Thứ Sáu, 17 tháng 4, 2020

20200417. LÙM XÙM XUẤT KHẨU VÀ DỰ TRỮ GẠO

ĐIỂM BÁO MẠNG
LÙM XÙM  XUẤT KHẨU VÀ DỰ TRỮ GẠO, YÊU CẦU 2 BỘ PHẢI BÁO CÁO
LƯƠNG BẰNG/ VNN 16-4-2020
Trước phản ánh của báo chí về việc mở tở khai xuất khẩu gạo lúc nửa đêm và doanh nghiệp không nắm được thông tin đăng ký tờ khai, ngày 15/4, Văn phòng Chính phủ có công văn gửi Bộ Tài chính, Bộ Công Thương yêu cầu báo cáo về tình hình triển khai các nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ Tài chính báo cáo về trách nhiệm quản lý, kiểm soát số lượng gạo được phép xuất khẩu gạo trong tháng 4/2020 theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Lùm xùm xuất khẩu và dự trữ gạo, yêu cầu 2 bộ phải báo cáo
Việc xuất khẩu gạo và mua dự trữ đang làm nóng dư luận bởi nhiều điều bất cập.
Trong đó, nêu cụ thể vể quy trình, cách làm, danh sách các doanh nghiệp, thời gian mở tờ khai hải quan và số lượng gạo xuất khẩu của từng doanh nghiệp đã đăng ký thành công trên hệ thống; công tác phối hợp với Bộ Công Thương trong việc này; Báo cáo mua dự trữ lương thực theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng yêu cầu Bộ Công Thương báo cáo việc triển khai văn bản 2827/VPCP-KTTH ngày 14/4/2020 của Văn phòng Chính phủ và công tác phối hợp với Bộ Tài chính để thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Hai Bộ Tài chính, Công Thương có trách nhiệm báo cáo Thủ tướng Chính phủ các nội dung trên trước ngày 18/4/2020.
Trong ngày 15/4, Văn phòng Chính phủ cũng có văn bản số 2953 gửi Bộ Công Thương liên quan đến các kiến nghị của các địa phương xung quanh việc xuất khẩu gạo.
Theo đó, Văn phòng Chính phủ đã nhận được kiến nghị của UBND tỉnh Long An, UBND tỉnh An Giang và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang về việc xuất khẩu gạo, trong đó có đề xuất cho phép tiếp tục xuất khẩu gạo nếp.
Văn phòng Chính phủ đề nghị Bộ Công Thương nghiên cứu, tổng hợp các kiến nghị của UBND các tỉnh Long An, An Giang, báo cáo tình hình xuất khẩu gạo tháng 4 và đề xuất phương án xuất khẩu gạo trong tháng 5, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
L.Bằng

ĂN THEO VIRUS VŨ HÁN: BẦY KHỦNG LONG HÚT MÁU NÔNG DÂN
GIÓ BẤC / BVN 16-4-2020

Hình minh hoạ. Hình chụp hôm 2/3/2016: nông dân đóng bao gạo ở tỉnh Hậu Giang. AFP
Gần đây báo chí trong nước phê phán một số người ăn mặc tươm tất, chạy xe máy tay ga đến nhận quà từ thiện cho người nghèo trong mùa dịch virus Vũ Hán và gọi đây là những “ký sinh trên lưng người nghèo”. Lạm dụng lòng tốt, ăn chặn của người nghèo thật là hành vi bất nhẫn đáng trách, nhưng đó chỉ là hành vi cá biệt, cơ hội sự tham vặt của cá nhân. Kinh tởm hơn, khủng khiếp hơn, có những tổ chức, cơ quan được giao quyền lực, trách nhiệm quản lý vĩ mô những vấn đề hệ trọng của quốc gia lại chớp thời cơ đại dịch, dựng chiêu bài danh nghĩa vì an ninh lương thực o ép nông dân, doanh nghiệp trên quy mô cả nước để trục lợi. Đó là cốt lõi sâu xa bên trong chuyện lằng nhằng cho - cấm xuất khẩu gạo.
Thừa 3 triệu tấn gạo cứ “sợ” thiếu ăn
Gần một tháng qua, cuộc tranh luận gay gắt cấm hay cho xuất khẩu gạo diễn ra trên dư luận báo chí, mạng xã hội và ngay trong Chính phủ.
Cao điểm từ ngày 23-3 khi chính phủ chỉ thị ngừng xuất khẩu gạo và ngay ngày sau đó Bộ Công Thương xin dừng cấm.
Phía đề nghị cấm xuất khẩu gạo nêu lý do phải bảo đảm an ninh lương thực trong điều kiện hạn mặn xâm nhập miền Tây và đại dịch virus Vũ Hán.
Tổng Cục Hải quan đưa ra thông tin sốt nóng: chỉ trong 2 tháng đầu năm, Trung Quốc đã mua của ta lượng gạo bằng 600% so cùng kỳ 2019.
Nạn thiếu gạo thời bao cấp vẫn còn là mối ám ảnh của nhiều người, thảm họa đại dịch và hạn mặn đang là thời sự, yếu tố Trung Quốc và con số 600% rất ấn tượng, nên thoạt đầu đề xuất này được nhiều người đồng tình.
Ngày 23-3 chính phủ chỉ đạo ngừng xuất khẩu gạo, lập tức trên thị trường nội địa giá lúa giảm hơn 500 đồng/kg, người nông dân chưa kịp mừng đã rơi vào điệp khúc lúa được mùa mất giá. Các doanh nghiệp kinh doanh lương thực ở các tỉnh phía Nam cũng lao đao vì ách tắc không thể xuất hàng theo hợp đồng đã ký với nước ngoài. Gạo lúa bị ùn ứ từ đồng ruộng đến kho bãi của doanh nghiệp, thậm chí cả bến cảng.
Nhưng các doanh nghiệp, lãnh đạo các tỉnh Long An, An Giang đã có văn bản kiến nghị Chính phủ cho xuất gạo vì lúa đông xuân đang trúng mùa, giá gạo thế giới đang tăng, mà trong nước bị khê đọng hạ giá không tiêu thụ được.
Theo thống kê của Bộ Công Thương, lượng gạo ùn ứ trong kho bãi và ngay các bến cảng của các doanh nghiệp là trên 1,3 triệu tấn.

Về con số Trung Quốc mua tăng 600% so với năm 2019, nghe thật lớn, nhưng thực tế chỉ là 20.000 tấn, rất nhỏ so với khả năng, sản lượng gạo hàng hóa của Việt Nam. Do năm 2019 Trung Quốc có khách hàng mới nên mua gạo của ta rất ít.
Nhiều nhà kinh tế như Nguyễn Đức Thành – nguyên Thành viên tổ tư vấn chính phủ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), Vũ Kim Hạnh – nguyên TBT báo Tuổi trẻ, hiện phụ trách Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hổ trợ doanh nghiệp (BSA), lên tiếng ủng hộ việc xuất khẩu gạo trong thời cơ giá gạo thế giới đang tăng.
Giáo sư Tiến sĩ Võ Tòng Xuân – người cha đỡ đầu của hàng trăm giống lúa của Việt Nam – khẳng định:
“Chúng ta biết rất rõ lượng lúa gạo Việt Nam hiện có sau vụ đông xuân trúng mùa, dù đã dành lại 1,5 triệu tấn dự phòng cho an ninh lương thực, vẫn dư ra ít nhất trên 3 triệu tấn gạo trong kho và bồ lúa của dân, trong khi hiện giá gạo trên thị trường thế giới tăng cao là dịp để cho nông dân bán lúa giá cao. Hai tháng nữa miền Tây Nam bộ lại bắt đầu thu hoạch vụ lúa hè thu, vì vậy Việt Nam khó có thể thiếu gạo” (1).
Cơ hội khẳng định vị thế cường quốc gạo!
Giáo sư Võ Tòng Xuân phân tích về hệ quả tích cực của việc xuất khẩu gạo trong thời điểm dịch bệnh, không chỉ có lợi cho người dân, mà còn nâng vai trò vị thế và hiệu quả kinh tế quốc gia:
“Không cho các doanh nghiệp ký hợp đồng bán gạo cho Philippines, Indonesia, Trung Quốc... trong lúc họ đang cần, không chỉ chúng ta mất cơ hội bán gạo giá cao mà còn mang tiếng là quốc gia không có tinh thần giúp đỡ các nước trong lúc khó khăn.
Tôi vẫn đề xuất Chính phủ cho xuất trên 3 triệu tấn gạo, bởi theo tính toán kỹ lưỡng của chuyên gia, chúng tôi nghĩ rằng là một cường quốc về xuất khẩu gạo, Việt Nam hoàn toàn làm chủ được an ninh lương thực, đồng thời có dư để giúp các quốc gia thiếu gạo trên thế giới.
Trong đại dịch COVID-19, không riêng gì Việt Nam mà tất cả các quốc gia trên thế giới đều bị thiệt hại. Nền kinh tế đi vào khủng hoảng khiến chính phủ mỗi nước phải tốn kém rất nhiều nguồn lực, tung ra nhiều chính sách kích cầu để vực dậy nền kinh tế và hỗ trợ doanh nghiệp, việc tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo thành công chính là "cú hích" giúp doanh nghiệp có lãi, ngân sách nhà nước cũng có lợi”.
Thủ tướng run tay, xuất nhỏ giọt
Ngày 31-3, Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT chính thức đề nghị cho xuất khẩu gạo những vẫn còn có ý kiến không đồng tình.
Trước những đề xuất mạnh mẽ này, Thủ tướng kiến tạo Nguyễn Xuân Phúc dùng dằng mãi đến ngày 10-4 mới cho xuất khẩu gạo với mức độ nhỏ giọt 400.000 tấn trong tháng 4, yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ liên quan báo cáo tình hình xuất khẩu gạo tháng 4/2020 và đề xuất Thủ tướng Chính phủ phương án điều hành xuất khẩu gạo tháng 5/2020 trước ngày 25/4/2020 (2).
Với người dân, quyết định này là niềm vui không trọn vẹn.

Giáo sư Tiến sĩ Võ Tòng Xuân, bày tỏ ý kiến xác đáng:

“Tôi mừng vì Thủ tướng đã lắng nghe ý kiến của chuyên gia, chính quyền và doanh nghiệp cho phép xuất khẩu gạo trở lại. Tuy nhiên quyết định cho xuất khẩu 400.000 tấn gạo trong tháng 4 mới chỉ tháo gỡ được một phần cho doanh nghiệp. Còn bà con nông dân trồng lúa của miền Tây Nam bộ lại một lần nữa chưa được hưởng trọn niềm vui trúng mùa được giá.
Theo tôi, quyết định chỉ cho xuất 400.000 tấn gạo trong tháng 4 vì sợ ta thiếu gạo trong thời COVID-19 là chưa hợp lý”.
Hình minh hoạ. Người nông dân trồng lúa ở ngoại thành Hà Nội hôm 2/3/2016. AFP
Tại sao xuất khẩu gạo thời điểm này thật sự an toàn, ích nước lợi dân nhưng người ta cố tình cản trở và ai có lợi trong việc cấm xuất khẩu gạo?
Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành đã chỉ rõ đích danh kẻ thủ lợi:
“Theo tôi Việt Nam không nên áp dụng chính sách cấm xuất khẩu gạo hoặc chế độ quota lúc này. Tất cả chỉ làm lợi cho các nhóm lợi ích núp bóng nhà nước như Hải quan, VFA, VinaFood… Đồng thời gây thiệt hại và phân hóa các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, khiến thị trường bị đẩy lùi hàng chục năm” (3).
Cấm xuất vì VinaFood 1 lỡ ký hợp đồng giá rẻ!
Đây là nhận định chính xác và dũng cảm nêu đúng bản chất thực trạng Việt Nam hàng chục năm qua.
Mặc dù luật doanh nghiệp cho phép hàng trăm công ty xuất khẩu gạo, nhưng quyền lực trong hoạt động này vốn nằm trong tay hai Tổng Công Ty Lương Thực Miền Bắc (VinaFood 1) và Miền Nam (VinaFood 2) – những doanh nghiệp nhà nước do các cựu quan chức được đảng bổ nhiệm.
Hiệp Hội Lương Thực Việt Nam (VFA) cũng do chính các quan chức này lãnh đạo.
Các VinaFood được ưu tiên ký kết xuất khẩu các hợp đồng chính phủ, ưu tiên chỉ định cung cấp lương thực cho Tổng Cục Dự trữ Quốc gia, được tham gia các cuộc họp chính phủ trong lĩnh vực có liên quan... Trong trường hợp này, VinaFood 1 là doanh nghiệp duy nhất có mặt trong cuộc họp đưa đến quyết định cấm xuất khẩu gạo ngày 23-3.
Lý do VinaFood 1 tác động chính phủ cấm xuất khẩu gạo được nhà báo Mai Bá Kiếm – cựu Thư ký Tòa soạn báo Phụ Nữ TP. HCM viết trên FB như sau:
“Số là năm 2019, VinaFood 1 xuất gạo cho Cuba và Malaysia với giá 355 USD/tấn, rồi ép giá thu mua của nông dân 4.200 đ/kg lúa 504, nên lời to! Quen ăn trên mồ hôi nông dân, đầu năm 2020, VinaFood 1 ký hợp đồng bán gạo cho Cuba giá 365 USD/tấn, Malaysia giá 334 USD/tấn, tổng cộng 490.000 tấn.
Ai dè, năm 2020, nông dân giảm diện tích trồng lúa 504 để trồng lúa thơm, nên đầu tháng 3/2020, giá lúa 504 lên 5.100 đ/kg - 5.300 đ/kg, quy gạo phải 380 USD/ tấn. VinaFood 1 cầm chắc lỗ 400 tỷ đồng, nên xúi bộ Công thương xin Thủ tướng dừng xuất khẩu gạo, để giá lúa trong nước giảm!” (4).
Không phải lần đầu những con khủng long vì lợi ích riêng tác động cấm xuất khẩu gạo ngay lúc giá thế giới đang tăng, mà các nhà kinh tế, các doanh nghiệp đã nhiều lần nhắc nhở tiền lệ tương tự vào năm 2008.
Chính quyết sách sai lầm này không chỉ gây thiệt hại hàng trăm triệu đô la giá trị xuất khẩu năm đó, mà còn làm giá gạo Việt Nam luôn thấp hơn giá gạo Thái Lan cùng chủng loại từ 70 đến 80 USD/tấn.
Tổng Cục Dự trữ trống kho vì ưu ái sân sau
Không chỉ VinaFood 1, con khủng long thứ hai cũng cần cấm xuất khẩu gạo để ép giá nông dân nhằm trục lợi là Tổng Cục Dự trữ Quốc gia.
Được chính phủ giao chỉ tiêu dự trữ lương thực tổng cộng 280.000 tấn gạo, nhưng vào giữa tháng 3, khi kiểm tra, các kho của Tổng Cục mới chỉ có 8.000 tấn gạo.
Giá gạo nội địa lúc này đã lên cao hơn giá trước đó, nên Tổng Cục cũng có nguy cơ không hoàn thành chỉ tiêu, do đó cần cấm xuất gạo để hạ giá gạo trong nước (!).
Đau đớn thay, đỡ đầu và tiếp sức cho âm mưu hút máu nông dân ấy là Bộ Tài chính được chính phủ giao trách nhiệm phối hợp quản lý xuất khẩu gạo và bảo đảm an ninh lương thực.
Ngay trong ngày 10-4, ngày chính phủ cho xuất khẩu gạo, âm mưu cấm xuất để ém giá bất thành, Bộ Tài chính đã có công văn đề nghị kéo dài thời gian cấm xuất khẩu gạo. Lần này không còn nhân danh an ninh lương thực mà lộ liễu hơn là để cứu Tổng Cục Dự trữ Quốc gia và các doanh nghiệp sân sau.
Do việc mua gạo dự trữ quốc gia đang khó khăn, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Công Thương dừng xuất khẩu gạo tẻ đến giữa tháng 6. Dư luận cho rằng với công văn này Bộ Tài Chính đã ngáng chân Bộ Công Thương.
Hình minh hoạ. Người bán gạo tại một cửa hàng ở Đà Nẵng hôm 14/3/2018. Reuters
Trong văn bản, Bộ Tài chính cho rằng kế hoạch Thủ tướng giao mua dự trữ 190.000 tấn gạo và 80.000 tấn thóc tẻ loại thường. Các doanh nghiệp đã bỏ thầu và trúng thầu cung cấp khoảng 178.000 tấn. Tuy nhiên, khi thấy nhu cầu xuất khẩu gạo tăng, một số doanh nghiệp lại trì hoãn ký hợp đồng, không thương thảo dù đã trúng thầu.
Vì thế, Bộ Tài chính đề nghị dừng xuất khẩu gạo tẻ đến 15/6 để đảm bảo công tác mua dự trữ quốc gia. Các mặt hàng gạo nếp, gạo đồ, gạo hữu cơ, gạo thơm vẫn được xuất khẩu bình thường. Sau khi cơ quan dự trữ quốc gia đã mua đủ theo kế hoạch, sẽ tiếp tục để xuất khẩu linh hoạt.
Ưu tiên mua gạo ở nơi thiếu gạo!
Thực tế qua kiểm kho, Tổng Cục Dự trữ mới nhập được hơn 7.000 tấn gạo trên chỉ tiêu đã giao.
Theo Tổng cục Dự trữ Nhà nước, ngày 11/4, Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Nam Tây Nguyên đã phải thông báo về việc hủy kết quả lựa chọn nhà thầu các gói thầu cung cấp gạo nhập kho dự trữ quốc gia năm 2020. Lý do các nhà thầu từ chối ký hợp đồng cung cấp gạo dự trữ (5).
Vì sao đã được giao thầu gần 1 tháng mà các doanh nghiệp này mới chỉ thực hiện được hơn 0,2% khối lượng? Các doanh nghiệp này là ai?
Nhà báo Mai Bá Kiếm lý giải:
“Theo thói quen, Tổng Cục Dự trữ Nhà nước “mở thầu” cho cả chục “doanh nghiệp sân sau” tại “3 tỉnh thiếu gạo” trúng thầu là: Lạng Sơn, Hà Nam, Hà Tĩnh.
Giá "lúa thường" lên 5.000 đ/kg, các “DN sân sau” phải “bỏ cọc (tiền bảo lãnh thực hiện HĐ) chạy lấy người”. Cục Dự trữ gom “cọc” được 803.272.000 VNĐ, mua được hơn 160 tấn gạo, đủ bảo đảm an ninh lương thực trong vòng… một nốt nhạc!”.
Vì sao tại vựa lúa ĐBSCL có trên 180 DN kinh doanh lương thực nhưng đều không được giao thầu? Tại sao cơ quan Dự trữ Quốc gia lại giao cho DN thuộc ba tỉnh Lạng Sơn, Hà Nam, Hà Tĩnh – đều là tỉnh miền núi lúa không đủ ăn, nhiều năm phải cứu đói, xa địa bàn thu mua sản phẩm?
Thực hiện nhiệm vụ dự trữ quốc gia mà bê trễ, lơi lỏng như vậy rõ là nguy hiểm.
Hợp đồng cung ứng lương thực dự trữ quốc gia là lĩnh vực an ninh lương thực, sao điều kiện hủy bỏ quá dễ dàng?
Luật sư Trần Hồng Phong đã bình luận rằng:
"Biện pháp khắc phục vi phạm" chỉ là thu số tiền bảo lãnh dự thầu là quá nhẹ. Vì nếu họ xù thầu, dẫn đến ảnh hưởng an ninh lương thực là không thể chấp nhận được, tiềm ẩn hậu quả nghiêm trọng. Chả lẽ Nhà nước phải xuất tiền ra mua chăng?”.
Cần cho củi vào lò!
Vì sao Bộ Tài chính lại bảo kê cho sai phạm của cơ quan dự trữ quốc gia và các doanh nghiệp hủy thầu? Chỉ vì 160.300 tấn gạo chưa được nhập kho lưu trữ quốc gia mà 1.434.000 tấn gạo hiện đang nằm chờ xuất khẩu phải bị ách lại liệu có phải là cách điều hành vì lợi ích quốc gia?!
Rõ là việc xuất khẩu gạo không ảnh hưởng gì tới an ninh lương thực.
Với cung cách mượn danh nghĩa an ninh lương thực để cho doanh nghiệp sân sau trục lợi của Tổng Cục Dự trữ Quốc gia, thì dù lượng gạo hàng hóa dư thừa hàng năm không phải là 6,7 triệu tấn như hiện nay mà có lên đến vài ba chục triệu thì đất nước vẫn có nguy cơ mất an ninh lương thực.
Tác nhân gây rối loạn ách tắc hoang mang, mất an toàn vừa qua chính từ hai con khủng long VinaFood 1 và Tổng Cục Dự trữ Quốc gia.
Muốn thật sự bảo đảm an ninh lương thực cần thanh tra ngay hai con khủng long này. Bác Tổng muốn nung lò chuẩn bị cho đại hội 13 thì đây chính là cơ hội tốt. Ít nhất 13 tỉnh đảng bộ, hơn 80 triệu nông dân sẽ vô cùng biết ơn và tôn phò người nào trảm tham quan, cứu nguy cho giá lúa.
Dung dưỡng kéo dài guồng máy, cơ chế quản lý điều hành việc xuất khẩu gạo như hiện nay vừa duy trì bất công, làm nông dân nghèo khổ, nuôi béo bầy khủng long hút máu, vừa tự đánh mất vai trò thế mạnh cường quốc lương thực trên trường quốc tế. Không lẽ gì với sản lượng xuất khẩu đứng thứ nhì thứ ba thế giới mà giá gạo Việt Nam cứ đeo đít giá gạo Thái Lan với khoảng cách 70-80 USD tấn? Cứ nhìn bài học từ bóng đá, thay huấn luyện viên mọi thứ sẽ thay đổi.

G.B.

Tham khảo:


NGHỊ ĐỊNH 107 VỀ XUẤT KHẨU GẠO:CÔNG CỤ BẦN CÙNG HOÁ NÔNG DÂN
HOÀNG KIM/ BVN 15-4-2020



Nông dân ngày càng bần cùng, nghèo mạt vì trồng lúa, trong khi những nhà xuất khẩu gạo ngày càng “béo ú”. Bất công này được tạo ra từ Nghị định 107 về xuất khẩu gạo (*).
Qui trình sản xuất lúa gạo ở Việt Nam lâu nay vẫn là: Nông dân làm (trồng) lúa, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) – đại diện cho phần lớn “cá mập” trong ngành lúa gạo VN, và không có đại diện của bất kỳ tổ chức sản xuất lúa nào của nông dân.
VFA họ chỉ mua lúa xay ra gạo bán xuất khẩu cho nước ngoài lấy lời.

Như vậy giá bán gạo xuất khẩu quyết định giá lúa, hay nói cách khác giá lúa tỷ lệ thuận với giá bán gạo: Bán gạo xuất khẩu giá cao thì giá lúa cao và ngược lại bán gạo xuất khẩu giá thấp thì giá lúa thấp.
Từ xưa tới nay, nông dân trồng lúa VN luôn bị gạt sang bên lề cuộc chơi xuất khẩu lúa gạo, không có chút tiếng nói nào, thậm chí với các cơ quan quản lý chuỗi sản xuất, kinh doanh lúa gạo nắm quyền kiểm soát giá bán gạo xuất khẩu.
Nghị định 107 giao cho Bộ Tài chính định hướng giá lúa của nông dân hướng vào giá thành, là tách giá lúa của nông dân ra khỏi giá gạo xuất khẩu, là tước đoạt quyền giám sát của nông dân đối với việc bán gạo xuất khẩu.
Tước đoạt quyền giám sát của nông dân vào giá và cách bán gạo xuất khẩu, Bộ Công thương và VFA toàn quyền bán gạo xuất khẩu với giá nào tùy ý, cách nào cũng được, nông dân không có quyền tham gia ý kiến.
Tước đoạt quyền giám sát của nông dân vào giá bán gạo xuất khẩu Bộ Công thương và  VFA thường xuyên bán gạo xuất khẩu với giá thấp nhất thế giới, bằng chứng là Philippines đánh thuế gạo xuất khẩu đến 35% Bộ Công thương và VFA không hề lên tiếng, không hề thông báo cho Chính phủ và nông dân để tìm cách thương lượng.
Tước đoạt quyền giám sát của nông dân vào giá bán gạo xuất khẩu Bộ Công thương và VFA tha hồ đớp “lại giá” từ việc bán rẻ gạo xuất khẩu ra thế giới. Chỉ cần được lại giá 1 Đô la Mỹ/tấn, với khoảng 6 triệu tấn gạo xuất khẩu hàng năm số tiền “lại giá” có thể lên đến 6 triệu Đô la Mỹ, 6 triệu Đô la Mỹ này chia cho bao nhiêu người?
Tách giá lúa nông dân ra khỏi giá bán gạo xuất khẩu, bỏ giá sàn để bán rẻ gạo xuất khẩu là chính sách bần cùng hóa nông dân trồng lúa, trong đó chủ yếu là lúa gạo của nông dân vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL).
Tách giá lúa nông dân ra khỏi giá bán gạo xuất khẩu, bỏ giá sàn để bán rẻ gạo xuất khẩu là phạm tội ác chống lại nông dân.
Tòa án không xử tội, nhưng tòa án lương tâm đang mở:
Người nông dân trồng lúa vùng ĐBSCL phải thốt lên những câu ca dao cải biên này:
“Con ơi nhớ lấy điều này
Cướp đêm là Bộ (công thương) cướp ngày là VFA”

H.K.

Tác giả gửi BVN
Chú thích: (*) Nghị định 107/2018/NĐ-CP: do Chính phủ ban hành ngày 15/8/2018, qui định về việc kinh doanh xuất khẩu gạo.

TRẬN ĐÁNH ÚP NỬA ĐÊM THƯ BẢY 
TRUNG BẢO/ TD 15-4-2020

Ngay sau khi có công văn của Thủ tướng đồng ý cho xuất khẩu gạo với số lượng 400 ngàn tấn trong tháng 4, lập tức số lượng xuất khẩu được các doanh nghiệp đăng ký đầy đủ trong vòng 3 tiếng đồng hồ.
Tổng cục Hải Quan (TCHQ) mở hồ sơ đăng ký xuất khẩu gạo từ 0g ngày 12.4 thì đến 3g sáng đã có 399.989 tấn gạo được đăng ký xuất khẩu. Điều đáng nói, theo công văn số 2581 vào ngày 10.4 của Bộ Công Thương thì việc công bố hạn ngạch trong xuất khẩu gạo có hiệu lực từ 0g ngày 11.4. Vậy là đến khi triển khai tới TCHQ thì chủ trương lại trễ thêm một ngày, nhận đăng ký từ nửa đêm ngày 12.4.
Khi vừa có công văn của Bộ Công thương, nhiều doanh nghiệp phấp phỏng thức đêm chờ đợi để đăng ký hạn ngạch. Đêm 11.4 trôi qua trong yên lặng, chúc các bạn một giấc mơ đẹp, ai thức ráng mất ngủ. Và, hôm sau là tối thứ 7, thay vì dành cho tình yêu thì TCHQ bất ngờ mở đăng ký trong lặng lẽ. Thật ra, vẫn có người đăng ký để xuất được gạo, và đó hẳn là những doanh nghiệp lâu nay “biết ăn ở”.
Nếu không phải vậy thì tại sao 7 công ty ở Long An chỉ đăng ký được có 8.500 tấn gạo. Đến nỗi, trong công văn của Sở Công thương tỉnh Long An ngày 13.4 viết rõ việc mở đăng ký của TCHQ là “thông tin này không được thông tin rộng rãi chính thức trước đó”. Chỉ riêng một công ty Intimex đã chiếm xấp xỉ 1/4 tổng lượng gạo xuất khẩu. Hai công ty Phát Tài và Mỹ Tường là các công ty trúng thầu 1.900 tấn gạo cho kho dự trữ quốc gia để phục vụ an ninh lương thực nhưng họ “xù” không giao để rồi đột ngột đăng ký xuất đi 24.000 tấn gạo. Đó chính là thứ an ninh lương thực mà những kẻ dân tuý đang bám vào kêu gào suốt những ngày qua.
Điểm lại hết việc này, đó dường như là một trận đánh úp doanh nghiệp vào nửa đêm thứ 7. Chỉ trong 3 tiếng đã đầy hạn ngạch xuất khẩu. Dường như bên cấp phép và những bên được cấp phép đã có sự chuẩn bị phối hợp sẵn, mọi thứ diễn ra cấp tốc thần kỳ.
Không chỉ vậy, Hải quan còn thực hiện chiến thuật nghi binh đánh lạc hướng doanh nghiệp. Ngày 12.4, ông Đinh Ngọc Thắng – Cục trưởng Cục Hải quan TP.HCM đã phát biểu trên báo rằng: “Sớm nhất 13.4, Bộ Tài chính và TCHQ mới có văn bản hướng dẫn cho các tỉnh thành”. Thế rồi, đêm 12.4 TCHQ đã âm thầm mở xuất khẩu gạo khiến những doanh nghiệp trở tay không kịp. Và, kỳ lạ hơn, sau khi nghi binh đánh lạc hướng rồi âm thầm cho xuất đủ 400 ngàn tấn gạo, ngày 13.4 TCHQ lại ban hành đóng dấu “Mật” về công tác… hướng dẫn thủ tục xuất khẩu gạo. Xuất xong mới ban hành công văn hướng dẫn xuất. Quả là kỳ tài thông làu binh thư, từ nghi binh, đột kích, tung hoả mù để rút lui. Đúng là “một trận đánh đẹp”.
Việt Nam hiện có khoảng 180 doanh nghiệp được cấp phép xuất khẩu gạo. Qua sự kiện này và qua thời gian theo dõi càng thấy rõ việc xuất khẩu không phải bình đẳng với tất cả doanh nghiệp!
Còn vấn đề an ninh lương thực, thứ mà nhiều người cứ vịn vào đó để phản đối ý kiến xuất khẩu gạo, lại nằm trong tay những công ty phía Bắc, thuộc những tỉnh thuộc dạng… thiếu đói xưa nay. Ví dụ công ty Cao Lạng của Lạng Sơn.
Cho thấy có sự trái ngang trong vấn đề xuất khẩu gạo mà Báo Sạch đã kiên trì lên tiếng trong suốt thời gian qua. Thậm chí cho đến khi nhận được chủ trương cho xuất khẩu của Thủ tướng, thì doanh nghiệp còn gặp thêm một trận đánh úp vào nửa đêm thứ 7, khi lẽ ra đó là lúc tình yêu thăng hoa.

HIỆP HỘI LƯƠNG THỰC LÀ MỘT HỘI ĐOÀN ĐỘC QUYỀN NHÀ NƯỚC
VÕ HÀN LAM/ BVN 15-4-2020

Đó là kết luận của một khảo sát do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) thực hiện, và đã chỉ ra hàng loạt vấn đề trong cách thức tổ chức và hoạt động của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA).


 

‘Chành cơ chế’
Trong con mắt quản trị học hiện đại, chành vựa không chỉ là khâu trung gian phân phối – thu mua mà còn là hệ thống quản trị các mối quan hệ, nền tảng bảo đảm sự vận hành của các hệ thống này.
Trước năm 1975, chành là nơi dự trữ lúa, vay vốn ngân hàng, cung ứng xuất khẩu và mua gạo cho tổng cục thực phẩm của chính quyền Sài Gòn.
Hệ thống chành gồm có kho, mua lúa, kể cả lúa non và tín dụng nhỏ, nhà máy xay gắn với hệ thống làm ăn ở Sài Gòn - Chợ Lớn.
Chành gắn với thương nhân ở chợ. Mọi việc đều lấy lòng tin làm trọng. Chành phải có điểm giao nhận ở miền Tây và Sài Gòn, có kho tạm tương ứng hoặc liên doanh làm kho tạm, có đội xe tải, có người nhận hoặc phát hàng.
“VFA đã ra đời dựa trên ý chí của một bộ phận các cơ quan quản lý nhà nước, với kỳ vọng sẽ trở thành cánh tay nối dài của Chính phủ để quản lý ngành gạo”, báo cáo của VEPR nhấn mạnh. Báo cáo cũng cho biết bộ máy quản lý, điều hành của VFA được xây dựng với đầy đủ các vị trí, ban bệ và bộ phận giúp việc nhưng thực tế hoạt động rất kém hiệu qua và kém minh bạch.
Theo điều lệ thì VFA được thành lập trên nguyên tắc tự nguyện, nhưng vị trí chủ tịch hiệp hội lại vẫn do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê chuẩn. Vị trí này cũng thường do lãnh đạo của Tổng Công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1) và Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) thay nhau đảm nhận. Nhiều mâu thuẫn nội bộ bùng phát từ đây, khi liên tục có sự thiếu minh bạch và tự nguyện trong bầu cử lãnh đạo.
Hiểu nôm na, VFA là ‘chành cơ chế về lúa gạo xuất khẩu’ với quyền lực độc quyền nhà nước được bảo hộ bằng những chính sách được gọi là ‘thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa’. Hoàn toàn không có một cạnh tranh nào khác ở đây với VFA.
Sở dĩ gọi là ‘chành cơ chế’ vì doanh nghiệp khi cần mua gạo thành phẩm, chỉ cần đặt hàng cho thương lái: Loại gạo nào, số lượng bao nhiêu, giá cả ra sao. Vậy là xong. Còn trong chương trình hoạt động hàng năm của VFA chủ yếu chỉ xoay quanh chuyện hạn ngạch xuất khẩu gạo là bao nhiêu, đấu thầu tập trung ở đâu, tóm lại là “phân chia mâm bát”.
Còn việc nâng cao chất lượng hạt gạo xuất khẩu, nâng cao giá mua lúa, đồng nghĩa với việc nâng cao lợi nhuận cho nông dân, bằng các biện pháp như phát triển vùng nguyên liệu, tổ chức lại hệ thống thu mua, công nghệ sau thu hoạch thì VFA gần như không thèm ngó ngàng tới.
Không những thế, những khi giá lúa ở đồng bằng sông Cửu Long tăng mạnh, để cứu nhiều doanh nghiệp thành viên vì đã lỡ ký hợp đồng xuất khẩu gạo giá thấp khi chưa có sẵn chân hàng trong kho, VFA lại thường tìm cách “dìm” giá lúa xuống.
Vừa rồi nhân chuyện dịch bệnh đến từ con virus Vũ Hán, VFA đã lobby thành công qua ‘trung gian’ Bộ Công thương trong chuyện khiến Chính phủ ra quyết định dừng mọi chuyện xuất khẩu. VFA còn không ngần ngại luôn chiêu thức tung tin ảo về giá cả và nguồn dự trữ lúa gạo. (*)
Số là năm 2019, Vinafood 1 xuất gạo cho Cuba và Malaysia với giá 355 USD/tấn, rồi ép giá thu mua của nông dân: 4.200 đ/kg lúa 504, nên lời to! Quen ăn trên mồ hôi nông dân, đầu năm 2020, Vinafood 1 ký hợp đồng bán gạo cho Cuba giá 365 USD/tấn, Malaysia giá 334 USD/tấn, tổng cộng 490.000 tấn.
Ai dè, năm 2020, nông dân giảm diện tích trồng lúa 504 để trồng lúa thơm. Nên đầu tháng 3/2020, giá lúa 504 lên 5.100 đ/kg – 5.300 đ/kg, quy gạo phải 380 USD/ tấn. Vinafood 1 cầm chắc lỗ 400 tỷ đồng, nên xúi bộ Công thương xin Thủ tướng dừng xuất khẩu gạo, để giá lúa trong nước giảm!...
Vì sao không có các hiệp hội lương thực của những nhà nông?
Lão nông Nguyễn Ngọc Hưởng ở ấp B1, xã Thạnh Thắng, Vĩnh Thạnh – Cần Thơ, nói rằng:
“Nông dân chúng tôi một nắng hai sương, chân lấm tay bùn để làm ra hột gạo nhưng lại là người chịu thiệt thòi nhất. Để có được hột lúa, nông dân phải làm việc quần quật trên đồng ruộng mấy tháng trời, nớp nớp lo thiên tai dịch bệnh nhưng mỗi ký lúa giỏi lắm cũng chỉ lời được chừng 1.000 – 2.000 đồng.
Trong khi doanh nghiệp, chỉ làm cò mua đi bán lại thôi đã lời hơn cả nông dân, còn nếu xuất được giá thì có khi lời gấp 4-5 lần cái lời của nông dân. Đó là lúc giá lên, làm ăn thuận buồm xuôi gió, còn lúc giá xuống thì nông dân còn lãnh đủ hơn nữa. Giá tuột thì doanh nghiệp phải bán giá thấp, trong khi họ vẫn giữ phần lời của mình do đó là chỉ còn cách quay lại ép giá nông dân.
Mặc dù vậy, nhiều năm qua chúng tôi cũng chẳng thấy vai trò của VFA ở đâu, họ giúp được gì cho nông dân? Tiếng là VFA, nhưng thực chất họ chỉ chăm chăm cho lợi ích của mình… còn hàng triệu nông dân chân lấm tay bùn làm ra hạt gạo lại bị đẩy ra rìa. Thử hỏi trong cả trăm đơn vị thành viên của VFA trên khắp cả nước, có được bóng dáng anh nông dân nào không? Không chỉ vậy mà họ còn xa rời nông dân vì hiện nay chỉ thấy thương lái đi thu mua lúa của nông dân, họ chỉ ngồi đó mua lại gạo nguyên liệu rồi chế biến xuất khẩu kiếm lời, thế là xong”.
Lão nông Châu Văn Điệp A, cựu chủ tịch Hội Nông dân xã An Tức, Tri Tôn, An Giang, nói rằng nếu chưa có sự cạnh tranh về vấn đề hội đoàn, thì cần hạn chế quyền lực của VFA.
“Theo điều lệ thì VFA là tổ chức xã hội, nghề nghiệp của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, chế biến, kinh doanh lương thực, nông sản và các sản phẩm chế biến từ lương thực. Vai trò chính của VFA là kiến nghị, tham gia ý kiến với các cơ quan Nhà nước về các vấn đề có liên quan đến chỉ đạo, điều hành xuất – nhập khẩu lương thực… Tuy nhiên, không hiểu sao VFA lại được giao quyền sinh, sát trong điều hành xuất khẩu gạo, quản lý đầu ra của hạt gạo Việt Nam. Nói đúng hơn là VFA đang hoạt động như một cơ quan quản lý nhà nước hơn là tổ chức xã hội, nghề nghiệp. Đó là chưa kể trong những năm qua, VFA đã nhiều lần có những kiến nghị chết người, dẫn đến hạt gạo Việt Nam bị mất cơ hội bán giá cao, bí đầu ra, gây thiệt hại cho nông dân hàng triệu USD.
Người nông dân vẫn phải tự bơi dù mang tiếng là có VFA. Có lẽ đã đến lúc đã đến lúc phải tiến hành làm cuộc đại phẫu lại việc điều tiết xuất khẩu gạo để hạn chế bớt quyền lực của VFA; hay tốt hơn hết là hãy đoạn tuyệt những độc quyền nhà nước trong hội đoàn” – ông Châu Văn Điệp A, nhấn mạnh.
Tạm kết hồi một về chuyện VFA bằng thông tin mà nhiều người nhận định đây chỉ là ‘hạ màn – chuyển cảnh’:
Tổng cục Hải quan đã cho mở cổng đăng ký tờ khai hải quan xuất khẩu 400.000 tấn gạo trong tháng 4-2020 vào lúc 2 giờ của đêm về sáng Chủ nhật 12-4. Nhiều doanh nghiệp do không biết thông tin này nên đành kêu trời vì không bán được gạo.

__________

Chú thích:
(*) Nghị định số 107/2018/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo, cùng các thông tư liên quan cho biết Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương và FTA cùng chịu trách nhiệm về việc điều hành xuất khẩu gạo.
V.H.L.
VNTB gửi BVN

LỘ MẶT CỤC DỰ TRỮ
BÁO SẠCH/ TD 11-4-2020

17.700/178.000 tấn gạo là số lương thực mà Tổng Cục dự trữ mua được – theo báo cáo ngày 10/4 của Bộ Tài Chính.
Số gạo này, chỉ bằng 10% lượng gạo bắt buộc phải trữ – và bằng 0,05% lượng gạo do nông dân làm ra trong một năm. Để bạn dễ hình dung, so với tỉnh An Giang, số lương thực mà chúng mua để phòng trường hợp khẩn cấp, chiến tranh thiên tai địch họa bằng 0,5% sản lượng tỉnh này.

VinafoodMB – Doanh nghiệp con cưng có trách nhiệm làm đầy bồ lúa quốc gia – đến giờ này không làm hết trách nhiệm của mình. Thóc lúa tràn đồng, họ được trúng thầu nhà nước, là đã ăn trên đầu thiên hạ, mà vẫn không thèm giao gạo, thì họ coi chính phủ và nhân dân này là gì? Nếu không muốn nói nhà nước là bầu sữa, còn nhân dân là con tin?
So với ông Trần Dụ Châu thời chiến, thì đám cán bộ hư đốn thời bình, coi an ninh lương thực chỉ là chỗ làm ăn, đáng tội gấp trăm ngàn lần.
Bồ lúa của quốc gia, chúng không thèm đếm xỉa, đến khi Thủ tướng chính phủ chỉ đạo kiểm tra thì đám báo bẩn và truyền thông bất lương nhảy vào giải cứu. Và đám bất lương nhân cơ hội này kêu gào dân túy bài Tàu để chứng minh Việt Nam có nguy cơ thiếu gạo, sẽ chết đói như năm 1945. Chúng mị dân bằng cách cứ 3 – 4 bài chửi thì có một bài về phật pháp, mặc áo lam đi chùa… Chúng dùng mọi cách để ách tắc xuất khẩu, để hạ giá lúa gạo cho đám quan thầy kịp mua dự trữ.
Đằng sau câu chuyện dự trữ, lại có câu chuyện cần lật mặt: Gạo dự trữ trúng thầu chỉ là 178.000 tấn, cực thấp so với năng lực nông dân, vậy nhưng VinafoodMB chỉ mới thực hiện 10%. Cái mà họ đang lo là gần 490.000 tấn thấp cấp họ ký với CuBa, Malaysia giá bèo (khoảng 334 – 340 đô la / tấn – trong khi thị trường VN khoảng 440 đô la) đến nay không có để giao. Đám truyền thông bất lương sẽ làm mọi cách để dân hoang mang, lúa ế, dân bán tháo.
Nhưng nông dân bây giờ 4.0, họ cũng theo sát nhịp đập thị trường. Họ cũng lên Facebook và đọc hết đấy. Cho nên, giá lúa 504 mà Vinafood MB cần mua, càng lúc càng cao.
Khi thấy VinafoodMB bị vạch mặt về lương thực, đám truyền thông bất lương tập trung vào sai phạm đất đai của VinafoodMN để đánh bùn sang ao, đánh loãng dư luận.
Vở kịch sắp hạ màn.
Để xem đám hậu duệ Trần Dụ Châu sẽ đi nước cờ nào khi mà chốt cũng đã sang sông.
CÓ NÊN CÁCH CHỨC TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC HẢI QUAN ?
NGUYỄN NGỌC CHU/ BVN 16-4-2020
1. Cuối cùng thì con virus Vũ Hán đã xé được tấm áo dày nhất trong tất cả các tấm áo che lưng bộ trưởng. Đó là Bộ Tài chính.
2. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Ý Tế, Bộ Công Thương, Bộ Giao thông Vận tải - là những bộ hay có nhiều vụ bê bối nổi lên bề ngoài, liên quan trực tiếp đến đời sống, nên chịu sự phản ứng tức thì của dư luận xã hội.
3. Nhưng Bộ có nhiều bê bối thuộc nhóm số 1, lại được che kỹ lưỡng nhiều lớp, khó bị thoát hơi bề nổi, chính lại là Bộ Tài chính.
4. Nếu ở mỗi Bộ, các cấp dưới phải chạy cấp trên để có nguồn tài chính, thì đó mới là xiềng xích 1 lớp – chỉ trong một Bộ. Với Bộ Tài chính là xiềng xích nhiều lớp.
Có Bộ nào mà không phải chạy tiền? Có dự án nào mà không cần tiền? Tất cả phải chạy Bộ Tài Chính. Lãnh đạo các Bộ cũng phải chạy Bộ Tài chính. Ưu tiên số 1 như Bộ Quốc Phòng cũng không ngoại lệ. Đó là sự khác biệt của uy quyền Bộ Tài chính.
Chưa hết, Bộ Tài Chính còn có nhiều “đao phủ” khác. Tổng cục Thuế. Tổng cục Hải quan. Toàn những "sát thủ" khét tiếng.
Nói không ngoa, Bộ Tài chính là thủy tổ của tiêu cực. Thế mà, ngoài ông thứ trưởng “sái miếng” vì vợ là hoa hậu hay khoe ảnh, còn lại thì chưa thấy thanh củi nào “vào lò”.
5. Nay thì con virus Vũ Hán đã xé áo ông Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan và xé luôn áo ông Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Thủ tướng vưà yêu cầu ông Bộ trưởng Bộ Tài chính và ông Bộ trưởng Bộ Công thương tường trình về việc xuất khẩu gạo (https://tuoitre.vn/hai-bo-cong-thuong-tai-chinh-phai-bao-ca…).

Mấu chốt chính là Tổng cục Hải quan mở tờ khai xuất khẩu 400 000 tấn gạo đúng vào nửa đêm, lúc 0h ngày 12/4/2020. Chỉ sau 3 giờ đã “xuất khẩu vèo cả 400 000 tấn gạo” đang lúc toàn dân ngủ say (https://baodautu.vn/doanh-nghiep-kien-nghi-xem-xet-viec-400…).
6. Mở tờ khai hải quan đúng lúc nửa đêm là hành động đánh úp bẩn thỉu. Nó bôi ô uế lên quyền lực của Tổng cục Hải quan và Bộ Tài chính. Ăn cũng có nhiều cách ăn.
7. Đừng biện hộ rằng mỗi ngày bắt đầu từ 0h. Việc xuất khẩu gạo vô cùng quan trọng. Đến mức Chính Phủ phải họp nhiều phiên, phải quyết định sau cả tháng. Cho nên thông báo xuất khẩu 400 000 tấn gạo phải báo trước nhiều ngày trước khi đăng ký. Việc đăng ký phải vào giờ làm việc. Không ai đánh úp vào lúc nửa đêm.
Mặt khác, hạn mức (quota) 400 000 tấn gạo không đáp ứng đủ được 50% nhu cầu xuất khẩu gạo hiện thời. Cho nên phải bắt buộc phân chia hạn mức. Thế mà vừa mở tờ khai lúc 0h ngày 12/4/2020 thì có công ty đã đăng ký và được Tổng cục Hải quan ngay tức thì cho xuất khẩu 96 000 tấn gạo (xấp xỉ 1/4 quota toàn quốc).
8. Không nghi ngờ gì về tham nhũng và lợi ích nhóm ở Bộ Tài chính trong vụ “xuất khẩu lén” 400 000 tấn gạo vào nửa đêm, lúc 0h ngày 12/4/2020.
Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan không thể trốn tránh trách nhiệm. Bộ trưởng Bộ Tài chính không thể trốn tránh trách nhiệm.
Đây không phải là thiếu sót. Đây là sự vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Thực tế là ngang ngược chà đạp lên pháp luật. Đây là làm rối loạn lòng dân. Càng nguy hiểm khi đất nước đang ở trong hoàn cảnh hoạn nạn. Càng làm cho Thủ tướng khó khăn khi ở thế trăm công ngàn việc lại phải đau đầu vì việc của cấp Bộ. Hành động này vào thời chiến sẽ bị tử hình.
9. Ông Lưu Văn Thanh, vì nóng tính mà hành xử không đúng đã xin từ chức Phó chủ tịch HĐND huyện Hớn Quản.
Không biết ông Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan có học theo mà viết đơn từ chức hay không? Bê bối ở Tổng cục Hải quan không chỉ có vụ “xuất khẩu lén” 400 000 tấn gạo, mà hằng hà sa số.
Hay là con virus Vũ Hán chỉ làm mất được chức vụ cấp huyện của người còn chút liêm sỉ? Vạch được áo mà không cách chức được cấp Tổng cục và Bộ?
10. Sau các Bộ: KH&ĐT, Viện HLKHXH, GD-ĐT, Y Tế, Công Thương, NN&PTNN, TT&TT, LĐ&TBXH, Tài chính, thì không biết con virus Vũ Hán sẽ vén thêm “tấm áo che lưng” nào nữa?
Trong hình ảnh có thể có: 1 người, bầu trời, cận cảnh và ngoài trời

Trong hình ảnh có thể có: 1 người, bộ vét
N.N.C.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét