Thứ Tư, 24 tháng 6, 2015

20150624. NGHĨ VỀ CẢI CÁCH GIÁO DỤC

TÁT NƯỚC THEO MƯA
Bài của NGUYỄN ĐÍNH CỐNG/ BVN 21/6/2015
 
Mưa ở đây là “Bản kiến nghị về giáo dục” của 12 nhà khoa học trong nhóm Đối thoại GD VN do GS Ngô Bảo Châu chủ trì. Đã từ lâu tôi cho rằng chủ trương học phí đại học thấp là sai  nhưng chỉ mới vài lần trao đổi hẹp trong nhóm bạn bè mà chưa đưa ra công luận. Nay đọc thấy ý kiến trên trong bản kiến nghị nên  xin “tát nước theo mưa”, trình bày vài quan điểm.
Những người chủ trương học phí đại học thấp là muốn bảo đảm sự công bằng trong giáo dục, để cho con nhà nghèo vẫn học được đại học, như thế là hay, là đúng chứ sai ở chỗ nào.
Trước hết lập luận “học phí thấp để bảo đảm sự công bằng trong giáo dục” là một ngụy biện kiểu đánh tráo khái niệm, một lập luận gian dối. Dựa vào đâu để nói như vậy. Hồ Chủ tịch  dạy: “Làm sao để nhân dân ai cũng có cơm ăn, có áo mặc, ai cũng được học hành”. Nên hiểu thế nào về mệnh đề  “ai cũng được học hành”. Theo tôi là mọi người thoát nạn mù chữ, cao hơn là có trình độ tiểu học chứ không phải có trình độ đại học. Nhóm NC của GS Ngô Bảo Châu còn chứng minh “học phí đại học thấp còn tạo ra bất bình đẳng”.
Ý muốn con nhà nghèo vẫn học được đại học là tốt. Tuy vậy cần nhận rõ là để hưởng quyền lợi học tập để có kiến thức không đơn giản như được ăn, được mặc, mà cần phải có sự nỗ lực rất lớn của bản thân. Đã có nhiều con nhà nghèo nhờ có trí tuệ và nghị lực mà đã  thành đạt lớn. Tuy vậy hiện tại có không ít người chạy theo hư danh bằng cấp, mất tiền, mất thời gian để có được tấm bằng đại học rồi không thể tạo được việc làm theo đúng  cái bằng, lâm vào thế thất nghiệp, “mất cả chì lẫn chài”. Để giúp người có trí tuệ và nghị lực con nhà nghèo học được thì có một số cách hiệu quả hơn là việc quy định học phí thấp, đó là việc xin học bổng, xin trợ cấp, xin miễn giảm học phí,  ký hợp đồng làm việc sau khi tốt nghiệp, vay tín dụng ưu đãi, tạo điều kiện vừa học vừa làm thêm v.v… Đã là con nhà nghèo mà thiếu trí tuệ và nghị lực thì nên giúp họ cách khác chứ không phải học đại học, (giúp những người đó học đại học thì không khéo “Thương nhau mà lại bằng mười hại nhau- Kiều”).
Quan điểm đòi không tăng học phí còn vi phạm đạo lý. Tạm quy ước rằng học phí được Nhà nước ban hành vào năm  1990 là 100 đơn vị , bằng giá của M cân gạo. So với năm 1990, bây giờ giá mọi thứ đã tăng lên  trên 3 lần, có thứ trên 5 lần. (từ xăng, điện, bát phở đến mớ rau, quả ớt…), học phí 100 đv chỉ còn ngang một phần 3 của M cân gạo mà thôi. Một bà bán rau, một người bơm xe , kể cả một người ve chai hoặc nhặt rác, năm 1990 và bây giờ công việc không khác nhau nhưng tiền thu được năm đó là 1 thì bây giờ là trên 3. Thế thì học phí là cái thứ gì, nó vô giá trị đến mức nào mà vẫn cứ giữ nguyên. Lấy thí dụ một người bơm xe, năm 1990, một tháng kiếm được 1000, đóng học phí 100, tức là 1 phần 10. Bây giờ cũng bơm được từng ấy xe nhưng anh ta thu được trên 3000. Nếu học phí vẫn giữ nguyên 100 thì anh ta chỉ đóng  chưa đến 1 phần 30, như thế là về tương đối học phí đã bị giảm hơn 3 lần chứ có phải giữ nguyên được đâu.
Nhà trường thu học phí để làm gì. Chủ yếu cho 2 việc: trợ cấp thêm ngoài lương cho thầy cô giáo và tăng cường cơ sở vật chất.Tại sao các trường công còn phải thu học phí, vì ngân sách chưa đủ. Thu học phí là nằm trong sách lược xã hội hóa giáo dục của Nhà nước. Học phí thấp dẫn đến đời sống thầy cô giáo khó được nâng cao, cơ sở vật chất nhà trường khó được hoàn thiện. Thế thì dựa vào đâu, lấy gì để nâng cao chất lượng.
Trong toàn bộ sinh viên, số con em nhà thực sự nghèo chỉ  vài ba phần trăm. Trên 95% SV là con em các gia đình không phải nghèo, họ hoàn toàn  không những sẵn sàng  đóng học phí theo mức tăng lên của giá cả ( trước đây đóng 100 thì bây giờ đóng 300 ) mà còn có thể đóng cao hơn. Vậy tại sao lại chỉ vì vài ba phần trăm người nghèo mà để cho trên 95% người bình thường không được làm tròn nghĩa vụ trong sự nghiệp xã hội hóa giáo dục. Để giúp cho vài phần trăm SV nghèo có trí tuệ và nghị lực thì dùng các biện pháp khác như đã nêu trên là hiệu quả hơn.
Thử làm bài tính như sau. Có  4% SV nghèo. Khi giá cả tăng lên 3 lần mà không tăng học phí thì thu được 100 đơn vị. Nếu thu học phí tăng lên 3 lần của 96% SV ( miễn cho 4% SV nghèo ) thì sẽ được 288 đơn vị. Làm như thế nào là có lợi hơn.
Trong thời gian làm chủ nhiệm khoa tại trường Đại học Xây dựng ( 1992-1997 ) tôi đã xây dựng một quĩ học bổng để giúp SV nghèo vượt khó. Đối với toàn trường quĩ đó có thể lấy một phần từ học phí. Nếu học phí quá thấp thì khó  tạo ra quĩ để giúp sv nghèo.
Học phí còn để trợ cấp cho thầy cô giáo. Khi giá cả tăng, thu nhập bằng tiền của mọi người, kể cả người nghèo, đều tăng theo tỷ lệ. Nếu không tăng học phí thì phần trợ cấp vừa kể không thể tăng. Thử hỏi phải chăng thầy cô giáo, lao động của họ không đáng được đối xử như người nghèo. Chỉ để làm vừa lòng vài phần trăm người nghèo một cách hình thức mà đòi không cho tăng học phí, dẫn đến ảnh hưởng xấu cho việc xây dựng cơ sở vật chất và đời sống thầy cô thì có nên làm hay không.
Một số đại biểu quốc hội lớn tiếng đòi không tăng học phí. Theo dõi thái độ và giọng điệu của họ tôi thấy có 2 loại.  Một loại có lòng tốt, thực sự lo lắng cho người nghèo nhưng vì suy nghĩ nông cạn, vướng vào ngụy biện mà không biết. Một loại khác là kẻ cơ hội, mị dân, muốn chứng tỏ ta đây vững vàng lập trường giai cấp vô sản, muốn chứng tỏ ta là đại biểu chân chính của người nghèo, ta có nhiệt tình, có lý luận, loại này thường to mồm. Tôi cũng chưa thấy có ai ở Quốc hội hoặc lãnh đạo Bộ Giáo dục phản bác lại quan điểm không cho tăng học phí.
Nhân chuyện liên quan đến người nghèo. Trước đây có thời chúng ta đã quá tôn trọng người nghèo. Khi khai lý lịch ta tự hào là thành phần công nhân, bần cố nông. Có sự ngấm ngầm đồng nhất sự nghèo đói với đạo đức (vì không bóc lột ). Ngày nay Nhà nước và xã hội đã rất đúng đắn khi quan tâm đến việc xóa đói giảm nghèo, Mặt trận Tổ quốc đã  rất nhân đạo khi tổ chức phong trào giúp đỡ người nghèo. Tuy vậy, bên cạnh những kết quả tốt đẹp, sự quan tâm đó, phong trào đó phạm phải một số nhược điểm, nếu khắc phục được sẽ tốt hơn.
Trước đây cho rằng nguyên nhân của nghèo đói là vì: a- không có tư liệu sản xuất, phải bán sức lao động. Nhưng rồi còn thấy thêm 2 nguyên nhân khác nữa là: b- sự rủi ro hoặc tai nạn bất ngờ; và c- sự lười biếng, ngu dốt. Chủ trương trợ giúp hộ nghèo có mặt tiêu cực là tạo nên sự ỷ lại của một số kẻ lười nhác. Họ phấn đấu không phải để thoát nghèo mà để giữ được tiêu chuẩn hộ nghèo. Phong trào “Vì người nghèo”, bây giờ đã nghe mãi quen tai rồi, còn thời gian đầu tôi nghe rất khó chịu. Nội dung là giúp đỡ người nghèo thì cứ nói và viết là giúp đỡ người nghèo có hơn không (so với  3 từ vì người nghèo  thì thêm 1 từ thành 4, hoặc muốn ngắn gọn thì chỉ  là “giúp người nghèo”) . Trong tiếng Việt, khái niệm “giúp” hoặc “giúp đỡ”  với khái niệm “vì”  có khác nhau về mức độ ý nghĩa. Chúng ta nói: Vì Tổ quốc, Vì nhân dân, Vì lý tưởng, Vì độc lập tự do, Vì tương lai con em v.v…, nghĩa là vì một cái gì đó cao đẹp, quan trọng. Khi nói vì cái gì là ta phải toàn tâm toàn ý cho cái đó, ít nhất cũng để một số đáng kể tâm trí và sức lực cho nó. Thế thì tại sao lại vì người nghèo. Khi ai hỏi  lao động, sáng tạo vì cái gì, nếu trả lời vì người nghèo thì ra đã đặt người nghèo lên trên nhiều thứ quan trọng, quý giá khác. Khi tôi nói ý này cho một số bạn bè, nhiều người tán đồng nhưng cũng có vài người phê phán tôi là “rách việc, chỉ một từ chứ có gì đâu”.  Vâng, chỉ một từ nhưng nói lên quan điểm, tạo ra nhận thức. Kể ra bây giờ cũng chưa muộn, nếu thay đổi cách giúp hộ nghèo để loại trừ sự ỷ lại, nếu thay tên của phong trào “vì người nghèo”  bằng “giúp người nghèo”  thì hay hơn.
Sau khi đọc bản kiến nghị về giáo dục của nhóm Ngô Bảo Châu, có câu “học phí đại học thấp là một sai lầm”, tôi  viết vài suy nghĩ, mong được trao đổi với những ai có quan tâm.
N.Đ.C.
Tác giả gửi BVN
DU HỌC SINH "NÓI THẬT", PHỤ HUYNH VIỆT ĐAU ĐẦU
Bài của HOÀNG HUY/ TVN/ BVB 22/6/2015
 
Các du học sinh ở Anh. Ảnh: Studylink
Khi theo học ở nước ngoài, du học sinh Việt Nam thường không mấy khó khăn để giành những điểm số rất ấn tượng trong các môn Toán – Khoa học… tuy nhiên đó mới chỉ là phần nổi tươi đẹp của tảng băng.
LTS:Cứ mỗi kỳ thi về, các phụ huynh và học sinh lại chộn rộn với kết quả học tập của các em. Nhưng những năm gần đây, các phụ huynh và chuyên gia giáo dục lại bắt đầu hoang mang vì... nhiều học sinh giỏi quá. Áp lực và thời gian học hành gia tăng; nhưng cái giỏi này có thực chất không, có đi đôi với hiệu suất lao động và chất lượng cuộc sống không?
Tuần Việt Nam mở diễn đàn Thế nào là giỏi và giỏi để làm gì? Mời các phụ huynh và chuyên gia giáo dục cùng tham gia thảo luận.
Các 'siêu nhân' Việt Nam
Hơn 20 năm đi học trong nước và nước ngoài, trải nghiệm cả hai nền giáo dục Á Âu, tôi luôn tự hào về khả năng tính nhẩm rất nhanh của mình, dù rằng chưa bao giờ được coi là một người khá toán khi còn học trong nước.
Niềm tự hào đó chắc sẽ là mãi mãi cho đến một cuộc đối thoại của giữa tôi và một người bạn nước ngoài.
Thán phục trước khả năng tính nhẩm trong chớp mắt của tôi, trong khi bạn phải bấm máy tính rất lâu mặc dù phép tính khá đơn giản với đa số học sinh tiểu học ở Việt Nam. Chúng tôi đưa câu chuyện đi xa hơn khi hỏi về quá trình học tập của nhau khi còn là học sinh.
Ra là bạn hoàn toàn không được học những gì chúng tôi đã học: không biết tính nhẩm chỉ biết bấm máy tính nhưng lại được học kiên nhẫn xếp hàng khi qua đường hay chờ đợi; không hề biết giải những bài toán cực khó mà học sinh lớp 10 ở Việt Nam ngày nào cũng luyện, nhưng lại có kỹ năng lập kế hoạch công việc rất tốt và chính xác.
Nếu xét theo tiêu chí của người Việt "nét chữ nết người" thì có lẽ anh bạn tôi hẳn không phải… người tốt. Chữ anh quá xấu, nghiêng ngả hết cả, do chưa có ngày nào được học tập viết trên vở ô ly như chúng tôi ngày xưa. Thế nhưng anh lại có thể say sưa kể với tôi về những vở kịch kinh điển của Shakespeare, sẵn sàng bỏ hàng giờ lang thang trong Bảo tàng Anh Quốc (British Museum) để kể cho tôi về hòn đá Rosetta (The Rosetta Stone) và giới thiệu các tác phẩm nghệ thuật được trưng bày.
Tôi thấy may cho bạn đã không học ở Việt Nam, vì với cái kiểu đấy, tôi biết bạn sẽ chẳng bao giờ được là học sinh giỏi. Tuy nhiên, phải nhìn nhận lại thật tường minh và nghiêm túc “Thế nào là học giỏi và có nhất thiết phải học giỏi bằng mọi giá hay không?”
Quả thật có một sự khác biệt rất lớn trong đường lối giáo dục của thế giới phương Tây và Việt Nam.
Nền giáo dục Anh và nhiều nước khác chú trọng đào tạo ra con người phát triển toàn diện, giúp từng cá nhân nắm bắt và định vị được tiềm năng để tự định hướng đi phù hợp và phát triển khả năng thích ứng với đa dạng cuộc sống.
Sau kết thúc chương trình giáo dục bắt buộc (16-17 tuổi) và thi lấy chứng chỉ giáo dục phổ thông (GCSE), các em học sinh được rộng mở với hai lựa chọn: học các nghề các em ưa thích và đã được định hướng từ trước tại các trường cao đẳng hay các khóa học nghề; hoặc theo đuổi con đường học vấn bằng cách tiếp tục học dự bị A-levels để vào các trường đại học.
Sẽ không có kỳ thị thành hay bại cho bất cứ lựa chọn nào.
Giáo dục Việt Nam lại đang cố gắng đào tạo con người “học giỏi” theo những khuôn mẫu được xã hội định dạng sẵn. Như thế nào là học giỏi “kiểu Việt Nam”? Là điểm số cao chót vót? Là giấy khen – danh hiệu? Là nhất định phải đỗ đại học? Tất cả những điều đó dường như đã trở thành những quy chuẩn mặc định khó có thể lung lay. Phụ huynh Việt đặc biệt dễ phát sốt lên với “thần đồng”.
  Dốt cũng được, nhưng không được dốt... một mình
Khi theo học ở nước ngoài, du học sinh Việt Nam thường không mấy khó khăn để giành những điểm số rất ấn tượng trong các môn Toán – Khoa học… tuy nhiên đó mới chỉ là phần nổi tươi đẹp của tảng băng.
“Học tốt nhưng kỹ năng giao tiếp hạn chế - làm việc nhóm chưa hiệu quả - chưa thật tích cực tham gia các hoạt động ngoại khóa”… thường là những lời nhận xét không hiếm gặp của các thầy Tây cho trò Việt ở Anh.
Để trở thành học sinh giỏi, học sinh Việt phải chăng đang mất nhiều hơn “được”?
Mỗi năm có bao nhiêu em đang phải quên ăn quên ngủ, quên chơi và quên cả tuổi thơ để bố mẹ đang "đầu cơ" vào các lò luyện chữ luyện viết chữ đẹp, để phấn đấu góp phần đưa nước ta trở thành đất nước có chữ viết tay đẹp nhất trong thế giới toàn dùng máy tính?
Mỗi năm có bao nhiêu em đang phải tự cắt bớt thời gian thư giãn, nghỉ ngơi của mình để chạy theo guồng máy đầy áp lực của thi cử? Phải là Giỏi, phải là Xuất sắc, phải là người dẫn đầu, dù có là dẫn đầu trong mệt mỏi… Đó là còn chưa kể tới những trường hợp “Con cứ việc học, còn giấy khen….. để bố mẹ lo”.
Mỗi năm có bao nhiêu em đang phải vật lộn với những môn học, những đơn vị kiến thức mà có thể rất lâu sau hoặc cũng có thể không bao giờ các em hiểu rằng cần học điều đó để làm gì.
Đồng phục là một nét đẹp nhân văn nơi học đường, tuy nhiên đồng phục giấy khen- đồng phục tư duy- đồng phục “Học sinh giỏi” đang ngày càng phổ biến như hiện nay thật khó có thể coi là một chuyện đáng mừng.
Tôi tự hỏi sau cùng bố mẹ Việt có thực sự sợ con mình dốt không? Không, đúng ra là họ sợ con mình dốt trong khi xung quanh “con nhà người ta” giỏi hết. Dốt cũng được, nhưng tuyệt đối không được dốt… một mình.
“Quyền được học dốt” hay gọi tên chính xác hơn là quyền được học – được phát triển với đúng năng lực bản thân đang là một quyền mà phần đông học sinh Việt Nam đang chính bố mẹ, thầy cô, và xã hội vô hình trung xâm phạm một cách không thương tiếc.
Tuổi thơ và những tháng ngày tươi đẹp nhất của rất nhiều học sinh Việt Nam đang bị đánh cắp bởi một logic đang ngày càng tỏ ra không phù hợp trong thời đại mới “Học giỏi là con đường độc đạo để thành công.”
Con bạn có được quyền đi ngủ lúc 9h tối nay thay vì luyện đến gần sáng chỉ để chuẩn bị thi vở sạch chữ đẹp hay không – đó không phải là câu hỏi dành cho Bộ Giáo dục và nhà trường, mà dành cho chính bạn, những quý vị phụ huynh đáng mến – những người định hướng quan trọng nhất cho con em mình.
Con học giỏi vì cuộc sống, hay học giỏi vì thành tích? Chỉ chính quý vị mới có thể trả lời.
Hoàng Huy/TuanVietNam/VnN
GIÁO DỤC VN  "ĐẼO CÀY THÀNH TĂM"
BBC tiếng Việt/ BVN 23/6/2015
Có ý kiến cho rằng giáo dục Việt Nam gặp bế tắc

Mới đây Nhóm Đối thoại giáo dục gồm các nhà khoa học trẻ và tâm huyết với ngành giáo dục do giáo sư Ngô Bảo Châu chủ trì vừa đưa ra khuyến nghị Đại học Việt Nam tới giới lãnh đạo ngành. Bản khuyến nghị là kết quả ba năm nghiên cứu của nhóm về Cải cách Đại học cho rằng “Hệ thống giáo dục Đại học Việt Nam cần được cải cách cơ bản và sâu sắc ngay từ nguyên lý và quy tắc tổ chức” và là một quá trình lâu dài và liên tục.
Nhân khuyến nghị này, trong cuộc phỏng vấn với BBC Việt Ngữ, Giáo sư Nguyễn Khắc Mai, Giám đốc Trung tâm Minh Triết Việt Nam ở Hà Nội, cho rằng Giáo dục Việt Nam đang ở trong tình trạng khủng hoảng về đường lối, triết l‎ý giáo dục, kéo theo khủng hoảng về phương thức và quản lý tổ chức giáo dục.
“Do triết lý Giáo dục của Việt Nam hiện nay không được xác định tốt nên người học, người dạy và cả người quản lý đều lúng túng. Vì thế không thúc đẩy được sự hình thành những tài năng giáo dục cho thời kỳ mới, không giúp nảy nở những nhân tố tích cực của dân tộc, kể cả tâm thức của người học cũng như tâm thế của người dạy”.
Ông nói thêm chính trong tình hình ấy “sự vươn lên để có tài năng từ người quản lý đến người thầy thật giỏi đang là cái Việt Nam còn thiếu”.
Theo giáo sư Nguyễn Khắc Mai, nguyên Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu, Phó Ban Dân vận Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, “nguyên nhân cơ bản là lý thuyết Marx- Lenin không giải đáp nổi vấn đề này và những người gọi là nắm chủ thuyết này cũng không biết về chủ thuyết đó, không biết cái gốc cũng như cái ngọn, hay cái hệ thống và vì thế nó như thợ thuyền đẽo cày ở ngã ba. Cuối cùng đẽo một thanh gỗ thành cái tăm”.
“Cùng nơi Ngôn cú”
Để giải giải quyết tình trạng hiện nay, giáo sư Mai trích dẫn Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nói năm ngoài là phải đổi mới thể chế và Đảng cũng đã thấy vấn đề tuy nhiên ông cho rằng giới lãnh đạo “không dám đi đến tận cùng”.
“Ông tổ về văn hóa, cụ Trần Nhân Tông, trong một tác phẩm rất lớn là “Cư trần lạc đạo”, có nói một câu là “Cùng nơi ngôn cú”, tức là nơi lĩnh vực tư duy, khoa học, lý thuyết, văn hóa, tinh thần thì phải đi cho tới tận cùng, đến điểm cao nhất, sâu xa nhất, bao quát nhất, gốc rễ nhất, nhưng mình có chịu đi theo đâu mà chỉ loanh quanh vào những cái phần hình thức. Đấy là vấn đề”.
Việc các nhà lãnh đạo Việt Nam không làm được điều đó theo ông là “khó hiểu mà dễ nhìn thấy”.
“Không ai trong những người lãnh đạo Việt Nam hiện nay có thể trở thành người được gọi là những nhà khoa học, nhà tư tưởng”.
Nguyễn Khắc Mai
“Không ai trong những người lãnh đạo Việt Nam hiện nay có thể trở thành người được gọi là những nhà khoa học, nhà tư tưởng, tức cái vốn trí thức, tư tưởng và tư duy của họ rất nông vì thế họ suy nghĩ hời hợt, bề ngoài và đấy là cái khó,” giáo sư Mai nói.
Trước câu hỏi Việt Nam hiện nay đang có những cải cách giáo dục ráo riết thì liệu những cải cách này đi tới đâu, có hiệu quả và có đi đúng hướng hay không, giáo sư Mai nói:
“Nếu căn cứ vào những người quản lý, lãnh đạo thì tôi không hy vọng. Cái lò đào tạo ra người quản lý là trường Nguyễn Ái Quốc, trường Đảng, thì đó là những nơi xơ cứng nhất, giáo điều nhất, kiến thức hẹp nhất.
“Họ lại rất thích áp đặt, không thích cãi lại, không thích hoài nghi khoa học thì làm sao họ có thể là người chủ xướng cho một sự khai phóng trong giáo dục, để cho mỗi học sinh là một nhân phẩm tự do, một thuyết khách tự do, để trưởng thành thành một con người – con người chính nó, của nó và riêng nó và đấy là một vấn đề lớn”.
Giáo sư Nguyễn Khắc Mai cũng cho rằng xã hội đồng thời buộc phải sống và có những nhóm người phải gồng mình lên để phát triển tài năng, phẩm chất, phẩm hạnh của mình.
“Nhu cầu ấy tồn tại thường xuyên trong xã hội cho nên chúng ta thấy có những nhân vật kiệt xuất nổi lên, những người trẻ trong nhà trường khi ra nước ngoài, trong môi trường khoa học xã hội thuận lợi, họ phát triển được tài năng. Như thế tức là xã hội đang cố gắng bù đắp lại những thiếu sót, những lỗ hổng mà cơ chế và chính sách đang tạo ra”.
Bước đột phá
Liệu có hy vọng là những khuyến nghị mới nhất sẽ được giới lãnh đạo giáo dục ở Việt Nam tiếp thu, quyết tâm thực hiện hay không?
Giáo sư Nguyễn Khắc Mai cho biết là bao giờ cũng có những hy vọng nhưng có đạt được như mong ước tối đa hay không thì đó còn là câu hỏi.
“Trong tình hình hình nay thì còn ở trong trạng thái nhùng nhằng. Hy vọng tới đây sẽ có được một sự bứt phá khỏi con đường đi hiện nay, tạo ra một chân trời mới”.
Và để có được bước đột phá này theo ông cần có một số yếu tố như những người tử tế, có học, có tâm huyết, có đạo đức trong số các nhà lãnh đạo phải vươn lên, thực hiện lời dạy của Trần Nhân Tông, đi tới cùng chứ không thể nửa chừng nửa vời.
Ông hy vọng nếu giới trí thức hành động, suy nghĩ, dấn thân thì có thể đây sẽ là bước đổi mới.
Cuối cùng ông kết luận rằng để có một nền giáo dục mới hay cả trong các lĩnh vực khác thì phải xây dựng ba cột trụ, đó là lớp trí thức hiện tại phát triển với số lượng đông thêm; những doanh nhân cấp tiếp (không phải những doanh nhân thành đạt do ăn cắp ăn cướp của xã hội của nhà nước của dân mà thành đạt); và chính sách nhân văn.
“Đó là những cột trụ sẽ hy vọng đỡ cho ngôi nhà của đất nước,” giáo sư Nguyễn Khắc Mai nói.
Nguồn: http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2015/06/150619_viet_education_nguyenkhacmai

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét