Chủ Nhật, 29 tháng 5, 2022

20220530. VÌ SAO CHẬM GIẢI NGÂN VỐN ĐẦU TƯ CÔNG ?

 ĐIỂM BÁO MẠNG

THỦ TƯỚNG YÊU CẦU THÚC ĐẨY GIẢI NGÂN, SỬ DỤNG CÓ HIỆU QUẢ VỐN 

ĐẦU TƯ CÔNG

VOV/VNN 28-9-2021


Năm 2021, kế hoạch đầu tư công là 500.000 tỷ đồng, song đến nay cả nước mới giải ngân đạt 47,38%.

Sáng 28/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và các địa phương về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.

Cùng dự tại đầu cầu Trụ sở Chính phủ các Phó Thủ tướng: Phạm Bình Minh, Lê Văn Thành; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương.

Tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có các Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy; lãnh đạo Đoàn ĐBQH, HĐND, UBND, các, sở, ngành, cơ quan, Ban quản lý các khu công nghiệp. 


Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị

Chính phủ tổ chức hội nghị này nhằm đánh giá kết quả, phân tích những gì đã làm được, chưa làm được; phân tích nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan, từ đó đưa ra mục tiêu, giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian tới.Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, đầu tư công là một trong những giải pháp để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Năm 2021, kế hoạch đầu tư công là 500.000 tỷ đồng, song đến nay cả nước mới giải ngân đạt 47,38%. Như vậy nhiệm vụ những tháng cuối năm còn rất lớn.

Thủ tướng yêu cầu các đại biểu tập trung trí tuệ, thảo luận nhằm thúc đẩy giải ngân, sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư công, góp phần phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và tạo tiền đề cho phát triển kinh tế-xã hội năm 2022, với phương châm “đảm bảo tiến độ, chất lượng, song tăng cường giám sát, kiểm tra để chống tiêu cực, tham nhũng trong đầu tư công”.


Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng báo cáo tại Hội nghị

Đến hết ngày 15/9/2021, các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương đã phân bổ, giao chi tiết cho các dự án là 404.976,159 tỷ đồng, đạt 87,8% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ đã giao từ đầu năm; số vốn còn lại chưa giao chi tiết là 56.323,841 tỷ đồng, bằng 12,2% kế hoạch.Theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2021 được Thủ tướng Chính phủ giao một lần cho các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương từ cuối năm 2020 với tổng số vốn là 461.300 tỷ đồng (chiếm 96,6% kế hoạch đã được Quốc hội quyết định).

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng chỉ rõ, việc giải ngân vốn đầu tư chậm do nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan như: công tác giải phóng mặt bằng, đấu thầu, thay đổi chính sách và quy định, năng lực chủ đầu tư, nhà thầu, việc tránh thanh toán vốn nhiều lần, chờ thanh toán một lần của chủ đầu tư, ban quản lý dự án, nhà thầu, tính chất đặc thù của chi đầu tư, niên độ ngân sách nhà nước là 1 năm, giao kế hoạch vốn đầu năm, quyết toán cuối năm, nên kế hoạch thực hiện, thi công xây dựng các công trình, dự án cũng phụ thuộc vào kế hoạch vốn,…

Bên cạnh đó, việc chuyển tiếp giữa hai nhiệm kỳ và kiện toàn tổ chức, bộ máy, nhân sự gắn với đại hội Đảng và bầu cử Quốc hội, HĐND, UBND các cấp; năm đầu tiên của một chu kỳ kế hoạch mới, với ưu tiên đầu tư công tập trung chủ yếu vào công tác chuẩn bị cho giai đoạn 5 năm tới.

Đối với các dự án khởi công mới trong giai đoạn 2021-2025 tập trung triển khai công tác chuẩn bị đầu tư những tháng đầu năm và chỉ triển khai thực hiện sau khi được giao kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Năm 2021 là năm rất đặc biệt bởi chưa bao giờ nền kinh tế nước ta phải dồn tâm sức và nguồn lực cho công tác phòng, chống đại dịch như vậy và cũng chưa bao giờ nhiều tỉnh, thành, địa phương phải thực hiện các biện pháp giãn cách, hạn chế tiếp xúc như năm nay..

Tại cuộc họp, các đại biểu đã thảo luận về những nguyên nhân, những đề xuất, kiến nghị và phương án giải ngân vốn đầu tư công từ giờ đến hết năm 2021 đến Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

CHẬM GIẢI NGÂN:  LẠ MÀ KHÔNG LẠ

TS NGUYỄN SĨ DŨNG/ TTO 28-5-2022


TTO - Phát biểu trong phiên thảo luận tổ về kinh tế - xã hội tại kỳ họp thứ 3 của Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phàn nàn rằng đầu tư công có tiền mà vẫn không tiêu được, "lạ quá!".

Chậm giải ngân: lạ mà không lạ - Ảnh 1.

Tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương - Đà Lạt dài 208km đến nay mới đầu tư được 19km đoạn Liên Khương - Prenn (Đà Lạt) - Ảnh: T.T.D

Đúng là kiếm tiền mới khó, chứ tiêu tiền thì đâu có khó. Thế nên đầu tư công có tiền mà không tiêu được thì nghe có vẻ rất lạ.

Tuy nhiên lạ mấy rồi cũng thành quen. Bởi vì rằng giải ngân các dự án đầu tư công chậm trễ là chuyện xảy ra đã từ rất lâu. Không phải chỉ bây giờ, không phải chỉ năm nay và cũng không phải chỉ nhiệm kỳ này mới xảy ra. Nó là câu chuyện "biết rồi, khổ lắm...".

Giải ngân đầu tư công chậm trễ là do những vướng mắc về thể chế, do sự thiếu quyết đáp, thiếu tinh thần dám nghĩ, dám làm... và do cả sự sợ trách nhiệm.

Những vướng mắc về thể chế đã được tháo gỡ một bước. Tại kỳ họp bất thường của Quốc hội vào tháng 1-2022, một loạt các sửa đổi, bổ sung cho Luật đầu tư công, Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật đầu tư, Luật đấu thầu... đã được thông qua. 

Đã có một sự phân cấp, phân quyền khá mạnh cho các chủ thể ở cấp trung ương, cũng như ở cấp địa phương trong việc quyết định các dự án đầu tư công, cũng như các dự án hợp tác công tư. 

Đã có sự cho phép tiến hành trước một loạt các hoạt động liên quan đến việc mua sắm và lựa chọn nhà thầu cho các dự án sử dụng vốn ODA...

Vấn đề là để tháo gỡ những vướng mắc về thể chế thì phải nhanh chóng ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành. Kiểu gì thì kiểu, các đạo luật vẫn khó có thể quy định một cách đủ chi tiết để có thể thi hành được ngay. 

Ngoài ra cũng cần xem xét thêm ngoài những vướng mắc đã được tháo gỡ còn có những vướng mắc nào nữa không. Có vẻ như những vướng mắc về thể chế rất nhiều, một kỳ họp bất thường khó có thể tháo gỡ hết được.

Sự thiếu quyết đáp, thiếu tinh thần dám nghĩ, dám làm và sự sợ trách nhiệm gắn liền với nhau. Đã sợ trách nhiệm thì quả thực ít ai dám quyết đáp, dám nghĩ, dám làm. 

Có một thực tế là hoạt động kiểm tra, thanh tra, điều tra, kiểm toán... được tăng cường một mặt giúp cho hoạt động phòng chống tham nhũng đạt được nhiều kết quả hơn, mặt khác cũng làm cho đội ngũ cán bộ, công chức sợ trách nhiệm nhiều hơn. 

Bảo đảm một sự cân đối ở đây có lẽ rất quan trọng. Ngoài ra Bộ Chính trị đã ban hành kết luận số 14 về việc bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung. Tinh thần của kết luận này phải trở thành kim chỉ nam cho các hoạt động kiểm tra, thanh tra, điều tra, kiểm toán... nói trên. 

Đồng thời Nhà nước cũng cần sớm thể chế hóa các chủ trương quan trọng của kết luận trên thành các quy phạm pháp luật của Nhà nước.

Việc để giải ngân đầu tư công bị chậm trễ là rất đáng trách. Nhưng với không ít người, đáng trách thì vẫn ít rủi ro hơn là bị kỷ luật, bị áp đặt chế tài. Đây là lý do sâu xa nhất của hiện tượng đùn đẩy trách nhiệm, hiện tượng trình bẩm vòng vo hiện nay, mà việc giải ngân đầu tư công bị chậm trễ chỉ là một biểu hiện cụ thể.

Bảo đảm an toàn cho bản thân, bất chấp những tổn hại cho nền kinh tế, cho sự phát triển của đất nước quả thật là một "xu thế" rất thiếu lành mạnh. Với "xu thế" này, một mặt chúng ta cần đề cao các chuẩn mực của đạo đức công vụ, của trách nhiệm cá nhân. 

Mặt khác chúng ta cũng cần phải bảo vệ cho được những cán bộ, công chức dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung.

TS Nguyễn Sĩ Dũng

GIẢI NGÂN VỐN ĐẦU TƯ CÔNG: CẢ CHỤC NGÀN TỈ 'NẰM KHO' VÌ CÁN BỘ LO TRÁCH NHIỆM

NGỌC AN th/ TTO 20-5-2022

TTO - Theo Bộ Tài chính, vốn đầu tư công 5 tháng đầu năm ước đạt 22,37% kế hoạch. Vì thế, không chỉ yêu cầu kiểm điểm với đơn vị không hoàn thành kế hoạch, Thủ tướng đã phải lập 6 tổ công tác thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.

Giải ngân vốn đầu tư công: Cả chục ngàn tỉ nằm kho vì cán bộ lo... trách nhiệm - Ảnh 1.


Dự án cải thiện môi trường nước khu vực kênh Tàu Hủ - Bến Nghé - Đôi - Tẻ, TP.HCM (giai đoạn 2) phải điều chỉnh 4 lần và sau 16 năm mới chỉ đạt 86,78%. Trong ảnh: khu vực kênh Tàu Hủ - Bến Nghé thuộc dự án môi trường nước chậm tiến độ đầu tư công - Ảnh: TỰ TRUNG

Có tình trạng bộ ngành, địa phương vẽ ra kế hoạch, vẽ dự án nhưng lại không gắn nhu cầu thực tiễn do không có sự đầu tư khảo sát, nghiên cứu. Vì thế, khi được phân bổ vốn, triển khai thực hiện dự án mới phát sinh bất cập, vướng mắc và không sát thực tế. Thêm nữa là tư duy nhiệm kỳ đã tác động đến quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch, tạo ra độ trễ, ảnh hưởng tới sự thống nhất, liên tục của quy hoạch.

Đại biểu TẠ VĂN HẠ

Trước tình hình đó, cần liều thuốc nào đủ mạnh để trị dứt điểm căn bệnh này, khơi thông nguồn vốn cho nền kinh tế? Đại biểu TẠ VĂN HẠ (Bạc Liêu) - phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội - cho rằng vấn đề giải ngân vốn đầu tư công chậm trễ đã tồn tại nhiều năm, như "căn bệnh trầm kha" nhưng vẫn chưa có "thuốc giải" hữu hiệu, chưa thực thi nghiêm túc. 

Ông Hạ từng chất vấn Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng tại kỳ họp thứ 2 (Quốc hội khóa XV) về vấn đề này.

* Thưa ông, trực tiếp tham dự phiên giải trình của Ủy ban Tài chính - ngân sách về đầu tư công gần đây, ông nhìn nhận thế nào về những kết quả đạt được của hoạt động đầu tư công?

- Đầu tư công có vai trò rất quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội. Luật đầu tư công ra đời và được sửa đổi, bổ sung năm 2019 cũng đã giúp hoàn thiện thể chế, khắc phục bất cập trước đây. 

Qua phiên giải trình cũng như theo dõi hoạt động này, tôi thấy rằng nếu như trước năm 2015 tồn tại những hạn chế về phân cấp, phân quyền chưa rõ, phân bổ vốn còn dàn trải, chưa minh bạch, đầu tư chưa chú trọng hiệu quả... thì nay việc đầu tư hiệu quả, thực chất hơn, khắc phục được tình trạng đầu tư cắt khúc. 

Nhờ vậy giảm thiểu đầu tư dàn trải, lãng phí, kém hiệu quả, từng bước hạn chế được tình trạng xin - cho, đơn giản hóa quy trình, thủ tục, tăng cường kỷ luật kỷ cương...

Tuy nhiên, còn tồn tại những bất cập được xem là "cố hữu" trong giải ngân vốn đầu tư công. Đặc biệt là tình trạng chậm trễ trong giải ngân đã trở thành "căn bệnh trầm kha", chưa phân quyền mạnh mẽ, cơ chế lập - giao kế hoạch thiếu linh hoạt, trình tự thủ tục chưa hợp lý, giải ngân vốn còn thiếu tính chủ động.

Dẫn chứng thực tế là trong năm 2021, mặc dù giải ngân vốn đầu tư công đạt tỉ lệ đáng khích lệ với 95,1% nhưng vẫn có những bộ ngành, địa phương đạt tỉ lệ giải ngân ở mức thấp. Trong đó có 26 bộ ngành, địa phương có tỉ lệ giải ngân dưới 70%, cá biệt có 5 bộ ngành, địa phương có tỉ lệ giải ngân dưới 20%. 

Tình trạng này tiếp diễn trong 5 tháng đầu năm 2022. Đáng chú ý là có nhiều bộ, cơ quan, địa phương chưa giải ngân đồng nào, trong khi nền kinh tế đang ở giai đoạn phục hồi, nhu cầu đầu tư phát triển, đầu tư công đang trở thành động lực vô cùng quan trọng cần được thúc đẩy.

Giải ngân vốn đầu tư công: Cả chục ngàn tỉ nằm kho vì cán bộ lo... trách nhiệm - Ảnh 3.

Nguồn: baochinhphu.vn - Đồ họa: TUẤN ANH

* Có ý kiến cho rằng việc giải ngân đầu tư công gần đây có khó khăn do yếu tố khách quan như dịch bệnh, khâu thủ tục... Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch và đầu tư cũng đã chỉ ra năng lực một bộ phận cán bộ quản lý còn hạn chế và có chuyện né tránh, sợ trách nhiệm. Ông nhìn nhận thế nào?

- Đúng là không phủ nhận yếu tố khách quan như dịch bệnh, các khâu triển khai thủ tục. Nhưng tôi cho rằng yếu tố chủ quan, chủ yếu là do con người, và khâu tổ chức thực hiện là nguyên nhân chính. Tại phiên giải trình, các ý kiến cũng đánh giá tại sao cùng một cơ chế, một thủ tục nhưng có đơn vị giải ngân hiệu quả, có đơn vị lại chậm trễ, không giải ngân được đồng nào.

Về nguyên tắc, ở những năm bản lề phải thực hiện dứt điểm thanh toán nợ, đầu tư dứt điểm dự án dở dang. Thế nhưng một số nơi vẫn chưa thực hiện đúng nguyên tắc thứ tự ưu tiên, cứ vẽ dự án mới dàn trải trong khi dự án cũ chưa hoàn thiện nên đầu tư manh mún, kém hiệu quả.

Bên cạnh đó cũng phải nhìn nhận thực tế là có nơi, có lúc do sợ trách nhiệm, thiếu quyết đoán làm ảnh hưởng tiến độ dự án. Tôi đồng ý là cần phải thận trọng xem xét kỹ lưỡng với những dự án đang triển khai nhưng thực tế có những nơi người đứng đầu lo ngại trách nhiệm, trình độ năng lực bộ phận tham mưu còn hạn chế, nên không dám quyết và chịu trách nhiệm. Thận trọng là cần thiết nhưng phải kịp tiến độ, đòi hỏi yêu cầu năng lực, trình độ, sự quyết đoán của người lãnh đạo.

* Thủ tướng đã yêu cầu nếu chưa thực hiện nghiêm thì phải kiểm điểm nghiêm khắc, nhưng thực tế thực hiện lại chưa nghiêm. Vậy theo ông trách nhiệm cần làm rõ là gì?

- Không thể có tình trạng cứ mãi chậm trễ mà không có biện pháp nào. Tôi cho rằng trách nhiệm của các bộ ngành, địa phương và người đứng đầu chưa hết, tình trạng kỷ luật kỷ cương chưa nghiêm. Mặc dù Chính phủ, Thủ tướng đã nhiều lần nhắc nhở, yêu cầu đảm bảo kỷ luật nhưng thực tế thực hiện không hiệu quả.

Tại phiên giải trình của Ủy ban Tài chính - ngân sách vào ngày 27-4, tôi và nhiều đại biểu cũng đã chất vấn với Bộ Kế hoạch và đầu tư là đến nay việc kiểm điểm, đánh giá nguyên nhân chậm tiến độ giải ngân của các bộ ngành, địa phương được thực hiện đến đâu và đã có lãnh đạo, cán bộ nào bị kỷ luật? Tuy nhiên, vấn đề này chưa được báo cáo đầy đủ.

Tôi cho rằng trách nhiệm trước hết phải là của cơ quan quản lý nhà nước được Thủ tướng giao tham mưu về vấn đề này là Bộ Kế hoạch và đầu tư, ngành kế hoạch và đầu tư các địa phương. Cần phải thực hiện nghiêm chức năng nhiệm vụ, không chỉ phân bổ vốn mà đôn đốc, kiểm tra, giám sát, sử dụng sao cho hiệu quả đồng vốn ấy. Tiếp đến là trách nhiệm của các bộ ngành, địa phương làm sao phát huy nguồn lực, sử dụng vốn hiệu quả, không để thất thoát, lãng phí.

* Thủ tướng cũng đã thành lập 6 tổ công tác thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Phó thủ tướng cũng yêu cầu thực hiện việc kiểm điểm, nếu không giải ngân thì sẽ điều chuyển vốn. Ông có nghĩ rằng cần có biện pháp mạnh hơn nữa không?

- Thủ tướng đã rất quyết liệt về vấn đề này, song cần có liều thuốc đủ mạnh, thực hiện nghiêm các quy định và chỉ đạo của Thủ tướng, Chính phủ để nâng cao hiệu quả giải ngân vốn đầu tư công.

Trước hết là rà soát, đánh giá kỹ lưỡng nguyên nhân chủ quan, khách quan để làm thực chất, bắt trúng bệnh, rõ vai trò của người đứng đầu, các đơn vị và cá nhân liên quan là gì, từ đó có hình thức kiểm điểm, kỷ luật hay phê bình phù hợp. Với những cá nhân, tổ chức không hoàn thành nhiệm vụ, nếu mức giải ngân quá thấp thì phải có biện pháp xử lý; việc chịu trách nhiệm phải rõ ràng, không thể nói trách nhiệm chung chung.

Cần xem đây là tiêu chí để đánh giá, chấm điểm cán bộ và cả đơn vị, nếu hai năm không hoàn thành nhiệm vụ phải điều chuyển, thay đổi. Để đánh giá sát, cần có bộ tiêu chí rõ ràng, cụ thể, rõ trách nhiệm, làm thước sát thực tế.

Ngoài ra, mức độ trách nhiệm đến đâu thì xử phạt đến đó, gắn với cụ thể từng vị trí việc làm, công bằng và minh bạch. Công khai các đơn vị chậm giải ngân, kết quả kiểm điểm, đánh giá từng đơn vị là tiêu chí xét thi đua, khen thưởng thì chắc chắn sẽ phải tạo sức ép cho người lãnh đạo phải thay đổi. 

Đầu tư công cũng không nên tư duy cào bằng nữa, mà cần có ưu tiên với những đơn vị làm tốt, làm hiệu quả, thu hồi vốn với đơn vị kém hiệu quả, để đồng tiền của người dân sử dụng phát huy được ý nghĩa thúc đẩy kinh tế - xã hội tốt hơn.

Giải ngân vốn đầu tư công: Cả chục ngàn tỉ nằm kho vì cán bộ lo... trách nhiệm - Ảnh 4.


Dự án tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên (TP.HCM) phải điều chỉnh vốn nhiều lần, liên tục lùi tiến độ hoàn thành - Ảnh: TỰ TRUNG

Sợ trách nhiệm không phải là lãnh đạo

* Để trị được căn bệnh sợ trách nhiệm trong đầu tư công, theo ông cần phải làm gì?

- Không chỉ trong đầu tư công mà ở nhiều lĩnh vực, tình trạng một bộ phận cán bộ sợ trách nhiệm, né tránh vẫn đang diễn ra. Mới đây, Bộ Chính trị đã ban hành kết luận về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Đây sẽ là cơ sở và chủ trương quan trọng, có ý nghĩa rất lớn để bảo vệ và khuyến khích cán bộ dám nghĩ, dám làm.

Nhưng tôi cho rằng quan trọng là công tác cán bộ. Phải chọn được người có năng lực, trình độ, chuyên môn, đủ bản lĩnh chính trị, kinh nghiệm thì họ mới dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Nếu chọn đúng người, sắp xếp đúng trình độ, chuyên môn, năng lực để họ phát huy thì sẽ không lo ngại họ sợ trách nhiệm. Còn nếu người đã không có đủ bản lĩnh, sợ trách nhiệm thì đó không phải là tố chất, tiêu chuẩn của người lãnh đạo.

Giải ngân vốn công, nhiệm vụ trọng tâm năm 2022

Nhận định về nguyên nhân giải ngân chậm, Bộ Kế hoạch và đầu tư chỉ ra: công tác tổ chức triển khai thực hiện tại các bộ, ngành và địa phương còn nhiều bất cập; các cấp, các ngành chưa thực sự vào cuộc, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chưa được đề cao, chưa rõ nét; công tác tuyên truyền đến người dân về chính sách bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng còn chưa đầy đủ, thiếu minh bạch; một số chủ đầu tư chưa tích cực thực hiện các thủ tục thanh toán, quyết toán; năng lực chuyên môn của một số cán bộ quản lý dự án, tư vấn giám sát, nhà thầu... còn hạn chế, không đáp ứng được yêu cầu; công tác đôn đốc nhà thầu triển khai thi công chưa quyết liệt và hiệu quả.

Do đó, Bộ Kế hoạch và đầu tư yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương triển khai quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Yêu cầu người đứng đầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương phải xác định việc giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của năm 2022, chủ động tháo gỡ khó khăn và vướng mắc.

Thành lập các đoàn công tác kiểm tra, đôn đốc các dự án trọng điểm triển khai trong năm 2022; kiên quyết siết chặt kỷ luật, kỷ cương; tăng cường kiểm tra, kiểm toán, giám sát, hậu kiểm, xử lý nghiêm vi phạm; kiểm soát chặt chẽ mục tiêu, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch, phòng chống tham nhũng, lợi ích nhóm...


GIẢI NGÂN ĐẦU TƯ CÔNG CHẬM VÌ... ĐẤU THẦU CẢ THÁNG, GIẢI PHÓNG MẶT BẰNG CẢ NĂM

N.AN/ TTO 27-5-2022

TTO - Các địa phương cho rằng việc chậm giải ngân vốn đầu tư công ngoài yếu tố khách quan như tăng giá nguyên vật liệu, thì gặp phải những vướng mắc trong triển khai quy trình thủ tục kéo dài, giải phóng mặt bằng...

Giải ngân đầu tư công chậm vì... đấu thầu cả tháng, giải phóng mặt bằng cả năm - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư họp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công - Ảnh: N.AN

Chiều 27-5, Tổ công tác số 5 của Thủ tướng Chính phủ làm việc với các địa phương về kiểm tra, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng - tổ trưởng tổ công tác - chủ trì.

Ông Trương Quốc Huy, chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam, cho biết tỉnh đã giải ngân được 15,5% kế hoạch giao. Năm 2022 là năm đầu tiên triển khai dự án nhiệm kỳ mới nên thủ tục, trình tự đầu tư mất rất nhiều thời gian, mỗi bước quy trình ít nhất mất tới 30-35 ngày. Đấu thầu mất tới 30 ngày, còn nếu cho phép chỉ định thầu thì rút ngắn được thời gian.

Ngoài ra, giá sắt thép, ximăng ảnh hưởng rất lớn, nhà thầu càng làm càng lỗ nên họ chờ để bù giá. Cộng thêm vướng mắc công tác giải phóng mặt bằng, dự án giao thông có nhà dân, tìm chỗ khác thì phải giải phóng thêm lần 2 cho khu tái định cư, rồi làm hạ tầng, có khi mất tới hơn 300 ngày, gồm cả quá trình thi công và tái định cư.

Ông Huy cũng chỉ ra thêm là hiện nay tính giá đất cũng có bất cập, hiện đang được sửa đổi quy định, nhưng nếu không sớm ban hành thì tất cả các tỉnh đều tắc, nguồn vốn bố trí cuối năm nay, sang năm là khó khăn. Hiện nay có tới 2 thông tư của Bộ Tài nguyên và môi trường có những điểm vướng, bên dưới thực hiện không rõ.

Về giải pháp, tỉnh này cho biết sẽ tập trung hoàn thiện thủ tục, chọn nhà đầu tư, lập quy hoạch các khu tái định cư cho các dự án, làm rõ trách nhiệm các cá nhân, tháo gỡ khó khăn cho từng dự án trong quá trình triển khai. Tỉnh cũng kiến nghị với thủ tục đấu nối, thỏa thuận đất nối, chuyển đổi sử dụng đất, ĐTM… các bộ ngành liên quan cần tháo gỡ nhanh vì mất rất nhiều thời gian. Sớm ban hành nghị định về tính giá đất, không làm nhanh thì không tính giá đất được và không thể triển khai dự án.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh trước tình hình giải ngân vốn đầu tư công, Thủ tướng đã có chỉ đạo với nhiều văn bản, thành lập 6 đoàn công tác ở các bộ ngành và địa phương để nắm bắt kịp thời tại sao chưa giải ngân được, tiến độ chậm.

Tuy vậy, tình hình thực sự không được cải thiện nhiều, tiến độ giải ngân vẫn như mọi năm, không thấp hơn, không cao hơn. Số liệu vừa được bộ trưởng kiểm tra cho thấy cả nước mới ước đạt trên 22,37%, bên cạnh các yếu tố khách quan còn có yếu tố chủ quan.

"Chúng ta cũng chưa quyết liệt, chưa tập trung, nghiêm túc, giá cả nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, nguyên nhân tồn tại từ lâu như tổ chức giải phóng mặt bằng, năng lực nhà thầu, năng lực tư vấn, xu hướng đặc trưng đặc thù của đầu tư công, ta phải làm theo trình tự thủ tục", ông Dũng đánh giá.

Trước sự quan tâm lo lắng của các đại biểu Quốc hội khi quan ngại về tiến độ giải ngân chậm, ông Dũng cho rằng cần phân tích, làm rõ các vướng mắc khó khăn.

"Cần nói chính xác tình hình địa phương mình, quá trình triển khai dự án cụ thể, về thể chế, pháp luật, quy định có vướng mắc gì từ đầu tư công cho tới các luật liên quan như xây dựng, đấu thầu, đất đai, môi trường, vướng ở mặt nào, khâu nào, nguyên nhân làm sao, do tổ chức thực hiện hay ở tỉnh, ở sở, chủ đầu tư, ban quản lý hay ở giải phóng mặt bằng, thi công, nguyên vật liệu… để từ đó có kiến nghị, giải pháp cụ thể", bộ trưởng nhấn mạnh.

Đặc biệt trong bối cảnh vừa triển khai kế hoạch đầu tư công, vừa phải thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, nếu không quyết tâm thực hiện, không kịp thời tháo gỡ thì không thể hấp thụ vốn, ảnh hưởng tới mục tiêu kế hoạch mà Chính phủ đặt ra.

N.AN

GỠ NÚT THẮT CHO ĐẦU TƯ CÔNG

NGỌC AN th/ TTO 27-5-2022

TTO - Tập trung tháo gỡ những nút thắt như phân bổ vốn, đấu thầu, mua sắm trang thiết bị, đền bù giải phóng mặt bằng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất... mới có thể khơi thông được nguồn vốn đầu tư công, phát huy hiệu quả vào nền kinh tế.

Gỡ nút thắt cho đầu tư công - Ảnh 1.

Tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương - Đà Lạt dài 208km đến nay mới đầu tư được 19km đoạn Liên Khương - Prenn (Đà Lạt) - Ảnh: T.T.D

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tạo, phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng, đã khẳng định như vậy khi trao đổi với Tuổi Trẻ về tình trạng "có tiền mà không tiêu được" như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã khuyến cáo. 

Đại biểu Nguyễn Tạo cho biết việc phân bổ vốn đang có nhiều bất cập. Đơn cử như việc triển khai vốn cho chương trình mục tiêu quốc gia, giảm nghèo bền vững với trên 100.000 tỉ đồng trong giai đoạn 2021 - 2025, đến nay mới phân bổ vốn. Đưa vốn xuống các bộ ngành, địa phương nhanh nhất cũng mất tới 1 tháng nữa...

* Nhiều địa phương than thủ tục hành chính triển khai dự án rất chậm, thưa ông?

- Quả thực, thủ tục hành chính hiện nay rất phức tạp. Đơn cử như chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất lúa, đất rừng sang đất chuyên dụng rất nhiêu khê. Dự án Trường Sơn Đông là ví dụ. Dù đã có báo cáo đánh giá tác động môi trường, các quyết định phân bổ vốn đầu tư công trung hạn, rồi kế hoạch sử dụng đất... và trình các cấp có thẩm quyền rồi, nhưng dự án này suốt nhiều năm nay vướng vì chuyển đổi đất rừng. Tương tự, cao tốc Dầu Giây - Liên Khương, dù vốn đầu tư công đã bố trí hơn 2.000 tỉ đồng, nhà đầu tư cũng chuẩn bị vốn nhưng lại vướng chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng hơn một năm nay.

Do đó, cần phải có quy định thủ tục hành chính nhanh, gọn và ấn định thời gian rõ ràng về tiến độ thực hiện. Chứ chúng ta đang làm theo kiểu "không giới hạn" về tiến độ và thời gian, các bộ ngành và địa phương cũng không đưa ra mốc thời gian là đến bao giờ cần phải thực hiện xong thủ tục hành chính, hồ sơ bị trả lên trả xuống sẽ không thể làm được.

* Những bất cập trong quy định đấu thầu, đấu giá cũng là rào cản của việc giải ngân vốn đầu tư công?

- Trong đấu thầu hiện nay, các cơ quan đều có tâm lý ngại, không dám mua sắm. Thậm chí có tình trạng là mời tất cả các thành phần không phải trong hội đồng thẩm định giá (các cơ quan tố tụng như kiểm sát, công an...) đến dự để chia sẻ kinh nghiệm. Do đó, hội đồng thẩm định giá, cơ quan tư vấn thẩm định giá cũng không dám ký hợp đồng. Bởi trong trường hợp cơ quan có thẩm quyền kết luận có độ vênh, không ai dám đấu giá, đấu thầu.

Vì vậy, trong Luật đấu giá, đấu thầu phải tính toán sửa đổi cơ chế chính sách, gắn với sửa đổi quy định quản lý tài sản công. Theo tôi, cần có trung tâm mua sắm tài sản công từng địa phương, thực hiện vai trò mua sắm, đấu thầu thiết bị tài sản công, có năng lực thẩm định giá, năng lực đấu thầu, bám sát diễn biến thị trường... mới có hiệu quả được.

* Việc thiếu cơ chế điều chỉnh giá nguyên vật liệu đầu vào, khi giá của hầu hết các nguyên vật liệu tăng mạnh, cũng là lý do khiến nhiều dự án bị chậm tiến độ?

- Do ảnh hưởng của tình hình thế giới, nhất là cuộc chiến Nga - Ukraine, giá vật liệu xây dựng tăng đồng loạt, giá xăng dầu, rồi giá vận chuyển tăng mạnh... khiến giá đầu vào bị đội lên trong khi việc bỏ thầu diễn ra trước đó, có độ trễ về giá. Nhưng cơ quan nào sẽ thẩm định giá cho phù hợp, sát với giá thị trường?

Ví dụ, giá một khối đá là 500.000 đồng nhưng bây giờ tăng lên 700.000 đồng, ai sẽ điều chỉnh? Việc điều chỉnh có vi phạm pháp luật hay không?... Nếu không được các cơ quan thẩm định phê duyệt sẽ làm cho dự án càng chậm trễ. Do đó, luật về giá cần phải sửa đổi bổ sung để các cơ quan có thẩm quyền ban hành khung giá linh động, quyết định giá cả sát với thị trường. Bởi với giá cả như vậy, nhà đầu tư thường có tâm lý chờ thay đổi chính sách hơn là làm sẽ bị lỗ, dẫn tới dự án bị kéo dài và chậm trễ.

Gỡ nút thắt cho đầu tư công - Ảnh 2.

Tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên (TP.HCM) sử dụng vốn ODA, vay ưu đãi nước ngoài - Ảnh: Q.ĐỊNH

* Theo ông, cần có giải pháp nào để gỡ nút thắt "có tiền mà không tiêu được"?

- Vừa qua Thủ tướng đã thành lập 6 tổ công tác thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công cho từng địa bàn. Với từng dự án, trung ương và địa phương phải ngồi lại, đánh giá khâu nào đội vốn và lãng phí, đặc biệt là gỡ nút thắt về vấn đề đền bù, giải phóng mặt bằng. Vì dự án càng chậm, tiền đền bù giải phóng mặt bằng càng tăng, vốn đầu tư bị đội lên, dự án kém hiệu quả, lãng phí và ta sẽ có tội với dân.

Chỉ có chính quyền địa phương hiểu được dân, nắm sắt dân. Do đó, cần tách hợp phần giải phóng mặt bằng tái định cư cho chính quyền địa phương làm, thí điểm từng tỉnh sẽ hiệu quả hơn nhiều, thậm chí còn vận động được nhân dân hiến đất, giảm chi phí. Vừa rồi có bài học ở Long Thành đã thực hiện, giao cho UBND tỉnh Đồng Nai làm chủ đầu tư, tới đây các dự án khác cũng cần làm theo mô hình này.

Để tránh việc sợ trách nhiệm, cần phải tổng hợp lại những vướng mắc, bất cập, xin Quốc hội phê duyệt một nghị quyết trên luật để tháo gỡ những vấn đề vướng mắc, thí điểm cho từng vấn đề ở từng địa phương trước khi nhân rộng ra cả nước nếu có hiệu quả. Chứ cứ để vướng mắc như vậy sẽ khó đẩy nhanh giải ngân vốn.

* Đại biểu Trương Quốc Huy (chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam):

Sớm gỡ thủ tục đấu thầu

Anh Box 4

Khó khăn, ách tắc nhất trong việc giải ngân vốn đầu tư công chính là vấn đề giải phóng mặt bằng. Do đó, để giải ngân vốn đầu tư công nhanh, việc đẩy mạnh giải phóng mặt bằng là số 1, khi có mặt bằng nhà thầu thi công sẽ thực hiện nhanh. Ngoài ra, phải lựa chọn nhà thầu thi công có đủ năng lực, cơ bản khối lượng sẽ thực hiện bằng đúng năng lực chứ ít sử dụng nhà thầu phụ.

Với tình trạng "có tiền nhưng không tiêu được", theo tôi, là do các thủ tục đấu thầu mất rất nhiều thời gian. Ví dụ, một dự án muốn triển khai được phải qua 3 lần đấu thầu gồm đấu thầu tư vấn thiết kế, lập bản vẽ thi công và lựa chọn nhà thầu xây lắp hoặc xây dựng. Mà nếu giao vốn chậm, chắc chắn không tiêu được khi có tới 3 lần đấu thầu như vậy. Do đó, cần giao vốn sớm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, cho phép chỉ định thầu với những nhà thầu uy tín, thay cho đấu thầu 3 lần như hiện nay sẽ nhanh hơn.

* Đại biểu Hà Sỹ Đồng (phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị):

Cần một nghị quyết riêng về đầu tư công

Anh Box 3

Vấn đề đầu tư công hiện nay luật đang quy định rất là cứng, phân bổ nguồn lực có phần chậm theo kế hoạch, tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công, tiền nằm trên giấy còn nhiều, như chương trình mục tiêu quốc gia vùng đồng bào dân tộc thiểu số, giảm nghèo bền vững... 2 năm rồi mới bắt đầu phân bổ, rất là chậm và không đạt kỳ vọng.

Theo tôi, việc triển khai chưa đạt được như kỳ vọng do cơ chế của chúng ta chưa đảm bảo tính linh hoạt trong lập kế hoạch, phân bổ nguồn lực chậm tiến độ, chưa kể nút thắt đền bù giải tỏa và giải phóng mặt bằng. Vì vậy, tôi rất mong Quốc hội, Chính phủ có giải pháp để phân bổ nguồn lực sớm hơn, kịp thời hơn, cho các địa phương cơ chế đền bù giải phóng mặt bằng, điều chỉnh giá, điều chỉnh dự toán bổ sung theo giá thị trường.

Ngoài ra, cần tính đến việc ban hành nghị quyết điều chỉnh các chính sách khác cho phù hợp để nâng cao chất lượng đầu tư công.

T.CHUNG - N.AN

* Ông Phan Văn Mãi (chủ tịch UBND TP.HCM):

Sẽ điều chuyển vốn những dự án chậm giải ngân

Anh Box 2

TP.HCM có tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp do nhiều nguyên nhân. Về khách quan, một số chủ đầu tư, nhà thầu chưa quyết liệt chuẩn bị hồ sơ, thủ tục đầu tư; giá vật tư tăng, rồi ảnh hưởng của dịch COVID-19... Về chủ quan, UBND TP phân bổ, giao vốn chậm, đến hết tháng 2-2022 mới hoàn thành việc phân bổ. Sở KH-ĐT còn nể nang, không quyết liệt nhắc nhở kịp thời các chủ đầu tư, nhà thầu trong việc chuẩn bị hồ sơ, thủ tục...

Ngoài việc chỉ đạo đẩy nhanh việc giao vốn, vừa qua TP đã có văn bản chỉ đạo và chương trình hành động cụ thể đẩy nhanh việc giải ngân vốn đầu tư công. Hằng tháng, TP tổ chức họp giao ban để kiểm tra tiến độ, tháo gỡ vướng mắc và đôn đốc việc giải ngân. TP cũng thành lập 2 tổ công tác, một tổ theo dõi các dự án được giao vốn lớn nhưng giải ngân chậm và một tổ về giải phóng mặt bằng.

Thời gian tới, TP thành lập thêm tổ theo dõi các dự án có vốn ODA. Đặc biệt, TP sẽ rà soát và mạnh dạn điều chuyển vốn của những dự án không giải ngân được sang cho các dự án có tiến độ, có khối lượng.

T.LONG

* Đại biểu Nguyễn Thanh Hải (bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên):

Phải hỗ trợ giải phóng mặt bằng

Anh Box 1

Thái Nguyên nằm trong tốp các địa phương giải ngân vốn đầu tư công tốt của cả nước, đạt 27% so với mức gần 17% của cả nước. Muốn giải ngân vốn đầu tư công tốt, theo tôi, đầu tiên phải tăng cường công tác hỗ trợ, giải phóng mặt bằng để có mặt bằng sạch, sớm, đúng quy định, giúp các nhà thầu có thể thực hiện nhanh các dự án.

Công tác chuẩn bị đầu tư cũng phải được chuẩn bị kỹ càng, giảm các thủ tục hành chính không cần thiết, tăng cường phối hợp, xin ý kiến của các cơ quan trung ương, bộ, ngành để giải quyết các khó khăn, vướng mắc. Ngoài ra, HĐND tỉnh cũng tăng cường các phiên họp chuyên đề để quyết định nhanh việc đầu tư dự án. Tuy nhiên, việc giải ngân vốn đầu tư công cũng có khó khăn khi có sự chồng chéo của các quy định pháp luật, thiếu thống nhất, đồng bộ của các văn bản hướng dẫn.

T.CHUNG

GÓI KÍCH THÍCH KINH TẾ BỊ NGHẼN VÀ NHỮNG THIỆT HẠI KHÔNG THỂ ĐONG ĐẾM
ĐỖ NGÀ/ TD 26-5-2022

Cơ thể bệnh, nếu tiêm thuốc liền thì nó sẽ hồi phục nhanh. Nếu có thuốc mà không tiêm thì hiệu quả điều trị sẽ không còn, sự hồi phục sức khỏe của cơ thể sẽ rất chậm và dựa hoàn toàn vào nội lực là chính. Nếu không uống thuốc kịp thời, sự tổn thương sau cơn bạo bệnh quả thật là khó lường.
Nền kinh tế như là cơ thể sống, khủng hoảng chính là căn bệnh, gói kích cầu là những liều thuốc. Những liều thuốc này cần phải tiêm ngay chứ không thể chần chừ. Covid đã xuất hiện 2,5 năm, Mỹ trải qua 2 đời tổng thống. Thời Donald Trump, Mỹ bung 2 gói, gồm gói 2.000 tỷ và gói 900 tỷ đô. Đến thời Joe Biden Mỹ bung thêm gói 1.900 tỷ đô nữa. Song song với đó, FED cũng hạ lãi suất xuống 0% để bơm tiền kích cầu nền kinh tế ngay từ tháng 3/2020. Tất cả đều rất kịp thời.
Hậu bơm tiền là lạm phát, từ khi bơm tiền tới lúc lạm phát thì nó phải có một độ trễ nhất định, và nhiệm vụ của Chính Phủ và Ngân hàng Trung ương phải hút tiền về để ghìm cương khi lạm phát. Tháng trước, FED đã nâng lãi suất lên để kìm chế lạm phát. Ngay sau đó là đồng USD mạnh lên so với hầu hết các ngoại tệ khác.
Vậy câu hỏi đặt ra là, vì sao nền kinh tế Mỹ vững mạnh như thế dù trải qua bao nhiêu sóng gió của những cuộc khủng hoảng lớn? Câu trả lời là, nguyên nhân bởi Chính phủ Mỹ và Cục Dữ trữ Liên Bang – FED dùng thuốc đúng liều, đúng thời điểm, nên hạn chế sự tàn phá của các cơn bạo bệnh ập đến nền kinh tế Mỹ.
Còn Việt Nam thì sao? Cơn bệnh đã khỏi nhưng thuốc thì vẫn chưa uống. Khi nền kinh tế Việt Nam điêu đứng vì Covid, Chính phủ cũng dự trù một gói kích cầu 347.000 tỷ đồng, tương đương 15 tỷ đô la. Tuy nhiên cho đến nay, gói kích thích này không được giải ngân được một xu nào.
Gói kích thích mà bị nghẽn thì hậu quả là doanh nghiệp chết hàng loạt và nội lực nền kinh tế bị tổn thương nghiêm trọng. Nếu bung hết 15 tỷ đô ấy, cứu bao nhiêu là công ty, ông Phạm Minh Chính có biết không? Ông Chính có cho thống kê thiệt hại không?
Hiện tại, Việt Nam cũng đang cần chính sách thắt chặt để kìm lạm phát. Xem như gói khích thích kinh tế đang nghẽn ấy có giải ngân cũng vô nghĩa, vì bây giờ là bài toán kìm lạm phát chứ không phải bài toán bơm tiền. Dù tiền không bơm được nhưng lạm phát vẫn cứ tăng bởi thị trường trong nước ảnh hưởng từ tác động bên ngoài.
Với nội lực nền kinh tế bị tổn thương nặng vì không được tiêm thuốc, sức sản xuất yếu đi so với trước dịch, thêm vào đó là giá dầu đang tăng cao nên Việt Nam đang đối mặt với áp lực lạm phát rất lớn. Thuốc mà không uống đúng lúc thì cực kỳ lãng phí.
Ví dụ, công ty A có doanh thu 100 triệu đô la, nó cần 20 triệu đô la để cầm cự qua cơn đại dịch. Vì gói kích cầu bị nghẽn mà nó không thể sống nổi và phải tuyên bố phá sản. Công ty A phá sản làm thiệt hại cho nền kinh tế hàng trăm triệu đô trong khi đó chỉ cần 20 triệu đô là cứu được. Như vậy, với gói kích cầu 15 tỷ đô bị nghẽn thì cái thiệt hại mà nền kinh tế phải gánh gấp nhiều lần con số đó. Trách nhiệm này ai chịu? Ông Phạm Minh Chính chứ không ai khác. Vậy ĐCS có dám lôi cổ ông Phạm Minh Chính ra trị tội không?
Bao nhiêu năm nay, ông Nguyễn Phú Trọng đã miệt mài tóm rất nhiều quan chức vì tội “làm thất thoát gây hậu quả nghiêm trọng”, có người thì gây thất thoát trăm tỷ, có người gây thất thoát ngàn tỷ, nhưng nói chung tổng thiệt hại của những quan chức đó gây ra có thấm gì so với gói kích thích 15 tỷ đô bị nghẽn?
Việc gói kích thích kinh tế bị nghẽn thì tất nhiên phải quy kết trách nhiệm cho ông Phạm Minh Chính. Tuy nhiên, nguyên nhân gốc là do tính đặc thù của kiểu thể chế kinh tế quái đản mà Việt Nam đang theo đuổi. Tự bên trong, các lợi ích nhóm luôn muốn chặn các đường giải ngân để trục lợi.
Lấy ví dụ như gói kích thích y tế 14.000 tỷ bị nghẽn không giải ngân được. Đây là hành động có chủ ý của nhóm mafia y tế đang bủa vây khắp nơi trên toàn cõi Việt Nam. Giả sử gói kích thích được giải ngân thì người dân sẽ được hỗ trợ việc khám, cấp thuốc và test bệnh. Nếu không chặn gói hỗ trợ ấy, thì làm sao nhóm mafia y tế cưỡng bức người dân phải mua bộ kit test của họ với giá “cắt cổ”?
Không chỉ ngành y, mà các ngành khác cũng vậy. Dễ thấy nhất là ngành giáo dục. Nếu gói hỗ trợ triển khai thì nhóm lợi ích bán sách giáo khoa “cắt cổ” làm sao có đất sống? Mà đâu chỉ sách giáo khoa, việc tăng học phí cũng là một hình thức “cắt cổ” dân đấy chứ? Một khi dân được hỗ trợ thì cơ hội trấn lột của liên minh Gian thương – Tham quan sẽ mất cơ hội.
Đó là bản chất vấn đề. Bản chất này là kết quả của thể chế chính trị, vậy nên dù cho ông Trọng có đốt cỡ nào thì bản chất nó vẫn vậy. Bao năm sau vẫn vậy. Quan càng tham, càng giàu có; dân nghèo bị móc túi triền miên và đất nước thì chậm tiến vì mất cơ hội.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét