn 2 tỉ để mua cặp da tặng đại biểu. Báo Người Đưa Tin có bài: Lãnh đạo Hà Tĩnh lên tiếng về việc chi hơn 2 tỷ mua cặp da phục vụ đại hội. Trả lời báo chí, một lãnh đạo Tỉnh ủy Hà Tĩnh nói, “mua một món quà giá trị để tri ân đối với những đại biểu tham dự đại hội là việc đáng cân nhắc”.

Lãnh đạo này nói thêm: “Đây là quà tặng các đại biểu tham dự đại hội. Họ là những đảng viên tiêu biểu được cử đi tham dự đại hội. Hơn nữa, nhiệm kỳ 5 năm với những đóng góp của các đại biểu cho tỉnh nhà thì món quà là chiếc cặp da để phục vụ công việc, tặng cho các đại biểu tham dự đại hội là việc rất ý nghĩa. Quan trọng là chất lượng của những chiếc cặp da đó như thế nào, có đúng với giá trị tiền bỏ ra mua không?”

Quyết định số 2202/QĐ-UBND, phê duyệt kế hoạch 
lựa chọn nhà thầu mua sắm vật tư phục vụ công tác tổ 
chức Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh lần thứ XIX, nhiệm 
kỳ 2020-2025. Ảnh: NĐT

Nhà báo Bạch Hoàn phản biện lời trần tình trên: “Ơ kìa, họ được dân trả lương, là công bộc của dân, mà mở miệng ra chỉ lo bao biện cho mình và lo cho doanh nghiệp, không thèm quan tâm dân ra sao, không mảy may nghĩ cho dân, không đếm xỉa gì đến dân, dù tiền đó là tiền mồ hôi nước mắt, là tiền xương máu của dân. Cái gì mà cán bộ làm tốt? Làm tốt mà vẫn phải đi ngửa tay xin tiền Trung ương để tiêu xài à?”

Nhà báo Nguyễn Trung Bảo viết“Điều người dân quan tâm đến Đại hội ở các tỉnh thành không hề liên quan đến nghị trình hay nhân sự. Họ quan tâm xem tỉnh nào tặng cái gì, đấu thầu bao nhiêu… tỉnh tặng lố thì bị chê, địa phương tiết kiệm thì được khen. Thật ra thế nào là tiết kiệm cũng cần xem xét. Tặng cuốn sách như Đà Nẵng mà chẳng ai đọc sau đó, chắc chắn đó phải là một sự lãng phí”.

Mời đọc thêm: Hà Tĩnh chi hơn 2 tỷ mua cặp da tặng đại biểu (ĐV). – Hà Tĩnh chi hơn 2 tỷ đồng mua cặp da phục vụ đại hội (TTVN). – Công chúng Việt Nam bất bình về chi tiêu cho đại hội đảng ở một số tỉnh (VOA). – Đời đời căm thù mạng xã hội (FB Trương Châu Hữu Danh). – Tám hiệp hội kiến nghị giảm phí công đoàn xuống dưới 1% quỹ lương (FB Kiểm Tin).


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét