Thứ Ba, 23 tháng 6, 2015

20150623. NGHĨ VỀ NGÀY BÁO CHÍ CÁCH MẠNG VIỆT NAM

ĐIỂM BÁO MẠNG
CÓ DŨNG KHÍ MỚI KHÔNG SỢ VẤN ĐỀ  "NHẠY CẢM"
Bài của TS VŨ NGỌC HOÀNG/ TN/ BVB 21/6/2015
90 năm qua, báo chí cách mạng nước ta đã lớn mạnh không ngừng, góp phần trực tiếp và xứng đáng vào những thành quả bảo vệ và xây dựng Tổ quốc, phát triển con người Việt Nam.
Qua các giai đoạn, với hoàn cảnh khác nhau, công việc và phương thức khác nhau, nhưng thống nhất xuyên suốt là báo chí luôn thể hiện tinh thần yêu nước, tinh thần dân tộc, chiến đấu bảo vệ Tổ quốc và nhân dân, phấn đấu xây dựng một đất nước “dân chủ và giàu mạnh”, tham gia xây dựng một Đảng phục vụ nhân dân, Nhà nước của dân trong sạch và vững mạnh. Đó là mục tiêu xuyên suốt đã qua và tiếp đến.
Trong công cuộc phát triển báo chí, với những điều kiện khác nhau, khó khăn và sáng tạo, cầm bút và cầm súng, hiểm nguy và anh dũng, bản lĩnh và trách nhiệm…, chúng ta đã có những thế hệ làm báo mẫu mực và tài ba, để lại nhiều tấm gương sáng cho các thế hệ tiếp sau noi theo.
Chúng ta tự hào về sự nghiệp báo chí cách mạng, về những người làm báo chân chính, trung với nước, hiếu với dân, có những người đã ngã xuống giữa trận địa, vượt qua gian khổ thử thách trong hòa bình không kém phần phức tạp. Đất nước và nhân dân không bao giờ quên những người con ưu tú ấy.
Mặt khác, bên cạnh đó, rất tiếc là một bộ phận báo chí có xu hướng xa rời tôn chỉ mục đích, thiếu trách nhiệm xã hội, giảm sút tính nhân văn và đạo đức nghề nghiệp, yếu kém về trình độ và tính chuyên nghiệp, đã làm giảm hiệu quả xã hội và ảnh hưởng đến uy tín của những người làm báo, nghề chuyển tải thông tin để phục vụ nhân dân và tham gia khai hóa văn minh, xây nền tảng văn hóa.
Cần phấn đấu để nền báo chí nước nhà ngày càng trưởng thành, hiện đại, nâng cao các giá trị nhân văn, trách nhiệm xã hội và đạo đức nghề nghiệp, đóng góp ngày càng xứng đáng hơn cho sự phát triển của dân tộc VN, cho Tổ quốc vững bền và cường thịnh, cho một xã hội tương lai thật sự tốt đẹp mà chúng ta luôn mong muốn phấn đấu và gọi tên là xã hội XHCN.
Lâu nay, trong chúng ta, đã và đang tồn tại quan niệm về vấn đề “nhạy cảm”. Hễ đụng đến vấn đề “nhạy cảm” thì coi như chạm vùng cấm, thường là né tránh, không viết, không nói, kể cả không nghiên cứu, sợ viết sai, nói sai, sợ bị định kiến, đụng chạm, sợ bị đánh giá, bị quy chụp quan điểm… không phải bỗng nhiên mọi người lại sợ như vậy mà do thực tế nó cũng có vậy.
Trong đời sống xã hội, những vấn đề “nhạy cảm” thường là những vấn đề không bình thường, nó phức tạp hơn, và thường là bức xúc. Đó chính là những vấn đề mà cuộc sống đang đòi hỏi phải có câu trả lời.
Nếu trả lời đúng, thì xã hội tiến lên, lẩn tránh nó là lẩn tránh thực tế cuộc sống, lẩn tránh trách nhiệm phải trả lời, cũng là biểu hiện thiếu năng lực, dũng khí. Mặt khác, giống như khi xác định những điểm trọng yếu và nóng bỏng của chiến trường thì lại rút quân ra khỏi khu vực đó, bàn giao cho đối phương; còn ta, do rời xa mặt trận nên năng lực chiến đấu ngày càng kém đi, cũng tức là chọn con đường rút lui, chịu thua.
Đáng lẽ xác định vấn đề nhạy cảm là để xông vào, tập trung giải quyết, chứ không phải để tránh xa ra. Cuộc sống cần chúng ta là cần như vậy. Tất nhiên việc xông vào ấy không phải chỉ có dũng khí, mà còn cần có trí tuệ, các quan điểm đúng đắn và cả một “hậu phương” vững mạnh nữa.
Bên cạnh những thành tựu to lớn, nước ta, 30 năm công nghiệp hóa chưa thành công, có nhiều mặt tụt hậu xa hơn. Năng suất lao động và hiệu quả đầu tư quá thấp, mất mát lãng phí nhiều. Thu nhập đầu người của VN còn rất thấp. Khi kết thúc cơ cấu dân số vàng, thu nhập đầu người của Hàn Quốc là 20.000 USD, Nhật Bản là 30.000 USD. Còn VN, theo dự báo cơ cấu dân số vàng sẽ kết thúc vào năm 2025, sau đó là giai đoạn dân số già, và lúc ấy thu nhập đầu người của VN chỉ khoảng 3.000 USD (giá 2005). Nói cách khác, trong khi họ còn trẻ đã giàu, còn VN già rồi vẫn còn nghèo. Đã già mà vẫn còn nghèo thì coi chừng là nghèo cả đời, không ngóc lên được.
Trước khi đổi mới, thu nhập đầu người của Trung Quốc bằng 1,3 lần so với VN, đến nay trên 3,5 lần, tiềm lực kinh tế Trung Quốc mạnh lên gấp bội, từ đó, họ thấy đã đến lúc đủ sức độc chiếm Biển Đông. Những yếu kém và tụt hậu như vậy không thể né tránh, mà phải chỉ rõ và tìm nguyên nhân, từ đó xác định giải pháp để vượt lên.
Phải đổi mới một cách căn bản mới giải quyết được tình hình tụt hậu hiện nay, mới chống được tham nhũng, lợi ích nhóm, vượt qua được “bẫy” thu nhập trung bình thấp và tránh nguy cơ chệch hướng sang “CNTB thân hữu”. Báo chí cách mạng không thể đứng ngoài câu chuyện này.
Ts. VNH (Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương)/(Theo Thanh Niên)
NGÀY KỶ NIỆM BUỒN CỦA GIỚI BÁO CUNG ĐÌNH CỘNG SẢN
Bài của NGUYỄN ĐÌNH ẤM/ BVN 22/6/2015
Hôm nay gọi là “ngày báo chí cách mạng VN”, là ngày báo chí “nô bộc” của đảng CSVN như nhà báo Lê Phú Khải nói. Ngày này giới báo chí “công cụ” kỷ niệm có lẽ là buồn nhất so với những ngày trước kia, do làm “công cụ” thời nay cũng khó hơn bao giờ hết.
Hôm trước ông Hữu Thọ cỡ “cây đa, cây đề” trong giới đã thốt lên ” 50 năm cầm bút nhưng chưa chưa bao giờ thấy báo chí mất uy tín như bây giờ”!
Điều đó là tất nhiên thôi, thưa ông. Bởi vì, báo chí chuyên tuyên truyền cái tốt, thêu dệt thành tích cho đảng, nhưng bản thân đảng lại tha hóa, tham nhũng “nhìn đâu cũng thấy, sờ đâu cũng có” thì chẳng khác gì bắt anh thợ sơn phải sơn lên bức tượng gỗ đã mục nát.
Hơn nữa, dân cầm bút có kẻ ngu dốt, coi đồng tiền, bát gạo hơn phẩm giá, nhân cách, nhưng cũng không ít người thông minh có lương tâm, họ thấy việc viết lên những điều sai bản chất, làm ngơ trước sự thật là một sự sỉ nhục, hổ thẹn, nên cũng không đang tâm làm nô bộc một cách mẫn cán. Làm sao không áy náy khi một lời nói cửa miệng rất bình thường chỉ của ông bộ trưởng Đinh La Thăng (không tính đến lãnh đạo cao hơn) cũng được hàng chục tờ báo nhao nhao đăng trên trang nhất, trong khi cả ngàn bà con dân oan ngày đêm lang thang, khắc khoải khắp các cửa quan ở Hà Nội, Sài Gòn đi khiếu nại đòi công lý, hàng nghìn người xuống đường diễu hành bảo vệ cây xanh, biểu tình chống Trung Quốc xâm lược cả tuần, cả tháng, cả năm, khi Trung Quốc ngày đêm xâm phạm biển đảo, cướp bóc giết hại dân ta, xây công trình quân sự trên đảo của ta… mà 700 tờ báo không hề “biết”, hãn hữu khi “biết” cũng chỉ dám gọi là “tàu lạ”. Họ biết, họ đang chịu nhục lừa dối dư luận, nhân dân và cả bản thân họ.
Do cách đây cỡ hơn chục năm trở về trước nhà cầm quyền chưa nhiều kinh nghiệm khắc chế những tờ báo có “hàm lượng” sự thật “vượt ngưỡng” như Tuổi trẻ, Thanh Niên… nên nghề báo tỏ ra vừa dễ sống, lại có vẻ có quyền hành, hãnh diện, vì vậy một bộ phận lớn sinh viên đổ xô vào học nghề này, làm cho giá các suất vào học viện báo chí nghe nói lên rất cao, và hàng năm xuất ra cả vài trăm nhà báo. Nhưng những năm gần đây, báo chí bị kiểm soát chặt hơn về nội dung. Tất cả những sự thật không có lợi cho đảng CS bị hạn chế. Khi báo chí xa rời sự thật thì nó còn giá trị gì, ai muốn đọc? Vì vậy, dù số đầu báo tăng, nhưng độc giả lại giảm nghiêm trọng. Chính vì vậy trong số SV báo chí ra trường, phần lớn chỉ “con ông cháu cha” trong làng báo và một số con nhà giàu xin được việc, còn lại về quê làm ruộng, đi công nhân, bán hàng, làm “đầu sai vặt” không công, chuyên xin quảng cáo cho các tờ báo dưới danh nghĩa “thử việc”. Nhiều tay tổng biên tập rất dã man, lợi dụng các cháu phóng viên thử việc “không từ cái gì”. Hiện nay số sinh viên báo chí ra trường thất nghiệp rất lớn.
Khi nghề báo còn chút “thơm tho”, một số phóng viên “có máu mặt” ở các báo lớn van nài lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo cơ quan chạy chọt cơ quan chức năng để ra tờ báo, tạp chí, tập san… với phương châm tự nuôi, tự lo kinh phí để làm tổng biên tập, dẫn đến các tạp chí, tập san, trang điện tử mọc lên như nấm, nhưng nay ít độc giả, ít quảng cáo, đời sống cán bộ, phóng viên khó khăn, nhiều tờ “chạy ăn từng bữa”.
Nhiều tờ báo lớn không ăn ngân sách đảng buộc phải tiếp cận sự thật để có độc giả trước kia như Thanh Niên, Tuổi Trẻ, Việt Nam net, Đất Việt… nhưng gần đây bị “đì”, bị thay lãnh đạo, nên ngày càng phải xa rời sự thật, dẫn đến số phát hành, số độc giả ngày càng sa sút, tờ báo trở nên tầm thường nên càng khó khăn. Để cầm cự và giữ độc giả, hầu hết các báo “tự nuôi” phải tìm đến các nội dung câu khách như cướp, giết, hiếp, chân dài lộ hàng, váy ngắn, chân kheo…
Xã hội lưu manh thì nhà báo cũng là sản phẩm của xã hội ấy. Ngoài săn lùng, đăng tải những thông tin nhơ nhớp, nhiều nhà báo cũng dùng mọi mánh khóe để kiếm tiền như “5 cái bệnh” ông Hữu Thọ nói: “đâm thuê, chém mướn, dọa dẫm cơ quan, doanh nghiệp, trấn lột tiền, bảo kê, rủ nhau “đánh hội đồng”… Những nhà báo này dù có đời sống vật chất cao hơn đồng nghiệp nhưng chất lưu manh của họ trước sau cũng bị lộ tẩy, có thể nhiều kẻ sợ họ nhưng cũng không ít người khinh ghét, ghê tởm… Nhà báo khi bị dân nghi ngờ, không tin tưởng thì không còn ai cung cấp thông tin mặt trái xã hội, nên chỉ còn con đường nô bộc ôm chân kẻ mạnh và tồn tại ngoài nghề nghiệp.
Mặc dù xã hội đang băng hoại mọi mặt, nhất là đạo đức, nhưng hiện nay vẫn còn nhiều nhà báo chân chính, họ biết tôn trọng sự thật, yêu nước, thương nòi, tuy nhiên vì bát cơm manh áo họ phải theo đuổi nghề “nói dối”. Dù vậy, họ không an tâm khi làm ngơ trước sự thật, chỉ nêu một nửa sự thật… nên họ lăn lộn tìm sự thật và lợi dụng mọi cơ hội để nói lên sự thật. Đó là các bài báo tố cáo tiêu cực, tham nhũng, độc ác… ở các quan chức cỡ “được phép”, lách đưa các thông tin có vẻ vô tình nhưng nói lên sự thật phũ phàng mà đảng không muốn, đăng tải trên mạng xã hội, ngầm cung cấp cho các cơ quan chức năng để điều tra, làm rõ khi biết các thế lực đang “chiến” với nhau… Những nhà báo này phải luôn đề phòng, đương đầu với nhiều rủi ro, nguy hiểm.
Năm nay kỷ niệm ngày 21/6, giới báo chí phụng sự đảng nhận nhiều sự “đau đớn”. Hàng loạt vụ phóng viên bị đánh, cướp máy ảnh, máy quay khi đang hành nghề. Đặc biệt, chỉ một phần rất nhỏ số vụ được điều tra xử lý hình sự (năm 2014 là 2/16 vụ).
Đúng thôi! Nhà báo dù có cái danh “quyền lực thứ 4″ nhưng cũng chỉ là nô bộc, đặc biệt công an không thể ưng nhà báo vì là đó lực lượng gần như duy nhất ít sợ họ, đồng thời tố cáo họ nhiều nhất.
Cái buồn nữa của năm nay là chiêu trò “quy hoạch” lại báo chí.
Theo ước tính, khoảng 70% số các ấn phẩm đảng khó kiểm soát sẽ bị xóa và hàng nghìn phóng viên, nhà báo cuộc sống vốn đã gieo neo đang bị đẩy ra đường. Ngay từ đầu năm nay và những ngày này nhiều gia đình, phóng viên mất việc đang chạy xô các cửa để xin vào tờ báo này, cơ quan nọ, nhưng số có “hậu duệ, tiền tệ, quan hệ” không nhiều… Từ nay giá vào học viện báo chí tuyên truyền của đảng bị giảm là cái chắc.
Tờ tạp chí Hàng không Việt Nam – nơi tôi công tác trước đây – ra đời từ năm 1983, là cơ quan ngôn luận duy nhất của ngành hàng không Việt Nam. Khi chúng tôi còn làm việc, biết dân VN không có kiến thức về hàng không nên số nào cũng có bài tư vấn về máy bay, sử dụng máy bay, đi máy bay… Tờ tạp chí tự nuôi, không tiêu đồng nào của nhà nước, năm nào cũng nộp ngân sách hàng trăm triệu… Thế nhưng khi vừa có chủ trương quy hoạch báo chí, ngày 25/3/2015 bộ Giao thông Vận tải lập tức rút giấy phép khi bài vở maket tháng Tư đã làm xong, tiền quảng cáo đã vào tài khoản… Thế là lập tức cả chục con người bị xáo trộn công tác, nhiều cháu nay bơ vơ, nghe nói đã phải mất khoản tiền lớn để vào đây… Nhận xét về sự vụ này, CTV Thanh Lê nói trên FB: “Đó là anh Thăng muốn ghi điểm với cấp trên…”.
Ở bộ GTVT còn 5 tờ báo, tạp chí nữa chung số phận “ghi điểm” và không biết cả nước là bao nhiêu. Bao nhiêu nhà báo, phóng viên nguyện làm nô bộc cho đảng CS mà cũng không xong?
21/6 năm nay quả là kỷ niệm buồn của giới báo chí “cách mạng” của đảng CS.
N.Đ.A.
Tác giả gửi BVN
NÊN CHẤP NHẬN BÁO CHÍ TƯ NHÂN 
Bài của KAMI/ BVN 22/6/2015

 

Vai trò của báo chí không chỉ đơn giản là việc đưa các thông tin hay là công cụ tuyên truyền của một tổ chức, mà một nền báo chí đúng nghĩa phải đóng vai trò trong việc phản biện để tham gia giám sát quyền lực nhà nước. Báo chí thông qua vai trò giám sát để góp phần điều chỉnh quyền lực nhà nước cho phù hợp, nhằm thúc đẩy sự phát triển của quốc gia theo xu hướng ngày một tiến bộ hơn.
Báo chí ở Việt Nam hiện nay
Ở Việt Nam hiện nay báo chí là công cụ hết sức quan trọng nhằm định hướng tư tưởng đối với người dân và dư luận xã hội của đảng CSVN, dựa trên quan điểm nhất nguyên và chống đa nguyên về tất cả các lĩnh vực, kể cả về tư tưởng. Đây chính là lý do vì sao chính quyền Việt Nam đã cấm báo chí tư nhân tồn tại.
Với các quy định chằng chịt như trận đồ bát quái của Luật Báo chí hiện hành, một điều chắc chắn là không có chỗ đứng cho các loại báo chí không chịu sự lãnh đạo của đảng CSVN. Đây chính là lý do vì sao mà người ta vẫn nói rằng nền báo chí Việt Nam vô cùng dồi dào về số lượng các loại hình báo chí; như báo hình (TV), báo nói (Radio), báo in, báo điện tử…, có tới hơn 800 đầu báo nhưng chỉ có chung một Tổng Biên tập. Đó là Ban Tuyên giáo Trung ương.
Hệ thống báo chí và người làm báo ở Việt Nam hiện nay tồn tại được chủ yếu là nhờ vào tư cách pháp nhân và phần lớn nguồn kinh phí hoạt động là do ngân sách nhà nước cấp. Chính vì thế, các tòa báo nói chung cũng như các nhà báo nói riêng muốn tồn tại và sống được thì phải lụy nhà nước, phải hết sức tung hô và ca ngợi các chủ trương đường lối của đảng CSVN trên mọi lĩnh vực; kể cả những chủ trương sai lầm. Việc phản biện hoặc nói khác ý đảng là điều cấm kỵ tuyệt đối, nếu không muốn bị gắn cho cái tội nhẹ thì suy thoái tư tưởng, nặng thì là chống đảng.
Vì vậy chuyện các tòa báo hay các phóng viên mang nặng tư tưởng “Ăn cây nào, rào cây ấy” là chuyện thường tình và dễ hiểu. Không chỉ thế, với tấm thẻ nhà báo do nhà nước cấp đã trở thành phương tiện kiếm sống khá tốt của các nhà báo hiện nay, không ngoại trừ việc dùng thẻ nhà báo để đe dọa hay tống tiền các doanh nghiệp hay cá nhân. Đó là lý do dẫn đến tình trạng đa số các nhà báo ở Việt Nam hiện nay đã cam tâm trở thành bồi bút, viết thuê để kiếm sống và họ sẵn sàng bẻ cong ngòi bút để viết trái sự thật, trái lương tâm của người cầm bút chân chính.
Ngày 21/6 hàng năm được gọi là ngày báo chí cách mạng, nhưng trên thực tế, nền báo chí hiện tại ở Việt Nam khó có thể gọi là báo chí cách mạng một cách đúng nghĩa. Bởi vì theo định nghĩa thì cách mạng là “quá trình thay đổi lớn và căn bản theo hướng tiến bộ trong một lĩnh vực nào đó”, để từ đó suy ra rằng báo chí cách mạng thực sự thì trước hết nó phải theo hướng tiến bộ để thúc đẩy sự phát triển của một quốc gia. Trên thực tế cho thấy nền báo chí Việt Nam hiện nay hoàn toàn không và chưa vì mục đích thúc đẩy sự phát triển của đất nước theo chiều hướng tiến bộ, mà nó hoàn toàn chỉ phục vụ cho sự tồn tại để cai trị của đảng CSVN.
Sự cần thiết của báo chí tư nhân
Những người cộng sản có quan niệm sai lầm khi cho rằng, việc quản lý chặt chẽ về tư tưởng của từng người dân và toàn xã hội sẽ dẫn tới đảm bảo và tạo sự ổn định về an ninh chính trị. Đó chính là lý do ở các nước cộng sản quyền tự do ngôn luận của người dân dẫu rằng được ghi trong Hiến pháp, song trên thực tế không bao giờ được công nhận. Mà họ không lường hết tác hại của việc chính quyền luôn tìm cách dập tắt các ý kiến phản biện mang tính khác biệt, đó là triệt tiêu động lực phát triển của xã hội.
Ngăn cấm không để cho báo chí tư nhân cùng tồn tại cũng gây nên tác hại tương tự. Không chỉ thế, đây là một trong những nguyên nhân khiến cho việc sử dụng quyền lực nhà nước ở Việt Nam bị lạm dụng. Và một hệ quả tất yếu là mọi sự thất thoát hay thiệt hại vô cùng to lớn của nhà nước, thực ra là tiền thuế của người dân không có bất kỳ cá nhân nào chịu trách nhiệm và bị xử lý. Tất cả là lỗi của tập thể lãnh đạo và cuối cùng là hòa cả làng.
Hiện nay, trước sự trì trệ và yếu kém của Việt Nam trên mọi lĩnh vực, không chỉ riêng là vấn đề kinh tế xã hội mà là hầu hết mọi mặt kể cả văn hóa, giáo dục… thì các chuyên gia đã đề xuất nhiều ý kiến để chỉ ra các nguyên nhân dẫn đến tình trạng đó. Tuy vậy, người ta cảm thấy các ý kiến đó cũng chỉ phản biện một các vòng vo, chưa dám nói hết cùng lắm thì cũng chỉ đổ lỗi cho thể chế kinh tế dẫn đến tình trạng nhiều thứ bất cập và chồng chéo nọ kia v.v… Có lẽ đây chính là lý do vì sao gần đây, sau Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã kêu gọi các trí thức hãy mạnh dạn phản biện để đóng góp cho Đảng và Nhà nước trong quá trình xây dựng chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, các chương trình, dự án, đề án lớn về kinh tế – xã hội. Điều vốn từ xưa đến nay họ thường coi rằng đã có “Đảng và Nhà nước lo”. Tuy nhiên thực tế cho thấy, hầu hết giới trí thức không có mấy người mặn mà với đề nghị này, mà họ đã im lặng và quay lưng lại với nhà nước.
Nhưng trong kỷ nguyên internet, thì việc cấm báo chí tư nhân ở Việt Nam không còn là trở ngại đối với truyền thông của mỗi cá nhân hay nhóm cá nhân tham gia đấu tranh chính trị. Nhiều trang báo điện tử, blog cá nhân đưa tin tức của người Việt Nam ở nước ngoài hay trong nước, cũng như trang mạng xã hội facebook, twitter… đã là điểm đến và là nơi chia sẻ thông tin cũng như các ý kiến bày tỏ quan điểm, phản biện của nhiều người. Những cái đó cũng đã gây cho chính quyền không ít lo ngại, bởi vì nó đã đề cập tới các vấn đề nhà nước không muốn nhắc tới, và không muốn người dân biết đến. Quan trọng hơn, nhờ có những thứ đó nên không ít người dân luôn nghi ngờ và đã không đọc các thông tin do truyền thông của nhà nước cung cấp.
Nhất là trong điều kiện gần đây, cơ quan quản trị các hệ thống truyền thanh công lập BBG (Broadcasting Board of Governors) của chính phủ Hoa Kỳ phối hợp với viện nghiên cứu Gallup khi công bố các dữ kiện mà họ thu thập được qua các cuộc thăm dò dư luận tại Việt Nam, công bố hôm 10 tháng 6, 2015 và đã đi đến kết luận cho rằng “Giới trẻ tại Việt Nam ngày càng tin tưởng vào các tin tức họ đọc “ngoài luồng” trên internet hơn là tin vào các tin tức chính thống do guồng máy tuyên truyền của nhà nước phổ biến” . Thì việc chấp nhận sự tồn tại của báo chí tư nhân là một đòi hỏi cấp bách, đồng thời cũng chính là sự tạo điều kiện để mở ra một môi trường phản biện về mọi mặt vì sự phát triển của đất nước.
Cơ sở pháp lý
Luật Báo chí hiện hành, tại Điều 1 đã quy định rõ: “Báo chí ở nước Cộng hoà XHCN Việt Nam là phương tiện thông tin đại chúng thiết yếu đối với đời sống xã hội; là cơ quan ngôn luận của các tổ chức của Đảng, cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội; là diễn đàn của nhân dân”. Đồng thời tại Điều 18 cũng quy định: “Tổ chức muốn thành lập cơ quan báo chí phải có đủ các điều kiện sau đây: Có người đủ tiêu chuẩn để đứng đầu cơ quan báo chí theo quy định tại Điều 13 của Luật này; xác định rõ tên gọi, tôn chỉ, mục đích, đối tượng phục vụ, phạm vi phát hành chủ yếu, công suất, thời gian, tần số, phạm vi toả sóng và ngôn ngữ thể hiện của cơ quan báo chí; có trụ sở chính và có các điều kiện cần thiết khác bảo đảm cho hoạt động của cơ quan báo chí”. Không chỉ thế, tại Điều 19 quy định:”Cơ quan báo chí phải có giấy phép do cơ quan quản lý Nhà nước về báo chí cấp mới được hoạt động”. Đây là những quy định hết sức bất hợp lý.
Cho dù theo Hiến pháp Sửa đổi năm 2013 và theo các Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp 2014, sẽ có hiệu lực từ 1/7/2015 sắp tới, thì kinh doanh và xuất bản báo chí không thuộc 6 ngành nghề, lĩnh vực bị cấm kinh doanh. Đồng thời kinh doanh báo chí cũng không nằm trong dang sách 267 ngành nghề kinh doanh buộc phải có điều kiện. Nghĩa là, theo Hiến pháp và luật, công dân hoàn toàn có quyền tự do kinh doanh và xuất bản báo chí. Tuy nhiên luật báo chí lại không có quy định cho tư nhân lập báo, mà chỉ giành cho cơ quan nhà nước, đoàn thể làm cơ quan chủ quản và phải xin phép khi lập báo. Do vậy, những quy định trong Luật Báo chí hiện nay là điều trái với hiến pháp và pháp luật, cần phải sớm được hủy bỏ.
Được biết, Bộ luật Hình sự Viêt Nam vốn đã có sẵn các điều khoản quy định về tội làm nhục người khác (Điều 121) hay tội vu khống (Điều 122) hoặc điều 258 lợi dụng các quyền tự do dân chủ. Bộ luật Dân sự cũng đã có Điều 37 về bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín; Điều 38 bảo vệ quyền bí mật đời tư; và các quy định về bồi thường thiệt hại v.v… Những cái đó đủ làm cơ sở cho việc quản lý về mặt luật pháp và thừa để kiểm soát và xử lý đối với báo chí nói chung và báo chí tư nhân nói riêng.
Giải pháp nào?
Chủ trương nhất quán từ xưa đến nay của đảng CSVN đều luôn coi báo chí thuộc độc quyền quản lý của Đảng và Nhà nước, cho dù Hiến pháp Việt Nam – luật pháp cao nhất đã khẳng định người dân có quyền tự do ngôn luận. Những người cộng sản hơn ai hết họ hiểu được sức mạnh và sự nguy hiểm của báo chí tư nhân, đối với họ chấp nhận tự do báo chí chính là tự sát, vì để nó tồn tại đồng nghĩa với việc chấp nhận sự thật của báo chí. Đây là điều chưa từng có trong nền báo chí của những người cộng sản từ trước đến nay. Do đó, mọi hoạt động truyền thông của cá nhân hay tổ chức tư nhân đều bị từ chối cấp giấy phép và bị coi là bất hợp pháp. Việc quy kết cho hành động tuyên truyền chống nhà nước XHCN sẵn sàng ập xuống đầu bất kể ai, nếu một khi chính quyền muốn.
Tự do báo chí hay sự tồn tại của báo chí không có nghĩa là các tòa báo, các nhà báo tự do viết, tự do đăng thông tin tới mức bịa đặt, vi phạm các chuẩn mực đạo đức hay đưa tin thất thiệt… Điều quan trọng là phía nhà nước phải quản lý và xử lý bằng luật pháp một cách nghiêm minh. Hơn nữa các tòa báo cũng như người làm báo phải chịu trách nhiệm về những thông tin mình đưa ra, tuyệt đối không được gây chia rẽ, kích động lật đổ, bạo động v.v… Nếu họ vi phạm thì chính quyền thừa sức để xử lý theo luật pháp.
Hãy nghe ông Lý Quang Diệu nói về cách quản lý của nhà nước Singapore đối với báo chí tư nhân hết sức đơn giản như sau: “Các bạn có thể lên mạng, có thể đăng tải quan điểm của mình, xuất bản bản tạp chí hay tờ báo của mình, không có gì cản trở các bạn. Nhưng nếu bạn bôi nhọ bất cứ điều gì, chúng tôi sẽ kiện bạn. Bất cứ điều gì sai sự thật và làm mất danh dự, chúng tôi sẽ khởi kiện.”
Kết
Không phải vì vô tình, mà khi nói về tầm quan trọng và sức mạnh của báo chí, Napoleon Bonaparte đã từng phải thừa nhận “Bốn tòa báo đối nghịch còn đáng sợ hơn cả ngàn lưỡi lê”. Lâu nay, báo chí đã được coi là thứ quyền lực thứ tư, bên cạnh hệ thống lập pháp, hành pháp và tư pháp để giám sát và điều chỉnh quyền lực nhà nước. Do vậy đối với các nhà nước độc tài và kém thông minh như ở Việt Nam thì họ hoàn toàn không ưa gì vai trò báo chí, thậm chí là rất sợ khi báo chí làm đúng vai trò của nó. Cho nên họ nghĩ rất đơn giản, không quản lý được thì cấm là biện pháp hữu hiệu nhất.
Trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay, khi truyền thông lề trái với một lực lượng các nhà báo, các bloggers không chuyên với vô vàn các trang tin, website, blog. Đặc biệt là cả các tài khoản cá nhân trên các mạng xã hội như facebook, twitter… đã trở thành loại hình báo chí mới hết sức thông dụng, là nơi cung cấp và chia sẻ các thông tin về mọi mặt của cuộc sống một cách nhanh chóng. Nghĩa là chỉ với vật dụng thông thường là smartphone người ta cũng dễ dàng truy cập tin tức và kể cả tham gia việc phát tán hay chia sẻ những thông tin mà mình quan tâm.
Vì vậy chấp nhận sự tồn tại của báo chí tư nhân sẽ là một giải pháp thông minh của nhà cầm quyền, và chính là cách dỗ rắn ra khỏi hang để tiện cho việc quản lý bằng luật pháp trên cơ sở công khai và minh bạch. Cho đến nay thực tế cho thấy phía chính quyền đã tỏ ra bước đầu đã chấp nhận, không can thiệp và cũng vì họ hoàn toàn không có khả năng kiểm soát, quản lý hệ thống báo chí ngoài luồng. Như sự tồn tại mặc nhiên của Hội Nhà báo Độc lập là một ví dụ. Điều đó đã cho thấy việc cấm báo chí tư nhân đến lúc này đã tỏ ra không phù hợp, song quan trọng hơn là nếu chấp nhận báo chí tư nhân thì nhà nước có cơ hội quản lý bằng luật.
Nếu như chính quyền ở Việt Nam tạo ra được một môi trường báo chí tự do, kể cả việc chấp nhận báo chí tư nhân không chỉ góp phần giảm sự nhem nhuốc của một chính quyền độc đoán, độc tài như hiện nay. Mà điều quan trọng nó sẽ tạo ra một môi trường phản biện cũng như giám sát quyền lực nhà nước và mọi mặt khác của xã hội để góp phần xây dựng đất nước phát triển một cách nhanh, mạnh và bền vững hơn.
Nhân ngày báo chí Việt Nam 21/06/2015
K.
Nguồn: http://www.rfavietnam.com/node/2653

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét