Thứ Sáu, 27 tháng 5, 2022

20220528. THỦ TƯỚNG PHẠM MINH CHÍNH VÀ VIỆT KIỀU TẠI MỸ

 ĐIỂM BÁO MẠNG


THỦ TƯỚNG MONG KIỀU BÀO THÚC ĐẨY QUAN HỆ VIỆT-MỸ ĐƠM HOA 

KẾT TRÁI

HOÀNG THÙY/ VnEX 15-7-2022


Thủ tướng Phạm Minh Chính mong "con Hồng cháu Lạc phải thương nhau cùng", đóng góp thúc đẩy mối quan hệ Việt - Mỹ ngày càng "đơm hoa kết trái".

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp gỡ 70 kiều bào đại diện cộng đồng người Việt ở khu bờ Đông Mỹ sáng 14/5 (tối 14/5 giờ Hà Nội), nhân chuyến công tác tham dự Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN - Mỹ, thăm và làm việc tại Mỹ và Liên Hợp Quốc.

Giáo sư Yang Dao, dân tộc Mông, đang giảng dạy tại Đại học Minnesota, cho biết ông là người gốc Hà Giang và là người Mông đầu tiên nhận bằng tiến sĩ khoa học xã hội ở Mỹ. Theo ông, có khoảng 350.000 người Mông tại Mỹ, trong đó nhiều người là giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ, cử nhân, bác sĩ, luật sư. Nhiều người làm công chức nhà nước, nghị sĩ, thẩm phán.

Ông hy vọng trong tương lai cộng đồng người Mông ở các nước Mỹ, Australia, Nga có thể thiết lập quan hệ với cộng đồng người Mông ở Việt Nam để cùng xây dựng tương lai tốt đẹp cho quê nhà.


Giáo sư Yang Dao đại diện cộng đồng người Việt khu Bờ Đông phát biểu trong sự kiện Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp gỡ kiều bào tại Mỹ ngày 14/5. Ảnh: Nhật Bắc

Tại cuộc gặp, một số kiều bào kiến nghị Việt Nam hợp tác với Mỹ để xây dựng một trường đại học nổi tiếng Đông Nam Á, đào tạo những ngành học thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, đồng thời thiết lập chi nhánh các trường đại học nổi tiếng như Harvard để thu hút nhiều sinh viên học tập.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cảm ơn sự đóng góp của kiều bào đối với đất nước, góp phần vun đắp mối quan hệ Việt - Mỹ. Khẳng định "người Việt Nam định cư ở nước ngoài là bộ phận không thể tách rời" của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, Thủ tướng nhấn mạnh chính quyền luôn tạo điều kiện để củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, giúp đồng bào có địa vị pháp lý vững chắc, ổn định cuộc sống ở nước sở tại và đóng góp tích cực vào xây dựng đất nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết có khoảng 5,3 triệu người Việt Nam ở nước ngoài. Tại Mỹ, cộng đồng người Việt Nam đông nhất với 2,2 triệu người. Đội ngũ trí thức, doanh nhân rất đông đảo, nhiều người tham gia, đóng góp trong chính quyền và văn hóa của Mỹ.


Thủ tướng Phạm Minh Chính (phải) phát biểu trong sự kiện gặp gỡ đồng bào khu vực Bờ Đông Mỹ ngày 14/5. Ảnh: Nhật Bắc

Nhấn mạnh cộng đồng người Việt tại Mỹ có vai trò là cầu nối trong quan hệ hai nước, Thủ tướng mong kiều bào thực hiện tốt quy định, pháp luật sở tại, lao động, làm việc, sinh sống ổn định và ngày càng phát triển, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, góp phần thúc đẩy mối quan hệ Việt - Mỹ ngày càng "đơm hoa kết trái".

Thủ tướng cho biết sẽ giao cho các bộ, ngành nghiên cứu, xem xét kiến nghị của bà con, yêu cầu Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ tiếp tục làm tốt công tác người Việt ở nước ngoài, trong đó có bảo hộ công dân, đề nghị công nhận cộng đồng người Việt Nam tại Mỹ là một dân tộc thiểu số của Mỹ.


Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi lại cảm tưởng khi đến thăm khách sạn Omni Parker House và nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh từng làm việc. Ảnh: Nhật Bắc

Chiều 14/5 (sáng 15/5 giờ Hà Nội), Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác tới thăm nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh từng làm việc tại khách sạn Omni Parker House, thành phố Boston, thủ phủ bang Massachusetts. Tư liệu cũ với nhiều hình ảnh, bài viết về cuộc sống sinh hoạt của người dân Boston trong giai đoạn trước có ghi: "Ông Hồ Chí Minh từng giữ vị trí phụ trách lò bánh của Parker năm 1911-1913. Chiếc bàn mà ông đã làm việc hiện vẫn còn trong lò bánh này".

Trong lưu bút tại đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ xúc động và mong rằng khách sạn Omni Parker House tiếp tục là điểm dừng chân có ý nghĩa cho những người Việt Nam và bạn bè quốc tế tìm hiểu về chặng đường tìm đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trước khi rời thủ đô Washington để thăm Đại học Harvard, Thủ tướng Phạm Minh Chính tới đặt hoa tại Đài tưởng niệm Tổng thống Thomas Jefferson. Đây là tổng thống thứ 3 của Mỹ và là tác giả bản Tuyên ngôn Độc Lập của Mỹ, công bố ngày 4/7/1776.

THÀNH CÔNG VÀ PHẢN ỨNG TỪ CHUYẾN THĂM HOA KỲ CỦA THỦ TƯỚNG

PHẠM MINH CHÍNH

JOAQUIN NGUYỄN HÒA/ BBC/TD 19-5-2022


Tối ngày 17/5/2022, Thủ tướng Việt Nam, ông Phạm Minh Chính, cùng đoàn tùy tùng, rời San Francisco trở về Việt Nam, kết thúc chuyến làm việc tại Mỹ kéo dài từ ngày 11/5/2022.
Mục đích chính của chuyến làm việc này là tham gia vào cuộc họp thượng đỉnh Mỹ Asean (Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á) tại Washington D.C. trong hai ngày 12 và 13/5/2022.
Cuộc họp thượng đỉnh này được giới quan sát đánh giá rằng, nhằm để khẳng định sự hiện diện của Mỹ tại Đông Nam Á cũng như vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương, trong chiến lược toàn cầu của Washington cạnh tranh với cường quốc đang lên là Trung Quốc.
Ông Phạm Minh Chính lên đường sang Mỹ ngay sau khi kết thúc hội nghị trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 5, khóa 13 (Đại hội toàn quốc lần thứ 13), vào ngày 10/5/2022. Không có thay đổi gì ở tầng lớp lãnh đạo tối cao của Đảng Cộng sản Việt Nam sau hội nghị này, mà trước đó có nhiều lời đồn đoán rằng người đứng đầu là ông Nguyễn Phú Trọng sẽ từ chức vì tuổi cao.
Ông Phạm Minh Chính, xuất thân từ ngành công an, bắt đầu đảm nhiệm chức vụ thủ tướng từ năm 2021, và đây là chuyến thăm nước Mỹ đầu tiên của ông.
An ninh và Thương mại
Bên cạnh cuộc họp chung cùng với các nguyên thủ quốc gia khối Asean với chính quyền Mỹ của tổng thống Biden, ông Phạm Minh Chính đã có một cuộc gặp gỡ tay đôi với cố vấn an ninh quốc gia của tổng thống Mỹ, ông Jake Sullivan. Cuộc gặp gỡ kéo dài hơn một giờ, theo một nguồn tin ngoại giao Việt Nam. Không có nhiều chi tiết được công bố, nhưng trong những bản tin của phía Việt Nam đưa ra, có nói ông Sullivan giới thiệu với ông Chính về sáng kiến Ấn Độ - Thái Bình Dương của Mỹ, và ông Chính đề nghị làm rõ hơn nội hàm của sáng kiến này.
Một mục tiêu khác của chuyến đi này là xúc tiến quan hệ thương mại giữa Việt Nam và các đại công ty Mỹ, trong tình hình phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19. Trong ngày cuối cùng của chuyến đi, phái đoàn của ông Phạm Minh Chính đã gặp gỡ các đại công ty toàn cầu của Mỹ tại khu vực thung lũng Silicon, miền Bắc California là Apple, Google, Intel, Microsoft.
Một hoạt động khác dù không quan trọng bằng hai hoạt động nói trên, là giải thích thái độ của Việt Nam đối với cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine, khi trước đó Việt Nam hai lần bỏ phiếu trắng đối với các nghị quyết của Liên Hiệp quốc lên án nước Nga, và bỏ phiếu chống việc loại nước Nga ra khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp quốc. Cả ba nghị quyết đều được thông qua với tỷ số áp đảo, có nghĩa là Việt Nam đứng về phía thiểu số trong cộng đồng các quốc gia trên thế giới.
Ông Phạm Minh Chính đã dùng diễn đàn tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) tại thủ đô Washington để giải thích việc này bằng lời tuyên bố rằng, "Việt Nam chọn chính nghĩa chứ không chọn phe". Ông đã không đề cập đến quốc gia nào cả.
Đoạn video gây bối rối
Nếu như các mục tiêu an ninh và thương mại, thậm chí chuyện Nga - Ukraine có vẻ xuôi chèo mát máy, thì một câu chuyện bên lề bất ngờ xảy ra, làm cho đoàn Việt Nam bị bối rối. Đó là một đoạn video kèm theo âm thanh từ camera của Bộ Ngoại giao Mỹ, cho thấy ông Chính cùng đoàn tùy tùng bỗ bã với nhau, cũng như dùng những đại từ nhân xưng không hay để chỉ các viên chức Mỹ. Đây là đoạn quay livestream công khai của Bộ Ngoại giao Mỹ, phát trên youtube, và sau khi thấy đoạn video vài phút đó loan truyền ra ngoài, Bộ Ngoại giao đã xóa đoạn video này đi.
Nhưng câu chuyện về video này, dù gây nhiều phản ứng khá lớn từ người Việt ở Mỹ, có lẽ nó không gây ra cho họ sự bực bội, thậm chí giận dữ, bằng câu nói của ông Chính với một số người Việt tại thủ đô nước Mỹ, ngày 14/5/2022, mà báo Thanh Niên của Việt Nam trích nguyên văn: "Thành công của người Việt Nam ở Mỹ cũng là thành công của đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước".
Tối 14/5 tại thủ đô Washington D.C., Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp gỡ khoảng 70 người được mô tả là cộng đồng người Việt Nam tại Mỹ. Nguồn: VGP
Gặp gỡ "kiều bào", ai là kiều bào?
Bà Thụy Mân, là một công chức về hưu sống tại miền Bắc California, nói với tôi (Nguyễn Hòa) về phát biểu của ông Chính:
"Câu này ông nhận vơ quá đà. Không hiểu có phải ông muốn nhắc đến những trại tập trung sĩ quan Việt Nam Cộng Hòa ở những nơi rừng thiêng nước độc, đày đọa họ đến nỗi họ bị khủng hoảng về tinh thần, kết quả nhiều gia đình phải tan nát?
"Chúng tôi phải biết ơn các ông vì những điều đó đã đẩy chúng tôi ra đi, và có được ngày này?"
Bà Thụy Mân cũng đề cập đến những chính sách kinh tế thất bại làm cho nhiều gia đình miền Nam Việt Nam phải điêu đứng sau năm 1975, và phải vượt biển ra đi.
Rất đông những người Việt hiện sống ở Mỹ là những người từng bị tù cải tạo sau năm 1975, hay là những thuyền nhân vượt biển, hoặc họ là con cháu của hai nhóm người này.
Bà Ái Vân, lớn lên ở miền Bắc Việt Nam, từng là ca sĩ có tiếng trong nước, hiện sống tại San Jose, miền Bắc California, nói với tôi rằng, nhiều người Việt ở Mỹ đã trải qua nhiều khổ nạn trên đường vượt biển, rồi sau đó lại rất vất vả kiếm sống trên đất Mỹ để nuôi dạy con cái thành tài, cho nên câu nói của ông Thủ tướng Việt Nam không có cơ sở nào.
Ông Nguyễn Xuân Nam, chủ tờ báo Cali Today, có ảnh hưởng khá lớn trong cộng đồng người Việt tại San Jose, có nhận xét tương tự như bà Thụy Mân, rằng ông Phạm Minh Chính "thấy sang bắt quàng làm họ".
San Jose là thành phố có nhiều người Việt sinh sống nhất trên thế giới, ngoài Việt Nam.
Phản ứng nhẹ nhất với câu phát biểu của ông Thủ tướng là ông Nguyễn Hữu Liêm, cũng sống tại San Jose, từng giảng dạy triết học tại một trường đại học tại đây. Ông Liêm nói rằng, hai ý trong câu phát biểu của thủ tướng Chính không thể đặt trong một câu có quan hệ nhân quả như vậy được.
Như đã thành thông lệ, bất cứ chuyến xuất ngoại nào của các nguyên thủ Việt Nam cũng đều có những hoạt động gọi là "gặp gỡ kiều bào".
Đã thành thông lệ, sự xuất hiện của các quan chức Việt Nam tại Mỹ cũng là dịp những người Việt chống cộng tại Mỹ biểu tình phản đối. Trong chuyến đi Mỹ này của ông Phạm Minh Chính không thấy có nhiều cuộc biểu tình, ngoài một cuộc biểu tình tại thủ đô Washington DC (theo đài RFA thì có khoảng 100 người).
Ông Phạm Minh Chính có ba lần "gặp gỡ kiều bào": ngày 14/5 tại Washington D.C. ngày 15/5 tại New York, ngày 17/5 tại San Francisco. Theo con số báo chí Việt Nam đưa ra, tại Washington D.C. có 70 người, tại New York có 50 người, còn tại San Francisco không thấy đưa ra con số.
Các cuộc gặp gỡ này đều kín, không mở rộng. Tôi có đề nghị tham dự cuộc gặp ở San Francisco với tư cách báo chí, nhưng lãnh sự quán Việt Nam tại đây cho tôi biết là "không sắp xếp được".
Theo dõi các ảnh chụp và các phát biểu của những người tham gia các cuộc gặp này, do báo chí Việt Nam đưa ra, thì thấy có hai nhóm người đông nhất, nhóm đầu là các du học sinh Việt Nam tại Mỹ, nhóm sau là những người lớn tuổi. Trong cuộc gặp ở San Francisco, có một nhà sư là Thượng tọa Thích Đức Tuấn. Tôi nhận ra ông trong một buổi tiệc tất niên do tòa lãnh sự tổ chức ở San Francisco vào đầu năm 2020.
Nhận xét về nhóm "kiều bào" tham dự này, ông Nguyễn Hữu Liêm nói với tôi rằng, sự tiếp xúc của chính quyền Hà Nội với người Việt ở Mỹ không mở ra được đến những người ra đi từ miền Nam.
"Đóng cửa khen nhau cũng tốt thôi, nhưng nếu mở rộng ra thì tốt hơn", ông Liêm nói.
Những người mà tôi lấy ý kiến cho bài viết này thuộc nhóm người Việt trung lưu ở Mỹ, họ thường có khuynh hướng cấp tiến, và ngày càng đông, nhất là trong khu vực vùng Vịnh San Francisco, nơi ông Phạm Minh Chính tiếp xúc với các đại công ty Mỹ.
Những người Mỹ gốc Việt này hầu như không tham gia vào các hoạt động biểu tình chống các quan chức Việt Nam từ trước tới nay. Câu phát biểu của ông Chính về thành công của người Việt và chính sách đối ngoại của Đảng Cộng sản Việt Nam gây cho họ sự chú ý, nhưng là một sự chú ý bực bội.
Từ nhóm người Việt cấp tiến này, đã xuất hiện khá đông các chính khách Mỹ gốc Việt trong vài năm qua, trong dòng chính của chính trị Mỹ. Không thấy họ có mặt trong các buổi "gặp gỡ kiều bào" của phái đoàn Thủ tướng Chính.
Trước chuyến đi của ông Chính sang Mỹ, tôi có gửi một số câu hỏi đến cơ quan ngoại giao Việt Nam tại Mỹ, trong đó có câu hỏi về quan hệ với cộng đồng người Việt tại Mỹ. Nhưng lấy lý do lịch trình làm việc bận rộn, các câu hỏi này không được hồi đáp.

KHÔNG NÊN DÙNG KHÁI NIỆM 'THIỂU SỐ' CHO MỘT CHỦNG TỘC

CHU MỘNG LONG/TD 22-5-2022


Khoa tôi có đủ thành phần dân tộc, ngoài người Kinh, có người Bana, Êđê, Chăm, Giarai, Xơđăng... Một lần, có bạn người Kinh giới thiệu bạn mình là "dân tộc thiểu số", tôi khuyên: "Không nên dùng khái niệm 'dân tộc thiểu số' gây mặc cảm cho bạn. Tất cả các bạn sống trên đất Việt đều là người Việt!"
Gốc của từ "thiểu số" không có nghĩa kì thị. Khi thành cụm từ "dân tộc thiểu số", nghĩa gốc chỉ là gọi tên cho các dân tộc có số lượng ít hơn một dân tộc chiếm số lượng lớn nhất trong một quốc gia, lãnh thổ. Chẳng hạn, người Hán chiếm đa số trong lãnh thổ Trung Quốc thì tất cả các dân tộc khác như Mãn, Choang, Duy Ngô Nhĩ, Tạng... đều thành thiểu số. Người Kinh chiếm đa số trong lãnh thổ Việt Nam thì tất cả các dân tộc khác như Bana, Êđê, Chăm, Giarai, Xơđăng... đều thành thiểu số v.v...
Khi một dân tộc nào đó tự cho mình là trung tâm của một quốc gia, lãnh thổ, thì khái niệm "thiểu số" mới trở thành kỳ thị. Sự kì thị này bộc lộ ở ý thức rằng, dân tộc nào chiếm đa số thì dân tộc đó thành trung tâm thống trị và làm chủ lãnh thổ, còn dân tộc bị gọi là thiểu số chỉ là ngoại tộc, thậm chí trong lịch sử nhân loại, dân tộc thiểu số còn bị làm nô lệ.
Tính chất nhị nguyên đa số/ thiểu số dẫn đến kỳ thị chủng tộc, giống như cả ngàn năm phong kiến của ta có sự kỳ thị chính gốc/ ngụ cư vậy. Một tộc họ thống trị một làng gọi là chính gốc, còn tộc khác bị gọi là ngụ cư, sống ở rìa làng và không được hưởng mọi thứ quyền như tộc tự cho là chính gốc.
Thực chất đó là tư tưởng lấy thịt đè người, lấy số đông trấn áp thiểu số. Trong khi lịch sử luôn là sự vận động, biến đổi, đa số thành thiểu số, chính gốc thành ngụ cư và ngược lại.
Có ai ngờ một tộc người thiểu số so với thế giới như người Mông, người Mãn lại trở thành trung tâm thống trị một thời của Trung Hoa. Có ai ngờ thổ dân da đỏ, gốc bản địa của châu Mỹ, lại thành thiểu số và ngụ cư khi thực dân châu Âu tấn công và chiếm đất của họ. Người Chăm có ngờ rằng, vào thời Trần, dân số của họ đông hơn dân Đại Việt và hùng mạnh ở phương Nam, bây giờ lại thành thiểu số. Người Khmer là thiểu số ở Việt Nam nhưng không phải là thiểu số ở Cambot...
Cho nên, nói như triết gia giải kiến tạo Derrida, "trung tâm, vì thế, không phải là trung tâm" (The center, therefore, is not the center). Trung tâm chỉ là một kiến tạo ước lệ và giả tạo trong trò chơi của quyền lực.
Chính sự phân biệt đa số/ thiểu số đã tạo nên sự tự kiêu thống trị ở dân tộc chiếm đa số và sự mặc cảm bị trị của dân tộc bị gọi là "thiểu số".
Trên tinh thần đó, sự kì thị đa số/ thiểu số chỉ còn tồn tại ở các quốc gia độc tài toàn trị, tàn dư phong kiến để lại. Hậu quả, các quốc gia này có chính sách phản động là đồng hoá các dân tộc bị cho là thiểu số. Trong khi các quốc gia văn minh đến nay đã chấp nhận đa chủng tộc trong quan hệ bình đẳng, thậm chí kéo theo nhiều quốc gia còn chấp nhận đa văn hoá, đa ngôn ngữ. Sự chấp nhận như vậy không làm nghèo hay giảm sức mạnh quốc gia dân tộc mà còn tạo ra sự giàu có, đa dạng và gia tăng sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, hạn chế tối đa sự tranh chấp, xung đột sắc tộc.
Trong thời đại toàn cầu hoá, Trái đất này là quê hương chung của loài người. Quyền tự do đi lại, tự do cư trú đã thành luật về nhân quyền của Liên Hiệp quốc.
Tôi cứ hình dung, đến một ngày nào đó, với sự mắn đẻ của người Việt, theo truyền thống trăm trứng nở trăm con, người Việt chiếm đa số trên đất Mỹ. Sự kì thị chủng tộc trong tâm lý người da trắng và sự mặc cảm nô lệ của người da đen chẳng phải đã giải quyết dứt điểm từ cuộc cách mạng của Martin Luther King sao?
Theo tôi, điều quan trọng là người Việt trên đất Mỹ ăn ở thế nào để được tôn trọng như một người Mỹ chứ không phải nhờ cậy vào chính sách ngoại giao. Chính sách ngoại giao chỉ là một tương tác yếu của nhân tố ngoại biên.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét