Thứ Bảy, 13 tháng 6, 2015

20150613. TRUNG QUỐC VẪN CÓ THỂ THAM GIA TPP ?

ĐIỂM BÁO MẠNG
THAM GIA VÀO TTP: TRUNG QUỐC PHẢI TRẢ GIÁ !
 Phỏng vấn  Ô Bùi Kiến Thành /ĐVO 11/6/2015
Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành
Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành
Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành nhận định về khả năng Trung Quốc tham gia TPP trong tương lai.
PV: - Truyền thông Mỹ vừa dẫn lời Tổng thống Mỹ Barack Obama cho biết Trung Quốc đã thể hiện sự quan tâm về khả năng tham gia Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) trong tương lai. Ông có bất ngờ trước thông tin này? Liệu khả năng Trung Quốc tham gia TPP liệu có sớm thành hiện thực?
Ông Bùi Kiến Thành: - TPP được khởi xướng bởi 5 quốc gia ban đầu mà không có Mỹ, một thời gian sau Mỹ nhận thấy TPP có lợi cho Mỹ nên mới tham gia và đóng vai trò quan trọng trong vấn đề lãnh đạo việc thương thảo TPP.
Mọi người đều có quyền nghĩ một hiệp định có 12 nước thành viên chiếm tới 40% GDP của thế giới mà không có Trung Quốc thì có thể nhằm đối đầu với Trung Quốc. Nhưng bây giờ là hội nhập kinh tế thế giới, việc mở ra một cuộc hội nhập toàn cầu không phải không thể tính tới.
Mỹ nhiều lần thương lượng với Trung Quốc để nâng giá đồng Nhân dân tệ lên nhưng Trung Quốc không chấp nhận để có lợi thế xuất khẩu. Dựa trên lợi thế đó, hàng hoá của Trung Quốc đi khắp nơi, chèn ép các quốc gia khác. Thành ra các nước phải nghĩ đến việc thành lập ra một cộng đồng, tạm gọi là để đối đầu, tự bảo vệ mình khỏi ảnh hưởng của Trung Quốc.Tại sao trước giờ Trung Quốc không vào TPP? Nền thương mại quốc tế đã bị Trung Quốc thao túng quá nhiều. Trung Quốc trở thành công xưởng thế giới với giá lao động thấp và lâu nay Mỹ phải đấu tranh với Trung Quốc về chính sách tiền tệ thấp.
Trong năm nay các nước sẽ kết thúc vấn đề thương thảo và TPP sẽ được ký kết.  TPP có mười mấy chương, mỗi chương có đặc thù riêng, ví dụ, chương về vấn đề may mặc, thực phẩm, bảo vệ lao động, quyền của người lao động, tự do dân chủ..., có rất nhiều thứ trong đó mà thương lượng không hề dễ dàng chút nào.
Khoảng tháng 9/2013 Việt Nam muốn vào TPP nhưng thương lượng còn chậm chạp, Mỹ cho biết nếu không nhanh chóng thương lượng dứt khoát từng chương một thì khi đóng chương đó lại, Việt Nam vào sẽ phải chấp nhận những gì đã được các nước quyết định với nhau trước đó.
Đối với Trung Quốc cũng vậy. Nếu Trung Quốc muốn vào TPP, không phải Tổng thống Obama mở cửa cho Trung Quốc là được. Mỹ chỉ là một quốc gia trong TPP, không phải Mỹ muốn nước nào vào thì 11 nước thành viên còn lại phải chấp nhận.
Đây là hiệp định của 12 quốc gia, Trung Quốc muốn vào thì phải thương thảo với từng quốc gia để giải quyết quyền lợi của từng nước. Nếu Mỹ và các nước khác nói rằng họ đã thương thảo xong, Trung Quốc muốn vào phải chấp nhận tất cả những gì họ đã quyết định với nhau, liệu Trung Quốc có chấp nhận?
Các quốc gia sẽ đặt điều kiện, đó là cái giá Trung Quốc phải trả để thương thảo. Cái giá đó chưa biết là gì nhưng về nguyên tắc, đây là tổ chức đối đầu với Trung Quốc, bênh vực cho quyền lợi cho 12 quốc gia để không bị Trung Quốc chèn ép. Nếu Trung Quốc vào TPP mà có lợi cho 12 quốc gia thì không phải chuyện không mở cửa mà là mở với điều kiện gì.
Ông Obama vẫn để ngỏ cánh cửa để Trung Quốc gia nhập TPP. Đó là vì trên thế giới không ai muốn có xung đột, nếu có thể thương thảo để giải quyết thì luôn có cửa. Không phải chiến tranh về kinh tế mà loại trừ chiến tranh, xung đột về lĩnh vực khác.
Ví dụ, Trung Quốc muốn vào TPP, trong TPP có điều kiện về nhân quyền, về tôn trọng bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của nhau, tự do hàng hải, Trung Quốc sẽ giải quyết vấn đề Biển Đông thế nào? Các câu chuyện đó sẽ được đặt ra, Trung Quốc phải thảo luận với các nước về vấn đề mà họ quan tâm.
Bởi vậy, việc Trung Quốc bắn tin về khả năng gia nhập TPP trong tương lai và tuyên bố của Mỹ, về mặt ngoại giao, ổn định thế giới là việc bình thường, còn mời vào để thương lượng là chuyện khác.
Trung Quốc tham gia TPP hay không tuỳ thuộc vào việc cân bằng quyền lợi của các bên. Phải làm sao để "win-win situation", người nào cũng thắng và như thế Trung Quốc không thể hống hách một cách quá đáng, không phải chỉ vấn đề kinh tế mà trong tất cả vấn đề khác.
Trung Quốc phải là 1 thành viên tích cực, hoà bình và trong vấn đề giao thương, ngoại giao quốc tế phải bảo đảm được an ninh quốc phòng trường cửu với nhau. Kinh tế không thể phát triển nếu có sự tranh chấp về vấn đề an ninh quốc phòng, quân sự. Là thành viên của một tổ chức thì phải tuân thủ luật chơi, luật chơi đó là gì thì phải thương lượng,
Với Trung Quốc trong trường hợp này có lẽ phải chấp nhận những điều kiện khắt khe, dẹp bỏ tinh thần bành trướng đại Hán, trở thành 1 thành viên thân hữu giữa các nước cùng chung một nhà.
PV: - Từ trước tới nay, TPP được coi là một thách thức không nhỏ đối với kinh tế Trung Quốc. Theo Quốc Vụ viện Trung Quốc, việc thực thi TPP sẽ “làm giảm bớt lợi thế về giá” của Trung Quốc trong việc xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp và “tác động đến sự mở rộng ra nước ngoài của doanh nghiệp nước này”. Theo ông, trong trường hợp Trung Quốc tham gia TPP, những thách thức nói trên có được hóa giải không và vì sao?
Ông Bùi Kiến Thành: - Điều này còn tuỳ chứ không thể hoá giải hết được. TPP cũng có giới hạn của nó chứ không phải vào TPP rồi muốn làm gì thì làm. TPP có quy định về hàng rào hải quan, đối với nước thành viên, hàng rào ấy là con số 0 nhưng đối với Trung Quốc lại là một con số nào đó, một phần để bảo vệ quyền lợi của các nước không thể cạnh tranh với Trung Quốc về giá cả.
Trung Quốc bán phá giá nhưng các nước không thể kiện ra toà quốc tế vì Trung Quốc duy trì chính sách tỷ giá quá thấp, sử dụng lao động quá rẻ...  Trung Quốc muốn chiếm lĩnh thị trường các nơi mà duy trì chế độ làm việc, chính sách kinh tế như thế thì các nước khác không chấp nhận được.
Ví dụ, trong TPP có quy định về tỷ lệ nội địa hoá của sản phẩm. Dệt may của Việt Nam đang nhập nguyên liệu chủ yếu từ Trung Quốc, vượt quá tỷ lệ quy định trong TPP thì sản phẩm đó không hưởng ưu đãi về thuế. Như vậy, Việt Nam sẽ phải mua nguyên liệu ở các quốc gia thành viên TPP, Trung Quốc sẽ mất đi khách hàng Việt Nam.
Để hoá giải chuyện này, Trung Quốc đã có sự chuẩn bị: họ dời công xưởng, nhà máy sang Việt Nam để sản xuất, chế biến nguyên liệu để có được xuất xứ là hàng Việt Nam, xuất khẩu sang nước khác sẽ được hưởng ưu đãi về thuế. Không chỉ dệt may mà da giày và tất cả những ngành Trung Quốc đang cung cấp nguyên liệu cho Việt Nam cũng đều chuyển hướng như vậy.
PV: - Từ phía Mỹ, việc thành lập TPP được coi như là phương cách đối phó với lợi thế về giá của Trung Quốc. Với sự tham gia của Trung Quốc, mục tiêu này có đạt được không? Tính toán của Mỹ khi Trung Quốc thực sự tham gia hiệp định này sẽ phải thay đổi như thế nào?
Ông Bùi Kiến Thành: - Hai bên sẽ phải ngồi lại để tính toán với nhau về quyền lợi của mình xem được gì, mất gì trước khi nhận Trung Quốc vào TPP. Không thể nói thương thảo có kết quả hay không nhưng ít nhất cũng phải ngồi lại với nhau, nhận thương thảo không có nghĩa là nhận Trung Quốc vào TPP.
Có hai bước: Thứ nhất là không nhận thương thảo vì câu chuyện đó các nước đã bàn xong và sắp ký kết, không thể chờ Trung Quốc vào thương thảo xong rồi mới ký kết. Lộ trình đã đặt ra, năm nay phải ký thì việc gì cần làm vẫn cứ làm. Thứ hai, Trung Quốc muốn vào thì phải hội ý với các nước thành viên xem có nói chuyện không, và việc nói chuyện với Trung Quốc không có nghĩa sẽ làm chậm lại lộ trình để chờ nước này. Về ngoại giao, nếu thấy không mất mát gì thì vẫn ngồi nói chuyện.
PV: - Trong trường hợp Trung Quốc tham gia TPP, thế mạnh hàng giá rẻ cộng với việc miễn thuế sẽ tạo cho hàng hóa Trung Quốc lợi thế thế nào và sẽ gây áp lực ra sao đối với nền kinh tế các nước thành viên, thưa ông? Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng như thế nào từ việc này?
Ông Bùi Kiến Thành: - Trong trường hợp tham gia TPP, nếu không đáp ứng các điều khoản của hiệp định, Trung Quốc sẽ bị loại ra khỏi một số thị trường. Không phải chỉ vấn đề giá mà trong TPP còn nhiều điều khoản khác như nhân quyền, quyền lợi của người lao động... Thành ra để làm sao cả thế giới đồng tiếng với nhau, cái này phải xét trên một bình diện khác nữa.
Thế giới chia ra nhiều khối: lao động rẻ- lao động đắt tiền, lao động năng suất cao- lao động năng suất thấp, làm sao hai khối phải đồng tiếng để hoá giải chuyện lao động quá rẻ mà người Mỹ không thể cạnh tranh được.
Hay lao động năng suất quá thấp mà sống với đồng lương 1-2 USD/ngày thay vì 15-20 USD/giờ, hoà đồng rất khó khăn, nếu không giải quyết được, bao nhiêu nước mở rộng sản xuất, chế biến, việc làm chạy qua khu vực lao động rẻ thì Mỹ không giải quyết được vấn đề lao động của nước này.
Trong 1 quốc gia, tạo công ăn việc làm cho người lao động là quan trọng nhất, hiện Mỹ mắc kẹt khi GDP cao nhưng người lao động vẫn mất việc. Mỗi năm người Mỹ mất mấy chục nghìn công xưởng dời ra nước ngoài, đó là vấn đề quản lý nhà nước.
Cái khó của Mỹ là lao động có việc làm nhưng giá cao nên khó cạnh tranh. Bây giờ Mỹ nâng cao năng suất lao động lên cao để giải quyết vấn đề này bằng cách chuyển đổi mô hình kinh tế: không sản xuất những sản phẩm mà nơi khác có thể làm được mà tập trung vào những sản phẩm có giá trị gia tăng cao, trí tuệ cao.
Có thể thấy rằng, thế giới thực ra rất khó phẳng vì còn sự chưa đồng bộ giữa các quốc gia, các nền kinh tế với nhau.
Nếu Trung Quốc bước vào TPP ngay bây giờ thì các nước không thể cạnh tranh nổi, đồng thời nếu muốn Trung Quốc áp dụng luật lao động của nước này theo các điều kiện của TPP thì Trung Quốc có thực sự áp dụng không hay vi phạm thì có cách gì hoá giải? Nếu xảy ra xung đột thì có cách gì giải quyết? Có toà án nào giải quyết?
Trong tất cả các hợp đồng đều có điều khoản giải quyết xung đột, các nước ít nhiều đều có xung đột với nước khác, nhất là đối với một nước lớn như Trung Quốc thì không thể nào không có, phải tìm cách hoá giải.
Với Việt Nam, Trung Quốc gia nhập TPP thì có những điều kiện thì Việt Nam chấp nhận cùng các nước khác nhưng có những điều kiện không chấp nhận đối với Trung Quốc. Trong quan hệ với Trung Quốc, Việt Nam bị thiệt thòi nhiều vì ảnh hưởng của một nước gần sát ngay bên cạnh, quản lý nhà nước lại còn yếu.
  • Thành Luân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét