Thứ Năm, 2 tháng 4, 2020

20200402. TỔNG KẾT CÁC LUẬN ĐIỆU CỦA 'THẾ LỰC THÙ ĐỊCH'

ĐIỂM BÁO MẠNG
THỦ ĐOẠN 'NẮN DÒNG DƯ LUẬN' CỦA CÁC THẾ LỰC THÙ ĐỊCH TRƯỚC ĐẠI HỘI ĐẢNG LẦN THỨ XIII
NGUYỄN SƠN/ CAND 30-3-2020

Các thế lực thù địch đang ra sức tuyên truyền, chống phá ta - Giáo ...

Thời gian gần đây, khi chúng ta đang chuẩn bị và tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, các đối tượng thù địch, phản động lại tập trung công kích, tuyên truyền chống phá vào nền tảng tư tưởng của Đảng, vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng, nguyên tắc tổ chức, cán bộ, công tác nhân sự đại hội…
Âm mưu của chúng là nhằm “nắn dòng dư luận”, gây nhiễu loạn thông tin, tạo sự hoang mang, hoài nghi trong nhân dân, gây mất niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước và chế độ, tiến tới mục tiêu làm chệch đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Có thể thấy, luận điệu tuyên truyền xuyên tạc, chống phá trước thềm Đại hội XIII của Đảng của các đối tượng nói trên rất đa dạng, tập trung vào một số nội dung chủ yếu sau:
Phủ nhận, chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng, phủ nhận quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Chúng tung ra đủ thứ “lý luận” nhằm cho rằng chủ nghĩa Mác - Lênin là một “học thuyết viển vông, ảo tưởng”, “con đường XHCN mà nhân dân Việt Nam đang đi là trái với quá trình lịch sử - tự nhiên”; việc kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin như một cái “thòng lọng ý thức hệ” khiến cho nỗ lực đổi mới chính trị của Đảng không thực hiện được…
Không chỉ xuyên tạc, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, chúng còn tăng cường xuyên tạc, chống phá tư tưởng Hồ Chí Minh với các thủ đoạn tinh vi, được ẩn sau những luận điệu như đối lập giữa Tư tưởng Hồ Chí Minh với Chủ nghĩa Mác - Lênin.
Bên cạnh đó, chúng còn đưa ra các luận điệu công kích đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, đặc biệt, cho rằng kinh tế thị trường là kinh tế tư bản chủ nghĩa, không thể có kinh tế thị trường định hướng XHCN, đường lối phát triển kinh tế thị trường theo định hướng XHCN là “chắp vá”, “không tưởng”; “kinh tế thị trường và CNXH mâu thuẫn như nước với lửa, không thể dung hòa, không thể nào có định hướng XHCN nếu chấp nhận phát triển kinh tế thị trường…”.
Phủ nhận vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Chúng cho rằng Đảng Cộng sản Việt Nam đã hết vai trò lịch sử, không còn đủ khả năng lãnh đạo đất nước; duy trì sự lãnh đạo duy nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam là “độc tài”, “độc đoán”, là “bóp nghẹt”, “thủ tiêu” dân chủ, thủ tiêu động lực phát triển đất nước. Từ đó kêu gọi bỏ Điều 4 Hiến pháp năm 2013, đòi Đảng thực hiện đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập để có “dân chủ” đích thực.
Chúng lặp đi lặp lại các luận điệu cho rằng, trong Đảng có “phe này”, “phái kia”, “phe bảo thủ”, “phe cấp tiến”, phe thân chỗ này, phe thân chỗ kia... Chúng dựng lên những câu chuyện về sức khỏe, bí mật đời tư… của các đồng chí lãnh đạo để xuyên tạc, bôi nhọ danh dự, uy tín cán bộ, nhất là cán bộ có khả năng là ứng viên cho cấp ủy khóa mới các cấp, những người được quy hoạch, giới thiệu tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Từ đó, gây nhiễu loạn thông tin, gây ra sự hiểu nhầm trong quần chúng nhân dân, làm mất lòng tin trong nhân dân vào đội ngũ cán bộ lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Tuyên truyền chống phá cương lĩnh của Đảng, dự thảo các văn kiện Đại hội. Chúng soạn thảo thành những tài liệu mạo danh, nặc danh hoặc công khai đề tên tuổi, địa chỉ cụ thể, sau đó tán phát trên Internet, mạng xã hội dưới những hình thức như “Thư ngỏ”, “Thư trao đổi”, “Thư góp ý”, “Kiến nghị”… Nội dung xuyên tạc tình hình đất nước nhằm làm lu mờ những thành quả cách mạng; thổi phồng những tồn tại, hạn chế trong phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh… của đất nước, rồi quy kết, đổ lỗi nguyên nhân của những hạn chế ấy là do thể chế chính trị, sự yếu kém trong thực hiện vai trò lãnh đạo, từ đó làm giảm sút niềm tin của nhân dân vào Đảng.
Đặc biệt, lợi dụng việc đóng góp ý kiến với các dự thảo văn kiện, chúng còn đưa ra những luận điệu kiểu như: Việt Nam cần “đi tìm chủ thuyết mới” để phát triển vì “Cương lĩnh 2011 trên thực tế đã lỗi thời”; “Đảng Cộng sản Việt Nam cần tự giác thay đổi Cương lĩnh 2011, từ bỏ đường lối sai lầm về xây dựng CNXH, chuyển hẳn sang đường lối dân tộc và dân chủ, trọng tâm là chuyển đổi thể chế chính trị từ toàn trị sang dân chủ một cách kiên quyết nhưng ôn hòa”…
Tuyên truyền xuyên tạc công cuộc đấu tranh chống tham nhũng, chống suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ của Đảng ta.
Trong những năm gần đây, công cuộc đấu tranh chống tham nhũng, chống suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ do Đảng phát động đã đạt được những kết quả rất quan trọng. Phát biểu kết luận tại phiên họp thứ 17 Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng ngày 15/1/2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định, công tác phòng, chống tham nhũng thời gian qua đã có bước tiến mạnh mẽ, với nhiều chủ trương, giải pháp đột phá, đi vào chiều sâu, đạt nhiều kết quả rất quan trọng, toàn diện, đồng bộ, rõ rệt hơn, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, hưởng ứng, đánh giá cao.
Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng đến nay, đã thi hành kỷ luật hơn 90 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, trong đó có 21 Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng (2 Ủy viên Bộ Chính trị), 22 sỹ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang.
Dù công cuộc đấu tranh chống tham nhũng, chống suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ đang đạt được những kết quả rất quan trọng, thế nhưng, các đối tượng thù địch, phản động, những phần tử cơ hội chính trị lại xuyên tạc rằng, “tham nhũng là sản phẩm tất yếu của chế độ công hữu tư liệu sản xuất, chuyên chế độc đảng”, “còn chế độ công hữu, chế độ độc đảng thì không chống được tham nhũng”.
Thậm chí, chúng còn đưa ra những luận điệu chống tham nhũng thực chất chỉ là “cuộc đấu đá nội bộ”, “thanh trừng phe phái trong Đảng Cộng sản Việt Nam”, “trả thù cá nhân”, để “loại bỏ những người không cùng phe cánh” trước Đại hội XIII...
Đưa ra những thông tin xuyên tạc, bịa đặt về nguyên tắc tổ chức, cán bộ, công tác nhân sự Đại hội Đảng.
Chúng tự dựng lên danh sách lãnh đạo cấp cao, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng (khóa tới)… như thể mình là người trong cuộc, rồi từ đó thỏa sức phán xét rằng, việc quy hoạch cán bộ của Đảng không phải vì lợi ích quốc gia, dân tộc, mà chỉ là phục vụ “lợi ích nhóm”, là bước chuẩn bị cho con em, “vây cánh” tiến thân. Rằng “Đại hội Đảng là hình thức, là một dịp tái cơ cấu cán bộ theo lối phe cánh lợi ích nhóm”.
Chúng cho rằng công tác cán bộ của Đảng là không dân chủ, thiếu minh bạch, làm theo kiểu “áo gấm đi đêm”, việc quy hoạch, sắp xếp cán bộ chỉ nhằm “thanh trừng bè phái”, “đấu đá nội bộ”… Lợi dụng, khoét sâu những bức xúc của nhân dân trước tình trạng một bộ phận cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, chính quyền các cấp tham nhũng, tiêu cực, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống… để đưa ra những nhận định, suy diễn chủ quan, phiến diện, một chiều, quy chụp mọi sai lầm, khuyết điểm, yếu kém trong các lĩnh vực của đời sống xã hội cho đội ngũ cán bộ và công tác cán bộ của Đảng.
Có thể thấy, những luận điệu trên tuy không mới nhưng lại được núp bóng “góp ý”, “kiến nghị” với Đảng, Nhà nước và được tung ra trong thời điểm trước đại hội nên hết sức độc hại, gieo rắc hoang mang, nghi ngờ, phân tâm trong nội bộ, trong nhân dân. Nếu chúng ta lơ là, mất cảnh giác, hoặc non kém về nhận thức chính trị có thể lầm tưởng và cho đó là sự góp ý trách nhiệm, tâm huyết, thậm chí bị “dẫn dắt” và tin theo.
Càng gần đến ngày diễn ra Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, các đối tượng thù địch, phản động, phần tử cơ hội chính trị lại càng gia tăng hoạt động tuyên truyền chống phá. Bởi vậy, hơn lúc nào hết, mỗi chúng ta cần phải luôn tỉnh táo, nâng cao cảnh giác, nhận diện đúng và chủ động phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn, vạch trần các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch.
Thường xuyên bám sát các vấn đề, sự kiện chính trị liên quan tới đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội XIII của Đảng để cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời, chính xác, có định hướng theo quan điểm, đường lối của Đảng và yêu cầu của xã hội cho cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân.
Qua đó giúp người dân có thể tự sàng lọc, tiếp nhận thông tin hữu ích, chính thống, đồng thời “miễn dịch” với những thông tin xuyên tạc, sai trái này.
Nguyễn Sơn

LÀM CÁCH MẠNG VÀ LÀM CHÍNH TRỊ
NGUYỄN ĐÌNH CỐNG/ BVN 1-4-2020
Có nhiều loại cách mạng, về khoa học kỹ thuật, về văn hóa tư tưởng, về chế độ chính trị v.v… Bài này chỉ đề cập đến cách mạng về chế độ chính trị. Làm cách mạng loại này gồm hai phần, xóa bỏ chế độ cũ và thay bằng chế độ mới. Có ý cho rằng chế độ mới tiến bộ hơn, nhưng vài cuộc thay đổi chế độ bằng bạo lực được gọi là cách mạng không chứng tỏ điều đó. Làm chính trị là hoạt động nhằm tổ chức, sử dụng quyền lực nhà nước, là hoạt động giao tiếp cao nhất giữa các con người trong xã hội. Làm chính trị có thể là phần sau của cách mạng bạo lực lật đổ chế độ, nhưng chủ yếu là diễn ra trong hòa bình, thông qua việc đề ra đường lối quản trị xã hội, vận động sự ủng hộ, ứng cử, tranh cử để nắm chính quyền.
Cách mạng và chính trị liên quan đến đảng phái. Đảng cách mạng, giai đoạn đầu, phá bỏ chế độ cũ, cần những người phá. Phá được rồi, cần người xây. Tùy thuộc vào phẩm chất và sự chỉ đạo của các chóp bu mà đảng sẽ theo một trong hai con đường: 1- Củng cố thành một đảng thống trị, dựng lên chế độ độc tài. 2- Đổi mới thành một đảng chính trị cầm quyền, xây dựng chế độ dân chủ.
Trong thời quân chủ, nếu xem các thế lực dùng vũ lực đánh nhau để giành vương quyền là gần giống với làm cách mạng phá bỏ chế độ cũ, còn việc trị nước an dân gần giống với xây dựng chế độ mới thì những vị vua anh minh thường tách người đánh giặc và người trị nước làm hai loại khác nhau. Giành chính quyền dùng võ, giữ chính quyền dùng văn. Sau khi giành được chính quyền, yên vị, vua cấp bổng lộc cho các tướng tá có công và không cho họ tham gia vào chính sự, đồng thời mở khoa thi kén chọn hiền tài quản trị đất nước. Làm được như vậy sẽ có dân yên, nước thịnh. Nếu vua, thay vì việc làm như trên đối với tướng tá có công, mà lại dùng họ làm việc của quan văn thì phần nhiều tạo ra rối ren. Các tướng tá làm quan thường cậy có thành tích chiến trận mà kiêu ngạo, mà ức hiếp dân, mà lo vơ vét tài sản để làm giàu, để hưởng thụ. Họ liên kết với nhau, bao che cho nhau để đội trên đạp dưới, để tham nhũng. Họ đem những mưu mô, những chiến thuật và kỹ năng trong chiến tranh vào việc cai trị dân mà không biết rằng hai loại công việc này tuân theo những quy luật rất khác nhau. Trong chiến tranh có thể và cần dùng mưu mô, dối trá, lừa đảo, uy quyền, ra lệnh. Còn trong quản lý xã hội rất cần trung thực, minh bạch, công khai, dân chủ. Vua và dân đều biết bọn công thần phá hoại đất nước, nhưng phần lớn không làm gì được vì chúng có quan hệ chằng chịt và có thế lực. Chỉ có vài tên thất thế sa cơ, không cùng nhóm lợi ích mới bị trừng trị. Dân kém hiểu biết, thấy vài tên bị phạt đã vội mừng, vội ca ngợi công đức cấp trên.
Cũng có người đánh giặc giỏi và quản lý xã hội cũng tài, nhưng rất hiếm. Cũng thường có quan văn rất giỏi binh thư, vẫn được vua cử cầm quân đánh giặc. Nguyễn Công Trứ là một điển hình như vậy.
Trong một số nước dân chủ chức Bộ trưởng Quốc phòng chủ yếu được giao cho quan chức dân sự (quan văn) mà không phải là tướng quân đội. Robert McNamara, Bộ trưởng Quốc phòng của Mỹ giai đoạn 1961-1969, một thời nổi tiếng, là người như vậy. Bộ trưởng Quốc phòng của nhiều nước có lúc là nữ chính khách, không phải tướng tá. Xin kể một số nước đã có Nữ Bộ trưởng Quốc phòng: Anh (Penny Mordaun); Anbania (Mimi Kodheli), Pháp (các bà Sylvie Goulard; Jean Ives Le Drian; Aliot Marie, Florence Parly), Đức (Ursula Von de Leyen), Hà Lan (Jeanine Hennis), Séc (Vlasta Parkanova), Tây Ban Nha (các bà Margarita Robles; Maria Dolores), Nhật (Unto Koike), Ấn Độ (Nirmala Sitharaman), Australia (Mrise Payne), Italia (Roberta Pinotti), Macedona (Radmila Sekerinska).
Đảng chính trị (chính đảng) là tổ chức của những người có cùng chính kiến, họ tập hợp lại để hoạt động vì một vài mục đích chính trị, xã hội nào đó. Chỉ những chính đảng mạnh mới có nhu cầu nắm chính quyền. Mà để có chính quyền họ không được dùng bạo lực mà chủ yếu bằng tuyên truyền, vận động cử tri ủng hộ. Thắng trong bầu cử họ trở thành chính đảng cầm quyền, thất bại họ trở thành chính đảng đối lập. Trong chế độ dân chủ chính đảng cầm quyền có thể tồn tại lâu dài khi họ đáp ứng được nguyện vọng cử tri. Khi phạm sai lầm họ bị đối lập đánh đổ thông qua bầu cử.
Từ một đảng cách mạng có thể trở thành chính đảng hoặc đảng thống trị, độc quyền, chủ trương độc tài đảng trị. Đảng thống trị rất sợ bị lật đổ vì vậy họ rất cần sự trung thành của cán bộ, của đảng viên và của mọi người dân. Họ cần sự trung thành hơn cả năng lực. Vì thế họ dùng rất nhiều những người có thành tích trong quá khứ, có nhiều quyền lợi gắn với họ, hy vọng ở sự trung thành. Bọn người này rất kém trong quản trị xã hội, tạo ra nhiều sai lầm và tội ác, không được tín nhiệm của dân nên luôn lo lắng bị dân chống đối và vạch mặt, họ nhìn đâu cũng thấy thế lực thù địch, họ xem đại đa số nhân dân là kẻ thù, họ rất thích dùng các thủ đoạn gian dối trong chiến tranh, những kinh nghiệm chiến đấu để cai trị dân. Ở cương vị thấp họ trở thành kẻ áp bức bóc lột dân, ở cương vị cao họ trở thành những tên tội phạm tham nhũng, đàn áp.
Với ĐCSVN đó là những tên như Lê Thanh Hải, Hồ Xuân Mãn, Võ Kim Cự, Nguyễn Bắc Son, Đinh La Thăng và rất nhiều tướng tá của quân đội, của công an. Trường hợp Lê Thanh Hải, Trần Xuân Mãn là những điển hình tiêu biểu. Chúng chỉ là những tên lưu manh, có một ít thành tích trong chiến trận, nhờ mưu mô, thủ đoạn mà trở thành ủy viên Bộ Chính trị, UV BCH TƯ đảng, Bí thư Thành ủy, Tỉnh ủy. Những tên lưu manh leo lên được những chức vụ cao trong ĐCS là nhờ vào lời thề trung thành của chúng (mà bọn lưu manh thực ra chẳng trung thành với ai cả), nhờ vào sự độc quyền đảng trị cần đến loại người như chúng. Có điều lạ là những tên lưu manh bị vạch mặt trong Bộ Chính trị, trong Ban CHTW thường được thi hành kỷ luật bằng cách tước bỏ chức vụ cũ và không thấy nêu ra những ai chịu trách nhiệm trong việc đề cử và chấp nhận cho chúng giữ chức vụ quan trọng.
Đảng thống trị cũng tổ chức đào tạo cán bộ mới để phục vụ họ, gọi là tầng lớp trí thức mới của đảng. Tiêu chuẩn số một để chọn lựa và nội dung chính trong đào tạo là sự trung thành. Tiêu chuẩn này đã gạt bỏ nhiều người tài năng và trung thực, thu hút bọn cơ hội, kém trí tuệ nhưng nhiều mưu mô.
Người Việt Nam, từ dân thường đến lãnh đạo cao cấp, đa số cho rằng người làm cách mạng phá bỏ đương nhiên sẽ làm chính trị tiếp theo. Trong việc đào tạo con người thì chủ trương đào tạo chiến sĩ cách mạng cho đời sau là nhiệm vụ quan trọng. Đây là một nhầm lẫn lớn, dẫn đến những tác hại nghiêm trọng trong quản trị xã hội.
ĐCSVN tự xưng là đảng lãnh đạo, đồng thời là đảng cầm quyền. Đây là một sự lừa bịp hoặc nhầm lẫn lớn. Vai trò thật của họ hiện nay là đảng thống trị. Giữa đảng chính trị cầm quyền và đảng thống trị có những điểm khác cơ bản sau:
Đảng chính trị cầm quyền: Cần có đảng đối lập, cần có sự ủng hộ của quần chúng, không đồng nhất đảng với quốc gia, tài chính của đảng cơ bản do đảng viên đóng góp hoặc ủng hộ, chủ yếu không lấy từ ngân sách nhà nước.
Đảng thống trị: Thủ tiêu toàn bộ lực lượng đối lập, cần sự khuất phục của quần chúng, không những đồng nhất đảng với nhà nước mà còn đặt đảng cao hơn, Tài chính của đảng chủ yếu lấy từ ngân sách nhà nước.
Quần chúng có hai tầng lớp: bình dân và trung lưu trở lên, trong đó có tầng lớp tinh hoa. Họ có những quyền lợi chung và một số quyền lợi riêng khác nhau. Bình dân mong muốn được yên ổn làm ăn, họ thường im lặng chịu đựng, bình thường không quan tâm đến nhân quyền và dân chủ, cho đến khi bị áp bức không thể chịu, bị oan ức phải lên tiếng. Tinh hoa có nhu cầu cao về tự do dân chủ, về nhân quyền, về sự phản biện.
Đảng chính trị cần tranh thủ cả hai, nhưng nhiều khi họ thắng lợi nhờ sự ủng hộ của một phía vượt trội hơn. Đảng thống trị muốn khuất phục cả hai. Với bình dân, ngoài thủ đoạn làm cho sợ, kẻ thống trị dùng biện pháp lừa dối, mua chuộc, làm ngu dân. Với tinh hoa, khi không mua chuộc được để biến thành tay sai, họ khủng bố, hủy diệt.
Hiện nay ĐCSVN gấp rút chuẩn bị ĐH 13. Một vấn đề quan trọng là nhân sự. Cách làm của họ là dựa vào Quy hoạch cán bộ, dựa vào các Ban Tổ chức, các Ban chuẩn bị nhân sự cùng những quy định về chống chạy chức chạy quyền. Họ nói là tập trung dân chủ, nhưng thực chất là tập trung quyền lực. Văn bản và cách làm được họ tự đánh giá, tự ca ngợi là “chặt chẽ, khoa học và nhất quán, bảo đảm thật sự dân chủ, công tâm, thật sự trong sáng, khách quan, thận trọng”. Họ ra sức tuyên truyền rằng điều này thể hiện sự sáng suốt và kiên trì đường lối của lãnh đạo. Mới xem qua, nghe qua nhiều người bị nhầm, tưởng là như vậy thật. Nhưng xem kỹ, phân tích kỹ thì không phải, mà ngược lại.
Có một điều cũng rất đáng đề cập là trong nhiều năm ĐCSVN đã gửi nhiều cán bộ để Trung cộng đào tạo. Trong những người này có bao nhiêu phần trăm đã bị mua chuộc, đã bị khống chế để làm tay sai cho Trung cộng, làm mật vụ cho tình báo Hoa Nam. Họ làm cách mạng, làm chính trị hay làm nội gián.
Tôi đã nhiều lần nhận xét rằng quy hoạch, tiêu chuẩn, cách làm của ĐCSVN về cán bộ có những điều phản dân chủ, phản khoa học, phản tiến bộ. Cứ theo phương pháp như thế không cách gì tìm được, không thể nào dùng được những người làm chính trị lỗi lạc, những trí thức tinh hoa, mà phần lớn chỉ chọn được những kẻ như Lê Thanh Hải, Hồ Xuân Mãn, những kẻ cơ hội kém trí tuệ mà có lắm mưu mô, lại được gán cho cái nhãn là thành phần trung kiên của cách mạng. Những Lê Thanh Hải, Hồ Xuân Mãn, Võ Kim Cự và hàng trăm tên khác vì quá ngu, quá tham, quá đểu, vì thất thế sa cơ mà bị vạch mặt chỉ tên. Còn biết bao nhiêu tên khác còn lẫn tránh được.
Liệu bây giờ ĐCSVN có cần làm cách mạng nữa không hay là phải làm chính trị. Làm cách mạng gì mà kéo dài nhiều chục năm rồi mà vẫn còn tiếp tục. Ngoài miệng lãnh đạo ĐCS nói cần tìm cán bộ làm cách mạng giỏi, làm chính trị giỏi, nhưng thực chất họ chỉ tìm loại người biết thống trị, chỉ cần trung thành làm theo lệnh của họ mà thôi. Để chờ xem, ĐH 13 chắc chắn sẽ tìm ra được những người như thế.
N.Đ.C.
Tác giả gửi BVN

ĐẠI HỘI XIII CỦA ĐẢNG: NHỮNG HỌNG SÚNG Ở ĐÀ NẴNG 
TRẦN KỲ KHÔI/ TD 29-3-2020
Gần 4 năm trôi qua, nhưng mỗi khi nghĩ đến “tiếng súng Yên Bái”, các quan chức lãnh đạo từ địa phương, đến cấp cao ở Trung ương đều không khỏi lạnh sống lưng. Vụ thanh toán đẫm máu, kinh hoàng này, cũng từ bất cập trong dàn xếp nhân sự mà ra.
Buổi sáng 18/8/2016, Đỗ Cường Minh, sinh năm 1963, là Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Yên Bái, sử dụng súng K59 vào tận trụ sở Tỉnh uỷ, đến từng phòng riêng, bắn chết Phạm Duy Cường, sinh năm 1958, Bí thư Tỉnh ủy và Ngô Ngọc Tuấn, sinh năm 1964,  Chủ tịch HĐND tỉnh, kiêm Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy.
Theo tuổi tác, ông Phạm Duy Cường sẽ nghỉ hưu vào ngày 01/01/2019. Ông và Ngô Ngọc Tuấn bị bắn chết, bà Phạm Thị Thanh Trà, “bồ nhí” ông Tô Huy Rứa, ngồi vào ghế Bí thư Yên Bái kiêm luôn Chủ tịch HĐND tỉnh.
Đến tận bây giờ, nhiều câu hỏi vẫn còn để ngỏ:
– Có hay không khi dư luận đồn đoán, một trong hai ông Cường – Tuấn “tằng tịu” với vợ của Đỗ Cường Minh. Một phụ nữ xinh đẹp, đẫy đà, tên là Nguyễn Thị Thu Hà, sinh năm 1971, Uỷ viên BCH Đảng bộ tỉnh Yên Bái, khoá XVIII, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Yên Bái?
– Có thật số tiền thu được tại phòng làm việc của ông Cường là 50 triệu VNĐ và phòng làm việc ông Tuấn là 100.000 USD, cùng 1,5 tỉ đồng và 1 số nhẫn vàng. Hay là hàng triệu USD như xầm xì của dư luận?
– Ai dã bắn phát đạn xuyên từ sau gáy ra trước trán của Đỗ Cường Minh?


Từ phải qua: Phạm Duy Cường – Ngô Ngọc Tuấn – Phạm Thanh Trà. Ảnh trên mạng

Thành phố biển miền Trung 5 năm trước, cũng “Ngọt ngào và man trá”. Chiều 16/10/2015, với tinh thần khẩu hiệu “đoàn kết, dân chủ, đổi mới”, đại hội lần thứ XXI Đảng bộ TP Đà Nẵng nhiệm kỳ 2015-2020 đã bế mạc “thành công tốt đẹp”.
Với 350 đảng viên đại biểu đã bầu ra BCH Đảng bộ nhiệm kỳ 2015-2020 gồm 52 đồng chí “kết tinh của trí tuệ”. BCH bầu Ban Thường vụ gồm 15 vị, do Nguyễn Xuân Anh, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy khóa XX giữ chức Bí thư. Phó Bí thư gồm: Võ Công Trí và Huỳnh Đức Thơ.


Võ Công Trí (trái) và Huỳnh Đức Thơ. Ảnh trên mạng

Tại ĐH XII (01/2016), cùng với Nguyễn Thanh Nghị, con trai Ba Dũng, Xuân Anh trở thành nhân vật trẻ nhất trúng cử Uỷ viên BCH Trung ương.
Từ đây, quyền lực dẫn đến tha hoá, làm cho anh nhà báo “lom com” Xuân Anh ngày nào, trở nên hư hỏng. Nhận nhà, nhận xe của Vũ “nhôm”, thao túng nhân sự, câu kết “phe nhóm” chính trị, lấn luôn UBND, lên dự án, chỉ định thầu và trù dập cán bộ…
Mâu thuẫn giữa bên Đảng và bên chính quyền, ngày một trầm trọng, hết cứu vãn. Sông Hàn thời hậu Bá Thanh “dậy sóng”. Thế rồi “đánh nhau” gây chấn động cả nước. Trong thể chế CSVN, mạnh được, yếu thua. Xuân Anh đại bại, mất tất. Vũ “nhôm” vào tù. Hàng loạt cán bộ Đà Nẵng “bóc lịch”.
Dẫu là “bên thắng cuộc”, nhưng chủ tịch UBND Huỳnh Đức Thơ, cũng không thể ăn ngon, ngủ yên. Dễ hiểu, bố của bí thư thất sủng Nguyễn Xuân Anh là ông Năm Chi, cựu Uỷ viên Bộ Chính trị, Ban bí thư và “tàn quân” của nhóm Xuân Anh – Vũ “nhôm”, bạn bè cánh hẩu trong ngành CA… từng “ăn dày” từ Vũ “nhôm”, vẫn nuôi thù hận, chắc gì cho qua chuyện.
Nếu cộng cả quá khứ vào, Đà Nẵng từng xảy ra ba cuộc đánh nhau tranh giành quyền lực “một mất một còn”:
– Giai đoạn 1990 – 1995, thời tỉnh QN-ĐN, giữa phe Hoà Vang của ông Nguyễn Văn Chi và phe Quảng Nam. Trận này bất phân thắng bại, trung ương phải điều ông Mai Thúc Lân và Trương Quang Được vào, ổn định tình hình.
– Giai đoạn 1999 – 2005, TP Đà Nẵng đã tách, trực thuộc trung ương. Phe Hoà Vang do Nguyễn Bá Thanh cầm đầu, đánh với phe Quảng Nam của tướng Trần Văn Thanh và Phan Như Lâm (em họ ông Phan Diễn). Phần thắng thuộc về Nguyễn Bá Thanh, ông Trần Văn Thanh bị “truy sát” phải ra toà trên cáng cứu thương.
– Giai đoạn 2016 – 2018, phe Đảng của Nguyễn Xuân Anh và phe chính quyền của ông Huỳnh Đức Thơ, trong nội bộ thành phố ra đòn. Với mưu mô, lật đổ chủ tịch UBND TP đương nhiệm, xây dựng một guồng máy, lãnh đạo biết vâng lời “thái tử” và “thượng tá tình báo”. Thiên đình không chìu, những “ông Trời con” Xuân Anh – Vũ Nhôm và đồng bọn, bị phe Huỳnh Đức Thơ hạ knock-out.


Xuân Anh và Vũ “nhôm” đại bại

Đà Nẵng tạm yên ắng, nhưng cũng như các tỉnh thành, bộ ngành và cả ở trung ương, những “đại ca” tham chính vẫn đời nào bằng lòng với những gì đang có. Sóng ngầm vì thế, vẫn “chảy” trong lòng Đà Nẵng.
Thời gian này, mặc cho Covid-19 đe doạ, một số chi bộ Đảng tại Đà Nẵng vẫn tiến hành đại hội. Lệnh báo xuống, nếu không gì thay đổi, hạn cuối là ngày 31/7/2020, tất cả các đảng bộ cấp cơ sở và ban ngành, phải hoàn thành đại hội, để khoảng 18/10/2020 sẽ khai mạc ĐH đảng bộ TP.
Danh sách quy hoạch nhân sự BCH thành uỷ, Ban Thường vụ, Hội đồng nhân dân, UBND và thậm chí nhân sự Đoàn đại biểu Quốc hội, đơn vị Đà Nẵng, cũng đã được “xây dựng” xong.
Văn bản “Đề án cán bộ” này do Phó bí thư thường trực Thành uỷ Võ Công Trí ký duyệt vào tháng 6/2019. Khôi hài ở chỗ, ngày 1/12/2019, Võ Công Trí nghỉ hưu. Thì ra, nhân sự lãnh đạo cả một thành phố, cho một nhiệm kỳ 5 năm, được bộ não “hết date” của các tay trùm này dàn xếp.
Hoá ra, những đại hội “vô thưởng vô phạt”, kiểu “dân chủ trong túi áo”, ngốn tiền tỷ của dân, cứ mặc định tồn tại với thời gian.
***
Võ Công Trí có hơn 20 năm ngồi trong Thành uỷ, làm việc với 6 đời bí thư. Dư luận cho rằng, ông ta quỷ quyệt, lắm mưu kế và khá may mắn, khi “dính” rất nhiều với Vũ “nhôm” mà vẫn không hề hấn gì.
Nhờ đó, Võ Công Trí liên thủ cùng các UVBTV khác trong thành uỷ như: Trần Thanh Vân, Hồ Kỳ Minh, Lương Nguyệt Thu, Trần Đình Hồng… tạo nên hệ quyền lực, nhằm thiết kế nhân sự theo hướng cài cắm “người của mình” cho Đại hội đảng bộ TP khoá XXII, nhiệm kỳ 2020-2025.


Chụp “Đề án nhân sự Đại hội khoá XXII” do Võ Công Trí ký.

Năm xưa, “lãnh chúa miền Trung” Nguyễn Bá Thanh là kẻ độc tôn trong quy hoạch, sắp xếp nhân sự cho cả bộ máy Đà Nẵng trong suốt mấy khoá khoá liền: XI, XX, XXI.
Cách làm của Bá Thanh là kéo bè, kéo cánh, cục bộ. Bá Thanh lôi kéo từ những người có quan hệ ràng buộc, có họ hàng bà con, là anh em, cháu, chắt, thân tín, thậm chí mở rộng ra là người cùng làng, cùng quê. Cánh hẩu “chén chú chén anh”, tung hô nhau, ủng hộ nhau, truyền thông lưu manh “bốc thơm” lên tận mây xanh, biến kẻ phàm phu trở thành… thánh nhân.
Nguyễn Bá Thanh dùng số đông, lợi dụng và bóp méo nguyên tắc tập trung dân chủ ngay trong Thành uỷ. Băng nhóm này dồn những người tốt, có tài nhưng không “hẩu” xuống để “tiêu diệt”, để cát cứ, thao túng.
Ai hợp với mình thì dù người xấu cũng cho là tốt, dở cũng cho là hay, rồi che đậy cho nhau, lăng xê nhau. Công chức không hợp với mình thì người tốt sẽ biến thành xấu, làm hay cũng cho là dở, rồi tìm cách gièm pha, nói xấu, tìm cách dìm chết.
Nhân dân kiện thưa, tố cáo sẽ bị đàn áp đẫm máu, đập chết hoặc bỏ tù. Cán bộ đảng viên hưu trí đấu tranh, phê phán, đi tìm công lý, sẽ bị khai trừ Đảng, chụp mũ “thế lực thù địch”, có tiền sử tâm thần…
Bây giờ thì khác trước, 14 Ủy viên Ban Thường vụ thành uỷ (UVBTV) đến thời điểm này, đã phân chia 4 nhóm, như “loạn sứ quân” cát cứ quyền lực:
Nhóm 1:
– Trương Quang Nghĩa, Uỷ viên Trung ương Đảng, UVBTV, Bí thư Thành uỷ.
– Hồ Kỳ Minh, UVBTV, PCT UBND TP.
– Lê Trung Chinh, UVBTV, Phó Chủ tịch UBND TP.
– Đặng Thị Kim Liên, UVBTV, Chủ tịch UB Mặt trận TP.
– Nguyễn Thanh Quang, UVBTV, Trưởng ban Dân vận.
– Trần Đình Hồng, UVBTV, Trưởng ban Tuyên giáo thành uỷ.
Nhóm 2:
– Huỳnh Đức Thơ, UVBTV, Phó Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch UBND TP.
– Nguyễn Nho Trung, UVBTV, Chủ tịch HĐND TP.
– Lê Thị Mỹ Hạnh, UVBTV, Trưởng ban Nội chính Thành uỷ.
Nhóm 3 (nhóm trung dung):
– Huỳnh Thị Tam Thanh, UVBTV, Chủ nhiệm UBKT Thành uỷ.
– Vũ Xuân Viên, đại tá, UVBTV, GĐ Công an TP.
– Nguyễn Quốc Hương, đại tá, UVBTV, Chỉ huy trưởng BCH Quân sự TP.
Nhóm 4 (nhóm nằm im, chờ thời):
– Nguyễn Văn Quảng, UVBTV, Phó bí thư Thường trực Thành uỷ.
– Lương Nguyễn Minh Triết, UVBTV, Bí thư quận uỷ Hải Châu.


Bộ ba Võ Công Trí – Lương Nguyệt Thu – Đặng Việt Dũng siết chặt tay nhau. Photo Courtesy

Xuất thân từ những “vô sản lưu manh”, tầm thường trong xã hội, thời cuộc đã làm thay đổi vị trí của bọn họ. Với gốc gác “bần cố nông”, có công cách mạng, cha chú là công thần của chế độ…  thất phu bỗng chốc leo lên tột đỉnh vinh quang. Cứ trang bị được Cao cấp lý luận, thì bằng đại học từ Harvard cũng bỏ qua một bên.
Nhìn trung ương mà xem: Ông Ba Dũng học y tá, ngồi Thủ tướng hai nhiệm kỳ; Ngô Xuân Lịch không biết bắn súng, đọc bản đồ, vẫn làm Bộ trưởng BQP; Vũ Đức Đam không học Y, lại được giao điều hành Bộ Y tế; Nguyễn Văn Bình học Toán, suốt một thời gian khá dài là “vua tiền tệ” của Ngân hàng nhà nước…
Vì vậy, địa phương như Đà Nẵng, bê bối là điều dễ hiểu. Không hư hỏng, nát bét từ “thượng tầng chính trị” đến “hạ tầng cơ sở” mới là lạ.
Không phải đến hôm nay, mà ngay trong báo cáo khai mạc “Hội nghị triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI)” tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Hà Nội ngày 27/02/2012, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thẳng thắng thừa nhận:
Sự suy thoái về đạo đức, lối sống thể hiện ở chỗ: sống ích kỷ, thực dụng, cơ hội, vụ lợi, hám danh, tham nhũng, lãng phí; bè phái, cục bộ, mất đoàn kết; phong cách quan liêu, xa dân, vô cảm trước khó khăn, bức xúc của dân; lối sống xa hoa, hưởng lạc
Trong những biểu hiện đó, cán bộ, đảng viên, nhân dân và dư luận xã hội quan tâm nhiều nhất, bức xúc nhất là tình trạng tham nhũng, bè phái, cục bộ, lợi ích nhóm… ở một bộ phận đảng viên có chức, có quyền, cả trong một số cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước…”.
***
Quay trở lại câu chuyện Đà Nẵng. Tất cả những vị đứng đầu trong cấp uỷ và chính quyền đang “nín thở qua cầu”. Khi mà vài cái tên “tham vọng quyền lực” ở Đà Nẵng như Hồ Kỳ Minh, Đặng Việt Dũng, Lê Trung Chinh… đang được “réo” tên trên mạng xã hội. Hàng chục lãnh đạo các khoá trước đã ra toà quy án, cũng làm họ e dè.
Kèm theo đó là hiểm nguy đó đây đang chờ đợi.
Chắc họ còn nhớ, ngày 30/8/2017, Cục Cảnh sát hình sự (C45 Bộ Công An) đã bắt giữ Đào Tấn Cường, anh trai cựu Chánh văn phòng Thành uỷ, và di lý ra Hà Nội vì tội đe doạ giết Chủ tịch TP Huỳnh Đức Thơ. Tiếp theo là hàng loạt cái chết gây rùng mình:
– Ngày 15/8/2019, ông Phạm Văn Khương, SN 1963, Phó Giám đốc sở Nông nghiệp & PTNT, cựu PGĐ sở KH-ĐT Hà Nội, được phát hiện rơi từ tầng 27 tòa B Chúng Cư Vinaconex 1 (đường Khuất Duy Tiến, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy) xuống đất, tan xác.
– Rúng động trong và ngoài nước, sáng 17/10/2019, ông Lê Hải An, sinh năm 1971, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, đã tử vong do “ngã” từ tầng 8 của tòa nhà trụ sở nơi ông làm việc. Cho đến nay, vẫn chưa có kết luận điều tra từ Bộ Công an về nguyên nhân cái chết.
– Khoảng một tháng sau, sáng 15/11/2019, ông Trần Phú Thọ, sinh năm 1980, Phó phòng nghiệp vụ 3 của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Quảng Nam, đã rơi từ tầng 4 Trụ sở UBKT xuống đất, tử vong tại chỗ.
Thành phố Đà Nẵng đang vào mùa đại hội. Các “phe nhóm” đang cảnh giác cao độ. Ông Trương Quang Nghĩa từng là sĩ quan quân đội, việc lận súng trong lưng để phòng thủ là tất nhiên. Ông Huỳnh Đức Thơ chắc chắn có người bảo vệ giấu mặt, giỏi võ và bắn súng thuận cả hai tay, để đối phó các tình huống “nổi loạn” nội bộ và những sát thủ nếu có, từ phe Vũ “nhôm”.
Các UVBTV khác, mỗi người chọn cho mình sự an toàn khác nhau.
Ở cấp quận, các nữ quan tri huyện “chân dài”, tuổi ngoài 40, như bà N.T.A.T người bị đồn thổi là “tình nhân” của VCT, có chồng là giám đốc doanh nghiệp tư nhân và bà T.T.T.T bị nghi được HĐT nâng đỡ, có chồng là giám đốc một sở quan trọng của thành phố, cũng không khỏi lo lắng, đề phòng.
Phùng Văn Cưng, Phó bí thư thường trực Quận uỷ, Chủ tịch HĐND một quận, người “chơi” ông Trương Quang Nghĩa “trắng tay”, lúc nào trong cốp xe cũng phòng một khẩu K59.
Không phải ngẫu nhiên mà “lưu manh chính trị” Nguyễn Bá Thanh từng thốt lên: “Chỉ có những người cộng sản, mới đánh bại những người cộng sản“.
Ngày 25/12/2019, ông Trần Quốc Vượng, Thường trực Ban bí thư, ứng viên số 1 chức Tổng bí thư khoá XIII, cũng thừa nhận: “Chẳng ai xâm lược mình, chẳng ai mang máy bay, đại bác đến xâm lược, lật đổ chúng ta đâu. Ta không làm tốt thì tự ta lật đổ ta”.
Dồn nén trong chính trị; bức xúc trong chia sẻ quyền lực, bổng lộc; bịt đầu mối ngăn chặn điều tra sai phạm và “bóng dáng của đàn bà”, là bốn nguyên nhân hàng đầu trong mâu thuẫn kinh điển của giới quan chức trung-cao cấp Việt Nam.
Những họng súng vô tri, nhưng rình rập. Những vụ thủ tiêu kỳ bí, cùng những cái chết phi lý từ hiện trường giả, từ trước đến nay, đã minh chứng điều đó.
Đại hội Đảng các cấp đang đến hồi khẩn trương. Ai sẽ thắng trong các canh bạc quyền lực, ai sẽ ra về tay trắng. Những xấp tiền dày cộm đang chuyển động và những tay súng đen ngòm cũng đang sẵn sàng nhả đạn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét