Thứ Tư, 22 tháng 4, 2020

20200422. THẾ GIỚI HẬU ĐẠI DỊCH COVID-19

ĐIỂM BÁO MẠNG
THẾ GIỚI HẬU ĐẠI DỊCH COVID-19
HOÀNG ANH TUẤN*/ TVN 20-4-2020
Thế giới chúng ta đang ở bước ngoặt quan trọng và một thế giới mới đang dần xuất hiện sẽ vĩnh viễn khác hẳn thế giới hiện thực chúng ta đang sống. Có các tác động tốt và cả tác động xấu nữa. Dù thích hay không thích thì chúng ta cũng buộc phải thích nghi với thực tế mới, không còn cách nào khác. 
Thế giới mới tạm gọi là "Thế giới hậu Coronavirus". Đã có "Thế giới Hậu chiến tranh thế giới thứ 2", "Thế giới Hậu chiến tranh lạnh", tại sao lại không có "Thế giới hậu Coronavirus"? 
Sở dĩ có "Thế giới hậu Coronavirus" là vì những hệ quả nặng nề mà Coronavirus gây ra cho con người.
Thế giới hậu Covid-19 - Phần 1
Những con phố trống rỗng ở New York, Mỹ
Thứ nhất, dịch bệnh COVID-19 là thảm họa y tế cộng đồng ở quy mô và phạm vi lớn nhất mà thế giới từng chứng kiến trong suốt chiều dài hàng ngàn năm lịch sử của mình. 
Bệnh dịch không phải là điều gì mới với thế giới. Thế giới đã từng chứng kiến những bệnh dịch kinh hoàng như bệnh tả, thương hàn, dịch hạch, sởi, cúm Tây Ban Nha, đậu mùa, gần đây là HIV, Ebola, SARS... 
Tuy nhiên Covid-19 mới là bệnh dịch có tính toàn cầu đầu tiên mà gần như tất cả các nước trên thế giới đều ít, nhiều bị ảnh hưởng. Tác nhân chính để phát tán Coronavirus trên phạm vi toàn cầu không ai khác chính là toàn cầu hóa. 
Thứ hai, thế giới đương đại chưa từng chứng kiến một khủng hoảng, thảm họa, hay bất kỳ một cuộc chiến nào lại có sức tàn phá hủy diệt nhanh như đại dịch Covid-19, khiến cả thế giới phải "đóng cửa" như minh họa trên một trang bìa của tạp chí Economist.
Chỉ trong khoảng thời gian vẻn vẹn chưa đầy 3 tháng, Covid-19 đã khiến hầu hết các hoạt động sản xuất, giao thương, đi lại, làm ăn, buôn bán, giải trí... của người dân trên khắp thế giới dừng hẳn lại. Con số thiệt hại vật chất lên đến hàng chục ngàn tỷ USD, và vẫn tiếp tục tăng. 
Thứ ba, giống như một bộ phim giả tưởng, cuộc chiến chống Covid-19 chính là cuộc "Chiến tranh thế giới phi quy ước đầu tiên", không tiếng súng, không phải giữa con người với nhau mà giữa toàn nhân loại với một con virus vô hình. Lần đầu tiên thế giới có một "cuộc chiến" trong đó tất cả các vũ khí hiện đại nhất lại trở nên vô dụng. 
Điều làm cả thế giới điên đầu và bất lực là mặc dù thiệt hại rất nhiều và tiền của đổ vào cuộc chiến không ít, nhưng con người cho đến nay hầu như vẫn hiểu biết rất hạn chế về cơ chế lây bệnh của loại virus này. Họ cũng chưa rõ đến khi nào và bằng cách nào mới chế được một loại thuốc thực sự hiệu nghiệm để điều trị người bệnh, khống chế và kiểm soát dịch bệnh một cách hữu hiệu. 
Thứ tư, điều bi đát là ở chỗ trong khi cuộc chiến chống lại Covid-19 vừa mới chỉ bắt đầu và chưa có hồi kết, thì nhân loại cũng bắt đầu lờ mờ hiểu ra rằng ngay cả khi họ giành được thắng lợi trước Coronavirus thì đó cũng chỉ là thắng lợi tạm thời. 
Thực tế, những gì thế giới đang làm hiện nay mới chỉ là những màn "tập dượt" không hơn, không kém. Khả năng cao là sau khi Coronavirus bị khống chế, thì các "họ hàng", hay "con, cháu" của loại virus này, hay những biến thể hoặc chủng mới của nó có thể xuất hiện và "thăm viếng" con người ngày một thường xuyên hơn. Vấn đề chỉ là khi nào và bằng cách nào mà thôi. 
Chúng có thể chui ra từ những lớp băng tan sau khi bị chôn vùi hàng triệu năm do biến đổi khí hậu và trái đất nóng lên. Chúng cũng có thể xuất hiện từ những cánh rừng già hoặc những con thú hoang ở trong rừng lây sang vật nhà khi môi trường tự nhiên ngày một thu hẹp và môi trường sống của con người với môi trường tự nhiên xích lại ngày một gần nhau. Hoặc chúng cũng có thể "ẩn nấp" ở một nơi nào đó, rồi biến đổi gen để sau đó xuất hiện trở lại một cách "lợi hại" hơn. 
Đối phó với một "kẻ thù" như vậy, các quốc gia hay người dân không thể áp dụng các biện pháp hay cách làm thông thường, mà phải sử dụng các biện pháp mạnh tay, đặc biệt và khác thường. Hãy nhìn quanh trong xã hội ta và khắp thế giới - chưa ai, chưa khi nào và chưa có ở đâu người ta phải tự hành hạ, tự đầy đọa như thế này. 
Ba kịch bản của đại dịch Coronavirus 
Sự thay đổi của từng cá nhân, quốc gia và thế giới chắc chắn sẽ phụ thuộc rất nhiều vào cách thức đại dịch Covid-19 sẽ diễn biến ra sao trong thời gian tới. 
Do đó, điều quan trọng là phải xây dựng các kịch bản khác nhau và cách ứng phó với từng kịch bản để làm sao chúng ta không bị động, không bị bất ngờ trước bất kỳ tình huống nào. 
Nhìn tổng quát, dựa vào đánh giá và cách ứng xử của các quốc gia trên thế giới hiện nay, ta dễ nhận thấy hầu hết chỉ xây dựng trên một kịch bản duy nhất. 
Cách nhìn của họ theo kịch bản này tương đối lạc quan, cho rằng bệnh dịch sẽ sớm qua đi cũng giống như một loại cúm mùa và đến khoảng hết tháng 6, tức hết quý 2/2020, các quốc gia cơ bản sẽ khống chế được đại dịch Covid-19 và số người bị nhiễm cũng như xuống người bị chết sẽ giảm đáng kể; các hoạt động kinh tế và các hoạt động khác sẽ khôi phục trở lại bình thường như trước khi có dịch. 
Tuy nhiên, ngay từ đầu khâu dự báo đã có vấn đề. Đặc biệt, ở những nước đang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của Covid-19 hiện nay như Mỹ, Pháp, Đức, Anh, Thụy Sĩ, Tây Ban Nha... họ nghĩ rằng đây chỉ là vấn đề của Vũ Hán và của Trung Quốc, chứ không liên quan đến họ! Do đó, họ đã mất 3 tháng thời gian vàng quý báu để có những bước chuẩn bị và ứng phó cần thiết. 
Do đó, hoàn toàn có khả năng là các dự báo "lạc quan" hiện nay sẽ không diễn ra theo như ý muốn chủ quan của chúng ta. Vấn đề đặt ra là nếu kịch bản xấu nhất xảy ra thì phương án dự phòng sẽ là gì? 
Câu trả lời là nhiều quốc gia chả có phương án gì cả! 
Thế giới hậu Covid-19 - Phần 1
Các quốc gia trên thế giới đã phong tỏa và cách ly vì Covid-19
Trong chiến lược đối phó với đại dịch Covid-19, điều nhất thiết là phải dự báo được các kịch bản và từ đó xây dựng các phương án ứng phó cho phù hợp để tránh không bị động. Và cũng cần lưu ý rằng, đại dịch Covid-19 không phải là vấn đề quốc gia riêng lẻ mà là vấn đề mang tính toàn cầu. 
Một quốc gia ra có thể sớm "thoát nạn", nhưng việc phục hồi thế nào thì còn phụ thuộc vào diễn biến dịch bệnh ở các nước xung quanh, rồi xa hơn nữa là các trung tâm kinh tế, chính trị lớn trên thế giới. Nếu những nơi này vẫn tiếp tục "ngã bệnh" thì khả năng phục hồi hoàn toàn của quốc gia đó cũng sẽ bị chậm lại đáng kể do tính phụ thuộc lẫn nhau. 
Tạm dự báo 3 kịch bản như sau: 
Kịch bản 1: Đại dịch Covid-19 sẽ chỉ kéo dài thêm khoảng ba tháng nữa, tức hết quý 2 năm 2020, bệnh dịch sẽ được khống chế và kiểm soát cả trên phạm vi khu vực lẫn phạm vi toàn cầu. 
Đây là kịch bản tốt nhất đối với các quốc gia cũng như cả thế giới. Dù ít nhiều bị ảnh hưởng, nhưng khoảng thời gian dừng chân tại chỗ 3-4 tháng, có thể xem là bước tạm nghỉ, sau đó các hoạt động kinh tế và cuộc sống của người dân sẽ trở lại bình thường: Các trường học và công sở mở cửa trở lại, hoạt động kinh doanh, buôn bán, giao thông, du lịch, hàng không, khách sạn, nhà hàng... dần được khôi phục. 
Theo kịch bản này, đa phần các nước bị ảnh hưởng và thiệt hại, nhưng các thiệt hại sẽ sớm được khắc phục theo thời gian. 
Kịch bản 2: Bệnh dịch Covid-19 cơ bản được khống chế, nhưng vẫn tiếp tục lây lan ở mức độ thấp ở nhiều quốc gia và trên phạm vi toàn cầu. Thời gian kéo dài tình trạng này có thể từ 1 đến 3 năm cho đến khi con người chế tạo được một loại thuốc đặc trị để điều trị hiệu quả các bệnh nhân bị nhiễm Covid-19.
Nếu có thuốc đặc trị, Covid-19 lúc này chỉ được xem như một loại cúm mùa, giống như các loại cúm hay các căn bệnh khác mà loài người đã từng gặp phải như sởi, ho gà, bạch hầu, sốt rét, HIV... Chúng ta không loại trừ được hẳn Covid-19, nhưng hoàn toàn có thể sống chung với nó như các căn bệnh trên. 
Theo kịch bản này, chúng ta vừa lo phòng chống không để dịch bệnh lây lan vừa phải lo khôi phục sản xuất. Còn các hoạt động trong xã hội, giao lưu giữa các quốc gia chưa thể khôi phục ở mức bình thường, mà chỉ duy trì ở mức tối thiểu. 
Cũng theo kịch bản này, do bị ảnh hưởng kéo dài, kinh tế hầu hết các quốc gia và kinh tế thế giới bước vào giai đoạn suy trầm. Tuy chưa đến mức kiệt quệ, nhưng con người sẽ phải sống trong điều kiện mới khắc khổ và thiếu thốn hơn nhiều so với trước, trong khi vẫn phải dành nguồn lực đáng kể để phòng chống dịch bệnh. 
Kịch bản 3: Covid-19 vẫn tiếp tục lây lan với tốc độ khủng khiếp như hiện nay trong một thời gian dài bất chấp các biện pháp "cách ly" mà nhiều nước đang áp dụng. Số ca nhiễm cũng như số người chết vẫn duy trì đều đặn ở mức rất cao. Thế giới rơi vào tình trạng bất động kéo dài.
Điều đáng lo ngại là Covid-19 bắt đầu dịch chuyển từ những quốc gia giàu có, với tiềm lực kinh tế và khả năng y học tiên tiến như Mỹ, Trung Quốc, Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia... sang bùng phát dữ dội ở những quốc gia nghèo, kém phát triển, nơi điều kiện vệ sinh và điều kiện y tế vô cùng lạc hậu như Châu Phi, Nam Á, Trung và Nam Mỹ, Trung Đông. 
Theo kịch bản này, số người chết có thể lên tới hàng triệu cộng với hàng chục triệu người có khả năng bị nhiễm bệnh, khiến hệ thống y tế công và hệ thống phòng dịch cộng đồng ở hàng loạt quốc gia "thất thủ".
Các hậu quả đối với thế giới là vô cùng bi đát, phát triển của thế giới khi có thể bị kéo lùi hàng thập kỷ đi kèm theo đó là nghèo đói, bệnh tật và bạo lực hoành hành dữ dội, không chừa bất cứ nước nào và bất cứ khu vực nào. 
Như cổ nhân đã nói, trong khi chúng ta hi vọng vào điều tốt đẹp nhất thì chúng ta cũng cần phải chuẩn bị cho tình huống xấu nhất (We hope for the best, but prepare for the worst). 
Trong 3 kịch bản nêu trên, kịch bản 1 là lạc quan, tốt đẹp nhất và ai cũng mong muốn điều đó xảy ra. Kịch bản 3 tồi tệ nhất không ai muốn, nhưng cũng không loại trừ hoàn toàn. Còn kịch bản 2 xem chừng là khả dĩ hơn cả. 
**
Trước hết, cần khẳng định xuất phát ban đầu là một cuộc khủng hoảng y tế cộng đồng, nhưng rất nhanh chóng cuộc khủng hoảng này đã vượt ra khỏi phạm vi của một cuộc khủng hoảng y tế thông thường, trở thành một cuộc khủng hoảng toàn diện lan sang các lĩnh vực kinh tế, tài chính, văn hoá, xã hội...
Nếu Covid-19 không nhanh chóng được dập tắt, nguy cơ xuất hiện một cuộc đại suy thoái lần thứ hai (Great Depression) trong vòng một thế kỷ, tương đương hoặc lớn hơn cuộc đại suy thoái 1929-1933 và là cuộc đại suy thoái đầu tiên trong thế kỷ 21, đang trở nên hiện hữu và là nỗi ám ảnh kinh hoàng của tất cả các quốc gia, các đại công ty xuyên quốc gia và các tổ chức quốc tế lớn.
Cần nhớ rằng, cuộc đại suy thoái thế giới lần thứ nhất đã "vẽ" lại một cách căn bản so sánh và cán cân quyền lực ở Châu Âu và thế giới, cùng với đó là sự xuất hiện của Chủ nghĩa phát xít và tiếp đó là cuộc Chiến tranh thế giới thứ 2 cướp đi sinh mạng của hàng chục triệu người.
Mới chỉ xuất hiện trong một thời gian ngắn, nhưng Coronavirus đã phơi bày một loạt các yếu kém, bất cập trong quản trị quốc gia và quản trị xã hội ở phạm vi quốc gia, khu vực và toàn cầu.
Thế giới hậu đại dịch Covid-19 – Phần 2
Phát hiện và cảnh báo của tổ chức y tế thế giới WHO có kịp thời và hiệu quả trong việc ngăn chặn đại dịch lây lan hay không?
Đại dịch Covid-19 cũng là lời cảnh báo, nhắc nhở nghiêm khắc về cách hành xử thô bạo của con người đối với thiên nhiên và buộc con người phải trả giá cho cách hành xử này. Tuy đắt giá, nhưng đây cũng mới chỉ là những phí tổn ban đầu, và cái giá phải trả sau này sẽ lớn hơn gấp nhiều lần nếu các sai sót hệ thống không được khắc phục triệt để.
Có thể tạm hình dung một thế giới hậu đại dịch Covid-19 như sau:
1. Khả năng cao sẽ sớm xuất hiện một chiến dịch dân sự lớn chưa từng có trên phạm vi toàn cầu, với hàng loạt các cuộc điều trần, các hành động pháp lý, các nỗ lực "tìm hiểu sự thật" (fact-finding missions) được mở ra nhằm truy tìm nguồn gốc virus, nguyên nhân đại dịch và xem xét, đánh giá lại toàn bộ các quy trình hiện đang thực hiện.
Việc thực thi các khuyến nghị hay các kết luận từ những báo cáo, chiến dịch truy tìm này có thể sẽ làm bay chức nhiều chính trị gia, đưa đến các chuyển dịch địa chính trị, địa chiến lược quan trọng, cũng như việc hình thành các liên minh, tập hợp lực lượng mới ở phạm vi khu vực và toàn cầu.
Mọi người hẳn đã rõ, các nước nói chung, đặc biệt là các nước phương Tây, vô cùng nhạy cảm với sinh mạng công dân của họ. Trong rất nhiều vụ việc, Thủ tướng hay Tổng thống các nước phương Tây phải đích thân ra tay trong nhiều sự việc "cỏn con" có khi chỉ liên quan đến một công dân của họ bị bắt cóc hoặc sát hại ở nước ngoài.
Việc con virus corona chết chóc "xổng chuồng" nhanh chóng phát tán, khiến cả thế giới ngã ngửa, trở tay không kịp vì mức độ sát thương kinh hoàng, khiến hàng chục ngàn người thiệt mạng, hàng triệu người bị lây nhiễm, cộng với thiệt hại vật chất không kể xiết là chuyện động trời khó có thể bỏ qua. Sở dĩ câu chuyện này đang tạm thời được gác lại vì tất cả mọi người, mọi quốc gia lúc này đều phải lo chống dịch, lo câu chuyện sinh tồn.
Tuy nhiên, khi virus dần biến mất thì cũng là lúc xuất hiện màn lục vấn, kể cả những màn "báo thù" khốc liệt và tàn bạo, khi nhiều lực lượng xã hội ở nhiều quốc gia tìm cách truy vấn đến gốc rễ, chỉ với mục đích duy nhất làm sao thảm kịch tương tự không lặp lại, nếu có xảy ra thì các tác hại sẽ giảm thiểu đáng kể.
Một số câu hỏi sau chắc sẽ được đào bới sâu để làm rõ, chẳng hạn: Ở đâu và trong bối cảnh nào Covid-19 xuất hiện? Cơ chế phát tán virus thực sự diễn ra thế nào, đặc biệt là việc lây từ người sang người. Phát hiện và cảnh báo của tổ chức y tế thế giới WHO có kịp thời và hiệu quả trong việc ngăn chặn đại dịch lây lan hay không? Nếu không thì nguyên nhân là gì và WHO cần phải có các cải cách gì để làm tốt hơn công việc của mình?
Nguyên nhân thất bại tồi tệ nhất của các cơ quan tình báo hàng đầu của Mỹ và phương Tây nằm ở đâu khi họ không đưa ra được cảnh báo sớm? Tại sao các nhà khoa học và chuyên gia về bệnh truyền nhiễm hàng đầu thế giới của Mỹ và thế giới lại bất lực, phản ứng quá chậm chạp để mất khoảng "thời gian vàng" quý báu ngăn chặn bệnh dịch, không khuyến nghị các nhà lãnh đạo, các chính trị gia trên thế giới đưa ra các biện pháp ngăn chặn quyết liệt hơn ngay từ đầu?
Tại sao lại xảy ra tình trạng các trang thiết bị y tế thiết yếu thiếu trầm trọng đến như vậy? Nếu được làm lại từ đầu thì các chính quyền địa phương, các quốc gia hay các tổ chức quốc tế có thể làm được gì tốt hơn? Có ai, có quốc gia nào mắc lỗi trong chuyện này, tại sao họ lại để chuyện đó xảy ra?
Và còn rất nhiều câu hỏi khác nữa. Đặt ra câu hỏi có nghĩa là đi tìm câu trả lời và các biện pháp khắc phục để ngăn thảm kịch không bao giờ lặp lại trong tương lai.
Quan hệ tay đôi giữa hai siêu cường
"Hậu đại dịch Coronavirus" sẽ chứng kiến sự tăng tốc, chứ không phải giảm đi, cạnh tranh địa chiến lược, cạnh tranh địa chính trị trên phạm vi toàn cầu và ở những khu vực địa lý quan trọng, giàu tài nguyên và nhiều tiềm năng như Đông Nam Á, Trung Á, Trung Đông, Châu Phi.
Thế giới hậu đại dịch Covid-19 – Phần 2
Cả Trung Quốc và Mỹ đều hiểu rằng chống Covid-19 lúc này là cuộc chiến sinh tồn, không được phép mắc sai lầm. Ảnh: Reuters
Chỉ mới khoảng 3 tháng trước khi xảy ra đại dịch, sự manh nha cạnh tranh chiến lược toàn diện, nhưng hết sức quyết liệt giữa Trung Quốc và Mỹ, đặc biệt trong vấn đề thương mại, là mối quan tâm cũng như lo ngại hàng đầu của các nước trên thế giới.
Câu chuyện đang ồn ào bỗng dưng bị chìm xuống chính là do Covid-19. Lúc này, câu chuyện bao trùm, chi phối mối quan tâm khắp thế giới là phòng, chống Covid-19 chứ không phải bất kỳ vấn đề nào khác.
Cuộc "Chiến tranh lạnh 2.0" mà mọi người từng "háo hức" chờ đợi đã tạm thời bị "trì hoãn". Còn sự "hòa hoãn" hay "hợp tác" Trung Quốc- Mỹ mà chúng ta đang chứng kiến hiện nay mang nhiều tính chất tạm thời bởi cuộc khủng hoảng y tế và virus corona đã và đang tác động trực tiếp đến cả hai siêu cường, buộc họ phải hợp tác với nhau vì sự sống còn của mình, không còn cách nào khác.
Nhiều khả năng sự hợp tác này sẽ sớm "chết yểu" một khi bệnh dịch Covid-19 biến mất. Chuyện này cũng tương tự như sự "hợp tác", "quan hệ đồng minh" giữa Mỹ và Liên xô được thiết lập trong thời kỳ Chiến tranh thế giới thứ hai chống lại "khối trục" do Đức Quốc Xã lãnh đạo.
Chỉ một năm ngay sau khi phe phát xít thất bại và chiến tranh thế giới thứ hai chấm dứt vào năm 1945 thì quan hệ hệ Liên Xô - Mỹ lại quay trở lại trạng thái đối đầu tất yếu. Điều này cũng phù hợp với bản chất đối kháng của hai hình thái kinh tế, hai hệ thống ý thức hệ hoàn toàn đối lập nhau.
Quay trở lại quan hệ Trung - Mỹ, có ít nhất 3 lý do do để thấy sự căng thẳng sẽ sớm trở lại:
Thứ nhất, các vấn đề cơ bản dẫn đến nghi kỵ, mâu thuẫn Trung - Mỹ thời gian qua vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Thỏa thuận thương mại giai đoạn một mới ký cuối năm 2019 chỉ mới đụng đến "phần ngọn" và chưa đủ thời gian kiểm nghiệm về tác động tích cực của thỏa thuận này trong việc làm dịu căng thẳng quan hệ Trung - Mỹ.
Thứ hai, Coronavirus khoét sâu thêm các nghi kỵ và giảm lòng tin chiến lược Trung - Mỹ vốn đã bị tổn thương nghiêm trọng trước đó. Chẳng hạn, bắt chấp phản đối gay gắt của Trung Quốc, bắt chấp việc WHO đã sử dụng tên mới, Tổng thống Trump, trong rất nhiều trường hợp, vẫn khăng khăng sử dụng từ "Virus Trung Quốc" hay "Virus Vũ Hán".
Ngay cả khi đang ở thời điểm căng thẳng nhất đối phó với dịch bệnh, Mỹ vẫn "không quên" thông qua một số đạo luật hỗ trợ Đài Loan về ngoại giao và quân sự nhằm mục tiêu kiềm chế Trung Quốc sau này.
Thứ ba, tuy không nói ra, nhưng giữa Trung Quốc và Mỹ hiện đang diễn ra một cuộc chạy đua hết sức quyết liệt xem bên nào "cán đích" trước trong việc chống Covid-19 và ra khỏi cuộc chiến với thương tích bớt nghiêm trọng hơn so với đối phương.
Cả Trung Quốc và Mỹ đều hiểu rằng chống Covid-19 lúc này là cuộc chiến sinh tồn, không được phép mắc sai lầm. Chỉ một sai sót chiến lược, một tính toán sai lầm thì cái giá phải trả là đối phương sẽ băng lên dẫn trước, còn mình bị qua mặt và mãi mãi ở vị thế của kẻ bám đuôi.
Nước nào thoát khỏi bệnh dịch sớm lúc này cũng đồng nghĩa với việc họ có thể sớm bắt tay vào việc khôi phục hạ tầng sản xuất, dịch vụ, cuộc sống bình thường của người dân, tăng năng lực quốc gia của bản thân đồng thời hỗ trợ cho các đồng minh, trong khi đối phương còn đang vật lộn trong cơn khốn khó.

***
Rõ ràng, nếu mức độ liên kết và toàn cầu hóa không cao và chặt chẽ như hiện nay, Coronavirus không thể có cơ hội phát tán nhanh và làm tê liệt toàn thế giới trong một thời gian ngắn như vậy.
Do đó, không khó để đoán trước ngay sau khi đại dịch kết thúc, Mỹ, Nhật, EU và một loạt nước phương Tây trong G20 sẽ đưa ra và áp đặt hàng loạt quyết sách quyết liệt lên các đại công ty lớn, cách thức kiểm soát công dân và hành vi của họ, nhằm giảm thiểu tối đa sự lây lan của bệnh dịch tương tự, cũng như các tác động kinh tế, an ninh khôn lường trong tương lai.
Điều đó sẽ tác động sâu sắc đến việc thay đổi nhận thức của chúng ta về "kịch bản toàn cầu hóa mới 2.0", trong đó xuất hiện làn sóng dịch chuyển, sắp xếp lại lớn nhất và với tốc độ nhanh nhất mà thế giới chưa từng chứng kiến về đầu tư, sản xuất, thương mại, cung ứng, hậu cần, dịch vụ...tức những nhân tố cấu thành "nền kinh tế chuỗi" của quá trình toàn cầu hóa 1.0 hiện nay.
Theo đó, toàn cầu hóa 2.0 sẽ mang trong mình nội hàm mới, một sắc thái mới mà tất cả các nước dù muốn hay không cũng buộc phải tìm cách thích nghi.
Thế giới hậu Covid-19 – Phần 3
Nếu như không có sự "chuẩn bị" từ trước, nhiều khả năng nước Mỹ sẽ còn bị động và tổn thương hơn rất nhiều do tác động của đại dịch Covid-19 hiện nay.
Toàn cầu hóa, theo cách hiểu đơn giản nhất, là quá trình tiến ra và hội nhập với thế giới bên ngoài của con người và các quốc gia trên quy mô và phạm vi toàn cầu. Hiểu theo cách này, toàn cầu hóa không phải là điều gì mới mẻ, mà là tiến trình thể hiện ước muốn vươn ra và hội nhập với bên ngoài của con người, của các quốc gia từ ngàn đời nay.
Sang thời kỳ tư bản chủ nghĩa, với nền tảng khoa học kỹ thuật trong tay, nguồn lực tài chính khổng lồ cộng với động lực tìm kiếm lợi nhuận tối đa... các công ty đa quốc gia tìm mọi thủ đoạn vươn vòi bạch tuộc ra bên ngoài để mở rộng thị trường và kiểm soát tài nguyên khắp thế giới nên toàn cầu hóa ở khía cạnh nào đó đã được gắn với cái tên là "Mỹ hóa" hay "tư bản hóa."
Tuy nhiên, chỉ khoảng 3 thập kỷ gần đây toàn cầu hóa có một xung lực phát triển mạnh mẽ nhờ hai yếu tố chính. Một là, sự vươn lên mạnh mẽ của Trung Quốc sau quá trình cải cách và mở cửa thành công, và sự tham gia tích cực của nước này trong tiến trình hội nhập với thế giới, với vị thế là đại công xưởng và cường quốc thương mại hàng đầu thế giới. Nhiều người, nhiều quốc gia nhìn Trung Quốc lúc này với sự lo ngại, thiếu thiện cảm, thậm chí họ còn gán tên của toàn cầu hóa thành tiến trình "Trung Quốc hóa thế giới".
Hai là, những tiến bộ như vũ bão về giao thông vận tải, khoa học công nghệ, đặc biệt là hàng không và công nghệ thông tin, trong khoảng hai, ba thập kỷ qua đã thúc đẩy sự gắn kết con người với nhau, sự lưu thông của hàng hóa và dịch vụ... ở mức độ chưa từng có và tạo ra một thế giới chúng ta đang sống phụ thuộc lẫn nhau và gắn kết với nhau hơn bao giờ hết.
Không thể phủ nhận toàn cầu hóa đã đem lại nhiều giá trị nhiều thay đổi tích cực cho hầu hết các quốc gia tham gia vào tiến trình này như:
(i) Hàng tỷ người trên khắp thế giới đã thoát khỏi cảnh đói nghèo khi tham gia và trở thành một mắt xích trong nền kinh tế chuỗi, sản xuất, cung ứng và dịch vụ toàn cầu.
(ii) Một số quốc gia, điển hình là Trung Quốc và các quốc gia khu vực Đông Á, tạo được sự phát triển thần kỳ và nhanh chóng thu hẹp khoảng cách phát triển với các quốc gia công nghiệp hàng đầu trên thế giới.
(iii) Nhờ cạnh tranh mang tính toàn cầu, các phát minh và cải tiến liên tục được đưa ra và áp dụng, còn cuộc sống của người dân trên khắp thế giới được cải thiện đáng kể do được hưởng lợi từ việc mua được các sản phẩm hữu ích, chất lượng tốt với giá phải chăng.
(iv) Nhiều giá trị hữu ích mang tính toàn cầu như dân chủ, nhân quyền, bình đẳng giới, phát triển xanh và bền vững, chống biến đổi khí hậu... được phổ biến và trở thành một phần tất yếu của cuộc sống.
Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực, toàn cầu hóa cũng được xem là gây ra không ít mặt trái như:
(i) Tạo ra tình trạng nghèo đói và bần cùng hóa mới. Người dân ở nhiều quốc gia tuy không còn tình trạng thiếu ăn hoặc thiếu mặc như trước, nhưng ngày càng gặp khó khăn trong việc tiếp cận các cơ hội đồng đều về y tế, giáo dục, phúc lợi xã hội, thu nhập.
Khoảng cách giàu, nghèo ở phạm vi quốc gia và trên thế giới ngày một rõ nét khi chưa đến 1% số người giàu có nhất nhưng lại kiểm soát đến trên 90% của cải của toàn xã hội.
(ii) Toàn cầu hóa cũng đưa đến việc phân công lao động bất bình đẳng trong phân công lao động quốc tế, trong đó các quốc gia đang phát triển và đi sau giờ đây ở vị thế là người cung cấp nguyên, nhiên liệu rẻ tiền, là thị trường tiêu thụ hàng hóa và là nơi hứng chịu sự ô nhiễm môi sinh và tàn phá của biến đổi khí hậu.
(iii) Toàn cầu hóa không giúp tạo ra một cơ chế quản trị toàn cầu, giúp dự báo, hoặc giảm nhẹ tác động của thảm họa toàn cầu, như Covid-19 hiện nay chẳng hạn.
Chẳng phải đợi cho đến khi khi đại dịch Covid-19 ra tay, mà chính quyền mới của Tổng thống Donald trump đã nhìn thấy sự "thua thiệt" của Mỹ trong cuộc đua toàn cầu hóa và đã "giáng" vào toàn cầu hóa những "đòn chí tử" ngay sau khi lên cầm quyền đầu năm 2017.
Được thúc đẩy bởi Mỹ và phương Tây nhưng nay "toàn cầu hóa 1.0" lại bị Mỹ xem là "lỗi thời", đã hoàn thành "sứ mạng lịch sử" và không còn phục vụ hoặc phù hợp với lợi ích của Mỹ và phương Tây nữa.
Mỹ cho rằng Trung Quốc hiện là quốc gia đang tận dụng tốt cũng như "lợi dụng" các lỗ hổng của toàn cầu hóa để tăng cường sức mạnh quốc gia và tìm cách vươn lên vượt Mỹ trở thành cường quốc số một thế giới.
Thế giới hậu Covid-19 – Phần 3
Công nhân mặc đồ bảo hộ, đeo khẩu trang khi làm việc tại một nhà máy của Trung Quốc. (Nguồn: Market Watch)
Trump ngay sau đó đơn phương phát động cuộc chiến tranh thương mại với Trung Quốc, đồng thời tìm cách đàm phán, ký kết lại hàng loạt các Hiệp định thương mại song phương, đa phương mới. Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung dưới tác động của chính sách thương mại và kinh tế mới của Trump đã tạo ra các chuyển dịch ban đầu, nhưng hết sức mạnh mẽ trong việc định vị và sắp xếp lại "nền kinh tế chuỗi", khiến nhiều doanh nghiệp Mỹ và nước ngoài đã rục rịch rút ra khỏi thị trường Trung Quốc đa dạng hóa đầu tư để tránh bị đánh thuế, giảm thiểu rủi ro từ việc để hết trứng vào một giỏ.
Nếu như không có sự "chuẩn bị" từ trước, nhiều khả năng nước Mỹ sẽ còn bị động và tổn thương hơn rất nhiều do tác động của đại dịch Covid-19 hiện nay. Dự báo một số thay đổi của toàn cầu hóa thời kỳ "hậu Covid-19" như sau: 
- Xu hướng chung là không từ bỏ, nhưng "liên kết" và "hội nhập" sẽ được các quốc gia tiến hành một cách thận trọng và có kiểm soát chứ không để phát triển tràn lan, vô tổ chức như hiện nay với những hệ quả khôn lường.
- Xu hướng "phi Trung Quốc", tức "thoát", hoặc giảm tối đa sự lệ thuộc vào một thị trường hoặc một đối tác có tính chi phối như Trung Quốc nhiều khả năng sẽ được đẩy mạnh, với việc các nền kinh tế hàng đầu như Mỹ, Nhật, Đức... đi tiên phong trong xu hướng này.
Một thị trường lớn thứ hai thế giới với 1,4 tỷ "khách hàng" như Trung Quốc là điều hấp dẫn khó cưỡng đối với bất kỳ công ty hay quốc gia nào. Do đó, việc bỏ trứng vào một giỏ là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, do sự lệ thuộc quá lớn nên khi Trung Quốc "hắt hơi" do Covid-19 thì cả thế giới trở nên "khó thở". Đơn cử như mặt hàng thuốc kháng sinh, Trung Quốc cung cấp tới 90% nguyên liệu.
Thay cho "outsourcing", từ ngữ mới hiện nay Mỹ bắt đầu sử dụng là "expensing", tức chính quyền Mỹ sẵn sàng chi trả 100% chi phí của các công ty Mỹ rời khỏi Trung Quốc và chuyển sản xuất về Mỹ hoặc sang các nước khác.
Chính quyền Mỹ đã chuẩn bị khoản tiền này và sẵn sàng "mở hầu bao", thực hiện ngay lập tức sau hậu Covid-19. Theo sau Mỹ, Nhật cũng dự trù khoản ngân sách khoảng 2 tỷ USD để hỗ trợ cho các công ty Nhật rút nhà máy khỏi Trung Quốc mang về nước hoặc chuyển sang các nước khác.
Một khi cuộc hôn phối "Chimerica" (sự kết hợp của hai từ China và America") trị giá 2.000 tỷ USD (gồm tổng thương mại hai chiều Mỹ-Trung, trị giá trái phiếu chính phủ Mỹ mà Trung Quốc đang sở hữu trên 1.000 tỷ USD và đầu tư hai chiều của Mỹ vào Trung Quốc và ngược lại) còn đi đến hồi kết bằng cuộc "ly hôn" thì không có gì là không thể xảy ra.
- Sự định hình của "nền kinh tế chuỗi" mới sẽ có một số đặc điểm sau:
(i) Các nhà hoạch định chính sách giờ đây có nhiệm vụ mới là phải lập kế hoạch tự cung, tự cấp để quốc gia họ có khả năng sống sót trong trạng thái biệt lập hoàn toàn từ ba tháng đến ba năm.
(ii) Các quốc gia sẽ chạy đua, tìm mọi cách để tự sản xuất hoặc lập các kho dự trữ các mặt hàng y tế thiết yếu (biệt dược, kháng sinh, chất khử trùng, máy thở, quần áo bảo hộ...), và các hàng hóa có tính chiến lược, không phụ thuộc vào nguồn cung của các nước khác.
(iii) Cách tiếp cận là "không bỏ hết trứng vào một giỏ", mà phải đa dạng hóa tối đa các nguồn sản xuất, nguồn cung cấp nguyên vật liệu, thị trường tiêu thụ, trong đó thị trường nội địa được ưu tiên và khai thác tối đa.
- Xu hướng đa dạng hóa và chuyển dịch đầu tư, sản xuất ra khỏi Trung Quốc cũng đồng nghĩa với việc sẽ hình thành một làn sóng chuyển dịch đầu tư sang các nền kinh tế mới nổi ở Đông Nam Á và một số khu vực khác.
Các nước như Việt Nam cần sớm nhìn ra cơ hội, không chỉ lo việc trước mắt là chuẩn bị cho khả năng khôi phục sản xuất sau dịch, mà cần nắm được xu hướng chuyển dịch đầu tư mới này của thế giới, sớm xây dựng chiến lược phù hợp, chủ động đón các dòng vốn đầu tư lớn, đồng thời với việc chuẩn bị các cơ sở hạ tầng giao thông, hậu cần, hàng không, cảng biển, nguồn nhân lực và phương cách quản trị quốc gia mới.

****
Hậu đại dịch Covid-19 sẽ chứng kiến sự lên ngôi của Chủ nghĩa dân tộc (Nationalism) và ở chiều ngược lại là bước thụt lùi của Quản trị toàn cầu (Global governance). Học giả Mỹ Stephen Walt, một người theo trường phái hiện thực và ủng hộ chủ nghĩa dân tộc nhiệt thành, nhận định: thế giới hậu đại dịch là "một thế giới bớt cởi mở, kém thịnh vượng và ít tự do hơn". 
Về bản chất, Chủ nghĩa dân tộc và Quản trị toàn cầu là 2 nhân tố liên hệ mật thiết với nhau, nhưng theo tỉ lệ nghịch: Khi vai trò của các quốc gia được đề cao, thì điều này cũng đồng nghĩa với vai trò và ảnh hưởng của các thiết chế đa phương trong quản trị toàn cầu như UN, WTO, WB, IMF, WHO... lại giảm đi một cách tương ứng và ngược lại. 
Còn nhìn từ góc độ lý thuyết, Chủ nghĩa dân tộc và Quản trị toàn cầu liên quan đến 2 mô thức phổ biến trong lý thuyết quan hệ quốc tế là Chủ nghĩa hiện thực (Realism) và Chủ nghĩa tự do (Liberalism). 
Thế giới hậu Covid-19 – Phần 4
Thế giới hậu đại dịch là "một thế giới bớt cởi mở, kém thịnh vượng và ít tự do hơn".
Nói một cách ngắn gọn, những người theo thuyết hiện thực (Realists) cho rằng các quốc gia, chứ không phải bất kỳ một tổ chức liên chính phủ hoặc siêu quốc gia nào khác, mới là chủ thể chính của trật tự thế giới. Theo họ, thế giới chúng ta đang sống về bản chất là một thế giới "không có trật tự", trong đó các quốc gia tìm mọi cách để bảo vệ lợi ích của mình nên cạnh tranh, đối đầu thậm chí là xung đột, chiến tranh giữa họ với nhau là điều không thể tránh khỏi.
Còn những người theo chủ thuyết tự do (Liberals) chia sẻ nhận định của trường phái hiện thực về bản chất của các quốc gia. Họ cho rằng tuy có khác biệt về lợi ích nhưng các quốc gia vẫn có thể tìm được điểm chung, thỏa hiệp để hợp tác với nhau, đặc biệt trong các vấn đề liên quan đến lợi ích kinh tế; và hợp tác thì có lợi hơn là chiến tranh. Đối với những người theo chủ thuyết tự do, sự tham gia của các quốc gia vào các tổ chức khu vực và quốc tế, với những điều lệ ràng buộc, cộng với việc tăng cường gắn kết, quan hệ lệ thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia thông qua thương mại, đầu tư, du lịch... sẽ làm cho các quốc gia có xu hướng bớt xung đột và do đó, thế giới sẽ có hòa bình nhiều hơn. 
Tuy nhiên, trong thế giới thực mà chúng ta đang sống thì không có sự loại trừ của trường phái này đối với trường phái kia, mà cả hai trường phái cùng tồn tại song song với nhau. Cái khác biệt chỉ là ở quốc gia nào, khu vực nào, trong bối cảnh nào và ở giai đoạn nào thì xu hướng này lên ngôi so với xu hướng kia mà thôi. 
Sau khi kết thúc Chiến tranh lạnh, Chủ nghĩa tự do và Quản trị toàn cầu "lên ngôi", nhưng cũng chỉ trong một thời gian ngắn, nhờ các yếu tố:
(i) Sự kỳ vọng vào việc Liên Hiệp Quốc và các tổ chức quốc tế quan trọng đóng vai trò lớn hơn trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến an ninh và phát triển;
(ii) Sự nổi lên của nhiều thách thức mới mang tính toàn cầu đòi hỏi phải có cách tiếp cận mang tính toàn cầu, cũng như các cơ chế quản trị toàn cầu để xử lý; và
(iii) Sự phát triển của công nghệ thông tin, đặc biệt là internet, sự gia tăng tính phụ thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia giúp tăng nhận thức của người dân và các quốc gia về nhu cầu cấp thiết phải củng cố và tăng cường quản trị toàn cầu. 
Tuy nhiên, kỳ vọng thì lớn nhưng quản trị toàn cầu đã không đem lại kết quả như mong đợi cho nhiều nước lớn, cũng như các nước đang phát triển vừa và nhỏ. "Cú sốc" lớn nhất đối với quản trị toàn cầu là việc Tổng thống Donald Trump đắc cử Tổng thống với ưu tiên "Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại!" - MAGA (Make America Great Again!). Ngày 24/9/2019, trước diễn đàn in Liên Hợp Quốc, Tổng thống Trump thẳng thừng tuyên bố: "Tương lai không thuộc về những người theo đuổi chủ nghĩa toàn cầu, mà thuộc về những người yêu nước" - thực chất là những người dân tộc chủ nghĩa nhưng dưới một tên gọi mỹ miều khác. 
Cùng với "MAGA" là việc Mỹ "co mình", "quay lưng" lại với quản trị toàn cầu như: rút khỏi Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu toàn cầu; rút khỏi UNESCO - Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc; cắt giảm hàng chục tỷ USD ngân sách viện trợ phát triển hàng năm cho các quốc gia đang phát triển; cắt giảm hàng trăm triệu USD đóng góp hàng năm vào ngân sách của Liên Hợp Quốc khiến tổ chức này rơi vào khủng hoảng tài chính và nhiều hoạt động của LHQ bị hủy bỏ; và chỉ mới đây thôi Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thẳng thay cắt khoản đóng góp tài chính hàng năm lên tới 900 triệu USD cho WHO vì cho rằng tổ chức này đã "thiên vị" theo hướng bất lợi cho Mỹ và không làm tròn trọng trách của mình trong việc ngăn ngừa đại dịch Covid-19 lan ra toàn cầu. 
Thực ra, trước khi Trump lên cầm quyền, một thế hệ mới các nhà lãnh đạo theo thiên hướng dân tộc chủ nghĩa đã lên nắm quyền ở Nhật Bản, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Trung Quốc, Philippines... Làn sóng này xuất hiện khá âm thầm, nhưng chỉ đến khi Trump đắc cử người ta mới "giật mình" và thực sự chú ý đến nó. 
Vấn đề đặt ra là tại sao cùng theo đuổi chủ nghĩa dân tộc, nhưng các chính sách của Trump lại "gây sốc" và được thế giới chú ý đến vậy? Có thể thấy như sau:
(i) Trump là người thẳng thắn, nghĩ sao nói vậy nên thu hút sự đưa tin của giới truyền thông vốn có truyền thống thêm mắm, thêm muối, rồi giật tít câu khách.
(ii) Chính giới Mỹ và quốc tế lúc đầu cũng nghĩ Trump sẽ như các đời tổng thống trước đây là chỉ "dọa chơi" khi tranh cử, nhằm câu phiếu cử tri, còn lên cầm quyền sẽ "làm khác". Đâu ngờ, sau khi lên cầm quyền Trump đã thực hiện quyết liệt và triệt để các lời hứa tranh cử của mình và điều này đã khiến không chỉ đối thủ, mà ngay cả bạn bè, đồng minh và đối tác của Mỹ không khỏi bất ngờ và sửng sốt.
(iii) Là siêu cường số 1 thế giới, đồng thời cũng là quốc gia khởi xướng, tham gia và đóng góp nguồn vật lực khổng lồ cho quản trị toàn cầu ngay từ buổi sơ khai, nên việc "rút lui" của Mỹ không chỉ đặt ra những hệ lụy vô cùng to lớn, mà còn để lại những khoảng trống khó có thể được lấp đầy trong một thời gian ngắn. 
Thế giới hậu Covid-19 – Phần 4
Thủ tướng Anh Boris Johnson chào đón Tổng thống Mỹ Donald Trump tại hội nghị các lãnh đạo NATO ở Watford, Anh, hồi tháng 12/2019. (Ảnh: Reuters)
Điều đáng quan ngại là xu hướng dân tộc chủ nghĩa dường như đang gia tăng trên khắp thế giới, với rất ít ngoại lệ, ngay sau khi đại dịch Covid-19 kết thúc. Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến vai trò quản trị toàn cầu vào lúc hợp tác quốc tế càng cần thiết hơn bao giờ hết nhằm khắc phục hậu quả "hậu Covid-19", cũng như ngăn ngừa các đại dịch hoặc đại thảm họa tương tự khác trong tương lai. Có 3 lý do hỗ trợ cho nhận định trên: 
Một là, các thiết chế quốc tế hỗ trợ cho quản trị toàn cầu như UN, WTO, WHO..., kể cả các liên minh quân sự như NATO, hay tổ chức siêu quốc gia như EU đang bị xem là "lỗi thời" khi không được thiết kế để đối phó với đại dịch toàn cầu như Covid-19. Đến khi đại dịch xảy ra thì các tổ chức này gần như hoàn toàn bất lực và vai trò trở nên hết sức mờ nhạt.
Hai là, các liên minh song phương, đối tác chiến lược hay đồng minh cũng chả giúp ích gì vào lúc này. Ngay trong EU, khi dịch bệnh vừa bùng phát đã sớm xuất hiện tình trạng mạnh ai nấy chạy, nước nọ tìm cách ngăn không xuất khẩu thiết bị y tế hay khẩu trang sang nước thành viên khác. Mỹ thì đơn phương thông báo cho EU có hai ngày trước khi ban bố lệnh cấm toàn bộ các chuyến bay xuyên Đại Tây Dương và không tham khảo trước với các đồng minh. Quan hệ đối tác chiến lược Nga - Trung cũng chẳng khá hơn là bao khi hai nước liên tục thông qua các biện pháp đơn phương hạn chế tối đa sự đi lại của công dân nước kia. Quả thực, lúc này "đồng minh không bằng đồng bào."
Ba là, kể từ khi xuất hiện đại dịch, các quốc gia nổi lên và đóng vai trò là tác nhân không thể thay thế được. Gần như không có ngoại lệ, uy tín của lãnh đạo hầu hết các quốc gia từ Mỹ đến châu Phi, từ Trung Quốc đến Nga, sang Âu, sang Á... đều tăng vọt. Trên bất kỳ chương trình TV nào, vào bất kỳ lúc nào, chúng ta luôn dễ dàng nhận thấy hình ảnh năng động, khuôn mặt lo âu của lãnh đạo các quốc gia. Họ thường xuyên trực tiếp chỉ đạo, họp báo, cung cấp thông tin cho quốc dân về cách thức chính quyền đang thực hiện nhằm kiềm chế tối đa dịch bệnh, giảm thiểu thương vong với mục đích là làm an lòng người dân - một điều hết sức cần thiết trong thời kỳ khủng hoảng, chiến tranh và dịch bệnh. Và vai trò này sẽ không sớm giảm đi mà tiếp tục kéo dài ngay cả khi Covid-19 qua đi. 
Vậy khi kết thúc đại dịch Covid-19, mô thức quản trị toàn cầu mới sẽ có định dạng ra sao? Tạm phác thảo vài nét như sau: 
- Xu hướng Mỹ giảm vai trò quản trị toàn cầu trong các tổ chức như UN, WTO, WHO... sẽ tiếp tục tăng tốc. Mỹ sẽ nhấn mạnh nhiều hơn đến các chiến lược mà nước này khởi xướng và đóng vai trò lãnh đạo như như "Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương Mở và Tự do". Thậm chí trong các liên minh song phương như hiệp ước an ninh Mỹ - Nhật, Mỹ - Hàn hay đa phương như NATO, Mỹ sẽ không "nai lưng" đóng thay phần của các nước khác, mà sẽ đòi hỏi phải chia sẻ nghĩa vụ tài chính "công bằng". 
Trong khi đó, Trung Quốc cũng sẽ làm tương tự, đó là tìm cách phát huy ảnh hưởng, hoặc mở rộng vai trò trong các sáng kiến, các chiến lược, hoặc các tổ chức mà họ lập hoặc có vai trò chi phối như "Sáng kiến Vành đai, Con đường" - BRI (Belt and Road Initiative), Tổ chức Hợp tác Thượng Hải - SCO (Shanghai Cooperation Organization), Diễn đàn Hương Sơn về Quốc phòng... 
- Các thiết chế toàn cầu như UN, WTO, WHO... sẽ phải đối mặt với sức ép cải cách triệt để và sâu rộng lớn chưa từng có cho phù hợp với bối cảnh chủ nghĩa đơn phương gia tăng trên khắp thế giới, sức ép từ Mỹ và phương Tây, cũng như sức ép bị cắt giảm ngân sách. Sự "thoái lui" của Mỹ khỏi các thiết chế toàn cầu cũng không đồng nghĩa với việc Trung Quốc có thể dễ dàng lấp đầy khoảng trống do: (i) Trung Quốc cần có thời gian chuẩn bị và chưa sẵn sàng đóng vai trò lớn và nổi bật hơn vào lúc này; (ii) Thế giới chưa sẵn sàng đón nhận vai trò mới, lớn hơn của Trung Quốc; và (iii) Sự phản đối của Mỹ và phương Tây. 
- Do xuất phát là đại dịch, và từ đại dịch mà ra, nên bất cứ mô hình quản trị toàn cầu mới nào, hoặc bất cứ các cải cách nào đối với những thiết chế song phương hay đa phương hiện có đều buộc phải bổ sung những điều khoản có tính ràng buộc, giúp các thiết chế này có khả năng cảnh báo, ngăn ngừa và đối phó với đại dịch ở mức tối đa nhất có thể. 
- Các hiệp ước liên minh quân sự như NATO, các thỏa thuận thiết lập quan hệ đồng minh, đối tác chiến lược... ngoài các điều khoản hiện có như hỗ trợ nhau về các mặt chính trị, ngoại giao, an ninh - quân sự khi một trong các bên bị tấn công hay bị đe dọa tấn công bằng vũ lực thì sẽ sớm được "nâng cấp" với một số điều khoản bổ sung cho phù hợp với tình hình mới như:
(i) Thường xuyên cập nhật và chia sẻ thông tin tình báo cho nhau liên quan đến sự xuất hiện của dịch bệnh mới và cách đối phó;
(ii) Hỗ trợ, chia sẻ thông tin, kết quả nghiên cứu và cách thức đối phó với các loại bệnh truyền nhiễm mới; hỗ trợ nhau trong việc sản xuất, cung cấp các vật phẩm, trang thiết bị y tế cơ bản như thuốc kháng sinh, kháng khuẩn, quần áo bảo hộ, máy hỗ trợ thở...; tiếp cận các kho dự trữ y tế chiến lược.
(iii) Hỗ trợ nhau trong việc lập các kho dự trữ chiến lược, cung ứng không bị gián đoạn các mặt hàng thiết yếu, phục vụ cho nhu cầu sản xuất và dân sinh trong bối cảnh một vài hoặc tất cả các quốc gia trong liên minh có thể bị "bế quan tỏa cảng" trong nhiều tháng trời liền. 
Các biện pháp trên sẽ giúp hồi sinh và làm cho các liên minh minh hiện có mang ý nghĩa thực của nó, đó là giúp đỡ và bảo vệ lẫn nhau cả trong thời chiến cũng như trong "thời bình" khi đối phó với dịch bệnh. 

*****
Cùng với tiến trình này là sự ra đời của hàng loạt những quy định, luật lệ ở cấp quốc gia, khu vực, cũng như toàn cầu để điều chỉnh các hành vi ứng xử của người dân. Người dân không còn nhiều sự lựa chọn, buộc phải "hy sinh", chấp nhận một số hạn chế tự do cá nhân và điều chỉnh hành vi của mình trong bối cảnh mới vì sự sinh tồn. 
Sau khi xuất hiện đại dịch Covid-19, trong nước và thế giới có khá nhiều bài báo nói về sự thích ứng mới, sự xuất hiện và "nở rộ" hàng loạt dịch vụ phục vụ cho nhu cầu sinh tồn của người dân và xã hội. Những cách làm mới, dịch vụ mới, ngành nghề mới chắc chắn sẽ có những phát triển vượt bậc sau khi đại dịch kết thúc. 
Sự phát triển của Chính phủ điện tử: Không chỉ ở Việt Nam, mà ngay cả ở nhiều nơi trong khu vực và trên thế giới, trước khi có đại dịch Covid-19, tiền của đổ vào lĩnh vực này khá nhiều, nhưng tiến bộ chẳng đáng là bao vì thực tế "cầu" rất thấp. 
Thế giới hậu Covid-19 - Phần 5
Hội nghị trực tuyến Đặc biệt các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Hoa Kỳ về Covid-19 diễn ra sáng 23-4
Tuy nhiên, khi xảy ra đại dịch nhu cầu đã tăng cao đột biến. Đơn giản là vì các quan chức chẳng thể đi lại để gặp nhau dễ dàng như trước. Do đó, chẳng cần phải "hô hào", có cầu ắt có cung, họp trực tuyến, giải quyết công việc qua mạng trở thành cách thức hữu dụng nhất vào lúc này.  
Do đó, sau khi hết dịch hoạt động của "Chính phủ điện tử" sẽ tiếp tục tăng mạnh vi nhiều lợi ích như: (i) tiết kiệm tiền bạc chi phí cho các cuộc họp trực tiếp; (ii) hiệu quả giải quyết công việc thông qua "Chính phủ điện tử" tăng rõ rệt; (iii) hệ thống "Chính phủ điện tử" cần được sử dụng thường xuyên để hoàn thiện và sử dụng trong các trường hợp tương tự trong tương lai... 
Làm việc tại nhà (Work From Home - WFH): Sau đại dịch, WFH tăng mạnh cả về phía cung và cầu. Về phía người tuyển dụng là các công ty, tổ chức, cơ quan công quyền họ buộc phải rà soát, sắp xếp lại cơ cấu tổ chức, hệ thống xử lý công việc nhằm đảm bảo được hai yếu tố: Thứ nhất, cơ quan tổ chức của họ vẫn có thể hoạt động "bình thường", không bị gián đoạn ngay lúc cao điểm của dịch bệnh. Thứ hai, ngay kể cả lúc không có dịch thì cũng vẫn có những bộ phận hoàn toàn có thể xử lý công việc từ xa qua mạng. 
WFH đáp ứng được nhiều tiêu chí của cả hai phía lao động và sử dụng lao động: Tiết kiệm chi phí thuê phòng ốc và các chi phí liên quan; Người lao động có thể làm việc cho nhiều cơ quan tổ chức khác nhau cùng một lúc và có cơ hội tăng thu nhập; Quan trọng là sản phẩm cuối cùng, còn thời gian làm việc linh hoạt. 
Tiếp đó là sự phát triển của hàng loạt các loại hình điện tử, trực tuyến dựa trên nền tảng internet có sẵn (tất nhiên với tốc độ cao hơn nhiều sau này) như: 
(i) Học trực tuyến từ xa: Ở tất cả các cấp từ tiểu học, trung học đến đại học và sau đại học. 
(ii) Thương mại điện tử: Sẽ phát triển mạnh do tiện lợi và giá cả hấp dẫn và thương mại điện tử sẽ lấn át dần các loại hình thương mại truyền thống. 
Ngay trước khi dịch bùng phát, hàng loạt trung tâm tâm thương mại truyền thống lớn ở khắp nơi trên Trung Quốc ngày càng trở nên vắng bóng người mua do sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử. 
Các trung tâm thương mại truyền thống giờ chỉ còn là nơi để người dân đến tham quan, xem sản phẩm và tham khảo giá! Xu hướng chung trên thế giới tiến theo chiều hướng đó là khó cưỡng. 
(iii) Khám chữa bệnh và tư vấn tâm lý từ xa: Thực tế cho thấy trừ những trường hợp phải cấp cứu khẩn cấp, đa phần các bệnh lý thông thường đều có thể được chẩn đoán, trao đổi qua mạng giữa bệnh nhân với bác sĩ và các chuyên gia tâm lý. Điều này sẽ giúp người bệnh và các bác sĩ có thể liên lạc với nhau một cách linh hoạt, tiết kiệm chi phí. 
(iv) Công nghệ sinh học: Hàng loạt các sản phẩm mới từ kết quả nghiên cứu và kết hợp giữa công nghệ sinh học với công nghệ thông tin ra đời sẽ giúp người dân cũng như các nhà quản lý phát hiện nhanh chóng người bị bệnh truyền nhiễm do dịch, virus để từ đó có các biện pháp chữa trị hoặc cách ly thích hợp. 
Những thiết bị này như vòng đeo tay, mũ, kính sinh học cá nhân, các máy camera sinh học được đặt khắp nơi giúp phát hiện nhanh chóng và truyền thẳng thông tin về bệnh trạng của cá nhân, hoặc những người có triệu chứng sốt, lây nhiễm ở khoảng cách gần đến thẳng bệnh viện, hoặc các trung tâm y tế để có hành động xử lý kịp thời. 
Bên cạnh đó là các quy trình mới nghiên cứu và sản xuất các thuốc điều trị sẽ được rút ngắn đáng kể và thời gian sẽ được tính bằng tuần hoặc tháng chứ không phải tính bằng năm như hiện nay. 
(v) Công nghệ người máy và tự động hóa: Việc sử dụng người máy và quá trình tự động hóa sản xuất, điều khiển hoạt động từ xa, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất và dịch vụ sẽ có bước nhảy vọt. 
Lý do quan trọng nhất là người máy có thể hoạt động trong bất kỳ điều kiện nào mà không sợ bị nhiễm dịch, còn tự động hóa sẽ giúp lập trình và điều khiển quá trình sản xuất từ xa, xã hội không bị gián đoạn trong bất kỳ hoàn cảnh hoặc điều kiện nào. 
Đại dịch Covid-19 cũng sẽ chứng kiến sự phát triển vượt trội về công nghệ xe tự động không người lái trong lĩnh vực giao thông vận tải, không chỉ xe chở khách cá nhân mà cả xe tải chở hàng hóa. Hiện nay hãng Tesla của tỷ phú Elon Musk đang đi đầu trong lĩnh vực này. 
Nhìn chung, trong cái khó ló cái khôn. Bệnh dịch Covid-19 đang là tác nhân chính, giúp thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển công nghệ thông tin, công nghệ sinh học và tự động hóa. 
Thế giới hậu Covid-19 - Phần 5
Các lãnh đạo G7 tổ chức cuộc họp online chưa từng có tiền lệ trong đại dịch.
Ngoài những thông tin chung về các thay đổi nêu trên mà mọi người ít nhiều đã biết, lĩnh vực y tế và phòng chống đại dịch sẽ có những thay đổi lớn quan trọng sau ở cả phạm vi quốc gia lẫn quốc tế:
Thứ nhất, công nghệ theo dõi (Tracking technology) chứ không chỉ là công nghệ nhận dạng, sẽ có bước phát triển vượt bậc. 
Do dịch bệnh và việc người dân buộc phải đeo khẩu trang bắt buộc khi ra ngoài, đã tạo ra các hạn chế nhất định đối với các camera nhận dạng. Tuy nhiên công nghệ theo dõi, tra cứu dấu vết di chuyển theo mã số điện thoại di động (dù bật hay tắt) sẽ giúp nhà chức trách và giới chức y tế dễ dàng theo dõi những cá nhân, hoặc địa điểm mà một người dân bất kỳ đã từng tiếp xúc hoặc đến gần. 
Để làm được điều này thì các cá nhân buộc phải đăng ký mã số điện thoại mà mình sử dụng với nhà chức trách. Điều này cũng đồng nghĩa với việc các cá nhân phải "tự nguyện" từ bỏ một phần quyền tự do cá nhân để đổi lại sự an toàn của mình và của cộng đồng. 
Thứ hai, các quốc gia sẽ phải xây dựng một hệ thống "phòng vệ quốc gia về y tế và dịch tễ" mới bên cạnh hệ thống phòng vệ quốc phòng và an ninh truyền thống mà mọi người đều biết. 
Một hệ thống "phòng vệ quốc gia về y tế và dịch tễ" sẽ được xây dựng trên một nền tảng mới, cụ thể là: 
- Có ngân sách đủ lớn để tập trung vào việc tăng cường công tác đào tạo nguồn nhân lực, nâng cả về lượng lẫn về chất, cũng như tổ chức lại bộ máy y tế cộng đồng sao cho hệ thống này phản ứng nhanh nhất, hiệu quả nhất, và với chi phí hợp lý nhất. 
- Tăng ngân sách y tế để xây dựng bằng được các kho dự trữ y tế chiến lược với cơ số thuốc men, đồ dùng bảo hộ, trang thiết bị y tế cơ bản... đủ để sử dụng trong trường hợp khẩn cấp hoặc có đại dịch. 
- Các nhà hoạch định chính sách phải luôn có sẵn ý tưởng về các loại công nghệ "tam dụng", tức sử dụng cho cả ba mục đích (i) dân sự, (ii) y tế cộng đồng, (iii) quân sự, chứ không chỉ là công nghệ lưỡng dụng như trước đây. 
Chẳng hạn, một cung văn hóa thể thao mới được xây dựng có công năng chính là phục vụ các hoạt động thể thao, giải trí trong điều kiện bình thường. Nhưng cung thể thao đó có thể dễ dàng chuyển đổi công năng, được sử dụng thành đại bản doanh quân sự trong thời chiến hoặc biến thành bệnh viện dã chiến khi đối phó với bệnh dịch. Các khách sạn trong tương lai, và còn rất nhiều các ví dụ khác nữa, cũng chỉ được duyệt thiết kế khi đáp ứng được cả ba loại công năng trên. 
- Xuất hiện một khái niệm mới là đi "nghĩa vụ y tế cộng đồng", thay vì chỉ đi "nghĩa vụ quân sự" như trước đây. Đại dịch Covid-19 cho thấy một lỗ hổng quan trọng trong nhận thức về an ninh quốc gia hiện nay. Covid-19 cho thấy "an ninh y tế" cũng quan trọng không kém an ninh thể chế, hoặc an ninh quốc phòng. 
Thực tế ở nhiều nước cho thấy loại hình đi “nghĩa vụ quân sự” khá phổ biến. Khi dịch bệnh xảy ra dẫn đến nhu cầu về y, bác sĩ, nhân viên y tế phục vụ công tác y tế cộng đồng tăng vọt. Trong khi đó những người lính "nghĩa vụ quân sự" thuần túy lại lúng túng, hỗ trợ rất thấp cho việc phục vụ công tác y tế cộng đồng. 
Các loại máy thở có thể được sản xuất đại trà nhanh chóng, nhưng người biết cách sử dụng thì không thể đào tạo hàng loạt được mà phải mất một khoảng thời gian nhất định. Việc có trang thiết bị y tế thôi cũng chưa đủ mà phải có đủ nhân sự đi kèm. 
Do đó, rất cần thiết phải có một hình thức tổ chức mới trong xã hội, đó là những người lính đi "nghĩa vụ vụ y tế cộng đồng". Họ không cần được đào tạo chuyên môn sâu như các bác sĩ, nhưng phải biết được các kỹ năng phục vụ y tế căn bản. 
Khi có dịch bệnh xảy ra, người "lính nghĩa vụ" thay vì biết cách bắn súng, họ có thể biết được các kỹ năng, các cách sử dụng những thiết bị y tế thông thường như sơ cứu bệnh nhân, đo huyết áp, đo tim mạch, thay băng, khiêng cáng bệnh nhân cho đúng cách, sử dụng máy trợ thở, chăm sóc người bệnh trong giai đoạn phục hồi... 
Trong "thời bình" những người lính y tế này là những người lính y tế dự bị và quay trở lại với công việc thường ngày của họ. Tuy nhiên, họ cần được huấn luyện hoặc tập huấn hàng năm khoảng từ 2-3 tuần để cập nhật các kiến thức mới. 
- Xây dựng kho dữ liệu quốc gia về hồ sơ y tế cá nhân thay vì chỉ có "hồ sơ an ninh" như hiện nay. Thực tế, đại dịch Covid-19 vừa qua cho thấy, một cá nhân có thể trở thành "mối nguy" đối với an ninh quốc gia nếu như tiền sử bệnh lý của họ yếu và họ nằm trong nhóm có nguy cơ cao phát tán bệnh truyền nhiễm ra cộng đồng. 
Do đó, bên cạnh "căn cước cá nhân", mỗi cá nhân có thể được cấp hoặc được quản lý bằng một "căn cước y tế", có xếp hạng mức độ "an toàn" và khả năng phát tán bệnh ra cộng đồng. 
Thứ ba, về mặt quốc tế, để kiểm soát sự lây lan của bệnh tật, bên cạnh visa thông thường, có khả năng xuất hiện một loại "visa y tế', dành cho người đi du lịch, làm việc ở nước ngoài, hoặc nhập cảnh sang các nước khác. 
Các cá nhân đó có thể phải trải qua những trắc nghiệm hay kiểm tra sinh học xem có "đủ" các điều kiện nhập cảnh như: có tiền sử mắc bệnh truyền nhiễm, có khả năng phát tán hoặc làm lây lan virus ra cộng đồng hay không, trước khi nhập cảnh vào một nước nào đó, có đến các khu vực và các quốc gia có khả năng gây bệnh dịch cao hay không. 
Thậm chí, các quốc gia hay các khu vực trên thế giới cũng được "vẽ" hay "định vị" lại theo thứ hạng "nguy hiểm" hoặc "an toàn" xét về mặt y tế, dịch tễ tương tự như việc "đánh dấu" một số quốc gia hay khu vực có mức độ nguy hiểm về mặt ma túy hay khủng bố. 
Thứ tư, các phái Bộ ngoại giao ở nước ngoài cũng có thể có sự điều chỉnh về bộ máy tổ chức cho phù hợp với bối cảnh mới. Hiện nay, cơ cấu tổ chức của đa phần các sứ quán hoặc phái bộ ngoại giao các nước ở nước ngoài thường có các bộ phận phụ trách các lĩnh vực như chính trị, lãnh sự, quốc phòng, thương mại, văn hóa. 

Tuy nhiên, trong cơ cấu tổ chức mới có thể có chức danh mới là cán bộ chuyên trách về y tế, chuyên theo dõi và thúc đẩy hợp tác y tế song phương, bao gồm từ nghiên cứu kinh nghiệm trong phòng chống dịch bệnh đánh giá nguy cơ rủi ro, khả năng xuất hiện và lây lan các bệnh truyền nhiễm và bệnh dịch ở sở tại, kiến nghị các biện pháp ứng phó. 
******
"Thế giới hậu Covid-19" sẽ là một thế giới hoàn toàn khác, vĩnh viễn không bao giờ trở lại như thế giới chúng ta đã sống mới chỉ vài tháng trước đó.
Trước hết, về quan hệ quốc tế, hậu Covid-19 sẽ rút ngắn thời gian tiến tới cuộc "Chiến tranh lạnh mới 2.0" giữa Trung Quốc và Mỹ, cũng như sự phân chia thế giới thành hai chiến tuyến đối đầu nhau.
Cách đây 2.400 năm, nhà sử học và khoa học chính trị Hy lạp cổ đại Thucydides đã quan sát và phát hiện ra sự đối đầu khó tránh khỏi giữa một cường quốc đang trỗi dậy mạnh mẽ và một cường quốc đã định hình khi ông nghiên cứu về cuộc chiến Peloponnsus giữa Athens và Sparta.
Dường như lịch sử đang lặp lại và "đẩy" Trung Quốc và Mỹ - hai thế lực hùng mạnh nhất của thời đại, một bên thì đang trỗi dậy như "Thánh Gióng", còn một bên thì đã xác lập vị trí thống trị vững chắc của mình trên bàn cờ chính trị thế giới - vào một cuộc "đối đầu định mệnh". Mối quan hệ này đang rơi vào "cái bẫy Thucydides" không ai mong muốn, kể cả lãnh đạo và người dân Trung Quốc và Mỹ, nhưng lại không thể tìm cách thoát ra được.
Thế giới hậu Covid-19 - Phần cuối
Tổng thống Donald Trump. Ảnh: Reuters
Nhìn từ góc độ toàn cầu, sự tốt lên hay xấu đi trong quan hệ giữa các quốc gia ra trong hệ thống quan hệ quốc tế là điều bình thường. Nhưng khi sự chuyển trạng thái quan hệ liên quan đến các nước lớn, đặc biệt là những nước ở vị trí số 1 và số 2 trên thế giới, đại diện cho các các hình thái kinh tế, ý thức hệ, tập hợp lực lượng... mang bản chất đối kháng như Mỹ và Trung Quốc thì nó không còn là điều bình thường nữa, mà tác động ngay lập tức đến tập hợp lực lượng chính trị ở các khu vực và trên phạm vi toàn cầu.
Thực tế đó đã được kiểm chứng đối với quan hệ đối đầu Mỹ - Xô trong thời kỳ Chiến tranh lạnh và quan hệ Trung - Mỹ cũng không phải là ngoại lệ.
Nhìn từ góc độ đó, sự xấu đi của quan hệ Trung - Mỹ cũng như sự manh nha hình thành một thế giới hai cực mới trong cuộc Chiến tranh lạnh 2.0 là một xu hướng khó đảo chiều. Còn các cố gắng như thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung giai đoạn một ký ngày 15/1/2020 cách đây hơn 3 tháng cũng chỉ giúp hai bên trì hoãn, câu giờ thêm mà thôi.
Và đương nhiên, đại dịch Covid-19 đã "giúp" tăng tốc tiến trình đối đầu này. Hãng thăm dò dư luận Pew ngày 21/4/2020 đã công bố kết quả giật mình: Có tới 66%, tức 2/3 số người Mỹ được hỏi ý kiến có thái độ tiêu cực về Trung Quốc, trong khi chỉ có 26% là có thái độ tích cực.
Để so sánh, khi Tổng thống Trump mới lên cầm quyền năm 2017, 47% người Mỹ có thái độ tiêu cực với Trung Quốc, trong khi vẫn còn tới 44% có thái độ tích cực. Cũng trong cuộc thăm dò dư luận ngày 21/4, 91% (tức 9/10) người Mỹ được hỏi ý kiến cho rằng sức mạnh và ảnh hưởng của Trung Quốc trên thế giới là mối đe dọa đối với Mỹ.
Còn ở phía đối diện, tình hình cũng chẳng khác mấy. Lãnh đạo cũng như rất nhiều người Trung Quốc tin rằng nước Mỹ đang "không từ một thủ đoạn nào", tìm mọi cách cách để kìm chân, ngăn cản Trung Quốc vươn lên trở thành cường quốc thế giới.
Điều trớ trêu là đại dịch càng kéo dài, thiệt hại về người và của đối với nước Mỹ càng lớn thì sự "thiếu thiện cảm" của chính quyền ông Trump, và dư luận Mỹ đối với Trung Quốc - nơi họ tin rằng xuất phát Covid-19 và từ đó lan ra khắp thế giới lại càng có chiều hướng tăng lên. 
Thậm chí, họ cũng chẳng quan tâm đến lời giải thích của Trung Quốc rằng đại dịch là quy luật tự nhiên và có thể bùng phát ở bất kỳ nơi nào và bất kỳ thời điểm nào trên thế giới, còn việc bắt nguồn từ Trung Quốc chỉ là một sự trùng hợp "ngẫu nhiên" mà thôi.
Nhưng ẩn sâu xa là nỗi lo lắng tột cùng của giới tính hoa nước Mỹ về việc Mỹ thì đang "ngã bệnh", còn Trung Quốc lại đang trên đà phục hồi nhanh chóng và có thể nhân cơ hội này vượt lên, "bỏ lại" Mỹ phía sau.
Cựu Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Kurt Campbell đã đưa ra cảnh báo lạnh người rằng đại dịch Covid-19 có thể là "Thời khắc Suez" đánh dấu sự sụp đổ của Đế chế Mỹ, tương tự như sự sụp đổ của Đế quốc Anh sau sự kiện khủng hoảng Kênh đào Suez năm 1956.
Trong lúc chính quyền Trump đang tính kế thì một số chính khách của cả hai đảng Cộng hòa lẫn Dân chủ và học giả "diều hâu" đã bắt đầu "hiến kế" các kịch bản "ăn miếng trả miếng" theo kiểu "Chúa chết thì Trạng phải băng hà" để làm cho Trung Quốc khốn đốn nhất có thể.
Chẳng hạn Thượng nghị sĩ Cộng hòa Lindsey Graham, Chủ tịch ủy ban Tư pháp Thượng viện Mỹ, gợi ý một loại thuế (Pandemic Tariffs) đánh vào hàng nhập khẩu từ Trung Quốc để "bù đắp" những thiệt hại tại do đại dịch gây ra đối với nước Mỹ.
Đi xa hơn, học giả Harry Kazianis đề ra kế hoạch với 5 bước khởi đầu: (i) Tẩy chay Olympic Mùa đông tổ chức năm 2022 ở Bắc Kinh tương tự như việc Mỹ và Phương Tây đã từng tẩy chay Olympic Mùa hè Moscow năm 1980; (ii) Công nhận ngoại giao Đài Loan; (iii) Hàng nhập khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ phải in chữ "Made in China" thật to ở phía trước để người Mỹ "tránh xa"; (iv) Tìm cách thúc đẩy nhân quyền ở Trung Quốc; và (v) Thay đổi nội luật để người dân và các công ty Mỹ bị ảnh hưởng có thể kiện, đòi bồi thường để làm cho Trung Quốc khánh kiệt về mặt tài chính.
Một học giả khác là giáo sư Gavin Clarkson thậm chí còn đề nghị chính quyền Trump "tịch thu" 1.100 tỷ USD trái phiếu Chính phủ Mỹ mà Trung Quốc đang sở hữu để chi trả cho các tổn thất do Covid-19 gây ra mà Mỹ đang phải gánh chịu.
Ở bên ngoài, các đồng minh của Mỹ như Australia, Anh, Đức, Pháp... cũng bắt đầu "rục rịch" các tiến trình tham vấn, phối hợp hành động chung, trước mắt là mở các cuộc điều tra độc lập về nguyên nhân phát tán, ngay sau khi đại dịch Covid-19 qua đi.
Về phần mình, Trung Quốc đang xem các diễn biến trên như những "trò hề". Với tinh thần dân tộc nước lớn, họ chắc sẽ không "ngồi yên" chịu trận, để mặc cho Mỹ và phương tây "bắt nạt" như trong thời kỳ "thế kỷ ô nhục" trước đây.
Sự nghi kỵ, thù địch, thậm chí đối đầu Trung - Mỹ chắc chắn sẽ không còn giới hạn trong phạm vi địa chính trị, địa chiến lược, hay "câu chuyện nội bộ" giữa các nước lớn nữa, mà sẽ nhanh chóng lan tỏa, tác động đến lĩnh vực kinh tế, các cân nhắc, lựa chọn chiến lược của các nước vừa và nhỏ - những quốc gia không sớm thì muộn, không trực tiếp thì cũng gián tiếp bị "kéo" vào "trò chơi quyền lực" hao người, tốn của giữa hai siêu cường này.
Thế giới hậu Covid-19 - Phần cuối
"Thế giới hậu Covid-19" sẽ là một thế giới hoàn toàn khác, vĩnh viễn không bao giờ trở lại như thế giới chúng ta đã sống mới chỉ vài tháng trước đó.
Trong khi phải lo đối phó với các bất ổn địa chính trị toàn cầu, thì điều đáng lo ngại là bức tranh phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19 đối với phần lớn các nước cũng không mấy sáng sủa, thể hiện ở các mặt sau:
Thứ nhất, về tổng thể, trong suốt đợt đại dịch Covid-19 này, gần như không có ngoại lệ, tất cả các quốc gia trên thế giới đều hứng chịu tổn thất nặng nề: không nhân mạng, thì vật chất, thậm chí cả hai.
Năng lực sản xuất của các nước lẫn "cầu" tiêu dùng của người dân bị phanh gấp và dừng đột ngột, khó có thể phục hồi trong ngắn hạn. Sản xuất và tiêu dùng là hai nhân tố liên hệ mật thiết với nhau: Từ góc độ cầu, phần lớn người dân trong giai đoạn chống dịch đều phải chật vật vì khó khăn tài chính, thu nhập giảm nên buộc phải cắt giảm chi tiêu.
Đó là còn chưa kể đến yếu tố tâm lý hình thành trong quá trình cách ly là sống đơn giản, chỉ mua những mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống, trong khi vẫn phải tiết kiệm để lo đối phó với các khó khăn tiếp theo có thể xảy đến bất cứ lúc nào. Với tổng cầu yếu như vậy thì có thể dự đoán sản xuất và dịch vụ sẽ phục hồi rất chậm.
Thứ hai, toàn bộ nền kinh tế chuỗi, với các cấu trúc phức tạp, gắn kết chặt chẽ với nhau thành khâu khép kín từ khai thác nguyên vật liệu, gia công, chế biến, hậu cần, dịch vụ, kho bãi, sân bay, cảng biển... bỗng chốc bị đứt gẫy và cần được tạo dựng lại.
Một số quốc gia ở Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, có may mắn và lợi thế được cân nhắc ưu tiên trở thành "bến đỗ mới" của các công ty đa quốc gia trong quá trình chuyển đổi và tái cấu trúc sản xuất của họ. Tuy nhiên, tiến trình này có thể phải mất hàng năm trời, với nỗ lực vượt bậc của chính phủ và doanh nghiệp thì mới đem lại kết quả.
Thứ ba, xuất khẩu nguyên, nhiên liệu, nông sản, hàng hóa thành phẩm... cũng khó còn được xem là "cứu cánh" để giúp các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển tăng trưởng kinh tế, thoát nghèo và tiến lên các bậc thang phát triển cao hơn.
Nguyên nhân do: (i) Mức cầu chung trên toàn thế giới đều bị ảnh hưởng; (ii) Các nước đang trong quá trình trình xem xét, sắp xếp lại năng lực sản xuất quốc gia, tìm cách giảm thiểu sự phụ thuộc từ bên ngoài. Đặc biệt, những thị trường lớn như Mỹ, EU họ sẽ đặt ưu tiên việc tự cung tự cấp các mặt hàng thiết yếu, hoặc chuyển đầu tư sản xuất về gần thị trường tiêu thụ trụ theo mô thức off-shore sang near-shore hoặc in-shore; (iii) Mức độ hội nhập kinh tế và toàn cầu hóa đời sống kinh tế quốc tế bị giảm đi đáng kể, cộng với khả năng thị trường toàn cầu bị "chia cắt" lại dưới tác động của cạnh tranh Trung-Mỹ.
Thứ tư, nhiều nước bất đắc dĩ phải "tung" ra các gói cứu trợ khổng lồ, thực chất có tác dụng như những "máy thở" giúp cho doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế thoát khỏi đại họa trước mắt như phá sản, thất nghiệp... Làm như vậy họ cũng hiểu rằng vay nợ là con dao hai lưỡi, và nếu sử dụng không khéo thì chẳng khác nào dùng thuốc độc để giải khát vào lúc này.
Thực vậy, dù dùng những tên gọi mỹ miều khác nhau như "giải cứu", "hỗ trợ", "kích thích"... nhưng thực chất đây là câu chuyện vay của tương lai để giải quyết các vấn đề trước mắt. Vay nợ tất yếu sẽ tăng gánh nặng nợ công, cũng như trả lãi vay nợ - những yếu tố đầy rủi ro tiềm ẩn, kéo tăng trưởng chậm lại về mặt dài hạn cũng như làm tăng nguy cơ phá sản.
Năm là, do nền tảng kinh tế yếu, đầu tư tích lũy có hạn, các nước nghèo và đang phát triển sẽ chịu nhiều rủi ro lớn hơn: (i) Ngân hàng thế giới dự báo các nước này sẽ chìm sâu vào suy thoái kinh tế trong năm 2020; (ii) Trước mắt khoảng 150 triệu người ở các nước đang phát triển có nguy cơ thiếu lương thực trầm trọng, tiếp đó là các nguy cơ đói nghèo, dịch bệnh, bất ổn xã hội, nguy cơ chảy máu chất xám và bị hút dòng tiền dành cho phát triển sang các nước giàu; (iii) Khả năng phải "tự cứu mình" (self-help) nếu có "mệnh hệ gì".
Trước đây, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng thế giới (World Bank), Ngân hàng hàng phát triển Châu Á, các nước G7, G20... được xem là chỗ dựa cuối cùng hỗ trợ cho các nước gặp khủng hoảng tài chính hoặc đứng trước nguy cơ phá sản. Nhưng khả năng này hiện còn rất thấp vì chính các chủ nợ cũng đang "lâm trọng bệnh", còn số lượng các "con bệnh" có nguy cơ nhập phòng hồi sức cấp cứu lại quá đông.
Thay cho lời kết
Series bài viết "Thế giới hậu Covid-19" cố gắng mô tả một cách trung thực nhất viễn cảnh những thay đổi trên thế giới trong tương lai, từ việc hình thành các tập hợp lực lượng mới, quan hệ Trung - Mỹ, cục diện thế giới, các khó khăn, thách thức đang đặt ra cho tất cả các nước, cũng như một số xu hướng lớn như chủ nghĩa dân tộc, toàn cầu hóa, quản trị toàn cầu, các dự báo thay đổi về mặt công nghệ, sự thích ứng của các quốc gia trong việc xây dựng hệ thống phòng vệ về mặt y tế...
Các bài viết này mới chỉ phản ánh một phần những thay đổi trong một thế giới mới. Còn rất nhiều các câu hỏi khác mà mỗi người, từ góc độ quan tâm và hiểu biết của mình, có thể cùng nêu và chia sẻ.
Hy vọng loat bài viết này sẽ giúp gợi mở cho nhiều loạt bài chuyên sâu hơn về cùng chủ đề, giúp chúng ta cùng suy ngẫm và tìm ra lời giải thấu đáo.
Hoàng Anh Tuấn
*)Tiến sỹ Hoàng Anh Tuấn, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Bộ Ngoại giao.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét