Thứ Bảy, 27 tháng 6, 2015

20150627. NGUYỄN VĂN LINH VỚI ĐỔI MỚI NỀN KINH TẾ

ĐIỂM BÁO MẠNG
ĐỒNG CHÍ NGUYỄN VĂN LINH VÀ NHỮNG DẤU ẤN BƯỚC NGOẶT ĐỐI VỚI NỀN KINH TẾ VIỆT NAM
Bài của ThS ĐINH NGỌC QUÝ/ TCCS 26/6/2015
(Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Nguyễn Văn Linh (01-7-1915 - 01-7-2015 )
TCCSĐT - Trong cuộc đời hoạt động sôi nổi, nhiệt huyết của mình, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã có nhiều đóng góp to lớn đối với Đảng và dân tộc. Một trong những đóng góp quan trọng, để lại dấu ấn đậm nét trong sự nghiệp cách mạng nước ta, đó là các quan điểm chỉ đạo, những việc làm sâu sát, cụ thể của đồng chí đối với các giai đoạn bước ngoặt của nền kinh tế Việt Nam.
Cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh
Những năm đầu sau ngày đất nước thống nhất, bên cạnh những công việc quan trọng khác, Trung ương Đảng rất quan tâm đến việc tiến hành cải tạo công thương nghiệp tư bản ở miền Nam, một địa bàn xung yếu, được coi là tâm điểm của cơn xoáy cách mạng trong thời kỳ mới. Người được Trung ương tin tưởng, giao trọng trách nặng nề, khó khăn ấy, không ai khác, chính là đồng chí Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Linh.
Để thực hiện nhiệm vụ cải tạo công thương nghiệp tư bản ở miền Nam, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã dành không ít thời gian để nghiên cứu lý luận, bám sát thực tiễn, phân tích những kinh nghiệm hay, những điển hình tốt cả trong nước và nước ngoài. Nguyên tắc mà đồng chí luôn tuân thủ là: nắm vững chủ trương của Trung ương, phân tích chính xác tình hình thực tiễn của miền Nam để vận dụng một cách sáng tạo, nhằm đem lại hiệu quả cao nhất cho công cuộc cải tạo. Theo đồng chí, cải tạo không được làm tụt lực lượng sản xuất; cải tạo quan hệ sản xuất nhưng phải làm sao để sản xuất tiếp tục phát triển. Đồng chí đấu tranh phê phán tư tưởng tả khuynh, duy ý chí, nôn nóng, đốt cháy giai đoạn, làm trái quy luật, trái lòng dân, muốn xóa bỏ nhanh kinh doanh của tư sản; đồng thời, phê phán tư tưởng hữu khuynh, không thấy cải tạo xã hội chủ nghĩa là một cuộc vận động cách mạng khó khăn để quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, ngại giáo dục, không dám đấu tranh, thậm chí vì lợi ích cá nhân mà bao che cho tư sản làm trái đường lối của Đảng và bị giai cấp tư sản “cải tạo lại”.
Sau Đại hội IV của Đảng, từ tháng 4-1977, với tư cách là Trưởng Ban Cải tạo xã hội chủ nghĩa Trung ương, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã khẳng định rõ quan điểm: “Vấn đề cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh là cần thiết vì muốn đưa nền kinh tế phát triển thì nhất thiết phải tổ chức sắp xếp lại bộ máy, thay đổi cơ cấu. Nhưng không phải ai cũng cải tạo. Đảng chủ trương chỉ quốc hữu hóa những cơ sở trước đây phục vụ cho chiến tranh và chỉ cải tạo những tư sản mại bản đã làm giàu bất minh do quyền lợi họ gắn liền với guồng máy chiến tranh xâm lược của Mỹ. Còn những thành phần khác: tư sản dân tộc, tiểu thương, tiểu chủ thì Đảng luôn luôn khuyến khích hỗ trợ cho họ phát triển sản xuất, xây dựng đất nước”(1).
Trên cương vị Tổng Bí thư của Đảng, vấn đề cải tạo đối với người buôn bán nhỏ được đồng chí Nguyễn Văn Linh hết sức quan tâm, suy nghĩ. Tại Hội nghị tập huấn cán bộ ngành nội thương các tỉnh phía Nam (tháng 6-1987), đồng chí phân tích: “Cần lưu ý đến số đông người kinh doanh thương nghiệp là tiểu thương. Trong kháng chiến, nhiều tiểu thương đã che chở cho cán bộ ta hoạt động an toàn. Phải nhìn nhận tiểu thương cũng là người lao động. Dưới chế độ cũ, tiểu thương cũng bị áp bức, bóc lột nặng nề. Đại đa số tiểu thương là nữ và không ít người là vợ công nhân viên chức, vì đồng lương ít ỏi buộc phải buôn bán lặt vặt kiếm lời nuôi sống gia đình… Vì vậy, phải hướng dẫn, giúp đỡ họ, không đánh thuế cao đối với họ, khuyên họ không tiếp tay cho gian thương và bọn đầu cơ tích trữ”(2).
Từng bước tháo gỡ khó khăn, giải phóng cho sản xuất phát triển
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, trên cương vị Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã có những trăn trở, tìm tòi để làm sao vừa cải tạo và xây dựng Thành phố theo đúng định hướng xã hội chủ nghĩa mà vẫn tôn trọng quy luật phát triển của một vùng đã quen sống với kinh tế thị trường, đã đạt tới một nền sản xuất hàng hóa tương đối phát triển; làm sao vừa cải tạo, vừa đẩy mạnh được sản xuất, phát huy được sức mạnh của các thành phần kinh tế, góp phần vào việc ổn định cuộc sống của nhân dân, giữ vững an ninh chính trị, xã hội.
Cuộc đấu tranh giữa bảo thủ, trì trệ và đổi mới cách nghĩ, cách làm diễn ra khá gay gắt. Trước tình hình đó, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã kiên trì xuống cơ sở, gặp gỡ cán bộ và nhân dân, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, thắc mắc của nhân dân, cùng cán bộ cơ sở bàn bạc tháo gỡ. Từ trăn trở của bản thân, với kinh nghiệm trong quản lý, điều hành và qua khảo sát thực tế, đồng chí nhận thấy một số chính sách kinh tế và cơ chế quản lý kinh tế của chúng ta đã lỗi thời, chậm sửa chữa, làm giảm sút nhiệt tình lao động của quần chúng, tạo khe hở để phát sinh nhiều hiện tượng tiêu cực, làm cho tình hình sản xuất bị sa sút, đình trệ.
Từ sau khi có Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa IV (tháng 9-1979), tình hình sản xuất công nghiệp đã phát triển tốt hơn. Tuy nhiên, do chưa có nhiều kinh nghiệm nên trong lãnh đạo kinh tế cũng có lúc, có nơi xảy ra tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”, gây ra nhiều thiệt hại. Khi được Trung ương phân công trở lại làm Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ hai (tháng 12-1981), đồng chí Nguyễn Văn Linh và tập thể lãnh đạo Thành phố đã chú trọng đẩy mạnh tổng kết thực tiễn, rút ra những bài học kinh nghiệm quý giá, kiên quyết sửa đổi và điều chỉnh kịp thời. Đồng chí nói: “Trả về cho sản xuất sự vận hành đúng quy luật của nó”(3).
Muốn sản xuất “bung ra”, các doanh nghiệp phải được giao quyền tự chủ, phải phá bỏ cơ chế quản lý quan liêu, bao cấp. Đây là điều đồng chí Nguyễn Văn Linh luôn nhắc tới. Sau khi nắm bắt tình hình, đồng chí quyết định xây dựng mô hình thí điểm, nơi được chọn là Xí nghiệp Dệt Thành Công và giao cho Ban Công nghiệp Thành ủy, các chuyên viên giúp việc cùng với Ban Giám đốc Xí nghiệp tổng kết các bài học kinh nghiệm. Qua mô hình thí điểm Xí nghiệp Dệt Thành Công, trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đã xuất hiện nhiều đơn vị sản xuất, kinh doanh thực hiện cơ chế lương khoán sản phẩm, tự tìm tòi, tháo gỡ những khó khăn về vật tư, nguyên liệu; sản phẩm làm ra không chỉ được Nhà nước bao tiêu mà còn được bán tự do trên thị trường theo giá bảo đảm kinh doanh.
Qua nghiên cứu, khảo sát thực tế, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã chỉ rõ: “Thực tế đã chứng minh rằng trong cuộc đấu tranh giằng co giữa cái mới và cái cũ, giữa cái tiến bộ và lạc hậu, những cái phù hợp quy luật, có sức sống thường xuất hiện ở cơ sở, ở những nơi khó khăn, phức tạp nhất”(4). Đồng chí đề nghị Thành ủy cho phép nhân rộng điển hình, đồng thời mở rộng cơ chế tự chủ ra nhiều xí nghiệp, nhiều loại hình sở hữu khác nhau, cũng như phát triển ra ngoài phạm vi Thành phố bằng việc liên hợp, liên kết với các xí nghiệp của tỉnh bạn và các xí nghiệp của Trung ương, bước đầu tính đến việc mở rộng quan hệ kinh tế, làm ăn với nước ngoài.
Đồng chí Nguyễn Văn Linh cũng đồng ý về việc thành lập Câu lạc bộ Giám đốc - một hình thức sinh hoạt diễn đàn nhằm trao đổi kinh nghiệm tổ chức, quản lý sản xuất, kinh doanh. Tháng 7-1983, đồng chí tổ chức cho một số giám đốc các xí nghiệp năng động, sản xuất, kinh doanh có hiệu quả được gặp gỡ, báo cáo trực tiếp với các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước về tình hình sản xuất, kinh doanh và đề đạt nguyện vọng của cơ sở mình. Qua nghe báo cáo và trực tiếp đi thực tế cơ sở, các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Trung ương càng có thêm quyết tâm xóa bỏ cơ chế cũ, dứt khoát thực hiện đổi mới cơ chế. Đại hội VI của Đảng đã đề ra đường lối đổi mới toàn diện, trong đó có đổi mới trên lĩnh vực kinh tế. Một bước ngoặt mới đã mở ra cho cách mạng Việt Nam, trong đó có phần đóng góp tích cực, hiệu quả của đồng chí Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Linh.
Trên cương vị Tổng Bí thư của Đảng, đồng chí Nguyễn Văn Linh, một mặt, ra sức tìm tòi để cụ thể hóa đường lối đổi mới của Đại hội VI bằng những cơ chế, chính sách, bước đi, cách làm phù hợp, đem lại hiệu quả thiết thực; mặt khác, kịp thời đặt ra những nguyên tắc cơ bản để chỉ đạo sự nghiệp đổi mới nhằm giữ vững định hướng chính trị - xã hội cho toàn Đảng, toàn dân. Đồng chí nói: “Đổi mới là công việc mới mẻ, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm để giành thắng lợi từng bước, từng phần, rồi tiến lên toàn diện”(5). Để có được những quan điểm đúng đắn trong đổi mới toàn diện nền kinh tế, đồng chí đã dành nhiều thời gian đi khảo sát các khu công nghiệp lớn và công nghiệp địa phương, như dệt Nam Định, cơ khí và tiểu thủ công nghiệp Hà Nội, các cơ sở sản xuất kinh doanh tư nhân. Đồng chí luôn trăn trở: “Đất nước bao giờ mới được bình quân 5 mét vải/đầu người; làm gì để mọi nguồn lực trong dân được khai thác để đẩy mạnh sản xuất”(6). Những trăn trở của đồng chí, cùng với quá trình gắn bó, sâu sát với cơ sở đã trở thành động lực, thành sức mạnh để đồng chí phấn đấu và thành công trong quá trình tìm tòi, khảo nghiệm cũng như chỉ đạo thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới kinh tế ở nước ta.
Chú trọng tới xây dựng nền kinh tế nhiều thành phần theo định hướng xã hội chủ nghĩa
Đồng chí Nguyễn Văn Linh luôn quan tâm đến phát triển các thành phần kinh tế. Ngay từ Hội nghị Trung ương 24 khóa III (năm 1975), đồng chí đã biểu thị sự đồng tình sâu sắc với chủ trương này. Sau Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị (năm 1980), đồng chí và Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh càng kiên trì quan điểm phát huy chính sách kinh tế nhiều thành phần và kiên quyết, triệt để chống cơ chế quản lý hành chính, quan liêu, bao cấp.
Từ thực tiễn Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phố khác, quan điểm về xây dựng một nền kinh tế hàng hóa với cơ cấu kinh tế nhiều thành phần, xóa bỏ phương thức quản lý hành chính, bao cấp của đồng chí Nguyễn Văn Linh đã hình thành rõ dần. Sự kiên định về quan điểm, nhuần nhuyễn trong bước đi và biện pháp thực hiện của đồng chí đã góp phần quan trọng vào việc xây dựng đường lối đổi mới kinh tế tại Đại hội VI của Đảng.
Ngay sau Đại hội VI, đồng chí Nguyễn Văn Linh ngỏ ý muốn đi thăm một số cơ sở sản xuất, kinh doanh. Có một số người khuyên đồng chí nên đi thăm xí nghiệp quốc doanh hay tập thể để biểu thị thái độ chính trị của Đảng và Nhà nước, đồng chí nói: “Chương trình đi thăm có cơ sở quốc doanh và tập thể, nhưng nói để biểu thị thái độ chính trị của chúng ta thì không chuẩn. Thái độ chính trị của chúng ta không chỉ bó hẹp ở hai thành phần kinh tế, mà là các thành phần kinh tế, trong đó có các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh”(7). Sau đó, chương trình Tổng Bí thư đi thăm các cơ sở kinh tế có cả cơ sở tư nhân dệt lụa ở quận Đống Đa, thành phố Hà Nội; các hộ gia đình và tập thể sản xuất gốm sứ Bát Tràng, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội…
Theo đồng chí Nguyễn Văn Linh, đi vào kinh tế thị trường thì vai trò thương nghiệp quốc doanh và tập thể rất quan trọng và nên hoạt động như thế nào để có thể làm chủ được thị trường trong khi vẫn không hạn chế những hoạt động lành mạnh của các lực lượng thương nghiệp khác. Đồng chí luôn trăn trở về việc làm thế nào để kinh tế quốc doanh vươn lên cạnh tranh được với các thành phần kinh tế khác, tiêu thụ được sản phẩm, làm ăn có lãi, giữ được vai trò chủ đạo. Vai trò chủ đạo của kinh tế quốc doanh phải thể hiện ở chỗ nắm vững sản phẩm then chốt của nền kinh tế, phải lấy giá cả, chất lượng hàng hóa, thái độ phục vụ, hiệu quả kinh tế… để cạnh tranh và làm gương cho các thành phần kinh tế khác. Đồng chí cho rằng, làm kinh tế thị trường mà không có thị trường là bế tắc. Do đó, các cơ sở quốc doanh, trước hết là các giám đốc, phải năng động, làm quen với thị trường, làm ra hàng hóa hợp với thị hiếu người tiêu dùng, lấy chất lượng cao và giá thành hạ làm mục tiêu phấn đấu để tồn tại và phát triển. Đồng chí gợi ý việc mở rộng xí nghiệp cổ phần để huy động vốn và tạo điều kiện cho mọi công nhân có cơ hội tham gia quản lý, làm chủ nhà máy.
Vượt qua khó khăn, thách thức, đưa nền kinh tế từng bước đi lên trong những năm đầu thời kỳ đổi mới
Nhờ phương hướng đổi mới do Đại hội VI của Đảng đề ra, tình hình kinh tế - xã hội đã mở ra một bước mới, kinh tế có phát triển, không khí xã hội cởi mở hơn, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn. Năm 1986, lạm phát lên mức ba con số, nhiều xí nghiệp quốc doanh và hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp đình đốn, thua lỗ, có nơi phải đóng cửa, đời sống công nhân, người lao động gặp rất nhiều khó khăn. Tình trạng một bộ phận cơ sở sản xuất vẫn còn “lời giả, lỗ thật” diễn ra khá phổ biến. Công tác quản lý thị trường, chống buôn lậu còn lỏng lẻo, tạo kẽ hở cho những tổ chức, cá nhân làm ăn phi pháp. Một số cán bộ lợi dụng chức quyền tham ô, lãng phí, làm tăng bất công xã hội, gây mất lòng tin của nhân dân.
Trước tình hình đó, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã cùng với Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương quyết tâm thực hiện đổi mới kinh tế theo đường lối Đại hội VI đề ra. Theo đồng chí, muốn từng bước thoát ra khỏi khó khăn lúc này, phải thực hiện đồng bộ một số biện pháp cơ bản sau:
1- Tập trung sức đẩy mạnh ba chương trình kinh tế lớn, lấy sản xuất làm gốc; chấn chỉnh bộ máy tổ chức cho gọn nhẹ, bỏ bớt tầng nấc trung gian; chấn chỉnh khâu lưu thông - phân phối, cung ứng, dịch vụ; tích cực đấu tranh chống tiêu cực.
2- Thấu suốt quan điểm lấy dân làm gốc trong quản lý kinh tế, phát huy quyền tự chủ của các cơ sở, xóa bỏ bao cấp, đi vào hạch toán kinh doanh. Đa dạng hóa các thành phần kinh tế, trong đó coi trọng củng cố các cơ sở quốc doanh và kinh tế tập thể. Chú trọng tổ chức lại sản xuất, tiết kiệm nguyên vật liệu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, bảo đảm đời sống cho công nhân để tái sản xuất sức lao động, giảm bớt cán bộ gián tiếp và chống các chi tiêu không hợp lý, bảo đảm “ba lợi ích”, mà “đầu ra” không đội giá thị trường.
3- Bảo đảm giữ vững và phát triển sản xuất, không để những cơ sở làm ăn có hiệu quả thiếu vốn, tìm cách huy động vốn trong nhân dân. Chính sách thuế và lãi suất ngân hàng cần hợp lý hơn để các đơn vị, cá nhân mạnh dạn đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh.
4- Kiên quyết chống buôn lậu, bảo vệ sản xuất trong nước. Các cơ quan nhà nước, xí nghiệp quốc doanh, các đơn vị quân đội, công an nêu gương và cùng nhân dân tích cực chống buôn lậu. Tiết kiệm từng đồng ngoại tệ để nhập vật tư, nguyên liệu cho sản xuất, không nên vì lợi ích địa phương, cục bộ mà làm hại đến nền kinh tế chung. Hạn chế nhập khẩu những sản phẩm cho tiêu dùng, ưu tiên nhập khẩu những thiết bị phục vụ sản xuất; mở rộng sản xuất những mặt hàng làm từ nguyên liệu trong nước; có chính sách khuyến khích những cơ sở và người làm hàng xuất khẩu; tăng những mặt hàng xuất khẩu đã qua chế biến; tăng cường liên kết, liên doanh giữa các cơ sở sản xuất, các địa phương khác nhau, các bên đều có lợi; tăng cường việc mua bán trực tiếp trên thị trường thế giới không qua trung gian; đơn giản hóa thủ tục hành chính trong xuất, nhập khẩu; mở rộng thị trường ra ngoài nước…
5- Một điều hết sức quan trọng là, để nền kinh tế phát triển bền vững, nhất thiết phải quan tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý cả về phẩm chất chính trị và năng lực công tác, trong đó có những cán bộ trực tiếp làm kinh tế, như giám đốc công ty, xí nghiệp, phụ trách cơ sở sản xuất, cửa hàng… Chú trọng tổng kết kinh nghiệm, lắng nghe những vướng mắc của cơ sở để giúp tháo gỡ; cổ vũ những sáng kiến hay, khuyến khích tranh luận để làm sáng tỏ những vấn đề mới mẻ, đồng thời ngăn ngừa những khuynh hướng lệch lạc xuất hiện. Coi trọng nhân rộng điển hình tiên tiến trong tổ chức, quản lý sản xuất, kinh doanh. Thực hiện dân chủ hóa hoạt động của Đảng, công khai hóa trong đấu tranh chống tiêu cực, tham ô, lãng phí, quan liêu…
Trọn cuộc đời gắn bó với sự nghiệp cách mạng của dân tộc, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã đem hết trí tuệ, sức lực để cống hiến cho Đảng và nhân dân, luôn luôn trau dồi kiến thức và lắng nghe ý kiến đồng bào, đồng chí, quan tâm tổng kết thực tiễn để làm sáng tỏ và góp phần xây dựng các quan điểm, đường lối của Đảng. Cùng với nhiều cống hiến khác, đồng chí đã để lại nhiều đóng góp quan trọng trên lĩnh vực lãnh đạo, chỉ đạo đối với những bước phát triển của nền kinh tế nước nhà, được Đảng và nhân dân ta ghi nhận và tiếp tục phấn đấu, biến những dự định của đồng chí thành hiện thực trên con đường xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh, có vị trí xứng đáng trên trường quốc tế./.
----------------------------------------------
(1) Nguyễn Văn Linh, nhà lãnh đạo kiên định và sáng tạo, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2003, tr. 463
(2) Nguyễn Văn Linh, nhà lãnh đạo kiên định và sáng tạo, sđd, tr. 271
(3) Nguyễn Văn Linh: Thành phố Hồ Chí Minh 10 năm, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1985, tr. 105
(4) Nguyễn Văn Linh: Thành phố Hồ Chí Minh 10 năm, sđd, tr. 104
(5) Nguyễn Văn Linh, nhà lãnh đạo kiên định và sáng tạo, sđd, tr. 79
(6) Nguyễn Văn Linh, nhà lãnh đạo kiên định và sáng tạo, sđd, tr. 65
(7) Nguyễn Văn Linh, nhà lãnh đạo kiên định và sáng tạo, sđd, tr. 90
ThS. Đinh Ngọc QuýViện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh


VÀI CHUYỆN NHỎ VỀ ÔNG NGUYỄN VĂN LINH,
NGƯỜI
 ĐàRA LỆNH BẮT TÔI….

Những Ngã Rẽ (Hồi ký Dương Văn Ba )/ Viet-Studies 27/6/2015
  

Tôi bị ông Nguyễn Văn Linh - Tổng Bí Thư Đảng Cộng Sản Việt Nam khóa VI, ra lệnh bắt bỏ tù vào ngày 22 tháng 12-1987 trong cuộc họp tại Hà Nội do ông triệu tập.
Cuộc họp diễn ra tại văn phòng TW Đảng, có mặt gần như đầy đủ thành phần Ban Bí thư. Đặc biệt có mặt của ông Lê Phước Thọ (Sáu Hậu) - Trưởng Ban Tổ chức Đảng, Trần Kiên – Trưởng Ban Kiểm tra TW, Trần Đình Hương – Trưởng Ban Nội chính TW, Lâm Văn Thê (Ba Hương ) – Thứ trưởng Bộ Nội vụ phụ trách phía Nam. Ông Trần Xuân Bách - Ủy viên Bộ Chính trị, lúc đó còn nhiều quyền lực, chưa bị thanh trừng bởi tham vọng làm Thủ tướng với chủ trương đa đảng…
Về phía tỉnh Minh Hải các ông Đoàn Thanh Vị - Bí Thư, Nguyễn Đáng (tức Tư Hườn) – Phó bí thư, Trần Hữu Vịnh – Phó bí thư phụ trách tổ chức, Lê Văn Bình (Năm Hạnh) – Chủ tịch tỉnh. Những người này được gọi ra Hà Nội từ ngày 19-12-1987. Hôm đó, ông Năm Hạnh – Chủ tịch tỉnh Minh Hải đang cùng với tôi làm việc với phái đoàn Lào của Tướng Chẹng tại Đà Nẵng. Đoàn Lào sang Đà Nẵng ngày 18-12-1987 dự định họp với đoàn Minh Hải đến hết ngày 20-12-1987 về những vấn đề của năm 1988. Do lệnh triệu tập khẩn cấp của ông Nguyễn Văn Linh, ông Năm Hạnh phải xin lỗi đoàn Lào và lên xe về Sài Gòn ngay trong đêm 19-12-1987. Sang ngày 20-12-1987, ông Năm Hạnh phải tức tốc đáp máy bay ra Hà Nội. hội nghị do ông Linh triệu tập diễn ra ngày 21-12-1987 và chấm dứt vào ngày 22-12-1987 với quyết định bắt tôi tống giam ngay lập tức. Ông Nguyễn Văn Linh đã ra lệnh cho ông Lâm Văn Thê – Thứ trưởng Bộ nội vụ, ông Sáu Chí - chuyên viên cao cấp về Nội chính của Văn phòng TW Đảng, bay ngay vào Sài Gòn trong ngày 22-12-1987 để tiến hành chỉ đạo bắt giữ tôi.

Cuộc họp ra lệnh bắt Dương Văn Ba đã diễn tiến như thế nào ?
Sau đây tôi ghi lại lời thuật vắn tắt của hai ông Lê Văn Bình và Đoàn Thanh Vị.
Hôm đó, ông Nguyễn Văn Linh, với tư cách Tổng Bí thư chất vấn ông Đoàn Thanh Vị: “Ai cho phép Minh Hải là một tỉnh mà lại dám đi Lào hợp tác kinh tế với quân đội Lào, là quân đội của một nước anh em?”. Ông Ba Vị và ông Năm Hạnh báo cáo việc đi Lào làm kinh tế là chủ trương của Ban Hợp tác Kinh tế Việt Nam - Lào - Campuchia, người trực tiếp cho phép là ông Đặng Thí – Chủ Nhiệm Ủy Ban Hợp tác Kinh tế ba nước Đông Dương. Ông Ba Vị - Bí thư tỉnh Minh Hải còn nói thêm: “Trước khi đi Lào tôi cũng đã trực tiếp báo cáo anh Mười Cúc và được anh đồng ý. Bây giờ anh hỏi ngược lại ai cho phép, tôi chẳng biết trả lời sao ?!”.
Ông Nguyễn Văn Linh lại hỏi: “Ai cho phép mấy anh sử dụng Dương Văn Ba đi làm ở Lào?”. Ông Ba vị trả lời: “Anh Ba Hùng - Chủ tịch tỉnh trước đây đã có báo cáo với ông Phạm Văn Đồng - Thủ Tướng và ông Phạm Văn Đồng có cho anh Ba Hùng biết lãnh đạo của Lào khen ngợi Dương Văn Ba và lưu ý cần quan tâm tới việc sử dụng Dương Văn Ba. Tôi nghĩ việc sử dụng Dương Văn Ba được ông Phạm Văn Đồng chấp nhận và khuyến khích.
Bàn về việc làm ăn của công ty Cimexcol Minh Hải, mở đầu cuộc họp đã đem báo cáo tối mật của cơ quan tình báo đọc cho Nguyễn VănLinh nghe. Báo cáo nói rằng Dương Văn Ba là anh của Dương Văn Tư, Tư lệnh lực lượng phản động của Hoàng Cơ Minh đang tập trung lực lượng về Lào để chuẩn bị quấy phá Việt Nam.
Dương Văn Ba là anh của Dương Văn Tư, ông Nguyễn Văn Linh và những người khác trong cuộc họp nghe rất hợp tình, hợp lý và tin ngay (vì đây là báo cáo của cơ quan tình báo). Ba thì phải là anh của Tư, nhất là cùng họ, cùng theo thứ tự anh em. Sự thật ra Ba hoàn toàn không có quan hệ gì với Tư. Tư là người miền Bắc lớn tuổi hơn Ba, còn Ba thì lại là người Bạc Liêu.
Sự tình cờ trùng họ trùng thứ đã được cơ quan tình báo sắp đặt, đúng là một sự tình cờ chết người. Ông Nguyễn Văn Linh đã tin ngay, không cần kiểm chứng, và lúc này có lẽ ở dưới mộ sâu ông cũng chưa hề biết mình đã từng bị gạt.
Tôi được cơ quan tình báo gán ghép là gián diệp của Mỹ cài lại cho kế hoạch đánh phá Việt Nam thời hậu chiến. tôi gốc là một dân biểu chế độ cũ, lý lịch không tốt, so với những người được cộng sản miền Bắc sử dụng, gieo nghi ngờ tôi là tình báo, gián điệp do CIA cài lại thật là có lý.
Ông Nguyễn Văn Linh còn được cơ quan tình báo báo cáo: Dương Văn Ba đã sử dụng tiền của công ty Cimexcol Minh Hải để mua hai tàu biển đi viễn dương, phối hợp hoạt động trong và ngoài nước, trên hai tàu biển đều có điện đài, vô tuyến viễn thong để liên lạc với nhau trong âm mưu đánh phá Việt Nam.

Sự thật hai tàu biển đó như thế nào? Điện đài bí mật là như thế nào?
Trong hai tàu biển của Cimexcol mua, có một tàu tên là tàu Gành Hào tải trọng 1.500 tấn, do ông Huỳnh Kim Báu lúc còn làm Giám Đốc Công ty Cimexcol mua lại của ông Nguyễn An Trung - Việt Kiều Nhật - để vận chuyển hàng hóa đi Singapore và Nhật. Lúc quyết định mua, Huỳnh Kim Báu có hỏi ý kiến của tôi và Lê Công Giàu đang cùng là Phó Giám đốc Cimexcol. Tôi và Giàu đã đồng ý với Báu: Bởi vì làm ăn xuất nhập khẩu mà có thêm phương tiện vận chuyển đường biển, là điều nên làm. Việc mua bán do Huỳnh Kim Báu và Nguyễn An Trung sắp xếp thỏa thuận có sự tham gia thủ tục thanh toán của Ngân hàng Ngoại thương Chi nhánh TP.HCM.
Thủy thủ đoàn tàu Gành Hào là do công ty Vitranchart của Tổng Cục Đường biển bổ nhiệm, công ty Cimexcol Minh Hải không có quyền tham gia lựa chọn người đi biển ở trên tàu. Thuyền trưởng là Đảng viên cộng sản. Công ty Cimexcol chỉ làm nhiệm vụ quản lý kế toán tài chánh. Tàu Gành Hào hoạt động có lời nhưng tiền thu được chỉ dùng để trả nợ ngân hàng khi mua tàu. Trên tàu Gành Hào có điện đài nhưng đó là điện đài đã được Tổng Cục Đường Biển kiểm soát. Tại sao ông Nguyễn Văn Linh lại tin là tôi mua tàu để liên lạc với gián điệp?!
Thật là một sự xếp đặt bỉ ổi với ý đồ xấu của các cơ quan tình báo để báo cáo lên ông Nguyễn Văn Linh và chọc giận ông ta.
Một người như Dương Văn Ba, “gốc tích chế độ cũ” thế mà lãnh đạo tỉnh Minh Hải đã mù quáng sử dụng để Dương Văn Ba có cơ hội làm bùa phép mê hoặc cả tỉnh ủy.
Sự mù quáng của tỉnh ủy tỉnh Minh Hải đối với ông Nguyễn Văn Linh là một điều đáng bị kết tội. Theo tôi được biết, ông Nguyễn Văn Linh thuộc vào loại lãnh đạo thích được xu nịnh, thương ai thì dù người đó có làm điều gì sai khuấy, ông cũng bỏ qua. Còn nếu ghét ai thì người đó coi như phải đi đứt.
Chuyện sau đây do ông Lý Quý Chung kể lại là một thí dụ về tính thiên vị, bè phái và tính ưa xu nịnh của ông Nguyễn Văn Linh.
Trong tòa soạn của báo Lao Động của Hà Nội, thời kỳ đó, có ba nhân vật chủ chốt. Thứ nhất là ông Tống Văn Công - Tổng Biên tập, thứ hai là ông Tám Đăng - Bí Thư Đảng ủy, thứ ba là ông Lý Quý Chung - phụ trách Tổng thư ký tòa soạn (ông Lý Quý Chung, một người viết báo nổi tiếng ở Sài Gòn, có một thời phải chấp nhận ra Hà Nội ở 6 tháng trời làm báo để kiếm cơm). Sau một thời gian hoạt động chung, giữa ba người trụ cột của báo Lao Động có lục đục. Ông Tống Văn Công và ông Lý Quý Chung đứng về một phía, còn riêng ông Tám Đăng đứng về phía đối nghịch với hai người kia. Chuyện lục đục liên quan đến vấn đề quản lý, điều hành báo Lao Động, trong đó hai ông Tống Văn Công và ông Lý Quý Chung phát hiện ông Tám Đăng có tư túi và có tinh thần bè phái. Chuyện lục đục này được báo cáo lên ông Nguyễn Văn Linh đương kiêm Tổng bí thư Đảng và rất quan tâm đến báo chí. Thái độ của ông Linh rất rõ ràng, ông bênh vực cho Tám Đăng, ý kiến của ông là: “Điều quan trọng trong vụ lục đục này, ai là người có quá trình hoạt động Cách mạng tốt, tính cách “đỏ” của Tám Đăng nổi bật vì Tám Đăng trong quá khứ được ông Nguyễn Văn Linh biết rõ, ông đánh giá Tám Đăng rất cao”. Thế là Tám Đăng thắng thế trong vụ lục đục nói trên. Ông Lý Quý Chung buộc phải từ bỏ ghế Tổng thư ký tòa soạn báo Lao động ở Hà Nội.
Một chuyện khác, thể hiện một tính cách khác của ông Linh, do ông Mai Văn Bảy, có lúc là Thường Vụ thành ủy TP.HCM và là Chủ tịch Công đoàn thành phố. Vì là một Đảng viên lão làng, có nhiều quan hệ cho nên ông Mai Văn Bảy biết nhiều việc riêng tư của ông Nguyễn Văn Linh. Ông Mai Văn Bảy kể lại cho tôi nghe trong một chuyến đi về Cần Thơ. Theo ông Bảy “Tinh tình ông Nguyễn Văn Linh rất độc đoán và là một người thích ra mệnh lệnh. Ông Linh không thích ai thì người đó khó sống. Theo ông Mai Văn Bảy ông Nguyễn Văn Linh hoàn toàn không thích ông Võ Văn Kiệt từ hồi họ còn ở trong rừng. Lúc nào có điều kiện là ông Nguyễn Văn Linh tìm cách đè bẹp ông Kiệt. Hiềm khích đó của ông Linh dành cho ông Kiệt đến nổi con gái của ông Linh là cô Hòa nhận thấy không chấp nhận được, cho nên có lần trong một bữa cơm gia đình, cô Hòa đã thẳng thắn góp ý với bố. Cô Hòa nói: “Sao con thấy chú Sáu Kiệt đâu có vấn đề gì căng thẳng với bố, mà bố không được khách quan với chú, hễ có dịp là cứ châm bẩm với chú Sáu”.
Nghe cô Hòa nói, ông Linh đã không dằn được nóng giận phản ứng “Mày biết gì mà nói” ông cầm nguyên tô canh để trên bàn tạt vào mặt cô con gái. Cũng may, tô canh không còn nóng lắm nên cô Hòa không bị phỏng.
Người ta còn nhớ, ông Mười Cúc lúc còn là Thường trực Ban bí thư Trung Ương Đảng, chuẩn bị lên làm Tổng bí thư, ông ta có đi Liên Xô trị bệnh một thời gian. Trong thời gian ông ta ở Liên Xô, ở nhà riêng tại Sài Gòn, người con trai lớn của ông Linh đã tự vẫn bằng cách sử dụng khẩu súng lục của bố mình, bắn vào đầu và có để lại một bức thư tuyệt mạng. Điều ấn tượng là con trai ông Linh đã vào nằm ngay chỗ nằm của bố mình để tự sát. Thư tuyệt mạng đó nói gì, không có ai được biết. Chỉ có riêng hai người biết rõ: Một là ông Võ Văn Kiệt lúc đó làm Bí thư thành ủy, hai là ông Sáu Ngọc tức Thiếu tướng Lê Thanh Vân, Giám đốc Công an TP.HCM. Hai ông Kiệt và Sáu Ngọc đã đến hiện trường khi xảy ra vụ tự vẫn, đã lấy bức thư đó cất giữ.
Ông Nguyễn Văn Linh một người từng được nhiều đàn em trong Đảng tung hô công kênh thực sự có nhiều vết đen trong đời sống riêng tư như thế. Những vết đen đó có phải là của một lãnh tụ anh minh xuất chúng hay không?
Về chuyện đổi mới trong đường lối của Đảng Cộng Sản Việt Nam, ai là người có công mở mũi, ông Nguyễn Văn Linh hay ông Trường Chinh?
Chuyện sau đây do ông Lê Văn Triết - Ủy viên TW Đảng, có lúc giữ chức Bộ trưởng Bộ Thương mại - kể lại. Theo ông Lê Văn Triết, người chủ trương đổi mới đường lối của Đảng Cộng Sản Việt Nam là ông Trường Chinh, chứ không phải là ông Nguyễn Văn Linh. Ông Trường Chinh, lúc làm Tổng Bí thư đã chín lần soạn thảo các nghị quyết chỉ đạo Đảng Cộng Sản phải tìm cách đổi mới, chuyển hướng làm ăn kinh tế sang cơ chế thị trường. Với sức nặng của một lãnh tụ Cộng Sản bảo thủ như Trường Chinh, ông ta mới đủ tư thế nói chuyện đổi mới mà không bị các nhóm bảo thủ khác hạ bệ. Ông Trường Chinh thời kỳ làm Tổng Bí thư cảm thấy tình thế nước Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng Sản theo đường lối bảo thủ, đang quá chậm tiến và trì truệ. Sau khi đi thăm một số tỉnh ở miền Bắc và đặc biệt là sau khi đi thăm TP.HCM, thăm tỉnh Sông Bé, tỉnh Long An, ông ta mới thức tỉnh phải mở cửa quan hệ với các nước tư bản. Theo ông Lê Văn Triết, Trường Chinh là người đã sớm tỉnh ngộ thoát khỏi cơn mê trì truệ. Ông ta quyết định phải mở cửa hợp tác với các nước tư bản. Ông Nguyễn Văn Linh chỉ là người thừa hưởng quyết định đổi mới của Trường Chinh. Lúc đầu đi theo đường lối đổi mới, Nguyễn Văn Linh vẫn phải dung hòa, tiếp tục dựa vào thế lực của Lê Đức Thọ. Sau đại hội Đảng lần thứ VI, mặc dù nắm giữ chức vụ Tổng Bí thư, Nguyễn Văn  Linh ở Hà Nội đêm nào cũng phải đến nhà Lê Đức Thọ để báo cáo mọi việc và trao đổi ý kiến, coi như một hình thức tiếp tục nhận lãnh sự chỉ đạo của Lê Đức Thọ. Lúc đó, ngành Công an và ngành Nội chính vẫn nằm trong tay của Sáu Thọ, Nguyễn Văn Linh biết dựa vào thế lực đó để từ từ củng cố quyền lực. Phải nhìn nhận về chuyện làm thế nào để ngoi lên được tột đỉnh quyền lực, Nguyễn Văn Linh là một tay sừng sỏ, có bản lĩnh, biết nắm thời cơ, biết dung hòa với các thế lực mà ông còn gờm. Sự việc hàng đêm phải lên nhà Lê Đức Thọ báo cáo trong giai đoạn đầu mới nắm chức vụ Tổng Bí thư đã nói lên tính cách “cáo già” về chính trị của ông ta.
Là một tay cáo già trong việc từ từ nắm quyền lực, ông Nguyễn Văn Linh trong kế hoạch thực hiện vụ án Cimexcol Minh Hải mà mục tiêu chủ yếu là để đánh thẳng vào ông Võ Văn Kiệt, ông Nguyễn Văn Linh đã hai lần chiêu dụ ông Lê Văn Bình, Chủ tịch tỉnh Minh Hải, tố giác tôi, Dương Văn Ba, là gián điệp mà CIA Mỹ đã cài lại trong kế hoạch hậu chiến.
Tại sao ông Nguyễn Văn Linh chiêu dụ ông Lê Văn Bình tố giác tôi là gián điệp? Bởi vì, ban lãnh đạo của tỉnh Minh Hải lúc đó do ông Võ Văn Kiệt chỉ đạo dựng nên trong đại hội Đảng bộ của tỉnh vào năm 1983. Ban lãnh đạo này gồm có những người đứng đầu như ông Ba Vị - Bí Thư tỉnh ủy, ông Ba Hùng - Chủ tịch UB tỉnh, ông Năm Hạnh tức Lê Văn Bình Phó Chủ tịch Thường trực của tỉnh… những ông này đều do ông Võ Văn Kiệt ủng hộ trong kỳ đại hội Đảng đó của tỉnh Minh Hải. Những ông này lại là những người quyết định sử dụng tôi trong việc đưa tôi sang Lào, đứng đầu thực hiện chương trình hợp tác kinh tế với quân đội Lào. Đánh vào tôi, công cụ thực hiện hàng đầu của tỉnh Minh Hải tại Lào và chứng minh được tôi là người của Mỹ cài lại, thì là tìm được bằng cớ cụ thể xác nhận lãnh đạo tỉnh Minh Hải có liên quan mật thiết với chương trình hậu chiến của Mỹ, đặc biệt ông Võ Văn Kiệt, người dựng nên nhóm lãnh đạo tỉnh Minh Hải, người ủng hộ việc sử dụng tôi làm sao thoát khỏi tay vạ có dính líu đến đám CIA Mỹ, từ trước năm 1975?!!!
Tưởng cũng nên kể lại sự việc vào năm 1968, sau biến cố tết Mậu Thân, lúc đó ông Võ Văn Kiệt còn làm Bí Thư chỉ đạo Khu 9, gồm các tỉnh Miền Tây. Ông Kiệt đã từng chỉ đạo tỉnh ủy tỉnh Bạc Liêu – Sóc Trăng liên lạc với tôi, với tư cách là Dân biểu tỉnh Bạc Liêu, với tư cách là nhà báo có nhiều bài viết chống đối chế độ Thiệu, ý đồ của ông Kiệt muốn sử dụng tôi hoạt động cho Cộng Sản từ năm 1968.
Chỉ đạo của ông Kiệt về việc móc nối tôi, ông Sáu Hậu, lúc đó là Bí thư tỉnh Sóc Trăng – Bạc Liêu, đã giao cho ông Năm Quân, Phó Bí thư tỉnh thực hiện. Ông Năm Quân và tôi, thời kỳ đó, có một lần quen biết nhau và gặp gỡ tại Cần Thơ. Trong lần đó, tôi có hứa sẵn sàng làm những việc gì tôi thấy có lợi cho cách mạng.
Nếu chứng minh được tôi là tình báo của Mỹ cài lại, sẽ chứng minh được ông Võ Văn Kiệt từ lúc làm Bí thư Khu 9 đã có quan hệ với người của Mỹ. Chứng minh được điều đó qua vụ việc tố giác tôi là người của Mỹ, ông Võ Văn Kiệt lại có quan hệ với tôi từ năm 1968, địa vị chánh trị và vai trò của ông Kiệt trong Đảng Cộng Sản, coi như bị chấm dứt, đặc biệt là vào thời điểm ông Nguyễn Văn Linh làm Tổng Bí thư. Vụ án Cimexcol Minh Hải bề ngoài đích ngắm là Dương Văn Ba, nhưng bên trong mục tiêu số 1 là để hạ bệ Võ Văn Kiệt.
Âm mưu này ông Võ Văn Kiệt là người hiểu rất rõ. Cho nên 3 tháng sau khi tôi bị bắt, có một lần ông Võ Văn Kiệt lúc ấy vẫn còn làm Phó Thủ tướng, đã nhờ bà Bùi Thị Mè cho mời hai đứa con trai lớn của tôi đến gặp riêng tại nhà bà Mè. Ông Võ Văn Kiệt đã nói với hai đứa con tôi “Ba của hai cháu là nạn nhân của vụ án này. Bác không thể quên. Khi nào bác còn sống bác vẫn nhớ đến vụ này”.
Sự kiện ông Võ Văn Kiệt gặp riêng hai đứa con tôi làm cho tôi vô cùng cảm động về NGHĨA KHÍ của một người lãnh tụ Cộng Sản Miền Nam. Ông Kiệt rất rõ ràng trong vụ cư xử như thế nào để thể hiện tác phong của một nhà lãnh đạo chân chính. Tôi rất biết ơn ông, khi mãi tới về sau này ông vẫn thường nói với nhiều người khác: “Người ta đánh Dương Văn Ba nhưng thực sự là để đánh tôi”.
 Hết
(Bản thảo này chấm dứt vào khoảng năm 2006 
Sau này tác giả bị bệnh nặng nên không thể bổ sung, chỉnh sửa gì được nữa)

26-2-15

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét