Thứ Bảy, 14 tháng 5, 2022

20220515. BẾ MẠC HỘI NGHỊ TƯ 5 KHÓA XIII

 ĐIỂM BÁO MẠNG

NHỮNG ĐIỂM CHÍNH TẠI HỘI NGHỊ TRUNG ƯƠNG 5 KHÓA XIII

TTXVN/ GDVN 11-5-2022
GDVN- Sau 6 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, Hội nghị lần thứ năm, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã hoàn thành toàn bộ nội dung, chương trình đề ra.
Theo TTXVN
TOÀN VĂN PHÁT BIỂU BẾ MẠC HỘI NGHỊ TRUNG ƯƠNG 5 CỦA TỔNG BÍ THƯ NGUYỄN PHÚ TRỌNG
BÁO CP / GDVN 11-5-2022
GDVN- Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam trân trọng giới thiệu toàn văn bài Phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 5 của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Kính thưa Trung ương,

Thưa các đồng chí tham dự Hội nghị,

Sau 6 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc và với tinh thần trách nhiệm cao, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra.

Các đồng chí Uỷ viên Trung ương và các đồng chí tham dự Hội nghị đã tập trung công sức, trí tuệ, nghiên cứu tài liệu, tổng kết thực tiễn, phát huy dân chủ, thảo luận thẳng thắn, sôi nổi, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, sâu sắc vào các tờ trình, báo cáo, đề án.

Bộ Chính trị đã tiếp thu tối đa và giải trình có sức thuyết phục những vấn đề còn có ý kiến khác nhau.

Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã nhất trí cao thông qua các Nghị quyết và Kết luận của Hội nghị.

Để kết thúc Hội nghị, tôi xin thay mặt Bộ Chính trị, phát biểu, nhấn mạnh và làm rõ thêm một số vấn đề và khái quát lại những kết quả quan trọng chủ yếu mà Hội nghị của chúng ta lần này đã đạt được.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu bế mạc hội nghị. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

1. Về vấn đề quản lý và sử dụng đất đai

Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã bám sát Cương lĩnh của Đảng, Hiến pháp của Nhà nước, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và kết quả tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khoá XI, dành nhiều thời gian để nghiên cứu, thảo luận và đã thống nhất cao ban hành Nghị quyết mới về "Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất; tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao".

Trung ương cho rằng, cần phải kế thừa, bổ sung, phát triển Nghị quyết Trung ương 6 theo hướng tiếp tục khẳng định: Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý.

Nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào các mục đích quốc phòng, an ninh, phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và các dự án phát triển kinh tế - xã hội theo luật định, bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch.

Quản lý và sử dụng đất phải bảo đảm lợi ích chung của toàn dân; nhân dân được tạo điều kiện tiếp cận, sử dụng đất một cách công bằng, hiệu quả và bền vững.

Nhà nước thống nhất quản lý đất đai theo lãnh thổ quốc gia, cả về diện tích, chất lượng, giá trị kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh, môi trường; phân công hợp lý giữa các cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương, đồng thời có sự phân cấp, phân quyền phù hợp, hiệu quả đối với các địa phương.

Quyền sử dụng đất là quyền sử dụng một loại tài sản và hàng hoá đặc biệt nhưng không phải là quyền sở hữu; quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất được pháp luật bảo hộ. Người sử dụng đất có quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật.

Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại đất đã được Nhà nước giao cho các tổ chức, cá nhân khác sử dụng trong quá trình thực hiện chính sách, pháp luật về đất đai; không đặt vấn đề điều chỉnh lại đất nông nghiệp đã giao cho hộ gia đình, cá nhân; có chính sách để đất nông nghiệp được sử dụng một cách có hiệu quả cao nhất.

Thể chế, chính sách về đất đai phải được hoàn thiện đồng bộ và phù hợp với thể chế phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trong đó có chính sách phù hợp đối với đối tượng, loại hình sử dụng đất để khơi dậy tiềm năng, phát huy cao nhất nguồn lực tài nguyên đất đai; kiên quyết khắc phục tình trạng đầu cơ đất, sử dụng đất không đúng mục đích, lãng phí, tham nhũng, tiêu cực, gây khiếu kiện, bức xúc trong nhân dân.

Nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước về đất đai. Hiện đại hoá công tác quản lý đất đai và dịch vụ công về đất đai. Củng cố, hoàn thiện hệ thống tổ chức bộ máy quản lý đất đai một cách tập trung, đồng bộ, thống nhất.

Nâng cao vai trò và năng lực của các cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan tư pháp trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, tranh chấp về đất đai.

Đất đai phải được điều tra, đánh giá, thống kê, kiểm kê, lượng hoá, hạch toán đầy đủ trong nền kinh tế; được quy hoạch sử dụng hợp lý, với tầm nhìn dài hạn, hài hoà lợi ích giữa các thế hệ, các vùng, miền; giữa Trung ương và địa phương; giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; bảo đảm an ninh lương thực quốc gia.

Giải quyết tốt những bất cập, vướng mắc trong việc quản lý và sử dụng đất do lịch sử để lại và từ yêu cầu mới đặt ra của thực tiễn.

Trên cơ sở thống nhất về nhận thức, quán triệt đầy đủ, sâu sắc những quan điểm, tư tưởng chỉ đạo nêu trên, Hội nghị Trung ương lần này đã đi sâu phân tích, đánh giá và thống nhất cao về các giải pháp, chủ trương, định hướng tiếp tục đổi mới, hoàn thiện và tổ chức thực hiện tốt hơn nữa luật pháp, chính sách về đất đai, trước hết là sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai năm 2013 và các luật pháp có liên quan để khắc phục những hạn chế, yếu kém tồn tại kéo dài lâu nay, đặc biệt là những hạn chế, yếu kém liên quan đến công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất; hỗ trợ, bồi thường, tái định cư, thu hồi đất; chính sách tài chính đất đai và xác định giá đất; chế độ quản lý và sử dụng đất nông nghiệp; đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh, đất dành cho việc thờ tự, tôn giáo, nghĩa trang, nghĩa địa; quản lý nhà nước về đất đai...

Trung ương còn nhấn mạnh, trong quá trình tổ chức thực hiện, cần thường xuyên tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước; phát huy vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và toàn dân để tạo sự đồng thuận, đưa chính sách, pháp luật về đất đai thực sự đi vào cuộc sống.

2. Về vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn

Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thảo luận sôi nổi và cho nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm để hoàn thiện "Báo cáo tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khoá X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn".

Trung ương nhận thấy: Sau gần 15 năm thực hiện Nghị quyết, với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, sự chung sức, đồng lòng của toàn dân, nước ta đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, toàn diện, nhất là trong việc cơ cấu lại nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn và cải thiện đời sống của nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước ngày càng được củng cố, nâng cao.

Nông nghiệp đang tiếp tục được phát triển cả về quy mô và trình độ sản xuất, duy trì tăng trưởng ở mức khá cao và tiếp tục khẳng định được vai trò và vị trí quan trọng, là trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia.

Sản xuất, kinh doanh nông nghiệp đang chuyển mạnh theo hướng nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng, từng bước thích ứng với biến đổi khí hậu; phát huy lợi thế vùng, miền, địa phương; chú trọng ứng dụng khoa học - công nghệ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Hệ thống tổ chức sản xuất, kinh doanh ngày càng được hoàn thiện, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị nông sản toàn cầu.

Tỉ lệ nông sản qua chế biến tăng dần; thị trường tiêu thụ được mở rộng cả trong và ngoài nước; xuất khẩu tăng nhanh cả về sản lượng, giá trị và tỉ trọng sản phẩm chất lượng cao. Việt Nam đã trở thành một trong những nước xuất khẩu nông sản lớn trên thế giới.

Nông dân nước ta đã phát huy tốt hơn vai trò là chủ thể, tích cực trong chuyển đổi cơ cấu sản xuất, ứng dụng khoa học - công nghệ, tham gia hợp tác, liên kết, khôi phục và phát triển ngành nghề nông thôn; xây dựng nông thôn mới, giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở nông thôn.

Thu nhập của nông dân ngày càng tăng, đời sống vật chất và tinh thần không ngừng được cải thiện; tỉ lệ hộ nghèo ở nông thôn giảm nhanh; dân chủ cơ sở ngày càng được phát huy.

Nông thôn đang có nhiều thay đổi rõ rệt, khá toàn diện, thể hiện rõ vai trò là địa bàn chiến lược trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cơ cấu kinh tế của khu vực nông thôn chuyển đổi tích cực; tỉ trọng kinh tế công nghiệp và dịch vụ tăng khá.

Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới đã trở thành phong trào sâu rộng, có sức lan toả mạnh mẽ, nhận được sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở, của toàn dân và cộng đồng doanh nghiệp, đã về đích sớm hơn 1,5 năm so với mục tiêu đề ra.

Để tiếp tục phát huy những kết quả, thành tựu đã đạt được, khắc phục những hạn chế, yếu kém còn tồn tại, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa, thực hiện thành công những mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra, chúng ta phải nhận thức thật đầy đủ và đúng đắn hơn nữa về vị trí, vai trò có ý nghĩa chiến lược lâu dài của phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn đối với sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; coi đây là cơ sở và lực lượng đặc biệt quan trọng để phát triển nhanh, bền vững kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá và sức mạnh con người Việt Nam.

Công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Nhà nước cần phải tiếp tục ưu tiên nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Phát triển hài hoà giữa nông thôn và thành thị, giữa các vùng, miền; gắn kết chặt chẽ giữa công nghiệp, dịch vụ với nông nghiệp; giữa phát triển nông thôn bền vững với quá trình đô thị hoá theo hướng "nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh".

Khẳng định Nông dân là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp. Chú trọng nâng cao trình độ, năng lực làm chủ của nông dân theo hướng phát triển toàn diện, văn minh; phát huy tinh thần yêu nước, đoàn kết, tự chủ, tự lực, tự cường, đổi mới sáng tạo; ý chí vươn lên, khát vọng xây dựng quê hương, đất nước phồn vinh, hạnh phúc; có trình độ tổ chức sản xuất tiên tiến, nếp sống văn minh, trách nhiệm xã hội, tôn trọng pháp luật, bảo vệ môi trường; được thụ hưởng những thành quả phát triển kinh tế - xã hội và tiếp cận các dịch vụ, tiệm cận với đô thị.

Phát triển nông nghiệp, nông thôn phải hướng tới nâng cao toàn diện đời sống vật chất, tinh thần của nông dân và người dân nông thôn; lấy lợi ích của người dân là mục tiêu cao nhất.

Phải nhận thức và xác định rõ, nông nghiệp là một lợi thế của quốc gia, là trụ đỡ của nền kinh tế.

Phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững, minh bạch, trách nhiệm, tích hợp đa giá trị theo hướng giữ vững an ninh lương thực quốc gia, bảo vệ môi trường sinh thái; khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn.

Phát huy lợi thế vùng, miền; tổ chức sản xuất, kinh doanh nông nghiệp theo chuỗi giá trị, dựa trên nền tảng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo; giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Chuyển mạnh từ sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ sang phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với nhu cầu thị trường, nâng cao giá trị gia tăng, năng lực cạnh tranh; phát triển cả thị trường trong nước và thị trường xuất khẩu.

Xây dựng nông thôn hiện đại, phồn vinh, hạnh phúc, dân chủ, văn minh; có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, kết nối với đô thị; có đời sống văn hoá lành mạnh, phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc; có môi trường xanh, sạch, đẹp; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.

Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội cần chú trọng phát triển hài hoà, đồng bộ cả nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, gắn với cơ cấu lại lao động, tạo sinh kế, việc làm tại chỗ, nâng cao thu nhập cho nông dân và người dân nông thôn.

Xây dựng nông thôn mới ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả và bền vững. Quản lý, sử dụng một cách hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên đất, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển bền vững các hệ sinh thái. Chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu; nâng cao khả năng chống chịu, bảo đảm an toàn cho người dân.

Phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống của nông dân và người dân nông thôn là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị.

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu. Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước.

Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc giám sát, phản biện và vận động đoàn viên, hội viên, người dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

3. Về vấn đề phát triển kinh tế tập thể

Hội nghị Trung ương lần này cũng đã thống nhất cao về sự cần thiết phải tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò và những kết quả quan trọng đã đạt được của kinh tế tập thể nước ta trong suốt 20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khoá IX; đồng thời chỉ ra những hạn chế, yếu kém còn tồn tại và nguyên nhân.

Trung ương cho rằng, có nhiều nguyên nhân, cả khách quan và chủ quan, nhưng nguyên nhân chủ quan vẫn là chủ yếu, đặc biệt là do: Nhận thức của nhiều cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, đảng viên và người dân về bản chất, vị trí, vai trò của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta chưa thật đầy đủ, thiếu thống nhất, thậm chí còn bị chi phối, ảnh hưởng bởi định kiến về mô hình hợp tác xã kiểu cũ.

Việc lãnh đạo, chỉ đạo của nhiều cấp uỷ đảng và chính quyền còn hình thức, chưa thực sự quan tâm, thậm chí còn lúng túng, hoài nghi về sự thành công của kinh tế tập thể.

Công tác hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết, xây dựng thể chế, chính sách còn chậm, thiếu cụ thể, hiệu quả chưa cao. Chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho kinh tế tập thể tuy đã có nhiều nhưng còn dàn trải, phân tán, chưa thống nhất, thiếu nguồn lực để tổ chức thực hiện.

Bộ máy quản lý nhà nước về kinh tế tập thể chưa được kiện toàn, còn nhiều bất cập, không thống nhất, thiếu chặt chẽ, phân tán, hoạt động chưa hiệu quả; ở một số nơi còn tình trạng buông lỏng quản lý hoặc can thiệp quá sâu, không đúng đối với tính chất tổ chức, hoạt động của hợp tác xã; hoạt động thanh tra, kiểm tra việc thực thi pháp luật về kinh tế tập thể chưa sâu sát, chưa thường xuyên.

Việc đánh giá về hiệu quả và đóng góp của kinh tế tập thể còn phiến diện, thiên về mặt kinh tế, chưa chú ý đúng mức đến mặt chính trị, văn hoá, xã hội, môi trường,... dẫn đến hạ thấp vai trò, vị trí của kinh tế tập thể trong nền kinh tế nhiều thành phần ở nước ta.

Kinh tế tập thể, hợp tác xã phần lớn có quy mô còn nhỏ, năng lực nội tại còn yếu; đội ngũ cán bộ hợp tác xã cơ bản chưa được đào tạo chuyên sâu.

Việc tổng kết lý luận và thực tiễn về kinh tế tập thể chưa kịp thời; tâm lý xã hội nói chung còn rất e ngại đối với kinh tế tập thể; thành viên hợp tác xã vẫn còn tâm lý ỷ lại, dựa dẫm lẫn nhau hoặc trông chờ sự trợ cấp của Nhà nước.

Ban Chấp hành Trung ương Đảng yêu cầu, trong thời gian tới, phải tiếp tục quán triệt, nhận thức sâu sắc, đầy đủ, thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Đại hội XIII và Nghị quyết của Trung ương lần này về phát triển kinh tế tập thể phù hợp với yêu cầu và tính chất của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của nước ta.

Phải thường xuyên quan tâm đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác, mà nòng cốt là các hợp tác xã kiểu mới; coi đây là một thành phần kinh tế quan trọng cùng với kinh tế nhà nước ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân.

Khẳng định phát triển kinh tế tập thể là xu thế tất yếu khách quan và phải xuất phát từ nhu cầu thiết thực của các thành viên; bảo vệ lợi ích và tạo điều kiện cho các thành viên hăng say làm việc, lao động tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất kinh doanh, phát triển bền vững; tôn trọng các giá trị, nguyên tắc hoạt động của hợp tác xã, phù hợp với điều kiện, đặc điểm kinh tế - xã hội của từng địa phương, từng vùng và của cả nước.

Kinh tế tập thể có nhiều hình thức tổ chức, hợp tác đa dạng, phát triển từ thấp đến cao (tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã...), trong đó hợp tác xã là nòng cốt.

Kinh tế tập thể phát triển dựa trên sở hữu riêng của thành viên và sở hữu chung của tổ chức; tổ chức hoạt động theo nguyên tắc đối nhân, không chỉ phụ thuộc vào vốn góp; phân phối theo mức độ tham gia dịch vụ, theo lao động và theo vốn góp.

Kinh tế tập thể lấy lợi ích kinh tế là chính, bao gồm cả lợi ích của thành viên, của tập thể và lợi ích của xã hội, của Nhà nước; đồng thời coi trọng lợi ích về chính trị, văn hoá, xã hội trên địa bàn.

Thành viên kinh tế tập thể bao gồm các cá nhân và pháp nhân, thành viên chính thức và thành viên liên kết, cả người ít vốn và người nhiều vốn, cùng góp vốn, góp sức trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, cùng có lợi, và quản lý dân chủ.

Khuyến khích việc tích lũy và sử dụng có hiệu quả vốn, tài sản chung trong tổ chức kinh tế hợp tác.

Phát triển kinh tế tập thể cả về số lượng và chất lượng, trong đó chú trọng về chất lượng; bảo đảm sự hài hoà trong tất cả các ngành, các lĩnh vực, các địa bàn của nền kinh tế; có chính sách ưu tiên các tổ chức kinh tế hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp, gắn hoạt động sản xuất kinh doanh với chuỗi giá trị sản phẩm, ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; ưu tiên phát triển các tổ chức kinh tế hợp tác gắn với kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức.

Đánh giá hiệu quả của kinh tế tập thể phải toàn diện, cả về kinh tế lẫn chính trị, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh; về hiệu quả của tổ chức và của các thành viên.

Phải nhận thức rõ: Phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của kinh tế tập thể là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị.

Cấp uỷ đảng, chính quyền các cấp phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế tập thể, và coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên.

Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, Liên minh hợp tác xã phải phối hợp chặt chẽ trong việc tuyên truyền, vận động quần chúng tham gia phát triển kinh tế tập thể.

4. Về vấn đề xây dựng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên

Hội nghị đã thảo luận sôi nổi, tâm huyết và thống nhất cao về sự cần thiết phải tạo cho được sự chuyển biến mạnh mẽ và thực chất hơn nữa trong việc nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng của đội ngũ cán bộ, đảng viên, góp phần xây dựng Đảng ta và hệ thống chính trị ở nước ta thật sự trong sạch, vững mạnh toàn diện từ gốc, từ cơ sở; xây dựng đội ngũ cấp uỷ viên, nhất là bí thư cấp uỷ có đủ năng lực, uy tín lãnh đạo tổ chức cơ sở đảng thực hiện cóhiệu quả nhiệm vụ chính trị; nâng cao chất lượng công tác phát triển đảng viên và chất lượng đảng viên, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.

Trung ương đặc biệt nhấn mạnh: Để thực hiện thành công mục tiêu tổng quát cũng như các mục tiêu cụ thể đến năm 2025 và năm 2030 như đã đề ra, cần phải nâng cao hơn nữa sự thống nhất về nhận thức, và đổi mới, hành động quyết liệt hơn nữa. Cụ thể là:

Về nhận thức, phải xác định rõ tổ chức cơ sở đảng là nền tảng của Đảng, là hạt nhân chính trị ở cơ sở, là cầu nối giữa Đảng với nhân dân, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng ở cơ sở, có vị trí rất quan trọng trong hệ thống tổ chức của Đảng.

Đội ngũ đảng viên có vai trò trực tiếp và là nhân tố cơ bản quyết định năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng.

Công tác xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh; nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, liên tục, là trách nhiệm của các cấp uỷ đảng, đảng viên, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, thực hiện thành công sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng phải gắn liền với xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; phải lấy kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng cơ sở và sự hài lòng của nhân dân làm thước đo năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng.

Quá trình thực hiện phải thường xuyên kết hợp giữa xây dựng cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh với củng cố, chấn chỉnh cơ sở đảng yếu kém; coi trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng phải đi đôi với xây dựng, củng cố hệ thống chính trị thực sự trong sạch, vững mạnh; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng; bảo đảm tính lãnh đạo, tính giáo dục, tính chiến đấu, vai trò tiên phong, gương mẫu trong sinh hoạt đảng; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Đồng thời, cần tạo môi trường để đảng viên rèn luyện, phấn đấu, nâng cao bản lĩnh chính trị, tính tiên phong, gương mẫu, thực hiện nghiêm các nguyên tắc về sinh hoạt đảng và lời thề của đảng viên khi vào Đảng.

Phát huy thật tốt dân chủ trong Đảng và trong xã hội; tăng cường mối quan hệ máu thịt với nhân dân và chịu sự giám sát của nhân dân; phải dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng và rèn luyện đảng viên.

Coi trọng chất lượng phát triển đảng viên, chú trọng hơn nữa đến việc rèn luyện, bồi dưỡng quần chúng, đối tượng cảm tình đảng, trước khi vào Đảng phải thực sự là những quần chúng ưu tú không chỉ về năng lực công tác mà phải thực sự tiêu biểu về phẩm chất, đạo đức, lối sống, có động cơ trong sáng với phương châm "quý hồ tinh bất quý hồ đa".

Thường xuyên rà soát, sàng lọc, kịp thời và kiên quyết đưa những người không còn đủ tư cách đảng viên ra khỏi Đảng.

Về hành động, cần khẩn trương, nghiêm túc xây dựng và tổ chức thực hiện thật tốt các chương trình, kế hoạch hành động liên quan đến việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu mà Nghị quyết lần này của Trung ương đã đề ra, như: Đổi mới, hoàn thiện tổ chức của các loại hình tổ chức cơ sở đảng; rà soát, sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm, mối quan hệ công tác cho phù hợp với từng loại hình tổ chức cơ sở đảng.

Xác định rõ những mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ và giải pháp đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của tổ chức cơ sở đảng; nâng cao chất lượng sinh hoạt của đảng bộ, chi bộ; bồi dưỡng, nâng cao năng lực lãnh đạo, kỹ năng nghiệp vụ cho đội ngũ cấp uỷ viên các cấp...

Để thực hiện thành công mục tiêu, yêu cầu và các nhiệm vụ và giải pháp đề ra, Ban Tổ chức Trung ương và các Ban Đảng, các cơ quan tham mưu, giúp việc ở Trung ương cần sớm có hướng dẫn tổ chức thực hiện; các tỉnh, thành uỷ, các đảng bộ trực thuộc Trung ương phải thực sự năng động, chủ động cụ thể hoá các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp mà Nghị quyết của Trung ương đã đề ra, sao cho thật sát hợp với yêu cầu, nhiệm vụ chính trị và đặc điểm của địa phương mình, ngành mình, cơ quan, đơn vị mình; và đặc biệt là từng cơ sở đảng phải đề ra và tổ chức thực hiện thật nghiêm, thật tốt những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, phù hợp với cơ sở mình.

Từng đảng viên cũng phải xác định rõ bổn phận và trách nhiệm thiêng liêng và cao cả của mình khi được đứng trong hàng ngũ của Đảng, không ngừng phấn đấu và rèn luyện bản lĩnh chính trị, tu dưỡng về phẩm chất đạo đức, lối sống; thường xuyên tự phê bình và phê bình, gương mẫu học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh.

Chỉ có như vậy thì tổ chức đảng và đảng viên mới thật sự trong sạch, vững mạnh, có uy tín với quần chúng nhân dân.

Trong quá trình thực hiện Nghị quyết, cần hết sức coi trọng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng, qua đó kịp thời phát hiện, biểu dương, nhân rộng các điển hình tiên tiến; kịp thời củng cố các tổ chức đảng yếu kém; xử lý nghiêm các đảng viên thoái hoá, biến chất, vi phạm pháp luật và kỷ luật đảng.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội thông qua các hoạt động của mình, phát huy vai trò của đoàn viên, hội viên và nhân dân tham gia xây dựng Đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên ngày càng trong sạch, vững mạnh.

5. Về Báo cáo kết quả kiểm điểm, tự phê bình và phê bình của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2021

Ban Chấp hành Trung ương đánh giá cao sự chuẩn bị và tiến hành kiểm điểm hết sức nghiêm túc, trách nhiệm, gương mẫu của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; và hoàn toàn đồng tình, nhất trí cao với Báo cáo, đặc biệt là những bài học kinh nghiệm dẫn đến thành công của năm 2021 được rút ra, đó là:

(1) Tập thể Bộ Chính trị, Ban Bí thư, lãnh đạo chủ chốt là một tập thể đoàn kết, thống nhất, trên dưới đồng lòng, đã phát huy những bài học kinh nghiệm được rút ra tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt, toàn diện, đồng bộ, thường xuyên công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; xây dựng Nhà nước và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; quán triệt, thực hiện nghiêm túc quan điểm "dân là gốc"; lãnh đạo, chỉ đạo với quyết tâm chính trị cao, hành động quyết liệt, có bước đi phù hợp; chủ động nghiên cứu, nắm bắt, dự báo đúng tình hình; kiên quyết, kiên trì bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, giữ vững môi trường hoà bình, ổn định để phát triển đất nước; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế; khai thác, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực để phát triển đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

(2) Trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã bám sát Quy chế làm việc, Chương trình làm việc toàn khoá và Chương trình làm việc năm 2021, bảo đảm sự chỉ đạo, điều hành khoa học, phối hợp nhịp nhàng, thống nhất, không có tình trạng chồng chéo hoặc "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược".

(3) Phương thức lãnh đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư có đổi mới, có sự phân công, phân nhiệm cụ thể, rõ ràng, bảo đảm được sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành trực tiếp, toàn diện.

Đồng thời, Trung ương cũng đồng tình, nhấn mạnh thêm sự cần thiết phải tập trung ưu tiên lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2022 do Bộ Chính trị, Ban Bí thư đề ra trong Báo cáo.

6. Về một số vấn đề quan trọng khác

Bên cạnh những vấn đề nêu trên đây, Ban Chấp hành Trung ương cũng đã bàn và thống nhất rất cao về chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, coi đây là việc làm cần thiết, đúng đắn, phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.

Nghiêm túc tổ chức, hoạt động theo đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn như nêu trong Đề án chắc chắn sẽ góp phần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, tạo sự chuyển biến tích cực, mạnh mẽ hơn nữa, hiệu lực, hiệu quả cao hơn nữa trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta theo đúng tinh thần: "Trên Dưới đồng lòng, Dọc Ngang thông suốt!".

Tại Hội nghị này, Trung ương cũng đã nghe báo cáo chuyên đề về cuộc "Xung đột Nga - U-crai-na: Tác động quốc tế và những vấn đề đặt ra". Hội nghị đã biểu thị sự đồng tình, đánh giá cao về những chủ trương, quyết sách kịp thời, đúng đắn, sáng suốt của Đảng và Nhà nước ta trước những diễn biến mới rất phức tạp tại U-crai-na và trên thế giới; đồng thời yêu cầu phải tiếp tục theo dõi sát sao tình hình; dự báo các tình huống, khả năng có thể xẩy ra để chủ động có các phương án ứng phó kịp thời, phù hợp, có hiệu quả; giảm thiểu tối đa những tác động tiêu cực, theo đúng tinh thần "Việt Nam sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy, có trách nhiệm của tất cả các nước trong cộng đồng quốc tế".

Thưa các đồng chí,

Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII đã thành công tốt đẹp, hoàn thành có chất lượng cao một khối lượng công việc lớn, rất quan trọng.

Chúng ta đã bàn và nhất trí cao về nhiều chủ trương, định hướng cơ bản, quan trọng trên các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ mới.

Thành công của Hội nghị Trung ương lần này, ngoài sự nỗ lực tích cực, đầy tinh thần trách nhiệm của các đồng chí Trung ương, các đồng chí tham dự Hội nghị, các cấp uỷ, chính quyền, các cơ quan và cán bộ tham mưu, còn có phần đóng góp quan trọng của cán bộ, đảng viên và nhân dân cả nước, đặc biệt là các đồng chí cán bộ lão thành, các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà quản lý, những người luôn luôn quan tâm, nhiệt tình hưởng ứng và có nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết, trí tuệ cho công việc chung của Đảng và Nhà nước.

Thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng, tôi xin trân trọng cảm ơn những tình cảm và sự đóng góp quý báu đó.

Tôi tin tưởng rằng, với thành công của Hội nghị lần này và với truyền thống đoàn kết, nhất trí trong Đảng, trước hết là trong Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; sự ủng hộ, hưởng ứng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, nhất định chúng ta sẽ tổ chức thực hiện thành công các Nghị quyết, Kết luận của Hội nghị Trung ương lần này, góp phần từng bước thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Tôi xin tuyên bố bế mạc Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII. Chúc các đồng chí mạnh khoẻ, hạnh phúc, hoàn thành xuất sắc trọng trách trước Đảng và nhân dân với niềm tin mới và khí thế mới.

Tôi xin trân trọng cảm ơn.

Theo Baochinhphu.vn
TƯỚC QUYỀN TƯ HỮU ĐẤT ĐAI LÀ TƯỚC TẤT CẢ
TRÂN VĂN/VOA/TD 12-5-2022
KHÔNG AI NGỜ TRONG HỘI NGHỊ LẦN THỨ NĂM, BCH TƯ ĐẢNG KHÓA 13 LẠI TIẾP TỤC BIỂU DIỄN “THÀNH TÂM, THIỆN Ý” ĐỂ TRẤN AN CÔNG CHÚNG ĐANG BẤT BÌNH VÌ VÔ SỐ BẤT CẬP VỀ KINH TẾ - XÃ HỘI DO PHỦ NHẬN QUYỀN TƯ HỮU ĐẤT ĐAI...
Hội nghị lần thứ năm của Ban Chấp hành Trung ương (BCH TƯ) đảng khóa 13 đã kết thúc và ông Nguyễn Phú Trọng đã khiến nhiều người, nhiều giới ngỡ ngàng khi loan báo: BCH TƯ đảng khóa này thống nhất khẳng định, “quyền sử dụng đất là quyền sử dụng một loại tài sản và hàng hoá đặc biệt nhưng không phải là quyền sở hữu” (1).
Trừ các... luật gia XHCN tại Việt Nam, chắc chắn các chuyên gia về dân luật, về công pháp cả ở trong lẫn ngoài Việt Nam sẽ phải nghiêng mình nhận... thua thêm một lần nữa trước Tổng Bí thư đảng CSVN và các thành viên BCH TƯ đảng CSVN khóa năm, bởi họ không thể lĩnh hội và tất nhiên không thể dùng kiến thức, khả năng chuyên môn để lý giải cho phần còn lại của thế giới rằng vì sao, một tổ chức chính trị lại có quyền tước bỏ quyền tư hữu về đất đai của dân chúng trong một quốc gia? Vì sao đã gần hết ¼ thế kỷ 21 mà tất cả thành viên của một xã hội “công bằng, dân chủ, văn minh” chỉ có... “quyền sử dụng đất như một loại tài sản và hàng hóa đặc biệt”?.
***
Ông Trọng và các thành viên cao cấp trong đảng của ông đã cũng như đang tiếp tục ngụy biện về việc phủ nhận quyền tư hữu về đât đai. Trước khi “thống nhất nhận định”, rằng dân chúng Việt Nam vẫn chỉ có quyền sử dụng đất như... “quyền sử dụng một loại tài sản và hàng hoá đặc biệt”, lúc trình bày “Đề án tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khoá XI về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai” tại Hội nghị lần thứ năm, ông Trong đã từng thừa nhận: Hơn 70% số vụ tố cáo, khiếu nại thuộc về lĩnh vực đất đai. Nhiều người giàu lên nhờ đất nhưng cũng có không ít người nghèo đi vì đất, thậm chí bị đi tù cũng vì đất, mất cả tình nghĩa cha con, anh em vì đất...
Những thắc mắc của ông Trọng, chẳng hạn: Vì sao nguồn lực đất đai chưa được phát huy đầy đủ để trở thành nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội? Vì sao ở nhiều nơi, việc sử dụng đất còn lãng phí, hiệu quả thấp; tệ tham nhũng, tiêu cực liên quan đến đất đai chậm được đẩy lùi, thậm chí gia tăng? Vì sao số vụ khiếu nại, tố cáo thuộc về lĩnh vực đất đai vẫn còn nhiều và phức tạp? Vì sao thị trường bất động sản phát triển thiếu lành mạnh, chưa bền vững và còn tiềm ẩn nhiều rủi ro?... Đâu là nguyên nhân thuộc về quan điểm, chủ trương, chính sách nêu trong Nghị quyết và bất cập của Luật Đất đai năm 2013?..
Rồi đề nghị của ông Trọng: Tổng kết thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu của BCH TƯ đảng khoá 11 về đất đai là yêu cầu cần thiết nhằm thực hiện Nghị quyết Đại hội 13 của đảng, tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc trong công tác quản lý và sử dụng đất đai, bảo đảm hài hoà các lợi ích của nhà nước, người dân và nhà đầu tư, tạo nguồn lực và động lực mới để phấn đấu đến năm 2030 nước ta trở thành nước công nghiệp hiện đại (2)... khiến nhiều người, nhiều giới tin rằng, BCH TƯ đảng khóa 13 sẽ yêu cầu sửa Luật Đất đai hiện hành đến tận gốc – công nhân quyền tư hữu về đất đai để chấm dứt thực trạng như đã thấy và đang biết.
Không ai ngờ trong Hội nghị lần thứ năm, BCH TƯ đảng khóa 13 lại tiếp tục biểu diễn “thành tâm, thiện ý” để trấn an công chúng đang bất bình vì vô số bất cập về kinh tế - xã hội do phủ nhận quyền tư hữu đất đai, giống hệt như BCH TƯ đảng khóa 11 từng biểu diễn tại Hội nghị lần thứ sáu, cách nay đúng mười năm!
Ngày 15/10/2012, BCH TƯ đảng khóa 11 công bố Thông báo về Hội nghị lần thứ sáu. Đây là nguyên văn phần về đất đai trong thông báo: BCH TƯ nhấn mạnh, đất đai là tài nguyên quốc gia vô cùng quý giá, là tư liệu sản xuất đặc biệt, là tài sản, nguồn lực to lớn của đất nước, là nguồn sống của nhân dân. Quản lý và sử dụng đất đai là vấn đề rộng lớn, phức tạp, hệ trọng, liên quan đến việc giữ vững thành quả cách mạng, ổn định chính trị, xã hội, đưa đất nước phát triển bền vững.
Do vậy, trong thời gian tới, cần tiếp tục quán triệt sâu sắc những quan điểm chỉ đạo và tích cực triển khai các định hướng đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong Nghị quyết Trung ương 7 khoá 11, Kết luận Hội nghị Trung ương 5 khoá 11 gắn với việc xem xét, đánh giá những vấn đề mới trong lĩnh vực này.
Định hướng tiếp tục đổi mới và hoàn thiện chính sách, pháp luật về đất đai tập trung cho các vấn đề: Quy hoạch sử dụng đất. Giao đất, cho thuê đất. Thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Đăng ký đất đai và cấp giấy chứng nhận. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, hộ gia đình và cá nhân được giao quyền sử dụng đất. Phát triển thị trường bất động sản. Vhính sách tài chính về đất đai; về giá đất... BCH TƯ đã ra nghị quyết về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại (3).
Nói cách khác, sau mười năm, bất chấp thực trạng kinh tế - xã hội tồi tệ hơn, phủ nhận quyền tư hữu đất đai tiếp tục khiến bất công, hối mại quyền thế, tham nhũng trắng trợn hơn, hậu quả trầm trọng hơn, đường hướng của ông Trọng nói riêng và các thành viên cao cấp trong đảng CSVN vẫn thế.
Khác biệt chỉ nằm ở chỗ, mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một “nước công nghiệp hiện đại” đã được chuyển từ... 2020 đến... 2030. Vì sao lại thế? Câu trả lời rất đơn giản: Thừa nhận quyền tư hữu đất đai thì phải xét lại nhiều thứ, thậm chí phải bồi thường những thiệt hại do thủ tiêu quyền tư hữu đất đai, khó luận giải về chuyện phải xây dựng CNXH... Thủ tiêu quyền tư hữu đất đai có thể khiến mọi thứ càng ngày càng tồi tệ nhưng khi Việt Nam không... chệch hướng, vẫn tiếp tục là một quốc gia XHCN thì đảng còn tiếp tục nắm giữ quyền lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối, bất kể việc thực thi quyền đó càn rỡ tới mức nào, ví dụ như chỉ cho phép công dân có quyền... sử dụng đất!
Chú thích
ĐƯỜNG XA VẠN DẶM
NGUYỄN THÙY DƯƠNG/ TD 11-5-2022
Hôm nay, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc vào tiếp xúc cử tri TP. Thủ Đức, dân mất đất Thủ Thiêm trông ngóng gặp Chủ tịch nước giãi bày tâm tư, nguyện vọng. Nỗi lòng của dân khoắc khoải, bồn chồn trước một trong những con người nắm giữ vị trí quan trọng của quốc gia như một lẽ thường tình.
Cán bộ TP. Thủ Đức cho hay, hội trường nhỏ chỉ có sức chứa 200 người. Mỗi phường 5 cử tri, TP. Thủ Đức mới lập có tới 34 phường, cộng thêm cán bộ là hết 200 ghế. Cử tri tự do không còn chỗ. Vậy sao hội trường Nhà thiếu nhi quận 2 cũ, lớn hơn, lại không dùng? Tôi cũng không hiểu cách sắp xếp của chính quyền bởi tôi có phải là chính quyền đâu?
Dân Thủ Thiêm đã tìm mọi cách để được phát biểu, được tiếp xúc cùng ông Phúc. Giải quyết được hay không chưa biết, nhưng rõ ràng dân mất nhà như kẻ chết đuối, mong với được cái bẹp dừa hay mảnh gỗ giữa dòng, gặp đi, nói lên được cái oan, cái đau đớn đi, rồi quỳ rồi khóc, rồi cầu xin. Chỉ một lời hứa khả, dân như thắp nên một ánh sáng hi vọng lớn lao.
Đáp lại là gì? Là hàng rào kỹ thuật, là những người đàn ông mặc thường phục kè sát dân Thủ Thiêm, là những kẻ bịt mặt trấn lột áo có in chữ Thủ Thiêm và bản đồ của mấy bà má Thủ Thiêm, là xe cứu thương giăng lối sẵn sàng, là những kẻ canh me chụp giật điện thoại.
Hội trường trong kia, dân ngoài này cách nhau đâu có bao xa. Vậy mà, vạn lý quan san cách trở trùng trùng, quan đó dân đây như hai bức tranh đối lập. Khoảng cách xa nhất giữa các tầng lớp không phải khoảng cách cự ly mà là khoảng cách của tình người.
Thôi thì chúc Chủ tịch nước có buổi tiếp xúc cử tri thành công khi không có dịp gặp được những cử tri bần cùng làm bẩn mắt ngài.
Chẳng phải lỗi của ai cả, tất cả đều hợp lý. Lỗi là lỗi số phận thôi ha!
CHỜ ĐỘI NHỮNG CHỦ TRƯƠNG, CHÍNH SÁCH MỚI VỀ ĐẤT ĐAI TỪ HỘI NGHỊ TRUNG ƯƠNG 5
CÙ VĂN TRUNG/ VNN 9-5-2022
Từ những chủ trương mới của Đảng, Quốc hội, Chính phủ thể chế hóa bằng pháp luật, góp phần quản lý, sử dụng hiệu quả đất đai và hạn chế tình trạng “giàu lên nhờ đất, đi tù cũng vì đất” như Tổng Bí thư nói.

Một trong những nội dung quan trọng được đưa ra thảo luận tại Hội nghị Trung ương lần thứ 5 Khóa XIII đang diễn ra là tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XI về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới.

Đất đai là một lĩnh vực rất rộng lớn, cơ bản, hết sức phức tạp, nhạy cảm, đặc biệt quan trọng, hệ trọng đối với sự ổn định và phát triển bền vững đất nước. Trong thời kỳ Đổi mới đến nay, Đảng và Nhà nước không ngừng hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách về đất đai. 


Hội nghị Trung ương 5. Ảnh: Nhật Bắc 

Nhiều đạo luật có liên quan đến đất đai đã được ra đời như: Luật Nhà ở, Luật Xây dựng, Luật khoáng sản, Luật Kinh doanh Bất động sản… Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn không ít ý kiến khác nhau về nhận thức về sở hữu toàn dân về đất đai; chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về đất đai. Chủ trương, chính sách về đất đai, nhất là về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; về tài chính đất đai, xác định giá đất và phát triển thị trường bất động sản…

Hội nghị Trung ương lần này tiếp tục xem xét, thảo luận và thông qua những vấn đề đã rõ ràng, những vấn đề mà thực tiễn đã chứng minh và cần phải kịp thời điều chỉnh, bổ sung. 

Cụ thể là trong 10 năm qua, việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 có những điều gì đã được thể chế hóa, có vấn đề gì chưa, làm rõ những thành công cũng như tồn tại và hạn chế của công tác này. 

Ngoài ra, đối với những vấn đề mới, nhiều quan điểm trong xã hội chưa thống nhất cần nghiêm túc nhìn nhận và tiếp tục nghiên cứu. Có thể nhận thấy rằng vấn đề về đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai ở nước ta hiện nay vẫn đang là quá trình “vừa làm vừa khảo nghiệm” trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Đảng ta đã vạch ra. 

Tất cả những chủ trương, cơ chế, chính sách về đất đai phải bám sát định hướng và chỉ dẫn trong Cương lĩnh Chính trị, Hiến pháp và Nghị quyết Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra.

Tại Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu “nhiều người giàu lên nhờ đất, nhưng cũng có không ít người nghèo đi vì đất, thậm chí bị đi tù cũng vì đất, mất cả tình nghĩa cha con, anh em, đồng chí cũng vì đất...Không phải ngẫu nhiên mà trong thời gian qua có tới hơn 70% số vụ tố cáo, khiếu nại thuộc về lĩnh vực đất đai”. 

Như vậy, có thể thấy bên cạnh những mặt tích cực về cơ chế, chính sách, pháp luật hiện hành về đất đai thì vẫn tồn tại hạn chế nhiều lỗ hổng trong công tác quản lý, thực thi các quy định pháp lý. 

Không ít cán bộ, quan chức “ngã ngựa” và các tổ chức, nhóm lợi ích rơi vào vòng lao lý vì liên quan đến sai phạm đất đai. Về mặt xã hội nhiều người dân vì đất đai mà sinh mâu thuẫn, tranh chấp khiến tình cảm cha - con, anh – em, họ hàng rạn nứt, thậm chí tù tội. Thêm vào đó một số điểm nóng xã hội, các vụ khiếu kiện tập thể, các lá đơn tố cáo…có tỉ lệ gần 80% các vụ việc liên quan đến đất đai mà nhà nước phải xử lí, giải quyết.

Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề này nên ngay từ sớm Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã thành lập Ban Chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết số 19 của Ban Chấp hành Trung ương khoá XI về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới. Điều hành các công việc của Ban gồm 2 ủy viên Bộ Chính trị (Thủ tướng Phạm Minh Chính và Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh). Sau khi thành lập Ban đã tiến hành nhiều hội thảo, hội nghị với Đảng Đoàn Quốc Hội, Chính Phủ, Hội đồng Lý luận Trung ương và 63 Đảng ủy các địa phương, các chuyên gia, các nhà khoa học….

Tính đến ngày 12/04/2022 Ban chỉ đạo đã 15 lần dự thảo Báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết 19 của Trung ương khóa XI về vấn đề đất đai…. Đặc biệt trong quá trình đó Bộ Chính trị đã 2 lần cho ý kiến về dự thảo báo cáo này. Phân tích như vậy để thấy rằng đây là vấn đề lớn được tiến hành công phu, nghiêm túc, và thận trọng của Ban dưới sự chỉ đạo của Bộ Chính trị.

Tại hội nghị lần này, Trung ương sẽ đưa ra những quyết sách mới về đất đai. Vấn đề đất đai sẽ tiếp tục được đổi mới, hoàn thiện cho đúng, sát hợp với thực tế và đáp ứng được yêu cầu phát triển trong thời kỳ mới như Tổng Bí thư đã gợi mở khi phát biểu khai mạc hội nghị.

Quyết định của Trung ương sẽ là định hướng chính trị quan trọng, là chỉ dẫn kịp thời và là tiền đề cơ sở cho việc sửa đổi Luật Đất đai 2013 (vốn dĩ đã bị lùi 4 lần) vào cuối năm nay.

Việc xem xét, thảo luận và thông qua các Nghị quyết tại các Hội nghị Trung ương là rất quan trọng. Đặc biệt đối với các Nghị quyết về đất đai thì càng thấy được tính hệ trọng của nó. Thực hiện tốt điều này phản ánh năng lực lãnh đạo của Đảng cũng như khả năng bám sát thực tiễn đời sống kinh tế - xã hội của Đảng.

Từ những chủ trương mới của Đảng về đất đai sẽ được Quốc hội, Chính phủ thể chế hoá bằng pháp luật, góp phần quản lý, sử dụng hiệu quả đất đai và hạn chế tình trạng “nhiều người giàu lên nhờ đất, nhưng cũng có không ít người nghèo đi vì đất, thậm chí bị đi tù cũng vì đất” như Tổng Bí thư nói.

TS Cù Văn Trung 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét