Thứ Hai, 23 tháng 5, 2022

20220524. VIẾT VỀ NHÀ VĂN TRẦN ĐĨNH VỪA TỪ TRẦN

ĐIỂM BÁO MẠNG


NHÀ VĂN TRẦN ĐĨNH- NGƯỜI TIẾT LỘ NHỮNG CHUYỆN 'ĐỘNG TRỜI'

TUẤN KHANH/ RFA/ BVN 14-5-2022


Ảnh: Tác giả Trần Đĩnh. Báo Người Việt

Giới văn chương không chịu sự kiểm soát của Nhà nước, đã công khai bày tỏ sự thương tiếc với tin nhà văn Trần Đĩnh từ trần ngày 12 tháng Năm năm 2022 tại nhà riêng ở Sài Gòn, hưởng thọ 93 tuổi. Trên các trang cá nhân, nhiều người đã viết những dòng kính trọng với một nhà báo, nhà văn suốt đời lận đận vì sự thật. Không thấy có dòng nào đưa tin về sự ra đi của ông trên báo chí nhà nước.
Tác phẩm gây sốc dư luận của nhà văn Trần Đĩnh, là bộ sách Đèn Cù (Đọc ở đây: https://vnthuquan.net/truyen/truyen.aspx...;
Trong một lần trò chuyện tại Sài Gòn, ông cho biết đã ôm ấp ý tưởng viết bộ ký lịch sử này, và thực hiện trong hơn 10 năm. Năm 1991, ông tạo những phác thảo đầu tiên, và đến năm 2014, khi dàn khoan HD981 của Trung Cộng xuất hiện ở vùng biển thuộc chủ quyền kinh tế thuộc Việt Nam, ông quyết định gửi đi Mỹ (nhà xuất bản Người Việt Books). Tức thì cuốn sách gây rúng động với những câu chuyện kể đời làm báo của ông, và những điều mắt thấy tai nghe liên quan đến nhiều nhân vật quan trọng của Đảng Lao động và Đảng Cộng sản Việt Nam.
Giải thích việc gửi ra nước ngoài in sách, ông Trần Đĩnh nói rằng: “Tôi muốn nói rõ một điểm: tôi gửi in ở ngoài vì ở trong nước không ai in và phát hành cho tôi, không phải tại vì sách có nhiều bí mật. Hai lý do khác nhau”.
Cuộc đời của nhà văn Trần Đĩnh, người cầm bút hơn 70 năm, bắt đầu với công việc ký giả cho tờ Sự Thật – một tờ báo chủ đích tuyên truyền do Trường Chinh làm Tổng biên tập. Nhà văn Trần Đĩnh sinh năm 1930. Năm 16 tuổi ông tham gia Việt Minh theo lời kêu gọi yêu nước, chống Pháp. Do làm việc trong một cơ quan báo chí cao nhất của Đảng, ông có cơ hội gặp gỡ hầu hết các khuôn mặt của chế độ từ Hồ Chí Minh, Trường Chinh, Lê Duẩn, tới Lê Đức Thọ, Hoàng Tùng, Đỗ Mười… và những quan hệ này – như theo ông tâm tình trên BBC – đã giúp ông sớm nhận ra khuôn mặt thật của giới lãnh đạo cộng sản.
Trần Đĩnh thuộc lớp đảng viên tiên phong gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam từ năm 1948. Ông là người được tin cậy để được trao nhiệm vụ chấp bút tiểu sử của ông Hồ Chí Minh, chấp bút những tự truyện của nhiều nhân vật như Phạm Hùng, Lê Văn Lương, Bùi Lâm, Nguyễn Đức Thuận… nên những gì ông kể trong bản văn Đèn Cù, là có thể tin cậy được.
Khi Đảng Cộng sản Việt Nam đưa vấn đề chọn lựa tư tưởng Mao để chống xét lại, tức là chống lại chủ trương sống chung hoà bình do Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô lúc bấy giờ là Nikita Khrushchev đưa ra, theo Trần Đĩnh, ông đã ủng hộ lập trường của Khrushchev và chống tư tưởng Mao, nên bị ghép vào tội “chống đảng”. Mặc dù không bị bắt như anh ruột ông là Trần Châu, hay như những người khác như Hoàng Minh Chính, Vũ Thư Hiên, hoặc phải sống lưu vong như Nguyễn Minh Cần…, nhưng ông bị đày đi cải tạo lao động. Sau đó, tuy ông được xét làm báo trở lại nhưng với điều kiện: Không được ký tên Trần Đĩnh, chỉ viết về nông nghiệp, và không được viết anh hùng, chiến sĩ thi đua và cấp ủy cao. Cuối cùng là không được ở gần thanh niên, bởi sẽ gây tiêm nhiễm tư tưởng phản động cho thế hệ trẻ. Sau khi đất nước thống nhất, năm 1976 Trần Đĩnh bị khai trừ khỏi Đảng Cộng sản Việt Nam.
Bộ sách 600 trang của ông Trần Đĩnh đã tiết lộ nhiều chuyện “động trời”, trong đó, một trong những chuyện được nhiều người Việt trong và ngoài nước đọc qua, đã bàn tán không ngớt như chuyện ông Hồ Chí Minh và Trường Chinh cải trang đến tham dự buổi đấu tố cụ bà Nguyễn Thị Năm (Cát Hanh Long): “Cụ Hồ bịt râu đến dự một buổi và Trường Chinh thì đeo kính râm suốt” (trang 84).
Đã có lần trong một cuộc phỏng vấn, khi được hỏi là những điều ông kể có chứng cứ không, ông Trần Đĩnh đã bật cười nói “Nó là cuộc đời tôi, diễn ra chung quanh tôi. Rất nhiều người cùng thời với tôi chứng kiến nay đã chết, họ đã mang những chứng cứ đó xuồng mồ, nên tôi phải viết lại”.
Câu trả lời thú vị nhất của ông, là khi được hỏi ông viết cuốn hồi ký với nhiều chi tiết gây sốc này, với mục đích gì. “Đèn Cù là tiếng kêu đau của tôi”, nhà văn Trần Đĩnh nói. Ông mô tả rằng người ta làm và sống với những điều tự nhiên, như đau thì phải kêu, và thấy sự thật, phải kể lại. “Đến lúc tôi phải viết xuống vì không thể để ai bịa đặt hay muốn nói như thế nào cũng được”, nhà văn Trần Đĩnh nói.
Lúc sinh thời, trong thời gian sống và làm việc tự do ở Sài Gòn, nhà văn Trần Đĩnh còn là dịch giả của nhiều tác phẩm văn học, như Linh Sơn của Cao Hành Kiện, Ngầm của Murakami Haruki.
Sau khi sách Đèn Cù trở thành một cú chấn động trong đời sống của người đọc sách, người quan tâm chính trị, báo chí nước ngoài gọi điện thăm hỏi rằng ông có bị khó dễ gì vì bộ sách này hay không, ông trả lời “Tôi đã đến tuổi không còn thấy điều gì làm khó được mình”.
T.K.
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

'ĐÈN CÙ' VÀ TÁC GIẢ TRẦN ĐĨNH

NGUYỄN VĂN TUẤN/BVN 21-5-2022




Tôi nghiệm ra rằng lịch sử Việt Nam mình thời XHCN qua giai thoại và những phát biểu riêng tư có ý nghĩa hơn là qua văn bản. Đèn Cù là một cuốn sách có rất nhiều giai thoại, và qua đó cung cấp cho chúng ta một cái nhìn khác về những người lãnh đạo ở miền Bắc.
Có khi nào các bạn để ý đến các bài nói chuyện của giới lãnh đạo chánh trị ở Việt Nam? Tôi không nói đến những bài diễn văn mà học đọc trước công chúng hay các buổi lễ lạc; tôi nói đến những buổi tiếp xúc mang tính riêng tư hay giữa những người trong cùng hội. Nội dung của những bài nói chuyện trong các buổi họp mặt như thế, mặc dù là khách mời – guest speaker – nhưng thường là những chuyện có vẻ tầm phào, chẳng có hàm lượng tri thức gì cả.
Có lần, trong một buổi họp mặt các phóng viên mảng khoa học, họ mời một ký giả kỳ cựu đến chia sẻ kinh nghiệm. Tựa đề bài nói chuyện được ghi trong giấy mời là "Báo chí và vai trò truyền tin khoa học" làm cho tôi chuẩn bị lắng nghe. Thế nhưng suốt buổi nói chuyện, ông chỉ nói về những trải nghiệm cá nhân (như cá tánh, nhậu nhẹt), những câu chuyện rời rạc (ví dụ như tai nạn nghề nghiệp), hay nói chung là những câu chuyện chẳng đâu vào đâu, thậm chí chuyện tiếu lâm liên quan đến các nhân vật quan trọng mà ông có dịp tiếp xúc. Ông nói không có note, mà giống như kể chuyện. Mọi người khen ông 'nói hay'.
Nghe xong tôi không biết mình học được gì từ bài nói chuyện. Nhưng nếu ghép những 'ký ức vụn' đó vào những câu chuyện của các tác giả khác thì chúng ta có một bức tranh tương đối rõ nét về mấy vị lãnh đạo ngoài đó. Các tác giả khác đó là Bùi Tín, Vũ Thư Hiên, Bùi Tín, Nguyễn Minh Cần, Trần Quốc Vượng, Dương Thu Hương, Tô Hải, Lê Phú Khải, và đặc biệt là Trần Đĩnh.
Ảnh: TRẦN ĐĨNH 1930 - 2022. Nguồn ảnh: FB Phạm Đình Trọng
KÝ ỨC CỦA NHỮNG NGƯỜI TRONG CUỘC
Nếu là người bình thường đọc những sách của các tác giả trên, người ta thoạt đầu sẽ thấy … khó tin. Chính tôi cũng ở trong tâm trạng đó khi đọc 'Đêm Giữa Ban Ngày' của Vũ Thư Hiên và Hoa Xuyên Tuyết của Bùi Tín. Khó tin vì tôi nghĩ chẳng lẽ mấy vị như HCM, Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Phạm Văn Đồng, Trường Chinh, v.v. trông có vẻ rất uy nghi mà lại có những hành xử rất ‘trần ai’ như mô tả trong sách. Nhưng sau này, đọc nhiều sách của những nhân vật trong cuộc ngoài Bắc mới thấy những sự kiện họ kể lại trong sách là rất khả tín. Những cuốn sách của các tác giả đó có tác động như mở mắt cho tôi.
Tác giả Trần Đĩnh (tên thật là Trần Kim Đĩnh) mới qua đời tuần vừa qua (ngày 12/5/2022) tại Sài Gòn. Ông thọ 93 tuổi. Các bạn trẻ có lẽ không nghe hay biết đến ông, nhưng ông là một chứng nhân quan trọng. Ông là người từng chấp bút viết tiểu sử cho Hồ Chí Minh và từng tiếp xúc với nhiều nhân vật cộng sản cao cấp trong An Toàn Khu ở miền Bắc trong thập niên 1950. Trong vai trò đó, ông biết rất nhiều chuyện 'thâm cung bí sử' của các nhân vật lãnh đạo miền Bắc. Những câu chuyện được ông ghi chép lại khá cẩn thận, nhưng không thể in được ở trong nước. Năm 2014, Nhà xuất bản Người Việt Books ở California ấn hành cuốn 'Đèn Cù' cho ông.
Đèn Cù không hẳn là hồi ký, mà là những mảnh ký ức vụn của ông trong vai trò một ký giả kỳ cựu. Trong sách, ông giãi bày những cảm tưởng, ghi lại những sự kiện lịch sử, và những câu chuyện mà sách giáo khoa và văn bản chánh thức của đảng không bao giờ đề cập đến.
CHUYỆN TỬ HÌNH BÀ NGUYỄN THỊ NĂM
Chẳng hạn như chuyện ông HCM cải trang đi xem buổi hành hình bà Nguyễn Thị Năm được mô tả rất chi tiết. Trần Đĩnh kể rằng hôm đấu tố bà Nguyễn Thị Năm, “Cụ Hồ bịt râu đến dự một buổi và Trường Chinh thì đeo kính râm suốt”. Khi bà Năm bị bắn chết và người ta phải đưa thi thể bà vào cái hòm, nhưng cái hòm thô sơ và nhỏ nên không vừa với thi thể của bà. Thế là các “Du kích mấy người bèn đặt bà ta nằm trên miệng cỗ áo rồi nhảy lên vừa giẫm vừa hô…” Sau đó người ta đem thi hài của bà đi đâu chẳng có thân nhân nào biết (nghe nói sau này năm 1993 thân nhân tìm được mộ qua một nhà ngoại cảm). Đọc mà hình dung cảnh đó sao tôi thấy rợn người.
Cần nói thêm rằng bà Nguyễn Thị Năm (Cát Hanh Long) như chúng ta biết là một 'đại gia' (nói theo ngôn ngữ ngày nay), nhưng cũng là một ân nhân của ông Hồ và những người lãnh đạo cao cấp trong đảng. Bà đóng góp 700 lạng vàng cho Việt Minh. Con trai của bà theo Việt Minh và làm sĩ quan trong quân đội. Các lãnh đạo Việt Minh thời đó như Trường Chinh và Hoàng Quốc Việt đều tá túc hay được bà giúp đỡ. Nói chung, bà là người tư sản và là người tốt bụng.
Nhưng Nhà văn Trần Đĩnh kể trong “Đèn cù” rằng trước khi đem bà đi bắn, ông HCM Minh qua bút danh “C.B” viết bài “Địa chủ ác ghê” trên báo Nhân Dân tố cáo bà Nguyễn Thị Năm từng giết chết 14 nông dân, làm chết 32 gia đình, phản cách mạnh, v.v. Bài viết đậm chất đấu tố cũng là bản án dành cho bà Nguyễn Thị Năm: tử hình.
ÔNG ĐỖ MƯỜI BỊ BỆNH TÂM THẦN?
Một trong những tiết lộ thú vị nhứt của Đèn Cù là ông Đỗ Mười, theo Trần Đĩnh, là người có vấn đề tâm thần. Ông viết rằng có lúc ông Đỗ Mười phải nhập viện khoa tâm thần Việt - Xô. "Khi lên cơn, ông leo lên cái cây cạnh cổng đứng xoạc chân cành cao cành thấp giơ tay hét xung phong. Các cô y tá ra dỗ bác xuống đều ù té chạy. Bác mặc quần đùi, trận địa pháo đài bày ra hết. Mà các cô thì không ở nam khoa, nội tiết. Sau gien điên của Đỗ Mười đã bền bỉ truyền sang cả con trai và cháu. Đồn rằng đặc điểm là thạo ăn người".
Tôi không hiểu "thạo ăn người" có ý nghĩa gì. Nhưng trong sách có nhiều chỗ ông viết rất khó hiểu như thế.
NHÀ TƯ TƯỞNG LÊ DUẨN VÀ RAU MUỐNG
Trần Đĩnh kể rằng ông Lê Duẩn thích thể hiện như là một nhà tư tưởng. Một hôm ông soạn một cương lĩnh về con người và phụ tá lái xe mời GS Trần Đức Thảo đến để nghe ông thuyết trình. Khi nói xong, GS Thảo ngồi yên, không có ý kiến. Khi phụ tá của ông Duẩn nhắc nhở, GS Thảo buông một câu rằng ông chẳng hiểu gì cả. Thế là Duẩn nổi nóng "thượng cẳng tay hạ cẳng chân" cho GS Thảo một phen suýt chết. Lê Duẩn còn 'phạt' để cho GS Thảo đi bộ vài cây số về nhà.
Ông Lê Duẩn đề nghị BS Phạm Ngọc Thạch nghiên cứu xem một chén cơm ăn với rau muống luộc và rau muốn xào thì ai nào giàu dinh dưỡng hơn. Tác giả viết "Tôi nghĩ ngay việc gì phải Phạm Ngọc Thạch nghiên cứu, cứ bày lên bàn ông Duẩn hai dúm cơm, một rang mỡ, một không là kiến nó cho ý kiến nó ngay không phải chờ Phạm Ngọc Thạch chỉ thị cho ngành y tế".
CHUYỆN BS PHẠM NGỌC THẠCH
BS Phạm Ngọc Thạch là dân Nam bộ, Tây học, và người có cá tánh. Ông tự lái xe hơi chứ không cần tài xế. Trong Đèn Cù, Trần Đĩnh kể rằng khi một đồng nghiệp Nam bộ của ông là BS Nguyễn Văn Cương qua đời ở Hải Phòng, ông tự lái xe xuống Hải Phòng để đưa đám. Khi tới nơi, ông thấy tượng Phật và chuông mõ còn trong nhà mà không đưa theo linh cữu, nên ông nổi nóng nói: "Tin hay không là chuyện riêng của các anh; còn tất cả chúng ta đều phải tôn trọng tín ngưỡng của người thân đã khuất’”.
CHUYỆN VỀ NHỮNG "THẰNG"
Chữ 'thằng' bây giờ rất nổi tiếng, nhứt là sau chuyến công du của ông thủ tướng PMC. Nhưng nếu đọc Đèn Cù, các bạn sẽ gặp rất nhiều 'thằng' được đề cập đến trong những buổi gặp mặt riêng tư. Trần Đĩnh kể rằng ông Nguyễn Chí Thanh (đại tướng) rất mê Tàu và hay nói chuyện bỗ bã. Có lần ông Thanh lý giải rằng bún là món ăn xa xỉ, rằng "thịt chó phải đi với thằng bún và"thằng mắm tôm".
Nhưng ngạc nhiên là 'thằng' còn được dùng cho một tổ chức quốc tế. Đọc Đèn Cù, thấy có đoạn tác giả trích lại câu nói của ông Đỗ Mười nói về Liên Hiệp Quốc như sau:
"Anh có biết Liên Hợp Quốc là gì không? Nó là thằng địch phản động, thế mà anh lại giúp nó vu cáo ta, gây sức ép với ta bằng lá thư của anh. Nó đang chửi ta vi phạm nhân quyền kia kìa".
Có một điều đáng chú ý là các nhân vật như ông HCM, Võ Nguyên Giáp, và cả Phạm Văn Đồng không thấy họ dùng chữ 'thằng'. Chỉ có mấy người như Đỗ Mười, Lê Duẩn, Nguyễn Chí Thanh, v.v. hay dùng chữ 'thằng'. Cái khác biệt giữa hai nhóm này là một bên là nhóm có học thức và một bên là hơi kém học thức.
Nói chung, trong Đèn Cù, Trần Đĩnh vẽ chân dung của những người trong vai trò lãnh đạo ngoài Bắc rất ư là ... 'trần ai'. Khó biết được bao nhiêu những gì kể trong sách là thật, nhưng nhiều điều được viết ra trong sách có vẻ nhứt quán với, và giải thích được, những gì xảy ra ngày nay. Tác giả Trần Đĩnh đã ra người thiên cổ nhưng những gì ông kể lại sẽ là chất liệu và chứng từ để thế hệ sau nghiên cứu về lịch sử cận đại của Việt Nam.
N.V.T.
Nguồn: FB Nguyễn Tuấn

NHỚ LẦN GẶP CỤ ĐĨNH

NGUYỄN THÔNG/ TD 20-5-2022


Hôm rồi (ngày 19.5), cách nay đúng một tuần, mạng xã hội dày đặc thông tin về một người đầy vết tích lịch sử, cụ Trần Đĩnh - nhà văn, nhà báo, dịch giả, người chấp bút cuốn hồi ký nổi tiếng “Bất khuất” ghi lại những ngày tháng lao tù của nhà cách mạng Nguyễn Đức Thuận. Chỉ có điều, gần như không hé một chữ nào trên báo chí truyền thông chính thống, trên hơn 800 tờ báo và tạp chí, trên gần trăm đài truyền hình, mà người ta quen gọi là báo chí tivi quốc doanh, mậu dịch.
Tôi cũng không biên về sự cụ Đĩnh khuất núi ngay, bởi muốn tránh cái tiếng "đu trent", chẳng hạn ai đó chê đã biết về cụ được bao nhiêu mà khoe...
Cụ Trần Đĩnh mất ngày 12.5.2022, thọ 92 tuổi tây tròn (thực ra dư vài ngày, bởi theo tiểu sử ghi trên cuốn “Đèn cù” thì cụ sinh ngày 9.5.1930). Thế hệ tôi, ra đời giữa thập niên 50, sống ở miền Bắc, đều ít nhiều biết đến cái tên rất danh tiếng Trần Đĩnh. Cả trên kênh công khai lẫn kênh thì thào.
Cụ Đĩnh là nhà báo nổi tiếng, lại làm ở tờ báo Nhân Dân chúa trùm, thuộc lớp làm báo cộng sản tiên phong từ thời kháng chiến chống Pháp, khi đã được “vua biết mặt, chúa biết tên” thì những hậu sinh như Hồng Hà, Hà Đăng, Hữu Thọ, Hồng Vinh, Đinh Thế Huynh… chưa là gì. Có chăng, chỉ những đấng bậc Hoàng Tùng, Thép Mới, Lưu Quý Kỳ, Nguyễn Thành Lê, Quang Đạm, Phan Quang… thì xem như Trần Đĩnh bằng vai phải lứa, sàn sàn nhau.
Phải nói khách quan rằng, báo Nhân Dân thời ấy lắm người tài, nhưng số cứng cỏi khí tiết, không chịu khuất phục cường quyền, không ngoan ngoãn cúi đầu trước cấp trên như cụ Đĩnh rất hiếm. Có lẽ ông chịu ảnh hưởng một phần từ người anh trai là nhà báo Trần Châu, một yếu nhân của Thông tấn xã Việt Nam, từng bị cầm tù nhiều năm do chính quyền Hà Nội quy tội tham gia nhóm xét lại chống đảng. Những năm ấy, dù có là ông giời đi chăng nữa, mà bị gắn mác xét lại, kể như lên đoạn đầu đài. Biết bao người tốt, tài giỏi, tử tế đã bị nhốt lao tù, đày đọa, tước đoạt quyền sống chỉ bởi thứ “tội” xét lại ấy.
Lứa chúng tôi lúc đầu nghe danh Trần Đĩnh qua sự phổ biến cuốn sách gối đầu giường bấy giờ, cuốn “Bất khuất”, Nguyễn Đức Thuận kể, Trần Đĩnh ghi. Còn 2 cuốn “gối đầu giường” hàng nội nữa cùng thời, là “Sống như anh” của nhà báo Trần Đình Vân và “Người mẹ cầm súng” của nhà văn Nguyễn Thi. Nói “hàng nội”, bởi hàng ngoại có “Thép đã tôi thế đấy”, “Nhật ký Lôi Phong”, “Ruồi trâu”. Ba cuốn nội vừa nhắc đều là tác phẩm thể loại ký, ghi người thực việc thực. Tất nhiên thực đến đâu thì chỉ có người trong cuộc (người kể và người chấp bút) mới biết. Trong 3 cuốn, “Bất khuất” là cuốn tày tặn, công phu, văn phong đĩnh đạc nhất.
Đó là nhờ cái tài của cụ Trần Đĩnh. Những ai học cấp 2, cấp 3 ở miền Bắc những năm 60 chắc chẳng thể quên bài học “Trong xà lim án chém” ghi về cuộc đời ông Phạm Hùng (sau này làm tới Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng, tức thủ tướng), và hai bài trích trong cuốn “Bất khuất”, đều do Trần Đĩnh chấp bút. Một lối viết cực kỳ cuốn hút. Sau này người ta (cố ý) chỉ nói tác phẩm “Bất khuất” là của tác giả Nguyễn Đức Thuận mà lờ Trần Đĩnh đi. Phải thẳng thắn thế này: Cụ Nguyễn Đức Thuận là nhà cách mạng nổi tiếng, nhưng để được “phong tặng” thành tác giả cuốn sách đầy chất văn như “Bất khuất” thì quả thực chưa đủ tầm.
Không có một cây bút lão luyện như Trần Đĩnh, đảm bảo sẽ không có “Bất khuất” mà ta đã biết, còn nếu người kể không nhờ Trần Đĩnh ghi/chấp bút, mà nhờ người khác, tất nhiên cũng sẽ có “Bất khuất” nhưng chất lượng nó thế nào, chả ai dám chắc.
Cuốn “Bất khuất” khi mới ra đời được lăng xê khiếp lắm. Tôi khi ấy còn bé, mới học cấp 2 nhưng được đọc từ tủ sách (chưa có thư viện mà chỉ khiêm tốn ở dạng tủ sách) của trường. Còn nhớ như in cuốn sách xuất bản lần đầu không phải chỉ cụt lủn cái tên sách “Bất khuất” như sau này, mà dài thoòng: “Bất khuất - Từ những trận chiến đấu ác liệt, thắng lợi trở về”, hai chữ đầu do ông Tố Hữu đặt, bổ sung, những chữ sau do Trần Đĩnh đặt, là tên gốc của tác phẩm. Và rất rõ ràng, như mọi cuốn hồi ký thời bấy giờ, luôn có tên người kể và người ghi. Bản in cuốn “Bất khuất” đề rõ ở trang trong: Nguyễn Đức Thuận kể, Trần Đĩnh ghi.
Vậy mà sau này người ta cố lập lờ, kiểu như “trong cuốn Đèn cù, Trần Đĩnh tự nhận là người chấp bút cuốn hồi ký “Bất khuất”, giống như bảo cụ Trần Đĩnh nhận vơ, tranh công. Cái thói xấu của tuyên giáo xứ này là khi đã ghét thì “đào đất đổ đi” (ngay cả cái vết chân của kẻ mà mình ghét, mình cũng không chịu được, phải đào vứt đi cho khuất mắt), phủ nhận sạch sành sanh. Lâu nay, đâu phải chỉ riêng cụ Trần Đĩnh thọ nạn tuyên giáo.

Như đã biên và kể, lứa chúng tôi được thày bu sinh ra giữa thập niên 50, lúc đầu biết đến tên tuổi, danh tiếng Trần Đĩnh qua kênh chính thống, cụ thể là sách giáo khoa và báo mậu dịch. Cũng chỉ tới mức biết đó là một nhà báo, một người chấp bút hồi ký có tài. Vậy thôi. Bao nhiêu năm, cái tên ấy bị chìm khuất giữa cả rừng yếu nhân chính trị và văn nghệ nổi tiếng hơn, thậm chí dần dà người ta không nhớ, không nhắc tới nữa.
Nghĩ vậy mà không phải vậy. Tới đầu thập niên 70, chúng tôi lại được nghe cái tên Trần Đĩnh, nhưng không phải qua kênh “chính thống” mà từ những cuộc nhỏ to, lén lút, thì thầm, xì xào. Cuộc nội chiến Bắc Nam đang rất ác liệt cuốn hút tất cả mọi thứ, dường như khiến người ta quên đi biết bao điều ghê gớm đã và đang diễn ra.
Chúng tôi nghe trong những cuộc rỉ tai về chuyện thanh trừng nội bộ đảng và chính quyền, nghe những cái tên Hoàng Minh Chính, Lê Liêm, Nguyễn Minh Cần, Vũ Đình Huỳnh (cha) - Vũ Thư Hiên (con), Đặng Kim Giang, Nguyễn Kiến Giang, Ung Văn Khiêm, Bùi Ngọc Tấn, và cả Trần Đĩnh nữa.
Cái người từng ghi dấu ấn đỏ chói cho thể loại hồi ký với cuốn “Bất khuất”, nay cũng bị lôi ra đấu tố. Không một ai dám can, dám bênh vực người bị hàm oan. Đến cụ Vũ Đình Huỳnh đấng bậc mà còn bị ‘làm cho hại cho tàn cho cân, đã đày vào kiếp phong trần, sao cho sỉ nhục một lần mới thôi”, người tri kỷ của cụ còn làm ngơ ngoảnh mặt, thì Trần Đĩnh đã là “thá” gì. Chỉ may mắn hơn, ở chỗ cụ Đĩnh không bị bắt, không bị giam như những đàn anh Chính, Huỳnh, Kim Giang, Kiến Giang, hoặc ông anh ruột Trần Châu.
Năm 1973, khi mới vào đại học, một hôm tôi được ông anh đồng môn là bộ đội đi học, anh Bùi Trọng Cường kể, mới đi ngang qua trụ sở tòa án nhân dân thành phố Hà Nội, thấy công an đông nghẹt, nghe nói xét xử kết án ông “Hoàng Minh Chính và đồng bọn”. Giờ thì lịch sử đã phán xét họ vô tội, bị hàm oan, nhưng oan khuất cứ lặng lẽ trôi qua, không một quan chức cầm đầu nào thay mặt cho cái chính thể này lên tiếng nhận lỗi, xin lỗi họ. Cũng như những vụ cải cách ruộng đất, vụ nhân văn giai phẩm, vụ đánh tư sản… vậy.
Nhớ hồi anh Nguyễn Quốc Tuấn (con cụ Nguyễn Kiến Giang) còn tại thế, anh vào Sài Gòn, tôi có dịp gặp, tò mò hỏi rằng, họ có bao giờ xin lỗi cụ thân sinh và gia đình không, anh Tuấn khoát tay bảo không bao giờ. Chả riêng gì với cụ Kiến Giang mà ai cũng bị đối xử như vậy. Nhân chứng hiện chẳng còn bao nhiêu, cứ rơi rụng dần, như cụ Đĩnh vừa rồi. Nếu ai không biết hoặc không tin có chuyện này, vẫn còn bác Vũ Thư Hiên con cụ Huỳnh thư ký trợ lý thân cận của cụ Hồ kia, là người trong cuộc, bác ấy còn khỏe, còn minh mẫn, sẽ kể cho mà nghe.
Cụ Trần Đĩnh sau cái đận tai bay vạ gió ấy gần như vắng bặt trong đời sống tinh thần, văn hóa văn nghệ xứ này. Tưởng mất hút như bao số phận hẩm hiu, thế rồi đùng một cái, lừng lẫy với cuốn “Đèn cù” năm 2014. Trước đó người ta đã truyền tai nhau về “Đèn cù”, cũng như có thời khi gặp nhau nhấm nháy hỏi nhau đã coi “Làm người là khó” (của Đoàn Duy Thành), “Hồi ký Nguyễn Đăng Mạnh”, “Đêm giữa ban ngày” (Vũ Thư Hiên), "Bên thắng cuộc" (Huy Đức)… chưa.
Cuốn sách (Đèn cù) khá dày, 600 trang đúng, của người trong cuộc, nói như các cụ xưa “không ở trong chăn sao biết chăn có rận”, độ đúng sai, chân thực thế nào còn tùy góc độ của người đánh giá, nhưng Trần Đĩnh, cũng như Đoàn Duy Thành, Trần Độ, Nguyễn Đăng Mạnh, Bùi Ngọc Tấn, Vũ Thư Hiên… đã giúp thế nhân lần vào được những góc khuất mà nhà cai trị cố tình bưng bít, giấu giếm.
Tôi nhẩn nha kể vậy, còn cái đoạn gặp cụ Đĩnh xương thịt thế nào, xin được khất lại phần sau.
(Còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét