Chủ Nhật, 12 tháng 4, 2020

20200412. COVID-19 VÀ BÀN CỜ ĐỊA CHÍNH TRỊ

ĐIỂM BÁO MẠNG
MỸ ĐANG VẬT LỘN VỚI COVID-19 VÀ BÀN CỜ ĐỊA CHÍNH TRỊ
NGUYỄN QUANG DY/ viet-studies 10-4-2020


Tuần này sẽ là thời điểm Trân Châu Cảng, thời điểm 11/9 (Jerome Adams).
Ánh sáng cuối đường hầm 
Tổng thống Trump nói tại cuộc họp báo hàng ngày tại Nhà Trắng (4/4): “Tuần này chắc sẽ là tuần khó khăn nhất…nhưng đã thấy ánh sáng tại cuối đường hầm”. Bây giờ ông Trump ủng hộ nhận định của các chuyên gia y tế hàng đầu như ông Anthony Fauci (Giám đốc viện NIAID) và bà Deborah Birx (điều phối nhóm đặc nhiệm về Covid-19 tại Nhà Trắng).
Ông Jerome Adams (Surgeon General) cũng nói với “Fox News Sunday” (5/4): “Tuần này sẽ là thời điểm Trân Châu Cảng, thời điểm 11/9…Đây là thời điểm khó khăn nhất và đáng buồn nhất đối với nhiều người Mỹ trong cả cuộc đời của họ”. (Surgeon general warns this week is going to be our Pearl Harbor moment, Quint Forgey, Politico, April 5, 2020).   
Trước đó (ngày 31/3) các chuyên gia y tế hàng đầu nhận định rằng trong mấy tháng tới, hàng triệu người Mỹ có thể lây nhiễm và “100.000 đến 240.000 người Mỹ có thể chết vì Covid-19”. Dự báo gây sốc đó dựa trên tính toán khoa học, được Nhà Trắng ủng hộ. Kết cục đó vừa do Covid-19 từ Trung Quốc đổ bộ vào Mỹ, vừa do người Mỹ quá chủ quan.  
Theo New York Times (4/4), có 430.000 hành khách đã đến Mỹ trên các chuyến bay từ Trung Quốc, trong đó có 4.000 người Trung Quốc đến từ Vũ Hán (theo VariFlight). Với cuộc đổ bộ đó làm sao Mỹ “ngăn chặn được người Trung Quốc” như ông Trump nói. Covid-19 đã âm thầm lây lan mà không biết, vì 25% số người bị lây nhiễm không có triệu chứng.  
Đến nay (10/4) Covid-19 đã lan ra 210 nước và lãnh thổ, với 1,632,577 ca lây nhiễm và 97,583 người chết. Mỹ nay đứng đầu với 475,237 ca lây nhiễm và 17,055 người chết. Tây Ban Nha đứng thứ hai với 157,022 ca và 15,843 người chết. Ý đứng thứ ba với 143,626 ca và 18,279 người chết. Nhưng Covid-19 như một kẻ khát máu vẫn chưa buông tha.   
Sau khi kiểm soát được dịch, Trung Quốc từ vị trí đứng đầu nay đứng thứ sáu với 81,907 ca lây nhiễm và 3,336 người chết. Nhưng dư luận Mỹ cho rằng các con số đó thấp so với sự thật. Hiện có 21 triệu thuê bao điện thoại di động không còn hoạt động, và hàng ngàn bình tro hài cốt để tại 6 địa điểm hỏa táng ở Vũ Hán. (CIA Hunts for Authentic Virus Totals in China Dismissing Government Tallies, Julian Barnes, New York Times, April 2, 2020).
Không đối phó kịp thời
Ngay sau khi Mỹ và Trung Quốc ký kết “giai đoạn một” thỏa thuận thương  mại (15/1) hai siêu cường lại bị xô đẩy vào cuộc chiến mới với Covid-19, với hệ quả khó lường. Thiệt hại không chỉ về người và y tế mà còn làm khủng hoảng kinh tế và chính trị. Mỹ và Trung Quốc không chỉ tranh chấp về thương mại mà nay còn cãi nhau về nguồn gốc Covid-19. 
Theo Bloomberg (2/4/2020) Nhà Trắng đã được các cơ quan tình báo Mỹ cho biết là Trung Quốc đã không nói thật về các con số lây nhiễm và chết do Covid-19, nên Mỹ đã bị động không đối phó kịp thời với đại dịch này. Nhưng thiếu hụt thông tin chỉ là một phần câu chuyện, phần còn lại là do chính mình. Tại sao Đài Loan đối phó được mà Mỹ lại không?  
Nếu ai tin Trung Quốc nói thật thì là ngây thơ và không hiểu về người Trung Quốc. Trong lịch sử Trung Quốc người ta cho rằng việc lừa nhau là chính đáng như nghệ thuật trị quốc và một phần của cuộc sống. Mỹ đã áp dụng chính sách “tiếp cận xây dựng” trong nhiều thập kỷ với hy vọng Trung Quốc “trỗi dậy hòa bình” đến khi họ nhận ra đó là ảo tưởng. 
Dù Covid-19 lây lan thành đại dịch có phải là chủ định như một vũ khí sinh học hay không (theo thuyết âm mưu) thì chẳng ai khẳng định được. Chỉ biết rằng nay Milan và New York đang biến thành Vũ Hán. Đó là hệ quả của tình trạng thiếu hợp tác và hỗn loạn trong “trật tự thế giới” (disorder). Đó là nguyên nhân làm các nước không thể đối phó kịp thời.  
Nói cách khác, cộng đồng Châu Âu (EU) và Mỹ đang phải đối phó với Covid-19 lây lan quá nhanh, trong khi não trạng con người và thể chế các nước thay đổi quá chậm (too little too late). Chính quyền Trump vì “America First” đã bỏ rơi vai trò lãnh đạo và trợ giúp thế giới. Nay họ còn chủ quan bỏ lỡ cơ hội kiểm soát dịch đến khi quá muộn nên vỡ trận.
Vừa đối đầu vừa hợp tác
Trong cuộc khủng hoảng Covid-19, EU và Mỹ phải tự cứu mình. Một EU với 550 triệu dân và hầu như không còn biên giới, đang bị bỏ ngỏ. Trong khi Ý bị EU bỏ rơi thì Trung Quốc, Nga và Cuba tỏ ra hào phóng. Hình ảnh đoàn xe quân sự của Hồng Quân cắm cờ Nga, sơn logo “From Rusia With Love”, diễu hành trên đất Ý là một thách thức đối với NATO.
Trong bối cảnh chính trị Mỹ phân hóa sâu sắc làm vô hiệu hóa chính sách công, chắc ông Trump không thể tiếp tục giành phiếu bằng đánh bạc với Covid-19, vì hệ quả khó lường. Nếu hàng triệu người Mỹ bị lây nhiễm và hàng trăm ngàn người chết như cảnh báo, thì cơ hội tái cử của ông chắc cũng tiêu tan. Liệu Mỹ có để cho các bác sỹ Cuba vào giúp không?
Tại sao dịch Covid-19 chỉ bùng phát tại các nước phương Tây giàu có? Chẳng lẽ các nước nghèo ở Châu Phi lạc hậu tới mức không thể thống kê được số người bị lây nhiễm? Tại sao Đài Loan, Hong Kong và Hàn Quốc không cần đóng cửa (lockdown) mà vẫn không thiếu máy thở? Chắc sau lần này, “thế giới sẽ không thể tiếp tục như thế này được nữa”.
Khủng hoảng Covid-19 đã làm bộc lộ các góc khuất và “gót chân Asin” của các nước. Loài người cần tỉnh ngộ trước bản chất của cuộc chiến toàn cầu với Covid-19, vì họ vẫn chưa hiểu đối thủ và không sẵn sàng đối phó do còn nhiều “điểm mù”. Không chỉ các đảng phái chính trị mà các cộng đồng dân chúng cũng bị phân hóa và ngày càng cực đoan.   
Theo giáo sư Graham Allison (đại học Harvard), Mỹ và Trung Quốc có thể vừa đối đầu vừa hợp tác để chống lại Covid-19, dù là “đối tác hạn chế” vì các nước phụ thuộc lẫn nhau. Tuy đó là một nghịch lý của toàn cầu hóa, nhưng “không có cách nào khác”. (In War Against Coronavirus: Is China Foe or Friend? Graham Allison, National interestMarch 27, 2020).
Bàn cờ địa chính trị
Covid-19 đã bất ngờ tấn công loài người, làm sống lại bóng ma Trân Châu Cảng. Dù nó là sản phẩm của tạo hóa hay nhân tạo, thì tất cả các nước gồm siêu cường Mỹ và Trung Quốc đều là nạn nhân của thảm họa với những tổn thất nặng nề. Covid-19 tuy vô hình nhưng có thể vô hiệu hóa tàu sân bay USS Theodore Rousevelt và làm cho thế giới khủng hoảng.
Bàn cờ địa chính trị tại Biển Đông diễn biến khó lường trước hệ quả đại dịch Covid-19 tại Trung Quốc và Mỹ. Khi Trung Quốc phải đối phó với Covid-19 bùng phát thì Mỹ điều tàu sân bay USS Theodore Rousevelt đến thăm Đà Nẵng (5/3/2020). Khi Mỹ phải đối phó với đại dịch thì Trung Quốc không bỏ lỡ cơ hội “thiên hạ đại loạn” để thâu tóm Biển Đông.   
Ngày 20/3, Trung Quốc đã khánh thành hai trạm nghiên cứu mới trên đảo đá Xu-Bi và Chữ Thập. Họ đã khai thác 862.400m3 khí từ “băng cháy” (hydrates) tại bắc Biển Đông (17/2-18/3), và tập trận với sự tham gia của tàu sân bay Liêu Ninh. (China seizes Covid-19 advantage in South China Sea, Richard Javad HeydarianAsia Times, April 1, 2020).
Trong khi đó, tàu sân bay USS Theodore Rousevelt phải cách ly tại cảng Guam vì 155 thủy thủy bị lây nhiễm Covid-19 sau chuyến thăm Đà Nẵng. Theo New York Times (5/4) thuyền trưởng Brett Crozier cũng có kết quả dương tính sau khi bị cách chức. Đáng tiếc là tàu sân bay Mỹ đã đến thăm Việt Nam không đúng lúc khi Covid-19 đang lây lan khắp nơi.
Sự kiện rủi ro của tàu USS Theodore Rousevelt buộc hải quân Mỹ phải rút kinh nghiệm và thận trọng hơn trong kế hoạch triển khai hợp tác chiến lược với Việt Nam và ASEAN. Sự biến động về so sánh lực lượng và bàn cờ địa chính trị Biển Đông ảnh hưởng đến lợi ích chiến lược sống còn không chỉ của Việt Nam và ASEAN mà còn của Mỹ và đồng minh.        
Ngày 2/4, tàu Trung Quốc đã đâm chìm một tàu cá Việt Nam tại vùng biển Hoàng Sa. Bộ Ngoại Giao Việt Nam đã phản đối mạnh mẽ, và được Bộ Ngoại Giao Mỹ ủng hộ. Trước đó (30/3) Việt Nam đã gửi công hàm cho Ủy Ban Ranh Giới Thềm Lục Địa Liên Hợp Quốc phản đối các yêu sách của Trung Quốc tại Biển Đông trong các công hàm của họ trước đó. 
Lời cuối
Theo Carl Thayer, Trung Quốc đang điều chỉnh chiến lược, với “ngoại giao coronavirus” theo “tam chủng chiến pháp” (chiến tranh tâm lý, pháp lý, và dư luận). Mục đích là tranh thủ lúc Mỹ và EU đang bị sa lầy vào khủng hoảng Covid-19, để tối đa lợi ích. Trước mắt, họ muốn thay đổi câu chuyện về nguồn gốc coronavirus nhằm đánh tráo hình ảnh và “lấy lòng dư luận” (charm offensive). Về lâu dài, họ muốn tranh giành với Mỹ vai trò lãnh đạo thế giới.    
Mùa xuân sắp qua, mùa hè sắp tới. Nhưng Covid-19 vẫn chưa dừng lại. Hãy còn quá sớm để khẳng định “Covid-19 sẽ vẫy tay chào Việt Nam để ra đi trong nắng hè rực rỡ” và Việt Nam lại là nước tiên phong thành công về chống dịch Covid-19. Dù điều đó có là sự thật chăng nữa thì biết đâu sang năm hay sau đó, Covid-19 hay bà con của nó còn quay lại. 
Tham khảo
1. In War Against Coronavirus: Is China Foe or Friend? Graham Allison, National interestMarch 27, 2020
2. Trump shows off new rapid coronavirus test kit in Rose Garden, as HHS says 1 million Americans tested, Andrew O’Reilly, Fox news, March 31, 2020
3. With the Coronavirus, It’s Again Trump vs. Mother Nature, Thomas Friedman, New York Times, March 31, 2020
4. China seizes Covid-19 advantage in the South China Sea, Richard Javad HeydarianAsia Times, April 1, 2020
5. CIA Hunts for Authentic Virus Totals in China Dismissing Government Tallies, Julian Barnes, New York Times, April 2, 2020
6. This is just the first in a series of cascading crises, Fareed Zakaria, Washington Post, April 3, 2020
7. Why the Coronavirus Is Making U.S.-China Relations Worse, Joseph Nye, National Interest, April 3, 2020
8. The Ugly End of Chimerica, Orville Schell, Foreign Policy, April 3, 2020,
9. The Coronavirus Pandemic Will Forever Alter the World OrderHenry Kissinger, Wall Street JournalApril 3, 2020
10. Surgeon general warns this week is going to be our Pearl Harbor moment, Quint Forgey, Politico, April 5, 2020
11. US aircraft carrier should never have been sent to Vietnam, Stephen Bryen, Asia Times, April 5, 2020
12. Vietnam's lost year: Coronavirus dulls diplomatic ambitions, Toru Takahashi, Nikkei Asian Review, April 6, 2020
13. The Belt and Road After COVID-19, Plamen Tonchev, Diplomat, April 7, 2020
14. China’s coronavirus diplomacy and ambition of world leadership, BBC interviews Carl Thayer, April 8, 2020
NQD. 10/4/2020
 Tác giả gửi cho viet-studies ngày 10-4-20


ĐẠI DỊCH COVID-19 SẼ THAY ĐỔI TRẬT TỰ THẾ GIỚI MÃI MÃI
HENRY. A. KISSINGER/ BVN 10-4-2020
(Phạm T. Sơn dịch)

Henry Kissinger – Vị chính khách thực dụng

Nước Mỹ phải bảo vệ công dân tránh khỏi bệnh tật đồng thời ngay lập tức lên kế hoạch cho một kỷ nguyên mới.

Bầu không khí kỳ dị của đại dịch Covid-19 khiến tôi nhớ lại cảm giác khi còn là anh lính trẻ trong Sư đoàn bộ binh 84 trong Trận Ardennes (Thế chiến II). Giờ đây, cũng như khi đó là cuối năm 1944, có một cảm giác nguy hiểm mơ hồ, không nhắm vào bất kỳ ai cụ thể, mà hoàn toàn ngẫu nhiên và mang tính tàn phá vô cùng. Nhưng có sự khác biệt lớn giữa thời điểm xa xôi đó và thời gian này của chúng ta. Nước Mỹ khi đó, đương đầu với hiểm nguy, có một mục đích quốc gia tối thượng. Giờ đây, trong một đất nước bị chia rẽ, cần có một Chính phủ hiệu quả và có tầm nhìn xa để có thể vượt qua những trở ngại lớn chưa từng có trên phạm vi toàn cầu. Duy trì niềm tin của công chúng là điều tối quan trọng đối với đoàn kết xã hội, đối với mối quan hệ của các xã hội với nhau, và đối với hòa bình và ổn định quốc tế.
Các quốc gia cố kết và phát triển dựa trên niềm tin rằng thể chế của họ có thể thấy trước tai họa, kiềm chế tác động của nó và khôi phục sự ổn định. Khi đại dịch Covid-19 kết thúc, thể chế của nhiều quốc gia sẽ bị coi là đã thất bại. Nhận xét này có khách quan công bằng hay không không liên quan. Thực tế là thế giới sẽ không bao giờ còn như cũ sau dịch Covid-19. Nếu lúc này tranh cãi về quá khứ thì chỉ khiến việc thực hiện những gì cần phải làm càng khó khăn hơn.
Dịch Covid-19 đã tấn công với quy mô và sự tàn bạo chưa từng thấy. Nó lây lan theo cấp số nhân: Các ca nhiễm ở Mỹ cứ năm ngày lại tăng gấp đôi. Khi những dòng này đang được viết, thế giới vẫn chưa có cách chữa trị. Vật tư y tế không đủ để đối phó với làn sóng ngày càng tăng các ca nhiễm. Các khu hồi sức tích cực đang trên bờ vực bị quá tải. Xét nghiệm không kịp để xác định mức độ lây nhiễm, chứ chưa nói đến việc đảo ngược sự lây lan. Vắc-xin chữa trị có khi phải từ 12 đến 18 tháng nữa mới có.

Chính quyền Mỹ đã triển khai một cách đáng tin cậy để tránh một thảm họa ngay lập tức. Thử thách cao nhất sẽ là liệu sự lây lan của virus có thể bị kiềm chế và sau đó đảo ngược theo cách thức và ở quy mô có thể duy trì niềm tin của công chúng vào khả năng tự kiểm soát của người Mỹ hay không. Nỗ lực trong khủng hoảng, dù lớn và cấp thiết đến như thế nào, cũng không được cao hơn nhiệm vụ cấp bách là bắt đầu công cuộc “thời kỳ quá độ” lên trật tự mới sau dịch Covid-19.
Các nhà lãnh đạo đang đối phó với cuộc khủng hoảng chủ yếu trên cơ sở quốc gia, nhưng những tác động làm tan rã xã hội của virus không có biên giới. Dù cuộc tấn công vào sức khỏe con người sẽ chỉ là tạm thời (hy vọng vậy), nhưng biến động chính trị và kinh tế mà nó mang lại có thể kéo dài qua nhiều thế hệ. Không một đất nước nào, kể cả Mỹ, trong nỗ lực chỉ thuần túy mang tính quốc nội có thể vượt qua virus. Những nỗ lực nhằm đối phó với tính cấp thiết của thời điểm này cần phải kết hợp với tầm nhìn và chương trình hợp tác trên toàn cầu. Nếu chúng ta không thể đồng thời làm cả hai việc, chúng ta sẽ phải đối mặt với điều tồi tệ nhất của từng việc đó.
Trên cơ sở rút ra các bài học từ việc hình thành và triển khai Kế hoạch Marshall và Dự án Manhattan, nước Mỹ phải thực thi một nỗ lực lớn trên ba lĩnh vực.
Đầu tiên, nâng cao khả năng phục hồi toàn cầu đối với bệnh truyền nhiễm. Những chiến thắng của khoa học y tế như vắc-xin bại liệt và loại trừ bệnh đậu mùa, hay sự kỳ diệu về kỹ thuật thống kê mới nổi của chẩn đoán y học thông qua trí thông minh nhân tạo, đã đưa chúng ta vào một sự tự mãn nguy hiểm. Chúng ta cần phát triển các kỹ thuật và công nghệ mới để kiểm soát lây nhiễm và tiêm phòng vắc-xin trên lượng lớn dân số. Các thành phố, quốc gia và khu vực phải luôn chuẩn bị để bảo vệ người dân khỏi đại dịch thông qua việc dự trữ, lập kế hoạch hợp tác và khám phá vượt qua các giới hạn về khoa học.
Thứ hai, nỗ lực hàn gắn vết thương cho nền kinh tế thế giới. Các nhà lãnh đạo toàn cầu đã học được những bài học quan trọng từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay phức tạp hơn nhiều: Sự co lại của nền kinh tế gây ra bởi dịch Covid-19, ở tốc độ và quy mô toàn cầu, là “vô tiền khoáng hậu”. Và các biện pháp y tế công cộng cần thiết như giãn cách xã hội, đóng cửa trường học và doanh nghiệp đang góp phần vào nỗi đau kinh tế này. Các chương trình cứu trợ cần tìm cách cải thiện những tác động bởi sự hỗn loạn sắp tới gây ra đối với nhóm dân số dễ bị tổn thương nhất trên thế giới.
Thứ ba, bảo vệ các nguyên tắc của trật tự thế giới tự do. Cơ sở nền tảng của chính phủ hiện đại là một thành phố có tường bao được bảo vệ bởi những người cai trị hùng mạnh, đôi khi độc tài, đôi khi nhân từ, nhưng luôn đủ mạnh mẽ để bảo vệ người dân khỏi một kẻ thù bên ngoài. Các nhà tư tưởng thời kỳ Khai sáng đã xét lại khái niệm này, lập luận rằng mục đích của nhà nước có chính danh là cung cấp cho các nhu cầu cơ bản của người dân: an ninh, trật tự, phúc lợi kinh tế và công lý. Các cá nhân không thể tự bảo đảm những điều này. Đại dịch đã cho thấy sự lỗi thời, khi “làm sống lại” khái niệm “thành phố có tường bao” trong một thời đại mà sự thịnh vượng phụ thuộc vào thương mại và sự di chuyển của người dân trên toàn cầu.
Các nền dân chủ trên thế giới cần bảo vệ và duy trì các giá trị thời kỳ Khai sáng. Một sự rút lui toàn cầu khỏi việc cân bằng quyền lực với tính chính danh sẽ khiến khế ước xã hội tan rã cả trong nước lẫn quốc tế. Tuy nhiên, vấn đề tính chính danh và quyền lực hàng ngàn năm này không thể được giải quyết đồng thời với nỗ lực khắc phục bệnh dịch Covid-19. Cần có sự kiềm chế đối với tất cả các bên trong cả chính trị đối nội và ngoại giao quốc tế. Các ưu tiên phải được thiết lập.
Từ Trận Ardennes, chúng ta đã tiến vào một thế giới thịnh vượng ngày càng gia tăng và nâng cao phẩm giá con người. Giờ đây, chúng ta đang sống trong một giai đoạn mang tính thời đại. Thách thức mang tính lịch sử đối với các nhà lãnh đạo hiện nay là quản lý khủng hoảng đồng thời xây dựng tương lai. Thất bại có thể khiến thế giới “chìm trong biển lửa”.
Henry Kissinger từng là Bộ trưởng Ngoại giao và Cố vấn An ninh quốc gia trong chính quyền Tổng thống Nixon và Tổng thống Ford.
H.K.

Trong bài viết trên, chưa thấy ngài Kissinger dành ra một ít thời gian để tự mình ngẫm nghĩ nhằm rút kinh nghiệm về sai lầm tệ hại của chính mình trong việc gần nửa thế kỷ trước đã để sổng chuồng cho một con sói khủng, biết "quàng khăn đỏ" và biết thủ cả những thỏi kẹo socola để nhử các em bé ngây thơ khờ dại theo nó vào rừng sâu. Con sói "được giải phóng" ấy chẳng hề quan tâm đến con đường đưa nhân loại đến một thế giới dân chủ tự do như "em bé Kiss" hằng mơ tưởng, mà ngày đêm dựa vào sự vỗ béo của nước Mỹ và khối các nước giàu có văn minh khác, chỉ lo tìm mưu sâu kế hiểm đưa cả nhân loại vào tròng..
Đại dịch tồi tệ vào đầu thập niên thứ ba của thế kỷ 21 này biết đâu chính là cái tròng mà nó giăng ra cho cả thế giới, trước hết là "trả ơn" cho những nước có nền công nghiệp hùng hậu và có thể chế tự do tốt đẹp nhất, đã chuyển giao công nghệ cho nó trong suốt bao nhiêu năm.
Nếu ngài Kiss. chịu khó nghiền ngẫm về những thất bại đắng cay của chính mình trong vai trò một chính khách có tầm chiến lược toàn cầu thuở ấy thì có lẽ sẽ có ích cho nhân loại nhiều hơn.
Bauxite Việt Nam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét