Thứ Tư, 18 tháng 5, 2022

20220519. THỦ TƯỚNG PHẠM MINH CHÍNH THĂM HOA KỲ

ĐIỂM BÁO MẠNG


THỦ TƯỚNG: VIỆT NAM KHÔNG CHỌN BÊN MÀ CHỌN CHÍNH NGHĨA,

 CÔNG BẰNG, LẼ PHẢI

THU HẰNG/VNN 12-5-2022
"Việt Nam không chọn bên mà chọn chính nghĩa, sự công bằng, công lý và lẽ phải trên cơ sở các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên Hợp Quốc; bình đẳng, tất cả cùng có lợi, cùng thắng”, Thủ tướng khẳng định.

Trước thềm Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN - Mỹ, chiều 11/5 (giờ Washington D.C), Thủ tướng Phạm Minh Chính đến thăm và có bài phát biểu ấn tượng, đầy ý nghĩa tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế Mỹ (CSIS).

Bày tỏ rất vui khi lần đầu tiên đến thăm CSIS, Thủ tướng nhắc lại lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mở đầu bản Tuyên ngôn Độc lập bằng chân lý bất hủ: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được;  trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.

“Đây cũng là tinh thần bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của Mỹ và thể hiện sự chia sẻ giá trị chung, mang tính phổ quát, không chỉ của hai quốc gia chúng ta mà còn của toàn nhân loại”, Thủ tướng nhấn mạnh.


Thủ tướng Phạm Minh Chính trò chuyện cùng TS John Hamre, Chủ tịch, Giám đốc điều hành CSIS; Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper. Ảnh: Nhật Bắc

Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam cũng bày tỏ vui mừng khi chứng kiến quan hệ hai nước Việt Nam - Mỹ đã phát triển vượt bậc sau gần 3 thập niên bình thường hoá quan hệ và đã "đơm hoa kết trái".

Theo Thủ tướng, Việt Nam đánh giá cao trong những năm qua Mỹ luôn ủng hộ một Việt Nam hùng mạnh, độc lập. Trong 27 năm kể từ khi hai nước bình thường hoá quan hệ, đã có 4 vị Tổng thống Mỹ liên tiếp đến thăm Việt Nam và để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng nhân dân hai nước. 

Kể từ đầu nhiệm kỳ của Tổng thống Joe Biden, nhiều quan chức cấp cao của Mỹ đã đến thăm Việt Nam vào thời điểm khó khăn của đỉnh dịch Covid-19 năm 2021, trong đó có Phó Tổng thống Kamala Harris và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin.

“Những nền tảng quan trọng trên đây đã tạo niềm tin và sự phấn khởi cho tôi trong chuyến thăm Mỹ lần đầu tiên trên cương vị Thủ tướng nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, Thủ tướng chia sẻ.

Xây dựng, củng cố sự chân thành, lòng tin giữa các quốc gia 

Nhấn mạnh về sự chân thành, lòng tin và trách nhiệm vì một thế giới tốt đẹp hơn, Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ 3 nội dung. Đó là cách nhìn của Việt Nam về thế giới hiện nay; vai trò của sự chân thành, lòng tin và trách nhiệm trong thế giới nhiều biến động hiện nay; chúng ta cần phải làm gì để thể hiện sự chân thành, tăng cường lòng tin và trách nhiệm, vì một thế giới tốt đẹp hơn.     

Đi vào từng nội dung cụ thể, Thủ tướng cho rằng, những tác động của đại dịch Covid-19 đang tạo ra những thay đổi bước ngoặt trong cục diện thế giới. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu, thiên tai, cạn kiệt tài nguyên, an ninh năng lượng, an ninh nguồn nước, an ninh lương thực, an ninh con người, an ninh mạng… tiếp tục diễn biến phức tạp.

“Chúng ta cần nhận thức đầy đủ cả những cơ hội, thuận lợi và thách thức, khó khăn đối với hoà bình, hợp tác và phát triển trong một thế giới đang chuyển đổi mạnh mẽ, trong đó, mặt thách thức khó khăn dường như đang nổi lên nhiều hơn đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực hợp tác để xử lý hiệu quả”, Thủ tướng nói.


Thủ tướng Phạm Minh Chính 

Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam chia sẻ một số điểm quan trọng, trong đó, ông khẳng định: Hoà bình, an ninh và phát triển có mối quan hệ gắn bó hữu cơ. Hoà bình, an ninh và phát triển của một nước có tác động đến các nước láng giềng, khu vực và thế giới. 

Lợi ích của mỗi quốc gia dân tộc cần hài hoà và tôn trọng lợi ích quốc gia dân tộc chính đáng, hợp pháp của các quốc gia khác trên cơ sở luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hợp Quốc.

Hợp tác quốc tế là xu hướng tất yếu để cùng nhau gìn giữ hòa bình, thúc đẩy phát triển và tình hữu nghị giữa các quốc gia. Không một quốc gia đơn lẻ nào, dù lớn và giàu mạnh đến đâu, có thể giải quyết được mọi vấn đề, nhất là các vấn đề toàn cầu, mà cần có sự hợp tác của các nước khác, cộng đồng quốc tế và người dân. 

“Việc giải quyết các vấn đề mang tính toàn cầu phải có cách tiếp cận toàn cầu, đoàn kết và hợp tác quốc tế, đề cao chủ nghĩa đa phương”, Thủ tướng nhận định.

Ngoài ra, Thủ tướng cũng khẳng định, tất cả các quốc gia, dân tộc đều mong một thế giới tốt đẹp hơn, vì cuộc sống hòa bình, hạnh phúc của người dân. Vì vậy, cần đặc biệt chú trọng nhân tố con người, coi con người là trung tâm, là chủ thể, đồng thời là mục tiêu và là động lực cho sự phát triển của mọi quan hệ hợp tác, đối tác trong hội nhập quốc tế. Giải quyết các vấn đề có tính toàn dân phải có cách tiếp cận toàn dân; mọi chính sách phải hướng đến người dân; khuyến khích sự sáng tạo và kêu gọi sự hợp tác của mọi người dân.

Thủ tướng cũng cho rằng, hội nhập quốc tế là xu thế khách quan nhưng phải biết huy động sức mạnh dân tộc kết hợp với sức mạnh của thời đại một cách phù hợp, hiệu quả. Sự chân thành, lòng tin và trách nhiệm có vai trò đặc biệt quan trọng để giải quyết những vấn đề đặt ra đối với thế giới hiện nay. 

Chính thiếu vắng sự chân thành, lòng tin và trách nhiệm là một trong những nguyên nhân dẫn đến căng thẳng, xung đột ở nhiều khu vực. Thiếu sự chân thành, tin cậy là nhân tố cản trở nghiêm trọng đến hợp tác song phương giữa các quốc gia cũng như hợp tác đối phó với các thách thức khu vực và toàn cầu.

Vì vậy, hơn lúc nào hết, chúng ta cần đẩy mạnh xây dựng, củng cố sự chân thành, lòng tin giữa các quốc gia. Đồng thời, mỗi quốc gia cần hành xử một cách có trách nhiệm. 

“Chúng ta cần đề cao đối thoại để hiểu biết hơn về nhau, góp phần giải quyết các bất đồng, mâu thuẫn giữa các quốc gia”, Thủ tướng nói.

Đối thoại, hợp tác bình đẳng, cùng có lợi trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau là một trong những phương thức giải quyết hữu hiệu nhất đối với những tồn tại giữa các quốc gia cũng như trong việc xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn. 

“Trước những biến động phức tạp, khó lường trên toàn cầu, chúng ta cần suy nghĩ nghiêm túc và có trách nhiệm, không để phương thức chủ đạo này bị phá vỡ vì bất cứ lý do gì. Chỉ có đầy đủ sự chân thành, lòng tin và trách nhiệm, các nước mới có thể cùng nhau giải quyết các vấn đề đặt ra một cách thực chất, hiệu quả”, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam phân tích.

Theo Thủ tướng, ASEAN chính là một ví dụ minh chứng về giá trị của sự chân thành, lòng tin và trách nhiệm trong việc góp phần giải quyết những vấn đề khu vực, toàn cầu. 

Với Việt Nam, Thủ tướng khẳng định, luôn nỗ lực đóng góp vào đối thoại và hợp tác, sẵn sàng đóng góp vai trò chủ động, tích cực, phù hợp với tiềm lực và vị thế của mình.

“Những người quan tâm đến Việt Nam có thể hỏi tôi, Việt Nam thể hiện trách nhiệm như thế nào trước các vấn đề khu vực, quốc tế?”, trả lời câu hỏi này, Thủ tướng khẳng định những quan điểm của Việt Nam về thể hiện sự chân thành, củng cố niềm tin và tăng cường trách nhiệm trong hợp tác với các quốc gia, khu vực và cộng đồng quốc tế.

Trước hết, Việt Nam kiên định đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn tốt, là đối tác tin cậy với các nước trên thế giới, là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Việt Nam luôn thể hiện sự chân thành, nhất quán, minh bạch trong xây dựng, triển khai đường lối đó.

Thứ hai, Thủ tướng khẳng định: “Giữa độc lập và phụ thuộc, chúng tôi luôn chọn độc lập với tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập tự do” của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại; giữa thương lượng và đối đầu, chúng tôi chọn thương lượng; giữa đối thoại và xung đột, chúng tôi chọn đối thoại; giữa hoà bình và chiến tranh, chúng tôi chọn hòa bình; giữa hợp tác và cạnh tranh, chúng tôi chọn hợp tác và cạnh tranh thì phải lành mạnh, bình đẳng, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhau”.

Người đứng đầu Chính phủ cũng nêu rõ, trong một thế giới đầy biến động, cạnh tranh chiến lược và nhiều sự lựa chọn, Việt Nam không chọn bên mà chọn chính nghĩa, sự công bằng, công lý và lẽ phải trên cơ sở các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên Hợp Quốc; bình đẳng, tất cả cùng có lợi, cùng thắng.

Thứ ba, Việt Nam sẵn sàng đối thoại, hợp tác để xử lý các khác biệt, bất đồng, đóng góp vào hòa bình, ổn định và phát triển của thế giới; đồng thời bảo đảm hài hòa lợi ích và giải quyết thỏa đáng các mối quan tâm của các đối tác, các quốc gia, cộng đồng quốc tế.

Chính vì lẽ đó, trong giải quyết các tranh chấp, xung đột ở khu vực và trên thế giới, trong đó có Biển Đông - một vùng biển quan trọng với các nước trong và ngoài khu vực, Việt Nam luôn chủ trương duy trì hòa bình, ổn định, bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không.

Việt Nam cũng chủ trương bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp, giải quyết bất đồng bằng các biện pháp hòa bình, thông qua đối thoại, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS 1982).

Việt Nam thực hiện hiệu quả và đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), phấn đấu xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) thực chất, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982.

Giải quyết mọi tranh chấp bằng hòa bình, không dùng vũ lực

Để đóng góp có trách nhiệm vào các vấn đề chung của quốc tế và khu vực, Việt Nam chủ động tham gia và phát huy vai trò tại các cơ chế đa phương, nhất là ASEAN, Liên Hợp Quốc, các cơ chế hợp tác khu vực, liên khu vực và Tiểu vùng Mê Công, phù hợp với yêu cầu, khả năng và điều kiện cụ thể. 

Việt Nam sẵn sàng đóng góp vào quá trình hòa giải giữa các quốc gia. Việt Nam là địa điểm để tổ chức Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần 2. 


Bài phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính đã thu hút sự lắng nghe của các học giả, nhà khoa học tại CSIS. Ảnh: Nhật Bắc

“Trong vấn đề Ukraine, Việt Nam ủng hộ và sẵn sàng tham gia vào các nỗ lực, sáng kiến của cộng đồng quốc tế trong việc tạo điều kiện để các bên đối thoại, tìm kiếm giải pháp lâu dài, bền vững. Việt Nam đã hỗ trợ nhân đạo 500 nghìn USD cho Ukraine.

“Liên quan đến tình hình Ukraine, lập trường nhất quán của Việt Nam là tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc và các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, lợi ích hợp pháp, chính đáng của các quốc gia; giải quyết mọi tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ. 

Thủ tướng cũng cho hay, Việt Nam đã thể hiện trách nhiệm và quyết tâm rất cao trong ứng phó với biến đổi khí hậu, thực hiện các cam kết theo Thỏa thuận Paris và COP 26 tại Anh để đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050…

Một vấn đề nữa được Thủ tướng nhấn mạnh là Việt Nam luôn mong muốn tăng cường quan hệ hợp tác với Mỹ trên cơ sở chân thành, tiếp tục củng cố lòng tin, tăng cường trách nhiệm của cả hai bên, vì lợi ích chung của nhân dân hai nước, vì hòa bình, hợp tác và phát triển của khu vực và thế giới.

“Để hoàn thành các mục tiêu phát triển của quốc gia, Việt Nam không thể đi một mình. Muốn đi xa phải có bạn bè. Không phải bây giờ Việt Nam mới thể hiện mong muốn hợp tác với Mỹ”, Thủ tướng khẳng định.

Thủ tướng dẫn lại mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ những ngày đầu thành lập nước là thiết lập quan hệ đối tác bình đẳng, toàn diện với Mỹ trong những bức thư gửi tới chính quyền Mỹ ngày 16/2/1946: “mục tiêu của chúng tôi là độc lập hoàn toàn và hợp tác toàn diện với Hoa Kỳ”.

Thời gian tới, Thủ tướng kỳ vọng, hai bên cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa việc hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh, để nhân dân hai nước được cảm thông, chia sẻ những mất mát, cùng hướng đến tương lai.

Hai bên cần chân thành, tin cậy, tôn trọng và tiếp tục có trách nhiệm trong việc khắc phục hậu quả chiến tranh, để hàn gắn vết thương cho cả hai dân tộc, vun đắp quan hệ hợp tác giữa hai nước phát triển hơn nữa, cho tương xứng với tiềm năng, đáp ứng nguyện vọng và lợi ích của nhân dân hai nước, đóng góp vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới, như hai bên đã khẳng định trong chuyến thăm Mỹ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào năm 2015.

Tăng trưởng xanh, đổi mới công nghệ, chuyển đổi số và đa dạng hóa chuỗi cung ứng

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng đề nghị hai bên cần hướng tới những lĩnh vực hợp tác của tương lai: "Tôi đặc biệt muốn nhấn mạnh ba lĩnh vực quan trọng có nhiều tiềm năng hợp tác giữa hai nước thời gian tới - đó là tăng trưởng xanh, đổi mới công nghệ, chuyển đổi số và đa dạng hóa chuỗi cung ứng.

Trong đó, để đạt mục tiêu đã cam kết đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050, Việt Nam đặc biệt chú trọng việc thu hút các nguồn lực, khoa học công nghệ, kinh nghiệm xây dựng thể chế, quản lý để đầu tư phát triển năng lượng sạch, kết cấu hạ tầng hiện đại, quản lý nguồn nước bền vững…

Việt Nam đang nỗ lực đón đầu xu thế lớn về chuyển đổi số để bứt phá, thu hẹp khoảng cách phát triển. Trong đó, đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện dựa trên ba trụ cột chính là: Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. 

Đồng thời, Việt Nam cũng đang nỗ lực chủ động, tích cực tham gia vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu, đặc biệt là việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng, đáp ứng yêu cầu cấp thiết mang tính toàn cầu hiện nay. 

“Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục là một điểm đến đáng tin cậy của các doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp Mỹ trong nỗ lực đa dạng hóa chuỗi cung ứng bền vững, ổn định trong một thế giới nhiều biến động”, Thủ tướng khẳng định.

Đây là những lĩnh vực Mỹ có thế mạnh hàng đầu thế giới. Mỹ cũng là nền kinh tế lớn nhất thế giới với thị trường quy mô lớn, phong phú và đa dạng, tạo nền tảng tốt thúc đẩy đa dạng hóa chuỗi cung ứng trên phạm vi toàn cầu. 

“Sự kết hợp giữa thế mạnh của Mỹ trong các lĩnh vực quan trọng này cùng với sự năng động và chủ động, tích cực hội nhập ngày càng sâu rộng của nền kinh tế Việt Nam sẽ mở ra những cơ hội lớn cho hợp tác giữa hai quốc gia, cộng đồng doanh nghiệp hai nước trong thời gian tới”, Thủ tướng kỳ vọng. 

Trong đó, sự chân thành, lòng tin và trách nhiệm là chìa khóa để các quốc gia giải quyết các vấn đề còn bất đồng, khác biệt trong một thế giới đầy biến động như hiện nay. Sự chân thành, lòng tin và trách nhiệm cũng đã góp phần quan trọng tạo nên sự phát triển mạnh mẽ của quan hệ Việt Nam - Mỹ trong gần 30 năm qua. 

“Tôi tin tưởng rằng, đây cũng sẽ là những nhân tố chủ đạo định hướng, thúc đẩy, đưa quan hệ đối tác tác toàn diện Việt Nam - Mỹ lên tầm cao mới, thực chất, hiệu quả hơn trong những năm tới”, người đứng đầu Chính phủ nói.

Thu Hằng (Từ Washington D.C)

 TỔNG THỐNG JOE BIDEN: 'KỶ NGUYÊN MỚI' TRONG QUAN HỆ ASEAN-MỸ

                                               THÀNH NAM/ VNN 13-5-2022

Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định như vậy trong cuộc họp Cấp cao đặc biệt ASEAN - Mỹ lần đầu tiên tổ chức tại Washington hôm thứ sáu (13/5, giờ địa phương).

Ông Biden nhấn mạnh tại Hội nghị Cấp cao đặc biệt: "Một phần lớn lịch sử thế giới của chúng ta trong vòng 50 năm tới sẽ được viết ra tại các quốc gia ASEAN, và mối quan hệ giữa chúng tôi với các bạn chính là tương lai trong những năm tới và nhiều thập kỷ tới".

Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN - Mỹ năm nay đánh dấu việc lần đầu tiên các nhà lãnh đạo ASEAN cùng gặp nhau tại Washington, và cũng là hội nghị đầu tiên do Mỹ chủ trì kể từ năm 2016.

Tổng thống Mỹ phát biểu tại hội nghị

Tổng thống Mỹ cho biết, hội nghị không chỉ kỷ niệm 45 năm đối tác và hữu nghị Mỹ - ASEAN, mà còn khởi động "kỷ nguyên mới" cho mối quan hệ Mỹ - ASEAN. Các cuộc thảo luận đã bao trùm một loạt vấn đề quan trọng, bao gồm việc hợp tác cùng nhau trong cuộc chiến chống Covid-19 và hành động vì khí hậu.

Ông Biden cũng công bố ý định đề cử Yohannes Abraham, Chánh văn phòng Hội đồng An ninh Quốc gia và từng là trợ lý đắc lực trong giai đoạn chuyển giao chính phủ, làm Đại sứ Mỹ tại ban thư ký ASEAN.

Trước đó, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đã nói với các nhà lãnh đạo ASEAN rằng Washington sẽ sát cánh với các đồng minh và đối tác trong việc bảo vệ trật tự hàng hải dựa theo luật lệ, bao gồm tự do hàng hải và luật pháp quốc tế.

Bà nói: Mỹ chia sẻ với ASEAN về "trật tự thượng tôn pháp luật trên biển, trong đó có quyền tự do hàng hải, hàng không và luật pháp quốc tế". Mỹ đánh giá rất cao Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN - Mỹ đang diễn ra, và thông tin rằng một trong những vấn đề thảo luận chính của cuộc gặp giữa bà với các lãnh đạo ASEAN là an ninh hàng hải.


"Là quốc gia Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Mỹ sẽ hiện diện và tiếp tục gắn bó với khu vực Đông Nam Á trong nhiều thế hệ tiếp theo", nữ Phó Tổng thống nói.

Phó Tổng thống Harris cũng cho biết Washington sẽ dành thêm 60 triệu USD cho các sáng kiến đảm bảo an ninh hàng hải tại Đông Nam Á.

Phó Tổng thống Kamala Harris.

ASEAN vẫn là một trong những ưu tiên của Mỹ, bà cho biết, tuần duyên Mỹ sẽ triển khai tàu tuần tra đến khu vực để huấn luyện và đối phó hoạt động đánh bắt cá trái phép.

Nói đến dịch Covid-19, Phó Tổng thống Harris cho hay, Mỹ sẽ tiếp tục đồng hành cùng ASEAN đối phó với mối đe dọa từ Covid-19 khi nước này đã viện trợ hơn 115 triệu vắc xin cho khu vực này.

Bà nói: “Khi Covid-19 hiện diện ở bất kỳ quốc gia nào, nó sẽ ảnh hưởng đến tất cả chúng ta". Bà cũng cho biết Mỹ và ASEAN cần thể hiện sự quan tâm chung về vấn đề khí hậu, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch và đáp ứng nhu cầu cơ sở hạ tầng...

Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự hội nghị.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo.

Tại Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN - Mỹ diễn ra hôm nay, lãnh đạo các nước ASEAN và Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ cùng nhìn lại và đánh giá tổng thể chặng đường quan hệ đối tác hai bên trong 45 năm qua, đề ra định hướng phát triển quan hệ hai bên trong thời gian tới.

Chính quyền Tổng thống Biden đã công bố gói hỗ trợ 150 triệu USD cho các sáng kiến mới tại khu vực Đông Nam Á, bao gồm hợp tác hàng hải và năng lượng sạch.

Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-O-Cha.

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long

Thành Nam (theo Reuters)

TIN LIÊN QUAN:

-Ngoại trưởng Mỹ chia sẻ với Thủ tướng Phạm Minh Chính những kỷ niệm đẹp về Việt Nam-Gặp Thủ tướng Phạm Minh Chính, Tổng thống Mỹ Joe Biden nhận lời thăm Việt Nam -Tổng thống Joe Biden mong muốn nâng tầm quan hệ ASEAN - Mỹ


QUAN HỆ VIỆT-MỸ: NHỮNG KỶ NIỆM CỦA TƯƠNG LAI

ĐINH HOÀNG THẮNG/ VOA/TD 16-5-2022


VÌ LẼ TRÊN, HOA KỲ ĐANG ÁP DỤNG PHƯƠNG CÁCH ĐỐI XỬ VỚI HÀ NỘI KHÁ TẾ NHỊ. Ở MẶT CÔNG KHAI, HOA KỲ ĐẨY MẠNH QUAN HỆ VỚI VIỆT NAM TRÊN MỌI LĨNH VỰC, CỬ CÁC QUAN CHỨC CAO CẤP NHẤT TỚI HÀ NỘI, TẶNG TÀU TUẦN TRA GIÚP VIỆT NAM BẢO VỆ VÙNG BIỂN, TẶNG VACCINE VÀ THIẾT BỊ Y TẾ GIÚP CHỐNG DỊCH COVID-19.
Thủ tướng Phạm Minh Chính bắt đầu chuyến công du Hoa Kỳ 7 ngày (từ 11 – 17/5/2022) bằng buổi nói chuyện tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS). Thủ tướng đã trình bày viễn kiến về một Việt Nam như quốc gia tầm trung trong vòng 10 – 20 năm tới, và một thế giới tốt đẹp hơn được xây dựng trên nền tảng của “sự chân thành, lòng tin và trách nhiệm”. Thuật ngữ này được ông Chính nhắc lại 18 lần trong bài nói chuyện của mình tại một trong những “think-tank” hàng đầu của nước Mỹ về chiến lược, chính sách đối ngoại và các vấn đề quốc tế.
Tương đối ấn tượng khi Thủ tướng Phạm Minh Chính mở đầu bài diễn văn chiều 11/5 bằng việc nhắc lại sự tương đồng giữa hai bản Tuyên ngôn Độc lập nổi tiếng của Hoa Kỳ và của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Sự tương đồng ấy, theo ông Chính, thể hiện khát vọng chia sẻ những giá trị chung, mang tính phổ quát, không chỉ của hai quốc gia Mỹ – Việt, mà còn của toàn nhân loại.
Phát biểu của Thủ tướng lấp lánh một số tia hy vọng toát ra từ mối bang giao đầy duyên nợ. Ông Chính cũng hàm ý, hai nước đang chuẩn bị cho một cuộc hành trình “vươn ra biển lớn” giữa mùa giông bão, khi ông thừa nhận thập niên thứ ba của thế kỷ 21 đang đứng trước thời điểm khó khăn nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Thật vậy, xung đột ngay giữa lòng châu Âu, theo ông Chính, đã gây ra những hệ lụy to lớn đối với tình hình an ninh, chính trị, kinh tế, xã hội toàn cầu.
Từ “những kỷ niệm của tương lai…”
Khi tiếp Thủ tướng Phạm Minh Chính vào tối 12/5/2022 tại Nhà Trắng, Tổng thống Joe Biden đã bày tỏ tình cảm đặc biệt ông dành cho đất nước và con người Việt Nam. Dịp này, hai nhà lãnh đạo bày tỏ sự đồng tình về việc tôn trọng độc lập và chủ quyền của các quốc gia. Thủ tướng Chính gặp Tổng thống Biden trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ – ASEAN diễn ra tại Thủ đô Washington từ ngày 12 – 13/5. Ông Biden nhắc lại, ông luôn dành nhiều tình cảm cho Việt Nam, bằng chứng là trong thời gian làm Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ, ông và người đồng nghiệp quá cố John McCain đã vận động để tăng cường mối quan hệ của Hoa Kỳ với Việt Nam.
Tổng thống Joe Biden nhất trí với Thủ tướng Phạm Minh Chính về việc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị giữa các quốc gia, không sử dụng vũ lực, giải quyết hòa bình các tranh chấp, xung đột, trên cơ sở luật pháp quốc tế. Ông Chính đã chuyển lời mời thăm Việt Nam từ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, ông Biden cám ơn, và hứa sẽ thu xếp thăm Việt Nam vào thời gian phù hợp.
Trong bài nói chuyện tại CSIS, Thủ tướng Việt Nam nhiều lần nhấn mạnh đến cơ sở nền tảng của quan hệ “đối tác toàn diện” giữa hai nước. Ông Chính nhắc đến thư Tổng thống Joe Biden gửi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng năm 2021, tái khẳng định “quan hệ đối tác toàn diện mạnh mẽ, đầy sức sống mà hai nước đã và đang cùng nhau xây dựng là dựa trên nền tảng tôn trọng lẫn nhau, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ”. Đặc biệt, ông Chính viện dẫn bức thư ngày 16/2/1946 của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Tổng thống Harry Truman, trong đó nhấn mạnh mục tiêu của Việt Nam “là độc lập hoàn toàn và hợp tác toàn diện với Hoa Kỳ”.
Bài nói chuyện khẳng định tiếp, Việt Nam và Hoa Kỳ giờ đây “đang đứng trước những cơ hội mới để đưa quan hệ đối tác toàn diện phát triển ổn định, lâu dài, thực chất, hiệu quả, đi vào chiều sâu”. Ông Chính bày tỏ “sự chân thành, lòng tin và trách nhiệm là chìa khóa để các quốc gia giải quyết các vấn đề còn bất đồng, khác biệt trong một thế giới đầy biến động như hiện nay” và đấy cũng là những nhân tố “thúc đẩy quan hệ đối tác tác toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ lên tầm cao mới, thực chất, hiệu quả hơn trong những năm tới”.
Dư luận quan tâm, tại sao suốt cả bài phát biểu, Thủ tướng Chính không đề cập cụ thể về khả năng nâng cấp mối bang giao Việt – Mỹ lên tầm “đối tác chiến lược” như sự đón đợi của phía Hoa Kỳ? Thật ra vấn đề "chiến lược" hay “không chiến lược” đã được dư luận từ cả hai phía nêu ra suốt hàng chục năm có lẻ, và giờ đây, ngay trong từng nội dung cốt lõi của bài phát biểu tại CSIS, Thủ tướng đều nhấn mạnh tính tất yếu của tiến trình “xây dựng bệ phóng để góp phần đưa quan hệ hai nước lên tầm cao mới”.
Thiết tưởng nên nhắc lại ở đây ý kiến của Giám đốc Brian Eyler, từ Chương trình Đông Nam Á (Trung tâm Stimson), gióng lên cũng đúng vào ngày 11/5, phân tích những bước tiến thần kỳ trong quan hệ Hà Nội – Washington ngay trước thềm chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng. Theo GS. Eyler, phát triển được quan hệ với Việt Nam như ngày nay đã là một chiến thắng thầm lặng của Hoa Kỳ. Việc vội vàng cố nâng quan hệ Việt – Mỹ lên tầm “đối tác chiến lược” ngay trong cuộc gặp lần này giữa Tổng thống Joe Biden với Thủ tướng Phạm Minh Chính có thể phản tác dụng và chỉ khiêu khích chọc giận Trung Quốc.
Nhưng theo giới phân tích, quan hệ Việt – Mỹ ngay giờ đây, thực chất đã ở mức “đối tác chiến lược”, không kém quan hệ của Việt Nam với Nga, Trung Quốc hay Ấn Độ, nếu không nói là sâu sắc hơn trên nhiều phương diện, từ kinh tế, văn hóa giáo dục đến an ninh quốc phòng. Bang giao Việt – Mỹ rồi sẽ đạt đến điều mà Trợ lý Ngoại trưởng Daniel Kritenbrink dự phóng khi chia tay những người bạn Việt Nam lúc kết thúc nhiệm kỳ ở Hà Nội: “Chỉ có bầu trời là giới hạn cho mối quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ”. Cho đến khi đó, và chỉ khi đó mà thôi, lịch sử sẽ có dịp nhắc lại các bài phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại các diễn đàn: từ CSIS đến Đại học Havard, từ Asia Society đến Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ – ASEAN… và một số nơi khác nữa trên đất Mỹ.
Chưa hết, các chính khách tương lai của cả hai nước (giờ này họ đang miệt mài học tập và nghiên cứu tại các đại học Mỹ) sẽ ôn lại các buổi thảo luận của Thủ tướng Chính với các quan chức Hoa Kỳ về “Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” (IPEF) của Tổng thống Joe Biden. Tất cả các kỷ niệm từ tương lai hứa hẹn ấy sẽ dồn về trong khoảnh khắc để hoài niệm về sự hợp tác tuyệt vời giữa hai khối quyết tâm chính trị đã thúc đẩy các mục tiêu của khuôn khổ kinh tế làm nền tảng cho không gian “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở” (FOIP).
Trở về chuyến công du hiện tại
Từ cái lõi kinh tế của cấu trúc an ninh liên vùng ấy, ông Chính hẳn ý thức được những “chuyển dịch địa tầng” trong nền chính trị và kinh tế toàn cầu vào những thập kỷ tới. Do đó, việc ông bày tỏ sự quan tâm và sẵn sàng hợp tác với Hoa Kỳ để thực thi bốn trụ cột: ổn định chuỗi cung ứng, nền kinh tế kỹ thuật số, chống biến đổi khí hậu và vấn đề liên quan đến lao động – thuế – chống tham nhũng, có ý nghĩa vô cùng lớn lao. Ông Chính nhấn mạnh, những trụ cột này rất quan trọng đối với Hoa Kỳ, đối với Việt Nam và các quốc gia khác.
Nếu tham vọng của ông Chính trong chuyến công du này chỉ đơn thuần là quyền lực kinh tế, thì ông sẽ thi triển năng lực trên cương vị Thủ tướng thời hội nhập sâu rộng. Mà đã là kinh tế tức là thị trường, không còn mấy lằn ranh tư bản hay cộng sản, dù chỉ là trên danh nghĩa. Nhưng nếu ông Chính chọn vị thế Thủ tướng như một giai đoạn chuyển tiếp để đạt được tham vọng cao hơn về quyền lực chính trị, thì đương nhiên ông sẽ hướng tới các mối quan tâm trải dài trên tất cả các lĩnh vực. Không gian tư duy và hành động lúc này không chỉ là vấn đề thị trường, ở đây sự lựa chọn không còn là theo Mỹ hay Trung Quốc, mà như ông Chính đã nhấn mạnh: “Việt Nam không chọn bên, mà chọn chính nghĩa, sự công bằng, công lý và lẽ phải trên cơ sở các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên Hợp Quốc; bình đẳng, tất cả cùng có lợi, cùng thắng”.
Nhưng tuyên bố nói trên cũng lại là “gánh nặng” cho Thủ tướng khi ông sẽ đến Trụ sở LHQ những ngày tới để trang trải với thế giới ba lá phiếu “bất thường” của Việt Nam từ khi có cuộc xâm lăng của Nga trên đất Ukraine. Ông Chính nên cám ơn bà Phó Đại sứ Ukraine từ Hà Nội đã “chia lửa” với ông, cũng đúng vào ngày 11/5, khi ông phát biểu tại CSIS. Bà Nataliya Zhynkina cho rằng, việc Việt Nam bỏ phiếu trắng tại LHQ, tránh lên án hành động Nga xâm lược Ukraine, chưa được hiểu đúng ở nhiều nơi, lẫn trong lòng Việt Nam.
Bà nói, mọi tuyên bố của Việt Nam tại LHQ đều mạnh mẽ và rõ ràng: Việt Nam không tán thành việc vi phạm luật pháp quốc tế, sử dụng vũ lực và đe dọa tấn công vũ lực, sát hại dân thường và phá hủy cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, bà Phó Đại sứ cũng bình luận thêm: “Vì lợi ích ngắn hạn, có thể một vài nước vẫn bị cám dỗ tiếp tục việc giao thương với Nga như bình thường. Đồng thời, với chính sách trừng phạt quy mô lớn của các quốc gia hàng đầu thế giới nhằm vào Nga, về lâu dài những nỗ lực đó sẽ gây ra những hậu quả theo hệ thống một cách sâu sắc cho nền kinh tế của những nước vẫn dựa vào hợp tác với Nga và cho sự ổn định toàn cầu nói chung….”
Vì lẽ trên, Hoa Kỳ đang áp dụng phương cách đối xử với Hà Nội khá tế nhị. Ở mặt công khai, Hoa Kỳ đẩy mạnh quan hệ với Việt Nam trên mọi lĩnh vực, cử các quan chức cao cấp nhất tới Hà Nội, tặng tàu tuần tra giúp Việt Nam bảo vệ vùng biển, tặng vaccine và thiết bị y tế giúp chống dịch COVID-19. Nhưng trong những phòng họp khép kín, Washington vẫn tiếp tục thảo luận với Hà Nội về những vấn đề khúc mắc trong bang giao giữa hai nước như quan hệ với Nga, vấn đề dân chủ, nhân quyền, tự do tôn giáo, chênh lệch cán cân thương mại, thao túng tỷ giá tiền tệ…
Chính quyền Biden đã đưa Việt Nam ra khỏi danh sách các nước thao túng tỷ giá tiền tệ để giành lợi thế về thương mại, nhưng trong các cuộc gặp giữa ông Chính với bà Janet Yellen, bộ trưởng Tài Chính và bà Gina Raimondo, bộ trưởng Thương Mại, hôm 12/5/2022, những vấn đề này chắc chắn vẫn được đề cập dù cho đến nay, phía Mỹ vẫn thận trọng không tiết lộ nội dung của các cuộc làm việc.
Theo Daniel Kritenbrink khi làm Đại sứ Hoa Kỳ tại Hà Nội, 96% người Việt Nam thích làm ăn với Mỹ. Hiện có hơn 30 ngàn sinh viên Việt Nam theo học ở Mỹ. Năm 2022, thặng dư thương mại của Mỹ với Việt Nam suýt soát 100 tỷ USD. Sau chuyến công du Mỹ của ông Chính, dư luận có quyền quan tâm, liệu khi nào Việt Nam sẽ có những quyết sách mạnh mẽ hơn, tránh để Hoa Kỳ cho rằng, Việt Nam “lập lờ chiến lược” quá lâu?

Hy vọng, sau 7 ngày được tiếp xúc với người thật việc thật, Thủ tướng Phạm Minh Chính hiểu rõ được đâu là giới hạn của “sự kiên nhẫn chiến lược” từ Hoa Kỳ. Nghĩa là nước Mỹ chưa từ bỏ sứ mệnh giành giật lại trái tim của người dân Việt Nam. Tuy nhiên, sứ mệnh này chủ yếu hướng tới lớp trẻ, trí thức và các doanh nghiệp. Bởi vì họ chính là nhân dân! Nhân dân đón đợi điều mà ông Chính đã nhấn mạnh trong bài phát biểu sẽ còn được nhắc đến nhiều dịp khác nữa. “Trong 27 năm kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ, đã có 4 vị Tổng thống Hoa Kỳ liên tiếp đến thăm Việt Nam và để lại những ấn tượng tốt đẹp trong lòng nhân dân hai nước… Mối quan hệ đó đã ‘đơm hoa kết trái’ với nỗ lực của hai bên bằng sự chân thành, lòng tin và trách nhiệm, bằng sự cảm thông, chia sẻ và sự tôn trọng lẫn nhau để đạt được mục tiêu hai nước mong muốn hướng tới, đáp ứng nguyên vọng của nhân hai nước”.

KHÓ BÌNH VÀ KHÓ TẢ VỀ 'RÕ RÀNG, SÒNG PHẲNG, MẸ NÓ, SỢ GÌ ĐÂU!'

ĐỒNG PHỤNG VIỆT/ RFA/TD 16-5-2022


Cuối tuần vừa qua, bộ phận quản trị kênh của Bộ Ngoại giao Mỹ trên YouTube đã gỡ video clip dài khoảng năm phút ghi lại cuộc trò chuyện hết sức... “cởi mở” giữa ông Phạm Minh Chính - Thủ tướng Việt Nam - với tùy tùng, trong khi họ cùng chờ hội kiến với ông Antony Blinken - Ngoại trưởng Mỹ (1). Đó có lẽ là kết quả... “giao thiệp” giữa những viên chức hữu trách trong lĩnh vực ngoại giao của Việt Nam với những viên chức hữu trách trong lĩnh vực ngoại giao của Mỹ.
Sau khi được giới thiệu trên YouTube và một số cơ quan truyền thông ở bên ngoài Việt Nam (2), video clip vừa đề cập đã khuấy động mạng xã hội, đặc biệt là mạng xã hội Việt ngữ vì người Việt ở cả trong lẫn ngoài Việt Nam có thể lĩnh hội trọn vẹn ý nghĩa của những tuyên bố như: “Rõ ràng, sòng phẳng, mẹ nó, sợ gì đâu!”, hay việc các viên chức khác trong phái đoàn Việt Nam, người thì gọi đối tác - chính quyền sở tại là “nó”, người thì gọi một vài viên chức cụ thể của đối tác là... “thằng”...
Chuyện đánh giá tâm thế, tư thế, bản chất, nhận định hay – dở, đúng – sai của những... “Rõ ràng, sòng phẳng, mẹ nó, sợ gì đâu!”, hay... “nó”, hoặc... “thằng” có lẽ nên dành cho các chuyên gia về phân tâm học hoặc về nghi lễ ngoại giao,... Từ sự kiện ngẫu nhiên nhưng gây ấn tượng vừa mạnh, vừa sâu như vừa biết, kẻ viết bài này chỉ muốn so sánh một chút giữa “Rõ ràng, sòng phẳng, mẹ nó, sợ gì đâu!” với những gì đã xảy ra trên thực tế xoay quanh chuyện ông Chính và tùy tùng đến Washington D.C tuần trước...
***
Ngày 14/5/2022, các cơ quan truyền thông chính thức tại Việt Nam đồng loạt đưa tin “Thủ tướng Phạm Minh Chính ‘tiếp’ Ngoại trưởng Mỹ” hôm 13/5/2022, tuy nhiên video clip đã đề cập lại cho thấy, rõ ràng ông Chính và tùy tùng chờ gặp Ngoại trưởng Mỹ, chứ không phải chủ động đón Ngoại trưởng Mỹ đến gặp họ, thành ra phần lớn cơ quan truyền thông chính thức tại Việt Nam đã… chủ động… sửa ‘tiếp’… thành… “gặp” (3) dù đường dẫn tin Thủ tướng “tiếp” vẫn còn vết trên Internet (4).
Với hệ thống chính trị, hệ thống công quyền và hệ thống truyền thông chính thức tại Việt Nam thì tưng bừng tuyên truyền, rồi âm thầm sửa chữa, điều chỉnh là... bình thường. “Rõ ràng, sòng phẳng, mẹ nó, sợ gì đâu!”
Trước đó một ngày (12/5/2022), khi gặp gỡ doanh giới Mỹ do Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN (USABC) và Phòng Thương mại Mỹ (USCC) tổ chức, ông Chính tuyên bố: “Tôi sẵn sàng đối thoại với bất cứ ai trên thế giới về kinh tế Việt Nam, về dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam!” (5). Song khi tường thuật về cuộc gặp gỡ này, các cơ quan truyền thông chính thức tại Việt Nam chủ động cắt bỏ chuyện ông Chính sẵn sàng đối thoại với bất kỳ ai trên thế giới... “về dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam!”.
Vì sao dân chúng Việt Nam chỉ có quyền biết ông Chính “sẵn sàng đối thoại với bất cứ ai trên thế giới về kinh tế Việt Nam” (6) mà không có quyến biết khi ở bên ngoài Việt Nam, ông còn “sẵn sàng đối thoại về dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam!”?
Đó có phải là “Rõ ràng, sòng phẳng, mẹ nó, sợ gì đâu!”? Và... “Rõ ràng, sòng phẳng, mẹ nó, sợ gì đâu!” đó liệu có liên quan gì đến một “Rõ ràng, sòng phẳng, mẹ nó, sợ gì đâu!” khác?
Đúng vào lúc ông Chính và tùy tùng lên đường sang Mỹ tham dự Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN – Mỹ, chính quyền Việt Nam cho phép bà Trần Thị Thúy được xuất cảnh sang Mỹ. Bà Thúy từng bị phạt tám năm tù vì “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” và đã mãn hạn tù vào năm 2018. Ngoài bà Thúy, chính quyền Việt Nam còn tống xuất ông Hồ Đức Hòa - một công dân Việt Nam khác đang thi hành bản án 13 năm tù cũng vì “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” bằng hình thức bất bạo động, thực hiện âm mưu diễn biến hòa bình” (7).
Khoan bàn đến chuyện có bao nhiêu quốc gia trên thế giới xem việc vận động thay đổi chính quyền “bằng hình thức bất bạo động” và “hòa bình” là tội phạm hình sự và vì sao thiên hạ xem bà Thúy, ông Hòa là tù nhân lương tâm, chỉ cần lưu ý đến chuyện, theo luật hình sự Việt Nam, ông Hòa là người phạm tội “đặc biệt nghiêm trọng” (bị truy tố theo khung hình phạt từ 15 năm tù trở lên đến chung thân hoặc tử hình) và đang thi hành bản án có hiệu lực pháp luật...
Ông Hòa không được “ân xá” hay “đại xá” thì tại sao chính quyền Việt Nam lại thả và tống xuất ông qua Mỹ? Tại sao luật pháp Việt Nam lại có thể... co giãn như thế? Tại sao chính quyền Việt Nam không màng đến việc bị chê bai, chỉ trích vì đem những công dân Việt Nam được thiên hạ xem là tù nhân lương tâm ra đổi chác (8)? Khi luật pháp có thể... co giãn như thế thì lấy gì làm nền tảng xây... “xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”? Đó là hệ quả của lối tư duy, hành xử theo kiểu “Rõ ràng, sòng phẳng, mẹ nó, sợ gì đâu!”?

“Rõ ràng, sòng phẳng, mẹ nó, sợ gì đâu!” kiểu đó có phải là nguyên nhân khiến chính quyền Việt Nam khác biệt với đa số thuộc phần còn lại của nhân loại. Trước đã thế, giờ cũng vậy, đa số thuộc phần còn lại của nhân loại vẫn tiếp tục hối thúc chính quyền Việt Nam tuân thủ các cam kết với cộng đồng quốc tế về tôn trọng dân chủ, thăng tiến nhân quyền (9). Tuy nhiên chính quyền Việt Nam vừa lờ đi, vừa kêu gọi “xây dựng, củng cố sự chân thành, lòng tin giữa các quốc gia”.
Thiên hạ có tin chính quyền Việt Nam thành tâm, thiện ý khi đề nghị “xây dựng, củng cố sự chân thành, lòng tin giữa các quốc gia” nhưng tại Việt Nam, chính quyền Việt Nam không những không bận tâm đến việc “xây dựng, củng cố sự chân thành, lòng tin” với đồng bào của họ mà còn xem việc vận động thay đổi chính quyền “bằng hình thức bất bạo động”, các diễn biến nhằm chuyển đổi nhận thức, hành vi một cách hòa bình đều là... “tội phạm đặc biệt nghiêm trọng”?
“Rõ ràng, sòng phẳng, mẹ nó, sợ gì đâu!” dường như là một hình thức ám thị, không cần bận tâm thiên hạ nghĩ gì, không cần nghe thiên hạ nói gì và không sợ thiên hạ thấy gì, chỉ cần tìm dịp bày tỏ với “nó” và bất kỳ “thằng” nào vô số... “mong muốn” kiểu như: Mỹ tiếp tục hỗ trợ, giúp đỡ và hợp tác với Việt Nam trong những lĩnh vực mà Mỹ có thế mạnh, Việt Nam đang có tiềm năng và nhu cầu như phòng chống dịch bệnh, chuyển đổi số, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, chống biến đổi khí hậu, đào tạo nguồn nhân lực (10).
“Rõ ràng, sòng phẳng, mẹ nó, sợ gì đâu!” quả là... khó bình và khó tả!
_______
Chú thích

VỤ ĂN NÓI 'HỚ HÊNH' CỦA THỦ TƯỚNG PHẠM MINH CHÍNH VÀ CÁC ĐỒNG CHÍ CỦA ÔNG

JACKHAMMER NGUYỄN/TD 18-5-2022
Hôm 15-5-2022, một video được trích dẫn từ website của Bộ Ngoại giao Mỹ live stream, cho thấy Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đồng chí của ông ăn nói "hớ hênh" ngay trong phòng chờ ở Bộ Ngoại giao Mỹ.
Cần nói rõ thêm rằng, việc live stream này của Bộ Ngoại giao Mỹ chỉ là một qui trình công khai minh bạch, chứ không phải là “có ý đồ” chơi xấu đoàn Việt Nam.
Video đó thu hút rất nhiều sự chú ý của người Việt trong và ngoài nước, đại đa số chỉ trích rất mạnh cách ăn nói, thái độ thật (khi họ nói hớ, chính là họ nói thật) của các quan chức cao cấp của nước Việt Nam Cộng sản.
Sau đó Bộ Ngoại giao Mỹ đã gỡ bỏ đoạn video "hớ hênh" đó của ông Chính và các đồng chí, có lẽ để giảm đi mức độ thẹn thùng của đoàn Việt Nam.
Tôi thấy có nhiều điều đáng để nhận xét qua video đó, hơn là cảm xúc tức giận và chỉ trích.
Nhận xét đầu tiên của tôi là Hà Nội rất tự tin trong cách ứng xử của họ đối với Mỹ. Có lẽ họ biết rằng, họ có thứ gì đó mà Mỹ cần và họ kiểm soát được những mặc cả của họ với Mỹ.
Ngoài những lời nói bổ bả của chính Thủ tướng Phạm Minh Chính, ta thấy cách họ cười đùa với nhau, dáng đi điệu bộ của ông Chính, ông Tô Lâm, chứng tỏ rằng họ rất tự tin, kiểm soát được đất nước mà họ đang cai trị.
Họ cũng tự tin về thái độ của họ không phê phán nước Nga công khai.
Nhận xét này có thể không làm những người chống Cộng hài lòng, nhưng có lẽ những người này nên nhìn nhận đúng thực tế rằng, đối thủ của họ là ai, nếu họ thật tâm muốn chống.
Nhận xét thứ hai là, đảng Cộng sản Việt Nam rất quan tâm đến việc truy tầm những nhân vật trong chính quyền Mỹ có mối quan hệ gia đình với Việt Nam. Các đồng chí của ông Chính tán chuyện với nhau về ông Matt Pottinger, từng là chuyên viên về Trung Quốc trong tòa Bạch Ốc thời ông Trump. Các quan chức Việt Nam đề cập đến người vợ Việt Nam của ông Pottinger, bà Yen Duong Pottinger, và rõ ràng là họ có điều tra nên biết rằng quê bà Yen ở Trà Vinh.
Nhưng ở đây, chúng ta thấy các quan chức Việt Nam quan tâm đến ông Pottinger hơn là bà Yen, một nhà khoa học xuất sắc ở Mỹ về vi trùng học.
Bên cạnh thái độ tự tin với Mỹ, một điều có vẻ nghịch lý là họ cũng e dè Mỹ khi ông thủ tướng ăn nói văng mạng, rằng “sợ m* gì”! Dưới góc độ phân tích tâm lý nghịch, khi người nào đó thốt lên câu “sợ m* gì”, có nghĩa là họ … đang sợ và tự trấn an mình.
Những bình phẩm của Thủ tướng Chính về ông Jake Sullivan, hiện là Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ, như là “trẻ và rất giỏi…” chứng tỏ rằng những người Cộng sản Việt Nam, trong thâm tâm họ cũng nể phục hệ thống chính quyền Mỹ.
Sự bất cẩn của các quan chức Việt Nam khi không biết mình được (bị) thu hình và tiếng, chứng tỏ giới chức ngoại giao của họ không rành rẽ hệ thống công khai của Mỹ nói riêng, Tây Âu nói chung.
Một nhân viên an ninh Việt Nam đi theo đoàn tìm cách ngăn chặn ai đó đang quay phim họ trong phòng chờ của Bộ Ngoại giao Mỹ. Việc ngăn cản này chứng tỏ họ vẫn còn ở cái không gian kín như bưng trước khi có điện thoại thông minh kèm camera. Các quan chức Việt Nam có lẽ quên rằng, có đến hàng tỷ người trên trái đất này có camera.
Một người thạo tin từ thủ đô Washington cũng cho hay, rằng các nhân viên an ninh Việt Nam đi theo ông Chính, khi vào Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) nằng nặc đòi cơ quan này phải dùng máy quét từ tính để kiểm soát người tham dự.
Và cuối cùng, trở lại clip của ông Chính và các đồng chí, nếu người nào đã từng sống ở Việt Nam sau năm 1975, trong khoảng thời gian 5 năm trở lên, chắc chắn không lấy gì làm ngạc nhiên khi nghe Thủ tướng nước Cộng hòa Xã hội Chủ Nghĩa Việt Nam và các đồng chí của ông ăn nói bạt mạng, giống phường chợ cá như thế!

THỦ TƯỚNG GẶP KIỀU BÀO TẠI HOA KỲ: NƯỚC VIỆT NAM LÀ MỘT, DÂN TỘC VIỆT NAM LÀ MỘT
BÁO CP/GDVN 18-5-2022
GDVN- Tối ngày 17/5 (theo giờ địa phương), tại thành phố San Francisco, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có cuộc gặp với đại diện cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ.

Hiện có hơn 5 triệu Việt kiều trên toàn thế giới, trong đó có hơn 2 triệu người tại Hoa Kỳ, tập trung đông đảo nhất ở bang California.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi lời chào trân trọng, lời thăm hỏi ân cần, lời chúc mừng tốt đẹp nhất tới các đại biểu dự cuộc gặp - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Tại cuộc gặp, đại diện kiều bào chúc mừng những kết quả hết sức tốt đẹp trong chuyến công tác của Thủ tướng và đoàn công tác, tham dự Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN-Hoa Kỳ, thăm và làm việc tại Hoa Kỳ và Liên Hợp Quốc.

Bà con cũng bày tỏ vui mừng về những thành tựu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước trong thời gian qua, đặc biệt là phòng chống, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, tự tin mở cửa trở lại, chuyển sang giai đoạn phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, tiếp tục hội nhập quốc tế sâu rộng.

Đa phần người Việt tại Hoa Kỳ đều dành tình cảm tha thiết cho quê hương - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Bà con thông báo về tình hình sinh sống, học tập, làm việc tại Hoa Kỳ, theo đó cộng đồng người Việt tại đây đông, năng động, thành đạt trong các lĩnh vực.

Đa phần người Việt tại Hoa Kỳ đều dành tình cảm tha thiết cho quê hương, kể cả nhiều người trước đây có những mặc cảm thì tới nay cũng có cái nhìn thiện cảm; hàng triệu người đã về thăm quê hương bản quán, chứng kiến những bước phát triển ngày càng phồn vinh, thịnh vượng của đất nước, trở thành động lực tinh thần cho những người khác tiếp tục trở về.

Thời gian qua, rất nhiều tổ chức, cá nhân người Việt từ nhiều nơi trên thế giới, trong đó có Hoa Kỳ, đã đóng góp hàng chục tỷ đồng, hàng trăm nghìn trang, thiết bị y tế và những kinh nghiệm cho công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Nhiều kiều bào bày tỏ tin tưởng vào sự phát triển mạnh mẽ và tương lai ngày càng tốt đẹp của đất nước trong giai đoạn tới - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

"Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi", thượng tọa Thích Đức Tuấn, Chủ tịch Hội Phật tử Việt Nam tại châu Mỹ, xúc động chia sẻ lại lời khẳng định của Chủ tịch Hồ Chí Minh và điều này nhận được nhiều tràng pháo tay đồng tình, ủng hộ từ phía đồng bào.

Bày tỏ tin tưởng vào sự phát triển mạnh mẽ và tương lai ngày càng tốt đẹp của đất nước trong giai đoạn tới, các đại biểu nêu nhiều kiến nghị, đề xuất, góp ý với lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành, nhất là trong tháo gỡ các vướng mắc về thủ tục đầu tư và tạo điều kiện tốt hơn nữa để kiều bào hướng về Tổ quốc, đóng góp xây dựng và phát triển đất nước…

Thủ tướng ghi nhận, đánh giá cao những đóng góp của bà con Việt kiều nói chung và kiều bào tại Mỹ nói riêng vào những thành tựu chung của đất nước, vào quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi lời chào trân trọng, lời thăm hỏi ân cần, lời chúc mừng tốt đẹp nhất tới các đại biểu dự cuộc gặp; cảm ơn bà con đã thu xếp thời gian, công việc để tham dự sự kiện rất ấm áp này; bày tỏ chia sẻ với khó khăn, mất mát của bà con trong hơn 2 năm qua khi đại dịch COVID-19 bùng phát.

Thủ tướng nêu rõ, đại dịch càng khẳng định truyền thống của dân tộc Việt Nam là càng khó khăn, thách thức lại càng quyết tâm, nỗ lực, càng đoàn kết, thống nhất, đúng như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh "Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi", và như lời cha ông ta đã nói: "Nhiễu điều phủ lấy giá gương/Người trong một nước phải thương nhau cùng".

Thượng tọa Thích Đức Tuấn, Chủ tịch Hội Phật tử Việt Nam tại châu Mỹ chia sẻ suy nghĩ tại buổi gặp gỡ - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Dành nhiều thời gian phân tích về tình hình thế giới, Thủ tướng điểm lại hàng loạt vấn đề mang tính toàn cầu như dịch bệnh, xung đột, cạnh tranh chiến lược, biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên, an ninh mạng, già hóa dân số, những mặt trái của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4… Thế giới có những diễn biến mới, nhanh, khó dự báo, nhưng lại có tác động rất lớn. Trong bối cảnh đó, phải có tư duy phù hợp, bởi tư duy đột phá sẽ tạo ra nguồn lực mới.

"Có thể nói thế giới về tổng thể là hoà bình - về cục bộ vẫn có chiến tranh; về tổng thể là hoà hoãn - về cục bộ vẫn có căng thẳng; về tổng thể là ổn định - về cục bộ vẫn có xung đột", Thủ tướng chia sẻ.

Những vấn đề toàn cầu đòi hỏi cách tiếp cận toàn cầu, hợp tác quốc tế, đề cao chủ nghĩa đa phương. Như trong đại dịch, Việt Nam đã nhận được sự ủng hộ, hỗ trợ của bạn bè, đối tác quốc tế như Hoa Kỳ, trong đó có sự đóng góp của bà con Việt kiều.

Giáo sư Nguyễn Đình Phú, Chủ tịch Hội Doanh nhân Việt Nam tại Mỹ phát biểu tại buổi gặp gỡ - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng cũng dành nhiều thời gian phân tích về những định hướng, mục tiêu, giải pháp, những thành tựu phát triển đất nước sau 35 năm đổi mới. Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, như phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay.

Về quan hệ đối ngoại, Thủ tướng nêu rõ, trong một thế giới đầy biến động, cạnh tranh chiến lược và nhiều sự lựa chọn, Việt Nam không chọn bên mà chọn chính nghĩa, sự công bằng, công lý và lẽ phải trên cơ sở các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên Hợp Quốc; bình đẳng, tất cả cùng có lợi, tất cả cùng chiến thắng. Việt Nam cũng xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, hiệu quả.

Thủ tướng cũng dành nhiều thời gian phân tích về những định hướng, mục tiêu, giải pháp, những thành tựu phát triển đất nước sau 35 năm đổi mới - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Nói về quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ, Thủ tướng nhắc lại bức thư năm 1946 của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Tổng thống Truman ngay sau khi Việt Nam giành được độc lập với lời đề nghị thiết lập bang giao, sẵn sàng mở cửa quan hệ với Mỹ, với thế giới. Quan hệ hai bên đã trải qua những thăng trầm và đột phá, năm 1995, hai nước bình thường hóa quan hệ; năm 2000 hai nước ký Hiệp định thương mại; năm 2013 thiết lập Quan hệ Đối tác toàn diện.

Tuyên bố Tầm nhìn chung trong chuyến thăm Hoa Kỳ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng năm 2015 đã khẳng định hai bên tôn trọng "thể chế chính trị, độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau". Hoa Kỳ luôn ủng hộ một Việt Nam hùng mạnh, độc lập và thịnh vượng.

Chuyến thăm lần này của đoàn Việt Nam tiếp tục củng cố, đưa quan hệ giữa hai bên tiếp tục phát triển ngày càng thực chất và hiệu quả hơn, vì lợi ích của nhân dân hai nước, đóng góp vào hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển, thịnh vượng trong khu vực và trên thế giới. Cùng với đó, quan hệ Hoa Kỳ-ASEAN cũng phát triển tốt đẹp khi các bên vừa cam kết nâng tầm quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện.

Thủ tướng mong muốn bà con kiều bào luôn khỏe mạnh, sinh sống, làm việc, học tập ổn định, kinh doanh phát triển, luôn tự hào, giữ gìn, phát huy và phát triển bản sắc văn hóa Việt Nam, hướng về quê hương đất nước - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng ghi nhận, đánh giá cao những đóng góp của bà con Việt kiều nói chung và kiều bào tại Mỹ nói riêng vào những thành tựu chung của đất nước, vào quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ.

Thủ tướng đánh giá cao cộng đồng doanh nhân kiều bào ở nước ngoài ngày càng đóng góp vào sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam, tăng cường đầu tư vào thị trường Việt Nam. Hiện nay, các doanh nghiệp Việt kiều đang đầu tư 376 dự án theo hình thức đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng vốn đăng ký đạt 1,72 tỷ USD. Tung bình mỗi năm kiều hối về Việt Nam đạt khoảng hơn 10 tỷ USD, trong năm 2021 đạt 12,5 tỷ. Đây là nguồn vốn rất lớn phục vụ tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Thủ tướng nêu rõ, Đảng, Nhà nước luôn coi kiều bào là một bộ phận quan trọng không thể tách rời, là một động lực phát triển của đất nước, điều này được thể hiện qua Nghị quyết số 36, Chỉ thị số 45 và gần đây là Kết luận số 12 của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài, được thể chế hóa bằng các quy định của pháp luật.

Thủ tướng và bà con kiều bào tại cuộc gặp gỡ - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu phát huy cao độ, phát huy tốt nhất năng lực, phẩm chất, trí tuệ con người Việt Nam để xây dựng đất nước, không phân biệt người trong nước hay ở nước ngoài.

Thủ tướng mong muốn bà con luôn khỏe mạnh, sinh sống, làm việc, học tập ổn định, kinh doanh phát triển, luôn tự hào, giữ gìn, phát huy và phát triển bản sắc văn hóa Việt Nam, hướng về quê hương đất nước.

Thủ tướng yêu cầu các cơ quan đại diện ngoại giao tiếp tục quan tâm chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của bà con; cho biết tại mọi cuộc tiếp xúc với lãnh đạo nước ngoài, ông đều đề nghị quan tâm, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho cộng đồng người Việt sinh sống, học tập, làm việc.

Thủ tướng giao các cơ quan xử lý các kiến nghị của bà con theo quy định với thủ tục hành chính nhanh nhất có thể, tránh tiêu cực, nhũng nhiễu; nghiên cứu, lắng nghe, tiếp thu các ý kiến xác đáng để có giải pháp phù hợp; với những vấn đề vượt thẩm quyền thì tập hợp, đề xuất báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

* Đây là hoạt động làm việc cuối cùng của Thủ tướng Chính phủ và đoàn công tác tại Hoa Kỳ. Tối cùng ngày, Thủ tướng và đoàn công tác rời thành phố San Francisco, lên chuyên cơ trở về Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến công tác tham dự Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN Hoa Kỳ, thăm và làm việc tại Hoa Kỳ và Liên Hợp Quốc từ ngày 11-17/5/2022.

Theo Baochinhphu.vn
THÀNH CÔNG VÀ PHẢN ỨNG TỪ CHUYẾN THĂM HOA KỲ CỦA THỦ TƯỚNG PHẠM MINH CHÍNH
JOAQUIN NGUYỄN HÒA/BBC/TD 19-5-2022
Tối ngày 17/5/2022, Thủ tướng Việt Nam, ông Phạm Minh Chính, cùng đoàn tùy tùng, rời San Francisco trở về Việt Nam, kết thúc chuyến làm việc tại Mỹ kéo dài từ ngày 11/5/2022.
Mục đích chính của chuyến làm việc này là tham gia vào cuộc họp thượng đỉnh Mỹ Asean (Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á) tại Washington D.C. trong hai ngày 12 và 13/5/2022.
Cuộc họp thượng đỉnh này được giới quan sát đánh giá rằng, nhằm để khẳng định sự hiện diện của Mỹ tại Đông Nam Á cũng như vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương, trong chiến lược toàn cầu của Washington cạnh tranh với cường quốc đang lên là Trung Quốc.
Ông Phạm Minh Chính lên đường sang Mỹ ngay sau khi kết thúc hội nghị trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 5, khóa 13 (Đại hội toàn quốc lần thứ 13), vào ngày 10/5/2022. Không có thay đổi gì ở tầng lớp lãnh đạo tối cao của Đảng Cộng sản Việt Nam sau hội nghị này, mà trước đó có nhiều lời đồn đoán rằng người đứng đầu là ông Nguyễn Phú Trọng sẽ từ chức vì tuổi cao.
Ông Phạm Minh Chính, xuất thân từ ngành công an, bắt đầu đảm nhiệm chức vụ thủ tướng từ năm 2021, và đây là chuyến thăm nước Mỹ đầu tiên của ông.
An ninh và Thương mại
Bên cạnh cuộc họp chung cùng với các nguyên thủ quốc gia khối Asean với chính quyền Mỹ của tổng thống Biden, ông Phạm Minh Chính đã có một cuộc gặp gỡ tay đôi với cố vấn an ninh quốc gia của tổng thống Mỹ, ông Jake Sullivan. Cuộc gặp gỡ kéo dài hơn một giờ, theo một nguồn tin ngoại giao Việt Nam. Không có nhiều chi tiết được công bố, nhưng trong những bản tin của phía Việt Nam đưa ra, có nói ông Sullivan giới thiệu với ông Chính về sáng kiến Ấn Độ - Thái Bình Dương của Mỹ, và ông Chính đề nghị làm rõ hơn nội hàm của sáng kiến này.
Một mục tiêu khác của chuyến đi này là xúc tiến quan hệ thương mại giữa Việt Nam và các đại công ty Mỹ, trong tình hình phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19. Trong ngày cuối cùng của chuyến đi, phái đoàn của ông Phạm Minh Chính đã gặp gỡ các đại công ty toàn cầu của Mỹ tại khu vực thung lũng Silicon, miền Bắc California là Apple, Google, Intel, Microsoft.
Một hoạt động khác dù không quan trọng bằng hai hoạt động nói trên, là giải thích thái độ của Việt Nam đối với cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine, khi trước đó Việt Nam hai lần bỏ phiếu trắng đối với các nghị quyết của Liên Hiệp quốc lên án nước Nga, và bỏ phiếu chống việc loại nước Nga ra khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp quốc. Cả ba nghị quyết đều được thông qua với tỷ số áp đảo, có nghĩa là Việt Nam đứng về phía thiểu số trong cộng đồng các quốc gia trên thế giới.
Ông Phạm Minh Chính đã dùng diễn đàn tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) tại thủ đô Washington để giải thích việc này bằng lời tuyên bố rằng, "Việt Nam chọn chính nghĩa chứ không chọn phe". Ông đã không đề cập đến quốc gia nào cả.
Đoạn video gây bối rối
Nếu như các mục tiêu an ninh và thương mại, thậm chí chuyện Nga - Ukraine có vẻ xuôi chèo mát máy, thì một câu chuyện bên lề bất ngờ xảy ra, làm cho đoàn Việt Nam bị bối rối. Đó là một đoạn video kèm theo âm thanh từ camera của Bộ Ngoại giao Mỹ, cho thấy ông Chính cùng đoàn tùy tùng bỗ bã với nhau, cũng như dùng những đại từ nhân xưng không hay để chỉ các viên chức Mỹ. Đây là đoạn quay livestream công khai của Bộ Ngoại giao Mỹ, phát trên youtube, và sau khi thấy đoạn video vài phút đó loan truyền ra ngoài, Bộ Ngoại giao đã xóa đoạn video này đi.
Nhưng câu chuyện về video này, dù gây nhiều phản ứng khá lớn từ người Việt ở Mỹ, có lẽ nó không gây ra cho họ sự bực bội, thậm chí giận dữ, bằng câu nói của ông Chính với một số người Việt tại thủ đô nước Mỹ, ngày 14/5/2022, mà báo Thanh Niên của Việt Nam trích nguyên văn: "Thành công của người Việt Nam ở Mỹ cũng là thành công của đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước".
Tối 14/5 tại thủ đô Washington D.C., Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp gỡ khoảng 70 người được mô tả là cộng đồng người Việt Nam tại Mỹ. Nguồn: VGP
Gặp gỡ "kiều bào", ai là kiều bào?
Bà Thụy Mân, là một công chức về hưu sống tại miền Bắc California, nói với tôi (Nguyễn Hòa) về phát biểu của ông Chính:
"Câu này ông nhận vơ quá đà. Không hiểu có phải ông muốn nhắc đến những trại tập trung sĩ quan Việt Nam Cộng Hòa ở những nơi rừng thiêng nước độc, đày đọa họ đến nỗi họ bị khủng hoảng về tinh thần, kết quả nhiều gia đình phải tan nát?
"Chúng tôi phải biết ơn các ông vì những điều đó đã đẩy chúng tôi ra đi, và có được ngày này?"
Bà Thụy Mân cũng đề cập đến những chính sách kinh tế thất bại làm cho nhiều gia đình miền Nam Việt Nam phải điêu đứng sau năm 1975, và phải vượt biển ra đi.
Rất đông những người Việt hiện sống ở Mỹ là những người từng bị tù cải tạo sau năm 1975, hay là những thuyền nhân vượt biển, hoặc họ là con cháu của hai nhóm người này.
Bà Ái Vân, lớn lên ở miền Bắc Việt Nam, từng là ca sĩ có tiếng trong nước, hiện sống tại San Jose, miền Bắc California, nói với tôi rằng, nhiều người Việt ở Mỹ đã trải qua nhiều khổ nạn trên đường vượt biển, rồi sau đó lại rất vất vả kiếm sống trên đất Mỹ để nuôi dạy con cái thành tài, cho nên câu nói của ông Thủ tướng Việt Nam không có cơ sở nào.
Ông Nguyễn Xuân Nam, chủ tờ báo Cali Today, có ảnh hưởng khá lớn trong cộng đồng người Việt tại San Jose, có nhận xét tương tự như bà Thụy Mân, rằng ông Phạm Minh Chính "thấy sang bắt quàng làm họ".
San Jose là thành phố có nhiều người Việt sinh sống nhất trên thế giới, ngoài Việt Nam.
Phản ứng nhẹ nhất với câu phát biểu của ông Thủ tướng là ông Nguyễn Hữu Liêm, cũng sống tại San Jose, từng giảng dạy triết học tại một trường đại học tại đây. Ông Liêm nói rằng, hai ý trong câu phát biểu của thủ tướng Chính không thể đặt trong một câu có quan hệ nhân quả như vậy được.
Như đã thành thông lệ, bất cứ chuyến xuất ngoại nào của các nguyên thủ Việt Nam cũng đều có những hoạt động gọi là "gặp gỡ kiều bào".
Đã thành thông lệ, sự xuất hiện của các quan chức Việt Nam tại Mỹ cũng là dịp những người Việt chống cộng tại Mỹ biểu tình phản đối. Trong chuyến đi Mỹ này của ông Phạm Minh Chính không thấy có nhiều cuộc biểu tình, ngoài một cuộc biểu tình tại thủ đô Washington DC (theo đài RFA thì có khoảng 100 người).
Ông Phạm Minh Chính có ba lần "gặp gỡ kiều bào": ngày 14/5 tại Washington D.C. ngày 15/5 tại New York, ngày 17/5 tại San Francisco. Theo con số báo chí Việt Nam đưa ra, tại Washington D.C. có 70 người, tại New York có 50 người, còn tại San Francisco không thấy đưa ra con số.
Các cuộc gặp gỡ này đều kín, không mở rộng. Tôi có đề nghị tham dự cuộc gặp ở San Francisco với tư cách báo chí, nhưng lãnh sự quán Việt Nam tại đây cho tôi biết là "không sắp xếp được".
Theo dõi các ảnh chụp và các phát biểu của những người tham gia các cuộc gặp này, do báo chí Việt Nam đưa ra, thì thấy có hai nhóm người đông nhất, nhóm đầu là các du học sinh Việt Nam tại Mỹ, nhóm sau là những người lớn tuổi. Trong cuộc gặp ở San Francisco, có một nhà sư là Thượng tọa Thích Đức Tuấn. Tôi nhận ra ông trong một buổi tiệc tất niên do tòa lãnh sự tổ chức ở San Francisco vào đầu năm 2020.
Nhận xét về nhóm "kiều bào" tham dự này, ông Nguyễn Hữu Liêm nói với tôi rằng, sự tiếp xúc của chính quyền Hà Nội với người Việt ở Mỹ không mở ra được đến những người ra đi từ miền Nam.
"Đóng cửa khen nhau cũng tốt thôi, nhưng nếu mở rộng ra thì tốt hơn", ông Liêm nói.
Những người mà tôi lấy ý kiến cho bài viết này thuộc nhóm người Việt trung lưu ở Mỹ, họ thường có khuynh hướng cấp tiến, và ngày càng đông, nhất là trong khu vực vùng Vịnh San Francisco, nơi ông Phạm Minh Chính tiếp xúc với các đại công ty Mỹ.
Những người Mỹ gốc Việt này hầu như không tham gia vào các hoạt động biểu tình chống các quan chức Việt Nam từ trước tới nay. Câu phát biểu của ông Chính về thành công của người Việt và chính sách đối ngoại của Đảng Cộng sản Việt Nam gây cho họ sự chú ý, nhưng là một sự chú ý bực bội.
Từ nhóm người Việt cấp tiến này, đã xuất hiện khá đông các chính khách Mỹ gốc Việt trong vài năm qua, trong dòng chính của chính trị Mỹ. Không thấy họ có mặt trong các buổi "gặp gỡ kiều bào" của phái đoàn Thủ tướng Chính.
Trước chuyến đi của ông Chính sang Mỹ, tôi có gửi một số câu hỏi đến cơ quan ngoại giao Việt Nam tại Mỹ, trong đó có câu hỏi về quan hệ với cộng đồng người Việt tại Mỹ. Nhưng lấy lý do lịch trình làm việc bận rộn, các câu hỏi này không được hồi đáp.
TẦM CỦA CHÍNH KHÁCH
PHẠM ĐÌNH TRỌNG/ TD 19-5-2022
1. Chủ nhà mời khách đến thăm thì chủ nhà phải đợi đón khách là thông lệ đã trở thành qui tắc ứng xử xã hội. Chỉ thăm viếng xã giao, không cầu cạnh, xin xỏ gì, phép xã giao sơ đẳng, từ giao tiếp cá nhân đến giao tiếp nhà nước, không khi nào khách lại thiếu tự trọng, hạ mình đến mức đến trước chủ nhà, chầu chực khá lâu, thừa thời gian buôn chuyện, tán gẫu, chửi thề, thoải mái xả rác ngôn từ rồi chủ nhà mới xuất hiện.
Nhân chuyến đến Mỹ dự cuộc gặp cấp cao giữa Tổng thống Mỹ Joseph Biden với người đứng đầu Chính phủ các nước Asean, Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đầu đoàn Chính phủ Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa, được Bộ trưởng bộ Ngoại giao Mỹ Antony Blinken tiếp xã giao. Chỉ gặp Bộ trưởng nước chủ nhà mà Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng cả đoàn quan chức tai to mặt lớn cấp Chính phủ Việt Nam phải chầu chực, đứng túm tụm một đám, vật vờ chờ đợi thì cám cảnh cho tư thế Thủ tướng và quan chức Chính phủ Việt Nam quá.
Nước Mỹ là đất nước của luật pháp. Mọi hành vi, ứng xử xã hội, từ người đứng đầu nhà nước đến người dân đều được luật pháp hoá. Camera cố định và di động có ở khắp nơi để giám sát thực thi luật pháp trong xã hội. Hình ảnh ông Thủ tướng và quan chức Chính phủ Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa chầu chực, chờ gặp ông Bộ trưởng Mỹ được camera ghi lại cũng là điều bình thường.
Nhưng đoàn quan chức nhà nước cấp cao, cấp Thủ tướng, cấp Bộ trưởng, Thứ trưởng mà nhốn nháo túm tụm, râm ran buôn chuyện tầm phào, sử dụng ngôn ngữ mách qué, vỉa hè “Mẹ nó! Sợ gì!” thì rất không bình thường. Cái không bình thường đó trở thành điều kinh ngạc, kì lạ với văn minh công nghiệp Mỹ. Hình ảnh kì lạ không bình thường liền được tung lên mạng xã hội Mỹ.
Nhìn những quan chức đứng đầu Chính phủ Việt Nam mang tư thế địa chính trị Việt Nam, mang tầm vóc của dân tộc Việt Nam văn hiến đến cuộc giao tiếp quốc tế mà như xã viên hợp tác xã nông nghiệp túm tụm đầu bờ, đợi nghe tiếng kẻng xuống đồng, như mấy bà nội trợ rỗi việc, ngồi lê đôi mách, người dân Việt Nam phải ngao ngán lắc đầu, rồi cúi gằm mặt giấu đi nỗi thất vọng với đám quan chức mang danh Chính phủ Việt Nam và giấu đi nỗi xấu hổ với thế giới.
Thủ tướng, Bộ trưởng, Thứ trưởng thực sự đúng tầm phải là những chính khách. Thế giới đang đầy biến động dữ dội, quyết định sự còn mất của trái đất, quyết định sự an nguy của loài người. Đất nước đang ngập những thử thách ngặt nghèo. Người dân dù gian nan kiếm sống, vẫn đau đáu với vận mệnh nước mình và khắc khoải lo lắng cho số phận người dân Ukraina trước đạn pháo, tên lửa của độc tài Putin sầm sập trút xuống Mariupol, trút xuống Kharkiv. Nghĩ suy, lo toan của chính khách không thể đứng ngoài thời cuộc, đứng ngoài những vấn đề của người dân, không thể thấp hơn mặt bằng xã hội. Những lo toan đó phải thường trực, đầy ắp trong nghĩ suy của chính khách, không có chỗ cho những chuyện vụn vặt, mách qué chen vào.
Những chính khách đại diện cho một Chính phủ, một đất nước, một nền văn hoá, gặp gỡ, giao tiếp với những chính khách đại diện cho một Chính phủ, một đất nước, một nền văn hoá khác, trước khi giao tiếp phải vừa tự tìm hiểu, vừa được chuyên gia ngoại giao và chuyên gia nghiên cứu về văn hoá nước sở tại bồi dưỡng, nhắc nhở về thân thế những yếu nhân, những nét đặc sắc, riêng tư của chính khách nước sở tại và cả những chính khách có mối liên hệ đặc biệt với Việt Nam. Nhắc nhở cả hành vi, tư thế, ngôn ngữ ngoại giao. Không có được những kiến thức chính trị, cả những điều tối thiểu của văn hoá ngoại giao cũng không có được, ở ngay nhiệm sở Bộ Ngoại giao Mỹ, những quan chức Chính phủ Việt Nam vẫn bô bô, gọi những chính khách Mỹ là thằng nọ, thằng kia như ngôn ngữ mấy ông xe ôm chờ khách, nói chuyện với nhau ở vỉa hè, như ngôn ngữ ở chốn tứ chiếng, bến xe, bến tàu.
Đi ra thế giới đầy biến động dữ dội, đến gặp những chính khách thế giới đang lo toan tổ chức thế trận hoà bình, dân chủ, ngăn chặn độc tài gây chiến tranh xâm lược, lo toan bảo vệ sự công bằng, bình đẳng và độc lập của các dân tộc, lo toan cho vận mệnh loài người nhưng những quan chức Chính phủ Việt Nam ở vị trí chính khách chỉ như tốp xã viên hợp tác xã nông nghiệp túm tụm đầu bờ, đợi nghe tiếng kẻng xuống đồng, như mấy bà nội trợ rỗi việc, đầu óc trống rỗng, thời gian trống rỗng, ngồi lê đôi mách.
"Rõ ràng, sòng phẳng", vâng, xin lập lại từ ông Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính đã văng ra khi chờ được gặp ông Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ: "Rõ ràng! Sòng phẳng! Mẹ nó! Có sợ gì đâu!" Rõ ràng, sòng phẳng, những quan chức Chính phủ đó không xứng tầm chính khách.
2. Xuất thân từ công an, tướng công an Phạm Minh Chính được đảng cộng sản của công an và quân đội giành cho chiếc ghế Thủ tướng Chính phủ từ tháng 4-2021. Hơn một năm ở cương vị đứng đầu Chính phủ nhà nước Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã hai lần dẫn đầu đoàn Chính phủ Việt Nam ra thế giới, góp tiếng nói Việt Nam vào những vấn đề đang đặt ra với thế giới.
Cả hai lần ông Thủ tướng xuất thân từ công an dẫn đầu đoàn Chính phủ Việt Nam đi công cán nước ngoài đều có ông Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm là nhân vật thứ hai của đoàn công cán. Tên Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trong danh sách đoàn công cán nước ngoài chỉ đứng sau tên Thủ tướng Phạm Minh Chính, vốn cũng là tướng công an.
Bộ Công an và Bộ Quốc phòng là hai bộ sức mạnh của đất nước. Một sức mạnh đối nội và một sức mạnh đối ngoại. Bộ Quốc phòng chống giặc ngoại xâm bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, là nơi thiết kế, tạo dựng mối liên kết với sức mạnh thời đại dân chủ, sức mạnh thời đại độc lập dân tộc trong công cuộc bảo vệ nền độc lập của quốc gia, nơi phải có tầm nhìn ra thế giới, phải hướng ngoại. Bộ Công an giữ gìn trật tự trị an, an toàn xã hội, giữ gìn sự bình yên của đời sống đất nước, bộ hoàn toàn hướng nội.
Hai chuyến công cán nước ngoài của Thủ tướng Phạm Minh Chính đều để góp tiếng nói với thế giới về những việc chung của loài người và của thế giới. Đầu tháng 10-2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính đến Anh tham dự Hội nghị về Biến đổi khí hậu, ngăn chặn ô nhiễm bầu khí quyển, bảo vệ sự sống của trái đất. Giữa tháng 5- 2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính đến Mỹ cùng Thủ tướng các nước Asean theo lời mời của Tổng thống Mỹ Joe Biden tham dự hội nghị hình thành và củng cố vành đai dân chủ Thái Bình Dương.
Vành đai dân chủ Tây bán cầu là hiệp ước liên minh phòng thủ Đại Tây Dương NATO ngăn chặn hiểm hoạ chiến tranh độc tài Nga. Vành đai dân chủ Đông bán cầu đang được Tổng thống Mỹ Joe Biden thiết kế ngăn chặn nguy cơ Chinazi Tàu cộng bành trướng ra thế giới, thống trị thế giới. Vì vậy mới có cuộc gặp Biden – Asean.
Cả hai chuyến công cán nước ngoài của Thủ tướng Phạm Minh Chính đều không liên quan đến nội trị. Cả hai lần Thủ tướng xuất thân từ công an Phạm Minh Chính dẫn dắt đoàn Chính phủ Việt Nam xuất ngoại cho thế giới biết mặt, biết tên đều có Bộ trưởng bộ Công an Tô Lâm, người đứng đầu bộ máy nhà nước hoàn toàn chỉ lo nội trị.
Ngày nay, sức mạnh quốc phòng của mỗi quốc gia ngoài sức mạnh nội lực còn có nguồn sức mạnh to lớn là sức mạnh của thời đại dân chủ, thời đại độc lập dân tộc. Bộ Quốc phòng không phải chỉ lo tổ chức xây dựng lực lượng vũ trang trong nước mà còn phải kiến tạo được thế trận liên kết với ý chí độc lập và thế trận dân chủ thế giới. Nhưng cả hai lần Thủ tướng Phạm Minh Chính tổ chức đoàn Chính phủ đi ra thế giới dân chủ, Bộ Công an nội trị đều có Bộ trưởng Tô Lâm tham gia trong khi Bộ Quốc phòng phải hướng ngoại thì chỉ có hai Thứ trưởng mờ nhạt, gần như vô danh, đến người dân trong nước cũng ít người biết đến tên tuổi. Đoàn đi châu Âu của Thủ tướng Chính năm 2021 có Thứ trưởng Quốc phòng, tướng Hoàng Xuân Chiến. Đoàn đi Mỹ của Thủ tướng Chính năm 2022 có Thứ trưởng Quốc phòng, tướng Phạm Hoài Nam.
Người dân trong nước từ cụ già đến đứa trẻ đều biết tên, biết mặt ông Bộ trưởng bộ Công an Tô Lâm. Biết vì tên ông Bộ trưởng Tô Lâm gắn liền với những vụ việc tai tiếng động trời nhưng lại chôn vùi tầm chính khách xuống dưới mặt đất.
Tầm chính khách cao nhất trong nội trị là an dân. Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho công an nửa đêm về sáng ngày 9-1-2020 phá cửa xông vào tận giường ngủ, xả súng giết một đảng viên cộng sản có 59 tuổi đảng đang còn tham gia sinh hoạt đảng, giết một cụ già 85 tuổi đời đang là công dân lương thiện Lê Đình Kình ở thôn Hoành, xã Đồng Tâm, Mỹ Đức, Hà Nội.
Pháp luật là để an dân. Vụ công an giết dân lương thiện Đồng Tâm là sự chà đạp khủng khiếp lên luật pháp. Với vụ việc giết dân lương thiện ở thôn Hoành, Đồng Tâm, phá an dân từ luật pháp, từ trái tim người dân, ông Bộ trưởng bộ Công an Tô Lâm chỉ là con người công cụ của đảng cộng sản, không hề có con người chính khách.
Chính khách của đất nước thời thế giới hội nhập là đưa đất nước hội nhập với thế giới dân chủ văn minh, là mang tài, mang sức nâng cao vị thế Việt Nam trong thế giới văn minh. Nhưng vụ Bộ trưởng bộ Công an Tô Lâm đích thân chỉ huy đội đặc nhiệm đột nhập nước Đức, bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, rồi thuê máy bay Slovakia đưa Thanh về nước, đã để lại một tiếng xấu thậm tệ, một vết nhơ to lớn trong mối quan hệ Việt Nam với thế giới và Bộ trưởng Tô Lâm đã trở thành tội phạm với luật pháp nước Đức và luật pháp Slovakia.
Tháp tùng Thủ tướng Phạm Minh Chính đến nước Anh năm ngoái, Bộ trưởng Tô Lâm lại tạo ra tai tiếng động trời trên hệ thống truyền thông tiếng Việt và tiếng Anh khắp thế giới khi Bộ trưởng Tô Lâm sung sướng ngửa mặt, há mồm cho đầu bếp Thổ Nhĩ Ký đút miếng thịt bò dát vàng vào miệng. Đất nước đang nghèo khó, đại dịch Covid-19 lại đẩy kinh tế cả nước vào đình đốn, đẩy hàng triệu gia đình người Việt vào thiếu, đói, mà Bộ trưởng Tô Lâm ăn thịt bò dát vàng 2000 đô la một suất, thì ông Bộ trưởng đó làm sao có thể là chính khách!
Bộ trưởng Công an chỉ lo nội trị lại đầy tai tiếng như vậy nhưng tuần chay nào cũng có nước mắt, chuyến xuất ngoại nào của Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng có mặt, thì suất xuất ngoại của Bộ trưởng Tô Lâm chỉ do tình cảm thân thiết, do mối quan hệ sâu xa giữa Thủ tướng Chính với Bộ trưởng Lâm, chứ hoàn toàn không phải do công việc, không phải do nhiệm vụ. Với thành viên như Bộ trưởng Tô Lâm, những chuyến đi ra thế giới của đoàn quan chức Chính phủ Chính càng không thể nâng cao vị trí, tư thế Việt Nam trong thế giới dân chủ văn minh.
3. Những quyền con người cơ bản, tối thiểu của người dân Việt Nam Xã hội chủ nghĩa đều bị hình sự hoá bởi những điều 109, 117, 331 Bộ Luật hình sự 2015. Hơn hai trăm người dân Việt Nam chỉ thực hiện quyền con người chính đáng đã bị các điều luật hình sự 109, 117, 331 buộc tội, phải nhận án tù mút mùa. Vậy mà ông Thủ tướng Chính khi đến Anh tháng 11-2021 dám hùng hồn tuyên bố: Tôi sẵn sàng đối thoại với bất cứ ai trên thế giới này về vấn đề nhân quyền.
Nhân quyền lớn nhất là lo cơm ăn áo mặc cho một trăm triệu dân, không để ai thiếu ăn thiếu mặc, khi khó khăn không bỏ ai lại phía sau. Tháng 5-2022, khi đến Mỹ ông Thủ tướng Chính lại dương dương tự tin: Tôi sẵn sàng đối thoại với bất cứ ai trên thế giới về dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam! Dương dương như vậy là ông Thủ tướng Chính chẳng hiểu gì về nhân quyền. Không hiểu về Nhân quyền thì không thể là chính khách của thời đại dân chủ văn minh.
Dịp khác tôi sẽ trở lại thưa chuyện về nhân quyền với ông Thủ tướng Chính. Ở đây tôi chỉ nói nỗi đau buồn về con người chính khách trống rỗng thiếu hụt trong những chính khách Việt Nam.
Chính khách là người có lí tưởng sống cao cả, có khát vọng được thể hiện, được đóng góp hết mình cho đời, cho nhân dân, đất nước và có vị trí, có quyền lực để thực hiện lí tưởng, khát vọng. Tâm thế, nghĩ suy và hành xử của chính khách đều vì đất nước, vì người dân, vì tiến bộ xã hội, không mảy may vì cá nhân riêng tư.
Ông tướng công an Phạm Minh Chính dành ưu ái cho ông tướng công an Tô Lâm có mặt trong tất cả những chuyến xuất ngoại của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho thấy, ông Thủ tướng Phạm Minh Chính hành xử theo tình cảm riêng tư chứ không hành xử vì dân, vì nước.
Thoáng qua vài vụ việc trong đời sống xã hội và đời sống chính trị Việt Nam, thoáng qua vài gương mặt chính khách hàng đầu trên chính trường Việt Nam, người dân Việt Nam phải đau buồn và hổ thẹn nhận ra rằng, quan chức ở tầm chính khách trong chính trường Việt Nam quá thiếu vắng những chính khách đích thực xứng tầm với dân tộc Việt Nam văn hiến, xứng tầm với thời đại dân chủ, văn minh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét