Thứ Bảy, 21 tháng 5, 2022

20220522. SAI PHẠM Ở VIỆN HÀN LÂM KHXH VIỆT NAM (5)

 ĐIỂM BÁO MẠNG


LUẬN ÁN HỮU DANH VÔ THỰC SẼ KHIẾN HỌC VỊ TIẾN SĨ RẺ RÚNG, HẬU 

QUẢ KHÔN LƯỜNG

PHAN THẾ HOÀI/ GDVN 21-5-2022

Thống kê của Bộ Giáo dục cho biết, từ năm 2015 đến 2020, cả nước có hơn 1.450 người được công nhận giáo sư nhưng số lượng người có học hàm tham gia giảng dạy tại các cơ sở giáo dục đại học chiếm chưa đến một nửa.

Tính đến 31/12/2019, các đại học, học viện có 78.250 giảng viên, trong đó 619 giáo sư, 4.831 phó giáo sư, 17.035 tiến sĩ. Còn số lượng giáo sư, tiến sĩ ngoài các trường, các viện nghiên cứu thì không ai biết. [1]

Con số này cho thấy, số lượng giáo sư, tiến sĩ không tham gia công tác đào tạo, nghiên cứu là rất lớn. Và cũng chưa có một công bố nào cho thấy, các nghiên cứu của họ có đóng góp được gì cho khoa học, xã hội hay không.


Tiến sĩ dán nhãn hữu danh vô thực để lại hậu quả khôn lường. (Ảnh minh họa: Báo Lao Động)

Những ồn ào về nhiều luận án tiến sĩ thời gian qua khiến không ít người đặt câu hỏi, để theo học tiến sĩ mất nhiều thời gian, tiền của, công sức nhưng tại sao nhiều người không tham gia giảng dạy, nghiên cứu khoa học vẫn thi nhau đi học?

Tiến sĩ hữu danh vô thực để lại nhiều hệ lụy

Thứ nhất, tiến sĩ được ưu tiên trong công tác tuyển dụng công chức, viên chức và hưởng mức lương cao hơn so với người có học vị thạc sĩ.

Cụ thể, bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước (ban hành kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ) như sau:

Bảng hệ số lương tiến sĩ: 5.58, trong khi đó, thạc sỹ: 4.00; đại học: 2.34; cao đẳng: 1.80. Khi bảo vệ luận án thành công thì công chức, viên chức sẽ được xếp lương với hệ số 3.0 mà không cần phải đợi đến kỳ tăng lương, bởi theo quy định, hệ số lương đối với tiến sĩ khởi điểm là hệ số 3.0. [2]

Nếu tiến sĩ có học hàm giáo sư, phó giáo sư thì mức lương theo đó cũng sẽ được tăng lên. Ví dụ, chức danh nghề nghiệp giảng viên cao cấp (hạng I) được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A3, nhóm 1 (A3.1) từ hệ số lương 6,20 đến hệ số lương 8,00;

Chức danh nghề nghiệp giảng viên chính (hạng II) được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2, nhóm 1 (A2.1) từ hệ số lương 4,40 đến hệ số lương 6,78.

Ngoài ra, tiến sĩ có học hàm giáo sư, phó giáo sư ở đại học có thể kéo dài thời gian làm việc kể từ khi đủ tuổi nghỉ hưu để giảng dạy, nghiên cứu khoa học, được ưu tiên trong việc giao đề tài, dự án khoa học - công nghệ, xây dựng các chương trình, đề án phục vụ công tác quản lý và các điều kiện cần thiết khác để hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Thứ hai, nhiều người sau khi có bằng tiến sĩ nhưng không tham gia vào công việc dạy học, nghiên cứu khoa học... dẫn đến lãng phí chất xám và ngân sách (nếu được cơ quan, đơn vị cử đi đào tạo). Những người này bằng mọi cách phải có tấm bằng tiến sĩ sẽ được 'ưu tiên' khi thăng quan, tiến chức.

Nếu có quy định bắt buộc tất cả tiến sĩ phải tham gia dạy học, hay nghiên cứu khoa học, hướng dẫn học viên làm luận văn, luận án thì có lẽ nhiều tiến sĩ 'dán nhãn' sẽ bỏ học vị... chạy lấy người vì không kham nổi.

Và một thực tế đáng buồn là, có nhiều cán bộ yếu chuyên môn, nghiệp vụ, làm không tốt nhiệm vụ được giao thì thường có xu hướng đi học tiến sĩ, kể cả học những ngành chẳng liên quan gì đến công việc để lấp lỗ hỏng kiến thức hoặc đợi thời cơ tiến thân nhờ học vị.

Cá nhân người viết cho rằng, công chức phường, xã như chủ tịch, phó chủ tịch cần gì phải có học vị tiến sĩ ngành này ngành nọ, cái họ cần học là chính sách công, tài chính công, đầu tư công, hành chính công... rồi đạo đức công vụ, thái độ phục vụ Nhân dân để làm việc cho tốt.

Kể cả ở trường đại học, viện hay những đơn vị sự nghiệp giáo dục, những người chỉ đơn thuần làm công việc hành chính cũng không cần học vị tiến sĩ. Tuy nhiên, nhiều vị trí chuẩn chức danh chỉ yêu cầu tốt nghiệp nhưng đa số lãnh đạo đều tiến sĩ. Đây có phải là một sự lãng phí nguồn nhân lực? Tôi lấy ví dụ, quy định tiêu chuẩn chức danh giám đốc sở giáo dục và đào tạo (trích): "tốt nghiệp đại học sư phạm hoặc tốt nghiệp đại học và có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm" (Thông tư 13/2019/TT-BGDĐT).

Tuy vậy, hiện nay nhiều giám đốc sở giáo dục và đào tạo hoặc các trưởng phòng trực thuộc sở giáo dục, trưởng phòng giáo dục và đào tạo cấp huyện rất nhiều người có học vị thạc sĩ, tiến sĩ. Nếu trước khi được bổ nhiệm họ đã có học vị thì không bàn đến, nhưng sau khi được bổ nhiệm, họ vẫn học lên thạc sĩ, tiến sĩ, có cần thiết?.

Bởi tiêu chuẩn chung của giám đốc, phó giám đốc sở giáo dục và đào tạo theo Thông tư 13/2019/TT-BGDĐT là "có năng lực dự báo, tư duy chiến lược, định hướng phát triển và tổng kết thực tiễn; năng lực quản lý sự thay đổi; năng lực xử lý thông tin và truyền thông trong giáo dục và đào tạo" (trích).

Thứ ba, thầy dán nhãn học vị tiến sĩ thì sẽ đào tạo ra nhiều thế hệ học trò yếu kém. "Tiến sĩ giấy" nếu là thành viên của hội đồng chấm khóa luận, luận văn, luận án thì sẽ gây hậu quả khôn lường cho nhiều thế hệ, hủy hoại sự liêm chính của khoa học.

Theo Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn (Đại học New South Wales), hai tiêu chuẩn quan trọng của một luận án cấp tiến sĩ là tính nguyên thủy (originality) và tầm quan trọng.

Tính nguyên thủy đòi hỏi luận án phải có ít nhất một cái mới. Còn tầm quan trọng có thể hiểu rằng kết quả nghiên cứu sản sinh ra tri thức khoa học, và tri thức đó có ảnh hưởng hay tác động trong và ngoài chuyên ngành khoa học, hay chính sách công, hay xã hội. [3]

Chiếu theo tiêu chuẩn này, hàng loạt đề tài về thể thao như dư luận ồn ào thời gian qua đáng để viết thành một luận án tiến sĩ? Trên trang Luận văn - Luận án của Bộ Giáo dục còn lưu trữ 10 luận án tiến sĩ như thế này. Bên cạnh đó, lĩnh vực Lịch sử - Văn hóa cũng có 30 luận án có nhiều ý kiến cho rằng cần phải xem xét lại có xứng tầm luận án tiến sĩ.

Thay lời kết

Còn nhớ, dư luận từng mổ xẻ việc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam sản xuất số lượng tiến sĩ nhiều.

Trong 2 năm 2015 và 2016 cơ sở này cho “ra lò” 700 tiến sĩ và 2.811 thạc sĩ. Trong đó, có những đề tài tiến sĩ, thạc sĩ, cho dù nghĩ mãi cũng không biết dùng vào việc gì, mang lại lợi ích gì cho nền khoa học nước nhà. [4]

Và thời gian qua, dư luận lại một phen "dậy sóng" khi luận án: “Nghiên cứu giải pháp phát triển môn Cầu lông cho công chức viên chức thành phố Sơn La” được nhiều chuyên gia khẳng định là "chưa xứng tầm".

Tôi cho rằng, từ nhiều năm qua, việc nghiên cứu sinh sản xuất ra hàng loạt luận án tiến sĩ chẳng đâu vào đâu có một phần nguyên nhân là do chính sách tuyển dụng, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ của các cơ quan đơn vị chưa hợp lí. Cùng với đó là quy chế đào tạo sau đại học có phần phần dễ hơn. Chính vì thế, đã đến lúc cần rà soát lại tổng thể các nguyên nhân để có các chính sách toàn diện góp phần đảm bảo chất lượng đào tạo tiến sĩ và tiến sĩ phải được dùng đúng nơi, đúng việc tránh lãnh phí nguồn nhân lực.

Tài liệu tham khảo:

[1] //www.baogiaothong.vn/tu-chuyen-tien-si-cau-long-nghi-ve-giac-mo-giao-su-tien-si-d551618.html

[2] //luatminhkhue.vn/bac-luong-tien-si-la-bao-nhieu-.aspx

[3] //vnexpress.net/xung-tam-tien-si-4460916.html

[4] //laodong.vn/su-kien-binh-luan/san-xuat-tien-si-dom-nhieu-nhu-lo-ap-trung-825834.ldo

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Thạc sĩ Phan Thế Hoài
ĐÀO TẠO CÒN DU DI 'CHÍN BỎ LÀM MƯỜI' SẼ 'ĐẺ' RA TIẾN SĨ 'BẰNG THẬT, HỌC GIẢ'
NGÂN CHI/GDVN 21-5-2022
GDVN- Theo PGS.TS Lâm Nhân, còn tâm lý phải có danh tiến sĩ mới “oai” nên nhiều người đổ xô đi học, trong đào tạo lại có chuyện du di nên dẫn đến buông lỏng chất lượng.

Trong đào tạo còn có chuyện du di, “chín bỏ làm mười”

Trao đổi với phóng viên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lâm Nhân (Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Văn hóa thành phố Hồ Chí Minh) cho biết: “Người Việt ta vốn có truyền thống hiếu học từ xa xưa, bởi thế, khi càng đỗ đạt cao thì càng được trọng vọng, đó là tâm lý chung. Như ngày xưa, nếu ai có bằng tiến sĩ, thì đều có "danh” và được quý trọng, thậm chí cả gia đình, dòng họ đều được vẻ vang, “thơm lây”.

Chúng ta cũng phải nhìn nhận: Trước đây, số lượng tiến sĩ ở Việt Nam chỉ “đếm trên đầu ngón tay”; còn hiện nay, có rất nhiều tiến sĩ ở cả trong và ngoài nước. Bởi vì, ngày nay, thế giới đại đồng, có sự chia sẻ tài liệu học thuật, cập nhật rộng rãi hơn ngày xưa rất nhiều, cơ hội tiếp cận các vấn đề cũng tốt hơn. Tuy xét tổng thể, về trình độ, cũng có thêm nhiều tiến sĩ học thật, thậm chí đạt cả giải thưởng thế giới...

Tuy nhiên, trong đó, cũng có không ít những tiến sĩ bằng thật - học giả”.

“Xét về mục đích ban đầu, người ta muốn đi học tiến sĩ cũng là thể hiện tinh thần hiếu học, điều đó là rất tốt. Tuy nhiên, lại có những vấn đề được xử lý rất “duy tình”.

Trước đây, chúng ta thường chỉ siết đầu vào, xét tuyển rất kỹ, nhưng trong quá trình đào tạo, lại có chuyện du di cho nhau, nghĩa là “chín bỏ làm mười”, có những trường hợp mặc dù còn tồn tại vấn đề, cũng “nhắm mắt cho qua”.

Từ đó, dẫn đến tình trạng chất lượng đào tạo không được như ý muốn. Trong chuyện này, tôi cho rằng, vấn đề không phải nằm ở các quy định, quy chế, vì vốn dĩ các quy định đã rất chặt chẽ, nếu làm đúng thì rất tốt, chẳng qua “lỗ hổng” nằm ở chính những người thực hiện. Ở Việt Nam, có một điểm rất “buồn cười”, đó là nhiều khi, người ta cứ tìm cách làm những điều mà trong quy định không cấm, mà người ta hay gọi là “lách luật”", Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lâm Nhân phân tích.

Trao đổi về những luận án tiến sĩ được cho là kém chất lượng, Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Quang Báo (nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) cũng đề cập đến chuyện “hạ chuẩn” sẽ tạo “lỗ hổng” khiến chất lượng đào tạo tiến sĩ bị ảnh hưởng.

Cụ thể, Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Quang Báo cho rằng: “Quy chế đào tạo tiến sĩ cũ (ban hành năm 2017) quy định luận án tiến sĩ phải công bố 2 bài báo, trong đó có 1 bài đăng trên tạp chí thuộc danh mục ISI/Scopus (bài kia có thể đăng trong nước) hoặc 2 bài báo ở nước ngoài. Theo tôi, quy định này hoàn toàn hợp lý, khi chúng ta đào tạo ở bậc cao nhất. Song, rất tiếc, quy chế đào tạo tiến sĩ mới lại huỷ bỏ yêu cầu công bố quốc tế của quy chế cũ.

Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Quang Báo cho rằng, việc hạ chuẩn tiến sĩ có thể trở thành nguy cơ khiến chất lượng tiến sĩ bị ảnh hưởng. (Ảnh: moet.gov.vn).

Nếu như có bài báo quốc tế chắc chắn, chất lượng đào tạo tiến sĩ cũng sẽ cao hơn. Chính vì vậy, theo tôi, nên giữ lại yêu cầu này đối với việc đào tạo tiến sĩ, để đảm bảo chất lượng, cũng như đảm bảo theo yêu cầu chung của các nước”.

Bên cạnh đó, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cũng nhìn nhận: “Để “lọt” những đề tài như vậy, người hướng dẫn và hội đồng đều phải chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, theo tôi, đôi khi người hướng dẫn có phần bị “cảm tính” và tự đánh giá là đề tài mình đang hướng dẫn là được, vì bản thân mình là người hướng dẫn thì cũng mong đề tài được thông qua... Vậy, thành viên hội đồng khi đánh giá, cần phải căn cứ vào các tiêu chí để làm thật nghiêm túc. Bởi, vai trò của hội đồng cũng là rất quan trọng, có ý nghĩa quyết định đối với luận án đó. Vậy nên, theo lô-gíc ấy, vai trò và trách nhiệm của hội đồng vẫn là “mấu chốt” với chất lượng đào tạo tiến sĩ”.

Nghịch lý dẫn đến sự lãng phí... tiến sĩ

Cũng theo Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Văn hóa thành phố Hồ Chí Minh, mặc dù còn có chuyện “vàng thau lẫn lộn”, nhưng thực tế, những tiến sĩ chuẩn sẽ không bị ảnh hưởng nhiều.

“Chính vì chúng ta chưa xây dựng và cập nhật được một hệ thống để kiểm soát chất lượng các luận án tiến sĩ một cách kịp thời, nên mới có chuyện thật giả lẫn lộn. Tuy nhiên, “vàng vẫn là vàng, mà thau vẫn là thau”. Có lẫn lộn thì vẫn thế, không có gì phải ngại, quan trọng là bản thân tiến sĩ ấy có trình độ, có năng lực và khi có việc gì thì có thể sẵn sàng nói được, làm được.

Còn có những tiến sĩ, có những phó giáo sư, giáo sư mà cả năm không viết được một bài nghiên cứu, không có công trình công bố, không có đóng góp gì với nền học thuật thì cũng nên xem lại. Xã hội có quyền hoài nghi và phát hiện ra những “tiến sĩ rởm”, bằng thật - học giả thì sớm muộn cũng sẽ “lộ” thôi”, thầy Nhân nhấn mạnh.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lâm Nhân cho rằng, do trong đào tạo còn có chuyện du di. (Ảnh: NVCC).

Tuy nhiên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lâm Nhân cũng cho hay, thực tế hiện nay đang có một nghịch lý: “Trong khi các trường đại học có thể đang thiếu và cần tiến sĩ, thì ở trong các cơ quan hành chính, nơi không thực sự cần thì lại có nhiều tiến sĩ. Trong khi đó, các tiến sĩ ở khu vực hành chính lại không thể chia sẻ khoa học được vì không có thời gian đi dạy.

Nếu các tiến sĩ là các giảng viên, thì bắt buộc phải hoàn thành nhiệm vụ nghiên cứu khoa học hằng năm; còn những tiến sĩ không phải giảng viên mà làm ở các lĩnh vực khác thì không có thời gian làm các nghiên cứu để công bố. Cùng lắm, những tiến sĩ ấy chỉ có thể dạy vào thứ Bảy, Chủ nhật, thậm chí là hoàn toàn không có thời gian để truyền đạt... như vậy là vô cùng lãng phí”.

“Một phần có lẽ bởi, trong công tác cán bộ có sự “ưu tiên” với người có học hàm, học vị. Rồi do có tâm lý, các lãnh đạo có danh tiến sĩ thì nghe “oai” hơn, bởi vì, đó giống như một “cái áo” khoác lên mình, phải có chữ “tê ét” (TS) đứng đầu thì mới “oai”.

Trong khi đó, làm lãnh đạo không cần phải là tiến sĩ để làm gì. Nếu lãnh đạo là tiến sĩ thì cũng tốt những không bắt buộc như vậy. Lãnh đạo phải là người sử dụng được các tiến sĩ làm việc cho mình, để những tiến sĩ ấy cống hiến và đóng góp cho công việc chung, thì đó mới là điều tuyệt vời", Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lâm Nhân lý giải.

Từ những phân tích trên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lâm Nhân thẳng thắn đề cập: “Để đào tạo tiến sĩ chất lượng không khó! Cứ làm đúng quy định thì sẽ tốt. Các thầy không còn nể nang nhau nữa, cùng hướng đến mục tiêu chung vì chất lượng đào tạo, chứ không phải vì cá nhân hay vì bất kỳ một sự nhờ vả nào. Đôi khi cứ du di một chút mà có thể ảnh hưởng đến họ cả đời.

Các cơ sở đào tạo cần có sự liên thông với nhau về học liệu, về chia sẻ công bố khoa học, như vậy, việc đào tạo sẽ ngày càng tốt hơn. Tất nhiên, đây cũng không phải chuyện có thể giải quyết triệt để trong một sớm một chiều, không thể “sau một đêm mà quạ đã thành công”, phải đi từ từ từng bước một. Bắt đầu từ chính bản thân nghiên cứu sinh, từ chính người hướng dẫn và các thầy cô trong hội đồng, cần loại bỏ ngay suy nghĩ làm việc xuê xoa cho qua”.

Ngân Chi
TRỪ SAO CHÉP, ĂN CẮP CÒN RẤT KHÓ ĐỂ THẨM ĐỊNH ĐƯA ĐẾN KẾT LUẬN THU HỒI HỌC VỊ TIẾN SĨ
TRẦN LÝ/GDVN 20-5-2022

Dư luận đang đặt băn khoăn, lo ngại trước đề xuất cần thẩm định lại những luận án tiến sĩ đang gây xôn xao những ngày gần đây.

Đánh giá về vấn đề này, trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Lê Tuấn Hoa, nguyên Chủ tịch Hội Toán học Việt Nam cho biết, quá trình hậu kiểm được thực hiện bài bản đúng quy trình nhưng rất khó đem lại kết quả mạnh mẽ.

Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Lê Tuấn Hoa, nguyên Chủ tịch Hội Toán học Việt Nam (ảnh: nguồn báo Vietnamnet)

“Quy trình hậu kiểm do Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo, xét về mặt cần thiết có thể thành lập hội đồng hậu kiểm khi đề tài luận án gây xôn xao dư luận như hiện nay, Bộ chỉ có thể thông báo sẽ tiến hành thẩm định lại, tuy nhiên nếu làm mạnh tay thì khác gì Bộ can thiệp vào nội dung khoa học.

Từ trước đến nay, cũng có nhiều trường hợp lập ra hội đồng thẩm định lại luận án tiến sĩ, tuy nhiên tôi có thể khẳng định sẽ không đem lại kết luận mạnh mẽ có tính răn đe. Vì cơ bản, khi hậu kiểm như vậy vừa phải xét lại nội dung luận án vừa phải xét lại các hội đồng trước đấy mà nghiên cứu sinh từng bảo vệ, điều này vô cùng phức tạp.

Trước hết, quy trình bảo vệ luận án tiến sĩ rất chặt chẽ, bảo vệ từ hết cấp này đến cấp khác.Trường hợp luận án có vấn đề thì đã bị bác bỏ hoặc thanh tra lại theo đúng quy trình bảo vệ luận án tiến sĩ. Vậy tại sao phải đến khi luận án đã bảo vệ thành công, đã đăng công khai lên mạng và bị dư luận ‘ném đá’ mới thông báo sẽ thẩm định lại?

Nghiên cứu sinh là người chủ chốt làm ra luận án nhưng đánh giá luận án là do người hướng dẫn, hội đồng bảo vệ và rất nhiều bên liên quan.

Chỉ riêng việc xét hội đồng bảo vệ đã rất khó, điều quan trọng là thẩm định lại việc hội đồng trước đó đã làm công khai, minh bạch chưa, có gì lấp liếm không. Tuy nhiên, phải hiểu rằng, trong quy trình bảo vệ trước đó, mọi biên bản đều đầy đủ thì làm sao quy trách nhiệm cho hội đồng cũ được?

Trong trường hợp, luận án thẩm định lại phát hiện không xứng ‘tầm’ thì sẽ quay sang một vấn đề nghiêm trọng hơn đó là đánh giá tư cách của những người làm trong hội đồng, liệu họ có đang dễ dãi hoặc có sự nể nang, không làm đúng trách nhiệm? Vấn đề này phức tạp và nguy hiểm hơn nhiều.

Tôi lấy ví dụ, ở Việt Nam nhiều người mặc định phải có học hàm, học vị để ‘thăng quan tiến chức’. Chính vì vậy, trừ sao chép, ăn cắp thì rất khó để thẩm định một luận án tiến sĩ và đưa đến kết luận thu hồi luận án, tước bỏ học vị”, Chủ tịch Hội đồng Giáo sư ngành Toán học nói.

Giáo sư Lê Tuấn Hoa bày tỏ, không nên trông chờ quá nhiều vào khâu hậu kiểm luận án tiến sĩ, điều quan trọng là phải có cơ sở khoa học rõ ràng để cân, đo, đong, đếm tính khoa học của một luận án ngay từ ban đầu.

Tiến sĩ không phục vụ cho bộ máy công quyền

Cũng bàn về vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Văn Khải cho rằng thẩm định lại luận án tiến sĩ thường không đem lại kết quả chỉ mất thời gian và tiền bạc.

“Nếu phải truy xét lỗi thuộc về ai thì chắc chắn là do hội đồng.

Phải biết rằng, tiến sĩ bây giờ khác với hồi xưa. Ông Nghè (chỉ những ai đỗ tới bậc tiến sĩ trước đây) thi cử chỉ cần đọc mấy câu thơ rồi bình là có thể làm quan huyện, thống đốc. Tuy nhiên, tiến sĩ ngày nay cần là những công trình nghiên cứu khoa học, có tính ứng dụng thực tiễn. Học vị tiến sĩ ngày nay chỉ có nhiệm vụ chứng minh trình độ chuyên môn trong một lĩnh vực nào đó chứ không phục vụ cho bộ máy công quyền.

Một thực tế đáng buồn là ít ai hiểu được điều đó, nhiều người đổ xô đi học tiến sĩ cho ‘oai’ để dễ dàng thăng tiến mà quên mất rằng bản chất của học vị tiến sĩ là phục vụ công việc nghiên cứu khoa học”, Tiến sĩ Nguyễn Văn Khải phân tích.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Khải, muốn ngăn chặn được tình trạng ‘đẻ’ ra nhiều tiến sĩ ‘dởm’ thì cần:

Thứ nhất, khẩn trương rà soát, chấn chỉnh lại quy trình đào tạo tiến sĩ. Khi đã trở thành tiến sĩ thì phải có những công trình nghiên cứu mang tính ứng dụng và chứa hàm lượng khoa học cao. Đặc biệt, quy chế cần yêu cầu sau 2 năm làm tiến sĩ không có công trình nghiên cứu thì phải xử lý như thế nào?

Thứ hai, dùng người đúng theo năng lực. Học vị không phục vụ cho bộ máy công quyền, chính vì vậy cần trả lại các tiến sĩ, giáo sư về các viện nghiên cứu, nhà máy, các trường đại học, còn ai không muốn làm cho nhà nước thì tự mở công ty.

Thứ ba, muốn thẩm định thì hãy thẩm định hậu buổi bảo vệ luận án tiến sĩ. Ví dụ ở nước ngoài những luận án có sản phẩm thì phải thẩm định sản phẩm.

Ngoài ra, Tiến sĩ Nguyễn Văn Khải cũng nhấn mạnh các cơ sở quản lý giáo dục, cơ sở đào tạo cần nâng cao vai trò giám sát để có thể cho ra những tiến sĩ ‘thực’, có năng lực và phẩm chất xứng tầm.

Trần Lý
QUẢN LÝ KHÔNG TỐT SẼ LỌT TIẾN SĨ 'DỞM', SAU NÀY HỌ LẠI NGỒI HỘI ĐỒNG THÌ NGUY
PHẠM MINH/ GDVN 20-5-2022
GDVN- Ba tiêu chí quan trọng nhất đối với một luận án tiến sĩ là phải có hàm lượng khoa học tương ứng, phải có tính mới và khả năng ứng dụng hiệu quả trong cuộc sống.

Công tác đào tạo tiến sĩ luôn là một vấn đề được toàn xã hội quan tâm. Những năm qua, số lượng giảng viên trình độ tiến sĩ tại các cơ sở giáo dục ở nước ta đã có sự tăng lên đáng kể. Song, chất lượng tiến sĩ như thế nào vẫn còn nhiều băn khoăn.

Đặc biệt, thời gian qua, trên mạng xã hội xuất hiện một số đề tài, luận án tiến sĩ được đánh giá là thiếu hàm lượng khoa học và không có ý nghĩa thực tiễn. Gần đây là đề tài "Nghiên cứu giải pháp phát triển môn cầu lông cho công chức viên chức thành phố Sơn La" được hướng dẫn và bảo vệ tại Viện Khoa học Thể dục thể thao gây ra nhiều tranh cãi.

Vậy làm sao để công tác đào tạo tiến sĩ đi vào chất lượng, làm sao để đánh giá được một đề tài nghiên cứu “xứng tầm” luận án tiến sĩ?

Trong cuộc trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Nhà giáo nhân dân – Giáo sư Nguyễn Đức Chính, nguyên Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, yêu cầu đầu tiên của một luận án tiến sĩ là phải có cơ sở lý luận của chuyên ngành khoa học (trong trường hợp này là khoa học giáo dục), còn đề tài "Nghiên cứu giải pháp phát triển môn cầu lông cho công chức viên chức thành phố Sơn La" chỉ là một bản báo cáo mang tính tổng kết mà không biết thuộc chuyên ngành khoa học nào.

Nhà giáo nhân dân – Giáo sư Nguyễn Đức Chính, nguyên Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội. (Ảnh: NVCC)

“Không chỉ trong đào tạo tiến sĩ mà cả đào tạo trình độ cử nhân, thạc sĩ vẫn còn nhiều vấn đề cần phải nhìn nhận lại và cần thay đổi. Chúng ta vẫn để xảy ra tình trạng học hộ, sao chép luận văn thạc sĩ, rất nhiều học viên không đọc nổi một cuốn sách để làm luận văn thạc sĩ.

Trong khi nền giáo dục đang hướng đến ‘học thật, thi thật, nhân tài thật’ mà nhiều biểu hiện không trung thực trong học tập, thi cử, nghiên cứu khoa học vẫn xuất hiện và tiếp diễn là vấn đề rất đáng lo ngại.

Để lọt đề tài ‘tiến sĩ cầu lông’ và những đề tài tương tự, lỗi đầu tiên thuộc về người hướng dẫn, thứ hai là trách nhiệm của hội đồng bảo vệ các cấp.

Trong đào tạo tiến sĩ, vai trò của người hướng dẫn là rất quan trọng. Người hướng dẫn phải định hướng được một đề tài phù hợp với năng lực của nghiên cứu sinh, xứng tầm luận án tiến sĩ, có tính thời sự, có cơ sở lý luận của ngành khoa học và phải có tính mới.

Hội đồng các cấp duyệt đề tài, duyệt đề cương, nghiên cứu sinh tham gia học các chuyên đề, trong đó phải bảo vệ 3 chuyên đề: Chuyên đề tổng quan, chuyên đề cơ sở lí luận của vấn đề nghiên cứu, chuyên đề cơ sở thực tiễn và kinh nghiệm quốc tế trước khi đi đến bảo vệ luận án. Bảo vệ luận án phải qua 3 cấp: bộ môn, cơ sở, hai phản biện độc lập rồi mới được bảo vệ chính thức.

Vậy nhưng có rất nhiều những đề tài thiếu cơ sở lý luận, thiếu tính mới mà vẫn được bảo vệ thành công, vậy trách nhiệm của hội đồng các cấp như thế nào”, Giáo sư Nguyễn Đức Chính đặt vấn đề.

Theo Giáo sư Nguyễn Đức Chính, đối với những trường hợp này, cần có chế tài với người hướng dẫn, chủ tịch và các thành viên trong hội đồng bảo vệ các cấp, nhất là cấp cơ sở và cấp trường/học viện.

Bên cạnh đó, với vai trò quản lý Nhà nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần ban hành bộ tiêu chí luận án tiến sĩ rõ ràng, chi tiết để nghiên cứu sinh, người hướng dẫn và hội đồng thực hiện.

Ba tiêu chí quan trọng nhất đối với một luận án tiến sĩ là phải có cơ sở lí luận đúng chuyên ngành đào tạo, phải có tính mới và khả năng ứng dụng cao trong thực tiễn.

Nhìn một đề tài luận án tiến sĩ, phải nhận diện được khung lí luận của đề tài, và biết đề tài đó thuộc ngành/chuyên ngành khoa học nào, có tính mới hay không.

Tính mới của luận án thể hiện trong phần tổng quan của luận án, trong đó nghiên cứu sinh phải tổng thuật có phê phán hết những công trình nghiên cứu gần với đề tài của mình trong và ngoài nước và tìm ra được hướng nghiên cứu mới. Tính mới thể hiện trong cách tiếp cận mới, trong giải quyết vấn đề và những kết quả mới vượt trội so với cách tiếp cận đã có.

Yêu cầu thứ ba đối với một đề tài luận án tiến sĩ là có khả năng vận dụng trong thực tiễn để giải quyết thành công một vấn đề có tính thời sự sâu sắc.

Cũng theo Giáo sư Nguyễn Đức Chính, cần phải xem xét lại việc giao cho các trường đại học, các viện khoa học chấm luận án tiến sĩ. Bởi lẽ, không phải cơ sở, đơn vị nào cũng có đủ người có chuyên môn, năng lực để thành lập được hội đồng bảo vệ và chấm luận án tiến sĩ.

“Theo tôi, cần phải xây dựng tiêu chí mới để thành lập Hội đồng trong các cơ sở giáo dục. Sau khi có quy định rồi thì chỉ giao cho những trường đại học, đơn vị chấm luận án tiến sĩ khi đáp ứng được các tiêu chí theo quy định .

Nếu không quản lý đủ tốt chúng ta để lọt những tiến sĩ “dỏm”, để rồi sau này, những tiến sĩ này lại ngồi “ghế hội đồng” để chấm các luận án tiến sĩ khác thì hậu quả sẽ khó lường”, Giáo sư Nguyễn Đức Chính cho biết.

Chia sẻ thêm về vấn đề đào tạo tiến sĩ, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Quốc Bảo cho rằng, điều quan trọng là phải xác định đề tài phù hợp với một luận án tiến sĩ.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Quốc Bảo cho rằng, chất lượng tiến sĩ không được như kỳ vọng của công luận là một vấn đề cần phải được xem xét lại. (Ảnh: PM)

Thực tế hiện nay, vẫn còn những đề tài với mô típ giống nhau, đang trở thành vấn đề gây xôn xao dư luận.

“Chất lượng tiến sĩ không được như kỳ vọng của công luận là một vấn đề cần phải được xem xét lại. Tuy nhiên, muốn đánh giá được chất lượng như thế nào thì cần phải có tiêu chí đánh giá cụ thể.

Hiện nay, chúng ta chưa xây dựng được tiêu chí đánh giá cụ thể, rõ ràng đối một luận án tiến sĩ. Đối với một đề tài, cũng cần xem xét công trình đó có ý nghĩa lí luận và khả năng ứng dụng trong cuộc sống.

Một vấn đề quan trọng nữa là phải quản lý được các đề tài luận án tiến sĩ, phải có sự sàng lọc để tránh những đề tài sáo mòn, thiếu tính khoa học và thiếu ý nghĩa thực tiễn”, Phó Giáo sư Đặng Quốc Bảo khẳng định.

Phạm Minh
Ở ĐỨC, CÁC TRƯỜNG VÀ HỘI ĐỒNG ÍT KHI PHẢI 'ĐAU ĐẦU' VỚI CHẤT LƯỢNG ĐÀO TẠO TIẾN SĨ
THIÊN NHI/GDVN 19-5-2022
GDVN- Theo Tiến sĩ Lê Đức Dũng, ở Đức, chất lượng đào tạo tiến sĩ ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của các viện nghiên cứu và các trường đại học.

Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Lê Đức Dũng - chuyên gia nghiên cứu ung thư máu và ghép tế bào gốc, hiện làm việc tại Đức cho biết, cũng như nhiều quốc gia khác, tiến sĩ là bậc học cao nhất trong hệ thống khoa bảng ở Đức.

"Mục tiêu của chương trình tiến sĩ là đào tạo ra những người có kiến thức chuyên sâu về một lĩnh vực. Sau khi trở thành tiến sĩ, người đó có khả năng làm nghiên cứu độc lập, xuất bản và trao đổi thông tin khoa học đạt tiêu chuẩn cao và hiệu quả.

Hiện nay, công việc của các tiến sĩ không chỉ bó hẹp trong nghiên cứu, giảng dạy. Họ có thể làm việc tại những cơ quan hành chính, nơi yêu cầu người phụ trách phải có chuyên môn cao từ trình độ tiến sĩ trở lên, ví dụ như các phòng phụ trách về nghiên cứu, khoa học công nghệ, phụ trách về y tế, sức khoẻ cộng đồng, thú y...", Tiến sĩ Lê Đức Dũng cho hay.

Tiến sĩ Lê Đức Dũng. (Ảnh: Thomas Obermeier)

Theo Tiến sĩ Lê Đức Dũng, ở Đức có khá nhiều cách để ứng tuyển nghiên cứu sinh bậc tiến sĩ. Thông thường giáo sư sẽ có nhóm nghiên cứu riêng. Thành viên trong nhóm gồm nhiều cấp bậc khác nhau, từ kỹ thuật viên, sinh viên đại học, sinh viên cao học, nghiên cứu sinh và cả các nghiên cứu viên sau tiến sĩ.

Để nhóm nghiên cứu hoạt động tốt, giáo sư phải liên tục viết các đề án nghiên cứu để xin kinh phí tài trợ. Nguồn kinh phí này có thể được hỗ trợ từ quỹ nghiên cứu quốc gia, quỹ nghiên cứu tư nhân, từ các doanh nghiệp...

Khi có kinh phí triển khai dự án, giáo sư sẽ đăng tuyển nghiên cứu sinh, sau đó phỏng vấn và lựa chọn người phù hợp nhất, đây cũng là cách tuyển sinh phổ biến nhất.

Đối với trường hợp trên, nghiên cứu sinh sẽ được ký hợp đồng làm việc toàn thời gian, được trả lương, bảo hiểm y tế, hưu trí và các quyền lợi khác như một người lao động bình thường.

Cách thứ hai, rất nhiều trường sau đại học ở Đức tuyển sinh chương trình đào tạo tiến sĩ. Hầu hết các chương trình đã có sẵn dự án của nhiều nhóm nghiên cứu khác nhau, ứng viên có thể lựa chọn và nộp hồ sơ cho dự án mình mong muốn.

Một số trường sẽ tổ chức thi đầu vào, ứng viên phải tham gia kỳ thi viết, nếu đạt sẽ tiếp tục trải qua một vòng phỏng vấn.

Đối với chương trình này, hàng tháng, nghiên cứu sinh được trả một khoản tiền nhất định nhưng không được đóng bảo hiểm y tế và hưu trí.

Cách thứ ba, ở Đức thường có những chương trình nghiên cứu lớn kéo dài nhiều năm với sự tham gia của nhiều nhóm nghiên cứu tạo thành các cụm nghiên cứu giữa nhiều khoa, trường đại học trong một vùng hoặc cả nước.

Trong các dự án nghiên cứu lớn sẽ có nhiều dự án nhỏ, các dự án nhỏ thường tuyển 1-2 nghiên cứu sinh.

Chương trình nghiên cứu này cũng có quỹ cho các hoạt động của nghiên cứu sinh. Nghiên cứu sinh khi tham gia dự án có thể được ký hợp đồng lao động hoặc được trả học bổng tuỳ thuộc vào trường và chương trình.

Cách thứ tư, các nghiên cứu sinh có thể xin học bổng ở bất kỳ chương trình nào, ví dụ như học bổng của DAAD của Đức, cũng có thể là học bổng của các quốc gia khác như Việt Nam.

Cũng theo Tiến sĩ Lê Đức Dũng, hiện nay, ở Đức vẫn tồn tại hai chương trình đào tạo tiến sĩ, đó là chương trình cổ điển và chương trình đổi mới.

Với chương trình cổ điển, nghiên cứu sinh sau khi gia nhập nhóm nghiên cứu của người hướng dẫn sẽ đăng ký với trường tên đề tài, người hướng dẫn chính và người hướng dẫn phụ.

Sau khi làm nghiên cứu 3-6 năm, nếu các thầy cô hướng dẫn duyệt luận án, nghiên cứu sinh được phép bảo vệ đề tài và tốt nghiệp tiến sĩ. Nghiên cứu sinh có thể viết và bảo vệ luận án bằng tiếng Anh hoặc tiếng Đức.

Còn với chương trình đổi mới, trong quá trình nghiên cứu 3-6 năm, nghiên cứu sinh phải hoàn thành một số khoá học về chuyên môn và kỹ năng, đó là các bài giảng, hội thảo. Trong chương trình này, nghiên cứu sinh được hướng dẫn bởi một người hướng dẫn chính và 2-3 hướng dẫn phụ, thường là các giáo sư có nhiều kinh nghiệm nghiên cứu trong cùng một nhóm chuyên ngành.

"Nghiên cứu sinh phải có các bài báo khoa học trước khi được bảo vệ. Chương trình đổi mới yêu cầu luận án và phần bảo vệ phải được trình bày bằng tiếng Anh. Các nghiên cứu sinh ở cách tuyển sinh thứ 2 và thứ 3 thường phải học theo chương trình đổi mới, những phương thức còn lại có thể lựa chọn học chương trình cổ điển hoặc đổi mới", vị tiến sĩ này cho hay.

Tiến sĩ Lê Đức Dũng nhận định, cả hai chương trình đào tạo về cơ bản đều có quy trình bảo vệ luận án tiến sĩ giống nhau. Sau thời gian dài nghiên cứu, khi có kết quả nghiên cứu, đạt yêu cầu đề ra và được các giáo sư hướng dẫn chấp nhận thì nghiên cứu sinh có thể nộp luận án lên trường hoặc phòng phụ trách đào tạo tiến sĩ.

Hội đồng khoa học hoặc hội đồng phụ trách đào tạo tiến sĩ sẽ phân công thêm 1-2 giáo sư cùng với các giáo sư hướng dẫn để chấm luận án.Thời gian chấm có thể từ 3-6 tháng, nếu luận án được chấm đạt, nghiên cứu sinh có thể bảo vệ đề tài.

Buổi bảo vệ thường đơn giản, ngắn gọn, kéo dài khoảng 1 tiếng. Nghiên cứu sinh có khoảng 25-30 phút để bảo vệ luận án và có thêm khoảng 30 phút cho hỏi trả lời và thảo luận từ hội đồng và khán giả. Sau buổi bảo vệ, hội đồng sẽ họp khoảng 5 phút và công bố điểm.

"Chất lượng đào tạo tiến sĩ ảnh hưởng lớn đến uy tín của các viện nghiên cứu và trường đại học. Do vậy, hội đồng khoa học, hội đồng hướng dẫn thường chú trọng rất nhiều vào các công trình nghiên cứu cũng như những khóa đào tạo kỹ năng cho nghiên cứu sinh. Đặc biệt, người hướng dẫn có ý nghĩa quyết định đối với chất lượng của luận án tiến sĩ đến mức nhà trường hay các hội đồng ít khi phải "đau đầu" với bài toán chất lượng nghiên cứu.

Ở Đức, chất lượng của các luận án hầu như không phải là vấn đề, cho nên các vụ thu hồi bằng tiến sĩ ít khi liên quan đến chất lượng hay quy mô, tầm cỡ của đề tài mà thường liên quan đến vấn đề đạo đức nghiên cứu như đạo văn. Thường thì các luận án chất lượng thấp thì khả năng đạo văn càng cao.

Nếu một luận án bị tố cáo đạo văn, các trường sẽ thành lập một hội đồng đánh giá độc lập để xem xét. Những luận án vi phạm trên mức cho phép có thể bị thu hồi bằng tiến sĩ", Tiến sĩ Lê Đức Dũng cho biết thêm.

Thiên Nhi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét