Chủ Nhật, 26 tháng 4, 2020

20200426. HÌNH PHẠT BẤT CÔNG VỚI NHỮNG KẺ PHẠM TỘI ?

ĐIỂM BÁO MẠNG

TỘI CỦA Ô. VŨ HUY HOÀNG, TỘI CỦA Ô. LÊ THANH HẢI VÀ TỘI CỦA THẦY GIÁO NGUYỄN NĂNG TĨNH ?
NGUYỄN NGỌC CHU/ BVN 23-4-2020

TỄU - BLOG: CẦN BÃI BỎ ĐIỀU LUẬT KẾT TỘI TƯ TƯỞNG CHÍNH TRỊ ÔN HOÀ
1. Trong lịch sử nước ta, chưa bao giờ có nhiều án oan như bây giờ.
Ông Nguyễn Thanh Chấn thoát nạn tù chung thân sau hơn 10 năm tù oan (29/8/2003-4/11/2013) nhờ hung thủ ra tự thú. Mẹ tử tù Hồ Duy Hải (bị tù từ 21/3/ 2008) kêu oan suốt 12 năm cho con, rung động cả đất nước, mà vẫn chưa được minh oan. Vụ án bác sĩ Hoàng Công Lương. Vụ án Đặng Văn Hiến. Hàng ngàn hộ dân oan ở Thủ Thiêm. Không kể xiết. Nhà văn Phạm Lưu Vũ viết trong bài “Khóc Tố Như”:
Ngày xưa oan chỉ một nhà
Ngày nay muôn dặm đều là dân oan!
2. Điều khác biệt so với mọi thời là nguyên nhân dẫn đến án oan. Nhiều vụ án oan không phải do sai lầm trong xét xử, mà là do cố tình xử sai. Cố tình xử sai do bị sai khiến bởi quyền lực. Cố tình xử sai vì bị mua chuộc bởi đồng tiền.
Chưa bao giờ có nhiều “án bỏ túi” như bây giờ. Chưa bao giờ nhân cách của các quan tòa bị thấp kém như hiện nay. Những ai từng liên quan đến các vụ kiện thì mới thấm hiểu được một phần sự nhơ nhớp của các quan toà đương đại.
3. Đừng nói rằng vơ đũa cả nắm. Có ai chỉ ra được quan tòa nào không chịu khuất phục bởi quyền lực? Không bị mua chuộc bởi đồng tiền? Hãy nêu ra một cái tên?
4. Ngày 20/4/2020 Tòa án cấp cao Hà Nội đã y án Tòa án sơ thẩm Nghệ An ngày 15/11/2019, xử Thầy giáo Nguyễn Năng Tĩnh 11 năm tù giam và 5 năm quản chế về tội danh: “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu nhằm chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam”.
5. Thầy Nguyễn Năng Tĩnh là giảng viên âm nhạc trường Cao đẳng Văn hóa và Nghệ thuật Nghệ An. Thầy thể hiện chính kiến một cách ôn hòa. Thầy tham gia biểu tình chống Forrmosa. Thầy tham gia biểu tình bảo vệ biển đảo. Thầy chống cho Trung Quốc thuê đất.Thầy dạy học trò hát bài hát “Trả lại cho dân”. Không thể vì những điều đó mà lại kết án Thầy Nguyễn Năng Tĩnh đến 11 năm tù giam. Đây chắc chắn là một vụ án oan.

Ông Vũ Huy Hoàng bị xóa tư cách nguyên Bộ trưởng Công thương ...
Ông Vũ Huy Hoàng cựu Bộ trưởng Bộ Công thương
6. Ông Vũ Huy Hoàng cựu Bộ trưởng Bộ Công thương (2007-2016) đã phá nát nền kinh tế Việt Nam với các dự án thua lỗ lên đến hàng trăm ngàn tỷ đồng. Tội của ông Vũ Huy Hoàng là tội “Phá Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam”.

Vậy mà ông Vũ Huy Hoàng chỉ bị xóa tư cách “Nguyên bộ trưởng bộ Công Thương”, cách chức “ Bí thư Ban cán sự đảng bộ Công thương 2011-2016” - là những chức của quá khứ, không có thực. Ông Vũ Huy Hoàng không phải chịu một ngày tù nào.

Đề nghị kỷ luật nguyên Bí thư TP.HCM Lê Thanh Hải | Xã hội | Báo ...
Ông Lê Thanh Hải cựu Bí thư Thành ủy TP-HCM
7. Ông Lê Thanh Hải cựu Bí thư Thành ủy TP-HCM (2006-2016) gây tội tày đình, mang tai họa cho hàng chục ngàn dân oan Thủ Thiêm, làm thiệt hại cho nhà nước hàng trăm ngàn tỷ đồng, mà cũng chỉ bị cách cái chức không tồn tại là “Bí thư Thành ủy HCM nhiệm kỳ 2010-2015”.
Tội của ông Lê Thanh Hải là tội “Phá Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam”. Vậy mà ông Lê Thanh Hải chưa phải chịu một ngày tù nào.
8. So với ông Vũ Huy Hoàng và ông Lê Thanh Hải mới thấy rõ mức độ oan trái của Thầy Nguyễn Năng Tĩnh.
Đừng nói rằng “mọi sự so sánh là khập khiễng”. Vì các tội, dù theo điều khoản nào, cuối cùng cũng quy về các hình phạt mà nặng nhất là tù giam và tử hình.
Với nhân dân, không ai thấy Thầy Nguyễn Năng Tĩnh có hại. Họ chỉ thấy những người như ông Vũ Huy Hoàng, ông Lê Thanh Hải mới là nguy hại.
9. Làm thầy giáo mà không thể hiện được chính kiến của mình thì không thể đứng lớp, vì không có khả năng dạy cho học trò sự tự do thể hiện chính kiến. Có tự do thể hiện chính kiến thì mới có sáng tạo mà sinh ra phát minh. Tự do thể hiện chính kiến là thần cốt của tự do học thuật. Tự do học thuật là mục tiêu thiêng liêng của mọi sự học. Không thể bày tỏ chính kiến thì mọi sự học đều đi đến lịm tắt.
Nghề giáo thiêng liêng – được tôn làm thầy - chính là nhờ đã truyền dạy cho học trò sự tự do tư duy. Nhờ đó nhân loại mới không ngừng sáng tạo. Nhờ đó dân tộc mới độc lập tự chủ. Nhờ đó con người mới không bị khuất phục.
10. Tòa Giám đốc thẩm hãy sáng suốt trả lại công bằng cho Thầy giáo Nguyễn Năng Tĩnh.
Bỏ tù người thầy vì bày tỏ chính kiến là toan tính triệt đường nghề giáo. Tư tưởng của nhà giáo không thể giam cầm. Khí phách của nhà giáo không thể khuất phục.
Hãy nghe những lời nói của Thầy giáo Nguyễn Năng Tĩnh trong cuối phiên Sơ thẩm 15/11/2019:
“...Tôi khát khao một đất nước tự do, dân chủ. Tôi lo lắng cho vận mệnh đất nước và dân tộc; lo lắng cho môi trường sống của nhân dân bị đầu độc. Tôi không thể vô cảm và cam tâm trước nguy cơ mất chủ quyền quốc gia, trước mối đe dọa xâm lăng của Trung Quốc. Dù mức án có cao đến đâu, 10 năm, 20 năm, kể cả tử hình, tôi cũng không thay đổi chính kiến”.
Các nhà giáo ở đâu? Các luật sư ở đâu?
N.N.C.

CẢ NƯỚC GỒNG MÌNH CHỐNG DỊCH, CÁN BỘ TRANH THỦ KIẾM CHÁC PHẢI SỬ LÝ KỊCH KHUNG
NHẬT MINH/ GD 23-4-2020
Ngày 22/4, cổng thông tin điện tử Bộ Công an đưa tin, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã tiến hành điều tra, xác minh làm rõ sai phạm trong quá trình chỉ định thầu mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố Hà Nội thuộc Sở Y tế Hà Nội và một số đơn vị liên quan.
Quá trình điều tra bước đầu xác định các đối tượng đã câu kết, gian lận, thông đồng, nâng khống giá trị gói thầu mua sắm Hệ thống Realtime PCR tự động - xét nghiệm Covid-19 gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho Nhà nước.
Đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh. Ảnh: Đỗ Thơm
Căn cứ kết quả điều tra và tài liệu, chứng cứ thu thập được, ngày 22/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Thành phố Hà Nội thuộc Sở Y tế Hà Nội, Công ty cổ phần định giá và bán đấu giá tài sản Nhân Thành, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Vật tư khoa học và Thương mại Việt Nam (MST) và các đơn vị liên quan; Quyết định khởi tố bị can; Lệnh khám xét và Lệnh bắt bị can để tạm giam, áp dụng các biện pháp ngăn chặn về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, quy định tại Khoản 3, Điều 222 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, đối với bị can Nguyễn Nhật Cảm, (Sinh năm 1963, Giám đốc CDC Hà Nội thuộc Sở Y tế Hà Nội) và các bị can khác.
Trao đổi với Giáo dục Việt Nam, Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh – Đại biểu Quốc hội đoàn Thành phố Hà Nội nhấn mạnh: “Có vi phạm thì phải xử lý nghiêm, bất kể đó là ai. Giữa lúc nước sôi lửa bỏng cả nước gồng mình, nỗ lực chống dịch Covid-19 mà đạo đức cán bộ như vậy gây bức xúc cho dư luận”.
Đại biểu cũng chia sẻ, ngay từ sau Tết, khi dịch bệnh có dấu hiệu xảy ra ở Việt Nam, Thủ tướng có những chỉ đạo đầu tiên cho Bộ Y tế, cá nhân đại biểu đã có chia sẻ quan điểm cá nhân là phải đề phòng tình huống lợi dụng việc Nhà nước cấp ngân sách để phòng chống dịch bệnh để trục lợi, phục vụ lợi ích nhóm.
Chính phủ đã có chỉ đạo quyết liệt và đến nay thành quả là Việt Nam đang kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh Covid-19. Người dân rất tin tưởng vào Chính phủ. Vì thế, chiều 22/4, khi đọc thông tin trên từ Bộ Công an, đại biểu vô cùng bức xúc. Đại biểu tin nhiều cử tri cũng như vậy.
“Hoan nghênh Bộ Công an đã quyết liệt điều tra, đưa ra ánh sáng những cán bộ vi phạm pháp luật.
Giữa lúc nước sôi lửa bỏng, bao nhiêu bác sỹ, nhân viên viên y tế, chiến sĩ…đang căng mình ra chống dịch mà một cán bộ đứng đầu trung tâm kiểm soát dịch bệnh tật của Hà Nội có hành vi vi phạm pháp luật như vậy rõ ràng phải xử lý đến cùng.
Và tôi cũng mong sẽ làm rõ trách nhiệm quản lý, giám sát các cơ quan quản lý cấp trên đến đâu trong việc này”, Đại biểu Quốc Khánh nêu quan điểm.
Đại biểu cũng trăn trở là liệu có địa phương nào cũng để xảy ra sai phạm tương tự như CDC Hà Nội không và vai trò của các đơn vị giám sát việc này đến đâu?
“Bộ Công an phát hiện sai phạm trong quá trình chỉ định thầu mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Thành phố Hà Nội thuộc Sở Y tế Hà Nội và một số đơn vị liên quan, vậy các địa phương khác có không?
Nhiều năm qua, tôi luôn trăn trở là trong pháp luật hiện hành về mua sắm công vẫn đang có kẽ hở.
Dư luận luôn đặt ra nghi vấn trong những hoạt động mua sắm công có tình trạng gian lận, câu kết để nâng giá trục lợi không?
Vì thế, tôi vẫn theo đuổi xây dựng Luật hành chính công và dịch vụ công, làm sao để minh bạch, gắn trách nhiệm cao nhất của những người chịu trách nhiệm về vấn đề này.
Để làm sao, cán bộ không dám, không thể có hoa hồng, phần trăm khi thực thi trách nhiệm trong chi tiêu tiền từ ngân sách cho các dịch vụ công”, Đại biểu Khánh nói.
Nhật Minh
BỌN HẠI NƯỚC, HẠI DÂN LÀ AI?
XUÂN DƯƠNG/ GDVN  24-4-2020
Thông tin từ Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an cho hay, cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an tiến hành điều tra, xác minh làm rõ sai phạm trong quá trình chỉ định thầu mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thuộc Sở Y tế Hà Nội và một số người thuộc các đơn vị liên quan.

Bước đầu, 07 đối tượng liên quan đã bị bắt giữ trong đó có Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thuộc Sở Y tế, thành phố Hà Nội.

Sáu người còn lại là Nguyễn Vũ Hà Thanh, Lê Xuân Tuấn (cán bộ CDC), Đào Thế Vinh, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Vật tư khoa học và thương mại Việt Nam (MST); Nguyễn Trần Duy, Tổng giám đốc Công ty cổ phần định giá và bán đấu giá tài sản Nhân Thành; Nguyễn Ngọc Nhất, nhân viên Công ty trách nhiệm hữu hạn phát triển khoa học Vitech; Nguyễn Thanh Tuyền, nhân viên Công ty trách nhiệm hữu hạn thiết bị y tế Phương Đông.
7 đối tượng đã bị bắt giữ trong đó có Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thuộc Sở Y tế, thành phố Hà Nội. (Ảnh: Congluan.vn)

Thông tin trên Tuoitre.vn cho thấy Nguyễn Nhật Cảm có học hàm Phó Giáo sư, học vị Tiến sĩ. Thiết bị mà CDC dưới sự chỉ đạo của ông Cảm mua về là hệ thống xét nghiệm Realtime PCR dùng để xét nghiệm mẫu nghi nhiễm COVID-19, giá mua khoảng 7 tỷ đồng.
Chỉ cần gõ cụm từ “Realtime PCR” sẽ có hàng trăm quảng cáo giới thiệu máy từ các nhà cung cấp Việt Nam và giá cả có thể thương lượng.
“Một nhà cung cấp thiết bị xét nghiệm vào loại lớn trên thị trường cho biết giá một hệ thống xét nghiệm (tương tự như CDC đã mua) không quá 4 tỉ đồng”. [1]
Đại tá Nguyễn Văn Long (Cục trưởng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03, Bộ Công an) cho biết: "Hệ thống máy xét nghiệm Realtime PCR phòng chống Covid-19 khi nhập về Việt Nam giá khoảng 2,3 tỷ đồng.
Thông thường giá bán phải cộng thêm lợi nhuận, chi phí lưu kho, hoa hồng cho đại lý,… thì cũng không thể quá 3 tỷ đồng.
Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh là hai điểm bùng phát dịch được xếp vào loại “có nguy cơ cao”.
Khi những cây ATM gạo từ thiện đầu tiên xuất hiện tại Thành phố Hồ Chí Minh được hưởng ứng ngày càng nhiều tại các thành phố khắp Bắc, Trung, Nam, khi cả hệ thống chính trị trong đó đứng ở hàng đầu là lực lượng cán bộ y tế, quân đội, công an đang gồng mình chống đại dịch COVID-19 thì vẫn có những kẻ điềm nhiên gặm nhấm nỗi đau của đồng loại.
Khi bọn “củi tươi” công khai hoặc ngấm ngầm đục khoét ngân sách nhà nước thì chúng đã tự biến mình thành những con đỉa hút máu người đóng thuế, phê phán là chuyện của dư luận còn xử lý chúng là việc của cơ quan bảo vệ pháp luật.
Giữa đại dịch, ở Thành phố Hồ Chí Minh có một nhóm phó giáo sư, tiến sĩ, giảng viên Đại học Ngân hàng  tụ tập ăn nhậu dẫn đến có người rơi lầu tử vong. Sau đó một thời gian ngắn, tại Hà Nội cũng có vị phó giáo sư, tiến sĩ và một nhóm người rủ nhau “rơi” vào vòng lao lý.
Vì luật pháp quy định “Phó giáo sư” là học hàm chỉ phong cho những người trực tiếp giảng dạy nên những “nhà” gọi là “giáo” có học hàm, học vị nêu trên có phải là lũ sâu đang làm rầu thêm “nồi canh” giáo dục?
Có lẽ đành phải học ông Nam Cao mà “ní nuận” (viết đúng là lý luận) thế này “Các trường Ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước quản lý, các Đại học Y do Bộ Y tế quản lý, vậy nên “nồi canh” là của họ chứ không phải của mình”!
Nhưng dù sao, ở hai thành phố này mấy vị ấy cũng chỉ là những hạt cát bé tí nếu so với những tảng đá như các cựu Bí thư Thành ủy đã bị kỷ luật trong Đảng là các ông Đinh La ThăngLê Thanh HảiHoàng Trung Hải.
Vụ việc tại CDC Hà Nội, có ý kiến cho rằng hiện mới chỉ là nghi vấn chứ chưa chính thức kết án, điều này không sai.
Thế nhưng khi Bộ Công an quyết định khởi tố vụ án và Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao phê chuẩn thì không thể nói các cơ quan này chỉ dựa vào những chứng cứ chưa rõ ràng đã ra lệnh bắt người. 
Cũng trong đại dịch COVID-19, có những kẻ “xù” việc bán gạo cho dự trữ quốc gia nhưng lại lao vào xâu xé hạn ngạch xuất khẩu gạo.
Hành động của các doanh nghiệp đó hình như lại được tiếp tay bởi sự không minh bạch của một vài cơ quan thuộc Bộ Tài chính và Bộ Công thương khiến Thủ tướng Chính phủ phải lên tiếng.
Thủ tướng yêu cầu Thanh tra Chính phủ thanh tra đột xuất việc chấp hành các quy định trong công tác quản lý nhà nước về xuất khẩu gạo đồng thời thanh tra việc thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng tại các văn bản số 121, 2827 với mục đích làm rõ:
“Có hay không dấu hiệu trục lợi, tiêu cực để xử lý nghiêm theo quy định pháp luật, làm rõ thông tin báo chí phản ánh về việc công khai, minh bạch liên quan đến việc làm thủ tục hải quan và việc đăng ký mở tờ khai hải quan khi xuất khẩu gạo…”.
Báo chí nước ngoài, một số quan chức các tổ chức quốc tế đánh giá Việt Nam thành công trong phòng, chống đại dịch COVID-19 là nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và sự đoàn kết, đồng lòng của hơn 90 triệu người Việt.
Thế nhưng không thể không thừa nhận vẫn có những kẻ táng tận lương tâm, thừa cơ đục nước béo cò, mượn dịch bệnh để trục lợi.
Với riêng ông Nguyễn Nhật Cảm, ngay từ năm 2018, tập thể cán bộ viên chức Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội (nay là Trung tâm Kiểm soát bệnh tật - CDC) đã gửi đơn thư tố ông này tới báo Lao động Thủ đô (khi đó ông Cảm đang là Giám đốc Trung tâm).
Đơn thư cho thấy ông này có nhiều sai phạm, trong đó có nhiều khoản thu nhập bất thường so với tiền lương quy định của pháp luật như “tổng thu nhập được hưởng của ông Nguyễn Nhật Cảm là hơn 1 tỷ đồng, số tiền này cao gấp 5 lần mà Phó Giám đốc được hưởng, gấp 12 lần lương bác sĩ (hạng II) chuẩn bị về hưu, gấp 29,5 lần lương viên chức Đại học được hưởng”. [2]
Tiếp tay cho Nguyễn Nhật Cảm là Trưởng phòng Hành chính quản trị Lê Hồng Hải, hai người này “đã làm thất thoát tài sản của Nhà nước với số lượng tiền lên đến hàng trăm tỷ đồng. Có lợi ích nhóm trong việc đấu thầu…”. [2].
Đến đây thì không thể không nêu câu hỏi tại sao một “con sâu bự” như vậy, bị nhân viên dưới quyền tố cáo và báo chí đã đăng tải những số liệu chi tiết nhưng vẫn chễm chệ ghế giám đốc từ đó đến nay?
Nếu không có sự làm ngơ (hay bao che?) từ phía tổ chức nhân sự, của cơ quan bảo vệ pháp luật thì dựa vào đâu Nguyễn Nhật Cảm giữ nguyên được chiếc ghế của mình để tiếp tục bòn rút ngân sách?
Câu hỏi này buộc phải nêu lên bởi vì từ năm 2018, sau khi nhà nước đã thất thoát hàng trăm tỷ đồng vì “có lợi ích nhóm trong việc đấu thầu” và “Thanh tra Sở Y tế đã biết và đang vào cuộc kiểm tra.
Hiện vẫn đang chờ thông tin kết luận từ Sở Y tế” [2] nhưng cuối cùng thì Nguyễn Nhật Cảm vẫn nhởn nhơ, tiếp tục vi phạm pháp luật cho đến trước khi bị bắt.
Câu hỏi này cũng lý giải vì sao một vụ vi phạm quy định đấu thầu với giá trị không quá lớn nhưng phải do Bộ Công an xử lý chứ không phải là cơ quan chức năng Hà Nội, cụ thể là Thanh tra Sở Y tế thành phố?.
Từ vụ việc này Bộ Công an có nên mở rộng điều tra xem các địa phương khác đã mua hệ thống thiết bị Realtime PCR như tại Hà Nội hay không, nếu có thì hướng xử lý thế nào?
Các báo Dangcongsan.vn, Baochinhphu.vn, Quochoi.vn đều có bài viết với tiêu đề “Chống dịch như chống giặc”.
Với bọn giặc, chỉ có tiêu diệt chứ không thể xem xét tình tiết giảm nhẹ.
Với Nguyễn Nhật Cảm và đồng bọn, xử thế nào là chuyện của tòa án nhưng không thể không có bản án đanh thép để làm gương cho kẻ khác.
Điều cuối cùng nên nói là trách nhiệm của Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước thế nào khi để lọt những phó giáo sư như ông Hiệu phó Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh đang bị đình chỉ công tác hay ông phó giáo sư Cảm vừa bị bắt tạm giam?
Liệu còn bao nhiêu phó giáo sư, tiến sĩ như Nguyễn Nhật Cảm chưa bị lộ chân tướng?
Tài liệu tham khảo:
[1] //tuoitre.vn/bat-ong-nguyen-nhat-cam-giam-doc-trung-tam-kiem-soat-benh-tat-ha-noi-20200422140009487.htm
[2] //laodongthudo.vn/giam-doc-trung-tam-y-te-du-phong-ha-noi-bi-to-nhieu-sai-pham-81450.html
Xuân Dương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét