Chủ Nhật, 21 tháng 6, 2015

20150621. BÀN VỀ VAI TRÒ KINH TẾ TƯ NHÂN

ĐIỂM BÁO MẠNG
PHẢI CHĂNG KINH TẾ TƯ NHÂN LÀ NỀN TẢNG CỦA KINH TẾ QUỐC DÂN ?
GS. TS LÊ XUÂN TÙNG */ DÂN TRÌ 18/6/2015
Dân trí Theo dõi một số cuộc hội thảo khoa học và phương tiện truyền thông đại chúng gần đây cho thấy có một số người đưa ra những quan điểm xa lạ với quan điểm chính thống của Đảng và Nhà nước ta. Đáng chú ý là những phát biểu đó ngày càng nhiều và cao giọng hơn trước. Tiếp sức còn có “cố vấn” đẳng cấp nước ngoài. Vấn đề trung tâm mà họ kêu gọi là tư nhân hóa nền kinh tế.
Doanh nghiệp Việt đang... “phú quý giật lùi”?
Vị thế của kinh tế tư nhân ở nước ta đã có một bước tiến dài so với trước
Còn nhớ những năm 1958 - 1960, thời kỳ cải tạo xã hội chủ nghĩa (XHCN) ở miền Bắc chúng ta đã lên án tư hữu, coi nó là biểu hiện của phương thức sản xuất lạc hậu, không tương thích với chủ nghĩa xã hội (CNXH). Vì vậy, đã phát động phong trào đưa nông dân ồ ạt vào hợp tác xã từ bậc thấp đến bậc cao. Lối làm ăn tập thể kiểu cũ kéo dài về cơ bản cho đến những năm 80 của thế kỷ trước. Những doanh nghiệp tư bản tư nhân được vận động tham gia công tư hợp doanh, nhưng về thực chất thì gần như bị quốc hữu hóa và hoạt động giống xí nghiệp quốc doanh. Tình hình đó còn lặp lại sau ngày thống nhất đất nước năm 1975.Trước hết, xin lược qua vấn đề sở hữu tư nhân ở nước ta trong mấy chục năm qua với những bước thăng trầm tùy từng thời kỳ lịch sử.
Không thể phủ nhận kinh tế hợp tác xã đã có vai trò to lớn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, bảo đảm hậu phương vững chắc cho tiền tuyến đánh giặc. Nhưng cũng không thể nói khác là kinh tế hợp tác xã theo kiểu chúng ta xây dựng, về cơ bản, đã kìm hãm lực lượng sản xuất, gần như triệt tiêu động lực tích cực và sáng tạo của người lao động. Trong khi đó, chỉ với 5% ruộng đất mà mỗi hộ xã viên được nhận để tự canh tác nếu sản xuất hiệu quả thì đã có thể nuôi sống cả gia đình.
Điều nói trên chứng minh tính đúng đắn trong luận điểm của C. Mác rằng, không một hình thái xã hội nào diệt vong trước khi tất cả những lực lượng sản xuất mà hình thái xã hội đó tạo địa bàn đầy đủ cho phát triển vẫn chưa phát triển, và những quan hệ sản xuất mới, cao hơn, cũng không bao giờ xuất hiện trước khi những điều kiện tồn tại vật chất của những quan hệ đó chưa chín muồi trong lòng bản thân xã hội cũ.
Vậy mà sau chiến tranh một thời gian dài, kinh tế tập thể kiểu cũ vẫn được duy trì. Chúng ta không thừa nhận kinh tế tư nhân là một thành phần kinh tế cả trong đường lối, chính sách lẫn trong thực tế.
Chúng ta đã không chú ý đến lời giáo huấn của C. Mác và V.I. Lê-nin rằng, trong thời kỳ quá độ lên CNXH, nền kinh tế không thuần nhất, vừa có thành phần kinh tế XHCN, vừa có thành phần kinh tế tư bản chủ nghĩa (TBCN), thậm chí có cả thành phần kinh tế tiền TBCN. Và câu nói nổi tiếng của Ph. Ăng-ghen: Bắt con ngựa TBCN cày trên mảnh đất của CNXH. Có nghĩa là sử dụng chủ nghĩa tư bản (CNTB) phục vụ CNXH.
Việc xa rời những chỉ dẫn quan trọng trong xây dựng CNXH đã dẫn đến căn bệnh “ấu trĩ tả khuynh”(1) mà V.I. Lê-nin đã từng căn dặn phải đề phòng.
Đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (năm 1986) chúng ta mới thừa nhận có thành phần kinh tế tư nhân. Nghị quyết Đại hội viết sâu sắc về vấn đề này: nền kinh tế nước ta kém phát triển không chỉ vì lực lượng sản xuất lạc hậu, mà còn vì quan hệ sản xuất đi trước quá xa tính chất và trình độ lực lượng sản xuất. Nói cách khác là không phù hợp.
Nhưng khắc phục tư duy cũ không phải là việc có thể hoàn thành trong “một sớm một chiều” mà đòi hỏi một quá trình. Còn nhớ hồi đầu năm 1987, ngay sau Đại hội VI, tháng 12-1986, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã đi thăm một số cơ sở sản xuất tư nhân ở nội và ngoại thành Hà Nội. Lúc bấy giờ đó là điều hiếm thấy, xa lạ với nhiều người, khiến một số đồng chí trong Đảng, kể cả cán bộ cấp cao, cũng băn khoăn. Nghị quyết của Đảng đã có, nhưng để đi vào cuộc sống thật không dễ dàng.
Trong sản xuất tập thể, đến năm 1981, Chỉ thị số 100-CT/TW của Ban Bí thư về khoán sản phẩm mới chỉ nói đến nhóm và người lao động. Nghĩa là còn phải nói đến tập thể - nhóm. Nhưng đến năm 1988 với “khoán 10” đã cho phép khoán đến hộ gia đình. Động lực mới cho sản xuất theo đó cũng được tăng lên.
Từ những năm 90 của thế kỷ trước chúng ta đã cho phép đảng viên làm kinh tế tư nhân. Đến năm 2002, Đảng ta ban hành nghị quyết riêng về kinh tế tư nhân. Nghị quyết coi kinh tế tư nhân là bộ phận quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Phát triển kinh tế tư nhân là vấn đề chiến lược lâu dài. Nghị quyết yêu cầu sửa đổi một số cơ chế, chính sách, theo đó kinh tế tư nhân có thể thụ hưởng những chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với các ngành, các vùng, các sản phẩm và dịch vụ cần ưu tiên, khuyến khích phát triển không phân biệt thành phần kinh tế. Nhà nước có chính sách hỗ trợ về đào tạo, khoa học và công nghệ, về thông tin, xúc tiến thương mại. Đại hội X (năm 2006) thừa nhận kinh tế tư nhân là một trong những động lực của nền kinh tế. Đại hội XI (năm 2011) khuyến khích thành lập các tập đoàn kinh tế tư nhân và tư nhân góp vốn vào các tập đoàn kinh tế nhà nước. Tư nhân không chỉ hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu mà còn đầu tư trực tiếp ra nước ngoài. Gần đây Nhà nước khuyến khích tư nhân đầu tư vào các công trình kết cấu hạ tầng lớn, sử dụng rộng rãi hình thức công - tư trong hoạt động kinh tế...
Như vậy, về mặt pháp lý và thực tế, kinh tế tư nhân đã có chỗ đứng vững chắc trong nền kinh tế đất nước. Dĩ nhiên, chưa thể nói là tiềm năng của nó đã được huy động đầy đủ, mặc dù so với trước đây đã có những bước tiến khá dài.
Nhưng nếu từ đó mà kêu gọi tư nhân hóa nền kinh tế là một sự chệch hướng. Cần nhận thức đúng việc tư nhân góp vốn với các doanh nghiệp nhà nước và tập thể để mở rộng sản xuất, kinh doanh. Đó là phương thức kinh doanh công - tư kết hợp. Không thể đồng nhất việc tư nhân mua lại một số doanh nghiệp nhà nước vừa và nhỏ, doanh nghiệp nhà nước có vai trò ít quan trọng trong nền kinh tế, doanh nghiệp kinh doanh kém hiệu quả... với việc tư nhân hóa nền kinh tế, có nghĩa là chuyển nền kinh tế hiện nay sang chế độ sở hữu tư nhân.
Một quan điểm khác cho rằng, kinh tế nhà nước hoạt động kém hiệu quả, chỉ có kinh tế tư nhân mới là động lực chủ yếu để đưa nền kinh tế đi lên, nên hãy để cho tư nhân đảm nhiệm vai trò phát triển kinh tế. Nói như vậy cũng không ổn. Thực tế chứng minh rằng, cả kinh tế nhà nước và kinh tế tư nhân đều có những đơn vị hoạt động hiệu quả và những đơn vị làm ăn kém hiệu quả. Do quản lý kinh tế trong nước còn yếu kém nên cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới vừa qua tác động đã làm cho hàng chục vạn doanh nghiệp ở nước ta đổ vỡ, trong đó có cả doanh nghiệp nhà nước, tập thể và tư nhân. Điều đó là khá rõ ràng. Cái đáng nói là, doanh nghiệp nhà nước với điều kiện thuận lợi hơn tư nhân mà làm ăn “bê bết” là không thể chấp nhận được.
Để thay đổi thực trạng này, một trong những vấn đề cần quan tâm là công tác quản lý. Có nhà kinh tế nước ngoài đã đúc kết bằng một mệnh đề “sở hữu công nhưng quản lý tư”. Hàm ý là tư nhân quản lý chặt đồng tiền của mình đã bỏ ra. T được đưa vào kinh doanh phải mang về T’ (cả vốn lẫn lãi). Không để tình trạng “cha chung không ai khóc”. Muốn như vậy phải chọn người thật đúng - “chọn mặt gửi vàng”. Không phải là chỉ định các chức vụ quản lý theo quan hệ thân quen, vì tiền bạc, hoặc bị chi phối theo “lợi ích nhóm”. Tất cả các chức vụ quan trọng phải bằng lựa chọn thi tuyển công khai, minh bạch. Trường hợp Vinashin quốc doanh của chúng ta là một trong những bài học đắt giá về công tác quản lý. Hơn 700 triệu USD công trái thu về đưa vào kinh doanh bị “bốc hơi”, thua lỗ và tham nhũng hết, hơn nữa còn nợ đọng lên tới mấy tỷ USD không trả được. Quản lý nhà nước cấp trên đến mức độ này mới biết chuyện, khi doanh nghiệp trên thực tế “đã chết” từ lâu rồi. Nếu sửa được những yếu kém trong công tác quản lý thì các đơn vị kinh tế nhà nước vẫn có khả năng mang lại hiệu quả kinh tế.
Có người còn đẩy lên cao khi công khai cho rằng kinh tế tư nhân là nền tảng của nền kinh tế quốc dân của chúng ta.
Trước đây chúng ta mắc sai lầm tả khuynh vì không sử dụng kinh tế tư nhân thì nay có người phạm sai lầm ngược lại, gán cho kinh tế tư nhân vai trò mà nó không thể làm được xét cả về lý luận và thực tiễn.
Không thể thượng tầng kiến trúc của chúng ta vận hành theo định hướng XHCN mà hạ tầng cơ sở dựa trên sở hữu tư nhân. Hoàn toàn mâu thuẫn, vì kinh tế tư nhân, như kinh nghiệm thế giới đã chỉ ra, nếu tự nó, sẽ vận động về hướng nào, chắc mọi người đã rõ.
Hạ tầng cơ sở của mỗi thời đại lấy quan hệ sản xuất đặc trưng, tiêu biểu của thời đại đó làm nền tảng. Những quan hệ sản xuất khác trước đó vẫn được sử dụng nếu thực tế có nhu cầu, nhưng không bao giờ lại đóng vai trò là nền tảng, là chủ đạo của nền kinh tế quốc dân. Đó là một chân lý bất di bất dịch của mọi thời đại.
Vậy nên Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) đã khẳng định: “Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo,... Kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân”(2). Hiến pháp năm 2013 cũng chỉ rõ: “kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo”(3). Cương lĩnh và Hiến pháp nói như vậy là đúng về lý luận. Nhưng trên thực tế hiện nay, vai trò đó chưa được thực hiện đúng như yêu cầu, vẫn còn nhiều yếu kém. Điều này cũng dễ hiểu. Cương lĩnh đã lưu ý điều đó khi viết: “ngày càng trở thành nền tảng” (tác giả nhấn mạnh).
Vấn đề này có nguyên nhân chủ quan và khách quan.
Về chủ quan, Đảng và Nhà nước dù đã quan tâm nhiều đến việc củng cố và kiện toàn kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể, nhưng so với yêu cầu vẫn chưa đạt và hiệu quả còn thấp.
Về khách quan, đây là công việc hết sức khó khăn, phức tạp và lâu dài. Phải trải qua một thời kỳ thử nghiệm và lựa chọn, thất bại và thành công, cuối cùng mới tìm ra được những mô hình tốt để hoàn thiện và nhân lên trên diện rộng, trở thành một xu thế bền vững, không thể đảo ngược.
Tầm vóc của nó thật là vĩ đại, vì đây “là việc đặt nền móng kinh tế cho tòa nhà mới, tòa nhà xã hội chủ nghĩa”(4).
V.I. Lê-nin đã nhiều lần đề cập đến vấn đề này sau Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917, rằng: “danh từ nước Cộng hòa xô-viết xã hội chủ nghĩa có nghĩa là chính quyền xô-viết quyết tâm thực hiện bước chuyển lên chủ nghĩa xã hội, chứ hoàn toàn không có nghĩa là đã thừa nhận chế độ kinh tế mới là chế độ xã hội chủ nghĩa”(5). Điều đó đòi hỏi một thời kỳ quá độ dài. Phải dùng chính quyền mới để tạo lập chế độ kinh tế mới phù hợp(6).
Đây là sự vận dụng mối quan hệ biện chứng giữa thượng tầng kiến trúc và hạ tầng cơ sở. Trong quá trình đó, vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước cũng như tính chất nền tảng của kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể sẽ lớn dần lên và đạt tới độ chín muồi khi cơ sở vật chất của CNXH và chế độ kinh tế mới tương ứng với chế độ chính trị được xây dựng xong về cơ bản. Không thể đòi hỏi sự tiến bộ vượt bậc của quan hệ sản xuất XHCN ngay đầu thời kỳ quá độ như một số người mong muốn. Đó cũng là một biểu hiện của bệnh “ấu trĩ tả khuynh” như V.I. Lê-nin đã vạch ra.
Những vấn đề nói trên mang tính quy luật đối với các nước tiền TBCN hoặc những nước TBCN kém phát triển tiến lên CNXH.
Trên đây chúng ta đã bàn về việc tại sao kinh tế tư nhân không đóng được vai trò là nền tảng của kinh tế quốc dân trong chế độ chúng ta.
Còn về mặt thực tế, tư nhân nước ta hiện nay và cả sau này khi phát triển hơn, xét về tổng thể, vẫn không thể đảm đương nổi vai trò này.
Tư nhân không muốn và không đủ sức đầu tư vào những công trình lớn, xây dựng dài ngày, hiệu quả đầu tư thấp, thu hồi vốn chậm; những công trình công ích lãi suất thấp hoặc phi lợi nhuận; còn những công trình quốc phòng - an ninh vốn là độc quyền của nhà nước.
Vậy, Nhà nước định hướng tư nhân phát triển theo con đường nào?
Phần lớn những doanh nghiệp tư nhân vừa và lớn được khuyến khích phát triển theo con đường chủ nghĩa tư bản nhà nước hay như thuật ngữ mà chúng ta quen dùng hiện nay là “đối tác công tư”, “công - tư kết hợp”.
Đó là con đường đầy triển vọng, không chỉ có lợi cho cả “công” và “tư” mà còn có lợi cho việc tạo nên sức mạnh tổng hợp của đất nước. V.I. Lê-nin đánh giá cao con đường này. Người nói: “Trong một nước tiểu nông, trước hết các đồng chí phải bắc những chiếc cầu nhỏ vững chắc, đi xuyên qua chủ nghĩa tư bản nhà nước, tiến lên chủ nghĩa xã hội”(7).
Hiện nay, chúng ta đang có bước khởi đầu đi trên con đường này. Đó là việc những đơn vị kinh tế tư nhân lớn tham gia góp vốn cùng kinh tế nhà nước để được nhượng quyền khai thác có điều kiện những cơ sở lớn thuộc kết cấu hạ tầng, như hải cảng, sân bay, đường cao tốc... theo hợp đồng. Nhà nước vẫn giữ quyền chi phối một số mặt quản lý quan trọng để bảo đảm hài hòa các lợi ích: Nhà nước - doanh nghiệp - người tiêu dùng. Chúng ta cần mở rộng hơn nữa hình thức này trên các lĩnh vực khác của đời sống kinh tế.
Đối với vấn đề này hiện nay cũng đang có những quan điểm trái ngược nhau. Một số người cho rằng, làm như thế là tài sản nhà nước bị xâm phạm, là tạo điều kiện cho tư nhân phát triển đi đôi với sở hữu XHCN bị thu hẹp... Họ không thấy rằng, nếu để cho Nhà nước độc quyền kinh doanh tất cả thì không làm nổi, hoặc dẫn đến tình trạng cơ sở vật chất kỹ thuật bị xuống cấp. Đó là chưa nói đến làm như vậy Nhà nước sẽ rút ra được một số tiền không nhỏ để đầu tư vào những công trình khác đang rất “khát” vốn. Một dự báo cho thấy, trong 15 năm tới số công trình thuộc kết cấu hạ tầng dự kiến triển khai sẽ rất lớn, trong đó Nhà nước chỉ bảo đảm được 30% tổng số vốn. Làm theo cách trên là một sự lựa chọn tốt, tìm lối ra cho nền kinh tế.
Tất nhiên, chúng ta phải đề phòng, ngăn chặn và đấu tranh quyết liệt với các hành vi tiêu cực, lợi dụng hình thức này để phục vụ lợi ích cá nhân hoặc lợi ích nhóm.
Còn quan điểm khác cổ xúy tư nhân hóa toàn bộ nền kinh tế, Nhà nước không cần nắm gì, chỉ cần thông qua luật để điều tiết là đủ… “Tay không bắt giặc” cũng là phi thực tế. Tóm lại, hiện đang có hai xu hướng: một là, Nhà nước nắm lấy tất cả; hai là, Nhà nước buông tất cả. Như vậy, chúng ta càng thấy luận điểm “Chủ nghĩa tư bản nhà nước” của V.I. Lê-nin là giải pháp đúng đắn biết nhường nào!
Nói về quá trình cổ phần hóa ở nước ta đang tiến hành hiện nay, có người cho đó là quá trình tư nhân hóa. Có lẽ gọi đó là quá trình xã hội hóa (đầu tư) thì đúng hơn.
Quá trình tư nhân hóa điển hình diễn ra ở nước Nga thời Tổng thống B. En-xin đầu những năm 90 của thế kỷ trước. Lúc đó người ta bán rẻ cho tư nhân những cơ sở kinh tế lớn hoặc vừa, quan trọng nhiều hoặc ít. Có những người chớp thời cơ, qua một đêm trở thành tỷ phú. Về sau, dưới thời Tổng thống V. Pu-tin đã diễn ra cuộc đấu tranh quyết liệt để lấy lại một phần tài sản quốc gia bị mất vào tay những kẻ tài phiệt.
Còn ở nước ta, thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, xét về chủ trương, không mang tính chất tư nhân hóa. Đối tượng cổ phần hóa do Nhà nước quyết định: cổ phần doanh nghiệp nào, toàn bộ hoặc một phần. Nhà nước có thể không tham gia cổ đông, hoặc tham gia với tư cách là cổ đông thường hay cổ đông chi phối. Tiền thu về hoặc để đầu tư trở lại doanh nghiệp hoặc đầu tư để phát triển doanh nghiệp mới. Người mua cổ phần đa dạng: đó chính là doanh nghiệp nhà nước; doanh nghiệp tập thể; là nhà đầu tư nước ngoài (coi trọng nhà đầu tư chiến lược) bao gồm nhà nước và tư nhân; nhà đầu tư tư nhân trong nước; bản thân người lao động. Như vậy là toàn xã hội có thể cùng tham gia cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.
Quá trình cổ phần hóa ở nước ta hiện nay hết sức tránh lấy tốc độ hoàn thành vào năm 2015 làm mục tiêu duy nhất mà xem nhẹ chất lượng cổ phần hóa. Phải chú ý xây dựng phương án quản trị doanh nghiệp, phương án sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp sau cổ phần hóa. Chính điều này quyết định tính hiệu quả và sự thành công của cổ phần hóa doanh nghiệp.
Tóm lại, vai trò, vị thế của kinh tế tư nhân ở nước ta đã có một bước tiến dài so với trước. Chúng ta phải tiếp tục hoàn thiện về thể chế, nhất là chỉ đạo tổ chức thực tiễn để thực hiện đúng đường lối, chính sách, phát huy hơn nữa tiềm năng của kinh tế tư nhân. Nhưng đừng bao giờ quên rằng đây là kinh tế tư nhân hoạt động dưới CNXH, chịu sự chi phối của Nhà nước pháp quyền XHCN, có nhiệm vụ góp phần xây dựng CNXH thành công. Đừng bao giờ gán cho kinh tế tư nhân vai trò và nhiệm vụ mà nó không thể có và không thể nào thực hiện được.
Lê Xuân Tùng*
* GS, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội
(1) V.I. Lê-nin: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, t. 36, tr. 347
(2) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 73 - 74
(3) Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2014, tr. 25
(4) V.I. Lê-nin: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, t. 44, tr. 188
(5) V.I. Lê-nin: Sđd, t. 36, tr. 362
(6) V.I. Lê-nin: Sđd, t. 36, tr. 208, 210; t. 42, tr. 33
(7) V.I. Lê-nin: Sđd, t. 44, tr. 189
VỀ BÀI BÁO CỦA GIÁO SƯ LÊ XUÂN TÙNG
Bài của TS NGUYỄN THÀNH SƠN / BVN 20/6/2015
Báo Dân Trí đã đăng bài viết “Phải chăng kinh tế tư nhân là nền tảng của nền kinh tế quốc dân” của tác giả Lê Xuân Tùng (LXT) tại trang điện tử:
http://dantri.com.vn/xa-hoi/phai-chang-kinh-te-tu-nhan-la-nen-tang-cua-nen-kinh-te-quoc-dan-1079701.htm. Nội dung và tư tưởng chủ đạo trong bài viết của giáo sư LXT là phủ nhận vai trò chủ đạo của kinh tế tư nhân trong nền kinh tế quốc dân của Việt Nam (VN) cả về lý luận cũng như thực tiễn.
Trước hết, vì nội dung và tư tưởng của bài viết đang mâu thuẫn với một chủ trương đúng đắn và hết sức sáng suốt của Nhà nước VN (đảng, chính phủ, quốc hội VN) về đẩy mạnh “cổ phần hóa” các doanh nghiệp nhà nước, “xã hội hóa” các dịch vụ công. Nghiêm trọng hơn nữa, tác giả của bài viết đã từng là một “VIP” cộng sản. Bài viết được đăng trên báo “lề phải” vào thời điểm Đảng cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) đang chuẩn bị tiến hành Đại hội đảng toàn quốc lần thứ XII. Những điều đó có thể làm cho người đọc nhầm tưởng bài báo của giáo sư LXT thể hiện quan điểm chính thống của ĐCSVN.
Vì vậy, với tư cách là một đảng viên ĐCSVN (33 năm tuổi đảng), một cán bộ làm việc trong “kinh tế nhà nước” 37 năm, tôi xin trình bày một số ý kiến phản biện về những quan điểm và nhận thức lệch lạc trong bài báo của giáo sư LXT như sau:
Về mặt thực tiễn (lý luận được rút ra từ thực tiễn):
Vai trò của kinh tế tư nhân trên thế giới: Trong lịch sử của nhân loại, có rất nhiều ví dụ về việc kinh tế tư nhân đã thể hiện vai trò mà kinh tế nhà nước không thể hiện được. Trong lĩnh vực văn hóa và giáo dục (ngày nay chúng ta ghép vào “dịch vụ công”), nếu không có kinh tế tư nhân, nhân loại không thể có được những viện bảo tàng nổi tiếng (ở Nga, Pháp, Anh, Đức), không có được các trường đại học tuyệt vời (ở Mỹ, Anh, Singapore) như ngày nay. Trong khoa học, các giải thưởng Nobel, các phát minh khoa học đóng vai trò quyết định sự phát triển nền văn minh của nhân loại cũng có được là do các hoạt động của kinh tế tư nhân mang lại. Trong kinh tế, những sản phẩm của các hãng Microsoft, Google, Yahoo, IBM, Ford, GE, Rolls Royce, Toyota, Sony, Nokia, Samsung v.v… rất có hiệu quả, và không thể thay thế trong nền kinh tế-xã hội toàn cầu, không thể có được nếu các hãng này không phải là doanh nghiệp tư nhân.
Ở các nước TBCN, các doanh nghiệp nhà nước và lĩnh vực kinh tế nhà nước cũng không đóng vai trò quan trọng như những doanh nghiệp tư nhân và lĩnh vực kinh tế tư nhân. Trong lĩnh vực tài chính của thế giới, các định chế tài chính lớn như Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Châu Á, Quĩ tiền tệ quốc tế, hay kể cả Cục dự trữ Liên bang Mỹ cũng được thành lập và hoạt động chủ yếu dựa vào “kinh tế tư nhân”. Ở các nước có nền kinh tế càng phát triển, lĩnh vực kinh tế tư nhân càng có vai trò chủ đạo và có xu hướng dần dần thay thế kinh tế nhà nước (kể cả trong lĩnh quốc phòng, hay trinh phục vũ trụ). Mỹ là nước có tiềm lực quốc phòng mạnh nhất thế giới, nhưng tiềm lực này cũng dựa chủ yếu vào các doanh nghiệp tư nhân và kinh tế tư nhân. Trong nền kinh tế tư nhân hàng đầu thế giới này, chỉ riêng các doanh nghiệp tư nhân vừa và nhỏ chiếm tỷ trọng đến 90% và luôn luôn đóng vai trò chủ đạo trong kinh tế thị trường.
Ở các nước XHCN cũ: Phương thức sản xuất trước đây dựa chủ yếu vào doanh nghiệp nhà nước và kinh tế nhà nước đã phải nhường chỗ cho phương thức sản xuất dựa chủ yếu vào doanh nghiệp tư nhân và kinh tế tư nhân. Nước Nga, sau khi Liên Xô tan rã, đã không thể tồn tại được nếu như không có cuộc cách mạng “tư nhân hóa” do B. Enxin khởi xướng từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước.
Trong bài viết của mình, giáo sư LXT đã đưa ra nhận xét phiến diện về công cuộc đổi mới nền kinh tế và cải cách thể chế chính trị (mà nòng cốt của chúng là giải thể mô hình XHCN và tư nhân hóa nền kinh tế) đã được diễn ra thành công trên quê hương của Cách mạng Tháng Mười vĩ đại. Người dân Nga, kể cả những người cộng sản, đều thừa nhận vai trò to lớn của kinh tế tư nhân và những đóng góp quan trọng của những người từng là VIP cộng sản như M. Gorbatrốp, B. Enxin, V. Putin vào việc đoạn tuyệt dứt khoát với đường lối XHCN và CSCN để cứu nước Nga sau gần ¾ thế kỷ tồn tại và phát triển theo những định hướng sai lầm. Nếu không có sự chuyển đổi mạnh từ kinh tế nhà nước sang kinh tế tư nhân, các nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa xô viết cũ cũng không thể phát triển và tồn tại được như ngày nay. Trên thế giới, những nước có nền kinh tế nhà nước đóng vai trò chủ đạo chỉ đếm trên đầu ngón tay và rất dễ nhận biết như Trung Quốc, Triều Tiên, Cu Ba, v.v.
Giáo sư LXT viết: “Quá trình tư nhân hóa điển hình diễn ra ở nước Nga … những kẻ tài phiệt.
Trong đoạn văn trên, tác giả đưa ra những nhận định chủ quan và phiến diện. Việc tư nhân hóa ở nước Nga hoàn toàn không phải là “điển hình”, chỉ mang tính rất riêng biệt và có phần độc đáo. Nội dung câu này cho thấy tác giả chỉ nhận thấy cái “đuôi” của con voi “quá trình tư nhân hóa” ở nước Nga. Nên nhớ rằng, trên thực tế, người Nga coi cuộc cách mạng “tư nhân hóa” của B. Enxin giống như “cách mạng tháng Mười” của V.Lênin (chúng tôi xin phép bàn riêng về đề tài này).
Vai trò của kinh tế tư nhân ở VN: Trong một thời gian dài, ở VN, khi gianh giới giữa lập pháp, hành pháp, và tư pháp còn chưa rõ nét như ngày nay, trong lĩnh vực kinh tế, nhà nước đã thực hiện chức năng quản lý kinh doanh là chủ yếu. Vì vậy, kinh tế tư nhân gần như bị coi nhẹ và vai trò quan trọng của nó không được nhận ra cho đến khi nhà nước (mà cụ thể là Chủ tịch Hồ Chí Minh) cho thực hiện chính sách “ruộng 5%”- tức thực hiện kinh tế tư nhân trong nông nghiệp. Và ngay từ khi đó, mọi người đều thừa nhận trong nông nghiệp, 5% đã quan trọng (có vai trò chủ đạo) hơn 95%.
Các doanh nghiệp nhà nước lớn của VN- những quả đấm “thép” của nền kinh tế nhà nước, từ các tập đoàn Dầu khí, Viễn thông, Điện lực … đến các tổng công ty lớn như Hàng không, Thép, Xi măng, Hóa chất … trong thời gian qua chắc chắn đã không thể phát triển được, thậm chí còn bị xóa sổ nếu không dựa vào sự hợp tác (mua bán, trao đổi) với các doanh nghiệp tư nhân nước ngoài. Nền kinh tế của VN phát triển được như ngày nay chủ yếu dựa vào đầu tư nước ngoài. Đầu tư nước ngoài chính là lĩnh vực kinh tế tư nhân.
Những công trình kinh tế quan trọng ở VN (chủ yếu thuộc lĩnh vực cơ sở hạ tầng) được xây dựng bằng nguồn vốn ODA và vốn vay của nước ngoài đang đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế của VN. Nên nhớ rằng, các nguồn vốn đó (mà các chính phủ nước ngoài có được để cho vay) hoàn toàn do kinh tế tư nhân nước ngoài nộp thuế tạo ra. Hiện nay, nếu không tính hai lĩnh vực nông nghiệp và đầu tư nước ngoài (là kinh tế tư nhân gần như 100%), phần còn lại là doanh nghiệp nhà nước không thể đóng vai trò chủ đạo, kể cả về giá trị thặng dư mà nó mang lại, kể cả về lực lượng lao động mà nó nuôi sống.
Nếu không có kinh tế tư nhân, chỉ dựa vào kinh tế nhà nước, liệu hai trung tâm kinh tế lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, có phát triển được như hiện nay? Việc giao lưu giữa hai bờ sông Hồng (qua cầu Thành trì, Vĩnh Tuy, Nhật Tân), sông Sài Gòn (Cầu Sài Gòn 2, hầm Thủ Thiêm) có được như biện nay cũng dựa vào kinh tế tư nhân. Các công trình cầu, đường, sân bay, cảng biển khác trong cả nước cũng được xây dựng bằng nguồn vốn vay của kinh tế tư nhân nước ngoài là chủ yếu. Các phương tiện vận tải khách và hàng hóa nội địa chủ yếu cũng của kinh tế tư nhân trong nước. “Tam giác kinh tế” Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh nếu chỉ dựa vào các đại gia “Đường sắt Việt Nam” hay “Đường bộ Việt Nam”, không có sự tham gia của lực lượng vận tải hành khách và vận tải hàng hóa của tư nhân, chắc chắn đã chết yểu từ lâu.
Trước đây, nếu không có các tư nhân và kinh tế tư nhân, trong lĩnh vực văn hóa giáo dục VN không thể có được ngôn ngữ tiếng Việt với 24 chữ cái tuyệt vời như hiện nay, nhà hát Lớn, các nhà thương Bạch Mai, Phủ Doãn, Xanh Pôn, các trường Bưởi, quốc học Huế. Trong lĩnh vực kinh tế, nếu không có kinh tế tư nhân, VN không thể có được nhà đèn Yên Phụ, khu mỏ Hòn Gai, cảng Hải Phòng, sân bay Bạch Mai, nhà ga Hàng Cỏ v.v. Tất cả những công trình đó (là thành quả của kinh tế tư nhân), đã từng làm tiền đề cho sự nghiệp xây dựng kinh tế-xã hội và hình thành kinh tế nhà nước ở VN.
Ngày nay, nếu không có kinh tế tư nhân, VN không thể trở thành nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới. Trong quá khứ, chúng ta đã xây dựng hàng trăm nông trường, lâm trường quốc doanh (kinh tế nhà nước) nhưng lương thực, thực phẩm phải bán theo tem phiếu, phải nhập tới 2 triệu tấn gạo/năm để nuôi 31 triệu người.
Nếu chỉ dựa vào kinh tế nhà nước, đời sống văn hóa của chúng ta sẽ đi đến đâu?. Ở thủ đô Hà Nội, chưa có công trình văn hóa nào của kinh tế nhà nước “qua mặt” được Nhà hát Lớn. Rạp xiếc Trung ương (kinh tế nhà nước) phải cho tư nhân thuê để kinh doanh bia, nhà hát Kim Mã phải đóng cửa, công viên Thống Nhất đang bị “kinh tế nhà nước” xẻ thịt bán đất để tồn tại v.v. Trong khi đó, các tầng hầm ở Royal City lúc nào cũng đông nghẹt người đến vui chơi, mua sắm. Trong khi, bị kinh tế nhà nước chiếm hết chỗ dành cho vui chơi, thể dục, thể thao và hóng mát, người già, con trẻ ở thủ đô Hà Nội phải đến các tòa nhà của kinh tế tư nhân trả tiền để tắm mát, bơi lội, trượt băng, chốn tránh những ngày hè nóng bức.
Nếu không có lĩnh vực kinh tế tư nhân chúng ta đã không giải quyết được vấn đề nhà ở (từ nông thôn đến thành thị) như hiện nay, không thể có được những khu đô thị mới bên bờ sông Hồng Hà Nội như Ecopark và giữa Sài Gòn như Phú Mỹ Hưng. Khi kinh tế nhà nước đóng vai trò chủ đạo, chung cư cao nhất Hà Nội chỉ xây được có 6 tầng. Ngày nay, các tòa nhà của kinh tế tư nhân Mường Thanh, Vincom, Hoàng Anh Gia Lai, Bitexco v.v. thấp nhất cũng trên 20 tầng, được xây ở khắp mọi nơi. Nếu không có kinh tế tư nhân, khách sạn Thắng Lợi bên Hồ Tây liệu có đủ chỗ để chúng ta đón các các đoàn khách nước ngoài đến dự IPO, nhà khách Chính phủ bên Hồ Hoàn Kiếm liệu có đủ điều kiện để đón các nguyên thủ quốc gia đến dự các hội nghị của APEC, ASEAN v.v.
Nếu chỉ có kinh tế nhà nước, nền kinh tế quốc dân của VN đang dựa vào ai? và dựa như thế nào?. Hiện tượng Vinashin, như đã được giáo sư LXT đề cập hời hợt trong bài báo, nói lên điều gì?. Nếu đi sâu phân tích đến cùng (cả về lý luận lẫn thực tiễn) vụ việc Vinashin chắc chắn chúng ta sẽ có câu trả lời cho câu hỏi nên gán “vai trò chủ đạo” cho lĩnh vực kinh tế nào?. Không chỉ có Vinashin. Sau gần 20 năm hình thành và phát triển, các doanh nghiệp nhà nước lớn (tập đoàn và tổng công ty)- những “quả đấm thép” của kinh tế nhà nước đến nay ra sao?. Vinaline cũng giống như Vinashin. Các Vina cà phê và Vina gạo tồn tại trên lưng của kinh tế tư nhân. Tập đoàn Điện lực tồn tại được nhờ tăng giá điện liên tục, mọi yếu kém, thua lỗ đổ hết lên đầu người dùng điện. Các tập đoàn Dầu khí, Than-khoáng sản chỉ tồn tại được nhờ nguồn tài nguyên khoáng sản có sẵn trong nước. Các dự án đầu tư ra nước ngoài của hai “đại gia” này chỉ thấy tiền có “đi” mà không có “về”. Các tổng công ty nhà nước trong lĩnh vực sản xuất xi măng, sắt thép, phân bón, hóa chất liên tục sản xuất ra các sản phẩm có giá thành cao hơn so với giá nhập khẩu từ các nhà máy của tư nhân nước ngoài. Nhà máy pin Văn Điển của kinh tế nhà nước, đã sang thế kỷ XXI rồi vẫn chưa chế tạo nổi một cục pin kiềm chỉ nhỏ bằng cái đầu đũa, vẫn tiếp tục tung ra thị trường sản phẩm pin kẽm “con thỏ” lạc hậu hàng trăm năm. Trong khi các nhà máy cơ khí chế tạo của kinh tế nhà nước “một thời vang bóng” (cơ khí Trần Hưng Đạo, cơ điện Hà Nội, cơ khí Chính xác, công cụ Số 1, cơ khí Trung qui mô v.v.) phải bán đất cho kinh tế tư nhân để xây bất động sản (Vincom, Melia, Royal City), thì cơ khí Quang Trung của kinh tế tư nhân đã đóng vai trò quan trọng và quyết định trong việc sớm đưa công trình thủy điện Sơn La vào vận hành vượt tiến độ, góp phần làm lợi hàng chục ngàn tỷ đồng. Cơ khí ô tô của kinh tế nhà nước (cơ khí Giao thông vận tải) chỉ đóng được vài chục thùng xe tải, rồi cũng phải bán đất cho dự án nhà ở (Nam Đô). Trong khi người VN vẫn phải mua ô tô giá cao (gấp 2-3 lần so với các nước), cơ khí ô tô của kinh tế tư nhân (Vinaxuki, Toyota, Honda, Hyundai, Ford v.v.) đã vận dụng chính sách thuế của nhà nước để thu lợi hàng tỷ đô la mỗi năm.
Nói tóm lại, thực tế cho thấy, nền kinh tế quốc dân ở VN không thể phát triển được như ngày nay nếu không có kinh tế tư nhân.
Về mặt lý luận
Nhà nước, theo nghĩa triết học và chính trị - kinh tế học, có vai trò quản lý, không có vai trò kinh doanh. Ngay trong nghĩa hẹp của ‘quản lý’, nhà nước cũng thực hiện chức năng quản lý nhà nước, không thực hiện chức năng quản lý kinh doanh. ‘Doanh nghiệp nhà nước’ chỉ làm ‘kinh tế nhà nước’, nhưng, ‘doanh nghiệp tư nhân’ có thể vừa làm ‘kinh tế tư nhân’, vừa làm “kinh tế nhà nước”.
Chúng ta không phủ nhận vai trò của kinh tế nhà nước, nhưng vai trò chủ đạo đó (nếu có) không thể “bất di, bất dịch”. Trong các giai đoạn phát triển của nền kinh tế VN, kinh tế nhà nước và kinh tế tư nhân đã thay nhau đóng vai trò chủ đạo. Nếu như điều gì đó có thể coi như “chân lý bất di bất dịch của mọi thời đại”, đó chính là điều đã được C. Mác và V. Lênin tiên đoán: nhà nước sẽ dần dần phải giảm nhẹ đi vai trò của nó và cuối cùng phải biến mất trong phương thức sản xuất cộng sản chủ nghĩa. Có thể hiểu, kinh tế nhà nước, cuối cùng cũng phải nhường chỗ cho kinh tế phi nhà nước (kinh tế tư nhân) để chịu sự chi phối của “bàn tay vô hình” (như Adam Shmit- người được C. Mác coi là thày, đã đề cập từ trước khi xuất hiện phương thức sản xuất XHCN). Cố tình nhấn mạnh vai trò của kinh tế nhà nước là chúng ta vô tình phủ nhận chân lý của C.Mác và V.Lênin.
Như C.Mác đã dạy: phương thức sản xuất này chỉ thắng phương thức sản xuất khác bằng năng suất lao động cao hơn. Ở VN hiện nay, rõ ràng năng suất lao động (hay hiệu quả) của các doanh nghiệp tư nhân và trong lĩnh vực kinh tế tư nhân cao hơn nhiều so với doanh nghiệp nhà nước và trong lĩnh vực kinh tế nhà nước.
Xưa kia, để xây dựng nền kinh tế ở Nga theo phương thức XHCN, chính V. Lênin đã từng mong muốn có được một nền giáo dục của Mỹ, một nền công nghiệp của Anh, của Đức- những nơi V. Lênin thừa hiểu đều do kinh tế tư nhân đóng vai trò chủ đạo.
Sự phủ nhận vai trò chủ đạo của kinh tế tư nhân trong bài viết của giáo sư LXT thật khó hiểu xét cả về lý luận và thực tiễn. Câu hỏi cần được đặt ra và thảo luận hoàn toàn ngược lại: tại sao cứ phải ghép cho các doanh nghiệp nhà nước “vai trò chủ đạo”- cái mà chúng không thể có về mặt lý thuyết và thực tế. Liệu câu trả lời ở đây có phải là “lợi ích nhóm”? hay “nhóm lợi ích”?.
Giáo sư LXT viết: “Điều nói trên chứng minh tính đúng đắn trong luận điểm của C. Mác rằng, không một hình thái xã hội nào diệt vong trước khi tất cả những lực lượng sản xuất mà hình thái xã hội đó tạo địa bàn đầy đủ cho phát triển vẫn chưa phát triển, và những quan hệ sản xuất mới, cao hơn, cũng không bao giờ xuất hiện trước khi những điều kiện tồn tại vật chất của những quan hệ đó chưa chin muồi trong lòng bản thân xã hội cũ”.
Về lý luận, viết như trên người đọc có thể hiểu sai là, hình thái xã hội chỉ diệt vong khi tất cả những lực lượng sản xuất phát triển. Hình thái xã hội được xác định bằng “lực lượng sản xuất” và “quan hệ sản xuất”. Theo phép biện chứng của C. Mác, khi lực lượng sản xuất (đã phát triển) mâu thuẫn với quan hệ sản xuất (còn lạc hậu) sẽ dẫn đến sự thay đổi của phương thức sản xuất, và kéo theo sự thay đổi (phát triển ở mức cao hơn) của hình thái xã hội (cách mạng về quan hệ sản xuất).
Giáo sư LXT viết: “… gán cho kinh tế tư nhân vai trò mà nó không thể làm được xét cả về lý luận và thực tiễn.
Trong câu văn trên, tác giả đã đưa ra một “lý luận” bất chấp mọi “thực tiễn”. Về lý thuyết, kinh tế tư nhân (nói chung), cũng như kinh tế nhà nước (không phải của VN), có thể làm được mọi thứ (từ đào kênh xuyên lục địa nối hai đại dương đến chế tạo máy bay hay phóng tầu vũ trụ). Thực tiễn ở VN, cũng như ở các nước, đã chứng minh kinh tế tư nhân có hiệu quả hơn kinh tế nhà nước (nông nghiệp ở VN chỉ là một ví dụ). Sau khi Hiến pháp mới được ban hành, vấn đề nguyên tắc không phải là “gán” hay không “gán”, “cho” hay không “cho” kinh tế tư nhân một vai trò nào đó. Theo Hiến pháp, chúng ta phải chấp nhận và khuyến khích quyền tự do chính đáng của con người, trong đó có quyền tự do kinh doanh và làm giầu chân chính của mỗi cá thể (kinh tế tư nhân). Đường lối của ĐCSVN liên quan đến vấn đề này là nhất quán và đúng đắn. Chúng ta không nên đặt lại vấn đề theo kiểu “cả vú lấp miệng em” như trong bài báo của giáo sư LXT.
Giáo sư LXT viết: “… con đường chủ nghĩa tư bản nhà nước … là “đối tác công tư”, “công - tư kết hợp”.
Sau khi “Chính sách kinh tế cộng sản thời chiến” thất bại và nền kinh tế Nga lâm vào bế tắc, V. Lênin đã tự ý sáng tác ra “Chủ nghĩa tư bản nhà nước” (C. Mác và Ph. Anghen chưa bao giờ đề cập đến vấn đề nhạy cảm này) để bào chữa cho việc thực hiện “Chính sách kinh tế mới” theo con đường phát triển kinh tế hàng hóa, nhà nước chấp nhận các mối quan hệ của thị trường, cho phép tự do buôn bán. Thực chất quan điểm “chủ nghĩa tư bản nhà nước” của V. Lênin là phát triển nền kinh tế Nga theo định hướng TBCN. Tuy nhiên, với nguồn gốc Do Thái của mình, V. Lênin đã lợi dụng ý tưởng “con ngựa TBCN” của Ph. Anghen để sáng tác ra các lập luận như “bác những chiếc cầu nhỏ xuyên qua CNTB”, “lợi dụng CNTB”, “đi xuyên qua CNTB”, v.v. Thực tế, sau khi chính sách “Kinh tế cộng sản thời chiến” thất bại, từ tịch thu sản phẩm, quốc hữu hóa các doanh nghiệp, chuyển sang thu thuế của nông dân và hợp tác với tư sản, V. Lênin đã nhận ra tính tất yếu của phương thức sản xuất TBCN. Cuộc đấu tranh gay gắt trong nội bộ ĐCS Bôn sơ vích Nga lúc bấy giờ đã làm cho ngòi bút của V. Lênin uyển chuyển hơn khi viết ra các lập luận mơ hồ về “thời kỳ quá độ” hay “chủ nghĩa tư bản nhà nước”. Như chúng ta đã biết, “thời kỳ quá độ” ở Liên Xô cũ đã kéo dài 73 năm, nhưng, về mặt xã hội, một vấn đề “dân tộc” cũng không được giải quyết xong. Về mặt kinh tế, qua 28 kỳ đại hội, 8 chức tổng bí thư, với mấy chục triệu đảng viên và hàng trăm triệu dân của Liên Xô cũ, trong suốt gần ¾ thế kỷ vẫn chưa xây xong “chiếc cầu bắc qua TBCN”. Đặc biệt, trong “Chính sách kinh tế mới”, tất cả những khuyết tật, tệ nạn, yếu kém của CNXH như: giảm sút lòng tin của nông dân vào chính quyền xô viết, tệ quan liêu, đầu cơ, sự yếu kém trong quản lý, xã hội không ổn định, tình trạng khốn cùng của người lao động, tình trạng không có đường xá, nông nghiệp suy yếu, công nghiệp khai khoáng không phát triển được, thiếu sự liên kết giữa nông nghiệp và công nghiệp, không có công nghệ, không biết cách tổ chức và quản lý nền sản xuất lớn v.v. đều được V. Lênin hy vọng giải quyết thông qua con đường phát triển TBCN (chủ nghĩa tư bản nhà nước). Trong bài viết của mình, giáo sư LXT mới chỉ nhìn thấy bề ngoài của “con đường chủ nghĩa tư bản nhà nước” của V. Lênin. Rất may, giáo sư LXT chưa phản đối việc thực hiện chính sách “xã hội hóa”, “đối tác công tư”, hay “công tư kết hợp” của nhà nước VN.
Giáo sư LXT viết: “Đừng bao giờ gán cho kinh tế tư nhân vai trò và nhiệm vụ mà nó không thể có và không thể nào thực hiện được”. Đây là một câu kết luận vội vã và vô trách nhiệm. Xét về mặt logic, không “gán” thì làm sao “có” được. Chưa “gán” sao đã khẳng định “không thể nào thực hiện được”. Xét về nội dung, ở phần trên của bài viết, chính tác giả đã thừa nhận, bằng các chính sách giao ruộng 5%, khoán “10”, chỉ thị “100”, ĐCS và nhà nước VN đã coi kinh tế tư nhân như một sách lược để cứu nền kinh tế.
Về cách trình bầy
Dân trí ở Việt Nam đã phát triển. Để người đọc có thể chấp nhận được, mọi lý luận và lập luận (quan trí) phải được trình bày khoa học, trước hết, nói và viết phải đúng ngữ pháp.
Giáo sư LXT viết: “Còn nhớ những năm 1958-1960, thời kỳ cải tạo xã hội chủ nghĩa (XHCN) ở miền Bắc chúng ta đã lên án tư hữu, coi nó là biểu hiện của phương thức sản xuất lạc hậu, không tương thích với chủ nghĩa xã hội (CNXH).
Cách dùng từ “cải tạo xã hội chủ nghĩa” ở đây không đúng. Những năm 1958-1960, ở miền Bắc chưa có chế độ xã hội chủ nghĩa để làm đối tượng cho việc cải tạo. Chỉ có thể nói “cải tạo xã hội theo định hướng xã hội chủ nghĩa” (hay chưa đúng, nhưng còn có thể chấp nhận được là “cải tạo xã hội xã hội chủ nghĩa”).
Giáo sư LXT viết: “Vì vậy, đã phát động phong trào đưa nông dân ồ ạt vào hợp tác xã từ bậc thấp đến bậc cao”. Câu văn này được giáo sư viết sai chính tả, không có chủ ngữ, không đúng cách đặt câu trong ngữ pháp tiếng Việt.
Giáo sư LXT viết: “Lối làm ăn tập thể kiểu cũ kéo dài về cơ bản cho đến những năm 80 của thế kỷ trước”. Trong câu văn này, tác giả đã tùy tiện dùng các khái niệm không chính thống “lối làm ăn tập thể kiểu cũ”. Viết như vậy, người đọc có thể đặt câu hỏi “lối làm ăn tập thể kiểu mới” sau những năm 80 là gì?.
Giáo sư LXT viết: “Và câu nói nổi tiếng của Ph. Ăng-ghen: Bắt con ngựa TBCN cầy trên mảnh đất của CNXH.
Câu trên không đúng hành văn (thừa chữ “và”), không đúng ngữ pháp, sau hai chấm (:) không mở đóng ngoặc kép (“”) nhưng lại viết hoa. Tác giả đã lẫn lộn khái niệm cơ bản (nếu “con ngựa” có tính từ là “TBCN” thì “mảnh đất” không thể đi với bổ từ là “CNXH”, mà phải là “XHCN”). Nên nhớ rằng “CNXH” và “XHCN” là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau trong lý luận chính trị.
Giáo sư LXT viết: “Việc xa rời những chỉ dẫn quan trọng trong xây dựng CNXH đã dẫn đến căn bệnh “ấu trĩ tả khuynh” mà V.I. Lê-nin đã từng căn dặn …”.
Trong ngữ cảnh của câu trên, sau động từ “xây dựng” không thể có bổ ngữ là “CNXH”, mà phải là “xã hội XHCN”. “Việc xa rời những chỉ dẫn” có thể được gán cho căn bệnh “quan liêu”, chứ không phải là căn bệnh “ấu trĩ tả khuynh”. Khái niệm “căn bệnh ấu trĩ tả khuynh” của người cộng sản được V. Lênin đưa ra để chỉ những việc làm dốt nát của người cộng sản “coi trời bằng vung” (giống như việc cải cách ruộng đất hay cải tạo công thương nghiệp ở VN trước đây).
Giáo sư LXT viết: “Còn nhớ hồi đầu năm 1987, ngay sau Đại hội VI, tháng 12-1986, đồng chí  Tổng Bí thư …”. Câu văn này được viết rất tùy tiện, coi thường người đọc. “Tháng 12-1986” chưa phải là “đầu năm 1987”.
Giáo sư LXT viết: “Có nhà kinh tế nước ngoài đã đúc kết bằng một mệnh đề “sở hữu công nhưng quản lý tư”. Hàm ý là tư nhân quản lý chặt đồng tiền của mình bỏ ra”.
Nếu đúng có “nhà kinh tế nước ngoài” (hoàn toàn mơ hồ) đưa ra một “mệnh đề” như vậy, thì “hàm ý” của “sở hữu công nhưng quản lý tư” không phải là “tư nhân quản lý chặt đồng tiền của mình bỏ ra”. Giải nghĩa một “mệnh đề” như vậy, hoặc là coi thường người đọc, hoặc là không hiểu “nhà kinh tế nước ngoài” kia nói gì.
Giáo sư LXT viết: “Tất cả các chức vụ quan trọng phải bằng lựa chọn thi tuyển công khai, minh bạch”. Câu này được viết không đúng ngữ pháp. Nội dung có thể được đoán ra, nhưng hành văn không thể là của một giáo sư.
Giáo sư LXT viết: “Không thể thượng tầng kiến trúc của chúng ta vận hành theo định hướng XHCN mà hạ tầng cơ sở dựa trên sở hữu tư nhân”.
Trong câu văn trên, tác giả đã đưa ra một sự so sánh hoàn toàn vô trách nhiệm và thiếu hiểu biết. Chỉ có thể so sánh “định hướng XHCN” với “định hướng TBCN”, hoặc so sánh “sở hữu tư nhân” với “sở hữu toàn dân”. Không thể so sánh trình độ của ông giáo sư này với cái ghế của ông giáo sư kia.
Giáo sư LXT viết: “Hạ tầng cơ sở của mỗi thời đại lấy quan hệ sản xuất đặc chưng, tiêu biểu của thời đại đó làm nền tảng”.
Trước hết, câu văn trên tối nghĩa do dùng từ sai. “Hạ tầng cơ sở” lại còn có “nền tảng”. Nghĩa của câu trên cần được diễn đạt: “Mỗi thời đại lấy quan hệ sản xuất đặc chưng, tiêu biểu của thời đại đó làm nền tảng”. Không thể coi một vấn đề được diễn đạt sai cả ngữ pháp là “chân lý của mọi thời đại”. Lý luận như vậy là “ngọa ngôn”.
Giáo sư LXT viết: “Tầm vóc của nó thật là vĩ đại, vì …”. Đây là câu văn nói. Viết theo kiểu “tự sướng” như vậy, người đọc không hiểu “tầm vóc” của cái gì vĩ đại?.
Giáo sư LXT viết: “V.I.Lê-nin …rằng: “danh từ nước Cộng hòa xô-viết xã hội chủ nghĩa … là chế độ xã hội chủ nghĩa”.
Câu trên vừa sai chính tả, vừa sai ngữ pháp. “Vấn đề này” là vấn đề nào?. Sau hai chấm, mở ngoặc kép lại không viết hoa. Tiếng Nga có cấu trúc ngữ pháp rất chặt trẽ. Vì vậy, người viết phải xem lại ngữ cảnh câu nói này của V. Lênin. Một câu viết vô trách nhiệm như thế này không thể dịch ngược sang tiếng Nga (tiếng nói của V. Lênin). Trong tiếng Nga, nếu dịch ra tiếng Việt chỉ có “Nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô viết”, chứ không có “nước Cộng hòa xô-viết xã hội chủ nghĩa”.
Giáo sư LXT viết: “Những vấn đề nói trên mang tính quy luật đối với các nước tiền TBCN hoặc những nước TBCN kém phát triển tiến lên CNXH.
Người đọc không tin câu văn trên là của một giáo sư chính trị. Nếu đã dùng “TBCN” thì phải dùng “XHCN” chứ không thể dùng “CNXH”. Tác giả vẫn không phân biệt được “Xã hội chủ nghĩa” với “Chủ nghĩa xã hội”.
Tóm lại:
Không công nhận vai trò chủ đạo của kinh tế tư nhân là phủ nhận lịch sử, quay lưng lại với thực tế, và không nhìn thấy tương lai của nền kinh tế toàn cầu cũng như của nền kinh tế VN.
Bài viết của giáo sư LXT đề cập đến những vấn đề lý luận chính trị mang tính nguyên tắc, nhưng, bằng những lập luận phiến diện, và bằng các hành văn không chuẩn, thậm chí sai chính tả và không đúng ngữ pháp. Nội dung bài viết xa rời thực tế, thiếu cơ sở lý luận, phản ánh những tư duy bảo thủ của một số người cố tình cổ xúy cho cả dân tộc đi ngược với xu thế chung của thời đại.
Những luận điểm được nêu trong bài viết của giáo sư LXT cho thấy, người viết hiểu về chủ nghĩa Mác-Lênin, nhận thức về xu thế chung của thời đại, và đánh giá thực tế ở VN còn phiến diện, theo kiểu “ếch ngồi đáy giếng”.
Ngoài ra, từ hành văn, cách dùng từ, cách lập luận, đến các trích dẫn kinh điển trong bài báo cho thấy, giáo sư LXT đã đề cập đến những vấn đề lý luận và thực tiễn quan trọng liên quan đến vai trò của kinh tế tư nhân ở Việt Nam. Nhưng rất tiếc, nội dung của bài báo còn thiếu tính thuyết phục, cần được trao đổi rộng rãi và khách quan./.
N.T.S.
Tác giả gửi BVN
Phòng A120, nhà 2F, phố Quang Trung, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
nguyenthanhsontkv@yahoo.com
0903412138.
"NẾU CHÚNG TA NÓI RÕ CÁI GÌ CỦA AI THÌ ĐẤT NƯỚC  ĐÃ KHÁC"
 TS PHAM DUY NGHĨA/ TBKTSG 27/8/2015
Tư Giang lược ghi
TS Phạm Duy Nghĩa. Ảnh TL.
(TBKTSG Online) - Tiến sỹ Phạm Duy Nghĩa đã có bài thảo luận về quyền sở hữu tại một hội thảo do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức vào ngày 25-6. Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online lược ghi.
Điều gì đã cản trở Việt Nam trong 20 năm vừa rồi không thể phát triển? Thực ra, trong 30 năm vừa rồi, mình cải cách nửa chừng, giúp đất nước phát triển, nhưng cũng làm đất nước vướng nhiều cái do mình làm không đến nơi đến chốn….
Nền kinh tế tư nhân chia thành hai loại. Một loại giàu lên rất nhanh. Ngay như điểm tin sáng nay cũng thấy, có đại gia ôm hàng trăm tỉ tiền mặt vào Phú Quốc mua đất. Sự giàu có của một bộ phận tư nhân gắn bó với sân sau, với những người có quyền phân chia đất. Như vậy, có một bộ phận tư nhân phát triển rất tốt, tốt một cách không tin được. Nhưng có một bộ phận tư nhân khác, tức hàng trăm, hàng ngàn doanh nghiệp tư nhân chết mà không chết được, teo tóp đi.
Tức là loại nào mà bám vào chính quyền, quan hệ tốt, trở thành sân sau thì phát triển rất tốt, còn loại không có được những quan hệ đó rất khó.
Còn về doanh nghiệp nhà nước (DNNN) thì bao nhiêu năm nay vẫn không có gì mới. Chúng ta đã nói từ mấy chục năm nay rồi. Sở hữu không rõ, thành ra nhiều anh khai thác quyền của mình để kiếm được lợi tư từ khối DNNN.
Vì vậy, DNNN thích hợp với những ai nắm quyền quản trị, và can thiệp được vào khối tài sản này. Cũng có những DNNN thành công như Vinamilk, Viettel… Nhưng còn các DNNN khác thì cũng có nhiều khó khăn lắm. Những khó khăn này dẫn đến thoái vốn, bán tống bán tháo tài sản nhà nước đi. Rồi dưới chiêu bài xã hội hóa, công tư hợp doanh để phân phối tài sản công cho tư nhân cũng khá nguy hiểm.
Khu vực thứ 3 là doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) thì lại đang phát triển tốt, ngày càng tăng trưởng. Lập luận của chúng tôi là, hóa ra khu vực này nó không dùng luật Việt Nam mình. Tài lực, vật lực nó mang từ bên ngoài vào, thuê đất, nhân công của mình, lắp ráp ở mình rồi bán đi. Tài sản của họ ở mình thì có nhiều đâu. Nếu có tranh chấp thì họ có nhờ tòa mình xử đâu, họ mang ra nước ngoài.
Như vậy, thể chế của Việt Nam mình chỉ làm khổ dân mình thôi, chứ không làm khổ khu vực nước ngoài nhiều lắm. Chính vì vậy, họ vay mượn từ bên ngoài, họ vượt qua được thể chế của mình. Đó là lý do giải thích vì sao khu vực FDI có thể đóng góp vào xuất khẩu lớn với lý do không vướng vào những phiền nhiễu của chế độ sở hữu trong nước.
Bây giờ cải cách thế nào? Nếu mà đất nước nói rõ cái gì của ai thì đã khác. Chỉ đơn giản thế thôi chứ có gì đâu mà phải nghĩ ngợi cho nhiều. Chẳng hạn như lô đất này của VCCI, thì chủ của nó là VCCI. VCCI không thích thì bán, hay cho thuê. Như vậy sẽ rõ chủ sở hữu của mảnh đất là ai…
Hơn 10 năm trước, chúng tôi từng nói một ý rằng: sở hữu toàn dân là cái ý chí chính trị, nhưng khái niệm ấy không dùng được, không có ý nghĩa về pháp lý. Nó phải có chủ thể rõ ràng. Lấy ví dụ, Hà Nội hay TP.HCM là một pháp nhân. Là pháp nhân thì họ có đất, cây… khi cây đổ vào ô tô của tôi thì tôi có thể kiện chính quyền. Sở hữu toàn dân như là một vòng kim cô. Việt Nam mình phải làm như Trung Quốc năm 2007 khi ban hành luật về vật quyền.
Sở hữu toàn dân rất có lợi cho những người biến ao ruộng, miếng đất đáng giá thành bao nhiêu cây vàng. Cái lợi ấy chạy hết vào túi của những người đó, nhà nước chẳng thu được đồng thuế nào, vì phần lớn sẽ nằm trong tay những người có quyền quyết định đối với những lô đất đó. Vì thuộc về toàn dân, thuộc quyền nhà nước nên xảy ra nhũng nhiễu, hạnh họe người ta. Nếu sở hữu rõ ràng thì phải thương lượng. Vì không rõ sở hữu nên nay anh thu hồi, mai anh chuyển đổi. Những người đó giàu lên rất dữ nhưng nó làm cho doanh nghiệp không dám đầu tư lớn. Thể chế sở hữu không chắc chắn thì không ai dám đầu tư.
Rất nhiều đại gia Việt Nam bây giờ đang bán tài sản cho nước ngoài. Đây cũng là điều cảnh báo cho những nhà làm chính trị tại Việt Nam. Khi những đại gia này làm ăn đến mức nào đó … người ta bán đi.
Ngoài ra còn có những loại sở hữu thông qua hợp đồng. Chẳng hạn có người sở hữu biệt thự ở Vũng Tàu, cho thuê 2 tuần/lần. Người ta sẽ sáng tạo ra đủ thứ sở hữu. Đáng ra luật pháp phải đảm bảo sự tự do đó, và dùng hệ thống tòa án bảo vệ những điều đó.
Thứ 3, giả sử một người làm ăn tồi, vỡ nợ, thì tài sản đó phải nhanh chóng chuyển sang tay chủ nợ. Chẳng hạn một ngày đẹp trời, OceanBank, Ngân hàng Xây dựng sẽ chuyển sang cho anh khác. Nên luật phá sản là cái roi rất dữ đe nẹt những anh làm ăn dở. Nhưng mình chưa bảo vệ được những chủ nợ.
Nhưng vấn đề sở hữu ở đất nước mình chưa ai dám thảo luận rộng, sâu.
Giới nhà giàu có được quyền lợi từ cái đó cũng không muốn đổi, còn những thành phần khác muốn đổi thì tiếng nói không mạnh.
Bây giờ, nhà nước muốn lấy đất đai của dân thì khó hơn một chút, giá thì do nhà nước đề ra, dân mất đất thì có thể khiếu nại, tố cáo… Thế thì vòng vo tam quốc nhưng mình có chữa được luật đâu. Hôm nay mình nói mạnh hơn để cố gắng 20 năm sau con cháu mình nó có cái nhà của nó là của nó, không phải của nhà nước. Nhà nước muốn lấy, thu hồi thì phải thương lượng, mua với giá đàng hoàng, chứ không thể thu hồi không.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét